Recent Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 6,
Ðức Phật và Nụ Cười
Thích Nữ Trí Hải
Qua những Kinh Ðiêñ Ðại Thừa ghi lại cuộc đờì Ðức Phât trong 49 nåm du hóa, chúng ta có được một hình ảnh linh động về Ðấng Ðạo Sư .Nét độc đáo nhất trong nhân cách Ngài là Ngài không bao giờ mất bình tiñh. Ngài luôn luôn giữ được phong độ, dù gặp những sỉ nhục.
Nhưng, một nét độc đáo khác của Phât là Ngài rât ít khi cười lớn, mà chỉ mĩm nụ nhiệm mâù. Cho nên mỗi khi Ngài cười lớn, là cả một “Ðại sự nhân duyên”. Cái cười âý phóng ra muôn vàn ánh quang minh vốn là môt thứ ngôn ngữ, môt cách truyền thông chân lý.Ngài đã chứng cho các vi Bô Tát. Ðối vớí kẻ phàm tục chúng ta, nụ cườì của Phât đã trở thành môt cái gì hêt sức huyền bí. Nhìn những tượng tranh trình bày tôn dung Ngài, chúng ta luôn luôn muốn chiêm ngưỡng mãi nụ cuờì bí ẩn cua Ngài: nụ cuờì không hẳn là cườì. Môt nụ cườì như ẩn như hiện, như xa như gần, như sắc như không. Môt nụ cườì vừa rất hồn nhiên, vừa sáng ngờì trí giác. Chiêm ngưỡng nụ cườì Ngài, chúng ta có cãm tưởng Ngài dâú ta môt điều gì, mà nêú ta đứng lặng nhìn lâu hơn môt chút, ta sẽ bíêt được. Nhưng phải hết sức là lặng, vì:
Không gian như có giây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu (XD)
Cái gì chúng ta biết được trong nụ cườì thoáng qua âý thật cuñg vô cùng mong manh, nó vụt tan biến ngay khi một niệm vừa móng khởi. Chiêm ngưỡng nu cườì Ngài, chúng ta bất giác muốn cườì theo, cái cườì Từ Bi thông cãm, cái cườì đầy hương vi giải thoát, nụ cườì của sự bao dung, xóa hết ranh giớí thân sơ yêu ghét.
Nét mặt bình an của Phât biểu thị sự siêu thoát khỏi vòng sống chết, khóc cườì của thế nhân. Con người ưa sống ghét chết, ưa hợp ghét ly, ưa vui ghét khổ, mà không biết sống chết, hợp tan, vui khổ chi’ là hai mặt của một đồng tiền. Vì ưa sống ghét chết nên sống thì cườì, chết thì khóc,vì thế cứ phải quanh quâñ mãi trong vòng sống chết khóc cườì, không biết bao giờ ra khỏi. Hãy tìm Hanh Phúc tù’ Ngùôn Tâm đê’ được trường cửu và bất tận, nu cườì không phải trả giá bằng nôi˜ đau khổ và hãy đê’ nu cườì xứng đáng được xem là ” ánh mặt trờì xua đuổi mùa Ðông ra khỏi nét mặt con người” như V.Hugo diên˜ tả ( le rire, c’est le soleil qui chasse l’hiver du visage humain ).
Trích đoạn bài ” Ðức Phật và nụ cười – Tác giả: Thích Nữ Trí Hải”
Nguồn: Saigon Times.
Thiên thu đẹp mãi nụ cười
Có một nụ cười
Mãi rạng ngời không tắt .
Khi chiều về hoàng hôn rơi tím ngắt ,
Hay lúc trời rực rỡ sắc ban mai .
Nụ cười mãn khai
Mãi hoài cùng năm tháng .
Mới hôm qua đời bỗng buồn vô hạn
Chiêm ngưỡng nụ cười. Lòng quang rạng sầu tư!
Ôi! Nụ cười Chân Như
Bóng dáng Đại Từ vô lượng .
Xin cất lấy nụ cười vào sâu trong tâm tưởng
Để thấy lòng ta luôn độ lượng quanh đời….
Khi nhân loại biếng cười
Vì nhiều khổ đau trầm thống .
