Recent Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20,
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41
42 43 44 45 46 47 48 49 50
Từ quán
Từ quán là một phép quán về tình thương trong giáo lý Tứ vô lượng tâm do Bụt thuyết. Từ quán cũng là một phép quán chính yếu của Bồ Tát Quán Thế Âm về tình thương rộng lớn trong phẩm phổ môn, Kinh Pháp Hoa đi đôi với bi quán, chân quán, thanh tịnh quán và trí tuệ quán.
‘Từ’ là tình thương không điều kiện, tình yêu không biên cương, và nó chỉ đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mình và cho người. Ai trong chúng ta cũng đều có lòng từ, tức là tình thương lớn này.
‘Quán’ là nhìn sâu vào, nhìn kỹ vào, nhìn thẩm thấu để thấy được nỗi khổ của chính mình và cuộc đời, thì tự nhiên dòng nước yêu thương trào ra trong từng mạch máu cơ thể, nơi trái tim xót thương của mình. Từ quán là một phép quán chiếu thường xuyên về nỗi khổ đau của bản thân và cuộc đời, cho nên nó không còn là một ý niệm trừu tượng nữa mà là một nguồn năng lượng đang lưu chuyển trong từng tế bào của thân thể và ý nghĩ của tâm hồn của hành giả.
Quán chiếu về lòng từ như thế nào? Bạn thắp lên chánh niệm, tức là ý thức sáng tỏ về chính mình và những người chung quanh trong đó có cả người thương kể cả người không thương, người dửng dưng, rồi tới tất cả muôn loài chúng sanh. Trước hết bạn lấy đối tượng là chính mình.
Bạn hãy thấy rõ sắc diện của chính bạn. Qua sắc diện, bạn thấy được chuyện gì đang xảy ra trong thân tâm. Sắc diện bạn có vẻ tiều tuỵ, tức là bạn thiếu ngủ, ăn không ngon, ngủ không yên hoặc có những nguyên nhân khác trong tâm thức làm sắc diện tiều tuỵ. Nhận diện sắc diện, bạn bắt đầu thay đổi nếp sống, tập ăn uống, ngủ nghỉ điều độ. Bạn để thì giờ chăm sóc cho cơ thể, bởi những gì xảy ra cho cơ thể cũng ảnh hưởng tới tâm hồn. Bạn tập sống thảnh thơi, bớt lo lắng, căng thẳng…
Bạn thấy phong thái của bạn. Cái phong cách này có thể làm cho bạn có nhiều bức xúc, mâu thuẩn, khó khăn, phiền muộn với những người chung quanh. Bạn thường hay phản ứng mạnh, cau có, lên án, phán xét, cho nên bạn tỏ ra bực mình, khó chịu. Phong cách của bạn thiếu tế nhị, thô tháo, máy móc; bạn thường phản ứng theo bản tánh nóng giận, cố chấp, uy quyền…
Phong cách này làm cho bạn khổ, vì nóng giận, bức xúc và tạo ra nhiều tổn thương nơi những người chung quanh. Vì thế, phép từ quán trước hết là bạn phải thấy chính bạn, thấy cái phong cách, phong thái của chính bạn mà triết gia Socrates gọi là ‘know thyself’ nghĩa là biết chính mình. Chưa biết mình tức là cũng chưa biết thương yêu là gì, bởi vì lòng từ làm bằng một chất liệu duy nhất; đó là sự hiểu biết. Tình thương này không phải là loại tình thương bản năng như cha thương con, mẹ thương con… mà thương vì hiểu được tính nết của con người.
Bạn chú ý sức khoẻ của chính bạn. Nhiều khi bạn không biết tình trạng sức khoẻ của mình cho nên bạn đày ải thân thể, làm cho nó mỏi mòn, mệt mỏi. Bạn thức khuya, lo lắng, căng thẳng, phiền muộn… Bạn không biết thế nào để trở về với thân thể, bạn không thể cảm nhận rõ ràng bộ phận này có sự đau nhức, mệt mỏi này… Trái lại bạn ăn uống các thức ăn uống có độc tố làm cho cơ thể càng ngày càng bệ rạt, đau ốm, bệnh tật… Cho nên từ quán cũng là một cơ hội để chăm sóc sức khoẻ. Không có sức khoẻ thì không thể nào có tình thương. Thân thể cứ cau có, đau nhức thì làm sao tâm hồn thư thản để yêu thương…
Nếu có những đau nhức nào ở vùng nào trong cơ thể, thì bạn gửi năng lượng chú ý, yêu thương, tội nghiệp tới nơi ấy. Cơ thể là một thực thể sinh động nên nó biết cảm nhận tình thương. Ngoài ra, bạn biết thể dục, đi bộ, thay đổi chế độ ăn uống, ngủ nghỉ, và đặc biệt là biết sống nếp sống không căng thẳng.
