Bát Chánh Ðạo

CHÁNH NGỮ VÀ
KHÁI NIỆM VỀ BA CỬA NGỎ

Hoang Phong

Có lẽ người đọc cũng hơi ngạc nhiên với một chủ đề xưa như trái đất. Không biết đã có bao nhiêu băng đĩa CD, sách vở, bài viết, bài giảng về chủ đề Chánh ngữ. Tuy nhiên dù đã thuộc lòng hay đã nghe giảng đến nhàm tai, có bao giờ ta tự hỏi đã áp dụng chánh ngữ được bao nhiêu lần trong cuộc sống của mình và có khi nào ta tìm hiểu xem vai trò của chánh ngữ nằm ở đâu không trong cái xã hội tân tiến ngày nay ?Dầu chẳng có gì mới lạ trong Đạo Pháp, tuy nhiên có lẽ chúng ta cũng nên bỏ ra chút thì giờ để cùng nhau tìm hiểu xem chánh ngữ là gì. Đến chùa nghe giảng bùi tai trong chốc lát, để rồi sau đó thì đâu lại vào đấy, ta lại tiếp tục giao tiếp với những người chung quanh bằng ngôn từ thường nhật, xã hội vẫn tiếp tục áp đặt cho ta những công thức và quy ước có sẵn về cách giao tiếp và ta chỉ cần đem ra mà sử dụng.

Thật ra thì ta cũng chẳng làm gì khác hơn được. Giáo dục và kinh nghiệm bản thân đã dạy ta như thế thì ta cứ phát ngôn như thế. Cho đến khi nào ta chưa ý thức được và nhìn thấy một cách sâu xa ảnh hưởng và tác động của ngôn từ đối với bản thân mình và đối với tập thể xã hội thì khi đó ta sẽ vẫn còn tiếp tục phát ngôn một cách rập khuôn như thế.

Mỗi lần đọc một bài viết về chủ đề chánh ngữ hay được nghe giảng về chánh ngữ thì ta tự động liên tưởng đến lời ăn tiếng nói mà ta phải phát biểu. Tuy nhiên trong thế giới này, mấy khi ta có dịp để nói lên một lời chánh ngữ ? Trong thế giới của chúng ta tiếng nói đôi khi chỉ là thứ yếu, một lá phiếu thì cũng là cách bảo ta hãy câm miệng đi. Hô hào thì đã có người hô, ta chỉ cần đưa thẳng cánh tay lên để tán đồng là đủ.

Mặt khác, gần như tất cả các băng đĩa, bài viết, bài giảng… hầu như chỉ nêu lên một chiều, tức là cách dạy ta phải phát ngôn như thế nào, nhưng tuyệt nhiên không hề dạy ta phải nghe như thế nào về cách phát ngôn của người khác. Họ có nói đúng theo chánh ngữ hay không ? Hơn nữa trong thế giới của chúng ta đâu phải chỉ có lời nói mà thôi. Báo chí, sách vở, phim ảnh, truyền hình, tranh vẽ, ca nhạc, băng giảng, quảng cáo, loa phóng thanh và các phương tiện truyền thông tân tiến khác, tất cả luôn bủa vây và không tha chúng ta một giây phút nào cả.

Bài viết này cố gắng mở ra một tầm nhìn bao quát để suy tư và tìm hiểu về chánh ngữ và mỗi người sau đó tự tìm lấy cho mình một lối đi trong cái bối cảnh thật náo động của thế giới này.

Định nghĩa về chánh ngữ

Chánh ngữ là cách tu tập được xếp vào hàng thứ ba của bát chánh đạo. Nói một cách tổng quát thì có ba phép tu tập : tu giới (shila), tu định (samatha) và tu tuệ (prajna), chánh ngữ thuộc vào lãnh vực tu giới. Tương Ưng Bộ Kinh định nghĩa chánh ngữ như sau : « Chánh ngữ là từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời độc ác, từ bỏ nói lời phù phiếm ». Nếu như không nói láo, không nói hai lưỡi, không nói lời độc ác, không nói lời phù phiếm thì tất nhiên là phải nói ngay thật, trung thực, ôn hòa và lợi ích.

Định nghĩa có vẻ đơn giản nhưng áp dụng thì khó. Lên chùa thì Thầy giảng ta nghe, mấy khi Thầy nghe ta giảng. Ra phố mua sắm, thì người bán nói ta nghe, họ có nói chánh ngữ hay không thì cũng khó biết được. Gặp bạn bè thì lựa lời mà nói cho đẹp lòng nhau, nói chánh ngữ lôi thôi đôi khi có thể mất cả bạn bè. Nơi làm việc thì xếp nói ta nghe, mấy khi ta có dịp để nói chánh ngữ cho xếp nghe. Về nhà thì vợ con nói ta nghe, mấy khi vợ con nghe ta nói. Vì thế có muốn áp dụng chánh ngữ để « được một chút phước đức » dành cho kiếp sau cũng không mấy khi tìm được dịp.

Tóm lại ngôn từ mà ta sử dụng hàng ngày là một loại ngôn từ công thức và quy ước, biểu hiện của vô minh. Đấy là loại ngôn từ mà ta tự động chấp nhận để giúp ta giao tiếp với những người chung quanh trong thế giới ta bà, và đấy cũng là cách kết nối vô minh của từng cá thểvới nhau để tạo thêm vướng mắc.

Vì vậy đối với một cá thể con người, ngôn từ giữ một vị trí và chức năng như thế nào ? Sau đây là phần trình bày sơ lược về khái niệm ba cửa ngõ của một cá thể và từ đó sẽ xác định vị trí và vai trò của chánh ngữ hay ngôn từ nói chung.

Ba cửa ngõ là gì

Kinh sách gốc Hán ít quan tâm đến khái niệm về ba cửa ngõ, trái lại thì Kim cương thừa chú trọng nhiều hơn đến khái niệm này. Tuy nhiên phần trình bày sau đây chỉ giới hạn trong việc định nghĩa căn bản về ba cửa ngõ để tìm hiểu vị trí, vai trò và sự vận hành của ngôn từ, nhưng không đi sâu vào phương pháp luyện tập của Kim cương thừa. Vậy ba cửa ngõ là gì ?

Mỗi cá thể con người có ba cửa ngõ (tridvara) : thân xác (kaya), ngôn từ (vak) và tâm thức (citta). Đó là ba thành phần hay ba « trung tâm » vận hành riêng rẽ và đồng thời cũng tương liên và phối hợp với nhau để tạo ra một cá thể trong hai cõi dục giới và sắc giới. Người ta vẫn thường nóiđến ba yếu tố tạo nghiệp là thân, khẩu, ý, tuy nhiên cũng cần hiểu là ba yếu tố ấy cũng là ba cơ sở cần thiết giúp thực hiện việc tu tập. Sau đây là định nghĩa về ba cửa ngõ :

Thân xác : chỉ định cấu trúc vật chất của một cá thể, cấu trúc đó được tạo thành bởi năm cấu hợp thô thiển gọi là ngũ uẩn. Thân xác tượng trưng cho ranh giới phân cách giữa một cá thể và thế giới chung quanh. Sự phân chia đó có tính cách chủ quan, vì trên thực tế một cá thể không khác với thế giới bên ngoài và ngược lại thế giới bên ngoài cũng không khác với cá thể. Sự phân biệt đó là kết quả phát sinh từ sự diễn đạt của tâm thức một cá thể xuyên qua sự cảm nhận của ngũ uẩn.

