Từ Bi và Trí Tuệ

HT Thích Thanh Từ

Như chúng ta đã biết đạo Phật là đạo giác ngộ. Đức Phật ngồi thiền định dưới cội bồ-đề mà được giác ngộ. Ngài đi giáo hóa khắp nơi để truyền đạo giác ngộ này. Nhưng sao chúng ta không gọi là đạo giác ngộ mà gọi là đạo Phật.
 .
Phật nguyên tiếng Phạn là Buddha, Bud là giác, dha là người. Người giác ngộ đi truyền bá đạo giác ngộ. Nhưng nếu giải nghĩa chữ Phật là giác ngộ thì sợ người ta hiểu lầm. Bởi có những người làm ăn bất chánh không lương thiện, khi có ai nhắc nhở dạy bảo, họ bỏ điều bất chánh trở thành người lương thiện thì người ta sẽ nói anh ấy đã giác ngộ rồi.

Giác ngộ đó chỉ có nghĩa là bỏ cái xấu, cái dở để trở thành người tốt thôi. Nếu hiểu đạo Phật theo nghĩa giác ngộ như vậy thì đánh giá quá thấp đạo Phật, làm mất giá trị siêu thoát của đạo Phật. Bởi vậy trong nhà Phật để nguyên từ Phật.
.
Chúng ta học Phật, tu Phật là tu theo đạo giác ngộ. Mà đạo giác ngộ dĩ nhiên trí tuệ là căn bản không thể nào thiếu được. Người tu theo Phật dù xuất gia hay tại gia cũng phải mở sáng con mắt trí tuệ. Chúng ta hãy xét lại xem từ ngày phát tâm tu theo Phật đến giờ đã mở sáng trí tuệ được nhiều hay ít?

Có người khi nghe đến trí tuệ dường như sợ nên thường xưng Ngu tăng hay Phàm tăng như để nói lên sự khiêm nhường, họ ít nói đến sự giác ngộ. Mà chưa giác ngộ thì chưa phải tu theo đạo Phật. Ở đây, tôi không nói đến giác ngộ mà chỉ nói trí tuệ. Bởi vì trí tuệ mở màn cho giác ngộ cứu kính.

Chúng ta nhớ lời Phật dạy, người tu phải tự giác và giác tha. Tự giác là mở sáng trí tuệ của mình. Giác tha là đem trí tuệ đó đánh thức, cảnh tỉnh mọi người cùng giác ngộ. Tự giác là việc của mình. Giác tha là giúp cho người. Giúp cho người là lòng từ bi. Cho nên có giác ngộ rồi mới có từ bi. Chưa giác ngộ mà nói đến từ bi, chỉ là từ bi gượng thôi.

Nếu một vị Tăng đã thấy bổn phận mình phải truyền bá chánh pháp, phải thực hành hạnh từ bi mà không chịu tu, không thức tỉnh, không chịu giác ngộ thì chẳng biết vị ấy sẽ thực hành hạnh từ bi bằng cách nào? Chẳng lẽ chúng ta đi đắp đất, cuốc đường hay hốt rác cho thiên hạ. Từ bi như vậy người phàm tục cũng làm được mà. Vậy từ bi trong đạo Phật là thế nào? Tôi sẽ nói rõ hơn vấn đề này ở phần sau.

Bây giờ trở lại phần trí tuệ. Trí tuệ mà Phật dạy cho Tăng Ni là ba môn tuệ học: Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ.

Văn tuệ là như thế nào?

Chúng ta đến với đạo, tự mình làm sao giác được. Nên phải nhờ những người đi trước như bậc thầy, các hàng Tôn túc đã tu, đã học, đã mở được đôi phần trí tuệ hướng dẫn, chỉ dạy cho chúng ta từ từ mở con mắt trí tuệ. Nhờ lắng nghe những lời chỉ dẫn, giảng dạy ấy mà chúng ta mở được con mắt trí tuệ của mình là Văn tuệ.

Người tu cất thất ở riêng, không học hành gì hết chắc chắn sẽ không có Văn tuệ. Không có Văn tuệ mà tu thì chỉ là tu mù. Những người tu này khi chỉ dạy cho kẻ khác thì cũng chỉ dạy một cách mù quáng mà thôi. Trong kinh Phật nói: “Một người mù dẫn một đám mù, người mù đi trước sụp hầm, những kẻ mù theo sau cũng té xuống hầm luôn.” Người học Phật mà thiếu Văn tuệ không thể được.

Trong kinh A-hàm Phật dạy: Người cư sĩ đến chùa đầu tiên phải gặp Tăng Ni. Gặp Tăng Ni để thưa hỏi Phật pháp chớ không phải để cúng cầu an cầu siêu, như vậy là Văn tuệ. Sau khi nghe chư Tăng Ni dạy Phật pháp rồi phải suy gẫm lời thầy dạy có đúng với kinh Phật không, có đúng với lẽ thật chân lý không? Nếu đúng mới tin, còn dạy sai dạy lầm thì không tin.

Cho nên Tư tuệ hết sức thiết yếu. Sau khi suy tư nghiệm thấy đúng kinh Phật, đúng chân lý rồi mới tu. Phật dạy cư sĩ còn như vậy huống là tu sĩ xuất gia mà lại thiếu Văn, Tư, Tu. Thế mà có nhiều tu sĩ cứ tự tu không cần học với ai cả thì thật sự hết sức sai lầm.

Tư tuệ là như thế nào?

Phật dạy chúng ta nghe rồi phải suy gẫm, suy gẫm đó chính là tư duy, phải là chánh tư duy. Nếu nghe dạy chúng ta tin mà không hiểu, thì tin đó chưa phải là chánh. Cần phải suy gẫm cho đúng, hiểu cho đúng mới gọi là chánh.
Kinh kể hôm nọ Phật ở trong rừng với đệ tử, một số thầy Bà-la-môn đến hỏi Phật:

– Thưa ngài Cù-đàm, đệ tử Ngài chết Ngài cầu cho họ sanh về cõi lành được không?
Phật không trả lời mà chỉ hỏi lại:
– Đệ tử các ông chết các ông cầu cho họ sanh về cõi lành được không?
Các vị Bà-la-môn đáp:
– Được.
Lúc đó Phật nói thí dụ:
– Như nơi một giếng sâu, có người ôm cục đá bỏ xuống giếng rồi nhờ các ngài cầu cho nó nổi, đừng chìm được không?
Các vị Bà-la-môn đều lắc đầu, Phật hỏi tiếp:
– Có người cầm chai dầu đổ xuống giếng, rồi nhờ các ngài cầu cho dầu chìm xuống đáy giếng được không?

Các vị Bà-la-môn cũng lắc đầu, Phật nói:
– Cũng vậy, người làm nghiệp lành sẽ sanh cõi lành giống như dầu nhẹ nổi lên, dầu các vị có ác ý cầu cho xuống địa ngục họ cũng không xuống. Ngược lại người làm dữ phải đi xuống giống như đá, dầu các vị có thiện cảm chấp tay cầu nguyện cũng không nổi lên được.
.
Vậy đức Phật chấp nhận cầu nguyện hay chấp nhận nghiệp? Nghiệp lành, nghiệp dữ đưa mình lên hoặc lôi mình xuống, chớ không phải cầu nguyện mà được lên hoặc xuống. Đức Phật thấy rõ về nghiệp, cho nên Ngài biết manh mối nào đưa chúng sanh tới cõi lành, manh mối nào đưa chúng sanh tới cõi dữ.
Khi học Phật, chúng ta cần phải suy tư, chớ không chỉ nghe bao nhiêu biết bao nhiêu thôi. Phải tìm, phải gẫm cho tới nơi tới chốn, như vậy chúng ta mới đủ lòng tin Phật. Do đó Tư tuệ là một điều hết sức thiết yếu.

Tu tuệ là như thế nào?

Tư chí lý rồi đến tu rất dễ, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhờ nghe hiểu, suy gẫm và biết cách ứng dụng những pháp mình đã học được vào đời sống tu hành, thấy có lợi ích. Đây chính là Tu tuệ. Ba vấn đề Văn, Tư, Tu đều là trí tuệ. Trí tuệ từ thầy ban cho, trí tuệ do mình suy gẫm, trí tuệ do mình cố gắng thực hành, cho nên ba Tuệ học ấy không thể thiếu được.

Nhà Phật nói trí tuệ có hai phần: Một là Hữu sư trí, tức trí học nơi thầy như Văn Tư Tu. Hai là Vô sư trí, tức trí sẵn có của mình, không do học. Đó là Tam vô lậu học, tức ba môn học giải thoát Giới, Định, Tuệ. Giới là đức hạnh, Định là thiền định, Tuệ là trí tuệ. Nhờ giữ được giới nên thiền định không bị xao xuyến. Vì vậy giới trước rồi định sau. Nhờ thiền định nên Trí vô sư phát sanh là tuệ.

Tại sao thiền định được Trí vô sư? Khi thiền không nghĩ gì cả nên được định, được định nên trí sáng giác ngộ, đó là trí không thầy. Trong kinh có kể lại: Đức Phật sau khi thành Phật rồi, Ngài tuyên bố ta học đạo không thầy. Bởi vì bốn mươi chín ngày đêm ngồi dưới cội bồ-đề Ngài không học với ai cả, mà nhờ định nên được giác ngộ. Vì vậy nói Ngài học đạo không có thầy.

