Recent Pages: 1, 2, 3, 4, 5, 7, 6,
Những gì hành giả nên làm và không nên làm
Theo: Dos and Don’ts for Meditators
Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí
(3) Chấp thủ vào các lễ nghi, tín điều
Ba loại kiết sử này phải được vượt qua trước khi hành giả bước vào dòng Thánh và được gọi là một bậc thánh Nhập- lưu (Sotapanna).
Để đạt được quả vị Nhập – lưu, hành giả phải hội đủ bốn điều kiện sau đây:
– Trước tiên là phải có một vị thầy có kinh nghiệm và năng lực để hướng dẫn cho mình. Mục tiêu của thiền Vipassana không phải là chỉ để đạt được hạnh phúc trong một hoặc hai cõi giới mà còn để thoát khỏi mọi thứ đau khổ hiện hữu trong tất cả các cõi giới trong vòng luân hồi (samsara) cũng như thoát ra khỏi vòng luân hồi. Vì vậy, điều quan trọng nhất trong việc nỗ lực để đạt đến quả vị Tu- đà- hoàn là phải có một vị thầy tốt và có năng lực, một vị thiền sư giàu kiến thức pháp học cũng như có kinh nghiệm thực tiễn trong pháp hành.
– Thứ hai là hành giả tham gia thực hành thiền tích cực phải chăm chú lắng nghe những lời hướng dẫn và những bài pháp thoại hết sức cẩn thận nhằm có được sự hỗ trợ cần thiết trong quá trình thực hành Vipassana. Nếu hành giả chú ý lắng nghe những lời hướng dẫn và các bài Pháp thoại của thiền sư, hành giả sẽ sinh khởi đức tin (Sadha) trong việc thực hành và không thể lầm đường, lạc lối trong việc thực hành của mình. Vì vậy, trong việc giảng dạy nghiêm túc luôn luôn có lý thuyết đi kèm với thực hành.
Thiền sinh trong khi thực hành thiền đi, thiền ngồi v.v…, phải chú ý và ghi nhận tất cả mọi hiện tượng vật lý và tâm. Họ cũng phải am hiểu về mặt lý thuyết nữa. Thí dụ, theo lời dạy của Đức Phật thì chỉ có tâm và vật chất, nhân và quả. Qua việc đọc suông thôi thì không thể đưa thiền sinh đến một sự hiểu biết rõ ràng, nếu nhưng lý thuyết kết hợp với thực hành sẽ giúp thiền sinh đạt được một sự hiểu biết rõ ràng về cả hai mặt thực hành và lý thuyết. Để hiểu được sâu sắc tâm lý học của Phật giáo và khía cạnh tâm lý của việc thực hành chuyên sâu, hành giả phải chăm chú lắng nghe những bài Pháp thoại. Chỉ như vậy thì hành giả mới có thể nắm bắt được tâm lý học Phật giáo qua việc thực hành, và điều này sẽ đưa đến một sự tiến bộ nhanh chóng về phương diện tuệ quán.
– Thứ ba là phải có một thái độ chân thật và thẳng thắn khi trình Pháp với thiền sư. Trong quá trình thực hành, hành giả đôi khi ghi nhận tốt và đôi khi ghi nhận không tốt. Trong việc trình bày những kinh nghiệm của mình, hành giả phải trình bày chúng một cách chính xác với thiền sư. Nhiều hành giả trong một số trường hợp chỉ trình những mặt tốt của các kinh nghiệm nhưng không trình một cách thẳng thắn những mặt không tốt của vấn đề. Mặc dù hành giả có thể nghĩ rằng việc ngồi thiền của mình không đạt yêu cầu nhưng theo quan điểm của một người thầy thì có thể trái ngược. Để đạt được tuệ Minh sát (Vipassana nana), không phải lúc nào việc thực hành cũng diễn ra trơn tru. Bước đầu, chắc chắn có những khó khăn bởi vì đây là một lãnh vực mới cho hầu hết mọi hành giả. Chỉ sau một thời gian thực tập, nhờ sự phát triển của năng lực định, hành giả mới có thể có được chút ít kinh nghiệm tốt. Sau đó hành giả cũng sẽ có những kinh nghiệm không tốt. Những kinh nghiệm này có thể có những ảnh hưởng bi quan đến hành giả trong một thời gian dài và thực tế chỉ trở nên tốt vào giai đoạn cuối của việc thực hành.
