Recent Pages: 1, 2 , 2a 2b 2c 3 3a 4 5 5a 6 8 9 10 11 12
Ý NGHĨA THÂM THÚY
CỦA 4 CHỮ A DI ĐÀ PHẬT
Hòa Thượng Tịnh Không
A Di Đà Phật, danh hiệu này là vạn đức hồng danh, tại sao vậy? Danh hiệu này là danh hiệu của tự tánh, là danh hiệu của tánh đức. Đây là tiếng phạn, nếu như theo ý nghĩa của mặt chữ mà dịch thì A dịch thành Vô, Di Đà dịch thành Lượng, Phật dịch thành Giác hoặc dịch thành Trí. Dịch hoàn toàn qua ý nghĩa tiếng Trung Quốc là Vô Lượng Trí, Vô Lượng Giác. Quí vị thử nghĩ về danh hiệu này, Vô Lượng Trí là bản thể của tự tánh, Vô Lượng Giác là đức dụng của tự tánh, bao gồm hết rồi! Đại đức xưa gọi đây là vạn đức hồng danh, danh hiệu của thể đại dụng chân như tự tánh toàn.
“Dĩ danh chiêu đức, khánh vô bất tận”. Danh và thực nhất định tương ưng. Chúng ta niệm cái danh hiệu này là chiêu đức của ai vậy? Chiêu tự tánh của chính mình, chiêu tánh đức của chính mình. Hay nói cách khác, dùng một câu danh hiệu này đánh thức tự tánh của chúng ta, tìm trở lại tánh đức của chúng ta. Thể dụng của tự tánh chúng ta hoàn toàn không bị mất, mà chỉ bị làm sao vậy? Chỉ mê mất mà thôi. Dùng một câu Phật hiệu này để phá vỡ cái cửa mê này, đánh thức trở lại thể dụng của tự tánh chúng ta. Nếu như bạn hiểu rõ đạo lý này, thì bạn sẽ quyết chí một lòng chấp trì danh hiệu, bạn mới hiểu được danh hiệu này, pháp môn này, không thể tìm ra thêm một pháp môn nào khác có thể thù thắng hơn nó được. Hơn nữa, nó rất dễ dàng, rất đơn giản. Tất cả mọi thứ của khắp pháp giới hư không giới toàn bộ bao gồm trong đó, khánh vô bất tận.
Ở trong Phật pháp có hai câu nói, nếu như chúng ta thật sự có thể hội được, bạn sẽ hiểu rõ, đó là: “Tâm bao thái hư, lượng khắp pháp giới”. Hai câu nói này chúng ta nghe rất quen, cũng nói được, nhưng có nghĩa là gì vậy? Người đích thực có thể thể hội được không nhiều. Đây là toàn bộ pháp giới, người hiện nay gọi là vũ trụ, trong Phật pháp gọi là pháp giới. Danh từ pháp giới này hay hơn vũ trụ, tại sao vậy? Vũ trụ thì không có linh tri, ở trong pháp giới có linh tri; Pháp giới là sống, còn vũ trụ không phải sống, cho nên danh từ pháp giới này hay hơn vũ trụ. Phạm vi của vũ trụ không lớn bằng pháp giới, vì pháp giới là trùng trùng vô tận, ở trong pháp giới không có lớn nhỏ, không có đến đi, không có trước sau, không có sinh diệt, không có có không, kỳ diệu tuyệt vời, không thể nghĩ bàn. Ở trong vũ trụ không hàm chứa những tư tưởng này ở trong đó. Danh tướng của Phật học thù thắng.
“Danh dĩ chiêu đức”. Danh hiệu A Di Đà Phật này là tổng danh hiệu, ở trong Phật pháp gọi danh từ thuật ngữ, đây là tổng danh hiệu. Tất cả mọi danh hiệu chư Phật đều từ đây lưu xuất ra, tất cả mọi danh hiệu Bồ-tát cũng từ đây lưu xuất ra, tất cả mọi danh hiệu của chúng sanh vẫn không lìa khỏi nó. Đây là trong kinh Hoa Nghiêm nói, chúng ta đã đọc qua ở trong phẩm danh hiệu Như Lai.
“Tức dĩ chấp trì danh hiệu vi chánh hạnh”. Pháp môn Tịnh-độ, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực-lạc, phải tu như thế nào? Chánh hạnh. Tu hành chính thức chính là niệm Phật. Phật pháp phải phá chấp trước, pháp môn này vẫn cứ dùng chấp trước, chính là chấp trước danh hiệu; ngoài câu danh hiệu ra, tất cả mọi chấp trước khác đều buông xả, không chấp trước thêm nữa, chính là chấp trước danh hiệu này, gìn giữ cái danh hiệu này niệm niệm không mất, gọi là trì. Niệm niệm đều là A Di Đà Phật, đó chính là trì. Nhớ kỹ, A Di Đà Phật là vô lượng trí, vô lượng giác, niệm niệm giác chứ không mê, niệm niệm chánh chứ không tà, niệm niệm tịnh chứ không nhiễm, đây chính là tự tánh A Di Đà, tự tánh tam bảo. Tam bảo là một thể, một mà ba, ba mà một. Những quán tưởng, tham cứu, trì chú, nghiên cứu giáo lý khác thảy đều không cần, không nên xen tạp những thứ này, chính là một câu Di Đà niệm đến cùng, chí giản dị. Chí là đến chỗ tột cùng, đơn giản đến tột cùng, dễ dàng đến tột cùng. Đơn giản dễ dàng, hơn nữa nó còn trực tiếp, không vòng vo. Trực tiếp đến đâu vậy? Trực tiếp đến minh tâm kiến tánh, trực tiếp đến vô thượng chánh đẳng chánh giác, trực tiếp đến Phật quả cứu cánh viên mãn.
Có người hỏi, không phải người hiện nay, mà người xưa đã có người hỏi, đến thế giới Tây Phương Cực-lạc còn tu pháp môn gì nữa? Đậu cơ thuyết giáo, tức là bạn muốn tu pháp môn nào, bạn liền có thể thành tựu được pháp môn ấy. Ưa thích, vậy là quá hay. Thành thật mà nói với bạn, đến thế giới Tây Phương Cực-lạc rồi bạn sẽ thay đổi ý định. Đổi ý định gì vậy? Một câu A Di Đà Phật này niệm đến cùng, không tu thêm pháp môn khác nữa. Tại sao vậy? Một câu A Di Đà Phật này đã bao gồm tất cả pháp môn ở trong đó rồi. Cũng tức là nói, vạn pháp quy về một. Một chính là tự tánh. A Di Đà Phật chính là tánh thể, tánh đức, tánh tướng, tánh dụng, chỉ cần bạn khế nhập cảnh giới. Đây là kinh luận các tổ sư đại đức nói rất hay. Nếu như bạn niệm Phật, niệm đến lý nhất tâm bất loạn, thì tất cả pháp thế xuất thế gian tự nhiên thông đạt cả, bạn cần phải học nữa hay không? Bất kể pháp môn nào, có người thỉnh giáo bạn, bạn đều đối đáp trôi chảy, không cần phải suy nghĩ. Cái này kỳ lạ, cái này không thể nghĩ bàn. Trên thực tế không có gì kỳ lạ cả, nguyên nhân gì vậy? Pháp thế xuất thế gian đều do tự tánh biến hiện ra. Đã là tự tánh biến hiện ra, chỉ cần bạn kiến tánh được rồi thì đâu có lý nào mà không biết. Bạn đối với tất cả các pháp không hiểu, không biết, nguyên nhân căn bản là gì vậy? Là bạn đã mê mất tự tánh. Một câu A Di Đà Phật này khi niệm đến lý nhất tâm bất loạn, triệt kiến tự tánh, viên kiến tự tánh, thì vấn đề chẳng phải đã giải quyết rồi sao, bạn còn đi tìm phiền phức khác sao?
Thế gian này có một số người không biết, nên thiền tịnh song tu, mật tịnh song tu, còn có gì nữa vậy? Thiền mật tịnh tam tu. Thông thường người thế gian chúng ta nghe xong, mới nghe đến, cái này tuyệt quá, cao siêu! Kỳ thực, người trong nghề biết họ đang lòng vòng. Mặc dù có thể thành tựu, nhưng thành tựu của họ không đủ sâu, tại sao vậy? Tinh thần, sức lực của họ bị phân tán rồi. Họ phân thành hai mặt, phân thành ba mặt, họ không chuyên! Nếu bạn muốn nhanh, hãy chuyên công phu một môn, một mục tiêu, một phương hướng, sẽ nhanh! Không có gì nhanh hơn cái này. Cùng lúc đi hai đường, cùng lúc đi ba đường thì khó lắm, không dễ đâu, lại chậm chạp nữa! Pháp môn này đơn giản thẳng tắt thành đạo vô thượng. Chúng ta phải nhận thức rõ ràng, chỉ có thật sự hiểu rõ thì niềm tin mới kiên cố, nguyện mới không nghi, dứt khoát không đổi. Pháp môn không thể nghĩ bàn.