Xin nguyện làm nụ cười nở trên môi đời sống
Biên giới phai mờ. Lòng rộng mở niềm Thương…
Bodhgaya,2-2009
Thích Tánh Tuệ
Nụ Cười bất diệt –
-
HT. Thích Thanh Từ
Trong thời gian yên tu, một hôm bỗng dưng chúng tôi cảm thông được nụ cười nhẹ nhàng hiện trên môi Đức Phật và nụ cười tạm biệt của các thiền sư khi từ giã cuộc đời. Tại sao bài thuyết pháp đầu tiên của Đức Phật tại Lộc Uyển đề cập trước nhất là Khổ đế, cho đến nhiều bài thuyết pháp sau này, Đức Phật cũng thường nhắc đến nỗi khổ của chúng sanh vô tận bằng những câu “nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả…”, mà trên gương mặt Ngài luôn nở nụ cười?Vô minh là cội nguồn của muôn kiếp khổ đau. Con người có mặt trên cõi đời do vô minh chủ động, nên khi ra đời đã mang sẵn chất keo đau khổ. Vô minh là gì mà đày đọa con người lắm thế? Vô minh là nhận hiểu sai lầm về con người và muôn vật. Về con người, thân này là cái không thể giữ mà cố giữ, cái sắp bại hoại mà muốn không bại hoại, cái tạm bợ mà tưởng lâu dài, cái nhơ nhớp mà tưởng đẹp đẽ; các cảm giác là hư ảo mà tưởng là chân thật, cảm giác là vô thường mà tưởng lâu dài, cảm giác là đau khổ mà tưởng là hạnh phúc; nội tâm vọng tưởng là ảo ảnh mà chấp là tâm mình, Chân tâm bất diệt thì lơ là không biết đến. Về muôn vật, những sắc hình hào nhoáng, những âm thanh sanh diệt, những hương vị tạm bợ, mà mê say đắm đuối, khao khát thèm thuồng đuổi bắt suốt đời không biết mệt mỏi. Từ những nhận hiểu sai lầm này, con người không bao giờ toại nguyện, không bao giờ được như ý, không bao giờ thấy hạnh phúc; mà luôn luôn thấy bất mãn, bất như ý, bất hạnh… là nguồn gốc khổ đau. Cái nhận hiểu sai lầm này gắn chặt vào chúng ta từ đời này sang kiếp nọ, mãi mãi không rời, cho nên khổ đau do nó gây ra không biết lấy đâu làm ngằn mé, chỉ còn cách diễn tả “nước mắt chúng sanh nhiều hơn nước biển cả”.
Mặc dù vô minh hiểm nguy như thế, song một phen giác ngộ chúng liền tiêu tan. Như ngôi nhà tối ngàn năm chỉ cần thắp ngọn đèn sáng lên thì bóng tối tan mất. Cái mê lầm u tối tạo thành muôn ngàn sợi dây nghiệp khổ, trói buộc lôi kéo con người lăn lộn trong vạn nẻo luân hồi, tưởng chừng như không có cách gì thoát khỏi; đâu ngờ ngọn đèn giác ngộ vừa bừng sáng lên, chúng liền lui mất không còn tung tích. Thấy tường tận sự việc này, Đức Phật không nở nụ cười an lành sao được.
Chúng sanh si mê tranh giành sắc, tài, danh, lợi rồi sát phạt nhau, lừa đảo nhau, hận thù nhau… biến cảnh nhân gian trở thành bãi chiến trường. Kẻ thắng thì được hoan hô thăng thưởng, được vật chất dẫy đầy; người bại thì bị khinh miệt chê bai, bị thân tàn nghèo đói. Một bên hạnh phúc, một bên khổ đau hiện bày trước mắt mọi người. Vì thế, bất cứ ai có mặt trên trần gian đều sẵn sàng cầm kiếm xông vào trận mạc để mong giành phần thắng về mình. Nhưng nơi chiến trường đâu phải ai cũng là kẻ thắng. Có người thắng là có kẻ bại, có hạnh phúc là có khổ đau. Đôi khi kẻ bại phải tan thân mất mạng đã đành, mà người thắng cũng thương tích đầy mình. Hạnh phúc rất ít mà khổ đau quá nhiều. Mặc dầu là thế, ở đời có ai chịu nhường bước cho ai. Những chiếc xe tranh nhau qua mặt gây tai nạn, hàng ngày xảy ra nhan nhản trước mắt mà các chú tài xế ít khi chịu nhường tránh nhau để mình và người được sự an toàn. Tranh đấu đã trở thành quy luật của con người. Song kẻ thắng người bại kết cuộc sẽ thành cái gì? Một nấm mồ hay một nhúm tro tàn?
