Hoa Tuệ Giác 2

Recent Pages:  1 2,  345678910111213141516171819,  2021 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37  38 39 40 41
42 43 44 45  46 47 48  49  50  51 52

Lời Hay Ý Ðẹp

* Yêu thương cho đi là yêu thương có thể giữ được mãi mãi.
* Một người bạn thật sự là người bước vào cuộc sống của bạn khi cả thế giới đã bước ra.
* Có hai nơi mà không gì là không thể xảy ra : trong giấc mơ và trong tình yêu.
* Nếu bạn luôn cố để giống một người nào đó, bạn sẽ đánh mất những gì đặc biệt nhất về chính mình.
* Chỉ khi bạn mở được cánh cửa của lòng tin, bạn mới mở tới cánh cửa của tình bạn.
* Không bao giờ có thang máy đi tới thành công, bạn luôn phải đi cầu thang bộ.
* Một người thông minh giống như một dòng sông, càng sâu thì càng ít gây ồn ào.
*Tình yêu là khi chúng ta nhận ra chính mình ở trong một người khác, và tự hào vì điều đó!
* Bạn cần phải đứng vững vì ít nhất một điều gì đó, nếu không, bạn sẽ ngã vì bất kỳ điều gì.
* Hãy luôn nhớ rằng mỗi người bạn tốt đều đã từng là một người xa lạ.
* Để vẽ một bức tranh hoàn hảo, nhất thiết bạn sẽ cần một vài màu tối
* Lo lắng quá nhiều giống như việc trả nợ mà bạn không biết có vay hay không.
* Hạnh phúc không tuỳ thuộc vào bạn là ai, bạn làm gì mà tùy thuộc vào bạn nghĩ gì.
* Dũng cảm là vượt qua nỗi sợ hãi chứ không phải không sợ hãi.
* Cái đầu quá nóng và trái tim quá lạnh không bao giờ giải quyết được việc gì.
* Học tập chỉ mở cửa, bạn phải tự bước qua cánh cửa đó.
* Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần bị vấp ngã.
* Bạn không bao giờ bị đánh bại, cho đến khi bạn tự bỏ cuộc.
* Một người vĩ đại là một người đã không đánh mất trái tim trẻ thơ của mình. (Mencius)
* Nơi nào có tình thương yêu, thì nơi đó luôn có những điều kỳ diệu. (Loilla Cather)
* Yêu thương là cái gì đó vĩnh cửu. (Vincenl Van Gohg)
* Nguyên nhân chính của các lỗi lầm loài người mắc phải được tìm thấy trong những thành kiến được thu thập từ thời thơ ấu. (Descartes)
* Tình bạn là nhận thêm niềm vui và chia bớt nỗi buồn. (Thomas Fuller)
* Có những tình cảm sống suốt cả đời và chỉ chấm dứt cùng với đời sống. (Fosefine)
* Đừng bao giờ mất kiên nhẫn, đó chính là chiếc chìa khoá cuối cùng mở được cửa. (Saint Exupery)
* Tình thương yêu là một trái cây luôn nở rộ và vừa tầm hái. (Mẹ Terasa)
* Nhân từ, ngọt ngào là dấu hiệu của tính cao thượng. (Pythagore)
* Cái gì mà chúng ta học được ở tuổi thơ thì luôn còn mãi. (Cerventes)

Sưu tầm

002 (332)

ngã giữa ngàn hoa thu

Nguyễn Duy Nhiên

Một buổi sáng trên con đường đến sở làm, chợt thấy những hoa vàng, đỏ, tím xuất hiện đầy trên những cành cây, bụi cỏ bên đường, mà dường như hôm trước chỉ là những cành cây khô trụi lá. Triết gia Ralph Waldo Emerson có viết rằng “The Earth laughs in flowers”, mặt đất cười bằng những đóa hoa.  Mỗi đóa hoa là một nụ cười tươi, là một hạnh phúc nhỏ trên con đường chúng ta đi.

Chăm sóc quả trái hạnh phúc.

Trong cuộc sống, chúng ta thường được nhắc nhở là mình nên chăm sóc và nuôi dưỡng những hạt giống hạnh phúc trong ta. Nhưng bạn biết không, thật ra tôi nghĩ việc chăm sóc những quả trái hạnh phúc của mình cũng rất là quan trọng. Quả trái hạnh phúc là những gì bình thường, an vui đang có mặt trong ta và chung quanh ta trong giờ phút này. Chúng cũng cần sự chăm sóc của mình. Vì khi ta chăm sóc cho những quả trái ấy trong hôm nay, là ta cũng đang nuôi dưỡng và tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong tương lai rồi, phải không bạn? Trong đời sống hằng ngày, tôi tập nuôi dưỡng chúng bằng cách tiếp xúc với những niềm vui trong tôi và chung quanh tôi, những hạnh phúc nhỏ như là một đóa hoa, một chiếc lá thu, một tách cà phê, sự có mặt của một người thân… những điều bình thường mà dầu đang ở nơi nào ta cũng vẫn có. Lẽ dĩ nhiên, ta cũng cần một sự thực tập.

