Văn Hóa Phật Giáo

Recent Pages: 1, 23, 4, 5, 6, 7, 8,

CA NGỢI HOA SEN, CA NGỢI CON NGƯỜI

Nguyễn Thế Đăng

Con người giống như hoa sen.

Đó không phải là một sự ví von của một nhà văn, một triết gia, một nhà khoa học lỗi lạc cách đây năm, bảy thế kỷ. Đó là ý nghĩ của chính Đức Phật vào buổi bình minh của nhân loại, trước khi Đức Phật quyết định nói pháp, để từ đó mà có Phật giáo.

“Sau khi Đại Phạm Thiên lần thứ 3 cầu thỉnh Đức Phật thuyết pháp, với lòng từ bi, ngài nhìn chúng sanh thế gian bằng đôi mắt của một vị Phật. Ngài thấy hạng ít nhiễm ô và hạng nhiều nhiễm ô, có hạng thông sáng có hạng tối tăm, có hạng tánh tốt có hạng tánh xấu, có hạng dễ dạy có hạng khó dạy, có số ít người thấy sự nguy hiểm của những hành động sai lầm và của tái sanh.

“Cũng như trong đầm sen, sen xanh, sen hồng, sen trắng. Có một số sen mọc lên trong nước, sống trong nước, không vượt lên khỏi mặt nước. Có một số sen, sanh trong nước, lớn lên trong nước và vươn tới mặt nước. Có một số sen, sanh trong nước, lớn lên trong nước và vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước làm ướt. Cũng vậy, Thế Tôn nhìn quanh thế giới với Phật nhãn thấy có những hạng chúng sanh như vậy.

“Với cái nhìn ấy, Đức Phật tuyên bố:

“Cánh cửa vô sanh bất tử đã được mở ra cho tất cả chúng sanh,

Hãy để cho những ai có tai muốn nghe đặt trọn niềm tin tưởng”.

Với cái nhìn tất cả chúng sanh điều là hoa sen, dù còn dưới bùn, sống ở trong nước, vươn tới mặt nước hay đã vượt ra ngoài không khí, Đức Phật đã quyết định thuyết pháp. Phật giáo đã có ở đời từ cái nhìn ấy cho đến hôm nay.

Quá trình phát triển của sen, từ khi còn dưới bùn cho đến khi nở hoa trọn vẹn, là con đường đi đến sự bất tử : con đường bất tử được gọi là đạo Phật, đã được giới thiệu cho thế gian kể từ hôm ấy.

Con người giống như hoa sen nghĩa là con người là một quá trình phát triển những khả năng chân thiện mỹ tiềm ẩn trải qua nhiều giai đoạn đến khi hoàn tất là một con người mà chân thiện mỹ nở hoa trọn vẹn.

Sau đây chỉ là một vài cảm tưởng của một con người thường sống gần hoa sen. Trong vườn y luôn luôn có một ao sen nhỏ, dù tự tay y trồng, nhưng làm biếng để mặc cho trời đất, chẳng bao giờ săn sóc.

Hoa sen không bao giờ mọc một mình, không bao giờ nở hoa một mình.

Ngay từ tầng thấp nhất, dưới bùn đất, rễ sen đan kết với nhau. Nhổ một lá và hoa sen, chúng ta không biết rễ nó lan đến đâu, và cũng một rễ ấy mọc lên bao nhiêu ngó sen, bao nhiêu hoa sen. Ban đầu trồng một bụi sen chỉ một lá và một nhúm rễ, vài tháng sau chúng ta có cả một ao sen. Có vẻ như chúng có chung một rễ.

Con người ờ tầng thấp nhất cũng thế. Những cuộc đời, những thân phận, những cội rễ bản năng, những khổ đau, đan kết với nhau trong cùng một sự sống sơ khai bị đè ép và đày đọa. Nhưng đã là còn người tức đã là những ngó sen, đã vượt ra khỏi bùn đất và nằm trong nước. Một mặt, bùn đất kéo xuống, áp lực của nước ép xuống; mặt khác, chúng cũng tự thân biết vươn lên. Những cây sen gồm thành một quần thể, khởi từ bùn và ngoi lên trong nước. Chúng cùng chung một hoàn cảnh, cùng một quần thể, cho nên khi nói về sen, chúng ta phải dùng chữ “chúng”. Con người với thân phận chung của nó cũng tạo thành một quần thể, mà chúng ta gọi là “chúng sanh”.

Vươn lên đâu ? Trên kia là hơi ấm và ánh sáng thu hút. Và ngoài kia là tự do của không khí. Để thành tựu mình, để là một với ánh sáng, tự do, cái đẹp, sự tinh khiết và hương thơm của sự trọn vẹn.

Sen không bao giờ vươn lên một mình, nở hoa một mình. Quá trình trong nước nó không ở một mình. Chung quanh là những ngó sen khác cùng sẻ chia một thân phận làm người. Ngay cả đóa sen nở sớm nhất, vĩ đại nhất là Đức Phật, ngài cũng được xưng là bậc tối tôn trong loài hai chân (Lưỡng túc tôn), bậc tối tôn trong tất cả chúng sanh (Chúng trung tôn)… Sen không bao giờ nở giữa hư không, gốc rễ ở trong không khí. Sen nào cũng từ bùn đất và nước, từ thân phận con người.

Bằng sự kiên trì, nhẫn nhục, bằng khổ đau, bằng đam mê đối với tự do của không khí và sự rực rỡ của ánh sáng, bằng tính cách anh hùng và bằng sự hứa hẹn với những cây sen khác ở chung quanh, chúng tiếp tục vươn lên. Cho đến ngày ra ngoài không khí.

Trong không khí đã có thể nhìn thấy một búp sen rất nhỏ. Trong sự tương tác với không khí, nắng ấm và ánh sáng, chúng lớn thêm và nởthành những đóa hoa sen. Những đóa hoa sen như là sự hiện thân của chân thiện mỹ giữa đời.

Hoa sen cũng như con người, là quá trình vươn lên của một số phận, một số phận trong đồng phận chung của loài người. Số phận nằm trong bùn đất, tiếp xúc tương tác với bùn đất và những rễ sen khác để vươn lên trong nước. Ở trong nước, nó thoát khỏi dần sức hút của đất, tương tác với nươc, với những nhánh sen khác, với hơi nóng và ánh sáng bên trên để vươn lên khỏi mặt nước. Nó lặng lẽ đi lên.Lặng lẽ đến độ anh hùng trong sự tương tác lợi mình lợi người với chung quanh. Lặng lẽ như một lời hứa thiêng liêng với toàn bộvũ trụ. Lặng lẽ như một số phận thiêng liêng gom hết những khổ đau và sức mạnh của vũ trụ.

