Recent Pages: 1 2 3 4 5, 7, 6,
Thở chánh niệm
Hơi thở chánh niệm – Đời sống tỉnh thức
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta ai cũng thở nhưng chúng ta quên rằng: mình đang thở, thân ta tuy ở đây nhưng tâm lại ở một nơi khác. Thường ta bị ràng buộc bởi quá khứ, bị lôi kéo về tương lai hay đắm chìm trong những cảm xúc hiện tại. Cho nên ta không tiếp xúc được với những gì lành mạnh và nuôi dưỡng. Khi đó ta có thể trở về thực tập với hơi thở ý thức để nhiếp phục lại tâm ý. Sự thực tập đem sự chú ý vào hơi thở vào- ra là phương pháp để hợp nhất thân và tâm. Giúp ta có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây. Khi thân và tâm đã có mặt ta có thể tiếp xúc được với những gì mầu nhiệm tươi mát của cuộc sống. Điều này tuy có vẻ đơn giản nhưng hiệu quả mang lại thì rất lớn. Sự thực tập này được gọi là thực tập chánh niệm hay hơi thở có ý thức. Những bài tập này do chính Bụt chỉ dạy, thật dễ dàng để có được niềm vui và sự an lạc trong khi cuộc sống có quá nhiều bận rộn.
Thực tập thở có chánh niệm giống như đang uống một ly nước mát. Chỉ cần nhận diện và ôm ấp hơi thở như một bà mẹ trở về nhà để chăm sóc cho đứa con một cách dịu dàng trong vòng tay. Bạn thở và cảm nhận không khí đang đi vào và đi ra. Chúng ta thực tập:
Thở vào, tôi biết tôi biết đây là hơi thở vào
Thở ra, tôi biết tôi nhận diện hơi thở ra
Sau khi thực tập được vài hơi thở bạn có thể chỉ cần nhớ vào–ra. Điều này không phải là suy nghỉ, đơn thuần chỉ là sự nhận diện. Đừng cố thúc ép hay điều khiển, nếu hơi thở của bạn ngắn và chưa được êm dịu thì cứ để như vậy. Ta chỉ cần ý thức về nó, dưới ánh sáng của sự tỉnh thức hơi thở sẽ trở có phẩm chất hơn, sâu hơn, dịu hơn.
Thở vào, tôi thấy hơi thở vào của tôi đã sâu hơn
Thở ra, tôi thấy hơi thở ra của tôi đã chậm hơn
Rồi tiếp tục đem tâm ý theo dõi suốt chiều dài của hơi thở (theo dõi hơi thở từ đầu cho đến cuối). Bạn sẽ chấm dứt được suy nghĩ và có cơ hội nghỉ ngơi. Ta không còn phải đối mặt với những lo lắng và sợ hãi.
Thở vào, tôi theo dõi hơi thở vào từ đầu cho tới cuối
Thở ra, tôi theo dõi suốt hơi thở ra
Trong cuộc sống hàng ngày bạn đã bỏ bê xao lãng cơ thể của mình. Thực tập hơi thở với một nụ cười hàm tiếu sẽ làm buông thư tất cả những căng thẳng trên khuôn mặt. Nào, bây giờ là cơ hội để trở về với cơ thể. Để nhận diện sự có mặt và bắt đầu làm quen trở lại với cơ thể mình.
Thở vào, tôi ý thức về cơ thể tôi
Thở ra, tôi buông bỏ tất cả những căng thẳng trong thân thể tôi
Khi bạn đã có thể hiến tặng sự an lạc và hòa điệu cho cơ thể bạn. Giúp cho cơ thể buông thư những căng thẳng, lúc này bạn có thể để ý đến những cảm thọ đau nhức trong tự thân. Năng lượng chánh niệm sẽ ôm ấp lấy cảm thọ đau nhức ấy. Khi thân bị căng thẳng hay đau nhức hơi thở của bạn sẽ chịu ảnh hưởng. Cho nên phẩm chất của hơi thở là kết quả của thân và cảm thọ.
