Recent Pages: 1 2 3
Lộ trình thành đạo của Bồ-tát Siddhartha
Quảng Tánh
Chính thiền Quán với tuệ minh sát có năng lực soi chiếu phá tan si ám về tự ngã, thường hằng để thấu triệt sự thật vô ngã, vô thường của vạn pháp đồng thời làm sụp đổ những kiết sử căn bản vốn là thành trì của sanh tử luân hồi nhằm chứng đạt giải thoát tối hậu, chính là phát kiến vĩ đại của Bồ-tát Siddhartha.
Đêm Bồ-tát Siddhartha vượt thành xuất gia, cả hoàng thành Kapilavatthu chìm trong im ắng và hoang lạnh. Không khí chia ly buồn thương man mác như bao trùm khắp các ngã đường của kinh thành mỗi nơi Ngài đi qua. Bồ-tát Siddhartha cảm nhận rất rõ ràng dù Ngài không hề ngoái lại. Siddhartha quyết tâm ra đi với tất cả nhiệt huyết của tuổi xuân, quyết tìm ra chân lý để giải quyết vấn đề khổ đau sinh tử cho mình và cho cả muôn loài.
Sau khi vượt sông Anomà, Siddhartha cởi hoàng bào, cắt tóc trao cho Channa đem về trình báo phụ hoàng, tạm biệt người hầu cận trung thành và ngựa Kanthaka yêu quý, Ngài nhắm rừng xanh thẳng tiến. Người thanh niên, vị đông cung thái tử đã để lại phía sau tất cả dư âm của một đời sống vương giả, hiện thân làm đạo sĩ lang thang trong rừng xanh núi thẳm, với lộ trình phía trước dường như vô định, chưa biết về đâu.
Năm năm tầm sư học đạo, bấy giờ Bồ-tát còn được gọi là đạo sĩ Gotama đã gặp hai vị thầy nổi tiếng đương thời, đó là Alàra Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Tại đạo tràng của đạo sư Alàra Kàlàma, Bồ-tát Siddhartha đã chứng được Vô sở hữu xứ, một thiền chứng thâm sâu thuộc tầng thứ ba của Tứ không định. Đạo sĩ Gotama được mời ở lại để lãnh đạo, dẫn dắt đồ chúng nhưng Ngài thấy rằng: “Giáo lý này không dẫn đến buông xả, không tận diệt ái dục, không dẫn đến chấm dứt, không dẫn đến thanh bình an lạc, trực chứng, giác ngộ và Niết Bàn” nên từ giả ra đi.
Rời Alàra Kàlàma, Bồ-tát lần tìm đến với đạo sư Uddaka Ràmaputta. Tại đây, đạo sĩ Gotama đã chứng đạt Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thiền chứng cao nhất trong tam giới và trong tất cả các đạo sĩ đương thời. Uddaka Ràmaputta cũng thỉnh cầu đạo sĩ Gotama ở lại lãnh đạo đồ chúng nhưng Bồ-tát vẫn thấy rằng thiền chứng này tuy rất thậm thâm nhưng vẫn chưa đạt đến giác ngộ và Niết-bàn, nên giả từ ra đi.
Với thời gian dài đến năm năm, tuy không đạt được giác ngộ tối hậu nhưng Bồ-tát Siddhartha đã thành tựu kinh nghiệm về thiền định, nhất là thiền Chỉ với các thiền chứng của Tứ không định rất sâu xa, tịch tịnh. Lúc rời xa vị thầy Uddaka Ràmaputta danh tiếng nhất, kỳ thật Bồ-tát cũng không biết phải nương tựa vào ai. Trong tận cùng của niềm cô độc, tiếng gọi khổ hạnh bỗng trở nên réo rắt gọi mời. Trong tín niệm đương thời, các đạo sĩ luôn đề cao khổ hạnh, xem đó là cửa ngõ duy nhất để diệt trừ tất cả tội lỗi cũng như phiền não, mở toang cánh cửa u tối vô minh, thành tựu giải thoát tối hậu.
Những khu rừng xanh tốt và thâm u xứ Uruvela là thánh địa của những đạo sĩ khổ hạnh. Đạo sĩ Gotama tìm đến để thực hành khổ hạnh cùng với năm người bạn đồng tu, nhóm đạo sĩ Kondanna. Thêm sáu năm trường khổ ải, đạo sĩ Gotama đã tận lực đi theo con đường khổ hạnh, tự đọa đày. Ngài tinh tấn đến độ vượt thắng tất cả mọi hình thức khổ hạnh của các đạo sĩ đương thời, có thể nói là bậc đệ nhất khổ hạnh và đỉnh cao là ngấp nghé bờ vực của sự tự hủy diệt. Trong tình trạng sắp đối diện với cái chết, đạo sĩ Gotama chợt nhận ra rằng: Khổ hạnh không đưa đến giác ngộ. Đời sống vương giả của bậc đế vương hưởng thọ dục lạc là chìm đắm trong sanh tử thì đã đành nhưng đời sống khổ hạnh đến tận cùng cũng chỉ làm thân thể suy kiệt, tinh thần héo úa và nhất là bế tắc trong việc khai mở tuệ giác, chỉ phí công vô ích mà thôi.
Bồ-tát Siddhartha tiếp tục trầm tư về con đường đưa đến giác ngộ. Có một đạo lộ nào khác nữa chăng? Nhớ đến thời thơ ấu, trong buổi lễ hạ điền Ngài đã thể nhập Sơ thiền, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sanh. Một ý tưởng sáng chói chợt hiện ra nơi Ngài là hướng nội và xả ly. Đạo sĩ Gotama liền quyết định từ bỏ khổ hạnh, thọ dụng bát sữa của Sujata, tắm rửa ở dòng sông Neranjara, bắt đầu một phương pháp thực tập hướng nội theo tinh thần Trung đạo, tránh xa hai cực đoan. Sau khi sức khỏe được hồi phục, tinh thần minh mẫn, định tỉnh trở lại, Bồ-tát Siddhartha đến cội bồ-đề hạ quyết tâm thiền định.
Trong lúc Bồ-tát phát đại nguyện dù thịt nát xương tan, nếu chưa giác ngộ thì không rời khỏi cội bồ-đề thì nhóm đạo sĩ Kondanna từ bỏ Ngài ra đi. Họ khinh ghét Ngài vì đã thối thất, không đi đến tận cùng con đường khổ hạnh. Còn lại một mình trong rừng thiêng nước độc, bốn bề hoang lạnh, đối diện với vô vàn hiểm nguy, Bồ-tát thể nhập thiền định với quyết tâm sắt đá, ý chí kim cương. 49 ngày đêm tọa thiền dưới cội bồ-đề là cuộc chiến hàng phục nội ma và ngoại chướng vô cùng cam go và cuối cùng Ngài đã chiến thắng.
Trong đêm cuối cùng, trước khi tuệ giác bùng vỡ, kinh sách ghi rằng Bồ-tát hướng đến giác ngộ tối hậu bằng cách tuần tự nhập Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền. Trên nền tảng Tứ thiền, Bồ-tát vận dụng “tâm định tỉnh, thanh tịnh, không còn ô nhiễm, nhu nhuyến, dễ uốn nắn, dễ xử dụng, giác tỉnh, vững chắc và không thể lay chuyển”, hướng tâm ấy về tuệ giác “Hồi nhớ những kiếp sống quá khứ”. Ngài liền nhớ lại nhiều kiếp sống quá khứ với đầy đủ các chi tiết. Ðó là tuệ giác đầu tiên, Túc mạng minh, Bồ-tát Siddhartha chứng ngộ vào lúc canh Đầu, đêm Thành đạo.
Tuệ giác và tịnh lạc đã phát sanh, nhưng Bồ-tát vẫn giữ chánh niệm, tự giác tỉnh, tiếp tục hướng tâm ấy về “Sự hiểu biết hiện tượng sanh và diệt của chúng sanh”. Ngài thấy rõ chính hành vi tạo tác của mỗi người là tác nhân đưa họ sanh tử luân hồi trôi lăn trong ba cõi. Bồ-tát chứng Thiên nhãn minh, tuệ giác thứ hai vào canh Giữa, đêm Thành đạo.
Ngài tiếp tục hướng tâm ấy đến “Tuệ hiểu biết sự chấm dứt các lậu hoặc”. Vào canh Cuối của đêm Thành đạo, lúc sao Mai vừa mọc, Bồ-tát chứng được Lậu tận minh. Màn đêm tăm tối của dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu đã bị phá tan và trí tuệ bùng phát. Ngài biết rằng: “Ta đã được giải thoát. Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc cần làm đã làm xong, không còn trở lại đời này nữa”. Ngài chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Từ đây, Ngài được tôn xưng là Đức Phật với mười danh hiệu: Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật-Thế Tôn.
Trải qua vô lượng kiếp hành Bồ-tát đạo, và trong kiếp hiện tại Bồ-tát Siddhartha cũng phải bao phen khó nhọc, dám hy sinh cả thân mạng mới có ngày huy hoàng, thành Bậc Giác Ngộ, Thế Tôn, Phật Thích Ca Mâu Ni dưới cội bồ-đề.