Cuối cùng nó nở hoa gần như cùng thời với những hoa sen khác, làm nên một vụ mùa nở hoa của chân thiện mỹ ở thế gian. Giờ đây, bùn đất ẩm ướt đã rớt lại sau lưng, số phận của nó là số phận của ánh sáng trí huệ, hương thơm của từ bi, và thân xác nó –cánh, nhụy, hạt….. – là phương tiện để kêu gọi một mùa hoa trong một chu kỳ mới.

Con người cũng thế, sự nở hoa của những khả năng tiềm tàng mà nó cưu mang suốt cuộc làm người là sự thành tựu vinh quang của số phận nó. Bởi vì số phận con người không phải là chìm dưới bùn đất khổ đau, vùng vẩy trong ngục tù của nước không lối thoát. Mà số phận đích thực của con người là ánh sáng ( của trí huệ), sự ấm áp (của từbi), tự do vô ngại ( của giải thoát), thanh tịnh và an vui (của thường, lạc, ngã, tịnh). Sự chuyển hóa, sự thăng hoa của số phận một người cũng là sự thăng hóa thăng hoa của tất cả mọi chúng sanh, vì nó có cùng một thân phận chung bùnđất với tất cả chúng sanh và có cùng một vinh quang chung của tất cả chúng sanh.

Ca ngợi con người và hoa sen không chỉ là tôn vinh sựchiến thắng vinh quang sau cùng của chúng, mà còn là ca ngợi sự kiên nhẫn, chịuđựng, gian khổ khó khăn, ý chí vươn lên không bỏ cuộc và sự đồng hành anh hùng của chúng. Ca ngợi con người và hoa sen không chỉ nhằm đến tương lai huy hoàng của chúng, mà còn là tôn vinh quá khứ nhọc nhằn đầy lầm lỗi của chúng, đến độquá khứ là quá khứ của và trong tương lai, và tương lai hiện hữu trọn vẹn trong quá khứ.

Còn ca ngợi hơn nữa là sự chiến thắng của con người và hoa sen – vươn lên khỏi mặt nước và nở hoa – không bao giờ là chiến thắng một mình.Y như chúng nhẫn nhục chờ đợi nhau, ngầm hẹn với nhau, để nở cùng một ngày, nở hết trong một mùa của thời gian, một mùa vũ trụ.

Sự vì hoa khác mà nở, sự có mặt đồng nghĩa với sựcho đi, đã làm nên một mùa hoa sen trùng trùng của vũ trụ, vũ trụ Hoa Nghiêm:

Trần trần sát sát Như Lai
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen
Hoa là bản tánh tự nhiên
Bao hàm thiên địa phương viên cùng hằng
Ai ai đạt giả đồng đường
Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà
Mùa xuân vạn thụ hoa khai
Cành cao càng thấp vậy hòa chứng nên…
(Thiền sư Chân Nguyên – Thiền tông bản hạnh)

(Văn hóa Phật Giáo số 134.)
Người đánh máy và gửi bài: Võ Thanh Xuân

Source: thuvienhoasen

Wonderful!  (2)HOA SEN TRONG VĂN HÓA PHẬT GIÁO

Thích Hạnh Tuệ

1. Hoa sen và yếu tố linh thánh

Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho những giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện. Hoa sen còn biểu trưng cho trí tuệ siêu việt, thể hiện niềm khao khát giác ngộ. Trong mật điển có thần chú Lục tự Đại minh là tâm chú của ngài Quán Thế Âm Bồ tát: “Om Mani Padme Hum” (Án Ma Ni Bát Di Hồng). Trong đó, Padme tiếng Phạn có nghĩa là hoa sen – biểu tượng cho trí tuệ siêu việt, trí tuệ chứng ngộ tự nhiên vượt ra ngoài vòng vây hãm của nhị nguyên luận.

Hoa sen là loại hoa có bốn đặc tính vượt trội hơn các loại hoa khác: 1. Ở bùn lầy mà không ô nhiễm; 2. Hoa và quả kết cùng một lúc; 3. Loài ong, bướm không hút lấy hương nhụy; 4. Phụ nữ không dùng hoa sen để trang điểm như giắt trên đầu. Do hoa sen không bị nhiễm bởi bùn nhơ, nên nó được dùng làm biểu trưng cho tánh giác tự nhiên của Phật, tổng quát hơn là biểu trưng cho Phật.

Trong Nhiếp đại thừa luận, hoa sen có bốn đức:hương (thơm), tịnh (sạch), nhu nhuyến (mềm mại) và đáng yêu. Trong Hoa Nghiêm kinh thám huyền ký, hoa sen có mười đặc tính: 1. Vi diệu; 2. Khai phụ; 3. Đoan chính; 4. Phân minh; 5. Thích duyệt; 6. Xảo thành; 7. Quang tịnh; 8. Trang sức; 9. Dẫn quả; 10. Bất nhiễm.

Sen được dùng cúng Phật vì lẽ nó thanh cao, vượt lên trên những bùn lầy trần tục như sự giải thoát khỏi phiền trược của công việc tu đạo. Theo lịch sử, Đức Phật Thích Ca từ lúc đản sinh cho đến lúc nhập diệt đều ở trên hoa sen. Điều này biểu trưng cho tinh thần bất nhiễm trần của đấng Giác ngộ, và cũng tượng trưng cho trí tuệ, cho triết lý cao siêu của Phật giáo.

2. Ảnh hưởng của hoa sen trong tâm thức Phật giáo

Hoa sen là loài hoa được đưa vào mỹ thuật từ rất sớm, phổ biến với nhiều biểu tượng cao quý. Đối với người Ai Cập, sen được biểu hiện cho dương khí. Nhưng đối với Nam Á và phương Đông, sen lại chứa nhiều yếu tố âm, nó là bóng dáng của phái đẹp. Trong nghệ thuật tạo hình ở Việt Nam, chúng ta từng gặp những đài sen là chỗ ngồi của Phật và các linh vật ở miền tịnh thổ (đất Phật) biểu hiện cõi chân như, yên lặng tuyệt đối, cõi không sinh, không diệt. Những người theo đạo Phật thường hiểu sen với những đường gân như 84 vạn pháp môn chảy chung về một nguồn, đó là cuống sen và cũng chính là nguồn giải thoát, là nhất chính đạo đi về một hướng để chuyển tải Phật pháp hòa nhập vào cuộc đời.

