Recent Pages: 1 2 3 4 5 6 7
Zen Garden
“Zen” means “to think about anything” and “arrive at the contemplation of”. The purpose of the mini-garden of Zen is to give you the “feeling of the moment”, freeing up mind from life’s fleeting domestic troubles. .According to Eastern philosophy Buddhism, Zen Garden is quintessence symbolizes the excitement and serenity that can give a sense of grandeur to the practicing and the balance through the contemplation of stones and sculptures. .
It is believed that Zen meditation promotes relaxation and as explained in the modern world – fleeting. Your movements become serene, freeing the mind, giving inspiration and creativity. When contemplating a mini-garden of Zen it is possible to feel a new kind of relaxation that allows you to draw upon the harmony and splendor – and in his heart and in mind. .
♫ Thanh Trần Nhã Cầm – Nhạc thiền
Source: YouTube & Wikipedia.org
NIÊM HOA VI TIẾU
Niêm: Cầm đưa lên. Hoa: cái bông. Vi: nhỏ. Tiếu: cười. Niêm hoa: cầm cái hoa đưa lên. Vi tiếu: cười mỉm.
Niêm hoa vi tiếu: nói đầy đủ là: “Thế tôn niêm hoa, Ca Diếp vi tiếu.” Nghĩa là: Đức Phật Thích Ca cầm cái hoa đưa lên, ông Ma Ha Ca Diếp mỉm cười.
Đây là một câu chuyện rất quan trọng của Phật giáo, được xem là đầu mối của Phật giáo Thiền Tông.
1. Theo sách Liên Đăng Hội Yếu, Thích Ca Mâu Ni Phật chương:
“Trong cuộc hội ở núi Linh Sơn, Đức Thế Tôn giơ cành hoa ra hiệu cho đại chúng. Mọi người đều im lặng không hiểu ý gì, chỉ có một mình ông Ma Ha Ca Diếp rạng rỡ mỉm cười. Đức Thế Tôn nói:
– Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, Thực tướng Vô tướng, Vi diệu Pháp môn, bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trao phó cho Ma Ha Ca Diếp.
Xưa nay Thiền Tông đều coi câu nói ấy của Đức Thế Tôn là quan trọng nhứt của Tông môn. Tông nầy lấy Tâm truyền Tâm làm chỗ dựa để khai ngộ.”
Nhưng việc nầy chép ở kinh nào? do ai truyền thuật? Các Kinh Luận đã thu vào trong Đại Tạng đều không thấy ghi chép việc nầy. Các bậc Tông sư đời nhà Tùy, Đường, cũng không có nói đến.
Đến đời Tống, Vương An Thạch mới nói tới việc nầy.
2. Theo sách Tông môn Tạp lục:
“Vương An Thạch, tức Vương Kinh Công, hỏi Tuệ Tuyền Thiền sư:
– Thiền Tông nói Đức Phật Thích Ca giơ cành hoa lên là có xuất xứ ở kinh điển nào?
Tuệ Tuyền đáp:
– Tạng Kinh cũng không thấy chép việc nầy.
Vương An Thạch nói:
– Tôi vào trong Hàn Uyển, ngẫu nhiên thấy có bộ Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, gồm 3 quyển, nhân đó mà đọc, thấy sách ghi chép rất tường tận việc Phạm Vương đến núi Linh Sơn, dâng Phật một cành hoa Ba-la vàng, rồi xả thân làm sàng tọa, thỉnh Phật vì chúng sanh thuyết pháp.
Đức Thế Tôn đăng tọa, giơ cành hoa lên cho đại chúng xem. Nhân thiên trăm vạn không ai hiểu ý gì, chỉ có một vị đầu đà nước da vàng ánh rạng rỡ mỉm cười. Đức Thế Tôn bèn nói:
– Ta có Chánh pháp Nhãn tạng, Niết Bàn Diệu tâm, Thực tướng Vô tướng, trao lại cho Ma Ha Ca Diếp.
Kinh nầy nói nhiều đến việc các đế vương tôn sùng thỉnh vấn Phật, cho nên giữ làm Bí Tàng, người thế tục không được biết đến.” (Theo Từ Điển Phật Học Hán Việt)
Ý NGHĨA:
Ca Diếp thấy Phật đưa cái bông lên mà không nói, Ca Diếp cũng không nói, nhưng nét mặt hớn hở mỉm cười, là ông đã rõ thấu Chánh pháp của Phật, nó ẩn tàng sâu kín vi diệu bên trong, tuy có tướng mà không có tướng. Cái bông là biểu hiệu của Tâm, sự im lặng là biểu hiệu của Pháp. Tâm với Pháp tuy có mà không, tuy không mà có.
Ca Diếp đã biết đem Nhãn với Tâm phối hiệp mà tương ứng nhau. Thần quang từ Mắt phát dụng, mà Thần quang chính là Linh quang của Tự Tánh, nó vốn ở nơi bổn Tâm. Đem Thần quang phối hiệp với bổn Tâm thì Tâm được quang minh tự tại. Còn nếu đem Thần quang vọng ra ngoài, nhiễm lấy trần cảnh thì Tâm bị vọng động hôn mê. Ca Diếp đã dùng Mắt xem Tâm, thâu Thần nơi con Mắt, khiến nó trở về Tâm khiếu, gọi là phép Hồi Quang Phản Chiếu, hay là Phản Bổn Hoàn Nguyên. Ấy là bí quyết về Tâm không, vô chấp vậy.
Phật đưa cái bông lên là ý Ngài đưa cái Tâm duy nhứt lên cho tăng chúng thấy. Thế mà tăng chúng chỉ thấy bông chớ không thấy Tâm. Chỉ có Ca Diếp là thấy được Tâm, quán triệt được chỗ vi diệu của Chánh pháp của Phật, không bị cái tướng của cái bông che mắt, nên mới đạt được Tâm ấn bí truyền của Phật. Vì vậy mà Đức Phật Thích Ca mới giao ngôi Nhứt Tổ Phật giáo cho Ma Ha Ca Diếp.
Câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu nầy được xem là hột giống Thiền mà Đức Phật Thích Ca đã gieo vào Phật giáo lúc Phật còn sanh tiền.
Nhưng hột giống ấy không nẩy nở được ở đất nước Ấn Độ, phải chờ đợi đến đời Tổ Sư thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma, Ngài mới đem hột giống Thiền ấy gieo vào đất Trung Hoa thì nó mới nẩy nở và phát triển rực rỡ vào thời Lục Tổ Huệ Năng, và được truyền lại cho đến ngày nay.