Có thể xem Tam minh (Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh) là nội dung chứng ngộ của Bồ-tát Siddhartha trong đêm Thành đạo. Tam minh là tuệ giác của thiền Quán được Đức Phật phát triển và thành tựu dựa trên nền tảng thiền Chỉ của Tứ thiền. Chính sự khám phá này của Thế Tôn, về sau đã trở thành nguyên tắc cơ bản cho sự tu tập và thăng chứng của các Tỷ-kheo đệ tử.
Kinh Đại Sư Tử Hống (Trung Bộ I) tóm tắt lộ trình tu tập của vị Tỷ-kheo bằng cách chứng nhập từ Sơ thiền đến Tứ thiền, rồi từ Tứ thiền chuyên tâm tu tập thiền Quán vô ngã, vô thường, loại trừ mười kiết sử để lần lượt chứng đắc bốn Thánh quả và đạt Niết-bàn tối hậu.
Có một đạo lộ khác để thành tựu giác ngộ là từ Tứ thiền, hành giả tiếp tục đi sâu vào Tứ không định. Tuy nhiên, Thế Tôn thường cảnh tỉnh phải xuất Phi tưởng phi phi tưởng xứ để nhập cảnh giới Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu. Tốt nhất là nên dừng lại ở Vô sở hữu xứ, rồi tu tập Tứ vô lượng tâm (Từ, Bi, Hỉ, Xả) để băng đến Diệt thọ tưởng định trước khi vào Niết-bàn tối hậu (Thích Chơn Thiện, Tăng già thời Đức Phật, tr.229).
Như vậy, dù Bồ-tát Siddhartha đã trải qua vô lượng kiếp tu tập Bồ-tát đạo, mang trong mình năng lực và bản nguyện của vị Bồ tát Nhất sinh bổ xứ nhưng nội dung tu tập và chứng ngộ của Ngài thật cụ thể, rõ ràng mà hàng đệ tử hậu thế có thể lần theo dấu xưa để thành tựu Thánh quả A-la-hán.
Mặt khác, Tứ thiền và Tứ không định tuy là những thiền chứng của ngoại đạo hoặc là những dạng thức thiền Chỉ, theo Phật giáo, nhưng có vai trò rất quan trọng, làm nền tảng cho thiền Quán để phát huy tuệ giác nhằm thành tựu giải thoát, chứng đắc Niết-bàn.
Chính thiền Quán với tuệ minh sát có năng lực soi chiếu phá tan si ám về tự ngã, thường hằng để thấu triệt sự thật vô ngã, vô thường của vạn pháp đồng thời làm sụp đổ những kiết sử căn bản vốn là thành trì của sanh tử luân hồi nhằm chứng đạt giải thoát tối hậu, chính là phát kiến vĩ đại của Bồ-tát Siddhartha.
Nếu không có phát kiến thiền Quán thì Bồ-tát Siddhartha không thể thành đạo, thành Phật cũng như không có đạo Phật ở thế gian này.
Cho nên, Phật không thành đạo mà chỉ có Bồ-tát Siddhartha thành đạo. Và thiền định Chỉ-Quán từ ngàn xưa cho đến ngàn sau vẫn là tinh túy, cốt tủy của pháp hành trong Phật giáo có tác dụng chuyển hóa, đưa hành giả từ phàm phu lên Thánh vị.
Nguồn: ÐPNN
ÁNH TRĂNG VỚI Ý NGHĨA CHÂN LÝ
TRONG ĐÊM THÀNH ĐẠO
Thích Tâm Tôn
Cùng với thời gian vô cùng tận, không gian vô biên tế, cái đẹp cũng tồn tại với một ý nghĩa rất bao la mà con người khó có thể khám phá cho thật tường tận bằng tri thức của mình. Cuộc đời đức Phật là cả một lịch sử hùng tráng hướng đến tìm kiếm cái đẹp và xây dựng lý tưởng cái đẹp trong cuộc đời.
Giáo lý được Ngài thiết lập là một hệ thống mỹ học thể nghiệm nội tại, có ý nghĩa vô cùng phong phú đối với đời sống nhân sinh. Cái sinh động trong hệ tư tưởng của Ngài là ở chỗ, từ những gì đạt được chính mình, bằng mọi phương tiện Ngài hướng đến khai triển cho tất cả cùng được thể nhập. Đó là ý nghĩa kỳ diệu của ngón tay chí về cái đẹp – vầng trăng. Vầng trăng ấy chính là biểu tượng hàm chứa cái chân lý toàn vẹn ý nghĩa sống không chỉ cho phạm trù nhân sinh mà còn có ý nghĩa cho khắp tất cả vạn hữu trong vũ trụ này. Vì vậy, ý nghĩa hiện sinh của ánh trăng về chân lý trong đêm thành đạo của ẩn sĩ Siddhattha Gotama không chỉ có ý nghĩa biểu trưng ý thức về cái đẹp, mà còn hướng đến xây dựng hoàn mãn cái đẹp đối với hoàn cảnh một nhân sinh và thiết lập biểu tượng chân lý về chánh pháp. Đó là ba ý nghĩa hàm chứa trong một sự thể “thành tựu giác ngộ” thông qua hình ảnh “vầng trăng” sẽ được khai triển nơi đây.
Ý NGHĨA VỀ Ý THỨC CÁI ĐẸP
Có một điểm đặc biệt mà truyền thống Phật giáo ghi nhận là hầu hết những sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật đều diễn ra vào những đêm trăng tròn. Ngài đản sanh vào đêm trăng tròn tháng tư, xuất gia và nhập diệt vào đêm trăng tròn tháng hai, và đặc biệt điểm móc son sáng ngời nhất là sự kiện thành đạo vào đêm trăng tròn tháng chạp. Đây phải chăng là điểm khơi nguồn cho một hệ tư tưởng mới về ý nghĩa chân lí vừa mang giá trị thẩm mỹ, vừa mang tính giá trị giải thoát thông qua ánh trăng mà ẩn sĩ Siddhattha muốn thiết lập.
Xét về khía cạnh nghệ thuật, có thể nói ánh trăng là hìnhảnh toàn vẹn nhất biểu trưng cho cái đẹp lẫn ý nghĩa hiện hữu.Bao giờ trăng cũng là nguồn cảm hứng vô tận đối với tâm hồn nghệ sĩ để hướng đến sự sinh động trong thế giới nghệ thuật. Ngay cả một dũng tướng chỉ quen với chuyện đao binh như Trần Hưng Đạo mà cũng không kềm nỗi cái thú trước một “bến trăng thanh” để rồi cảm khái:
“Đêm nghỉ bến trăng thanh
Bỗng hay đầy thú lạ
Thơ theo bút tuôn dòng”.
Nhưng cũng có thể nhìn nhận, chính do sự toàn bích không bị chi phối bởi những giới hạn của nó mà khiến cho cái cảm thụ chịu sự chi phối bởi những giới hạn của con người hình thành nên những “khuyết tật” trong tâm thức. Có nghĩa là, cũng ánh trăng đó nhưng khi đi vào tâm hồn có khi nó làm cho người ta cảm thấy tịch liêu hiu quạnh đến ngút ngàn, có khi lại gợi buồn khúc chiết miên man, có khi lại tạo ra cái bâng khuâng cảm khái sâu xa, có khi lại là cái hồn nhiên nhàn nhã…Mà tất cả đó có thể đều là những tâm trạng cần đạt tới nơi tâm hồn nghệ sĩ thế gian. Bởi đỉnh cao của nghệ thuật trần gian được người ta đánh giá như là sự lạc mất trong tiếp xúc thẩm mỹ. Và sự lạc mất này chính là tiêu chí xác định mức độ say mê hay ngây ngất trong nghệ thuật. Giai thoại thi hào Tô Đông Pha hiểu nhầm chữ “minh nguyệt” trong câu thơ Vương An Thạch tặng là một trong những minh chứng cho cái “khuyết tật” thẩm mỹ ấy. Đó có lẽ là do ảnh hưởng cái bệnh của hồn thi sĩ bị “nàng nguyệt” ám ảnh, mà rõ ràng ông cũng đã từng có lần nhầm trong tâm thức khi ngắm ánh trăng rằm trên sông Xích Bích: “vọng mỹ nhân hề thiên nhất phương”- vời trông người đẹp ngập phương trời.
Và cũng có thể vì cái khuyết tật bởi căn bệnh say tình với“nàng nguyệt” mà Lý Bạch đã nhào xuống sông để rồi phải ôm trăng mà chết, không kịp nhìn nhận sự lạc lầm.
Có lẽ cũng vì lí do đó mà đức Phật có vẻ như phản đối tính cách hấp dẫn của mọi hình thái nghệ thuật. Theo Ngài, nghệ thuật có ảnh hưởng gây cảm xúc và đưa cảm xúc đi xa, gợi lên một cảm ứng hoà điệu, làm cho tâm trí khó hướng nội. Nó có khuynh hướng khơi dậy các mối dục vọng đam mê phấn khích, trong khi quan điểm của Ngài là cần làm lắng dịu dục vọng. vì thế mà trong Giới học căn bản, đức Phật có dạy rằng: “Bất ca vũ, xướng, kỹ; bất vãng quan, thính”-không được ca, múa, hát, đàn; và cũng không được đi xem, nghe. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy đức Phật không phủ nhận một cách tuyệt đối tính chất nghệ thuật có chiều hướng tích cực như trong kinh Trường Bộ.Sau khi nghe một khúc nhạc do nhạc thần Càn Thát Bà tên Ngũ Kế biểu diễn, Ngài khen ngợi chàng nhạc sĩ ấy về sự hoà điệu giữa giọng ca và âm ba trình tấu qua dây đàn bằng gỗ vàng Beluva với bài hát xiển dương chánh pháp.