Đời người là diễn viên đang diễn xuất những vở bi hài kịch trên sân khấu của kịch trường. Dù đóng vai người tài danh lỗi lạc hay đóng vai kẻ ăn mày cùng khổ ở xó chợ đầu đường, khi hạ màn kết thúc thì mọi việc đều không. Trong lúc giả trang tạm thời ấy, mọi sự được mất thành bại… đều là trò chơi. Người diễn viên thông minh đóng kịch, dù bi kịch hay hài kịch, khi sân khấu buông màn liền nở nụ cười, đây là trò đùa trên sân khấu, không có một chút hối tiếc hay lo buồn. Đức Phật đã giác ngộ viên mãn, thấy rõ cuộc đời là vô thường ảo hóa, khi từ giã cuộc đời tự nhiên Ngài hé môi cười nhẹ.
Những thứ suy tư nghĩ tưởng trong nội tâm, mỗi con người chúng ta đều thừa nhận là tâm của mình, hoặc nhận là mình. Tôi suy tư thế này, tôi nghĩ tưởng thế kia, hoặc tôi nghĩ tôi tưởng. Do thừa nhận chúng là mình, nên chúng ra oai tác quái tạo đủ thứ nghiệp, cột trói lôi kéo mình lăn tròn trong lục đạo không có ngày thoát khỏi. Hàng ngày các thứ ấy lăng xăng lộn xộn bủa vây che đậy trong nội tâm chúng ta không một phút giây an ổn. Có khi chúng nó ồn ào náo loạn khiến đầu óc ta nóng rực bất an, cố van xin chúng cho ta được vài phút an lành, nhưng chúng nó nào có chịu tha, cứ tha hồ quậy, buộc lòng ta phải dùng thuốc an thần để kháng cự. Thậm chí những nhà tu hành cũng bực bội sự náo loạn của chúng, phải chạy tìm cầu “pháp an tâm”. Có vị sợ sự trói buộc vô hạn định của chúng, phải đi cầu xin “pháp giải thoát”. Gặp bậc thầy cỡ lớn, nhà tu hành liền đem ra hỏi “pháp an tâm”. Ông thầy nghiêm nghị bảo “đem tâm ra ta an cho”. Nhà tu hành sửng sốt phản quan soi lại thì bọn giặc ồn ào đã biến đâu mất, đành thưa “con tìm tâm không được”. Bậc thầy nhếch mép cười bảo “ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Nhà tu hành bỗng dưng thấy bọn giặc ấy là một đám khói mây. Nhà tu hành khác thao thức lo sợ sự trói buộc của đám phiền não này, đi cầu thầy dạy “pháp giải thoát”. Ông thầy cỡ lớn chỉ hỏi “ai trói buộc ông”, nhà tu hành tìm lại không thấy có gì trói buộc, liền thưa “không có ai trói buộc”. Ông thầy cả cười bảo “cầu giải thoát làm gì”, nhà tu hành bỗng dưng thấy trăm dây ngàn mối trước kia nhất thời đã biến đâu mất.
Khi thấy tột cùng bản chất ảo hóa của các thứ tâm lăng xăng lộn xộn này, Đức Phật chỉ còn cười với chúng mà thôi! Nếu ai còn lầm nhận chúng là mình thì bị chúng ra oai tác quái; trái lại người biết rõ bản chất hư ảo của chúng thì không bị chúng lừa gạt và khả năng lôi kéo của chúng cũng bị hạn chế. Thấy rõ các thứ tâm hư ảo rồi, Đức Phật còn nhận ra Tâm thể chân thật nơi mỗi con người là thênh thang trùm khắp, chưa bao giờ bị sanh diệt vô thường. Xả bỏ thân khổ đau nhớp nhúa, tạm bợ, thể nhập Pháp thân thanh tịnh bất sanh bất diệt (Niết bàn), nhẹ nhàng an lạc biết mấy, thì làm sao Đức Phật chẳng hé nở nụ cười an lành thanh thản. Không những Phật, mà các Thiền sư đệ tử Phật khi từ giã cuộc đời cũng cười. Tôn giả Pháp Loa khi sắp tịch để kệ:
Dịch âm:
Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn,
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian.