Tôi nhớ trong khoa học vật lý có một định luật nói rằng “There are always more ways to impair a working system than to improve it.” Bao giờ cũng có nhiều cách để phá hỏng một hệ thống hoạt động, hơn là để cải thiện nó. Tôi nghĩ định luật đó áp dụng rất đúng cho các hiện tượng vật lý mà cũng rất đúng trong đời sống của chúng ta nữa. Một tình thân, một công việc… gây dựng lên thì rất công phu và qua nhiều thời gian, nhưng mà khi nó sụp đổ xuống thì rất là nhanh. Nhiều khi chỉ bằng một câu nói vô tình, một hành động nhỏ, một sự hiểu lầm mà thôi. Hãy giữ gìn những tình thân, những người thương và hiểu mình, những niềm vui bình thường mình đang có… Quả trái hạnh phúc nào cũng cần phải có sự nuôi dưỡng của ta.

Sức mạnh của trẻ con

Trong cuộc đời này, hận thù và tàn phá bao giờ cũng dễ làm hơn là tha thứ và xây dựng. Có lần, Phật bị một kẻ cướp tên là Angulimala cầm gươm đuổi theo định hại ngài. Angulimala rất tự hào và cho rằng mình là một kẻ có rất nhiều quyền năng, vì đã có biết bao nhiêu người đã chết dưới lưỡi gươm của anh. Đức Phật nói với Angulimala, “Trước khi anh giết ta, ta có vài điều muốn yêu cầu, anh hãy chặt đứt cành cây này cho ta đi.” Angulimala đưa nhát gươm mình lên, và cành cây kia bị cắt đứt lìa. Anh hỏi Phật, “Bây giờ ông muốn gì nữa?” Phật nói tiếp, “Bây giờ anh hãy gắn liền cành cây này lại trên cành như trước đi.” Angulimala cười to và nói rằng, “Ông có điên rồ không mà nghĩ rằng bất cứ ai lại có thể làm được chuyện đó!” Phật nói “Ngược lại, chính anh mới là kẻ điên rồ, khi nghĩ rằng mình có sức mạnh là vì mình có thể đi sát hại và tàn phá. Đó là công việc của trẻ con. Người có dũng lực, có sức mạnh là những ai có thể đi xây dựng và chữa lành những vết thương trên cuộc đời này.”

Lưỡi gươm ấy cũng có thể là một lời nói của ta, và trong thời đại của kỷ nguyên tin học ngày nay thì chúng ta có biết bao nhiêu phương tiện khác để gây dựng, chữa lành hoặc tàn phá…

Hạnh Phúc là một nghệ thuật.

Tu học là một nghệ thuật (art) chứ không phải là một kỷ thuật (technique). Bạn biết không, nếu như có ai hỏi ta, “Tại sao ta lại muốn có hạnh phúc?” Ta sẽ trả lời sao đây? Một hạnh phúc chân thật thì tự nó là cứu cánh, là đầy đủ hết rồi, nó đâu cần có một cái gì khác để nương tựa. Ta đâu dùng hạnh phúc để đạt đến một cái gì khác nữa đâu! Nhưng nếu ai hỏi “Tại sao ta lại cần những vật chất này, hay là vì sao ta lại muốn có những thành đạt kia?” Thì ta dễ dàng có câu trả lời. “Vì tôi muốn sống thoải mái hơn, tôi muốn được an vui, tôi muốn có an ninh, tôi muốn có hạnh phúc…” Tôi cần những điều đó là vì tôi nghĩ chúng sẽ mang đến cho tôi hạnh phúc.

Và bây giờ ta hãy thử nhìn lại những gì mình đang có, hoặc đang gây dựng, và ý thức rằng mục tiêu của chúng là để mang lại cho ta hạnh phúc. Và rồi ta hãy thành thật tự trả lời cho chính mình: chúng có thật sự mang lại cho ta một hạnh phúc nào không? Tôi muốn nói một hạnh phúc chân thật. Mục đích của chiếc bè là để mang ta sang bờ bên kia, còn ngoài ra nó không còn có một công dụng nào khác. Và nếu như bên này mình chưa thể nhìn thấy được những đóa hoa đẹp, những nụ cười tươi, thì sang bên kia ta cũng sẽ phải thực tập mà thôi, bạn có nghĩ vậy không?

Có một vị giáo thọ cư sĩ Tây Phương kể lại nhiều năm trước ông có sang Thái Lan và vào xin xuất gia tại một tu viện trong rừng. Ông được giao cho phận sự quét lá trên con đường dài nhỏ dẫn vào thiền đường. Vì tu viện nằm ở giữa rừng nên lá đổ quanh năm. Ông kể, vừa quét được nửa đường, khi nhìn lại quảng đường vừa quét xong, lá đã rơi xuống phủ đầy. Nhưng mỗi ngày, ông vẫn cứ tiếp tục làm công việc của mình, vì ông ý thức được rằng, công việc của ta làm tự nó là đầy đủ rồi. Ông biết rằng đó là một sự thực tập: có ngay hạnh phúc trong những việc mình làm.

