Hương Sen

Recent Pages:  1  2  3  4  5  6  7

Ý nghĩa về NGHI THỨC TẮM PHẬT

Nghi thức Tắm Phật vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng động Phật giáo khắp nơi như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2500 năm.

 Lễ tắm Phật là một trong những nghi thức phổ biến của lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng động Phật giáo khắp nơi như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2500 năm.

PHẬT ĐẢN 2014 (2)

Nguồn gốc của lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện đản sanh của Thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng khi hoàng hậu Ma-da đản sanh Thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và Thái tử. sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung BộIII), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha)[1]. Theo bộ Đại sự (Mahāvastu), khi Thái tử ra đời, hai dòng nước ấm và lạnh thơm dịu, trong lành từ trên không trung rưới xuống để tắm cho Thái tử. Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên.

Riêng kinh Phổ diệu thì ghi lại rằng lúc ấy từ trên hư không có chín con rồng phun nước xuống để tắm cho Thái tử. Căn cứ vào các tác phẩm này, các nghệ nhân Phật giáo đã mô tả lại cảnh đản sanh của Thái tử với rồng phun nước trong nhiều tác phẩm điêu khắc tại Lộc Uyển phía Bắc Ấn và Amarāvatī tại Nam Ấn. Một tác phẩm thuộc trường phái Gandhara được lưu giữ tại bảo tàng Peshawar (Pakistan) mô tả cảnh hai cung nữ đứng hầu bên Thái tử, bên trên có trời Đế Thích và Phạm Thiên rưới nước từ cành hoa sen để tắm cho Thái tử, hai bên Thái tử lại có bốn vị chư thiên đang cung kính chiêm ngưỡng.

Theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, khi Thái tử ra đời có bốn vị Thiên vương dùng vải quý cõi trời nâng Thái tử, Thích Đề Hoàn Nhơn mang lọng báu cùng Đại Phạm Thiên đứng hầu hai bên. Lúc đó có hai vị Long vương là Nan-đà và Ưu-ba-nan-đà từ trên hư không phun hai dòng nước ấm và mát để tắm thân Thái tử. Có lẽ chính sự cung kính của chư thiên đối với sự kiện đản sanh của Thái tử được mô tả trong bản kinh này đã tạo nguồn cảm hứng để về sau trong mùa Phật đản, người Phật tử thường tôn trí tượng đản sanh trong một bồn hay thau sạch và quý, đặt trong điện thờ Phật hay một nơi nào đó trang nghiêm, dùng nước sạch có ướp các loài hoa thơm để làm lễ tắm Phật nhằm tưởng nhớ đến ân đức của đức Phật và bày tỏ niềm tôn kính sâu xa đối với Ngài.

PHẬT ĐẢN 2014 (7)

Tuy chưa thể xác định được thời điểm cụ thể của sự xuất hiện lễ tắm Phật tại Ấn Độ, nhưng điều chắc chắn là lễ nghi này vốn phát xuất từ Ấn Độ trước khi được lưu truyền đến các quốc gia Phật giáo khác. Kinh Đại bảo tích có ghi lại chuyện công chúa Vimaladattā, con gái của vua Ba-tư-nặc ở thành Xá-vệ cùng với năm trăm Bà-la-môn ra khỏi thành, mang theo những lọ đựng đầy nước để dự lễ tắm tượng của một vị trời. Đoàn người vừa ra khỏi cổng thành thì gặp một số vị Tỳ-kheo. Các Bà-la-môn này cho rằng việc gặp đoàn Tỳ-kheo như thế là điềm chẳng lành nên bàn nhau quay về. Nhưng khi ấy công chúa Vimaladattā bằng cung cách từ ái và trí tuệ sắc sảo của mình đã giải thích cho các Bà-la-môn, khiến họ khởi tâm kính tín đối với Phật pháp. Câu chuyện này cho thấy sự tương hệ nào đó giữa lễ tắm Phật trong Phật giáo và lễ tắm tượng các vị thần trong Bà-la-môn giáo. Từ xa xưa, tín đồ Ấn giáo xem sông Hằng như một vị nữ thần linh thiêng và rằng nước của con sông này có khả năng rửa sạch tội lỗi cho những ai có nhân duyên được tắm và cầu nguyện ngay trong dòng sông ấy. Nhưng trong kinh Tự thuyết (Udāna) đức Phật đã khẳng định rằng không có nước của sông nào có thể rửa sạch được tội lỗi và làm cho con người ta được thanh tịnh, dù đó là sông Hằng hay sông Già-da, mà chính sự thực hành pháp chân chính mới giúp cho con người được tịnh hóa.