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn,
Na biên phong nguyệt cánh man khoan.Dịch nghĩa:
Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn,
Hơn bốn muơi năm giấc mộng tràng.
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi,
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.Đeo mang thân này là đeo mang gông cùm, bệnh tật, bại hoại, khổ đau, buông xả được nó thì nhẹ nhàng thảnh thơi an lạc. Xả bỏ thân này đâu phải là hết, mà còn bầu trời mênh mông có trăng trong gió mát, còn gì thích thú bằng nên thiền sư cười!
Người thế gian có khi cười có lúc khóc, hoặc cười xã giao, cười nhạo báng, cười gằn, cười gượng khóc thầm…, tất cả cái cười ấy đều thuộc về tình cảm sanh diệt. Cái cười của Đức Phật, của thiền sư là nụ cười giác ngộ thoát ra ngoài mọi thứ mê lầm, chỉ có cười mà không có khóc, gọi là “nụ cười bất diệt”. Hơn nữa, vì đạt được Thể vô sanh, mọi khổ đau sanh diệt đã trút sạch, thong dong tự tại đi trên con đường Niết bàn, trên môi nở nụ cười rạng rỡ, nụ cười này thật là “nụ cười bất diệt”. Như thế, những ai cho rằng đạo Phật là bi quan thì đây là một ý tưởng sai lầm. Đạo Phật tạo cho con người niềm vui hiện tại và mãi đến mai sau. Chúng ta tu theo đạo Phật là vứt bỏ mê lầm để cho đời này được an lạc và giác ngộ để về sau mãi mãi an lạc. Chính đây là mục đích cứu khổ của đạo Phật, đạo ban vui cứu khổ cho chúng sanh. Vì hết khổ là được vui, nên phải nói đạo Phật thật sự là giáo pháp chỉ rõ thật tướng của cuộc sống, giúp con người tìm ra “bản lai diện mục” của chính mình – nơi có niềm vui vĩnh cửu.
THIỀN VÀ CẢM XÚC
TT. Thích Tâm Đức
Thiền và cảm xúc có một mối quan hệ mật thiết với nhau trong quá trình tu tập, chuyển hoá tâm cho đến khi đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát.
Thiền, có xuất xứ từ Ấn Độ cổ đại, được xem là một phương pháp giáo dục con người một cách toàn diện, hướng con người đến chân – thiện – mỹ, rèn luyện con người phát triển thể lực và trí lực một cách hài hoà và tốt đẹp. Giá trị lý luận và thực tiễn của nó càng được khẳng định khi hiện nay trên toàn thế giới, nhất là các nước phương Tây đã và đang quan tâm, và hướng về nó một cách tích cực.
Khoa học ngày nay với những thí nghiệm tiên tiến về hai khía cạnh tâm lý và sinh lý của con người càng thấy rõ sự tương tác qua lại rất chặt chẽ giữa chúng với nhau: một nỗi buồn, vui, giận hờn, thương yêu, lo lắng hay an nhiên tự tại … đều làm cơ thể tiết ra những hóc môn tương ứng có thể dẫn đến những nguy cơ bịnh tật, tử vong hoặc ngược lại có thể làm cho con người vượt qua những khổ đau của tâm sinh lý, của bịnh tật. Nhật Bản, một nước Châu Á nhưng là một cường quốc kinh tế thứ nhì hay thứ ba của thế giới hiện nay, đã từ lâu biết ứng dụng thiền vào mọi hoạt động của con người và ta được biết như là: trà đạo, kiếm đạo, nhu đạo, cung đạo, hoa đạo…Đạo ở đây có nghĩa là thiền và cũng có nghĩa là nghệ thuật. Vào buổi chiều, sau khi tan việc trên đường về nhà, vị thương gia ghé vào một phòng trà đạo, và chỉ sau khoảng nửa giờ với những nghi thức dùng trà là vị ấy hầu như hồi phục lại toàn bộ sinh lực đã mất trong ngày. Cũng vì “tự mặc cảm” thấy mình không xinh đẹp như một nữ diễn viên Mỹ mà hơn 80% số nữ sinh học lớp Tám ở Anh Quốc mắc bịnh trầm cảm. Tâm trí quả thật đóng một vai trò sinh tử đối với sức khoẻ của con người.