…
Chúng ta xem tiếp điều thứ hai: “Tịnh niệm tương tục, vô hữu gián đoạn, cố danh tư tuệ”. Ngẫu Ích đại sư ở trong đoạn này giảng văn tự hơi dài một chút: “Chấp trì là mổi niệm nhớ đến danh hiệu Phật, như vậy là tư tuệ”. Niệm Phật, niệm không phải niệm bằng miệng. Chữ niệm của niệm Phật không thể thêm chữ khẩu, có rất nhiều người đã thêm chữ khẩu cho nó, vậy là sai rồi, vậy là họ hoàn toàn không hiểu ý nghĩa của niệm Phật. Niệm Phật là trong tâm thật sự có Phật. Chữ niệm này của Trung Quốc là chữ hội ý. Bạn xem cách viết của chữ này, bạn phải hiểu được ý nghĩa của nó. Kim tâm, kim là hiện tại. Hiện tại trong tâm có Phật gọi là niệm Phật, không nhất định niệm bằng miệng, trong tâm bạn thật có. Trong tâm không có Phật, cửa miệng có Phật thì không linh, không có cảm ứng. Trong tâm thật sự có Phật, cửa miệng không có Phật, có cảm ứng. Thế thì tại sao niệm Phật vẫn phải niệm thành tiếng vậy? Trong tâm có Phật là tự lợi, niệm ra thành tiếng là lợi tha. Niệm Phật hiệu ra thành tiếng không phải niệm cho mình, mà niệm cho người khác nghe, niệm cho tất cả chúng sanh nghe. Ta hướng dẫn tất cả chúng sanh niệm Phật, nên niệm ra thành tiếng công đức rất lớn, tự lợi lợi tha. Không niệm ra thành tiếng, đối với người có công phu thiền định Bát-nhã tương đối sâu, họ có thể được lợi ích. Tại sao vậy? Họ thấy tướng được lợi ích. Người có trí tuệ Bát-nhã định lực rất sâu. Ở trong tâm có Phật, tướng của bạn sẽ khác. Cái gọi là: “một niệm tương ưng một niệm Phật, niệm niệm tương ưng niệm niệm Phật”. Trong tâm bạn nhớ đến Phật, thì Phật ở trong tâm bạn. Phật ở trong tâm bạn thì Phật sẽ gia trì cho bạn, tự nhiên gia trì. Thân của bạn phóng ra hào quang kim sắc, tướng mạo của bạn đoan trang hiền từ, họ có thể nhìn thấy, có thể nhìn thấy thân bạn tỏa sáng, hào quang kim sắc, nên được lợi ích. Nhưng phàm phu không được lợi ích, phàm phu nhìn không thấy, không có năng lực này. Nhưng niệm Phật thì được, phàm phu nhĩ căn là lợi nhất: “Ta bà chân giáo thể, thanh tịnh tại âm văn”. Bạn niệm ra thành tiếng thì có rất nhiều chúng sanh được lợi ích, ngoại trừ người nghiệp chướng quá sâu thì vô phương, họ không tin, họ không thể tiếp nhận. Tuy là không tin, không thể tiếp nhận, nhưng họ nghe thấy rồi. Nghe thấy gì vậy? Gieo chủng tử vào trong A-lại-da thức. Nên niệm thành tiếng thì: “Ba căn trải khắp, lợi độn đều nhận”. Đây là chỗ hay của niệm Phật.
Trích Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Toàn Tập
Người giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Cẩn dịch: Vọng Tây cư sĩ, Viên Đạt cư Sĩ
Biên tập: Phật tử Diệu Hiền
Nguon: thuvienhoasen
SỰ TÍCH PHẬT A-DI-ĐÀ
VÀ BẢY VỊ BỒ TÁT
Phật học tạp chí Từ Bi Âm (200-204)
Thanh Tâm sưu tầm và đánh máy.
LỜI TÂM NGUYỆN
Sự Tích Phật A-di-đà và Bảy vị Bồ-tát là một tác phẩm ngắn, giới thiệu về cuộc đời và hạnh nguyện của Phật A-di-đà và bảy vị Bồ-tát Đại Thừa, được tạp chí Từ Bi Âm biên soạn và ấn hành từ số 200-204. Chúng tôi phát tâm đánh máy lại tuyển tập này, kính dâng đến những ai đang tôn thờ và học hỏi hạnh nguyện của các ngài. Hy vọng tác phẩm ngắn này góp phần làm tăng trưởng tâm bồ-đề và chí nguyện phụng sự Tam Bảo của những người con Phật mang tâm nguyện lợi tha.
Nay Kính
Thanh Tâm
SỰ TÍCH PHẬT A DI ĐÀ
Đức phật A Di Đà là một ngôi giáo chủ trên cõi Lạc Bang, oai đức không cùng, thệ nguyện rất lớn, mở môn phương tiện, độ kẻ chúng sanh ra khỏi Ta bà đem về Tịnh độ.
Trong Kinh Bi Hoa nói rằng: “Về khoảng hằng sa kiếp trước, có một đại kiếp gọi là Thiện trì”. Khi ấy tại cõi Tản đề lam thế giới có vua Chuyển Luân Thánh Vương, tên Vô Tránh Niệm, thống lãnh cả bốn xứ thiên hạ: một là Đông thắng thần châu, hai là Nam thiệm bộ châu, ba là Tây ngưu hóa châu, và bốn là Bắc cu lô châu, tiếng nhơn hiền đồn dậy bốn phương, đức từ thiện đượm nhuần khắp xứ, nên hết thảy nhân dân ai nấy cũng sẳn lòng ái kính.
Vua ấy có nhiều người con và có một vị đại thần, tên là Bảo Hải, con dòng Phạm Chí, rất tinh thông về nghề xem thiên văn.
Ông Bảo Hải lại có một người con trai tướng tốt lạ thường, từ dưới chân lên đến trên đầu đều có ba mươi hai dấu tốt.
Khi con ông mới sanh ra, thì có các hàng khách tôn quý đem nhiều đồ lễ vật đến dưng cho, nhơn vậy mà đặt tên là Bảo Tạng
Lúc khôn lớn, thì Bảo Tạng xem biết việc đời là thống khổ thân mạng lại vô thường, tự nhiên sanh lòng chán ngán, bỏ cuộc vinh hoa, liền xuất gia tu hành, chẳng đặng bao lâu mà đã thành Phật, hiệu là Bảo Tạng Như Lai, đủ các đạo Pháp nhiệm mầu, thần thông rộng lớn. Khi thành Phật rồi, thì Ngài dạo khắp các nơi mà hóa độ chúng sanh, có nhiều hàng đệ tử đã chứng đặng quả Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát, nên nhơn dân ai nấy cũng sẵn lòng hoan nghinh.
Có một bữa kia, vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng cùng Đại chúng đến giảng Đạo tại vườn Diêm Phù, gần bên thành, thì tự nghĩ rằng: “Nay Ta muốn đến chỗ Phật, đặng xem coi giảng Đạo lý gì mà thiên hạ tín ngưỡng đông như thế!”
Nghĩ như vậy rồi, vua cùng các vị vương tử, đại thần và quyến thuộc bèn đến vườn Diêm phù lễ Phật vừa xong, liền đi chung quanh ba vòng, rồi ngồi bên Ngài mà nghe Pháp.
Vua Vô Tránh Niệm xem thấy Đức Bảo Tạng Như Lai khoanh chân ngồi trên bảo tọa có hình con sư tử, rất bực trang nghiêm, đủ tướng tốt đẹp, chung quanh thân Ngài có ánh sáng nhiều sắc chói lòi.
Còn trong Pháp hội thì thấy: nào là những người đã xuất gia làm đệ tử của Phật cạo tóc đắp y, nào là những hàng vương tử đại thần mặc đồ anh lạc, nào là cung nga mỹ nữ dung mạo tốt xinh, nào là sĩ, nông, công, thương, áo xiêm chỉnh đốn, kẻ thì chấp tay ngồi im lặng, người thì quỳ gối thưa hỏi, xem bộ ai nấy cũng chăm ngó Phật mà nghe Pháp cả.
Vua Vô Tránh Niệm quan sát khắp đủ mọi lẽ, bèn ngắm nhìn thân mình, rồi trở lại ngó Phật, mắt sững không nháy, lòng thiệt hoan nghênh, cái tâm niệm tín ngưỡng tự nhiên phát lộ, liền đảnh lễ Ngài và đi xung quanh ba vòng, rồi cũng ngồi xuống một bên Ngài mà chăm nghe lời giảng dạy.