Ngã giữa ngàn hoa thu

Sáng nay bước ra ngoài được thấy những đóa hoa đang nở, mỗi nụ cười là một hạnh phúc. Thở vào không khí mát lạnh mang lại cho tôi một sự tỉnh táo, hơi thở là một hạnh phúc. Trong căn phòng nhỏ với tách ly cà phê thơm, được ngồi yên là một hạnh phúc. Dầu cuộc đời có bận rộn và nhiêu khê đến đâu, hãy nhớ dừng lại để thở, để nhìn nụ cười trong những đóa hoa, mây bay trong tách cà phê thơm, để được ngồi yên…

Cuộc sống bao giờ cũng sẽ tiếp tục có những mệt mỏi và bận rộn, cuộc đời sẽ không bao giờ dừng lại cho ta nghỉ ngơi đâu bạn. Ngày mai này cũng sẽ vậy thôi. Hãy chăm sóc những hạnh phúc đang có mặt vì chúng cũng đang nuôi dưỡng và chăm sóc cho chính ta. Và cũng là nơi cho mình nương tựa. Nếu có một lần vấp ngã, chung quanh ta cũng sẽ vẫn còn nhiều hạnh phúc nhỏ để nâng đở mình,

Đi, đi mãi
Dầu có ngã trên đường
Cánh đồng hoa thu

Basho

Mai đây có ngã trên đàng,
Cho tôi xin ngã giữa ngàn hoa thu !

(xin lỗi, không biết tên người dịch)

Nguyễn Duy Nhiên
(http://duynhien.multiply.com/)

Nguồn: thuvienhoasen

Huyền thoại hoa ngô đồng

Dừng lại ở khoảng sân phía sau Trung tâm Phật giáo Liễu Quán, phía bên kia sông cả một màu sắc lạ kỳ nổi bật giữa màu lục non của lá. Không thể nhầm lẫn được, đó là sắc tím huyền hoặc chỉ có ở hoa ngô đồng, mặc dù khoảng cách hơn ba trăm mét nhưng trong tâm thức tôi hình ảnh của hoa ngô đồng đã trở nên quen thuộc.

Feb 15 - 2015 (4)

Hiện nay quanh thành phố Huế, những cây ngô đồng có khả năng ra hoa chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trong số đó quanh khu vực điện Thái Hòa có bốn cây đều ra hoa, cây ngô đồng ở Tả Vu có tuổi đời lớn nhất, nở rất nhiều hoa và dáng vẻ tuyệt đẹp, rồi cây ngô đồng ở Công viên Tứ Tượng trên đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, một cây bên cạnh cầu Phú Xuân ở bờ Bắc sông Hương và một cây ngô đồng ở bờ Bắc cạnh cầu Trường Tiền đều đã nở hoa. Khu vực cầu Trường Tiền còn có vài cây thiếu niên cao chừng năm mét.

Theo truyền thuyết, loài chim Phượng Hoàng linh thiêng chỉ đậu trên cây ngô đồng và khi chim Phượng Hoàng về đậu thì sẽ có thánh nhân ra đời. Người dân quê tôi cầu mong một ngày nào đó truyền thuyết đó sẽ trở thành hiện thực.

Theo tài liệu mô tả, cây ngô đồng có tên khoa học là Firmiana simples, cây cao từ 12m đến 15m, lá mọc thành từng chùm trên mỗi cành, cuốn lá dài 12cm, mỗi cành có 12 lá, năm nhuận thì có 13 lá, mỗi lá có ba hoặc năm thùy. Tương truyền rằng, nhạc cụ Dao cầm rất quý của Bá Nha được làm từ đoạn thân tốt nhất của cây ngô đồng, vậy mà khi ngang qua núi Mã Yên hay tin Tử Kỳ, người em kết nghĩa năm trước không còn nữa, Bá Nha đã tấu khúc “Thiên thu trường hận” để tiễn biệt người tri âm và khi nốt nhạc cuối cùng vừa ngưng, Bá Nha đã vái cây Dao cầm một vái rồi đập mạnh cây Dao cầm vào tảng đá, Dao cầm vỡ tung. Với các nhạc cụ cổ như đàn bầu, đàn tranh,… thì để có một cây đàn vừa ý, các cụ ngày xưa có câu “mặt ngô thành trắc”, tức là mặt đàn được làm từ gỗ cây ngô đồng, còn thành đàn làm từ gỗ trắc.

Ở Huế, cây ngô đồng có lá to cỡ khuôn mặt trẻ thơ và hoa thường nở vào cuối mùa xuân có khi sang đầu hè, hoa nở từng chùm li ti có màu tím mơ hồ như hình chiếc vương miện của hoàng hậu, sắc tím hồng ấy khảm vào không gian như nét cọ tài hoa của họa sĩ Levitan điểm vào tấm toan thiên địa bao la. Hình ảnh ngọn lá ngô đồng cuối cùng lìa cành xoáy vòng rồi đáp nhẹ xuống mặt đất, giúp tôi nhớ đến truyện ngắn “The last leaf” (Chiếc lá cuối cùng) đầy cảm động của O’Henry, và khi hoa rực rỡ nhất là lúc cây trút hết lá, lúc này cây ngô đồng như một tuyệt tác của thượng đế đang cởi bỏ xiêm y để thăng hoa về cõi tiên giới.