Sự giao tiếp của thân xác với thế giới bên ngoài nhờ vào năm giác cảm là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác vá xúc giác. Một cách tổng quát thì thân xác tượng trưng cho cửa ngõ đón nhận thế giới chung quanh xuyên qua giác cảm và đồng thời cũng là một phương tiện để tác động vào thế giới bên ngoài. Mỗi cảm nhận của giác cảm – tức là những gì từ bên ngoài « bước vào » – đều gây ra tác động trong tâm thức, tác động đó có thể là tích cực, tiêu cực hay trung hòa. Mỗi cử động – tức là những gì « bước ra » khỏi cửa ngõ – đều gây ra một tác động với môi trường chung quanh. Tác động đó có thể tích cực, tiêu cực hay trung hòa. Hãy lấy một thí dụ thật đơn giản, ta đi tản bộ trong một khu vườn. Hành động đi tản bộ có vẻ như mang tính cách trung hòa không tạo ra một nghiệp quan trọng nào cả. Nhưng trên thực tế thì rất phức tạp, vì ta có thể vô tình đạp lên côn trùng trên mặt đất hay trong cỏ. Mặc dù vô tình nhưng ta vẫn tạo ra nghiệp tiêu cực. Mặt khác sự kiện đi tản bộ cũng có thể tạo ra hậu quả tích cực, chẳng hạn như giúp cho máu huyết lưu thông, hít thở không khí trong lành, thay vì ngồi trong nhà xem phim Hàn quốc tràng giang bất tận.

Tóm lại phải luôn luôn cảnh giác và canh chừng cái cửa ngõ thân xác, kiểm soát những giác cảm đang tìm cách xâm nhập vào cửa ngõ ấy để phá rối ta và đồng thời cũng phải chọn lọc và phán xét xem những hành động nào của ta mang tính cách tích cực hay tiêu cực trước khi mở cửa cho nó tác động với thế giới bên ngoài. Một cách vắn tắt, người tu tập phải hiểu rằng mọi cử động đều tương tác với không gian chung quanh, có nghĩa là trực tiếp tạo ra nghiệp. Càng lăng xăng, chạy hết đầu này đến đầu kia, tay chân múa may không ngừng, trong đầu tính toán và hoạch định đủ mọi thứ mưu đồ thì đấy chỉ là cách tạo thêm nghiệp và mạng lưới duyên khởi sẽ càng siết chặt hơn. Tréo chân ngồi im là một trong những cách có thể giúp ta tránh được phần nào sự bủa vây của nghiệp.

Đối với Phật giáo nói chung thì thân xác là một sự « cấu hợp ô nhiễm », bởi vì đó là hậu quả sinh ra từ nghiệp trong quá khứ. Thái độ của Nam tông và nhất là của Giới luật tông (Vinaya) đối với thân xác rất triệt để : thân xác là một thể dạng kinh tởm cần loại bỏ và không được bám víu vào đó. Thái độ của Bắc tông cũng triệt để không kém : thân xác con người là « cơ sở của mọi sự bám víu », nguồn gốc của mọi thứ khổ đau, tuy nhiên thân xác cũng là « cơ sở hàm chứa những phẩm tính » (ksanasampadadhisthana) giúp cho cá thể một dịp may để thực hiện tu tập Đạo pháp (Dharma). Vì thế đối với Bắc tông, người tu tập phải biết giữ gìn thân xác tinh khiết, nhưng không nên bám víu vào nó và cũng không nên trau chuốt cho nó quá đáng. Thái độ của Kim cương thừa thì khác hẳn và rất tích cực, xem thân xác như một hệ thống kinh mạch giúp cho những luồng khí lực luân chuyển. Sức mạnh của quán tưởng có thể biến thân xác thành một « ảo thân » của một thánh nhân hay một vị Phật, và cao hơn nữa có thể chuyển thành «thân xác cầu vồng » tức là « ứng thân » của một vị Phật. Đạt được ứng thân của một vị Phật có nghĩa là thành Phật ngay trong kiếp sống này.

Ngôn từ : ngôn từ không nhất thiết chỉ dùng để chỉ định sự phát biểu ý nghĩ bằng tiếng nói mà còn chỉ định khả năng hiểu biết ý nghĩa của các cấu trúc âm thanh. Ngôn từ là một thành phần trung gian giữa tâm thức (tác ý) và thân xác (môi, lưỡi, dây thanh trong cuống họng, hơi trong phổi…). Đó là một cửa ngõ rất quan trọng mở ra cả hai chiều : vào và ra. Điều này rất quan trọng tuy nhiên ít người chú ý đến vì cái cửa ngõ ngôn từ đôi khi dùng để nhận vào nhiều hơn là để phát ra. Trong thế giới ngày nay chúng ta bị tràn ngập bởi các phương tiện truyền thông, nào là phim ảnh, ca nhạc, báo chí, tuyên ngôn, biểu ngữ, quảng cáo… Cái cửa ngõ ngôn từ vì thế đã trở thành gần như một chiều vì khối lượng nhận vào quá lớn làm cho nó thường xuyên bị tắc nghẽn, không còn kẻ hở để thoát ra.

Ngày nay không mấy khi ta có dịp sử dụng cửa ngõ ngôn từ trong việc tu tập. Cách đây hơn hai ngàn năm khi xã hội còn đơn sơ và tinh khiết hơn ngày nay, thì con người không bị những phương tiện truyền thông bủa vây và tấn công dồn dập. Dầu cho vua A-Dục có cho khắc các chỉ dụ lên các trụ đá thì cũng chẳng có mấy người biết đọc. Vào các thời kỳ khi Đức Phật còn tại thế và sau đó khi Ngài đã tịch diệt, thì hầu hết con người chỉ có dịp nói với nhau trong gia đình, trên ruộng đồng, nơi quán chợ. Họ học thuộc những lời Phật dạy và kể lại cho nhau nghe với tất cả sự thành kính. Nhờ đó mà ngày nay chúng ta mới được thừa hưởng những gì tinh anh trong những lời giáo huấn của Phật và những gì ấm áp trong lòng người thời bấy giờ. Vì thế chánh ngữ không hẳn chỉ là một thứ luân lý đại chúng mà còn tượng trưng cho một sức mạnh trong việc tu tập nữa.

Vào thời bấy giờ, kỹ thuật còn thô sơ, ngoài cái cày, cái cuốc, cái xe bò…, người dân chưa có phương tiện gì để ghi lại hình ảnh và lời nói. Trong thời đại tân tiến và chỉ trong vài chục năm về sau này, đủ mọi phương tiện thu âm và thu hình được phát minh, nào là băng đĩa, máy thu âm nhỏ xíu, máy thu hình vidéo, máy điện thoại di động… Một số người hướng dẫn dư luận đã lợi dụng các tiến bộ kỹ thuật đó để quảng bá những lời không được chánh ngữ lắm trong mục đích lường gạt, che đậy, hoặc tệ hại hơn như khích động con người để phục vụ cho ý đồ của cá nhân hay của một tập thể nào đó.

Bất cứ trong một quốc gia nào cũng thế, phương tiện truyền thông đã trở thành một công cụ thật tinh vi để quản lý và áp đặt con người. Trong trường hợp đó chánh ngữ đã vượt ra khỏi lãnh vực cá nhân để mang tánh cách tập thểvà xã hội. Những người hướng dẫn dư luận có thể quên một điều là những gì vua A-Dục khắc trên trụ đá đã vượt hơn hai ngàn năm lịch sử và còn lưu lại đến ngày nay. Những gì thu âm, thu hình hôm nay rồi sẽ dành cho những thế hệ mai sau thẩm định.

