Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm

Recent Pages: 123, 4, 5, 6, 7, 8,

Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Minh Tâm

 HT. Thich Minh Tam (35)

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Chúng con toàn thể Tăng Ni và Tín Đồ Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu cũng như Môn Đồ Pháp Quyến chùa Khánh Anh tại Pháp xin cáo bạch đến chư tôn đức Tăng Ni khắp nơi trên thế giới cùng đồng bào Phật Tử là:

Hòa Thượng Thích Minh Tâm

Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu

Viện Chủ Chùa Khánh Anh Paris Pháp Quốc

Sinh ngày 18 tháng 1 năm 1940 

Vừa an nhiên thị tịch tại bệnh viện thuộc Tỉnh Turku, Phần Lan vào lúc 10:29 phút giờ Phần Lan (9:29 phút giờ Pháp Quốc) ngày 8 tháng 8 năm 2013, nhằm ngày mồng hai tháng bảy năm Quý Tỵ. Hưởng thọ 75 tuổi. Tang lễ sẽ được GHPGVNTN Âu Châu và Môn Đồ Pháp Quyến sẽ kính trình đến chư tôn đức sau và kính xin chư tôn đức nhất tâm cầu nguyện để cho Cố Hòa Thượng được cao đăng Phật Quốc.

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật

Cung kính cáo bạch

Phó Chủ Tịch GHPGVNTNAC

HT Thích Tánh Thiệt

Tổng Thư Ký GHPGVNTNAC

 HT Thích Như Điển

Đại Diện Môn Đồ Pháp Quyến

TK Thích Quảng Đạo

TKN TN Diệu Trạm

14 Av Henri Barbusse 92220 Bagneux (FRANCE) Tél : 01 46 55 84 44. Fax : 01 47 35 59 08. E-mail: khanhanh@free.fr

TIỂU SỬ CỐ HÒA THƯỢNG THÍCH MINH TÂM
Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành GHPGVNTN Âu Châu kiêm Viện Chủ chùa Khánh Anh Pháp Quốc.
Ngài thế danh là Lê Minh Tâm Sinh ngày 18 tháng 1 năm 1940; nhằm ngày mồng 10 tháng 12 năm Kỷ Mão tại thôn Thanh Lương, Xã Chí Công, Huyện Tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận, Việt Nam. Thân Phụ Ngài thế danh là Lê Minh Quang; bán thế xuất gia với pháp hiệu là Đại Đức Thích Minh Hữu. Thân Mẫu là Bà Hồ Thị Lang Pháp Danh Nguyên Mỹ.
Năm 1949 Ngài xuất gia tại chùa Bửu Tích, Hòa Đa, Tỉnh Bình Thuận và được Bổn Sư phú cho Pháp Danh là Nguyên Cảnh.
Năm 1953 tu học tại Tăng Học Đường Nha Trang (Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang).
Năm 1956 thọ Sa Di giới và được y chỉ nơi Đức Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và được phú cho Pháp Tự là Viên Dung, hiệu Minh Tâm. Năm 1961-1962 tu học tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam.
Năm 1962-1967 Giảng sư GHPGVNTN tỉnh Phú Yên và Giáo Sư Trung Học đệ nhị cấp trường Trung Học Bồ Đề Tuy Hòa, Phú Yên.
Năm 1965-1967 làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều, Bình Định.
Năm 1967 thọ giới Tỳ Kheo và xuất dương sang Nhật Bản du học.
Năm 1967-1968 học Nhật Ngữ tại trường Kokksai ở Tokyo.
Năm 1968-1973 học xong chương trình hậu đại học tại Đại Học Risso (Lập Chánh) ngành triết học Phật Giáo, Tokyo. Từ năm 1968 đến năm 1973 Ngài làm Chi Bộ Trưởng Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Nhật. Sau hiệp định Paris ký kết vào đầu năm 1973, Ngài vâng lệnh Đức Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội PGVNTN sang Pháp để hoạt động với Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh.
Năm 1974 sáng lập Niệm Phật Đường Khánh Anh tại Accueil, Pháp.
Năm 1977 chùa Khánh Anh chính thức được dời về trụ sở mới ở đường Henri Barbusse vùng Bagneux, phụ cận của Paris. Ngày 19 tháng 2 năm 1979 lễ đặt đá xây dựng chánh điện chùa Khánh Anh ở Bagneux.
Năm 1983 nhân Đại Giới Đàn Thiện Hòa được tổ chức tại Phật Học Viện Quốc Tế Hoa Kỳ, Ngài được tấn phong lên hàng Giáo Phẩm Thượng Tọa. Ngày 18 tháng 6 năm 1995 lễ đặt đá xây dựng chùa Khánh Anh mới tại Evry.
Năm 1999 Ngài được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tấn phong lên hàng giáo phẩm Hòa Thượng tại Na Uy. Ngày 8 tháng 7 năm 2011 tại Thủ Đô Columbo, Tích Lan, Ngài được Hội Đồng Tăng Già và chính quyền Tích Lan phát phần thưởng danh dự cao qúy của Quốc Gia cho những người có công mang Phật Pháp đến các xứ Âu Mỹ.
Từ năm 2006 đến nay, Ngài là Phó Chủ Tịch của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới (WBSC); trụ sở đặt tại Đài Loan. Nhiệm kỳ hiện tại của năm 2013 nầy, Ngài là Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già tại Pháp. Ngài là người có công sáng lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và là lãnh đạo tinh thần của hầu hết các nước tại Âu Châu. Ngài cũng là người chủ xướng phong trào học Phật của chư Tăng Ni và Phật Tử tại gia qua các Khóa Tu Học Phật Pháp tại chùa Khánh Anh (5 khóa) và 25 khóa của Âu Châu. Ngài là một hành giả tranh đấu cho nhân quyền và tự do Tôn Giáo không mệt mõi xuyên suốt cả cuộc đời của Ngài. Trong các Đại Giới Đàn được tổ chức tại Hải Ngọai như Hoa Kỳ, Úc châu, Canada, Âu Châu… Ngài thường được cung thỉnh vào các ngôi vị như Yết Ma, Giáo Thọ A Xà Lê cũng như Đàn Đầu Hòa Thượng.
Vào năm 2011 vừa qua Đại Giới Đàn Quảng Đức tổ chức tại chùa Thiện Minh Lyon Pháp Quốc, Ngài được cung thỉnh vào ngôi vị Đệ Nhất Giáo Thọ. Sau Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 tổ chức tại thành phố Turku, Phần Lan Ngài đã nhập viện và các Bác Sĩ tại đây đã phát hiện Ngài bị bệnh tim và gan ở thời kỳ cuối; nên Ngài đã an nhiên xả báo thân thị tịch vào lúc 9:29 phút (giờ Pháp) ngày 8 tháng 8 năm 2013; nhằm ngày mùng hai tháng 7 năm Quý Tỵ.
Thế thọ 75 tuổi. Tăng Lạp 62 năm và 46 hạ lạp. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông Thiền Phái Liễu Quán đời thứ 44.

Nam Mô Tân Viên Tịch Tự Lâm Tế Chánh Tông Liễu Quán Pháp Phái Tứ Thập Tứ Thế, Khai sơn Khánh Anh Tự, húy thượng Nguyên hạ Cảnh, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm Giác Linh Hòa Thượng.

Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và Môn Đồ Pháp Quyến đồng phụng sọan.

Flower (1986)

CÒN ĐÂU MỘT BÓNG ÁO NÂU!

Thích Nữ Giác Anh

Thành kính đảnh lễ Giác linh Hòa Thượng Thích Minh Tâm tân viên tịch .

Hòa Thượng – Một bậc Thầy tự phương xa…

Một nén tâm hương kính dâng Ngài

Nghe lòng thổn thức, mắt mờ cay

Giác linh Thầy đã về quê cũ

Chốn ấy, nơi này – hương vẫn bay…

Thích Minh Tâm

Kính bạch Thầy, chúng con là những đệ tử xuất gia mới lớn lên nơi hải ngoại, xuất gia muộn, tu học muộn, phát tâm muộn…. cái gì cũng muộn. Nhưng chúng con vẫn còn duyên phước được được biết đến Thầy, được nghe danh Thầy, được nhìn thấy Thầy dù chỉ trong chốc lát thôi… Đối với chúng con như thế đã là một duyên phước lớn, chúng con tự nhủ lòng mình, cho dù muộn nhưng vẫn còn chưa quá muộn…

Chúng con được nghe tiếng thơm về Thầy hơn mười hai năm về trước, lúc đó mới tập tễnh bắt đầu đời sống của một đệ tử xuất gia. Vốn chúng con là những đệ tử của Hòa Thượng Pháp Bảo nơi xứ nam bán cầu, bào đệ Sư Phụ chúng con là Hòa Thượng Như Điển từ Đức mỗi năm đều qua Úc 2,3 tháng tịnh tu, dịch Kinh viết sách. Mỗi lần HT Như Điển đến xứ này đều mang theo tin tức hoằng pháp từ khắp mọi nơi, nhưng chính yếu vẫn là tin tức tu học từ Âu Châu. Trong mỗi câu chuyện ấy đều có bóng dáng Thầy. Qua giọng kể và tình cảm bộc lộ của HT Như Điển dành về Thầy, gợi lên trong tâm khảm người nghe hình ảnh vị Hòa Thượng chủ tịch Giáo Hội Âu Châu hiền hòa, nhẹ nhàng, Hòa Thượng ngôi cao chủ tịch nhưng luôn chân tình, gần gũi, thương mến quí huynh đệ anh em gần xa. Những năm đầu xuất gia đó, tuy chưa từng được gặp  nhưng qua mối thâm giao giữa Hòa Thượng Bổn Sư chúng con với Thầy và với HT Như Điển, trong tâm thức dường như đã khơi lên niềm kính mộ và thấy thiết thân như đã được diện kiến tự thưở nào.

Không những thế, qua những băng giảng của Thượng Tọa Nhất Nhân, Thượng Tọa Thiện Huệ, TT Trí Minh… trong các khóa tu hằng tháng đạo tràng Bát Quan Trai tại chùa Khánh Anh, khóa tu mùa đông hằng năm của chùa Khuông Việt Nauy, hay khoá tu Phật Pháp Âu Châu từ những năm đầu tiên được ghi âm lại… thi thoảng quí Thượng Tọa đó đều nhắc đến Thầy. Quí Thượng Tọa luôn dành những giọng âm thật đặc biệt quí trọng xen lẫn thân thương để nhắc về Thầy, Hòa thượng Khánh Anh.

Chúng con còn nhớ qua băng giảng những năm tháng thật sớm đó, TT Như Điển, TT Nhất Chân, TT Thiện Huệ, TT Trí Minh là bốn cây giáo thọ tầm vóc của Giáo Hội trời Âu thời bấy giờ. Nghe băng giảng của TT Như Điển, đệ tử sẽ cảm nhận một vốn kiến thức Phật Giáo thật rộng rãi bao la, còn để phát khởi tín tâm bất thoái chuyển với ngôi Tam Bảo thì nên nghe pháp TT Thiện Huệ, để phát tâm Bồ Đề dũng mãnh và tin sâu Tịnh Độ nên nghe pháp TT Nhất Chân, và nếu để thấy một không khí Phật Giáo thật gần gũi vui tươi thì nghe pháp TT Trí Minh. Và bốn Thượng Tọa ấy đều mến thương HT Sư Ông Khánh Anh … Qua đó tâm kính quí của chúng con dâng lên Thầy ngày càng sâu dày hơn.