Nguồn: http://www.caodaiebook.info/CaoDaiTuDien/n/n3-003.htm
ĐỨC PHẬT VÀ PHÁP MÔN THIỀN ĐỊNH
VEN. THICH THIEN AN – Quảng Trí dịch
Đôi khi những người mới học Thiền nghĩ rằng Thiền Phật giáo và đạo Phật là hai thứ khác nhau. Trong thực tế, thậm chí một vài người còn hỏi rằng: Thiền và Phật giáo khác nhau như thế nào? Câu trả lời là: Thiền và Phật giáo không hề khác nhau.
Thiền là một pháp môn hay là một trường phái của Phật giáo, và những người thực tập theo pháp môn này xem nó như là cốt tủy của đạo Phật. Tuy nhiên, khi chúng ta dùng từ ‘Phật giáo’ tức là chúng ta muốn nói đến truyền thống tôn giáo bắt nguồn từ những lời dạy của Đức Phật như là một tổng thể; khi chúng ta dùng từ ‘Thiền’ có nghĩa là chúng ta muốn đề cập đến một trường phái hay là một pháp môn tu tập trong truyền thống tôn giáo ấy. Nhưng chúng ta không thể nào tách Phật giáo ra khỏi Thiền mà không làm cho Thiền mất đi tính thiền, cũng như chúng ta không thể nào tách clo ra khỏi muối mà không làm cho muối mất đi vị mặn. Người ta cũng thường nghĩ rằng Thiền của Phật giáo là một hiện tượng tôn giáo đặc trưng ở Nhật Bản. Điều này thường xảy ra đối với những người phương Tây lần đầu tiên tiếp cận với thiền thông qua những tác phẩm của D.T. Suzuki, một học giả vĩ đại của Nhật Bản. Tuy nhiên, dù cho thiền thật sự là hoa trái của văn minh Nhật Bản, trường phái thiền của Phật giáo không bị giới hạn trong đất nước Nhật Bản mà nó còn được phát triển mạnh ở những nước khác nữa. Nguồn gốc của Thiền bắt nguồn từ Ấn Độ, đi theo dòng lịch sử của nó sẽ dẫn chúng ta đến với Trung Hoa, Hàn Quốc, và Việt Nam. Chữ Zen trong tiếng Nhật thật ra là một từ được phát sinh từ chữ Ch’an trong tiếng Hoa, và chữ Ch’an này bắt nguồn từ cách phát âm của chữ Dhyāna trong tiếng Sanskrit, có nghĩa là sự trầm tư hay tham thiền. Ở Việt Nam, chúng ta dùng một chữ tương tự là chữ Thiền. Tuy rằng sự phát âm có khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng phương pháp thực tập thì vẫn giống nhau: phương pháp tham thiền và trầm tư, phương pháp giữ tâm định tĩnh và trầm lắng, phương pháp phát huy những khả năng tiềm tàng của chính mình và sự khám phá ra rằng Phật tính là bản chất đích thực cao quý nhất hiện hữu trong mỗi cá nhân.
Một số người có thể hỏi rằng, ai là người sáng lập ra Thiền của Phật giáo? Khi chúng ta tìm kiếm vị sáng lập của Thiền, chúng ta phải dò tìm ngược trở lại dòng lịch sử lâu dài, những bậc thầy của Thiền tông ở Nhật Bản trong quá khứ, những vị thiền sư ở Trung Hoa và chư vị Tổ sư, cả đến tổ Bồ Đề Đạt Ma, và cho đến chính Đức Phật. Người sáng lập đạo Phật và vị sáng lập ra Thiền của Phật giáo là một, hoàn toàn không có ai khác. Khởi nguyên của đạo Phật và Thiền là sự chứng ngộ của Đức Phật. Vì thế chúng tôi muốn giới thiệu về Thiền của Phật giáo thông qua việc trình bày khái quát về Đức Phật, về cuộc đời của Ngài, về tính cách và những thành tựu của Ngài. Đã có nhiều tác phẩm trình bày chi tiết về tiểu sử cuộc đời của Đức Phật, cho nên chúng ta sẽ không đề cập đến những vấn đề này một cách quá chi tiết như việc trình bày ý nghĩa cuộc đời của Ngài đối với thế giới hiện tại của chúng ta.
Chữ Phật không phải là một tên riêng mà là một danh hiệu, có nghĩa là một đấng Giác ngộ hay một bậc Tỉnh thức. Người được gọi là Phật không phải bẩm sinhđã là giác ngộ, mà cũng giống như chúng ta thôi, không giác ngộ, danh hiệu Phật chỉ là sau này, sau khi Ngài đạt được giác ngộ, và Ngài được gọi là Phật Thích Ca Mâu Ni, đấng Giác Ngộ của dòng họ Thích Ca. Ngài được đặt tên là Tất Đạt Đa Cồ Đàm, và vốn là một hoàng tử, con của một vị vua ở miền Đông bắc Ấn Độ. Mặc dầu chính hoàng tử là người được chọn để làm người thừa kế vương vị, nhưng lúc trưởng thành vị thái tử trẻ này đã cảm thấy không hài lòng với cuộc sống vương giả của mình. Bởi vì thái tử đã thấy được rằng tất cả chúng sanh đều phải bị khổ đau – khổ đau vì sanh, lão, bệnh và tử – và đã ra đi theo tiếng gọi của tâm từ bi, thái tử mong muốn có thể cứu khổ cho muôn loài chúng sanh. Trong những lúc suy tư, thái tử đã nghĩ: “Nếu mình tiếp tục sống trong hoàng cung, làm một vị thái tử và trở thành một vị vua trong tương lai, mình có thể có được hạnh phúc trong một chừng mực nào đó cho chính mình và cho những người xung quanh. Nhưng làm sao mình có thể giúp tất cả chúng sanh tìm được hạnh phúc? Làm sao mình có thể cứu tất cả chúng sanh ra khỏi khổ đau? Phải có một phương pháp nào đó, và chính mình phải đi tìm nó”. Vì suy nghĩ như thế nên thái tử đã từ giã hoàng cung, đi lang thang đến những nơi xa xôi, bên ngoài biên cương của vương quốc mình và rồi đi sâu vào trong các khu rừng để tìm con đường thoát ra khỏi khổ đau, không chỉ cho chính thái tử mà còn cho tất cả chúng sanh.