Vua nghe đức Bảo Tạng Như Lai diễn đủ các Pháp, thì lòng đã mở thông, căn thân thanh tịnh, rõ đường giải khổ, biết sự làm lành, liền quỳ xuống chấp tay mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Nay tôi muốn sắm đủ những đồ ăn uống: áo chăn, mền nệm và thuốc men, đặng dưng cúng cho Ngài và đại chúng luôn trọn ba tháng ở đây mà giảng đạo, xin Ngài từ bi ai nạp”.
Vua Vô Tránh Niệm thấy Phật nhận lời, liền trở về truyền lịnh sắm sửa đủ mọi lễ, cứ đúng buổi mà dưng cúng không hề trễ nãi.
Vua lại khuyên bảo các vị vương tử, đại thần, quyến thuộc và nhơn dân rằng: “Các ngươi có biết hay không?
Nay Trẫm đã mở lòng bố thí, kính thỉnh Đức Bảo Tạng Như Lai và đại chúng đến mà cúng dường trọn ba tháng. Những đồ báu trọng ngon đẹp của Trẫm thọ dụng bấy lâu nay đều đem dâng cúng tất cả. Các ngươi cũng thể theo ý Trẫm xả bớt huyễn tài mà cúng Phật Tăng đặng cầu phước báu”
Cả thảy đều vâng lời vua khuyên, hết lòng sắm sửa lễ vật mà dưng cúng Phật.
Có một hôm, quan Đại thần Bảo Hải, là phụ thân Đức Bảo Tạng Như Lai, nằm chiêm bao thấy vua Vô Tránh Niệm làm sự bố thí thì lớn, mà việc cầu phước báu thì nhỏ. Sự ao ước của vua còn thuộc về phước hữu lậu trong cõi nhơn thiên, chưa thoát ra khỏi luân hồi sanh tử.
Vậy nên quan Đại thần chẳng đặng vui lòng, vì ý của ông muốn làm sao cho vua phát tâm cầu quả Bồ đề, tu thành Phật đạo mà cứu vớt mọi loài chúng sanh, chớ không muốn cho vua cầu phước báu nhỏ nhen như hàng tiểu dân vậy.
Quan Đại thần suy nghĩ như vậy, bèn đến chỗ Phật Bảo Tạng Như Lai tỏ điềm chiêm bao ấy, và tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: “Muôn tâu Đại Vương! Xin suy nghĩ đến việc này. Về sự sanh tử luân hồi phải bỏ thân này mang lốt khác, nên khó đặng thân người. Nay Đại Vương đã cảm lấy phước báu làm đặng vương thân, thiệt là quí báu biết dường nào! Các Đức Phật tùy cơ duyên của chúng sanh cảm triệu mà ứng hiện ra đời, cũng như bông ưu đàm ứng thời mà nở, thiệt là ít có! Nay Đại Vương gặp Phật xuất thế, thì phần hân hạnh biết bao! Dứt trừ lòng dục vọng, làm mọi sự phước duyên, cũng là việc khó mà Đại vương làm đặng như vậy, thiệt là ít ai bì đặng!
Nếu Đại Vương muốn cầu sanh về cõi Trời mà làm một vị thiên tử hưởng sự phước thọ hay là muốn cầu sanh về cõi Nhơn gian làm vua Chuyển Luân, thống lãnh bốn châu thiên hạ như ngày nay vậy, thì cũng còn ở trong khổ ải, chớ chưa ra khỏi vòng sanh tử luân hồi.
Thưa Đại Vương! Hai sự phước báu tôi đã trần tấu đó đều là tướng vô định, đều là sự vô thường, thí như cơn gió thổi, dường tợ đám mây tan, có chắc chắn lâu dài chi đâu mà phải cầu nguyện!
Nếu sanh về cõi Trời, khi hưởng sự khoái lạc mà có tạo ác nghiệp, thì cũng phải đọa vào địa ngục, đặng chịu khổ. Còn như sanh về cõi nhơn gian, thì lại chịu mọi sự khổ não phần thì oán cừu gặp gỡ, phần thì ân ái chia lìa cái khổ trạng ấy không thể kể xiết.
Vì Đại Vương nhờ nhân duyên tu phước đời trước, nên mới hưởng đặng sự tôn vinh như vầy. Nếu nay Đại vương giữ gìn giới luật, thì sẽ đặng phước báu lớn hơn nữa: còn như tu học chánh pháp, thì sẽ thành chưởng trí.
Vậy xin Đại vương nên phát tâm cầu đạo Vô Thượng Bồ Đề, chớ đừng cầu nguyện những việc phước nhỏ nhen như hạng người thường kia vậy.
Vua Vô Tránh Niệm nghe quan Đại thần Bảo Hải khuyến thỉnh như thế, thì tâm lượng tự nhiên mở rộng, liền đáp rằng: “ Trẫm chẳng cầu những việc như khanh nói đó đâu! Trẫm muốn trải khắp trong đường sanh tử, làm sự bố thí, trì giới, hầu nghe những pháp mầu nhiệm, tu hạnh Bồ Tát và cứu vớt chúng sanh, do nhân duyên ấy mà phát tâm Bồ Đề”.
Đại thần Bảo Hải lại nói rằng: “Bồ đề là một đạo rất trong sạch sáng suốt, rất ngay thẳng chính đáng rất trang nghiêm tốt đẹp, rất rộng lớn cao sâu, khắp cả hư không, trùm cả sa giới rất có oai thần mảnh lực.
Vả lại đạo Bồ đề là hạnh bố thí, sẽ đặng giàu sang, là hạnh trì giới, sẽ đặng thanh tịnh, là hạnh nhẫn nhục, sẽ đặng vô ngã, là hạnh tinh tấn, sẽ đặng bất thối, là hạnh thiền định, sẽ đặng vắng lặng, là hạnh Bát nhã, sẽ đặng sáng suốt.
Tu được như vậy mới đến chỗ an lạc và mới chứng đặng quả Niết Bàn. Vậy xin Đại vương nên phát tâm mà cầu đạo ấy.
Vua Vô Tránh Niệm đáp rằng: “Này khanh! Đương thời trung kiếp, mỗi người sống lâu chỉ có tám vạn tuổi mà thôi! Nay Đức Bảo Tạng Như Lai ứng hiện ra đời mà giáo hóa chúng sanh, hoặc có kẻ chứng pháp Tam muội, hoặc có người đặng bực Bồ Tát, hoặc đặng thọ ký làm Phật, hoặc đặng quả báo nơi cõi Nhơn Thiên. Trong hàng chúng sanh có một người nào không trồng căn lành mà Đức Như Lai chẳng nói Pháp đoạn khổ.
Tuy Ngài là phước điền của chúng sanh, song những người không có căn lành thì Ngài không có thể hóa độ cho dứt đặng mọi sự khổ não”.
Nay Trẫm phát Bồ đề tâm, tu Bồ Tát hạnh, học đạo Đại thừa, chứng pháp môn rất mầu nhiệm, chuyên làm Phật sự mà giáo hóa chúng sanh. Trẫm muốn cầu làm sao cho khi thành Đạo Bồ đề, thì Thế giới đặng trang nghiêm thanh tịnh chúng sanh không còn có một chút khổ gì. Nếu đặng như vậy thì Trẫm sẽ chứng đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
Vua Vô Tránh Niệm nói như vậy rồi, bèn đi với quan Đại thần Bảo Hải đến chỗ Đức Bảo Tạng Như Lai, thấy Ngài đương nhập định, lại dùng phép thần thông biến hóa và phóng hào quang sáng suốt, hiện cả mười phương thế giới của Chư Phật ra trước mặt cho chúng hội xem: hoặc có cõi Phật đã Niết Bàn rồi, hoặc có cõi Phật đương Niết Bàn, hoặc có các cõi vị Bồ Tát mới ngồi nơi đạo tràng dưới cây Bồ đề, đương hàng phục chúng ma, hoặc có cõi Phật mới thành đạo và mới nói Pháp, hoặc có cõi Phật thành đạo đã lâu, đương còn nói Pháp, hoặc có thế giới toàn là các bực Bồ tát, hoặc có thế giới toàn là những hàng Thinh Văn và Duyên Giác, hoặc có thế giới không có Phật, Bồ Tát, Thinh Văn và Duyên Giác chi hết, hoặc có thế giới đủ năm món ác trược, hoặc có thế giới đủ các thứ trang nghiêm, hoặc có thế giới hèn dơ nhớp, hoặc có thế giới tốt đẹp lạ thường, hoặc có thế giới mà nhơn dân sống lâu vô cùng, hoặc có thế giới mà nhơn dân thọ mạng ngắn ngủi, hoặc có thế giới thường bị tai nạn thủy hỏa, hoặc có thế giới hằng bị tai nạn gió bão, hoặc có thế giới gần thành tựu, hoặc có thế giới đã thành tựu rồi.
