Phật Học

Recent Pages:  1   2  3  4  5  6  7  8  9   Mạn Đà La

TP2

Tâm Hiếu là Tâm Phật

Hạnh Hiếu là Chơn Tu

Nhiếp cả sáu căn

Tịnh Niệm tiếp nối

Bất lập phương tiện

Tự đắc Tâm khai.

Oct 12th, 2011 _ (1)

♣ Ðức Phật thường ngồi Thiền vào đại Định, quán sát khắp thế gian để xem xét…..

♣ Đức Phật dạy: “Người ta có bốn sự không thể trông cậy được. Bốn sự ấy là gì?

Một là trai trẻ rồi già, hai là mạnh khỏe rồi sẽ chết, ba là thân thuộc tụ họp rồi sẽ biệt ly, bốn là của báu tích tụ rồi sẽ phân tán.” 

Cho ăn là cho lực,

Cho mặc là cho sắc,

Cho xe là cho lạc,

Cho đèn là cho mắt.

Ai cho chỗ trú xứ,

Vị ấy cho tất cả,

Ai giảng dạy Chánh pháp,

Vị ấy cho bất tử.

(Tương Ưng Bộ I. 73)

 HỌC PHẬT BẰNG CÁCH NÀO?

Nguồn : Chìa khoá học Phật – HT.THÍCH THANH TỪ & Xây dựng đời sống trên nền nhân quả luân hồi – HT.THÍCH THIỆN HOA.

Ở thế gian môn học nào cũng có phương pháp riêng của nó. Ví như môn toán học, người học trò trước phải biết số, kế học thuộc cửu chương, học cách cộng trừ nhân chia, lên nữa phải học công thức, phương trình… Môn văn chương, trước phải biết chữ cái, học ráp vần, viết chính tả, học văn phạm, tập cách làm văn…như vậy học Phật cũng cần một phương pháp để hiểu đúng,thực hành đúng những lời Phật dạy.

Phương pháp học Phật tức là 3 môn Huệ học : Văn huệ, Tư huệ và Tu huệ. Bởi vì muốn vào cửa giác ngộ, thì trí tuệ là đòi hỏi đầu tiên. Như ta đã biết Phật pháp là những chân lý là những sự thật, nếu không có ngọn đuốc trí huệ soi sáng, làm sao chúng ta thấy mọi sự thật ở chung quanh, không cần trí huệ, chỉ dùng lòng Tin đến với đạo Phật, để học Phật pháp, thật là sai lầm lớn lao. Đây là chứng bệnh trầm trọng của Phật tử hiện thời. Cần chữa lành bệnh này, chúng ta phải ứng dụng triệt để ba môn Huệ học vào công trình tu học Phật pháp.

THẾ NÀO LÀ VĂN HUỆ.

Văn là nghe, do nghe giáo lý Phật pháp trí huệ mở sáng, gọi là Văn huệ. Chúng ta nghe Phật pháp qua lời giảng dạy của chư tăng, của thiện hữu tri thức đã tu học trước ta. Những lời giảng dạy ấy xuất phát từ kinh điển của Phật, trong đó chứa toàn lời lẽ chân chính, chỉ bày mọi sự thật cho chúng sanh. Càng nghe trí huệ ta càng sáng. Hoặc chúng ta ,trực tiếp đọc kinh sách Phật khiến mở mang trí huệ cũng thuộc Văn huệ. Chịu khó nghe giảng dạy, chịu khó nghiên cứu kinh sách phật, đó là người biết từ cửa Văn huệ tiến thẳng vào ngôi nhà Phật pháp.

THẾ NÀO LÀ TƯ HUỆ

Tư là suy xét phán đoán, do suy xét phán đoán những lời dạy trong Phật pháp, trí huệ càng tăng trưởng. Chúng ta được nghe lời chỉ dạy của thầy bạn, dẫn từ trong kinh Phật ra,song nghe rồi tin liền là chưa đủ tư cách học phật. Buộc chúng ta phải dùng trí phán đoán xem đúng hay sai, nếu quả thật đúng, từ đó chúng ta mới tin. Có thế, mới thực hành đúng câu « các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc lên với chánh pháp » trong kinh Pháp Cú. Chúng ta muốn mở mang trí huệ, song tự mình làm sao mở được, phải mồi ngọn đuốc trí huệ của mình với ngọn đuốc chánh pháp của Phật,trí huệ mới phát sáng.

Mồi bằng cách nào ?

Ví như chúng ta nghe vị sư giảng rằng : « tất cả thế giới đều là vô thường ». sau đó phải dùng trí huệ của mình phán đoán xem đúng hay không ? Chúng ta tự đặt câu hỏi, tất cả thế gian đều là vô thường, có sự vật nào thoát ngoài luật lệ ấy chăng ? nếu có, câu nói này chưa phải chân lý. Bằng không, mới thật đúng chân lý, chúng ta sẽ hoàn toàn tin. Thế rồi ta tự khảo sát :

Con người có phải vô thường không ? từ ông bà đến cha mẹ chúng ta đều có sinh ra, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi chết. Kể luôn cả ta, khi nào còn nhỏ bé, lớn lên, bệnh hoạn, già yếu, rồi cũng sẽ chết. trong gia đình thân tộc chúng ta đã thế, ngoài xã hội cũng thế, cả nhân loại trên thế giới cũng thế, ngàn xưa là thế,mãi sau này cũng thế. Quả là con người vô thường.

Đến những sự vật, nào nhà cửa, bàn ghế, xe cộ… có bị vô thường không ? chính cái nhà của mình, khi mới cất thì tốt đẹp lành lặn, qua vài ba năm thấy cũ dần, đến năm mười năm thì hư sập. Cái bàn viết cũng thế, khi mới đóng xem bóng loáng tốt đẹp, dùng mấy năm đã thấy cũ, tróc sơn sờn mặt, rồi đây sẽ mục nát hư hoại. Chiếc xe đạp khi mới mua đem về mới toanh, chạy được một năm vỏ đã rách,cổ lỏng các con ốc lờn…vài năm nữa sẽ hư. Thế là, nhà cửa, bàn ghế, xe cộ… những vật cần dùng bên cạnh chúng ta thảy bị vô thường chi phối. Cho đến trăm ngàn vật khác, nếu khảo sát đều thấy đồng một số phận như nhau.

Chúng ta có thể kết luận rằng : « tất cả thế gian đều là vô thường », quả thật là chân lý. Ta tin chắc lẽ này, dù có ai nói khác đi, cũng không làm lay động được lòng tin của ta. Bởi lòng tin này đã được gạn lọc qua sàng lý trí, nên nó vững chắc không dễ gì làm lung lay.