Con đường mà thái tử đã chọn quả là không dễ đi chút nào. Nó đòi hỏi phải có một sự dũng cảm phi thường và kiên định để có thể từ bỏ quyền thừa kế ngai vàng, từ bỏ tất cả mọi thứ để đi lang thang trong rừng, mặc những mảnh vải thô xấu, cũ kỹ, ăn thức ăn do sự bố thí của tín thí và thường xuyên tu tập thiền định. Có thể là không quá khó khăn đối với chúng ta để từ bỏ một ít tiện nghi để tu thiền, cho đến cả việc từ bỏ gia đình để trở thành những một vị Tăng hay Ni. Nhưng đối với những người có địa vị cao, như là một vị vua, một hoàng tử hay một tổng thống, hoặc là một thống đốc, để từ bỏ mọi thứ nhằm đi tìm hạnh phúc và an vui cho kẻ khác quả là một việc làm không dễ dàng chút nào. Có lẽ đấy là một việc làm khó khăn nhất trong cuộc đời. Nhưng đó là những gì vị hoàng tử trẻ tuổi Tất Đạt Đa đã làm. Thái tử đã bỏ lại sau lưng người vợ đẹp, đứa con yêu, bỏ lại sự giàu sang trong cung vàng điện ngọc, từ bỏ tất cả quyền lực đầy hứa hẹn và cả sự vinh quang mà thái tử sẽ có được để tham thiền ở những nơi thanh vắng xa hẳn sự viếng thăm của người đời. Ở đây chúng ta có thể đặt câu hỏi: Tại sao thái tử làm điều đó? Câu trả lời là tại vì lòng từ bi vô lượng của thái tử. Điều khiến cho thái tử chấp nhận sự hy sinh ấy hết lần này đến lần khác chính là tâm từ bi vô lượng, sự thương cảm sâu sắc của thái tử đối với những khổ đau của người khác và sự quyết tâm của thái tử để tìm cho ra con đường thoát khỏi khổ đau mà tất cả mọi loài đều phải nếm trải. Điều cao quý hơn hết là chính bởi lòng từ vô biên của Ngài và đằng sau những sự hy sinh và những thành tựu của thái tử là lòng từ vô lượng ấy cho nên chúng ta kính mến và cảm phục thái tử.
Sau khi từ giã hoàng cung, thái tử đã tìm đến những bậc thầy yoga nổi tiếng thời bấy giờ để thọ giáo và đã thực tập theo những cách thức thiền định dưới sự hướng dẫn của họ với một sự cố gắng phi thường. Thái tử đã đạt được nhiều trạng thái tâm linh siêu việt, những trạng thái tâm thức vượt lên trên những giới hạn của sự hiểu biết tầm thường của con người. Tuy thế, thái tử nhận thấy rằng chúng chưa phải là thứ tuyệt đối; dù chúng được xưng tụng và ngưỡng vọng, nhưng chúng vẫn chưa phải là cái đích cao quý nhất, sự giác ngộ và niết-bàn. Vì thế, thái tử đã chuyển qua tu tập một phương pháp khác: phương pháp khổ hạnh và tự hành hạ xác thân mình. Suốt 6 năm trường, thái tử đã nhịnđói và hành hạ xác thân, nhưng các phương thức này đã không đem đến sự an bình mà đưa thái tử đến cận kề với cái chết.
Thế rồi, một hôm thái tử đã tự nghĩ rằng: “Suốt 6 năm qua mình đã thực hành thiền định và khổ hạnh ép xác, tìm kiếm chân lý bên ngoài bản thân mình. Nhưng mình đã thất bại, đã không đạt được mục đích. Có lẽ là mục đích ấy, hiện thực ấy, Niết-bàn, nó không nằm ở bên ngoài mà là ở bên trong tâm thức của mình”. Suy nghĩ như vậy nên thái tử đã từ bỏ việc tìm kiếm Niết-bàn như là một thứ gì đó có thể đạt được từ bên ngoài và quay trở về với nội tâm của mình, tìm kiếm chân lý trong chính bản thân. Thái tử đã từ giã những vị thầy yoga, từ giã những người bạn tu khổ hạnh, ra đi một mình, ngồi dưới một gốc cây và bắt đầu thực hành thiền định theo một phương thức mới, “không tìm kiếm chân lý từ bên ngoài mà là từ bên trong”. Thái tử đã thể hiện sự quyết tâm dõng mãnh qua lời nguyện: “Nếu tôi không thành công với phương pháp tu tập này, tôi sẽ không đứng dậy khỏi chỗ này”. Thái tử đã thực tập phương pháp hướng nội này suốt 49 ngày, cho đến một hôm hoát nhiên chứng ngộ và trở thành một bậc Giác ngộ, thành Phật. Bằng cách hướng sự quán chiếu quay vào bên trong, thái tử đã khám phá ra được bản chất đích thực của bản thân, Phật tính, và trở thành một vị Phật. Sự kiện này đánh dấu khởi nguyên của Thiền trong Phật giáo.
Điểm khác biệt trong sự thực hành của Đức Phật lúc Ngài đạt được giác ngộ chính là sự quán chiếu nội tâm. Đây là phương pháp Thiền trong Phật giáo và điều này cũng chứng tỏ sự khác nhau giữa Thiền của Phật giáo với những tôn giáo khác, cũng như với những phương pháp tu tập tâm linh khác. Hầu hết những tôn giáo khác cho rằng có một Đấng siêu nhiên ở trên nhân loại và bảo người ta cầu nguyện và tôn thờ Đấng siêu nhiên ấy, điều này ngụ ý rằng chân lý được tìm thấy từ bên ngoài. Phương pháp của Thiền thì khác nhiều, bởi Thiền cho rằng chân lý chỉ có thể tìm thấy từ bên trong nội tâm của mỗi người chứ không phải từ bên ngoài. Chân lý chỉ có thể tìm thấy từ trong bản chất của chính chúng ta chứ không phải từ một nơi nào khác. Mọi loài hữu tình đều có Phật tính ở bên trong bản thân họ, hạt giống của sự giác ngộ. Trở thành một vị Phật tức là khám phá Phật tính này, nó luôn hiện hữu trong mỗi chúng sanh, và nó mãi mãi tỏa sáng. Nó cũng giống như mặt trăng hay mặt trời. Mặt trăng và mặt trời luôn luôn chiếu sáng và đem ánh sáng đến cho trái đất, nhưng khi chúng bị những đám mây che phủ, chúng ta không thể thấy ánh trăng hay ánh mặt trời nữa. Mục đích là loại bỏ những đám mây đó, bởi vì một khi những đám mây bay đi khỏi thì chúng ta có thể thấy ánh sáng trở lại. Cũng tương tự như thế, trong chúng ta luôn luôn có Phật tính, nhưng khi những ham muốn và những chấp trước của chúng ta che phủ lấy nó, nó không xuất hiện. Tại vì tâm của chúng ta luôn luôn bị chiếm cứ bởi những tư tưởng khó điều phục – những ý nghĩ về sự lo âu, về hạnh phúc, ghen ghét, hờn giận, về bạn và thù – cho nên chúng ta không thể khám phá ra được Phật tính ở bên trong. Tuy nhiên, khi chúng ta khám phá ra được nó thì nó cũng không có gì mới cả. Khi điều này diễn ra, sẽ không có gì khác giữa chúng ta với Đức Phật. Đức Phật không phải là một vị thần hay là một đấng siêu nhiên nào đó. Cũng giống như chúng ta, Ngài vốn là một con người. Sự khác nhau giữa Đức Phật và một người bình thường đơn giản là Đức Phật đã nhận diện được Phật tính của mình còn chúng sanh thì vẫn còn mê mờ về nó. Tuy nhiên, dù cho chúng ta tỉnh giác hay mê mờ, Phật tính vẫn luôn hiện hữu một cách bình đẳng trong tất cả chúng sanh. Vì thế, dù cho chúng sanh bị vô minh che phủ dày đặc nhất cũng vẫn có khả năng thành Phật.
