Recent Pages: 1 2 2a 3 4 5 6 7
Mừng Xuân Di Lạc
Thích Nguyên An
Một mùa xuân Di Lạc, mùa xuân của sự hoan hỷ đông đầy tình yêu thương đang trở về với người con Phật và muôn loại chúng sanh. Trong mỗi chúng ta khi nhắc đến mùa xuân thì ai cũng liên tưởng ngay đến tất cả những gì tươi mới nhất. Bởi lẽ ngay danh từ xuân đã gắn liền với cuộc đời của mỗi chúng ta mà ai cũng đã, đang, và sẽ trãi qua, rồi sẽ cảm thấy tiếc nuối khi tuổi thanh xuân của mình qua mau thật vội. Nhưng dù có tiếc nuối hay lôi kéo thì cái tuổi xuân xanh ấy rồi cũng qua đi, như mùa xuân đến rồi mùa xuân đi. Vì thế mới ngày nào má đỏ ửng hồng, tóc xanh óng mượt mà giờ đây, thoáng chốc nhìn lại tóc da đã pha màu bạc trắng. Lắm lúc ta tự nhủ thầm, ước chi cho thời thanh xuân của ta được giữ mãi như mùa xuân kia luôn ở mãi bên mình. Ấy mới biết con người thì lúc nào cũng khát khao có được những gì tốt đẹp nhất để mình tận hưởng chứ không ai lại muốn mất đi cái quý của cuộc đời. Vì thế khi xuân đến thì muôn loài cỏ cây hoa lá cũng không dám giữ lại trên mình những gì cũ kỹ mà khoác lên một bộ mặt tươi mới, với chồi non lộc biếc, với hoa thơm cỏ lạ, có lẽ nó cũng biết chắc con người bao giờ cũng thích chiêm ngưỡng cái đẹp.
Với người con Phật vào những ngày đầu xuân ta thường có thói quen đến chùa lễ Phật, hái lộc, gặp Thầy. Khi đến cổng chùa ta sẽ dễ dàng bắt gặp câu Phật ngôn “Mừng Xuân Di Lặc”, nhiều người cũng thắc mắc tự hỏi sao phải là Mừng Xuân Di Lặc, bởi lẽ đức Di Lặc là một vị Bồ Tát tương lai sẽ giáng sanh vào cảnh giới ta bà đúng vào dịp mồng một đầu xuân, sau đó tu hành đắc đạo trở thành một vị Phật hiệu là Di Lặc Tôn Phật. Vì thế ở Ngài là sự hiện thân của tất cả những gì tốt đẹp, viên mãn và hoan hỷ nhất mà con người ước muốn có được thì trong Ngài đều có đủ. Không chỉ thế mà cái có ở Ngài, mùa xuân ở Ngài là mùa xuân miên viễn không bị ngăn cách, giới hạn và bị chi phối bởi không gian, thời gian. Vậy nếu cuộc đời thanh xuân ta đang có hay đã chớm vụt qua, mùa xuân ta đang đón chờ, hay mùa xuân chưa đến tất cả chúng ta phải ý thức nhận diện xuân đến rồi xuân sẽ đi. Nhưng với mùa xuân Di Lặc là mùa xuân trường cửu, bền chắc và mùa xuân ấy không chỉ có mặt đến với ta thoáng qua trong một vài ngày, mà mùa xuân ấy sẽ luôn hiện hữu trong ta, trong từng khoảnh khắc, từng ngày, từng giờ, từng tháng, từng năm, trong đời sống hiện tại, và cả kiếp sống mai sau.
Nguyện cầu đức Bồ Tát Di Lặc gia hộ cho chúng con học theo hạnh nguyện của Ngài để chế tác ra được những năng lượng của hoan hỷ bao dung, như nụ cười hỷ lạc và tấm lòng rộng lớn hiện ra trên thân tướng của Ngài, để chúng con luôn sống được trong mùa xuân Di Lặc bất diệt.
Xuân đời thoáng vội qua mau
Tóc xanh nay đã pha màu bạc sương
Mừng xuân Di Lặc miên trường
Là đường an lạc là phương thanh bình.
Thích Nguyên An
Nguồn: ÐPNN
Nụ Xuân Di Lạc
Minh Mẫn
Xuân sắp về, thêm một bước chân tuần hoàn của vũ trụ đất trời. Dù trẻ hay già, Xuân vẫn là mùa đáng trân trọng để chào đón, vì thế, nhà nhà, người người đều bôn ba lo chuẩn bị trước cả tháng.
Đầu năm được gọi là ngày Tết, dù là Tết dương lịch hay Tết cổ truyền, đều lấy ngày mồng một tháng giêng của dương hoặc âm lịch làm ngày khởi đầu cho năm mới. Các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu đều lấy ngày và tháng đầu năm để đón Tết. Nói như thế không phải Việt Nam tùy thuộc vào sinh hoạt văn hóa của Tàu, bằng cớ:
Tết, thì những thế kỷ trước Công nguyên, người cổ ở đất Việt phương Nam này không tổ chức Tết vào mùa Xuân, càng không lấy ngày đầu tháng Giêng làm ngày Tết như người Hoa từ thời nhà Hán ở phương Bắc. Tổ tiên xa xưa của chúng ta ăn Tết và vui Tết vào mùa Thu, lấy ngày đầu tháng Chín làm ngày đầu năm. Điều này đã được chép vào sách Thái Bình hoàn vũ ký. Sở dĩ như vậy là vì thời tiết, rồi thời vụ bấy giờ làm nông nghiệp lúa nước (chỉ một vụ là vụ Mùa) dẫn đến quan niệm định chế về lịch (lịch pháp) của cư dân xứ sở phương Nam, không những không thể giống mà còn xa lạ với phương Bắc. Chính Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo cũng đã khẳng định: “Phong tục Bắc Nam cũng khác”. ( Wikipedia)
Như thế, phong tục ăn Tết của ta đã có từ thời xa xưa mà theo Tiến sĩ Phan Công Chánh thì Tết Việt ta bắt nguồn từ nền văn minh Văn Lang và Lạc Việt khoảng 4.000 năm trước. Thậm chí Vua Nghiêu vua Thuấn còn học của giống Bách Việt, Lạc Việt, Âu Việt những kỷ thuật văn minh, toán số, y lý… Khi nhà Tần thống nhất lục quốc, nhà Hán cai trị Trung nguyên, dân Bách Viết không chấp nhận đồng hóa với Tàu, bèn xuôi Nam hòa nhập cùng Lạc Việt. Trước đây Lĩnh Nam thuộc đất Bách Việt. khi Tần Thủy Hoàng, 214 trước công nguyên chiếm Ngũ Lĩnh, dân Bách Việt mới bỏ xứ xuôi Nam. Lúc bấy giờ Đại tộc Việt có nền văn hóa lâu đời, luật pháp ổn định, xã hội phát triển. Thời Khổng Tử, tuy Tàu đã có cuộc sống phát triển, thế nhưng, những cái gọi là văn minh đương đại, cũng không tự phát mà đã vay mượn từ đại Tộc Bách Việt. Khổng tử san định kinh thư cũng từng nói: “Thuật nhi bất tác, tín nhi háo cổ; thiết tỷ ư ngã Lão Bành” mà Lão Bành cũng xuất thân từ giòng dõi Việt tộc. Và ngay cả Triệu Đà được cử xuống khai hóa phía Nam, cũng xác nhận dân chúng nơi đây đã có nền văn minh phát triển hơn phía Bắc.
Một nền văn minh lúa nước của Việt tộc phong phú, phồn thịnh thì chọn mùa màng kết thúc để làm Tết nghỉ ngơi vui chơi là chuyện đuơng nhiên; từ đó, ý niệm ngày Tết đã có đối với dân tộc ta. Mỗi dân tộc đều chọn ngày Tết cho mình. Những quốc gia cận biên, qua giao lưu văn hóa, thương mãi, tín ngưỡng, nông nghiệp…đã ảnh hưởng nhau về một số sinh hoạt. Chúng ta vẫn tự hào Việt tộc đã có một nền văn minh rất sớm, chính vì thế Hồng Bàng lập quốc đã nói lên tính Văn hiến của một dân tộc. Thế mà một số người cực đoan đòi bỏ Tết cổ truyền, chọn Tết dương lịch làm Tết chung. GS Võ Tòng Xuân lý luận:
Một trong những lý do chính khiến Nhật Bản trở nên giàu có là nhờ sớm biết giao thương với Âu Mỹ, theo đúng phương pháp và tập quán Âu Mỹ. Vua Minh Trị Thiên Hoàng đã biết tranh thủ kỹ thuật của Tây phương, kể cả quyết định đổi tập quán ăn Tết của Nhật sang ăn Tết theo DL từ năm 1872,
Một GS đánh giá sự phát triển của một đất nước chỉ trên căn bản chuyển đổi ngày Tết như thế cũng lạ, sau khi viện dẫn một số lý do thiếu thuyêt phục, GS Võ Tòng Xuân khuyên ta: Nên thống nhất ăn Tết cùng lúc với các đối tác thương trường của chúng ta. Vì thương trường đối tác mà phải hủy bỏ nền văn hóa đặc thù của một dân tộc. Nếu bảo do ta ăn Tết theo cổ truyền nên nghèo vì mất thời gian và mất cơ may khi đối tác với thương trường thì Trung quốc, Nam Triều Tiên, Đài Loan hiện nay đâu phải là quốc nghèo khi vẫn giữ Tết cổ truyền??? Tết luôn gắn liền với đời sống của dân tộc, nhưng hưởng Tết thế nào có ý nghĩa, không chỉ hưởng thụ ăn chơi trong ba ngày Xuân mà còn có ý nghĩa Tâm linh của một dân tộc sâu đậm nét tín ngưỡng.Trong ba Tôn giáo lớn ảnh hưởng với chúng ta là Thích Lão Khổng, đầu Xuân, người dân thường đi lễ chùa vào đêm Giao thừa, giờ đầu năm được gọi là vía Di Lạc. Tập quán nầy không rõ xuất xứ từ bao giờ, nhưng tinh thần Di Lạc đã thâm nhập vào Phật giáo Việt Nam từ thời Lý. Qua bao cuộc thăng trầm của Phật giáo, hình ảnh Di Lạc được phát triển mạnh vào cuối thế kỷ XX, nhất là miền Nam. Cũng từ đó, bảo tượng Di Lạc cũng được tôn tạo qua nhiều hình thức khác nhau, nhưng nét giống nhau là nụ cười đầy hoan hỷ và dạng người phốp pháp, bụng dung chứa mọi cái mà thế gian không thể dung chứa:
“Đại đỗ năng dung, dung thế gian nan dung chi sự.