Đại thần Bảo Hải thấy vậy, bèn tâu với vua Vô Tránh Niệm rằng: “Nay Đại vương nhờ sức oai thần của Đức Như Lai mà đặng thấy các thế giới, vậy Đại vương phát Bồ đề tâm muốn cầu lấy thế giới nào”
Vua chấp tay mà thưa với Đức Bảo Tạng Như Lai rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng biết các vị Bồ Tát tu hạnh gì mà chiếm đặng cõi Phật tốt đẹp trang nghiêm, tu nghiệp gì mà chiếm đặng thế giới xấu xa ác trược.
Do nghiệp gì mà đặng thọ mạng lâu dài, tạo nghiệp gì mà thọ số ngắn ngủi? Xin Ngài chỉ dạy cho tôi biết mà tu học”.
Đức Bảo Tạng Như Lai nói rằng: “Vì bởi các vị Bồ Tát có sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới thanh tịnh, không có các điều ác trược, nên sau khi thành đạo được về ở cõi ấy rất trang nghiêm.
Còn các vị Bồ Tát nào do sức thệ nguyện, muốn ở cõi thế giới ngũ trược đủ sự phiền não, nên sau khi thành đạo về ở cõi ấy”.
Vua Vô Tránh Niệm lễ Phật rồi lui trở về trong cung, một mình ngồi im lìm mà suy nghĩ đến sự thệ nguyện của mình, mong cầu cho đặng cõi cực kỳ tốt đẹp, đặng tiếp dẫn chúng sanh.
Suy nghĩ rồi vua bèn trở lại lễ Phật mà thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Vì tôi muốn chứng đạo Bồ đề, nên đem công đức cúng dường Ngài và đại chúng trong ba tháng mà cầu đặng cõi Phật rất thanh tịnh trang nghiêm.
Bạch đức Thế Tôn!
1- Nay tôi nguyện trong khi tôi thành Phật, làm sao đặng một thế giới đủ sự vui đẹp, hình dạng nhơn dân trong cõi ấy toàn là sức vàng và không có những đường địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh xen ở chung lộn. Hết thảy chúng sanh nơi cõi ấy chẳng khi nào còn phải thối chuyển mà đọa vào trong ba đường dữ đó nữa, và người nào cũng đủ sáu phép thần thông và căn thân tốt đẹp.
2- Tôi nguyện tất cả chúng sanh được về cõi ấy, đều thành đàn ông tươi tốt vô cùng, không còn thọ báo sắc thân đàn bà và cũng chẳng cần có danh hiệu của người đàn bà nữa. Hết thảy chúng sanh khi được về đó, thần thức đầu thai trong bông sen, lúc bông nở ra thì căn thân xinh tốt, thọ mạng lâu dài, không kể xiết đặng.
3- Tôi nguyện cõi ấy đặng trang nghiêm, cảnh vật thiệt xinh đẹp, không có mọi sự nhiễm trược, hằng có hoa tốt hương thơm mùi bay các hướng.
4- Tôi nguyện cho chúng sanh trong cõi ấy, ai nấy cũng đều đặng ba mươi hai tướng tốt, sáu phép thần thông, trong giây phút dạo khắp các cõi Phật trong mười phương, đặng cúng dường và nghe Pháp, rồi trở về cũng chưa trễ buổi ăn.
5- Tôi nguyện nhơn dân trong cõi ấy đều đặng mọi sự thọ dụng tự nhiên, đúng giờ ăn thì có đủ các món ngon vật lạ hiện ra trước mắt, còn muốn bận đồ gì thì có áo xiêm tốt đẹp hiện ra bên mình, không cần phải sắm sửa như trong cõi nhơn gian vậy.
6- Tôi phát nguyện cầu đặng cõi Phật như vậy, đặng từ rày về sau, đời đời kiếp kiếp, thường tu hạnh Bồ tát, làm sự hi hữu mà tạo thành cõi Tịnh Độ, đến thời kỳ chứng đạo thì ngồi dưới cây Bồ đề mà thành quả Chánh Giác, phóng hào quang soi các thế giới cho các Đức Phật đều xem thấy, đặng khen ngợi danh hiệu của tôi.
7- Tôi nguyện khi thành Phật rồi, những loài chúng sanh ở trong thế giới khác, đã có tu tập thiện căn, hễ nghe danh hiệu tôi mà muốn sanh về cõi tôi, đến khi lâm chung đặng vãng sanh, chỉ trừ những người phạm tội ngũ nghịch, tội chê bai các Pháp Đại thừa và phá hư Chánh Pháp mà thôi.
8- Tôi nguyện khi tôi thành Phật rồi, mà có chúng sanh ở các thế giới đã phát Bồ đề tâm, tu Bồ tát đạo, muốn sanh về cõi tôi, thì đến khi mạng chung, tôi và đệ tử tôi đều hiện thân đến trước mặt người ấy đặng tiếp dẫn.
9- Tôi nguyện khi tôi nhập diệt, trải vô số kiếp về sau những người nữ nhơn ở trong các thế giới nghe danh hiệu tôi mà chăm lòng vui mến và phát Bồ đề tâm, cho đến lúc thành Phật, cứ cảm báo đặng làm thân đàn ông hoài, chớ không khi nào còn mang lấy thân đàn bà nữa.
Bạch Đức Thế Tôn! Tôi nguyện đặng cõi Phật như vậy, chúng sanh như vậy, mọi sự thanh tịnh trang nghiêm như vậy, thì tôi mới chịu thành Phật.
Đức Bảo Tạng Như Lai nghe vua Vô Tránh Niệm nguyện mấy lời ấy rồi khen rằng: “Hay thay! Hay thay! Đại vương phát nguyện sâu lớn, muốn cõi thanh tịnh. Kìa Đại vương hãy xem qua hướng Tây, cách trăm ngàn muôn ức cõi Phật có một thế giới gọi là Tôn Thiện Vô Cấu, giáo chủ cõi ấy hiệu là Tôn Âm Vương Như Lai, hiện nay đương vì các bực Bồ Tát mà giảng dạy Pháp Đại thừa, giáo hóa các người Thượng căn, chứ không diễn thuyết mấy Pháp quyền tiểu”.
Trong cõi ấy cũng không có chúng sanh căn trí Tiểu thừa và cũng không có một người nữ nhân. Nhưng y báo (y báo là cảnh vật) và chánh báo (chánh báo là căn thân) của Phật Tôn Âm Vương Như Lai thiệt thanh tịnh trang nghiêm, rất xứng hiệp với chỗ cầu nguyện của Đại vương đó! Vì Đại vương có thệ nguyện muôn cõi thanh tịnh, nên nay Ta đổi hiệu Đại vương là Vô Lượng Thanh Tịnh.
Khi Vô Lượng Thanh Tịnh mãn một trung kiếp, thì Đức Phật Tôn Âm Vương Như Lai nhập Niết Bàn, Chánh Pháp truyền bá đặng mười trung kiếp. Đến khi diệt rồi, trải qua sáu mươi trung kiếp, thì cõi Tôn thiện vô cấu đổi tên lại là: Di Lâu Quang Minh có Đức Phật, hiệu là Bất Khả Tư Nghị Công Đức Vương Như Lai, ứng hiện ra đời mà hóa đạo chúng sanh. Sau khi Đức Phật ấy nhập Niết Bàn rồi, trải vô số hằng sa kiếp và vô lượng Phật diệt độ, thì cõi Di lâu Quang Minh đổi tên lại là: An lạc, đến thời kỳ Vô Lượng Thanh Tịnh chứng quả về cõi đó mà thành Phật thì hiệu là: A Di Đà Như Lai (dịch là Vô Lượng Thọ), sống lâu vô cùng, tiếp dẫn vô lượng chúng sanh trong các thế giới về đó, rồi giáo hóa cho thành Phật đạo tất cả.
Vua Vô Tránh Niệm nghe Phật Bảo Tạng Như Lai thọ ký như vậy liền thưa rằng: “Bạch Đức thế Tôn! Nếu lòng thệ nguyện của tôi quả đặng y như lời thọ ký của Ngài, thì tôi kỉnh lễ xin nhờ Ngài dùng phép thần thông làm cho các Đức Phật ở trong hằng sa thế giới cũng thọ ký cho tôi như Ngài nữa”.
Vua Vô Tránh Niệm thưa rồi, đương cúi đầu thi lễ, tức thì mười phương thế giới thảy đều vang động.
Vua ở trong pháp Hội nghe Chư Phật đều thọ ký cũng như lời Đức Phật Bảo Tạng đã nói trên đó, thì rất đổi vui mừng, liền chấp tay đảnh lễ, rồi ngồi nghe Phật Bảo Tạng thọ ký cho các vị Bồ Tát khác.
