Recent Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20,
21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41
42 43 44 45 46 47 48 49 50
MÙA HOA TULIP
Huyền Lam
Làng Fraser Valley – Canada, tuy thành lập đã 100 năm nhưng chỉ có 10 hộ gia đình, sống rải rác dưới chân dãy núi tuyết Chilliwack chuyên trồng hoa tulip.
Tháng Năm, khi mùa tulip nở, du khách đến đây sẽ được chiêm ngưỡng những cánh đồng hoa bạt ngàn, tuyệt đẹp với cả triệu đóa đủ màu nở rộ. Dù hoa chỉ khoe sắc có vài tuần, nguồn thu từ bán hoa, bán củ tulip đã nuôi sống dân làng từ năm này sang năm khác.
Mỗi năm có mấy mươi ngàn khách thập phương ghé thăm nơi đây trong mùa tulip. Mấy năm gần đây người dân để ý đến ông già tên Ken. Cứ mỗi hai ngày ông lái chiếc xe bán-tải (pickup) đã rỉ rét từ trên núi Chilliwack xuống làng vào sáng sớm khi khách thập phương chưa đến. Ông dừng lại bên bờ cánh đồng hoa, từ tốn xuống xe, chậm rãi đi quanh cánh đồng. Rất khác với khách thập phương năng động ồn ào, chụp hình, ríu rít tới lui, ông Ken rất nhẹ nhàng thư thái, khuôn mặt thanh khiết, tươi vui như cánh đồng hoa rực rỡ trước mặt.
Khi du khách bắt đầu lục đục đến cũng là lúc ông tới thăm chủ nhân cánh đồng, mua một ít hoa rồi lái xe trở về núi. Mỗi lần mua, ông luôn tặng họ bịch nấm rừng mồ-reo (morel) mà ông hái mỗi độ xuân về. Suốt mùa hoa, ông thăm đủ 10 cánh đồng, mua hoa cho cả 10 chủ nhân. Năm đầu tiên khi ông ghé thăm, nhận được bịch nấm rừng mồ-reo, người dân rất đỗi ngạc nhiên. Họ đều biết nấm mồ-reo có giá trị cao hơn số hoa ông Ken mua rất nhiều. Trước sự ngỡ ngàng của chủ vườn, ông chân thành, trầm ấm nói:
– Cám ơn quý bác đã bỏ công suốt cả năm làm đất bón phân, chăm nom từng ngày để tạo nên khung cảnh thần tiên như vậy. Khung cảnh này có bao nhiêu của cải cũng không làm ra được, chỉ có quý bác mới làm được, nên tôi có chút món quà núi rừng để tỏ lòng cảm kích.
Dân làng Fraser do cùng mưu sinh bằng nghề trồng tulip có tính cạnh tranh nên hầu như không gắn bó, ít giao thiệp qua lại với nhau. Sự xuất hiện của ông Ken làm dân làng tò mò, ngạc nhiên trước nhân cách tươi vui, nhẹ nhàng của ông. Họ tìm gặp nhau bàn tán. Hình ảnh ông bỗng trở thành điểm nối kết chung cho dân làng trò chuyện. John là người trẻ tuổi nhất trong làng và cũng là người muốn tìm hiểu về ông nhất. Mỗi khi thấy ông Ken xuất hiện, anh luôn chạy đến chào ông. Lần đầu, khi trò chuyện với ông, anh hỏi:
– Ông ơi! Ông ở đâu mà sáng nào cũng đến đây vậy?
Ông Ken chỉ về dãy núi xa xa, nói:
– Nhà ông ở lưng chừng núi, chạy xe xuống đây khoảng 30 phút. Hôm nào rảnh, cháu lên chơi. Đi theo tỉnh lộ 7 rồi vào đường 1B lên núi. Nhà ông ở gần cột mốc cây số 8.
John gật đầu:
– Cháu thấy ông lúc nào cũng tươi vui thư thái quá!
Ông Ken cười vang:
– Cháu nói lạ quá! Đứng trước cánh đồng hoa rực rỡ này thì bất cứ ai cũng hạnh phúc hết. Cháu có thấy ai đến đây buồn chưa?
– Dạ chưa! Nhưng cháu thấy ông khác lắm. Mọi người tới đây ai cũng vui nhộn, lao xao lui tới. Còn ông như một phần của cánh đồng hoa, nhẹ nhàng hòa nhập cùng hoa.
Hoa tulip nở được 2 tuần mới tàn cũng là lúc ông Ken không còn xuất hiện. Giữa cánh đồng xanh vắng lặng, làng Fraser trở lại nhịp sống nhà nông. Hàng ngày họ ra đồng bón phân, tưới nước cho cây tulip được khỏe mạnh. Sang đến đầu mùa thu, họ nhổ lấy củ đem bán cho các nhà cung cấp trên toàn thế giới. Cuối mùa thu, dân làng cày đất, làm luống, gieo củ cho vụ mùa mới.