Thở vào, tôi để ý đến những cảm thọ đau nhức trong tôi
Thở ra, tôi mỉm cười với những cảm thọ đau nhức trong tôi.
Khi bạn đem sự chú ý vào hơi thở, tức là bạn đã đem tâm trở về đoàn tụ với thân. Và trong giây phút này chúng ta biết mình đang sống và đang cảm nhận sự sống. Điều quan trọng và mầu nhiệm là bạn có thể tiếp xúc được với những gì đang có mặt trong ta và xung quanh ta. Đôi mắt là một sự mầu nhiệm, chỉ cần mở mắt là ta có thể tiếp xúc được với thiên đường của màu sắc: nắng ấm, trời xanh, lá vàng, mây bay… Tai ta cũng là một sự mầu nhiệm, ta cũng có thể nghe được những âm thanh như chim hót, tiếng gió xuyên qua những rừng thông… Và bạn hãy tận hưởng những giây phút lắng dịu và nuôi dưỡng ấy.
Thở vào, tôi đang nhận diện trời xanh
Thở ra, tôi đang mỉm cười với trời xanh
Thở vào, tôi nhận diện những chiếc lá đẹp của mùa thu
Thở ra, tôi mỉm cười với những chiếc lá đẹp của mùa thu
Bạn có thể rút gọn:
Trời xanh – thở vào
Mỉm cười – thở ra
Lá vàng – thở vào
Mỉm cười – thở ra
Khi bạn thở chánh niệm tức là chánh niệm về hơi thở. Khi bạn đi chánh niệm tức là chánh niệm vào bước chân. Chánh niệm có thể được đem vào đối tượng của vật lý và tâm lý. Đem đến sự nhận diện và nhẹ nhàng. Sự sống chỉ có thể có mặt trong giây phút hiện tại. Việc quan trọng nhất của bạn là có mặt bây giờ và ở đây để thưởng thức từng giây phút ấy.
Thở vào tâm tỉnh lặng
thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tai
Giây phút đẹp tuyệt vời.
tỉnh lặng – mỉm cười – hiện tại – tuyệt vời.
Một thiền phổ khác:
Vào, ra
Sâu, chậm
Khỏe, nhẹ
Lắng, cười
Hiện tại, tuyệt vời
Hai chữ đầu: “Vào, ra” có nghĩa là “Thở vào, tôi biết tôi thở vào; thở ra, tôi biết tôi thở ra”. Khi thở vào, ta chỉ chú tâm tới hơi thở vào. Không suy nghĩ, hoàn toàn chú tâm vào hơi thở vào. Cũng vậy, khi thở ra, ta hoàn toàn chú tâm vào hơi thở ra. Đây là bài tập đầu tiên. Ta tiếp tục nói thầm “Vào, ra” trong khi thở và theo dõi suốt chiều dài của hơi thở vào và hơi thở ra.
Đừng để tâm ý chạy lăng xăng xa rời hơi thở: “Thở vào, tôi biết… trời ơi, mình quên không tắt đèn trong phòng!” Như thế không phải là chú tâm, bởi vì tâm đang nhảy từ chuyện này sang chuyện khác. Phải theo dõi hơi thở từ đầu đến cuối. Hơi thở chỉ kéo dài bốn hay năm giây đồng hồ. Ai cũng có thể chú tâm một trăm phần trăm vào suốt chiều dài một hơi thở. Thực tập hơi thở chánh niệm vào ra trong một phút, ta dừng được suy nghĩ một phút. Thật tuyệt vời khi ta được ngưng suy nghĩ và sống. Hầu hết suy nghĩ của chúng ta là chướng ngại cho việc sống, bởi vì khi miệt mài suy nghĩ thì ta không “có mặt”, không thực sự sống, không tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. “Tôi suy tư, nên tôi không hiện hữu.”1 “Tôi suy tư nên tôi bị lạc trong rừng suy tư.” Bị lạc trong suy tư nghĩa là không hiện hữu.