Hàm nhan vi tiếu, tiếu thế gian nan tiếu chi nhân”.
Cái bụng lớn có thể dung chứa những việc mà người đời không dung chứa được.
Miệng nở nụ cười mỉm với những điều mà người đời khó có thể mỉm cười được.
Không phải tự dưng cổ nhân chọn giờ giao thừa làm lễ vía Di Lạc, mùa xuân gọi là xuân Di Lạc.
Chữ Tết có nghĩa là kết gắn;
Giờ giao thừa lễ vía đức Bồ Tát Di Lạc có nghĩa bắt đầu một năm mới kết tập mọi điều may mắn, tốt lành và tràn đầy vui tươi hoan hỷ. Chuyện buồn phiền xui xấu cho qua đi; mọi người chúc tụng nhau những lời tốt đẹp.
Chính vì thế đại đế Quang Trung đã chọn ngày cuối năm cho binh sĩ ăn Tết sớm để lập thành tích lớn cho năm mới tràn đầy niềm vui.
Người dân quanh năm bận bịu, giao thừa hoặc đầu năm luôn đi lễ chùa, ngoài việc cầu phúc cầu tài, cầu cho tai qua nạn khỏi, phúc lạc giáng lâm. Các sư sau thời lễ vía luôn cầu cho quốc thái dân an. Các bô lão đình làng cũng khấn bái Thành hoàng thổ địa giúp cho dân lành an cư lạc nghiệp. Tinh thần vui Xuân hưởng Tết luôn gắn liền với ý thức dân tộc, độc lập nước nhà và đạo đức gia môn.
Suốt bao cuộc chiến tạo rách nát quê hương, nhân dân đồ thán, nhưng ngày Xuân, họ vẫn không bao giờ quên, cho dù nghèo, trên bàn thờ gia tiên cửu huyền cũng có chén nước nhánh hoa mâm quả. Cháu con đoàn tụ chúc thọ ông bà. Những phong bì đỏ đem lại niềm vui cho lũ trẻ. Những chiến sĩ biên cương cũng được hậu phương tặng quà gửi thư chúc Tết.
Cộng đồng kiều bào lưu lạc khắp nơi, đêm giao thừa cũng quây quần bên nhau để hướng về quê nhà, nhớ đến thân nhân ruột thịt đang êm ấm đoàn tụ. Các chùa cũng tổ chức các đoàn đi ủy lạo đồng bào lê lếch trên các vỉa hè hoặc những gia cảnh neo đơn, vô thân tứ cố. Các chùa cũng tạo cây Mai toòn ten phong bao phúc lộc với những câu kinh Pháp Cú.
Các miền quê hoặc ngoại ô trước đêm giáo thừa luôn bập bềnh ngọn lửa liếm quanh nồi bánh chưng bánh tét giữa nhạc Xuân rộn rã khắp nơi, và ai đó thấm thía nhạc bản: “Xuân Nầy con không về” để tủi thân đau phận đang tha phương cầu thực.
Chính bao phiền não cuộc trần mà chúng sanh cần đến tôn giáo, chính nhu cầu tâm linh và giải tỏa niềm đau kiếp người mà Phật giáo đã có mùa Xuân Di Lạc đem lại cơ may cho mọi người. Với nụ cười thong dong thoải mái của Đức Di Lạc khi khách thập phương buớc chân vào chùa cũng làm vơi gánh nặng trần ai của bao lữ thứ bụi trần; Và cũng bao lần thắng ngoại xâm, giữ vững văn hóa cha ông cũng từ truyền thống tín ngưỡng gắn liền với quê hương: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, nếp sống muôn đời của tổ tông” (Huyền Không). Tinh thần Phật giáo luôn là năng lượng cho dân tộc. Những người con trên đất nước hay đang tha hương vẫn còn giữ được tinh thần dân tộc và tín ngưỡng hòa quyện với nhau. Đó là nét đẹp truyền thống đặc thù được bảo tồn và phải được bảo tồn như sự bảo tồn nét hoan hỷ của một Bồ Tát Di Lạc cho một mùa Xuân, có như thế dân tộc ta mới trường tồn vĩnh cửu.
MINH MẪN
Nguồn: ÐPNN
CON NGƯỜI HẠNH PHÚC
Thích Thông Huệ
Những ngày đầu năm, Phật tử đến chùa lễ lạy cúng dường Tam Bảo, gặp gỡ nhau và cầu chúc nhau an lạc, hạnh phúc. Nhưng thế nào là hạnh phúc đích thực, và tìm hạnh phúc ấy ở đâu? Ðây là một bí quyết, một nghệ thuật sống, là kết quả của công phu tu hành mà mỗi người Phật tử chúng ta cần hiểu rõ.
Trong nhà Phật, hình tượng biểu trưng cho hạnh phúc chân thật muôn đời, là hình tượng của Bồ-tát Di Lặc. Ngày vía Bồ-tát là ngày mùng một tết, ngày đầu của một năm. Trong ngày này, mọi người tạm quên những lo âu phiền muộn, hướng đến một năm mới với hy vọng thành công hơn, sung sướng hơn năm cũ đã qua. Nhưng đó chỉ là niềm vui và hy vọng mong manh trong mấy ngày Tết, sau đó trở lại tất bật với cuộc sống đời thường. Riêng Ngài, toàn thân và đặc biệt là vẻ mặt luôn biểu lộ một niềm hỷ lạc vô biên, với nụ cười luôn tươi tắn, rạng rỡ; khiến ai đến chiêm bái cũng cảm nhận rằng, Ngài quả thật là một người hạnh phúc.
Bồ-tát Di Lặc, Trung Hoa dịch là Từ Thị, còn có tên là Bồ-tát A-Dật-Ða (Vô Năng Thắng). Theo truyền thuyết, Ngài tên Từ Thị vì lúc thân mẫu mang thai Ngài, bà phát khởi tâm từ, nguyện ăn chay trường để tránh sát sanh. Có thuyết cho rằng, do Ngài tu Tứ vô lượng tâm (Từ-Bi-Hỷ-Xả), nên có tên Từ Thị; và vì Ngài tu hạnh này viên mãn không ai sánh bằng, nên được tôn xưng là Vô Năng Thắng. Thời Ðức Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài thị hiện làm con trong một gia đình Bà-la-môn truyền thống ở miền Nam Ấn, sau khi gặp Ðức Phật và xin xuất gia. Ðây là một nhân vật lịch sử.
Một hóa thân khác của Bồ-tát Di Lặc là Bố Ðại Hòa thượng. Hòa thượng xuất hiện tỉnh Minh Châu ở Trung Hoa, thế kỷ thứ X, vào đời Ngũ Ðại, vì Ngài thường lang thang khắp chốn, hành tung bất định. Ngài thường vác một bao bố to trên vai, gặp ai cũng ngửa tay xin. Những gì xin được, Ngài đều cho vào bao, sau đó tập họp đám trẻ, phân phát lại cho chúng.
Tương truyền, có khi Ngài thi triển thần thông: Những món từ tay Ngài lấy từ trong bao ra thì toàn bánh kẹo tiền bạc, nhưng kẻ khác lôi ra thì lại là rắn rít cóc nhái. Một lần, Hòa thượng Thảo Ðường gặp Ngài, biết Ngài là bậc Thánh Tăng nên hỏi: “Thế nào là đại ý Phật pháp?”. Ðang vác bao trên vai, Ngài liệng bao xuống, đứng yên. Hòa thượng Hỏi tiếp: “Chỉ có thế, hay còn con đường nào tiến lên nữa?”. Ngài vác bao lên, đi thẳng. Ðây chính là thủ thuật Trực chỉ nhân tâm, cơ phong trong nhà Thiền.