Năm ấy như mọi năm, đến cuối tháng 3, trời dần ấm lên, tuyết bắt đầu tan. Dưới chân núi Chilliwack, những mầm xanh tulip xuyên thủng lớp tuyết nhấp nhô trên cánh đồng nhung trắng xóa. Làng Fraser như loài gấu ngủ đông nay thức dậy đầy sức sống. Sáng sớm tiếng xe máy công nông nổ rộn rã chuyên chở vật liệu ra đồng. Người dân làm việc tất bật để bảo đảm cánh đồng sẽ nở rộ chào đón khách phương xa trở về. Sang tháng 4 khi tulip đã có nụ, thời tiết bỗng biến đổi khác thường. Mây đen mang hơi ấm từ nam đại dương được gió trái mùa thổi đến gây mưa nặng hạt trong nhiều ngày liền. Bên cạnh lượng mưa lớn, tuyết ở trên núi tan nhanh do mưa ấm đã tạo nên dòng nước lũ khổng lồ ùn ùn chảy xuống đồng bằng. Chỉ sau vài ngày, cả làng Fraser chìm trong biển nước. Chính quyền đem thuyền cứu hộ đến ra lệnh di tản khẩn cấp.
***
Đầu tháng 5, sau khi nước lũ rút đi và các tuyến đường được khai thông, dân làng Fraser được phép trở về. Toàn bộ cánh đồng tulip đang chờ nở hoa đã bị hủy hoại hoàn toàn. Nhà, máy móc nông nghiệp cũng bị lũ làm hư hại nặng nề. Dân làng bàng hoàng, chán nản không biết phải bắt đầu như thế nào trước cảnh tượng ngổn ngang xà bần, cây rừng, bùn đá trên núi bị lũ đẩy xuống phủ dày cánh đồng. Đâu đó tiếng thở than từ người này đến người khác về ý định bỏ làng, bỏ nghề trồng tulip. Làng Fraser đứng trước viễn cảnh bị xóa sổ sau hơn 100 năm tồn tại.
Đêm đầu tiên trong căn nhà bị hư khá nặng sau lũ, John trằn trọc không ngủ được khi đối diện vốn liếng, sức lao động nay mất trắng. Sáng sớm, anh lẩn thẩn lái xe trên con đường tỉnh lộ chạy dọc cánh đồng làng. Mọi năm, mùa này hoa đã nở rực cả khung trời. Xe chở khách thập phương đã nối đuôi đến đây đông nghịt. Anh cho xe chạy mãi trong vô định, thả hồn theo suy nghĩ phải bắt đầu như thế nào đây? Dãy núi Chilliwack ngày càng hiện rõ, chợt thấy bảng chỉ dẫn vào đường núi 1B, John nhớ đến ông Ken, người khách già đặc biệt hàng năm. Anh cho xe tách khỏi tỉnh lộ, chạy vào núi. Lên dốc một ngọn núi cao, xe chạy đến cột mốc cây số 8, John thấy có một khoảng trống, thấp thoáng bóng căn nhà gỗ rất thô sơ. Anh cho dừng xe, bước theo đường mòn đi về hướng căn nhà. Anh ngạc nhiên trước khu vườn nhà được chăm sóc rất tinh tế, như không bị tác động từ trận lụt vừa qua do nằm trên đỉnh. Đứng trước cánh cửa gỗ bạc màu, John ngập ngừng gõ nhẹ. Có tiếng chân người bên trong, lóc cóc tiếng mở cửa.
Ông Ken khuôn mặt thanh khiết, rất đỗi ngạc nhiên, mỉm cười nhìn John:
– Lên thăm ông à? Cháu trông tiều tụy hẳn, chắc quá lo vụ lụt vừa qua.
John gật đầu, giọng chán nản:
– Dạ đúng ông ạ, cả làng gần như bị tàn phá hoàn toàn. Hầu hết mọi người đều muốn bỏ làng đi.
Ông Ken trầm ấm nói:
– Làng đang đối diện với khó khăn rất lớn nhưng sẽ giải quyết được, thậm chí sẽ tốt hơn xưa.
John trố mắt:
– Ông nói sao? Có cách hả ông? Cháu chỉ mong bằng nửa ngày xưa là quý lắm rồi.
Nhìn khuôn mặt căng thẳng của anh, ông đặt tay lên vai, vỗ nhẹ:
– Cháu đi dạo ngoài vườn với ta cho thanh thản rồi vào nhà nói chuyện tiếp nhé.
John lẽo đẽo theo nhưng bước của ông Ken quá chậm. Chân John cứ muốn vượt lên trên, lóng ngóng. Ông Ken nhắc khẽ:
– Không có gì gấp gáp, cháu đi chậm chậm, hít vào thật sâu thật nhẹ. Thở ra cũng thế. Vừa đi vừa ngắm cảnh cùng ông.