Điều đó có thể ví von rằng, bầu không khí luôn cần cho sự sống của con người, nhưng mỗi người có một hơi thở khác nhau tuỳ theo thể trạng và tâm trạng mỗi người. Cũng vậy, cái đẹp của ánh trăng nói riêng và cái đẹp trong nghệ thuật nói chung luôn là mọt phần tất yếu của cuộc sống. Song nó ảnh hưởng đến đời sống như thế nào đều là do thái độ và cách cảm thụ ở mỗi người. Cũng ánh trăngđó nhưng nó sáng sủa hay tịch liêu, lạc lõng hay nồng nàn, buồn hay vui, động hay tịnh…đều tuỳ thuộc tâm trạng của mỗi người. Nhưng dầu sao cũng đồng tình với quan điểm của Platon- một triết gia Hy Lạp cổ đại: “cái đẹp là hào quang của chân và thiện”. Đó chính là cái đẹp về phong thái nghệ thuật giải thoát ở thiền sư.Tức thiền sư bao giờ nhìn về, tâm cũng thoát khỏi sự say mê để thể nhập vào nguyên lí tịch tịnh sáng soi nội tại mà Phật giáo gọi là chơn tâm. Cái chơn tâm ấy chính là điểm mà Nguyễn Du hướng đến và được thi vị hoá qua ánh trăng:
“Đạt chân tâm kính quang như nguyệt
Xử sĩ môn tiền thanh giả sơn”.
-Tâm người đặng sáng tỏ như trăng
Trước nhà ẩn sĩ non xanh biết.
Đó chính là phong thái ngắm trăng của người nghệ sĩ Phật giáo. Trước sự huyền ảo của trăng, người nghệ sĩ Phật giáo ngắm trăng không phải để đưa hồn mình vào sự mê mẫn của những thứ sắc màu hấp dẫn đê mê, mà là liên tưởng đến cái bình diện của ý thức để nhận thấy những cái hão huyền hư ảo, để tìm về với cái chân thật của thế giới tự tại ung dung giải thoát:
“A ha trăng nát nửa vừng
Trải vàng áo rồng bên đường người đi
Bụi mờ che khuất tà huy
Phất phơ ảnh mộng bước về ngã không”
HồNgạn Ngữ
Khi thoát khỏi tầng độ cảm xúc thì rõ ràng không còn đòi hỏi phải có một đối tượng về một cái đẹp mới cảm thụ được, mà có thể tất cả lúc này đều trở nên đẹp và đẹp tyuệt vời. Lúc này, chỉ có sự thể nhập hoà điệu trong các pháp để hoá thân vào cái vô cùng tận của thế giới nhiệm mầu đầy ý nghĩa theo cái nhìn của Phật giáo:
“Trong khoảnh khắc- tìm thấy cái vĩnh hằng,
Thấy thế giới bao la- trong từng hạt cát,
Trong lòng bàn tay- thấy cái vô cùng tận,
Và thấy cả bầu trời- trong một đoá hoa.”
-W. Bleik-
Ý NGHĨA XÂY DỰNG HOÀN MÃN CÁI ĐẸP
Trong cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, nếu người nghệ sĩ nhân gian đi theo tiếng gọi xa xăm nào đó đồng cảm với những huyết mạch thổn thức nơi tâm hồn, thì người nghệ sĩ Phật giáo lại hướng về cái thực tại nơi chính nó. Nguyên lí đích thực của thực tại này khởi nguồn từ một nhân cách mang tính hoàn thiện. Lý tưởng thẩm mỹ Phật giáo là ở chỗ “Thành tựu giác ngộ”, hay nói theo châm ngôn Hy Lạp là “Hãy thành tựu thể tánh của mi”. Trong tiến trình xây dựng cái lí tưởng ấy luôn có một sự thử thách lớn lao, đó là sự đối đầu đầy cam go giữa ý chí, nghị lực, tinh thần đại dũng với những vọng tình mê muội. Tất cả đó đều được minh chứng bằng quá trình chiến đấu nội tại để thành đạo của đức Phật. Minh chứng đó chúng ta cũng có thể liên tưởng thông qua sự hiện hữu của ánh trăng trong quá trình hoàn thiện giá trị thẩm mỹ trong nó.Đây là ý nghĩa của năng lực vận hành đi lên của hìnhảnh ánh trăng, hay chính là năng lực hoàn thiện Thánh quả từ mọt chúng sanh.
Nếu mặt trời luôn y nhiên tự tại, không có một loại sinh thành nào; thì trái lại mặt trăng là một tinh tú có đầy có vơi, một tinh tú hiện hữu tuân theo định luật sinh thành chung của các pháp. Cũng như loài người, mặt trăng có một lịch sử cảm động vì sự suy giảm của nó như một tất yếu của đặc tánh luân hồi. Sự biến lặng của trăng vào bóng tối không phải là vĩnh viễn. Tự bản chất nó phục sinh nhờ năng lực vận hành của riêng nó. Đó là biểu trưng cho năng lực giải thoát nhân sinh được phát huy trong vòng luân chuyển bằng năng lực chính mình. Sự phản hồi bất tuyệt về hình tướng nguyên thuỷ tròn đầy của trăng chính là biểu tượng của quá trình “Thành tựu thể tánh” một cách viên mãn. Như vậy, thì ra chính vòng tuần hoàn không dứt ấy làm cho mặt trăng trở thành tinh tú của nhịp điệu sống vô cùng sinh động. Những tuần trăng là biểu hiện cho những quá trình sống tiến triển thăng hoa của nhân sinh vũ trụ mà đức Phật chính là điển hình tuyệt đối nhất.
Ánh sáng của trăng tròn không rực rỡ chợt choé bừng lên nhưmột tia chớp, và cũng không chói lọi gay gắt như ánh sáng mặt trời giữa trưa, nhưng nó có thể soi tỏ cả càn khôn vũ trụ.
“Nguyệt bạc vừng xanh, soi mọi chỗ thiền hà lai láng;
Liễu mềm hoa tốt, ngất quần sanh tuệ nhật sâm lâm”.
Trần Nhân Tông
Sự giác ngộ hay thành đạo của đức Phật không bộc phát một cách bất ngờ như tia chớp cắt ngang một vầng mây ám, mà là một quá trình xua tan tất cả những ngăn ngại mê mờ,để cuối cùng là sự tự soi sáng và chiếu tỏ muôn phương; và thế là màn vô minh biến mất, tựa “khi ánh sáng xuất hiện thì bóng tối tự tan dần”. Theo lời tường thuật của đức Phật trong Kinh Trung Bộ (MN-36), ta thấy rằng sựkiện giác ngộ của đức Phật kéo dài suốt ba canh. Điều này phù hợp với Ngài xác định “Giáo lí của Ngài theo tiến trình tuần tự, không có sự thể nhập đột ngột tựphát của tri kiến; ví như bờ biển không đột ngột sâu xuống mà cứ tuần tự xuôi dần”.
Như vậy, ta có thể hình dung ra sự giác ngộ của đức Phật kéo dài trong nhiều giờ khắc. Với tâm trí cực kì minh mẫn, mọi khả năng trí tuệ của Ngài được điều động và tập trung lại vào cùng một thời điểm, để rồi toả sáng nhưánh trăng. Không có gì gọi là “xuất thần” trong sự giác ngộ này cả, vì đó không phải là một trạng thái ở ngoài tự thân hay mê mẫn tâm trí. Cách tìm cầu trạng thái này của đức Phật cũng không phải là sự mò mẫn mù quáng trongđêm tối. Ngài biết thật chính xác đối tượng nào cần hướng đến. Ngài nhìn thẳng vào thực trạng (Khổ đế)của cuộc đời, tìm nguyên nhân (Tập đế), rồi xác định con đường hướng đến (Đạo đế). Như vậy, đó phải là cả một quá trình của sự vận hành năng lực trí tuệ đểcho nguồn sáng chân lí toả chiếu diệu dụng như ánh trăng vào đêm thành đạo.
Sự giác ngộ ấy còn tiến xa hơn nữa để khai triển cái tri kiến ra nhiều lĩnh vực nhận thức mới. Cái tri kiến Ngài khám phá bên ngoài cùng với tuệ giác tinh hoa ở nội tâm chan hoà như những khối pha lê đúc kết thành một giáo pháp tinh anh như vầng mặt nguyệt. Trong ánh hoà quang sáng ngời của sự giác ngộ, một hệ tư tưởng mới được tạo nên từ những yếu tố mới và cũ hoà đồng một cách vi diệu, và cuối cùng vượt hẳn lên mọi tri kiến để trở thành chân lí phổ quát soi tỏ vạn hữu.
Truyền thống Phật giáo nguyên thuỷ cho rằng, sự đắc quả vô thượng giác ngộ của đức Phật đã biến Ngài từ một nghệ sĩ thành một nhà tư tưởng và cuối cùng vượt hơn tất cả để trở thành người chứng đạt chân lí. Điều hi hữu là dònặot tưởng sáng tạo của đức Phật chứng tỏ vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Ngài giác ngộ. Đó là ý nghĩa diễn tiến liên tục của nguồn sáng ánh trăng biểu trưng cho giá trị tồn tại vĩnh hằng của chân lí được đức Phật thể nghiệm. Chân lí ấy là nguyên lí vận hành vô hạn khắp không gian và không thay đổi cùng thời gian, được Nguyễn Du ta thán:
“Nguyên dạ không đình nguyệt mãn thiên,
Y y bất cải cựu thuyền quyên”.
