Thu

Recent Pages:  1, 23, 4,

Lá Vàng Núi Núi Bay

Nguyễn Duy Nhiên

Thu 2012 (57)

Sáng nay trên đường xuống thiền đường, bước ra ngoài, tôi thấy rừng cây đã đổi đủ sắc màu. Buổi sáng sương vừa tan khi những tia nắng rừng núi mới lên. Tối qua lên trể nên tôi không biết rằng rừng lá đã có nhiều sắc màu đến vậy. Tôi xuống thiền đường mở thêm chút sưởi, thắp vài ngọn nến và đốt một nén trầm thơm cho ấm gian phòng. Chút nữa đây, các anh chị khác sẽ xuống nơi này để ngồi thiền. Chúng tôi sẽ tập cùng ngồi yên với hơi thở của mình.

Mấy ngày trước, những bận rộn và thúc hối của cuộc đời cứ mệt mỏi xô đẩy, cuốn ta đi.
Mà cuộc đời thì bao giờ cũng vậy, cứ hết đại sự này lại đến đại sự khác! Chiều qua trong lúc ngồi ăn chung, tôi có hỏi thăm và nghe chị Diệu Quyên kể về những bận rộn ở sở làm, nhất là vào những tháng cuối năm này. Tôi cũng vậy, cũng có những bận rộn của chính mình. Nhưng mỗi lần về đây, chúng tôi lại có dịp tập dừng lại cho thật yên. Thiên nhiên ở đây mang lại cho ta một sự tĩnh lặng bất ngờ, mà mới hôm qua mình không có. Buổi sáng nay thức dậy bước xuống thiền đường, tôi chợt thấy tất cả là vô sự. Thanh thản như những bước chân. Ở đây chúng tôi có những việc để làm nhưng “đại sự” thì chắc chắn là không!

Mỗi sáng, chúng tôi dậy sớm xuống ngồi thiền với nhau, và tụng kinh chung dưới thiền đường Suối Tịnh. Sáng nay chúng tôi tập cùng ngồi với nhau thật yên, không một tiếng động, đẹp như dãy núi mùa thu đủ màu sắc bên kia rừng.

Sunrise Oct 5 - 2013 (2)

Với Mầu Sắc Của Chính Mình

Nếu ai có hỏi mục đích của thiền là gì, lúc này có lẽ tôi sẽ trả lời khác. Tôi sẽ không đáp là để có tuệ giác hay chuyển hóa khổ đau, mà tôi nghĩ mục đích của thiền là để giúp ta dừng lại cho yên, cho thật yên. Nhớ có lần nghe người ta nói về sự khác biệt giữa văn hóa của Tây phương và Đông phương. Người Đông phương nghĩ rằng cái thời đẹp đã thuộc về quá khứ, đã qua, của một ngày tháng xa xưa nào đó. Còn người Tây phương thì cho rằng cái thời hoàng kim ấy chưa đến, nó vẫn còn đang ở trong một tương lai xa xôi. Nhưng tôi nghĩ, là một thiền sinh, ta phải thấy rằng cái đẹp ấy hiện đang có mặt trong giờ phút này và ở đây, phải không bạn! Vấn đề là ta có thể dừng yên lại để tiếp xúc được với điều ấy hay không!

Sáng nay chúng tôi rủ nhau lên núi, ngồi trên chiếc băng dài và những tảng đá nhìn qua bên kia cánh rừng đang thu. Có người nói rằng, “Autumn is a season in which each leaf is a flower” Mùa Thu là mùa mà mỗi chiếc lá là một đóa hoa. Tôi thì cứ cho rằng một rừng thu đẹp hơn một rừng mùa xuân nhiều. Nhưng chắc có lẽ tại vì mình còn nhiều thiên vị đó thôi. Tôi thấy mùa thu có một cái đẹp rất yên tĩnh. Ngồi trên núi, nhìn qua dãy núi thu bên kia, với mỗi chiếc lá là một đóa hoa, làm sao mà ta không dừng lại được bạn nhỉ? Ta còn đi đâu nữa bây giờ khi nơi đây rừng núi đang nở ngàn hoa với muôn ngàn màu sắc?

Gần đây, có một người bạn không quen biết ở bên nhà đọc được những bài tôi viết, chia sẻ về mùa thu bên này, cái đẹp của thiên nhiên như một hơi thở, nó có thể mang ta trở về thực tại nhiệm mầu. Chị ấy có đóng góp như vầy:

” ‘Có thực mới vực được đạo’. Khi mà người ta vẫn còn đang nghèo đói, vẫn còn đang bị cuốn vào vòng bon chen để sinh tồn, vẫn còn đang phải đối phó với thiên nhiên khắc nghiệt và lòng người khó lường, liệu họ có còn muốn mở rộng lòng mình, có đủ tĩnh lặng để hướng về thiên nhiên. Khi mà xung quanh họ chỉ là những khu nhà cao tầng chọc trời, là nắng cháy da cháy thịt, là những bóng đèn đô thị che lấp ánh trăng, là những con đường bê tông cứng nhắc lấp đi những băi cỏ xanh và cánh chuồn chuồn thời thơ ấu?
Tìm đâu được một chiếc lá mùa thu với mầu sắc của chính mình?”