Từ khi Phật giáo xuất hiện cho đến nay, hoa sen với những ý nghĩa của nó đã thấm sâu vào tâm thức Phật giáo. Những triết lý tưởng chừng như bỏ ngỏ cuộc đời, xa lánh cuộc đời trần thế lại là những triết lý có nguồn gốc từ những khổ đau của chúng sanh. Đức Phật đã từng nói với các đệ tử của mình, như nước đại dương chỉ có một vị mặn, giáo lý của Như Lai cũng chỉ có một vị là giải thoát. Vị giải thoát đó chính là cởi trói cho những ràng buộc, những khổ đau, những cố chấp, bám víu .v.v… của chúng ta trong cuộc đời. Như thể hoa sen, lấy chất liệu là bùn nhơ, nước đục nhưng hương sắc của nó làm ấm áp lòng người.

3. Hoa sen trong kinh Phật

Trong kinh tạng Phật giáo, tức Tam tạng thánh điển nói chung, có rất nhiều biểu tượng. Ở đây chỉ xin đề cập đến một biểu tượng quen thuộc thường được nhắc đến trong kinh Phật, đó là hoa sen.

Hoa sen trong kinh Phật biểu tượng cho chân lý. Và chân lý đó là chân lý hiện thực trong cuộc đời. Nó hiển thị giữa trần thế lắm ưu phiền và tục lụy. Về mặt xã hội và tôn giáo, hoa sen biểu trưng cho conđường “nhập thế sinh động” của Phật giáo. Đó là những thành ngữ thường được dùng như “Cư trần bất nhiễm trần” (Sống trong trần thếnhưng không bị ô nhiễm bởi trần thế), hoặc “Phật pháp bất ly thếgian pháp” (Phật pháp không rời các pháp thế gian mà có), hoặc “muốnđến Niết bàn hãy vào đường sinh tử” v.v…

Hoa sen trong kinh Phật sẽ được hiểu tùy theo những hoàn cảnh khác nhau. Có lúc, hoa sen chỉ thuần túy là hoa sen, có lúc hoa sen là chân lý tuyệt đối (Niêm hoa vi tiếu), và có lúc hoa sen lại tượng trưng cho con đường du hóa của Tỳ kheo… Sau đây là một sốtrích đoạn tiêu biểu trong các kinh nguyên thủy:

a. [HT. Thích Minh Châu – Tăng chi bộkinh IA:51]: “Ta có thể là người với các lậu hoặc đã đoạn tận… Ví như bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn ra khỏi nước, đứng thẳng, không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, sanh ra trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà la môn, Ta là Phật, hãy ghi nhớ như vậy”.

b. [HT. Thích Minh Châu – Tăng chi bộkinh IA: 161]: “Như nước giọt lá sen, như hột cải đặt đầu mũi kim, người không đắm nhiễm ái dục cũng như thế; Ta gọi họ là Bà la môn”.

c. [HT. Thích Minh Châu – Tăng chi bộkinh IIA: 58]: “Như từ trong đống bùn nhơ vất bỏ, sinh ra hoa sen thanh khiết ngọt ngào làm đẹp ý mọi người; cũng thế, chỉ từ nơi chốn phàm phu ngu muội mới sản sinh những vị đệ tử bậc Chính giác đem trí tuệ soi sáng thế gian”.

d. Trong kinh Pháp Cú có các đoạn:

Câu 58:

Giữa đống rác bẩn thỉu,
Vất bỏ bên đường hoang,
Hoa sen thơm ngào ngạt,
Đẹp lòng khách qua đàng.
Câu 55:
Hoa chiên đàn, già la
Hoa sen, hoa vũ quý
Giữa những hương hoa ấy
Giới hương là vô thượng.
Câu 336:
Ai sinh sống trên đời,
Hàng phục được tham ái,
Khổ đau sẽ vuột khỏi,
Như nước trượt lá sen.

Như thế, chúng ta thấy được hoa sen hiện diện rất nhiều trong Phật giáo, và có ý nghĩa biểu trưng cho người không bị đắm nhiểm bởi cuộcđời. Quan điểm này chúng tôi cũng thấy có trong ngạn ngữ Ấn Độ: “Mặt trăng có từ biển sâu tăm tối, cỏ điva (loại cỏ thiêng dùng để đốt trong cúng tế) mọc từ phân bò, hoa sen mọc lên từ bùn đất… Một con người đâu cần phải xem xét lai lịch hắn từ đâu…”

4. Hoa sen trong danh hiệu Phật

Ở Việt Nam, khi các kinh được dịch từ Hán tạng hay Pali tạng ra Việt ngữ thì hàm lượng từ Hán Việt vẫn còn rất nhiều, đặc biệt là tên riêng, hầu như để nguyên từ Hán Việt không dịch nghĩa (trừ một vài bản kinh được dịch gần đây của HT.Thích Trí Quang – GN). Vì lẽ đó mà danh hiệu Phật thường gặp là Liên () hay Liên hoa (蓮花) có nghĩa là hoa sen.

Chúng tôi sử dụng Kinh Vạn Phật [HT.Thích Thiện Chơn 2005] để lựa chọn ra những danh hiệu tiêu biểu như sau: – Nhất thiết đồng danh Thanh Tịnh Diệu Liên Hoa Hương Tích Phật (tr.40); – Bảo Liên Hoa Thắng Phật (tr.161, 176, 350, 662); – Liên Hoa Nhãn Phật (tr.261); – Liên Hoa Diệp Nhãn Phật (tr.294); – Liên Hoa Diệp Tinh Tú Vương Hoa Thông Phật (tr.315); – Xưng Liên Hoa Phật (tr.363); – Liên Nhất Thiết Pháp Tinh Tấn Tràng Phật (tr.422); – Bảo Liên Phật (tr.569); – Liên Hoa Diện Phật (tr.614); – Liên Hoa Hương Phật (tr.612); – Liên Hoa Vô Cấu Tinh Tú Vương Hoa Phật (tr.692); – Liên Hoa Quang Phật (tr.711) v.v…

5. Hoa sen trong danh hiệu kinh

Bộ kinh nổi tiếng bậc nhất của Phật giáo Đại thừa là Lotus Sutra – Kinh Hoa sen Chánh pháp, hay thường gọi là kinh Pháp Hoa. Ở Trung Hoa, hiện có 5 bản dịch là: Pháp Hoa tam muội, Tát-đàm-phân-đà-lị kinh, Chánh Pháp Hoa kinh, Diệu Pháp Liên Hoa kinh và Thiêm phẩm Diệu Pháp Liên Hoa kinh. Trong 5 bản dịch ấy thì bản Diệu Pháp Liên Hoa kinh gồm có 7 cuốn, được chia thành 28 phẩm, do Ngài Cưu Ma La Thập dịch được lưu hành và diễn giải nhiều nhất.

