TƯỞNG NIÊM: Cố Ðại Lão Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU

Recent Pages: 1, 2, 3456, 7,

Cố Ðại Lão Hòa Thượng THÍCH MINH CHÂU

THÀNH KÍNH NHỚ ƠN THẦY

Thái Không

Mùa trăng Báo hiếu vẳng chuông ngân,
Tiễn biệt người xa lánh cõi trần.
Vạn Hạnh Thiền lâm tròn đạo nghiệp.
Giác linh Hòa thượng sớm cao đăng.
Minh Châu rạng rỡ Tâm như tạng.
Trí Hải thậm thâm Ý diệu thần.
Chín bốn xuân thu duyên đã mãn.
Hậu sinh lớp lớp đượm hồng ân.

California, Hoa Kỳ. 04.09.2012
Học trò cũ Đại học Vạn Hạnh
Thái Không

ÔN ĐÃ RA ĐI

Chúc Phú

Con nhận được hung tin khi đang dự lễ Vu lan ở một ngôi chùa miền quê nghèo nắng, gió. Khi đóa hồng vàng vừa được gắn lên ngực thì dòng cảm xúc đã chực chờ trong đôi mắt của con. Cố nén cảm xúc chảy ngược vào trong, con ráng bình tâm để chủ trì lễ hội rằm tháng Bảy, ai đó đâu biết rằng lần đầu con chủ lễ mà trong lòng pha chút tán loạn, phóng tâm.

Con chưa từng được kề cận Ôn trong nghĩa hiện thực cụ thể, và cũng không may mắn được ngồi dưới giảng đường do Ôn trực tiếp giảng dạy và bảo ban. Con chỉ là kẻ học đạo sơ cơ, đứng ở xa và cố hình dung ra dáng vẻ oai nghiêm của Ôn qua những tác phẩm mà con có duyên may gặp gỡ. Với con, Ôn là Thái sơn, là Bắc đẩu, là học giả, là tác gia của nhiều tác phẩm mà con luôn ngưỡng vọng, nương nhờ. Con viết về Ôn trong nhịp thổn thức của một viễn đồ, được gián tiếp thọ ơn Ôn qua kinh văn, sách vở.

“Mỗi khi con đọc lại những trang kinh Nikaya, thì khi ấy con chợt nhận ra Ôn vẫn còn đây,
mênh mang trong cuộc sống này”

Ấn tượng đầu tiên về Ôn khi con lần đầu được đọc tác phẩm Trước sự nô lệ của con người. Dù chưa thể lĩnh hội nội dung trong lần đầu tiếp cận, nhưng cảm giác khoáng đạt về tầm mức tư duy, chí nguyện dấn thân phụng sự, cũng như nhân cách phiêu nhiên của một bậc xuất sĩ, được thể hiện qua ngòi bút, đã thôi thúc con tìm đọc những tác phẩm tiếp theo.

Với con, ấn tượng về Ôn in dấu mạnh mẽ nhất là những bộ kinh Nikaya đồ sộ mà Ôn đã cần mẫn phiên dịch trong nhiều năm. Thuở đầu nhập đạo, con đã từng xem các bộ kinh ấy như những ngọn núi ở quê nhà mà mỗi chuyến đi về, con đã cố tìm đường tránh để vượt qua. Mãi cho đến một hôm, bỗng dưng con chợt nhận ra, tại sao mình không thử rong chơi một chuyến, biết đâu non cao cách trở còn ẩn khuất nhiều lương vị bên trong.

Kính lạy Giác Linh Ôn!

Ôn đừng chê con phước mỏng, nghiệp dày vì đã hơn một lần con nản lòng, thối chí, khi không thể đọc tiếp những trang kinh cứ lâu lâu lặp lại một lần; văn cảnh thì rời rạc, khô khốc và chẳng thu hút những kẻ xem việc đọc sách như một thú vui tao nhã dành cho những người nặng nghiệp như con. Cho đến một hôm, con chợt nghĩ về Ôn qua một tác phẩm của Ôn viết về ngài Huyền Tráng, và cảm xúc hôm nọ về Kinh tạng Nikaya một lần nữa trở lại trong con.

Quán niệm về sự nhẫn nại, bền bỉ, khổ công mà Ôn đã bỏ ra khi phiên dịch kinh điển, đã giúp con tăng thêm sức mạnh để vượt qua những cảm giác ngán ngại, ủ ê, nhàm chán khi đọc Kinh tạng Nikaya. Từ đây, con đã đọc kinh Nikaya một cách chậm rãi, con đã thong thả gặm nhấm như một loài bò sát, con đã nghiền ngẫm từng đoạn kinh mà Ôn đã cân nhắc khi phiên dịch, từng câu chữ ít dùng mà Ôn đã trân trọng và mạnh dạn sử dụng lần đầu trong khi phiên dịch kinh văn. Một thoáng liên hệ mở ra, khi con nghĩ về kho tàng dụng ngữ Phật học nước nhà, cũng như vốn từ vựng tiếng Việt đã được bổ sung một dung lượng không nhỏ, do những nỗ lực của Ôn trong khi phiên dịch và trước tác kinh văn.

Đọc sâu, con đã phần nào nhận ra tâm và tầm của Ôn qua những trang kinh Nikaya sống động và nhờ vậy rung động khi đọc kinh điển Nguyên thủy là cảm xúc được trải nghiệm, khi con đọc kỹ Kinh tạng Nikaya. Thẩm quyền cũng như ảnh hưởng về Kinh tạng của Ôn ở Việt Nam quá lớn, lớn đến nỗi khi nói đến kinh điển Nikaya, đúng ra phải xem đó là kinh văn do Phật thuyết; nhưng một nếp nghĩ không chính thức đã định hình, khi gắn kèm và liên hệ với tên tuổi của Ôn!

Ôn giờ đã thong dong và an nhiên miền phương ngoại, nhưng với con, Ôn vẫn còn và như mãi quanh đây. Vì lẽ, mỗi khi con đọc lại những trang kinh Nikaya, thì khi ấy con chợt nhận ra Ôn vẫn còn đây, mênh mang trong cuộc sống này.

Chúc Phú

Ôn ở đây là HT.Thích Minh Châu, bậc cao tăng trong thời hiện đại.

HT. Thich Minh Chau (3)

BÓNG CỦA ĐẠI SƯ

Cao Huy Thuần

Với Hòa thượng Minh Châu, một đại sư đã ra đi. Một đại sư cỡ ấy, thế hệ chúng ta chỉ có vài vị. Vài vị, nhưng là những ngọn đuốc soi sáng đường đi cho cả một nửa thế kỷ. Hôm nay, ngọn đuốc gần như là cuối cùng ấy đã tắt. Đã tắt, để nói với chúng ta, như Phật đã nói khi nhập diệt: Hãy tự thắp đuốc lên mà đi.

Thế hệ chúng ta đang mồ côi đại sư, nhưng chính tình trạng mồ côi đó giúp chúng ta trưởng thành. Đừng than khóc, Phật đã dạy khi nhập diệt. Hãy sống như đại sư đã sống, hãy nói như đại sư đã nói, hãy làm như đại sư đã làm. Chúng ta mồ côi đại sư nhưng chúng ta không mồ côi hình ảnh của đại sư. Hãy thấy hình ảnh đó trước mắt để sống đẹp, nói đẹp, làm đẹp trên con đường đạo mà chúng ta dũng mãnh bước tới.