Phật giác ngộ viên mãn Trí vô sư, ngày nay chúng ta tu muốn giải thoát sanh tử cũng phải đi tới Trí vô sư đó, nên nói Giới, Định, Tuệ là ba pháp môn tu được giải thoát. Chữ Vô lậu là không còn rơi, không còn rớt lại Tam giới nên gọi là giải thoát sanh tử. Như vậy người học Phật phải đủ trí tuệ, từ Hữu sư trí rồi tiến tới Vô sư trí. Hữu sư trí là nhờ học, Vô sư trí là nhờ tu. Đó là hai phần hết sức rõ ràng.
.
Điều hệ trọng thứ hai là từ bi. Bởi vì chúng ta không có quyền nghĩ mình tu để hưởng an lạc một mình. Tại sao? Đức Phật ngày xưa chủ trương đi khất thực là vì sao? Khất thực tức là gieo duyên với chúng sanh. Tôi nói là lãnh nợ của chúng sanh.

Nếu chúng ta tu mà đối với mọi người không có liên hệ, không trao qua đổi lại thì không có gì dính dáng. Mà không có dính dáng thì giáo hóa họ không được, nên Phật dạy tu sĩ phải nhận của đàn-na thí chủ cúng dường.

Có những thí chủ rất nghèo cúng dường nhưng chúng ta cũng phải nhận. Nhận để chi? Để người đó gởi mình, mình nhận nợ. Nên từ gieo duyên là nói cho đẹp, thật ra chúng ta nhận nợ. Có nợ thì mới gặp lại để đền trả.

Trong nhà Phật dạy chúng ta có Ngũ thừa là: Nhân thừa, Thiên thừa, Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Nhân thừa là sanh trở lại làm người, Phật dạy tu giữ năm giới. Năm giới nếu giữ toàn vẹn bảo đảm người đó đời này làm người, đời sau chết trở lại làm người. Tu Thập thiện, sau khi mạng chung sanh lên cõi trời.

Mỗi một nhân đưa tới một quả, Phật thấy tường tận rõ ràng như thế. Còn Áo nghĩa thư của Bà-la-môn giáo nói nghiệp báo không phân biệt rành rõ, chưa biết cái gì nhân cái gì quả nên chưa thấu đáo. Do đó nên biết Phật nói nghiệp, nói luân hồi là vì Ngài thấy tường tận, chớ không phải ăn cắp của người làm của mình. Khi thấy rõ như vậy, tôi không còn nghi, không còn mặc cảm nữa.
.
Đức Phật rất khoa học, từ thời Áo nghĩa thư đã có thuyết nghiệp, luân hồi. Sau Ngài tu thấy điều đó đúng nên cũng thừa nhận. Nhưng khác hơn là Ngài vạch rõ từng phần chi tiết, thế nào là nhân, thế nào là quả, Ngài phân tích rành cho chúng ta. Đó là tinh thần khoa học chớ không phải học lóm. Từ đó về sau tôi mới hài lòng, đức Phật không phải dở như người ta nói.
.
Nói về lý nghiệp báo luân hồi, sau khi suy tư kỹ càng, tôi thấy đó là một chân lý không chối cãi được. Ai có nói gì cũng không lay chuyển được tôi, vì đó là một sự thật. Tại sao tôi tin như vậy? Bởi kinh nghiệm từ những việc bên ngoài, cho tới bản thân mình tôi thấy rõ như vậy.
Luân hồi là gì? Luân là bánh xe, hồi là xoay tròn. Bánh xe xoay tròn lên xuống, lên xuống cứ đảo đi lộn lại hoài. Đối với ngoại vật, chúng ta đặt câu hỏi trái đất có xoay tròn không? Trái đất cứ xoay tròn, xoay tròn, vậy nên trái đất luân hồi.
.
Đến con người, chúng ta thấy máu từ tim chạy ra các mạch, rồi từ các mạch trở về tim, cứ như vậy đảo đi lộn lại hoài, đó là luân hồi. Rõ ràng con người đang luân hồi, quả đất đang luân hồi, vậy chết có luân hồi không? Tôi nói hai phần:
.
1- Vật chất: Thân chúng ta gồm tứ đại tức bốn chất đất, nước, gió, lửa hợp thành. Những gì là đất? Tóc, lông, gân, móng, da, thịt, răng, xương… những thứ cứng là đất. Những gì là nước? Mồ hôi, máu mủ tức chất ướt là nước. Những gì là gió? Hơi thở vào ra, vào ra là gió. Những gì là lửa? Hơi ấm trong người là lửa, cầm hai tay chà một hồi ấm lên, đó là phát ra lửa.
.
Đất nước gió lửa sẵn trong con người chúng ta, khi chết bốn thứ đó đi đâu? Nhẹ nhất là hơi thở, lúc sống hít vô trả ra, khi trả ra mà không hít lại là chết. Vậy chúng ta trả ra chớ không phải hết, không phải mất. Thứ hai là hơi ấm trong người, chúng ta chết rồi nó cũng tan vào hư không, theo luồng hơi ấm trong nắng trong lửa, trở về với lửa.
.
Đến đất, nước khi chết thân này nứt nẻ nước tuôn ra, rồi tới đất rã. Nước theo mạch chảy đi khắp nơi cũng không mất, đất cũng trả về đất không mất. Như vậy tứ đại mất đi chỉ mất cái giả tướng duyên hợp, chớ bản chất nó đâu có mất.
.
2- Tinh thần: Tứ đại không mất thì tinh thần có mất được không? Tinh thần đi theo nghiệp duyên của nó. Ví dụ nước từ thể lỏng đổ vào trong nồi nấu, nước sôi bốc hơi rồi cạn. Nước cạn người ta nói hết nước, nhưng thật ra nước bốc thành hơi bay lên, gặp lạnh đọng lại thành nước rơi trở xuống.
.
Hoặc lấy một ly nước để trong tủ lạnh thì nó sẽ đặc thành thể cứng. Như vậy nước không mất mà có thể chuyển biến từ thể lỏng thành hơi hoặc thể rắn. Nước để ở nhiệt độ vừa chừng, không nóng quá, không lạnh quá thì nước còn hoài.
.
Cũng vậy người tu có duyên lành nhiều, nghiệp lành nhiều khi nhắm mắt sẽ đưa tới cõi lành, tức lên. Ngược lại nghiệp dữ nhiều sẽ đưa tới chỗ dữ, tức xuống. Nếu tư cách con người tốt, vị lai trở lại làm người, như nước giữ quân bình không lạnh nóng thì ở thể lỏng hoài.
.
Phật dạy Nhân thừa là do giữ đúng năm giới nên đời này làm người đời sau cũng được làm người. Như nước y nguyên nhiệt độ đừng cao đừng thấp thì bao nhiêu nước còn nguyên bấy nhiêu. Đó là một lẽ thật không nghi ngờ gì.

Chúng ta khi ra đời còn trẻ, đáng lẽ ham danh lợi tài sắc ở thế gian, nhưng tại sao lại ham tu? Như vậy do trong nghiệp từ quá khứ của chúng ta còn lưu lại. Như tôi khi chưa đi tu, mỗi lần qua chùa nghe tiếng chuông, thấy xôn xao trong lòng quá. Cái gì làm cho mình bất an, nếu không phải là chủng tử trước kia?

Mỗi khi chúng ta ra đời, nghiệp từ quá khứ còn lưu lại trong con người hiện tại chớ không phải mất. Nếu chúng ta nhìn vào một lớp học thì biết rõ sự sai biệt, người giỏi về văn, người giỏi về toán v.v… Thầy cô dạy như nhau nhưng điểm riêng biệt của mỗi học trò lại khác. Điểm đó ở đâu ra? Chẳng qua chủng tử từ quá khứ còn lưu lại nơi mỗi người, nên không ai giống ai.

Nếu nói do thầy cô dạy mới biết, thì tại sao không biết như nhau mà lại có sự sai lệch. Rõ ràng do chủng tử từ quá khứ chớ không phải ngẫu nhiên. Như những vị thần đồng chưa học mà đã biết, đâu do ai dạy. Đó là chủng tử quá khứ còn nguyên vẹn chưa mất nên ra đời nhớ lại liền. Vậy luân hồi là một lẽ thật, không phải là một nghi vấn nữa.
.
Tinh thần từ bi của đạo Phật dạy chúng ta phải làm sao đem lại cho mọi người ánh sáng đạo lý, để cho họ biết được lẽ chân thật, không tạo những điều đau khổ, luôn luôn tiến tới chỗ an vui. Lòng từ bi chúng ta không thể nói suông mà phải được thể hiện cụ thể.
 .
Muốn thể hiện lòng từ bi chúng ta phải thực hành hạnh bố thí: bố thí tài, bố thí pháp, bố thí vô úy. Phải đem của cải, hoặc đem chánh pháp mình hiểu hoặc đem sự tốt lành cao quí an ủi người đau khổ. Đó mới thể hiện lòng từ bi.
.
Bố thí tài phần lớn dành cho cư sĩ Phật tử vì họ làm ra tiền. Họ mới có điều kiện giúp đỡ người nghèo khổ. Còn các sư có làm ra xu con nào đâu? Nếu có chăng cũng ăn mày của đàn-na thí chủ chớ đâu phải tự mình có tiền lương mỗi tháng. Hàng Phật tử cũng có người làm ra tiền của, có người nghèo cháy da, vậy làm sao bố thí? Nên Phật dạy tài thí có hai phần ngoại tài và nội tài.
.
Người Phật tử muốn thể hiện lòng từ bi mà không có tiền bạc giúp cho người nghèo đói thì đem công sức của mình ra giúp. Người có tiền tới chùa cúng, người không tiền vào chùa làm công quả. Người có tiền cho tiền, người không tiền ra công đi ủy lạo, khuân vác cũng là bố thí. Nên hiểu có tiền mới bố thí được là lầm. Đem của bố thí là ngoại tài, đem công bố thí là nội tài, như vậy có ai không làm được hạnh bố thí đâu.
.
Bố thí pháp là phần của Tăng Ni. Tăng Ni tu thấy được cái hay, cái cao quí của Phật pháp, đem sự hiểu biết đó ban rải cho Phật tử cùng biết cùng hiểu như mình. Đem pháp mình đã tu học được, chỉ dạy cho người khác gọi là bố thí pháp.
.
Bố thí tài, bố thí pháp cái nào tốt hơn? Bố thí tài chỉ giúp người bớt khổ trong giai đoạn hiện tại. Còn bố thí pháp chẳng những giúp người hết khổ trong hiện tại mà mãi về sau cũng không còn khổ nữa, đó là điểm sâu xa.