Tôi cũng rất cảm thông với những bức xúc của người bạn ấy. Có thực mới vực được đạo. Phải có một điều kiện tương đối đầy đủ nào đó rồi thì người ta mới dễ có thể nghĩ đến những chuyện khác được, như chiếc lá mùa thu hay một ánh trăng khuya… Nhưng tôi cũng muốn nói thêm rằng, sự thật là bên này có quá đầy đủ hơn so với ở bên nhà, nhưng không phải chúng tôi ở đây ai cũng có hạnh phúc, hay có thể tiếp xúc được với cái đẹp của thiên nhiên. Có lẽ bên này thì cuộc sống dễ dàng hơn, đầy đủ hơn, nhưng bạn biết không, những vội vã, bon chen và khổ đau thì dường như cũng không có gì là thay đổi mấy. Bên đây chúng tôi cũng vẫn có nhiều những thúc hối, những bận rộn, những lo âu, những dead line và mệt mỏi… mà chúng cũng “che lấp đi những bãi cỏ xanh và cánh chuồn chuồn thời thơ ấu” và rồi ta cũng không còn “tìm đâu được một chiếc lá mùa thu với mầu sắc của chính mình” nữa!

Ở đây, vào mùa này tôi thấy người ta theo nhau lái xe lên núi để xem lá đổi màu. Người ta rủ nhau đi thật sớm để tránh nạn kẹt xe trên núi. Đáng lẽ mùa thu giúp ta chẫm rãi và dừng lại, vô tình ta lại trở nên vội vã và bị thúc hối hơn. Chưa chắc nó đã là những yếu tố của hạnh phúc. Và người bạn ấy cũng chia sẻ thêm như vầy:

” …cuộc sống là vậy, nhưng tôi cảm thấy mỗi người chúng ta cũng là một tuyệt tác thiên nhiên ấy chứ, sao không cùng đi bên nhau như trong rừng từ biển ái vậy, tuy không thể tạo oxy cho lá phổi như cây cỏ, nhưng tấm lòng sưởi ấm trái tim nhân loại rất nhiều.”

Tôi cũng tin như vậy, những yếu tố hạnh phúc nơi nào cũng có mặt, dù bên này hay ở bên kia.

Thang Gieng 2015 (17)

Đôi Dép Để Ở Ngoài Cửa

Tôi có đọc một câu chuyện thiền này. Vào một ngày mưa, có anh chàng nọ tìm đến để tham vấn một vị thiền sư. Trước khi vào cốc của thầy, anh cởi dép và xếp dù để ở bên ngoài. Vị thiền sư rót trà mời anh uống. Anh ta ngồi say mê bàn luận về thế nào là thiền, là thực tập chánh niệm. Chợt vị thiền sư hỏi anh, khi nãy vào đây, anh đã để dép và dù của mình ở bên phía nào của cánh cửa? Bên phải hay bên trái? Anh chợt dừng lại và biết rằng mình không hề nhớ là mình đã làm gì. Chúng ta nhiều khi cũng như anh chàng ấy, ta không ý thức được những gì đang xảy ra gần gũi nhất với mình.

Nhưng có lẽ câu chuyện ấy không phải để khuyên ta rằng mình phải ghi nhớ hết mỗi chi tiết hành động của mình. Tôi nghĩ, ý của vị thiền sư chỉ nhắc nhở là ta nên có mặt trong giờ phút hiện tại này. Và khi mình có mặt trong giờ phút hiện tại thì cảnh vật sẽ sáng hơn, sự việc cũng tỏ rạng hơn. Và nhờ vậy ta cũng có thể dễ dàng ghi nhớ hơn. Nếu bất ngờ có ai hỏi tôi sáng nay vào thiền đường tôi đã để đôi dép của mình ở bên góc nào, chắc tôi cũng không trả lời được. Nhưng tôi biết có một chiếc lá màu cam đỏ nằm cạnh đó. Sáng nay tờ lá ấy đã theo bước chân tôi qua cánh cửa mở rộng mà bay vào đây. Và tôi đã nhặt nó để cạnh đôi dép của mình. Tôi nhớ vậy.