Hình ảnh đó, may thay, lúc nào cũng linh hoạt, sống động trong suốt cả nửa thế kỷ, trước đây cũng như bây giờ, khi ngọn đuốc không còn nữa. Đó là một hình ảnh đặc biệt, lạ lùng, mà không một đại sư nào trên thế gian này có được: hình ảnh của Đức Phật Di Lặc. Ai thấy Hòa thượng Minh Châu, dù chỉ một lần, dù chỉ thoáng qua, cũng đều thốt ra một lời kinh ngạc, thán phục, kính mến: “Thầy giống như Đức Phật Di Lặc!” Hòa thượng đã đến với thế gian này và để lại thế gian này, để lại cho chúng ta, hình ảnh từ bi, hạnh phúc của Đức Đương lai Hạ sanh.

Vào đầu thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, nhà chiêm bái Pháp Hiển đã kể lại như sau trong ký sự hành hương nước Phật của mình: Phía Tây nam một ngọn núi cao cách thành Nagara, Đức Phật đã để lại cái bóng của Ngài trong một hang động. Đứng cách xa mươi bước, người ta có thể trông thấy cái bóng giống hệt như Phật thật với thân sắc vàng chói. Khi đến gần hơn, cái bóng mờ dần. Các quốc vương ở nhiều nước đã phái những họa sĩ tài ba đến vẽ lại cái bóng đó nhưng không ai có thể ghi lại được. Pháp Hiển xác nhận cái bóng ấy vẫn còn được thấy lúc ông đi chiêm bái. Hai trăm năm sau, Huyền Trang cũng được trông thấy và ghi lại sự lạ. Bóng ấy được tôn thờ ở Nagarahara như một xá-lợi, như một thánh tích.

Chúng ta không được cái may mắn của Pháp Hiển, Huyền Trang. Nhưng chúng ta đâu có mồ côi bóng Phật! Bóng Phật có lúc nào không ở trước mắt chúng ta! Thương tiếc đại sư, chúng ta cũng hãy nói với nhau và với chính ta như vậy: hình ảnh đại sư vẫn là ngọn đuốc soi đường – ngọn đuốc ta cầm trong tay. Tai ta nghe đại sư nhắc nhở: hãy sống đẹp, nói đẹp, làm đẹp. Và như vậy thì bao giờ cũng gặp được Đức Phật Di Lặc, bao giờ cũng hoan hỷ, an lạc, hạnh phúc. Hạnh phúc cho ta, cho xã hội, cho đất nước.

Cao Huy Thuần

(Giác Ngộ)

KHOẢNH KHẮC …”VIÊN THÀNH”
CỦA NHÀ PHIÊN DỊCH KINH TẠNG PALI

Khải Thiên

Tin Sư Ông ra-đi-về cõi bất sinh đã dệt nên những cơn bồi hồi, xúc động. Biết nói cái gì, và sẽ nói cái gì về một vầng ánh sáng chói lọi vừa lịm tắt? Càng cố nói về cái “rạng rỡ” thì càng trở nên vụng về! Nhưng vượt lên trên tất cả và vẫn còn hiện hữu nơi đây là tấm lòng tri ân sâu sắc đối với công trình dịch thuật Kinh tạng của Người. Lòng tri ân sâu thẳm đó vẫn âm ỉ trong tâm thức của những người từng có cơ duyên được học hỏi “triết lý giác ngộ”- một thứ triết lý nguyên thủy hàm chứa những kinh nghiệm chứng ngộ rất người của Đức Thế Tôn.

Công trình của sự nhẫn nại…

…Đọc kinh Nikaya rất khó, dĩ nhiên, dịch kinh Nikaya lại càng khó hơn vạn lần. Cái khó ở đây không nằm ở khía cạnh văn học mà, theo lời Sư Ông kể, nó nằm ở sự nhẫn nại suy tư! Có lẽ, ngoại trừ những nhà phiên dịch cũng như những người chuyên tâm cầu đạo, không mấy ai có đủ kiên nhẫn để đọc cho hết một bản kinh từ đầu đến cuối mà không lướt qua những đoạn kinh khô khan, lặp đi, lặp lại. Nhưng đôi khi chính những đoạn ấy cưu mang những câu, chữ rất tinh tế.

Phiên dịch Kinh tạng Pali ở thời kỳ đầu tiên khi mà thuật ngữ Phật học bằng tiếng Việt còn rất khiêm tốn quả là một thách thức cho người dịch. Hầu hết các từ, ngữ của bản dịch phải vận dụng khá nhiều thuật ngữ Hán-Việt-Việt hóa, một hình thức ngôn ngữ vốn đã thấm sâu vào đời sống tâm linh của Phật tử Việt Nam.

Trong quá trình phiên dịch, Sư ông phải bỏ rất nhiều công sức để đối chiếu, so sánh các bản kinh trong nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là Hán tạng, nhằm tìm ra những thuật ngữ Phật học mới mẻ, trong sáng. Phải nói rằng sự uyên thâm Nho học (chữ Hán) và Tây học (tiếng Anh và tiếng Pháp) cùng với sự sáng tạo cá nhân là những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên một phong cách ngôn ngữ đặc thù của tạng kinh Nikaya bằng tiếng Việt.

Dấu ấn đọng lại trong tạng kinh Nikaya bằng tiếng Việt này là những triết lý giản dị, trong sáng bên cạnh một hệ thống từ ngữ Phật học hiện đại (của những thập niên 70). Đấy là những từ ngữ chuyên môn có những tương ưng về ý nghĩa cũng như những liên hệ về tư tưởng trong lịch sử Phật giáo, từ Nguyên thủy đến Phát triển.

Gần năm mươi năm rồi, các từ ngữ Phật học được dùng trong các bản kinh dịch này vẫn đóng vai trò nền tảng cho việc cắt nghĩa, giải thích, và phân tích tư tưởng Phật học.

Khoảnh khắc “viên thành”…

Mười năm trước bảy lăm (1975) là thời kỳ vàng son của Đại học Vạn Hạnh. Đấy là khoảng thời gian hình thành, phát triển và rồi… chuyển sang một trang sử mới. Đấy cũng là thời gian bận rộn vô cùng của Sư Ông viện trưởng. Nhưng cũng chính trong thời gian này, Sư Ông đã hoàn thành các bản dịch kinh tạng Pali.

Sư Ông kể rằng, Người đã bắt tay vào phiên dịch trong thời điểm “tất bật” với nhiều công việc ngổn ngang của Đại học Vạn Hạnh. Và vì vậy, sau mỗi thời hành thiền, từ bốn giờ sáng đến sáu giờ sáng là thời điểm Sư Ông ngồi vào bàn phiên dịch. Sư Ông đã dành trọn cả lòng thành, hoài bão, và niềm mong ước… cho từng câu, từng chữ của các bản kinh dịch hoàn toàn mới lạ với độc giả người Việt.

Từ bốn giờ sáng đến sáu giờ sáng cứ mỗi ngày như thế, mỗi tháng như thế, mỗi năm và nhiều năm như thế… đã tạo nên khoảnh khắc viên thành của nhà phiên dịch Kinh tạng Pali. Hẳn Người phải có một ý chí và nguyện ước phi thường mới có thể triền miên cả hàng chục năm trời để hoàn thành các bản dịch vĩ đại.

Bóng dáng thế hệ…

Hai mươi năm sau, khi các bản kinh đã được xuất bản và in ấn nhiều lần nhưng Sư Ông vẫn cặm cụi đọc tới, đọc lui, sửa chữa và ghi chú ngay trên từng bản kinh mới in với tất cả sự cần mẫn. Sư Ông làm như thể là Người mới đọc bản kinh lần đầu. Phong thái của một học giả đức hạnh dường như lúc nào cũng có mặt cùng với Sư Ông. Phong thái ấy quả thực đã truyền một loại cảm hứng – khát khao đạo lý và tri thức – cho bất kỳ ai có duyên hội ngộ.