Dùng những đặc tính đặc biệt của hoa sen để nói về pháp là một nét độc đáo của kinh Pháp Hoa. Pháp ấy chỉ cho chúng sanh thấy được mình cũng giống như những hoa sen kia. Tuy vẫn còn trôi lăn trong sanh tử, còn bị phiền não chi phối nhưng khi gặp được mặt trời diệu pháp của Phật soi thì đều thanh tịnh, trong xanh, thơm tho như hoa sen. 

Nguyệt San Giác Ngộ 184

 HT. Thich Minh Chau (34)

THÀNH KÍNH NHỚ ƠN THẦY

Thái Không

Mùa trăng Báo hiếu vẳng chuông ngân,
Tiễn biệt người xa lánh cõi trần.
Vạn Hạnh Thiền lâm tròn đạo nghiệp.
Giác linh Hòa thượng sớm cao đăng.
Minh Châu rạng rỡ Tâm như tạng.
Trí Hải thậm thâm Ý diệu thần.
Chín bốn xuân thu duyên đã mãn.
Hậu sinh lớp lớp đượm hồng ân.

California, Hoa Kỳ. 04.09.2012
Học trò cũ Đại học Vạn Hạnh
Thái Không

Tang Le HT. Thich Minh Chau (10)BÓNG CỦA ĐẠI SƯ

Cao Huy Thuần

Với Hòa thượng Minh Châu, một đại sư đã ra đi. Một đại sư cỡ ấy, thế hệ chúng ta chỉ có vài vị. Vài vị, nhưng là những ngọn đuốc soi sáng đường đi cho cả một nửa thế kỷ. Hôm nay, ngọn đuốc gần như là cuối cùng ấy đã tắt. Đã tắt, để nói với chúng ta, như Phật đã nói khi nhập diệt: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.

Thế hệ chúng ta đang mồ côi đại sư, nhưng chính tình trạng mồ côi đó giúp chúng ta trưởng thành. Đừng than khóc, Phật đã dạy khi nhập diệt. Hãy sống như đại sư đã sống, hãy nói như đại sư đã nói, hãy làm như đại sư đã làm. Chúng ta mồ côi đại sư nhưng chúng ta không mồ côi hình ảnh của đại sư. Hãy thấy hình ảnh đó trước mắt để sống đẹp, nói đẹp, làm đẹp trên con đường đạo mà chúng ta dũng mãnh bước tới.

 HT. Thich Minh Chau (3)

Hình ảnh đó, may thay, lúc nào cũng linh hoạt, sống động trong suốt cả nửa thế kỷ, trước đây cũng như bây giờ, khi ngọn đuốc không còn nữa. Đó là một hình ảnh đặc biệt, lạ lùng, mà không một đại sư nào trên thế gian này có được: hình ảnh của Đức Phật Di Lặc. Ai thấy Hòa thượng Minh Châu, dù chỉ một lần, dù chỉ thoáng qua, cũng đều thốt ra một lời kinh ngạc, thán phục, kính mến: “Thầy giống như Đức Phật Di Lặc!” Hòa thượng đã đến với thế gian này và để lại thế gian này, để lại cho chúng ta, hình ảnh từ bi, hạnh phúc của Đức Đương lai Hạ sanh.

Vào đầu thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, nhà chiêm bái Pháp Hiển đã kể lại như sau trong ký sự hành hương nước Phật của mình: Phía Tây nam một ngọn núi cao cách thành Nagara, Đức Phật đã để lại cái bóng của Ngài trong một hang động. Đứng cách xa mươi bước, người ta có thể trông thấy cái bóng giống hệt như Phật thật với thân sắc vàng chói. Khi đến gần hơn, cái bóng mờ dần. Các quốc vương ở nhiều nước đã phái những họa sĩ tài ba đến vẽ lại cái bóng đó nhưng không ai có thể ghi lại được. Pháp Hiển xác nhận cái bóng ấy vẫn còn được thấy lúc ông đi chiêm bái. Hai trăm năm sau, Huyền Trang cũng được trông thấy và ghi lại sự lạ. Bóng ấy được tôn thờ ở Nagarahara như một xá-lợi, như một thánh tích.

Chúng ta không được cái may mắn của Pháp Hiển, Huyền Trang. Nhưng chúng ta đâu có mồ côi bóng Phật! Bóng Phật có lúc nào không ở trước mắt chúng ta! Thương tiếc đại sư, chúng ta cũng hãy nói với nhau và với chính ta như vậy: hình ảnh đại sư vẫn là ngọn đuốc soi đường – ngọn đuốc ta cầm trong tay. Tai ta nghe đại sư nhắc nhở: hãy sống đẹp, nói đẹp, làm đẹp. Và như vậy thì bao giờ cũng gặp được Đức Phật Di Lặc, bao giờ cũng hoan hỷ, an lạc, hạnh phúc. Hạnh phúc cho ta, cho xã hội, cho đất nước.

Cao Huy Thuần

(Giác Ngộ)

Tang Le HT. Thich Minh Chau (20)

Đời Ôn Là Hoa Và Chữ

Thích Pháp Bảo

Thành Kính Tưởng Niệm
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu
.

Bảo tháp uy nghiêm tỏa nắng mây

Bước chân Pháp lạc còn vang bóng.

Thầy về bên ấy dư âm lắng đọng

Pháp thân hiển hiện dạt dào chúng sinh.

