HV-35: Sắc màu hoa Mẫu đơn

 Recent Pages:  1    3  4  4a  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 10d 11 12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35  35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61

Sắc màu hoa Mẫu đơn

Hoa Mẫu đơn có nguồn gốc ở châu Á, miền nam châu Âu và miền tây Bắc Mỹ, là một trong những cây hoa được con người biết đến từ rất sớm, cách đây đã gần 4000 năm.

Mẫu đơn là loài hoa đẹp lộng lẫy và sang trọng, với màu sắc nổi bật từ đỏ tới hồng, trắng, vàng, cho đến các màu nhẹ nhàng như vàng nhạt, hồng nhạt, cam nhạt… . Bông hoa to ngay cả lúc mới là nụ tròn trịa xinh xinh và càng to hơn khi đã nở, với nhiều cánh hoa đan xen lẫn nhau tạo nên vẻ đẹp rất trang nhã, thanh tao của loài hoa này. Màu sắc hoa vô cùng nữ tính và hương hoa nhẹ nhàng, hoa nở vào cuối mùa xuân hay đầu mùa hè.

Mẫu đơn có hoa to lớn trông mạnh mẽ nhưng cành nhánh lại rất yếu. Chỉ sau cơn mưa lớn bước ra vườn sẽ thấy những cành mẫu đơn nằm rạp xuống đất, hoa lá tơi tả, nhưng hoa Mẫu đơn vẫn nở đẹp huy hoàng trong nắng, vẫn được yêu thích và ngưỡng mộ. Đặc biệt, hoa này còn là vị thuốc có công dụng tốt trong trị liệu nhiều thứ bệnh thông qua một số phương thuốc dân gian khá hiệu quả.

Hiện nay Mẫu đơn nở khắp nơi trên thế giới, không chỉ riêng ở Trung quốc, loài hoa dễ được nhiều người yêu chuộng đã trở thành biểu tượng một vài nơi. Đặc biệt vùng Bayern từ lâu Mẫu đơn được trồng khắp nơi, như đã hội nhập với cảnh làng quê Bayern. Vào tháng 6 nếu  bạn có dịp qua các vùng quê Bayern bạn sẽ thấy Mẫu đơn chọn Bayern làm chốn quê nhà, với tên  Bauernpfingstrose (tạm dịch : Dã mẫu đơn ).

Hoa Mẫu đơn 2014, (225)

Khi những nhà truyền giáo đạo Phật đến Nhật Bản, họ đã đem theo kiến thức về những bông hoa Mẫu đơn này. Người Nhật luôn là một dân tộc yêu hoa, nên bông hoa đẹp mới đến nhanh chóng trở thành một phần trong văn hóa của họ. Tại Nhật Bản, Paeonia lactiflora đã từng được gọi là ebisugusuri (“y học cổ truyền Trung Hoa”). Mẫu đơn là bông hoa của Tháng Sáu ở Nhật Bản. Và ở Nhật Bản, Mẫu Đơn tượng trưng cho cuộc hôn nhân hạnh phúc với nhiều con cháu.

Hoa mẫu đơn là một trong số các hoa đã được sử dụng lâu nhất trong các bức họa, hoa văn trang trí, các vật dụng thủ công mỹ nghệ… xưa và nay.

Ngày nay, Mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh.

Hoa Mẫu đơn 2014, (184)

Từ Trung Hoa và Nhật Bản, hoa Mẫu đơn chu du sang tận đỉnh núi Olympus, tìm cho mình một cái tên.

Tên tiếng Việt : Hoa Mẫu Đơn
Tên Hồng Kông : Sho-Yo (hay Shao-Yao)
Tên tiếng Anh : Peony
Tên tiếng Pháp : Pivoine officinale
Tên Latin : Paeonia officinalis
Tên khoa học : Paeonia lactiflora
Họ : Paeoniaceae

Mẫu đơn được nhập vào Anh quốc năm 1794, và nước Pháp vào năm 1803..

Theo một truyền thuyết cho rằng:

Peony được đặt tên theo Paeon, một thầy thuốc học trò của Thần Y Asclepius trong thần thoại Hy Lạp.Ông được nữ thần Leto (mẹ của thần Mặt Trời Apollo) mách bảo cách lấy được chiếc rễ thần kỳ mọc trên đỉnh Olympus mà nó có thể xoa dịu được cơn đau của người phụ nữ khi sanh nở. Asclepius trở nên ghen tức với Paeon. Để cứu Paeon thoát chết vì sự phẫn nộ của Asclepius, thần Zeus đã biến ông thành một bông hoa Mẫu đơn.