Khi sắp tịch, Ngài ngồi an nhiên nói bài kệ:
Di Lặc chơn Di Lặc
Hóa thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn giai bất thức.
Tạm dịch:
Di Lặc thật Di Lặc
Hóa thân trăm ngàn ức
Thị hiện giáo hóa người
Người đời không ai biết.
Nhờ bài kệ này mà người sau biết Ngài là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc. Từ đó, người ta dùng hình ảnh Bố Ðại Hòa Thượng để vẽ hoặc tạc tượng Bồ-tát. Ngày nay, chúng ta thấy các chùa thường thờ Bồ-tát theo bốn kiểu dáng, mỗi kiểu đều có ý nghĩa riêng: Thứ nhất, dáng Ngài đứng dang chân, hai tay giơ lên trời, miệng cười to, vẻ mặt rạng rỡ. Kiểu này biểu hiện nội dung sung mãn hạnh phúc, mình và toàn thể pháp giới hòa nhập thành một thể nhất như.
Kiểu dáng thứ hai, Ngài đứng vác một bao to trên vai, là hình ảnh Hòa thượng Bố Ðại, tu Bồ-tát nghịch hạnh. Kiểu thứ ba, Ngài đứng với chiếc bao to dưới chân, gợi nhớ câu trả lời vô ngôn khi Hòa thượng Thảo Ðường hỏi về đại ý Phật pháp. Thứ tư, là kiểu mẫu thường thấy nhất, Ngài ngồi thoải mái, vô cùng hoan hỉ với năm sáu đứa bé vây quanh, đứa chọc tay vào mắt, vào miệng, đứa chọc vào tai, vào bụng… Ðây là một bài học lớn cho công phu tu hành.
Nhưng dù thể hiện Ngài theo kiểu dáng nào, ta vẫn nhận ra Ngài nhờ những nét nổi bật và độc đáo: Người mập đến nỗi không thấy cổ, mặt tròn đầy, miệng cười rộng đến mép tai; đặc biệt là cách ăn mặc thật thoải mái: chiếc quần rộng thùng thình, áo ngắn không cài khuy để lộ bộ ngực vạm vỡ và cái bụng to tròn.
Theo lẽ thường, người xuất gia tu hành thanh tịnh, trước nhất phải biểu hiện oai nghi tế hạnh từ dáng vẻ bên ngoài, để người khác xem đó là mẫu mực. Ở đây, hình tượng Bồ-tát Di Lặc lại hoàn toàn trái ngược, khiến nhiều người lần đầu đến chùa, có thể cảm thấy lạ lùng. Chúng ta phải hiểu những ý nghĩa sâu xa, siêu tục ẩn chứa trong hình thức thường tục ấy như thế nào?
Nhà Thiền có câu: “Trung vô tận tạng, hữu hoa hữu nguyệt hữu lâu đài”. Trong kho vô tận có chứa đầy đủ, nào hoa nào trăng, nào đền đài cung điện. Bụng của Bồ-tát Di Lặc là kho Như Lai tạng vô tận, trong đó muôn pháp được hình thành. Bụng to cũng có nghĩa là dung chứa, độ lượng với tất cả mọi người, mọi hoàn cảnh; còn tượng trưng hạnh tri túc, sống yên phận nghèo mà vui với đạo.
Bỏ bao bố xuống đất tượng trưng sự buông xả hoàn toàn cả căn, trần và thức, không còn chấp trước, không còn gì mắc buộc ràng. “Buông tất cả thì được tất cả”. Khi không còn chấp vào thân – tâm – cảnh, không còn chạy theo các pháp duyên sinh hư giả thì Phật pháp hiện tiền, toàn thể vũ trụ đều với mình hòa điệu. Ðây chính là đại ý Phật pháp, là yếu chỉ Thiền tông, là bí quyết của hạnh phúc chân thật muôn đời.
Từ tự tánh lặng lẽ mà hằng tri, phát khởi diệu dụng nhiêu ích chúng sinh, biểu hiện bằng cử chỉ vác bao lên vai, đi tiếp. Ðói ăn mệt ngủ, Bồ-tát tự do tự tại trong sinh hoạt thường nhật, hoàn toàn thong dong với mọi thăng trầm thịnh suy của cuộc sống. Ðó là con đường tiến lên, trả lời câu hỏi thứ hai của Hòa thượng Thảo Ðường.
Sự buông xả đến tột cùng mọi vọng chấp dính mắc còn được biểu trưng bằng một hình ảnh sống động và đầy ấn tượng: nét cười Di Lặc bên cạnh sáu đứa bé chọc phá vây quanh, nhắc nhở một Hòa thượng Bố Ðại ngày xưa vui đùa cùng đám trẻ. Sáu đứa bé cũng là sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp). Khi sáu căn của ta tiếp xúc với sáu trần, thường khởi ý niệm phân biệt đẹp, xấu, hay, dở; đẹp thì thích, muốn chiếm làm của riêng (tham), xấu thì ghét giận (sân).
Từ đó tạo nghiệp, mãi luân hồi trong Tam giới; đây chính là nỗi khổ lớn nhất, dai dẳng nhất của chúng sinh. Bồ-tát thì không như thế, Ngài thấu triệt bản chất duyên sinh vô ngã của tất cả các pháp, biết chúng do thức biến hiện, do tâm sanh khởi, nên tự tánh của chúng là không. Tự tánh không nhưng duyên hợp nên tạm có. Do siêu vượt ngã chấp và pháp chấp nên Ngài hoàn toàn vô tâm khi đối duyên xúc cảnh, ở trong trần mà an nhiên tự tại trước bao biến động của trần. Vì thế, nụ cười của Ngài vô cùng hồn nhiên, vô cùng tươi tắn, biểu hiện một đời sống nội tâm sung mãn. Có thể nói, nụ cười Di Lặc là mùa Xuân miên viễn, là tâm Xuân bất diệt, là chất Xuân mãi mãi tuôn trào.
Như vậy, tu hành không có nghĩa là “Bế lục căn, ngăn lục thức, dứt lục trần”; không phải xa lánh chốn phàm tục, trốn tránh hơi thở của thế gian. Chỉ cần quán triệt lý vô ngã, nhận rõ các pháp không thật có, hành giả không cần diệt Căn – Trần – Thức mà vẫn an nhiên đối với trần cảnh. Hạnh phúc thật ra rất bình thường, không phải ở một thế giới nào xa xôi hay ở một tương lai nào mù mịt.
Khi tâm ta an trú trong hiện tại, nhận ra được sự hiện hữu nhiệm mầu thường tại ngay trong dòng lưu chuyển sinh diệt của các pháp, ta sẽ thấy rõ rằng: hạnh phúc đích thực chỉ có ở tại đây và bây giờ! Ðiều này có nghĩa, nếu buông xả tột cùng mọi vọng chấp, mọi ý niệm phân biệt hai bên, để tâm ta hoàn toàn rỗng rang thanh tịnh, thì chơn thường sẽ hiển hiện từ cái vô thường, sự vĩnh cửu nằm ngay trong sinh diệt. Ðây là tinh thần của câu kệ nổi tiếng “Ðối cảnh vô tâm mạc vấn thiền” (Ðối cảnh không tâm chớ hỏi Thiền), trong bài phú Cư trần lạc đạo của Sơ Tổ Trúc Lâm.
Một điều khác, có khi nào chúng ta thắc mắc: Bồ-tát Di Lặc thật là ai? Là Từ Thị, A-Dật-Ða, Bố Ðại, là vị Bồ-tát đang ở cung Phạm Vương cõi trời Ðâu Suất?
Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt
Vạn lý vô vân vạn lý thiên.
Tạm dịch:
Ngàn sông có nước ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây muôn dặm trời.
Trăng trên trời chỉ có một, nhưng nơi nào có nước là có bóng trăng. Một hiện ra nhiều, nhiều quy thú về một. Nhứt tức nhứt thiết, nhứt thiết tức nhứt. Pháp thân thanh tịnh không hai, nhưng tùy duyên mà các bậc giác ngộ thể hiện nhiều ứng hóa thân, khiến muôn loài chúng sinh được nhiều lợi lạc. Hòa thượng Bố Ðại hay vị Tỳ-kheo thời Phật tại thế là ứng hóa thân của Bồ-tát Di Lặc, còn báo thân của Ngài hiện đang ở cung trời Ðâu Suất. Ngài là vị Bồ-tát Nhất sanh bổ xứ, nghĩa là chỉ thị hiện nơi cõi Ta-bà một lần nữa rồi thành Phật, như Ðức Bổn Sư của chúng ta. Vì thế, chúng ta gọi Ngài là vị Phật đương lai (Ðương lai hạ sanh Di Lặc Tôn Phật).
