Recent Pages : 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14151617181920 21 22 23 24 25 26 27 28 29
30 31 32 33 34 35 36 37 38
Vô thường, vô ngã
Nguyễn Mạnh
Vô thường nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã… Nói đến vô thường, gần như tất cả mọi người đều cảm thấy muốn buông xuôi tất cả, vì vô thường thì nỗ lực làm gì cho mất công.
Nghe vô thường, chúng ta cảm thấy cuộc đời có rồi không, luôn thay đổi từ khi con người sinh ra rồi già, bệnh, chết; nói cách khác, chúng ta chưa có trước khi xuất hiện trên cuộc đời và khi từ giã cuộc đời, chúng ta cũng là không. Vì vậy, một số người nói đạo Phật chán đời.
Quy luật vô thường
Hôm nay chúng ta suy nghĩ về vô thường. Giáo lý Phật tuy nhiều, nhưng chủ yếu nằm trong vô thường, nghĩa là vạn vật luôn thay đổi và con người là vô ngã, tức con người do tứ đại hợp thành, không có thật.
Giáo lý vô thường và vô ngã mà Phật dạy để làm gì? Điều này có mục tiêu rõ ràng, Đức Phật nói vô thường và vô ngã để giúp chúng ta tận diệt khổ đau và đạt Niết bàn. Từ vô thường, chúng ta tìm cái thường còn, từ khổ đau, chúng ta tìm cái an lạc là Niết bàn có thường, lạc, ngã và tịnh.
Đức Phật sống trên cuộc đời có vô thường, nên Ngài phải nói vô thường để chúng ta đừng chấp mọi vật là thường còn mà đau khổ. Phật dạy vật chất luôn thay đổi để chúng ta đoạn diệt tâm chấp trước, mới có thế giới an lạc là Niết bàn. Thật vậy, đầu tiên Phật thuyết vô thường vô ngã cho năm anh em Kiều Trần Như và họ đắc quả A la hán.
Từ đó, họ hiện hữu trên cuộc đời này mà không bị tham lam, ganh tỵ chi phối, nên họ luôn an lạc, mới làm cho người chấp thường thấy vậy mà thức tỉnh và phát tâm tu theo. Điển hình là Xá Lợi Phất thấy sự vật là thường, nhưng bị mất mát, nên đau khổ; nhưng nhờ gặp được Mã Thắng sống với chơn thường và an lạc, Ngài mới thấy cuộc đời vô thường mà đoạn diệt khổ đau và chứng được chơn thường. Như vậy, Phật dạy vô thường để chúng ta nhận thức đúng đắn bản chất của sự vật mà chứng được chơn thường.
Mọi vật có hai phần là sanh diệt và vô sanh. Phật dạy thế giới này là khổ và nguyên nhân của khổ; đó thuộc về phần sanh diệt. Để đoạn trừ khổ và nguyên nhân của khổ, Phật dạy tu Đạo đế là 37 trợ đạo phẩm, thì chứng được Niết bàn là Diệt đế; nhưng không biết lại nói đạo Phật chán đời là sai lầm lớn của con người.
Phật dạy cuộc đời thế nào thì phải thấy đúng và sống đúng để đoạn trừ ảo giác. Vì chúng ta có tham vọng, mới có ảo giác là không thực tế mới bị đau khổ. Còn thấy cuộc đời đúng sự thật và biết nguyên nhân nào dẫn đến đau khổ, thì khổ phải chấm dứt và tu nguyên nhân dẫn đến an lạc thì Niết bàn hiện hữu. Phật dạy rõ hai con đường như vậy.
Ở thế giới sinh diệt mà chúng ta muốn không sinh diệt làm sao được. Con người sanh ra, lớn lên, già, rồi chết là quy luật tất yếu, mà chúng ta muốn không già, không chết và sống mãi là không thực tế. Mà nếu con người sống mãi thì trái đất này sẽ bị nạn nhân mãn mất. Bây giờ người chết ít hơn người sanh, thời Phật tại thế, trái đất này chỉ có độ 500 triệu dân, nhưng nay 7 tỷ người, thì quý vị nghĩ sao. Nếu không có người chết, ngày nay trái đất này có bao nhiêu người.