Bởi vì tất cả chúng sanh đều có khả năng giác ngộ nên họ có thể được xem như là những vị Phật tương lai, và trong bản chất sâu kín nhất, họ vốn đã là những vị Phật. Vì thế, khi chúng ta chào nhau ở trong các chùa hay các thiền viện, chúng ta không bắt tay mà là chắp hai bàn tay lại với nhau để thể hiện lòng tôn kính đối với nhau. Tại sao chúng ta làm điều này? Chúng ta làm thế bởi vì những người mà chúng ta gặp là những vị Phật tương lai. Về phương diện tâm linh, đằng sau những khác biệt bên ngoài như là về màu da, chủng tộc, giới tính, quốc gia, mọi người đều bình đẳng, mọi người đều có Phật tính. Khi Bồ tát Tất Đạt Đa đạt được sự giác ngộ, Ngài đã nhận ra rằng Phật tính luôn hiện hữu một cách bình đẳng trong tất cả các loài hữu tình. Vì thế, suốt cuộc đời Ngài luôn chỉ dạy rằng tất cả chúng sanh, về cơ bản, đều như nhau và nên đối xử với nhau một cách bình đẳng, không phân biệt. Ngài đã phản đối lại hệ thống đẳng cấp vốn phổ biến rộng khắp trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ, một hệ thống đã phân chia con người thành những nhóm cố định dựa trên nền tảng của những phân biệt do chính con người tạo ra. Ngài đã dạy rằng: “Cũng như nước của những con sông lớn, khi nó đổ vào đại dương bao la, nó không còn mang tên riêng của nó nữa mà được gọi với một cái tên là đại dương, cho nên những người thuộc bốn giai cấp – những người thuộc tăng lớp quý tộc (Sát-đế-lợi), những người Bà-la-môn, những vị thương gia, những người bị áp bức (Thủ-đà-la) – khi gia nhập tăng đoàn, họ từ bỏ dòng tộc vốn có của họ và chỉ được xem là những Phật tử”. Phản đối hệ thống đẳng cấp áp bức này, Đức Phật đã khẳng định sự bình đẳng của con người – sự bình đẳng giữa người với người và sự bình đẳng giữa người với Phật.
Mỗi ngày tất cả chúng ta đều làm việc rất tích cực. Một số người thì kiếm tiền, số khác thì tìm cầu danh vọng, và một số khác nữa thì tìm kiếm quyền lực, sự khoái lạc và xa hoa. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta quần quật suốt ngày với những công việc nặng nhọc, chúng ta hiếm khi làm một công việc nào đó cho bản thân mình. Chỉ những lúc hiếm hoi chúng ta mới hướng sự quan tâm đến ngoại cảnh của chúng ta, trở về với sự tư duy hướng nội dựa trên ánh sáng của sự tỉnh thức. Chúng ta không nhìn phía trên, không nhìn phía dưới, chúng ta không nhìn phía Đông hay phía Tây, không nhìn phía Bắc hay Nam; chúng ta nhìn vào bên trong tự thân mình, bởi bên trong bản thân này có một trọng tâm mà từ đó toàn bộ vũ trụ này quay xung quanh nó. Đây chính là phương pháp của Thiền đã được Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy lần đầu tiên cách đây hơn 2.500 năm.
Tuy nhiên, phương pháp phân tích nội tâm, quán xét tự thân, khám phá bản thân trong Thiền của Phật giáo không hề có ngụ ý là chúng ta phải từ bỏ hết các mối quan hệ với những người thân quen của mình. Thực hành Thiền không có nghĩa là trở nên cô lập trong một cái lồng hay một cái vỏ bọc mà là trở nên cởi mở và không bị ràng buộc trong các mối quan hệ của chúng ta với những người xung quanh. Việc tìm kiếm sự giải thoát, giác ngộ thường giống như là sự phát triển tương ứng về một hình thức mới trong mối liên hệ với người khác, một hình thức được tưới tẩm bởi lòng bi mẫn, tình thương yêu và cảm thông đối với tất cả những gì đang hiện hữu. Và việc thành tựu đạo quả giải thoát thường giống như là kết quả của sự đơm hoa kết trái đồng thời của thái độ mới này. Cho nên chúng ta thấy trong cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trước khi chứng ngộ, Ngài đã phát nguyện cứu khổ cho muôn loài chúng sanh, và sau khi chứng ngộ, Ngài đã không giữ thành quả giác ngộ ấy cho riêng mình, mà trong suốt 49 năm, Ngài đã đi khắp các ngả đường của xứ Ấn Độ để truyền giáo, thành lập Tăng đoàn, và đã làm việc rất tích cực để giảng dạy và chuyển hóa chúng sanh.
Tình thương yêu và lòng bi mẫn là hai thứ vô cùng quan trọng đối với con người, dù cho chúng ta có nỗ lực hết mình để hướng đến sự tự cung tự cấp, vẫn tồn tại một sự thật rằng mọi người đều cần đến người khác. Không có ai là một hòn đảo cả. Một hòn đảo có thể tồn tại đơn lẻ ở giữa biển, nhưng một con người không thể sống đơn độc. Chúng ta cần đến nhau, và chúng ta phải xem nhau như là những người bạn và những người trợ giúp, những người mà chúng ta có thể tìm đến để hỗ trợ lẫn nhau. Theo như thuyết tái sanh, thì thuyết này đã ngầm nói đến tất cả mọi người thật sự là những người anh em của nhau, theo nghĩa đen, tức những thành viên trong cùng một gia đình, bởi vì trong vòng luân hồi tái sinh trùng trùng điệp điệp, không có người nam hay người nữ nào mà chưa từng một vài lần trong quá khứ đã là cha chúng ta, là mẹ của chúng ta, hay là anh, là chị của chúng ta. Vì thế, chúng ta phải thực tập thương yêu lẫn nhau, kính trọng nhau, bảo vệ lẫn nhau và đem đến cho người khác những gì chúng ta muốn có cho bản thân mình. Thực tập Thiền của Phật giáo tức là rèn luyện bản thân để loại trừ ghen ghét, sân hận, ích kỷ, và phát triển tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh. Chúng ta có thân thể vật lý và có cuộc sống của riêng mình, nhưng chúng ta vẫn có thể sống hòa hợp với nhau và giúp đỡ lẫn nhau với tất cả khả năng. Nếu chúng ta không hạnh phúc khi tiếp xúc với ai đó thì họ cũng sẽ cảm thấy không hạnh phúc, nhưng nếu chúng ta hạnh phúc thì họ cũng sẽ chia sẻ niềm hạnh phúc đó với chúng ta.