Còn nữa, sau những thời ngọ trai hay dược thực tại bổn tự Pháp Bảo, mỗi khi bàn đến Phật sự khắp nơi, ĐĐ Trụ Trì chùa Pháp Bảo đều nhắc về Thầy, nhắc đến chùa Khánh Anh hùng vĩ không biết chừng nào mới xây xong, nhắc đến tấm gương một vị Thầy phẩm vị cao trong Giáo Hội nhưng hiền hòa và từ ái… nhắc về Thầy với bao lời thương kính thiết thân…

Giữa cõi thế gian ô trược, thật giả khó phân này, những con người, những vị Thầy luôn được người khác nhắc đến và dành nhiều tình cảm mến thương dầu khuất mặt sau lưng như vậy, đâu dễ có mấy ai… Phật Pháp là Từ Bi, Phật Pháp là tùy duyên, Phật Pháp là vô thường, vô ngã… Quả thật chúng con học bài học đó không ở đâu xa…

Vẫn chưa hết, trong những Phật tử đệ tử chùa Pháp Bảo có chú Chúc Hưng. Chú Chúc Hưng là bạn trước khi xuất gia với TT Quảng Đạo, TT Quảng Đạo là đệ tử của Thầy. Chú Chúc Hưng thường nhắc về TT Quảng Đạo, đặc biệt sau chuyến viếng thăm Châu Âu và chùa Khánh Anh, chú ấy còn kể nhiều hơn và dành niềm tôn kính về Hòa thượng Sư Ông Khánh Anh nhiều hơn.

Còn điều khác nữa là, không hiểu từ đâu và vì sao chúng con đã khởi tâm cảm mến Ni sư Diệu Trạm, một đệ tử khác của Thầy. Nhìn Ni sư chúng con cảm được một phẩm chất gì đó thật mạnh mẽ, vượt thoát cái gọi là “nhi nữ thường tình”  hay thường có ở người nữ. Qua niềm mến quí Ni Sư, niệm cung kính Thầy càng dâng cao hơn.

Một cách tương đối, thế gian người ta hay nói rằng, muốn xét một người nào, nếu ở độ tuổi thiếu niên thì cứ nhìn người cha sẽ biết người con, nếu đến tuổi trưởng thành, cứ nhìn người con sẽ biết đến người cha. Phải chăng điều ấy tiêu biểu trong hoàn cảnh này.

Mãi cho đến năm 2008, chúng con cùng một số huynh đệ được qua chùa Viên Giác – Đức Quốc thọ đại giới tại Đại Giới đàn Pháp Chuyên. Đến lúc đó chúng con mới thật sự được diện kiến Ngài mà bấy lâu chỉ được nghe danh mà chưa thấy dáng. Trong giới đàn đó Thầy đảm đương ngôi vị Đàn Đầu Hòa thượng, chúng con may mắn được đậu thủ khoa, SC Hạnh Trì đậu vĩ, vừa nhận phần thưởng chúng con vừa được Thầy huấn thị những điều cần yếu cho đời sống một vị tân tỷ kheo/ tỷ kheo ni. Đâu ngờ giây phút đó đã trở thành một trong những hành trang cần yếu trên con đường xuất gia của chúng con.

Và hôm nay, lại chính HT Như Điển điện thoại báo tin HT Khánh Anh vừa viên tịch… Được Hòa thượng Bổn Sư báo tin lại mà chúng con như đã giật mình… Giật mình vì tin Thầy ra đi quá đột ngột, giật mình vì những hình ảnh khóa tu Âu Châu tại Phần Lan vẫn còn mới rợi đó. Giật mình vì không ai nghĩ Thầy sẽ ra đi… Giật mình, xúc động, bồi hồi, thương tiếc… và rất nhiều tâm niệm khác nữa đã dâng lên về sự ra đi của Thầy. Mấy ngày nay trang mạng Phật Giáo khắp nơi đều đăng tin Tang lễ Hòa Thượng Thích Minh Tâm với bao niềm kính tiếc và mến thương.

Hôm nay chúng con đưa Thầy Bổn Sư ra phi trường bay qua Paris  để tham dự Tang Lễ. Về lại chùa đọc bài Tưởng Niệm Thầy của Hòa Thượng Như Điển vừa mới post lên net, mà nước mắt đâu cứ chực rơi. Bao nhiêu cung kính, bao nhiêu tiếc thương, bao nhiêu cảm niệm về Vô Thường… dồn hết vào lời văn đầy tình cảm, xúc động, đạo vị, thiết tha… của HT Như Điển. Chúng con đã không kềm chế được xúc động khi đọc đến dòng “…Chẳng còn bao lâu nữa thì cửa lò thiêu sẽ đóng lại, xác thân của Thầy sẽ không còn tồn tại như xưa nữa, nhưng đâu đó trên bầu trời hay trong chánh điện chùa Khánh Anh hay ở những ngày lễ chính tại các chùa và ngay trong những bữa cơm của các gia đình Phật Tử, những người đã chịu ơn Thầy, không bao giờ không nghĩ đến Thầy cho đến một lúc nào đó tâm thức nầy không còn chủ động được nữa mới thôi…” Chúng con cứ trãi lòng mình theo từng dòng chữ, cứ để nước mắt tuôn rơi như chính tiếng nói tự cõi lòng đang hướng về Giác linh Thầy ! Một bậc Thầy tự phương xa! Một bậc Thầy chúng con được nghe danh, được biết đến tuy muộn, nhưng tấm gương hiền đức của Ngài vẫn mãi mãi sáng soi, điều đó đối với tự thân chúng con, sẽ không bao giờ là quá muộn!

Kính bạch Ngài, hôm nay Ngài đã về chốn liên hoa nơi cõi Tây Phương, ngưỡng nguyện Giác linh Ngài thượng phẩm thượng sanh – sớm trở lại cõi kham nhẫn này để tiếp tục thương tưởng hướng dẫn đàn hậu tấn.

Nam mô Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.

Viết tại Chùa Pháp Bảo, Sydney Úc Đại Lợi

Sau thời Kinh Vu Lan, ngày 15 tháng 8 năm 2013

TKN Thích Nữ Giác Anh

.
Flower (558)

CẢM NIỆM ÂN SƯ

Của Môn Đồ Pháp Quyến

Cố Trưởng lão Hòa Thượng Thích Minh Tâm

Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
.

Kính bạch Giác linh Thầy, Nhớ lại Giác linh xưa, Thầy là người Mẹ Hiền nuôi lớn đàn con từ thuở nhỏ. Nhớ lại buổi đầu đời Thầy là người Cha quý kính giảng dạy chúng con. Đâu là lễ nghi phép tắc Thầy đã trao truyền. Đâu là hạnh nguyện của buổi sơ tâm Thầy từng khai thị. Hàng đệ tử chúng con đã nếm được mùi hương giáo pháp từ thuở đó, những tưởng rằng, Thầy là bầu trời Thái Hư để cho hàng đệ tử chúng con hít thở. Thầy là đại dương biển cả để cho chúng con tắm gội thanh lương. Thầy đã khai thân giới để chúng con nương nhờ cửa Phật mà tu hạnh xuất trần, ly dục. Thầy đã sinh ra mạng tuệ để chúng con hiểu được đâu là lý tưởng của bậc xuất gia, là bổn phận hộ pháp của người cư sĩ Phật tử, và cứ thế chúng con an lòng lo tu học. Nào ngờ một sớm mây tan, giữa hư không sấm sét, chùa Khánh Anh vắng bóng Thầy từ đây. Trước sân, sau vườn, Thiền đường, Chánh điện, đâu đâu cũng còn in đậm bóng dáng Thầy từ thuở Khai Sơn. Thầy đã khổ công xây dựng hai ngôi chùa Khánh Anh, từ thủa hàn vi, mái tranh vách đất. Thầy bôn ba ngàn dặm xứ người, lo toan trăm mối, chẳng quản nhọc nhằn công sức, chỉ mong Phật sự viên thành. Thầy nuôi Tăng Ni ăn học, dạy dỗ thành Tăng Tài. Thầy khuyến tấn hàng đệ tử tại gia, đầy đủ niềm tin Tam Bảo. Nhớ người kể lại, từ thuở học Tăng, Thầy là một Tăng sinh ưu tú. Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang, Thầy miệt mài Kinh, Luật, luật, rồi xuất dương du học Nhật Bổn Thầy vẫn giữ tròn khí tiết của bậc Trượng Phu. Học cho mình, dạy cho người, Thầy đã làm tròn con đường Bồ Tát đạo. Ngày Thầy dùng hai tô mì gói, tối Thầy ngủ căn phòng nhỏ trên lầu. Nhưng Phật sự nơi đâu Thầy luôn hiện có. Từ Paris, Pháp quốc, đến Birmingham, London. Từ xứ đỉnh cao Na Uy cho đến vùng cây xanh Đức quốc, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan… Thầy chẳng chối từ. Mỹ quốc, Gia Nã Đại, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan… Thầy không quản ngại xa xôi, đáp chuyến bay đêm cho kịp Phật sự nơi đó. Thầy như cát bụi hóa thân vào cát bụi. Thầy như mây trời đổ xuống những cơn mưa. Thầy như suối nguồn bồi đắp phù sa cho cánh đồng lúa chín. Thầy như nắng ấm nuôi lớn cỏ nội hoa ngàn, ngày thêm thấm nhuần hương sắc. Nhưng hôm nay, Thầy ơi! Ngọn đèn Thiền leo lét còn đâu? Nơi Chánh điện, trên lầu Dung nghi Thầy đã khuất, Mờ mịt sương khuya thấm lạnh Lời Kinh tiếng Kệ canh thâu Khánh Anh hai chốn cúi đầu Tiễn Thầy vào cảnh nhiệm mầu Vô Dư. Kính bạch Giác Linh Thầy, Trước nỗi đau mất mát này, chúng con bàng hoàng, ngơ ngác, biết làm sao Phật sự vẹn toàn cho cả hai nơi. Khánh Anh mới công trình còn dang dở, trang hoàng bày biện vẫn chưa xong. Công việc ngổn ngang, cần đôi tay Thầy chăm sóc. Hỡi ơi! Rừng Thiền xào xạc Bậc Chúng Trung Tôn cất bước ra đi Tâm Thầy tự tại Thân hiện oai nghi Quẩy dép cỏ đi về còn tỏ rõ Hai mươi lăm năm Khóa Tu giờ bỏ ngõ Học viên Phật tử cúi đầu Nhìn sau ngó trước mà đau thắt lòng Thầy dấn thân một đời vì Đạo Thầy lên đường kiến tạo phước duyên Gieo mầm Phật học căn nguyên Con đường Phật pháp lưu truyền sử xanh. Trước Kim quan Thầy, hàng đệ tử Môn Đồ Pháp Quyến ai thành phủ phục. Đốt nén hương lòng tưởng niệm Ân Sư: Ân Thầy lớn tựa Thái Hư Tình Thầy thắm đượm chân như rạng ngờ Để từ đó chúng con theo dõi bước chân Thầy mà học hạnh lợi tha. Học cái nhân, cái nghĩa, cái tình đời, ý Đạo mà từ thuở sinh tiền Thầy đã thể hiện qua nếp sống tương chao với mọi người, với đồng môn pháp lữ. Chính vì tấm lòng bao dung, nhẫn nại cùng sự hy sinh mà Thầy đã lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua bao nhiêu thác ghềnh thời đại. Khi thăng lúc trầm, khi buồn lúc vui, Thầy đều giữ lòng thanh thản. Dẫu biết thế nhân mạc trắc, lòng người ai biết nông sâu, nhưng Thầy vẫn hoan hỷ, độ lượng mà tha thứ, thông cảm. Kính bạch Giác Linh Thầy, Có ai ngờ, vừa xong Lễ Bế Mạc Khóa Tu Học Phật pháp Âu Châu kỳ thứ 25, ở Kurtu, Phần Lan, Thầy an nhiên, thâu thần thị tịch, để lại cho hàng Môn Đồ Pháp quyến chúng con nỗi đau thống thiết, đoạn trường tâm can. Chúng con đã khóc. Khóc không dừng khi hay tin Thầy không còn ở với chúng con dưới mái chùa Khánh Anh như tự thuở nào. Dẫu rằng chúng con không muốn tin là Thầy đã vĩnh viễn ra đi, nhưng sự thật hiển bày, Thầy đang nằm bất động trong Kim Quan trước mặt chúng con. Than ôi! Bảy mươi lăm năm Thầy ở với đời Năm mươi lăm năm sống Đạo Từng bước chân nhẹ dạo khắp địa cầu Hàng triệu con tim chỏi nhịp u sầu. Thầy ơi! Tiễn biệt Kinh cầu hiến dâng. Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn tứ thập tứ thế Liễu Quán Pháp Phái, khai sơn Khánh Anh Đường Thượng húy thượng NGUYÊN hạ CẢNH, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm, Giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.