Tiến sĩ Girish D. Patel là bác sĩ tâm lý học tại Mumbai (Ấn Độ), đã có trên 5.000 buổi thuyết trình ở 40 nước với những bài nói thu hút về “Sức khỏe trong tầm tay bạn” – những kỹ năng quản lý cuộc sống cho những cá nhân.
Thông qua Trung tâm Các giá trị sống, ông đã có những buổi nói chuyện ở Việt Nam. Ông trao đổi về phép luyện tâm hồn như sau:
Một câu chuyện như thế này: Có một cô bé 12 tuổi bị tai nạn và mất. Người cha khóc nhiều tháng trời vẫn chưa nguôi nỗi đau. Một đêm, ông ta khóc rồi chìm vào giấc ngủ, mơ thấy rất nhiều thiên thần. Người cha mừng rỡ và vui mừng vì thấy con gái mình cũng trở thành một trong những thiên thần đó. Song niềm vui vụt tắt khi ông nhìn thấy tất cả ngọn nến trên tay các thiên thần đều sáng, chỉ riêng ngọn nến trên tay con gái ông là tắt. Ông tiếp tục buồn rầu và khóc.
Ông hỏi cô con gái: “Tại sao ngọn nến của con không sáng?”. Người con trả lời: “Cha yêu quý, những người bạn thiên thần của con rất tốt bụng, họ cứ thắp mãi cho ngọn nến của con cùng cháy. Nhưng hễ nến vừa sáng lên thì giọt nước mắt của cha nhỏ xuống lại làm nó tắt đi, không sáng được”. Người cha từ đó không khóc nữa và sống hạnh phúc.
Câu chuyện cho thấy trái tim hiểu ngôn ngữ của cảm xúc và thường bị vùi dập bởi những cảm xúc đau buồn. Còn những xung đột thường nảy ra từ cái đầu: suy đoán, tổn thương… Chỉ có tìm ra logic hợp lý mới chữa trị được cái đầu của mình. Nhưng phải biết kết hợp giữa cái đầu và trái tim để kiểm soát tâm trí. Muốn vậy phải có phương pháp luyện tâm hồn. Các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu cho thấy 70% bệnh của con người là từ tâm bệnh mà ra, 30% còn lại mới do di truyền, thể xác, môi trường…
Cơ sở lý luận của Thiền là: Sự tập trung tư tưởng. Khi bộ óc được tập trung vào một đối tượng thì tạo ra một sức mạnh nội tâm như một ngọn đèn pha chiếu sáng, khiến thấy rõ mọi sự vật; trong khi đó nó làm ức chế và khiến những phần còn lại của vỏ não được nghỉ ngơi, thanh thản. Tâm trí người thường tán loạn, vọng tưởng, chạy theo những tham muốn bất thiện gây ra những hậu quả đáng tiếc về mặt đạo đức, luật pháp… Phương pháp thực hành Thiền có nhiều cách, nhưng có một cách đơn giản mà hiệu nghiệm, đó là: Quán tưởng hơi thở . Vị ấy ngồi yên lặng, lưng thẳng, mắt khép lại và để ý hơi thở vô, ra. Hơi thở này đang đi vào, vị ấy rõ biết như vậy; hơi thở này đang đi ra, vị ấy rõ biết như vậy. Trong khi đang theo dõi hơi thở như vậy, nếu có những hình ảnh, kỷ niệm, suy nghĩ, cảm xúc dù chúng có đẹp hay xấu, vui hay buồn thì vị ấy đừng để ý hay bận tâm, phê phán. Sau một thời gian lâu hay mau, tuỳ theo sự nỗ lực của từng người mà sẽ có hiệu quả sớm hay muộn.
Thước đo kết quả của sự luyện tâm là vị ấy cảm thấy sức khoẻ thân tâm của mình ngày càng được tốt hơn: ngủ ngon giấc không chiêm bao mộng mị, bớt lo lắng phiền não, vui vẻ, tập trung vào công việc đang làm một cách tự nhiên. Một sự luyện tâm như vậy sẽ dần tạo ra một phản xạ có điều kiện mới thay thế cho những thói quen xấu cũ.