Chúng con đang ở lại trần gian trong thế kỷ XXI này, sinh ra và lớn lên trong bầu không khí đạo pháp hơn 2000 năm. Kinh thiên vạn quyển không chi bằng chúng con được gần kề bên bậc danh Tăng thạc đức trong ngôi nhà Vạn Hạnh. Những ngày Tang lễ của Ôn, chúng con không khỏi xót xa khi Ôn vắng bóng kể từ đây. Và sau đó chúng con lại tắm mình trong pháp vũ một tuần thọ lãnh tang của Ôn. Khi biết bao triệu đóa hoa từ mọi phương trở về, hai ngàn năm trăm lãng hoa là một dấu ấn chánh pháp của đời con.

“Hương của loài hoa thơm, không thể bay ngược gió.

Hương người đức hạnh đó, ngược gió bay muôn phương”.

Chúng con tuy mới sinh trưởng trong ngôi chính điện Vạn Hạnh của năm 2000 nhưng với những gì hôm nay chúng con tiếp nhận vô vùng bé nhỏ đối với hành trạng, cuộc đời, sự nghiệp của Ôn. Ngày vừa mới bước chân vào miền đất Vạn Hạnh, là ngày bước chân của chúng con cứng cỏi hẳn lên. Cũng nhờ sự che chở thương yêu của Ôn nên chúng con mới có được sự sống cũng như con đường sáng để tiếp tục đi với cuộc đời mà không cấu nhiễm.

Nhớ lại những ngày tháng vào mái trường học viện thân quen, chúng con vừa lo lắng, vừa bỡ ngỡ vì chưa định hướng được pháp hành ngay trong môi trường giáo dục. Có một lần hình ảnh của Ôn làm cho chúng con nhìn lại chính mình nhiều hơn. Tấm gương phạm hạnh trong Tăng đoàn là bóng dáng huỳnh y nguyên thủy. Từ lầu một, đến tầng bốn chúng con đã dạo quanh thiền trượng của Ôn nhưng chẳng diện kiến đảnh lễ Ôn được, do Ôn đã xuống cầu thang trước chúng con mấy bước nhưng có lẽ chúng Ôn cũng biết chúng con vào lạy Ôn nhân dịp mãn hạ an cư nên Ôn đã nhắn thị giả gọi chúng con xuống khách đường để có vài lời di giáo. Hôm đó Ôn khoan dung, cho phép chúng con ngồi cạnh bên để hầu chuyện. Mặc dù tuổi Tăng lạp của Ôn cũng đã thấp thoáng bóng chiều so với lần vào năm 1998, Ôn cùng với ban hộ trì Tăng chúng Thiền Viện Vạn Hạnh có chuyến trở về Tổ đình Tường Vân nơi Ôn thọ giáo đầu sư với Đại trưởng lão Tăng Thống Thích Tịnh Khiết để thăm viếng, làm phật sự ở Thừa Thiên, Quảng Bình, Nghệ An. Chúng con thật may mắn và có duyên lành được hai lần nâng dép cho Ôn. Nụ cười, bước đi, tấm y của Ôn khoác lên, tuy đơn sơ nhưng vô cùng cao quý. Nguồn vi diệu pháp mà chúng con có được như ngày hôm nay là do một cánh tay Ôn khai thông mở lối, làm thành con đường tỉnh thức giữa bến bờ chiều tà.

Những ngày qua, sau giờ Ôn viên tịch. Sài Gòn bỗng đỗ mưa không ngớt, cơn mưa tạnh, nắng lên, sương rơi bảo điện, mây trắng kéo về đỉnh tháp.Từng dòng người tha thiết từ mọi xứ sở thiên quốc hội tụ quỳ dưới chân bảo tháp Pháp lạc chiêm bái, hành trì và rũ bỏ mọi duyên trần để đi vào thế giới hướng tâm theo gót hài từ phụ. Chúng con ở tại Vạn Hạnh, vùng Gia Định này cũng thấm dần thời tiết bốn mùa nhưng chưa bao giờ chúng con lại cảm thấy cái giá buốt tầm tả và vật đổi sao dời như vầy. Mưa buông như suối ghềnh, trời im như cô quạnh, hoa nở như khép lại. Với biết bao ân tình Ôn còn đọng mãi trong hàng triệu trái tim của nhân loại, bằng những câu thơ bái kính Ôn, bằng những bài văn ngợi xưng công hạnh Ôn, bằng những dòng nước mắt tuôn trào và vô số vòng hoa tươi cúng dường lên Ôn trong tuần Tang lễ ngàn năm lịch sử.

Sáng nay đàn chim líu lo hót

Sáng nay sương rơi trên phiến đá

Sáng nay từng hồi chuông trưởng giả

Sáng nay ngàn hoa không ngủ

Để…

Nhớ Ôn!

Tăng chúng chùa Thiền Lâm chúng con, được tiếp xúc, hầu Ôn với những cái tháng 10 của xứ Huế thời trước. Và nay cũng lại vào để đi theo hết lộ trình Niết-bàn của Ôn. Khoản mười ngày hôm nay, chúng con cũng thấy mọi cảnh, mọi vật, mọi duyên xuyến xao cả cõi lòng. Tang lễ của Ôn như đoàn tàu trở về quê cũ, neo đậu ở bến giác Pháp hoa kinh.

Xin kính lạy Ôn!

“Trở về” phút giây quá khứ, Ôn mở trường giáo dục, đào tạo cho hàng ngàn Tăng ni và bao nhiêu khóa chuyên ngành Phật học, xã hội tại Trương Minh Giảng thuộc Đại học Vạn Hạnh, lúc đó Ôn (Hòa thượng Thích Minh Châu) cũng là Vụ trưởng Vụ Giáo Dục – cùng với nhiều vị cao tăng trong Viện Hóa Đạo được GHPGVNTN cung cử kiến thiết và thành lập Trường đại học Phật giáo đầu tiên có những phân khoa thế học. Cùng chung tay xây dựng và phát triển như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo sư Phạm Công Thiện, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Thích Nguyên Hồng v.v… song song cùng hướng giáo dục tư thục là các trường Bồ Đề, Hàm Long được khai sáng ở các tỉnh hội trước thập niên 1970. Phong trào dấn thân vì đạo pháp mỗi ngày phát huy tính giá trị thiết yếu đó nên Giáo Hội cũng đã đầu tư từ cơ sở hạ tầng, nhân sự cho từng địa phương như tại Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và Tây Đô, Thanh niên phụng sự xã hội.