Dầu sao đi nữa thì chúng ta cũng phải công bằng mà phán xét, không nên chỉ biết kết án những gì tệ hại trong thế giới ngày nay. Vào thế kỷ thứ VI trước Tây lịch, trong thung lũng sông Hằng cũng đã xảy ra những sự tranh cãi siêu hình, những tranh luận biện chứng giữa các vị thầy Bà-la-môn và kể cả các vị thủ lãnh chủ trương các hệ thống tư tưởng và tín ngưỡng khác nhau. Họ « gây ra cho nhau thương tích bằng cách đem đầu lưỡi làm khí giới ». Đức Phật gián tiếp ám chỉ đến các cuộc khẩu chiến ấy bằng cách cấm các đệ tử của Ngài không được tham gia vào đó. Nhiều kinh sách kể chuyện Ngài lưu ý các đệ tử phải thận trọng trong từng lời nói, không được biểu lộ tham vọng hay hận thù và Ngài đã nêu lên một cách minh bạch bốn thái độ phải tuân thủ như sau :

1-nói lên sự thật
2-nói những lời hòa giải, không nói hai lưỡi
3-nói những lời mang ngụ ý tốt, khả ái, không gây ra lời đồn đại, không chỉ trích lời người khác và việc làm của người khác
4-nói những lời có ý nghĩa, không nói những lời phù phiếm và vô bổ

Tóm lại chánh ngữ là để hướng vào người khác, phục vụ người khác, đồng thời là một cách loại bỏ mọi bám víu, kiêu căng và tự hào, có nghĩa là loại bỏ sự thống trị của cái tôi. Sau đây là những lời dặn dò của Đức Phật cho các các đệ tử của Ngài :

«Người tu hành chỉ nói những lời hoà giải để giảng hòa những người hiềm khích lẫn nhau và kết chặt thêm sự hòa đồng. Người tu hành yêu chuộng sự hài hòa, tìm thấy vui thích trong sự hài hòa, niềm hân hoan trong sự hài hòa. Từ bỏ những lời thô bạo, người tu hành không nói lên những lời thô bạo. Người tu hành chỉ thốt ra những lời nói không sao chê trách được, êm ái, trìu mến, đi thẳng vào trái tim, nhã nhặn và tử tế đối với thật nhiều người, làm cho thật nhiều người ưa thích. Từ bỏ những lời nói phù phiếm, người tu hành không nói những lời phù phiếm, chỉ thốt lên những lời nói đúng lúc, trung thực, có ý nghĩa, phù hợp với Đạo pháp và giới luật, xứng đáng để lưu lại, hợp lẽ, thích nghi với mục đích tối hậu và bổ ích ».

(trích trong kinh Maha-Tanhasankhaya-Sutta, bản dịch Pháp ngữ của Môhan Wijayaratna, trong quền La Philosophie du Bouddha, Ed. de la Sagesse, 1995, trang 69)

Có lẽ cũng cần nhắc thêm ra đây quan điểm đặc thù của Phật giáo Tây tạng về cửa ngõ ngôn từ. Đó chính là cơ sở giúp vào việc quảng bá Đạo Pháp bằng tiếng nói. Khắc phục được ngôn từ và hơi thở trong khi thiền định sẽ giúp chủ động được tâm thức. Điều hành được các luồng khí lực tinh tế và các chuyển động của chúng chính là chìa khóa của phương pháp luyện tập du-già mô tả trong Kim cương thừa. Các kinh tan-tra đều nói đến sự liên hệ giữa các cấu trúc kinh mạch của cơ thể và khả năng phát âm. Hình tướng nơi các huyệt ở đầu các kinh mạch tương quan với 16 nguyên âm trong bảng chữ cái của tiếng Phạn và chúng ảnh huởng đến khả năng phát ra âm thanh, vì thế nên khả năng phát âm nhất thiết liên quan với thân xác. Đó là điểm then chốt giải thích sự liên hệ giữa tác động tích cực của các câu niệm chú man-tra đối với thân xác. Sự trì tụng các câu man-tra sẽ tinh khiết hóa ngôn từ,có nghĩa là làm tan biến những dấu vết ô nhiễm trong cách nói thường nhật, tháo gỡ và tẩy uế các kinh mạch tinh tế, loại bỏ các độc tố của tâm thức, tinh khiết hóa bệnh tật của cơ thể, nuôi dưỡng khí lực tinh anh để mang lại Giác ngộ cho một cá thể.

Tâm thức : là cửa ngõ thứ ba của một cá thể. Tâm thức không sờ thấy được, không nghe thấy được, không màu sắc, vô hình và không nắm bắt được. Nó thuộc vào lãnh vực phi-vật-chất của một cá thể. Tâm thức không có cửa ngõ để tiếp xúc trực tiếp và trao đổi với thế giới chung quanh mà phải « đi nhờ » hai cửa ngõ của thân xác và ngôn từ. Tuy nhiên nó có một cửa ngõ riêng thông thương với tiềm thức hay a-lại-gia thức. Trong một giới hạn và một số điều kiện nào đó tâm thức có thể cảm nhận được những gì hiển hiện hay thoát ra từ a-lại-gia thức.

Tri thức và các thể dạng tâm thần phối hợp với nhau để tạo ra tâm thức. Đồng thời tâm thức cũng là cơ sở của tác ý (cetana) tức là các ý nghĩ chủ tâm (volition). Chính vì thế mà tâm thức giữ vai trò tạo nghiệp và cũng là cơ sở của mọi sự lầm lẫn và bấn loạn tâm thần. Tất cả các xúc cảm bấn loạn đều phát sinh từ tâm thức. Tuy nhiên tâm thức lại đứng ra điều khiển cả thân xác và ngôn từ. Vì thế mà người tu tập phải thật thận trọng và cảnh giác trước những khích động của tâm thức. Nói một cách khác cố gắng khắc phục tâm thức là cốt lõi của sự tu tập.

Trong số năm uẩn tạo ra một cá thể con người thì bốn uẩn thuộc vào lãnh vực tâm thức, và điều đó cho thấy tầm quan trọng và sự phức tạp rất lớn của nó. Người tu hành phải dồn tất cả sức mạnh của mình để tìm hiểu và chế ngự tâm thức. Kinh sách vẫn thường nói khắc phục được tâm thức có nghĩa là đạt được Giác ngộ.

Tất cả mọi hiện tượng đều là những phóng ảnh của tâm thức, nhưng chính nó thì lại không có một thực thể nào cả. Nếu ta « nhìn » thấy tâm thức thì đấy không phải là tâm thức vì bản chất của nó là trống không. Chính vì nó trống không nên bất cứ gì cũng có thể xảy ra trong tâm thức : từ hận thù đến yêu thương, từ cái tôi đến kẻ khác, từ địa ngục đến niết bàn… Quán thấy được bản chất trống không của tâm thức sẽ loại bỏ được tất cả những gì tác tạo ra nó.

Đối với Kim cương thừa tâm thức là căn bản thật tinh tế của ánh sáng trong suốt nguyên thủy, tức là Phật tính. Nếu không chủ động được tâm thức thì nó sẽ lôi kéo một cá thể lang thang bất tận trong thế giới ta bà. Khắc phụcđược tâm thức thì nó sẽ đưa cá thể hướng về sự Giải thoát, và nó sẽ dần dần nhường chỗ cho ánh sáng trong suốt nguyên thủy. Dù sao thì phần giải thích vắn tắt trên đây về tâm thức chỉ có mục đích trình bày cho đầy đủ khái niệm về ba cửa ngõ mà thôi.