Ví dụ chú đạp xích lô có một vợ hai con, mỗi ngày chạy xe kiếm được hai ba chục ngàn nuôi vợ nuôi con. Nhưng nếu chiều vô quán nhậu hết thì vợ con đói khổ. Người hàng xóm thấy thương, đem ít lít gạo lại cho, đó là bố thí tài. Rồi mai chú đạp xe có tiền cũng nhậu hết như vậy thì sao, cho đến chừng nào mới đủ, chừng nào gia đình mới ấm no.

Bây giờ có một thầy, một cô nào đó sáng suốt tới khuyên chú, nói với chú uống rượu có hại gì, bệnh hoạn ra sao, rồi vì uống rượu mà không đủ tiền nuôi vợ con, làm vợ con đói khổ.

Chú nghe hiểu, thức tỉnh bỏ rượu. Như vậy chúng ta chỉ nói chuyện một giờ, nửa giờ mà chú thức tỉnh bỏ rượu. Từ đó làm được bao nhiêu tiền chú đem về nuôi vợ con. Như vậy bố thí pháp không có cạn hết. Chỉ dùng lời nói, lý lẽ chân thật khuyên chỉ người, khi người tỉnh ngộ rồi gia đình hết khổ. Còn nếu cho tiền cho cơm hằng ngày, thì họ chỉ hết khổ tạm rồi mai mốt sẽ khổ nữa. Như vậy cái nào hơn?
.
Có kẻ cho rằng người tu Phật tiêu cực quá, nhất là Tăng Ni không chịu làm phước, làm việc xã hội, cứ đi nói pháp hoài. Những người tích cực làm việc này, việc kia giúp cho đồng bào rất dễ thấy, còn người nói pháp xem như không có lợi ích gì. Nhưng thật tình việc này lợi rất lớn. Nên trong hai thứ bố thí: bố thí tài và bố thí pháp thì bố thí pháp là hơn.

Bố thí pháp là đem lòng từ bi của mình chỉ dạy nhắc nhở mọi người biết tu, chỉ dạy nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Giả sử tôi có mười ngàn đồng muốn đem bố thí, nếu tôi cho mỗi người một ngàn đồng, thì cho mười người là hết. Còn tôi bố thí pháp thì có một trăm người, tôi cũng bố thí trọn đủ hết. Vậy bố thí pháp là bất tận.

Chúng ta học đạo phải học cái bất tận, còn những việc có chừng mực, có giới hạn chúng ta làm một phần nhỏ thôi, gốc là phải bố thí pháp. Muốn bố thí pháp, chúng ta phải có học có tu và có lòng từ bi. Vì vậy từ bi sau trí tuệ. Hai việc đó không tách rời nhau.
.
Bố thí vô úy là sao? Vô úy là không sợ. Chúng ta mang tới cho người niềm an ổn không sợ hãi. Không sợ này có nhiều thứ: Sợ ma, sợ rắn, sợ cọp… đủ thứ sợ.

Thí dụ đối với người sợ ma, chúng ta muốn cho họ khỏi sợ, phải giải thích cho họ hiểu ma không đáng sợ. Phật dạy trong lục đạo luân hồi: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, a-tu-la, trời, thì ngạ quỉ là loại quỉ đói đứng thứ hai, người cao hơn ngạ quỉ hai cấp. Mình cao hơn nó mà lại sợ nó thì vô lý quá. Chẳng lẽ ông Tỉnh trưởng lại sợ người dân, người lại sợ ma thì thật ngu khờ. Giải thích cho người biết và hết sợ đó là bố thí vô úy.
.
Như có người sợ chết, chúng ta phải giảng giải cho họ hiểu chết là một lẽ đương nhiên thôi, ai rồi cũng phải chết. Phật chết, Bồ-tát chết, chư Thánh tăng chết, Phàm tăng, Phàm ni chết, cư sĩ chết. Đó là chuyện thường, phải chi có người không chết thì mình sợ, ai cũng chết hết thì có chi mà sợ. Giải thích có căn bản cho người ta hiểu, hiểu rồi thì không sợ. Đó là bố thí vô úy. Như vậy, bố thí pháp trùm cả bố thí chánh pháp và bố thí vô úy luôn.

Người tu nếu thiếu hai phần trí tuệ và từ bi thì không xứng đáng là người tu. Vậy mà có nhiều người tha thiết vào thất tu suốt đời, tu tới chết. Nghĩ thế là không có từ bi, không có từ bi mà dám nhận nợ của thí chủ, như vậy là ăn gian rồi. Đó là điều không hợp lý. Nhập thất tu để sáng đạo thì được, nhưng cũng phải đi giáo hóa, chớ không được đóng cửa suốt đời.

Văn-thù tượng trưng cho Căn bản trí. Ngài ngồi trên lưng sư tử để biểu trưng rằng chỉ có trí tuệ mới hàng phục được ma quân, chỉ có trí tuệ mới giáo hóa được chúng sanh cang cường này. Đó là ý nghĩa hết sức thâm trầm. Song vì chúng sanh cõi này cứng đầu quá, dùng trí tuệ dạy họ, rồi ít bữa cũng trở lại y cũ, thì làm sao đây. Vì vậy phải có đại nguyện đại hạnh, cho nên bên trái của đức Phật vị
Bồ-tát phụ tá thứ hai là Phổ Hiền cỡi voi.

Vì hạnh lớn mạnh nên tượng trưng cho voi. Voi sáu ngà nghĩa là đem pháp giáo hóa chúng sanh không biết mệt mỏi. Như vậy các hình tượng ấy mang ý nghĩa đức Phật vào cõi Ta-bà giáo hóa phải có đủ trí tuệ vượt bực, hạnh nguyện to lớn mới giáo hóa được. Nếu không sẽ dễ thoái chuyển, dễ chán lắm.
Đức Phật Di-đà thì bên phải có Bồ-tát Quan Thế Âm, bên trái có Bồ-tát Đại Thế Chí. Đức Phật Di-đà ở cõi Cực lạc là chỗ sạch vui. Muốn sang Ta-bà là chỗ uế trược độ chúng sanh, phải có lòng từ bi tràn trề, nên tượng trưng cho Bồ-tát Quan Thế Âm.
 .
Vì chúng sanh khó độ nên chúng ta thấy vẽ tượng đức Phật Di-đà ở trên mây duỗi tay xuống, còn chúng sanh đang trồi hụp dưới biển mà không chịu trồi đầu lên đưa tay cho Phật vớt, cứ hụp lặn ở dưới hoài. Vì vậy muốn không thối tâm phải có đại chí tức là chí cứng rắn vững vàng. Dù cho nó khó, nó mê, nó đắm say ngũ dục cũng ráng chờ vớt nó lên. Nếu không có chí lớn thì chán lắm.Thí dụ trong hoàn cảnh xã hội của chúng ta, có người khá giả thấy những đứa trẻ bụi đời lang thang ở góc phố này góc chợ kia muốn gom lại nuôi dạy. Từ một người giàu có, bây giờ cất trại về ở với mấy thằng nhỏ khó dạy như vậy thì phải hi sinh sự ổn định của mình, chấp nhận cảnh khổ.
.
Do đó phải có lòng từ bi trước, lòng từ bi thật rộng lớn mới làm được việc đó. Mấy đứa nhỏ đem về dạy có dễ đâu. Nhiều khi nó muốn thoi lại mình nữa. Nó là dân bụi đời, mình thương muốn dạy dỗ nó, nhưng nó lại không biết gì, không mang ơn mà còn cự cãi với mình. Nếu không có ý chí vững bền sắt đá thì không thể nào làm được.
.
Cũng vậy Phật từ cõi tịnh đến, muốn độ chúng sanh cõi uế này phải có lòng từ bi, phải có ý chí mạnh mẽ mới độ được. Chúng ta muốn dùng tâm từ bi của mình để giáo hóa chúng sanh khó điều phục đó, thì phải có ý chí kiên cường như Bồ-tát Đại Thế Chí mới được.
.
Tôi nói điều đó có liên hệ với Tăng Ni bây giờ. Liên hệ ra sao? Bởi vì Tăng Ni hiện nay thích học xong, chạy về thành phố học lên Cao cấp, rồi Đại học. Đại học đạo xong, muốn ra học Đại học đời nữa, rồi bay đi Ấn Độ, Đài Loan học Tiến sĩ. Khi đó ở thôn quê nhiều Phật tử có chùa mà bị hoại vì không thầy, không cô để hướng dẫn dạy dỗ. Mình cứ lo chạy lên, không ai nghĩ đến người ngóng chờ mình, trông đợi mình.
.
Nên tôi nhắc Tăng Ni phải có tâm biết thương những người chờ đợi mình, trông ngóng mình. Học rồi đem sự hiểu biết chánh pháp đó giáo hóa được năm bảy người, thì phước đức cũng lớn lắm.
.
Do đó quí vị thấy trách nhiệm chúng ta không phải đơn giản. Không phải lo cho mình có địa vị cao, có chức tước lớn là hay. Mà phải làm sao thực tế đời mình đem lợi ích thiết thực cho Phật tử, cho mọi người. Đó mới là giá trị thật đáng quí. Mong tất cả Tăng Ni ở đây hãy nhớ lấy điều này, mà đem hết tâm nguyện phụng sự chúng sanh để đền ân chư Phật.