Sau từ “Thống nhất đất nước”, bước qua ngưỡng vong mới của sự hội nhập tư tưởng giữa hai phân giới Bắc-Nam. Ôn cũng nhiều lần thiết tha, băn khoăn, mong mỏi Viện Vạn Hạnh được giữ nguyên tại vị như thuở ban đầu nhưng quy nguyện thiết lập chưa thành tựu, đã diễn hành những biến cố sau đó “trăm sông về biển lớn”. Với những cương vị Giáo Hội, quý Tôn túc cũng đã rời bỏ dần những Bồ Đề, Hàm Long, cơ sở tự viện để cứu nguy cho mạng mạch Phật pháp, giáo đồ lúc bấy giờ. Biết bao là khó khăn, gian nan, vật lộn với cách thống nhất vô điều kiện. (*)

Chùa đây, Đại Tạng Kinh Việt Nam còn đó, hơn 20 tước tác nguyên vẹn giáo lý nhưng pháp thân của Ôn dần khuất xa trong bóng mây vô định.

Và trong một bài diễn văn 10 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, đọc trong dịp Đại Lễ Phật Đản 2518 do Hòa thượng Viện Trưởng định hướng như sau.

“…Khi nhận lãnh chức vụ Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh vào năm 1964, với trụ sở đặt tạm ở chùa Pháp Hội, với tiền thân của Viện Cao Đẳng Phật Học, chúng tôi ý thức được trách nhiệm số một của chúng tôi là gìn giữ cở sở này là một cơ sở giáo dục, và cở sở giáo dục này là một cở sở giáo dục Đại học, và Đại học này là một ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO. Chúng tôi nghĩ, mục tiêu của giáo dục nhắm đến những chuẩn đích dài hạn, có tánh cách miên trường, và quan hệ nhất, đào tạo và xây dựng một thế hệ mới cho đất nước, cho nhân loại. Giáo dục không phải chỉ trao truyền kiến thức khô đọng cằn cỗi, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thế hệ Giáo sư qua đến thế hệ sinh viên, mà phải là những cố gắng làm sống động những tư tưởng, làm bừng sáng những tâm tư, làm phát huy những kinh nghiệm, mà chính các thế hệ trước đã trả một giá rất đắt để thâu nhận được, và chính thế hệ hiện tại cũng phải trả một giá rất đắt để trao truyền lại cho thế hệ sinh viên hiện tại. Chúng tôi nói rất đắt, vì một Giáo sư biến thành máy ghi âm và phát âm thời quá rẻ mạt, ai cũng mua được. Nhưng những Giáo sư làm sống lại những tình cảm, những ưu tư, những khắc khoải, những thao thức của thế hệ đàn anh rồi truyền trao lại cho khối óc, cho con tim thế hệ đàn em hiện tại, rồi biến chúng thành những sức mạnh sống động, tác thành những nguồn giao cảm mãnh liệt giữa các thế hệ, thời thật là thiên nan vạn nan, và chỉ có những Giáo sư biệt tài , thâm hiểu sứ mạng giáo dục, mới may ra có thể thực hiện nổi. Hơn nữa giáo dục đâu phải nhằm đào tạo những thế hệ làm thầy thông thầy phán để hầu hạ cho ngoại bang, cũng không để tác thành những đệ tử cuồng tín trung kiên cho ý thức hệ, cho độc tôn, cho giáo điều; giáo dục lại càng không phải là một trung tâm đào tạo những con người máy móc để phục vụ cho một thế giới máy móc. Giáo dục phải có sứ mệnh đào tạo những con người còn giữ được tình người Nhân loại trong cộng đồng Nhân loại, những con người Việt Nam còn giữ được tình người Việt nam trong cộng đồng Việt nam, những con người Vạn hạnh còn giữ được tình người Vạn hạnh trong cộng đồng Vạn Hạnh. Và chính những con người còn giữ được Tình Người này mới có thể biến thành những động lực tốt đẹp xây dựng cho con người Nhân loại, cho con người Việt nam, cho con người Vạn hạnh…”

(Trích Bộ Tư Tưởng số IX, số 2, trang 6)

Thích Pháp Bảo

Vì sao Gia Đình Phật Tử (GĐPT) ra đời

Picture

Hòa thượng Thích Minh Châu
Trong bối cảnh hiện tại khi có nhiều người nhìn Gia đình Phật tử chúng ta như là một tổ chức già nua lạc hậu và đang loay hoay tìm một hình thức khác nhằm thay thế Gia đình Phật tử, chúng tôi nói loay hoay vì cho đến bây giờ vẫn chưa có được một giải pháp nào gọi là khả thi trong việc giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Phật tử theo đúng chánh pháp, có chương trình, có phương pháp và có tính sư phạm phù hợp với từng đối tượng đoàn viên như GĐPT Việt Nam. Nhằm để làm sáng tỏ thêm về một tổ chức giáo dục đặc thù của Phật giáo Việt Nam đã tồn tại trên 60 năm qua (chưa kể quá trình hình thành sơ khởi), chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của Cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu, bài này được viết năm 1952 nghĩa là cho đến thời điểm này thì đã tròn 60 năm nhưng ý nghĩa và nội dung của nó vẫn còn nguyên giá trị cho những ai muốn hiểu biết về Gia đình Phật tử.
.

Gia đình Phật tử ra đời với mục đích giáo dục thanh thiếu nhi theo tinh thần đạo Phật, vì những nguyên nhân chính sau đây:

  1. Một số lớn các em nhờ sự may mắn, sống trong một hoàn cảnh vật chất quá đầy đủ, do vậy không chịu lo học, lo tập sống tự lập, chỉ biết sống ỷ lại vui chơi; Gia đình Phật tử sẽ cố gắng làm một trường luyện tập các em biết sống đoàn thể, biết tự lập, biết tháo vát để sau này gặp những hoàn cảnh khó khăn, các em có thể biết ứng dụng, sống ích lợi cho mình, cho mọi người.
  2. Cuộc chiến tranh đã qua và hiện tại đã làm một số em mồ côi cha mẹ lưu lạc gia đình, sống cô quạnh, không lý tưởng. Gia đình Phật tử ra đời, thể theo lòng từ bi của chư Phật, nguyện tiếp đón các em, sống trong Đại Gia đình Phật tử, mong đem những gì vui tươi, trong sạch của tuổi trẻ cho các em.
  3. Gia đình Phật tử lại có cao vọng giới thiệu một phương pháp giáo dục đặc biệt dựa trên giáo pháp Phật dạy, và một đời sống lý tưởng đúng với tinh thần đạo Phật.

