HTG-11: MẶT TRỜI CHÁNH NIỆM

Recent Pages:  1 2,  345678910, 11, 1213141516171819,  2021 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37  38 39 40 41
42 43 44 45  46 47 48  49  50  51 52

Sunrise July 18 - 2015

MẶT TRỜI CHÁNH NIỆM

Như ánh sáng mặt trời
Chiếu soi loài cây cỏ
Chánh niệm khi thắp lên
Chuyển hóa mọi tâm hành.

Mặt trời hình như không làm việc gì nhiều ngoài việc soi chiếu các loài thảo mộc. Nhờ có mặt trời mà cây cỏ lớn lên được. Màu xanh lá cây, hoa, trái tất cả đều do mặt trời hiến tặng. Mặt trời là nguồn thực phẩm của loài người và các loài súc vật. Dù ăn chay hay ăn mặn, chúng ta đều “ăn mặt trời”.

Chánh niệm chỉ làm một công việc duy nhất như mặt trời là chiếu soi. Chỉ chiếu soi thôi mà chánh niệm nuôi hết mọi sự. Chánh niệm tạo ra một vùng năng lượng. Vùng năng lượng đó có khả năng chuyển hóa mọi tâm hành. Tâm hành tức là tâm sở (citta-saṃskāra) là những hoạt động của tâm ý. Chánh niệm cũng là một tâm hành: tâm hành niệm. Tâm hành niệm là một trong năm tâm sở biệt cảnh: dục, thắng giải, niệm, định, tuệ.

Theo giáo lý tương tức một tâm hành chứa đựng các tâm hành khác. Chánh niệm khi mạnh có thể chuyển hóa những tâm hành khác như mặt trời chuyển hóa cây cỏ. Một bông hoa tulip hay một đóa sen trong hồ tiếp nhận những quang tử (hạt ánh sáng, photon) của mặt trời và sẽ từ từ hé nở. Quang tử của mặt trời là một loại năng lượng có thể đi vào trong đóa sen, phối hợp với nguồn năng lượng khác trong đóa sen và tạo ra hiện tượng hoa sen nở. Tâm hành cũng như cây cỏ, cũng có khả năng tiếp nhận năng lượng của chánh niệm để tự chuyển hóa. Chánh niệm là mặt trời. Khi mặt trời chánh niệm được thắp sáng trên vùng ý thức thì bất cứ một tâm hành nào khởi lên cũng được soi chiếu và chuyển hóa.

Buồn thì buồn mà phải có chánh niệm. Giận thì giận, nhưng phải có chánh niệm. Tôi đang thở vào và biết tôi đang giận. Giây phút đầu tiên khi giận vừa khởi lên thì chưa có niệm. Tu là khi cơn giận khởi lên, ta sẽ không đánh đuổi nó mà chỉ mời chánh niệm lên để săn sóc cái giận đó. Và nếu nuôi chánh niệm được lâu thì cái giận sẽ chuyển hóa. Chuyển hóa được ít hay nhiều là tùy theo sức mạnh của chánh niệm lớn hay nhỏ. Bí quyết của sự tu học là thắp lên mặt trời chánh niệm ở trong vùng ý thức để tưới tẩm, săn sóc, chuyển hóa các tâm hành.

Phương pháp tu không phải là đánh dẹp những tâm hành phiền não, không phải là đuổi nó ra. Đuổi các tâm hành đó ra thì chúng đi đâu? Lẽ tất nhiên, chúng sẽ đi xuống A-lại-gia thức. Mà càng ép thì các tâm hành đó càng lớn. Cho nên đừng đuổi chúng đi. Phải chấp nhận chúng và dùng ánh sáng chánh niệm để tiếp xúc với chúng. Xúc chạm với chánh niệm sẽ tạo ra sự chuyển hóa.

Ba phương pháp chuyển hóa khổ đau.