Tôi nghĩ chánh niệm có nghĩa là ghi nhớ. Một sự ghi nhớ chân chánh. Nhớ rằng những buồn giận đến rồi sẽ đi, như mây qua bầu trời, ta không cần phải phản ứng hay để bị chúng sai xử; nhớ rằng chúng ta rộng lớn hơn những khổ đau của mình; nhớ thực tập chẫm rãi lại để tiếp xúc được với những cái hay và đẹp chung quanh mình; nhớ dừng lại, và nhớ rằng khổ đau nào thì “cỗi nguồn cũng bởi lòng người mà ra…”

mùa thu 2012 (2)

Lá Vàng Núi Núi Bay

Về đây tôi không thấy mình bận rộn. Tôi nghĩ làm việc và bận rộn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Có những lúc tuy ta làm mọi việc mà mình vẫn có thể là một người vô sự. Và cũng có nhiều khi ta đóng cửa không làm gì hết, mà mình vẫn rất đa sự và trong lòng bận rộn miên man. Trong chiếc lá màu cam đỏ bay vào thiền đường sáng nay, tôi thấy nhiều tháng trước nó là một chồi non nhỏ trên cành, mang ánh sáng mặt trời nuôi thân cây lớn. Rồi những tháng hè nó làm bóng mát che cho tôi ngang qua đây. Và mùa thu này nó hoá thân thành sắc màu thật đẹp. Sáng nay chiếc lá ấy theo gió rơi xuống trên lối tôi đi, và sẽ tiếp tục nuôi
dưỡng cho rừng cây xanh tươi ngày mai. Chiếc lá thu ấy có bận rộn không, hay nó vẫn đang sống một đời vô sự bạn nhỉ?

Trưa nay, tôi một mình leo tắt ngang đồi, theo những tảng đá cao lên chiếc ghế trên đỉnh. Ngồi đây tôi thấy khu rừng bên kia là một biển sắc màu, có từng cụm màu nhỏ ngả nghiêng và lay trong gió, từ xa nhìn như một dãy san hô rất linh động. Mùa thu là mùa của lá và gió. Lá và gió hợp nhau thành những âm thanh thật vui và mầu nhiệm. Tiếng lá không buồn, không lo âu, không mệt mỏi. Tiếng lá reo vui hạnh phúc. Sáng nay trên con đường xuống thiền đường, tôi thấy có ngàn tờ lá theo những cơn gió lớn bay đầy trời, trên con đường đi, trên không trung, trên những bước chân, trên vai, trên áo, trên tăng thân tôi. Tôi bất chợt phải dừng lại và đứng cho thật yên.

Gió và lá mang đi những mệt mỏi và muộn phiền của đời sống. Khi mình được yên rồi thì có bận rộn làm gì cuộc đời mình cũng vẫn yên, tôi thì nghĩ vậy! Trên con đường tu học cũng thế, nếu ta có làm được gì thì có lẽ cũng nhờ mình bắt đầu là một người vô sự. Nhờ ngồi thật yên mà mình lại có thể làm được hết tất cả.

Ngồi đây viết mà tôi nghe lá rơi chung quanh và tiếng gió reo vang ở trên cao. Tôi ngước lên nhìn. Có một chiếc lá màu tím đỏ cứ lang thang mãi trên không gian như sẽ không bao giờ chạm đất. Trời sắp chiều. Tôi định leo theo con dốc đá trở về, nhưng chợt nhớ mấy câu thơ của thi hào Vương Bột.

Tràng giang bi dĩ trệ,
Vạn lý niệm tương quy,
Huống phục cao phong văn,
Sơn sơn hoàng diệp phi.

Tràng giang buồn ở mãi,
Muôn dặm muốn về ngay,
Huống lại chiều gió lộng,
Lá vàng núi núi bay

Nguyễn Duy Nhiên

Nguồn: “Trích từ trang nhà Trung Tâm Thiền Quán Sinh Thức”

La Thu 2012

con thỉnh Phật uống trà

nguyễn duy nhiên
.

Chúng ta ai cũng biết lo xa và chuẩn bị cho ngày mai.  Trước khi đi đâu, ta thường xem những dự báo thời tiết để biết mình cần nên sửa soạn như thế nào.  Trong cuộc sống cũng vậy, ta muốn đoán trước được những gì sẽ xảy ra để mình hành xử cho thích ứng.

Nhưng trong đời sống, tôi nghĩ, có lẽ ta cũng không cần phải đoán biết ngày mai, vì đó cũng là một chuyện không tưởng.  Đôi khi ta chỉ cần tập tiếp xúc với những gì xảy ra trong giờ phút hiện tại cho thật trọn vẹn mà thôi, và nhờ vậy mà mình lại thật sự có được nhiều hạnh phúc hơn.
    .
Tôi có đọc được một bài viết này của anh Pico Iyer.  Anh là một nhà văn đã du hành khắp nơi, và thường viết về đời sống ở các tu viện Phật giáo xa xôi khắp nơi trên thế giới.  Anh chia sẻ như sau.