Phương pháp giáo dục và lý tưởng trên có những đặc điểm sau đây:

Từ bi, Tôn trọng sự sống
Gia đình Phật tử thể theo lòng từ bi của đạo Phật, chỉ biết tuyên dương một đời sống hòa đồng, tương trợ, tương ái, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, chủng tộc, chỉ biết tôn trọng đời sống của mọi loài và mặc tấn sự tàn sát. Gia đình Phật tử dạy cho các em rằng sống phải thương yêu giúp đỡ nhau, sống là phải tôn trọng sự sống của muôn loài. Chỉ có sống thương kính nhau mới là sống chơn chánh, mới đáng là một người Phật tử.

Sáng suốt, tôn trọng sự thật
Gia đình Phật tử thể theo hạnh Trí tuệ của chư Phật, chỉ biết tôn trọng sự thật, tôn trọng lý trí, soi sáng mọi người. Gia đình Phật tử dạy các em biết tôn trọng lẽ phải, tìm hiểu sự thật, phát chiếu lý trí. Gia đình Phật tử dạy các em học Phật pháp tức là học để tìm hiểu sự thật. Gia đình Phật tử nêu rõ rằng: Ngu dốt là một tội nặng đối với mình, đối với mọi người, mê mờ là chưa biết sống, vì rằng người mê mờ ngu dốt sẽ sống để tàn hại nhau. Gia đình Phật tử không bao giờ khuyên công kích và mạt sát một tôn giáo hoặc một chủ nghĩa nào, vì trong sự mạt sát và công kích đã có nghĩa là mê mờ, ngu dốt rồi. Gia đình Phật tử cố gắng phát động một phong trào văn nghệ mới xây dựng trên tinh thần Bi, Trí, Dũng của Gia đình Phật tử, của đạo Phật.

Trong sạch, An tịnh
Thể theo mục đích đạo Phật giải thoát mọi loài khỏi sự ràng buộc vật chất, Gia đình Phật tử chỉ tán thán một đời sống an tịnh giải thoát, ngoài sự chi phối của vật dục. Người Phật tử phải là người tập giữ thân thể, lời nói và ý niệm trong sạch, ăn mặc giản dị, biết đủ, vì con người có sống trong sạch, giản dị, kham khổ mới sống sáng suốt và mới làm chủ được vật dục. Gia đình Phật tử còn chú trọng giới thiệu sự hệ trọng của những phút an tịnh, lắng đứng các vọng niệm lăng xăng, không rong ruổi ngoại cảnh. Chính những phút an tịnh làm tăng trưởng định lực con người, giúp người tự tại đối với hoàn cảnh và phát chiếu trí tuệ. Cho nên các buổi họp, các buổi trại đều có thể dành những phút tịnh niệm và trong sự tu tập hằng ngày của Huynh trưởng và nam nữ Phật tử, có giới thiệu những pháp môn quán tưởng, sổ tức niệm Phật để giúp đối trị loạn tưởng, chuyên tâm nhứt cảnh, tăng trưởng định lực con người.

Hỷ xả
Người Phật tử không nên đem một bộ mặt đau thương để làm hoen ố thêm cuộc đời vốn đã đau khổ. Cho nên Gia đình Phật tử chú trọng hạnh hoan hỷ, hạnh của những người biết sống vui vẻ, dầu gặp những chướng ngại chông gai. Gia đình Phật tử lại còn khuyến khích hạnh phóng xả, nghĩa là hạnh của những người biết quên mình hy sinh cho mọi loài, biết trừ diệt mọi sự oán thù tật đố, sống hòa thuận vui vẻ. Gia đình Phật tử chỉ là một cơ quan giáo dục ứng dụng những phương tiện trong sạch chơn chánh.

Gia đình Phật tử không phải là một cơ quan chuyên lo tuyên truyền đạo Phật để lôi cuốn tín đồ Phật tử. Gia đình Phật tử chỉ là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi, dựa trên nền tảng tinh thần đạo Phật, tạo cho thanh thiếu nhi một đời sống chơn chánh lợi ích cho mình, cho mọi người. Cho nên Gia đình Phật tử chỉ áp dụng những phương tiện trong sạch chơn chánh để thực hiện mục đích của mình. Gia đình Phật tử không lôi cuốn thanh thiếu nhi cho đông để làm vây cánh đối lập với các đoàn thể khác; Gia đình Phật tử không dựa vào áp lực chính trị, không dựa vào sức mạnh khủng bố để mở rộng thế lực. Gia đình Phật tử không dùng những danh lợi vật chất, những cách tuyên truyền nhồi sọ để dụ dỗ mê hoặc thanh thiếu nhi.

Gia đình Phật tử chỉ biết giới thiệu một cách vô tư một lối sống chân chánh hợp với lẽ phải, thuận với tuổi trẻ, đúng với tinh thần Bi, Trí, Dũng. Thanh thiếu nhi vào Gia đình Phật tử chỉ vì thấy đời sống của Gia đình Phật tử hợp với chí hướng của mình, có lợi cho chính mình, nên vui lòng sung sướng và vinh hạnh được làm một Phật tử trong đại Gia đình Phật tử.

Gia đình Phật tử ra đời, giới thiệu cho thanh niên một lý tưởng
Trong lúc đào tạo một thế hệ mới, biết sống đúng với nghĩa căn bản của con người, Gia đình Phật tử giúp các Huynh trưởng hiểu các em mình, thương các em, biết hy sinh cho các em. Gia đình Phật tử là sợi dây liên lạc thắt chặt tình anh em giữa thanh niên Việt Nam và thanh niên các nước, giữa thanh niên với thiếu nhi, giúp cho tuổi trẻ hiểu rằng phải biết sống trong tình thân hữu, nâng đỡ dìu dắt hy sinh cho nhau.

Xem thêm hình ảnh của Hòa thượng Ân sư với GĐPTVN

Picture

Picture

Picture

Picture

Picture

Picture

Hòa thượng Thích Minh Châu

Nguồn: ChùaLinhSơnAustin

VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

 

Lời Ban Biên Tập: Nói đến Hòa Thượng Thích Minh Châu là phải nói đến Viện Đại Học Vạn Hạnh, nói đến một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế học trong tinh thần của Phật Giáo Việt Nam. Trong dịp lễ tang ngài, chúng tôi xin được giới thiệu về ngôi trường do cố Hòa Thượng sáng lập và làm Viện Trưởng trong suốt thời gian từ lúc thành lập đến khi bị giải thể như để tưởng niệm ngài, tưởng niệm đến công đức lớn lao của Ngài đối với sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp.

