Recent Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
Hiện pháp lạc trú
Thích Nhất Hạnh
Hiện pháp tiếng Phạn là Di((ha Dhamma, tức là những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, những gì đang có trong lúc này. Danh từ Hiện Pháp là một danh từ rất quan trọng, chúng ta phải biết ý nghĩa của nó. Có một bài tụng mà các Phật tử Nam tông mỗi ngày đều được tụng, đó là bài ca ngợi về chánh pháp. Bài tụng có nói tới Bốn Tùy. Bài này chúng ta đã học trong khóa tu mùa Thu vừa qua, và chúng ta sẽ đưa bài này vào trong Nghi Thức Tụng Niệm Đại Toàn[1].
Trong bài này chúng ta quán tưởng về Bụt, về Pháp, về Tăng và về Giới, cho nên đối tượng của bài này là bốn phép Tùy Niệm, Anusm(ti. Trong chúng hôm nay có vài sư cô thuộc lòng bài này bằng tiếng Pali, và tất cả chúng ta cũng đã từng tập nhiều lần bài kinh đó bằng tiếng Pali. Bản tôi dịch là như sau:
Diệu Pháp của đức Thế Tôn, con đường mà chúng con đang nguyện đi theo, là giáo pháp đã được nhiệm mầu tuyên thuyết; là giáo pháp có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại; là giáo pháp có giá trị vượt thoát thời gian; là giáo pháp mọi người có thể đến mà tự thấy; là giáo pháp có công năng dẫn đạo đi lên; là giáo pháp có công năng dập tắt nhiệt não; là giáo pháp mà người trí nào cũng có thể tự mình thông đạt.
Đoạn văn đó rất là quan trọng.
Diệu Pháp của đức Thế Tôn, con đường mà chúng con đang nguyện đi theo, là giáo pháp đã được nhiệm mầu tuyên thuyết.Đã được nhiệm mầu tuyên thuyết, tiếng Hán Việt là Thiện thuyết, có nghĩa là đã được trình bày một cách khéo léo. Khéo léo là để cho người ta có thể hiểu được, hành trì được, tiếng Anh có thể dịch là well proclaim.
Là giáo pháp có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại. Nghĩa là mình không cần nhiều năm tháng mới có thể thấy được hiệu lực của giáo pháp đó. Khi bắt đầu nắm lấy giáo pháp đó để hành trì thì tự nhiên mình thấy được hiệu quả của sự hành trì đó liền lập tức. Tiếng Pali là Samditthika. Ditthi có nghĩa là thấy. Nó chính là chữ Dittha ở trong danh từ Ditthadamma. Ví dụ phương pháp thiền hành hay Quán Niệm Hơi Thở. Nếu mình không hiểu hay chưa hiểu phương pháp thở hay là phương pháp bước chân thì thôi, nhưng nếu mình đã hiểu được rồi thì chỉ cần một hơi thở vào thôi, hay chỉ cần một bước chân trên đất thôi, thì hơi thở hay bước chân đó có thể đem lại sự lắng dịu và an lạc cho mình liền lập tức. Samditthika có thể dịch là thiết thực hiện tại, có thể chứng nghiệm ngay trong giờ phút hiện tại. Nếu giáo pháp có khả năng chuyển hóa và đem lại an lạc ngay trong giờ phút hiện tại, thì tại sao mình phải đi tìm hạnh phúc trong tương lai? Hiện tại là giờ phút duy nhất mà mình có thể chọc thủng được bức màn thương đau, bức màn vô minh để có thể tiếp xúc được ngay với an lạc, với hạnh phúc, với tuệ giác. Đó là ý nghĩa của chữ Samditthika,chứng nghiệm ngay trong giây phút hiện tại.
Đức Thế Tôn có nói rằng giáo pháp của ngài đẹp trong khúc đầu của nó, Lovely in the beginning, đẹp trong khúc giữa của nó, Lovely in the middle, và đẹp trong khúc sau của nó, Lovely at the end. Có nghĩa là trong tiến trình thực tập, giáo lý đó lúc sơ khởi nó có hiệu năng, ở giữa nó có hiệu năng, và sau đó nó cũng có hiệu năng.
Khi mình nắm lấy giáo pháp của đức Thế Tôn mà thực tập thì an lạc, hạnh phúc, và chuyển hóa nó có ngay từ phút đầu của sự thực tập, mình không cần lo lắng cho tương lai. Nếu trong hiện tại mà mình thực tập hay, và có hạnh phúc, thì tương lai là một cái gì có bảo đảm. Vì vậy cho nên lo sợ, thao thức về tương lai là chuyện không cần thiết.
Có biết bao nhiêu người trong chúng ta đang đau khổ trong giây phút hiện tại, đang muốn từ khước hoàn cảnh hiện tại để mơ ước về một tương lai, trong đó hạnh phúc có thể có thật. Đối với những người không tu thì họ nghĩ rằng tương lai thế nào cũng sáng hơn, dễ chịu hơn, và họ bám lấy cái hy vọng đó để sống. Đối với những người có tu nhưng tu sai lạc, thì nghĩ rằng phương cách vượt thoát khổ đau của hiện tại là cắn răng chịu đựng, và tu tạo công đức để mai này mình có thể đạt tới một giai đoạn có hạnh phúc, một chân trời có hạnh phúc. Chân trời đó có thể là một cõi trời, một cõi tịnh độ.
Đó là một sự trốn chạy, và tinh thần trốn chạy hiện tại là tinh thần đi ngược lại bản hoài của đức Thế Tôn. Do đó chúng ta phải phục hồi trên khắp đất nước của chúng ta cái tinh thần của giáo lý Hiện Pháp Lạc Trú. Điều này rất là quan trọng.