Có quy luật sanh, già, bệnh, chết, trái đất mới trở thành cân bằng và tồn tại được. Có sanh mà không chết là nghĩ đến thiên đường, nhưng như vậy cũng bị nạn nhân mãn, không còn chỗ chứa người ta. Quan niệm lên thiên đường hưởng phước luôn cũng không đúng. Thiên đường cũng có tuổi thọ của nó, nhưng dài hơn thế gian. Ở thiên đường, đất rộng người thưa, vì chỉ có loài người tu được thập thiện mới được sinh lên thiên đường, nên cũng khó có người được lên thiên đường. Thật vậy, chúng ta thọ thập thiện, nhưng tu thập thiện không dễ. 1.000 người tu thập thiện may ra có được 1 người thành tựu.
Nói rằng thiên đường đất rộng, nhưng thật ra không có đất, họ sống bằng tâm thức, không có thân vật chất như chúng ta, nhưng có thân vi tế. Pháp hội Linh Sơn có vài ngàn Tỳ kheo đã không có đủ chỗ ngồi, nhưng có đến 70.000 chư Thiên và 8 vạn Bồ tát mà không trở ngại. Thế giới của chư Thiên, Phật, Bồ tát khác với thế giới của chúng ta, vì đó là thế giới siêu vật chất, tức một vật thể nhỏ, nhưng có sức dung chứa vô cùng tận. Ngày nay điều này dễ hiểu, ví như người ta dùng phần mềm dung chứa biết bao nhiêu hình ảnh và âm thanh không lẫn lộn.
Chúng ta hình dung được thế giới chư Thiên có lạc, không khổ. Hết phước thì hoa trên đầu héo là chư Thiên bị đọa, hay ở đó chỉ vui, nhưng thấy buồn là đọa. Ở thế giới chư Thiên sung sướng, nên quên hết trần thế, nhưng khởi niệm nhớ con là đọa liền, rơi xuống trần thế, thọ sanh vào các loài chỉ với một ý niệm như vậy.
Ta chiêm nghiệm ý nghĩa vô thường mà Phật dạy thấy rõ sự thật rằng vạn vật biến đổi, hay gọi là tiến hóa, từng thế hệ luôn phát triển. Đời sống từ Phật tại thế cho đến ngày nay, nếu không có tiến hóa thì con kiến vẫn là con kiến. Từ thời Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời Phật giáo phát triển cũng nhờ vô thường, tức hoàn cảnh đổi khác mà chúng ta có nhận thức khác, là có sự tiến hóa về vật chất và tiến hóa về tâm linh.
Tiến hóa vật chất là từ cuộc sống đơn sơ của người cổ đại đã tiến lên cuộc sống văn minh hiện đại. Tiến hóa tâm linh là người khổ đau tu Tứ thánh đế thì diệt được khổ đau và đắc quả Tu đà hoàn, cho đến quả A la hán, Bích Chi Phật và thành tựu quả vị Phật. Nếu không có vô thường thì tất cả mọi việc nằm yên, không thay đổi. Nhờ vô thường, chúng ta tích cực hơn, vận dụng được sự phát triển, giúp cho đời sống thăng hoa và tiến hóa.
Riêng tôi, từ thuở nhỏ, đã cảm nhận ý niệm vô thường, thấy mạng người ngắn ngủi, nên 12 tuổi đã nỗ lực tu học, sợ không kịp rồi chết, không biết về đâu. Tôi phấn đấu tìm đạo và tu học không mệt mỏi, nên thăng hoa đời sống tâm linh. Nhờ vô thường, có tiến hóa nên tôi lần thay đổi từ đứa trẻ nhỏ cho đến trưởng thành và tốt nghiệp việc học để giúp đời. Chúng ta biết thay đổi theo hướng tốt đẹp là sống theo Đạo đế của Phật dạy thì phát triển được đời sống vật chất và tâm linh. Còn thấy vô thường rồi chán nản buông xuôi thì về đâu không biết.