Hoa Mẫu đơn (4)Hoa Mẫu đơn (6)Hoa Mẫu đơn 2014 (4)Hoa Mẫu đơn 2014 (12)Hoa Mẫu đơn 2014 (10)Hoa Mẫu đơn 2014 (7)Hoa Mẫu đơn 2014 (1)

Ngày nay, Mẫu đơn là biểu tượng của sự thịnh vượng, phồn vinh. Từ xa xưa, loài hoa vương giả này chỉ thuộc sở hữu của giới quý tộc giàu có ở Hồng Kông. Bông hoa quốc sắc thiên hương này từng rất được ưu ái qua nhiều triều đại, với mệnh danh “Chúa của muôn hoa”. Nhất là giai đoạn từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 13 sau Công Nguyên. Mẫu đơn được ca tụng trong văn thơ, nhạc và tranh vẽ lúc bấy giờ.

Mẫu đơn 2010 (1)

Vườn Quốc Gia Trung Quốc (2)Thành phố Lạc Dương (tiếng La Tinh là Luoyang, 1 trong 4 thành phố cổ kính nhất Hồng Kông), nổi tiếng về nhiều chủng loại Mẫu đơn phong phú, rực rỡ sắc màu nhờ thời tiết ôn hòa và đất đai thích hợp. Thành phố Lạc Dương được xem là quê hương của hoa Mẫu đơn. Niềm say mê loài hoa của người dân nơi đây đã có từ ngàn xưa. Người dân thành Lạc Dương đã bắt đầu trồng hoa mẫu đơn từ hơn 1.500 năm trước, vào thời nhà Tùy.

Hoa Mẫu đơn tượng trưng cho sự giàu có, sắc đẹp, viên mãn, phồn vinh…, nên hoa mẫu đơn luôn chiếm vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Lạc Dương nói riêng và Trung Hoa nói chung. Mùa hoa Mẫu đơn tại Lạc Dương thường kéo dài trong khoảng 40 ngày, từ đầu tháng 4 đến thượng tuần tháng 5, những thảm hoa Mẫu đơn rực rỡ với hơn 110.800 loại khác nhau. Tháng 4 là tháng của Hoa Mẫu Đơn, thật sự là mùa vui cho những người yêu hoa ở xứ sở này. Hoa Mẫu đơn nở đẹp lộng lẫy, hương thơm, sắc màu hoa hiện diện khắp nơi trong thành phố. Và lễ hội Mẫu đơn Lạc Dương – Lạc Dương Peony Festival được tổ chức từ 15/4 – 25/4 hằng năm là một lễ hội văn hóa lớn, niềm tự hào của cư dân Lạc Dương. Suốt mùa lễ hội, tưng bừng những đèn lồng sặc sỡ, các hoạt động kinh tế cũng khá nhộn nhịp, không khí vui tươi và gây một ấn tượng sâu sắc cho tất cả các du khách trên khắp thế giới đến chơi. Ở Lạc Dương có những loài Mẫu đơn quý hiếm, màu sắc thay đổi lạ, hay cả những bông hoa lớn đến hàng trăm cánh, sống đã hàng trăm tuổi.

Vườn Quốc Gia Trung Quốc (1)Ngày 21/9/1982, người dân Lạc Dương chính thức chọn Mẫu đơn là biểu tượng hoa của thành phố mình. Vào mùa hoa mẫu đơn, cả thành phố Lạc Dương sẽ chìm đắm trong không khí lễ hội tưng bừng, có 3 địa điểm để thưởng thức hoa mẫu đơn nổi tiếng tại thành phố Lạc Dương, gồm Hoa viên Thần Châu, Vườn Quốc Gia Trung Quốc và công viên Vương Thành. Hoa mẫu đơn bừng nở rực rỡ bên cạnh các kiến trúc mang đậm phong cách thời nhà Đường, tạo nên khung cảnh thần tiên, thoát tục và gây ấn tượng mạnh mẽ, khó quên trong lòng du khách. Vườn Quốc Gia Trung Quốc là vườn hoa Mẫu đơn có quy mô lớn nhất đất nước này, cách thành phố Lạc Dương 4km. Với diện tích 700 ha, quy tụ hàng ngàn giống hoa mẫu đơn mới, phong phú về màu sắc kiểu dáng, trong đó hơn 50 giống nở lâu đến thượng tuần tháng 5, Vườn Quốc gia Trung Quốc còn được xem là bảo tàng gen hoa Mẫu đơn và cũng là nơi diễn ra những hoạt động chính của lễ hội.