Trước đây chúng ta có nói đến thiền sư Tuệ Pháp, tọa chủ chùa Thiên Hưng. Ngài đã mở trường dạy học ở chùa Thiên Hưng và các vị lãnh tụ của nền Phật giáo hiện đại ở miền Trung Việt Nam, đều là học trò của ngài. Hòa thượng Tuệ Pháp vừa thông hiểu về thiền, mà cũng vừa thông hiểu về giáo. Ngài đã chọn sử dụng phương pháp Chỉ, Quán của tông Thiên Thai để dạy cho các đệ tử. Chính ngày nay chúng ta cũng chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của tông Thiên Thai, một tông phái tu thiền nhưng không mang danh hiệu thiền tông. Hòa thượng Tuệ Pháp cũng đã đồng thời duy trì phương pháp niệm Bụt.
(Trích: Thiền Tập Sinh Động – Quyển 03: Chương 02: 2-4 , Thích Nhất Hạnh, Lá Bối xuất bản)
Hiện Pháp Lạc Trú
Khải Thiên
Bạn thân mến,
Bạn đã được giới thiệu về“phương châm tu tập”, “ý nghĩa của Sám hối”, và“tâm Bồ đề”.Đó chính là những hành trang cần thiết, quan trọng để xây dựng những nhận thức căn bản và thực tiễn cho cuộc sống hạnh phúc cũng như cho cuộc hành trình tâm linh của bạn. Khi đã có đầyđủ những hành trang cần thiết cho tư duy và hành động rồi, bây giờ là lúc bạn có thể đi vào thực tập những pháp môn căn bản không phải để có ý niệm về hạnh phúc hay để lí luận về hạnh phúc, mà để “sống hạnh phúc” ngay bây giờ và ở đây. Một trong những pháp môn được giới thiệu ở đây là “Hiện pháp lạc trú”, một pháp môn thiền định căn bản đã được Đức Phật dạy, và chính bản thân Ngài cũng như các vị Thánh đệ tử cũng thực hành pháp môn này. Những giới thiệu sau đây sẽ giúp bạn hiểu biết thêm phương pháp thực tập pháp môn này.
1. Ý Nghĩa Hiện Pháp Lạc Trú:
Hiện pháp lạc trú là một pháp môn thiền tập căn bản được Đức Phật dạy trong các kinh thuộc về thiền định[i]. Kinh Samiddhitường thuật một câu chuyện về một vị tăng sỹ trẻ tu tập hiện pháp lạc trú, đại khái như vầy:
Một thời Thế Tôn ở Vương Xá tại Tapodārāma (Tịnh xá Suối Nước Nóng). Có một Thầy tên là Samiddhi, vào lúc bình minh, thức dậy và đi đến suối nước nóng để tắm gội. Sau khi tắm gội, Thầy ra khỏi suối nước nóng, đứng để phơi mình cho khô rồi mặt áo vào. Lúc bấy giờ, có một vị Thiên nữ với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng suối nước nóng, nói với Thầy Samiddhi rằng:
– “Thầy là một người mới xuất gia, tuổi còn trẻ, tóc còn xanh, đáng lý phải xông ướp hương thơm, trang điểm châu báu mà thụ hưởng thú vui ở đời, sao thì thầy lại bỏ những người thân, quay lưng lại với cuộc sống thế tục, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, tin tưởng vào con đường xuất gia học đạo. Tại sao lại bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời như thế?”
– Thầy Samiddhi trả lời với Thiên nữ:
– “Tôi đâu có bỏ cái lạc thú hiện tại mà đi tìm cái lạc thú phi thời? Chính tôi đã bỏ cái lạc thú phi thời để tìm đến cái lạc thú chân thật trong hiện tại!” Đức Thế Tôn có dạy: “Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất nhỏ mà tai họa rất lớn. Tôi giờ này đang an trú trong hiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy. Hiện pháp này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình chứng ngộ, tự mình có thể giác tri. Này thiên nữ, đó gọi là bỏ cái lạc thú phi thời để đạt tới cái lạc thú chân thực trong hiện tại.”
– Thiên nữ lại hỏi Thầy Samiddhi:
“Tại sao Đức Thế Tôn lại nói trong cái vui phi thời của ái dục vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất nhỏ mà mà tai họa rất lớn? Tại sao Đức Thế Tôn lại nói an trú trong hiện pháp là lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy, vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình chứng ngộ, tự mình có thể giác tri?”
– Thầy Samiddhi trả lời:
– “Tôi mới xuất gia, không đủ sức giải thích rộng rãi những giáo pháp mà Đức Thế Tôn dạy. Hiện tại Đức Thế Tôn đang cư ngụ gần đây, nơi rừng tre Ca Lan Đà, Thiên nữ có thể đến với Người để trình bày những nghi vấn của mình. Đức Như Lai sẽ dạy cho Thiên nữ chánh pháp để tùy nghi thọ trì.”…[ii]
Qua đoạn trích dẫn ở trên, như bạn thấy, Kinh Samiddhigiới thiệu một chủ đề rất quan trọng về con đường tu tập thực tiễn. Ở đây, chúng ta chỉ giới hạn trong phạm vi của “hiện pháp lạc trú”. Nói một cách ngắn gọn, hiện pháp lạc trú có nghĩa là “an trú trong các pháp của hiện tại”,“sống an lạc trong từng khoảnh khắc của hiện tại”, hay “sống tỉnh thức an lạc bây giờ và ở đây”. Tuy nhiên,“hiện tại” trong“hiện pháp lạc trú” được hiểu là cái “thực tại-hiện tiền”, vượt ngoài thời gian, chứ không phải là cái“hiện tại” trong mối liên hệ của thời gian giữa quá khứ và tương lai. Do đó, an trú trong các pháp hiện tại chính là an trú trong thực tại, bây giờ và ở đây—being in the present.