Viện Đại học Vạn Hạnh là viện đại học tư thục ở Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập vào năm 1964 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Đây là viện đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1975, dưới chính quyền mới, Viện Đại học Vạn Hạnh bị giải thể.

Trước năm 1964, Sài Gòn có trường cao đẳng Phật học với tên Phật học Đường Nam Việt thuộc chùa Ấn Quang. Sau cuộc chính biến 1963 và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trương đào tạo nhân sự và đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật được Giáo hội xúc tiến qua việc xây dựng một cơ sở giáo dục bậc đại học. Với nỗ lực đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu: xây dựng nhà giáo dục… làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ… với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt để phát triển trí tuệ. Viện đại học chọn mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam thời nhà Lý. Một trong những người sáng lập viện đại học này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập năm 1964, là một cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và là hậu thân của Viện Cao Đẳng Phật Học, được hợp thức hoá bằng Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ ngày 17 tháng 10 năm 1964 của Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, và do Quyết Định số 156-VT/QĐ ngày 13 tháng 11 năm 1964 của Viện Hóa Đạo, cử T.T. Thích Minh Châu làm Viện Trưởng, trụ sở tạm đặt tại Chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi ở Saigon.

Trong niên khóa đầu tiên 1964-1965, Viện chỉ mới mở hai Phân Khoa: Phân Khoa Phật Học và Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn với sĩ số 696 sinh viên.

Năm 1966 Viện mới xây cất xong cơ sở riêng, địa chỉ số 222 Trương Minh Giảng, Saigon. Tòa nhà chính với bốn tầng lầu là nơi đặt văn phòng làm việc của Viện Trưởng, văn phòng các Phân Khoa, văn phòng các Nha sở, Thư viện, Câu lạc bộ, v.v.. và các giảng đường, phòng học của sinh viên.

Niên khóa 1966-67, Viện mở thêm Trung Tâm Ngôn Ngữ với Quyết Định số 108/ĐHVH/QĐ ngày 14 tháng 8 năm 1968, nâng sĩ số sinh viên Vạn Hạnh thờI đó lên tới 802 sinh viên.

Vì nhu cầu sinh viên gia tăng, năm 1970 Viện phải xây thêm Tòa nhà B, làm cơ sở cho Phân Khoa Giáo Dục được mở đầu niên khóa 1970-71, do Nghị Định số 1610/GD/KHPC/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục. Đây là Phân khoa thi tuyển nhập học đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh với sĩ số trúng tuyển nhập học là 280 sinh viên cho tất cả các Ban, đã nâng sĩ số sinh viên toàn Viện lên đến 3.685 sinh viên.

Trong niên khoá 1971-72, do nhu cầu quốc phòng, một số sinh viên phải lên đường nhập ngũ, sĩ số của bốn Phân Khoa và Trung Tâm Ngôn Ngữ vẫn có đến 3.404 sinh viên.

Cùng với đà tiến triển, năm 1972 Viện xây cất thêm Tòa nhà C mới đủ cho nhu cầu sinh viên gia tăng. Tổng số sinh viên của niên khóa 1972-73 không kể số học viên của Trung Tâm Ngôn Ngữ đã lên tới 3.661, và cũng trong niên khóa này, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội đã trở thành Phân Khoa thi tuyển nhập học.

Cho tới niên khoá 1972-73, Viện Đại Học Vạn Hạnh có 4 Phân Khoa: hai Phân Khoa đòi hỏi sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển nhập học năm thứ nhất là Phân Khoa Giáo Dục và Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, hai Phân Khoa còn lại là Phân Khoa Phật Học, Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, và một Trung Tâm Ngôn Ngữ. Niên khóa 1973-1974 Viện mở thêm Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, trụ sở đạt tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.

Như vậy cơ sở 1 của Viện Đại Học Vạn Hạnh bao gồm các tòa nhà tọa lạc tại 222 Truơng Minh Giảng, Saigon và cơ sở 2 tọa lạc tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận với sự thành lập Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng vào năm 1974.

Cơ sở chính gồm có các Văn Phòng Viện Trưởng, Văn phòng 4 Phân Khoa, Trung Tâm Ngôn Ngữ, Thư Viện, Nha Học Vụ, Nha Sinh Viên Vụ, Văn Phòng Giao Tế, Văn Phòng Phát Triển, Trung Tâm An Sinh và Phát Triển Xã Hội, v.v.. các giảng đường và lớp học, Câu Lạc Bộ, Trung Tâm Sinh Hoạt Sinh Viên cộng thêm dãy nhà trệt dành cho cơ sở Ấn Quán vạn Hạnh. Cơ sở thứ hai bao gồm văn phòng Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng và các phòng học của sinh viên.

Niên khoá 1967-68, Viện thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, do Nghị Định số 1931–GD/QCNV/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục, sĩ số ghi danh học năm đầu tiên của Phân Khoa này đã lên đến 1.190 sinh viên trong tổng số sinh viên toàn Viện là 1.938.

Viện Đại Học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp Hội Đại Học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institution of Higher Learning) và Hiệp Hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social Sciences Association) và là Hội viên Sáng Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Viện Đại học Vạn Hạnh bị chính quyền mới trưng dụng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mất quyền sở hữu. Viện Đại học Vạn Hạnh phải đóng cửa[6] và một phần của nó trở thành một cơ sở của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Kỳ cấp phát văn bằng đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 1969 đã cấp phát văn bằng Cử Nhân Phật Khoa cho 21 sinh viên đậu từ năm 1966 đến 1968, và văn bằng Cử Nhân Văn Học và Khoa Học Nhân Văn cho 23 sinh viên đậu từ năm 1967 đến 1968.

Năm 1984, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM được thành lập với tên gọi là Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, có nguồn gốc từ trường Đại học Vạn Hạnh, ngôi trường đại học đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam đã đào tạo thành công một thế hệ thanh niên Việt Nam hiện đang giữ những vai trò then chốt trong các cơ quan nhà nước.Dưới đây là một số hình ảnh được sưu tầm trên mạng lưới Internet toàn cầu:
Ngôi trường xưa nay đã giải thể thành Trường Đại Học Sư Phạm .

Tác giả : BBT TVHS

Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư Mở

14 (3)04a

Chuyen den trang:    1, 23, 4, 5, 6, 7,