Source: hoavouu
Cõi Phật A Di Đà có thật không?
Tịnh Độ là một cõi nước, nhờ nguyện lực và công đức tu tập nhiều đời của Phật A Di Đà mà có ra một thế giới thù thắng vào bậc nhất “mười phương cõi Phật cảnh nào cũng thua” – Sám Di Đà. Nhưng nhiều người cho rằng Tịnh Độ không có thật, nó chỉ là viễn tưởng hay một sự khéo léo của người truyền giáo, muốn mê hoặc quần chúng yếu vía, không có tinh thần tự lực. Có những người lý luận rằng: khoa học đã tiến bộ, người ta tìm đến sao Hoả, cung trăng… nhưng đâu thấy cõi nước nào là Tịnh Độ?
Nam Mô A Di Đà Phật
Đây là những lập luận hết sức nông nỗi của một số người chưa nghiên cứu kỹ về Tịnh Độ, không có niềm tin vào lời dạy từ ngàn xưa của Phật, của Tổ.
Để làm sáng tỏ vấn đề đang được tranh luận, trước hết người viết trình bày một vài sự kiện căn bản trong đạo Phật.
Nếu khoa học lý giải được tất cả thì chúng ta cần gì phải tu học theo Phật pháp. Hơn nữa, hành giả nào tu phật mà việc gì cũng lấy khoa học làm luận cứ thì chúng ta trở thành công cụ của khoa học, nô lệ theo khoa học, chứ không còn là một người chuyên tu Phật nữa. Khi khoa học không tìm thấy không có nghĩa là không có mà chúng ta phải nhìn nhận sự rất giới hạn của khoa học. Xưa kia khi chưa có kính hiển vi người ta có tin lời Phật nói trong một bát nước có tám muôn bốn ngàn con vi trùng không? Hay khi chưa có viễn vọng kính, khoa học có tin lời Phật nói hằng hà sa số thế giới không? Mặc dù không ai tin, nhưng với tuệ giác thấy biết như thật, đức Phật đã nói. Đến hơn hai mươi thế kỷ sau người ta mơí công nhận lời Phật dạy.
Cách nay khoảng mười lăm năm, báo chí đăng về sự kiện người ngoài hành tinh đi vào trái đất của chúng ta. Do sự cố đĩa bay, người ngoài hành tinh bị rơi xuống tại Philipin (Phi luật tân). Nhà chức trách Phi luật Tân đã bắt được một người với da dẻ kích thước, thể trọng, màu da… được báo chí diễn tả lại rất chi tiết. Những nhà bác học của Liên xô cũ bị mất tích. Giới khoa học và những nhà chuyên trách căn cứ vào một vài sự kiện và kết luận rằng: những người này do những người ngoài hành tinh bắt đi để nghiên cứu về con người trong trái đất. Kể từ đó các nhà khoa học cố tìm cho ra thế giới xa xăm của những người ngoài hành tinh, nhưng cho đến nay họ có tìm thấy tí gì về dấu vết của những con người đó chưa? Như vậy chúng ta dám khẳng định rằng không có không ? Nếu không có thì tại sao họ xuất hiện trên trái đất của chúng ta ? Một thế giới như vậy mà còn tìm không thấy thì làm sao thấy được cõi Cực Lạc.
Phần tiếp theo là quan điểm siêu hình của Phật giáo.
– Trong thế giới siêu hình gồm có cõi chư thiên , Thế giới A tu la, địa ngục và ngạ quỉ. Đây là những thế giới mà trong kinh thường đề cập tới. Trong kinh Tam Di Đề, Tạp A Hàm …., nói về giai thoại giữa tiên nữ và tỳ kheo Tam di đề như sau: “Khi thấy tỳ kheo Tam Di Đề tắm trên một dòng sông vào buổi sớm, tiên nữ nói với tỳ kheo ấy rằng, tại sao lại bỏ hạnh phúc thực mà lại đi tìm hạnh phúc ảo”. Qua đó dẫn đến cuộc đối đáp giữa tỳ kheo và tiên nữ. Sau cùng tỳ kheo ấy dẫn tiên nữ đến gặp Phật và được đức phật giáo hoá. Tiên nữ phát tâm quy y và làm đệ tử của đức thế tôn. Trong kinh Bát nhã kể lại câu chuyện Ngài Tu Bồ Đề ngồi nhập định không tánh, được chư thiên khen ngợi tung hoa cúng dường. Khi xả định, Ngài thấy xung quanh mình đầy hoa. Ngạc nhiên ngài hỏi: ai rải hoa xung quanh ta nhiều quá vậy? Chư thiên đáp rằng: “Ngài thuyết kinh Bát Nhã hay quá, chúng con tung hoa cúng dường”. Ngài tu bồ đề hỏi lại: “ta có nói gì đâu mà cho rằng thuyết kinh Bát Nhã ?” Chư thiên đáp: “Ngài không nói, con không nghe, đó chính là Chơn Bát Nhã”. Những việc đối đáp giữa chư thiên và đức Phật hay các thánh đệ tử trong kinh điển còn rất nhiều. Như vậy, trong các kinh, hệ tư tưởng Nguyên Thuỷ cũng như Đại Thừa, đều thừa nhận có sự hiện hữu của chư Thiên. Chính trong lịch sử của đức Phật có đoạn: sau khi thành đạo, vì nhớ đến ân sinh dưỡng của mẫu thân, hoàng hậu Ma da, Đức Phật hiện thân về cõi trời Đao lợi, thuyết pháp cho mẹ nghe. Sau khi nghe pháp xong, hoàng hậu Ma Da chứng được thánh quả.
– Bên cạnh đó cũng có những cõi nước của các loài chúng sanh thấp kém hơn loài người, đó là cảnh giới của các loài sống trong địa ngục và ngạ quỉ. Chúng là những loài bị tội khổ nên mới chiêu cảm quả báo xấu. Đối với những loài như thế, mắt thường của phàm phu hay viễn vọng kính của các nhà khoa học không thể thấy được.
Như vậy, chư Thiên hay cảnh giới của Địa ngục, Ngạ quỉ là cảnh giới siêu hình nhưng không phải là không có. Muốn thấy được cảnh giới này, chỉ có huệ nhãn của Phật hay của chư thánh đệ tử chứng được thiên nhãn thông hoặc những bậc tu hành đắc đạo mới nhìn thấy được.
Thế thì, những cảnh giới, cho dù mắt thường hay viễn vọng kính của các nhà khoa học không thể thấy, nhưng dựa vào lời Phật dạy chúng ta tin là có. Trong khi cảnh giới Tịnh Độ cũng là lời Phật nói nhưng tại sao chúng ta cho là không có? Có phải vì mâu thuẫn tông phái , mặc dù thấy kết quả tốt, nhưng chúng ta lại cực kỳ bài xích về pháp môn tu cũng như cảnh giới của tịnh độ?
Lại nữa, cái gì nó cũng có nhân quả. Tu năm giới thì sinh cõi người, tu thập thiện về cõi trời. Làm nhiều điều tội ác thì rơi xuống tam đồ… thì tại sao tu niệm Phật lại không được về cõi tịnh? Đây là những điều chúng ta tự mâu thuẫn với giáo lý của Phật. Nếu theo suy lý điều này không thể có thì các điều khác cũng tương tự. Nếu không nhất quán với nhau, mai này khuyên tu năm giới thập thiện… thì ai tin tưởng để quy hướng về. Đó là một vài minh chứng về sự thật hiển nhiên cho tông Tịnh Độ.
… Tịnh Độ là một pháp môn rất thù diệu, dễ tu dễ chứng và phù hợp với mọi trình độ căn cơ chúng sanh. Chỉ cần người có lòng tin vào nguyện lực của Phật A di đà và chuyên tâm trì niệm danh hiệu Ngài thì nhất định sẽ được vãng sanh. Khi về nước Cực lạc, dù là đới nghiệp vãng sanh hay sanh vào nơi biên địa của Tịnh độ, thì điều tiên quyết nhất là chúng ta không còn rơi đoạ trong tam đồ khổ nữa, một sớm một chiều rồi cũng được hoa sen thuần hoá, hoàn toàn thanh tịnh, hội nhập trong hàng thánh chúng nơi Cực lạc tây phương.
Những điều này đã được các bậc thầy Tịnh độ tiên phong tu tập chứng đắc làm niềm tin, khích lệ cho tất cả chúng sanh đồng phát tâm tu tập, đồng được vãng sanh. Tổ Tuệ Viễn được xem là sơ tổ của Tông Tịnh độ. Người đã vì sự giải thoát an lành cho chúng sanh mà lập nên nhiều phương tiện. Lô sơn là một minh chứng, đã ghi dấu cho một bậc Tổ đức đã vì chúng sanh mà từ một viễn cảnh Tịnh độ, Ngài đã hình thành nên một Tịnh độ hiện thực nơi chùa Đông lâm, tứ chúng đông không tả xiết đã qui kết trong tinh thần tịnh tu của bạch liên xã.