Trong cụm từ “hiện pháp lạc trú”, trú hay an trú là một yếu tố quan trọng nhấn mạnh đến sự tỉnh thức, vì nếu không có tỉnh thức thì bạn không thể nào an trú trong thực tại được. Chữ trú ở đây có nghĩa là “sống trong chánh niệm, tỉnh giác”. Phải có chánh niệm, tỉnh giác thì bạn mới có thể thực hành pháp môn“hiện pháp lạc trú”. Đấy là ý nghĩa mà kinh bảo rằng “Hiện pháp này vượt ngoài thời gian, đến để mà thấy, tự mình chứng ngộ, tự mình có thể giác tri.”Nói khác đi, đấy chính là nguyên lí cơ bản của đời sống thực tại, một đời sống mà mỗi người “phải tự mình chứng ngộ cho chính mình”.Vì trên con đường tu tập—an trú trong hiện tại, bạn phải là người “tự mình chứng ngộ cho chính mình” và “tự mình biết lấy”, không ai khác có thể làm cho bạn được chứng ngộ. Đấy chính là đời sống kinh nghiệm đặc thù của thiền.
Hãy lấy một thí dụ: khi bạn ăn cơm, có nghĩa là bạn đang thưởng thức hương vị của thức ăn, nhưng trong lúc ăn, tâm của bạn vẫn tiếp tục chạy theo, hoặc bị cuốn hút vào những suy nghĩ hay mơ tưởng về một cái gì đó (tiền bạc, nhà cửa, công việc, con cái…) nên bạn không còn để tâm đến sự thưởng thức hương vị của thức ăn nữa. Điều này được gọi là thất niệm, không có sự an trú trong lúc ăn; có nghĩa là miệng thì ăn cơm, nhưng tâm thì ăn vọng tưởng! Khi nào bao tử của bạn không còn tiếp thọ thức ăn được nữa, thì bạn cho rằng đã no, thế thôi! Và như thế,bữa ăn quả thực là nhạt nhẽo, vì bạn đã không tỉnh thức trong lúc ăn hay nói khác hơn là bạn đã đánh mất cái khả năng thưởng thức hương vị của thức ăn vì tâm của bạn đã mãi miết sa đà trong vọng tưởng! Khổng Tử cũng nói rằng: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thinh nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị.”Nghĩa là, khi tâm không an định, thì nhìn mà không thấy, nghe mà không hay,ăn mà không biết mùi vị. Nhưng trái lại, khi ăn trong chánh niệm, tỉnh giác, thì chính bạn là người duy nhất biết rõ hương vị của thức ăn như thế nào, vì bạn là người trực tiếp thưởng thức hương vị của thức ăn. Đấy là ý nghĩa “tự mình chứng ngộ cho chính mình và tự mình biết lấy!” Do vậy, an trú trong hiện tại là một pháp môn kỳ diệu giúp chúng ta có thể sống hạnh phúc và tiếp xúc với cuộc thực tại nhiệm mầu ngay bây giờ và ở đây.
Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng, khi thực tập pháp môn này, bạn không thể nuôi dưỡng ý niệm rằng“thôi kệ, bây giờ mình ráng tu tập pháp môn này để mai sau sẽ được an lạc, hạnh phúc!” Nếu suy nghĩ như thế thì bạn có thực tập thêm mười năm hay hai mươi năm nữa bạn vẫn không có an lạc, hạnh phúc, vì hiện pháp lạc trú không phải là một thứ hạnh phúc hứa hẹn của mai sau nào hết. Trái lại, khi thực tập hiện pháp lạc trú, có nghĩa là bạn phải sống tỉnh giác, an lạc ngay trong từng hơi thở, từng bước đi, từng hành động của mình; tất nhiên sự an lạc sẽ tùy thuộc vào mức độ tỉnh thức của bạn. Nếu khi thực tập pháp môn này mà bạn không có an lạc, hạnh phúc ngay trong lúc đang thực tập, như thế là bạn thực tập không đúng. Phải có sự an lạc tỉnh giác trong từng hơi thở của bạn thì mới gọi là hiện pháp lạc trú. Vì vậy, hiện pháp lạc trú không phải là một hình thức“niệm Phật cầu nguyện thật nhiềuđể mai mốt chết sẽ được vãng sinh vềthế giới cực lạc”,mà trái lại bạn phải sống tỉnh thức, sống trọn vẹn, và sống an lạc, hạnh phúc ngay trong từng giây phút của hiện tại.
2. Bạn Đang Sống Như Thế Nào?
Một câu hỏi như thế có thể được đặt ra đối với cuộc sống thực tế của chúng ta. Thử xem, ngoài những giấc ngủ thật sâu, không có mộng mị, bạn đã sống như thế nào? Bạn đã dành bao nhiêu thời gian để sống với hiện tại, tức là sống một cách trọn vẹn với tất cả sự hiện hữu của mình trong từng giây, từng phút? Vâng, rõ ràng thực tế chúng ta đã đánh mất quá nhiều cuộc sống đích thực của mình trong vọng tưởng điên đảo, trong buồn, giận, thương, ghét, trong lo âu, toan tính, trong sân hận, thù oán, trong nuối tiếc quá khứ, trong ước vọng tương lai…và ngay cả giờ phút hiện tại này, sự phập phồng trong được, mất, hơn thua, hy vọng và sợ hãi vẫn chiếm lĩnh một cách thường trực trong đời sống của chúng ta. Biết bao nhiêu phiền não cứ quyện theo từng mỗi niệm trôi lăn trong tâm hồn, ngay cả khi mình đối diện với chính mình. Tương tự như thế, trong cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc của tình yêu, tiền tài, danh vọng, quyền lực, địa vị… có cái nào mà không chất chứa hay che dấu bên trong chính nó những nỗi lo âu, toan tính, hy vọng và sợ hãi?