Hình ảnh một Sư cụ với gương mặt hồng hào tràn đầy vẻ từ ái, cùng với đôi chân mày trắng đẹp như tiên ông, cầm trên tay chiếc kính lúp và chậm rãi soi rọi từng con chữ… và nhất là với một thân hành rất an tịnh của Người đã thật sự để lại một bóng dáng nghìn thu, thế hệ. Bóng dáng ấy đang đi vào huyền thoại.

Chúng con thành kính tưởng niệm và tri ân Sư Ông đã cho thế hệ của chúng con cơ hội được tiếp xúc với “triết lý giác ngộ”qua những lời dạy rất chân chất, rất nguyên sơ của Đức Thế Tôn.

Sinh tử nhàn nhi dĩ! Nguyện xin Sư Ông sớm trở lại cõi đời để hoằng hóa độ sinh.

Cúi đầu,

Khải Thiên

Source: thuvienhoasen
Ảnh: Bảo Toàn

Tang Le HT. Thich Minh Chau (10)

Đời Ôn Là Hoa Và Chữ

Thích Pháp Bảo

Thành Kính Tưởng Niệm
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu

Bảo tháp uy nghiêm tỏa nắng mây

Bước chân Pháp lạc còn vang bóng.

Thầy về bên ấy dư âm lắng đọng

Pháp thân hiển hiện dạt dào chúng sinh.

Chúng con đang ở lại trần gian trong thế kỷ XXI này, sinh ra và lớn lên trong bầu không khí đạo pháp hơn 2000 năm. Kinh thiên vạn quyển không chi bằng chúng con được gần kề bên bậc danh Tăng thạc đức trong ngôi nhà Vạn Hạnh. Những ngày Tang lễ của Ôn, chúng con không khỏi xót xa khi Ôn vắng bóng kể từ đây. Và sau đó chúng con lại tắm mình trong pháp vũ một tuần thọ lãnh tang của Ôn. Khi biết bao triệu đóa hoa từ mọi phương trở về, hai ngàn năm trăm lãng hoa là một dấu ấn chánh pháp của đời con.

“Hương của loài hoa thơm, không thể bay ngược gió.

Hương người đức hạnh đó, ngược gió bay muôn phương”.

Chúng con tuy mới sinh trưởng trong ngôi chính điện Vạn Hạnh của năm 2000 nhưng với những gì hôm nay chúng con tiếp nhận vô vùng bé nhỏ đối với hành trạng, cuộc đời, sự nghiệp của Ôn. Ngày vừa mới bước chân vào miền đất Vạn Hạnh, là ngày bước chân của chúng con cứng cỏi hẳn lên. Cũng nhờ sự che chở thương yêu của Ôn nên chúng con mới có được sự sống cũng như con đường sáng để tiếp tục đi với cuộc đời mà không cấu nhiễm.

Nhớ lại những ngày tháng vào mái trường học viện thân quen, chúng con vừa lo lắng, vừa bỡ ngỡ vì chưa định hướng được pháp hành ngay trong môi trường giáo dục. Có một lần hình ảnh của Ôn làm cho chúng con nhìn lại chính mình nhiều hơn. Tấm gương phạm hạnh trong Tăng đoàn là bóng dáng huỳnh y nguyên thủy. Từ lầu một, đến tầng bốn chúng con đã dạo quanh thiền trượng của Ôn nhưng chẳng diện kiến đảnh lễ Ôn được, do Ôn đã xuống cầu thang trước chúng con mấy bước nhưng có lẽ chúng Ôn cũng biết chúng con vào lạy Ôn nhân dịp mãn hạ an cư nên Ôn đã nhắn thị giả gọi chúng con xuống khách đường để có vài lời di giáo. Hôm đó Ôn khoan dung, cho phép chúng con ngồi cạnh bên để hầu chuyện. Mặc dù tuổi Tăng lạp của Ôn cũng đã thấp thoáng bóng chiều so với lần vào năm 1998, Ôn cùng với ban hộ trì Tăng chúng Thiền Viện Vạn Hạnh có chuyến trở về Tổ đình Tường Vân nơi Ôn thọ giáo đầu sư với Đại trưởng lão Tăng Thống Thích Tịnh Khiết để thăm viếng, làm phật sự ở Thừa Thiên, Quảng Bình, Nghệ An. Chúng con thật may mắn và có duyên lành được hai lần nâng dép cho Ôn. Nụ cười, bước đi, tấm y của Ôn khoác lên, tuy đơn sơ nhưng vô cùng cao quý. Nguồn vi diệu pháp mà chúng con có được như ngày hôm nay là do một cánh tay Ôn khai thông mở lối, làm thành con đường tỉnh thức giữa bến bờ chiều tà.

Những ngày qua, sau giờ Ôn viên tịch. Sài Gòn bỗng đỗ mưa không ngớt, cơn mưa tạnh, nắng lên, sương rơi bảo điện, mây trắng kéo về đỉnh tháp. Từng dòng người tha thiết từ mọi xứ sở thiên quốc hội tụ quỳ dưới chân bảo tháp Pháp lạc chiêm bái, hành trì và rũ bỏ mọi duyên trần để đi vào thế giới hướng tâm theo gót hài từ phụ. Chúng con ở tại Vạn Hạnh, vùng Gia Định này cũng thấm dần thời tiết bốn mùa nhưng chưa bao giờ chúng con lại cảm thấy cái giá buốt tầm tả và vật đổi sao dời như vầy. Mưa buông như suối ghềnh, trời im như cô quạnh, hoa nở như khép lại. Với biết bao ân tình Ôn còn đọng mãi trong hàng triệu trái tim của nhân loại, bằng những câu thơ bái kính Ôn, bằng những bài văn ngợi xưng công hạnh Ôn, bằng những dòng nước mắt tuôn trào và vô số vòng hoa tươi cúng dường lên Ôn trong tuần Tang lễ ngàn năm lịch sử.

Sáng nay đàn chim líu lo hót

Sáng nay sương rơi trên phiến đá

Sáng nay từng hồi chuông trưởng giả

Sáng nay ngàn hoa không ngủ

Để…

Nhớ Ôn!

Tăng chúng chùa Thiền Lâm chúng con, được tiếp xúc, hầu Ôn với những cái tháng 10 của xứ Huế thời trước. Và nay cũng lại vào để đi theo hết lộ trình Niết-bàn của Ôn. Khoản mười ngày hôm nay, chúng con cũng thấy mọi cảnh, mọi vật, mọi duyên xuyến xao cả cõi lòng. Tang lễ của Ôn như đoàn tàu trở về quê cũ, neo đậu ở bến giác Pháp hoa kinh.

Xin kính lạy Ôn!

“Trở về” phút giây quá khứ, Ôn mở trường giáo dục, đào tạo cho hàng ngàn Tăng ni và bao nhiêu khóa chuyên ngành Phật học, xã hội tại Trương Minh Giảng thuộc Đại học Vạn Hạnh, lúc đó Ôn (Hòa thượng Thích Minh Châu) cũng là Vụ trưởng Vụ Giáo Dục – cùng với nhiều vị cao tăng trong Viện Hóa Đạo được GHPGVNTN cung cử kiến thiết và thành lập Trường đại học Phật giáo đầu tiên có những phân khoa thế học. Cùng chung tay xây dựng và phát triển như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Giáo sư Phạm Công Thiện, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Thích Nguyên Hồng v.v… song song cùng hướng giáo dục tư thục là các trường Bồ Đề, Hàm Long được khai sáng ở các tỉnh hội trước thập niên 1970. Phong trào dấn thân vì đạo pháp mỗi ngày phát huy tính giá trị thiết yếu đó nên Giáo Hội cũng đã đầu tư từ cơ sở hạ tầng, nhân sự cho từng địa phương như tại Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế và Tây Đô, Thanh niên phụng sự xã hội.