Lúc này, giữa nền trời trong xanh, điểm vài áng mây trắng đã làm nền cho vòm hoa ngô đồng một cách trang nhã, mang mang nét u hoài quý phái của một gương mặt đa cảm. Hầu hết những cây ngô đồng đều vượt cao hơn hẳn những cây xung quanh nó, tạo nên hình ảnh chơ vơ cô độc như bản tính một nghệ sĩ.

Trong Cửu đỉnh ở Đại Nội, hình ảnh cây ngô đồng được khắc trên Nhơn đỉnh. Cho hay từ thời xa xưa, người ta đã rất quý cây ngô đồng. Và cây ngô đồng đã đi vào thi ca qua những câu thơ của một thi nhân đời Đường: “Ngô đồng thất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu”, tạm dịch: “Một lá ngô đồng rơi/ Màu thu nhuộm đất trời” hay trong bài Tỳ Bà của thi sĩ Bích Khê có câu: “Ô hay! buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! vàng rơi: Thu mênh mông”.

Hoa là biểu tượng của cái đẹp, là kho tàng vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Nhưng các loài hoa đi vào huyền thoại thì không nhiều. Như hoa quỳnh hương có một truyền thuyết rất thần bí để lý giải vì sao hoa quỳnh chỉ nở vào ban đêm và lụi tàn sau khi nở rộ. Như thể hoa quỳnh chỉ muốn hiến dâng làn hương dặt dìu trinh bạch của mình dành cho người tình đã hẹn hò từ thuở xa xăm. Còn hoàng mai là biểu tượng của mùa xuân, ví von cho cốt cách của người quân tử, đã khiến một thi nhân đầy khí phách như Cao Bá Quát phải cúi mình đảnh lễ; với hoa sen thì tượng trưng cho sự tinh khiết, sáng tạo, biểu tượng của sự giác ngộ, cho dù môi trường của cây sen sinh trưởng được xem là bùn dơ trong các ao hồ. Hoa nói chung và ngô đồng nói riêng là một phần linh hồn xứ Huế.

Viết về loài hoa như để nhắc nhở cõi dân gian này hãy sống nhân hậu và giúp cuộc đời tươi đẹp hơn. Tôi cảm nhận hoa như một thiên sứ, giáng trần để làm vơi dịu nỗi thống khổ, đau thương của con người và ban tặng cho chúng ta một triết lý sống: sống đẹp trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Tạp bút của Lê Huỳnh Lâm

Source: Giác Ngô Online

Feb 15 - 2015 (1)

Chào buổi sáng

Chào buổi sáng nghe lòng thơm giấy trắng
Sáng hừng đông chợt êm ả không ngờ
Chào buổi sáng lắng nghe chim ca hót
Tâm nhẹ nhàng tâm lắng đọng êm êm
 
Chào buổi sáng bình minh mây hồng ảo
Cánh hoa hồng sương lấp lánh kim cương
Chào buổi sáng bắt đầu không hấp tấp
Vô thường ư, sáng nay đẹp, rất thường

Như NguyệtHoa Nghe Tay 2015 (5)

Dễ và Khó

Dễ là khi bạn có một chỗ trong sổ địa chỉ của một người, nhưng khó là khi bạn tìm được một chỗ trong trái tim của người đó.

Dễ là khi đánh giá lỗi lầm của người khác, nhưng khó là khi nhận ra sai lầm của chính mình.

Dễ là khi nói mà không suy nghĩ, nhưng khó là khi biết kiểm soát những lời nói của mình.

Dễ là khi làm tổn thương một người mà bạn yêu thương, nhưng khó là khi hàn gắn vết thương đó.

Dễ là khi tha thứ cho người khác, nhưng khó là khi làm cho người khác tha thứ cho mình.

Dễ là khi đặt ra các nguyên tắc, nhưng khó là khi làm theo chúng.

Dễ là khi nằm mơ hàng đêm, nhưng khó là khi chiến đấu vì một ước mơ.

Dễ là khi thể hiện chiến thắng, nhưng khó là khi nhìn nhận một thất bại.

Dễ là khi vấp phải một hòn đá và ngã, nhưng khó là khi đứng dậy và đi tiếp.

Dễ là khi hứa một điều với ai đó, nhưng khó là khi hoàn thành lời hứa đó.

Dễ là khi chúng ta nói rằng chúng ta yêu thương, nhưng khó là khi làm cho người khác cảm thấy như thế hàng ngày.

Dễ là khi phê bình người khác, nhưng khó là khi cải thiện chính bản thân mình.

Dễ là khi để xảy ra sai lầm, nhưng khó là khi học từ những sai lầm đó.

Dễ là khi buồn bực vì một điều gì đó mất đi, nhưng khó là khi quan tâm đủ đến điều đó để đừng làm mất.

Dễ là khi nghĩ về một việc, nhưng khó là khi ngừng suy nghĩ và bắt đầu hành động.