Thật vậy, đời sống của chúng ta và ngay cả đến cái mà chúng ta cho là hạnh phúc trong thế giới của dục vọng, bản chất của nó, như Kinh Samiddhi nói, quả thực là “vị ngọt rất ít mà chất cay đắng rất nhiều, cái hưởng thụ rất nhỏ mà tai họa rất lớn.”Hãy lấy một thí dụ: bạn thử xem rằng mình đã mất bao nhiêu công sức và sinh lực để có được một tình yêu như ý, một danh vọng như ý, một tài sản như ý…và rằng bạn thực sự đã sống với cái“như ý” đó như thế nào? Rõ ràng, khi nhìn lại như thế, chúng ta không thể nào che dấu được sự phiền muộn và cay đắng trong cuộc đời của mình mà phần lớn vốn đã bị chiếm đoạt bởi vọng tưởng hoặc nuối tiếc quá khứ hoặc ước vọng tương lai.Đấy là chưa kể đến cái dục tưởng, ái tưởng… của giòng tâm thức hiện tại nó thiêu đốt chúng ta trong những cơn khao khát, thèm muốn các dục. Vì lí do này,để thoát ly mọi phiền não, vọng tưởng và để đạt đến sự an trú vững chắc trong cái hạnh phúc-thực tại, Đức Phật, trong kinh Người Biết Sống Một Mình, đã dạy:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây…
Khi đọc một đoạn kinh ngắn này, bạn có thể sẽ vội vã cho rằng, “quá khứ không truy tìm” là điều dễ hiểu và dễ chấp nhận, nhưng“tương lai không ước vọng” thì quả thật là khó hiểu và khó chấp nhận; vì bạn nghĩ rằng nếu sống mà không nuôi dưỡng những ước vọng tương lai thì cuộc sống sẽ ra làm sao đây? Vâng, khi đặt câu hỏi như thế có nghĩa là cái tập khí tham ái và chấp thủ đã trỗi dậy trong tâm của bạn, nó bắt đầu lấn át cái thiện niệm hướng đến sự an trú của bạn! Ở đây, trước hết bạn nên ý thức rõ rằng, chúng ta đang học pháp môn hiện pháp lạc trú với mục đích là để có thể an trú trong hiện tại, để xa rời mọi cuồng si, mộng tưởng, và để sống hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây, chứ chúng ta không bàn đến chuyện“từ bỏ” một dự án hay một hoạch định nào. Bạn không nên lẫn lộn điều này!
Trên thực tế, từ bỏ cái thói quen nghĩ ngợi về quá khứ và mộng tưởng về tương lai quả thực không dễ dàng chút nào đối với một tâm thức đang còn xao động. Cái chướng ngại lớn lao mà nó luôn khuấy động sự an trú trong hiện tại cũng như lấn át nguồn năng lượng chánh niệm, tỉnh giác của bạn chính là sự tham ái và chấp thủ vào một quá khứ đã qua hay một tương lai chưa đến, cùng với cái bản ngã to tướng choáng hết chỗ trong tâm thức của bạn. Bao lâu bạn còn mãi mê hân hoan với những kí ức dĩ vãng, hoặc trôi lăn theo những khát vọng tương lai, thì bấy lâu bạn vẫn phải thăng trầm trong thế giới của mộng tưởng hão huyền! Và như thế, rốt cuộc thì chính bạn là người đánh mất“cuộc sống thực thụ” của mình! Do vậy,để bạn có thể sốngvà sống hạnh phúc cuộc đời của mình, an trú trong hiện tại là một pháp môn rất bổ ích và thiết thực. Đấy là một con đường mà Đức Phật gọi là“Tuệquán”, tức là sống, an trú trong hiện tại với chánh niệm, tỉnh giác.
3. Chánh Niệm Là Gì?
Chánh niệm là cốt tủy của mọi pháp môn tu tập trong đạo Phật, không phân biệt tông phái truyền thống hay phát triển. Một cách căn bản, chánh niệm là năng lực tỉnh giác và nhận biết một cách rõ ràng những gì sinh khởi và đoạn diệt trong tâm thức của bạn cũng như những gì đang hiện hữu trong con người của bạn. Do vậy, khi thực tập chánh niệm, thân và tâm của bạn sẽ luôn luôn hợp nhất, thân ở đâu thì tâm ở đó. Nếu thân một nơi tâm một ngã có nghĩa là bạn mất chánh niệm, hay còn gọi là thất niệm, vọng tưởng. Ví dụ: khi bạn ngồi ở nhà mà tâm của bạn thì lang thang ngoài đường, như thế là không có chánh niệm, và bạn đang sống với mộng tưởng! Nhờ vào sự hợp nhất của thân tâm trong khi giữ chánh niệm mà bạn không bị trôi dạt theo vọng tưởng hoặc quá khứ hoặc tương lai. Và bấy giờ bạn sẽ có khả năng an trú trong hiện tại và nhận diện được những gì đang sinh khởi và đoạn diệt trong thân-tâm (đời sống toàn diện) của bạn. Nếu bạn không thể nhận diện (giác tỉnh) được sự sinh khởi và đoạn diệt của từng vọng niệm, bạn sẽ bị trôi lăn theo nó. Chẳng hạn như khi mới ngồi thiền, vài giây đầu bạn có thể giữ chánh niệm, tỉnh giác, nghĩa là bạn biết rõ những gì đang diễn ra (sinh khởi và đoạn diệt) trong tâm của bạn; do tỉnh giác, bạn biết là mình đang ngồi thiền nên bạn trở lại tiếp tục nhất tâm, không chạy theo các vọng tưởng nữa. Nhưng ngồi một lúc thì các vọng niệm, mộng tưởng lại khởi lên, và do không tỉnh giác nên bạnđi theo các mộng tưởngđó mãi cho đến khi (nghe chuông hay một tiếng gìđó) giật mình mới biết là mình đã bị thất niệm. Tuy nhiên, nếu ngay hoặc sau khi vọng niệm khởi lên, bạn tỉnh giácđược, tiếp tục giữ chánh niệm thì vọng tưởng sẽ tiêu tan ngay. Cho đến khi nào bạn đã an trú một cách vững chải trong từng giây phút của hiện tại, bạn sẽ có khả năng điều chế những năng lực tuệ giác để nhận diện một cách sâu sắc sự sống mầu nhiệm đang có mặt, hay nói khác hơn chính bạn sẽ hòa nhập một cách toàn diện vào đời sống thực tại.