Tác phẩm Nam hải ký qui nội pháp truyện của ngài Nghĩa Tịnh (635-713), người đã rời Trung Hoa vào năm 671 và sau đó tu học tại Ấn Độ trong khoảng thời gian mười năm, là một trong những sử liệu quý ghi lại chi tiết về những sinh hoạt tự viện và các qui chế của Tăng đoàn Phật giáo đương thời tại Ấn Độ. Quyển thứ tư của tác phẩm này có thuật lại cách thức tắm rửa các tôn tượng trong những tu viện Phật giáo như sau: “Tại các tu viện ở những nước phía Tây (Ấn Độ và Trung Á), vào buổi sáng diễn ra lễ tắm các tôn tượng, vị Thọ Sự (Karmadāna – vị sư phụ trách) gióng kiền trùy, cho giăng lọng báu quanh sân chùa, sắp những bình nước thơm thành hàng dọc theo điện Phật, sau đó đặt tôn tượng bằng vàng hoặc bạc, đồng hay đá vào bồn bằng vàng hoặc đồng, đá, hay gỗ. Trong khi các thiếu nữ tấu nhạc cúng dường, các vị sư đem dầu thơm (làm từ chiên đàn, trầm hương) bôi khắp tượng rồi dùng nước thơm rưới tắm tôn tượng. Sau khi tắm rửa tượng xong, các vị sư lấy vải trắng sạch lau khô tượng rồi đem an trí lại trong điện Phật, dùng nhiều loại hoa trang hoàng quanh tượng. Nghi thức này do chúng Tăng trong chùa thực hiện theo sự hướng dẫn của vị Thọ Sự. Tại các liêu phòng trong tu viện, mỗi ngày chư Tăng theo cách thức trên mà tắm rửa cẩn trọng những tôn tượng trong phòng mình… đối với những tượng đồng, dù là nhỏ hay lớn, đều lấy tro mịn hay bột gạch để lau cho bóng, dùng nước sạch để tắm rửa cho đến khi tượng đẹp và trong như gương. Đối với tượng lớn, đại chúng trong tu viện cùng nhau lau tắm tượng trong mỗi nửa tháng hay mỗi tháng; còn với tượng nhỏ, nếu có thể, thì mỗi vị lau tắm mỗi ngày. Làm được như thế thì ít hoang phí, mà lại nhiều phước đức. Nếu lấy hai ngón tay thấm vào nước vừa được dùng để tắm tượng mà nhỏ lên đầu, thì đó gọi là nước cát tường. ”