Sau từ “Thống nhất đất nước”, bước qua ngưỡng vong mới của sự hội nhập tư tưởng giữa hai phân giới Bắc-Nam. Ôn cũng nhiều lần thiết tha, băn khoăn, mong mỏi Viện Vạn Hạnh được giữ nguyên tại vị như thuở ban đầu nhưng quy nguyện thiết lập chưa thành tựu, đã diễn hành những biến cố sau đó “trăm sông về biển lớn”. Với những cương vị Giáo Hội, quý Tôn túc cũng đã rời bỏ dần những Bồ Đề, Hàm Long, cơ sở tự viện để cứu nguy cho mạng mạch Phật pháp, giáo đồ lúc bấy giờ. Biết bao là khó khăn, gian nan, vật lộn với cách thống nhất vô điều kiện. (*)

Chùa đây, Đại Tạng Kinh Việt Nam còn đó, hơn 20 tước tác nguyên vẹn giáo lý nhưng pháp thân của Ôn dần khuất xa trong bóng mây vô định.

Và trong một bài diễn văn 10 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, đọc trong dịp Đại Lễ Phật Đản 2518 do Hòa thượng Viện Trưởng định hướng như sau.

“…Khi nhận lãnh chức vụ Viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh vào năm 1964, với trụ sở đặt tạm ở chùa Pháp Hội, với tiền thân của Viện Cao Đẳng Phật Học, chúng tôi ý thức được trách nhiệm số một của chúng tôi là gìn giữ cở sở này là một cơ sở giáo dục, và cở sở giáo dục này là một cở sở giáo dục Đại học, và Đại học này là một ĐẠI HỌC PHẬT GIÁO. Chúng tôi nghĩ, mục tiêu của giáo dục nhắm đến những chuẩn đích dài hạn, có tánh cách miên trường, và quan hệ nhất, đào tạo và xây dựng một thế hệ mới cho đất nước, cho nhân loại. Giáo dục không phải chỉ trao truyền kiến thức khô đọng cằn cỗi, từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ thế hệ Giáo sư qua đến thế hệ sinh viên, mà phải là những cố gắng làm sống động những tư tưởng, làm bừng sáng những tâm tư, làm phát huy những kinh nghiệm, mà chính các thế hệ trước đã trả một giá rất đắt để thâu nhận được, và chính thế hệ hiện tại cũng phải trả một giá rất đắt để trao truyền lại cho thế hệ sinh viên hiện tại. Chúng tôi nói rất đắt, vì một Giáo sư biến thành máy ghi âm và phát âm thời quá rẻ mạt, ai cũng mua được. Nhưng những Giáo sư làm sống lại những tình cảm, những ưu tư, những khắc khoải, những thao thức của thế hệ đàn anh rồi truyền trao lại cho khối óc, cho con tim thế hệ đàn em hiện tại, rồi biến chúng thành những sức mạnh sống động, tác thành những nguồn giao cảm mãnh liệt giữa các thế hệ, thời thật là thiên nan vạn nan, và chỉ có những Giáo sư biệt tài , thâm hiểu sứ mạng giáo dục, mới may ra có thể thực hiện nổi. Hơn nữa giáo dục đâu phải nhằm đào tạo những thế hệ làm thầy thông thầy phán để hầu hạ cho ngoại bang, cũng không để tác thành những đệ tử cuồng tín trung kiên cho ý thức hệ, cho độc tôn, cho giáo điều; giáo dục lại càng không phải là một trung tâm đào tạo những con người máy móc để phục vụ cho một thế giới máy móc. Giáo dục phải có sứ mệnh đào tạo những con người còn giữ được tình người Nhân loại trong cộng đồng Nhân loại, những con người Việt Nam còn giữ được tình người Việt nam trong cộng đồng Việt nam, những con người Vạn hạnh còn giữ được tình người Vạn hạnh trong cộng đồng Vạn Hạnh. Và chính những con người còn giữ được Tình Người này mới có thể biến thành những động lực tốt đẹp xây dựng cho con người Nhân loại, cho con người Việt nam, cho con người Vạn hạnh…”

(Trích Bộ Tư Tưởng số IX, số 2, trang 6)

Thích Pháp Bảo

Hậu trường tang lễ Cố Hòa thượng Thích Minh Châu
Hãng phim Sen Việt – Sen Viet Media


Uploaded by senvietfilm

VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Lời Ban Biên Tập: Nói đến Hòa Thượng Thích Minh Châu là phải nói đến Viện Đại Học Vạn Hạnh, nói đến một trong những nhà giáo dục xuất sắc nhất đã kiên trì và tận tụy cả đời cho sự nghiệp giáo dục, đặc biệt là giáo dục thế học trong tinh thần của Phật Giáo Việt Nam. Trong dịp lễ tang ngài, chúng tôi xin được giới thiệu về ngôi trường do cố Hòa Thượng sáng lập và làm Viện Trưởng trong suốt thời gian từ lúc thành lập đến khi bị giải thể như để tưởng niệm ngài, tưởng niệm đến công đức lớn lao của Ngài đối với sự nghiệp giáo dục và hoằng pháp.

Viện Đại học Vạn Hạnh là viện đại học tư thục ở Sài Gòn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất thành lập vào năm 1964 dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa. Đây là viện đại học tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Năm 1975, dưới chính quyền mới, Viện Đại học Vạn Hạnh bị giải thể.

Trước năm 1964, Sài Gòn có trường cao đẳng Phật học với tên Phật học Đường Nam Việt thuộc chùa Ấn Quang. Sau cuộc chính biến 1963 và sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, chủ trương đào tạo nhân sự và đưa Phật giáo vào cuộc sống thường nhật được Giáo hội xúc tiến qua việc xây dựng một cơ sở giáo dục bậc đại học. Với nỗ lực đó, Viện Đại học Vạn Hạnh được thành lập với hai mục tiêu: xây dựng nhà giáo dục… làm sống dậy lòng tin cho tuổi trẻ… với châm ngôn Duy Tuệ Thị Nghiệp, tức là mọi hoạt động của cơ sở giáo dục này cốt để phát triển trí tuệ. Viện đại học chọn mang tên thiền sư Vạn Hạnh, vị danh tăng Việt Nam thời nhà Lý. Một trong những người sáng lập viện đại học này là Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Viện Đại Học Vạn Hạnh được thành lập năm 1964, là một cơ sở giáo dục cấp đại học đầu tiên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, và là hậu thân của Viện Cao Đẳng Phật Học, được hợp thức hoá bằng Nghị Định số 1805-NĐ/PG/NĐ ngày 17 tháng 10 năm 1964 của Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, và do Quyết Định số 156-VT/QĐ ngày 13 tháng 11 năm 1964 của Viện Hóa Đạo, cử T.T. Thích Minh Châu làm Viện Trưởng, trụ sở tạm đặt tại Chùa Pháp Hội và Chùa Xá Lợi ở Saigon.

Trong niên khóa đầu tiên 1964-1965, Viện chỉ mới mở hai Phân Khoa: Phân Khoa Phật Học và Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn với sĩ số 696 sinh viên.

Năm 1966 Viện mới xây cất xong cơ sở riêng, địa chỉ số 222 Trương Minh Giảng, Saigon. Tòa nhà chính với bốn tầng lầu là nơi đặt văn phòng làm việc của Viện Trưởng, văn phòng các Phân Khoa, văn phòng các Nha sở, Thư viện, Câu lạc bộ, v.v.. và các giảng đường, phòng học của sinh viên.

Niên khóa 1966-67, Viện mở thêm Trung Tâm Ngôn Ngữ với Quyết Định số 108/ĐHVH/QĐ ngày 14 tháng 8 năm 1968, nâng sĩ số sinh viên Vạn Hạnh thờI đó lên tới 802 sinh viên.