Chùa Khánh Anh, ngày 15 tháng 08 năm 2013
Môn Đồ Pháp Quyến Đồng Bái tạ.

Sunrise Aug 12 - 2015 (7)

Tưởng Niệm Thầy

Thích Như Điển

Biết nói và viết gì đây khi văn chương chữ nghĩa chỉ còn là những cánh sao rơi. Vì bầu trời Paris giờ đây đã chợt tối. Xin mượn những vần thơ để tiễn Thầy.

Paris phố mây giăng màu ảm đạm

Khánh Anh buồn tiễn biệt bóng Thầy đi

Thầy đã vào đời cách đây ba phần tư thế kỷ. Thầy xa quê cũng đã gần 50 năm trời. Từ những ngày xuất gia học đạo, rồi làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều Bình Định năm 1965-1967. Thế rồi, Thầy đã cất bước ra đi và chưa một lần trở lại. Đến xứ Hoa Anh Đào để miệt mài kinh sử, rồi Thầy vâng lệnh Giáo Hội đến Paris từ đầu thập niên 70. Kể từ ấy đến nay hơn 40 năm nơi xứ Tuyết trời Tây, Thầy đã gầy dựng biết bao nhiêu là sự nghiệp, bao nhiêu công trình cho đời, cho đạo. Giờ thì, Thầy đã thật sự an nghỉ rồi. Thầy không còn nhìn thấy những bạn đạo, học trò đệ tử của mình qua hơi thở và nhịp đập của con tim nữa, nhưng họ đã và sẽ quán chiếu những hành trạng của Thầy suốt một chặng đường dài, trải qua không biết bao nhiêu là chông gai của lịch sử và Đạo Pháp. Nhân lúc tiễn biệt Thầy, xin có đôi điều giao cảm.

Về thân giáo, Thầy đã dạy cho các đệ tử tại gia và xuất gia của Thầy bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tu tức là học, học tức là làm việc, làm việc tức là tu, tu tức là học v.v.. Đây là một định đề như tam đọan luận và từ đó, Thầy đã dùng chính bản thân của mình để chỉ bảo cho đồ chúng qua cách tu và làm việc của Thầy.

Có lần Thầy bảo:” ngày xưa còn nhỏ, lúc học trường làng thấy chúng bạn uống chai xá xị mà mình phát thèm, nhưng chẳng có tiền trong túi để mua. Còn ngày nay, cái gì cũng có, đôi khi dư thừa, nhưng chẳng ăn và uống được gì cả“. Quả là cuộc đời nó luôn luôn đối nghịch như thế.

Bao tử của Thầy đã bị cắt hết hai phần ba,  ăn uống đâu có được bao nhiêu, mà ngày nào nếu thiếu mì Nhựt và rau xà lách, hình như Thầy chẳng vừa lòng. Suốt cuộc đời của Thầy, hình như chỉ nuôi sống bằng mì Nhựt là chính, chắc chắn trên bàn thờ của Thầy trong những ngày tuần thất và giỗ quải sẽ không thiếu món nầy. Năm 2005, Thầy bị mổ tim và từ đó đến nay đã bao lần mệt nhọc, thế mà Thầy vẫn không ngại tuổi cao, sức yếu, vào sanh ra tử không biết bao nhiêu lần để tranh đấu cho quê hương, cho nhân quyền và cho tự do Tôn Giáo, chỉ mong một ngày sau quê hương Việt Nam được thật sự nở ra những cánh hoa dân chủ, không còn độc tài, đảng trị như lâu nay.

Đạo Pháp và Dân Tộc trên hai vai Thầy gánh nặng ngang nhau, không biết bên nào khinh, bên nào trọng. Với hai bờ vai gầy ấy những thành quả thật nhiệm mầu. Nơi nào Thầy đến, nơi ấy sẽ yên. Quả là một cánh chim Di của đàn chim Việt đã an bang tế thế, đâu có khác gì Lê Lợi ngày xưa. Tuy Thầy không làm quan ở chốn cửu trùng, nhưng Thầy đã làm Pháp tử, con của đấng Đại Giác Thế Tôn, với tài an tâm thiên hạ. Thầy đã là một bạch hổ của trời Tây.

Về ý giáo, Thầy không thể hiện rõ nét qua sách vở, văn chương thi phú, nhưng những pháp ngữ của Thầy vẫn còn vang vọng đó đây. Đó là những kim chỉ nam cho đàn hậu học. Vốn đã làm thư ký cho Thầy hơn 40 năm qua, nhưng chưa bao giờ thấy Thầy nhăn mặt, khi một sự việc không hài lòng, cách giải quyết của Thầy là chẳng giải quyết gì cả, cuối cùng vấn đề ấy sẽ được tự giải quyết. Đây là bài tóan cao khó giải của Lưu Bang, Hạng Võ thời xưa, đời ngày nay mấy ai hiểu đựơc. Vấn đề ở đây không phải là chấp nhận hay bác bỏ, mà Thầy thừa nhận vấn đề như sự tự nhiên của nó.

Một Nguyễn Trãi công thần khuyên Vua Lê Lợi trong việc an bang tế thế vào thế kỷ thứ 15, khi Vua Lê đã dựng được nghiệp đế, thì Thầy chính là kẻ công thần ấy mà ít người nhìn ra được. Vì không có minh quân, mà tướng tài còn ẩn dật dưới nhãn hiệu một bần tăng, nhưng chúa tể sơn lâm ấy sẽ trổi mình, khi hòang thiên không phụ người có lòng tốt.

Ý của Thầy muốn dung chứa mọi khuynh hướng vào một chốn và họat động dưới một thể chế, để mong rằng thể hiện được tư tưởng tự do và bình đẳng của con người. Điều ấy hẳn tốt, vì chính nhờ vi trùng có thể nuôi dưỡng thân nầy để tồn tại mà cũng chính vì vi trùng mà ta tự hại lấy ta. Khi sức mạnh tự thân không còn nữa thì thân cát bụi sẽ trả về cho cát bụi; gió thời gian xin trả lại cho thiên nhiên. Đời hay Đạo lâu nay vốn là thế! chẳng thiên vị một ai bao giờ. Ai có đến ắt có đi, ai có còn hẳn có mất, nghìn thu vĩnh biệt từ đây!!!

Về khẩu giáo, Thầy luôn nói lời từ ái. Thỉnh thỏang vẫn có quở rầy đệ tử; nhưng với người ngòai hầu như không thể hiện tánh nóng nảy bao giờ. Đây là điểm son của người lãnh đạo. Người lãnh đạo cần phải biết hết tất cả mọi việc, chứ không cần làm hết mọi việc. Thầy đã thể hiện đúng được điều ấy. Bên trái bên phải Thầy đã có tả phù hữu bật, thì còn lo gì với bạch hổ cư Tây, anh hùng cái thế ấy! Do vậy Thầy không cần la rầy nhiều mà việc chùa , việc Giáo Hội vẫn thông suốt trôi chảy lạ thường. Có những cuộc họp Giáo Hội thật nan giải, nhưng với Thầy mọi việc đều bình thường, chỉ có cuộc họp lần cuối tại Phần Lan vào đêm 28 tháng 7 năm 2013 vừa qua lại là một cuộc họp lịch sử. Vì biên bản Thầy chưa ký và sẽ vĩnh viễn không bao giờ ký nữa. Những vấn đề đau đầu nhức óc hôm đó, sẽ để cho vấn đề tự giải quyết vấn đề. Đó có phải là ý nguyện của Thầy chăng!!!

Đối với những đòan thể quốc gia bên ngòai, Thầy cũng là một bậc long tượng của Thiền môn, ngồi giữa muôn trùng vây bủa, nào thị phi, nhân ngã, nào tán thưởng hăm dọa, vu oan . ….nhưng tất cả đối với Thầy, vật càng thối bao nhiêu, càng nuôi cây tốt bấy nhiêu; người càng chướng bao nhiêu, những kẻ ấy thể hiện là người tài. Thầy là một người nài huấn luyện tượng vương thật giỏi. Thầy là một kỵ mã giỏi như Quan Công giữa chốn quân trường. Thầy là một Bao Công đã xử án công bằng, khiến cho bao nhiêu người thấp cổ bé họng đựơc nhờ.

Tuy Thầy không chú trọng bằng cấp nhiều, nhưng chính Thầy đã đỗ đạt nhiều phẩm vị khác nhau ở Đại Học, Thầy không quan tâm về sức khỏe của chính mình. Vì Thầy ngại phiền lòng những người chung quanh phải lo lắng. Những ngày cuối của Thầy tại Phần Lan, ai cũng mong Thầy vào bệnh viện để sớm được chữa trị, nhưng Thầy mãi chần chờ. Vì Thầy không muốn xa khóa học, xa Pháp lữ và xa học trò đệ tử. Thầy đau mà như không đau. Vì Thầy nơi thân lẫn tâm chưa bao giờ thể hiện rõ điều ấy. Đời người có bốn giai đọan quan trọng. Đó là sanh, già, bệnh, chết. Thế mà Thầy đã đốt đi bớt hai giai đọan rồi, chỉ có sanh ra và chết đi, còn già và bệnh, Thầy không kinh qua cái đau đớn của già bệnh. Đây có phải là sự thị hiện vào đời của ngài Duy Ma Cật, đã thị hiện chăng! Thầy vẫn làm việc cho đến giây phút cuối cùng trên giường bệnh. Với Thầy lúc nào cũng là công việc và giải quyết vấn đề, chứ không tìm cách chạy trốn vấn đề. Đây là sự thể hiện tinh thần Bồ Tát của Thầy vậy.