Lại một thí dụ, chúng ta nghe một vị sư giảng lý luân hồi, bảo rằng : « muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi ». ta tự đặt câu hỏi :tại sao muôn vật đều luân hồi ? có vật nào không luân hồi chăng ? chúng ta bắt đầu xét từ thực vật :

Cây cối hình thành bắt nguồn từ hạt, hạt nảy mầm tăng trưởng thành cây, nở hoa, kết trái ; trái sinh hạt, hạt lại nảy mầm…đảo đi đảo lại không biết bao nhiêu lần.

Nước do ánh nắng bốc thành hơi, hơi lên cao gặp khí lạnh đọng lại, rơi xuống thành nước ; nước lại bốc hơi… mãi mãi không cùng.

To như quả địa cầu vẫn quay tròn quanh cái trục, sáng rồi tối, tối lại sáng. Căn cứ vào sự quay tròn của nó, người ta chia ra ngày giờ tháng năm, thời tiết Xuân Hạ Thu Đông, xoay vần thế mãi không cùng.

Thân người hay thú vật cũng thế cũng phải bị Luân hồi. Xét cho cùng thì cũng do tứ đại mà có(đất, nước, gió, lửa). Những chất cứng dẻo như : da, thịt, gân, xương là thuộc về đất ; những chất đượm ướt như máu, mỡ, mồ hôi, nước mắt là thuộc về nước ; hơi thở ra vào, trái tim nhảy, phổi hô hấp, tay chân cử động là thuộc về gió ; hơi nóng trong người là thuộc về lửa. như trên chúng ta đã thấy, tứ đại đều Luân hồi thì thân người do tứ đại mà có, cũng phải luân hồi thôi. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng dẻo trả về cho đất, chất đượm ướt trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở và sự cử động trả về cho gió. Rồi bốn chất này tuỳ theo nhân duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Người đến khi chết rồi, bốn chất đó cũng trở về bản thể cũ của chúng.Trôi nổi trong 3 nẻo,sáu đường (Trời, Người, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh), không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn mà là Luân hồi.

Do sự khảo sát trên, chúng ta khẳng định rằng « muôn vật ở thế gian đều xoay quanh vòng luân hồi » là sự thật không còn gì phải nghi ngờ.

THẾ NÀO LÀ TU HUỆ

Sau khi phán xét lời Phật dạy là đúng, chúng ta đem áp dụng trong cuộc sống hàng ngày của mình, khiến chánh lý càng ngày càng hiện sáng tỏ, là tu huệ. Ví như, đã biết rõ « tất cả thế gian là vô thường »chúng ta ứng dụng sự vô thường vào đời sống của mình, trong những trường hợp như sau :

Đã biết rõ thế gian là vô thường, khi gặp vô thường đến với bản thân ta, ta vẫn giữ bình tĩnh không hốt hoảng, sợ hãi. vì biết chắc điều đó ở thế gian không ai tránh khỏi, sợ hãi kinh hoàng chỉ làm rối thêm vô ích. Bởi không sợ nên tâm ta bình tĩnh sáng suốt, giải quyết mọi việc một cách tốt đẹp. Chúng ta vẫn đủ sáng suốt để khuyên giải cho những người đồng cảnh ngộ bớt đau khổ.

Biết rõ thế gian là vô thường, mọi sự tranh giành danh lợi, tài sắc… lòng ta nguội lạnh. Tranh giành những thứ tạm bợ ấy làm gì, để rồi chuốc khổ về mình, gây đau khổ cho người, rốt cuộc chỉ thành việc mò trăng bắt bóng. Lòng tham lam giành giật dục lạc thế gian, do đây dứt sạch.

Do thấy lẽ vô thường, chúng ta không thể ngồi yên chờ chết. Phải cố gắng làm mọi việc lành, nếu cơn vô thường đến, chúng ta có muốn làm cũng không sao làm được. Lại biết quý tiếc thời giờ, một ngày qua rồi không tìm lại được. Phải cấp bách nỗ lực làm lợi mình lợi người, không thể chần chừ.

Đó là 3 trường hợp cho biết « thế gian vô thường » chúng ta khéo ứng dụng tu hành trong cuộc sống hiện tại của mình. Bao nhiêu sự lợi ích tốt đẹp sẽ theo đó mà tăng trưởng. Sự tu hành ấy, đi đôi với tâm trí tỉnh táo sáng suốt, nên gọi là « tu huệ ».

Ví dụ khác, chúng ta nhận rõ « muôn vật luân hồi », liền ứng dụng lý luân hồi vào cuộc sống của mình. Nếu phải luân hồi, chúng ta chọn cái luân hồi nào tốt đẹp an ổn hơn. Ví như, biết các loài thảo mộc từ hạt nảy mầm, sinh trưởng thành cây, đơm hoa, kết quả ; hạt lại nảy mầm.. chúng ta nên chọn lựa hạt giống tốt ngon đem ương để sau này kết quả ngon, cho ta và mọi người được thưởng thức vị ngon. Cũng thế, trong vòng luân hồi bản thân ta cũng không thoát khỏi, ta cần tạo những nhân tốt, nhân an vui, để mai kia có lăn lộn cũng lăn lộn trong chỗ tốt, chỗ an vui.

Đã biết muôn vật luân hồi, chúng ta phải tìm xem nguyên nhân nào lôi cuốn vào trong ấy. Biết rõ nguyên nhân rồi, phải tìm cách thoát ra ngoài vòng luân hồi. Không đầu hàng khuất phục, để chịu lăn mãi trong luân hồi. biết luân hồi đê tìm cách thoát ra, chính là tinh thần « tu huệ ».

« văn huệ », « tu huệ » rất cần thiết, song tu huệ lại càng quan trọng hơn. Nếu có văn huệ, tư huệ mà thiếu tu huệ thì chỉ là huệ rỗng, không lợi ích thiết thực cho đời sống con người. Nhờ tu huệ mới thẩm định được giá trị văn, tư ở trên va giúp cho văn tư dược kết quả viên mãn.

Vì thế Ðức Phật dạy hàng phật tử đi chùa là cốt gặp Sư tăng, Sư Ni, gặp Tăng Ni rồi cần phải thưa hỏi Phật pháp, thưa hỏi xong phải ghi nhớ, ghi nhớ rồi cần phán xét, phán xét rồi cần phải tiến tu. Được vậy mới đúng tinh thần phật tử (phỏng theo bài kinh Ma Ha Nam trong Tạp A Hàm. Bồ Tát Quan Thế Âm cũng trình với Phật, thuở quá khứ lâu xa Ngài gặp phật dạy tu phương pháp văn,tư, tu được vào chánh Định và cho hiệu là Quan Thế Âm.

Ba môn huệ học này hoàn toàn thích hợp với tinh thần khoa học hiện nay. Bất cứ môn học nào trước tiên học lý thuyết, kế phê bình lý thuyết, sau thí nghiệm hay thực hành lý thuyết. Lý thuyết tức là Văn huệ, phê bình tức Tư huệ, thí nghiệm tức Tu huệ. Có như vậy môn học mới tiến bộ.