Giả sử con trai hay con gái bạn đang bên cạnh bạn mỉm cười đẹp như một bông hoa. Nhưng bạn lại đang bận suy tư về quá khứ, tương lai, về những dự án, hay đang lo lắng buồn khổ, tức là bạn đang bị lạc trong suy tư. Khi đó con trai hay con gái bạn không có đó cho bạn, bởi vì bạn không có đó cho các con. Bạn đang ở đâu đó trong rừng suy tư. Chỉ cần bạn không bị suy tư cuốn hút thì bạn đã có mặt trong hiện tại rồi, bây giờ và ở đây, để có thể tiếp xúc với những mầu nhiệm của cuộc sống, đó chính là con trai, con gái của bạn.
Chỉ cần một hơi thở vào và một hơi thở ra cũng đủ để ta ngưng thói quen suy nghĩ và trở về với giây phút hiện tại – bây giờ và ở đây. Khi thở có chánh niệm thì tâm lập tức trở về với thân. Trong cuộc sống hằng ngày, thân ta có thể ở đây nhưng tâm đang phiêu bạt nơi nào. May mắn thay, chúng ta có hơi thở. Hơi thở là nhịp cầu nối thân và tâm. Ngay khi thở một hơi thở chánh niệm, thân tâm tức khắc hợp nhất. Thật là tuyệt diệu, thật là dễ dàng, chẳng cần tốn bao nhiêu thì giờ, năm hay mười giây đồng hồ là cùng, bỗng nhiên ta hết tán loạn, ta có chánh niệm, có định tâm. Bởi vì khi thân và tâm hợp nhất thì ta thực sự có mặt. Ta thực sự có mặt thì những điều khác cũng có mặt, sự sống có mặt, những người thương có mặt.
Khi lái xe, ta phải chú tâm tới hơi thở vào ra. Phải thực sự có mặt trong khi lái xe thì lái xe mới an toàn. Khi tưới hoa, ta cũng thực tập hơi thở để thực sự có mặt thưởng thức những bông hoa và có niềm vui trong khi tưới hoa.
Khi đã biết cách thực tập hơi thở chánh niệm trong khi lái xe, rửa bát, đi bộ, ta mời những người thân trong gia đình cùng thực tập. Cả nhà cùng ngồi thực tập hơi thở chánh niệm với nhau, tận hưởng sự có mặt của nhau, đầm ấm và bình an. Không cần phải xem tivi. Rồi sau đó ta chia sẻ thực tập với bạn bè trong công ty. Ta có thể bày cho họ phương pháp tự chăm sóc khi mệt mỏi, khi xúc động, khi đau buồn.
Đến đây, xin mời bạn tạm ngưng đọc và ngay bây giờ mời bạn thực tập hơi thở vào ra trong một, hai, hay ba phút cho đến khi thực sự chú tâm vào hơi thở. Bạn sẽ khám phá ra rằng phẩm chất của hơi thở tăng lên rất nhanh. Đừng cố gắng làm cho bằng được. Cứ để tự nhiên rồi hơi thở vào sẽ sâu hơn, và hơi thở ra sẽ chậm hơn, thư thái hơn, êm dịu hơn.
Thiền đi
Khi đi từ văn phòng tới bãi đậu xe, hay tới nhà vệ sinh, khi phải vượt qua vài dãy phố hay chỉ mấy bước chân, ta luôn luôn có thể thực tập thiền hành, nghĩa là đi trong chánh niệm từng bước một, không suy nghĩ, không tính toán.
Để đi thật thảnh thơi, bạn nên kết hợp bước chân với hơi thở, khi thở vào có thể bước hai, hay ba bước, thở ra bước hai hay ba bước. Tôi thường bước hai bước khi thở vào và nói: “Vào, vào”. Tôi nói bằng bàn chân chứ không nói bằng miệng. Tôi đặt tất cả sự chú tâm vào hai lòng bàn chân. Bàn chân của tôi “hôn” lên mặt đất với tất cả tình thương. Khi thở ra, tôi đi thêm hai bước và nói: “Ra, ra”. Như thế nhịp đi của tôi là “Vào, vào. Ra, ra.”, bàn chân chạm đất trong chánh niệm. Thở tự nhiên và phối hợp bước chân với hơi thở. Đừng suy nghĩ mông lung, đem sự chú ý của mình xuống hai lòng bàn chân. Ta sẽ thấy rằng bước chân của ta vững vàng hơn, chắc chắn hơn. Sự vững chắc ấy sẽ đi vào trong cơ thể, vào trong tâm thức ta. Hãy đi như một người tự do. Ta không còn là nô lệ cho những dự án hay buồn phiền nữa. Mỗi bước chân là một bước phục hồi tự do.