Hoa Mẫu đơn (10)Hoa Mẫu đơn 2014 (13)Hoa Mẫu đơn 2014 (11)Hoa Mẫu Đơn 2014 (22)Flower (13)Hoa Mẫu đơn (2)

Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến những khả năng kỳ diệu lạ thường của cây hoa mà người ta đã lưu truyền trong dân gian. Đông y cho rằng hoa Mẫu đơn có tính bình, vị đắng, đi vào kinh là tâm, can và thận. Dược tính của Mẫu đơn chủ yếu ở vỏ rễ và hạt. Vỏ rễ có tính kháng sinh, giúp giảm đau, trị bỏng, làm giảm huyết áp, đêm sốt, chữa bệnh vàng da, dị ứng, nhọt độc sưng…Hoa có công dụng điều kinh hoạt huyết, khư ứ hành trệ, thường được dùng chữa cho phụ nữ, kể cả trường hợp bị trật tay chân, tổn thương, đau ở vùng lưng và eo. Vỏ rễ cây hoa mẫu đơn được dùng làm vị thuốc có tên gọi là đan bì hay mẫu đơn bì. Hạt hoa từng được xem như một loại gia vị thông dụng.

Mẫu đơn bì là vỏ rễ của cây hoa mẫu đơn (Paeonia suffruticosa Andr,) họ Hoàng liên (Ranunculaceae) phơi khô, vị hơi đắng và se. Mùi thơm đặc biệt. Thu hoạch vào mùa thu, đào lấy rễ, loại bỏ rễ nhỏ và đất, bóc lấy vỏ rễ, rửa sạch nhanh, ủ mềm, thái đoạn, phơi khô. Bảo quản trong bao bì kín, để nơi khô, mát, tránh nóng để giữ hương vị.

Khoảng năm 77 sau Công Nguyên, trong cuốn sách Pliny”s Natural History đã mô tả chi tiết về cây hoa và 20 bệnh chữa bằng những bộ phận của nó. Không lâu sau đó, Dioscoride cũng đã viết một luận án về những cây thảo dược, trong đó có Peony. Vì là một cây thuốc quan trọng, dược liệu Mẫu đơn được sản xuất với lượng lớn hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu ở Hồng Kông và thế giới.

Hoa mẫu đơn – Peony còn là biểu tượng hoa lần thứ tư của tiểu bang Indiana – Hoa Kỳ từ ngày 13/3/1957. Thật vậy, quốc hoa đầu tiên được chọn là Cẩm Chướng (15/3/1913), rồi đến Tulip – Uất kim hương (1/3/1923), Cúc Zinnia (chưa đầy 10 năm sau đó) và sự đổi ngôi cuối cùng mới dành cho Mẫu đơn – Peony.

Hoa Mẫu đơn 2014 (14)Hoa Mẫu đơn 2014 (6)Hoa Mẫu đơn 2014, (193)Hoa Mẫu đơn 2014 (9)Hoa Mẫu đơn 2014 (3)

Với vẻ đẹp của Hoa Mẫu Đơn, hoa Mẫu Đơn được mệnh danh là bà chúa của các loài hoa. Và vẻ đẹp sang trọng, quý phái, người đời ví đây là biểu tượng của phú quý, vì thế trong các dịp khai trương, sinh nhật, người ta hay tặng nhau tượng, tranh mẫu đơn hoặc hoa Mẫu Đơn để chúc nhau ngày càng phú quý, giàu sang, may mắn và vui tươi.

Hoa Mẫu Đơn 2014.. (16)Hoa Mẫu Đơn 2014 (27)

Tích Truyện Xa Xưa Về Hoa Mẫu Đơn

Ngày xưa… ở một làng miền núi có một bà mẹ. Bà mẹ sinh được mười người con trai. Làng của mẹ bị giặc chiếm đóng. Người cha của mười anh con trai bị giặc giết ngay từ ngày đầu tiên, khi chúng tiến vào làng. Mười người con trai của bà vào đội quân chống giặc ở trong núi. Người con trai cả là chủ tướng của đội quân. Đội quân nay đã làm cho bọn giặc thất điên bát đảo. Đã nhiều lần giặc mở những trận càn quét mà không sao tiêu diệt được đội quân của cái làng bé nhỏ ấy.