Có ba phương pháp để chuyển hóa những khổ đau mà mình bị tiếp nhận từ hồi thơ ấu:

Phương pháp thứ nhất là chuyển hóa gián tiếp, bằng cách gieo trồng và tưới tẩm. Nghĩa là cứ để những hạt giống khổ đau nằm yên ở dưới tàng thức và tiếp tục gieo trồng những hạt giống an lạc, hạnh phúc để chúng lớn lên và tự nhiên những hạt giống an lạc, hạnh phúc ấy sẽ chuyển hóa dùm những hạt giống khổ đau.

Phương pháp thứ hai là sống chánh niệm suốt ngày để nhận diện các tập khí. Chúng ta có nhiều tập khí. Thí dụ, vào tiệm ăn tại sao ta cứ chọn ngồi ở cái bàn này mà không ngồi ở bàn kia? Tại sao khi đi nghe pháp thoại ta không ngồi phía đằng trước mà luôn luôn ngồi tận cùng ở đằng sau? Tất cả hầu như là đã an bài, đã được ghi sâu vào tàng thức. Tất cả đã được viết sẵn trong A-lại-gia thức. Khi nó xuất hiện, nếu có chánh niệm thì có thể nhận diện và biết được lý do từ những các hạt giống sẵn có hoặc trao truyền.

Khổ đau cũng vậy. Hồi thơ ấu chúng ta có thể có nhiều đau khổ bởi lý do này hay lý do khác. Hằng ngày những khổ đau của quá khứ xuất đầu lộ diện rất nhiều lần, nhưng chỉ vì không có chánh niệm nên chúng ta không thấy và chúng ta tiếp xử với sự sống hiện tại trên cơ bản những đau khổ, những hạt giống đó. Vậy thì mỗi khi hạt giống đau khổ hiện lên thì phải đón tiếp nó bằng ánh sáng chánh niệm.

Mỗi khi chạm ánh sáng chánh niệm thì những hạt giống đau khổ sẽ yếu đi một chút, rất lạ. Chạm ánh sáng chánh niệm tức là nhận diện. Khi nhận diện ra rồi thì mỗi khi những hạt giống đau khổ ấy hiện lên ở “phòng khách”, tức là vùng ý thức, chúng muốn ở trên đó bao lâu cũng được, miễn là cũng có ngọn đèn chánh niệm ở đó, càng lâu càng tốt, vì càng lâu thì năng lượng chánh niệm càng mạnh và sức chuyển hóa càng có hiệu quả. Buồn, lo, sợ tất cả đều là năng lượng. Chánh niệm cũng là năng lượng. Hai nguồn năng lượng ấy khi gặp nhau thì sẽ có chuyển hóa.

Phương pháp thứ ba là mời cái khổ lên và đối diện với nó. Trong kinh có nói tới năm tâm hành sợ mà Bụt dạy để các Thầy, các Sư cô phải tâm niệm, quán chiếu mỗi ngày để chuyển hóa:

– Sợ già

– Sợ bệnh

– Sợ chết

– Sợ phải xa cách những người thương và những gì ta thương.

– Sợ không biết sẽ đi về đâu.

Những cái sợ đó luôn luôn nằm ở trong tàng thức. Dù muốn đè chúng xuống, dù muốn quên đi thì chúng vẫn nằm trong tàng thức. Phương pháp quán chiếu sợ hãi mà Bụt dạy có thể hiểu được dễ dàng dưới ánh sáng của Duy Biểu Học. Khi không có chánh niệm mà những cái sợ ấy hiện lên thì chúng ta sẽ mất tự chủ và sẽ sợ, sẽ khổ. Cho nên phương pháp này là mời những tâm hành sợ hãi đó lên và thắp sáng chánh niệm để quán chiếu:

1/ Tôi thế nào cũng già, tôi biết rằng tôi không thể nào tránh được sự già nua.

2/ Tôi thế nào cũng phải bệnh. Tôi không thể nào không bệnh. Tôi không thể nào tránh thoát được cái bệnh.

3/ Tôi thể nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh thoát được cái chết.