Tuy nhiên,để có chánh niệm, bạn cần phải nỗ lực thực tập theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn khi ăn, bạn hãy nhai từ từ và thưởng thức hương vị của thức ăn, hãy ăn với tất cả sự hỷ lạc của mình, đừng để những suy nghĩ khác (lo âu, toan tính, buồn bực…) len lỏi vào tâm thức trong giờ ăn của bạn. Do đó, bạn cần thực tập giữ chánh niệm, tỉnh giác không những trong khi thiền tập mà ngay cả khi ăn, uống, làm việc, nghỉ ngơi…bạn cần chú tâm trọn vẹn vào công việc mà mình đang làm, mọi lúc, mọi nơi. Điều quan trọng mà bạn nên cố gắng thực tập hàng ngày đó là luôn tỉnh giác và nhận biết sự sinh khởi và đoạn diệt của từng ý niệm, từng cảm thọ của bạn khi thiền tập cũng như khi làm việc bình thường.
4. Hởi Thở Nhiệm Mầu:
Trong kinh Quán Niệm Hơi Thở, Đức Phật dạy chúng ta thực tập giữ chánh niệm bằng cách an trú theo hơi thở của mình; vì trong những lúc thiền tập hay an tịnh, các căn (giác quan) tạm “dừng nghỉ”chỉ có hơi thở vô/ra hiện hữu cùng với sự hiện diện của bạn. Trong kinh nghiệm thực tế của thiền, hơi thở được xem như là sợi dây vô hình dùng để cột cái tâm của bạn, giữ nó trú lại ở thân, không để nó phóng ra ngoài hay chạy theo các đối tượng của ý thức. Khi chú tâm theo dõi hơi thở có nghĩa là bạn đã hợp nhất thân và tâm trên sự lưu hành vô/ra của hơi thở. Đức Thế Tôn dạy rằng:“Ở đây, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng và trú niệm (đểtâm) trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra…” (Kinh Quán Niệm Hơi Thở) Và Ngài đã tuần tự dạy rõ bốn niệm xứ (thân thể, cảm thọ,tâm, và pháp) để bạn có thể thực tập theo từng bước. Bốn niệm xứ được trình bày theo mười sáu đề mục dưới đây:
- Thở vô dài, tôi biết:“Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, tôi biết: “Tôi thở ra dài”.
- Thở vô ngắn, tôi biết:“Tôi thở vô ngắn”. Thở ra ngắn, tôi biết: “Tôi thở ra ngắn”.
- “Cảm giác toàn thân, tôi thở vô”—“Cảm giác cả toàn thân, tôi thở ra”.
- “An tịnh thân hành, tôi thở vô”—An tịnh thân hành, tôi thở ra”.
- “Cảm giác hỷ thọ, tôi thở vô”—“Cảm giác hỷ thọ,tôi thở ra”.
- “Cảm giác lạc thọ, tôi thở vô”—“Cảm giác lạc thọ, tôi thở ra”.
- “Cảm giác tâm hành, tôi thở vô”—“Cảm giác tâm hành, tôi thở ra”.
- “An tịnh tâm hành, tôi thở vô”—“An tịnh tâm hành, tôi thở ra”.
- “Cảm giác về tâm, tôi thở vô”—“Cảm giác về tâm, tôi thở ra”.
- “Với tâm hân hoan, tôi thởvô”—“Với tâm hân hoan, tôi thở ra”.
- “Với tâm định tĩnh, tôi thở vô”—“Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”.
- “Với tâm giải thoát, tôi thở vô”—“Với tâm giải thoát, tôi thởra”.
- “Quán vô thường, tôi thở vô”—“Quán vô thường, tôi thở ra”.
- “Quán ly tham, tôi thở vô”—“Quán ly tham, tôi thở ra”.
- “Quán đoạn diệt, tôi thở vô”—“Quán đoạn diệt, tôi thở ra”.
- “Quán từ bỏ, tôi thởvô”—“Quán từ bỏ, tôi thởra”.