Sân vắng đầu năm trăng sáng khắp,
Vẫn y nhiên tại đẹp nguyên màu.
Và cái chân lí ấy cũng được nhà thơ thiền hiện đại tự hoá điên Bùi Giáng gợi hỏi gả “Cùng tử” đang lang thang trong cuộc đời này:
“Em về mấy thế kỷ sau,
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không.”
Nếu ánh sáng của mặt trăng là sự hợp nhất của những gì huyền diệu tự nhiên, xua tan sự u tịch của đêm trường, lan rộng bao trùm khắp muôn loại; thì ánh sáng hào quang dịu vợi của đức Phật lại toả soi khắp bản thể vô biên, làm tan biến mọi tối tăm của bao cực đoan quan kiến nơi tâm hồn nhân loại. Thật là toàn mỹ biết bao khi hai vầng sáng nội tại và ngoại tại cùng chan hoà nhịp nhàng trong nguồn sáng vô tận, khiến cho toàn thể sâu thẳm của cuộc đời đều được khai sáng một cách tuyệt vời nhất:
“Thử phong, thử nguyệt, dữ thử nhân;
Hợp thành thiên hạ tam kì tuyệt.”
-Trần Anh Tông-
Ý NGHĨA THIẾT LẬP CHÂN LÍ CHÁNH PHÁP
Tư tưởng không thể hoàn mãn mà không có sự hỗ trợ tối thiểu của ngôn ngữ biểu tượng. Để đi vào thuyên giải biểu tượng, không chỉ có nương vào những phương tiện liên hệtrong vũ trụ, cũng như ý nghĩa cũa ngôn từ mà còn bằng cảthể nghiệm về nó. Ý nghĩa của biểu tượng là cái mà trongđó ta đối diện với sự thật một cách cần thiết đểhướng tới nắm bắt thực tại tính được chỉ rõ trong chúng. Do đó, thể nghiệm biểu tượng là mọt tát yếu căn bản giúp chúng ta trưởng thành sự chân thật.
Nếu ngôn từ có thể chuyển tải toàn vẹn mọi sự thể ở thế gian này, thì có lẽ sẽ không còn một hình tượng nào được xem là biểu tượng của những gì cao tột nữa. Phải chăng, chính sự giới hạn của ngôn ngữ ấy mà mọi pháp đều còn hiện hữu một cái gì đó huyền bí của riêng mình. Đểkhám pha những miền huyền bí vi diệu, phần còn lại là đi tìm sự thật bằng nguồn tâm thức lắng đọng vượt ra ngoài ngôn ngữ. Vì vậy mà đức Phật tuyên bố: “Nhất thiết Tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ”-tất cả Kinh Phật thuyết chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi. Đó chính là giá trị của sự tịch nhiên tĩnh lặng mà đức Phật thể nhậpđược ở bản thể tịnh minh dưới ánh trăng của đêm thành đạo để rồi tiến tới hình thành tư tưởng biểu tượng cho chân lí.
Tiêu chí của sự kết tinh những vầng trăng tri kiến giác ngộtrong thiền học chính là: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.Phương thức ấn chứng ấy điển hình ở sự bắt đầu từcái mĩn cười của Ngài Ca Diếp khi đức Phật đưa cành hoa sen lên giữa hội chúng tại Linh Sơn. Và phải chăng cũng bởi cái “khuyết tật” của ngôn ngữ “hữu tự” chính thiền học tĩnh giác ấy mà tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân dựng lên cái nạn cuối cùng của thầy trò Đường Tăng trên sông Thông Thiên Hà trong Tây Du Ký. Vì cho ràng thầy trò Tam Tạng đã chứng quả nên A-Nan và Ca-Diếp truyền cho Vô Tự Chân Kinh (Bất thuyết nhất ngữ) mà Phật đã tuyên bố lúc cuối cuộcđời: “Suôt 49 năm, Như Lai không nói một lời”. Thấy Kinh“ vô tự” Tam Tạng đổi lại Kinh “hữu tự”. Vì không thực hiện lời hứa hỏi về nguyên thuỷ kiếp rùa cho rùa thần Thuỷ Nguyên, nên thầy trò Tam Tạng bị hất cả xuống sông, làm cho tất cả Kinh “hữu tự” bị ướt. Kinh ướt phải phơi, khi phơi Kinh thì trang cuối bị dính vào đá bóc không ra, và bộ Kinh thiếu phần kết. Thiếu phần kết nên Kinh “hữu tự” trở thành Kinh “vô tự”. Thế là cái nghiệp chấp danh tự được giải quyết xong và thầy trò Tam Tạng không còn gặp tai nạn nữa.
Đó cũng là cái chết mà Trần Nhân Tông tỉnh giác trong bài Hữu Cú vô Cú:
“Hữu cú vô cú
Tự xưa tự nay
Quên trăng ngắm ngón
Chết đuối trên bờ”.
Ánh trăng được xem như là biểu tượng của sự tĩnh lặng (vô ngôn) hay là cái thể của chân lí. Đối với Bồ Tát, im lặng là đặc tính của sự tỉnh giác: “Im lặng là sanh địa quyền năng, im lặng đồng nghĩa với quyền năng tối thượng”.Khi đạt đến sự im lặng, tức là đạt đến đỉnh cao của sự hợp nhất giữa con người và thực tại tính xã ly:
“Ngồi trong vườn nguyệt lộ
Hôn một màu trăng non,
Nghe lòng vui cười rộ
Chạy băng đồi vô ngôn”.
-Quảng Hạnh-
Tất cả mọi sự chấp thủ dù là tích cực hay tiêu cực đều là mê lầm. Chính vì chấp thủ mà phải bị giam hãm mãi, giống như một con nhện tự giam mình trong màng lưới do chính mình kết nên. Vượt khỏi mọi sự bám víu chính là trạng thái siêu thoát của nguyên lí vô thức tịch tĩnh trong thiền học, hay còn gọi là trạng thái Ba-La-Mật mà Phật giáo hướng tới. đạt đến đó tức là đã thể nhập cùng ánh trăng chân lí giữa bến miền an nhiên tịch tịnh vô biên:
“Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên
Hơn bốn mươi năm những hão huyền,
Nhắc bảo các người đừng gạn hỏi
Bên kia trăng gió rộng vô biên”.
Pháp Loa
Và cái miền “Bên kia trăng gió rộng vô biên” ấy được phát hoạ qua bức tranh thiền sư Siddhattha đang ngồi an tịnh, hồn nhiên với đôi mắt lim dim thư thái hướng về ánh trăng chiếu sáng xa xa nơi phương trời, như gợi nơi tâm ta một niềm hân hoan thanh nhàn tự tại.
Cuối cùng, cũng vào đêm trăng tròn tĩnh lặng giữa rừng Sala, đức Phật đã ân cần di giáo cho toàn thể đệ tử với những lời giáo huấn thiết tha như gởi lại tất cả tâm huyết của cuộc đời mình: “Khi nói tới chân lí, Như Lai không hề có bàn tay nắm chặt của người Thầy còn muốn giữ lại điều gì.” Thế nên chân lí đã được Ngài thi thiết và khai triển sáng ngời ở thế gian như biểu tượng vầng mặt nguyệt tròn đầy tỏ soi.
Thời gian cứ trôi qua, mọi thứ đều đã, đang và sẽ nhạt nhoà trong lớp bụi của nó, chỉ có viên ngọc bích toàn chân giải thoát là vẫn mãi toả sáng rạng ngời với muôn thuở. Mặc dầu đức Phật đã tịch diệt từ lâu, song chúng ta vẫn còn thấy Ngài như vẫn gần gũi với chúng ta, tiếng nói của Ngài vẫn còn vang vọng bên tai ta, khẽ bảo ta đừng lìa xa sự phấn đấu, hãy bình tĩnh mà đối phó với vọng tình, hãy nhìn thẳng vào cuộc đời để nhận ra những cơ hội lớn hơn, tự rèn luyện mình trở thành một nhân cách trác tuyệt, một chân thiện mỹ trong cuộc đời. Thông qua ý nghĩa thành đạo, ước mong sao tất cả đều biết phấn đấu để tự hoàn thiện mình trở thành một hiện hữu mang đủ ý nghĩa của cái đẹp và xa hơn nữa là để làm biểu tượng cho cuộc đời này. Đó cũng là những gì mà người viết muốn thông quấnh trăng để làm tiêu đề dẫn đạt ý tưởng trong đêm thành đạo của đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni chúng ta.
Nha Trang, Linh Sơn Pháp Bảo-PL 2551.