Đừng xem dự báo thời tiết

“Tôi đã học được là không bao giờ đọc những đoạn toát yếu in ngoài bìa những quyển sách mà tôi cầm lên.  Tôi không đọc những bài điểm sách hoặc phê bình cho đến khi nào tôi đã đọc xong quyển sách, hay xem xong truyện phim ấy.  Không phải là tôi không tin những gì người ta viết, nhưng tôi không tin là mình có thể sử dụng những dữ kiện ấy cho có ích lợi.
   .
Tôi khám phá ra rằng, tâm ý ta rất tài giỏi trong việc biến một vấn đề thật đơn sơ và rõ ràng thành ra một cái gì phức tạp và rắc rối.  Nó có thể lấy một chi tiết nhỏ nhặt nhất và dựng lên thành một tấn tuồng, hoặc là một thế giới tưởng tượng đầy màu sắc.  Người Phật tử nào cũng biết được điều đó, tôi nghĩ vậy, nhưng cũng phải mất một thời gian dài tôi mới học được bài học ấy.
 .

Nhiều năm trước đây, tôi có rủ một người bạn lâu năm về một Tu Viện rất đẹp mà tôi tìm được, nơi ấy rất thích hợp với một cuộc sống ẩn dật và tĩnh tâm.  Tôi nói với người bạn mình, “Khi anh bước chân về đến đó rồi thì tất cả những buồn lo về quá khứ và tương lai sẽ rơi rụng hết.  Anh sẽ hoàn toàn có mặt trong giây phút hiện tại, và sống giữa một vùng đại dương của sóng nước và các vì tinh tú.  Anh sẽ cảm thấy mình như tan biến đi và trở thành rộng lớn, mênh mông cùng với vũ trụ chung quanh mình.  Và nơi ấy không có muộn phiền, không có lo nghĩ, vì dường như có một cái gì đó thanh lọc hết những điều bất tịnh trong tâm ta.”

 .
Và lẽ dĩ nhiên là người bạn rất phấn khởi vì những lời diễn tả của tôi, anh rất muốn về thử nơi ấy.  Anh gọi ghi danh trước mấy tháng, và chọn cùng một lúc mà tôi cũng sẽ về nơi đó.
.

Tôi về đến Tu Viện trước anh.  Mỗi sáng thức dậy giữa sự thinh lặng, và chờ ngày người bạn đến, tôi đã nhìn mọi vật với đôi mắt của anh ta.  Tôi cầu nguyện – mặc dù tôi ít khi nào cầu nguyện – cho những ngày ở đây trời sẽ luôn được trong xanh và thời tiết ấm áp hơn.  Tôi lo lắng – mặc dù nơi này không có gì để lo âu – rằng nó sẽ bị ồn ào hơn bình thường, hoặc có một vị Thầy nào đó không dễ thương sẽ đứng bán hàng trong tiệm sách…  Tôi lo rằng con đường lên đây sẽ bị đóng, hoặc là sẽ có những nhóm học sinh ồn ào ghé tham quan.  Tôi bắt đầu sợ rằng nơi này sẽ không giống với một nơi mà người bạn đã tưởng tượng, qua sự diễn tả của tôi.

Và ngày này sang ngày kế, ngay giữa một sự tĩnh lặng ngời sáng, tôi đã tự đẩy mình ra khỏi cái không gian nhiệm mầu ấy, bằng cách sống trong sự tưởng tượng của mình về những phản ứng của người bạn, thay vì là có mặt ngay trong giờ phút hiện tại này.  Tôi làm hư hao cõi cực lạc của tôi, trong khi cứ lo sợ rằng nó sẽ không phải là của anh ta.
    .
Và lẽ dĩ nhiên, sự đời bao giờ cũng vậy, vào những ngày cuối của tôi sau 2 tuần ở nơi ấy, người bạn gọi lên và hủy bỏ chuyến đi của anh.  Và tôi chợt hiểu rằng, những diễn tả của tôi về nơi ấy không hề làm người bạn cảm thấy hạnh phúc của anh bớt đi chút nào, hay anh có một sự thiếu thốn nào, vì anh đã không bao giờ lên tu viện.  Nhưng ngược lại, nó đã làm cho tôi mất mát khá nhiều.
.

Đó chỉ là một ví dụ nhỏ.  Nhưng nhờ những điều nhỏ nhặt ấy mà tôi kinh nghiệm được những sự dính mắc rất tức cười của mình.  Đa số những lần tôi lo lắng hay bực mình về một buổi hẹn nào đó, thì người ta lại hủy bỏ nó.  Đa số khi tôi lo sợ về một việc gì sắp sửa đến, thì nó lại không bao giờ xảy ra.  Tôi thấy rằng, thật ra tôi không cần phải thay đổi thế giới này, mà chỉ cần ý thức được ảnh hưởng của tâm ý mình đối với những gì xảy ra mà thôi.
.