Ngày Thầy bệnh nặng, mọi người đang lo lắng qua điện thọai từ Phần Lan được báo về. Bên nầy chưa kịp lo cầu an, đã phải chuẩn bị cáo bạch tang lễ chỉ trong vòng 10 phút sau đó vào sáng ngày 8 tháng 8 năm 2013 vừa qua…Trời đất đổi màu, máu chảy ngược về tim, trăng sao đều rơi rụng. Ai nghe tin Thầy ra đi cũng bàng hòang sửng sốt. Vì mới hôm qua còn nghe điện thọai, mới hôm nao ở lớp học còn nói nói cười cười, Thế mà bây giờ đã thành sự thật. Vả chăng cuộc thế vô thường, thế gian giả hợp như đức Phật đã dạy trong kinh Bát Đại Nhân Giác! Giờ Thầy đã ra đi. Giáo Hội sẽ để trống ngôi chủ tịch, nhằm thể hiện tinh thần hiếu kính của hàng hậu côn. Ngôi vị ấy, nơi chốn kia không phải là chốn phân quyền cho ai đó được bầu vào để lãnh đạo, mà chính Thầy vẫn còn hiện hữu đó đây để lãnh đạo Giáo Hội trong cơn thử thách nầy. Có như thế tứ chúng mới đồng tu và đồng ân triêm lợi lạc được.

Ngôi chùa Khánh Anh là một ngôi chùa lịch sử, vì xây dựng suốt gần 20 năm qua chưa có một ngày dừng nghỉ. Ấy cũng chính là tâm nguyện của Thầy muốn thể hiện góp gió thành bão, không kêu gọi Phật Tử nhiều lần, khiến cho nhiều người phải thối thất đạo tâm, để ai đó cứ tùy nguyện đóng góp theo sự thở than nhẹ nhõm trên báo Khánh Anh của mình là mọi người đã tự động rồi./.

 Dĩ nhiên, những anh em còn lại trong Giáo Hội sẽ không làm ngơ được khi cơ đồ, ngôi Phạm Vũ Khánh Anh còn đang dang dở như thế nầy. Thế nào rồi cũng có Long Thần, Hộ Pháp chở che, gia hộ để mọi Phật sự của Khánh Anh nói riêng và của Giáo Hội sớm viên thành. Mặc dù, một tờ di chúc bằng giấy trắng mực đen Thầy không ghi lại, nhưng những lời Vô Ngôn như Phật ngày xưa, chỉ truyền tâm qua Ngài Ca Diếp chỉ một cái mĩm cười, mà mãi tận bây giờ, mấy ngàn năm sau vẫn còn lưu truyền giáo pháp ấy lại cho đời. Do vậy, đâu cần gì phải có giấy tờ văn tự, mà anh em trong Giáo Hội sẽ gánh vác cùng Thầy, mặc dù Thầy không còn hiện hữu trên cõi trần gian nầy nữa.

Tất cả các chùa, các Giáo Hội tại Âu Châu nầy hầu như chỉ  nhờ vào một bàn tay, một khối óc của Thầy tạo dựng nên. Đâu có ai biết định kỳ hằng tháng xây chùa là gì! Đâu có ai rõ Hội Thiện không lời là sao! Tất cả đều nhờ Thầy tiên phương mà bao nhiêu ngôi chùa được xây dựng nên tại Âu Châu hay Canada để phụng thờ ngôi Tam Bảo. Từ chùa Viên Giác ở Đức, chùa Quan Âm ở Montreal,  Canada hay các chùa tại các nước Âu Châu như Nga Sô, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Ý, Hòa Lan, Thụy Sĩ v.v…Tất cả đều ghi đậm dấu chân của Thầy. Nếu không có Thầy hiện hữu lúc ban đầu thì những ngôi chùa nầy sẽ phát triển theo một hướng khác rồi.

Trong Thầy không có kẻ thù. Nếu có chăng, chỉ là tham, sân, si, tật đố. Ai cũng là bạn của Thầy, dẫu người ấy không đồng quan điểm của Thầy. Đây là điểm son của người quân tử, như hoa sen vượt khỏi bùn nhơ, như lá sen không làm cho nước đọng lại. Tất cả rồi cũng trôi qua. Tất cả rồi cũng trở về vị trí uyên nguyên của nó. Đó là bản thể Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ. Tất cả điều nầy ai ai cũng có, chúng ta chỉ cần tánh sáng ấy hiển lộ ở mọi người mà thôi.

Nhiều đệ tử xuất gia bảo rằng đời Thầy đâu có bao giờ vui đâu, nên hình nào của Thầy cũng chẳng thấy Thầy cười. Thế mà khi Thầy mất, chụp hình thấy Thầy cười tự tại đó. Điều nầy cũng đáng nói. Ngạn ngữ của người xưa là:” khi tôi sinh ra đời nầy mọi người chung quanh tôi đều cười để mừng sự ra đời của tôi, trong khi tôi vẫn khóc o e đâu đó. Để rồi suốt trong một chặng đường dài của sanh tử, tôi phải làm một cái gì đó, để rồi một ngày nào đó tôi sẽ ra đi, mĩm cười buông xuôi hai tay, để mọi người chung quanh tôi đều khóc”. Điều nầy đã thể hiện được nơi Thầy một cách trọn vẹn rồi đó.

Chẳng còn bao lâu nữa thì cửa lò thiêu sẽ đóng lại, xác thân của Thầy sẽ không còn tồn tại như xưa nữa, nhưng đâu đó trên bầu trời hay trong chánh điện chùa Khánh Anh hay ở những ngày lễ chính tại các chùa và ngay trong những bữa cơm của các gia đình Phật Tử, những người đã chịu ơn Thầy, không bao giờ không nghĩ đến Thầy cho đến một lúc nào đó tâm thức nầy không còn chủ động được nữa mới thôi.

Bao nhiêu nước mắt mấy ngày nay đã chảy. Bây giờ mới thấy cái buồn nó len nhẹ vào hồn là sao, nhưng vẫn mãi tin rằng Thầy đã được giải thóat khi thấy hình chụp của Thầy lúc lâm chung hơi nóng, máu đỏ dồn lên đầu, chứng tỏ rằng một hành giả đã được vãng sanh. Xin chắp hai tay lại và đảnh lễ trước giác linh Thầy với câu niệm như sau

Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn tứ thập tứ thế Liễu Quán Pháp Phái, khai sơn Khánh Anh Đường Thượng húy thượng NGUYÊN hạ CẢNH, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm giác linh Hòa Thượng thùy từ chúng giám./.  

Ghi chú:

Viết xong vào ngày 13 tháng 8 năm 2013 trên chuyến xe lửa từ Hannover đến Paris, để đón nhục thân Thầy từ Phần Lan trở lại Pháp vào chiều nay.

Nguon: thuvienhoasen

MỘT NĂM ĐÃ TRÔI QUA

Thích Như Điển

blank
Cố HT Thích Minh Tâm

Thời gian mãi trôi qua, không gian chưa bao giờ ngừng sự chuyển động và con người cũng phải già thêm, vì không thể cưỡng lại định luật vô thường vốn tự có. Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế Ngài hay dạy cho các vị đệ tử rằng: Phàm những gì có hình tướng thì tất cả đều bị chi phối bởi sự vô thường, mà đã vô thường thì nguyên nhân chính của nó là khổ, nhưng thật ra cái khổ nó cũng không có thật tướng, vì bản thể của mọi hiện tượng đều là không. Sở dĩ có, vì có ái và thủ chấp hữu, nên mới có những tướng sanh diệt. Khi nào không duyên vào bất cứ một hiện tượng hay hình thức nào bên ngoài, thì lúc ấy chúng ta sẽ chứng được thực tướng của Niết Bàn vô sanh vô diệt.

Thế nhưng đối với tất cả chúng ta vẫn còn đang sống trong sự sanh diệt và sự đối đãi của nhị nguyên, nên chúng ta vẫn còn khổ đau, vui buồn chi phối. Ít ai vui được khi một người thân nhất trong đời của mình đã ra đi vĩnh viễn. Vì lẽ những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, có thể là năm năm, mười năm hay nhiều hơn thế nữa, vẫn là những dấu ấn đáng lưu giữ nơi tâm. Ví như cha mẹ sinh ta ra, là một rong những ân trọng mà ta không thể nào quên được, dầu cho đó là một người con bất hiếu đến đâu đi chăng nữa thì ở một phút giây nào đó đứng trước sự mất mát vĩnh viễn kia của hai đấng sinh thành, thì đây sẽ là cơ hội để thức tỉnh lương tâm của người cùng tử ấy. A Xà Thế hay Vô Não là những bằng chứng cho ví dụ nầy.

Ơn Thầy Tổ hay ơn tế độ của những bậc Tôn Sư cũng không kém phần quan trọng. Tuy các Ngài không tạo ra hình hài vóc dáng của mình như cha mẹ của ta, nhưng các Ngài đã dạy cho ta ăn học, biết cách xử thế ở đường đời cũng như đường đạo, để từ đó chúng ta có cơ hội rõ biết được lối đi về của hai nẻo tử sinh. Các Ngài đã dạy cho ta sự hiểu biết, giúp cho ta rõ được việc thiện ác, chỉ cho ta con đường ngay lẽ phải v.v… chính đây là những chất liệu dưỡng sinh để chúng ta có đầy đủ nghị lực để vào đời. Vì đời nầy chính là một môi trường đấu tranh kiên cố. Nếu không có những bậc Tôn Sư như thế, chắc rằng chúng ta sẽ dễ bị ngoại cảnh chi phối.

Một nhân duyên không nhỏ đối với Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu là đã được gần gũi, tiếp cận cũng như thọ lãnh sự giáo hóa của một bậc Thầy cao cả như thế. Đó là cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu kiêm Viện chủ chùa Khánh Anh tại Paris Pháp Quốc, Ngài đã đến với trần thế nầy vào năm 1940 và Ngài đã thị hiện xả bỏ báo thân tại Phần Lan, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 vào ngày 8 tháng 8 năm 2013, nhằm ngày mồng hai tháng bảy năm Quý Tỵ, thế thọ 75 tuổi đời và hơn 60 năm Tăng Lạp (Ngài xuất gia năm 1949, lúc Ngài 9 tuổi). Một sự ra đi chẳng ai ngờ, không một lời dặn bảo, chẳng có một sự trối trăn hay đau đớn trước khi thở hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Turku Phần Lan. Đây là một hạnh phúc đối với Ngài. Vì những gì Ngài mong mỏi, Ngài đã thực hiện trọn vẹn trên chuyến lữ hành cô độc của một kiếp nhân sinh suốt trong một dặm đăng trình của 75 năm trong một cuộc lữ du như thế. Ngài đã mong cho Giáo Hội và Tăng Đoàn được vững mạnh qua việc tu học và Ngài cũng đã không quên giáo hóa Phật Tử tại gia qua những chuyến lữ hành hoằng pháp xuyên lục địa, bất kể ngày đêm năm tháng. Nơi nào cần Ngài đã đến, nơi nào cung thỉnh thì Ngài đi. Cứ thế và cứ thế bước chân của người Khất Sĩ đã dạo chơi trong khắp chốn Ta Bà nầy. Ngài mong có được những khóa an cư kiết hạ nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu mỗi năm trong 10 ngày tại mỗi nước khác nhau, việc ấy nay cũng đã được chư Tăng Ni tuân thủ hành trì từ năm rồi tại Phần Lan. Đây là cơ hội để chư Tôn Đức Tăng Già ngồi lại bên nhau để trì tụng bộ Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa mỗi đêm một quyển, trong khi các Phật Tử tại gia vẫn học tập với chư vị khách Tăng đến giảng dạy từ khắp nơi trên thế giới. Rồi tụng giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Bồ Tát giới tại gia v.v…đây là những hình ảnh hòa hợp của Tăng Đoàn giống như thời Đức Phật còn tại thế. Chắc hẳn Ngài đã vui, trước khi theo Phật về Tây tại Phần Lan vào năm trước? Năm nay và những năm sau nữa cũng sẽ như vậy để Thầy đang ở một chốn xa xăm nào đó dõi mắt nhìn về cõi nầy sẽ mỉm cười tự tại khi những pháp lữ, đệ tử, học trò thân thương của mình vẫn thực hành theo những di chỉ của mình đã hoài bão.