Tên tướng giặc sai quân bắt bà mẹ đến, hắn bảo:

– Này mụ già, mụ hãy khuyên các con mụ trở về. Ta sẽ cho con mụ làm tướng. Bằng không, ta sẽ giết mụ.

Bà mẹ nhìn thẳng vào mắt tên tướng giặc, nói lớn:

– Hỡi quân độc ác! Hẳn nhà ngươi cũng có một bà mẹ. Mẹ ngươi chắc không bao giờ dạy người phản bội lại quê hương. Là một người chân chính, ta cũng không thể dạy các con ta phản bội lại quê nhà.

Bọn giặc trói mẹ trên một ngọn đồi rồi cho quân mai phục hòng bắt được những người con của mẹ đến cứu. Chúng bảo bà mẹ hãy đứng dậy mà gọi con, chúng sẽ tha. Tiếng người mẹ:

– Hỡi các con của mẹ! Hỡi những người con của quê hương. Ta nhân danh người mẹ, ra lệnh cho các con không được vì ta mà phản bội quê hương.

Mệnh lệnh của người mẹ là mệnh lệnh trái tim, mệnh lệnh của tình yêu vĩ đại. Mệnh lệnh đó lan khắp núi rừng. Bọn giặc run sợ. Những người con của mẹ thì thêm sức mạnh chiến đấu. Giặc bịt miệng bà mẹ. Chúng đổ nhựa thông và nhựa trám lên đầu bà và châm lửa đốt. Ngọn lửa cháy sáng cả một vùng…

Khi bọn giặc đi rồi, dân làng lên đồi tìm chỗ bà mẹ bị hành hình, người ta thấy trái tim của người mẹ vẫn nguyên vẹn và nóng bỏng. Dân làng chôn mẹ ngay trên đỉnh đồi. Đêm đêm, từ ngôi mộ, trái tim mẹ vẫn phát sáng cả một vùng trời.

Mùa xuân đến. Từ ngôi mộ, trái tim ấy mọc lên một cái cây. Cây ra hoa. Bông hoa đỏ chót hình ngọn lửa bốc lên từ trái tim người mẹ. Và cũng từ ngày ấy có một loại hoa mang tên Mẫu Đơn. Loài hoa này tượng trưng cho người mẹ đã chiến đấu bằng cả trái tim …

Hoa Mẫu Đơn 2014 (4)Hoa Mẫu đơn (9)

 Bạch thược dược (Paeonia lactiflora)

Paeonia lactiflora 'White Wings' hoa đơn

Thược dược TQ (danh pháp hai phần: Paeonia lactiflora) là một loài thực vật trong họ Paeoniaceae. Loài này được tìm thấy ở Trung Quốc. Đây là cây hoa trồng trong vườn phổ biến, là cây thân thảo sống lâu năm, có nguồn gốc từ Trung và Đông Á từ miền Đông Tây Tạng trên khắp miền bắc Trung Quốc với miền Đông Siberia. Nó cao khoảng 60–100 cm với lá phức dài 20–40 cm. Nụ hoa lớn và tròn, mở thành hình bông hoa lớn có đường kính 8–16 cm, 5-10 với cánh hoa màu trắng, màu hồng hoặc đỏ thẫm và nhị hoa màu vàng.\

Loài cây này đã được du nhập lần đầu tiên đến Anh vào giữa thế kỷ 18. Ở Trung Quốc, nó ít có giá trị cao so với mẫu đơn rocki (Paeonia rockii) và Paeonia suffruticosa và cây lai của loài.

Trong Đông Y, nó được sử dụng như một loại dược thảo với tên gọi là 芍药 (thược dược) hoặc 白芍药 (bạch thược dược). Rể cây được sử dụng để làm giảm sốt và đau, và trên vết thương để cầm máu và ngăn ngừa nhiễm trùng. Một tác dụng chống co thắt cũng được ghi trong dược điển của Nhật Bản.

Truyền thuyết Bạch thược dược

Bạch thược dược (Paeonia Lactiflora) có hoa rất to, mọc ở ngọn thân, tựa như hoa mẫu đơn hay thược dược cảnh. Cánh hoa màu hồng nhạt hay trắng muốt, nhị vàng cam, rễ phình to thành củ. Củ này luộc chín phơi khô chính là vị thuốc bạch thược. Cây bạch thược này không phải là cây hoa thược dược (Dahlia variabilis Desf) vẫn được trồng nhiều trong dịp Tết.