4/ Tất cả những người tôi thương yêu và tất cả những gì tôi trân quý hôm nay, một mai này tôi đều phải xa lìa và buông bỏ; tôi không thể nào tránh thoát được giờ phút xa lìa và buông bỏ ấy.

5/ Tôi là kẻ thừa tự những nghiệp quả do thân, miệng và ý của tôi tạo nên, và những nghiệp quả ấy là cái duy nhất tôi có thể mang theo với tôi sau này.

Đừng đợi cho những tâm hành đó tự hiện lên! Biết rằng chúng nằm ở dưới tàng thức và chúng ta mời chúng lên. “Mời anh lên chơi, tôi rảnh, chúng ta cùng nói chuyện”. Những cái sợ, cái buồn, những thất vọng, những ước mơ không thành tựu, những tiếc nuối, hãy mời chúng lên! Phải đối diện trực tiếp với chúng, miễn là có ánh đèn chánh niệm đàng hoàng. Đừng coi đó là kẻ thù. Chúng là chính mình. Hạnh phúc là mình mà đau khổ cũng là mình. Phải đối xử với các tâm hành ấy với thái độ bất nhị. Thái độ đánh đuổi, kỳ thị là một thái độ chống lại giáo lý bất nhị.

Tu học không phải là biến mình thành một bãi chiến trường: phe chính đánh với phe tà. Có thể là trong một vài truyền thống khác người ta nghĩ rằng tu học là chia con người ra hai phe: phe chính phải đánh với phe tà. Nhưng trong trường hợp Đạo Bụt thì cái mà mình gọi là phe tà chính là mình và mình phải chấp nhận và săn sóc nó. Phiền não tức Bồ đề. Phải chấp nhận phiền não, chăm sóc phiền não để chuyển hóa phiền não. Không phải là vấn đề đánh. Càng đánh thì nó càng mạnh. Càng đè ép thì nó càng lớn. Ở đây, chúng ta thấy rất rõ nguyên tắc tương tức, bất nhị của sự tu học.
Nói tóm lại ba phương pháp chuyển hóa khổ đau là:

Phương pháp thứ nhất: nhờ những hạt giống tốt chuyển hóa dùm.

Phương pháp thứ hai: nhận diện những hạt giống khổ đau khi chúng xuất hiện trên bình diện ý thức (thức thứ sáu).

Phương pháp thứ ba: mời những hạt giống khổ đau lên vùng ý thức.

Ba phương pháp ấy nếu thực hành được cả ba thì rất tốt. Nhưng nếu khi khổ quá, gần tuyệt vọng hoặc chưa thực tập chánh niệm hoặc niệm lực còn yếu thì không nên áp dụng phương pháp thứ ba. Phải thực tập phương pháp thứ nhất thật nhiều và khi nhờ phương pháp này mà chánh niệm đã khá hơn thì sẽ thực tập phương pháp thứ hai nghĩa là cố gắng nhận diện khổ đau khi chúng xuất hiện. Nhận diện được chừng nào thì đau khổ yếu đi chừng đó.

Khi đã có đủ sức mạnh chánh niệm rồi thì sử dụng phương pháp thứ ba. Cũng như khi có một con rắn độc dưới hang mà biết rằng chưa có khả năng bắt rắn thì lấy một cục đá chặn lại, đừng cho con rắn lên. Rồi mình đi học cách bắt rắn. Khi đã học được cách bắt rắn rồi, đã vững mạnh rồi thì có thể bắt rắn an toàn. Khổ đau cũng vậy. Khi nó lớn quá làm mình tê liệt thì không nên mời nó lên sớm mà phải thực tập phương pháp thứ nhất, thứ hai trước đã.

Qua bài này, chúng ta thấy được giáo lý bất nhị, giáo lý tương tức, và phương pháp bất bạo động trong sự tu học cũng như trong hành động hằng ngày.

Nguồn: Làng Mai

Chuyển đến trang:  1  2  3   5  6  7  8  9  10 11