Rồi an cư kiết đông đã được một lần tổ chức tại chùa Trí Thủ ở Thụy Sĩ, nơi ấy Thầy cũng đã hiện thân đến và nay mai đây những ngày kiết đông như vậy cũng sẽ được tổ chức tại chùa Linh Thứu ở Berlin hay Khánh Anh tại Paris cũng như những nước sẽ đứng ra đăng cai tổ chức. Chắc Thầy đã vui khi thị hiện qua hình ảnh của một con bướm trắng ngày nào đã nhởn nhơ bay lượn trên chánh điện vào một sáng tụng Lăng Nghiêm nhân khóa Tu Học Phật Pháp kỳ thứ 26 tại Thụy Sĩ vừa rồi. Con bướm ấy đến nghe kinh, con bướm đậu trên những hoa sen đang khoe sắc, con bướm bay dạo khắp chánh điện, rồi con bướm lại bay xa như chẳng còn luyến tiếc một điều gì nữa, khi mà mọi hoài bão đã được vẹn toàn.

Trong Khóa Tu học năm nay tại Thụy Sĩ có đến 96 Tăng Ni và 841 nam nữ Phật Tử học viên đến từ 17 nước khắp bốn châu lục: Mỹ, Úc, Á và Âu Châu. Đây là con số chẳng ai ngờ. Vì biết rằng khi Thầy vắng bóng thì năng lực để thành tựu như lúc Thầy còn tại tiền, khó ai có thể nối kết nổi. Có lẽ do vì sự gia hộ của Thầy cũng như sự quan tâm của quý Phật Tử xa gần chịu ơn Thầy, không muốn cô phụ Thầy trong việc hoằng pháp lợi sanh nên kỳ nầy có những cụ già trên 90 tuổi vẫn hiện diện. Điều ấy cũng là hình ảnh vi diệu để nhắc nhở cho con cháu của cụ bà phải luôn luôn tiếp nối pháp Phật, không để cho gián đoạn, mặc dầu Thầy đã không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa. Đặc biệt kỳ nầy có hơn 60 Phật Tử phát tâm thọ Bồ Tát Giới tại gia. Chắc hẳn Thầy đã vui, khi có nhiều người mong cầu thực hành Bồ Tát hạnh như vậy.

Ngôi chùa Khánh Anh tại Evry xây dựng tuy còn dang dở, nhưng những pháp lữ cũng như những đệ tử xuất gia và tại gia của Thầy sẽ cố gắng xây dựng cho xong để kịp vào lễ khánh thành từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2015 sắp đến để kỷ niệm 20 năm xây dựng và cũng là ngày lễ Đại Tường của Thầy. Ngày ấy chư Tăng Ni và Phật Tử khắp nơi câu hội về, nhưng sẽ không có Thầy hiện diện và ai ai cũng có ý mong chờ. Biết đâu lúc ấy sẽ có một con bướm trắng lại xuất hiện để lượn quanh khắp ngôi chùa Khánh Anh và các Pháp Lữ của Thầy rồi Thầy cũng sẽ đi vào chỗ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vì Thầy vẫn mang một đại nguyện là làm sao cho Giáo Hội Âu Châu phải có một ngôi nhà chung và bây giờ Thầy đã toại nguyện rồi đó. Những thiếu thốn trong việc tiếp tục xây dựng sẽ được bà con Phật Tử xa gần cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni của Giáo Hội kề vai ra để gánh vác. Thầy hãy đừng bận tâm cho những công việc như thế tại đây. Vì những gì có hình tướng, thực ra chỉ là những chuyện đối đãi nhị nguyên mà thôi.

Mỗi năm nhân Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu sẽ dành ra một buổi để tưởng niệm Thầy và chư vị Tổ Sư tiền bối hữu công. Vì chính Thầy đã khai tâm cho không biết bao nhiêu người đã được quay về bến giác và mong rằng sự tưởng niệm ấy vẫn luôn được tiếp diễn như vậy để thâm tạ ân đức của Thầy đã dày công giáo hóa Tăng Ni cũng như tín đồ Phật Tử khi Thầy còn tại thế ở chốn trời Âu nầy. Hôm ngày 5 tháng 7 năm 2014 vừa qua, tại chánh điện của Khoá Tu Học kỳ thứ 26 đã có hàng ngàn người đã phủ phục trước di ảnh của Thầy để đảnh lễ và tưởng niệm. Lời kinh trầm hùng được xướng lên của chư Tôn Đức Tăng Ni cử hành theo nghi lễ Phật Giáo Huế qua quyển Pháp Sự Khoa Nghi do cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất biên soạn. Ngài cũng là vị Thầy y chỉ của Thầy khi Thầy còn tu học tại Phật Học viện Hải Đức Nha Trang từ những năm 1956, 1957, rồi Thầy trò xa nhau từ khi Thầy sang Nhật Bản du học(1968). Hôm nay âm dương, Tịnh Độ hai nẻo đi về tuy bị cách trở bằng hình hài, nhưng tâm thức đã dường như được cảm thông qua những câu văn phụng thỉnh Giác Linh hôm ấy. Nhiều người đã bật lên tiếng khóc nghẹn ngào khi cảm niệm đến ân sư. Những giọt nước mắt lăn tròn trên gò má hay những cái ngắm nhìn đầy trĩu thương kính với Người, giờ đây chỉ có thể cảm nhận mà không thốt lên được một lời nào, nhất là những người đã một thời cùng với Thầy chung vai góp sức để lo cho chùa Khánh Anh và cho Giáo Hội. Khi Thầy còn sống, Thầy cũng đã được nghe không biết bao nhiêu là thị phi nhơn nghĩa và bây giờ ngược lại Thầy chỉ cảm nhận toàn là những chuyện hay, chuyện đẹp của thế nhân xưng tụng mình, chắc Thầy cũng sẽ buồn cười cho màn kịch của nhân thế phải không? Vì tánh Thầy vốn giản dị nhưng rất sâu sắc, không bao giờ phê bình chỉ trích ai, dầu cho người đó có mặt hay vắng mặt. Đây là một đặc tính cố hữu tuyệt vời của Thầy mà không thể ai cũng có thể học hỏi theo được. Nếu có chăng, đó cũng chỉ là những sự chắp vá vụng về mà thôi.

Vùng đồi núi Schwarzsee nay rất đẹp, giống như trong tranh vẽ của Âu Châu. Nơi đây con người và thiên nhiên rất gần gũi. Trong 10 ngày qua, gần 1.000 chư Tăng Ni và học viên tham dự Khóa Tu Học tại đây như con trong một nhà, sống và tu học theo tinh thần lục hòa, nên ai cũng hoan hỷ và dẫu cho có một chuyện gì đó trái ý nghịch lòng xảy ra thì mọi người đã nghĩ đến Thầy nên lại bỏ qua cho nhau, không một sự trách móc nhỏ to hay giận hờn vô cớ. Âu đó cũng nhờ sự quan tâm và sức gia trì của Thầy mà có được.

Một ngày niệm Phật suốt từ sáng đến chiều trong Khóa Tu Học, đã làm rung động cả núi rừng vốn dĩ đã trầm mặc nơi đây kể từ một thưở xa xưa nào đó. Thế mà hôm nay đã đánh thức muôn loài cùng hướng về nẻo thiện qua câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật Để rồi mọi loài và mọi người cùng an bình hạnh phúc khi có cả hàng ngàn trái tim, tâm thức của những người con Phật đang trì tụng một cách miên mật như thế. Khi câu Phật hiệu nầy vang lên khiến cho núi rừng cũng phải thức giấc, Thiền Sư cũng phải ngoái nhìn lại những công án của mình đã hạ thủ công phu được đến đâu rồi. Ôi! Cao quý thay! Thầy đã đi hơn một năm rồi, nhưng tâm Thầy và hình bóng của Thầy vẫn còn ở lại với tứ chúng tại đây suốt trong một thời gian dài như vậy. Cũng không phải chỉ khi nào có khóa Tu Học Phật Pháp mới tưởng niệm và nhớ nghĩ về Thầy, mà lúc nào cũng như lúc nào các Pháp hữu của Thầy cũng cảm niệm được những sự cưu mang của Thầy, nên phải cố gắng thực hiện để khỏi phụ công của Thầy đã lao công nhọc sức trong suốt thời gian 75 năm khi Thầy có mặt trên trần thế nầy vậy.

Các Đệ Tử xuất gia và tại gia của Thầy cũng rất hoan hỷ, vì thấy rằng họ không bị lẻ loi khi Tôn Sư của mình vừa vắng bóng. Lý do rất đơn giản là: Khi sống Thầy đã vì mọi người thì khi Thầy ra đi mọi người sẽ vì Thầy để đền ơn đáp nghĩa, để khỏi phải cô phụ tấm lòng của Thầy đã vì mọi người như từ trước đến nay. Rồi đây những bài tưởng niệm Thầy sẽ được đăng trong kỷ yếu sắp xuất bản nhân tuần Đại Tường của Thầy vào năm 2015 nầy. Tất cả đều chỉ còn là những hoài niệm, những tiếc thương một thời của dĩ vãng. Đó chính là những ân đức mà không phải ai cũng có được như Thầy, khi Thầy còn hiện hữu nơi đây hay khi Thầy đã theo Phật về Tây.

Kỳ họp Giáo Hội năm nay hai lần vẫn đẹp đẽ, vì lẽ ai trong chư Tôn Đức cũng mong mỏi rằng mọi Phật sự chuẩn bị cho sang năm 2015 phải được hoàn thiện tốt đẹp, nên mọi người đã chú tâm vào mục đích đã đề ra để giải quyết và cuối cùng đã xuôi buồm thuận gió, không như năm rồi tại Phần Lan, khiến cho Thầy phải ngồi đến 1 giờ khuya của ngày hôm sau để nghe những báo cáo của các địa phương và phải tìm phương pháp giải quyết thích hợp. Chắc rằng Thầy cũng đã phải đau đầu không ít cho cuộc họp lịch sử đó. Từ nay trở đi Thầy sẽ không còn phải chủ trì những phiên họp gay go như thế nữa. Năm nay đã chẳng phải lặp lại những gì mà đã phải nghe như năm rồi. Như vậy, công việc tự nó đã được giải quyết một cách ổn thỏa. Đây chẳng phải là cách giải quyết của Thầy sao?