Cuộc sống của chúng ta có sự liên hệ mật thiết với nhau, không thể nào chia tách được. Bất cứ điều gì chúng ta làm đều ảnh hưởng đến người khác và chúng cũng ảnh hưởng ngược trở lại nơi chính chúng ta. Thương yêu thì khơi dậy thương yêu, thù hận thì khơi dậy hận thù. Vì thế, Đức Phật dạy rằng: “Hận thù không thể nào xóa hết được hận thù, chỉ có tình thương yêu mới có thể xóa bỏ được hận thù”. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể nào dùng hận thù để xóa bỏ hận thù, mà phải dùng tình thương yêu. Chúng ta không thể dùng chiến tranh để chấm dứt chiến tranh, mà chúng ta phải dùng tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Bởi vì chỉ có tình thương yêu, tình thương yêu thầm lặng và nhẫn nại, mới có thể mở được những cánh cửa đưa đến hòa bình.
Chính vì tinh thần từ bi không biên giới mà đạo Phật đã truyền đi một cách yên bình từ quê hương Ấn Độ, nơi đạo Phật được sinh ra, đến những vùng miền khác nhau trên khắp thế giới. Trong Phật giáo có hai trường phái truyền thống, đó là trường phái Phật giáo Nguyên thủy (Theravāda hay Hīnayāna) và trường phái Phật giáo Phát triển (Mahāyāna). Phật giáo Nguyên thủy phát triển mạnh ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Miến Điện, và Sri Lanka – những quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á. Còn Phật giáo Phát triển thì được thực tập ở Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ và Việt Nam.
Trong hiện tại, Phật giáo đã truyền từ châu Á sang châu Âu, bao gồm cả Hoa Kỳ, nơi hiện có nhiều người đang nghiên cứu và thực tập những lời dạy của Đức Phật. Trường phái Phật giáo có sức hấp dẫn nhất đối với người phương Tây chính là Thiền của Phật giáo, thuộc truyền thống Phật giáo Phát triển. Tại sao lại là Thiền mà không phải một pháp môn nào khác? Lý do chính là vì người phương Tây đã nhận thấy được giá trị thực tiễn lớn lao của Thiền, sự đóng góp vĩ đại của phương pháp hành thiền đối với đời sống hàng ngày của họ. Người phương Tây luôn luôn bận rộn, luôn năng động, toàn bộ sự chú ý của họ được tập trung vào nhiệm vụ chinh phục và làm chủ thế giới bên ngoài. Thiền tập giúp cởi trói tâm của họ khỏi sự chiếm cứ quá mức bởi những thứ bên ngoài và giúp họ tận hưởng niềm an vui và yên tĩnh thật sự đến từ bên trong bản thân họ. Một lý do khác làm cho Thiền thu hút người phương Tây có lẽ là ở sự thách thức mà Thiền tạo ra đối với trí thông minh của họ, một sự thách thức mời gọi sự khám phá thêm và sự thực tập thật sự. Người phương Tây nặng về lý trí, và thiền biểu hiện một triết lý đủ sâu sắc và phù hợp với những đòi hỏi của trí năng của họ.Về bản chất thì con người có xu hướng lười biếng. Hầu hết mọi người đều thích đi đến nhà thờ để cầu nguyện những Đấng siêu nhiên cứu họ giúp hơn là tự mình cứu lấy mình. Trong thiền không chấp nhận sự trốn tránh trách nhiệm theo kiểu đó, nó đòi hỏi hành giả phải suy nghĩ. Chúng ta hỏi: “Tôi là ai? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Bản ngã đích thực của tôi là gì?”. Thiền không cung cấp cho chúng ta những câu trả lời đã soạn sẵn cho các câu hỏi này. Nhưng nó chỉ cho chúng ta phương pháp để từ đó chúng ta có thể trảlời những câu hỏi ấy cho chính chúng ta, phương pháp tham thiền.
.
Cho đến nay, nhiều người ở phương Tây đã hiểu nhầm về ý nghĩa của sự thực hành thiền. Có lẽ khi một trong số những người bạn của chúng tôi thấy chúng tôi ngồi tham thiền, họ sẽ hỏi chúng tôi tại sao chúng tôi lại lãng phí thời gian như thế. Đối với họ, tham thiền là vô nghĩa. Nhưng đối với chúng tôi, những người thực hành tham thiền, nó là một phần cốt yếu và đầy ý nghĩa trong cuộc sống. Suốt từ sáng đến tối, mỗi ngày trong tuần, mỗi tuần trong tháng, mỗi tháng trong năm, chúng ta làm kinh doanh hay nghề nghiệp của mình. Để tạo sự cân bằng cho cuộc sống, chúng ta cần ngồi một cách yên tịnh, cần biết chấp nhận và chịu đựng hơn là tìm cách để kiềm chế, học cách nhìn vào bên trong thay vì nhìn ra bên ngoài. Khi chúng ta làm việc suốt ngày, chúng ta thường không phải làm việc vì một mục đích bên trong mà là cho một thứ gì đó bên ngoài chúng ta. Chúng ta làm việc vì chúng ta muốn có tiền, chúng ta cần tiền vì chúng ta muốn có một cuộc sống tốt hơn và tiện nghi hơn. Nhưng khi chúng ta ngồi tham thiền, việc này không phải là vì bất cứ mọi mục đích bên ngoài nào, mà là để chứng nghiệm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống – để khám phá tự ngã của mình. Chân ngã là gì? Mục đích của cuộc sống là gì? Những câu hỏi này đòi hỏi trí tuệ thông minh. Vì thế, hầu hết những người đến với Thiền của Phật giáo là những người thông minh, điều này không có nghĩa là họ có bằng cấp cao mà là họ có khả năng và sẵn lòng làm một loại hình công việc thuộc lý trí và tâm linh mà Thiền yêu cầu đối với những hành giả thực hành theo phương pháp của nó. Bởi vì phương pháp của Thiền không phải là phương pháp của sự cầu nguyện, thờ phụng mà là phương pháp tham thiền. Điều này có nghĩa là có những việc mà chính chúng ta phải thực tập, không ai có thể làm việc ấy thay cho chúng ta được.