Tại Trung Hoa, sách Ngô thư là một trong những tư liệu đầu tiên nói đến lễ tắm Phật vào thời Tam quốc. Đến TK IV, Thạch Lặc (trị vì 319-333) của nhà Hậu Triệu đã tổ chức lễ tắm Phật. Phần tiểu sử ngài Phật Đồ Trừng trong Cao tăng truyện có ghi lại rằng Thạch Lặc thường gởi con mình vào các tu viện nhờ các nhà sư nuôi dưỡng và dạy dỗ. Mỗi khi đến ngày mồng tám tháng tư, đích thân Thạch Lặc đến tu viện dự lễ tắm Phật để cầu phước báu cho con mình. Phật tổ thống kỉ cũng ghi rằng ngày mồng tám tháng tư năm thứ sáu niên hiệu Đại Minh (462), vua Hiếu Võ Đế thiết lễ tắm Phật và lễ cúng dường chư Tăng ngay trong hoàng cung. Như thế, đến thời Nam Bắc Triều, lễ tắm Phật không những được tổ chức trong các tu viện Phật giáo mà ngay cả trong hoàng cung. Do ảnh hưởng của sự khác biệt về quan điểm lịch sử của các tông phái Phật giáo tại Ấn Độ về ngày tháng đản sanh của đức Phật và cũng do những tác động của xã hội và văn hóa Trung Hoa trong nhiều giai đoạn khác nhau, nên ngày lễ tắm Phật tại quốc gia này được tổ chức vào nhiều thời điểm trong các thời đại khác nhau. Dưới thời Nam Bắc Triều (386-577), lễ tắm Phật được tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư. Từ đời nhà Lương (502-557) cho đến đời nhà Liêu (916-1125), lễ này lại được diễn ra vào ngày mồng tám tháng hai. Song vào đời nhà Tống (960-1279) lễ được tổ chức vào ngày mồng tám tháng chạp tại miền Bắc, nhưng ở miền Nam thì là ngày mồng tám tháng tư. Sách Đông kinh mộng hoa lục ghi lại lễ tắm Phật vào cuối đời Tống rằng vào ngày mồng tám tháng tư cứ mỗi một trong số mười thiền viện lớn tại Lạc Dương đều tổ chức lễ tắm Phật và cúng dường chư Tăng. Nghi thức lễ tắm Phật cũng là một phần quan trọng trong bộ Bách Trượng thanh quy, được áp dụng trong các thiền viện kể từ thời ngài Bách Trượng (749-814). Trong các đời nhà Minh, Thanh, lễ tắm Phật đều được tổ chức vào ngày mồng tám tháng tư. Trong số những bản kinh có ảnh hưởng nhiều đến cách thức tổ chức và ý nghĩa của lễ tắm Phật tại Trung Hoa, thì kinh Công đức tắm Phật là bản kinh được biết đến nhiều nhất.

Kinh Công đức tắm Phật (Dục Phật công đức kinh, T16n698) được ngài Nghĩa Tịnh dịch từ nguyên bản Phạn ngữ sang Hán ngữ vào năm 710. Đây là một bản kinh ngắn và hiện thời chỉ còn lưu lại trong đại tạng Trung Hoa. Nội dung của bản kinh này rất giống với kinh Công đức tắm tượng (Phật thuyết dục tượng công đức kinh, T16n697) do ngài Bảo Tư Duy (Manicintana?) đến từ Ấn Độ dịch vào năm 705. Riêng bài kệ nói về lý duyên sinh trong kinh lại giống với bài kệ trong kinh Công đức tạo tháp (Phật thuyết tạo tháp công đức kinh, T16n699) cũng do một nhà sư Ấn Độ, ngài Địa-bà-ha-la (Divākara) dịch vào năm 680.

Kinh Công đức tắm Phật được mở đầu với hai câu hỏi chính của Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ:

1. Do đâu mà chư Phật thành tựu sắc thân thanh tịnh, đầy đủ tướng tốt?

2. Những chúng sanh sinh ra đời, gặp Phật và phát tâm cúng dường thì được vô lượng công đức, còn sau khi đức Phật nhập diệt, chúng sanh nên cúng dường gì, tạo công đức gì để mau chứng được vô thượng Bồ-đề? Đức Phật dạy rằng Như Lai thành tựu sắc thân thanh tịnh là do tu tập những diệu pháp cao thượng như Lục Độ, Tứ Vô Lượng Tâm, các pháp vô uý, trí tuệ… Nếu đối với các bậc giác ngộ như thế mà dùng tâm thanh tịnh để cúng dường hương, hoa… hoặc đối trước tôn tượng các Ngài mà trang hoàng, nghiêm sức, dùng hương quý, nước thơm theo nghi thức mà tắm tôn tượng, đánh trống thỉnh chuông, xưng tán công đức của Như Lai, lại phát nguyện thù thắng, hồi hướng chứng đắc trí tuệ vô thượng, thì hành giả sẽ được vô lượng vô biên công đức. Chư Phật vốn có ba thân là pháp thân, thọ dụng thân và hóa thân. Vì thế sau khi đức Phật nhập diệt, nếu muốn cúng dường ba thân này thì nên cúng dường xá-lợi. Song xá-lợi lại có hai loại là thân cốt xá-lợi và pháp tụng xá-lợi. Trong bảy chúng đệ tử Phật, như ai muốn tạo tượng Phật, nếu không đủ khả năng, dầu tạo một pho tượng rất nhỏ, một ngôi tháp nhỏ để tôn thờ xá-lợi nhỏ như hạt cải, hoặc lại có người chỉ chép một bài kệ tụng trong kinh rồi an trí trong tháp thì cũng giống như đang dâng cúng một viên ngọc báu vào tháp, tùy theo khả năng mà chí thành cung kính cúng dường như thế thì không khác chi như đang cúng dường hiện thân của đức Phật. Những ai chí tâm cúng dường như thế sẽ có được mười lăm công đức thù thắng sau:

  1. thường biết tàm quý;
  2. phát khởi niềm tin thanh tịnh;
  3. tâm ngay thẳng;
  4. được gần gũi bạn lành;
  5. chứng huệ vô lậu;
  6. thường gặp chư Phật;
  7. luôn hành trì chánh pháp;
  8. làm đúng với lời nói;
  9. tuỳ ý sanh vào quốc độ chư Phật;
  10. nếu sanh trong nhân gian thì sanh vào dòng họ tôn quý, được người khác tôn kính, khởi tâm hoan hỷ;
  11. nếu sanh trong nhân gian thì tự nhiên biết niệm Phật;
  12. không bị ma quân gây tổn hại;
  13. hay hộ trì chánh pháp trong thời mạt pháp;
  14. được chư Phật trong mười phương gia hộ;
  15. mau thành tựu được năm phần pháp thân. Sau khi giảng dạy như thế, đức Phật liền nói kệ trùng tuyên lại nghĩa trên.

Phần quan trọng thứ hai của bản kinh là lời giải đáp của đức Phật cho Bồ-tát Thanh Tịnh Huệ về cách thức tắm tượng Phật trong đời vị lai. Đức Phật dạy rằng khi tắm tôn tượng nên dùng các loại hương thơm như ngưu đầu chiên đàn, bạch đàn, tử đàn, trầm hương, uất kim hương, long não, xạ hương… pha vào nước sạch, đựng trong bình sạch. Chọn một nơi thanh tịnh, đẹp đẽ thiết lập đàn tràng, hoặc vuông hay tròn, kích thước xứng hợp, trên đàn đặt một bệ tắm, ở giữa bệ này tôn trí tượng Phật. Khi tắm tượng thì dùng nước nóng thơm, trong sạch rưới từ trên xuống, sau đó tiếp dùng nước tinh khiết để tắm lại. Nước dùng để tắm này phải được lọc cho thật sạch để không làm tổn hại đến các vi trùng. Nếu lấy hai ngón tay thấm vào nước vừa được dùng để tắm tượng rồi nhỏ lên đầu, thì nước này được gọi là nước cát tường. Không được giẫm chân lên dòng nước tắm tượng đang chảy trên đất sạch. Sau khi tắm tượng xong, dùng khăn mềm, mịn và sạch lau khô tượng, xông các loại hương trầm thơm quanh tượng, rồi đặt tượng về vị trí cũ trong điện Phật. Đức Phật còn dạy rằng, nhờ việc tắm tượng như thế, chúng sanh trong hiện đời được nhiều phước báu thù thắng, sở nguyện thành tựu, quyến thuộc được an ổn, mau thành chánh giác. Sau khi an trí tượng về chỗ cũ, nên đối trước tượng dâng hương, chắp tay thành kính tụng bài kệ sau:

PHẬT ĐẢN 2014 (6)Con nay tắm gội chư Như Lai

Công đức trang nghiêm tịnh trí đầy

Nguyện cho chúng sanh lìa năm trược

Mau chứng Như Lai tịnh pháp thân

Giới, định, tuệ… năm phần hương báu

Tỏa ngạt ngào trong khắp mười phương

Khói hương này xin hằng lan mãi

Phật sự làm vô lượng vô biên

Nguyện khổ nạn ba đường bặt dứt

Nhiệt não trừ, an trú thanh lương

Đồng phát tâm vô thượng Bồ-đề

Thoát biển ái lên bờ đại giác.”