HT. Thích Thanh Từ

002 (315)

CHỮ “KHÔNG” TRONG KINH BÁT NHÃ

H.T. Thích Thanh Từ

Người tu chấp có, không thể tột được lý đạo. Nhưng dù chấp có nhiều như núi Tu Di vẫn không tai hại như chấp không bằng hạt cải. Đó là tai họa lớn. Vì vậy người xưa hay nhắc nhở chúng ta đừng nên chấp không, thế mà trong Bát Nhã nói cái gì cũng không hết. Không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, không sắc, thinh, hương, vị, xúc v.v… Trong kinh nói không mà các vị tiền bối bảo đừng chấp không. Vậy hai chữ không đó khác nhau chỗ nào? Đây là điều tôi muốn giảng trạch cho tất cả Tăng Ni, Phật tử nắm cho vững, để đường tu chúng ta không bị trở ngại lại còn có thể tiến nhanh hơn. Muốn biết chữ Không trong kinh Bát Nhã hay cả hệ thống Bát Nhã, trước hết chúng ta phải nắm thật vững giáo lý nhân duyên. Người không nắm vững giáo lý nhân duyên thì không bao giờ hiểu được chữ Không trong kinh Bát Nhã. Chữ Không của Bát Nhã đứng vững là dựa trên lý nhân duyên, nếu lý nhân duyên là chân lý thì chữ Không cũng sẽ là chân lý.
.
Trước hết chúng ta thử xem xét các pháp trên thế gian này có pháp nào không phải nhân duyên sanh hay không? Như chúng ta nhìn thấy ngôi chùa, vậy ngôi chùa từ đâu mà thành? Ai cũng biết đều do nhân công, thợ, thầy, gạch, cát, đá, xi măng v.v… hợp lại thành ngôi chùa. Chớ không bao giờ bỗng dưng nó tự thành, phải đủ nhân, đủ duyên hội hợp mới có. Nhân duyên thì không phải một thứ mà rất nhiều thứ tụ hợp lại thành sự vật. Cũng vậy, tất cả muôn sự muôn vật trên thế gian này có cái nào vượt ngoài vòng nhân duyên đâu.
.
Gần đây các nhà khoa học khi tìm hiểu đạo Phật, thấy rõ chủ trương các pháp do nhân duyên sinh của đạo Phật rất phù hợp với khoa học. Bởi vì khoa học là môn học phân tích sự vật, mà phân tích sự vật thì không vật nào tự nó có, tất cả đều do sự kết hợp nhiều thành phần mà có. Như vậy vật nào cũng không đơn độc một nhân một duyên có thể thành. Mà chúng rất phức tạp, do nhiều nhân nhiều duyên tụ lại. Chúng ta mới thấy cái nhìn của đức Phật hơn hai ngàn năm về trước rõ ràng, tường tận như thế nào.
.
Sự vật không tự có, không phải ngẫu nhiên có, cũng không do ai làm ra, chỉ khi nhân duyên tụ hội thì sự vật hiện có, thiếu duyên thì sự vật ly tán. Giáo lý Phật chỉ rõ cho chúng ta không còn mê lầm, nghĩ rằng sự vật do người nào hoặc ngẫu nhiên nó có. Từ cái nhà chúng ta nhìn tới cái bàn, cái ghế, vật nào không phải từ nhân duyên sinh? Cây cối trước mắt chúng ta cũng là nhân duyên sinh, rồi đến con người có phải từ nhân duyên sinh không? Nếu nói đơn giản là do tinh cha huyết mẹ kết tụ lại thành thân con người. Ngày nay với con mắt y học, người ta phân tích có bao nhiêu tỷ tế bào, phân ra từng loại rồi phối hợp lẫn nhau. Nhờ chúng phối hợp sinh hoạt, phát triển thì thân chúng ta còn sống, nếu chúng hư hoại thì thân này tan nát. Như vậy tất cả sự vật trên thế gian không có cái nào thoát ngoài lý nhân duyên.
.
Như xét cái đồng hồ, vật gì là chủ thể của nó? Chúng ta không thể nói cây kim là chủ thể, số là chủ thể. Bộ phận nào là chủ thể cũng không được, mà do đủ các bộ phận ráp lại thành cái đồng hồ. Như vậy duyên hợp thì nó có, nếu các bộ phận phân tán ra thì đồng hồ cũng không. Trước mắt chúng ta thấy có đồng hồ, nhưng thực thể cái đồng hồ có hay không? Chỉ là duyên hợp tạm có chớ không thật, vì nó không có chủ thể. Bởi không có chủ thể nên đủ duyên nó còn, thiếu duyên nó mất, không có gì cố định hết. Như vậy làm sao nói đồng hồ là thật được. Đã không thật thì cái gì là chủ thể của nó, chẳng qua duyên hợp tạm có, duyên hết hoàn không.

CÁC PHÁP DUYÊN SINH KHÔNG THẬT

Trong kinh A Hàm đức Phật có dạy, người nào thấy được lý nhân duyên thì người đó thấy được pháp. Thấy được pháp tức là thấy đạo hay thấy Phật. Qua đó chúng ta thấy tầm quan trọng của lý nhân duyên như thế nào rồi. Cũng như vậy, con người do nhân duyên sinh nên không chủ thể, không cố định. Muôn vật trên thế gian này do nhân duyên sinh cũng không chủ thể, không cố định. Tuy không cố định, không chủ thể nhưng đồng hồ vẫn có, đủ duyên thì nó hiện tiền. Hiểu lý này rồi chúng ta mới bước qua bước thứ hai là chữ Không trong kinh Bát Nhã.
.
Chúng ta đừng lầm chữ Không trong kinh Bát Nhã là trống rỗng, không có gì hết. Không là đối với có. Nhưng chữ Không đây là ngay nơi sự vật hiện tiền mắt thấy, tay sờ mó được song chủ thể nó là không, không cố định. Như vậy dù mắt thấy, tay sờ mó được mà nói là Không, đó là không chủ thể, không cố định. Bát Nhã nói Không vì nó do nhân duyên sinh nên không chủ thể. Cho nên chữ Không trong kinh Bát Nhã còn gọi là tánh Không. Hệ thống Bát Nhã gọi đó là tự tánh Không. Tức là không có chủ thể, không tự tánh nhưng sự vật vẫn có giả tướng của nó khi đủ duyên tụ hội.
.
Con người chúng ta cũng do nhân duyên sinh, không có chủ thể, cố định. Vậy gọi ta được không? Chỉ là cái ta tạm bợ, còn mất theo duyên, không có giá trị thật. Thế mà lâu nay chúng ta cứ lầm nhận ta là thật, sự vật là thật. Nhà Phật gọi lầm nhận đó là vô minh, là si mê. Người học Phật phải có trí tuệ sáng suốt, thấy đúng như thật. Những gì Phật dạy chúng ta quán sát, thấu suốt mới đem ra hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, chớ không phải học hiểu suông mà thấy được lẽ thật.
.
Chúng ta thử nghiệm lại thân mình có phải là tạm bợ hay không ? Nếu thân chắc chắn chân thật thì không bao giờ hoại. Vì do duyên hợp nên thiếu duyên thì nó sanh ra bệnh tật rồi đi đến bại hoại. Đó là lẽ thật, không còn gì nghi ngờ nữa. Vì vậy chữ Không của Bát Nhã là không có thực thể, chớ không phải không ngơ giữa có và không. Người ta cứ ngỡ cái bàn trước mắt là có, hư không trống rỗng là không. Đó là cái có không của người đời, còn Không của Bát Nhã là không tự tánh, không tự tánh tức là không thực thể. Vì vậy đức Phật nói thân này vô ngã. Vì vô ngã nên không chủ thể, bởi không chủ thể nên tùy duyên mà thành, tùy duyên mà hoại, không phải lúc nào cũng nguyên vẹn. Đó là ý nghĩa cụ thể của đạo Phật.
.
Chúng ta thấy rõ ý nghĩa của chữ Không rồi thì đối với sự vật hiện tiền mắt thấy, tay sờ mó được là thật có hay thật không? Nói thật có hay thật không đều sai cả vì nó tạm bợ, chỉ có giả tướng hiện tiền. Như vậy phải nói sao ? Nói các pháp không thật có, do duyên sinh, chỉ tạm có nên nhà Phật gọi như huyễn, như hóa. Đến đây tôi nhớ Thiền sư Từ Đạo Hạnh ở đời Lý có bài kệ:

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không.
.