Biết vô thường, chúng ta cũng hạn chế được các việc ác và phát triển được mặt thiện. Sự thay đổi cũng có hai khuynh hướng, một là phát triển vật chất, đó là công việc của các nhà khoa học nhắm đến phát minh vật chất. Hai là những nhà triết học, nhà tôn giáo tìm về sự phát triển đời sống tâm linh. Đương nhiên chúng ta không phủ nhận đời sống phát triển vật chất, nhưng không coi nó quan trọng, vì nhận thấy đời sống vật chất ràng buộc chúng ta nhiều hơn.
Thật vậy, người có nhiều của cải, quyền lợi thì bị ràng buộc nhiều. Phật tu là thoát ngục vàng. Hạnh phúc không phải ở đời sống vật chất. Một người giàu có đến than với tôi rằng ông có một người con trai duy nhất bị nhiễm HIV, vì cho nó tiêu xài phung phí quá nên mới bị như vậy. Ông khổ quá, tiền nhiều, nhưng không thể để tài sản cho đứa con hư này được. Đời sống vật chất giúp chúng ta một phần, nhưng gây buồn khổ nhiều hơn. Người nhiều tiền luôn luôn lo lắng cho việc giữ gìn tài sản. Phật dạy rằng tài sản chưa có thì mong cho được, có rồi thì giữ gìn càng khổ và mất tài sản thì khổ nhiều hơn nữa.
Phật dạy vật chất không cần nhiều như chúng ta tưởng, mà cần vật chất nó lại đưa đến bất hạnh, không cần nó lại hạnh phúc. Ví dụ trời nóng bức, người có nhà cửa, tiện nghi vật chất tốt, nhưng hết phước thì họ khổ hơn người chưa có cuộc sống tiện nghi. Vì vậy, Phật dạy tu hành phấn đấu cho đạt được giải thoát, tức không bị lệ thuộc đói, khát, nóng, lạnh.
Về vật chất có ăn, mặc, ở, nhưng tu hành, tập cho mức cầu luôn dưới mức cung là có hạnh phúc liền. Giả sử trưa nay không có gì ăn, thì người ta cho gì mình ăn cũng thấy ngon; còn cầu lớn, muốn ăn tiệc thì không được như vậy là khổ, hay dù có ăn cũng phải trả nhiều bằng phước. Tôi sợ đi trai tăng, vì ăn không bao nhiêu, nhưng trả quá nhiều, vì trả bằng phước đức tu hành của mình. Tôi thường hỏi bữa ăn tốn bao nhiêu, phần ăn, phần bỏ, tất cả chi phí này phải gánh, nên phước mau hết, khổ phải tới.
Tu hành, Phật dạy ít ăn, hay ăn gì cũng được. Phật có lưỡi công đức khác với các loài chúng sinh có lưỡi nghiệp chướng thì dùng nó để nói điều tội lỗi, dùng nó để ăn những thức ăn tốn tiền. Lưỡi công đức thì ăn gì cũng biến thành cam lồ. Riêng tôi phát hiện ra khi đói, cơ thể nạp vào cái gì cũng thấy ngon. Câu chuyện ông vua ăn mầm đá cho thấy lý này. Ông ăn nhiều quá nên thấy cái gì cũng không còn ngon, nhưng gặp nhà sư cho vắt cơm nguội với muối mà thấy ngon vì phải chờ nhà sư dọn món mầm đá lâu quá, nên đói bụng. Lưỡi nghiệp của chúng ta đòi hỏi nhiều, nên cố tìm hoài thức ăn ngon mà không thấy có gì ngon.
Muốn có lưỡi công đức, nên ăn thiếu, đừng ăn dư. Sức tôi ăn được 2 chén cơm, thì tôi chỉ ăn 1 chén rưỡi. Ăn thiếu thì thấy ngon, ăn nhiều thì không còn ngon. Hạn chế được sự chi phối của vật chất là ăn uống rồi, chúng ta cũng hạn chế ngủ nghỉ, vì cơ thể mệt mới ngủ say; nhưng không mệt thì ngủ ít và tỉnh là ngồi thiền giữ cho cơ thể thăng bằng. Thiền sư ăn ít, ngủ ít, lao động bớt lần, không bị vật chất chi phối, mới phát triển được tâm linh.
Người tu không phát huy vật chất, nhưng phát triển tâm linh để thấy cuộc đời sáng hơn, thấy cái nào khổ, cái nào không khổ, còn sự vật thì luôn thay đổi. Đạo hữu Võ Đình Cường để lại tác phẩm Thử hòa điệu sống rất hay: “Ngồi trên thuyền thời gian, ta rong chơi trong biển không gian…”.