Đức Phật dạy: cảm xúc là một phần hoạt động của quá trình duyên sinh của tâm.Do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà có sáu thức, sáu thức duyên sinh sáu xúc, xúc duyên sinh thọ , thọ duyên sinh tưởng, tưởng duyên sinh hý luận và vọng tưởng. Cảm xúc hay cảm thọ do các yếu tố cấu thành nên, nên chúng không có tính bền vững và chỉ hiện hữu tạm thời.
Thiền có hai phần:
Chỉ và Quán. Ta có thể áp dụng xen kẻ Chỉ và Quán trong khi ngồi thiền. Nếu chỉ áp dụng Chỉ thôi thì tâm dễ bị hôn trầm và nếu chỉ áp dụng Quán thôi thì tâm dễ bị tán loạn. Đức Phật dạy, một người nội trợ khéo tay thì khi xào nấu một món ăn người này thường dùng thìa trở qua trở lại món ăn nếu không thì món ăn sẽ bị cháy khét.
– Chỉ là an trú hay cột tâm hay tâm rõ biết hơi thở này vô, hơi thở này ra. Có hai cách an trú tâm vào hơi thở: a) Tâm rõ biết hơi thở trên một đường thẳng từ mũi đến bụng dưới (Cách rốn một đốt tay), hoặc b) Tâm rõ biết một điểm ở giữa hai ống mũi mà hơi thở đi qua. Thời gian đầu, người ta thường đếm hơi thở từ 01 đến 10 rồi tiếp tục đếm lại từ 01 đến 10. Việc đếm hơi thở này giúp hành giả dễ tập trung tư tưởng và tránh được hai chướng ngại là hôn trầm và tán loạn .Trong khi an trú tâm như vậy, nếu có bất kỳ hiện tượng nào như hình bóng, cảm xúc, kỷ niệm, lo âu… hiện ra trong đầu thì cứ để chúng xuất hiện tự nhiên, không đè nén chúng, không có khen, chê hay phê phán chúng và hãy quay về an trú và đếm hơi thở. Sự huấn luyện tâm hay thiền chỉ này sẽ đưa đến định lực hay tâm giải thoát.
– Quán là phân tích, xem xét và thâm nhập vào hay sống với ý nghĩa của 16 đề tài thiền quán, 4 đề tài liên hệ đến thân , 4 đề tài liên hệ đến cảm thọ , 4 đề tài liên hệ đến tâm và 4 đề tài liên hệ đến pháp . Phép thiền quán như vậy sẽ giúp hành giả thấy được bản chất vô thường, sinh diệt, mỏng manh của mọi thứ như trong tay cầm một cục nước đá đang tan chảy. Do vậy tâm trí rời bỏ, không tham đắm hay bám víu và thành tựu tuệ giải thoát.
Thật sự, Chỉ và Quán luôn được sử dụng chung trong khi hành thiền và đưa hành giả chứng đạt đích cuối cùng là giác ngộ và giải thoát khỏi mọi phiền não, khổ đau.
Thiền là một pháp môn đặc biệt mà đức Phật gọi là “Eko maggo” (độc lộ dẫn đến giải thoát) và Pháp của ngài giảng có tính thiết thực hiện tại, đến để thấy và chứng nghiệm “Ehi passiko”, không phải đến để tin một cách mù quáng như đoàn người mù dắt nhau đi, người đầu tiên không thấy và người đi cuối cùng cũng chẳng thấy! Thiền hẳn sẽ mang lại niềm hạnh phúc vô biên ngay hiện tại cho tất cả mọi người.
TS Thích Tâm Đức 12-2009
(thaytamduc.com)
Trích dẫn
[1] Thiền sẽ giúp chuyển hoá tâm, làm thay đổi 5 triền cái gây chướng ngại tâm là hôn trầm, nghi, sân, tán loạn và tham dục thành 5 thiền chi là tầm (hướng tâm), tứ (an trú tâm), hỉ (niềm vui tinh thần), lạc (sự khinh an của thân) và nhất tâm (một trạng thái tâm thuần nhất và vắng lặng, không còn hiện hữu của những làn sóng tâm bất thiện gây phiền não cũng như không còn hiện hữu ngay cả tâm của 4 thiền chi trước).