Tạm dịch:
.
Có thì muôn sự có
Không thì tất cả không. 

Có không trăng đáy nước
Đừng mắc có không không.

.
Ngài Từ Đạo Hạnh diễn đạt hình ảnh cho chúng ta thấy rất linh động. Tất cả sự vật nếu nói có thì vật nào cũng có hết. Tại sao? Vì trên giả tướng mắt thấy, tay sờ mó được. Còn nếu nói không thì tất cả đều không hết, vì chúng là duyên hợp không thật. Không thật nên nói là không. Như vậy nói có và không giống như mặt trăng dưới đáy nước. Đêm rằm ta nhìn xuống hồ nước, thấy mặt trăng hiện dưới đáy nước. Mặt trăng ở đáy nước là thực có hay thực không? Nếu thực có sao đưa tay vớt lên không được. Nếu thực không sao mắt chúng ta thấy rõ ràng. Nên gọi là có mà chỉ là cái bóng, chớ không phải không ngơ. Nhưng là bóng thì nó không thật.
.
Muôn sự vật ở thế gian này cũng như bóng trăng đáy nước, nhìn thấy như có nhưng rốt cuộc không thực thể. Cho nên có cũng như không, chỉ vì duyên hợp tạm có. Người ta cứ ngỡ rằng những gì mắt thấy tai nghe là thực có, nhưng không ngờ chúng là duyên hợp. Đã là duyên hợp, chúng ta đừng lầm chấp nó thật thì sẽ không đau khổ. Đây là chỗ khó của người học Phật. Nếu thấy được lý này thì chúng ta sẽ thấy đạo Phật hay đáo để.
.
Chúng ta tu khó khăn vì chúng ta thấy cái gì cũng thật nên dễ nhiễm, dễ kẹt. Nhiễm kẹt thì sự tu không tiến, còn thấy các pháp không thật thì chúng ta không có gì để chấp, mà không chấp thì đường tu hết sức dễ dàng. Cho nên si mê là động cơ chủ yếu đưa chúng ta đến chỗ sai lầm. Từ sai lầm đó khiến chúng ta không thấy lẽ thật, rồi bị chìm đắm trong sinh tử, kiếp này kiếp nọ không cùng. Các pháp là tướng duyên hợp không thật. Nhưng không khéo tu chúng ta sẽ không ra khỏi nó, chỗ này rất là quan trọng. Tôi nhấn mạnh lại chữ Không trong kinh Bát Nhã tức là tánh không của các pháp. Từ con người cho tới muôn vật đều giả có, không có thực thể.
.

Đã là giả có mà chúng ta thấy thật thì đó là mê lầm, giả có mà nói không thì trái với lẽ thật. Vì vậy không thể khẳng định là không. Phải biết muôn sự muôn vật trước mắt chúng ta là tướng duyên hợp giả có.

.
Kinh Bát Nhã có câu: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai Không, độ nhất thiết khổ ách”.
Nghĩa là, Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành sâu vào trí tuệ Bát Nhã, Ngài xem thấy tất cả sự vật, tất cả pháp hay nói gọn là con người gồm năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức đều không có thực thể, không cố định. Khi thấy như vậy Ngài liền qua hết thảy khổ nạn.
.
Ngày nay chúng ta tụng kinh Bát Nhã từ lúc mới vào chùa cho tới năm sáu mươi tuổi, biết bao nhiêu biến? Trăm ngàn biến mà khổ ách vẫn là khổ ách. Bởi vì tụng Bát Nhã thì tụng mà nhìn thấy thân năm uẩn thật. Nếu thấy thân năm uẩn duyên hợp hư dối thì có ai chửi thân năm uẩn này chúng ta thấy sao? Thân năm uẩn đã không thật thì lời chửi có thật đâu. Chẳng qua cũng là tạm bợ hư giả thôi. Mình hư giả, người hư giả, lời nói hư giả, có gì mà khổ, có gì mà phiền. Cho tới tất cả những thiệt thòi, khổ sở khác, nếu xét kỹ chúng có thật không? Cũng không thật. Như vậy có gì làm chúng ta khổ sở đâu? Chỉ cần dùng trí tuệ Bát Nhã soi thấu muôn sự vật, soi thấu lại bản thân mình đều là duyên hợp hư giả. Thấy được như vậy thì khổ ách nào cũng qua hết.
.
Như vậy chúng ta chỉ cần tụng một câu đó cũng hết khổ rồi, đâu cần phải tụng nhiều. Chủ yếu là biết vận dụng lời Phật dạy vào việc tu của mình. Lời Phật dạy rất chí lý nhưng chúng ta cứ đọc thuộc lòng. Đọc lại cho Phật nghe phải không?
Chúng ta đọc kinh đúng ra là đọc cho mình nhớ và thực hành theo lời Phật dạy. Nhưng thường Phật tử cứ nghĩ rằng đọc như vậy có phước. Đọc hai lần phước nhiều hơn một chút. Do không biết lời Phật dạy để ứng dụng quán chiếu lại bản thân và mọi vật chung quanh, thấu triệt được lẽ thật của nó nên chúng ta cứ đọc cho Phật nghe hoài, còn mình thì không dính dáng gì hết. Phật nói chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách, chúng ta tụng hoài sao không qua được khổ ách? Bởi vì có chiếu kiến đâu! Chiếu kiến là soi sáng, mà chúng ta không chịu soi sáng thì làm sao thấu tỏ được. Đó là lầm lẫn của chúng ta.
.
Đức Phật dạy thân này được kết hợp từ năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn. Sắc uẩn là tứ đại đất nước gió lửa hợp lại. Thọ uẩn là những cảm giác của chúng ta như đang nóng có ngọn gió thổi qua nghe mát, cảm giác ấy gọi là thọ. Lưỡi chúng ta nếm một món ăn nghe ngọt, nghe đắng v.v… cảm giác ấy là thọ. Mắt chúng ta nhìn thấy người thấy vật, nhận ra đẹp xấu. Thân xúc chạm sanh thích hoặc chán v.v… Đó là cảm giác của thọ. Sáu căn tiếp xúc sáu trần có cảm giác khổ vui, không khổ không vui. Đó gọi là thọ. Tưởng uẩn là tâm mình tưởng tượng việc quá khứ vị lai. Hành là suy tư, những ý niệm nhẹ nhàng tế nhị. Có chỗ nói hành cũng là ý chí. ý chí vươn lên hay ý chí mạnh mẽ. Thức uẩn, phân biệt cái này tốt, cái kia xấu, cái này phải, cái kia quấy v.v…
.
Như vậy thân chúng ta có năm phần. Một phần thuộc về sắc chất, bốn phần kia thuộc về tinh thần. Có chỗ khác lại chia thân này do bốn thứ hợp lại là sắc. Sắc đó gồm bốn thứ đất nước gió lửa. Phần tinh thần bốn thứ: thọ, tưởng, hành, thức. Hai thứ cộng lại thành tám thứ đều nhau.
.
Tóm lại, thân này từ vật chất cho đến tinh thần đều do duyên hợp, không có gì cố định. Xưa Thiền sư Lương Giới, Tổ tông Tào Động, lúc mới cạo tóc vào chùa, đọc kinh Bát Nhã, Ngài thấy kinh nói: “Vô nhãn, nhĩ, tỹ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp”, Ngài bạch với thầy:
– Con có mắt tai mũi lưỡi thân ý, nhưng sao trong kinh nói không có. Nghĩa này thế nào?
Vị thầy lắc đầu bảo Ngài đi tìm học chỗ khác, vì thầy giải nghĩa không nổi. Người học đạo thấy kinh nói sao là hay như vậy, không thắc mắc tìm hiểu nghĩa lý thì chúng ta không tiến bộ được. Ngài Lương Giới đọc kinh không hiểu liền sinh nghi nên Ngài phăng tìm cho ra. Sau này ngộ đạo Ngài mới thấy được lý chân thật của Phật dạy.
.

Tất cả lời Phật dạy không có câu nào, lời nào là vô ý vô nghĩa, tất cả đều chỉ lẽ thật cho chúng ta. Nhưng vì trình độ thấp nên chúng ta không nắm vững thành ra cứ mê muội mãi.