Dễ là khi nghĩ xấu về người khác, nhưng khó là khi cho họ niềm tin.

Dễ là khi nhận, nhưng khó là khi cho.

Dễ là khi đọc những điều này, nhưng khó là khi bạn thực hiện nó.

Nếu cơ hội mãi không gõ cửa, bạn phải xem mình đã xây một cánh cửa chưa đã. ….

Sưu tầm

NGUYÊN LÝ DUYÊN SINH

Nguyên Minh

Mai- (6)
Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy mọi sự vật, hiện tượng trong phạm vi giới hạn của đôi mắt mình, nhưng sự thật là còn có rất nhiều điều ta không nhìn thấy nhưng vẫn đang hiện hữu đồng thời với sự vật, hiện tượng mà ta nhìn thấy.

Ngắm nhìn một bông hoa, ta chỉ thấy được vẻ đẹp qua màu sắc, đường nét của những cánh hoa, nhưng cái ta không nhìn thấy là sự sống của bông hoa ấy với vô số những điều kiện tương quan cần thiết, chẳng hạn như nước được hút lên từ lòng đất với dưỡng chất để tạo thành nhựa cây, ánh nắng từ không trung tỏa chiếu, vừa sưởi ấm để tạo nhiệt độ cần thiết, vừa giúp vào quá trình quang hợp của lá cây, cho đến thành phần không khí mà cây hoa phải dùng đến trong “hơi thở” của nó…

Nhưng tất cả những gì ta không nhìn thấy đó lại là những điều kiện tất yếu cho sự tồn tại vẻ đẹp của bông hoa. Không có nước, cây sẽ héo úa. Không có dưỡng chất, cây sẽ không thể sinh trưởng. Cho đến không có không khí, không có ánh nắng… đều sẽ dẫn đến sự không tồn tại của bông hoa xinh đẹp kia…

Vì thế, cho dù không nhìn thấy được những yếu tố vừa mô tả, nhưng ta hoàn toàn có thể nhận biết được chúng qua sự tồn tại sống động của bông hoa. Bông hoa tươi đẹp còn đó, có nghĩa là vẫn còn có sự hiện hữu của đất, của nước, của ánh nắng, của không khí… và vô số những yếu tố khác nữa cần thiết cho sự sống của nó.

Tương tự như vậy, chúng ta có thể và cần phải nhận biết mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này một cách sâu xa và toàn diện, nghĩa là trong mối tương quan với sự hiện hữu của chúng. Chúng ta sẽ không thường xuyên giữ được những bông hoa đẹp nếu chúng ta không nhận biết được gì về điều kiện tồn tại của nó.

Hoa Thuy Tien (3)

Vì không nhận biết, ta sẽ có thể vô tình làm hại đến bông hoa, và vì thế nó sẽ không còn tồn tại để cho ta nhìn ngắm. Nếu bạn mang một chậu hoa vào nhà, nó sẽ không thể sống khỏe được vì thiếu ánh nắng. Nếu bạn cắt rời một bông hoa ra khỏi thân cây, nó sẽ héo rũ vài ba ngày sau đó…. Và nếu bạn không nhớ tưới nước cho cây hoa, nó sẽ không thể cho bạn những bông hoa xinh đẹp.

Mọi hiện tượng quanh ta đều không tồn tại độc lập. Chúng luôn có mối tương quan tồn tại và chi phối lẫn nhau. Ngay cả sự tồn tại của mỗi cá nhân chúng ta cũng không phải là ngoại lệ. Chúng ta không thể nhìn thấy nhưng cần phải nhận biết điều đó. Sự sống của chúng ta là một chuỗi tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với tất cả mọi người quanh ta, với những người khác trên thế giới này, và cả với vô số những yếu tố, điều kiện, nhân duyên khác. Chính vì không nhận biết được những điều này mà con người đã gây ra biết bao tổn hại cho chính mình qua việc tàn phá môi trường, hủy hoại hệ sinh thái, và thậm chí là gây tổn hại trực tiếp cho nhau về cả vật chất lẫn tinh thần.

Khi chúng ta nhận biết mọi hiện tượng, sự vật trong mối tương quan tồn tại với vô số hiện tượng khác, chúng ta sẽ không còn cảm thấy ưa thích hay ghét bỏ một hiện tượng nào đó, bởi vì ta nhận ra rằng sự ưa thích hay ghét bỏ như vậy là hoàn toàn không hợp lý. Làm sao bạn có thể yêu thích bông hoa và ghét bỏ khối phân dùng để bón cho cây hoa ấy? Khi bạn hiểu rằng sự có mặt của khối phân là điều kiện tất yếu giúp cho bông hoa kia tồn tại, bạn sẽ thấy rằng thái độ bình đẳng đối với cả hai mới là hợp lý.

Điều này cũng xảy ra đối với sự tồn tại của mỗi người chúng ta. Khi bạn cảm thấy không ưa thích một sự việc nào đó, hãy dành thời gian để thử suy nghĩ lại. Liệu sự việc mà bạn ghét bỏ đó có phải là hoàn toàn không liên quan đến sự tồn tại của bạn hay chăng? Tôi tin rằng câu trả lời là không. Bởi vì khi bạn nhận biết vấn đề theo cách như trên, bạn sẽ thấy là không một yếu tố nào trong cuộc sống này lại không liên quan – trực tiếp hay gián tiếp – đến sự sống còn của mỗi một cá nhân.