Vì nhu cầu sinh viên gia tăng, năm 1970 Viện phải xây thêm Tòa nhà B, làm cơ sở cho Phân Khoa Giáo Dục được mở đầu niên khóa 1970-71, do Nghị Định số 1610/GD/KHPC/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục. Đây là Phân khoa thi tuyển nhập học đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh với sĩ số trúng tuyển nhập học là 280 sinh viên cho tất cả các Ban, đã nâng sĩ số sinh viên toàn Viện lên đến 3.685 sinh viên.

Trong niên khoá 1971-72, do nhu cầu quốc phòng, một số sinh viên phải lên đường nhập ngũ, sĩ số của bốn Phân Khoa và Trung Tâm Ngôn Ngữ vẫn có đến 3.404 sinh viên.

Cùng với đà tiến triển, năm 1972 Viện xây cất thêm Tòa nhà C mới đủ cho nhu cầu sinh viên gia tăng. Tổng số sinh viên của niên khóa 1972-73 không kể số học viên của Trung Tâm Ngôn Ngữ đã lên tới 3.661, và cũng trong niên khóa này, Phân Khoa Khoa Học Xã Hội đã trở thành Phân Khoa thi tuyển nhập học.

Cho tới niên khoá 1972-73, Viện Đại Học Vạn Hạnh có 4 Phân Khoa: hai Phân Khoa đòi hỏi sinh viên phải qua một kỳ thi tuyển nhập học năm thứ nhất là Phân Khoa Giáo Dục và Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, hai Phân Khoa còn lại là Phân Khoa Phật Học, Phân Khoa Văn Học và Khoa Học Nhân Văn, và một Trung Tâm Ngôn Ngữ. Niên khóa 1973-1974 Viện mở thêm Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng, trụ sở đạt tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận.

Như vậy cơ sở 1 của Viện Đại Học Vạn Hạnh bao gồm các tòa nhà tọa lạc tại 222 Truơng Minh Giảng, Saigon và cơ sở 2 tọa lạc tại đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận với sự thành lập Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng vào năm 1974.

Cơ sở chính gồm có các Văn Phòng Viện Trưởng, Văn phòng 4 Phân Khoa, Trung Tâm Ngôn Ngữ, Thư Viện, Nha Học Vụ, Nha Sinh Viên Vụ, Văn Phòng Giao Tế, Văn Phòng Phát Triển, Trung Tâm An Sinh và Phát Triển Xã Hội, v.v.. các giảng đường và lớp học, Câu Lạc Bộ, Trung Tâm Sinh Hoạt Sinh Viên cộng thêm dãy nhà trệt dành cho cơ sở Ấn Quán vạn Hạnh. Cơ sở thứ hai bao gồm văn phòng Phân Khoa Khoa Học Ứng Dụng và các phòng học của sinh viên.

Niên khoá 1967-68, Viện thành lập Phân Khoa Khoa Học Xã Hội, do Nghị Định số 1931–GD/QCNV/NĐ ngày 9 tháng 9 năm 1971 của Bộ Giáo Dục, sĩ số ghi danh học năm đầu tiên của Phân Khoa này đã lên đến 1.190 sinh viên trong tổng số sinh viên toàn Viện là 1.938.

Viện Đại Học Vạn Hạnh là hội viên của nhiều tổ chức quốc tế như Hiệp Hội Đại Học Đông Nam Á (The Association of Southeast Asian Institution of Higher Learning) và Hiệp Hội Khoa Học Xã Hội Đông Nam Á (Southeast Asian Social Sciences Association) và là Hội viên Sáng Lập Hội Đồng Đại Học Tư Lập Việt Nam.
Sau khi chính thể Việt Nam Cộng hòa sụp đổ, Viện Đại học Vạn Hạnh bị chính quyền mới trưng dụng và Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất mất quyền sở hữu. Viện Đại học Vạn Hạnh phải đóng cửa[6] và một phần của nó trở thành một cơ sở của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Kỳ cấp phát văn bằng đầu tiên của Viện Đại Học Vạn Hạnh, tổ chức ngày 26 tháng 5 năm 1969 đã cấp phát văn bằng Cử Nhân Phật Khoa cho 21 sinh viên đậu từ năm 1966 đến 1968, và văn bằng Cử Nhân Văn Học và Khoa Học Nhân Văn cho 23 sinh viên đậu từ năm 1967 đến 1968.

Năm 1984, Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại TP. HCM được thành lập với tên gọi là Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam, có nguồn gốc từ trường Đại học Vạn Hạnh, ngôi trường đại học đầu tiên của Phật giáo tại Việt Nam đã đào tạo thành công một thế hệ thanh niên Việt Nam hiện đang giữ những vai trò then chốt trong các cơ quan nhà nước.

Tác giả : BBT TVHS

Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư Mở 

Tang Le HT. Thich Minh Chau (18)

Tưởng Nhớ Một Người Thầy Trong Đạo:
TK Thích Minh Châu

Giáo sư Trần Ngọc Ninh
.

(LGT: Giáo sư Trần Ngọc Ninh, Thạc-sĩ Y-khoa Ðại-học Pháp, nguyên Giáo-sư Văn-minh Ðại-cương và Văn-hoá Việt-Nam tại Ðại-học Vạn-Hạnh, nguyên Tổng-trưởng Văn-hoá Xã-hội và Ðặc-trách Giáo-dục trong Chính-phủ VNCH; nguyên Viện Trưởng Viện Việt-Học 3/2003-2/2008.)

Tôi được biết tin Tì Kheo Thích Minh Châu đã viên tịch ở Việt Nam ngày 1 tháng 9 năm 2012, thọ 94 tuổi.

Tin báo đến không trực tiếp hay qua dây nói, mà từ hai người báo tin mà tôi coi như em trong lòng, đã không muốn làm rộn tôi những tháng năm mai danh ẩn tích cuối đời. Nhưng trong thực tế, cái nghiệp dạy học của tôi không dứt được. Tôi ngưng sự giảng dạy y khoa và bỏ nước, bỏ tất cả cái sự nghiệp nghiên cứu và truyền thụ y học vô tận khi được lệnh phải hạ thấp cái học và cái biết của các y sĩ tương lai xuống mức độ bệnh kiết-lị, bệnh sán lãi (mà người ta gọi là y tế nhân dân). Tôi rũ bỏ hết, chỉ đội một cái nón lá trên đầu mà xuống thuyền vì tôi nghĩ rằng nếu tôi đi tu thì phải tới được Chánh Đẳng Chánh Giác dầu có phải qua vạn kiếp khổ, nhưng bảo rằng ngừng thì không, không và không. Sự biết lỏng là đầu mối của rất nhiều khổ đau.

Lúc ấy, tôi chỉ mới tu được có mười năm.

Mười năm trước là cái duyên gặp gỡ của tôi với Thượng Tọa Minh Châu.

Trước đó nữa, tôi chỉ được nghe nói rằng Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam ở chùa Ấn Quang, đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn nơi mà anh tôi Trần Ngọc Lập, bút danh Trần Việt Sơn, có được mời tới giảng dạy, về pháp gì trong Đạo Phật tôi cũng không biết; rằng ở trường có hai vị Thượng Tọa đã đậu Tiến Sĩ Phật Học ở tu viện Nalanda Ấn Độ, lúc ấy đang là giáo sư. Một trong hai vị này và là người đầu tiên trong thời nay đã đi chiêm bái, tu học và thỉnh kinh từ Thiên-Trúc về Việt Nam, là Thượng Tọa Minh Châu.