Thời gian luôn thay đổi, lúc còn nhỏ, ta nghĩ đến việc của người nhỏ, lúc lớn ta nghĩ việc của người lớn, lúc già ta nghĩ đến tuổi già. “Sóng triều bào ảnh lô nhô không phải không đẹp với người đạo sĩ…”. Nhờ có sự thay đổi mới thấy cuộc đời này đẹp, thấy đứa trẻ chào đời rất đẹp và thấy đám ma cũng đẹp. Nếu cuộc đời là một bức tranh không thay đổi là bức tranh chết hay sao. Chúng ta có bức tranh sống mà tất cả hình ảnh được minh họa trong đó. “Chúng chỉ đáng ghét đối với những kẻ tham lam…”, vì chúng ta muốn nó dừng lại, nhưng sao dừng được, hoặc chúng ta muốn dừng cho người, nhưng không dừng cho mình, tất cả mọi người chết, một mình ta sống, như vậy là tham quá.
Trong phẩm Nhà lửa thứ ba, kinh Pháp Hoa, Phật nói mọi vật luôn sinh diệt, biến đổi không ngừng, nhưng nhờ đi 3 xe chạy ra khỏi Nhà lửa thì đời sống vật chất của chúng ta ra khỏi Nhà lửa, tức nhận ra được cái gì của ta thì ta giữ, cái gì không phải của ta thì thôi. Người ta khổ vì tham lam tìm cầu mong muốn nắm giữ cái không phải của ta, nên mất mới khổ đau. Cái gì của ta, ta giữ và tiến hơn nữa, của ta cũng không cần giữ, nhưng nó cũng phải theo ta như bóng với hình. Một người bạn tốt của ta, ta không giữ, họ vẫn là bạn của ta. Vì vậy, phải nhận được Bồ đề quyến thuộc, đó là những người bạn đồng hạnh đồng nguyện là bạn tốt của ta, dù không giữ; nhưng ta muốn giữ thì họ lại muốn bỏ trốn. Bồ tát đồng hạnh đồng nguyện là ta làm một việc, họ cũng muốn làm việc đó, thì hợp tác được. Còn không đồng hạnh, không đồng nguyện, không thể ráp với nhau được, dù hợp tác cũng hư việc; vì đưa vô cái chung, nhưng người nào cũng muốn đem về riêng. Những người không đồng hạnh nguyện mà chúng ta cố giữ họ ở lại đạo tràng này, họ làm chúng ta khổ thêm. Chỉ sống với những người cùng hạnh nguyện thì khổ cũng biến thành vui.
Trên bước đường tu, những gì không phải của ta, ta coi của ai. Phật dạy nếu hết phước thì tài sản của ta là của năm nhà. Năm nhà là giặc cướp, bị tịch thu, bị con hư phá của, bị nước cuốn trôi, bị lửa cháy. Nếu là của năm nhà thì trả lại cho năm nhà, cố giữ cũng không được còn bị chuốc họa vào thân. Trả rồi, thân tâm chúng ta nhẹ nhàng. Nhiều người nghĩ rằng làm ra của cải để cho con cháu hưởng, nhưng nó không có phước thì cũng không hưởng được. Chỉ để cho con cháu phước đức là tốt nhất. Cha mẹ có phước đức vì từng cứu giúp người, nên con gặp nạn có người giúp lại. Trước khi chết, chúng ta biến tất cả của cải thành phước đức, thì phước đức đi theo ta sang đời sau.
Nếu không có vô thường biến dịch thay đổi thì đến nay tôi vẫn là cậu bé nhà quê. Nhờ vô thường biến đổi mà tôi trở thành Hòa thượng như ngày nay có bạn bè khắp năm châu. Trong vô thường có cái không biến đổi là chân tình, đạo tình không thay đổi. Tất cả Tăng Ni và Phật tử đều ở trên lộ trình đạo hạnh từ kiếp xa xưa mà ngày nay chúng ta mới gặp lại nhau cùng tu hành trong ánh hào quang của Đức Phật vậy.
.