ĐÊM TUỆ GIÁC VÔ CÙNG
Thích Nữ Tịnh Quang
Đêm tối, trần gian le lói những vì sao, những vì sao sáng băng qua rồi vụt mất… vạn đại ngôi sao lấp lánh trên nền trời tinh hoa tư tưởng, khoa học… đã được thắp sáng và truyền thừa bất tận để đáp ứng nhu cầu căn bản cho nhân thế, trước hết là khỏe mạnh, no cơm ấm áo, các phương tiện thích thời, xa hơn là nhu cầu xử thế, và đặc biệt là khát vọng tri thức…hàng vạn vĩ nhân đã hút mất trong cõi thiên thu vô cùng nhưng sự cống hiến và âm hưởng của họ vẫn bất diệt đến bây giờ và nghìn sau nữa. Trong tất cả các vĩ nhân mà nhân loại đã mang ân thì Đức Phật Thích Ca là vị ân nhân lớn nhất của nhân loại. Hơn hai nghìn năm trăm năm đã trôi qua, ân sủng tuệ giác và từ bi mà Đức Phật đã suốt đời phục vụ cho chúng sinh vẫn còn rực sáng và được truyền thừa đến hôm nay kể từ sau đêm thành đạo-chứng đạt tuệ giác vô thượng dưới cội cây Bồ đề bên dòng sông Ni Liên Thiền, nước Ma kiệt Đà thuở ấy.
Vì lòng từ bi vô lượng, thái tử Sĩ Đạt Ta đã từ bỏ danh vọng uy quyền, cung vàng điện ngọc, vợ đẹp con thơ, một mình vào rừng học đạo, sau sáu năm khổ hạnh rừng già và trải qua bốn mươi chín ngày đêm tham thiền nhập định, chịu đựng cái nóng bỏng hãi hùng của ngày hè và sương lạnh vô vàn khi đêm xuống…nhưng với ý chí đại hùng đại lực và tình yêu bất tận đối với chúng sinh ngài đã vượt qua tất cả, cuối cùng đêm thứ bốn chín lúc ánh sao mai vừa ló dạng ngài đã chứng nghiệm được chân lý tối hậu và trở thành một vị “thiên nhân sư”, vị Phật-người đã giác ngộ viên mãn, bậc Thầy của Trời và Người.
Sự chứng ngộ của Đức Phật là sự chứng ngộ lý duyên sinh (thập nhị duyên sinh) của vạn hữu, khởi nguồn từ vô minh ( sự hiểu biết sai về vạn hữu) đã khiến cho chúng sinh luân hồi đau khổ triền miên; giác ngộ được thực tại duyên sinh, ngài đã khám phá ra chân tính của sự vật, của vũ trụ và muôn sinh, tất cả đều ở trong thế sinh trụ dị diệt (sinh thành, tồn tại, biến hoại và tan mất), mọi vật được kết cấu từ nhiều yếu tố, không có cái gì bắt nguồn và sáng tạo từ một, tất cả là sự tương hợp và vô ngã. Với tuệ giác vô ngã, ngay lúc sao mai vừa hé của đêm thứ bốn mươi chín Đức Phật đã trực ngộ được chân tâm thanh tịnh sáng suốt và hằng hữu đã luân lưu trong dòng chảy duyên sinh đó, ngài đã khám phá ra rằng trong dòng duyên sinh huyễn hoặc, mọi vật đều bình đẳng trước vô thường-khổ và vô ngã, vì không nhận thức được thực tại duyên sinh vô ngã, vì vô minh cho nên chúng sinh bị luân hồi trong sáu nẻo khổ đau: Trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỉ, và súc sinh.
Kể từ đêm thành đạo đó, ngài đã thành lập giáo đoàn và đi chu du khắp xứ Ấn Độ cùng các nước lân bang để rao giảng tình thương, với sức mạnh của tuệ giác và đức từ bi vô lượng, ngài đã giải phóng mọi tín điều và giai cấp mà truyền thống Ấn giáo đã cho rằng tất cả đều là sự sắp đặc của ý chí Phạm thiên (Brahma) và đã gây ra không biết bao nhiêu khổ đau hệ lụy cho con người. Trên căn bản Tứ diệu đế ngài đã xóa tan mọi ý thức hệ, ý chí nô lệ từ bên ngoài và củng cố lại tiềm năng tự chủ trong dòng sinh diệt bất biến của con người. Giáo pháp tuệ giác trong đêm thành đạo đó cho đến nay vẫn luôn mới mẻ, và đã trở thành tiêu đề cho sự sáng tạo và những bước đột phá trong sự phát minh khoa học cũng như tạo cảm hứng cho các dòng chảy của văn học, thi ca và nghệ thuật đạt đến sự viên mãn dựa trên căn bản khai phóng ý thức.
Thừa hưởng trí tuệ và từ bi của Đức Phật, người Phật tử luôn luôn an tĩnh trước mọi sự biến động để cống hiến chất liệu trí tuệ từ sự thiền định, khám phá những định luật mới, cống hiến những nhu cầu căn bản để phục vụ sự sống. và biết cách kềm chế những dục vọng cá nhân, giải quyết những sự xung đột của bản thân và thế giới, và đem đến hoà bình thực sự cho thế giới xuyên qua việc nhận thức rằng mỗi việc đều phải do tự mình quyết định. Trên căn bản từ bi, người Phật tử thừa hưởng đức từ bi của Đức Phật bằng những hành vi bất bạo động với những lợi ích thiết thực cho tự thân, gia đình và xã hội, đặc biệt, đệ tử Phật không bao giờ được cầm gươm đao giết hại chúng sinh để ăn máu thịt, tất cả đều bình đẳng trước Phật tánh, mọi loài đều có quyền được sống như nhau, và địa cầu này không chỉ là dành riêng cho sự sống con người chúng ta nhưng cả muôn loài sinh vật đều cộng hưởng thái bình. Người Phật tử thực hành giáo lý giác ngộ của đức Phật đã tin tưởng vào lòng từ bi vô hạn của ngài bằng hành động cơ bản bất sát để kiến tạo một thế giới dung thông đúng nghĩa của hòa bình và tình yêu thực sự. Chính vì thế hơn hai nghìn năm trăm năm lịch sử, Phật giáo đã truyền bá từ Đông sang Tây một cách hài hòa, không gây tổn thương đến một giọt máu của đồng loại và các chúng sinh khác.
Với tuệ giác vô cùng, sau đêm thành đạo đó muôn loài đều được thừa hưởng ân huệ của Đức Phật một cách bình đẳng. Ánh sáng giác ngộ và từ bi của ngài đã soi chiếu khắp nhân gian, các tù nhân của sự nô lệ ý thức được khai phóng, các loài thú rừng tìm đến ngài để mong cầu sự che chở và yêu thương thực sự…Một bình minh mới xuất hiện trên ý thức tồn sinh của nhân loại như vừng nhật treo cao sau những đêm dài u buồn và lạnh cóng. Ánh sáng ấy bắt nguồn từ căn bản của tuệ giác và từ bi, vì có trí tuệ cho nên ranh giới sai biệt đã được tháo gỡ, con người mới tôn trọng nhau hơn, tất cả mọi giá trị về truyền thống, văn hóa và dân tộc để phục vụ cho quyền lợi nhân sinh được Phật tử tôn trong một cách bình đẳng, như truyền thống Thần mặt trời sáng tạo vũ trụ, truyền thống Thiên đế cai quản nhân gian, truyền thống Thượng đế tạo ra mọi loài, truyền thống trăm trứng nở trăm con…tất cả đều là tinh hoa cao cả của nhân loại, không có sự cao thấp và hơn thua trong những bối cảnh khác biệt. Ý thức tự chủ sau đêm thành đạo đã xóa tan sự thống trị độc quyền và mở ra một chân trời mới cho nhân loại trên căn bản quyền lợi của con người, như quyền bình đẳng, quyền được nói, quyền làm người, quyền được sống, quyền được yêu thương…không ai có quyền ỷ mạnh hiếp yếu, vâng, trước phật tánh không những con người mà con vật vẫn cần phải có quyền (súc quyền), muôn loài vẫn có quyền để sống và quyền được yêu thương. Thừa hưởng sức mạnh từ tuệ giác vô thượng và lòng từ bi vô lượng của đức Phật, mỗi ngày hàng triệu thú vật được giài thoát khỏi cảnh đầu rơi máu chảy kể từ đêm tuệ giác vô cùng.
Đêm thành đạo hàng Phật tử chúng ta trầm tư trong ân sủng của đức Phật, chúng ta nên ngồi xuống thiền tư, tịnh tu ba nghiệp, quán chiếu chân tâm thực tướng; không nên mua bán khoe trương, nhảy nhót đàn ca… để thỏa mãn dục lạc. Thế giới đang nhiễu nhương, cảm niệm ân đức vô lượng của đức Phật chúng ta hãy thật trầm tĩnh lắng lòng chiếu kiến những gì nên làm và những gì không nên vì những nỗi đau khổ mà muôn loài đang gánh chịu: hằng triêu người đang đói khát cơ hàn, khổ đau dai dẳng của cuộc chiến tàn dư, quân nhân đang phơi thây trên chiến trường bom đạn, súc sinh đang bi chặt bị hầm… vô lượng đau thương thống thiết; Phật tử chúng ta không có gì để thỏa chí khi muôn loài vẫn còn rên xiết lầm than…! Chúng ta cần phải làm gì để ánh sáng tuệ giác và từ bi của Đức Phật được trãi dài trên nhân lộ, tình yêu thương bất diệt thực sự được thực thi trên hành tinh xanh tuyệt đẹp này?