Những kinh nói về sự đản sanh của Ngài là kinh Di Lặc thượng sanh, kinh Di Lặc hạ sanh, kinh Di Lặc bổn nguyện, đều do chính kim khẩu Ðức Phật Thích Ca thuyết giảng. Theo tinh thần của kinh, lúc thời mạt pháp của Phật Thích Ca chấm dứt và trải qua hết Tiểu tam tai cùng Ðại tam tai, Bồ-tát Di Lặc sẽ đản sanh nơi cõi Ta-bà, thành đạo dưới cội cây Long Hoa, khởi đầu thời kỳ chánh pháp mới.
Tiểu tam tai gồm ba nạn, xảy ra đồng thời hoặc lần lượt theo sau, khiến loài người chịu nhiều thống khổ, bệnh đau, chết chóc: Ôn dịch tai là bệnh tật thời khí độc hại hoành hành, đặc biệt hiện nay đang có chiều hướng gia tăng về số người bệnh và mức độ trầm trọng của các bệnh nan y như: Ung thư, HIV/AIDS, viêm gan siêu vi, Sốt rét… làm tử vong hàng triệu người mỗi năm. Cơ cẩn tai là thiên tai, là môi trường ô nhiễm, là đất đai cạn kiệt màu mỡ.
Tâm người không ôn hòa, tàn phá thiên nhiên, đảo lộn cân bằng sinh thái, kết hợp với sự bùng nổ dân số nên gây nạn đói trầm trọng ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Nước nghèo thì đói kém, nước giàu lại muốn thống lĩnh toàn cầu, từ đó xem thường đạo đức và quyền lợi con người. Ðây là ngòi nổ của Ðao binh tai. Những hình ảnh chúng ta thường thấy mỗi ngày, nếu theo dõi chương trình thời sự thế giới, là những biểu hiện trung thực và đau thương nhất của loài người, dù mới trải qua Tiểu tam tai ấy mà thôi.
Ðến giai đoạn của Ðại tam tai, sự tàn phá hủy diệt còn ghê gớm hơn nhiều. Thứ nhất là Phong tai, cuồng phong bão tố dữ dội cùng khắp. Hiện nay ở nơi này, nơi kia thỉnh thoảng ta đã nghe tin về những cơn lốc mạnh tàn phá cả một vùng rộng lớn. Hai kiếp tai kia là Thủy tai và Hỏa tai, hậu quả của nền công nghệ phát triển, làm trái đất nóng dần lên (hỏa tai). Băng tan ở hai cực trái đất thấp (thủy tai). Loài người bị tiêu diệt hàng loạt do những tai nạn khủng khiếp như thế, chỉ còn lại một số ít. Khi đã đến tận cùng của thời kỳ kiếp giảm, lại bắt đầu thời kỳ kiếp tăng, tuổi thọ con người tăng dần. Trong kinh, Ðức Phật xác định rằng, khi tuổi thọ con người đạt đến sáu vạn bốn ngàn tuổi, Ðức Di Lặc mới ra đời.
Như vậy, khi chánh pháp của Ðức Phật trước không còn lưu truyền trong nhân gian, loài người chịu nhiều thảm họa khủng khiếp đến tột cùng, không ai còn nghe nhắc đến tiếng Phật, lúc ấy mới có một vị Phật sau ra đời. Không có cơ sở nào để lại tin rằng Ðức Di Lặc sắp đản sinh. Phật tử chúng ta cần thận trọng để không bị mê hoặc bởi những tà thuyết mê tín. Chúng ta đang ở thời kỳ kiếp giảm, tuổi thọ không dài nhưng nhờ vậy mà có nhiều cơ hội thấy rõ lý vô thường giả hợp.
Bạn bè, người thân quanh ta sớm còn tối đã mất, bản thân ta cũng nay đau mai mạnh, từ đó ta dễ thức tỉnh, tinh tấn tu hành. Tuy trong đời mạt pháp, nhưng ta vẫn còn được nghe giáo lý cao siêu uyên áo, phải biết là duyên may ngàn năm một thuở. Do đó, ta phải trân quý thời gian còn lại của đời mình để thúc liễm thân tâm, tịnh tu ba nghiệp. Theo gương Bồ-tát Di Lặc, chúng ta buông xả mọi vọng chấp vướng nhiễm vào trần cảnh, có cái nhìn bao dung và tấm lòng rộng mở cho tất cả mọi người. Ta hãy tìm Ngài ở ngay con người xác thịt của mình, bằng cách tinh tấn tu hạnh Từ Bi Hỷ Xả như Ngài.
Nhân ngày đầu Xuân, chúng ta thành tâm đảnh lễ Ðức Bồ-tát Di Lặc, cũng nên thành tâm chúc nhau sống trong hạnh phúc chân thật dù đang mang thân phận làm người. Bởi vì, khi tâm ta không còn chấp ngã chấp pháp, không còn dính mắc buộc ràng, thì ở đâu không là Niết-bàn, bao giờ không là mùa xuân bất tận?
Thích Thông Huệ
Nguồn: thuvienhoasen
NỤ CƯỜI CỦA TUỆ GIÁC MÙA XUÂN
Trần Kiêm Đòan
(Trích đoạn)
” Nụ cười cũng có nội dung riêng của nó, nhất là nụ cười Việt Nam không phải rằng, “cái gì cũng ‘hì’ là xong chuyện” như cách nhìn của Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa…”
Xuân sanh, Hạ chín, Thu héo, Đông tàn. Nếp nghĩ xuôi dòng đang đi theo một dòng chảy miên viễn như thế. Bỗng có một vị sơn tăng – như Thiền sư Mãn Giác chẳng hạn, mỉm cười, tầm nhìn hướng ra ngõ vắng đầy sương, ánh mắt bắt gặp một cành mai hôm trước: “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai!”. Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết. Hôm qua sân trước, một cành mai. Mai nở sớm hay mai cũ của mùa xuân năm trước là câu hỏi theo cái nhìn cảm giác đời thường. Nhưng với nét nhìn của một thiền sư còn quán niệm về vạn pháp hư huyễn đang xoay vần thì đó chẳng phải là cành mai hình tướng mà là cành mai thể tánh. Mai nở thông qua cái nhìn tuệ giác – Tuệ giác mùa xuân.
Như ngày xưa, cụ nghè Tam nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến cũng nhìn thấy: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái. Một tiếng trên không ngỗng nước nào?!”. Nhưng đây là cái nhìn thông qua cảm giác, cảm xúc. Có người hỏi: “Văn chương tự cổ vô bằng cớ. Văn chương từ xưa là sản phẩm của cảm xúc nên không có bằng cớ gì cả. Vậy thì căn cứ vào đâu để nói Nguyễn Khuyến không là một thiền sư như Mãn Giác?”. Chỉ có một sự khác nhau rất nhỏ. Thiền sư Mãn Giác nhìn vạn sự qua nét nhìn tĩnh lặng mà như xoáy vào nhịp biến dịch thành trụ hoại không. Cụ nghè Nguyễn Khuyến nhìn đối thể với sự hồ nghi chất vấn. Còn hồ nghi sẽ thiếu vắng một nụ cười.
Nụ cười, tuệ giác và mùa xuân là ba khái niệm và ba hình ảnh riêng biệt. Nhưng khi kết hợp và hòa quyện vào nhau sẽ thành nguồn vui Di Lặc. Theo niềm tin và tín lý nhà Phật thì có ba đời, mười phương Phật. Có hằng hà sa số chư Phật trong ba đời quá khứ, hiện tại và tương lai. Thích Ca Mâu Ni là Đức Phật của thời hiện tại trong cõi Diêm Phù Đề mà chúng ta đang ở. Đức Phật tương lai của cõi người này sẽ là Phật Di Lặc (Maitreya: Gốc chữ Phạn Maitri, có nghĩa là từ bi, an lạc) là một vị Đại Bồ tát đang ngự ở cung trời Đâu Suất. Qua lăng kính Đại thừa của Phật giáo Trung Hoa, Phật Di Lặc trở thành biểu tượng của sự hoan hỷ, sung mãn, hạnh phúc. Chỉ riêng trên đất Trung Quốc từ thế kỷ thứ III đến nay đã có tới con số hàng trăm nhân vật theo Phật giáo xuất gia và tại gia tự xưng là “hiện thân của Phật Di Lặc” giáng trần. Nhưng tất cả con người và vụ việc đều đến rồi đi như những hiện tượng chiến tranh, dịch họa.
Tuy đạo Phật có nhiều bộ phái và pháp môn khác nhau, nhưng hình ảnh Phật Di Lặc vẫn trở thành một ước vọng chung tràn đầy niềm vui và hạnh phúc ở chân trời tương lai. Đức từ bi của Phật Di Lặc được biểu hiện qua nhiều hình tướng khác nhau, tương hợp với điều kiện và hoàn cảnh xã hội, bản chất con người và đặc tính văn hóa của từng xứ, từng vùng.