Như chúng ta đã biết Phật học xoay vào nội tâm của mình, gạn lọc đào thải những tâm thức nhơ xấu, kiến tạo một tâm hồn trong sáng an vui tự tại.

Vì thế 3 môn học đều căn cứ trên nguyên tắc « xem lại chính mình ».Chúng ta hãy luôn chủ động học hỏi những kinh điển,nghe lời chỉ dạy của thầy bạn,rồi sau đó ta phải dung trí tư duy quán chiếu và cuối cùng hãy vận dụng vào hiện thực cuộc sống để đó không phải là những lý thuyết xuông . Trí tuệ cộng với lòng kiên nhẫn và niềm tin vào chính mình và có phương pháp học Phật(văn,tư,tu) sẽ giúp chúng ta rất nhiều trên con đường tu tập cũng như cuộc sống. Nắm vững nguyên tắc này, đọc kinh sách phật, chúng ta nhận định phán xét không bị sai lầm.

Source: phatphap.wordpress.com & phatphapnhiemmau.com & phatphapdaithua.com

March 1 - 2015 (123)

Lời dạy vô giá về CHÁNH TÍN

Trong Ngũ lực, gồm Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Tuệ lực thì Tín lực là hàng đầu, là cửa ngõ để đạt được các lực theo sau. Tín lực không phải là sự tin tưởng vào những giáo điều, giáo pháp một cách mù quáng, ồ ạt và thiếu xét đoán mà dẫn đến việc làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh.

Tín lực là lòng tin sâu sắc và mạnh mẽ đối với Chánh Pháp của Ðức Phật Thích Ca, là lòng tin chân chánh, chớ có vội tin mà hãy đến để mà thấy và tự mình chứng nghiệm, như Ðức Phật từng dạy:

“Nhưng này các Kàlàmà! Khi nào tự mình biết rõ như sau:
Các pháp này bất thiện,
Các pháp này là có tội lỗi,
Các pháp này bị người có trí chỉ trích,
Các pháp này nếu thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh khổ đau.
Thời này, Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng không nên tin theo”.

Chính vì thế, từng ngày giờ chúng ta hành động, nói năng hay suy nghĩ những điều mà không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ tất cả chúng sanh thì ngay đó đã cảm nhận được sự thanh thản, an lạc, đã có Chánh Tín và cũng chính là đang hành đúng theo nền đạo đức nhân bản – nhân quả do Ðức Như Lai là người đầu tiên tuyên thuyết.

HT. Thích Minh Châu

LỜI PHẬT DẠY
TRONG KINH TẠNG NIKAYA 

TẬP 1
Thích Quảng Tánh

Nhà Xuất Bản Tôn Giáo

 LỜI NÓI ĐẦU

Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya là kết tập những bài viết trong mục Lời Phật dạy được đăng tải hàng tuần trên báo Giác Ngộ. Lời Phật dạy được thiết lập nhằm giới thiệu những lời dạy của Thế Tôn trong Kinh tạng Nikàya một cách ngắn gọn, nguyên thủy, dễ nhận thức và thể nghiệm nhất cho đọc giả.

Kinh tạng Nikàya là cả kho tàng kinh điển Phật giáo Nguyên thủy (Pali tạng) rất đồ sộ, hiện đã chuyển ngữ hoàn toàn sang tiếng Việt, bao gồm Dìgha Nikàya (Trường Bộ), Majjhima NiKàya (Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ), và Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ). So với kinh điển Hán tạng thì năm bộ Nikàya chưa phải là nhiều, song với nội dung vô cùng phong phú và được xem là nguyên thủy nhất, Kinh tạng Nikàya là nền tảng căn bản của giáo điển Phật giáo.

Đọc Kinh tạng Nikàya, chúng ta như được sống trong thời đại Thế Tôn và Thánh chúng với bối cảnh xã hội Ấn Độ đương thời cách nay gần 26 thế kỷ. Thế Tôn thật minh triết mà bình dị, đi đến đâu và gặp việc gì thì tùy duyên giáo hóa nên những lời dạy của Ngài vô cùng gần gũi, thiến thân với đời sống con người thời ấy và vẫn còn nguyên giá trị cho nhân loại ngày nay.

Những bài viết trong Lời Phật dạy gồm hai phần, kinh văn và lời bàn. Phần kinh văn hầu hết được trích dẫn nguyên bản hay một trích đoạn của kinh hoặc nguyên đoạn kinh nhưng có tĩnh lược những phần lặp lại cùng với xuất xứ cụ thể, chi tiết của đoạn kinh văn đó. Chúng tôi xem đây là phần quan trọng, chính yếu nhất vì đã góp phần giới thiệu đến bạn đọc nguyên văn lời vàng phát xuất từ kim khẩu Thế Tôn. Phần lời bàn, thực ra chỉ là sự giải thích sơ lược một số từ ngữ hay ý nghĩa kinh văn hoặc là đề xuất một hướng nhận thức cùng sự liên hệ, đối chiếu với thực tế theo thiển ý của người biên soạn, là phần thứ yếu để tham khảo thêm.

Vì tất cả những Lời Phật dạy đều được rút ra từ Kinh tạng Nikàya nên khi tập hợp thành sách có tên Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya. Nội dung tuyển tập Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III) được sắp xếp theo từng chủ đề sẽ tiện lợi cho việc tra cứu những lời Phật dạy về một đề tài nào đó vốn rải rác ở nhiều nơi trong Kinh tạng. Tuy nhiên, chủ đề ở đây cũng chỉ mang tính quy ước tạm thời vì có những Lời Phật dạy tuy cô đọng nhưng hàm súc, bao quát ý nghĩa của nhiều vấn đề.

Về địa điểm xuất xứ của từng pháp thoại, trong kinh văn không phải lúc nào cũng ghi rõ. Gặp trường hợp các pháp thoại không trực tiếp ghi địa điểm, khi biên soạn mục Lời Phật dạy, chúng tôi phương tiện bằng cách lần ngược lại phía trước, lấy đó tái xác lập địa điểm để mỗi pháp thoại đạt được hoàn chỉnh và trang nghiêm. Việc làm này rõ ràng có tính chính xác tương đối nên nhân đây, chúng tôi xin thưa rõ để bạn đọc lưu tâm.

Bằng tất cả sự cố gắng và chân thành, Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya, tập I, đã ra mắt bạn đọc. Để có được tập sách này, ngoài nỗ lực của bản thân là sự giáo dưỡng, trợ duyên rất nhiều của các bậc thầy, pháp lữ và sự tán trợ của đọc giả. Xin chân thành tri ân và ngưỡng mong chư tôn đức cùng bạn đọc hằng soi sáng, chỉ giáo thêm.