Tôi không đọc những bản tin dự báo thời tiết, và tôi cũng ít mở máy tính xách tay (laptop) của mình lên.  Vì tôi biết rằng tất cả những bản tin ngắn, kiến thức vụn vặt, trò vui chơi, những học thuyết vĩ đại, và bao nhiêu là những dữ kiện khác…  đang chờ đợi tôi nơi đó.  Nhưng chúng không giống như là những gì tôi đã cảm nhận khi còn bé, khi mình háo hức giở những trang từ điển bách khoa hay lật từng trang sách thơm.

 Ngày nay, đối với tôi thì không-biết-gì lại là một trạng thái rất hạnh phúc mà tôi kinh nghiệm được.  Cho dù ngày mai này trời sẽ ngập tuyết, hay là một bình minh rực rỡ, mỗi giây phút xảy ra cũng sẽ đều là một sự kiện mới lạ và rất nhiệm mầu.
  .
Và bạn biết không, không đọc những tiên đoán thời tiết lại chính thật là một cách chắc chắn nhất để tôi nhận thấy rằng đa số, mặc dù không phải hết tất cả, những ngày sắp tới đều là những ngày nắng đẹp.”

Làm sao tách riêng được?

Trong cuộc sống, ta không thể nào biết trước được việc gì sẽ xảy ra, mà chỉ có thể có mặt trong giây phút này và bước tới mà thôi.  Tôi nghĩ, ta hãy cứ sống cho thật trọn vẹn trong bây giờ và ở đây, và mọi sự trong ngày mai sẽ có Phật và Pháp bảo hộ cho mình.
    .
Ta hãy sống như vậy, không phải chỉ trong mỗi bước chân, mà là trong mỗi hoàn cảnh mới.  Và những lúc trong cuộc sống, khi mình cảm thấy mệt mỏi, lo âu, thất vọng, ta cũng có thể tập giao phó hết cho Phật.  Ta hãy để Phật có mặt và sống dùm mình, đau dùm ta, bệnh cho ta…

Bây giờ, mỗi khi đi đâu xa tôi vẫn sửa soạn trước, tôi vẫn nhớ mang theo chai dầu và chiếc áo ấm phòng những khi trời trở mưa gió bất ngờ.  Nhưng tôi biết, trong cuộc sống sẽ có những ngày mà dầu ta có chuẩn bị trước bao nhiêu cũng vậy thôi, sẽ có những lúc mà mình không-biết-gì hết, và tôi nhớ trở về với giây phút này để nhờ Phật đi dùm ta, ngồi cho ta, tiếp xử dùm ta…

Nhưng vấn đề khó, là ta biết phải tìm Phật ở đâu để nhờ Ngài bây giờ đây bạn nhỉ?  Nhớ đến một bài thơ của Sư cô Hạnh Chiếu,

Đêm tròn một giấc qua,
Dậy thắp hương thất lá,
Quanh bên làn khói tỏa,
Con thỉnh Phật… uống trà.
Trà thất một chung pha,
Con, Phật ở chung nhà,
Làm sao tách riêng được?
Thôi mình uống chung nha.
Phật cười chẳng nói ra,
Con thấm hương đậm đà,
Giờ này ai biết được?
Có con, Phật, chung trà!
.
Phật và mình có bao giờ tách riêng ra được đâu mà tìm kiếm, phải không bạn?  Biết quay trở về trong giây phút hiện tại này mới là khó.  Đừng để ngày mai làm mất hạnh phúc của ngày hôm nay bạn nhé, vì tôi nghĩ nếu như ta sống trọn vẹn, trong bây giờ và ở đây, thì đa số những ngày sắp tới sẽ là những ngày nắng đẹp.
.
nguyễn duy nhiên
Nguồn: http://nguyenduynhien.blogspot.com/
.
feb-15-2015-4

TRỜI MƯA NHƯ BÀI CA

Nguyễn Thế Đăng 

Hannahlinh's Garden 2014 (24)Ai trong chúng ta cũng đã nhiều lần ngồi nghe mưa và nhìn mưa. Hoặc trong căn phòng một mình, hoặc trong một quán nước bên đường chờ mưa tạnh, ở trong thành phố hay một vùng quê xa. Nhưng hình như chưa bao giờ chúng ta thưởng thức trọn vẹn được một cơn mưa. Bởi vì mưa cứ đưa ta về với quá khứ loang lổ những kỷ niệm hay phóng chiếu cho ta những nẻo đường viễn ảnh tương lai. Thậm chí chúng ta còn sốt ruột, bực mình chờ cho mưa tạnh để đi. Hình như chưa bao giờ chúng ta dừng lại với một cơn mưa  để trải nghiệm, hưởng thụ một cơn mưa. Mặc dù những cơn mưa đã đến với trái đất này hàng tỷ năm rồi, mỗi năm đều có nhiều những cơn mưa, nhưng người thật sự nghe nó, thưởng thức nó thì quả là ít, rất ít.