Qua những tượng đài và kinh văn Ấn Độ thì Phật Di Lặc là hiện thân của từ bi và trí tuệ trầm tư. Với Tây Tạng, Tích Lan thì Phật Di Lặc là hóa thân của sự tái sinh an lạc và huyền nhiệm. Nhưng tới đất Trung Hoa thì Phật Di Lặc là biểu trưng của sự hoan hỷ, phong phú, mãn nguyện với nụ cười khoan khoái, sắc diện béo tròn, thân đầy, bụng phệ, lúc nào cũng sẵn lòng dang tay đón nhận mọi người. Hình tướng Phật Di Lặc ở Việt Nam thì gần như là bản sao của Trung Quốc. Cũng là nụ cười Di Lặc, nhưng văn hóa “cung hỷ phát tài” của Trung Quốc làm mất đi tính chất tuệ giác của sự mơ ước tâm linh. Nhiều nơi lẫn lộn giữa Phật Di Lặc và ông Thần Tài. Thậm chí, khi mang ảnh tượng Đức Di Lặc của Việt Nam và Trung Quốc sang các nước Âu Mỹ thì trở thành những ông Phật Mập (Fat Buddha), Phật Cười (Happy Buddha) hay Phật Phát Tài (Lucky Buddha)… đặt sau vườn làm cây kiểng!
Thật ra, Đức Phật Di Lặc là dấu chỉ nói lên niềm hy vọng thường an lạc, là biểu tượng mong cầu cho một tương lai thịnh vượng, tươi sáng nên đời có bao nhiêu niềm ước mơ tốt đẹp thì sẽ có bấy nhiêu mẫu hình tướng của Ngài. Nhưng nếu có chăng điều quan ngại thì nó sẽ không dừng lại ở mức độ hình tướng mà ở tác dụng của phương tiện. Nếu nụ cười “niêm hoa vi tiếu” của Ca Diếp là sự khai mở của tuệ giác, nhìn đóa sen trên tay Phật mà thấy hết tánh sen là tánh Phật; thấy ngó sen đang ở trong bùn vẫn theo dòng sinh diệt, lặng lẽ nhô lên khỏi mặt nước và có ngày nở rộ tỏa ngát hương thì nụ cười Di Lặc cũng sẽ “đồng nhất thể” tương ưng như thế. Đó là một nụ cười rất đẹp và trọn lành không phân biệt Bố Đại Hòa thượng hay thằng Bờm lưu truyền trong dân gian.
Càng ngày, những nước văn minh Âu Mỹ càng nghiên cứu sâu rộng để tiếp nhận và trân trọng tinh thần phá chấp, từ bi và hóa giải của đạo Phật. Nhưng khác với người phương Đông, người phương Tây không còn ảo tưởng về vai trò “cứu rỗi” vô điều kiện của tôn giáo. Bởi vậy, họ tìm đến đạo Phật như một triết lý và một nghệ thuật sống. Họ tìm đến cái đẹp của Phật giáo không phải qua hình thức lễ nghi, bái vọng với một tâm lý đột phá những vòng trói buộc của tín điều và tín lý. Họ đánh giá chân xác suối nguồn tuệ giác của Đức Phật Thích Ca và biết ơn nụ cười Di Lặc hiện diện trong một xã hội kỹ nghệ phương Tây quay như chong chóng. Họ cũng tin rằng, một Đức Phật tương lai sẽ đến như một sự tái khẳng định nếp nghĩ, lối sống hòa bình, an lạc và trí tuệ chứ không phải là để “tái sáng thế” đầy huyền nhiệm và bí ẩn của nếp tâm linh cổ sơ.
Nếu quan chiêm những ảnh tượng của Phật Di Lặc trong những chùa viện Phật giáo phương Tây ngày nay, người ta sẽ thấy toát lên vẻ đẹp đầy nghệ thuật phảng phất hay rõ nét nụ cười toát ra từ bên trong. Những ảnh tượng Di Lặc với ngoại hình đầy hoan hỷ đậm nét “thỏa thuê trù phú” trong các chùa viện Việt Nam mô phỏng như thường thấy bấy lâu nay hay chỉ là phiên bản của Trung Quốc đang mất dần tác dụng giải thoát tâm linh trong thời đại mới. Nụ cười cũng có nội dung riêng của nó, nhất là nụ cười Việt Nam không phải rằng, “cái gì cũng ‘hì’ là xong chuyện” như cách nhìn của Nguyễn Văn Vĩnh ngày xưa. Nụ cười của người Việt vừa là một khí cụ để diễn đạt cảm xúc, vừa là một vũ khí chống đỡ của tâm hồn.
Nguồn: thuvienhoasen
Những Cái Vui Trong Đạo Phật
HT. Thích Thanh Từ
Trong nhà Phật ngày mùng một Tết là ngày vía đức Di Lặc. Đức Di Lặc hiện là Bồ tát, nhưng tương lai sẽ thành Phật. Thế nên lễ Ngài, chúng ta xưng “Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật”. Chúng tôi gọi Ngài là Phật vì Ngài là Phật sẽ thành, còn gọi Ngài là Bồ tát vì Ngài là vị Bồ tát hiện tại. Đa số các chùa thuộc hệ Bắc tông đến ngày mùng một Tết đều cử lễ vía Ngài. Đó là một thông lệ nhưng mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Người thế gian ai cũng quan trọng ngày đầu năm, cho ngày đầu năm là ngày chứa đựng đầy đủ ý nghĩa trong một năm. Vì vậy mọi hành động, mọi ngôn ngữ, mọi ý nghĩ đều được dè dặt để giữ gìn một năm đầy tốt đẹp.
Đức Di Lặc là hình ảnh đẹp đẽ vui tươi mà ai cũng thích. Gương mặt Ngài lúc nào cũng nở nụ cười hoan hỷ gọi là nụ cười Di Lặc. Nụ cười Di Lặc không bị thời gian chi phối, lúc nào Ngài cũng cười; thưở bé cũng thấy Ngài cười, đến già cũng thấy Ngài cười, sắp tắt thở cũng thấy Ngài cười. Đó là nụ cười Di Lặc.
Đón mừng Bồ tát Di Lặc, một vị Phật sẽ thành, là hình thức bên ngoài của buổi lễ, còn ý nghĩa bên trong là đón mừng những người con Phật mai kia sẽ thành Phật. Ngày vía đức Di Lặc là ngày vui của mọi người, cũng là ngày hứa hẹn chúng ta sẽ toàn giác thành Phật.
Người ta cho rằng đạo Phật chán đời, yếm thế không có niềm vui. Nói như thế là chủ quan, chưa hiểu gì về đạo Phật. Thực tế đạo Phật tràn trề sức sống, tràn trề niềm vui, những niềm vui của đạo Phật phát xuất từ cạn đến sâu nơi tâm người qua năm giai đoạn tu tiến.
1-Niềm vui xuất phát từ tâm TÙY HỶ. Tùy là theo, hỷ là vui mừng. Tùy hỷ là vui mừng theo. Khi thấy bạn hay người thân làm điều lành hay việc tốt chúng ta phát tâm vui theo, đó là tùy hỷ. Người làm lành vui bao nhiêu chúng ta vui bấy nhiêu. Người phát được niềm vui đó công đức bằng công đức người làm việc lành. Thí dụ ông A đem mười đồng đến chùa cúng, chúng ta nghèo không có tiền cúng, thấy ông A cúng chùa ông vui sướng, chúng ta vui theo thì công đức của ông A cúng mười đồng với công đức tùy hỷ của chúng ta bằng nhau. Mới nghe qua thấy như bất công vô lý, chúng ta không cúng một xu nào tại sao công đức bằng ông A cúng mười đồng được? Nhưng Phật nói công đức hai người bằng nhau.
Có người hỏi:
– Bạch đức Thế Tôn, tại sao công đức tùy hỷ và công đức bố thí bằng nhau?
Phật trả lời bằng một thí dụ: Cây đuốc thứ nhất đang cháy, có một người cầm cây đuốc thứ hai đến mồi. Khi mồi xong, cây đuốc thứ nhất cháy, cây đuốc thứ hai cũng cháy, ánh sáng hai cây đuốc đó không hơn kém nhau. Cây đuốc bị mồi, ánh sáng cũng không giảm bớt. Cũng vậy, người làm việc lành, chính họ đã có công đức và người phát tâm tùy hỷ công đức cũng ngang bằng với người làm lành đó. Tu nhẹ nhàng quá, không đợi chúng ta có nhiều tiền mới làm được việc công đức. Chỉ thấy ai làm lành chúng ta tùy hỷ tán thán là có công đức rồi.
Tại sao tùy hỷ có công đức lớn như vậy? Người có công có của đem ra giúp người là họ xả được tâm tham lam ích kỷ. Còn người phát tâm tùy hỷ thì xả được tâm tật đố, vì thông thường người thế gian thấy ai hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Thí dụ hai huynh đệ đi chùa, ông A có mười đồng cúng chùa, mình không có thì buồn rồi nói móc nói ngoéo, chớ không có tâm tùy hỷ vui theo. Thấy người làm được mình làm không được sanh đố kỵ là tật xấu. Bây giờ chúng ta phát tâm tùy hỷ là dẹp được tật đố xấu xa nơi mình rồi. Người bố thí xả được tâm tham lam ích kỷ, người tùy hỷ xả được tâm tật đố thì công đức hai người bằng nhau.