Tôi đi vì tôi muốn đi, không phải vì ai thúc giục hay ép buộc. Tôi đi như một người tự do, tận hưởng từng bước chân. Tôi không hấp tấp bởi vì tôi muốn thực sự có mặt trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây, tiếp xúc với sự sống trong từng bước chân “Vào, vào. Ra, ra”. Đi như thế rất dễ chịu bởi vì ta cảm nhận được tự do trong ta. Đi mà không bị quá khứ, tương lai, dự án lôi kéo, tức bạn được là chính bạn, là chủ nhân.
Sau khi thực tập câu đầu của bài kệ, ta thực tập câu tiếp theo “Sâu, chậm”. “Sâu sâu, chậm chậm”. Thở vào thầm nói “sâu, sâu”, thở ra thầm nói “chậm, chậm”. Nói bằng bàn chân, chứ không phải nói bằng cái đầu. Để ý xem ta bước được mấy bước khi thở vào, mấy bước khi thở ra, tùy theo khả năng của buồng phổi mà thở cho thoải mái là được. Đi mà như lao tác mệt nhọc thì tức là mình đi chưa đúng. Thực tập phải cảm thấy dễ chịu và có sự trị liệu, chuyển hóa.
Tiếp đến là “Khỏe, nhẹ”. “Khỏe, khỏe, nhẹ, nhẹ.” Đừng nói một cách máy móc. Khi nói “Khỏe, nhẹ” ta phải cảm thấy thân, tâm ta thực sự khỏe, nhẹ. Khi bạn chú tâm và tận hưởng từng bước chân tức là bạn đang nâng đỡ cho tất cả những ai cũng đang thực tập như bạn, và ngược lại bạn cũng được nâng đỡ bởi sự thực tập của mọi người. Nếu bước được những bước chân vững chãi, thảnh thơi, khỏe, nhẹ, thì bạn đã đóng góp rất nhiều vào phẩm chất cuộc sống của tất cả mọi người.
Phải có khả năng buông bỏ. Bất cứ điều gì xảy ra cũng không làm cho ta đánh mất hạnh phúc, an lạc bởi vì năng lượng của chánh niệm có trong ta. Bụt có trong ta khi ta mỉm cười trong chánh niệm. Bụt có trong ta khi ta đi trong chánh niệm. Bụt có trong ta khi ta uống trà trong chánh niệm. Ta có khả năng uống trà trong chánh niệm, đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm. Đừng nghĩ rằng Bụt là một khái niệm trừu tượng. Bụt rất cụ thể. Bụt là năng lượng chánh niệm luôn có sẵn trong ta, nếu ta biết cách sử dụng.
Tôi biết một nữ doanh nhân luôn luôn thực tập thiền hành. Thay vì hấp tấp, bà dành cho mình đủ thì giờ để thưởng thức từng bước đi và không hề tính toán chuyện công việc trong khi đi. Bà biết chăm sóc thân tâm với tất cả tình thương.
Đi thiền là một việc mà ai trong chúng ta cũng có thể học được. Biết rằng mình đang còn sống, biết rằng mình đang đi trên mặt địa cầu xinh đẹp là điều mầu nhiệm. Nhiều người trong chúng ta chỉ biết chạy, không có khả năng sống sâu sắc trong giờ phút hiện tại. Nếu chỉ đi để tới một địa điểm khác tức là ta đang hy sinh những bước đi của mình. Ta đánh mất sự sống trong khi đi, ta bị lỗ vốn. Thiên Đường nằm ở đâu? Thiên Đường nằm trong giây phút hiện tại. Nếu biết thực tập đi trong chánh niệm thì ta có thể tiếp xúc với Thiên Đường ngay trong từng bước chân. Chỉ là vấn đề thực tập mà thôi, biết bao mầu nhiệm của cuộc đời đang có mặt đó cho ta.