Từ đó chúng ta nhận thấy nhân duyên Tịnh độ với chúng sanh đời Mạt Pháp thật vô cùng lớn. Xin đừng vội nghe nghững lời bàn phiếm của thiên hạ về Tịnh độ hoặc sự chỉ trích bôi nhọ của một số người nông nổi, rồi đâm ra hoang mang nghi ngờ.
Những biện minh về thật hư của Tịnh độ nhằm xác định cho cõi Tịnh độ phương Tây trang nghiêm thanh tịnh vào bậc nhất trong mười phuơng. Học thuyết về “duy tâm tịnh độ” là một Tịnh độ triết lý, mặc dù nó là tinh hoa chuyển tải ý nghĩa thực dụng trong đạo Phật nhưng không thể khế hợp với đa dạng căn tánh chúng sanh, làm cho người bình dân phải ngán ngẫm cho đường lối hành trì đơn độc đi vào biển tâm mênh mang sâu thẳm không chỗ nương nhờ. Đó là một vách ngăn lớn, làm hụt hẫng cho những người bước chân vào cửa thiền muốn tìm một nơi nương tựa trên lộ trình giải thoát. Cho nên Tịnh độ tín ngưỡng, mặc dù là pháp môn phương tiện, nhưng đó là phương tiện thù thắng trong tất cả mọi phương tiện, nhằm đưa mọi chúng sanh đều có thể tiếp cận được với con đường giải thoát hầu đem lại lợi ích cho mình và tha nhân.
Trích Ý Nghĩa Vía Phật Và Bồ Tát Trong Năm
Thích Phước Tiến
.
ĐỨC PHẬT DƯỢC SƯ VÀ NGHIỆP CHỮA BỆNH
-
Trong truyền thống Phật giáo, vị thầy chữa bệnh nguyên thủy và đầu tiên là đức Phật. Thường được gọi là Đức Phật Dược Sư, chính đức Phật Dược Sư đã tiết lộ các bài pháp thiêng liêng được gói ghém trong những bài kinh được gọi là Tứ Mật Y Kinh (Four Medical Tantras). Tất cả y thuật của Phật giáo đều bắt nguồn từ bộ kinh thiêng liêng nầy. Như đã giải thích trong bài đầu tiên của các bài kinh nầy, đức Phật Dược Sư một lần đã ngồi thiền định, và xung quanh các vị đệ tử gồm có các vị y sĩ, các vị thông thái, thiên vương và các vị Bố Tát, tất cả đều ước muốn học hỏi về phương pháp chữa bệnh. Tất cả đều lặng người bởi hào quang sáng rỡ trang nghiêm của đức Phật, mà không dám mở lời…..(xem thêm)
Bốn Lời Quán Nguyện Của Các Bậc Bồ Tát
Lạy đức Bồ Tát Quan Thế Âm, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết lắng tai nghe cho cuộc đời bớt khổ. Ngài là trái tim biết nghe và biết hiểu. Chúng con xin tập ngồi nghe với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập ngồi nghe với tâm không thành kiến. Chúng con xin tập ngồi nghe mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập ngồi nghe để hiểu. Chúng con xin nguyện ngồi nghe chăm chú để có thể hiểu được những điều đang nghe và cả những điều không nói. Chúng con biết chỉ cần lắng nghe thôi, chúng con cũng đã làm vơi bớt rất nhiều khổ đau của kẻ khác rồi.
Lạy đức Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, biết dừng lại và nhìn sâu vào lòng sự vật và vào lòng người. Chúng con xin tập nhìn với tất cả sự chú tâm và thành khẩn của chúng con. Chúng con xin tập nhìn với con mắt không thành kiến. Chúng con xin tập nhìn mà không phán xét, không phản ứng. Chúng con nguyện tập nhìn sâu để thấy và để hiểu những gốc rễ của mọi khổ đau, để thấy được tự tánh vô thường và vô ngã của vạn vật. Chúng con xin học theo hạnh Ngài, dùng gươm trí tuệ để đoạn trừ phiền não, giải thoát khổ đau cho chúng con và cho mọi giới.
Lạy đức Bồ Tát Phổ Hiền, chúng con xin học theo hạnh nguyện của Bồ Tát, biết đem con mắt và trái tim đi vào cuộc sống. Chúng con xin nguyện buổi sáng dâng niềm vui cho người, buổi chiều giúp người bớt khổ. Chúng con biết hạnh phúc của người chính là hạnh phúc của mình, và nguyện thực hiện niềm vui trên con đường phụng sự. Chúng con biết mỗi lời nói, mỗi cái nhìn, mỗi cử chỉ và mỗi nụ cười đều có thể đem lại hạnh phúc cho người. Chúng con biết rằng, nếu chúng con siêng năng tu tập, thì tự thân chúng con có thể là một nguồn an lạc bất tuyệt cho những người thân yêu của chúng con và cho cả muôn loài.
Lạy đức Bồ Tát Địa Tạng, chúng con xin học theo hạnh Bồ Tát, tìm cách có mặt ở bất cứ nơi nào mà bóng tối, khổ đau, tuyệt vọng và áp bức còn đang trấn ngự, để có thể mang đến những nơi ấy ánh sáng, niềm tin, hy vọng và giải thoát. Chúng con nguyện không bao giờ quên lãng và bỏ rơi những người còn đang bị kẹt trong những tình huống tuyệt vọng, nguyện cố gắng thiết lập liên lạc với những ai đang không còn lối thoát, những ai bị bưng bít không có phương tiện lên tiếng kêu gọi công bình, nhân phẩm và quyền được làm người. Chúng con biết địa ngục có mặt khắp nơi trên thế giới và chúng con nguyện sẽ không bao giờ tiếp sức xây dựng thêm những địa ngục trần gian như thế; trái lại, chúng con xin nguyện nỗ lực giải trừ những địa ngục còn đang có mặt. Chúng con nguyện tu học để đạt được đức vững chãi và kiên trì của Đất, để có thể trở thành trung kiên và không kỳ thị như Đất, và cũng được như Đất có thể làm nơi nương tựa cho tất cả những ai cần đến chúng con.
Nguồn: thuvienThichNhatHanh.
♫♫♫ OM MANI PADME HUM
by bubu5863
Ý Nghĩa Câu Chú:
OM MANI PADME HUM
Om Mani Padme Hum là một câu thần chú tiếng Phạn, được xem là thần chú cầu Quán Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteshvara) và là thần chú quan trọng và lâu đời nhất của Phật giáo Tây Tạng. Nó còn được mệnh danh là “Lục Tự Đại Minh Chân Ngôn” tức là “Chân ngôn sáng rõ bao gồm sáu chữ”.
Om : Quy mệnh
Mani : Viên ngọc như ý
Padme : Bên trong hoa sen
Hum : Tự ngã thành tựu
Có thể dịch câu này là Om, ngọc quý trong hoa sen, Hum. (Om, to the Jewel in the Lotus, hum). Theo âm Hán-Việt, câu này được đọc là Úm ma ni bát ni hồng hoặc Án ma ni bát mê hồng.
Thông thường người ta không giảng nghĩa thần chú, nhưng ở đây cần nói thêm là: “ngọc quý” biểu hiện cho Bồ-đề tâm (bodhicitta), “hoa sen” chỉ tâm thức con người, ý nghĩa là tâm Bồ-đề nở trong lòng người. Tuy nhiên thần chú có những âm thanh riêng biệt và những tác dụng bí ẩn theo cách trình bày của Kim cương thừa. Đối với Phật giáo Tây tạng thì Om Mani Padme Hum chính là lòng từ bi rộng lớn, muốn đạt Niết-bàn vì lợi ích của chúng sinh. Vì vậy sáu âm tiết của thần chú này cũng được xem là tương ưng với sáu cõi tái sinh của dục giới.
Các thần chú là biểu hiện của âm thanh bắt nguồn từ sự rỗng không. Nó là âm thanh xác thực của khoảng trống không.
Bắt nguồn từ khái niệm về chân lý tuyệt đối và trạng thái rỗng không, câu chú không hiện hữu. Không có âm thanh hay câu chú. Âm thanh và câu chú, như tất cả những dạng biểu thị khác nhau, đều ở vị trí của cõi tương đối xuất hiện từ rỗng không. Trong cõi tương đối, mặc dù âm thanh chính nó không có thực thể, nó vẫn có năng lực để chỉ định, đặt tên, và có sự hoạt động ở tâm thức.