Kỷ niệm Đêm thành đạo, chúng ta hãy thắp lên tuệ giác vô cùng và lòng thương yêu vô tận của Đức Từ tôn bằng sự thực tập chánh niệm trong mỗi bước chân trong từng ý tưởng và trao truyền chất liệu trí tuệ và tình yêu thương của đức Phật cho những ai đang còn ngủ vùi trong quên lãng. Mọi loài đang chờ đợi lòng từ bi của Phật tử chúng ta, những người con Phật đã và sẽ đem đến ánh sáng của tình yêu chân thực cho muôn loại chúng sinh cùng quần cư trên quả địa cầu này.
Chùa Huê Lam, Garden Grove Mạnh đông 2010
ĐỨC PHẬT LÀ BẬC GIÁC NGỘ
Thích Thông Huệ
Đức Phật giác ngộ tức đã đạt Niết bàn. Niết bàn được xem là mục tiêu cứu cánh của đạo Phật, chỉ trạng thái tâm thức đã gột sạch hết mọi vô minh phiền não, sự giải thoát khỏi các kiết sử tùy miên, sự đoạn diệt hoàn toàn mọi tham ái, sự dập tắt tham sân si, trạng thái an tịnh tuyệt đối không còn bị bốn tướng Sinh-lão-bệnh-tử chi phối nữa. Niết bàn là cứu cánh của người tu Phật.
Ngược dòng thời gian cách đây trên 2500 năm, vào một ngày trăng tròn, có một bậc vĩ nhân xuất hiện ở đời. Ngài sinh vào cung vua Tịnh Phạn năm 563 trước Tây Lịch. Đó là thái tử Sĩ Đạt Ta, sau thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Ngài là một con người sống trong nhung lụa cao sang, hạnh phúc gia đình đầm ấm và có quyền uy tột đỉnh nhưng tự tại với mọi cám dỗ của ngũ dục lục trần. Ngài đã tự nguyện từ bỏ tất cả, vượt thành xuất gia sống cuộc đời Sa môn khổ hạnh nơi núi rừng, trải qua biết bao gian khổ, dãi nắng dầm sương, vượt núi băng rừng, hết học với các bậc ẩn tu thì nỗ lực thực hành công phu tu tập. Ngài đã tuyên thệ một lời sắt đá:“Ta ngồi nơi đây, nhất tâm thiền định, dù thịt nát xương tan, nếu chưa chứng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, ta quyết không rời chỗ này.” Ngài trải qua 49 ngày đêm hành trì dưới cội cây Tất Bát La bên bờ sông Ni Liên Thuyền, cuối cùng thành tựu Đạo quả Vô thượng.
Ngày đản sinh và Đêm thành đạo là hai dấu ấn quan trọng bậc nhất của cuộc đời Đức Phật và là hai ngày trọng đại nhất đối với những người con Phật chúng ta. Sau đó, trong suốt 49 năm hoằng dương chánh pháp, Ngài đã triển khai vi diệâu pháp để cứu độ chúng sinh, rồi mới đến giai đoạn cuối cùng của cuộc đời là thể nhập Niết bàn tự tại.
Đức Phật chính là người tự chủ trong thị hiện Đản sinh và thị hiện Niết bàn. Ngài nhập diệt ở rừng Ta la Song thọ. Năm ấy Ngài 80 tuổi. Trước khi ra đi, Ngài đã để lại lời dạy tối hậu, sau này kết tập thành Kinh Di Giáo, đó là lời dạy vô cùng quý báu cho tất cả hàng đệ tử xuất gia. Sau khi Đức Phật Niết bàn thì hỏa thiêu, toàn thân xá lợi chia thành tám phần cho tám nơi theo sự sắp đặt của Ngài. Ngài là bậc đản sinh vi diệu, hoằng pháp vi diệu và nhập Niết bàn vi diệu. Ngài không phải là bề trên, không phải là đấng thần linh có quyền ban phước giáng họa cho ai, mà Ngài là Vô thượng Y vương trị tâm bệnh cho chúng sinh. Ngài là bậc Đạo sư, vị Thầy dẫn đường chỉ dạy cho chúng sinh phương pháp thoát ly sinh tử và đưa chúng sinh qua khỏi biển khổ trầm luân .
Đức Phật giác ngộ tức đã đạt Niết bàn. Niết bàn được xem là mục tiêu cứu cánh của đạo Phật, chỉ trạng thái tâm thức đã gột sạch hết mọi vô minh phiền não, sự giải thoát khỏi các kiết sử tùy miên, sự đoạn diệt hoàn toàn mọi tham ái, sự dập tắt tham sân si, trạng thái an tịnh tuyệt đối không còn bị bốn tướng Sinh-lão-bệnh-tử chi phối nữa. Niết bàn là cứu cánh của người tu Phật.
Nhà Phật định nghĩa: Mêlà chúng sanh, giác ngộ là Phật. Có thể ví như lưng bàn tay và lòng bàn tay . Mê và giác không phải là hai thể, không phải hai đường, hai lối mà là cùng một thể, một lối. Chẳng hạn, người khi nằm ngủ thấy cảnh mộng và người khi hết mộng vẫn là một người , người khi mê là đang ở trong trường đại mộng và khi hết mộng tức là giác, là tỉnh.
Hòa thượng Trúc Lâm đã nói trong bài thơ Mộng:
“Gá thân mộng,
Dạo cảnh mộng.
Mộng tan rồi,
Cười vỡ mộng.
Ghi lời mộng,
Nhắn khách mộng.
Biết được mộng,
Tỉnh cơn mộng.”
Chính vì vậy, mê lầm và giác ngộ không phải là hai lối, nhưng với thức tâm phân biệt của chúng sanh cần rạch ròi mới dễ hiểu. Hiểu được rồi, chúng ta sẽ thấy khi trở về con người chân thật của mình không phải hai thể, hầu như không có khoảng cách. Không có khoảng cách ở đây cũng như sóng và nước. Sóng đi tìm nước là một điều bi đát, sai lầm. Giống như nhà Thiền nói: “Một người ở dưới sông, nước sông trong vắt nhưng người ấy lại thấy khát nước”. Vì thế nhà Phật mới nói: “Người vác Phật đi cầu Phật.”
Nếu con người gột hết tham sân si, phiền não, tật đố, vô minh thì sẽ thành Phật. Chúng sanh và các Bậc Giác ngộ chỉ là một thể. Phật tánh vốn có sẵn nơi mỗi chúng ta, nhưng vì vô minh tạo nghiệp, thọ thân nên cứ cho thân giả tạm là mình mà quên đi cái chân thật . Người nào thường quên cái giả mới sống gần được cái thật, cho nên nhà Thiền mới hướng dẫn chúng ta tu để nhận ra cái chân thật mà không lầm lẫn với cái giả tạm kia.
Đức Phật đã giác ngộ, đã hoằng pháp 49 năm, đã trao truyền lại cái mà Ngài đã ngộ, đã thấy, đã chứng nhập để chúng sanh được nghe, được biết. Chính vì thế, Đức Phật là Bậc Giác ngộ. Ngài đã khai sinh ra đạo Phật. Đạo Phật là đạo giác ngộ. Còn tứ chúng đệ tử Phật, hay thất chúng đệ tử Phật đều là con của Phật, là con của Bậc Giác ngộ. Nếu chúng ta mê thì không xứng đáng là đệ tử Phật, vì sự nghiệp của người tu là giác ngộ, nên người đệ tử của Phật cần phải giác không được mê. Kinh điển A-hàm, Nikaya, Đại Thừa, Thiền Tối Thượng Thừa đã triển khai rất nhiều khía cạnh để mở ra cho chúng ta một chân trời thênh thang của sự giác ngộ. Chúng ta cần giác ngộ để sống đời an vui hạnh phúc, vì đã giác ngộ thì sẽ không còn sống trong bóng đêm u tối. Nếu bóng đêm ngự trị thì chúng ta không có ánh sáng, nhưng dù cho chúng ta sống trong bóng tối mà nhận được đạo lý thậm thâm thì sẽ mở mang được sự giác ngộ và mê lầm sẽ lùi dần ra khỏi tâm trí chúng ta.
Chúng ta học được đạo lý giác ngộ thì phải gia tâm chiêm nghiệm, phải khai phát ra ánh quang minh trong từng thời khắc khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn uống, tiếp xúc để sống vui và sống khỏe. Người giác ngộ lúc nào cũng tỉnh cũng giác. Người tu không bao giờ tạo nghiệp ác, nghiệp xấu vì họ luôn sống trong nội tâm an hòa, vui cho bản thân và vui cho mọi người.
Kinh Kim Cang có nói đến “Lý một hợp tướng”. Đây là một bộ kinh rất quan trọng của Phật giáo Đại Thừa mà Đức Phật đã triển khai. Vua Trần Thái Tông đang khi đọc kinh liền đại ngộ. Đặc biệt Lục Tổ Huệ Năng khi nghe kinh đến câu: “Ưng vô sở trụ, nhisanh kỳ tâm” liền thoát nhiên đại ngộ.