Bạn chú ý tới cảm thọ. Cảm thọ gồm có khổ thọ, lạc thọ và trung tính. Khổ thọ là cảm thọ khó chịu, đau đớn, bất an như đau lưng, giận hờn, bất an… Lạc thọ là cảm thọ dễ chịu, khoẻ khoắn, bình an như hưởng một giấc ngủ bình yên, không đau nhức… Cảm thọ trung tính là cảm thọ không khó chịu mà cũng không dễ chịu, một cảm thọ bình thường ví như không đau răng, không bị mù loà đều là những cảm thọ bình thường.
Từ quán là biết nhận diện cảm thọ để nuôi dưỡng thêm nhiều cảm thọ dễ chịu, an lạc, khoẻ khoắc để nuôi dưỡng thân tâm. Thứ hai, bạn biết cách ôm ấp, trị liệu những cảm thọ khó chịu để chuyển hoá tận gốc nguồn cảm thọ này. Và cuối cùng bạn biết nghệ thuật chuyển tất cả những cảm thọ trung tính thành lạc thọ, ví như không đau răng thật là một điều kiện hạnh phúc, không mù loà là một điều kiện hạnh phúc… Tự nhiên, bạn có vô số lạc thọ chuyển từ các cảm thọ trung tính, và chính những lạc thọ này nuôi dưỡng thêm sức khoẻ của bạn làm cho tình thương trong bạn lớn lên. Bạn thử thực tâp như thế này trong lúc thở, đi, đứng, nằm, ngồi:
Mong cho tôi trồng được nụ cười thường xuyên
Mong cho tôi giữ thái độ hoà nhã
Mong cho tôi có đủ sức khoẻ, không đau nhức, không bệnh tật
Mong cho tôi có sự bình an và hạnh phúc
Mong cho tôi vơi đi những nổi khổ đau trong thân thể và trong tâm hồn.
Từ quán không phải là phép cầu nguyện suông (wishful thinking) mà một phép thực tập. Khi thấy cơ thể đau nhức, bạn tìm cách điều trị cho nó. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, bạn tập thể dục, đi bộ, tập khí công… Khi thấy cơn giận hờn nổi lên, bạn tập thở, đi thiền hành để êm dịu là cơn giận hờn. Vì thế từ quán luôn đưa tới hành động cụ thể để thay đổi tình trạng thân tâm, thì lúc ấy lòng từ mới tuôn thành sức sống để đem lại hạnh phúc, an lạc, mạnh khoẻ cho chính bạn.
Sau khi áp dụng phép từ quán cho bản thân, bạn chuyển đối tượng quán chiếu qua người thân, người ghét, người dưng và tất cả chúng sanh theo quán chiếu tuần tự như trên. Bạn phải thấy được sắc diện của người kia để thương, thấy được phong thái của người kia để chấp nhân, tha thứ, thấy sức khoẻ của người để tội nghiệp, cảm thông, và thấy cảm thọ của người kia để ngăn ngừa sự giận hờn, bực tức nơi bạn.
Nhiều khi, người làm bạn khổ là vì người ấy đang đau khổ cùng cực. Họ khổ quá nên họ vung vãi nỗi khổ lên bạn và những người chung quanh.
Tóm lại, từ quán sẽ tuôn ra những giọt nước cam lộ trong tâm hồn của bạn, và nó làm nguội lại cơn nóng của giận hờn. Từ quán thành công khi nó được làm bằng sự hiểu biết. Không hiểu tức là không thể thương yêu được, trái lại không hiểu sẽ đưa tới giận hờn, trách móc, hận thù, nguồn gốc của mọi khổ đau.
ChânPhápĐăng