Ông Ken dẫn John đi quanh đỉnh núi. Không khí buổi sớm mai thật dễ chịu. Từ từ anh nhận ra ở đây chim rừng nhiều vô kể, chúng hót líu lo hay chi lạ. Cây rừng mỗi cây mỗi hình thể, có những cây vươn ra trên triền đá như bonsai hùng vĩ… Đi giáp vòng đỉnh núi, ông Ken dẫn John trở lại. Khi ngang khu vườn trước nhà, John chợt chỉ vào bức tượng dưới gốc cây:
– Ô! Tượng Phật. Ông theo đạo Phật à?
Nhìn John, nét mặt anh giờ đây đã có phần an lạc bớt căng thẳng, ông gật đầu, khẽ đáp:
– Đúng rồi.
John khoe:
– Hồi đại học, cháu có học về lịch sử tôn giáo trong lớp văn hóa thế giới. Cháu còn nhớ ông Phật vốn là thái tử sắp làm vua nhưng bỏ tất cả… Ông Phật lúc nào cũng mỉm cười tự tại. Nhìn khuôn mặt Phật, cháu cảm được sự an lạc.
Ông Ken hóm hỉnh nói:
– Ông nhìn cháu bây giờ cũng giống vậy đấy.
John phá lên cười vang:
– Ông giỡn chơi quá đỗi!
Vào bên trong nhà, ông dẫn John đến căn phòng gỗ trống trải yên tĩnh, trên sàn có vài chiếc gối xếp ngay ngắn đối diện chiếc bàn nhỏ thấp làm bằng cây rừng, bên trên có bức tượng Phật gỗ. Ông Ken mời John ngồi xuống trên chiếc gối, chậm rãi rót trà cho anh:
– Ông không đùa với cháu đâu. Hồi nãy cháu đến đây khuôn mặt đầy căng thẳng nhưng bây giờ trông cháu rất thong thả. Ông vui thấy cháu cười vang. Khi cười, nét mặt cháu cũng giống giống vị này (ông Ken chỉ vào tượng Phật gỗ).
John gãi đầu, cười bẽn lẽn:
– Ông đừng chọc cháu nữa, nghĩ đến chuyện dưới làng cháu lại rối lên đây. Mà chuyện dưới làng ông nói có cách, nhưng là cách nào thế?
– Đức Phật từ giã thế gian đã mấy ngàn năm nhưng đến nay nhiều người vẫn thương quý Ngài. Cháu biết vì sao không?
John nhanh nhẩu:
– Vì Ngài là giáo chủ của một tôn giáo.
– Không phải thế đâu cháu. Ngài được mọi người thương quý vì Ngài đem tâm ôm trọn cả thế gian vào lòng. Chuyện dưới làng, nếu cháu đem tâm ôm cả làng vào lòng, đừng nghĩ đến cánh đồng riêng của mình thì mọi chuyện sẽ dần tốt đẹp lên.
John trầm ngâm suy nghĩ, không khí trong phòng yên lắng như mọi vật không hiện hữu, một lúc lâu anh lên tiếng:
– Cháu hiểu rồi ông ạ. Cháu sẽ về gặp dân làng, hết lòng giúp đỡ, động viên họ để cùng tìm cách khôi phục làng.
Ông Ken hướng về bức tượng Phật:
– Như hồi nãy cháu nói, nhìn tượng Phật mỉm cười an nhiên tự tại, cháu cảm thấy an lạc. Cháu cũng tập như thế để đem lại an lạc cho cháu, cho mọi người. Cháu sẽ thấy sự nhiệm mầu này không chỉ giúp cho cháu mà cả làng. Cháu chịu khó mỗi ngày đi bộ như ta với cháu đi hồi nãy. Đi thật chậm, thở thật sâu thật nhẹ, để tâm vào cảnh vật chung quanh, cảm nghiệm sự nhiệm mầu của mỗi vật thể, cùng mỉm cười tri ân sự hiện diện của chúng.
John giã từ ông Ken, lái xe về làng lúc giữa trưa. Anh tới thăm từng gia đình, mời họ tham gia vào buổi họp chung để tất cả cùng tìm phương cách vượt qua nỗi khó khăn hiện tại. Dân làng rất đỗi ngạc nhiên khi thấy John có phong thái rất thân thiện, an lạc, tự tin. Cảm kích trước tấm lòng chân thành của anh, họ đồng ý tham gia vào buổi họp đầu tiên được tổ chức tại làng.