Khi hành giả gặp phải những giai đoạn khó khăn này, thiền sư mong đợi hành giả trình những kinh nghiệm khó khăn của mình để có thể hỗ trợ và sách tấn cho hành giả kịp thời. Đây là cơ hội để thiền sư đưa ra những lời khuyên đúng đắn giúp thiền sinh tiếp tục phát triển việc thực hành của mình. Vì vậy, thật quan trọng để các hành giả trình cho thiền sư những mặt không tốt cũng như những mặt tốt của việc thực tập của mình một cách rõ ràng, thẳng thắn và chính xác.
– Thứ tư là hành giả phải siêng năng và cần cù trong việc thực hành của mình. Hành giả phải luôn tỉnh giác và sẵn sàng ghi nhận với nỗ lực liên tục ngay từ khi mới thức giấc. Bổn phận chủ yếu và quan trọng nhất của hành giả là ghi nhận bất cứ những gì sinh khởi trong thân và tâm của mình trong khi ngồi hoặc đi, trong mọi việc mà hành giả làm. Ngay cả khi thân cử động, nhúc nhích, xê dịch một chút thôi, hành giả cũng phải ghi nhận với sự tỉnh giác, không bỏ sót bất cứ điều gì: Chuyển động của bàn tay, thay quần áo v.v… Hành giả có thể vội vàng làm hai việc trong cùng một lúc. Tuy nhiên, không nên như vậy vì hành giả có thể bỏ qua không ghi nhận các hành động và cử động một cách chi tiết. Trong lúc ăn cũng vậy, hành giả không được ăn trong sự đãng trí, có nghĩa là không có sự tỉnh giác. Trong thực hành Tứ Niệm Xứ, hành giả phải ghi nhận tất cả mọi cử động một cách cẩn thận và tỉnh giác, không bỏ sót bất cứ điều gì. Theo cố Hòa thượng Thiền sư Mahasi Sayadaw, hành giả phải ghi nhận ngay cả khi đi vệ sinh. Vì vậy, không có gì là không được ghi nhận cả. Mọi hiên tượng vật lý và tâm phải được ghi nhận một cách cẩn thận.
Nếu hành giả làm tròn bốn yếu tố nêu trên với tác ý sắc bén thì việc đạt đến quả vị Tu-đà-hoàn (Sotapanna) là khá dễ dàng. Để giúp hành giả đạt được mục tiêu chính này, cố Hòa thượng Thiền sư Mahasi Sayadaw đã đề ra những quy tắc về giới hạnh để hành giả tuân theo và những gì mà hành giả phải giữ để tránh không phạm phải:
– Việc đầu tiên là hành giả phải hạn chế nói chuyện, ăn và ngủ. Nói là một yếu tố chướng ngại chính trong thiền tập. Tốt nhất là không nên nói gì cả trong khi thực hành tích cực. Nếu buộc lòng phải nói thì hành giả phải tự cảnh giác mình trước và hạn chế chỉ nói những gì cần thiết bằng không việc nói sẽ diễn ra bất tận. Ngay cả trong khi nói, hành giả cũng phải ghi nhận tác ý muốn nói và chủ đề được nói đến. Kế tiếp, hành giả nên ăn ít hơn, không bao giờ ăn quá no. Về việc ăn, Đức Phật đã dạy rằng hành giả không nên ăn đầy bụng mà phải chừa lại ít nhất bốn hoặc năm miếng và sau đó uống một ít chất lỏng như nước, canh, cà phê v.v…để làm đầy bao tử. Ăn uống như vậy sẽ giúp cho việc thực hành của hành giả được thuận lợi hơn. Vì hành giả phải cẩn trọng trong việc ăn của mình.
Ngủ ít chừng nào càng tốt chừng ấy để dành nhiều thời gian hơn cho việc hành thiền. Mỗi đêm có 12 tiếng, các hành giả thánh thiện thưở trước chỉ ngủ bốn tiếng và sử dụng thời gian còn lại để hành thiền một cách nghiêm túc. Dĩ nhiên, có thể có người sẽ tranh cãi rằng ngủ ít như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của thiền sinh. Nhưng đối với các hành giả, khi đang ngồi thiền, họ ít nhiều cảm thấy thư giãn và thoải mái: Thở vào, thở ra một cách đều đặn, ngồi bất đông nghỉ ngơi giống như đang ngủ và phát ra năng lượng. Vì vậy hành thiền tích cực chỉ ngủ bốn giờ một ngày không hề bất lợi hoặc có hại cho sức khỏe của hành giả và thiền sinh không nên lo lắng về việc chỉ được cho phép ngủ bốn tiếng một ngày trong thời khóa biểu hành thiền của mình. Tôi thường liên hệ kinh nghiệm hành thiền của chính mình để chứng minh cho các thiền sinh: Khi tôi mới hành thiền tích cực, tôi đã thực hành liên tục không ngủ trong khoảng 15 ngày. Sau kinh nghiệm thực tế này, tôi tin rằng thực hành thiền không ngủ hơn 10 ngày thì không có hại cho sức khỏe. Tại đây trong trung tâm thiền Mahasi này, bạn sẽ thấy nhiều hành giả nằm tỉnh thức trong suốt những ngày hành thiền tích cực.