Đạo Phật đã sinh ra ở Ấn Độ, chính thức là do Đức Cồ Đàm (Gotama) mà ta tôn thờ là Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni (Sakya Muni) nhưng ngài chỉ xưng danh là Tathagatha Đức Như Lai, là “Đã Đến”. Ngài là Đã Đến, là Như Lai, trước hết là vì trước Ngài, đã có hằng ha sa số Phật, mỗi Phật đã chỉ xuất hiện trong một chớp mắt ở một hạt bụi của vũ trụ (như trái đất), ở đó sự sống đã làm thành những sinh vật gọi chung là “Con Người” đã đạt được những khả năng đi vào đường Đạo mà thoát khỏi cái khổ phải bám vào những cơ cấu của vật chất để tưởng rằng mình có một cái “Tôi”, một bản thể, một Être, một Sein, một Being, một không-tưởng vô thường. Đức Phật gọi “Cõi người ta” là cõi Ta-Bà (Samsara) nó chỉ chứa sự sống cho tới khi nào mặt trời hết nguyên liệu để cho nổ liên tục những trái bom nhiệt hạch (Therma-nuclear bombs). Ở những Thế-giới khác, những Lokadhatu mà Ni I.B.Horner dịch là hệ thiên hà (galactic system) chứ không phải là hệ định tinh như hệ mặt trời (solar system), có thể trong một kiếp (kappa), một a tăng kì kiếp (asankheyya) một đại kiếp (Mahakaffa), tính bằng triệu, tỉ hay nghìn tỉ năm mặt trời của cõi Ta-bà, may mắn lắm thì có một Đấng Toàn Giác xuất hiện thành Phật và dạy người đời để bước vào Chánh-Đạo. Kinh Buddavamsa (Phật-Phả) nói rằng trong khoảng bảy vô lượng kiếp này đã có Đức Difankara (Nhiên Đăng) là Đức Phật thứ bốn; ngài đã thụ kí cho một thầy tu kín tên đời là Sumedha (Thiên Huệ) đã rời lều cỏ bay đến xỏa tóc và nằm phục dưới chân Phật để cầu có thể đốt cháy được hết các chấp kiến không cho mình ngộ được Bồ đề Toàn-giác.

Qua đi một trăm ngàn kiếp và vô lượng kiếp với hai mươi ba đời Phật, Đức Sumedha đã thành một Bồ-Tát (Bodhisatta) có tên đời là Narada và đã từ cõi trời Đâu-Xuất Tusita xuống cõi trần đầu thai làm người với cái tên là Gotama, thành đạo, đạt được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (Anuttara Samyaksambodhi, A-nậu-đa-la Tam-miệu (muội) Tam bồ đề). Nhưng Bồ Tát vẫn giữ nguyên cái thân phận con người, bố thí tất cả cuộc đời còn lại của mình để dạy những ai muốn theo; hằng năm đi chân không từ Bắc Ấn xuống Nam Ấn rồi lại ngược lên trước mùa mưa gió, vào sâu trong các làng để khuyến giáo và khất thực trước khi ngồi thiền và giảng giáo lí cho các Tì Kheo và Tì Kheo Ni (nữ đệ tử) của Sangha (Tăng-già, Giáo Hội) mà ngài đã cho phép lập nên.

Đức Phật còn tự xưng là Như Lai; đã đến với các môn đồ vì một lí do nữa; là vì có những người đưa ra những nghi vấn về gốc nguồn, về thập thế, về sự tử sinh của Ngài, Phật là người hay là Pháp và có còn hay là mất khi thân hình đã tịch diệt? Như Lai đã đến thực và ngồi đó, nói đó, không phải hỏi đến cái đã qua và cái chưa tới trong cái Thời vô thủy vô chung không bao giờ hết Giáo Pháp. Thời của Phật Giáo là cái vô hình tướng do các sát-na (Ksama) nối tiếp nhau, có từ trước vụ Nổ Bùng lớn “Big Bang”, nên không gọi được là “thời gian” vì không có giới hạn như “không gian” (space) của vũ trụ hay “thế gian” (world) của người đời.

Tôi được gặp Thượng Tọa Thích Minh Châu lần đầu là trong một buổi lễ rất ngắn tại Bộ Quốc Gia Giáo Dục, đường Lê Thánh Tông vào năm 1967. Tôi ghi lại theo cái trí nhớ đã đứt khúc trong tuổi già của tôi. Thượng Toạ, mặt tròn như trăng rằm, mình mặc một tấm áo cà sa vải vàng, đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Tôi đại diện cho Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa trong tư cách Tổng-Ủy-Viên Văn Hóa Xã Hội kiêm Ủy Viên Giáo Dục, cùng với Ông Ngô Trọng Anh, Ủy Viên Công Chánh của Chính Phủ. Chúng tôi kí cái hợp đồng cho Giáo Hội thuê cái cơ sở mới xây bởi Bộ Công Chánh trong một thời hạn là 99 năm có thể tiếp diễn, với cái giá tượng trưng là một đồng bạc. Cái Hợp đồng hôm ấy là bản khai sinh của viện và trường Đại Học Vạn Hạnh.

Thượng Tọa cho tôi biết là trường Vạn Hạnh đầu tiên sẽ chỉ có hai phân khoa, là Phật Học mà Khoa-Trưởng là do chính Thượng Tọa giữ trọng trách, và khoa kinh tế xã hội hay khoa học nhân văn, sẽ nhờ Giáo-sư Tôn Thất Thiện làm khoa trưởng. Những bước đầu sẽ rất là khó khăn, tôi đồng ý nhưng không dám có một lời đóng góp. Tuy đã có học về các Đại Học Âu-Châu từ thời Phục Hưng qua cách mệnh Pháp về những biến động của thời nay, lại đã trải qua công cuộc canh cải nền Giáo Dục Đại Học Y Khoa VN từ 1954 đến 1965. Khi chuyển từ ảnh hưởng Pháp trước Thế Chiến II sang Pháp luân của Hoa Kì sau Thế Chiến. Về tinh thần, triết lí, giáo pháp của Phật-giáo thì thực sự là khi ấy tôi mù tịt. Vả lại, lúc đó, tôi cũng còn đang điên đầu về sự xây dựng lại cái hạ tầng cơ sở của nền Giáo dục Quốc Gia và việc nâng cao sự học trong nước để có thể công tác và cạnh tranh (hai mặt song song) với Quốc tế. Công việc ở bệnh viện và ở trường Y Khoa Sài Gòn tôi cũng không thể rời bỏ được nhưng nhờ có sự giúp đỡ của các Bác sĩ cộng tác viên lại có thêm GS. P. Petit, một thầy cũ của tôi, từ Paris sang dạy đỡ, nên tôi chỉ về bệnh viện những ngày chủ nhật khi Bộ Giáo Dục đóng cửa.

Nhưng ba tháng sau khi rút ra khỏi được Bộ Giáo Dục và Tổng Bộ Văn Hóa Xã Hội, thì một buổi sáng nọ có người cầm một bức thư của Thượng Tọa Viện Trưởng Đại Học Vạn Hạnh đến, mời tôi lại viện, có việc muốn tham khảo. Ông muốn tôi làm một giáo sư của viện. Môn gì, ông bảo để tùy tôi chọn. Nhưng tôi chưa từng đọc một câu kinh, nghe một câu kệ và cũng không bao giờ tự mình vào trong cái chùa nào để lạy (lễ) Phật. Mà từ chối mãi không tiện, tôi đành phải nhận một giờ mỗi tuần với một đề tài mà tôi nghĩ rằng sẽ nói tự tâm vì không có sách, là “Khoa học với tôn giáo”, nhưng tôi sẽ chỉ nói về “Tôn giáo trước khoa học”. Nói cách khác, đây là vấn đề “Đạo Lí của khoa học”.