Một hôm, tôi đi thiền hành tại xóm Hạ với các xơ và các cha cố Thiên Chúa giáo. Chúng tôi đi trên thảm cỏ về phía rừng. Đang mùa xuân, rất nhiều bông hoa nhỏ li ti đủ màu sắc nở khắp thảm cỏ xanh. Chúng tôi đi trong chánh niệm cho nên chúng tôi có thể thưởng thức những vẻ đẹp đó của cuộc sống. Chúng tôi đi trong im lặng, vui với từng bước chân đặt êm dịu lên mặt đất, tiếp xúc với những gì có mặt. Chúng tôi dừng lại ở bìa rừng, ngồi xuống lắng nghe tiếng chim hót và ngắm nhìn ánh nắng xuyên qua kẽ lá. Hôm đó, phần đông chúng tôi là tu sĩ, Thiên Chúa giáo và Phật giáo. Tôi quay lại và nói với một Thầy người Pháp: “Thầy biết không, Thiên Đường là bây giờ hoặc không bao giờ.” Tôi nói bằng tiếng Pháp “Le paradis est maintenant ou jamais.” Thầy ấy gật đầu và mỉm cười. Thiên Đường không phải là một ý niệm. Thiên Đường có thực, bởi vì sự sống có thực, ngay đây, với biết bao mầu nhiệm.
Nếu không có khả năng sống trong giây phút hiện tại thì không có khả năng đặt chân lên Tịnh Độ hay vào Thiên Đường. Chỉ cần thực tập một chút, ta có thể ngừng lại, ngay bây giờ và ở đây, và tiếp xúc sâu sắc với sự sống. Khi đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, bởi vì ta có thêm vững chãi, tự do, và hạnh phúc. Dành thì giờ để đi như thế mỗi ngày sẽ giúp ta chuyển hóa thân tâm, để có thể chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, đồng nghiệp ngày càng tốt hơn.
Source: Làng Mai .
THIỀN AN ĐỊNH
PHẬT DẠY LUYỆN TÂM NHƯ CHĂN TRÂU
Soạn Giả: Tâm Minh Ngô Tằng Giao
DIỆU PHƯƠNG xuất bản 2010
TÂM Ý CON NGƯỜI
Tâm ý con người rời đổi mau lẹ trong từng phút từng giây theo với ngoại cảnh. Đức Phật đã dạy: “Tâm viên, ý mã”. “Viên” là vượn, “mã” là ngựa. Tâm người như vượn chuyền trên cây, như ngựa rông nơi đồng nội. Đây là cái tâm chập chờn, lăng xăng, vọng động của con người. Cái tâm khi ma khi Phật. Cái tâm như khỉ như vượn. Cái tâm khó kiểm soát, khó canh phòng. Còn ý của con người thì mênh mông đủ chuyện, mơ tưởng từ đông sang tây, hết quá khứ tới vị lai… Trong nháy mắt ta có thể có đến biết bao nhiêu là ý tưởng dấy lên, chúng tiếp nối nhau cái này sau cái khác, thoáng qua nhanh chóng trong đầu như ngựa tự do chạy trên cánh đồng rộng thênh thang. Chính vì tâm ý sinh diệt quá mau lẹ, nhiều khi ta không nhận ra được sự biến chuyển của nó, nên ta có cảm tưởng như nó không thay đổi gì cả.
Tâm điều khiển ý muốn và hành động của con người. Tâm tạo ra mọi thứ, không có gì trong cuộc đời này có thể so sánh hay thay thế được tâm. Cho nên canh phòng và kiểm soát tâm, hướng dẫn tâm theo chính đạo là điều cần thiết. Nhưng việc này không dễ thực hiện, vì dò biết được tâm con người còn khó hơn dò lòng đại dương. Hơn nữa thân thể nếu có bệnh hoạn ta vội vã đi tìm thầy, chạy thuốc, nếu mệt mỏi ta vội cho nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, nhưng có rất nhiều người dường như lơ là và không coi cái tâm của mình là hệ trọng!