Người biên soạn

THÍCH QUẢNG TÁNH

LỜI GIỚI THIỆU

Lời Phật dạy là một tiểu mục trong chuyên mục Phật học của báo Giác Ngộ. Tiểu mục này được xây dựng từ năm 2003, bằng cách trích tuyển nguyên văn hoặc một phân đoạn của những kinh thuộc Trường Bộ, Trung Bộ, Tăng Chi Bộ, Tương Ưng BộTiểu Bộ (Kinh tạng Nikàya) đồng thời kèm theo phần Lời bàn ngắn gọn, súc tích và thiết thực.

Nội dung kinh tạng Nikàya bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật Đà, rất thiết thân, gần gũi, dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong những năm qua, Lời Phật dạy đã lần lượt giới thiệu đến đọc giả rất nhiều pháp thoại với nhiều đề tài khác nhau. Từ những giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã; từ những phương thức xây dựng đời sống gia đình an vui hạnh phúc cho hàng Phật tử tại gia, đến các phương pháp tu tập chuyển hóa phiền não nhằm thành tựu các Thánh vị cho hàng đệ tử xuất gia v.v…đều được Lời Phật dạy chuyển tải đến bạn đọc.

Với khuôn khổ nhỏ hẹp của trang báo, chắc chắn rằng nội dung của Lời Phật dạy chưa thể hiện được hết đầy đủ yếu nghĩa của Kinh tạng. Tuy vậy, với sự tìm tòi rất công phu trong Kinh tạng đồ sộ, trích tuyển kinh văn phù hợp với các nội dung tu tập của từng thời điểm trong năm cùng với cước chú chi tiết nguồn gốc mỗi bản kinh và nhất là phần lời bàn giản dị mà sâu sắc của tác giả đã giúp cho tiểu mục Lời Phật dạy được đông đảo bạn đọc quan tâm, ủng hộ.

Nay nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, học tập và thể nghiệm lời Phậ dạy của bạn đọc, tác giả tiểu mục Lời Phật dạy tập hợp các bài viết đã đăng báo theo từng chủ đề và in thành sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I, II và III). Thiết nghĩ, tập sách này là hành trang cần yếu cho những ai quan tâm nghiên tầm, học tập những tinh hoa mà Đức Phật đã dạy. Với cổ xưa nhất của kinh tạng Nikàya, hy vọng độc giả sẽ được gội nhuần trong phạm âm vi diệu của Thế Tôn, thuở Ngài còn tại thế.

Trân trọng giới thiệu sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya (tập I) đến với bạn đọc gần xa.

TP. HCM, ngày 25 tháng 3 năm 2008

Tổng biên tập Báo Giác Ngộ

Hòa thượng Thích Trí Quảng

Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya

NHƯ NGUYỆT 

Có một người lặng lẽ bao năm tìm đọc trong rừng Kinh tạng Nikàya để thâm nhập ý nghĩa của những lời Phật Thích Ca một thời thuyết pháp độ sanh.

Đức Thế Tôn sau khi giác ngộ đã phương tiện dùng lời nói để giáo hóa chúng sanh trong thời Ngài trụ thế. Vì thế, trong số Kinh tạng Nguyên thủy hiện còn gìn giữ được, lời Phật dạy không chỉ chứa đựng triết thuyết và phương pháp thực hành nhằm đạt giác ngộ, mà những pháp thoại này còn phản ánh đầy đủ bức tranh của xã hội đương thời.

Tìm về lời Phật trong kho tàng kinh điển Nikàya, tác giả Quảng Tánh bao năm nay như tự đặt mình vào không gian của Ấn Độ thời cách nay hơn 2.500 năm, chứng kiến trường hợp ra đời của những bài pháp thoại của Thế Tôn, và chiêm nghiệm những gì ẩn tàng bên trong kim ngôn của Đức Phật.

Người chí tâm học đạo, y cứ trên kinh văn gốc và suy nghiệm về giáo lý của Thế Tôn với mong mỏi tiếp cận một cách chân thực nhất giáo nghĩa đang làm lợi lạc cho chúng sinh bao đời nay. Công hạnh ấy lại càng được tán thán khi tác giả Quảng Tánh không ngại hổ mình, đứng ra đảm đương mục “Lời Phật dạy” trên báo Giác Ngộ suốt 5 năm qua.

Phật pháp ẩn tàng trong tất cả sự sự vật vật, và con đường giác ngộ mà Như Lai tuyên thuyết vốn dành cho tất cả chúng sinh có duyên được tiếp cận với đạo Phật. Chuyên mục “Lời Phật dạy” chủ trương trích nguyên văn từ Kinh tạng Nikàya những lời dạy của Đức Phật với sự hệ thống về chủ đề cũng như chọn lựa nội dung phù hợp dòng chủ lưu thời sự đang chuyển tải trên báo. Thêm vào đó là những “lời bàn” ngắn gọn, không nhằm ý giảng giải lời Phật, mà người giữ mục như muốn chia sẻ ý kiến của mình về nội dung lời kinh được trích, đồng thời cũng liên tưởng đến những nội dung kiến thức cần tham chiếu để người học đạo qua đó có thể hiểu thêm lời kinh.
Chẳng hạn, trong bài “Hai hạng người đáng được cúng dường” trích từ kinh Tăng Chi Bộ, trong “lời bàn” tác giả đã nói rõ thêm về công hạnh của việc cúng dường, như thế nào là “như pháp cúng dường”… giúp người đọc có thể tham chiếu để hiểu thêm kinh văn.
Đây cũng là một cách gieo duyên cho những ai trên đường học Phật, có thể tiếp cận lời dạy của Phật Thích Ca từ góc độ “thời sự” của hôm nay.

Duy trì một chuyên mục như thế, đòi hỏi không chỉ tâm huyết của người giữ mục, mà khối lượng kiến thức sở đắc, sự nhạy bén trước thời cuộc, tâm nguyện muốn khơi dòng cho Phật đạo chảy mãi trong chúng sinh… là những phẩm hạnh không thể thiếu.
Thời gian qua, nội dung của chuyên mục “Lời Phật dạy” thu hút nhiều độc giả. Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng từng tâm đắc với chuyên mục này, đặc biệt là sự “ăn khớp” giữa nội dung lời kinh với những vấn đề Phật sự đang được công chúng quan tâm trên báo.
Đến nay, tất cả nội dung từ chuyên mục này được biên soạn thành tập sách Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya(*) là một tín hiệu vui cho những độc giả bấy lâu theo dõi.

Thoát khỏi dòng chảy thời sự, những bài viết từ chuyên mục “Lời Phật dạy” chuyển vào trong tập sách này được hệ thống thành 12 chủ đề: Lòng tin; Bố thí & cúng dường; Làm giàu; Tài sản; Cư sĩ; Xuất gia; Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi; Nhân quả; Hiếu đạo; Giới; Định; Tuệ. Có thể xem 12 chủ đề này là 12 nội dung lời dạy của Phật được giới thiệu trong tập 1 của bộ sách. Mỗi nội dung, soạn giả chủ ý chọn một lượng bài viết nhiều hay ít đủ để người đọc hiểu được lời Phật dạy về nội dung đó.