Lời kết :

Một vị thầy đứng ra giảng chánh ngữ cho các Phật tử đến chùa, và sau khi giảng xong thì cảm thấy mình đã làm được một việc pháp thí, mang lại một chút nghiệp tốt nào đó cho mình. Người Phật tử nghe xong cũng cảm thấy mãn nguyện vì đã bỏ thì giờ đến chùa để nghe giảng và nghĩ rằng đã làm được một chút công đức gì đó để cải thiện cái nghiệp của chính mình. Tuy nhiên nếu khi người Phật tử rời khỏi cổng chùa mà đâu lại vào đấy, người ấy lại tiếp tục đem những ngôn từ công thức và quy ước ra để dùng. Hoặc khi bá tánh ra về, chú tiểu khép lại cổng chùa và vị Thầy lại quay về với những bận tâm khác, thì mỗi người lại vẫn sẽ tiếp tục nuôi dưỡng lấy nghiệp của mình.

Chánh ngữ không phải chỉ là một chủ đề để đem ra giảng cho nhau nghe rồi sau đó thì việc ai nấy lo, chánh ngữ cũng không phải đơn giản là những quy tắc đạo đức, giữ được thì càng tốt mà không giữ được cũng không sao. Người tu tập phải ý thức được chánh ngữ là một trong những phương pháp tu tập chính yếu và kiên trì để mang lại cho mình một sức mạnh nội tâm hướng về Giác ngộ.

Không nên hiểu chánh ngữ một cách đơn giản là : tôi không được nói dối, tôi không được nói hai lưỡi, tôi không được nói lời độc ác, tôi không được nói những lời phù phiếm. Hiểu từ chương như thế thì cái tôi vẫn còn sờ sờ trước mắt, biết đến khi nào mới giác ngộ.

Sau hết xin kể một câu chuyện rất phổ biến trong kinh sách như sau. Một hôm Đức Phật đi đến một nơi có tiếng là nguy hiểm vì nơi này có một tên sát nhân là Angulimala vô cùng hung dữ và lại đang tìm giết người thứ một ngàn. Chủ nhân một quán trọ thiết tha xin Đức Phật hãy dừng chân lại và đừng đi đâu cả. Đức Phật không nghe và vẫn lẳng lặng lên đường. Thị trấn vắng tanh, nhà nhà đóng cửa.

Angulimala thấy một nhà sư đang đi một mình trong một con phố vắng, hắn rút thanh kiếm và đi theo. Đức Phật thấy có kẻ lạ đến gần và biết ngay đấy là tên sát nhân mà mọi ngươi sợ hãi, tuy nhiên Ngài vẫn thản nhiên bước một cách thanh thản. Angulimala rất ngạc nhiên trước thái độ bình thản đó, hắn đưa cao thanh kiếm đứng chắn trước mặt Đức Phật và hét lên ra lịnh cho Đức Phật phải dừng lại. Đấng Như Lai không tỏ vẻ sợ hãi một chút nào và cất lời nói với Angulimala một cách thật dịu dàng : « Này Angulimala, con có biết không, ta đã dừng lại từ lâu lắm rồi. Chính con vẫn còn đang múa may trong lửa đỏ của hận thù, của giận dữ và dục vọng điên cuồng ». Angulimala hết sức bất ngờ trước câu nói đó liền ngước nhìn để dò xét gương mặt của Phật. Trước vẻ mặt tràn đầy lòng từ bi và nhân ái của Đức Phật, Angulamala bỗng cảm thấy trơ trụi và cô đơn, và bất thần hắn nhận thấy mình đang bước trên con đường của khổ đau và bất hạnh. Hắn bèn ném bỏ thanh kiếm và quỳ xuống dưới chân của Đấng Giác Ngộ và xin nguyện sẽ từ bỏ cuộc sống hung ác. (theo kinh Angulimala-sutta, thuộc Trung Bộ Kinh).

Bures-Sur-Yvette, 17.12.09
Hoang Phong(Trích: ● KHỔ ĐAU PHÁT SINH VÀ VẬN HÀNH NHƯ THẾ NÀO – Hoang Phong (sách) )
Source: thuvienhoasen
Sunrise Sept 4 – 2012 

Bát Chánh Ðạo

Thích-Chân-Tuệ

Trong cuộc đời đau khổ trên thế gian này, khi gặp những việc tai biến, những sự bất trắc, những chuyện bất như ý, con người thường có khuynh hướng cầu nguyện van xin tổ tiên ông bà, thánh thần thiên địa, ngọc hoàng thượng đế, Bồ Tát Phật Tổ, từ bi gia hộ, thương xót cứu giúp, tai qua nạn khỏi, cho được bình yên. Nhưng thực ra, chúng ta ai ai cũng hiểu rằng việc cầu nguyện chỉ có tác dụng giúp cho con người được an tâm trong giây phút cầu nguyện đó thôi. Có mấy ai cầu gì được nấy? Cầu xin không được đáp ứng, chẳng lẽ thiên địa không bác ái, Bồ Tát không từ bi? Còn Ðức Phật cứu độ chúng sanh bằng cách nào, như thế nào?
Ðạo Phật không chỉ dạy cầu nguyện như là cứu kính. Theo quan niệm của Phật giáo, cầu nguyện được xem như những lời chúc lành, những mong muốn thiết tha, với mục đích vị tha bất vị kỷ, vì người không vì mình, một cách phát tâm đại từ bi. Chẳng hạn như chúng ta cầu nguyện cho quốc thới dân an, chúng sanh an lạc. Chúng ta làm được việc tốt gì, có được công đức hay phước báu nào, cũng hồi hướng, cầu nguyện cho tất cả chúng sanh đều trọn thành Phật đạo. Chẳng hạn như chúng ta cầu nguyện cho cha mẹ được mạnh khỏe bình yên, sống lâu trăm tuổi. Song việc đó có được hay không, còn tùy phước duyên của cha mẹ. Tuy nhiên, việc cầu nguyện như vậy cũng nói lên được lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta.
Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Thắp lên với Chánh Pháp”. Nghĩa là mọi người hãy tự mình tích cực chuyển hóa thân tâm của mình, bằng cách cố gắng học hiểu giáo lý của đạo Phật, đó là ngọn đuốc Chánh Pháp, soi đường chỉ lối, giúp con người thoát ly phiền não và khổ đau của cuộc đời, khi thực sự đem áp dụng vào đời sống hằng ngày. Ðó là cách duy nhất thập phương chư Phật cứu độ chúng sanh. Người Phật Tử chân chánh cần nên nhớ kỹ điều này.
* * *
Theo giáo lý của đạo Phật, con người can đảm nhìn nhận sự thực là: cuộc đời khổ nhiều vui ít, nhưng không tư tưởng tiêu cực, không bi quan yếm thế, không ngán ngẩm chán chường. Trái lại, con người tích cực tìm phương cách để được giác ngộ và giải thoát, không thụ động chấp nhận, không cầu nguyện van xin. Ðể giúp chúng sanh được sống an vui, xả trừ triền phược, cắt đứt trói buộc, dẹp tan phiền não, thoát ly đau khổ, Ðức Phật thuyết minh “Bát Chánh Ðạo”.
Bát chánh đạo là phương pháp giản dị, thích hợp với đời sống hằng ngày của chúng sanh, nhằm mục đích cải thiện tâm lý, ngôn từ và hành động. Bát chánh đạo giúp chúng sanh hướng về, tiến đến một đời sống chí diệu cao siêu, hay ít ra cũng xây dựng được đời sống an lạc và hạnh phúc. Vì vậy, “Bát Chánh Ðạo” còn được gọi là “Bát Thánh Ðạo”.