Thí dụ, khi có ai đó nói với chúng ta « Anh là một người tốt » hoặc « Anh là một người khó ưa » , những chữ « tốt » hoặc « khó ưa » không phải là « vật gì » . Đó chỉ là những âm thanh mà tự nó không « tốt » hay « khó ưa », nhưng đơn giản gợi lên ý nghĩ về « tốt » hoặc « khó ưa », và gây ra một tác dụng nơi tâm thức. Cũng như vậy, trong phạm vi tương đối nơi hành động, thần chú được phú cho một năng lực không thể sai lạc.
Các câu chú thường là tên các vị Phật, Bồ Tát, hoặc thần thánh. Thí dụ, OM MANI PADME HUNG (ÁN MA-NI BÁT DI HỒNG) là cách gọi ngài Chenrezig (Quán Âm). Từ quan điểm tuyệt đối, Chenrezig không có tên, nhưng trong phạm vi ý nghĩa tương đối hoặc nghĩa đen, ngài có tên gọi riêng. Những tên nầy là trung gian của lòng từ bi, vẻ thanh nhã, và sức mạnh cùng các nguyện ước của ngài làm lợi ích cho chúng sinh. Bằng cách niệm danh hiệu của ngài để những phẩm chất tâm thức nầy được truyền đến ta. Ở đây, việc giải nghĩa về năng lực lợi ích của thần chú, danh hiệu của ngài. Như chúng ta đồng hóa chúng ta với tên họ và những gì liên hệ đến nó, cũng bằng cách nầy, trên bình diện tương đối, thần chú đồng nhất với vị thần. Cả hai trở thành một thực tại duy nhất. Khi một người niệm chú, người ấy nhận được vẻ thanh nhã của vị thần ; bằng cách hình dung vị thần, vị thánh ấy, người niệm chú nhận được vẻ thanh nhã không khác biệt của các vị thánh.
Thần chú OM MANI PADME HUNG đôi lúc được giải thích với những ý nghĩa cầu kỳ và thần bí. Tuy nhiên, như chúng ta đã nói, đây đơn giản chỉ là tên của Bồ Tát Quan Âm (Chenrezig) được đặt giữa hai âm thanh truyền thống và thiêng liêng, OM và HUNG.
– OM tượng trưng cho thân các vị Phật, các thần chú đều bắt đầu từ âm nầy.
– MANI nghĩa « châu báo » trong Sanksrit ;
– PADME, phát âm theo Sankrit, or PEME trong tiếng Tây Tạng, có nghĩa « hoa sen » ;
– HUNG tượng trưng cho tâm thức tất cả các vị Phật và thường là câu cuối trong các thần chú.
– MANI nói về châu báo mà Bồ Tát Quan Âm (Chenrezig) cầm trong hai tay giữa và PADME là hoa sen cầm ở tay trái thứ nhì. Khi gọi MANI PADME là gọi tên ngài Chenrezig xuyên qua những phẩm hạnh của ngài : « Người đang cầm châu báu và hoa sen. » « Chenrezig » hoặc « Hoa sen báu » là hai tên gọi của ngài Chenrezig (Quán Âm).
Khi chúng ta niệm chú, thật ra chúng ta đang tiếp tục lặp lại tên ngài Chenrezig. Thực tập nầy có lẽ trông lạ lùng. Tỷ như có một người mang tên Sonam Tsering và chúng ta lặp đi lặp lại tên người đó không ngừng nghỉ theo kiểu đọc thần chú. Sonam Tsering, Soanm Tsering, Sonam Tsering, v..v.. Điều nầy thật là lạ và có thể là vô dụng. Mặt khác, nếu như niệm câu chú OM MANI PADME HUNG thì có ý nghĩa hơn, vì câu chú nầy được « đầu tư » bởi sự thanh nhã và năng lực tâm thức của ngài Quan âm (Chenrezig), ngài Chenrezig đã gom sự thanh nhã và từ bi của tất cả các vị Phật và Bố Tát. Trong cách nhìn nầy, câu chú được phú cho khả năng vén màn tâm tối, và thanh tịnh hóa tâm thức chúng ta. Thần chú mở mang tâm thức thương yêu và từ bi, đưa đến sự tỉnh thức giác ngộ.
Các vị bồ tát và thần chú là một nguyên thể, nghĩa là một người có thể niệm chú mà không cần thiết phải hình dung, tưởng tượng. Niệm chú vẫn có hiệu quả.
Phẩm chất xác thực của mỗi âm trong sáu âm của câu chú được giải thích rất phù hợp.
Trước tiên, hãy để chúng ta xem mỗi âm giúp chúng ta đóng cánh cửa tái sanh đau khổ, một trong sáu cõi hiện hữu của vòng luân hồi :
– OM đóng cánh cửa luân hồi trong cõi trời ;
– MA, cánh cửa cõi thần, A-tu-la
– NI, cánh cửa cõi người
– PAD, cánh cửa cõi súc sanh
– ME, cánh cửa cõi ngạ quỷ ;
– HUNG, cánh cửa cõi địa ngục.
Mỗi âm tiết được xem như có ảnh hưởng thanh tịnh hóa :
– OM thanh tịnh hóa bản thân ;
– MA thanh tịnh hóa lời nói ;
– NI thanh tịnh hóa tâm thức ;
– PAD thanh tịnh hóa những cảm xúc mâu thuẫn ;
– ME thanh tịnh hóa điều kiện ẩn tàng ;
– HUNG thanh tịnh hóa tấm màn che phủ trí tuệ.
Mỗi âm tiết là một bài cầu nguyện :
– OM lời cầu nguyện hướng về thân thể của các vị Phật ;
– MA lời cầu nguyện hướng về lời nói của các vị Phật ;
– NI lời cầu nguyện hướng về tâm thức các vị Phật ;
– PAD lời cầu nguyện hướng về những phẩm chất của các vị Phật ;
– ME lời cầu nguyện hướng về hoạt động của các vị Phật ;
– HUNG gom góp sự thanh nhã của thân, khẩu, ý, phẩm chất, và hoạt động của các vị Phật.
Sáu âm tiết liên hệ đến sáu ba-la-mật, sáu sự hoàn hảo được chuyển hóa :
– OM liên hệ đến sự rộng lượng ;
– MA, đạo đức ;
– NI, kiên trì, nhẫn nhịn,
– PAD, chuyên cần,
– ME, chú tâm,
– HUNG, trí tuệ.
Sáu âm tiết cũng liên quan đến sáu vị Phật, ngự trị trên sáu Phật gia :
-OM liên hệ đến Ratnasambhava (Bảo-Sanh Phật) ;
– MA, Amaghasiddi (Bất-Không-Thành-Tựu Phật) ;
– NI, Vajradhara (Kim Cương Trì / Phổ-Hiền Bồ Tát) ;
– PAD, Vairocana (Lô-Xá-Na Phật) ;
– ME, Amitabha (A-Di-Đà Phật) ;
– HUNG, Akshobya (A-Súc-Bệ Phật) .
Cuối cùng, sáu âm tiết liên hệ đến sáu trí tuệ :
– OM = Trí tuệ thanh thản, an bình ;
– MA = trí tuệ hoạt động ;
– NI = trí tuệ tự tái sanh ;
– PAD = trí tuệ pháp giới ;
– ME = trí tuệ phân biệt ;
– HUNG = trí tuệ như gương.
Ở Tây Tạng, mọi người thường tụng niệm thần chú của ngài Chenrezig (Quan Âm). Sự đơn giản và phổ thông của thần chú không làm giảm đi sự to tát của thần chú, và còn có giá trị to lớn hơn. Điều nầy được thể hiện trong câu nói khôi hài sau :
Ở đoạn khởi đầu, không có đau khổ vì không biết,
Ở đoạn giữa, không có lòng tự kiêu vì hiểu biết,
Ở đoạn cuối, không sợ quên câu chú.
Không có sự hiểu biết về lý luận, y học, chiêm tinh học, và những môn khoa học khác là sự đau khổ, bởi vì một người có thể bỏ nhiều năng lực, cố gắng và chấp nhận nhiều mệt mỏi để học hỏi nó. Tuy nhiên, trong vài giây ngắn ngủi đã đủ để học thuộc thần chú của ngài Chenrezig. Không cần đối diện với đau khổ từ si mê cho đến hiểu biết. Bởi vì vậy, « Ở đoạn đầu không có đau khổ vì không biết. »
Một người sau mấy năm học hỏi môn khoa học khó khăn sẽ nhận được danh vọng hoặc chức vị ở xã hội, và họ hoàn toàn hài lòng với bản thân và tin rằng họ giỏi hơn tất cả những người khác. Thần chú đơn giản của ngài Chenrezig giúp cho một người tránh rơi vào tình trạng nói trên. Như vậy, « Ở đoạn giữa, không kiêu ngạo khi hiểu biết. »
Cuối cùng, nếu chúng ta không gìn giữ câu chú, sự hiểu biết mà chúng ta thâu thập được trong y học, chiêm tinh học, hoặc những môn khoa học khác có thể dần dà bị mai một. Nhưng không thể nào quên được sáu âm tiết câu chú. OM MANI PADME HUNG. Vậy, « Ở đoạn cuối, không sợ quên câu chú. »
Cũng vậy, từ những bài ghi chú của tôi « Cơn mưa liên tục làm lợi ích cho Chúng Sinh » :
– OM là màu TRẮNG ;
– MA, màu XANH LÁ CÂY ;
– NI , màu VÀNG ;
– PAD, màu XANH DA TRỜI ;
– ME, màu ĐỎ ;
– HUNG, màu ĐEN.