Chẳng hạn, trong nội dung “Làm giàu”, tác giả chọn sáu bài viết về: Kinh doanh thành công, Không kinh doanh phi pháp, Làm giàu, Giàu lên dễ sanh tật, Có mắt mà như mù, Sự nghèo khổ. Với sáu góc độ được phân tích như vậy, người đọc dễ dàng nhận ra quan điểm của đạo Phật (trực tiếp từ kim ngôn của Thế Tôn) về làm giàu. Đây chính là giá trị thiết thực của tập sách. Bởi tất cả nội dung được tuyển chọn không rời các vấn đề chúng sanh đang đối mặt hàng ngày. Có như vậy, người học đạo mới tìm ra con đường gần nhất, ngay tại môi trường sống của mình, mà vẫn theo được dấu chân của Như Lai.

Có như vậy, Phật pháp mới không rời thế gian pháp.

(*) Lời Phật dạy trong Kinh tạng Nikàya, tập 1 – Biên soạn Quảng Tánh – NXB Tôn Giáo – ấn hành quý 2 – 2008.

Những bài học quý từ Kinh tạng Nikàya

LAM ĐIỀN

Những bài Phật học trích từ kinh tạng Nikàya do tác giả Quảng Tánh đứng mục trên Giác Ngộ lại được tập hợp thành sách để ra mắt bạn đọc. “Lời Phật dạy trong kinh tạng Nikàya – tập II” (Nxb Tôn Giáo – quý II, 2009) là những bài kinh có từ lúc Thế Tôn còn tại thế, được thuật lại theo hướng tiếp cận như với những câu chuyện của cuộc sống đương đại cùng với lời bình nhằm góp phần ứng dụng triết lý Phật giáo trong đông đảo quần chúng.

Tiếp cận Kinh tạng Nikàya là tìm về những văn bản có độ tin cậy cao nhất ghi lại lời thuyết pháp từ kim khẩu của Thế Tôn. Giữa muôn trùng lời kinh, việc chọn lọc những câu chuyện gần gũi với cuộc sống, phù hợp với cách tiếp nhận đạo Phật và chứa đựng lợi ích thiết thực của người dân Việt khi hành trì, là cả một nghệ thuật.

Với cách chọn lọc và giới thiệu các bài kinh vừa không quá hàn lâm khó hiểu vừa [trong chừng mực nào đó] phù hợp với dòng chủ lưu thời sự trong đời sống truyền thông, chuyên mục “Lời Phật dạy” trên Giác Ngộ đã dần trở thành điểm quan tâm của độc giả – những người có ít nhiều quan tâm đến Phật pháp và đang tìm cho mình cách sống lành mạnh theo giáo lý nhà Phật.

Nay, những bài báo được tâp hợp thành sách, bạn đọc có trên tay toàn cảnh của rừng Pháp Như Lai được người biên soạn mở từng cánh cửa và hướng đến mọi người: Ăn uống & sức khỏe; Ngủ nghỉ, thư giãn; Nam giới; Phụ nữ; Cầu nguyện; An cư; Già chết; Thuyết pháp & Nghe pháp; Chư thiên & Ma quỷ; Tham ái; Sân hận; Si mê.

Việc chắt lọc từ kinh tạng nguyên thủy thành một tập sách với những chương mục như thế, là cách làm mạch lạc, đặt vào tay người học Phật những đề mục cụ thể, thiết thực, kèm với mỗi bài kinh là những dòng bình luận, gợi ý, phân tích, hoặc đề nghị một vài cách thực hành… quả là công việc của thiện tri thức. Điều đáng quý là chủ ý của người biên soạn muốn cùng với độc giả lần tìm trong nhiều ngóc ngách lời dạy của Thế Tôn. Nội dung sách không chỉ đề cập đến việc thuyết pháp và nghe pháp, chuyện cầu nguyện và an cư, mà soạn giả cũng mạnh dạn đề cập những nội dung thiết thực rất đời thường như: Người đàn ông lý tưởng, Sinh con trai – con gái, Sự trói buộc giữa nam và nữ… (chương Nam giới), hay như những bài giảng của Thế Tôn về: Người con gái trước thềm hôn nhân, Người vợ lý tưởng, Dễ thương như người vợ trẻ… (chương Phụ nữ) đã làm “mềm hóa” những bài giảng của Đức Phật. Chẳng hạn như những lời giáo huấn của Thế Tôn về công việc làm dâu với những người con gái của Uggaha: vừa dặn dò cách vén khéo những công việc trong nhà chồng, vừa chỉ cách cư xử sao cho phải đạo dâu con, lại khuyên nhủ nên cẩn thận với người gian để giữ gìn an ổn cho cuộc sống nhà chồng… Lòng từ mẫn của Thế Tôn như thế, được trình bày bên cạnh những bình luận cần thiết của soạn giả, thật sự gây xúc động cho người đọc. Qua đó, càng thấy triết lý nhà Phật không phải chỉ là những ý tưởng cao xa kỳ vĩ, mà những lời từ Thế Tôn truyền lại đến ngày nay vẫn còn nguyên tính khả thi, vẫn cần cho những ai đang khát khao tìm kiếm một liệu pháp an định thân tâm giữa cuộc đời bề bộn hôm nay.

Hàm lượng tri thức của các vấn đề được đề cập ở đây đã vượt qua khuôn khổ một tập sách hơn hai trăm trang. Có lẽ, tác giả tập sách cũng xuất phát từ tinh thần cầu học vô ngại, nên có nhiều vấn đề thuộc loại “kính nhi viễn chi”của Nho gia, thì ở đây, cũng được trình bày dưới ánh sáng của triết lý Phật giáo. Đó là những bài ở chương “Chư thiên và ma quỷ”. Các khái niệm “phi nhân”, “ngạ quỷ”, “ác ma”… trong kinh Phật thuyết cách đây hàng nghìn năm, sẽ rất khó thuyết phục độc giả hiện đại nếu người viết không cẩn trọng phân tích, và đề xuất những cách hiểu hợp lý cho người học Phật ngày nay.