– Thứ hai là tinh tấn. Trong việc hành thiền tích cực, hành giả phải có sự quyết tâm, sự kiên định không lay chuyển rằng, “Tôi phải hành thiền với sự kiên định. Ngay cả khi thịt và máu của tôi khô cạn chỉ còn lại da và gân trong cơ thể, tôi vẫn sẽ thực hành không dừng lại.” Loại quyết tâm trước sau như một phải được thực hiện. Khi hành giả muốn thực hành thành công Vipassana bhavana (thiền nội quán), sự dính mắc vào thân của chính mình phải được xem nhẹ. Nếu hành giả quá yêu thích hoặc dính mắc vào thân của mình, tiến trình để đạt được tuệ Minh sát sẽ chậm và rất khó cho hành giả đạt được những tầng tuệ cao hơn.
Trong đêm đạt được sự giác ngộ của mình, Bồ tát thực hành trên bờ sông Neranjava (Ni-liên-thuyền) dưới cội Bồ -đề. Sau khi thọ thực dụng món đề hồ do một phụ nữ thành tâm cúng dường, Bồ tát đã kiên quyết rằng cho dẫu bất cứ điều gì xảy cho thân thể của Ngài, cho dẫu là thịt và máu của Ngài khô cạn, chỉ còn xương và gân, Ngài sẽ không đứng dậy cho đến khi đã đạt được quả vị Phật. Khi Ngài thực hành với sự quyết tâm không lay chuyển như vậy, vào canh giữa đêm Ngài đạt được Thiên nhãn minh (dibbacakkhunana), con mắt thánh có thể nhìn thấy tất cả mọi sự. Vào canh chót tức là vào lúc rạng đông, Ngài đạt được asavakkhayanana (Lậu tận minh), sự diệt tận tất cả mọi phiền não (kisela) và sau đó chứng đắc quả vị Phật và trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì vậy, mong muốn được thực hành theo những lời dạy của Đức Phật, tất cả hành giả tại trung tâm thiền Mahasi này nên đi theo con đường của Đức Phật, tuân thủ tất cả bốn điều kiện nêu trên.
– Thứ ba là bởi do hành giả là những người ít nhiều đã có sự thanh tịnh, hành giả nên thực hành Tứ niệm xứ ( Satipatthana), lúc nào cũng phải luôn giữ chánh niệm. Hành giả nên là những người có đầy đủ tinh tấn, luôn nhiệt tâm thực hành chánh niệm suốt cả ngày để không cho phép phiền não – bất kỳ dưới hình thức nào- cho dẫu chỉ là tí chút thôi, có thể tấn công và thâm nhập vào thân và tâm của mình. Thí dụ nếu một người không ghi nhận âm thanh mà người ấy nghe, người ấy có thể có sự dính mắc đối với âm thanh đó nếu đó là một âm thanh vừa ý, dễ chịu. Vì vậy, hành giả phải luôn ghi nhận đúng theo lời dạy của thiền sư để tiếng động chỉ đơn thuần chỉ là tiếng động và như vậy nó sẽ không trở thành một sự dính mắc đối với hành giả, nó không thể khuấy động sự sân hận nơi hành giả. Tiếng động rồi nó sẽ đi qua như là tiếng động.