Mỗi năm như vậy đều có lễ tác bạch cúng dường trai Tăng và trai phạn của các phái đoàn của các nước tại Âu Châu, nhiều khi cũng có những gia đình hữu sự muốn hồi hướng phước báu cho người còn hay kẻ mất trong gia đình, nên nhân cơ hội nầy cũng đã phát tâm dõng mãnh làm việc phước và cứ từng bài tác bạch như thế, hầu như không có bài nào là chẳng nhắc nhở đến công giáo dưỡng cũng như hình ảnh của Sư Ông. Hầu như đâu đó trong khắp không gian của vùng núi đồi nội ngoại giới trường khi tác pháp an cư trong 10 ngày nầy đều có sự hiện hữu của ân sư. Khiến cho ai đó khi nghe đến những tâm cảm nầy cũng hết sức ngậm ngùi. Đã đành là vậy, nhưng nhiều người cũng phải gạt lệ để đọc tiếp tục những bài tác bạch cúng dường thật là ý nghĩa. Lớp học của các em Oanh Vũ cũng không bao giờ thiếu vắng bóng dáng của Thầy. Vì chữ Đại “Học Oanh Vũ” vốn do Thầy sáng tác ra, ngày nay hình như đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, khiến cho ai đó khi nhắc đến những mầm non trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu, đều phải hiểu ngay rằng: Đó chính là một sự gợi nhớ đến Sư Ông Minh Tâm mà các em vẫn thường hay gọi thân thương như thế.

Rồi một bao gạo cúng dường để trợ duyên cho khóa Tu Học Phật Pháp vẫn hằn sâu vào tâm cảm của mọi người mỗi khi khóa giáo lý gần kề. Nếu ai không đi được thì gửi về chùa Khánh Anh hay qua bạn bè mang đến đóng góp trực tiếp cho Ban Tổ chức địa phương, nhờ vậy mà năm nào cũng như năm nào, sau khi tổ chức xong, không dư thì thôi chứ không bao giờ thiếu cả. Đây là thành tựu do sáng kiến của Thầy vậy. Nếu không có Thầy nghĩ ra việc nầy thì tại Âu Châu nầy cũng phải tìm cách gây quỹ như những châu khác vậy.

Rồi nào là: Cúng dường định kỳ hằng tháng, cúng dường bất định kỳ, cho mượn hội thiện không lời, hậu sống, hậu chết, ngân hàng Cấp Cô Độc v.v… tất cả đều do Thầy tạo ra và từ đó ở hải ngoại nầy các chùa khắp nơi đã bắt chước thực hiện theo. Công đức ấy thật là không nhỏ. Chắc sau nầy riêng ở tại hải ngoại gồm 5 châu lục phải tôn phong Thầy là vị Tổ khai sáng ra môn phái đặc biệt nầy. Môn phái nầy không có dòng kệ truyền thừa, nhưng nghĩ rằng môn phái nầy sẽ không bị thất truyền và sẽ được tiếp tục mãi mãi về sau nầy khi người Phật Tử Việt chúng ta vẫn còn thực hiện chế độ tùy hỷ cúng dường như xưa nay. Như thế ấy, lần nầy chỉ riêng tiền thuê chỗ để ở trong 10 ngày cho các học viên cũng đã lên đến 65.000FS, tương đương với 65.000 USD, ai mới nghe qua ban đầu cũng phát ớn. Vì nghĩ rằng làm sao đủ số học viên tham dự đóng tiền học phí cho đủ để trang trải những chi phí khác như: Ăn uống, trần thiết, di chuyển, cúng dường chư Tôn Đức giảng sư v.v… thế mà cuối cùng con số học viên tham dự ngắn và dài hạn đã lên đến 937 người và số thu cho mọi sự cúng dường cũng như đóng học phí đã lên đến trên dưới 200.000 FS. Trong đó việc cúng dường 1 bao gạo 30 Euro cũng đã chiếm hết một phần tư rồi. Kỳ nầy số tiền thặng dư cũng không dưới 20.000FS. Đây chính là công đức và thành quả mà Thầy đã để lại vậy. Thế hệ sau nầy nếu muốn được truyền thừa pháp môn nầy thì chỉ cần tu, học và thực hành như Thầy đã thực hiện thì chắc chắn sẽ thành công. Thầy không cho ai đó một hay nhiều cái bánh, dầu cho đó là đệ tử xuất gia hay tại gia, mà Thầy đã sáng tạo ra không biết bao nhiêu phương pháp làm bánh để trao đến cho mọi người. Với những mẫu khuôn bánh được tạo ra những chiếc bánh như vậy thì tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người mà tạo thành những chiếc bánh xinh xinh dễ nhìn để mọi người tự đi cầu chứng thương hiệu, rồi cứ thế sản xuất ra nhiều chiếc bánh khác nữa, mà chiếc bánh đầu tiên ấy Thầy đã chẳng lấy bản quyền. Có lẽ đây là thành quả của bao nhiêu năm mà Thầy đã tu học tại Nhật Bản từ năm 1968 đến 1973, và Thầy đã xay nhuyển lại để mang về cho Phật Giáo Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước một sức sống, một cái nhìn thật là vi diệu như thế chăng?

Ngoài kia trời vẫn mưa và vẫn nắng. Đó là chuyện của đất trời vạn vật xưa nay. Trong khi đó tại chánh điện hay ở trong những gian phòng học tập Phật pháp, chư Tăng Ni vẫn tiếp tục trao truyền những diệu lý mầu nhiệm ấy cho bao người con Phật, nhằm thăng tiến một niềm tin, mà căn bản vẫn là sự giải thoát của kiếp luân hồi sanh tử nầy.

Viết xong vào ngày 7 tháng 7 năm 2014 tại Schwarzsee vùng Fribourg Thụy Sĩ.

  • HT Thích Như Điển

Giáo Hội Mồ Côi 

blank

Không phải vì hiện tượng “Một vì sao đã tắt trên trời Âu“ mà Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ 26 phải… đóng cửa! Không, các Phật tử Âu Châu chúng tôi nhất quyết không phụ lòng mong đợi của Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Tâm tức Sư Ông Khánh Anh thân thương của chúng tôi, đã cùng nhau kéo đến xứ thần tiên Thụy Sĩ có núi cao, hồ đẹp tại Fribourg để tu học từ ngày 30 tháng 6 đến 10 tháng 7 năm 2014. Sau hơn một phần tư thế kỷ tu học với hình ảnh của Sư Ông, cả Giáo hội Âu Châu cũng cùng chung một tâm trạng hụt hẫng như những trẻ thơ bị mất đi người cha già dấu yêu. Nhưng “Giáo hội mồ côi“ của chúng tôi đã làm thật tốt, thật hay để Sư Ông ở nơi nào đó phải gật đầu mỉm cười. Không hài lòng sao được khi con số học viên tham dự đã lên đến 990 vị, gồm 207 Ưu Bà Tắc, 686 Ưu Bà Di và 97 Chư Tăng Ni đến từ 18 quốc gia. Thay vì ngồi thụ động ca bài “Mồ côi, tội lắm ai ơi!“, chúng tôi đã biến đau thương thành hành động. Chả trách gì Hòa Thượng Tánh Thiệt tràn ngập niềm vui hiển lộ trên nụ cười ánh mắt. Tâm trạng của Người như thế nào sẽ được viết rõ trong phần khai thị sau buổi lễ khai giảng.

Địa điểm khóa tu học là một trại lính do chính tay Sư Ông quá cố đặt tiền cọc giữ chỗ, có 600 chiếc giường đủ chỗ ăn ngủ cho 600 học viên, chỉ cần làm một bài tính trừ nho nhỏ thôi cũng đủ biết Thầy Quảng Hiền sẽ gặp khó khăn như thế nào khi kiếm thêm chừng ấy chiếc giường xếp trong thời gian ngắn. Nhưng bù lại khung cảnh chung quanh thật tuyệt vời, những rặng núi cao với mây giăng chập chùng, thoai thoải những thảm cỏ xanh mướt chấm điểm một vài con bò đeo lục lạc nằm nhai cỏ một cách thoải mái. Dưới chân núi là một cái hồ với nước trong như vắt bao quanh, ấy thế mà có tên là “Hồ Đen“ (Schwarzsee) mới lạ. Từ những “trợ duyên phong thủy“ đó, những con bò Thụy Sĩ đã cho ra nhiều dòng sữa béo ngậy để đưa sản phẩm Sô-cô-la Thụy Sĩ lên hàng nhất nhì thế giới.

Chánh điện trang nghiêm nguyên thủy là một phòng tập thể thao rộng lớn, đã được các bàn tay khéo léo đến nhiệm màu của các Thầy Nguyên Lộc và Thông Trí trang hoàng theo cảnh giới của cõi Tịnh độ Phật A Di Đà. Các cành hoa hồng rực rỡ điểm thêm vài bông hướng dương, đã được cắm theo dạng chiếc thuyền Bát Nhã đưa người sang bến Giác trông thật hài hòa. Cũng vẫn những bàn tay khối óc ấy nhưng chẳng ngôi chánh điện nào giống nhau trong mỗi khóa tu, mỗi kỳ mỗi vẻ càng ngày càng hoàn hảo hơn.

Khóa An Cư Kiết Hạ của các Chư Tôn Đức Tăng Ni lần thứ 2 cũng được tổ chức song song với Khóa Tu Học Phật Pháp của các Phật tử Âu Châu, do đó các vị giảng sư “khét tiếng“ đến từ Hoa Kỳ như Hòa Thượng Thắng Hoan, HT Đổng Tuyên, HT Nguyên Siêu cũng có mặt đầy đủ, làm tăng thêm phẩm chất cho khóa tu kỳ thứ 26 này. Đến từ Âu Châu Pháp quốc có HT Tánh Thiệt, Đức quốc với HT Như Điển, đấy là 2 cây cột trụ vững chắc của Giáo hội Âu Châu. Từ Đan Mạch có HT Quảng Bình với giọng xướng điệu “Tây Sơn Bình Định“ và bên Ni Chúng có Sư Bà Như Tuấn chùa Phổ Hiền bên Pháp, cùng các Ni Sư Cô các Chùa.

Buổi lễ khai giảng diễn ra trong bầu không khí trang nghiêm và trầm lặng đầy nước mắt, bao trọn hình ảnh của cố Hòa Thượng Minh Tâm trong những lời phát biểu. Từ Thầy MC Hoằng Khai với “Vì âm dương cách trở, duyên tụ duyên tan nên vắng bóng cha già“, đến HT Thắng Hoan “Vì thương ngôi nhà Phật Pháp Âu Châu đã làm vẻ vang cho Phật giáo hải ngoại và tinh thần vì đạo vì dân tộc mà sang đây“. Hòa Thượng giám luật Như Điển hứa sẽ hướng dẫn “Giáo hội mồ côi“ này làm tốt hơn để Sư Ông ở nơi nào đó vui lòng. Thượng Tọa Tâm Huệ phụ trách về giáo dục sẽ để tâm vào Bồ Tát luật.

Buổi chiều trong buổi lễ khai thị cho khóa tu, HT Tánh Thiệt đã bày tỏ nỗi lòng từ những năm tháng đầu tiên một mình trên xứ người. Từ năm 1989 đi tuyệt thực tại Genève để vận động cho phong trào đón nhận người Việt tỵ nạn tại Đông Nam Á. Để rồi đến năm 1990 đã thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tại Oslo (Na Uy), bắt đầu cho Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu lần thứ nhất cũng tại Fribourg (Thụy Sĩ) chỉ có vỏn vẹn 10 vị Thầy và gần 100 học viên. Đến hôm nay khóa 26 cũng tại địa phương này, nhưng con số học viên chắc Thầy nằm mơ cũng không dám nghĩ đến, vì với nhiều vấn nạn như thời gian khóa tu vào đầu tháng 7, trẻ em còn đi học. Thầy chỉ cần số người tham dự cỡ năm trăm trở lên là lý tưởng lắm rồi; đủ để khoe với bậc tôn sư vắng bóng về thành tích của mình. Ước nguyện thứ 2 của Sư Ông Khánh Anh là xây dựng một trung tâm Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu, nghĩa là ngôi chùa Khánh Anh phải hoàn tất vào năm 2015.