Có những mối quan hệ trực tiếp mà bạn có thể dễ dàng nhận biết, nhưng cũng có những mối quan hệ tưởng như rất mơ hồ vì sự xa xôi, cách biệt, nhưng xét cho cùng vẫn luôn có sự chi phối, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Ta cần có sự quán xét sâu xa và sáng suốt hơn mới có thể nhận ra được những mối quan hệ tinh vi như thế.

Này nhé, ngày hôm qua giá xăng dầu vừa tăng cao, và bạn biết ngay là ngân sách chi tiêu của gia đình sẽ phải có sự thay đổi, điều chỉnh thích hợp. Nhưng bạn có biết vì sao giá xăng dầu tăng cao hay chăng? Có lẽ để nhận biết điều này bạn cần phải quan tâm đến thời cuộc thế giới, đến sự phân tích của các chuyên gia.v.v…

Nhưng tôi thật không có ý muốn bạn đi sâu vào những vấn đề rối rắm như thế. Tôi chỉ muốn nhắc bạn một điều là, những gì ta không nhìn thấy không có nghĩa là không hiện hữu. Và vì thế, chúng ta không thể phủ nhận vô số những điều kiện đã và đang chi phối cuộc sống của chúng ta.

Đạo Phật trình bày những mối tương quan chằng chịt trong cuộc sống như thế trong một nguyên lý gọi là “duyên sinh”, và được kinh Hoa nghiêm mô tả như là “trùng trùng duyên khởi”.

Theo nguyên lý duyên sinh, tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều không thể tự nó sinh khởi. Sự sinh khởi của mỗi một sự vật, hiện tượng đều là do kết hợp bởi một số nhân duyên nhất định nào đó, nhưng mỗi một nhân duyên trong số này lại cũng là sự kết hợp của một số nhân duyên khác nữa. Và vì mối tương quan này được nối dài không giới hạn nên khi xét đến cùng thì tất cả mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ pháp giới đều có liên quan với nhau, đều nương theo nhau mà sinh khởi và tồn tại.

Kinh Hoa nghiêm mô tả mối tương quan này bằng hình ảnh một tấm lưới được giăng ra vô tận trong không gian. Ở mỗi một mắt lưới có đính một viên ngọc sáng. Một cách khéo léo, người giăng lưới đã tính toán sao cho tất cả các viên ngọc đều được phản chiếu trong mỗi một viên ngọc. Và vì thế, khi chúng ta nhìn kỹ vào bất cứ một viên ngọc nào, chúng ta cũng đều thấy được vô số những viên ngọc khác trong toàn tấm lưới.

Toàn thể vũ trụ được mô tả là tương tự như thế. Mỗi một sự vật, hiện tượng đều có thể được nhận biết nơi những sự vật, hiện tượng khác, vì sự tương quan tồn tại của chúng. Và nguyên lý này có thể vận dụng ngay vào những gì đang hiện hữu quanh ta để xóa đi mọi nhận thức phiến diện, hẹp hòi. Khi nhận biết được mối tương quan thật có giữa mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta sẽ không còn cảm thấy khó chịu hay bực mình vì một sự việc nhỏ nhặt nào đó đã không diễn ra theo đúng ý mình. Bởi vì khi nhìn sâu vào sự việc bất như ý đó, chúng ta cũng thấy được vô số những sự việc quan trọng và cần yếu khác sở dĩ có được là nhờ nó.

Vì không có một sự vật hay hiện tượng nào có thể tự nó sinh khởi, nên chúng ta cũng có thể hiểu được rằng sự sinh khởi của mỗi một sự vật hay hiện tượng chẳng qua chỉ là sự kết hợp của những nhân duyên nhất định. Khi những nhân duyên không còn nữa, sự vật hay hiện tượng đó cũng sẽ mất đi.

Do ý nghĩa này nên thực sự không hề có sự sinh ra hay diệt mất của sự vật, hiện tượng như cách nhìn thông thường chia cắt thực tại của chúng ta. Một bông hoa hiện hữu là do có sự hiện hữu của những điều kiện như mặt trời, không khí, nước tưới, phân bón… Bông hoa chưa từng thực sự sinh ra mà chỉ là kết quả sự hội tụ của những điều kiện nhân duyên khác. Tương tự như vậy, khi những điều kiện nhân duyên không còn đầy đủ, bông hoa sẽ không còn hiện hữu và ta gọi là mất đi. Nhưng thực ra cũng không có sự mất đi của bông hoa – vì nó chưa từng sinh ra – mà chỉ có sự tan rã của những điều kiện nhân duyên tương ứng.