Ghi nhận cảm thọ và các hiện tượng sinh khởi qua các cửa giác quan cũng tương tự như vậy. Do đó, hành giả sẽ không có sự dính mắc, sẽ không có phiền não đi vào và thâm nhập vào tâm và thân của mình. Vì vậy, hành giả được xem như là những bậc A-la-hán hay là những vị Phật, là những con người thánh thiện với thân, tâm trong sạch và thanh tịnh. Họ có quyền hoặc xứng đáng nhận được tất cả thực phẩm cúng dường, y và tứ vật dụng khác. Để duy trì trạng thái tốt đẹp này, hành giả lúc nào cũng nên cố gắng ghi nhận nghiêm túc các hiện tượng vật lý và tâm một cách liên tục. Nếu hành giả ghi nhận một lúc và sau đó nghỉ ngơi, năng lực định sẽ tăng trưởng một lúc và rồi sẽ giảm xuống trong khi hành giả đang nghỉ ngơi. Khi thiền sư đánh giá thiền sinh, họ biết rõ thiền sinh. Thí dụ, có những người bị bệnh kinh niên lại không uống thuốc đều đặn và bác sĩ dĩ nhiên sẽ miễn cưỡng không muốn chăm sóc những bệnh nhận như vậy. Tương tự trong thiền tập, thiền sư sẽ không hài lòng với những thiền sinh không thực hành một cách thường xuyên theo như hướng dẫn mà chỉ thực hành theo kiểu “sớm nắng chiều mưa”. Vì vậy, tôi mong các hành giả phải hết sức tinh tấn trong việc ghi nhận. Ngay khi hành giả vừa mở mắt thức dậy vào buổi sáng, hành giả phải chuẩn bị để ghi nhận mọi thứ, phải biết tất cả mọi hiện tượng tâm và vật lý sinh khởi cho đến lúc ngủ vào buổi tối.
– Thứ tư là hành giả phải sinh hoạt như một người bị bệnh bởi vì người bệnh không thể di chuyển nhanh, làm việc nhanh. Họ đi chậm, ăn rất chậm và ngay cả nói cũng rất chậm. Vì vậy, trong trường hợp của hành giả, nếu hành giả chậm rãi trong mọi sinh hoạt, hành giả lúc nào cũng có thể nhận biết và ghi nhận tất cả các hiện tượng tâm và vật lý một cách liên tục, không gián đoạn. Một số người có thể nói rằng, chúng tôi không thể ghi nhận chậm được vì làm cái gì cũng nhanh. Việc đó có thể đúng trong giai đoạn mới bắt đầu thực hành nhưng một khi bạn đã có được thói quen ghi nhận với chánh niệm sau một thời gian thực hành, bạn sẽ thấy mình luôn sẵn sàng để ghi nhận một cách chậm rãi và hoàn toàn hài lòng khi thực hành như vậy. Một số công việc cần phải làm nhanh vì hoàn cảnh. Khi bạn băng qua một con đường đầy xe cộ, bạn phải đi nhanh nếu không bạn sẽ gặp nguy hiểm. Nhưng khi bạn thực hành tại trung tâm thiền Mahasi này, nơi chánh niệm là yếu tố thiết yếu và nếu cái gì bạn cũng làm nhanh bạn sẽ không thể ghi nhận tất cả các hiện tượng tâm và vật lý của mình một cách chi tiết. Vì vậy hành giả phải thực hành như một người bệnh và cố gắng ghi nhận tất cả mọi cử động nếu hành giả muốn có sự tiến bộ nhanh trong việc đạt được tuệ Minh sát. Tuệ giác này dần dần và cuối cùng sẽ xuất hiện.
– Thứ năm là hành giả phải tinh tấn không ngừng để ghi nhận các đối tượng một cách liên tục mà không bỏ sót. Hành giả phải ghi nhận ngay khi vừa thức dậy vào buổi sáng cho đến lúc ngủ lại vào buổi tối, không chỉ lúc vào những lúc thực hành thiền ngồi và thiền đi mà còn phải ghi nhận trong các sinh hoạt hàng ngày. Một khi sát –na định được duy trì, hành giả có thể phát triển tuệ Minh sát dần lên một thời gian hợp lý.
Một điểm nữa trong bài Pháp thoại ngày hôm nay, tôi muốn yêu cầu các hành giả phải tuân theo những lời dạy chi tiết của cố HT Thiền sư Sayadaw Mahasi và tuân theo tất cả bốn điều kiện trên để có thể đạt đến quả vị Tu-đà-hoàn (Nhập lưu). Tuân theo những lời chỉ dạy này, tôi hy vọng rằng tất cả các bạn, hành giả ở đây, sẽ chứng nghiệm được Níp- bàn (Nibbana), chấm dứt mọi khổ não trong một thời gian ngắn nhất có thể và theo một cách dễ dàng nhất.
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Chú thích:
[*] Sayadaw Ashin Jatila là Thiền sư hiện đang hướng dẫn tại trung tâm thiền quốc tế Mahasi.