Thân của chúng ta được kết hợp bởi sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc được tạo thành từ đất, nước, gió, lửa. Nếu rời yếu tố vật chất và tinh thần thì không thể có thân tâm chúng ta. Tướng trạng mà chúng ta nhìn thấy được do hòa hợp và hiện ra một pháp, một hiện tượng mà Duy thức học gọi là: “Nhậm trì tự tánh, quỹ sanh vật giải.”Mỗi pháp đều có khuôn khổ, nhìn vào tướng trạng đều có thể biết được pháp đó. Nếu thông hội được pháp thì sẽ biết pháp được hòa hợp bởi nhân và duyên, bằng những yếu tố khác nhau. Mỗi pháp tồn tại trong sự tương thuộc lẫn nhau, kết hợp lẫn nhau để hình thành nên một hợp tướng. Hòa hợp thì có mặt, không còn hòa hợp thì tan rã. Đó là lý tương sinh và tương khắc. Nếu như thấy được thân này là một hợp tướng, là vô ngã, không có chủ thể thì nhìn tất cả các pháp cũng chỉ là một hợp tướng. Như vậy, khi thấy được tất cả đều do duyên hợp thì đều không thật có, không có chủ thể. Nếu chúng ta đem ánh bình minh giác ngộ đó mà soi rọi vào tất cả mọi ngõ ngách của cuộc đời thì sẽ thấy được tất cả đều là giả, mà giả thì đâu thực có. Tam đoạn luận của Bát nhã đã triển khai điều này. Ở trong thế giới sinh diệt hữu vi, lý một hợp tướng không bao giờ sai biệt trong khoảng thời gian và không gian này. Những người có sức tu thì không rộn ràng. Họ thâm trầm, hướng nội từng thời khắc để chơn trí tỏ rõ. Chúng ta cần có tuệ giác Bát nhã để sống an vui . Đức Phật khi đã giác ngộ rồi thì Ngài đạt được hạnh phúc nhất trần gian. Vua Trần Nhân Tông bỏ ngôi lên núi Yên Tử tu hành, giác ngộ thấy được lẽ thật không mê lầm, không còn bị phiền não, tham sân si, vô minh chi phối nên cũng vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây là dừng lại, nhìn sâu thấy rõ, không còn bị mê lầm.
Lý một hợp tướng không thuộc về có vì không có thật thể, không thuộc về không vì hiện giả có. Đó là ngôn ngữ của Bát nhã. Ở châu Á có nền đạo lý gọi là đạo học, có đạo học thậm thâm thì cần học hỏi mới cứu vãn sự nguy hiểm của tình hình thế giới hiện đại đang có nguy cơ bị hủy diệt do hiệu ứng nhà kính, tan băng Bắc cực, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí, ô nhiễm mặt đất, ô nhiễm nguồn nước. Khoa học đã tạo nên một cuộc sống đầy đủ và sung túc cho nhân loại, nhưng đồng thời con người cũng bị đe dọa bởi bạo lực và chiến tranh, vì khoa học chế tạo ra bom đạn, vũ khí hạt nhân làm ảnh hưởng đến đời sống con người. Bão lụt, động đất, sóng thần mang tính vĩ mô. Tất cả xảy ra đều là do ảnh hưởng của nền khoa học tiên tiến. Nếu chúng sanh hạn chế được tham sân si thì sẽ sống trong tinh thần tương thân, tương ái và con người ngày càng minh triết hơn. Nếu còn nuôi dưỡng tham sân si thì đó là cái họa của chiến tranh. Các nhà khoa học cần được đạo đức tâm linh soi đường. Đạo Phật là đạo của trí tuệ và từ bi . Chính vì vậy mà Liên Hiệp Quốc đã chọn đạo Phật là đạo đem đến hòa bình, an lạc cho cả thế giới .
Các pháp giả hợp có nhiều phương diện diễn đạt và triển khai gọi là duyên khởi tánh không mà trước đó là hữu vi duyên khởi. Hữu vi là có sanh, có diệt, có giả hợp. Các Ngài sống vượt ra khỏi trạng thái sinh, diệt, ly, hợp và vượt lên thói thường, sống trong thế giới siêu nhiên, gọi đó là Niết bàn. Thân này có mặt bằng những yếu tố không phải thân. Thân không có ngã, không có chủ thể, thân là vô thể. Điều này rất khoa học, vì Đức Phật chưa bao giờ ru ngủ tín đồ.
Câu chuyện Ngài Phật Ấn và Tô Đông Pha đã cho chúng ta thấy đây là đôi bạn thân nhiều đời , nhiều kiếp. Phật Ấn tu hành, làm sư sãi ở chùa sống bằng trí tuệ Bát nhã. Tô Đông Pha là nhà thơ ở đời Đường, rất thông minh, hiểu Phật pháp nhưng không có chỗ ngộ vì còn đam mê trần gian huyễn mộng, sống vương giả, năm thê bảy thiếp. Một bữa nọ, Phật Ấn theo hỗ trợ cho Tô Đông Pha tọa thiền. Sau khi xả thiền, Phật Ấn đã giúp Tô Đông Pha nhận ra chân lý sáng ngời: “Tâm tịnh thì tất cả các pháp đều thanh tịnh, tâm như các pháp như, tâm bình thế giới bình.”Tô Đông Pha sau khi được Phật Ấn nâng đỡ đạt đến trình độ hiểu Thiền thâm hậu , ông đã lưu xuất một bài thơ nổi tiếng:
“Lô-sơn yên tỏa , Chiết-giang triều
Vị đáo sanh bình hận bất tiêu
Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự
Lô-sơn yên tỏa, Chiết-giang triều.”
Nghĩa:
Mù tỏa Lô-sơn, sóng Chiết-giang
Khi chưa đến được hận muôn ngàn
Đến rồi về lại không gì khác
Mù tỏa Lô-sơn, sóng Chiết-giang.
Toàn bộ nhân sinh vũ trụ đều là duyên khởi tánh không. Con người gồm có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Tất cả đều là giả hợp duyên khởi , tức là duyên hợp thì có sáu đối tượng thu nạp để tiếp thu vào bên trong. Nghĩa là mắt phải tiếp xúc với trần cảnh gọi là sắc, tai phải tiếp xúc với tiếng, mũi tiếp xúc với mùi, lưỡi tiếp xúc với vị, thân tiếp xúc với xúc và ý thì duyên với pháp trần. Bên trong có sáu căn, bên ngoài có sáu trần nên gọi là thập nhị xứ. Thập nhị xứ bao gồm: bên trong có sáu nội xứ, bên ngoài có sáu ngoại xứ, nhưng đặc biệt ở chỗ là: mắt không bao giờ nghe được tiếng, tai không bao giờ thấy được sắc … Mỗi căn đều có trần tương ứng để tiếp thu và phân biệt. Mắt thấy sắc thì sanh tâm phân biệt gọi là nhãn thức. Tai nghe được tiếng liền sanh tâm phân biệt gọi là nhĩ thức. Mũi ngửi được mùi bèn sanh tâm phân biệt gọi là tỷ thức. Lưỡi nếm được mùi vị nên sanh tâm phân biệt gọi là thiệt thức. Thân tiếp xúc với xúc trần gọi là thân thức. Ý căn tiếp xúc với pháp trần phát sinh ý thức.
Như vậy sáu căn, sáu trần và sáu thức gộp lại gọi là Mười tám giới phân biệt, nên mới có thân, tâm và cảnh giới này. Sáu thức tâm phân biệt và sáu căn bên trong là nhân sinh quan. Còn sáu trần bên ngoài là vũ trụ quan. Vũ trụ quan là sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Sáu căn, sáu trần tác động giao thoa rồi mới sinh ra sáu thức, nhưng nếu tách rời sáu thức ra khỏi sáu căn và sáu trần thì sáu thức cũng không hiện hữu được. Căn, trần và thức đều là duyên khởi nên là tánh không. Tánh không bao trùm tất cả vũ trụ vạn loại, nên nhà Phật mới suy tiến lý như huyễn như mộng của các pháp.
Hòa thượng Trúc Lâm đã từng nói đến tri vọng: “ Sáu căn là vọng, sáu trần là vọng, sáu thức phân biệt là vọng. Nếu con người buông xả các chấp hư vọng thì mới sống được với lẽ chân thường, nên nói cuộc sống này là huyễn mộng và hư vọng như giấcchiêm bao.” Kinh Kim Cang nói: “Nhược kiến chư tướng phitướng tức kiếnNhư Lai ” nghĩa là nếu thấy được tất cả tướng trạng đều phi tướng thì sẽ thấy được Như Lai. Do chúng ta chấp thật nên mới kết tập thành chủng nghiệp, đam mê rồi tạo nghiệp triền miên khổ ải. Các Ngài sống bằng tâm thinh lặng, chân chất tự cõi lòng nên nhìn sâu và thấy rõ bằng trí tuệ Bát nhã. Còn chúng ta sống bằng tâm phân biệt nên tùy theo cách nhìn mà mỗi người trở thành phàm phu hay thánh nhân.
Thân con người có sinh, già, bệnh và chết. Các pháp giữa thế gian có sinh, trụ, dị, diệt. Một chu kỳ của vũ trụ có thành, trụ, hoại, không. Nếu con người giữ được tâm bình tĩnh thì cận tử nghiệp sẽ nhẹ nhàng và có sức tự tại. Thiền sư Duy Tín đời Tống nói rằng: “Sãi tôi khi mới tu thì thấy núi là núi, sông là sông; nhưng khi sãi tôi tu một thời gian, có được công phu thì thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông; sau ba mươi năm tuhành sãi tôi giác ngộ, hoàn toàn tự tại thì lại thấy núi vẫn là núi và sông vẫnlà sông, y nhiên như thị.”Pháp không thật có nên gọi là diệu hữu, Pháp không thật không nên gọi là chơn không. Không mà chơn, hữu mà diệu. Có nhưng rất vi diệu vì không phải ở trạng thái phàm phu để nhìn nữa nên liền chuyển Ta bà thành Tịnh Độ. Khi ánh giác bùng lên thì khắp cả thế gian ngập tràn ánh giác; rồi lúc ánh giác tắt lịm, vô minh nghiệp chướng ùa đến thì cõi ấy là Ta bà khổ đau. Tịnh Độ hay Ta bà nằm trong tâm của chúng ta.