Ở thế gian, chúng ta thường thấy, thậm chí anh em ruột trong nhà, em làm ăn thất bại nghèo thiếu thấy anh làm ăn phát đạt được giàu sang thì có mặc cảm đố kỵ với anh. Do đó tình anh em phai nhạt xa cách. Tại vì sao? Vì cái tâm tật đố không muốn ai hơn mình, thấy người hơn mình là sanh tâm đố kỵ. Đó là bệnh chung của con người. Thế nên chúng ta học đạo phải tập phát tâm tùy hỷ. Không phải đợi mình làm việc công đức mới vui, mà thấy ai làm được việc tốt đẹp, sống hạnh phúc, chúng ta đều phát tâm vui mừng theo.
Một thí dụ nữa: Chúng ta nghèo ăn cơm hẩm với muối hột, bạn chúng ta giàu ăn cơm gạo lúa thơm với thịt cá đầy bàn. Thấy như vậy chúng ta tùy hỷ nói: “Anh sung sướng quá, tôi mừng cho anh được đầy đủ sung túc”. Thấy chúng ta tùy hỷ, người bạn giàu đó có ghét chúng ta không? – Không ghét mà thương, có thể còn giúp đỡ chúng ta nữa. Nhưng ở đời người ta có chịu làm như vậy không? Hay mình ăn cơm hẩm với muối hột, bạn mình ăn cơm gạo lúa thơm với thịt cá đầy bàn, thì mình không vui, rồi kiếm chuyện nói xa nói gần, khiến cho tình bạn phai nhạt, dần dần xa cách? Mình đố kỵ người ta, người ta thương mình sao được! Từ đó mà sanh ra ngăn cách, bạn trở thành thù do đố kỵ mà ra. Từ hoàn cảnh ăn ở, cách xử sự, cho đến làm việc thiện v.v… tất cả chúng ta đều tập phát tâm tùy hỷ. Người làm được việc mà chúng ta không đủ khả năng làm, chúng ta nên vui mừng theo.
Một thí dụ khác: Hồi bé đi học ở trường, khi thầy giáo kêu trả bài, hôm nào mình không thuộc bài bị điểm nhỏ, bạn mình thuộc bài được điểm lớn thì mình đố kỵ ghét bạn. Bạn siêng học, học giỏi được điểm lớn, mình luời biếng học dở thua bạn, tại sao mình lại ganh ghét đố kỵ? Hoặc cuối năm học những bạn học giỏi được khen thưởng những món quà xứng đáng, còn mình học dở, khi thấy bạn lãnh quà, mình vui lây hay ganh ghét rồi kiếm chuyện để thách đố? Cái tâm đố kỵ có từ thưở bé, chớ không phải bây giờ mới có, chúng ta mang sẵn nó từ thơ ấu. Giờ đây biết tu, chúng ta phải bỏ tâm tật đố, vì nó tương đương với tham lam; tham lam có thì tật đố cũng có. Người biết làm phước họ xả được lòng tham, người biết tùy hỷ bỏ được tâm tật đố. Như vậy mỗi người bỏ được một tật cho nên đức Phật nói: “Công đức ngang nhau”. Về sau, huynh đệ đi chùa, họ có tiền của cúng Phật, cúng Tăng, mình không có cũng vui theo, mừng cho bạn có tiền của cúng chùa, được như vậy thì cả hai đều được công đức như nhau. Đừng mặc cảm mình nghèo không có tiền của cúng chùa không cùng đi chung. Nghĩ như vậy là trái đạo lý. Học hiểu ứng dụng đúng với lời Phật dạy, chúng ta mới thấy Phật pháp công bằng, không thiên người giàu, không bỏ người nghèo. Ai cũng có phước hết chỉ cần có tâm lành là được.
Tóm lại trong gia đình, anh em ai được giàu sang, ai được khá giả, ai được hạnh phúc, chúng ta đều vui mừng như chính chúng ta được. Ngoài xã hội từ bạn bè cho đến người láng giềng, ai được phú quý, ai có danh vị, chúng ta vui mừng như chính chúng ta được. Trong đạo huynh đệ ai có cái gì hay, cái gì tốt, chúng ta vui mừng như chính chúng ta được thì không còn khổ, lúc nào cũng có niềm vui; vui theo cái vui của người! Chúng ta không bị tật đố làm cho cách biệt, làm mất tình anh em ruột thịt trong nhà, làm mất tình bạn bè ngoài xã hội và làm mất tình đạo bạn ở trong chùa. Được như vậy, đi đến đâu chúng ta cũng có niềm vui, dù tay không, không giúp ai được việc gì. Trái lại chúng ta nghèo mặc áo rách, thấy người ta mặc áo lành thì đố kỵ xụ mặt xuống, như vậy làm gì có vui! Đi đâu cũng buồn vì thấy người hơn mình, buồn tràn trề, ở đời làm sao mình bằng tất cả mọi người được! Bây giờ chúng ta biết tùy hỷ, thấy ai có cái gì hơn, chúng ta đều vui theo, mừng cho họ. Tâm niệm của người Phật tử phải là tâm niệm làm cho mọi người hết khổ. Phật là vị cứu khổ chúng sanh, chúng ta là Phật tử, tức con Phật, phải có quan niệm làm cho chúng sanh hết khổ; nếu chưa hết khổ, ít ra cũng bớt khổ. Thấy mọi người bớt khổ về cái ăn, cái mặc, hoặc bớt khổ về cái gì là chúng ta vui mừng. Nếu chúng ta đố kỵ thì không phải con Phật. Vì vậy muốn được niềm vui đầu tiên, nguời Phật tử phải phát tâm tủy hỷ, ai có điều hay, cái tốt đều vui theo chớ không đố kỵ. Đó là cái vui thứ nhất của người mới vào đạo.
2- Cái vui thứ hai sâu hơn, tế nhị hơn là “HỶ-XẢ”. Hỷ là mừng, xả là buông bỏ. Hỷ xả có hai mặt :
– Hỷ xả tài vật bên ngoài.
– Hỷ xả phiền não cố chấp trong lòng.
Nếu chúng ta có tài vật dư dã, nên vui vẻ xả, giúp cho những người bần cùng đói rách. Của cải do mồ hôi nước mắt mình tạo, mình cảm thấy đủ hay dư thì vui xả cho những người nghèo thiếu hay những người ít oi hơn. Đó là hỷ xả tài vật bên ngoài. Tuy vậy cũng hơi khó làm, vì có nhiều người, kẻ khác thấy họ dư mà bản thân họ lại thấy thiếu; có một đồng muốn hai đồng, có hai đồng muốn mười đồng, có mười đồng muốn ba mươi đồng, muốn cho đến ngày tắt thở mà vẫn thấy chưa đủ. Như vậy làm sao xả được? Cho nên muốn hỷ xả chúng ta phải học Phật; Phật dạy ít muốn, biết đủ. Chúng ta biết đủ thì mới xả được, không biết đủ thì không thể nào xả được. Người không biết đủ giống như cái túi không đáy, bỏ vào bao nhiêu tuột hết bấy nhiêu, bỏ bao nhiêu cũng không đầy, do cái bệnh không biết đủ, như vậy làm sao mà xả?
Thí dụ : mỗi ngày buổi trưa chúng ta ăn ba chén cơm là đủ no, dù có đồ ăn ngon, chúng ta cũng ăn ba chén, phần dư thì giúp cho người, hoặc cho vật. Dù đấy là phần dư của mình, nhưng cũng là một lối xả. Chớ nên ăn ba chén vừa no, thấy đồ ăn ngon, ăn thêm nữa, như vậy là phí phạm, vì lượng thức ăn chừng đó là đủ, ăn thêm là dư. Đó là nói về cái ăn, còn bao nhiêu cái khác, chẳng hạn như cái mặc, chúng ta có ba bộ đồ đủ để mặc, thêm bộ thứ tư là dư rồi, nhưng có bộ thứ tư thấy chưa đủ, mua thêm bộ thứ năm cũng thấy chưa đủ nữa. Như vậy chừng nào mới đủ để xả? Không biết đủ thì không bao giờ xả được. Muốn xả phải biết đủ, biết đủ mới xả được, của dư đem giúp người không một chút luyến tiếc. Đó là tâm hỷ xả, vui vẻ giúp người chớ không bị bắt buộc.
Hỷ xả tài vật tuy khó nhưng dễ hơn hỷ xả cố chấp phiền muộn ở tâm. Khi có người làm phiền mình, thì gương mặt buồn hoặc nhăn nhó. Muốn hết phiền phải tập xả; xả này là tha thứ, là bỏ qua. Phiền ở đây là phiền não và sân hận, hai thứ đó chất chứa trong lòng, mình phải buông xả nó đi. Người nào ôm lòng phiền hận thì đau khổ, đau khổ từ hiện tại cho đến mai kia, chớ không phải đau khổ trong hiện tại mà thôi. Vì vậy, khi biết mình đang ôm lòng phiền hận người này kẻ khác, thì phải vui vẻ bỏ, nghĩa là bao nhiêu cái phiền muộn đang chứa chấp trong lòng phải hỷ xả hết.