5. Thiền Tập:
Trên thực tế, khi thực tập pháp môn này, bạn cần có Thầy hướng dẫn cụ thể để tránh những lầm lẫn không tốt. Nếu ở nhà, bạn có thể tìm một nơi yên tịnh, thoáng mát hay ngay trong phòng riêng của mình để thực tập theo các bước sau: Ngồi lên bồ đoàn (gối lót để ngồi, cao khoảng một gang tay), nhớ ngồi thẳng lưng, xếp hai chân theo thế hoa sen (kiết già hoặc bán già, hoặc bạn cũng có thể ngồi trên ghế thả hai chân xuống như bình thường, nhưng lưng phải thẳng), hai tay xếp bằng để tựa dưới bụng. Ngồi một cách thật thoải mái, thư thái, không cố gồng mình, không cố nén hơi thở, cứ để hơi thở tự nhiên. Điều quan trọng là bạn phải cảm nhận được sự an lạc, thảnh thơi, nhẹ nhàng, vững chải trong tư thế ngồi của bạn trước khi bạn có thể bắt đầu thầm theo dõi (hay niệm) hơi thở vô/ra của mình theo từng đề mục ở trên. Bạn cần thực tập cho nhuần nhuyễn từng đề mục chứ không nên vội vã; đặc biệt là, trong suốt thời gian hành thiền, bạn phải luôn luôn giữ chánh niệm, tỉnh giác (xem lại phần số3). Trong lúc thiền mà thất niệm, bạn có thể quay lại từ đầu. Bạn có thể chia mười sáu đềmục này thành bốn niệm xứ và thực tập từng phần cho nhuần nhuyễn như sau:
Thân niệm xứ:
- Tôi thở vô dài / ra dài = vô dài / ra dài
- Tôi thở vô ngắn / ra ngắn = vô ngắn / ra ngắn
- Cảm giác toàn thân, tôi thở vô / ra = toàn thân vô / ra
- An tịnh thân hành, tôi thở vô / ra = thân hành vô / ra
Thọ niệm xứ:
- Cảm giác hỷ thọ, tôi thở vô / ra = hỷ thọ vô / ra
- Cảm giác lạc thọ, tôi thở vô / ra = lạc thọ vô / ra
- Cảm giác tâm hành, tôi thở vô / ra = tâm hành vô / ra
- An tịnh tâm hành, tôi thở vô / ra = tâm hành vô / ra
Tâm niệm xứ:
- Cảm giác về tâm, tôi thở vô / ra = tâm vô / ra
- Với tâm hân hoan, tôi thở vô / ra = tâm hân hoan vô / ra
- Với tâm định tĩnh, tôi thở vô / ra = tâm định tỉnh vô / ra
- Với tâm giải thoát, tôi thở vô / ra = tâm giải thoát vô / ra
Pháp niệm xứ:
- Quán vô thường, tôi thở vô / ra = vô thường vô / ra
- Quán ly tham, tôi thở vô / ra = ly tham vô / ra
- Quán đoạn diệt, tôi thở vô / ra = đoạn diệt vô / ra
- Quán từ bỏ, tôi thở vô / ra = từ bỏ vô / ra
Trong lúc thiền, bất kỳ một ảnh tượng nào xuất hiện trong tâm của bạn đều là ảo giác. Khi biết như vậy, không bám vào nó, tiếp tục trú vào hơi thở, giữ chánh niệm, tỉnh giác, thì cái ảo giác đó sẽ tan biến ngay. Bạn không nhất thiết phải ngồi lâu, tùy vào khả năng của bạn rồi từ từ tăng lên, nhưng ít nhất phải được mười hay mười lăm phút, nếu bạn mới thực tập. Điều cốt yếu của ngồi thiền là làm cho thân-tâm hợp nhất trong sự an tịnh của chánh niệm, tỉnh giác. Nên nhớ rằng, ngồi thiền không phải để “phóng hào quang” mà là để tâm được an tịnh. Khi tâm an tịnh rồi thì tuệ giác sẽ phát sinh một cách tự nhiên. Bên cạnh việc ngồi thiền, bạn có thể thực tập đi thiền (thiền hành) và nằm thiền. Nói chung, trong các thao tác đi,đứng, nằm, ngồi bạn đều có thể ứng dụng pháp môn hiện tại lạc trú và thực hành sống chánh niệm, tỉnh giác.
Bao giờ cũng vậy, bạn nên bắt đầu nhiếp tâm bằng hơi thở. Khi có sân hận nổi lên, bạn cũng nhiếp phục nó bằng hơi thở. Khi có những cảm giác bầt an, bạn cũng nên trú vào hơi thở, vì thông qua hơi thở bạn có thể điều phục được cả tâm và thân. Thực tế cho thấy rằng, bất kỳ ai bỏ bạn ra đi, bạn vẫn sống, nhưng nếu hơi thở bỏ bạn ra đi, thì cuộc sống của bạn sẽ kết thúc. Do vậy, hơi thở luôn hiện hữu cùng với bạn trong mọi hoàn cảnh, nó là hiện hữu thân thiết duy nhất luôn thầm thì với bạn, cho dù bạn có để ý đến nó hay không.Và như đã đề cập, hơi thở là phương tiện trực tiếp duy nhất mà thông qua đó bạn có thể điểu phục được cả thân-tâm. Khi tâm bị rối loạn, bạn có thể điều phục bằng cách nương vào hơi thở vô / ra (như các đề mục ở trên) để làm cho những rối loạn trong tâm lắng dịu. Chuyên chú vào hơi thở càng lâu thì tâm sẽ càng lắng dịu và bình thản trở lại. Cũng vậy, khi thân thể có những cảm giác bất an, bạn cũng có thể dùng hơi thở để xoa dịu bằng cách hít vô và thở ra thật sâu, thật đều. Làm như thế một hồi, bạn sẽ lấy lại sự quân bình, thanh thản và tự tin. Hơi thở rất quan trọng trong việc trị liệu các phiền não nội tại. Chẳng hạn, do an trú trong sự vô ra đềuđặn của hơi thởmà những tâm sân si, nóng nảy, giận dữ sẽ được giảm thiểu rất nhiều. Đây là cách trị liệu rấtđặc biệt và rất hiệu nghiệm. Nhất là, trong lĩnh vực thiền quán, chuyên chú vào sự luân lưu của hơi thở như vô / ra, dài / ngắn hay tỉnh chỉ (hơi thở rất tinh tế) sẽ giúp bạn nhận diện được sự thật vô thường của chính chiếc thân năm uẩn này. Bạn sẽ có cơ hộiđể thấy rằng, thân thể con người rất mong manh. Nó mong manh như là chính hơi thở vậy, có ra mà không có vào thì coi như mọi chuyện chấm dứt. Cho đến, những cảm thọ, vui, buồn, khổ, lạc và các uẩn khác cũng đều mong manh như vậy. Do tự thân chứng nghiệm sự vô thường trong từng hơi thở, bạn lại có cơ hội để nhiếp phục các tâm tham ái, chấp thủ, tranh chấp hơn thua, lo âu, sợ hãi… Song song với quán niệm vô thường, bạn nên khởi tâm đại bi đến với muôn loài chúng sinh. Điều này rất quan trọng, vì sống-an trú trong tâm đại bi, bạn sẽ có khả năng phát triển tâm khoang dung, tha thứ, hỷ xả…; chính bản chất của những tâm thức này là nền tảng của sự an lạc. Nó sẽ nuôi lớn thánh tâm của bạn và giúp bạn vượt qua mọi ưu phiền. Hơi thở và tâm đại bi là chuyếc thuyền hộ mệnh để bạn vượt qua mọi giông tố của phiền não trong cuộc sống khi thực tập hiện pháp lạc trú.
Nói tóm lại, hiện pháp lạc trú là một pháp môn nhiệm mầu giúp bạn sống hạnh phúc trong giòng thực tại hiện tiền ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm, tỉnh giác và an trú trong từng nhịp thở là con đường thoát ly mọi khổ đau ngay trong con người hiện tại này và cuộc sống hiện tại này. Trú trong sự nhất tâm-an định, không một phiền não nào có thể làm xao động cuộc sống tỉnh giác và niềm phúc lạc nội tại của bạn. Vì trong một niệm nhất tâm, bạn có thể vượt qua mọi thăng trầm của thế gian và sống tự tại giữa thế gian với tuệ giác vô ngã. Trong Kinh Itivuttaka,Đức Phật dạy:“Người đã tiêu trừ ảo kiến và phá tan lớp tối tăm dầy đặc trong tâm sẽ không còn thênh thang đi mãi. Đối với người ấy, vấn đề nhân và quả không còn nữa.” Cầu mong bạn thành tựu hiện pháp lạc trú.
(Trích: Khai Thien, Foundation of Your Spiritual Journey)
[i] Dưới đây là một số kinh căn bản trong đó Đức Phật dạy về thiền tập, bao gồm kinh: Nhập Tức Xuất Tức Niệm (Ānāpānasati Sutta), Trung Bộ III – Hán tạng: TrịÝ Kinh, Ðại I, 919; Kinh Thân Hành Niệm, Niệm Thân Kinh (Kāyagatāsati Sutta), Trung Bộ III -Trung A-hàm số 81, Ðại I, 554c; Kinh Niệm Xứ (Satipathāna Sutta), Trung BộI – Hán tạng: Niệm Xứ Kinh, Ðại I, 582b, Trung A-hàm số 98; Kinh Song Tầm(Dvedhāvitakka Sutta), Trung Bộ I -Hán Tạng: Niệm Kinh, Ðại I, 589d, Trung A-hàm số 102; Kinh An Trú Lâm (Vitakkasanthāba Sutta), Trung Bộ I – Hán tạng: Kinh Tăng Thượng Tâm, Ðại I, 158a, Trung A-hàm số 101; Trường bộ, kinh số 22; TươngƯng I. Kinh Samiddhi (Samyutta Nikaya) tham khảo Tạp A Hàm, 99, các kinh số803, 810, và 815, Tương Ưng V, Thiên Ðại Phẩm (Mahāvagga). Trung Bộ, Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta Sutta), 131.
Tóm tắt từ bản dịch Kinh Samiddhi của Thích Minh Châu và Thích Nhất Hạnh.
Source: thuvienhoasen
Tâm Phóng Dật
Tiếng Ồn
Khi tâm đang suy nghĩ điều gì hay đang phóng dật, có một tiếng động làm cho ta chú ý, chỉ nên hay biết. Suy tư là một sinh hoạt tự nhiên của tâm.
Theo bản chất thiên nhiên, nếu ta có thính giác tốt ắt có nghe tiếng động. Nếu hiểu rằng ta đang hay biết tâm suy tư, hay đang nghe, là đúng. Nhưng nếu ta cảm nghe ý nghĩ hay tiếng động ấy phá rầy, làm khó chịu, hoặc nếu ta có một phản ứng hay xét đoán nào để chống đối lại, thì sai lầm, thái độ của ta sẽ có vấn đề. Tâm phóng dật và tiếng động không phải là vấn đề, chính “thái độ của ta muốn đừng có ý nghĩ phóng dật hay tiếng động ấy” mới là vấn đề. Như vậy, hãy thấu rõ, ta chỉ vừa hay biết một vài cơ năng của tâm. Hai điều — ý nghĩ của ta và tiếng động — chỉ là đối tượng của sự chú ý của ta.
Suy tư là sinh hoạt của tâm. Khi còn chưa quen thuộc với pháp hành nầy, chớ nên cố gắng thường xuyên và liên tục quan sát hoạt động của tâm. Cũng chớ nên tránh né, không quan sát tư tưởng ấy bằng cách mau mau quay trở về đề mục hành thiền lúc ban sơ. Khi nhận thức rằng mình đang suy tư, trước tiên lúc nào cũng phải chú tâm hiểu biết ý nghĩ, rồi nhớ lại rằng ý nghĩ chỉ là ý nghĩ. Không nên thấy đó là “ý nghĩ của tôi”. Rồi ta có thể trở về đề mục hành thiền lúc đầu. Khi ta cảm nghe tâm suy tư làm cho mình khó chịu, hãy nhớ rằng mục đích của ta hành thiền không phải là để không suy tư, mà trái lại là để chú niệm, nhận ra và hay biết dòng tư tưởng của mình mỗi khi nó phát sanh. Nếu không hay biết, ta không thể nhận thức rằng mình đang suy tư. Sự kiện ta nhận ra mình đang suy tư có nghĩa là ta đang tỉnh thức, hay biết. Nên nhớ rằng bao nhiêu lần tâm mình suy tư, phóng dật, hoặc bị phiền phức về vấn đề gì cũng không quan hệ — nếu ta tỉnh thức hay biết.
Mặc dầu dòng tư tưởng của ta có ngưng lại hay không, điều đó không thành vấn đề,điều quan trọng hơn là ta thấu hiểu rằng tư tưởng của mình thiện hay bất thiện, có chánh đáng thích hợp hay không, hoặc có cần thiết hay không. Vì lẽ ấy điều chánh yếu nên học là quan sát tư tưởng của mình mà không dình mắc.
Khi một tư tưởng đang tiến triển mạnh mẽ, dầu ta có cố gắng bao nhiêu để chỉ quan sát thôi, ít hay nhiều ta cũng vướng mắc vào tư tưởng ấy. Khi điều nầy xảy ra, dòng tư tưởng diễn tiến không ngừng và ta không thể quan sát, hãy ngưng nhìn vào tư tưởng của mình, và thay vì cố gắng làm vậy, hãy nhìn vào những cảm giác ẩn tàng phía sau, hoặc những thọ cảm trong thân.
Dầu ta ngồi, dầu đi, hay lẩn quẩn đó đây với công chuyện hằng ngày, hãy tự hỏi đi hỏi lại: Cái tâm đang làm gì?
Suy tư chăng? Suy tư về điều gì? Hay biết? Hay biết điều gì, tỉnh thức về việc gì?
Trích đoạn trong:
ĐỪNG COI THƯỜNG Ô NHIỄM TÂM
Thiền Sư Ashin Tejaniya
(thuvienhoasen)
Thế nào là hồi hướng?
Thầy Hang Truong
Cốt tủy của hạnh hồi hướng là mở rộng tâm lượng tới chỗ vô lượng vô biên.
Thập Hồi Hướng trong Kinh Hoa Nghiêm dạy rằng: tâm bồ tát là tâm đại bi (lòng thương không chiếm hữu) không có ngằn mé, biên tế. Tu hạnh hồi hướng là tu hạnh phát triển tình thương tới chỗ vô biên vô tận.
Do đó khi ta chắp tay hồi hướng ‘công đức’ mình tới kẻ khác, là lúc ta gởi gắm tình thương, lòng quan hoài tới những người mà ta hướng sự chú ý tới.
Chính tình thương này tạo ra một từ trường tốt lành mà ta gọi là ‘công đức’.
Do đó khi nói “hồi hướng công đức” là lúc ta khởi động và lan tỏa một từ trường tình thương tới người ta hồi hướng. Chính nhờ từ trường này mà người nhận sẽ có những thay đổi cụ thể.
Do đó hồi hướng là cách ta khởi động sức mạnh của tình thương.
Sự hiểu lầm về hồi hướng là sự suy nghĩ cho rằng ta cứ làm tốt rồi gởi cho người nào đó công đức, mà ta không hề chú ý tới động cơ hồi hướng là sự chia xẻ và lan tỏa sức mạnh tình thương.
Do đó, một khi sức mạnh tình thương được trỗi dậy và lan tỏa thì nó sẽ vô hạn, vô biên. Vì sao nó trở nên vô biên? Vì tình thương này không bị cột trói trong đặc tính chiếm hữu của bản ngã, không bị hạn cuộc trong phạm trù của bản ngã, không bị giới hạn bởi lòng vị kỷ, ích kỷ.
Hồi hướng là sự biểu hiện cụ thể nhất của tình thương không chiếm hữu, của lòng bác ái, của tâm đại bi.
Do đó khi một hành động tốt được làm ra mà thiếu vắng tình thương thì từ trường của nó không sao vô biên được. Thí dụ như mình quét nhà mỗi sáng cho cha mẹ mình. Hành động ấy là hành động tốt nhưng nó được làm trong tâm thức ‘làm đúng bổn phận’, không phải làm vì thương cha mẹ. Đem hành động tốt này đi hồi hướng thì cũng được, nhưng sức mạnh không bao nhiêu. Bằng chứng; không ai bị ta cảm động cả.
Một sự hiểu lầm khác về hồi hướng là cho rằng công đức có thể định lượng. Làm sao ta có thể cân, đo sức nặng và sức mạnh của tình thương được? Quan niệm về định lượng tình thương chẳng qua là một phương tiện giải thích cho người thời xưa (thời phong kiến) để họ bớt lòng ích kỷ, biết quan hoài và chia sẻ những thứ mình ‘có’ với tha nhân. Trong con đường tâm linh, chúng ta không thể suy nghĩ theo kiểu buôn bán, lời lỗ, nhiều ít, hơn thua được. Như thể thì quan điểm định lượng chẳng qua là một sản phẩm của thời đại phong kiến vậy. Chúng ta vẫn có thể tôn trọng quan điểm định lượng ấy vì nó có giá trị lịch sử thời đó, nhưng không có nghĩa là nó có ý nghĩa tuyệt đối đúng với mọi tâm thức, với mọi thời đại. Trong thời đại của chúng ta hiện nay, quan niệm định lượng ấy cần upgraded, chứ không cần bác bỏ hoặc cho là sai lầm. Với những ai còn có ký ức và truyền thống của văn hóa phong kiến, thì quan niệm định lượng vẫn còn hoàn toàn đúng với họ. (Và hệ quả tai hại là vói tâm thức định lượng ấy, công đức thật sự có nhiều ít, có thêm bớt). Với những ai đã mở tâm và có tình thương, thì hồi hướng là một hành động quá đẹp để ta lan tỏa tình thương tới mọi người có duyên với ta. Một khi lan tỏa thì ‘công đức’ (từ trường do tình thương tạo ra) sẽ vô biên.
Do vậy:
Một nụ cười đầy lòng quan hoài. Một lời lành đầy ấm áp. Một nghĩa cử săn sóc người ốm đau. Một cái nhìn thông cảm nỗi khổ đau của bạn mình. Tất cả đều là sự lan tỏa bất khả tư nghì, không thể đo lường sức mạnh của lòng thương vô biên trong những hành động, dù nhỏ, ấy được. Cả vũ trụ được gói trọn trong một tâm niệm: tình thương.
Khi hồi hướng ta chỉ cần hướng tâm tới những người mà ta có quan hệ là đủ. Không nhất thiết phải đọc bài kệ, hay nói lên lời hồi hướng gì cả.
Trong im lặng, hãy cảm nhận sự lan tỏa. Hãy cảm nhận tiếng lòng. Hãy lắng nghe nỗi niềm của những cánh cửa tâm hồn đang thổn thức chờ đợi tình thương của ta.
Trong im lặng, hãy gởi sức sống này tới họ.
Đó là hồi hướng.
Chuyen den trang: 1 2 3 4 5 6 7 8