“Bát chánh đạo” là con đường gồm tám điều chân chánh, dẫn đến mục đích cứu kính của đạo Phật: giác ngộ và giải thoát. Đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

1- Chánh kiến là sự hiểu biết chân chánh, chẳng hạn như hiểu biết về lý nhân quả, lý nhân duyên, lý duyên khởi, trùng trùng duyên khởi. Sự hiểu biết này không bị chi phối bởi thành kiến, định kiến, tà kiến, ác kiến, thiên kiến, biên kiến, đoạn kiến, thường kiến. Người có chánh kiến là người thấy mọi sự mọi việc “đúng như thực”.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy: “Hãy đến với đạo Phật để thấy đúng như thực, chứ không phải chỉ đến để mà tin!” Thấy “đúng như thực” nghĩa là sao? Nghĩa là:
* Mọi sự việc đều có nguyên nhân. Thí dụ khi thấy một cái cây mọc lên, chúng ta biết ngay là do hạt nhân nẩy mầm, không phải tự nhiên mà có. Khi được bình an, sung sướng, chúng ta hiểu là đang hưởng phước. Khi gặp tai nạn, trắc trở, chúng ta hiểu là đang đền trả quả báo. Tất cả việc phước hay họa là quả của nhân, do chúng ta gieo trước đây, đời trước hay đời này, chứ không do ông trời nào ban phước giáng họa bừa bải cả. Đó là lý nhân quả.
* Mọi sự việc do nhân duyên sinh và cũng do nhân duyên diệt. Một cuốn sách do các nhân duyên có người viết, có giấy mực, có thợ in ấn, có thợ đóng bìa mà hình thành. Đến khi do các nhân duyên bị mối mọt ăn, bị lửa đốt, bị thấm nước, cuốn sách đó sẽ bị hủy hoại. Cuốn sách không phải tự nhiên mà có, không phải tự nhiên mà mất! Đó là lý nhân duyên.
* Mọi sự mọi việc không phải tự nhiên mà phát khởi. Có người hỏi thì mới có người đáp. Có người ăn quà mới có người bán quà. Có người bán quà mới có người ăn quà. Có gió mới có sóng. Có sinh sự thì sự mới sinh. Có chuyện này xảy ra, mới có chuyện kia xảy ra, rồi có chuyện nọ xảy ra tiếp theo, cứ như thế liên tục không bao giờ dứt. Đó là lý duyên khởi, trùng trùng duyên khởi.
.
2) Chánh tư duy là sự suy nghĩ chân chánh, theo đúng lẽ thực, không lợi mình hại người. Sự suy nghĩ này không bị chi phối bởi thành kiến, định kiến, thiên kiến, biên kiến, tà kiến, ác kiến, đoạn kiến, thường kiến.
Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
— “Không nên tin ngay tất cả những gì người xưa nói, tất cả những gì người có thế lực đạo cũng như đời nói, tất cả những gì người bề trên nói, tất cả những gì có nhiều người tin theo, có ghi trong sách vở.
— Chỉ nên tin những gì có thể kiểm nghiệm được, đúng với chân lý, đúng với lẽ thực, thông qua trí tuệ sáng suốt, thấy có ích lợi cho bản thân và cho mọi người”.
Bởi vậy, Đức Phật dạy ba môn học phát sinh trí tuệ, đó là: “Văn-Tư-Tu”. Nghĩa là chúng ta hãy nghe giảng, hãy đọc sách, hãy nghiên tầm, hãy học hỏi, rồi suy nghĩ, tư duy, quán chiếu cho chính chắn, thấu đáo, trước khi thực hành, tu tập theo.
.
Ngày xưa, thời Ðức Phật còn tại thế, có một người con của vị quốc sư, tên là Ma Ha Ca Chiên Diên, đến với Ðức Phật xin được xuất gia tu hành. Ðức Phật hỏi nguyên do nào ông phát tâm như thế. Ông trả lời rằng: Bởi vì ông chiêm ngưỡng 32 tướng tốt, 80 vẻ đẹp của Ðức Phật. Ðức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi thân tướng Như Lai già yếu, ông không còn phát tâm nữa sao? Lần thứ hai, ông lại đến xin được xuất gia. Ðức Phật lại hỏi nguyên do. Lần này ông đáp: Bởi vì ông tôn trọng pháp âm vi diệu của Ðức Phật. Ðức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi Như Lai không thuyết pháp, ông không còn phát tâm nữa sao? Lần thứ ba, ông lại đến xin được xuất gia. Ðức Phật cũng hỏi nguyên do. Lần này ông đáp: Bởi vì ông kính phục chư tăng tu hành nghiêm túc, cẩn mật. Ðức Phật bèn nói: Như vậy, sau này khi tình cờ thấy vị tăng nào tu hành không như ý ông, ông không còn phát tâm nữa sao?
Ba lần xin được xuất gia đều không toại nguyện, dù ông hết lòng tán thán tam bảo bên ngoài: Phật, Pháp, Tăng. Lần sau cùng, ông đến với Ðức Phật và bạch rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, từ lâu con đã nghe Thế Tôn thuyết pháp, con đã suy nghĩ tường tận chín chắn. Sau đó, đem áp dụng cho bản thân, áp dụng trong gia đình, con thấy có ích lợi thiết thực, tâm được khinh an, gia đạo được yên vui. Cho nên con phát tâm xuất gia để tu hành rốt ráo, cho đến giác ngộ và giải thoát, để tự lợi và lợi tha. Ngưỡng mong Ðức Thế Tôn rủ lòng từ bi hứa khả. Lần đó, Ðức Phật chấp nhận. Sau này, Ðại Ðức Ma Ha Ca Chiên Diên trở thành vị đệ tử nghị luận bậc nhứt trong tăng đoàn thời Phật.
Lời tác bạch của Ðại Ðức Ma Ha Ca Chiên Diên mang ý nghĩa sâu sắc trong nhà Phật: Ngài đã nghe Ðức Phật thuyết giảng giáo lý, đã suy nghĩ một cách chín chắn tường tận, mới đem áp dụng vào đời sống của Ngài và của gia đình. Ðó chính là ba bước “văn, tư, tu” để phát triển trí tuệ bát nhã. Văn có nghĩa là nghe, là học hỏi, là nghiên cứu. Tư có nghĩa là tư duy, là suy nghĩ chân chánh. Tu có nghĩa là sửa đổi, là thực hành, là áp dụng. Còn được gọi là “Tam Tuệ Học” trong Phật giáo. Ba lần đầu, Ngài hướng lòng tôn kính đến tam bảo bên ngoài, nên chưa được chấp nhận.
Sau cùng, Ngài biết “phản quan tự kỷ”, hướng về “tam bảo tự tâm”, biết đường hướng tu hành, để phát sanh trí tuệ. Nghĩa là Phật Tử biết hướng về bản tánh sáng suốt của tự tâm gọi là Phật, hướng về pháp môn vi diệu của tự tâm gọi là Pháp, hướng về bản thể thanh tịnh của tự tâm gọi là Tăng. Do đó Ngài được chấp nhận, bởi vì đạo Phật là đạo giác ngộ và giải thoát, con người đến với đạo Phật bằng cửa trí tuệ, chứ không phải bằng niềm tin như các tôn giáo khác. Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: “Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai”. Ðó chính là chánh tư duy vậy.
.