Câu chú có thể được tóm tắt như sau : « Tôi cầu xin hiện thân của năm dạng và năm ý thức chuyển hóa, Vị bồ tát sỡ hữu viên ngọc và hoa sen để bảo hộ tôi thoát khỏi những nỗi đau khổ của chúng sinh trong sáu cõi. »
OM MANI PADME HUNG là bản tóm tắt của bộ sưu tập kiến thức trực tiếp của tất cả các vị Phật. Những chỉ dẫn bao gồm trong mỗi âm của sáu âm tiết, là bản chất Tinh Thông Bí mật về các vị Phật, là nguồn gốc của tất cả mọi phẩm chất và hạnh phúc sâu sắc, gốc rễ của các thành tựu lợi ích, sung sướng, và là con đường vĩ đại đưa đến những hiện hữu và tự do cao cả.
The Tibetan Book Of Living And Dying
Sogyal Rinpoche
Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch
(Nguồn: Phần phụ lục sách: “Tạng thư Sống Chết”)
Tạng ngữ đọc là Om Mani Pémé Hung. Thần chú này tiêu biểu tâm đại bi và ân sủng của tất cả chư Phật, Bồ-tát, nhất là ân sủng của Quán Tự Tại, vị Phật của lòng bi mẫn. Quán Tự Tại (hay Quán Thế Âm) là hiện thân của Phật trong hình thức Báo thân, và thần chú của ngài được xem là tinh túy của lòng bi mẫn của chư Phật đối với hữu tình. Nếu Ngài Liên Hoa Sinh là bậc thầy quan trọng nhất của người Tây Tạng, thì Quán Tự Tại là vị Phật quan trọng nhất của họ, là vị thần hộ mệnh của dân tộc này. Có câu nói nổi tiếng là vị Phật của lòng bi mẫn đã ăn sâu vào tiềm thức Tây Tạng tới nỗi một hài nhi vừa biết nói tiếng “Mẹ” là đã biết đọc thần chú này, OM MANI PADME HUM…..( xem thêm )
Pháp Hội Niệm Phật
Thứ Bảy ngày 19 tháng 7 năm 2014
Chủ Nhật ngày 20 tháng 7 năm 2014
Nam mô A Di Đà Phật.
Xin kính chuyển đến quý đạo hữu bản Thông Báo Pháp Hội Niệm Phật và Chương Trình Pháp Hội Niệm Phật do Niệm Phật Đường Viên Thông tổ chức.
Buổi lễ với sự từ bi chứng minh, hướng dẫn của Thượng tọa Thích Trí Thoát cùng chư tôn đức Tăng Ni đến tham dự. Xin thông báo đến chư thiện hữu xa gần về tham dự. Ðể tiện bề sắp xếp buổi lễ được trang nghiêm thanh tịnh xin chư vị hoan hỉ gọi điện thoại đến ghi danh tham dự.
Nam mô A Di Ðà Phật
THÔNG BÁO PHÁP HỘI NIỆM PHẬT
Thượng Tọa Thích Trí Thoát làm chủ lễ
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Kính bạch chư tôn đức tăng ni,
Kinh thưa chư Phật tử, thiện hữu tri thức xa gần,
Chúng con kính nghe chư Phật, chư Tổ dạy rằng: Thiện ác không rời một niệm ở tâm ta,
Không làm việc ác.
Làm mọi việc lành.
Tự thanh tịnh tâm mình.
Là điều chư Phật dạy.
Đây là chân đế của đạo Phật, là kim chỉ nam giúp chúng ta sửa ác hướng thiện, là cửa ngõ hạnh lành, là nền tảng vững chắc, là thuyền bè kiên cố đưa chúng ta đến pháp duyên thù thắng, vượt khỏi luân hồi lục đạo. Đức từ phụ bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật đã từ bi giới thiệu đến chúng ta một thế giới chân thật an lành. Tây Phương Tịnh độ là nơi thù thắng. Hạnh nguyện của đức Phật A Di Đà đã làm chấn động cả mười phương chư Phật, chư Bồ tát, chư hiền thánh tăng. Những ai đã trọn nhân lành, hoặc đã dừng các nghiệp ác, không còn kết tạo nữa, buông xuống vạn duyên, chí thành phát nguyện được sanh Tây phương Tịnh độ, dứt mọi nghi ngờ thì nhất định sẽ được vãng sanh. Bi tâm hạnh nguyện của Phật A Di Đà rộng lớn không thể nghĩ bàn. Ngài cứu giúp tất cả chúng sanh sớm trở về thể tánh vô lượng thọ, vô lượng quang, không ngằn mé không ngăn ngại của chúng ta. Cũng vì tham chấp mê si, nên chư Phật, chư Tổ đã từ bi khổ nhọc khai thị chỉ rõ con đường chân đạo Tây Phương Cực Lạc. Chúng ta há không nguyện vãng sanh hay sao? Cũng vì chí thành quyết vãng sanh Tây Phương Tịnh Độ nên chúng tôi phát tâm mở Pháp Hội Niệm Phật hầu được kết duyên cùng khắp pháp giới. Vì nhận ra mình là kẻ cùng tử, còn mãi lang thang, đến lúc phải trở về, chớ để cha già tựa cửa mong chờ. Chúng ta hãy cùng nhau trở về nhà Tịnh độ chân tâm của chính ta. Cũng nhờ nương Phật lực nguyện hồi hướng đến tất cả chúng sanh trong lục đạo, hữu tình, vô tình đồng được vãng sanh cực lạc quốc. Buổi lễ với sự từ bi chứng minh, hướng dẫn củaThượng tọa Thích Trí Thoát cùng chư tôn đức Tăng Ni đến tham dự. Chúng tôi xin thông báo đến chư thiện hữu xa gần về tham dự. Để tiện bề sắp xếp buổi lễ được trang nghiêm thanh tịnh xin chư vị hoan hỉ gọi điện thoại đến ghi danh tham dự.
Nam mô A Di Đà Phật.
THỜI KHÓA TU HỌC
Thứ Bảy và Chủ Nhật
Chương trình tu tập sẽ được Thượng tọa Thích Trí Thoát hướng dẫn theo thời khóa biểu dưới đây:
7:45am : Khai chuông tựu chúng- Cung thỉnh chư tôn đức quang
lâm chánh điện.
8:00am : Dâng hương thỉnh chư Phật, chư Bồ tát giáng lâm đạo
tràng chứng minh
Khai đàn sám hối hồng danh – Đảnh lễ 108 lạy.
9:15am : Giải lao.
9:30am : Khai kinh đại thừa Vô Lượng Thọ (tụng 24 phẩm đầu)
10:50am : Cúng ngọ.
11:00am : Thượng tọa thuyết giảng.
12:00am : Thọ trai – Kinh hành
1:30pm : Giải lao.
2:00pm : Tụng kinh Vô Lượng Thọ (24 phẩm cuối)
Kinh hành niệm Phật
5:00pm : Thượng tọa thuyết giảng.
6:30pm : Dược thực – Hoàn mãn.
Cầu xin Chư Phật gia hộ cho quí Phật tử và gia quyến thân tâm an lạc.
Nam mô A Di Đà Phật.
Niệm Phật Đường Viên Thông
201 North 19th Avenue, Cornelius, Or 97113
LỜI KHAI THỊ CỦA ẤN QUANG ĐẠI SƯ
• Bất luận là người tu tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dười hòa, nhẫn nhục đìều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được, thay người làm những việc cực nhọc hoàn thành cho người là việc tốt.
• Khi tỉnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người.
• Lúc đi, lúc đứng, lúc nằm, lúc ngồi, lúc ăn, lúc mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn, hoặc niệm nho nhỏ hoặc niệm thầm.
• Ngoài việc niệm phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay.
• Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối.
• Nếu đã tu hành phải tự hiểu là công phu phước đức của ta hải còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương.
• Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người.
• Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa bại hoại.
• Hãy xem mọi người như là bồ tát, mà ta chỉ là phàm phu.
• Nếu quả có thể tu hành được như vậy, thì nhất định được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT