Recent Pages: 1 2 2a 3 4 5 6 7 8
MÙA XUÂN ĐẾN RỒI
Mùa xuân đã tới tới rồi đây
Tỏa khắp hương thơm ngát cỏ cây
Vạn lộc chồi non theo gió vẫy
Ngàn hoa nở rộ đến mê say
Đàn chim én nhỏ tung tăng nhảy
Lất phất mưa phùn giọt nhẹ bay
Náo nức cùng nhau vui hội trẩy
Bình yên ấm áp đón xuân đầy
(ND)
HẠNH PHÚC HOA ĐÀO
Thông Định
Tôi có đọc rằng mỗi khi đào đến xuân sang người Nhật lại bày biện bàn trà, tiệc rượu ngoài trời để thưởng hoa ngoạn cảnh. Trong khi nhấp ngụm đầu năm mới, nếu vô tình một cánh sakura bay lạc trong gió và rơi vào lòng chung trà chén rượu thì người ta coi đó là một điều may mắn lớn. Đẹp đẽ thi vị và ý nghĩa diệu vời làm sao! Lại nhớ đến câu thoại trong phim Hồi ký một Geisha: “Hạnh phúc là món quá mà người ta chỉ chờ đợi chứ không thể tìm kiếm”. Thật hay! Phải chăng hạnh phúc mà cô kỹ nữ đó muốn nói đến cũng giống như cánh đào may mắn kia?
Cánh đào bay trong gió và rơi vào đáy chung, niềm hân hạnh đó chẳng thể cưỡng ép và cố gắng để có được. Người ta phải rất thành tâm chờ đợi, phải rất nhẹ nhàng đón nghe. Chờ đợi mà không mong đợi nên qua năm dài tháng rộng vẫn bình thản nghiễm nhiên. Đón nghe mà không ngóng nghe nên có thể nghe rất rõ, nghe lời thầm của đất, tiếng mật của trời và nghe cả lòng mình đang róc rách suối chảy, dào dạt sông trôi hoặc biển triều gió động. Nếu không như vậy, hạnh phúc đến từ cánh hoa đào không còn là hạnh phúc, mà là đau khổ của phút giây đằng đẵng, của khao khát gặp mặt, của tâm tình bất toại. Còn nếu có thể như vậy, ngay cả khi cánh đào chưa đến thì vẫn là một niềm hạnh phúc của chờ đợi, của lắng nghe để nhận ra ý nghĩa của thời gian hư thực, của nhân duyên hội tụ, của tiếng vọng vô thanh.
Hạnh phúc hoa đào là một hạnh phúc vô điều kiện, vì nào có ai đặt điều kiện với hoa đào và nào có hoa đào nào đặt điều kiện với ai kia. Nói như một câu thơ:
Ta có hẹn nhưng quên rồi ngày tháng
Cuộc tao phùng xin trả lại thời gian
(Viên Minh)
Cả hai đều đến với nhau một cách rất tình cờ. Nhưng sự tình cờ này lại cũng chẳng phải tình cờ, mà:
Có duyên ngàn dặm gặp nhau
Vô duyên trước mặt nào đâu biết gì
Vậy ra hạnh phúc này chỉ một chữ “duyên”! Cái gì không thuộc về mình mà cố lấy, là cưỡng đoạt. Cho nên hạnh phúc mà cố gắng để có được là hạnh phúc cưỡng đoạt, hạnh phúc không thuộc về mình. Bởi không thuộc về mình mới sợ bị vuột mất, mới thấp thỏm trong hạnh phúc, mới đau khổ vì hạnh phúc. Còn hạnh phúc nếu thật của mình, tuy có đến đi nhưng không mất mát, tuy chẳng hẹn giờ mà vẫn đúng khi.
Người ta đang nói với nhau rằng xuân ngày càng nhạt, Tết mất dần hương. Nhiều khi tôi cũng cảm thấy điều đó. Mỗi lần như vậy lại đưa mình trở về Tết của những ngày thơ bé. Đúng là tâm hồn trẻ nhỏ lúc nào cũng đung đưa vui tươi như chiếc phong linh đầu ngõ, chỉ cơn gió nhẹ cũng đủ lảnh lót reo ca. Một tuần trước Tết được thông báo nghỉ học đã rộn rã chân tay. Vừa về đến nhà liền xếp cặp cất sách vào một góc. Rồi những ngày sau đó hết dọn nhà lau cửa lại nhổ cỏ quét sân. Thích nhất phần trang trí nhà cửa. Ngồi cặm cụi tỉa giấy màu làm hoa làm lá, ra vườn chặt một cành cây khô, vậy là có mai vàng đào thắm nào thua ai. Xong xuôi đâu đó lại chạy qua nhà mấy đứa bạn, ngó nghiêng coi nhà tụi nó chuẩn bị tới đâu. Chạy về nhà lại phụ má làm bánh, làm mứt, dưa món, thịt kho… Tôi có thể ngồi kể hết mấy trang giấy về cái Tết những ngày ấy. Mà chẳng riêng gì bản thân mình, tôi đoan chắc rằng những ai không còn trẻ thơ thì đều có thể viết cả một cuốn hồi ký về ngày Tết thuở bé của mình.
Mà thôi, xin quay lại với ngày Tết năm nay và hôm nay ngày Tết. Tôi đang xa quê mà quê người ta cũng không vui chung ngày năm mới nên viết lấy đôi dòng gọi là có mặt đầu xuân. Lẽ khác, khi còn ở Việt Nam, gần như Tết năm nào tôi cũng tự tay cắm một bình đào, bình mai để tự vui xuân với mình trước. Năm nay mai đào không có, không khí cũng của mọi ngày thường nhưng không nỡ để chén trà mình thiếu bóng hoa xuân. Đôi tấm hình hoa đào đất Thái chụp từ tháng trước, vài đoạn văn viết vội giữa mùa thi, như một món quà cho mình và cho những người hữu duyên thiên lý.
Nguyện cầu hạnh phúc hoa đào, niềm hạnh phúc chân thật, niềm hạnh phúc tự tâm sẽ đến với mọi người trong năm mới.
Nguồn: thuvienhoasen
XUÂN CỬA THIỀN
Thời gian trôi không bao giờ quay lại
Chớ tưởng rằng “Xuân bất khứ lai”
Xuân của đất trời trôi đi, đi mãi
Với tâm lành, Xuân vĩnh viễn ở tương lai…
Hiên chùa trăng sáng bao la
Mùa Xuân của Đạo nở hoa nhiệm mầu
Hương thiền hàn gắn khổ đau
Ngõ tu phúc huệ, đường vào Chân như…
Hư không hòa nhịp bể mù
Sắc không, không sắc, nghìn thu phai dần
Một lòng tu niệm điệu đàng
Nghiệp trần đoạn dứt, đạo tràng dừng chân!
Đài sen sắc tỏa trong ngần
Phật tâm, Phật tánh ngày xuân trở về
Giã từ sân hận u mê
Tâm thanh tịnh đã, cõi về lành an…
Trải bao phiền não võ vàng
Tự mình thắp đuốc soi đàng mà đi!
Lời kinh “bất khả tư nghì”
Mùa xuân chánh niệm, diệu kỳ trần gian…
Mùa xuân theo dấu chân Phật
HT.Thích Trí Quảng
Thật vậy, xuất hiện trên thế gian này, Đức Phật đã chọn một cảnh thiên nhiên đơn giản, nhưng tràn đầy sức sống. Đó là khu vườn Lâm Tỳ Ni, Ngài Đản sanh dưới cây Vô ưu trong vườn này. Khi phát tâm đi tìm chân lý, Ngài đã trải qua mười một năm thiết thân thể nghiệm ở núi rừng. Và phút giây mà Đức Phật chứng quả Vô thượng Chánh đẳng giác, sự thành đạo huy hoàng của Ngài cũng đã ghi dấu ở cảnh hùng vĩ của núi rừng, dưới cội cây bồ-đề.
.
Sau khi thành đạo, từ cảnh núi rừng bao la, Đức Phật khởi đầu bước chân cứu độ chúng sanh, Ngài đã đến vườn Lộc Uyển thuyết pháp. Bước chân du hóa của Đức Phật đã trải qua khắp vùng Ngũ hà Ấn Độ, soi sáng tâm trí cho mọi người, ban rải tình thương khắp mọi nơi. Và khi mọi việc cần làm cho cuộc đời đã hoàn tất tốt đẹp, Đức Phật đi đến Câu Thi Na, thanh thản rời bỏ thế gian. Ngài nhập diệt trong khu rừng, trên chiếc võng giăng dưới tàng lọng của hai cây Sa la. Hầu như cả cuộc đời của Đức Phật, Ngài sống đơn giản với thiên nhiên, cỏ cây, núi rừng nhiều hơn.
Về tổ đình Linh Sơn Bửu Thiền, sống trong cảnh núi rừng hùng vĩ, thở không khí trong lành và thanh tịnh kỳ diệu của đất trời bao la, tự nhiên gợi cho tôi liên tưởng đến cuộc sống trầm mặc của Đức Phật thuở nào. Ngài đã tham thiền nhập định và giảng pháp ở núi rừng thanh khiết.
Và nhất là trong cảnh núi rừng vắng lặng êm đềm vô cùng, sáng tinh sương thơm mùi cây cỏ hiền hòa vừa thức giấc, hay vào buổi chiều tà, ánh dương nhè nhẹ len qua cây lá, cũng thoang thoảng hương dịu dàng của đất trời, hoa lá. Từng bước chân hành thiền trên con đường mộc mạc hoang sơ, trong không khí nhẹ nhàng tinh khiết, càng làm cho tôi thanh thản kỳ diệu, bắt gặp cái bản tâm mộc mạc, trong sạch như hiển hiện trước mặt một cách dễ thương.
Đức Phật cũng từ cõi thanh tịnh tuyệt vời của cái tâm trong sáng vô ngần ấy mà Ngài đã đến với chúng ta. Trong mối giao cảm sâu sắc tột cùng như thế ở núi rừng, trong tôi hiện hữu sáng ngời hình ảnh Đức Phật với từng bước chân đi trong tỉnh thức thật nhẹ nhàng, thanh thoát.
Như đóa sen tinh khiết tỏa hương làm dịu lòng người, bước chân giác ngộ của Đức Phật đi mãi, đi mãi, không hề mỏi mệt. Ngài đi qua biết bao núi rừng, qua bao vườn cây, qua bao phố phường, làng mạc, đến tận hang cùng ngõ hẻm. Ngài đến nơi nào cũng chỉ để mang lại sự an vui, hạnh phúc, yên bình cho thế nhân, cho mọi người thăng hoa trí tuệ, đạo đức, phước báo.
Chẳng những Đức Phật mang lợi ích đến cho mọi người sống đồng thời với Ngài, mà đến tận ngày nay, cả nhân loại vẫn còn hưởng thụ được sự lợi lạc vô cùng khi bước theo dấu chân Phật, sống trong giáo pháp của Ngài.
Hành thiền trong núi rừng tĩnh lặng bao la diệu vợi, từng bước, từng bước, cảm nhận đang đi theo dấu chân Phật thuở nào, một cuộc hành trình về tâm linh khai mở cho hành giả. Mỗi bước chân trên cuộc hành trình tâm linh đưa hành giả đến gần với Tịnh độ của Phật hơn và thâm nhập vào thế giới tâm linh vượt ngoài tính toan, mới nhận được ý nghĩa chân thật của Tịnh độ như thế nào.
Đọc kinh Duy Ma, nghe Phật dạy rằng Ngài chỉ dùng chân ấn đất là cảnh Tịnh độ hiện ra. Hay trong kinh Pháp hoa nhắc lại lời Phật nói rằng “Tịnh độ của Ta chẳng hư, mà chúng thấy cháy rã”. Nghe Phật nói sao mà đơn giản quá vậy. Chẳng lẽ Tịnh độ dễ có như thế hay sao và còn nhiều thắc mắc khác nữa.
Giờ đây, từng bước chân hành thiền ở núi rừng tĩnh lặng trên Linh Sơn Bửu Thiền tự, một lần nữa đã mở ra cho tôi cảnh Tịnh độ mà Đức Phật đã dạy trong kinh. Vâng, hành thiền trong tỉnh thức, cảm nhận sự an lành kỳ diệu. Từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, từng dòng máu luân chuyển trong thân, từng bước chân đi, tất cả đều bao phủ tràn ngập niềm an lành kỳ diệu. An lành trong ta, an lành trong núi rừng bao la hiền hòa, an lành trong cỏ cây hoa lá vô tư, an lành trong không khí thuần khiết, dịu dàng, an lành trong mọi pháp lữ đồng hành xung quanh ta, an lành trong ánh mắt ngây thơ của chú chim bé nhỏ hay chú sóc đang mở to mắt nhìn ta.
Sự an lành kỳ diệu của hành giả an trụ trong tỉnh thức, an trụ trong sự hài hòa với đất trời bao la, với những người cùng hạnh nguyện, với mọi sinh vật của núi rừng. Mùa xuân của chúng ta đó, mùa xuân của những hành giả đang đi theo dấu chân Phật, đang sống trong tỉnh thức.
Hãy cùng an trụ mùa xuân ấy, hãy sống với Tịnh độ ấy, như hai câu thơ mà Hòa thượng Nhất Hạnh đã viết tặng tôi, khi tôi sang Pháp thăm ngài:
Chẳng biết rong chơi miền Tịnh độ
Làm người một kiếp cũng như không.
HT.Thích Trí Quảng
Nhận ra bản tâm
Bản tâm tựa bầu trời xanh bao la vô tận, thật trong thật cao, ngút ngàn bất tận đến muôn phương. Bầu trời mênh mông, trong lành quang đảng sáng chiếu rực rỡ. . Đó cũng là bản tâm. Suy tư, cảm xúc và ký ức là những áng mây, có khi mây trắng đẹp tựa bông tơ ta thấy mình hạnh phúc, còn có khi mây đen ồ ạt, sấm vang chớp rền ta thấy thật quẫn bức si mê. . Nhưng cho dù thế nào bản tâm cũng đâu bị ảnh hưởng. Dù mây có đen đến đâu bầu trời chẳng thể đông cứng lại, dù mây sáng đẹp bao nhiêu bầu trời cũng chẳng rực rỡ hơn. Không cách nào ta làm cho bầu trời trong hơn hay bẩn hơn. Bầu trời luôn luôn như thế, trong sáng và quang đảng. Vậy tại sao ta không nhận rõ bầu trời thay vì chỉ thấy những áng mây nhất thời giả tạm? Nếu nhận chân được tất cả những suy tư, cảm xúc khởi lên chỉ là màn kịch của tâm, dùng cách bóng bảy khác, chúng như những đợt sóng đập vào rồi cuốn đi trên mặt đại dương, thì sẽ thấy rằng chẳng có gì đáng để ta phải bận tâm cả. . Khi ngồi thiền, nếu thật sự tha thiết, thế nào cũng có lúc thoáng thấy được bản chất thanh tịnh của tâm, và từ đó ít ra trong phút chốc ta nhận ra được mình thực sự là ai, với điều gì đó hoàn toàn vắng lặng và rỗng rang. Bởi vì trong đời sống ta thường hay thừa nhận theo cá tính nhất thời, và dường như tạo thành một khối tính tình như thế, rồi đem hết điều đó để trút cho người khác. Đó là tôi, còn mọi thứ khác không phải là tôi. Ai khác mặc kê, chỉ có tôi thôi. Mọi người luôn nghĩ đến cái tôi, tôi và tôi. Nhưng khi ta hiểu được bản thể của tâm, đó chính là tâm thật, là Phật tánh, hẳn nhiên thật tế tất cả chúng ta đều có sự liên đới với nhau. Bầu trời không những là một bầu trời mà còn có bầu trời khác, và bầu trời khác nữa. Nhưng cũng chỉ là một, vắng lặng và bao la. Đó không phải là bầu trời của anh hay của tôi. Không phải là Phật tánh của riêng tôi hay riêng anh. Đó chỉ là Phật tánh, chỉ là tâm. Vậy mới thấy tất cả chúng ta đều có mối liên quan chằng chịt lẫn nhau. . Khi chúng ta nhận thức rằng mình luôn mong nhận được người khác tử tế, tôn trọng và thương yêu, thì người khác cũng mong nhận những điều đó từ ta, bởi từ một nơi sâu xa nào đó, họ cũng như ta thôi. . Điểm thứ hai cũng rất quan trọng, trong quá trình tu tập ta không chỉ phát triển qua khối óc, trí thông minh, qua cách học hỏi làm thế nào để tịnh hóa tâm, mà còn phải học làm thế nào để trãi rộng tình thương. . Phật tánh hợp nhất gồm trí tuệ và từ bi, hay trí tuệ và tình thương. Ví như đôi cánh chim, chỉ có trí tuệ không chưa đủ. Chim không thể bay được nếu chỉ có một cánh mà thiếu cánh kia, chim cần phải có đủ đôi cánh mới bay được. . Khi tâm bắt đầu hơi định tĩnh, có chút an lạc, chút sáng suốt, thì sẽ thấy mọi việc sáng suốt hơn, ít rối rắm hơn và ít tự ti hơn. Ta bắt đầu nhìn mọi vật như chúng là, và chính lúc ta bắt đầu nhìn mọi thứ như chúng là, thì việc đầu tiên mà ta cảm nhận sẽ là nỗi đau của kẻ khác…. Đọc tiếp >>.