Trong cách nhìn nhận thông thường của chúng ta về vũ trụ, cách hiểu như trên có vẻ như thật xa lạ. Nhưng nếu bạn càng suy xét kỹ, bạn sẽ càng thấy được tính hợp lý, xác thật của nó. Chính cách hiểu sai lệch về sự “sinh ra” và “chết đi” đã là nguyên nhân mang đến cho chúng ta vô vàn đau khổ. Chúng ta bám lấy những người thân yêu của mình và mong muốn họ sống mãi với chúng ta.

Điều mong muốn vô lý ấy – và vì thế chẳng bao giờ có được – lại được xem là phù hợp với nhận thức của mọi người, với “thế thái nhân tình”. Khi nhân duyên tan rã, người thân ấy không còn nữa và ta gọi đó là “mất đi”. Vì không hiểu được đó chỉ là sự tan rã tất nhiên của những điều kiện nhân duyên, nên ta đau khổ, quằn quại và mong muốn cho sự thật thay đổi. Nhưng rõ ràng đó chỉ là một nhận thức và mong muốn hoàn toàn vô lý nên chẳng bao giờ đạt được. Chúng ta từ chối nhận biết sự thật theo đúng như nó đang diễn ra, và vì thế mà ta đau khổ!

Đối với vô số những vật sở hữu, tài sản của cải trong đời sống, chúng ta cũng luôn nhìn nhận, ôm giữ theo cách tương tự như thế. Trong rất nhiều điều kiện nhân duyên để một sự vật tồn tại thì sự đóng góp của ta chỉ là một phần nhỏ, nhưng ta luôn muốn quyết định sự việc, muốn ôm giữ mãi mãi những vật mình yêu thích. Và khi những điều kiện nhân duyên khác tan rã, sự vật không còn nữa thì chúng ta đau khổ, tiếc nuối…

Sự nhận biết và truyền dạy giáo pháp nhân duyên sinh của đức Phật là một cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại vào thời bấy giờ, và điều đó được nhận biết bởi tất cả những bậc trí thức đương đại. Khi ngài Xá-lợi-phất (Śāriputra) còn chưa gặp đức Phật, ngài là một đệ tử xuất sắc của ngoại đạo. Mặc dù vậy, ngài chưa bao giờ hài lòng với những giáo pháp đã học được từ vị thầy ngoại đạo. Ngài đã từng có giao ước với một người bạn chí thân là ngài Mục-kiền-liên (Maudgalyāyana), rằng nếu ai tìm được bậc minh sư thì sẽ lập tức giới thiệu với người kia biết để cùng theo học.

Một hôm, Xá-lợi-phất gặp một vị tỳ-kheo trên đường đi khất thực. Vị này tên là A-thuyết-thị (Aśvajit), là một trong những đệ tử của đức Phật. Nhìn thấy phong cách siêu việt thoát trần của vị tỳ-kheo, ngài biết ngay đây là một người đang tu tập theo đúng con đường giải thoát. Ngài liền hỏi A-thuyết-thị xem vị này đang theo học với ai. Vị tỳ-kheo chậm rãi trả lời bằng bốn câu kệ như sau:

Nhược pháp nhân duyên sinh,
Pháp diệc nhân duyên diệt.
Thị sinh diệt nhân duyên,
Phật Đại Sa-môn thuyết.

Tạm dịch:

Các pháp nhân duyên sinh,
Cũng theo nhân duyên diệt.
Nhân duyên sinh diệt này,
Do Đức Phật thuyết dạy.

Vừa nghe xong bài kệ, ngài Xá-lợi-phất biết ngay rằng mình đã gặp được bậc minh sư từ lâu mong đợi. Vì chỉ qua bốn câu kệ ngắn ngủi, ngài đã thấy được sự sụp đổ hoàn toàn của toàn bộ nền tảng giáo lý ngoại đạo. Không những thế, những niềm tin sâu xa về một đấng Phạm thiên hay Thượng đế toàn năng sáng tạo vũ trụ cũng hoàn toàn sụp đổ, bất chấp sự ngự trị của nó trong môi trường triết học và tín ngưỡng Ấn Độ từ bao nhiêu thế kỷ qua. Tất cả đều không thật có, chỉ có sự kết hợp và tan rã của các nhân duyên đã tạo nên sự thành hoại của mọi sự vật, hiện tượng trong vũ trụ!

Sau lần gặp gỡ đó, ngài Xá-lợi-phất đã cùng ngài Mục-kiền-liên tìm đến với đức Phật, và họ trở thành 2 trong số 10 vị Đại đệ tử kiệt xuất của đức Phật.

Nguyên lý duyên sinh hoàn toàn không phải do đức Phật nghĩ ra. Ngài chỉ là người đầu tiên nhận biết được nó và mô tả lại một cách chính xác, giúp chúng ta cũng có thể nhận ra được giống như ngài. Sự hình thành và tan rã của tất cả mọi sự vật, hiện tượng do nơi nhân duyên là một sự thật khách quan, và vì thế cho dù bất cứ ai cũng không thể phủ nhận được điều này.