Chuyện dạy học của tôi ở Đại Học Vạn Hạnh là một Đại Học Phật Giáo còn có lắm chuyện éo le hay là oái ăm nữa. Tôi không sợ sự tùy tâm và không có sách, là vì từ tuổi nhỏ cho đến khi lớn, cha mẹ và các thầy không dạy mình cái gì thất đức; lúc đã thành người học y-khoa, lại thấy tận mắt sự tàn ác của những con người học lầm hay hiểu lầm những học thuyết và những khoa học văn minh, thì đã biết, tự biết. “Mà biết” là /bodh/ diễn thuật từ Sanskrit (Phạm Ngữ), căn của danh từ Buddha. Sự biết này không ở trong sách, không ở ngoài tâm. Khoa học của loài người đã lên cao lắm nhưng khoa học mà không có tâm là sự tàn phá của tinh thần.

Sau một năm dạy về khoa học và tôn giáo, tôi dạy về tôn giáo sơ khai và tôn giáo tiền sử, tức là một chương lớn của khoa học tôn giáo. Rồi tôi bị bệnh nặng, liệt giường gần hai tháng. Lúc hồi phục, phải dùng sách và viết bài, tôi dạy lịch sử Văn Minh (của loài người) rồi dạy Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam khi tôi học về Ngữ-lí Việt-Ngữ (Linguistique Vietnamienne). Chẳng có một mảy may là Đạo Phật. Vì khi ấy tôi đã bước vào Đường mà Đức Phật đã chỉ để tới Mặt Trăng. Và vượt Mặt Trăng.

Tì Kheo Thích Minh Châu là người đã đẩy tôi lên con đường mà từ đó tôi không ra khỏi.

Hai tháng trước ngày Phật Đản, thượng tọa Viện Trưởng tìm tôi và thỉnh tôi diễn giảng về cốt tủy của Đạo Phật tại Đại Giảng Đường của Viện. Tôi được giải thích rằng đây là lễ Vesak, không phải là ngày Phật Đản sinh, mà là gồm ba ngày một gần nhau là ngày đản sinh, ngày thành đạo và ngày nhập Bát-Niết-Bàn ngày quan trọng nhất của Đạo.

Càng quan trọng thì lại càng không đến cái thứ tôi. Bao nhiêu người giỏi trong viện cũng như ngoài viện, tại sao không thỉnh lại gọi đến một anh mù kinh. Tôi không biết gì cả, cái vỏ không có, biết gì đến cái lõi mà nói. Thượng tọa bảo tôi vào thư viện của trường, có khi Phật độ, thấy được chăng.

Nói đến thư viện thì tôi động lòng hiếu kì, muốn thấy tận mắt xem thư viện có được bao nhiêu quyển, so với tứ thư, ngũ kinh của khổng mạnh và Nho-gia thì được mấy phần, còn đọ với thư viện Vatican thì chẳng cần nói cũng biết rằng chỉ là lửa đom đóm bên cạnh mặt trời. Tôi tìm đường vào thư viện, cửa mở không khóa. Ở trong, là một cái phòng lớn, đèn thắp sáng ngày đêm ở góc có một cái bàn nhỏ, có một cô dáng người mảnh mai, mình bận áo ni cô xám, đang ngồi đọc hay dịch kinh. Tôi bước lại, tự giới thiệu, và cô nói “Dạ, thưa tôi biết. Giáo sư cần gì, tôi là Trí Hải, thủ thư của thư viện.”

Tôi học ở Pháp và đã đến những thư viện lớn nhất của nhiều nước, ở nhiều tỉnh và biết rằng thủ thư của một thư viện thường là một học giả am tường rất nhiều điều trong các sách của thư viện. Tôi hỏi cô Trí Hải ở đâu tôi có thể tìm được những lời dạy quan trọng nhất trong Giáo pháp của Đức Phật mà không bị người đời sau trích dẫn hay dịch thuật sai đi. Cô Trí Hải cho tôi biết rằng Thượng Tọa Viện Trưởng đang dịch Kinh-tạng Pali, đã xong hai quyển đầu là Trường bộ kinh (Majjihima-Nikaya), và thư viện còn có những bản dịch Anh-văn, Đức-văn, Pháp-văn và nhiều ngôn ngữ khác (Hoa, Nhật, Hàn, Nga…) tôi là giáo sư thì có thể mượn sách về nhà để nghiên cứu, cô nói là “tụng niệm”. Đột nhiên tôi nghĩ rằng trong một Giáo-lí thì không có một điểm nhỏ nào không hệ trọng, nhưng có một điểm nhỏ trọng đại nhất là điều cuối cùng mà Đức Phật nói ra với các môn đồ trước lúc Người rời cõi trần. Tôi hỏi cô Trí Hải có biết Kinh hay Sách nào nói về những ngày tận cùng của Đức Phật không, thì cô nói ngay “Kinh Đại Bát-Niết-Bàn viết rất rõ”, và cô lấy ra cho tôi cuối Trường Bộ Kinh đầu với bản dịch Anh-văn và bản dịch Pháp-văn, để tôi đem về và đối chiếu.

Tôi tìm thấy rằng Đức Phật đã bảo các học trò “Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.” Và Ngài còn nói thêm “Trong năm trăm Tỷ-kheo này, Tỷ-kheo thấp nhứt cũng đã chứng minh được quả Dự lưu, không còn đọa lạc, chắc chắn sẽ hướng đến Chánh giác (Sambodhi).

Thực là những lời khuyến khích và an ủi mạnh mẽ và tươi mát nhất của Đấng Đại Từ Đại Bi cho tất cả các môn đồ đang buồn rầu và lo lắng vì bậc Đạo-sư tối cao sắp vĩnh viễn lìa trần mà bản thân mỗi người thì còn đang ngụp lặn trong bể khổ không bờ. Tôi lúc đó, nhìn khắp nước Việt Nam, chỉ thấy những người quê mùa vô tội đang bị lột trần để quay trên lửa đỏ, nhìn ra ngoài thế giới cũng chỉ thấy những người lo lắng và bất lực trước sự đe dọa của một cuộc chiến tận thế. Còn chính mình thì mới chỉ được một giọt nước rớt xuống từ một cành dương liễu mảnh mai. Những câu nói trên mà tôi thấy trong kinh Đại Bát Niết Bàn của Trường Bộ Kinh, tôi mới chỉ hiểu một cách mập mờ và dịch ra tiếng ta đời nay, đại khái là “Tâm Trí của mỗi người, một khi đã được mở ra với Chánh Pháp, thì đã là một với Chánh Pháp, và là ngọn đèn chỉ con đường sáng, cứ vững lòng, tất cả mọi người đề sẽ tới nơi.”

Thượng Tọa Viện Trưởng ngồi nghe tôi nói không thốt một câu. Nhưng rồi năm sau đến ngày Phật Đản, tôi lại có một lời yêu cầu nữa. Tôi đăng đàn và nói về Bát Chánh Đạo, con đường tu tám lằn song song mà tôi ví với cỗ xe tám ngựa, nhưng cả tám con người ấy đề chỉ là ta: Nhìn thế nào, phóng thế nào, chạy thế nào, cân bằng thế nào, thở thế nào, thu thân thế nào, chú tâm thế nào, quyết chí thế nào, phải theo đúng lời dạy. Thượng Tọa tiễn chân tôi chỉ nói rằng ít ai dám giảng Bát Chánh Đạo. Tôi nói rằng rôi chỉ mới học mà thôi.

Nhưng năm sau, cái đầu đề còn khó hơn nữa. Thượng Tọa muốn tôi nói về triết lí Cổ Ấn trong thời Đức Phật.