Ngày thứ hai của khóa tu sau buổi ăn Quá đường có buổi lễ tưởng niệm Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Minh Tâm, với đầy đủ các nghi thức cúng tụng thật trang nghiêm và cảm động. Giữa tuần là ngày Thọ Bồ Tát Giới cho chúng hàng tại gia, sơ sơ cũng lên đến con số hơn 70 vị, làm Hòa Thượng Thái Siêu giật mình cứ ngỡ rằng không thể tổ chức được, vì số ghi tên ngày đầu chỉ có vài mươi vị.
.
blank

Chương trình tu học vẫn như hằng năm không thay đổi, lớp 1 là Đại học Oanh Vũ (Hụi Thiện hay Ngân hàng Cấp Cô Độc và Bao Gạo cho Khóa tu, tất cả đều do Sư Ông đặt tên không biết đã được cầu chứng chưa?), chia làm 2 lớp 1a và 1b theo lứa tuổi. Lớp 2 cho những người mới đi lần đầu, hay chưa dám tin vào khả năng Phật Pháp của mình. Lớp 3 toàn những khuôn mặt gạo cội của các khóa tu, có vị đã tham dự gần hai chục khóa nhưng vẫn chưa đủ can đảm bước vào lớp 4 chỉ dành riêng cho Tăng Ni.

Trước khi đi sâu vào đề tài giảng và các giảng sư của lớp 3, xin được sơ qua thành phần giảng sư của các lớp:

. Lớp 1: bao gồm toàn bộ Gia Đình Phật tử Âu Châu với ngành Thanh, Thiếu và Đại học Oanh Vũ, do Thầy Viên Giác tức nhạc sĩ Phi Long của chúng ta đảm trách. Công việc có bù đầu như thế nào không biết, chỉ biết rằng khi gặp Thầy ở đâu cho dù trong lửa trại Huyền Trang 3, hay trên sân khấu buổi văn nghệ cuối khóa, lúc nào cũng thấy Thầy nở nụ cười. Thầy Như Tú chùa Phật Tổ Thích Ca tại Luzern Thụy Sĩ, với khuôn mặt tươi trẻ đã hướng dẫn các em Oanh Vũ với cấp bậc Đại học nên phải giảng bằng tiếng Anh mới hiểu.

. Lớp 2: TT Giác Trí một ngôi sao mới xuất hiện trên nền trời Tu Học Âu Châu. Còn ngôi sao cũ TT Đồng Văn phải về sớm vì Phật sự của chùa nhà, nên nhường lớp cho các Thầy khác. Vì không đủ “phóng viên Phật trường“ để gửi sang các lớp 2 thu thập tài liệu nên không thể viết nhiều hơn được, chỉ biết rằng ngoài các Thầy Pháp Trú, Minh Đăng và Nguyên Hùng giảng dạy, còn có các giảng sư thuộc hàng “Tối thượng thừa“ của lớp 3 bổ xứ xuống.

. Lớp 3: đây mới là “Đỉnh cao trí tuệ“ của khóa tu. Các học viên hiếu học đến nỗi phải đến sớm cả tiếng để giữ chỗ tốt hàng đầu, chỉ cần đến đúng giờ thôi là cũng đủ đứng ngoài hành lang chõ mắt trông vào. Tại sao có hiện tượng đáng yêu như thế? Đừng nói rằng hình bóng Sư Ông ở mãi tận trong con về phù hộ cho con siêng đi học. Ấy chính là khả năng giảng dạy thu hút người nghe đến cùng tận của các giảng sư.

HT Thắng Hoan: với tác phẩm “Những yếu điểm của tư tưởng duy thức“ vang bóng một thời đã khiến Người lãnh án tử hình của nhà nước, chỉ vì tội làm cho trên hai trăm cán bộ nồng cốt của đảng phải khai trừ vì lỡ giác ngộ khi đọc tác phẩm này. Thầy giảng về “Ý nghĩa và Giá trị tụng niệm“ cho mọi người hiểu rõ ý nghĩa xác thực để trao truyền lại cho con cháu. Có 3 cách tụng niệm là: Đọc Kinh, Tụng Kinh và Trì Kinh. Tụng để phát huy năng lực trí tuệ mầu nhiệm của Kinh. Trì để giải trừ nghiệp chướng oan khiên lâu đời. Tụng niệm phát huy ba năng lực trợ đạo: Ngôn lực, Tâm lực và Đạo lực.

HT Đổng Tuyên: vị Thầy chuyên về giới luật đã giảng cho hàng Bồ Tát tại gia và xuất gia về Bồ Tát giới với 10 giới trọng và 48 giới khinh. Sự khác biệt giữa giới cấm uống rượu và không bán rượu nặng nhẹ như thế nào? Cũng cùng một hành động “Tay cầm bình rượu túi thơ“, nhưng một đằng tự giết mình còn đằng kia trao rượu để giết người, rồi còn ép thêm câu “không say không về“ nữa (đây chỉ là lời bàn của người viết). Thầy còn dạy Kinh Nhất Dạ Hiền Giả trong Kinh Trung Bộ với bài kệ thâm sâu: Quá khứ không truy tìm. Tương lai không ước vọng. Quá khứ đã đoạn tận. Tương lai lại chưa đến. Chỉ có Pháp hiện tại. Tuệ quán chính là đâyKhông ai điều đình được. Với đại quân thần chết. Thầy có lối giảng bài cực kỳ lôi cuốn, không thể diễn tả bằng lời, chỉ có thể cảm nhận được khi nghe trực tuyến mà thôi.

HT Nguyên Siêu: năm nay Thầy đổi đề tài, giảng Kinh Viên Giác thấy hoa đóm giữa hư không, thấy mặt trăng thứ hai cho lớp 3 và Kinh Kim Cang như chiêm bao, như điện chớp, nắng chiều mà cảm nhận thân phận của kiếp người đầy mộng ảo cho lớp 2. Chỉ nghe tựa đề không đã muốn nhảy lớp để được nghe tất cả, nhưng làm thế cuối khóa sẽ thi rớt mà thôi. Nên tập trung vào Kinh Viên Giác để biết “Tánh Viên Giác sanh ra tất cả pháp: Chơn Như, Bồ Đề, Niết Bàn, Ba la mật“. Học Kinh Viên Giác để thấy: “Tất cả cảnh giới huyển hóa của chúng sanh đều sinh ra trong tâm Viên Giác mầu nhiệm. Các pháp như huyển có sanh có diệt mà tánh Viên Giác không sanh không diệt“. Lý do nào hư không có hoa đóm, chẳng phải do người nhặm mắt nhìn thấy hay sao?

– HT Như Điển: Thầy giảng về Trung Ấm thân sau 49 ngày sẽ không còn tồn tại và chỉ dẫn cách thức cho người đi hộ niệm, nên đứng ở đâu và làm gì cho khỏi sai trái. Tối kỵ không được đứng ở chân giường vì thần thức sẽ ra bằng lối này, tốt nhất nên đứng hai bên. Về hiện tượng của sự vãng sanh, ai được sanh về hạ phẩm hạ sanh, ấy là những người biết sám hối và phải có thiện hữu tri thức giúp đỡ.

TT Tâm Huệ: tuy đề tài Duy thức học của Thầy khá khô khan dễ đưa học viên vào hôn trầm nhiều hơn là thiền định, nhưng Thầy đã cải biên và chuyển hóa phương pháp giảng một cách tài tình khiến cho 6 cái căn bản phiền não như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến trở thành những trận cười thoải mái.

TT Thông Trí: với đề tài Sám Hối là điều thiết yếu cho chúng ta. Vì trong cuộc sống không thể tránh khỏi lỗi lầm, nên phương pháp “thuyết tội“ hay Sám Hối là cách nâng cao đời sống là chuyển hóa nội kết phiền não trong ta. Vậy thì Sám Hối thế nào cho đúng cách đây? Phải hiểu rõ động lực chánh: vô minh và tà kiến nên Sám Hối.

– TT Hoằng Khai: giảng về Pháp bố thí, pháp này làm không khéo rất dễ bị hiểu lầm. Bố Thí mà thiếu Bồ đề tâm sẽ trở nên hại người, hại mình, là kẻ thù của kiếp thứ 3, nghĩa là khi hưởng hết phước sẽ mắc đọa trở thành ma nghiệp. Bố thí Ba-la-mật là bố thí thanh tịnh, không thấy vật cúng, không thấy có mình bố thí và không thấy có người nhận.

Lớp 4 của các Tăng Ni cũng phải trì tụng Kinh Pháp Hoa nghiêm mật, phải xong bao nhiêu cuốn người viết cũng không dám hỏi. Chỉ nghe được thông báo là Khóa An Cư Kiết Hạ kỳ này thành công mỹ mãn vượt ra ngoài dự tính.

Ngoài ra còn có một ngày Niệm Phật và đi Kinh Hành, liên tục 4 xuất từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều do các Tăng Ni luân phiên nhau hướng dẫn.

Đã có công tu học thì phải có thi cuối khóa để tranh giải nhất nhì ba, phần còn lại không thi cũng có bằng tốt nghiệp như hai câu thơ:

Đi thi để biết đề thi. Đi thi để biết phòng thi rồi về.

Giải thủ khoa của lớp 3 năm nay lọt vào tay một chị chuyên gia làm bánh công quả cho chùa Phổ Bảo ở München – Đức quốc. Cám ơn chị đã làm rạng danh cho “tập đoàn soon chảo“, để thiên hạ không chê bai nhà bếp chúng ta không biết gì về Phật pháp. Năm nay có nhiều biến đổi khá thú vị, giải hạng nhì của lớp 2 lọt vào tay một chị theo đạo Công giáo, nhờ nghe băng giảng của các Thầy trên mạng nên mến mộ đạo Phật và ghi tên đi dự khóa tu học lần đầu tiên. Kết quả thu được ngoài phần thưởng với tượng Quán Âm thật đẹp đeo trên cổ, chị còn Quy Y với Sư Cô Trí Anh chùa Linh Sơn bên Pháp và được Sư phụ cho Pháp danh là Diệu Dược, đi theo xách tráp ấn huyệt cho đại chúng.

Lễ bế giảng được kết thúc thật long trọng trong niềm hân hoan và an lạc của tất cả mọi người, với một liên khúc “Vui thay với 10 ngày tu học…, vui thay với…“ của Thầy Hoằng Khai (vẫn làm MC), chúng ta biết thêm được nhiều thành tích của Thầy Quảng Hiền chùa Trí Thủ, đã liên kết với 3 ngôi chùa ở Thụy Sĩ như Linh Sơn và Phật Tổ Thích Ca. Vận động các cửa hàng Á Châu, vận động các Phật tử cúng dường các bao gạo Cấp Cô Độc để trang trải cho các chi phí, đưa bảng chi thu cuối khóa đến tình trạng thặng dư nhiều hơn dự tưởng. Nhờ đó Thầy Quảng Hiền mới có thêm danh hiệu “Ông Thầy có phước báu“. Chẳng thế sao bác “Diệu Gạo“ ở chung phòng đã kêu gọi con cháu của mình cúng đến 70 bao gạo để ủng hộ cho Thầy.