Muốn xả của cải chúng ta phải biết đủ. Bây giờ muốn xả phiền hận, phải làm sao? Xả bằng cách nào?- Muốn xả phiền hận trong lòng, chúng ta phải thấy cuộc đời là vô thường, cái chết đang kề cận, ôm phiền hận làm gì? Do nghĩ cái chết sắp đến nên chúng ta buông xả được phiền hận. Phiền hận chỉ làm khổ mình, khổ người, không lợi cho ai cả. Quán xét như vậy chúng ta buông hết, không buồn giận ai, lo tu cho tâm an ổn.
Tiến hơn nữa, chúng ta thấy cuộc đời như ảo mộng, ngày nay có mặt đây, ngày mai đã mất rồi. Sống trong tạm bợ mong manh; mình tạm bợ, người tạm bợ; tại sao không thương nhau nâng đỡ nhau? Nếu chúng ta biết mình là người bị kêu án tử hình và những người xung quanh cũng bị kêu án tử hình, thì đâu có buồn giận nhau. Trong cuộc sống hằng ngày khi lẫn lộn chung chạ nhau, có dẫm lên nhau, hay có làm phiền toái nhau cũng bỏ qua. Phải nghĩ đến cái chết, chớ để tâm hồn buồn giận! Nghĩ đến cái chết, chúng ta mới thấy cuộc đời là tạm bợ, sống không có cái gì bảo đảm, vậy buồn giận nhau để làm gì? Hãy buông xả hết những gì chứa chấp trong lòng. Có ai ở đời mãi đâu mà giận với hờn!
Chúng ta học Phật nhiều năm, vậy có tập được hạnh buông xả chưa? Đi chùa cúng Phật có còn giận hờn bạn bè anh em không? Nếu ai còn phiền giận, thì ngay bây giờ hãy nguyện đức Phật chứng minh xả hết, cho lòng trống rỗng không còn vướng bận việc gì. Dù có buồn giận ai từ mười năm hay hai ba mươi năm, ngày nay dứt khoát phải xả. Phiền hận là rắn độc, dại gì chúng ta chứa rắn độc trong nhà. Nếu chứa rắn độc trong nhà thì sớm muộn gì cũng bị nó cắn. Thế nên khi biết phiền não là rắn độc thì phải xả ngay, đuổi ra khỏi nhà, không dung chứa nó. Biết như vậy là tu đó. Phiền hận thì không vui, hết phiền hận, tâm hồn rỗng rang trống trải thì rất vui vẻ. Muốn được vui vẻ, chúng ta phải tập hỷ xả những vật bên ngoài, hỷ xả những phiền hận trong lòng. Trong ngoài đều hỷ xả hết mới có cái vui chân thật.
Sở dĩ đức Phật Di Lặc cười hoài vì Ngài hỷ xả, còn chúng ta buồn hoài vì chúng ta cố chấp phiền hận. Cố chấp phiền hận là nguyên nhân của đau khổ, của bệnh tật, rất xấu xa đê hèn, dứt khoát phải xả bỏ. Mọi người ai cũng muốn mình là người vui tươi, ai cũng muốn mình là người sung sướng, nhưng tại sao lại chứa cái nhân đau khổ? Có phải tự mình mâu thuẫn với mình không? Khi nào giận ai, buồn ai là biết mình đang hại mình, làm cho mình xấu xa, làm cho mình đau khổ, làm cho mình bệnh hoạn. Biết như vậy thì ngày mùng tám tháng giêng có cần đi cúng sao không? Cúng sao là để cầu năm nay mình khỏi tai nạn, được vui sướng. Bây giờ xả hết, không buồn ai, không giận ai thì năm nay an ổn vui sướng rồi, dù có gặp sao La-hầu, Kế-đô cũng an vui như ngày xuân, nên không cần cúng sao! Mình không giận ai thì ai thù mình? Không thù người thì ai hại mình? Đó là cái nhân làm cho an ổn thực tế. Còn cúng sao là cái cầu mong huyễn hoặc trên trời, không phải việc làm thiết thực cụ thể.
Hỷ xả là cái đức rất cần thiết và quý báu cho cuộc sống hiện tại của chúng ta. Muốn được vui, muốn được tươi đẹp, sống lâu chúng ta phải tu hạnh hỷ xả. Người không chịu hỷ xả là người sẽ chết yểu, bệnh hoạn, xấu xa. Vậy ngày đầu năm, quí vị hãy tu hạnh hỷ xả cho trọn năm được vui như đức Di Lặc. Đó là cái vui thứ hai.
3- Cái vui thứ ba là “PHÁP HỶ”. Pháp là chánh pháp, hỷ là vui. Pháp hỷ là vui với chánh pháp. Khi nghe kinh học đạo, thấy lời Phật dạy là chân lý rất thực tế không xa với huyễn hoặc có thể thực hành được, chúng ta thích thú cảm thấy nhẹ nhàng sung sướng, đó là pháp hỷ hay pháp lạc. Tại sao vui? Vì nghe kinh học đạo, chúng ta thấy được lẽ thật, lòng nhẹ nhàng vui sướng Người nào nghe kinh học đạo, thấy lòng vui nhẹ sung sướng, đó là người được pháp lạc. Còn người nào nghe kinh học đạo mà gục lên gục xuống, nghiêng qua ngã lại, người đó không được pháp lạc. Nếu không có cái vui khi nghe kinh học đạo, dù có đi chùa cũng khó tinh tấn, vì có thích đâu mà tinh tấn. Việc gì chúng ta thích thú mới cố gắng làm, nếu không thích thú thì làm miễn cưỡng chớ không cố gắng. Người học đạo phải nghiền ngẫm, mới thấy lời Phật dạy là chân lý. Thấy được chân lý, chúng ta mới vui sướng. Cái vui sướng đó là pháp hỷ hay pháp lạc, là cái vui chân thật. Có được cái vui chân thật mới tinh tấn tu hành. Nếu không được pháp hỷ, có tu chăng, cũng chỉ cầu mong được tài lợi danh vị…, chớ không phải vui thích mà tu. Người học đạo chân chính vui với đạo mà tu, chớ không phải cầu mong cái gì khác. Như vậy khi nghe kinh hoặc đọc sách Phật phải chịu khó nghiền ngẫm tư duy. Tư duy đúng đắn, tột cùng thấy được lẽ thật thì vui thích; cái vui thích đó tạo thành sức mạnh khiến chúng ta tinh tấn trên con đường tu.
Người đời có những lúc vui mừng quá người ta khóc. Chẳng hạn thân nhân đi đâu xa khoảng hai mươi năm, ba mươi năm không gặp, khi gặp lại mừng quá rơi nước mắt. Trong đạo cũng thế, khi đọc kinh Phật, có niềm vui cũng cảm động rơi nước mắt. Đó là trường hợp của ngài Khuê Phong, Ngài được người bạn tặng một quyển kinh Viên Giác, đọc qua Ngài vui sướng, cảm động rơi nước mắt. Đó là cái vui sướng tột cùng khiến nước mắt rơi. Người học đạo mà vui như thế thì không bao giờ thối chuyển. Khi nào đọc kinh mà thấy Phật nói hay quá, cảm động sung sướng, rơi nước mắt, đó là có duyên lành khá sâu với Phật pháp. Người được cái vui đó là người ít bị khó khăn hay chướng ngại làm lui sụt. Còn khi đọc kinh thấy buồn ngủ, tụng kinh ngáp dài, thì không tìm được cái vui trong đạo. Không vui thì sự tu khó tiến bộ. Đó là cái vui của pháp hỷ hay pháp lạc.
4- Cái vui sâu hơn nữa là “ THIỀN DUYỆT”. Thiền là thiền định. Duyệt là vui, thiền duyệt là vui trong thiền định. Trong nhà thiền có tả trong lúc toạ thiền, khi thân tâm an ổn, hơi thở nhẹ nhàng, lúc đó cảm thấy khinh an thư thới khác hơn bình thường. Cái vui này lâng lâng nhè nhẹ chớ không phải cái vui hớn hở nhộn nhàng. Chỉ khi nào chúng ta lắng sâu trong thiền định, thân an, hơi thở điều hoà tâm định, thì cái vui nhè nhẹ xuất hiện, cái vui này nhà Phật gọi là “ THIỀN DUYỆT”.
Người mới tập ngồi thiền thì thấy đau chân, thân mỏi nhọc, mồ hôi chảy, chẳng vui chút nào cả, thấy ngồi thiền khổ như một hình phạt. Nhưng đến lúc quen thì nhẹ nhàng an ổn. Tới giờ ngồi thiền không ngồi thấy như thiếu cái gì, giống đến giờ ăn mà không ăn, cảm thấy khó chịu. Tu thiền cũng phải như vậy. Đến giờ ngồi thiền mà không ngồi được, chúng ta cảm thấy thiếu thốn cái gì, phải đi ngồi thiền mới thấy an ổn, giống như đói cần ăn, phải ăn mới no. Do đó mà nói “Thiền duyệt vi thực”. Người tu ít ai thấy cái vui trong thiền định làm thức ăn, vì phải khó nhọc tu tập lâu dài, công phu đắc lực mới có trạng thái an vui đó, chớ không phải ngồi năm ba tháng mà được. Buổi đầu ngồi thiền nhọc nhằn khổ sở lắm; qua giai đoạn nhọc nhằn khổ sở, sau đó mới được an vui. Cái an vui này là thiền duyệt. Bao giờ chúng ta thấy cái vui thiền định không thể thiếu như bữa cơm không thể thiếu khi đói, mới được gọi là “Thiền duyệt vi thực”. Đó là cái vui thứ tư.