Tương truyền, tác dụng chữa bệnh của bạch thược đã được danh y Hoa Đà phát hiện ra trong một tình huống rất ly kỳ. Để nhận biết và tránh nhầm lẫn các vị thuốc, ông đã trồng đủ thứ cây thuốc quanh nhà. Một hôm có người đem biếu ông cây hoa lạ, nói rằng có thể dùng chữa bệnh nhưng không rõ chữa được bệnh gì. Hoa Đà đem trồng ở góc sân bên cửa sổ.

Xuân tới, cây ra những bông hoa rất to, trắng muốt, thơm như hoa hồng. Ông thử hái hoa sắc uống nhưng không nhận thấy có gì khác lạ. Ông lại hái lá rồi hái cành đem thử cũng không phát hiện điều gì đặc biệt. Nghĩ rằng cây hoa này tuy đẹp nhưng không có tác dụng chữa bệnh nên mấy năm liền, Hoa Đà không để ý đến nó nữa.

Một đêm thu, Hoa Đà đang ngồi đọc sách, bỗng nghe thấy ngoài cửa sổ có tiếng con gái khóc thút thít. Nhìn ra, ông thấy dưới ánh trăng mờ, có một người con gái rất đẹp đang đứng đó khóc. Ông tự hỏi, không biết con gái nhà ai, chắc có nỗi oan ức nào đây. Ông khoác áo ra ngoài nhưng nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người nào nữa, chỗ cô gái đứng khóc chỉ còn một cây thược dược.

Hoa Đà đi vào và tự nhủ: “Cho dù nhà ngươi có linh tính thì bây giờ cũng đang là mùa thu, hoa đã tàn, lá đã rụng, còn sử dụng được vào việc gì?”.

Nhưng ông vừa ngồi xuống tiếp tục đọc sách thì lại nghe tiếng khóc thút thít, nhìn ra vẫn là cô gái ban nãy. Hoa Đà bước ra, cô lại biến mất, vẫn chỉ có cây bạch thược. Sự việc cứ lặp đi lặp lại mấy lần khiến Hoa Đà vô cùng ngạc nhiên. Ông bèn đánh thức vợ đang ngủ say dậy kể lại chuyện.

Bà nói: “Tất cả các cây trong vườn đều được ông sử dụng làm thuốc cứu người, chỉ có cây bạch thược này bị bỏ quên, chắc là nó có nỗi oan ức”. Hoa Đà bảo: “Tôi từng thử tất cả các bộ phận của nó thấy chả có tác dụng, vậy còn oan ức nỗi gì?”.

Bà vợ nói: “Ông mới thử những thứ trên mặt đất, còn rễ của nó thì sao?”. Nhưng danh y gạt đi: “Hoa lá cành còn chẳng có gì đặc biệt, vậy thì còn thử rễ làm gì?”. Dứt lời, ông nằm xuống ngủ thiếp đi. Bà vợ suốt đêm không sao chợp mắt, nghĩ rằng chồng mình đã thay đổi, không còn lắng nghe ý kiến của người khác như trước kia nữa.

Vài hôm sau, bà vợ Hoa Đà bỗng nhiên bị đau bụng, băng huyết rất nhiều, uống đủ thứ thuốc không đỡ. Bà liền lén ra vườn đào rễ cây bạch thược đem sắc uống. Chỉ nửa ngày sau, bụng đã hết đau, máu cũng không còn chảy nữa. Nghe vợ kể lại, Hoa Đà rất cảm kích: “Cảm ơn bà đã thức tỉnh ta, nếu không thì ta đã để mai một cây thuốc quýquý”.

Sau sự kiện đó, ông thử nghiệm và nhận thấy ngoài tác dụng giảm đau, cầm máu, rễ bạch thược còn có tác dụng dưỡng huyết và chữa được nhiều bệnh phụ khoa. Cây hoa lạ này ban đầu có tên bạch thược, sau đó Hoa Đà thêm chữ “dược” thành bạch thược dược.

Cùng với thời gian, Đông y phát hiện thêm nhiều công dụng nữa của cây bạch thược. Nó trở thành thuốc bổ huyết thiết yếu, phổ tác dụng rộng và tần suất sử dụng rất cao.