[1] Thở vô, ra dài tôi rõ biết / Thở vô, ra ngắn tôi rõ biết / Cảm giác toàn thân tôi thở vô, ra / An tịnh thân hành tôi thở vô, ra.
Source: thuvienhoasen
THIỀN TRONG ÐỜI THƯỜNG
Thích Thông Huệ
LỜI NÓI ÐẦU
Thế kỷ 21 được xem là thế kỷ của khoa học, và nền kinh tế tri thức là một mắt xích chiến lược trong sự phát triển bền vững. Bằng tri thức, con người tạo ra những tiện nghi cho đời sống, kéo dài tuổi thọ và thậm chí tìm cách cướp quyền Tạo hoá. Bằng tri thức, con người đã khám phá ra nhiều bí mật của tự nhiên và vũ trụ, đã khai thác những tài nguyên nơi đại dương bao la và trong lòng đất bí ẩn; đã tiến một bước dài trong việc quan sát các vùng thiên hà cách trái đất hàng nghìn năm ánh sáng.
Tuy nhiên, những bước tiến đột phá của khoa học và sự phát triển tột bực của nền văn minh nhân loại, đến nay vẫn không thể tháo gỡ những bế tắc tinh thần và tình cảm cho con người, không thể diệt trừ tận căn nguyên của tội ác, và nhất là không thể giúp con người tiếp cận chân lý. Sự đối đầu về tư tưởng và quân sự do ý thức hệ, đã chấm dứt vào thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, tưởng mở ra cho nhân loại con đường thênh thang dẫn đến hòa bình phồn vinh, tưởng là khúc dạo đầu của bản giao hưởng hạnh phúc và hy vọng. Nhưng thật sự không phải thế. Hành tinh xanh của chúng ta vẫn còn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố và xung đột khu vực, có thể biến thành ngòi lửa chiến tranh bất kỳ lúc nào. Những vấn nạn về bùng nổ dân số, nguồn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, thiên tai bệnh họa ngày càng phức tạp…, tất cả đều là những thách thức lớn mang tính quy mô toàn cầu.
Về mặt xã hội, sự khổng lồ của những luồng thông tin cập nhật qua mạng internet, những trang web hoặc diễn đàn (forum) cá nhân dễ dàng mở ra nhờ các phần mềm biếu không, càng khiến mọi người thấy rõ mặt trái của lối sống hưởng thụ, được khoác lên những hình thức hoa mỹ. Cũng vì choáng ngợp thông tin, am hiểu thời sự, cộng thêm cuộc sống hối hả tranh đua, nên con người dễ bị căng thẳng thần kinh tâm lý. Thuật ngữ chuyên môn gọi là Stress. Biểu hiện của Stress là thay đổi tính tình, dễ cáu gắt bực bội hoặc trở nên chán chường, mệt mỏi. Dần dần ý thức giảm linh hoạt, nhận thức rối loạn, ảnh hưởng nặng đến tâm thức và cuối cùng là đột tử.
Ðầu năm 2002, Tiến sĩ Wilcox thuộc Ðại học Harvard Hoa Kỳ đã báo cáo trong một nghiên cứu về tuổi thọ, tỷ lệ người dân trên 100 tuổi cao nhất thế giới là ở quần đảo Okinawa Nhật Bản; đặc biệt là số người mắc các bệnh tim mạch, ung thư và đột qụy thấp nhất. Ông kết luận rằng, nguyên nhân do dân bản xứ sử dụng nhiều rau quả và cá làm thực phẩm, vận động nhiều và có tinh thần lạc quan yêu đời. Ðiều nầy phù hợp với hướng đi mới của các nhà y học trong lĩnh vực điều trị và dự phòng, chủ trương bệnh tật là do mất cân bằng giữa các dòng năng lực sống của cơ thể. Ý tưởng nầy đặt căn bản trên Sinh lực luận, một quan điểm triết học cho rằng “năng lực sống” của con người quyết định sức khoẻ và sự sống. Vì thế, khác với y học thường quy quan tâm đến những nguyên nhân gây bệnh từ bên ngoài, các nhà nghiên cứu ngày nay chú trọng việc khôi phục sự cân bằng từ bên trong, nghĩa là phát huy khả năng tự điều trị cho chính mình. Trong đó, Thiền được xem là một phương tiện điều trị hữu hiệu nhất.