Rõ ràng tất cả các pháp đang hiện hữu nhưng hiện hữu một cách ước lệ, tồn tại trong sự chuyển động vô thường, tồn tại trong sự tương thuộc liên hệ chằng chịt những yếu tố nhân duyên. Các pháp đang tồn tại trong chuyển động và giả hợp nên các pháp không đứng yên một cách cố định và không tự độc lập hình thành mà phải vay mượn. Chính vì thế mà nói các pháp vì vô thường giả hợp mà có mặt một cách ước lệ chứ không phải thực có. Nếu hiểu được như thế thì chúng ta sẽ thấy các pháp đều phi và không nên chấp.
“Nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai.” Như là nơi không bị phân tâm, Lai là nhìn, thấy và nghe nhưng không mất đi trạng thái bất biến đó. Đức Phật từ Nhưmà đến cõi này. Ngài đạt đến bất biến mà tùy duyên cứu độ chúng sanh trong 49 năm, và 80 năm hiện hữu trên cuộc đời này là một điều vi diệu. Ngài như một đóa hoa sen vươn lên khỏi bùn nhơ nước đục, tỏa hương sắc dâng hiến cho đời. Hoa sen tượng trưng cho tánh vô nhiễm, ở trong trần mà Ngài không nhiễm trần, ở thế gian mà Ngài xuất thế gian.
Đức Phật sống tự tại và vô nhiễm giữa cuộc đời. Phật là Bậc Giác ngộ, Pháp là đuốc soi đường, Tăng là người đưa đường chỉ lối. Phật đã nhập Niết bàn, Pháp còn đó và nhờ Tăng hoằng dương. Phật tử đến chùa,“Tiên bái trụ trì, hậu bái ThíchCa” vì chính nhờ quý Thầy mà Phật tử mới biết đến giá trị của Phật và Pháp.
Đức Phật đã đạt được Niết bàn tự tại, thế nào là Niết bàn?
Niết bàn là đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si. Niết bàn là dập tắt tham, dập tắt sân, dập tắt si. Dịch ra là vô vi, tịch diệt, diệt độ. Nếu nói theo nhà Thiền thì Niết bàn là tâm của chúng ta. Niết bàn là giác, là bản tâm thanh tịnh xưa nay, là chơn tâm, Phật tánh của chúng ta.Hay nói cách khác, Niết bàn là đương thể của tâm vô nhiễm. Trong Phật giáo, Niết bàn bao gồm: Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn. Nhà Phật phân loại Hữu dư Niết bàn và Vô dư Niết bàn như sau:
Cách phân loại thứ nhất :
Hữu dư Niết bàn là gì? Người tu hành đạt được trạng thái không sinh tử, vượt qua sinh tử đến bến bờ an vui giải thoát hoàn toàn, nhưng nhục thân này còn ở lại trên thế gian. Đó là Hữu dư Niết bàn. Các vị A la hán sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, việc làm đã xong, không còn sinh tử nữa, nhưng phần nhục thể còn tồn tại thì đó là dư tàn của nghiệp.
Vô dư Niết bàn là gì? Người tu hành đạt được trạng thái vô nhiễm rồi xả bỏ báo thân lại cuộc đời và phần nhục thể không còn nữa, hoàn toàn không còn dư báo ở thân này thì gọi là Vô dư Niết bàn.
Cách phân loại thứ hai :
Quả đầu tiên gọi là Tu đà hoàn. Quả thứ hai là Tư đà hàm. Quả thứ ba là A na hàm. Quả thứ tư là A la hán. Tu đà hoàn, Tư đà hàm và A na hàm là ba quả chưa đoạn sạch phiền não, dư tàn tập khí còn lấp loáng, vì còn dư tàn đó nên gọi là Hữu dư Niết bàn.
Người còn thân này trên cuộc đời, nhưng đạt được quả A la hán, đạt được vô sanh, không còn dư tàn phiền não, không còn nhiễm dục trần thì nội tâm hoàn toàn thanh tịnh, dẹp sạch tâm hành, ở trong trạng thái lặng lẽ của bổn tâm gọi là Vô dư Niết bàn.
Trong Kinh Nikaya có những pháp thoại liên tưởng đến Niết bàn, Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo! Có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có hư không vô biên … không có phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau; không có cả hai mặt trăng, mặt trời. Do vậy, này các Tỳ kheo! Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Đây là sự đoạn tận khổ đau.”
Pháp thoại thứ hai liên tưởng đến Niết bàn, Đức Phật dạy:
“Này các Tỳ kheo! Có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ kheo! Nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.”
Cuộc đời này có cái hữu vi, sanh diệt, giả hợp nhưng hư không thì không có sanh diệt, không có giả hợp. Pháp hữu vi có tướng trạng còn hư không thì không có tướng trạng. Cái gì có hữu vi, có tướng trạng, có sanh diệt, có giả hợp thì có thời gian tồn tại và sau đó sẽ hủy diệt. Còn cái không thuộc về hữu vi, không thuộc về tướng trạng, rỗng rang thì muôn đời bất diệt. Hư không không hạn lượng tuổi thọ, chính vì vậy hư không rất tự tại. Còn thân chúng ta gió thổi bay, nước mưa ướt, lửa đốt cháy, nước nhấn chìm, nhưng hư không thì vô nhất vật, tự tại.
Cuộc sống của chúng ta có lúc vui buồn, sướng khổ, đắc thất, thịnh suy. Có thể sánh cuộc đời chúng ta như dòng sông, dòng sông có lúc nước dâng cao, lúc hạ xuống thấp, lúc nước đục ngầu, lúc nước trong veo, lúc nước chảy xiết, chảy cuồn cuộn, lúc nước chảy hiền hòa.
Và đây là pháp thoại thứ ba liên tưởng đến Niết bàn:
“ Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động; cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có giao động thời có khinh an, có khinh an thời không có thiên về, không có thiên về thời không có đến và đi, không có đến và đi thời không có diệt và sanh, không có diệt và sanh thời không có đời này, không có đời sau, không có đời giữa. Đây là sự đoạn tận khổ đau. ”
Niết bàn cũng rất tự tại như hư không, người đạt đến Niết bàn là người sống an ổn, vui vẻ nhất trên cuộc đời này, là người vượt khỏi sinh, lão, bệnh, tử. Diễn tả chân lý Niết bàn, Đức Phật đã vận dụng một loại hình ngôn ngữ thật khó hiểu, nhưng nhờ tu tập với trình độ tương đối có thể thâm nhập được bằng công phu thì chúng ta có thể hiểu: Hư không không có nương tựa vào nơi nào cả nhưng hư không có mặt ở khắp mọi nơi một cách tự tại. Ngài Huệ Năng nói: “Bản lai vô nhấtvật, hà xứ nhạ trần ai.”Thiền sư Minh Chánh nói : “ Chẳng hiểu bản lai vô nhất vật,công phu luống uổng một đời ai .”
Chúng ta tu để trở về trạng thái vô nhất vật, tức là bản tâm bản tánh của chúng ta, trở về Đạo-nhân vô-y (Cái gì có nương tựa , cái đó có giao động; cái gì không nương tựa, cái đó không giao động). Những người đạt đến trạng thái bất động của tâm thì không bao giờ giao động trước tiền cảnh, đó là sự thể nhập của người tu, đó là sự thú vị, tiêu diêu chơn thế giới, khoái lạc hưởng vô biên. Trước khi bắt đầu học đạo, trước khi thấy được Phật, Ngài Xá Lợi Phất gặp Tỳ-kheo A Thị Thuyết trì bình khất thực với dáng vẻ tự tại, an nhiên thì trong lòng dâng niềm quý kính, liền xin hỏi đạo lý và được Tỳ kheo A Thị Thuyết trình bày về lý duyên sinh. Ngài Xá Lợi Phất đạt được sơ quả, liền nhờ Tỳ kheo A Thị Thuyết đưa đến gặp Đức Phật và sau đó đạt được A la hán quả. Ngài Mục Kiền Liên nghe Ngài Xá Lợi Phất nói bài kệ lý duyên sinh của A Thị Thuyết cũng liền ngộ đạo.
Tóm lại, Đức Phật là Bậc Giác ngộ, đã đạt được Niết bàn. Ngài đã giúp chúng ta có được ánh sáng giác ngộ, hiểu được ý nghĩa Niết bàn là tối hậu của người tu, mà Đại thừa gọi là Chơn-tâm, Phật tánh, Bản-lai-diện-mục. Từ sự thể nhập đó, các Ngài muốn sanh về cõi nào thì bằng nguyện lực độ sinh chứ không phải bằng nghiệp dẫn nữa.
THIỀN TỰ TRÚC LÂM VIÊN GIÁC
Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hò