NHỮNG DÒNG TỈNH THỨC
1, “Chúng ta không thể thay đổi ngay được cộng nghiệp của quốc gia nhưng hoàn toàn có thể thay đổi biệt nghiệp của cá nhân tùy theo sự thay đổi tâm thức và hành động hướng thiện của chúng ta trong lúc này.”
2, “Tất cả mọi người trên đời đều ít nhiều có duyên – nợ với nhau. Nghiệp quả của bất kỳ một ai dù nặng đến đâu vẫn có thể được giảm bớt nhờ sự hiểu biết, thức tỉnh và phát triển tình thương. Khi chúng ta bắt đầu hành thiện thì sẽ tạo ra những động lực mới, thay đổi nghiệp lực cũ, cải thiện số phận của chính mình. Từ đó sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp đến nhiều người và có thể dần chuyển đổi cộng nghiệp chung.”
3, “Từ chối làm một việc ác cũng chính là thực hiện một việc thiện lành. Khi con người nhận thức được cái gì là xấu thì cũng là lúc họ biết thế nào là đẹp. Khi tri thức nhân loại ngừng hướng đến những dục vọng ích kỷ, thấp hèn thì sẽ hướng đến những điều thiêng liêng, cao quý. Khi đó tri thức nhân loại sẽ xoay chiều, chuyển hướng vào bên trong, hòa hợp với tâm linh, đem lại sự toàn diện cho tâm thức. Khi tâm thức thay đổi, mọi sự sẽ thay đổi.”
4, “Mỗi hành động của chúng ta đều tạo ra một năng lượng tương ứng. Khi chúng ta chọn những hành động mang lại niềm vui và thành công cho người khác, Nhân – Quả sẽ mang lại thành công và hạnh phúc cho chúng ta.”
5,“Dù là một người bình thường hay một nhân vật lừng danh, chúng ta từ khi sinh ra cho đến hiện tại đều mang theo mình đủ mầm thiện, ác đan xen. Và chính bản thân chúng ta sẽ là người quyết định hạt mầm nào được đâm chồi nảy lộc, đơm hoa, kết trái. Chính suy nghĩ và hành động của chúng ta – chứ không phải của bất kỳ ai khác – tạo nên số phận của chúng ta “
6,“Không phải cứ mặc sức làm điều độc ác, hại người, lợi mình, rồi sau đó vì sợ trừng phạt của luật Nhân – Quả nên vội vàng bỏ tiền bỏ của ra làm những việc công đức nặng tính hình thức là có thể xóa đi nghiệp ác hay báo ứng được. Nếu không có sự xuất phát từ suy nghĩ, hành động thiện tâm thì không một ai trên đời có thể thay đổi được nghiệp quả.”
7. “Tất cả những gì hướng ra bên ngoài đều không mang lại kết quả lâu dài được, bởi vì hiểu biết thật sự phải đến từ bên trong. Khi thế giới bên ngoài biến động lớn đến mức không còn điểm tựa nào nữa thì chính là đến lúc chúng ta buộc phải quay vào bên trong.”
8, “Khi không bị thế giới bên ngoài lôi kéo thì ta sẽ đạt được trạng thái định và trong tâm thức bất động, vô vi đó sẽ khởi lên một tình thương bao la vô bờ bến. Tình thương thật sự chỉ hiện diện ở cái tâm không còn tư dục.”
9, “Đừng bao giờ tự mãn về những gì chúng ta đã biết. Bể học mênh mông, còn vô số điều chúng ta chưa biết. Cái biết có thể che cái thấy. Do đó, ta cần tránh những thành kiến hẹp hòi mà nên biết quan sát mọi việc, mở rộng tầm nhìn, sẵn sàng trải nghiệm, học hỏi những điều mới mẻ.”
Thiện Tri Thức
Source: TrangNhàThíchTánhTuệ