Paeonia lactiflora hoa Nhật Bản.

Cách bào chế: BẠCH THƯỢC

Tên khoa học: Paeonia lactiflora Pall.; Họ mao lương (Ranunculaceae)

Bộ phận dùng: Thân rễ. Dùng thứ to bằng đầu ngón tay hay ngón chân cái và dài 10 – 15cm, thịt trắng hồng, ít xơ. Thứ nhỏ, lõi đen sẫm là xấu. Hiện nay ta chỉ có thứ nhỏ, xơ nhiều, vỏ ngoài nhăn nheo (mua của Triều Tiên)

Không nhầm với xích thược: bên ngoài đỏ đen, nhiều xơ.

Thành phần hóa học: Có acid benzoic, tanin, tinh bột, đường; còn có paconon và paconon acetat.

Tính vị – quy kinh: Vị hơi đắng, chát, chua nhiều. Vào bốn kinh tâm, tỳ, phế và can.

Tác dụng: Thanh can, tư âm, liễm âm khí.

Chủ trị:

–   Dùng sống: trị đau nhức, trị các chứng tả lỵ, giải nhiệt, nên dùng để trị cảm mạo do chứng hư gây nên.

–   Sao tẩm: trị các chứng bệnh về huyết, thông kinh.

–   Sao cháy cạnh: trị băng huyết.

Liều dùng: Ngày dùng 6 – 12g.

Kiêng kỵ: Trúng hàn, đau bụng đi tả thì không nên dùng.

Cách bào chế:

Theo Trung y:

Dùng bạch thược nên lấy dao tre cạo sạch vỏ ngoài, tẩm mật loãng độ 3 giờ, phơi khô (Lôi Công).

Lý Thời Trân nói: “Phần nhiều dùng sống, muốn tránh hàn thì tẩm sao”. Nếu chữa bệnh huyết tháng của phụ nữ thì tẩm giấm sao.

Theo kinh nghiệm Việt Nam:

Có nhiều cách bào chế:

Dùng sống: rửa sạch, phơi khô, dùng đến đâu đập dập.

–   Rửa sạch, ngâm nước 2 – 3 giờ vớt ra ủ một đêm, hôm sau đem đồ mềm, ủ bao tải lại cho nóng, bào mỏng, sấy hay phơi khô. Không nên ngâm lâu mất chất (ra nước trắng).

–   Rửa sạch, ngâm qua 2 – 3 giờ, đồ qua, mỏ vung cho bay hơi, đậy vung lại để giữ nóng. Lấy dần ra bào mỏng, nếu nguội thì rắn khó bào. Làm ngày nào hết ngày hôm đó, không để sang ngày hôm khác (thường dùng).

Theo kinh nghiệm Viện Đông y:

Rửa sạch, ngâm nước thường 1 – 2 giờ (với thời gian ngâm này, chưa tiết ra nước trắng), ủ 1 – 2 đêm. Bào mỏng (thái thì đẹp nhưng lâu công) 1 – 2 ly, sao qua.

Nếu không ngâm chỉ ủ thôi thì 4 – 5 đêm mới mềm và sau mỗi đêm phải rửa nếu không thì mốc, và mỗi lần rửa như vậy thì nước rửa hóa ra nước trắng.

Dùng chín: có thể tùy theo đơn:

Tẩm giấm sao qua hoặc sao cháy cạnh.

Tẩm rượu sao qua.

Bảo quản: chưa bào chế thì thường phải sấy diêm sinh. Đã bào chế rồi thì để nơi khô ráo, tránh ẩm.

Soure: www.duoclieu.org

Paeonia lactiflora 'Blaze'

June 25 – 2014

Photos: hannahlinhflower
Words: LSV tổng hợp từ Wiki & Internet

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

♦ Wiki: Chi Mẫu đơn Trung Quốc
♦ duoclieu.org
♦ Zing vn: Hoa Mẫu đơn tại thành phố Lạc Dương
♦ Green Garden
♦ Mother Earth News
♦ www.duoclieu.org

Hoa Mẫu Đơn 2014 (34a) -

Chuyển đến trang:  1    3  4  4a  5  6  7  8  9  10 10a 10b 10c 10d 11 12 13 15 16 17 18
18a 19 20 21 22 23 24 25 26  26a 27 28 29 30 31 32 33 34
35  35a 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54
55 56 57 58 59 60 61