.
Quyển sách nầy không nói về Thiền như một phương thuốc chữa trị hay phòng bệnh, vì mục đích tối hậu của hành giả tu Thiền là Giác ngộ và Giải thoát. Tuy nhiên, vì Phật pháp và thế gian pháp không thể tách rời, nên thiền sinh không xa rời thế gian tìm cầu Phật pháp, cũng không trốn tránh thế gian hưởng hạnh phúc riêng mình. Thiền trong đời thường là sự hòa hợp nhịp nhàng giữa một khối óc minh triết và một trái tim nhân hậu, nghĩa là hòa quyện giữa trí tuệvà từ bi. Con đường thiền tập là chánh niệm tỉnh giác, chứng nghiệm vào thực tại sống động. Khi tâm an định, hành giả có sự trầm tĩnh sáng suốt thích nghi với mọi hoàn cảnh thuận nghịch, giải quyết mọi vấn đề một cách tốt đẹp nhất. Một mặt, hành giả làm tròn trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, một mặt dốc toàn lực vào việc lớn của đời mình, là nhận ra và hằng sống với tự tánh bản lai. Chỉ có thể tánh thanh tịnh ấy mới vĩnh viễn thường còn, mới là hạnh phúc đích thực, và luôn lung linh tỏa sáng trong sự biến động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống. Bằng những bước chân tự do và vong ngã, hành giả nhập vào dòng sống luân lưu, thực hiện lợi ích cho mình và nhiêu ích cho mọi người mọi vật. Có thể nói, tinh thần Thiền tông là sống với bản tâm thanh tịnh trong cuộc sống đời thường, là đóng góp công sức mình vào hạnh phúc chung của cộng đồng nhân loại.
Khoa học và văn minh càng phát triển, thế giới càng trở nên nhỏ bé, con người càng tùy thuộc vào nhau một cách sâu sắc và toàn diện. Việc xây dựng một thế giới hòa bình thịnh vượng không phải trách nhiệm của riêng một tổ chức hay quốc gia nào, mà cần có sự hợp tác chặt chẽ của toàn thể cộng đồng; trong đó, vai trò của cá thể trong đời sống tập thể là yếu tố quan trọng và quyết định. Ý thức vai trò ấy, những người con Phật chúng ta thấy trách nhiệm của mình vô cùng lớn lao và cao quý. Cho nên, xin hãy thông cảm nhau bằng trái tim trong sáng và từ bi để chung tay tịnh hoá cuộc đời. Khi tất cả mọi người đều sống theo tinh thần Ðạo Phật nhập thế, thì cõi Ta bà sẽ trở thành Tịnh độ nhân gian.
.
Những điều bình thường nhất lại tiềm ẩn ý nghĩa sâu mầu uyên áo nhất, khó diễn đạt bằng ngôn ngữ thế gian. Chúng tôi không dám có tham vọng gởi đến quý độc giả một thông điệp hòa bình, chỉ mong những điều trình bày sau đây đem lại vài lợi lạc nhỏ trong phạm vi rộng lớn của cuộc sống thường nhật. Hy vọng quý vị tùy hỷ và vui lòng chỉ bảo những thiếu sót trong quyển sách nầy. Trong tinh thần cầu tiến, chúng tôi xin chân thành cảm tạ mọi đóng góp xây dựng của các bậc Tôn túc cao minh và tất cả chư vị. Nếu quyển sách nầy có được chút ít công đức nào, công đức ấy đều thuộc về pháp giới chúng sanh.
Xem tiếp nội dung toàn cuốn sách trong Phần Mục Lục:
- Chương một: Thiền và sự sống
- Chương hai: Con đường thiền tập
- Chương ba: Chứng nghiệm Thiền
- Chương bốn: Thiền trong đời thường
- Chương năm: Thuần nhất và đa thù
- Chương sáu: Khối nghi và thuật khai tâm
- Chương bảy: Ðốn ngộ
- Kết luận
Thiền thất Viên Giác
Nha Trang, mùa đông Nhâm Ngọ 2002 – PL. 2546
Thích Thông Huệ
Source: hoavouu-thuvienhoasen
Người gửi bài: Toàn Trung