Tại sao chúng ta phải tham thiền? Theo đạo Phật, tâm của chúng ta vận hành giống như một con khỉ, không lúc nào yên nghỉ và luôn chạy nhảy; cho nên nó được gọi là “vọng tâm”. Thông qua tham thiền, chúng ta giữ cho cái tâm vọng động ấy được yên, giữ cho nó được bình thản, trầm lặng và trong sáng. Khi tâm chúng ta được an tịnh, chúng ta sẽ nhận thấy rằng Đức Phật vốn tồn tại bên trong chúng ta, tất cả vũ trụ cũng nằm bên trong chúng ta và rằng bản chất đích thực của chúng ta cùng với Phật tính là một. Cho nên nhiệm vụ quan trọng nhất là giữ cho tâm của chúng ta được yên tịnh, một nhiệm vụ dễ dàng để hiểu nhưng thực hiện nó thì không đơn giản chút nào. Tuy nhiên, thực hành là điều quan trọng hơn hết, bản thân của sự hiểu biết thì không là gì cả, sự áp dụng mới đáng giá hơn. Phương pháp của Thiền là một phương pháp khoa học: Chúng ta học tập thông qua sự thực hành, thông qua sự trải nghiệm của bản thân.
Điều quan trọng nhất trong việc tham thiền là giữ cho tâm luôn luôn ở trong tình trạng được kiểm soát, như thế thì nó có thể trở về trạng thái trầm lắng và yên tịnh vốn có của nó. Để điều hòa tâm, phương pháp đầu tiên và hiệu quả nhất chính là ý thức về hơi thở. Chỉ đếm hơi thở, không có gì nữa cả.
(Trích dịch từ sách “Zen philosophy, Zen practice” của HT. Thích Thiên Ân, Dharma Publishing and College of Oriental studies xuất bản, America, 1975)
Nguồn: Nguyệt San Giác Ngộ
Bài Ðọc Thêm:
Thiền Tông – Lê Sỹ Minh Tùng
GIỚI THIỆU ĐƯỜNG LỐI TU THIỀN CỦA PHẬT GIÁO
HT. Thích Thanh Từ
A- Dẫn nhập
Tu thiền là thực hiện theo nguồn gốc của đạo Phật. Vì xưa kia, Đức Phật tọa thiền suốt bốn mươi chín ngày đêm dưới cội bồ đề mới được giác ngộ thành Phật. Chúng ta là Tăng Ni, Phật tử học giáo lý của Phật thì phải đi theo con đường mà Phật đã đi, không đi con đường nào khác, dù đường ấy người thuyết giảng nói linh thiêng mầu nhiệm, chúng ta cũng không theo. Chúng ta cần phải giảng trạch pháp thiền nào không phải của Phật dạy và pháp thiền nào của Phật dạy, để có cái nhìn chính xác, để tu và đạt được kết quả tốt đúng với giáo lý mà mình đã tôn thờ.
A. Thiền không phải của đạo Phật
1- Thiền chuyển luân xa: Thiền này hành giả dẫn điện từ rốn ra sau lưng, lên đầu xuống rốn, từ rốn ra sau lưng, lên đầu xuống rốn, dẫn điện chạy vòng vòng như vậy là chuyển luân xa.
2- Thiền xuất hồn: Hành giả mở các khiếu huyệt trên thân rồi xuất hồn bay đi học đạo với các bậc thầy chưa từng biết, sau đó tự thực hành. Thiền này có hai cái hại: Cái hại thứ nhất là khi mở huyệt đạo để xuất hồn, có người mở không khéo phát điên. Cái hại thứ hai là xuất hồn bay đi học đạo, ai nói là minh sư liền theo, không giảng trạch chánh tà nên dễ bị thần linh đánh lừa.
3- Thiền thai tức: Hành giả thở vô, giữ hơi tại đan điền một lúc rồi mới thở ra, lâu ngày bụng dưới lớn dần như người nữ có thai, nên gọi là thiền thai tức.
4- Thiền luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần: Hành giả luyện tinh hóa thành khí, luyện khí hóa thành thần. Đây là lối tu tiên, đưa người đạt được thần thông du hí khắp mọi nơi.
5- Thiền Yoga hay Du già: Thiền này có nhiều cách tu, trọng tâm thiền này luyện cho cơ thể khỏe mạnh hơn là giải thoát.
Năm loại thiền kể trên thuộc thiền ngoại đạo, không phải thiền của đạo Phật.
B. Thiền của đạo Phật
Thiền của đạo Phật trọng tâm phát huy trí tuệ, phá si mê chấp ngã chấp pháp, để giải thoát sanh tử luân hồi đau khổ. Tạm chia ra: Thiền nguyên thủy, Thiền Đại thừa phát triển, Thiền tông.
I. Thiền nguyên thủy: Thiền nguyên thủy được truyền bá ở các nước: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia… Thiền nguyên thủy có rất nhiều pháp, ở đây chỉ nêu lên những pháp thường dùng.
1- Tứ niệm xứ
* Quán thân bất tịnh: Là thấy đúng như thật về thân. Quán xét thân mình từ đầu tới chân toàn là một đãy da bao bọc não, tủy, thịt, gân, xương, máu, mủ… Những món này còn nằm trong đãy da thì dễ coi một chút, nếu nó ra khỏi đãy da thì rất nhơ nhớp. Phần đầu là quý nhất, thế mà những chất tiết ra từ mắt là ghèn, từ tai là cức ráy, từ mũi là nước mũi, từ miệng là đờm dãi đều tanh hôi nhơ nhớp, ai thấy cũng gớm ghê. Thân mình và tay chân cũng như thế; chỗ nào trong thân bài tiết ra cũng đều tanh hôi nhơ nhớp, không có cái nào là sạch, là quý cả. Nếu bên trong thân sạch sẽ thì khi tiết ra có mùi thơm. Nhưng vì quá dơ bẩn nên tiết ra có mùi tanh hôi nhơ nhớp mà lúc nào chúng ta cũng ảo tưởng thân mình là đẹp, là sạch, là quý… Do si mê thấy thân lầm lẫn như thế, nên tự cao ngã mạn phát sanh bao nhiêu thứ phiền não. Do đó, Phật dạy chúng ta phải thấy đúng như thật về thân, để phá cái nhân si mê chấp ngã, dứt mầm luân hồi sanh tử.
* Quán thọ là khổ: Thọ là những cảm giác mà mình lãnh thọ. Mắt thấy hình sắc đẹp tâm ưa thích là cảm thọ lạc, thấy hình sắc xấu tâm chán ghét là cảm thọ khổ. Tai nghe âm thanh nhẹ nhàng trầm bổng vừa ý là cảm thọ lạc, nghe âm thanh nặng nề chát tai tâm bực bội là cảm thọ khổ. Mũi, lưỡi, thân, ý cũng như thế. Mắt thấy sắc không xấu không đẹp, tai nghe tiếng không hay không dở… tâm không ưa không ghét là cảm thọ không khổ không lạc. Thọ khổ thì thấy khổ quá rõ, còn thọ lạc tại sao lại khổ? Ví dụ lưỡi nếm thức ăn ngon là thọ lạc, nhưng thọ lạc chỉ trong phút chốc, thức ăn qua khỏi cổ là hết, hết rồi nhưng còn muốn nữa nên khổ. Cảm thọ không khổ không lạc cũng thế, có rồi mất, nó vô thường nên khổ.