3) Chánh ngữ là lời nói chân chánh, không lợi mình hại người, không thêu dệt, gây hiềm khích giữa các cá nhân hay tập thể, không xu nịnh, không trái lẽ thực, không thiên vị. Lời nói này dễ nghe, đem lại niềm vui cho kẻ khác, không bị chi phối bởi ác kiến, thành kiến, biên kiến, đoạn kiến, thường kiến. Người có chánh ngữ là người biết giữ chữ tín, được lòng tin yêu của mọi người. Khi cần nói, chỉ nói pháp vô sanh, không nói pháp sanh diệt, thị phi.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Ðức Phật có dạy: “Không nên nói lời vô nghĩa. Phải giữ gìn lời nói. Lời nói phải chân thật, đúng lúc, hợp Chánh Pháp, ích lợi cho mình cho người”. Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Dù nói hàng ngàn lời vô ích, không bằng chỉ nói một lời đúng Chánh Pháp, có ích lợi làm cho tâm người nghe được an tịnh”.
– Chánh ngữ là lời nói chân chánh. Nghĩa là con người nên nói lời thật thà lương thiện, công bình ngay thẳng, có ích lợi chánh đáng. Chánh ngữ là lời nói thành thật và sáng suốt; lời nói ngay thẳng hợp lý, hòa nhã, rõ ràng và giản dị; lời nói ích lợi, dung hòa, khuyến tấn và duy nhất. Người giữ gìn chánh ngữ là người dè dặt khẩu nghiệp, cẩn trọng lời nói, không bao giờ nói sai sự thực, không thiên vị, không xuyên tạc.
Cổ nhân có dạy: “Hãy uốn lưỡi bảy lần truớc khi nói”. Uốn lưỡi đến bảy lần thì khỏi nói luôn. Lúc đó gọi là ngộ đạo, bởi vì: “Ðạo bổn vô ngôn thuyết”, bởi vì: “Ngữ ngôn đạo đoạn”. Nghĩa là đạo lý cao siêu, vốn không thể nói, không có lời nào diễn đạt được. Khi còn nói lên được, đó chỉ là phương tiện hướng dẫn mà thôi. Cho nên muốn kiến đạo, đừng chấp lời nói, đừng chấp văn tự. Thí dụ như có người dùng ngón tay để chỉ mặt trăng cho người khác thấy. Ngón tay chỉ là phương tiện. Mặt trăng mới là mục đích cứu kính. Thấy được mặt trăng gọi là thấy đạo, kiến đạo. Cho nên muốn thấy mặt trăng, đừng chấp ngón tay thế này thế nọ.
Tục ngữ có câu: “Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Trong xã hội hay gia đình, nếu mọi người đều thực hành hai câu trên, xã hội sẽ an vui, gia đình sẽ hạnh phúc. Vợ chồng con cái trên thuận dưới hòa, cộng đồng trên kính dưới nhường, cuộc đời tươi đẹp biết là bao nhiêu. Một lời nói nói ra làm cho người nghe hoan hỷ, nụ cười tươi tắn, tâm trí khinh an, đó gọi là chánh ngữ vậy.
.
4) Chánh nghiệp là hành động tạo nghiệp chân chánh, không mưu cầu lợi mình hại người. Dù cho người có hành động không tốt đối với mình, chúng ta cũng không có hành động trả đủa, vì làm như vậy chúng ta đâu có khác gì hơn người. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:
“Tam nghiệp hằng thanh tịnh.
Đồng Phật vãng tây phương”. 
Nghĩa là giữ gìn ba nghiệp thân khẩu ý chân chánh, thanh tịnh, thì chúng ta theo chư Phật về cảnh giới tây phương cực lạc mà an hưởng.
.
5) Chánh mạng là mạng sống, cuộc sống chân chánh. Nghĩa là chúng ta chỉ làm những nghề chân chánh, không xâm phạm mạng người, tổn hại mạng vật để sinh sống. Người có chánh mạng là người sống cuộc đời có ý nghĩa, lợi mình lợi người, không lường gạt ai, không ăn không ngồi rồi, không sống bám vào kẻ khác, không sống bám vào xã hội, luôn luôn có tâm niệm phục vụ chúng sanh là cúng dường chư Phật.
.
6) Chánh tinh tấn là sự siêng năng, chuyên cần, chăm chỉ chân chánh, tức là làm tất cả những việc thiện và tránh tất cả việc bất thiện, luôn luôn tu tâm dưỡng tánh, không lúc nào ngơi nghỉ, mệt mõi, buông lung hay thối tâm.
Trong Kinh Di Giáo, Ðức Phật có dạy: “Nếu chuyên cần tinh tấn thì không có việc gì khó. Ví như nước chảy mãi, đá cũng phải mòn”. Trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương, Ðức Phật có dạy: “Người học đạo phải nên kiên tâm, trì chí, tinh tấn, dũng mãnh, không sợ cảnh khổ trước mắt, phá diệt tà tâm, đạt thành đạo quả”. Chánh tinh tấn có ích lợi giúp con người cải tạo thân tâm ngày một thanh tịnh, tốt đẹp hơn, cuộc đời có ý nghĩa hơn. Người theo đúng chánh tinh tấn bao giờ cũng phản quan tự kỷ, quay lại xét mình, siêng năng chuyển hóa tâm trí, cải đổi tánh tình.
Trong Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật có dạy:
“Chư ác mạc tác.
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý.
Thị chư Phật giáo”.
Trong kinh sách, tượng trưng cho sự siêng năng, tinh tấn một cách dũng mãnh, vượt ngoài ý chí tầm thường của thế gian, đó là Bồ Tát Đại Thế Chí. Chúng thiện phụng hành. Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo”. Nghĩa là: Không bao giờ nên làm các điều ác, các điều bất thiện, dù là nhỏ nhặt. Luôn luôn tinh tấn làm tất cả các điều thiện, dù là điều thiện rất nhỏ. Tự thanh tịnh tâm ý của chính mình. Ðó là lời dạy của thập phương tam thế chư Phật. Người theo đúng chánh tinh tấn bao giờ cũng siêng năng sám hối, trừ bỏ những lỗi lầm tội ác đã sinh, siêng năng tu tập các pháp lành, ngăn ngừa tội ác chưa sinh, siêng năng làm việc thiện để tạo thêm phước, phát triển việc lành, siêng năng tu tâm dưỡng tánh, việc thiện chưa sinh làm cho phát sinh, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vậy, không hề đổi thay, không chút chán chường mục đích cao cả của mình. Người tu theo hạnh tinh tấn của Bồ Tát Ðại Thế Chí, làm các việc thiện, cứu người giúp đời, không biết mệt mỏi, không hề nản lòng, không màng tính toán, không chút so đo, không chịu ngừng nghỉ, mặc dù đang gặp nghịch cảnh, đang mắc khổ nạn, đang gặp oán thù, mặc dù có gặp người lấy oán báo ân, cũng vẫn bình thản. Ðó là chánh tinh tấn vậy.
.
7) Chánh niệm là luôn luôn khắc chế tâm niệm bên trong, bên ngoài luôn luôn tránh sự đấu tranh, cãi vã. Chư Tổ có dạy:
“Nội cần khắc niệm chi công. Ngoại hoằng bất tranh chi đức”.
Nghĩa là con người có công phu tu tập, cố gắng dẹp bỏ tạp niệm trong tâm, con người có đức độ bên ngoài luôn luôn từ tốn, lễ độ, nhã nhặn, hiền hòa. Người có chánh niệm là người luôn luôn biết rõ ràng mình đang làm gì, đang nói gì, đang nghĩ gì, luôn luôn sống trong tỉnh thức, nhận biết ngay mỗi khi vọng niệm dấy khởi và không theo, luôn luôn nhớ và sống theo lời Phật dạy, luôn luôn sống với Chân Tâm Phật Tánh, tức là với Bản Tâm Thanh Tịnh.
Trong Kinh Ðại Tập, Ðức Phật có dạy: “Nếu thường xuyên giữ được chánh niệm, tâm không loạn động, dứt trừ được phiền não, thì chẳng bao lâu đắc thành quả vô thượng bồ đề”. Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: “Không hạnh phúc nào có thể so sánh với sự yên tĩnh của tâm trí”.