Qua các kinh sách ta thấy đức Phật luôn nhấn mạnh vào vai trò rất quan trọng của tâm trong đời sống con người. Chỉ cần tham khảo một cuốn KINH PHÁP CÚ (DHAMMAPADA) thôi cũng thấy biết bao nhiêu lời khuyên dạy của Ngài.
Đức Phật dạy rằng mọi hành động đều do tâm hướng dẫn, do tâm làm chủ và do tâm tạo nên. Theo lối hành động tiêu cực thời con người thường buông thả theo bản tính. Lối này dễ thực hành hơn, có thể thoả mãn tạm thời tính ích kỷ và lòng ham muốn thụ hưởng thường tình của con người. Tiếc thay nếu ta nói hay hành động với ý xấu hoặc với ác tâm thì khổ não và bất hạnh sẽ theo ta như cái bánh xe lăn theo bước chân của con vật kéo xe:
“Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề
Tựa như là cái bánh xe
Theo chân con vật kéo lê trên đường.”
(Kinh Pháp Cú, câu 1)
Nhưng nếu ta theo lối hành động tích cực thời con người thường suy nghĩ chín chắn, có kiểm soát để theo lẽ phải trái, biết phân biệt thiện, ác. Nếu ta nói hay hành động với ý tốt, với thiện tâm, thời hạnh phúc và an lạc sẽ theo ta như bóng theo hình:
“Việc làm của bản thân ta
Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu
Nói năng, hành động trước sau
Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui
Và bao hạnh phúc trên đời
Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.”
(Kinh Pháp Cú, câu 2)
Trong hai câu Pháp Cú 1 và 2 đối nhau ởtrên, đức Phật dạy cho ta thấy rằng theo “luật nhân quả” thời con người có hai cách xử sự và mỗi cách sẽ đưa đến một hậu quả khác nhau. Hậu quả đó tốt hay xấu đều tùy thuộc ở hành vi của con người đã làm trong quá khứ hay đang làm trong hiện tại. Tất cả những hậu quả tốt hoặc xấu do hành vi của con người tạo ra đối với xã hội và đối với chính mình, đếu là trách nhiệm của mình. Điều thiện điều lành sẽ tạo nghiệp thiện và đưa đến an lạc, hạnh phúc. Điều xấu điếu ác sẽ tạo nghiệp dữ và đưa đến khổ đau. Không cần phải có một đấng thiêng liêng tối cao nào để thưởng phạt con người. Chính con người tự thưởng hay tự phạt mình bằng những hành động của chính mình. Ai gieo thứ gì thì sẽ gặt hái thứ ấy. Kẻ gieo gió sẽ gặt bão. Con người tự tạo cho mình thiên đường hay địa ngục. Con người tự xây dựng số phận cho chính mình.
Muốn tâm được phát triển sâu rộng, ta cần phải chăm sóc tâm, nếu không cái tâm đó sẽ luôn luôn nhìn cuộc đời bằng con mắt“hai chiều” (nhị nguyên) để rồi luôn bị kích động bởi hai chiều đối nghịch nhau là yêu-ghét, lấy-bỏ, được-mất, hơn-thua, khen-chê, vinh-nhục v.v… Chỉ khi nào tâm đã được rèn luyện, ta mới có thể thay đổi cái nhìn của mình. Trong kinh Phật đã dạy cách an trụ tâm và hàng phục tâm. Phật dạy rằng “lục trần”là nguyên do làm cho tâm ý con người bị động. “Lục” là sáu, “trần” là bụi dơ.Lục trần là sáu cảnh bên ngoài như bụi bặm có thể làm nhiễm dơ tâm ý ta. Sáu cảnh đó là “sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp”. Sáu cảnh này do sáu căn là “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý” mà nhập vào thân làm ô nhiễm cái tâm thanh tịnh của ta.