Con người có hai cái chấp nặng nhất là chấp thân thật và chấp cảm giác của thân là quý, cho nên mắt đòi sắc đẹp, tai đòi âm thanh hay, mũi đòi hương thơm… Hết đòi cái này tới đòi cái kia, không có ngày dừng. Vì không thấy thọ đúng như thật, nên say đắm theo những cái ưa thích tạm bợ vô thường nên khổ. Phật dạy chúng ta biết đúng như thật những cảm thọ là vô thường, là khổ, để không đua đòi thụ hưởng thì không bị lệ thuộc với ngoại trần, được tự do giải thoát hết khổ.
* Quán tâm vô thường: Tâm người lúc nghĩ tốt lúc nghĩ xấu, lúc nghĩ chuyện mình lúc nghĩ chuyện người, nghĩ hết chuyện này tới chuyện khác, không phút giây dừng nghỉ. Tâm nghĩ suy chợt khởi chợt diệt, không nhất định, luôn luôn chuyển biến vô thường. Thế mà ai cũng cho là thường, là cố định, là chân lý, người nào nghĩ khác, làm khác ý nghĩ mình là nổi giận. Vì chấp những nghĩ suy là thường, là chân lý nên cãi vã, đấu tranh, sát hại, gây đau khổ cho nhau. Do đó, Phật dạy quán tâm nghĩ suy chợt khởi chợt diệt là vô thường không thật, để không lầm chấp nó là thường là thật, mới phá được kiến chấp mình đúng, kẻ khác sai.
* Quán pháp vô ngã: Có hai cách quán.
a)- Pháp chỉ cho những niệm buồn, thương, giận, ghét… Những niệm này không có chủ thể, không cố định; khi thì buồn lúc thì vui, khi thì thương lúc thì ghét… làm cho con người rối rắm bất an. Phật dạy quán những pháp này là tướng không cố định, không có thật, để phá niệm chấp ngã về tâm.
b)- Pháp còn chỉ cho tất cả sự vật như bàn, ghế, nhà cửa, ruộng vườn… Với mắt người phàm tục thì thấy cái bàn thật, cái ghế thật… Nhưng với mắt người trí tuệ thì thấy cái bàn cái ghế không thật mà do các duyên như gỗ, đinh, công thợ… hợp lại tạm có, có một thời gian rồi hoại diệt, nên nói là vô ngã, không có chủ thể. Thân người cũng là một pháp, cũng do đất nước gió lửa hợp lại tạm có, có rồi hoại diệt.
Phật dạy quán các pháp đúng như thật của nó là vô ngã để phá chấp thân là thật, chấp tâm là thật, chấp cảnh là thật. Khi thấy thân, tâm, cảnh không thật thì hết mê muội, hết luyến ái, hết chạy theo người, chạy theo cảnh.
2- Minh sát tuệ
Hành giả dùng trí tuệ thấy rõ và theo dõi từng cử động nơi thân, hoặc những ý nghĩ khởi lên nơi tâm. Ví dụ hơi thở vô bụng phồng lên, hành giả biết và chú ý niệm thầm “phồng à”. Khi thở ra bụng xẹp xuống, hành giả biết và chú ý niệm “xẹp à”. Hoặc tâm khởi tưởng điều gì phải biết ngay tâm đang tưởng tượng và niệm (thầm) liền “tưởng tượng à, tưởng tượng à”… Đó là thiền Minh sát tuệ.
Người theo Phật giáo Nguyên thủy tu thiền, hoặc quán Tứ niệm xứ, hoặc ứng dụng Minh sát tuệ, hoặc quán Ngũ đình tâm. Đó là những pháp thiền người tu theo Phật giáo Nguyên thủy thường dùng.
II. Thiền Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Phát triển
Thiền Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Phát triển được truyền bá ở Trung Hoa. Đại sư Trí Khải dạy tu thiền theo Lục diệu pháp môn gốc từ Phật giáo Nguyên thủy, nhờ ứng dụng khéo thành pháp tu của Đại thừa.
1- Lục diệu pháp môn
– Sổ tức: Hành giả điều hòa hơi thở không mạnh, không gấp, yên ổn, thong thả… hít vô thở ra đếm từ một tới mười, nhiếp tâm tại số, không cho dong ruổi gọi là sổ tức. Tâm hành giả vận chuyển tự nhiên theo hơi thở với số không cần gia công, biết hơi thở rỗng nhẹ, tưởng tâm lần lần tế nhị. Khi không muốn đếm thì bỏ sổ tức tu tùy tức.
– Tùy tức: Xả pháp sổ tức, tâm nương theo hơi thở ra vào, hơi thở vào thì theo vào, hơi thở ra thì theo ra, dứt hết các duyên, ý không phân tán. Biết hơi thở ra vô là thô, muốn bỏ, khi ấy xả tùy tức tu chỉ.
– Chỉ: Dứt các duyên lự, không nhớ đếm hơi thở hay theo hơi thở, tâm ngưng lặng gọi là tu chỉ. Biết thân tâm đứng lặng vào định, không thấy tướng mạo trong ngoài, hành giả khởi nghĩ định này tuy vô vi tịch tịnh, an ổn, khoái lạc, nhưng không có trí tuệ, không thể phá hoại nhân sanh tử. Khởi nghĩ như thế, không đắm nơi chỉ mà khởi quán.
– Quán: Tâm ở trong định dùng tuệ quán tưởng hơi thở ra vào vi tế như gió trong hư không, ba mươi sáu vật trong thân không thật, như bẹ chuối; tâm thức vô thường sanh diệt, từng sát na không có ta và người, người đã không có thì định nương vào đâu? Quán như thế, biết hơi thở ra vào khắp các lỗ chân lông, tâm sáng, thấy trong thân ngoài thân đều bất tịnh, biến đổi từng sát na, tâm quán lưu động, không phải đạo chân thật. Khi ấy xả quán tu hoàn.
– Hoàn: Đã biết quán từ tâm sanh hoặc từ phân tích cảnh sanh đều không hợp bản nguyên, phải phản quán, quán lại tâm năng quán, quán tâm này từ đâu sanh, gọi là tu hoàn.
– Tịnh: Bấy giờ tâm đã thanh tịnh, không còn nương theo hơi thở, không còn quán. Đó là tịnh.