Người được tán dương đầu tiên phải là Thầy Quảng Đạo, từ những bản tin Khánh Anh cho đến những bức tâm thư theo từng diễn biến của Khóa Tu học. Ôi, biết bao công sức, bao tháng ngày làm việc miệt mài, nhưng sao Thầy vẫn không chịu xuống cân! Vẫn mang hình dáng của Ngài Di Lặc.

Hòa Thượng Quảng Bình rất thương các em Gia Đình Phật Tử, nhất là đám Đại Học Oanh Vũ cần tiền mua kem và kẹo ăn cho sâu hết cả răng, nên xuất tiền túi ra tặng nghe đâu cũng hơi kha khá lên đến hàng trăm. Sư Cô Diệu Thảo ở Na Uy có may tặng một số quần áo đồng phục cho các em Oanh Vũ.

Ban Y tế năm nay khá hùng hậu đến từ nhiều nước, bên Pháp có Sư Cô Trí Anh ngoài việc chữa bệnh, Cô còn cho tập nhiều động tác dưỡng sinh, khí công để gia tăng sức khỏe, những màn múa ngoài trời với động tác vỗ tay hát “A Di Đà Phật“ rồi xoay nghiêng, xoay ngang hát “Khỏe Khỏe Khỏe“, đã tăng thêm sinh khí cho những tấm thân tứ đại sắp rệu rã. Ông Lang Trần Hữu Lễ của Thụy Sĩ cũng bấm huyệt liền tay, bà con hết đau nhức tạ ơn bằng những thỏi Sô-cô-la béo ngậy, khiến Nhật Hưng cũng có phần và dĩ nhiên tôi nằm bên cạnh chẳng lẽ không có gì? Bên Anh cũng có bác nào đó khá nổi tiếng trong các khóa tu trước, tên bác chỉ việc đếm từ hai ba bốn đến mười thế nào cũng trúng.

Ban cắt tóc nắm đầu nắm cổ thiên hạ năm nay chỉ do cô thợ chính hiệu của Thụy Sĩ đảm trách, phần Nhật Hưng bị giải thể phải đi cắt tóc lậu cho những ai đến tận nơi khẩn cầu. Tuy than thở lên ban tổ chức là ế ẩm, nhưng số tiền thu được cúng dường cho Khóa Tu Học lên đến hơn 2 ngàn Euro.

Thi xong, bế giảng xong phải có mục văn nghệ cuối khóa, đây mới là mấu chốt của các cây Bút Nữ báo Viên Giác (tham dự được 4 cô, trẻ nhất đã hàng 6). Nhân chủ đề buổi văn nghệ “Thương nhớ Sư Ông“, họ dàn dựng một màn ca vũ nhạc kịch gồm 3 màn với 27 diễn viên đứng chật cả sân khấu, chưa kể quạt, lọng, quan tài… Đạo diễn kiêm đào thương Nhật Hưng nếu không nhờ sự giúp đỡ của các cây bút khác đã cho vở kịch lấy tựa đề một bài viết: “Cơn giông giữa mùa hạ“ tiêu diêu miền cực nhọc từ lâu rồi vì khó khăn quá không đủ sức thực hiện. Chẳng là sau buổi họp mặt thu nhỏ tại nhà Thi Thi ở Bodensee vào giữa tháng sáu, họ quyết định chia công việc như sau: Chị Nguyên Hạnh về lại nhà sẽ viết mail xin Hòa Thượng Phương Trượng cho mượn cây “Quạt Quốc Sư“ do Hội đồng Tăng Già Thế Giới tại Tích Lan trao tặng, để diễn lại màn trao giải thưởng danh dự cho nhị vị Hòa Thượng đã có công với Phật Pháp. Nếu thành công với cây quạt thứ nhất, Nhật Hưng sẽ hỏi mượn Thầy Quảng Đạo đang cất giữ chiếc quạt thứ hai của Sư Ông. Họ đang đi trên con đường “viễn ly điên đảo mộng tưởng“ lúc nào mà không hay, thế rồi ngay chiều hôm đó chị Nguyên Hạnh báo cáo với mọi người về thành quả của việc mượn “Quạt Ba Tiêu“ với một giọng nói thật bi đát chen lẫn bi ai: “Thầy nói chiếc quạt là vật linh thiêng để thờ, chứ không phải đem ra diễn kịch, các em ơi hỏng rồi! Nhật Hưng đừng mượn chiếc quạt thứ hai nữa“. Để thiên hạ gậm nhấm nỗi buồn một lúc và ăn năn sám hối cho tư tưởng trẻ thơ của mình, Hoa Lan mới từ tốn xin nhận trách nhiệm làm hai cây quạt giả giống y chang như quạt thật nhờ Photoshop phù phép biến hóa khôn lường. Cả bọn mừng rỡ tiến hành tiếp công tác giao việc, Nhật Hưng may quần áo múa; chị Mừng Chi cắt giấy carton làm quan tài tuy thâm tâm chị rất kiêng kỵ chuyện này, nhưng vì Sư Ông chị làm tuốt; chị Nguyên Hạnh đến khóa tu lo điều động nhân sự, làm sao kiếm cho ra hai ông không tóc đóng vai hai vị Hòa Thượng. Ôi thôi, thật nhiêu khê với bao chi tiết đoạn trường, nhưng vở kịch diễn ra rất thành công khiến các thành viên trong hội đồng quản trị Bút Nữ phải thốt lên câu:“Chắc Sư Ông về phù hộ nên làm gì cũng có người giúp“. Câu này chị Phương Quỳnh tương đắc nhất khi nhìn cỗ kim quan của Sư Ông được một Sư Cô trên chánh điện trang hoàng thật đẹp.

Vì chủ đề “Thương nhớ Sư Ông“ nên lời ca tiếng nhạc đa phần đều tỏ lòng thương nhớ Sư Ông, có người làm thơ, có người sáng tác nhạc để tưởng nhớ vị Thầy vĩ đại. Bài thơ cuối cùng chấm dứt buổi văn nghệ thật là hay, chẳng những vì lời thơ mà còn vì giọng ngâm miền Trung thật đặc sắc.

Cảm tưởng của các vị tham dự khóa tu đã được người viết thu thập được, nhờ đi trên chuyến xe buýt với Hòa Thượng Phương Trượng trở về Đức quốc. Đối với Hòa Thượng, các học viên năm nay quá đúng giờ lên chánh điện quá sớm làm các Thầy đến đúng giờ mà có cảm tưởng như là đi trễ, giày dép đã để ngay ngắn vì lời dọa sẽ bị tịch thu dép nếu quẳng lung tung. Thầy MC Hoằng Khai trong phòng ăn hay nhắc nhở mọi người giữ yên lặng bằng câu, phòng bên kia hơi giống đạo tràng của Bà La Môn. Đa số cảm tưởng của các vị mới đi lần đầu là thích lắm, hứa năm sau sẽ cố gắng sang Strasbourg dự khóa 27. Đạo hữu Quảng Thanh đến từ Hoa Kỳ chấm điểm cho khóa tu này bằng cụm từ “trên cả tuyệt vời“ nữa.

Trong thời gian tu học là giải bóng đá vô địch thế giới đang xảy ra, khiến các “Fan“ bóng đá xôn xao tụ tập ở phòng ăn dán mắt vào màn ảnh truyền hình. Một hôm đội tuyển của Đức thắng đội của Pháp trong vòng bán kết, làm Hòa Thượng Đức quốc phải khao Pizza các Chư Tăng Ni đến 96 phần cũng hao Pizza không ít. Đến trận chung kết cuối cùng Đức đấu với Á Căn Đình, cũng có nghĩa là hai Ông Giáo Hoàng chứng kiến trận giao đấu với nhau, may thay trận đấu xảy ra sau khóa tu, chứ không Hòa Thượng Đức quốc lại tốn tiền khao thêm một lần nữa.

Đáng lẽ bài tường thuật về Khóa Tu Học đến đây tạm ngừng bút, nhưng vì một biến cố “tiền hung hậu kiết“ xảy ra mà người viết là “chứng nhân của thời đại“ nên phải kể thêm đôi dòng. Buổi trưa hôm ấy, sau buổi ăn Quá đường tại chùa Viên Giác có hai xe hơi chở các vị Hòa Thượng đi về trụ xứ. Hướng Bắc lên Đan Mạch có Thầy Pháp Trú chở HT Quảng Bình ngồi trước cùng 3 vị Phật tử ngồi băng sau. Hướng Nam về Viên Đức có Thầy Giác Trí chở HT Như Điển cùng HT Thái Siêu và một Phật tử ngồi băng sau. Người viết đứng trên sân chùa đưa tiễn các vị, chắp tay chào từng xe lăn bánh rời khuôn viên chùa. Khoảng 2 tiếng sau một tin không may được rỉ tai đến từng người là xe Thầy Pháp Trú bị tai nạn cách Hannover gần 70 cây số, băng sau không sao cả, chỉ người lái xe bị bất tỉnh mà thôi. Nếu mọi người biết tu tập, biết lặng yên và quán sát xem sự việc diễn tiến như thế nào, biết đâu chẳng là tin “vịt giời“ hay mức độ chính xác bao nhiêu phần trăm. Không, đằng này họ tiện tay với điện thoại di động loan truyền đi khắp cả thế giới với tốc độ thần tốc, với nguồn tin chính xác là Thầy Pháp Trú đã phiêu diêu miền cực lạc rồi. Thế là cả đêm hôm ấy có nhiều người bị mất ngủ, người viết bị điện thoại quấy rầy cả đêm. Cô Phật tử trẻ bên Đan Mạch ngồi tụng giới Bồ Tát trong chánh điện chùa Viên Giác, với cặp mắt đỏ hoe thỉnh thoảng lại với tay lấy khăn hỷ mũi. Người viết đưa mắt đảo qua mà lòng đầy ảo não, tai có nghe Thầy Hạnh Luận đọc giới trọng này với giới khinh kia nhưng lòng đang quán vô thường nghĩ đến Thầy Pháp Trú. Tại sao một vị Thầy trẻ với gương mặt sáng ngời ngợi như thế, một tương lai hoằng dương chánh pháp đang mở rộng như thế lại phải ra đi. Không, một ngàn lần không một vạn lần không, Thầy phải sống! Và sáng hôm sau nghe điện thoại reo, biết Thầy đã về Đan Mạch bình an. A Di Đà Phật. Lỗi phải ở đây là do nguồn tin thuộc dạng “Tế Điên Hòa Thượng“ của Ôn Quảng Bình đã điện cho Nguyên Trí: “Con về nói chùa Viên Giác sắp sẵn 2 quan tài…“.

Rồi mọi việc cũng qua đi, nhưng dư âm của 10 ngày tu học vẫn còn đọng mãi trong lòng các học viên, họ hứa sẽ thu xếp công việc để năm sau kéo sang Pháp tu học kỳ thứ 27 tại thành phố Strasbourg, nơi có tòa nhà Quốc hội Âu Châu, nơi mà Sư Ông thân thương của họ hay đến đó biểu tình tuyệt thực đòi nhân quyền.

Trước khi chấm dứt bài viết, xin được trích dẫn hai câu thơ của một vị Cao Tăng nào đó:

Cực lạc, cực khổ song song.

Hai đường cùng cực, biết dông đường nào.

Kỷ niệm Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 26 tại Fribourg – Thụy Sĩ.

Hoa Lan – Thiện Giới.
Mùa Hè 2014.

Nguon: hoavouu

Queen Ann Lace 2014