Việc nhận hiểu sâu sắc về nguyên lý duyên sinh giúp chúng ta có một nhận thức khách quan và chính xác về thực tại, và do đó cũng dẫn đến những thái độ ứng xử khôn ngoan và chính xác. Nếu như bạn không thể nắm kéo một cây hoa lên vì muốn nó mau lớn, thì bạn cũng không thể tìm mọi cách níu giữ những gì bạn yêu thích để chúng được tồn tại mãi mãi. Cả hai việc này đều đi ngược với nguyên lý duyên sinh, nhưng việc thứ nhất bạn có thể dễ dàng hiểu được, trong khi việc thứ hai lại là sai lầm của đại đa số con người.

Điều kỳ lạ là, rất nhiều người trong chúng ta dành thời gian nghiên cứu, học hỏi về thuyết tương đối của Albert Einstein để có thể nhận biết chính xác hơn về thế giới vật chất quanh ta, nhưng lại ít người tìm hiểu về nguyên lý duyên sinh để có thể nhận biết một cách chính xác hơn về mọi sự vật, hiện tượng trong đời sống!

Khi bạn thấu triệt được nguyên lý duyên sinh, bạn sẽ có thể rèn luyện được khả năng nhận biết sự việc không giới hạn trong những gì nhìn thấy, mà luôn có sự mở rộng đến những gì tương quan. Hơn thế nữa, vì nguyên nhân sâu xa thực sự của vấn đề đã được nhận biết, nên bạn sẽ không còn bực tức hay oán giận đối với những nguyên nhân cạn cợt bên ngoài của sự việc. Mọi sự việc đều diễn ra theo tiến trình kết hợp các điều kiện nhân duyên, nên chúng ta không thể khởi tâm yêu ghét đối với một trong số các nhân duyên đó.

Nhờ nhận biết được tính chất duyên sinh của mọi sự vật, hiện tượng, chúng ta không còn cảm thấy khó chịu hay bực tức đối với mọi sự việc không tốt xảy đến cho mình, và cũng không còn say mê, tham đắm đối với những sự vật mà ta cho là tốt đẹp, đáng yêu. Điều đó mang lại cho ta một trạng thái tâm thức luôn bình thản và sáng suốt, luôn nhận biết và đón nhận mọi sự việc xảy đến cho mình một cách an nhiên tự tại. Đó chính là khả năng nhẫn nhục được gọi là “đế sát pháp nhẫn”.

Trong mức độ nhẫn nhục này, thực ra cũng không có cả sự nhẫn chịu. Bởi vì mọi việc đều diễn ra do tiến trình kết hợp và tan rã của các nhân duyên, nên chúng ta chỉ nhận biết và an nhiên chấp nhận chứ không có gì gọi là chịu đựng. Khi một cảm giác đau đớn sinh khởi, ta nhận biết sự sinh khởi của nó do những nhân duyên nhất định, và biết rằng nó sẽ mất đi khi các nhân duyên không còn nữa. Vì thế, ta có thể an nhiên nhận biết sự tồn tại và qua đi của nó mà không có bất cứ sự bực tức, khó chịu hay oán hận nào cả. Và một sự chấp nhận hoàn toàn tự nhiên như thế không phải là một sự chịu đựng theo nghĩa đen của từ ngữ.

Đối với tất cả mọi trạng thái đau khổ hay những sự tổn hại do người khác gây ra, ta cũng đều có thể đón nhận theo cách tương tự như thế. Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể thấy là nại oán hại nhẫn và an thọ khổ nhẫn đều đã được bao hàm trong đó.

Như đã nói, nguyên lý duyên sinh đưa đến nhận thức rằng mọi sự vật không hề thực có sự sinh ra và diệt mất. Vì thế, nguyên lý này cũng được gọi là vô sinh hay vô sinh diệt, và pháp nhẫn nhục đạt được do sự thấu triệt nguyên lý này cũng được gọi là Vô sinh pháp nhẫn.

Vô sinh pháp nhẫn cũng là quả vị chứng đắc đầu tiên của hàng Bồ Tát, khi mà mọi sự oán ghét, thù hận đều hoàn toàn tan biến, và vị Bồ Tát có thể sinh khởi tâm từ bi bình đẳng đối với tất cả chúng sinh.

Nhưng nói thật lòng, khi viết lại những dòng này theo ý nghĩa được đọc thấy trong kinh điển, tôi cũng không dám mong rằng sẽ có bạn đọc nào đó nhân nơi đây mà đạt đến mức độ Vô sinh pháp nhẫn của hàng Bồ Tát. Tuy nhiên, tôi thật sự có hy vọng và chân thành mong ước rằng tất cả chúng ta – các bạn và tôi – đều có thể nhận biết được sự chính xác và hợp lý trong những gì được mô tả ở đây, và vì thế mà có thể chấp nhận những điều này như một khuôn mẫu hướng đến trong sự học hỏi vươn lên hoàn thiện bản thân mình.

Chỉ cần được như vậy thôi, chắc chắn bạn sẽ thấy rằng có rất nhiều vấn đề trước đây giờ bỗng nhiên không còn nghiêm trọng nữa, nhiều sự căng thẳng cũng không còn nữa, và nhất là sẽ có rất nhiều người quanh ta bỗng trở nên hiền hòa, dễ mến, hoặc ít ra cũng không còn đáng ghét như trước đây!