 – Chánh niệm là sự nhớ nghĩ chân chánh. Nghĩa là con người có những ý niệm chánh đáng, những đạo lý giác ngộ và giải thoát. Chánh niệm có ích lợi giúp con người sống trong an ổn, yên vui, không tạp niệm, ngày ăn ngon, tối ngủ yên. Người giữ gìn chánh niệm là người dè dặt với ý nghiệp, luôn luôn nhớ nghĩ tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân thầy tổ, ân đất nước, ân mọi người, nhớ nghĩ lỗi lầm để sửa đổi. Người giữ gìn chánh niệm là người sống trong cảnh giới an lạc và hạnh phúc. Ðể giúp giữ gìn chánh niệm, Ðức Phật có dạy bốn phương pháp tập trung tư tưởng như sau: quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Các pháp quán tưởng này được gọi là “Tứ niệm xứ”. Tứ nghĩa là bốn. Niệm nghĩa là thường nhớ nghĩ. Xứ nghĩa là nơi chốn.
a) Quán thân bất tịnh: Nghĩa là quán tưởng thân mình là tập hợp những thứ bất tịnh, không trong sạch, được bọc ngoài bởi lớp da . Khi mạnh khỏe thì còn tạm tạm. Khi ốm đau, tai nạn, bệnh hoạn, già nua, thân mình nhơ nhớp, ghẻ chốc gớm ghiếc, da dẻ nhăn nhúm, đến lúc tắt thở, sình chương hôi thúi.
b) Quán thọ thị khổ: Nghĩa là quán tưởng sự cảm thọ, thọ nhận là khổ. Do tâm tham lam, con người thọ nhận đủ thứ vật chất của cải để vinh thân phì gia, không cần biết của thọ nhận chính hay tà, đến lúc chết, sinh lòng tiếc của, nhắm mắt không yên. Do tâm sân hận, con người thọ nhận đủ thứ lời nói khó nghe, dù vô nghĩa, để bực dọc, tức tối, bất an, sinh lòng thù oán. Nói vắn tắt là: Thọ nhiều thì khổ nhiều, chấp nhiều thì mệt nhiều. Buông xả thì thanh thản, tha thứ thì thư thái. Chuyện rất đơn giản, thực hành không dễ dàng, nhưng không phải bất khả.
c) Quán tâm vô thường: Nghĩa là quán tưởng cái tâm nhỏ hẹp của mình luôn luôn thay đổi, mới nghĩ thế này liền nghĩ thế khác, lúc thương yêu đắm đuối lúc thù hận ngập tràn, lúc thân lúc thù, lúc vui lúc buồn, lúc thương lúc ghét, lúc hiền thiện lúc gian tà. Tâm của chúng ta luôn luôn dính với cảnh trần bên ngoài, kinh sách gọi là tâm phan duyên. Cảnh trần bên ngoài thuận ý, vừa tai thì vui thích. Cảnh trần bên ngoài nghịch ý, chói tai thì tức tối. Nếu chỉ chạy theo sự sai khiến của cái tâm vô thường như vậy, con người tạo tác không biết bao nhiêu nghiệp chướng, cho nên trôi lăn, trầm luân trong sinh tử không biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp!
Trong kinh sách có câu: “Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”. Nghĩa là khi nào tâm của chúng ta không còn dính với cảnh trần nữa, thản nhiên trước sự thịnh suy, thăng trầm của đời sống, bình thản trước những lời khen tiếng chê, vượt qua được sóng gió của cuộc đời, tức nhiên tâm của chúng ta sẽ được khinh an, tự tại, niết bàn và thiền định rồi đó vậy.
d) Quán pháp vô ngã: Nghĩa là quán tưởng các pháp trên thế gian này đều không có bản thể nhứt định, gọi là vô ngã. Các pháp, là tất cả sự sự vật vật trên cuộc đời, không có cái gì cố định. Tất cả chỉ là một dòng chuyển biến không ngừng. Con người thấy đó mất đó. Chuyện gì rồi cũng đổi thay, rồi cũng qua mau. Ðừng phí sức, đừng bận tâm với các pháp của thế gian. Chẳng hạn như có câu: “Hết cơn bỉ cực tới hồi thới lai”, hoặc “Sau cơn mưa trời lại sáng”.
Trong Kinh A Hàm, Ðức Phật có dạy: “Chư pháp tùng nhân duyên sanh. Chư pháp tùng nhân duyên diệt”. Nghĩa là muôn sự muôn vật trên đời tùy theo nhân duyên mà sinh ra, cũng tùy theo nhân duyên mà diệt đi. Không có cái gì, vật gì có thực tướng, không có cái gì, vật gì tồn tại vĩnh viễn. Người ta chửi mình do mình gây nghiệp bất thiện cảm với người. Ðừng đưa cái bản ngã của mình, tức là cái tôi, cái ta, tây phương gọi là “EGO”, ra hứng những ngọn lửa của thế gian, thì mình đâu có bị đốt cháy, đâu có bị nhiệt não, đâu có bị khổ tâm, đâu có bị ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên. Ngọn lửa không thể đốt hư không được, sẽ tự dập tắt thôi. Vô ngã đơn giản là như vậy đó!
.
8) Chánh định là sự bình tỉnh sáng suốt, do tam nghiệp thanh tịnh, do quán tâm từ bi để dẹp trừ lòng sân hận, mở rộng tình thương, do quán thân bất tịnh để dẹp trừ lòng tham ái, do quán lý nhân duyên để dẹp trừ lòng si mê, ngã chấp và pháp chấp, do quán giới phân biệt để khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, không khởi sáu thức, không sanh vọng niệm và do quán sổ tức, đếm hơi thở ra thở vào, để dẹp trừ tâm loạn động, tâm lăng xăng lộn xộn.
Người có chánh định do giữ gìn giới luật, sẽ phát sanh trí tuệ bát nhã, đưa đến giác ngộ và giải thoát. Đó là tam vô lậu học “Giới-Định-Tuệ”. Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết dù khởi niệm thiện hay bất thiện cũng đều dẫn đến khổ đau, bởi vì vẫn còn kẹt hai bên, tức là nhị biên, người đời gọi là hai thái cực. Cho nên, Đức Phật dạy “Pháp Môn Bất Nhị”, giúp chúng ta lặng hết những tâm niệm dù thiện hay bất thiện, để không còn phiền não và khổ đau, để được an lạc và hạnh phúc, để được về cõi tây phương cực lạc, để được giác ngộ và giải thoát.
Muốn được cuộc sống an lạc và hạnh phúc, chúng ta phải khắc phục tâm ý của chính mình. Khắc phục tâm ý và an trụ tâm ý là mục đích chính yếu của người tu theo đạo Phật. Chế ngự được, khắc phục được tâm viên ý mã, tức là tâm như con vượn, ý như con ngựa nhảy nhót lung tung, chúng ta mới đạt được chánh định, đó là cảnh giới niết bàn, an nhiên tự tại, không khổ đau, chẳng phiền não.
– Chánh định là sự thiền định chân chánh. Nghĩa là con người tập trung tư tưởng vào một vấn đề chánh đáng, đúng với chân lý, hợp lẽ phải. Người đạt được chánh định là người bình tĩnh, thản nhiên trước bát phong của cuộc đời. Chánh định có ích lợi giúp con người phát triển trí tuệ, mau tiến đến giác ngộ và giải thoát. Tâm trí của con người thường xuyên lăng xăng lộn xộn, nhớ nghĩ lung tung, không có dừng nghỉ, từ đông sang tây, từ cổ chí kim, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ thế giới năm châu đến phụ nữ nhi đồng, chuyện xưa chuyện nay, thương ghét tốt xấu, thị phi phải quấy. Tất cả những chuyện như vậy làm cho tâm của chúng ta luôn luôn loạn động. Tâm loạn động thì trí bất an. Ngày ăn không ngon, tối ngủ chẳng yên. Ðể giúp con người đạt được chánh định, Ðức Phật dạy các pháp quán tưởng sau đây:
a) Quán sổ tức: Nghĩa là quán tưởng bằng cách đếm hơi thở ra hơi thở vào, để đối trị tâm loạn động. Ðến khi thuần thục, chỉ cần theo dõi hơi thở, không cần đếm số như lúc mới bắt đầu, đó gọi là tùy tức quán. Sách có câu: “Thở vào tâm tĩnh lặng. Thở ra miệng mỉm cười”.
b) Quán bất tịnh: Nghĩa là quán tưởng thân mình là một tập hợp những thứ bất tịnh, không có gì đáng quan trọng, khi chết thân mình chỉ còn là một cái thây ma không ai dám đến gần, kể cả những người thân thiết nhất trên đời.
c) Quán từ bi: Nghĩa là quán tưởng mọi người đều bình đẳng, đều có Phật Tánh như nhau, đều đáng thương như nhau, thương người như thể thương thân, để diệt trừ tâm sân hận, thù hằn, oán hờn, ganh ghét, ích kỷ, đố kỵ. Không thể chỉ vì một chút tự ái nhỏ nhặt, một chút mặt mũi, danh dự nào đó, có thể tạo nghiệp oán thù, kiện tụng thưa gởi. Cổ nhân có dạy: “Chuyện gì mình không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác”, cho dù với mục đích trả thù, trừng trị kẻ khác, vì bất cứ lý do gì!
d) Quán nhân duyên: Nghĩa là quán tưởng tất cả muôn pháp đều do nhân duyên sinh ra, cho nên giả hợp, không bền vững, không tồn tại vĩnh viễn, để đoạn trừ si mê, chấp ngã và chấp pháp. Muốn thực hành pháp quán này, cần thấu triệt và tin sâu “Lý Nhân Quả” hay “Lý Nhân Duyên”.
e) Quán giới phân biệt: Nghĩa là quán tưởng lục căn tiếp xúc với lục trần sinh ra lục thức, tất cả đều giả tạm, không thực. Lục căn, là sáu cơ quan của thân, đó là: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, tiếp xúc với lục trần, là sáu cảnh trên trần đời, bao gồm: sắc tướng, âm thanh, mùi hương, mùi vị, cảm xúc, ký ức. Sự tiếp xúc đó gây nên những cảm giác, những ấn tượng, gọi là lục thức. Trong kinh sách, lục căn, lục thức và lục trần gọi chung là thập bát giới.
Thí dụ như mắt trông thấy sắc là viên kim cương, bèn sinh lòng ham thích. Sự ham thích đó chỉ giả tạm, không nên theo. Bây giờ thấy thích, về sau có thể không còn thích nữa. Nhưng nếu theo nó, thì chúng ta phải lo tranh giành, lo kiếm tiền, làm việc quần quật, đầu tắt mặt tối, từ sáng sớm đến khuya lơ, để mua sắm cho bằng được, cho nên cực khổ tấm thân, mệt nhọc trí óc. Thí dụ như tai nghe thấy tiếng khen thì khoái chí, thích ý, tối ngủ không được, cứ nhớ tới hoài. Nếu tai nghe thấy tiếng chê tiếng chửi, thì đâm ra bực dọc tức tối, càng khó ngủ hơn, cho nên tấm thân cực khổ trăm bề. Trong kinh sách, có bài kệ như sau:
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, (không dính, thôi được thì tốt) Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không. (không mắc, lơ được thì hay) Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng, (bình thản, tâm được khinh an) Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân. (giải thoát, khỏi phiền não và khổ đau)
.
Tóm lại, chúng ta biết những điều Đức Phật chứng ngộ và giảng dạy, được gọi là Chánh Pháp ghi trong các kinh điển, ví như các bản đồ giúp nhân loại biết phương pháp tu tập, để được giác ngộ và giải thoát, để được cuộc sống an lạc và hạnh phúc hiện đời. Bát chánh đạo giúp con người cải tạo hoàn cảnh. Hoàn cảnh là phản ánh của tự tâm. Tự tâm bình thản thì hoàn cảnh an vui. Tự tâm rối loạn thì hoàn cảnh bất an. Trong kinh sách, tự tâm gọi là chánh báo, hoàn cảnh gọi là y báo. Chánh báo thế nào thì y báo thế ấy. Người có tâm lương thiện thì sống trong cảnh hiền lành. Người có tâm gian ác thì luôn luôn sống trong cảnh âu lo căng thẳng, thấp thỏm phập phồng.
Chánh Pháp không dành riêng cho bất cứ ai, dù là Phật Tử hay không, dù là tu sĩ xuất gia hay cư sĩ tại gia. Mặc dù có người thờ phượng Đức Phật, tin tưởng Đức Phật mà không học hiểu Chánh Pháp, không áp dụng Chánh Pháp, thì cũng không ích lợi gì hiện đời cả. Chư Tổ có dạy:
“Tu mà không học là tu mù. Học mà không tu là đãy sách”.
Nghĩa là muốn hưởng an lạc và hạnh phúc, muốn được giác ngộ và giải thoát, chúng ta phải tu tập. Nhưng tu tập mà không chịu học hiểu Chánh Pháp cũng ví như người mù lại không có bản đồ, không người hướng dẫn, thì làm sao đi đến nơi đến chốn một cách an lành được. Trái lại, Chánh Pháp để áp dụng, thực hành chứ không phải để nói suông, để thảo luận, để tranh cãi. Người chỉ lo học hiểu để thỏa mãn kiến thức, mà không lo tu tập, không áp dụng vào đời sống hằng ngày, thì cũng chỉ có thể hiểu biết đến mức độ nào đó mà thôi, cũng ví như cái đãy, cái túi đựng sách có giới hạn vậy thôi. Những người đó cũng như những người đếm tiền trong ngân hàng, những người đếm bò cho chủ, trọn không có tiền và cũng không có bò.
Có câu chuyện giáo lý tối thượng thừa như sau: Có một anh mù, đến thăm người bạn, đến lúc trời tối mới ra về. Người bạn đưa cho cây đèn. Anh mù bèn nói không cần, bởi vì đối với anh, trời sáng cũng như tối, ban ngày cũng như ban đêm, không có gì khác, không phân biệt được gì cả. Người bạn khuyên hãy cầm cây đèn, để người khác thấy mà tránh. Anh mù nghe có lý bèn nhận cây đèn và ra về. Trên đường về, có người đi đụng phải anh. Anh mù bèn la lên: bộ không thấy cây đèn tôi đang cầm đây hay sao? Người kia đáp: Cây đèn của anh đã tắt từ lâu rồi!
.
Thế mới biết chúng ta cần cây đèn của chính chúng ta, để giúp chúng ta tai qua nạn khỏi, để giúp chúng ta giác ngộ và giải thoát khỏi vòng trầm luân, sanh tử luân hồi. Cây đèn do người khác trao cho, có khi không được hữu dụng. Cây đèn luôn luôn hữu dụng đó phải là cây đèn của chính chúng ta. Cây đèn đó chính là trí tuệ bát nhã của tất cả mọi người chúng ta vậy.

 Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

 Nguồn: PHẬT-HỌC TỊNH-QUANG CANADA

Chuyển đến trang:  1  2

.