5- Đến cái vui thứ năm khó hơn là: “TỊCH LẠC”. Cái vui này ít được nghe nói. Nó phát xuất từ tâm tịch tịch được diễn đạt qua bốn câu kệ trong kinh Đại Niết Bàn:
- Chư hành vô thường
- Thị sanh diệt pháp
- Sanh diệt diệt dĩ
- Tịch diệt vi lạc
Tịch lạc được ghép từ chữ đầu và chữ cuối của câu kệ chót là vui, đó là cái vui cứu cánh của người tu. Hai cái vui đầu gần gũi với người mới học đạo, thế mà đa số người học Phật chưa thể thực hiện được, phải thực hiện từ cái vui thứ nhất đến cái vui thứ hai, có được hai cái vui đó rồi mới đến cái vui thứ ba, thứ tư, cuối cùng tới cái vui thứ năm là tịch lạc. Tịch là lặng lẽ, lạc là vui, tịch lạc là tâm lặng lẽ an vui. Cái vui này như thế nào?
Chư hành vô thường, thị sanh diệt pháp. Hành ở đây là hoạt động, tức là thân miệng ý hoạt động. Thân miệng ý hoạt động thì thành nghiệp, hoặc nghiệp thiện hoặc nghiệp ác. Nghiệp xuất phát từ ý nghĩ, miệng nói, thân làm; song ý nghĩ rồi mất, miệng nói rồi mất, thân hành động rồi mất. Thân miệng ý là chỗ tạo nghiệp sanh diệt vô thường, nên nói: “Thị sanh diệt pháp” tức là pháp sanh diệt không bền chắc. Như vậy tất cả hành động tạo tác trên thế gian đều vô thường nên đau khổ. Khi nào “Sanh diệt diệt dĩ”, thì “Tịch diệt vi lạc”. Cái vui này quá sâu kín, cũng gọi cái vui Niết bàn. Sau khi cái sanh diệt nó diệt hết rồi mới tới chỗ tịch diệt. Sanh diệt ở đây là sanh diệt của nghiệp ý, nghiệp khẩu và nghiệp thân, nhưng chủ yếu là ý, vì ý chủ động cho nên nghiệp ý lặng rồi dù có nói có làm cũng là tịch diệt. Như vậy sau khi vọng tưởng lặng hết rồi không còn dấy động nữa thì tâm tịch diệt. Tâm tịch diệt là chỗ an ổn chân thật bất sanh bất diệt. Tâm bất sanh bất diệt đó là Niết bàn. Đó là cái vui cứu cánh chân thật ít người hưởng được.
Chúng ta học và tu theo Phật có cái vui cạn và cái vui sâu. Thứ nhất là cái vui do tùy hỷ thật dễ làm, không tốn công, chỉ xả tâm tật đố của mình là được. Thứ hai là cái vui tốn công tốn của, xả bỏ tài vật của mình và xả bỏ những cái chứa chấp trong tâm niệm mình. Hai cái đó xả được là có cái vui hỷ xả. Thứ ba là cái vui pháp hỷ hay pháp lạc. Cái vui này phải có công phu nghiền ngẫm, nghiên cứu Phật pháp chúng ta mới được niềm an vui trong đạo lý. Thứ tư là thiền duyệt, thiền duyệt thì phải có công phu nhiều tháng nhiều năm tu hành mới được cái vui thiền duyệt. Được cái vui thiền duyệt rồi cuối cùng mới được cái vui tịch lạc; tức là tâm lặng lẽ, rỗng rang không còn một niệm dấy động, thấy tất cả sự vật cái gì cũng nên thơ, đẹp đẽ. Không còn phân biệt đây là xấu, kia là tốt, đây là hay, kia là dở, chỉ một niệm chân thật. Cho nên trong nhà Thiền gọi là: “Xúc mục tức Bồ đề”; tức là nhìn cái gì cũng là Bồ đề, là giác ngộ; thấy người vật đều vui, đều đẹp. Tất cả là mùa Xuân, không có cái gì buồn xấu. Như vậy nếu tới được chỗ vui đó, thì chúng ta hưởng được mùa xuân vĩnh cửu, không bao giờ mất.
Thiền sư Phật Nhãn hiệu Thanh Viễn đời Tống ở Trung Hoa có một bài thơ nói về xuân như sau:
- Xuân nhật xuân sơn lý
- Xuân sự tân giai xuân
- Xuân quang chiếu xuân thủy
- Xuân khí kết xuân vân
- Xuân khách xuân tình động
- Xuân thi xuân cánh tân
- Duy hữu thức xuân nhân
- Vạn kiếp nguyên nhất xuân
Tạm dịch:
- Ngày xuân xuân trong núi
- Việc xuân thảy đều xuân
- Hồ xuân ánh xuân chiếu
- Khí xuân kết mây xuân
- Khách xuân lòng xuân động
- Thi xuân xuân càng tươi
- Chỉ có người biết xuân
- Muôn kiếp một mùa xuân
Tại sao toàn bài thơ câu nào cũng là xuân hết vậy?
Ngày xuân, xuân trong núi: Ngày xuân trong núi giống hệt như xuân hôm nay. Tức là ngày vui, vui ở trong núi.
Việc xuân thảy đều xuân: Nếu lòng mình nhẹ nhàng thêng thang, không buồn giận, hờn phiền, không dấy niệm phân chia thì cái gì cũng là xuân, thấy ai cũng đẹp đẽ dễ thương. Sở dĩ chúng ta không vui được là vì thấy cái này xấu, cái kia tốt; thấy người này dễ thương, người kia dễ ghét…Thấy người dễ ghét thì hết xuân, mặt xụ xuống làm sao vui được. Còn thấy ai cũng dễ thương thì gặp ai mình cũng nở nụ cười, không phải xuân là gì? Trên mặt mình lúc nào cũng là mùa xuân, cho nên thấy cái gì cũng xuân. Tất cả đều là xuân.
Hồ xuân ánh xuân chiếu: Hồ nước mùa xuân ánh nắng mặt trời soi sáng dưới mặt hồ cũng xuân, cái gì cũng đẹp hết.
Khí xuân kết mây xuân: Mây loáng thoáng lưa thưa ở chung quanh núi, mái nhà, vườn cây là những mây nhạt gọi là xuân khí. Xuân khí đó kết thành những cụm mây, những cụm mây đó cũng là mây xuân. Như vậy nhìn người, nhìn mây, nhìn nước, nhìn vật cũng là xuân; tất cả đếu là xuân. Tại sao vậy? Tại vì trong lòng vui tươi như mùa xuân nên thấy người cảnh đều xuân. Nếu trong lòng buồn bã như đêm ba mươi thì thấy cái gì cũng buồn bã tối đen. Sở dĩ thấy cảnh vật ở ngoài đẹp là do trong lòng mình đẹp.
Khách xuân lòng xuân động: Như người khách trong mùa xuân, thấy cảnh đều vui theo, tức lòng động theo mùa xuân.
Thi xuân xuân càng tươi: Mùa xuân đã tươi rồi, thi nhân còn tô điểm làm cho nó tươi đẹp thêm.
Chỉ có người biết xuân, muôn kiếp một mùa xuân: Cảnh xuân, khách xuân, tình xuân v.v… là cái bên ngoài. Chỉ có người biết được xuân, mới vui xuân muôn kiếp. Mùa xuân đó là mùa xuân Di Lặc, cười hoài muôn kiếp, không bao giờ có vẻ mày sầu mặt héo. Đó là mùa xuân tươi đẹp, đầy cả bầu trời, tràn trề cả nhân thế.
Quí vị có muốn hưởng mùa xuân này không? Nếu muốn thì phải tu từ cạn tới sâu.
Cạn nhất là từ bỏ tật đố để phát tâm tùy hỷ vui theo tất cả việc tốt, việc lành của mọi người. Kế đó là xả từ vật chất của cải đến những bực bội cố chấp trong lòng được cái vui hỷ xả. Rồi tới học hiểu giáo lý một cách đúng đắn, có niềm vui chân thật là cái vui pháp lạc. Kế nữa là tu hành tiến tới an ổn được cái vui thiền định. Cuối cùng là dứt sạch mọi vọng niệm được an vui, tự tại, chỉ một tâm thênh thang trong suốt, thì nhìn đời bằng một mùa xuân không đổi thay, bất diệt.
Xuân như thế mới là xuân Di Lặc, mới là xuân muôn đời muôn kiếp. Nếu mùa xuân chỉ có ba tháng hoặc chỉ có ba ngày Tết, thì xuân đó quá hữu hạn; ngày này gượng cười, ngày mai gặp nhau quạu quọ, tức tối thì không có xuân. Phải cởi bỏ những chướng ngại trong lòng thì mùa xuân muôn kiếp mới xuất hiện.
Mong rằng mùa xuân muôn kiếp sẽ đến với quí vị.
Nguồn: ÐPNN