.
Trong kinh Bát Nhã có đoạn: “Tướng không của các pháp không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt v.v…” cho tới không mắt tai mũi lưỡi thân ý, rồi không cả sắc thinh hương vị xúc pháp v.v… tất cả đều không. Như vậy tánh Không là thực thể không của các pháp. Trên phương diện không thực thể thì không có pháp gì có thật cả, nên nói không tất cả. Ngũ uẩn không, thập nhị xứ không, thập bát giới không v.v…
.
Tới đoạn sau “vô vô minh tận, vô khổ tập diệt đạo, vô trí diệc vô đắc”. Nghĩa là tất cả pháp như năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới. Năm uẩn là chỉ thân này, mười hai xứ tức là sáu căn và sáu trần, mười tám giới là căn trần thức cộng lại là mười tám. Vậy thì thân này, tâm thức này và trần cảnh này trên tánh Không đều không có, không thực thể. Về thế tục đế, những thứ này không thật có.
.
Còn như pháp Thập Nhị Nhân Duyên, Tứ Đế lẽ ra nhất định phải có. Vì Phật nói pháp Tứ Đế là chân lý, không thể sai chạy, pháp nhân duyên cũng chân lý, không thể sai chạy được. Nhưng tại sao kinh Bát Nhã nói cũng không luôn, như vậy chúng ta tu cái gì? Điểm này có nhiều người thắc mắc. Không khổ tập diệt đạo, không vô minh và không hết vô minh v.v… thì chúng ta tu làm sao đây?
Tôi thường hay nhắc, pháp của Phật dạy là phương thuốc trị tâm bệnh của chúng sanh. Chúng sanh có bệnh gì Phật có thứ thuốc ấy. Vậy nếu bệnh không thật thì thuốc có thật không?

Thân ngũ uẩn này không thật tức là bệnh không thật. Thuốc là để trị bệnh, bệnh đã không thật thì thuốc làm gì có thật. Rõ ràng pháp của Phật dạy chỉ là phương tiện trị bệnh cho chúng sanh. Nếu chúng sanh hết bệnh thì thuốc cũng không dùng. Chúng sanh không thực thể thì thuốc cũng không thực thể.

Người đời thường nghĩ lời phàm tục không thật, còn lời Phật dạy là chân lý, là thật. Nhưng sự thật Phật chỉ tùy theo bệnh của chúng sanh mà dạy, giúp họ giải trừ được căn bệnh của mình, chớ ngôn ngữ ấy cũng không thật. Cho nên nói kinh điển như ngón tay chỉ mặt trăng hay chiếc bè đưa người qua sông v.v… Hiểu như vậy chúng ta mới không nghi. Tất cả pháp thế gian (tục đế) và pháp xuất thế gian (chân đế) đều không có thực thể, chỉ là giả tướng tạm bợ, đối bệnh cho thuốc thôi. Thấy rõ như vậy nên không chấp, sẽ đi tới chỗ cứu kính Niết Bàn, không còn mê lầm nữa.
.
Thấy được chữ KHÔNG của Bát Nhã rồi thì chúng ta dễ tu. Bởi vì chúng ta đang mắc bệnh chấp không. Nói tất cả pháp không có chủ thể liền chấp không ngơ. Nếu ai chấp không ngơ là lầm, bởi sự vật đang có giả tướng hiện tiền làm sao nói không được. Cho nên chúng ta phải hiểu rõ, Không là không chủ thể, không cố định, chớ lầm là không ngơ. Hiểu như vậy chúng ta sẽ không còn chấp nữa.
.
Tất cả sự vật đến với ta, ta không chấp thì dễ tu biết mấy. Mình có phải khổ sở để dẹp nóng giận, dẹp phiền não không? Sở dĩ chúng ta phiền não, chúng ta nóng giận là vì chúng ta chấp nó thật. Nếu biết rõ nó không thật, chỉ tạm bợ do duyên hợp thì có gì mà chấp. Do không chấp nên thảnh thơi tự tại đi giữa cuộc đời mà chúng ta không dính mắc gì cả.
.
Như vậy Phật độ chúng ta hết khổ, hay chúng ta dùng trí tuệ thấy muôn sự vật xảy đến với mình không thật, liền vượt qua các khổ. Nỗi khổ không ai cứu ta được mà do ta nhận ra chân tướng của nó không thật thì có gì làm ta phiền hà, khổ sở nữa! Thấy tường tận đạo lý thì không còn chấp. Nên nhớ chấp là gốc từ si mê, là nhân của đau khổ.

Nhờ trí tuệ sáng không chấp nên đau khổ cũng không còn. Tụng một bài kinh Bát Nhã mà thấu triệt rồi thì chúng ta tự tại đi trong cuộc đời. Đó là điều chắc chắn vậy.

Con người chúng ta cũng do nhân duyên sinh, không có chủ thể, cố định. Vậy gọi ta được không? Chỉ là cái ta tạm bợ, còn mất theo duyên, không có giá trị thật. Thế mà lâu nay chúng ta cứ lầm nhận ta là thật, sự vật là thật. Nhà Phật gọi lầm nhận đó là vô minh, là si mê. Người học Phật phải có trí tuệ sáng suốt, thấy đúng như thật. Những gì Phật dạy chúng ta quán sát, thấu suốt mới đem ra hướng dẫn chỉ dạy cho người khác, chớ không phải học hiểu suông mà thấy được lẽ thật.
.
Nhưng sẽ có người nói thế này, Phật dạy các pháp hư giả tạm bợ như kinh Kim Cang nói: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Nếu mọi thứ đều tạm bợ huyễn hóa hết thì không cần làm gì nữa. Cuộc đời cứ thả trôi thì xã hội sẽ ra sao? Đây là nghi vấn của nhiều người hiện nay. Thật ra người tu Phật phải có đủ hai mặt: Một là trí tuệ tức trí Bát Nhã, hai là từ bi.
.
Chúng ta quán sát thấy rõ tánh các pháp là không, do duyên hợp tạm có, thấy tường tận như vậy là chúng ta có trí tuệ Bát Nhã. Nhưng giả sử cạnh ta có người đói khổ, chúng ta cũng bỏ mặc chỉ ngồi cười thôi, không làm gì hết, như vậy trở thành khô khan tiêu cực. Cho nên phải phát tâm từ bi. Phật dạy có trí tuệ mà không có từ bi là càn tuệ tức trí tuệ khô. Vì vậy trí tuệ phải có từ bi thì trí tuệ ấy mới tươi nhuần. Còn từ bi mà thiếu trí tuệ thì gọi là từ bi mù, nên chúng ta tu Phật phải có đủ từ bi và trí tuệ.
.
Bởi vì có trí tuệ rồi chẳng lẽ ngồi không, ai khổ mặc họ không cần biết đến ? Như vậy là ích kỷ, không có lợi ích gì cả. Cho nên người tu phải phát tâm từ bi, chúng sinh tuy hư giả nhưng lại không biết hư giả. Vì vậy họ khổ, chúng ta phải thương, phải cứu họ, làm cho họ hết khổ. Như vậy nhờ trí tuệ phá kiến chấp sai lầm, phá ngu muội tăm tối. Nhờ lòng từ bi thương người mê lầm, ta chỉ cho họ thấy được lẽ thật, không còn chấp, không còn đau khổ nữa. Đó mới gọi là làm tròn bổn phận người tu.
.
Vì vậy trí tuệ và từ bi phải nhịp nhàng theo nhau. Người tu Phật dù bậc thượng hay bậc hạ cũng phải đồng thời huân tập hai phương diện đó. Phải có đầy đủ trí tuệ tức trí Bát Nhã và từ bi để độ chúng sanh. Không vị Phật nào chỉ có trí tuệ mà thiếu từ bi. Hiểu như vậy chúng ta mới sẵn sàng lăn vào cuộc đời để cứu khổ, để đánh thức những người mê muội. Không nên nói thân giả, cảnh giả, khổ cũng không thật, có gì đâu lo. Thiên hạ đói cũng là chuyện giả thôi, có chi phải bận lòng rồi ngồi đó không làm gì hết.
.
Nên trong kinh Phật dạy phước và huệ, cả hai phải song hành như nhau, giống con chim có hai cánh. Chim muốn bay được phải đủ đôi cánh, nếu chích đi một cánh thì chim bay không được.

Người tu cũng vậy, phải có trí tuệ để thấy tường tận lẽ thật của cuộc đời và có lòng từ bi để san sớt, chia xẻ những nỗi khổ của chúng sanh. Đó mới là người tu Phật chân chính.

Mong tất cả quý vị nghe suy ngẫm và ứng dụng giáo pháp Phật dạy vào đời sống tu tập của mình. Nếu ứng dụng được sẽ thấy giá trị cao siêu của Phật pháp, bằng ngược lại chỉ hiểu suông, không thực hành gì cả thì không bao giờ thấy được sự mầu nhiệm của đạo Phật. Và như vậy chúng ta không xứng đáng gọi là đệ tử của đức Phật. Tất cả hãy ghi nhớ và cố gắng nỗ lực thực hành để có niềm vui chân thật ngay trong hiện đời.
.
H.T. Thích Thanh Từ
 Hoa dep 2 (228)

 Trí tuệ trong Phật giáo

Tác giả : Hoang Phong
.
 TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO
Hoang Phong
Nhà xuất bản Phương Đông  2010
.

TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO– cuốn sách dày 312 trang, tập hợp một số bài viết và dịch của Hoang Phong trong đó có 6 bài viết và 6 bài dịch. Trí Tuệ Trong Phật Giáo chiếm một chỗ đứng đặc biệt trong cuốn sách.

PHẦN I
CÁC BÀI VIẾT CỦA HOANG PHONG
TRÍ TUỆ TRONG PHẬT GIÁO
.