Ở đây, tác giả chẳng những cẩn trọng đối với các nội dung ấy, mà còn dành hẳn ba chương của tập sách để trình bày về tham, sân, si – những tập khí sâu dày khiến chúng sinh trầm luân trong khổ. Ngày nay, có nhiều doanh nhân, trí thức tìm đến Phật pháp như một liệu pháp an thần, và sau khi tham cứu, nghe giảng, cũng lờ mờ hiểu rằng: giải thoát có thể bắt đầu từ diệt trừ tham, sân, si. Nhưng về vấn đề đó, ngày xưa Đức Phật từng giảng thế nào, đề cập trong những bài kinh nào, ý nghĩa ra sao, ngày nay chúng ta còn có thể áp dụng để hành trì được không… là những băn khoăn quan trọng của nhiều người. Tác giả Quảng Tánh không ngại nhọc công, đã lần tìm trong kinh tạng, lọc lấy những lời giảng của Thế Tôn về các chủ đề ấy, hệ thống để giới thiệu và bình luận để làm rõ thêm ý nghĩa của bản kinh, quả là công việc mang lại nhiều lợi lạc cho độc giả. Qua từng trang sách, người học Phật thấy thú vị như mình được chia sẻ bởi những khám phá rất sinh động. Như có người ngoại đạo kia, xem việc hành tịnh thủy sẽ rửa được tội lỗi, khi nghe Phật Thích Ca giảng cho rằng, thực ra, “Chánh pháp là ao hồ/ Giới là bến nước trong/ Không cấu uế, trong sạch/ Được thiện nhơn tán thán/ Là chỗ bậc có trí/ Thường tắm trừ uế tạp/ Khi tay chân trong sạch/ Họ qua bờ bên kia”, thì phát tâm quy y Phật. Người học Phật cũng gỡ dần những lớp vô minh nơi mình bằng sự soi chiếu của ánh sáng từ những bài kinh như vậy. Lành thay.

(thichquangtanh.com)

PHẦN 1

LỢI ÍCH CỦA LÒNG TIN

Một thời Thế Tôn ở Vesàli, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho thiện nam tử có lòng tin. Thế nào là năm ?

Các Thiên nhân, các Chân nhân, trước hết có lòng thương tưởng đến các vị có lòng tin, không có như vậy đối với các vị không có lòng tin.

Khi đến thăm, trước hết họ đến thăm những vị có lòng tin, không có như vậy đối với người không có lòng tin.

Khi chấp nhận thọ thực, họ chấp nhận trước hết những vị có lòng tin, không có như vậy đối với những vị không có lòng tin.

Họ thuyết pháp trước hết cho những người có lòng tin, không cho những người không có lòng tin.

Người có lòng tin, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên cõi lành, cõi trời.

Những pháp này, này các Tỷ kheo, là năm lợi ích cho thiện nam tử có lòng tin.

Ví như, này các Tỷ kheo, trên khoảnh đất tốt, tại ngả tư đường, có cây bàng to lớn là chỗ nương tựa cho các loài chim. Cũng vậy, này các Tỷ kheo, các thiện nam tử có lòng tin là chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cho nam cư sĩ và nữ cư sĩ.

(ĐTKVN(*), Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Sumana, phần Sự lợi ích của lòng tin, VNCPHVN(**) ấn hành 1996, tr.369)

LỜI BÀN:

Lòng tin, theo Phật giáo phải là chánh tín, tịnh tín tức niềm tin sau khi đã được kiểm chứng bởi trí tuệ. Niềm tin mà hời hợt, mơ hồ và dễ dãi đồng thời thiếu hiểu biết về nó chính là mê tín. Vì thế, đã tin phải hiểu và hiểu để củng cố, tăng trưởng niềm tin là điều không thể thiếu đối với chánh tín Phật giáo.

Trước hết, hàng Phật tử phải thiết lập được niềm tịnh tín đối với Tam bảo, Bởi chỉ có ánh sáng của Tam bảo mới đủ năng lực xua tan bóng tối của vô minh, dập tắt tham ái và đoạn tận khổ đau. Đỉnh cao của lòng tin là tín tâm, tin tưởng tuyệt đối vào bản tâm thanh tịnh, tự tánh giác ngộ hằng hữu nơi chính bản thân mình. Từ đó nỗ lực tu tập làm hiển lộ chơn tâm sáng suốt, thể nhập chân lý.

Khi đã có lòng tin, người cư sĩ được năm lợi ích. Đó là: được chư tôn thiền đức thương tưởng, thăm viếng, đến nhà thọ trai, thuyết pháp và khi thân hoại mạng chung được sanh lên cõi trời. Đặc biệt, chính niềm tịnh tín là “chỗ nương tựa cho quần chúng, cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, cho nam cư sĩ và cho nữ cư sĩ”.

Đức tin là mẹ của tất cả công đức, là nền tảng để phát sanh mọi thiện pháp. Vì vậy, nếu chưa có lòng tin thì phải thiết lập, khi đã phát khởi được tịnh tín rồi thì củng cố và trau giồi để niềm tin thêm kiên cố. Chánh tín và tịnh tín Tam bảo là một trong những vấn đề quan yếu mà mỗi người con Phật phải thành tựu để làm cơ sở cho việc tu học, lợi mình lợi người. Trong bối cảnh khủng hoảng về niềm tin, hoài nghi các giá trị đạo đức, chạy theo thực dụng như hiện nay thì hơn lúc nào hết hàng Phật tử phải tin sâu lời Phật dạy để sống hướng thiện, vị tha, an vui và giải thoát, đồng thời góp phần bảo lưu gìn giữ những chuẩn mực đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc.

(*) Đại tạng kinh Việt Nam

(**) Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam

BIỂU HIỆN CỦA LÒNG TIN

Một thời Thế Tôn trú tại Gomagga, trong khu rừng Simsapà, dạy các Tỷ kheo:

Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin. Thế nào là ba ?

Ưa thấy người có giới hạnh; ưa nghe diệu pháp; với tâm lý không cấu uế sân tham, sống trong nhà, bố thí rộng rãi với bàn tay sạch sẽ, thích thú sự từ bỏ, sẵn sàng khi được yêu cầu, thích phân phát vật bố thí.

Do ba sự kiện này, này các Tỷ kheo, một người được biết là có lòng tin.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Nhỏ, phần Sự kiện, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.268)

LỜI BÀN:

Lòng tin, niềm tịnh tín Tam bảo là nhân tố quan trọng cần phải thành tựu để làm nền tảng cho sự tu tập, hướng thiện. Niềm tin vốn tiềm ẩn trong lòng với các phương diện rộng hẹp và mức độ sâu cạn khác nhau. Vì thế, dựa vào những biểu hiện của tu học trong cuộc sống hàng ngày, mỗi người có thể kiểm nghiệm lại niềm tin của chính mình hoặc có thể dánh giá niềm tin của người khác.

Trước hết, biểu hiện cụ thể của lòng tin là tôn trọng và thực hành các chuẩn mực, giá trị đạo đức. Khi một người hâm mộ, ca ngợi và kính ngưỡng người có giới hạnh (đạo đức), chứng tỏ người ấy đang hướng thiện, mong muốn làm bạn với thiện, sợ hãi những điều ác, tin sâu nhân quả. Sự thân cận, quý kính các bậc chân tu, luôn quan tâm đến vấn đề “người tốt, việc tốt” trong xã hội để học tập, noi gương là biểu hiện của người có lòng tin.