Buổi đầu tôi nói chuyện ở Viện Đại Học Vạn Hạnh, có chừng ba bốn chục người đến nghe, tất cả đều lễ phép, không ai bỏ ngang về. Buổi thứ nhì, được năm sáu mươi, với vài vị sư áo vàng. Buổi thứ ba, nói về triết học Cố Ấn tôi rợn tóc gáy vì Đại Giảng Đường chật ních vào khoảng bảy trăm người, với một đề tài rất khô khan khắc khổ mà tôi làm thành một giáo trình cẩn trọng để cho chính tôi.

Thượng Tọa Viện Trưởng kiên nhẫn ngồi nghe với các thính giả và phê bình rằng bài giảng của tôi giống như một bài giảng của một vị thầy của Đại Học Nalanda, nơi Thượng Tọa học. Điều này không có gì lạ cả, là vì tuy các sách triết Ấn của GS. Dan Guita và của triết gia Rhadakrisnan chỉ nói rất sơ sài về tư tưởng Ấn thời Đức Phật, nhưng kinh Brahmajala, dịch là Phạm Võng, là cái lưới trời mà chính Đức Phật nói cho Tăng già, đã nói hết cả. Triết học trói buộc con người vào sự khổ đau vĩnh cữu.

Bài diễn giảng cuối cùng cho ngày Vesak của tôi tại Đại Học Vạn Hạnh là về “Tư Tưởng Xã Hội của Đức Phật”. Khi nhận đề tài này, tôi ngơ ngẩn vì chưa hề nghe thấy một người nào hay đọc được trong một cuốn sách nào của Anh, Pháp, Đức, Ý, Nga về Đức Phật xã hội. Nhưng tôi được biết rằng sau khi đã bị tất các Đạo lớn từ chối, Tiến Sĩ Ambedkar đã được Phật-giáo, mới trở lại Ấn-độ, cho phép làm một buổi lễ lớn nhận một triệu người cùng đinh bị ruồng bỏ được quy y Phật, và chính ông cũng bỏ đạo cũ để thờ Đức Phật. Rằng Phó-thủ-tướng Anh và Chủ tịch Đảng Xã hội là Atla, sau khi đi dự Đại Hội của Đảng Xã Hội Miến (Myanmar, tức Burma), đã tuyên bố rằng có một đảng xã hội Á Châu đặt chủ thuyết trên lòng từ bi của Đức Phật và bỏ thuyết tranh đấu giai cấp, rằng chính sách kinh tế của Canada nói rằng chủ trương trung-đạo theo Giáo-pháp (Dharma) của Đức Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng để diễn giảng về tư tưởng Xã Hội của Đức Phật thì là một chuyện khác. Tôi lại về nhà và mỗi tối đọc cho hết năm bộ của Kinh-tạng để nhặt ra những lời dạy của Phật Tổ về những chế độ và tập quán trong xã hội Bà La Môn Giáo. Và tôi sáng mắt lên những ý tưởng tân tiến của Đấng Chánh Đẳng Chánh Giác hơn hai ngàn sáu trăm năm trước.

Bài giảng của tôi năm ấy đã được GS. Trần Văn Từ dịch ra Anh văn, rồi lại được Bà Celia Barclay, một nữ sĩ Anh dịch lại rồi lưu truyền trong Đạo Quakes là một Giáo phái Thiên Chúa Giáo rất uy tín ở Anh Quốc. Tôi cũng dùng bài này làm nền móng cho một cuốn sách nhỏ của tôi, tựa đề là “Đức Phật Giữa Chúng Ta.” Tôi nghĩ rằng thế giới hiện đại có thể được sáng hơn (enlightened) nếu được nghe lại những lời Phật dạy.

Trong những năm này, ngày đêm tôi học Phật và Đức Như Lai vẫn Như Lai với tôi ngoài những lúc tôi phải hành cái nghiệp trong y học và y khoa của tôi. Tôi không được học với Thầy Minh Châu một giờ một khắc nào, nhưng Thầy đã là người tiếp dẫn tôi đến chân Đức Phật, chỉ có năm bước đường và theo đúng lời dạy tối hậu của Người, “Tự mình là ngọn đèn cho chính mình, dùng Chánh Pháp làm chỗ nương tựa.”

Nhưng những ước mong của tôi chỉ là vọng ảo. Hiệp định Paris là kế hoạch chót để làm vỡ Thế giới Đỏ và gây một chiến cuộc mới giữa răng và môi, đồng thời lại thoát thân ra khỏi một vũng lầy chưa bao giờ bị.

Tôi còn gặp lại vị Thầy cũ trong Đạo khi phải ở lại vì những xiềng xích của định mệnh. Năm 1977, Đại Học Vạn Hạnh đã bị giải thể, một buổi sáng chủ nhật tôi đang ngồi đọc truyện giải buồn thì Thầy Minh Châu được chở đến nhà tôi trên một chiếc Honda. Thầy kể rằng Thầy đã về ở Thiền Viện Vạn Hạnh tại Phú Nhuận, mỗi ngày thức giấc từ 5 giờ sáng, xuống vườn đi vòng quanh chừng một tiếng đồng hồ rồi trở về tắm gội, ngồi thiền, xong thì ngồi dịch Kinh cho đến tối. Việc dịch Kinh đã thuần thục lắm, chữ nghĩa đã thông thuộc, nhiều khi đọc một câu tiếng Phạn (Pali-ngữ) thì tay đã viết ngay câu tiếng Việt.

Thầy đã dịch xong thêm một quyển Tiểu-Bộ-Kinh (Samyutta Nikaya) và muốn tôi đến giới thiệu tập kinh mới với các Phật Tử. Lúc ấy, hằng ngày tôi phải đối đầu với những người của chế độ mới để bảo vệ sự học của các sinh viên y khoa và giữ gìn sự an ninh của các bệnh nhân của Bệnh Viện nên từ chối và nhắc Thầy rằng Viện Đại Học còn có những giáo sư lớn như Cụ Nguyễn Đăng Thục và GS Vũ Văn Mẫu, xin Thầy thỉnh các vị. Tuần sau, Thầy Minh Châu lại đến cùng với Thầy Hộ-Giác, cho tôi biết rằng Ủy ban Nhân-dân Thành-phố sẽ đến dự buổi ra mắt Bộ Kinh, và hai giáo sư Nguyễn và Vũ đều không đến, nên nhất định tôi phải có mặt.

Tôi đã đến và giảng về Trung Đạo, cái Đạo Giữa của Đức Phật, từ chối những Đường cực đoan. Sau bài giảng, tôi về thẳng nhà và hai tháng sau, bỏ lại hết mọi phiền trọc, cắt đứt mọi kiết sử, vượt biển tới Cù Lao (Pulau) Besar để chờ ngày đầu thai ở một cõi sống khác. Thầy Minh Châu vẫn gửi các Kinh sách của Thầy viết và Kinh-Tạng dịch từ Pali, bản luận án Tiến Sĩ vể Trung Bộ-Kinh, cuốn tóm lược A-Tì-Đạt Ma (Abhidhamma), cuốn tiểu sử Huyền Trang, cuốn Đốt Đuốc Lên Mà Đi… sách nào tôi cũng đọc hết, nhập tâm và quên đi.

Tôi tiếp tục đi trên con Đường đã dài hơn hai ngàn sáu trăm năm của Phật Pháp. Không còn Thầy, tôi vào Trung-Luận với Long Thọ (Nagarjuna), vào Duy Thức với Vô trước (Asanga) và thế thân (Vasubandhu), vào Thiền Hoa-Nhật và Mật Tông, không quên các vị ngoại đạo là Lão tứ, Trang Tử, Patanjali, Sankara như Thượng Tọa Minh Châu đã muốn tôi làm, và luôn luôn thắp sáng ngọn đuốc tâm mà Đức Phật đã nhóm lên cho mỗi môn đồ khi ngài nhập Đại Bát Niết Bàn.

TRẦN NGỌC NINH, 2012

Hoa sen Trong tranh Giang Debin (2)