Cách đây hơn 2.600 năm, có một người đã ngồi với cơn mưa như thế, đã nghe đã nhìn và đã làm một bài ca bất chợt về một cơn mưa. Cơn mưa ấy đến và đi như thế không chỉ trong quá khứ mà còn ở hiện tại và tương lai, bởi vì cơn mưa ấy ở trong thực tại và của thực tại.

Tỳ-kheo Girimananda sanh ở Rajagaha (Vương Xá), con trai của cố vấn nghi lễ cho vua Bimbisara (Tần-bà-sa-la), vua xứ Magadha (Ma-kiệt-đà). Có lần ngài trở về thành phố để đảnh lễ Đức Phật. Vua mời ngài ở lại thành phố và lo chỗ ở cho ngài. Vì bận nhiều việc, vua quên lời hứa, ngài phải sống giữa trời. Thần mưa không mưa vì sợ ngài ướt. Sau đó vua Bimbisara thấy trời hạn hán nên xây cho ngài một am thất. Ngài sống trong am thất ấy tu hành tinh tấn, chứng được quả A-la-hán. Ngài hoan hỷ nói lên chánh trí của ngài bằng một bài kệ trong khi trời bắt đầu đổ mưa. (Trưởng lão Tăng kệ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch).

325. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu
Ta ngồi trong am thất
An lạc, được che chở
Tại đấy ta an trú
Thoải mái và an tịnh
Thần mưa, nếu ngươi muốn
Hãy mưa, hãy mưa đi.
.

Người giải thoát khỏi cái ta và cái của ta thì hòa hợp với tất cả, tâm và cảnh hòa hợp, không còn sự xung đột giữa mình và những hiện tượng thiên nhiên, những vị thần, con người và thế giới. Mỗi hiện tượng của đất trời đều hòa điệu với tâm giải thoát, “thoải mái và an tịnh”. Mưa nắng, đất nước lửa gió, không còn là một ngoại cảnh thuận hay nghịch với sự sống bao la của mình, khiến gây thích hay không thích. Mưa cũng hài hòa với một tâm đã tự hài hòa với chính nó. Sự hài hòa của tâm là sự thoải mái và an tịnh của tâm.

Khi ấy thiên nhiên là một bài ca “khéo hát với nhạc điệu” hài hòa với bài ca không tiếng “thoải mái và an tịnh” của tâm. Bài ca này sẽ vĩnh viễn được cất lên, dầu bằng ngôn ngữ khác, âm điệu khác, tạo nên bài ca an vui của đời sống, vì đời sống là sự hòa điệu của tâm và cảnh.

326. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu
Ta ngồi trong am thất
An lạc, được che chở
Tại đấy ta an trú
Tâm tư thật an tịnh
Thần mưa, nếu ngươi muốn
Hãy mưa, hãy mưa đi.
.
Tâm bình thì thế giới bình. Thế giới không còn là một thách thức, một cuộc chiến để chiếm đoạt và hàng phục rồi bắt làm nô lệ. Thế giới cũng không còn là nơi để con người xung đột lẫn nhau. Thế giới là nơi “an lạc, được che chở; tại đấy ta an trú”.

Thế nên, minh triết là sống chung với con người và với thế giới. Với núi cao cũng như với một hạt bụi, với đại dương cũng như với một hạt mưa, với thần thánh cũng như với con người. Biết đâu trong cuộc sống chung ấy, ngày nào chúng ta sẽ chứng nghiệm được ước ao sâu thẳm nhất của nền văn minh Đông Á: “Trời, đất, người một thể”. Nói là ước ao, vì ngay cả những bậc hiền triết như Khổng, Lão cũng chỉ nhìn thấy được vài phần của sự thực ấy. Cả Khổng giáo và Lão giáo đều không có những phương pháp cụ thể và rành mạch để tu tâm, mà tâm là cái duy nhất để có thể đạt đến sự thực ấy. Còn đối với Phật giáo, có đủ các pháp môn thực hành, có rất nhiều con đường để thể nghiệm sự hài hòa vốn có và rốt ráo của tất cả này: “Tất cả là Một, Một là Tất cả”. Đó là sự thể nghiệm của một tâm thức hòa bình an tịnh. Nếu vũ trụ là một kho tàng với vô số hộc chứa được khóa kín, thì Phật giáo có đủ tất cả các chìa khóa để mở cho con người.

Cho nên cơn mưa là một sự thể thân thiết, “thần mưa nếu ngươi muốn; hãy mưa, hãy mưa đi”. Đây không phải là một lời thách thức như khoa học kỹ thuật hiện đại đang làm, mà là lời thân thiết an vui nói với một người bạn, khi cơn mưa không còn là một cái gì ở ngoài mình mà là chính mình trong một hiện tướng khác.

327. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu
Ta ngồi trong am thất
An lạc, được che chở
Tại đấy ta an trú
Tâm tư lìa tham ái
Thần mưa, nếu ngươi muốn
Hãy mưa, hãy mưa đi.
.
Hai đoạn kệ tiếp theo (328-329) cũng như đoạn kệ này, chỉ thay vì “lìa tham ái” thì đổi thành “lìa sân hận” và “lìa si mê”.

Tâm không tham, sân, si là tâm không tham lam, chiếm giữ, giành giật, chiến tranh. Đó là một tâm thanh tịnh vì hết tham, sân, si. Và tâm thanh tịnh thì thấy trời đất và người khác thanh tịnh. Tất cả hài hòa với nhau tận nền tảng và nền tảng ấy là tâm thanh tịnh này. Người mà tâm thanh tịnh như vậy là người cứu độ cho trời đất và con người, vì hài hòa được tất cả trong tâm bổn nhiên thanh tịnh.

Được che chở không phải chỉ là cái am thất che chở cho thân này, mà là được cái tâm không lấy không bỏ bao la ấy che chở. Sống cái tâm giải thoát và tuệ giải thoát ấy thì an vui, không gian hài hòa với không gian  và với thời gian, thân thể hài hòa với thiên nhiên và người khác, tất cả hài hòa với nhau mà tất cả vẫn giữ nguyên hình tướng và vị trí.

Tâm ấy được những truyền thống khác gọi là Vô tâm. Vô tâm nghĩa là không có tham, sân, si; không có tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng làm chướng ngại, cho nên tâm ấy thông suốt tất cả mọi cảnh, tâm ấy thưởng thức được mọi cảnh, đồng thời vẫn xa lìa, không nhiễm ô bởi mọi cảnh. Tâm ấy có mọi cảnh mà cũng chẳng có cảnh nào, là mọi cảnh mà chẳng là cảnh nào.

Cho nên bài ca kết thúc với một tâm vô ngại, “Hãy mưa, hãy mưa đi”.

Đây là một bài kệ, một bài ca mà mỗi chữ mỗi câu đều rộn ràng một niềm vui không thể che dấu. Nếu có tác ý của tác giả bài thơ khi để lại cho đời thì có lẽ tác ý ấy có mục đích duy nhất là một ngày nào chúng ta cũng nghe cũng nhìn được một cơn mưa như ngài.

Vì năm nào cũng mưa, cũng có cơ hội cho chúng ta sống với một cơn mưa. Những hiện tượng thời tiết cứ như là những ân phước, những phép lạ biểu lộ cái bí mật ngàn đời của sự vật, thế giới và con người. Có lẽ đạo Phật không là gì ngoài những chỉ dạy để chúng ta thấy ra thật tướng của mọi sự, thấy ra một cơn mưa. Thế nên, hãy nghe, hãy nhìn:

“Hãy mưa, hãy mưa đi”.

 Văn Hóa Phật Giáo số 209
Nguyễn Thế Đăng

Nguồn: thuvienhoasen

Hannahlinh's Garden 2014 (24)
vuon xua (10)

Trời Mùa Thu Về

nguyễn duy nhiên

Nang Thu 2014 (134)H. này, nơi tôi ở bây giờ là mùa thu. Mùa thu mang tôi trở về bàn viết của mình, ngồi đây bên cạnh cửa sổ. Buổi sáng mùa thu mang tôi ra ngoài, đi dạo theo những con đường nhỏ, quanh co, mặt hồ yên như gương. Trời thu đẹp như bao lần đẹp. Trời thu lạnh như bao lần lạnh. Tôi cứ ngỡ mùa thu sẽ mang tôi vào thế giới mộng tưởng. Nhưng mùa thu bao giờ cũng mang tôi trở về với hiện tại. Một thế giới của sự sống nhiệm mầu. Mình còn đi đâu nữa khi nơi ấy bổng dưng cũng là đây. Tôi trân quý từng màu trên cao, từng chiếc lá khô dưới chân. Mưa lá rơi trên không gian, phủ màu con đường tôi đang đi thành một bức tranh tuyệt mỹ.

H. có biết là lâu lắm rồi tôi mới ngồi xuống lại nơi chiếc bàn viết của mình. Mấy năm cuộc sống bấp bênh. Mùa thu về, đời bỗng yên. Tôi trở về với một bình yên. Dầu ngày tháng có xôn xao đến mấy. Dầu có bận rộn đi tìm hạnh phúc, buổi sáng bước ra ngoài, một ngày mình chợt thấy tất cả cũng là đây.

H. biết không, tôi cũng có tánh hay nói nhiều lắm đó. Người ta cứ tưởng tôi là ít nói. Nhưng vào những ngày như thế này thì chỉ thích im lặng và yên lặng mà thôi. Cái đẹp chung quanh làm mình cảm thấy đầy đủ. Tôi thích được ngồi bên cạnh hồ nhìn một con vạc xanh soi bóng trên mặt nước. Tôi thích được đi trên con đường nhỏ ướt màu lá thu. Ở bên đó chắc H. không hiểu được những gì tôi muốn diễn tả. Nhưng cần gì, tôi nghĩ vậy, vì hạnh phúc thì nơi nào mà lại không có, phải không H.