Niềm tin của những người con Phật, theo tuệ giác của Thế Tôn, luôn song hành với hiểu biết. Muốn tin sâu, tin chắc phải hiểu rõ giáo pháp, mở mắt ra để thấy rõ rồi tin mới là chánh tín, tịnh tín. Do vậy, thích thú nghiên tầm kinh điển, say mê học hỏi giáo pháp nhằm hiểu biết sâu sắc hơn lời Phật dạy và ứng dụng vào cuộc sống để được những lợi ích, an vui là biểu hiện thứ hai của lòng tin.

Khi hiểu rõ diệu pháp, thấy được sự mong manh của kiếp người, cuộc đời nên nguyện không nắm giữ, chấp thủ và xả ly. Bố thí, cho, buông bỏ, xả…..hết thảy một cách hoan hỷ, tự nhiên vì thấy rõ chẳng có gì xứng đáng để nắm giữ. Sống là cho, là phụng hiến chính là minh triết cao cả và thánh thiện của những tâm hồn tịnh tín. Chỉ những ai thành tựu được niềm tin bất động vào Tam bảo mới làm được điều thí xả trọn vẹn này.

Thì ra, niềm tin tuy ở trong lòng nhưng cũng dễ thấy qua những biểu hiện, hành xử trong cuộc sống. Và quan trọng hơn, thành tựu được niềm tin cũng chính là thành tựu tuệ giác. Chính vì vậy, kinh Hoa Nghiêm nói: “Niềm tin là mẹ của mọi công đức”.

CHÁNH TÍN

Một thời Thế Tôn du hành giữa dân chúng Kosala, tại thị trấn của người Kàlàmà, ở Kesaputta. Rồi các người Kàlàmà đi đến đảnh lễ, ngồi xuống một bên, bạch Thế Tôn:

Có một số Sa môn, Bà là môn, bạch Thế Tôn, đi đến Kesaputta. Họ làm sáng tỏ và là chói sáng quan điểm của mình nhưng họ lại bài xích, khinh miệt, chê bai và xuyên tạc quan điểm của người khác. Chúng con có những nghi ngờ và phân vân trong những vị này, ai nói sự thật, ai nói sai sự thật ?

Này các Kàlàmà, chớ vội tin vì nghe truyền thuyết, chớ vội tin vì theo truyền thống, chớ vội tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ vội tin vì lý luận siêu hình, chớ vội tin vì đúng theo một lập trường, chớ vội tin vì phù hợp với định kiến, chớ vội tin vì xuất phát từ nơi có uy quyền và chớ vội tin vì vị Sa môn nói ra những lời ấy là bậc đạo sư của mình.

Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là bất thiện, là tội lỗi; các pháp này bị những người có trí chỉ trích; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến bất hạnh và khổ đau, thì này Kàlàmà, hãy từ bỏ chúng.

Này các Kàlàmà, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kàlàmà, hãy chứng đạt và an trú.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Lớn, phần các vị ở Kesaputta, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.336)

LỜI BÀN:

Thói thường của con người là phàm cái gì vốn của ta, có liên hệ đến ta thì bao giờ cũng tối thắng. Bóng đen của tự ngã luôn bao trùm, che lấp làm chướng ngại sự thể nhập chân lý đồng thời là cội nguồn dẫn đến mọi khổ đau. Vì thế, nỗ lực để làm sáng tỏ quan điểm, lập trường của mình nhằm phát huy cái ta và cái của ta là chuyện bình thường vốn dĩ của thế gian. Tuy nhiên, song hành với việc bảo vệ quan điểm của mình là hành vi lên án, bài xích và khinh miệt quan điểm của người khác, nhất là những quan điểm tiến bộ là một điều tệ hại; biểu hiện rõ nét của chấp ngã, cuồng tín và vô minh.

Theo tuệ giác Thế Tôn, đối với mọi quan điểm, tư tưởng nên thận trọng, chớ vội tin, cần hoài nghi và xét lại tất cả. Dù nghi ngờ là một trong những phiền não là chướng ngại thánh đạo nhưng trong nhận thức, hoài nghi là một biểu hiện của trí tuệ vì “đại nghi tức đại ngộ”. Sau hoài nghi mới đi đến niềm tin vững chắc là lộ trình của chánh tín và tịnh tín của những người con Phật. Nếu không được nghi, không được xét lại, chỉ nhắm mắt tin theo thì niềm tin ấy chỉ là mê tín, vô cùng ngây dại và tăm tối.

Trong quan niệm của mình, Thế Tôn chưa bao giờ phán quyết rồi bắt buộc mọi người phải cúi đầu tin theo, đồng thời luôn cho phép và khuyến khích hàng đệ tử đem ra thảo luận, bàn bạc những lời dạy của Ngài. Niềm tin về giáo pháp của hàng đệ tử được thành tựu sau khi quán sát, tư duy và chiêm nghiệm. Đặc biệt là khi rõ biết về điều đó là thiện, không có tội lỗi, thực hành đem đến hạnh phúc, an vui và nhất là trên bình diện nhận thức được những người trí chấp nhận thì hãy tin theo, chứng đạt và an trú, nếu ngược lại thì dứt khoát từ bỏ.

Niềm tin phải đi liền với trí tuệ mới là chánh tín. Cho nên người con Phật không vội tin bất cứ điều gì, họ chỉ tin sau khi thực hành và điều đó mang đến hạnh phúc, an vui cho mình và người, trong hiện tại và mai sau.

LÒNG TIN LÀ TÀI SẢN TỐI THƯỢNG

Một thời Thế Tôn trú ở Àlavi, tại trú xứ của Dạ xoa Alavakka. Rồi Dạ xoa đi đến và nói với Thế Tôn:

Này Sa môn, ta sẽ hỏi ông một câu. Nếu ông không trả lời ta được, ta sẽ làm tâm ông điên loạn, hay ta sẽ làm ông bể tim, hay nắm lấy chân, ta sẽ quăng ông qua bờ bên kia sông Hằng.

Này Hiền giả, Ta không thấy một ai ở chư Thiên, Ma giới, Phạm thiên hay với chúng Sa môn, Bà la môn và loài người có thể làm tâm Ta điên loạn hay làm bể tim Ta, hay nắm lấy chân quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, hãy hỏi đi, nếu ông muốn.

Này Sa môn: “Cái gì đối với người, là tài sản tối tối thượng ? Cái gì khéo hành trì, đem lại chơn an lạc ? Cái gì giữa các vị, là vị ngọt tối thượng ? Phải sống như thế nào, được gọi là sống tối thượng ?”