“Sắc” là những mầu sắc, những hình thể của người, của sự vật v.v… hiển hiện ra cho ta thấy. Khi mắt thấy màu sắc, hình thể, ý nhận rằng đẹp đẽ, từ đó nảy lòng muốn chiếm đoạt bằng mọi cách. Khi thấy châu báu, tiền bạc muốn thâu góp. Khi thấy người có sắc đẹp bèn có ý muốn chạy theo. Cái đẹp thì ưa thích tìm cách tạo sắm cho được, khi được rồi thời lo bảo quản giữ gìn. Một thời gian sau nếu cái đẹp đó bị mất đi thời buồn rầu tiếc nuối khổ sở để mong kiếm tìm lại… Khi tiếp xúc với người thời ai tử tế sẽ cho là tốt là phải, ai tệ bạc sẽ cho là xấu là sai quấy. Và cứ như thếmà ý tưởng dấy khởi không ngừng. Khi thấy màu sắc hoặc hình thể xấu xa, không hợp nhãn mà những cái đó cứ bấu víu lấy ta thời ta khổ sở và loay hoay tìm cách xa lìa, buông bỏ v.v… Các trường hợp như vậy đều làm cho tâm bị ô nhiễm và dao động.
“Thanh” hay “thinh” là tiếng phát lộ ra của vật vô tình và hữu tình. Tiếng của vật vô tình thì không có ý nghĩa gì như tiếng gió mưa, tiếng sấm sét. Tiếng của vật hữu tình như những thanh âm của giọng nói, lời ca tiếng hát, tiếng đờn, tiếng nhạc thì có ý vị, có lý thú. Những giọng nói ngon ngọt, lời rủ rê ngọt ngào, tiếng nịnh hót êm ả lọt vào lỗ tai làm ta cảm động xiêu lòng, say đắm, nên chạy theo âm thanh đó, tìm cách vận dụng mọi khả năng của mình để tạo phương tiện làm sao cho âm thanh đó có mãi hoặc mê mải làm theo những lời đó. Trái lại khi nghe tiếng chát chúa đắng cay, tiếng cục cằn nhục mạkhó nghe, thời ta nổi lên ý nghĩ muốn xóa bỏ, cố làm cho tiếng trái tai đó không đến nữa. Các trường hợp như thế đều làm cho tâm bị dao động và ô nhiễm.
Rồi đến các loại như “hương” là chất ngửi vào mũi, mùi phát ra từ nơi hình sắc của mỗi vật của mỗi chúng sinh như mùi thơm tho của son phấn, của hoa lá, của món ăn thức uống thoảng vào mũi…“Vị” là vị ngon ngọt của món ăn thức uống thấm đượm vào đầu lưỡi… “Xúc”là sự tiếp xúc, gặp gỡ, đụng chạm với đồ vật, quần áo, thân thể con người mà mình ưa thích… “Pháp” là những phương thế, những tư tưởng xâm nhập cái ý nghĩ của mình khiến mình sinh ra những sự phán đoán phân biệt. Khi ưa khi thích thì muốn ôm muốn giữ lại. Khi chê khi ghét thì muốn xua muốn đuổi đi. Tất cảnhững cái đó cũng đều làm cho tâm bị động.
Muốn an trụ tâm thì chẳng nên dính với lục trần. Lục trần cũng được gọi là “lục tặc”, tức là sáu tên giặc thường hay cướp đi công đức, lấy mất thiện pháp của ta. Kinh Phật từng ghi rõ: “Sáu tên giặc lớn tức là sáu trần ở bên ngoài… Vì chúng hay cướp đoạt hết thảy mọi thiện pháp… sáu giặc lớn kia đến đêm thì sung sướng hí hửng. Giặc ác lục trần cũng giống hệt như thế, ở chỗ tăm tối vô minh thì sung sướng hí hửng”. Người theo đạo Phật phải dõng mãnh chiến đấu chống lục tặc trong tâm mình vì: “Chiến trận gay go nhất là chống giặc nội tâm. Hàng phục được giặc nội tâm, ấy là kẻ trượng phu.”