Source: www.tenzinpal
.
Sống trong chánh niệm tỉnh giác
Đừng cố gắng tìm hiểu quá chi tiết về bất kỳ pháp gì khi chưa cần thiết, chỉ cần hiểu đơn giản nhưng chính xác theo căn cơ trình độ của mình.
Thấy biết sự thật đúng như chính nó gọi là chánh kiến.…
Suy nghĩ ý cứ trên thấy biết đúng đó gọi là chánh tư duy.
Nói ra từ thấy biết và suy nghĩ đúng sự thật gọi là chánh ngữ.
Hành động đúng đắn và lương thiện gọi là chánh nghiệp.
Sinh sống hợp đạo lý không gây tổn hại cho mình và người gọi là chánh mạng.
Tâm không buông lung phóng dật theo cái ta vọng tưởng gọi là chánh tinh tấn.
Tâm trọn vẹn với thực tại thân tâm không xao lãng (thất niệm) gọi là chánh niệm.
Tâm an ổn không tán loạn theo ngoại cảnh gọi là chánh định.
Chỉ cần biết đơn giản như thế rồi tự mình khám phá qua trải nghiệm và chiêm nghiệm thì sẽ thấy ra Bát Chánh hay Thánh Đạo là gì.
Trích: Hỏi Đáp Phật Pháp – Thầy Viên Minh
Nguồn: trungtamhotong
.
THOÁNG QUA MỘT NỤ CƯỜI
CHỈ CẦN THẾ THÔI MÀ
Các quyết định nên đến từ đâu? Phải chăng nên từ trái tim? Phương Tây thiên về ý cho rằng con người là lý tính, nên người ta có quyết định duy lý nhờ phân tích của khối óc. Phương Đông cho rằng lý trí và con tim là đồng nhất. Giữa khối óc và con tim là liên hệ không thể giải thích được, cái này không thể tồn tại được nếu thiếu cái kia. Khi phải có quyết định về việc gì, dù là việc đơn giản hay việc quan trọng (tối nay ăn gì hay sẽ lấy ai), người ta sẽ có quyết định đúng hơn khi thấu hiểu bản thân mình, còn tốt hơn nữa nếu người ta biết kết hợp khối óc với trái tim, để cho lý tính và cảm xúc hòa với nhau.
Như người chơi đàn piano, tập luyện miệt mài để đạt tới việc chơi một bản nhạc thật tự nhiên, người ta tu dưỡng để có thể tự nhiên mở lòng mình đón nhận các trải nghiệm mỗi ngày khi đối diện với muôn vẻ cuộc sống. Những quyết định đúng đắn sẽ đến một cách tự nhiên từ trái tim hòa trong lý trí mà không hề thấy bóng dáng của lo âu.
Khoa học thần kinh làm thí nghiệm quét não cho thấy bằng chứng rõ ràng là nhận thức về cảm xúc và nhận thức xung quanh mới là điều thúc đẩy người ta hành động. Theo giáo sư tâm lý học Marianne LaFrance, nếu ta thấy một gương mặt hạnh phúc chỉ trong khoảng một phần tư giây là đã đủ để làm nảy nở cảm xúc. Trong nghiên cứu khác, những người tham gia chỉ được thấy thoáng qua một nụ cười, nhanh tới mức họ chưa kịp nhận thức về những gì họ chứng kiến, nhưng vô thức họ vẫn cảm thấy mọi thứ xung quanh tích cực hơn.
Thảo nào người ta như dịu lại khi thấy gương mặt có nụ cười, dù là bí ẩn như của nàng Mona Lisa.
Nguồn: Kimchi’s post (KC trình ý này rút ra từ phân tích rất dài và rất lý trí về bài giảng của một vị giáo sư Harvard tại http://tramdoc.vn/…/tiet-lo-thu-vi-ve-bai-giang-duoc-sinh-v…)
.