Trí tuệ Phật giáo là một khái niệm rất quan trọng vì đó là cứu cánh của toàn thể việc tu tập, tuy nhiên khái niệm này lại thường hay bị lạm dụng và hiểu sai. Mục đích của bài viết này là cố gắng nêu lên một vài đặc tính khác biệt giữa Trí tuệ Phật giáo và trí thông minh thông thường, sau đó sẽ trình bày một số định nghĩa về Trí tuệ tìm thấy trong kinh sách nêu lên tính cách phức tạp của khái niệm này trên phương diện thuật ngữ và sau đó là các cách giải thích rất đa dạng tùy theo các tông phái và học phái. Trong phần kết luận sẽ xin đề nghị một thí dụ nhỏ về cách ứng dụng lý thuyết vào đời sống hằng ngày.

Trí tuệ trên phương diện thuật ngữ

Chữ”Trí tuệ” hay “Tuệ giác” thì tiếng Phạn gọi là Jnana (Xá-na), tiếng Pali là Nana, tiếng Tây tạng là Yé shes. Chữ Jnana trong tiếng Phạn có nghĩa là “sự hiểu biết”, chữ Yé shes trong tiếng Tây tạng có nghĩa là “sự hiểu biết chủ yếu”. Các ngôn ngữ Tây phương dịch chữ Jnana là Sagesse (tiếng Pháp) hoặc Wisdom (tiếng Anh). Cụ Đoàn Trung Còn trong quyển Phật Học Từ điển có đề nghị dịch chữ Trí tuệ là “Science”. Dịch như thế có vẻ sát nghĩa hơn vì chữ science có gốc tiếng La tinh là scientia, chữ scientia do chữ scire mà ra, và chữ scire có nghĩa là “hiểu biết”. Nói chung thì chữ science (mà người ta thường dịch là khoa học) có nghĩa là một “hệ thống hiểu biết mạch lạc liên quan đến các sựkiện, các vật thể hay biến cố chịu chung một số quy luật nào đó mà người ta có thể kiểm chứng được bằng các phương pháp thực nghiệm“. Theo cách định nghĩa ấy thì chữ Science gần với ý nghĩa của chữ Trí tuệ hơn là các chữ Sagesse và Wisdom.

Trí tuệ còn gọi là Tuệ hay Trí huệ. Trí là quán thấy, huệ là hiểu rõ. Trên phương diện tổng quát Trí tuệ có nghĩa là sự hiểu biết minh bạch và tường tận, và nếu dựa theo cách định nghĩa như thế thì Trí tuệ cũng không khác với trí thông minh bao nhiêu. Tuy nhiên theo quan điểm Phật giáo thì Trí tuệ hoàn toàn khác với trí thông minh thông thường, sự khác biệt đó sẽ được trình bày chi tiết trong các phân đoạn dưới đây. Theo quan điểm của Phật giáo thì Trí tuệ có nhiều cầp bậc từ thấp đến cao, và trong một cấp bậc nào đó có thể tạm gọi là cao nhất của sự hiểu biết thì Trí tuệ còn được gọi là Bát nhã (tiếng phạn là Prajna, tiếng Pali là Panna, tiếng Tây tạng là Shes rab). Đối với chữ Bát nhã thì người Tây phương không dịch nữa mà giữ nguyên gốc tiếng Phạn là Prajna.

Một vài đặc tính của trí thông minh

Như chúng ta đã thấy trong phần trình bày trên đây thì ngôn từ hay thuật ngữ chỉ là những quy ước giúp vào việc trao đổi sự hiểu biết giữa con người với nhau. Sự hiểu biết hay khả năng cảm nhận và diễn đạt của mỗi cá thể con người trước những hiện tượng thuộc môi trường chung quanh được gọi là “trí thông minh”, và tất cả mọi người đều có cái trí thông minh như thế. Tuy nhiên vì trí thông minh phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác đối với ngoại cảnh và lệ thuộc vào các điều kiện giáo dục cho nên trí thông minh rất khác biệt nhau giữa các cá thể con người. Đối với Phật giáo thì sự khác biệt ấy còn bắt nguồn sâu xa hơn nữa vì trí thông minh không những chỉ phát sinh từ kinh nghiệm cảm nhận của ngũ giác và sự diễn đạt của tri thức như người ta thường hiểu mà còn thừa hưởng những gì thật sâu xa trong quá khứ tức là nghiệp. Nghiệp tác động trực tiếp đến sự vận hành của tri thức nơi mỗi cá thể và tạo ra sự khác biệt và đa dạng của trí thông minh giữa các cá thể với nhau.

Đếnđây cũng xin phép được trở lại vấn đề thuật ngữ. Trí tuệ trong tiếng Phạn gọi là Jnana, tiếng Hy lạp cổ mượn vần jna của tiếng Phạn jnana để tạo ra chữ gno, chữ gno lại biến thành “gnose” trong tiếng Pháp và “gnosis” trong tiếng Anh. Các chữ gno, gnose hay gnosis đều có nghĩa là “sự hiểu biết”. Tóm lại sự hiểu biết hay trí thông minh nói chung là sự cảm nhận và cách diễn đạt đặc thù của con người trước những hiện tượng xảy ra chung quanh và những ảo giác và xúc cảm phát sinh trong tâm thức. Sở dĩ gọi là đặc thù vì trí thông minh đó không giống với trí “thông minh” của súc vật. Hãy lấy một thí dụ, trong mùa thu vừa qua khi tôi đang cuốc đất trong vườn thì có một người Pháp lớn tuổi đi ngang và bảo rằng khi nào tôi thấy những con trùn (giun đất) chui xuống những lớp đất thật sâu thì mùa đông sắp tới sẽ rất lạnh. Khoa học không hoặc chưa chứng minh được những sự kiện như thế (?), tuy nhiên nếuđấy là một sự thực thì ngay cả loài côn trùng cũng có một thứ thông minh nào đó.

Trí thông minh của con người có phần khác hơn. Thay vì sử dụng trí thông minh của mình để hội nhập với thiên nhiên (chẳng hạn như trường hợp của con giun đất) thì con người lại dùng nó để để tác tạo ra một “cái tôi” cho mỗi cá thể để tự tách rời mình ra khỏi môi sinh. Kết quả là mỗi cá thể tự tạo ra một thế giới riêng cho mình và đặt cái tôi của mình vào vị trí trung tâm. Đấng sáng tạo cũng chỉ xoay quanh cái tôi ấy, dù cho vị trí của Vị ấy được đưa lên mây xanh cũng thế thôi. Ngoài sự sáng tạo ra một thế giới riêng trong tâm thức để tạo ra mọi thứ xúc cảm bấn loạn, từ sơ hãi, hận thù cho đến yêu thương và bám víu, thì con người còn sử dụng trí thông minh của mình để hủy hoại thiên nhiên và chế tạo khí giới có sức tàn phá lớn lao. Chỉ có con người mới giết hại đồng loại hàng loạt, các cuộc chiến diệt chủng không bao giờ chấm dứt trong lịch sử nhân loại. Con người cũng rất khôn ngoan, nghĩra mọi thứ mưu mộ và kỹ thuật thật tinh vi để áp đặt quan điểm của mình hay để lường gạt lẫn nhau nhân danh những lợi ích “tập thể” hay chỉ vì những tham vọng cá nhân.

Trong một lãnh vực nhỏ hẹp hơn thì con người cũng biết sử dụng trí thông minh để sáng chế ra các phương pháp xử tử”nhân đạo” nhất. Trong cuộc sống hằng ngày con người cũng nhờ vào trí thông minh để tìm ra mọi cách nhục mạ và đối xử tàn tệ với nhau. Trí thông minh quả thật đã giúp cho con người trên một khía cạnh nào đó tạo ra một thế giới kinh hoàng đầy lo âu và sợ sệt. Tóm lại sức sáng tạo của trí thông minh xuyên qua cái tôi hay cái ngã là nguồn gốc trực tiếp hay gián tiếp mạng lại đủ mọi thứ khổ đau, con người không hề ý thức được điều này mà còn xem trí thông minh là một niềm hãnh diện nữa. Trí thông minh theo ý nghĩa vừa được mô tả không phải là Trí tuệ theo quan điểm Phật giáo.

Trí thông minh như đã được trình bày trên đây trực tiếp thừa hưởng những gì do nghiệp mang lại, tuy nhiên không hẳn chỉ có những nghiệp xấu như vừa được trình bày trên đây, mà còn có những thứ nghiệp lành giúp cho con người biết yêu thương nhau, tạo ra trong lòng mình những xúc cảm của từ bi, hiển hiện ra trên thân xác bằng những ngôn từ khả ái và những cử chỉ nhân từ để an ủi và giúp đỡ đồng loại đang lâm vào cảnh khổ đau và khốn cùng. Có những thứ nghiệp là những hạt giống nở ra những cánh hoa của lòng nhân ái và sự sáng suốt hướng chúng ta vào những gì cao cả hơn hầu mang lại một ý nghĩa nào đó cho sự sống này và gieo những hạt giống mới cho tương lai. Trí thông minh đó sẽ mang chúng ta ngày càng gần hơn với Trí tuệ. Vậy Trí tuệ là gì?

Trí tuệ Phật giáo có phải là một cách xử thế hay không
Xin xem tiếp : 01. Trí tuệ trong Phật giáo .