Này Hiền giả: “Lòng tin đối với người, là tài sản tối thượng. Chánh pháp khéo hành trì, đem lại chơn an lạc. Chân lý giữa các vị, là vị ngọt tối thượng. Phải sống với trí tuệ, được gọi là sống tối thượng”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 10, phần Àlavi, VNCPHVN ấn hành 1993, tr.471)

LỜI BÀN:

Con người sống trên đời thường mong ước có được nhiều thứ như tài sản, danh vọng, hạnh phúc v.v… Thế nhưng, khi được hỏi trong những thứ ấy cái nào là tối thượng thì đa phần điều lúng túng vì mong ước của con người vốn vô hạn, không có điểm dừng. Đa phần, với những ai chín chắn và bình tâm thì trả lời một cách nôm na rằng: Những gì đáp ứng được nhu cầu cần thiết nhất trong hiện tại là tối thượng.

Dạ xoa Alavikka cũng sở hữu được nhiều thứ nhưng vẫn chưa thoả mãn tham vọng và kiêu căng vốn dĩ của mình, giận dữ vì không biết cái gì là tối thượng để sở hữu, manh tâm chiếm đoạt.

Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin là tối thượng. Quan niệm này kể ra cũng lạ nhưng nếu lắng lòng chiêm nghiệm lời Phật thì trực nhận rằng tài sản chỉ là cái đến sau, là kết quả của lòng tin. Bởi “đức tin là mẹ của các công đức”, có lòng tin thì có được tất cả.

Làm gì để được an vui lâu dài cũng là một vấn nạn lớn ? Vì niềm vui mà con người có được thì khá nhiều nhưng tất cả đều tạm bợ, qua nhanh đồng thời niềm vui ấy rất khó tìm nhưng dễ mất. Với Thế Tôn, chỉ có thực hành Chánh pháp mới có thể được hạnh phúc lâu dài.

Vị ngọt của cuộc đời cũng rất nhiều nhưng đa phần đều tựa như chút mật dính trên lưỡi dao, người tham chút mật ngọt ấy sẽ khó tránh được tai họa đức lưỡi. Đằng sau cái hương vị ngọt ngào ấy luôn là cạm bẫy và hiểm nguy rình rập. Cũng vì chạy theo vị ngọt của cuộc đời mà không ít người thân bại, danh liệt thậm chí tán thân, thất mạng. Ngược lại, hạnh phúc của chứng nghiệm chân lý tức giải thoát và giác ngộ thì vĩnh cữu, an lành nên được gọi là vị ngọt tối thượng.

Để có được một đời sống đúng nghĩa thì chỉ có sống với trí tuệ và minh triết. Vì lẽ, nếu thiếu vắng trí tuệ thì không thể gọi là đời sống cao, văn minh dù vật chất đầy đủ. Mặt khác, chỉ có trí tuệ mới đủ năng lực chế ngự khổ đau, phá tan tà kiến, đạt được tự chủ và tự tại.

Vì vậy, mỗi người con Phật phải nhận ra chân giá trị của cuộc sống để có lòng tin, thực hành Chánh pháp, phát huy trí tuệ và chứng nghiệm giải thoát.

CHỈ TIN MỘT NGƯỜI

Một thời Thế Tôn ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các Tỷ kheo:

Có năm nguy hại này, này các Tỷ kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm ?

Này các Tỷ kheo, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy phạm lỗi và chúng Tăng tùy theo lỗi đã phạm ngưng chức người ấy, bắt người ấy xuống ngồi cuối. Lại nữa, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy đi đến nơi khác hoặc người ấy bị loạn tâm hay người ấy bị mạng chung.

Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ, ưa thích, nay người ấy bị chúng Tăng ngưng chức, bị bắt xuống ngồi cuối; nay người ấy đã đi xa, bị loạn tâm, bị mạng chung” và người này không còn tịnh tín với các Tỷ kheo. Do không còn liên hệ với các Tỷ kheo khác, người này không nghe diệu pháp, do không nghe diệu pháp nên người này thối đọa khỏi chánh pháp.

Này các Tỷ kheo, đây là năm nguy hại đối với việc chỉ tịnh tín đối với một người.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác Hành, phần Tịnh tính đối với một người [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.745)

LỜI BÀN:

Đức tin vào Tam bảo, nhất là tin Tăng được xem là một yếu tố quan trọng của niềm tịnh tín, là tăng trưởng phước báo và thăng hoa tinh thần của tự thân. Tăng là một đoàn thể thanh tịnh và hòa hợp, tin Tăng đúng nghĩa là gởi trọn niềm tin vào đoàn thể ấy. Dựa trên niềm tin Tăng bảo, một Phật tử có thể thân cận, gần gũi để được hướng dẫn và tu học với một vị xuất gia. Thế nhưng chỉ tin vào một vị Tăng duy nhất và gần như phớt lờ với Tăng già, đó là điều nguy hại.

Cộng đồng xuất gia ngày nay chưa thể gọi là rốt ráo thanh tịnh, bởi một số vị chưa làm tròn bổn phận xuất gia của mình. Sự thật này tuy ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của chư Tăng nói chung nhưng đó là việc cá nhân, không hề liên hệ đến bản thể Tăng già vốn thanh tịnh và hòa hợp. Cũng chính vì thế mà hiện tại hiện tượng một số người (có thể chưa hiểu sâu sắc về giáo lý hay do sự hướng dẫn thiên kiến của thầy mình) chỉ tin vào một người duy nhất là thầy của tôi, sư phụ của tôi, chân sư của tôi…. và đánh mất niềm tin Tăng già.

Cách tin này dễ rơi vào sự sùng kính thái quá đến mê muội, khó tránh khỏi chấp thủ cho người tin và làm tăng tự mãn đối với người được kính tin. Theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những nguy hại. Bởi khi chỉ đặt niềm tin vào một người, rồi người ấy chẳng may thăng trầm, suy thịnh theo lẽ vô thường, dẫn đến chao đảo, hụt hẫng, mất nơi nương tựa tinh thần và thối đọa trong Chánh pháp.

Vì thế, người con Phật phải xây dựng niềm tin, sự kính trọng vào Tăng bảo. Thầy của mình chỉ là một chiếc lá của cây Tăng, một tế bào của cơ thể Tăng. Cây Tăng luôn to lớn, cành lá xum xuê, gốc rễ bền chặt. Chiếc lá có thể vàng úa và rụng rơi nhưng đại thọ kia thì luôn vững chãi. Bỏ quên cây lớn để nắm bắt chiếc lá là một thiệt thòi, lầm tưởng chiếc lá là đại thụ lại càng đáng thương hơn. Và đây cũng là điều mà hàng sơ học cần suy tư để thành tựu niềm tịnh tín Tăng bảo.

Source: thuvienhoasen

Oct 12th, 2011 _ (4)

Chuyển đến trang:   1   2  3  4  5  6  7  8  9