Tôi nhớ nhà phân tâm học Carl Jung có nói rằng, đôi mắt của ta bị giới hạn bởi những cái ta đang là! Có nghĩa là nếu ta đang đứng quay về phương tây thì ta sẽ không thấy được phương đông. Nếu ta nghĩ hạnh phúc của mình là ở phía bên kia thì ta sẽ không thể nào tìm được nó ở bên này. Hạnh phúc của ta sẽ mãi mãi là ở phía bên kia.

Thú thật với H., tôi cũng không biết bây giờ nơi mình đứng là nơi nào. Tôi chỉ biết đây là một mùa thu. Hinh như tuổi càng nhiều, trời thu lại càng đẹp hơn đó H. à. Sáng thu cũng đẹp mà chiều thu cũng đẹp. Nắng thu cũng đẹp mà mưa thu cũng đẹp.

Sáng nay tôi chở Khánh Như và Duy đến trường. Phía bên kia chân trời, mặt trời mùa Thu lên hồng thành phố nhỏ. Có những buổi sáng sau khi đưa Khánh Như vào lớp học, trên đường dẫn bé Duy bước ra xe, tôi đứng lại nhìn mây. Buổi sáng trời thật mát làm tôi nhớ những ngày mình còn nhỏ. Trên trời cao có mây trắng tinh bềnh bồng trôi. Hôm nào cũng vậy, đến trường của chị, vừa bước xuống xe là hai chị em nó cứ lăng xăng dành nhau để đi trước. Tôi theo sau thỉnh thoảng cứ phải gọi với theo bắt chúng chậm lại. Tuổi thơ thảnh thơi và bềnh bồng như mây. Sau khi đưa Khánh Như vào lớp, tôi dẫn Duy trở lại xe và chở đến trường của nó.

Mấy tuần nay, từ hôm bé Duy nghỉ học, tôi chỉ phải chở một mình chị nó đi học. Ðưa Khánh Như vào lớp rồi, tôi đi ra bãi đậu xe một mình. Thiếu tiếng hỏi chuyện của nó, thấy cũng nhớ. Trên con đường nhỏ đi ngang qua mỗi sáng, có một hòn đá mà bé Duy vẫn thường lăng xăng chạy theo đá chơi, nằm yên đó, buổi sáng nay không ai để ý đến. Trên cao mây trắng tinh vẫn trôi. Mau thật! Mới ngày nào đây mà bây giờ đây hai đứa đã đến tuổi đi học hết rồi! Tụi mình già hồi nào mà không hay. Tuổi nhỏ chóng khôn lớn thật! Nhìn chúng mà cứ tưởng như mới là hôm qua đây thôi.

Supermoon August 10 - 2014

Mỗi đêm tôi thường đi ngồi thiền. Có một buổi tối nọ, bước vào phòng thiền tôi ngạc nhiên thấy hai chị em nó đang ngồi thật yên, trong căn phòng tối, ngồi xếp bằng trên tọa cụ, mắt nhắm trông có vẽ thật an nhiên. Tôi rón rén bước lại gần thì cả hai chị em nó phá lên cười nghiêng ngửa, rồi bỏ chạy ra ngoài. Gạt được tôi hai chị em nó thích lắm! Chúng nó bây giờ lớn hết cả rồi. Nhớ ngày nào còn chập chững bước đi. Ngày xưa, mỗi khi thấy tôi ngồi thiền, chúng nó vẫn thường nhè nhè bước lại, tay cầm bình sửa yên lặng đến ngồi bệch vào lòng tôi. Ngồi yên được một lát rồi đứng dậy bỏ đi sang chơi với Má nó.

Chiều hôm qua trên đường chở Khánh Như về đến nhà, chúng tôi bắt gặp trăng mới lên. Trăng rằm mười sáu tròn và to đứng yên trên đầu rừng chiếu sáng không gian. Mặt trăng thật to, khiến tôi có cảm tưởng như khu rừng sau nhà chợt nhỏ lại. Hai cha con tôi xuống xe đứng yên nhìn trăng, rừng và trời đêm. Ðêm ấy trời thật trong và mát. Chỗ chúng tôi đứng đây, ngàn năm trước chắc cũng đã có người đứng rồi. Mặt trăng ấy ngàn năm trước cũng đã từng soi sáng cho những ai!

nguyễn duy nhiên

trích trong ”Trời Mùa Thu Về”
Nguồn: ” trang nhà Trung Tâm Thiền Quán Sinh Thức”
.
Thu 2013 (178)

Thu Vàng – Cung Tiến – Hòa Tấu


Uploaded by Minh Ngoc Piano

Chuyển đến trang:  1, 234,