Mục lục:

Vài nét về Tác Giả: (trích trong Thư Viện Hoa Sen)

Nguyễn Đức Tiến
Bút hiệu: Hoang Phong
Sinh năm: 1939
Vềhưu năm: 1999
Hội viên Hội Thiền Học Quốc tế AZI (Association Zen Internationale)
Cựu Giảng sư Đại học Khoa Học Saigon
Cựu Địa chất gia và Kỹ sư tầm khỏa công ty dầu khí TOTAL
Tiến sĩ Khoa học
Hiện đang sống tại Pháp Quốc

Source: thuvienhoasen & hoavouu.

004 (35)

NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG CA NGỢI ĐẠO PHẬT

Famous people praise Buddhism

Tuệ Uyển chuyển ngữ ngày 22/4/2012

Philip Kotler (1931- )

“Sự tiếp cận của tôi được ảnh hưởng bởi Thiền. Thiền nhấn mạnh việc học hỏi bằng những phương tiện của tĩnh lự và tuệ quán trực tiếp, trực giác. Những tư tưởng trong quyển sách này là kết quả của những sự hành thiền của tôi trên những nhận thức và nguyên tắc nền tảng của thị trường.

(Tuệ Quán Thị Trường từ A đến Z)

“My approach is influenced by Zen. Zen emphasizes learning by means of meditation and direct, intuitive insights. The thoughts in this book are a result of my meditations on these fundamental marketing concepts and principles.”
(Marketing Insights from A to Z).

Ronald Wilson Reagan (1911-2004)

“Một điều mà Đạo Phật dạy chúng ta là mỗi thời khắc là một cơ hội để thay đổi.”

“One thing that Buddhism teaches you is that every moment is an opportunity to change. ”

Albert Einstein (1879-1955)

“Nếu có một tôn giáo có thể đối diện với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật.”

“If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.”

Henry David Thoreau

(July 12, 1817 – May 6, 1862)

“Một dấu chân đơn lẻ sẽ không làm nên lối mòn trên mặt đất, thế nên một tư tưởng đơn lẻ sẽ không làm nên một dấu vết trong tâm. Để làm nên một lối mòn vật lý sâu sắc, chúng ta phải đi tới đi lui hết lần này đến lần khác. Để làm nên một dấu vết tinh thần sâu sắc, chúng ta phải suy đi nghĩ lại nhiều lần về loại tư tưởng mà chúng ta mong ước chiếm ưu thế trong đời sống chúng ta”.

“As a single footstep will not make a path on the earth, so a single thought will not make a pathway in the mind. To make a deep physical path, we walk again and again. To make a deep mental path, we must think over and over the kind of thoughts we wish to dominate our lives.”

Albert Einstein

(14 March 1879 – 18 April 1955)

“Con người là một bộ phận của một tổng thể, được chúng ta gọi là Vũ trụ, một phần tử giới hạn trong thời gian và không gian. Con người tự kinh nghiệm, cảm giác và tư tưởng của con người, như điều gì đấy riêng biệt với tất cả,một loại vọng tưởng của tâm thức. Vọng tưởng này là một loại ngục tù cho chúng ta, giới hạn chúng ta với những tham dục cá nhân và ảnh hưởng những người gần gũi nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thoát chúng ta khỏi ngục tù này bằng việc mở rộng chu vi từ bi để bao gồm tất cả mọi tạo vật và tổng thể tự nhiên trong sự xinh đẹp của nó”.

“A human being is part of w whole, called by us the Universe, a part limited in time and space. He experiences hiimself, his thoughts and feelings, as something separated from the rest, a kind of optical delusion of his consciousness. This delusion is a kind of prison for us, restricting us to our personal desires and to affecion for a few persons nearest us. Our task must b e to free ourselves from this prison by wedening our cricles of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature in its beauty.”
Albert Einstein, 1921

Daniel Pink

“Đạo Phật và khoa học rất tương đồng,”….”bởi vì cả hai đang khám phá bản chất của thực tại, và cả hai có mục tiêu làm giảm thiểu khổ đau của nhân loại.”

(Một Tâm Thức Hoàn Toàn Mới)

“Science and Buddhism are very similar,”… “because they are exploring the nature of reality, and both have the goal to lessen the suffering of mankind.”
(A WHOLE NEW MIND)
.

Alan Wilson Watts 

(1915-1973)

“Đức Phật là một nhà tâm lý học vô cùng thiện xảo, và trong một cách nào đấy, Ngài là một nhà tâm lý trị liệu đầu tiên trong lịch sử, một bậc hiền nhân thấu hiểu kỳ diệu những mưu chước và tính không thành thật của tâm thức con người.”

(Những Triết Lý Á châu)

“The Buddha was a very skillful psychologist, and he is in a way the first psychotherapist in history, a man of tremendous understanding of the wiles and the deviousness of the human mind.”
(The Philosophies of Asia)

Leo Nikolayevitch Tolstoy

(1828-1910)

Đối với đời sống trong tâm thức của nổi khổ không tránh khỏi, của việc trở nên bị kiệt quệ, của tuổi già, và của chết chóc, là không thể cam chịu được – chúng ta phải tự do khỏi cuộc đời, khỏi tất cả những cuộc sống có thể,” Đức Phật nói thế. Và những gì tâm thức mạnh mẽ này nói đã được nói và suy tư và cảm nhận bởi hành triệu trên hàng triệu người giống như họ. Và tôi đã nghĩ và cảm nhận điều ấy
(Lời Sám Hối)

“To life in the consciousness of the inevitability of suffering, of becoming enfeebled, of old age and of death, is impossible – we must free ourselves from life, from all possible life,” says Buddha. And what these strong minds said has been said and thought and felt by millions upon millions of people like them. And I have thought it and felt it.
(A CONFESSION)

Sir Arthur Charles Clarke

(1917-2008)

Trong những niềm tin đã hiện hữu trước khi có sự ra đời của những Đấng Tối Cao, chỉ một hình thức Đạo Phật thuần khiết- có lẻ là một tôn giáo chân thật nhất – vẫn tồn tại.”

(Sự Kết Thúc của Tuổi Thơ)

Đạo Phật Sẽ Lan Truyền đến Phương Tây

“Of the faiths that had existed before the coming of the Overlords, only a form of purified Buddhism-perhaps the most austere of all religions-still survived.”
(Childhood’s End)
Buddhism will spread to the West.

Arnold J Toynbee

(1889-1975)

“Việc Đạo Phật đến phương Tây có thể chứng minh rõ ràng là sự kiện quan trọng nhất của thế kỷ hai mươi.”

“The coming of Buddhism to the West may well prove to be the most important event of the Twentieth Century.”

Richard J. Davidson, Ph.D., Lab Director

(born December 12, 1951)

Vào năm 2050…

* Việc luyện tập tinh thần sẽ được chấp nhận và thực hành trong cùng cách như việc luyện tập thân thể hiện nay.

* Chúng ta sẽ có một môn khoa học về những phẩm chất đạo đức.

* Chúng ta sẽ kết hợp chặc chẽ tâm thức trở lại với thuốc men và thấu hiểu tốt đẹp hơn về vấn đề não bộ có thể điều chỉnh sinh học ngoại biên trong những cung cách tác động đến sức khỏe. Điều này sẽ hướng chúng ta đến việc chịu trách nhiệm hơn cho sức khỏe của chúng ta.

* Chúng ta sẽ phát triển một sự tiếp cận thế tục để cung ứng những phương pháp và những sự thực hành từ các truyền thống quán chiếu để:

— Dạy giáo viên và trẻ em những cách để điều chỉnh cảm xúc tốt đẹp hơn và sự chú ý và trau dồi những phẩm chất như tử tế và từ bi.

— Thay đổi những sự trừng phạt vì thế sự tha thứ có thể được trau dồi trong những nạn nhân và sự điều chỉnh cảm xúc và sự giảm thiểu căng thẳng trong những người phạm lỗi.

— Gia tăng tỉnh thức về mối liên hệ hổ tương với những người khác và với hành tinh và thêm những người chịu trách nhiệm săn sóc môi trường quý giá của chúng ta.

— Thúc đẩy sự chấp nhận mở rộng hơn vào trong những tổ chức văn hóa quan trọng của chúng ta. Điều này sẽ giúp để khôi phục tính lịch sự, khiêm tốn, biết ơn và những đạo đức khác trong văn hóa của chúng ta.

Chuyển hóa tâm thức, thay đổi não bộ chúng ta
In 2050…

* Mental exercise will be accepted and practiced in the same way physical excercise is today.

* We will have a science of virtuous qualities

* We will incorporate the mind back into medicine and better understand how the brain can modulate peripheral biology biology in ways that affect health. This will lead us to take more responsibility for our own health

* We will develop a secular approach to provide methods and pracitces from contemplative traditions to:

— Teach teachers and chidren ways to better regulate emotions and attention and cutivate qua lities like kindness and compassion

— Transform corrections so that forgiveness can be cultivated in victims and emotion regulation and stess reduction in offenders.

— Increase awreness of our interdependence upon others and upon the planet and be more responsible caretakers of our precious environment

— Promote thrir more widespread adoption into the major institutions of our culture. This will help to restore civility, humility, gratitude and other virtues in our culture.

Transform Your Mind, Change Your Brain

Ẩn Tâm Lộ ngày 17/6/2012

http://rmvvision.wordpress.com/category/buddhism-in-the-eyes-of-intellectuals/

Source: thuvienhoasen.