Khi đêm đến, dân làng ngồi quây quần quanh bếp lửa được John đốt trên cánh đồng. Ông Ken cũng lái xe xuống tham dự như khách mời. Bên ánh lửa hồng, người dân làng thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến được đưa ra. Tuy nhiên, từ từ mọi người nhận ra rằng tất cả các giải pháp huy động nguồn lực riêng lẻ đều khó lòng thực hiện được. Chỉ có những giải pháp tất cả cùng tham gia mới có cơ hội thành công.
Ông Ken ngồi lắng nghe, khuôn mặt từ ái của ông giúp buổi nói chuyện thêm thân thiết. Ông lên tiếng khi thấy mọi người đã nhận ra vấn đề nhưng lúng túng tìm giải pháp:
– Gần mười năm qua, tôi là người được hưởng nhiều nhất từ ngôi làng này. Đến mùa tulip, tôi nhìn thấy bức tranh tuyệt vời có một không hai trên thế giới từ ngôi nhà trên núi. Nay tôi rất cảm động biết được quyết tâm quý vị đồng lòng khôi phục lại ngôi làng. Tôi nghĩ rằng khách thập phương đã từng đến đây cũng sẽ hết sức cảm động nếu biết được.
Ngừng một lúc, ông Ken nói tiếp:
– Thế nên, nếu được sự đồng ý, khởi đầu xin quý vị làm một mảnh vườn nho nhỏ gần tỉnh lộ. Tôi sẽ trích tiền hưu của tôi mua vài trăm cây tulip từ nơi khác đến trồng, đánh dấu khởi đầu cho sự khôi phục của làng. Mong quý vị cho tôi góp phần như là sự tri ân của tôi đến làng.
Hai ngày sau, hành khách trên những chiếc xe chạy ngang qua tỉnh lộ 7 nhìn thấy dân làng tập trung làm sạch một khu đất nhỏ trên cánh đồng đầy bùn đá, cây rừng. Những ngày tiếp theo, mấy trăm cây tulip sắp trổ hoa được trồng trên mảnh đất này. Họ rất đỗi ngạc nhiên, cảm động vì tưởng rằng ngôi làng sẽ bỏ hoang trước sự tàn phá hết sức nặng nề của thiên nhiên. Nhiều xe dừng lại hỏi thăm, đề nghị dân làng lấy hoa tulip từ vùng khác bán cho khách thập phương để có thêm nguồn tài chính trong lúc khẩn trương khôi phục cho vụ mùa năm sau.
Những chuyến xe ngược xuôi đem tin làng Fraser phấn đấu hồi sinh, hoa tulip vẫn nở. Tivi, báo đài đến làm phóng sự. Chẳng mấy chốc khách thập phương đổ về làng với số lượng lớn hơn hàng năm dù nơi đây chỉ có mảnh vườn tulip nhỏ bé so với cánh đồng triệu hoa tulip trước đây. Khách đến để góp phần, để chứng kiến nỗ lực hồi sinh của ngôi làng. Họ mua rất nhiều hoa dù dân làng cho biết có nguồn từ nơi khác chứ chưa trồng lại được. Nhiều xe bán đồ ăn thức uống lưu động cũng kéo về làng để bán cho khách thập phương và chia lợi nhuận cho làng. Khung cảnh làng Fraser trong mùa hoa tulip năm ấy vui nhộn thân thương như ngày hội.
Chứng kiến sự biến chuyển thuận lợi hết sức nhiệm mầu, John và dân làng tràn ngập niềm xúc cảm. Gặp ông Ken thong thả dạo quanh vườn hoa tulip bé nhỏ, John chạy vội đến, cầm chặt tay ông, nhìn ông, anh sung sướng, rơm rớm nước mắt:
– Cháu cám ơn ông.
Ông Ken khuôn mặt chan chứa tình thương, mỉm cười, trầm ấm:
– Ông phải cám ơn cháu mới đúng chứ. Cháu đã nhận ra được sự nhiệm mầu và giúp cả làng thấy được sự mầu nhiệm. Mà cháu nhớ nhé, sự nhiệm mầu chỉ có khi ta còn cái tâm rộng mở với nụ cười an nhiên tự tại.
Ngày nay làng Fraser được biết đến là nơi có lễ hội hoa tulip hàng năm với nhiều gian hàng, tiết mục khác nhau được rất đông người tham dự. Khách thập phương có thể cảm nhận được không khí thân thương, nhẹ nhàng, thư thái của dân làng. Khách cho rằng đây là nơi có những người dễ thương nhất thế giới sinh sống. Khách đến đây sẽ được đắm chìm trong biển hoa rực rỡ và sẽ thấy giữa biển hoa ấy nổi lên một vòng tròn nho nhỏ cũng trồng hoa tulip nhưng khác màu. Dân làng gọi nơi ấy là vòng hoa ông Ken (the Ken circle) để tưởng nhớ cụ già ẩn mình trên đỉnh núi năm nào.
Huyền Lam
Thư Viện Hoa Sen