2- Tam quán
Đại sư Trí Khải còn dạy tu theo Tam quán là quán không, quán giả và quán trung. Hành giả quán tất cả pháp trên thế gian này do nhân duyên hợp mà tạm có hình tướng, tạm có tên gọi, không có thật thể, nên nói là không. Tuy là không nhưng duyên hợp thì nó giả có. Vì giả có nên quán giả. Nếu thấy được nghĩa không giả hòa hợp là quán trung.
III. Thiền tông
Sau đây là pháp tu của Thiền tông. Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Êẽn Độ sang Trung Hoa, Ngài ở chùa Thiếu Lâm, ngồi xoay mặt vào vách không tiếp người gần chín năm. Hôm ấy vào tiết mùa Đông có Thần Quang là một thiền khách đến yết kiến, thấy Tổ ngồi xoay mặt vào vách, đứng chắp tay chờ mãi, tuyết rơi lên tới gối. Tổ quay lại thấy, hỏi:
– Ngươi đến đây cầu cái gì mà chịu khổ hạnh như vậy?
Thần Quang thưa:
– Cúi mong Hòa thượng từ bi mở cửa cam lồ rộng độ chúng con.
– Diệu đạo vô thượng của chư Phật dù nhiều kiếp tinh tấn, hay làm việc khó làm, hay nhẫn được việc khó nhẫn, còn không thể đến thay, huống là dùng chút công lao nhỏ này mà cầu được pháp chân thừa!
Thần Quang nghe dạy bèn lén lấy dao chặt cánh tay đặt trước Tổ tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ biết đây là pháp khí bèn dạy:
– Chư Phật lúc ban đầu cầu đạo, vì pháp quên thân, nay ngươi chặt cánh tay để trước ta, tâm cầu đạo như vậy cũng khá.
Qua câu chuyện, chúng ta thấy Phật pháp cao siêu tuyệt vời đưa tới giải thoát sanh tử. Người tu đạo phải quyết tâm gan dạ xem thường thân mạng mới có thể đạt được, còn tu lai rai cầm chừng thì không thể tiến được.
Sau đó, Thần Quang thưa:
– Pháp ấn của chư Phật, con có thể được nghe chăng?
– Pháp ấn của chư Phật không phải từ người khác mà được.
– Tâm con chưa an, xin thầy dạy pháp an tâm.
– Ngươi đem tâm ra đây ta an cho.
Thần Quang nhìn lại tâm mình, tìm mãi không thấy ở đâu, bèn thưa:
– Bạch Hòa thượng, con tìm tâm không được.
– Ta đã an tâm cho ngươi rồi.
Ngay đó Thần Quang lãnh hội, biết pháp an tâm, Tổ đặt tên là Huệ Khả.
Từ lâu, ai cũng như ai đều cho cái nghĩ suy là tâm mình, nên hết nghĩ việc này, tới nghĩ việc kia, tâm lúc nào cũng loạn động bất an. Tổ bảo đem tâm ra ta an cho là bảo xoay lại tìm cái nghĩ suy lăng xăng đó ở đâu? – Khi xoay lại tìm thì nó lặng mất. Ý nghĩ lăng xăng mất ngay để tâm an. Vậy, xoay lại tìm ý nghĩ lăng xăng, thì ý nghĩ lăng xăng lặng, đó là phương pháp tu để được an tâm, để được định. Đây là phản quang tự kỷ, xoay lại soi sáng tâm mình, Tổ dạy tu một cách đơn giản, rõ ràng và thực tế, không phải chuyện xa vời không thực hiện được.
Về sau, Tổ Huệ Khả cũng dạy cho ngài Tăng Xán như thế. Một hôm có một cư sĩ đến đảnh lễ Tổ, thưa:
– Đệ tử mang bệnh ghẻ lở đầy mình, xin thầy từ bi vì đệ tử sám tội.
Tổ bảo:
– Đem tội ra, ta sẽ vì ngươi sám hối.
Cư sĩ đứng sững giây lâu, thưa:
– Đệ tử tìm tội không được.
– Ta vì ngươi sám hối rồi.
Sám hối cũng là lối phản quang tự kỷ. Ở trước thì phản quang tìm tâm (vọng tưởng), bây giờ thì phản quang tìm tội.
Về sau nữa, Tổ Tăng Xán cũng dạy cho Sa di Đạo Tín như thế. Sa di Đạo Tín đến đảnh lễ Tổ, thưa:
– Xin Hòa thượng từ bi ban cho con pháp môn giải thoát.
Tổ hỏi:
– Ai trói buộc ngươi?
– Không ai trói buộc.
– Không ai trói buộc đâu cần cầu giải thoát?
Đạo Tín nghe liền đại ngộ.
Các Ngài ngộ đạo đều xoay lại mình tìm coi vọng niệm có thật không, nghiệp tội có thật không, sự trói buộc có thật không? Thấy tất cả đều là ảo tưởng không có thật. Thấy nó không thật là ngộ được lý Thiền. Đó là lối phản quang tự kỷ.
Từ đời Tống trở về trước, Thiền tông chưa có pháp tu khán thoại đầu. Từ đời Tống trở về sau, các Thiền sư Trung Hoa trong tông Lâm Tế thấy đa số Tăng Ni đều thông hiểu lý Thiền, nhưng không chịu tu mà chỉ nói suông, nên các Ngài dạy khán thoại đầu không cho tìm hiểu nghĩa lý để nói suông nữa.
Khán thoại đầu là pháp tu mà hành giả dồn hết tâm lực khán câu thoại đầu do vị thầy hướng dẫn đưa ra cho tới khi ngộ. Trong thời gian này không học kinh luận, ngoại trừ những buổi khai thị của vị thầy. Hiện giờ, đa số Tăng Ni và Phật tử chưa thấu suốt lý Thiền, nên chúng tôi không hướng dẫn khán thoại đầu mà phải giảng dạy cho hiểu lý Thiền, hiểu rồi mới biết đường lối tu. Đó là tùy thời tùy cảnh mà dùng phương tiện cho hợp với căn cơ của người đương thời để tu cho có kết quả tốt.
C- Kết luận
Tu thiền là một pháp tu thực tế phù hợp với tinh thần khoa học hiện đại. Tâm chúng ta khởi vọng tưởng phiền não, chúng ta khéo quán thì vọng tưởng lặng, hết phiền não, tâm an định. Tu tới đâu có kết quả lợi ích tới đó, rất cụ thể, không xa vời. Vọng tưởng phiền não là cái không thật hư ảo, nơi mình sẵn có Phật tánh là cái chân thật bị vọng tưởng phiền não che khuất, bây giờ bỏ hết vọng tưởng thì Phật tánh hiện ra. Đó là những vấn đề chủ yếu của việc tu thiền.