Như thế nội dung chính của bản kinh trên nói đến công đức của những việc xây tháp thờ xá-lợi và tạo tượng Phật, cũng như nghi thức tắm Phật. Ngoài báo thân, đức Phật còn có hai thân khác là pháp thân và ứng hóa thân. Do đó, dù Ngài đã thị hiện nhập diệt tại thành Câu-thi-na, nhưng sự giao cảm của Ngài với chúng sanh trong nhiều đời sau vẫn tiếp diễn bởi pháp thân Ngài siêu việt cả không gian và thời gian. Đức Phật xuất hiện trong đời không phải như một vị cứu tinh có đầy đủ uy quyền để ban ơn hay giáng họa, mà Ngài là một người như bao nhiêu người khác, một chúng sanh như bao chúng sanh khác. Sau khi thành đạo dưới cội Bồ-đề,Ngài du hóa khắp miền bắc Ấn với vai trò của một vị thầy tâm linh, rất bình dị và cũng rất thánh thiện. Trong cương vị của một vị đạo sư, mộtđấng giác ngộ, Ngài đã trao truyền những kinh nghiệm sống, tu tập và sựthể nghiệm hương vị giải thoát cho hàng đệ tử mình và những ai hữu duyên.

Trong đạo Phật, nhân tố trọng tâm không phải là đức Phật mà là giáo pháp, đây chính là điểm khác biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tôn giáo khác. Pháp mà đức Phật đã tuyên thuyết là vô giá, đó là phương tiện để đưa đến sự thanh tịnh và an lạc viên mãn trong đời sống tâm linh, mà đức Phật và các bậc thánh Tăng là những minh chứng rõ nét nhất. Giáo pháp của đức Phật do vậy cũng có giá trị tương đương với xá-lợi của đức Phật. Như trong bản kinh trên đã đề cập, người Phật tử tỏ lòng tôn kính và niệm ân đức Phật qua việc xây tháp thờ xá lợi, tạo tôn tượng để thờ phụng, nhưng sự tôn kính và báo ân như thế sẽ mang ý nghĩa chân chính và cao thượng hơn nếu họ biết giữ gìn, hành trì và truyền bá chánh pháp.

Như đã trình bày, nghi thức tắm tượng Phật được mô tả trong bản kinh trên là một trong những nét sinh hoạt tự viện tại Ấn Độ mà ngài Nghĩa Tịnh đã ghi lại trong ký sự của mình. Cách thức thực hành như thế không phải chỉ thuần túy là một nghi thức truyền thống đơn thuần mà còn là một pháp môn tu tập của chư Tăng Ni và người Phật tử. Báo thân của đức Phậtđầy đủ ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, tâm Ngài thanh tịnh vô nhiễm và nhu nhuyến, pháp thân Ngài thì bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, cho nên việc tắm Phật là một cơ hội để hành giả thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tâm nhiệt thành đến đức Phật, hay nói cách khác, hướng đến sự viên mãn của đức hạnh và trí tuệ.Những dụng công trên của mỗi người tham dự lễ sẽ là những yếu tố tối quan trọng để họ tự chuyển, điều phục và thăng hoa tâm thức của mình. Trong biển sanh tử chập chùng, do vô minh sai sử, nên chúng sanh tạo vô số oan nghiệp, tâm thức luôn bị vẩn đục bởi những tố chất nhiễm ô của phiền não, tà kiến. Do vậy, mỗi khi được tắm Phật, tâm họ được lắngđọng trong niềm tôn kính thanh tịnh. Đó là cơ duyên hy hữu để mỗi người gội rửa thân tâm, sám hối những lỗi lầm trong bao đời, để từ đây hướngđời mình đến sự tịnh hóa ba nghiệp, từ bỏ những niềm vui tầm thường, mong manh thế tục để tìm đến niềm an lạc đích thực của tâm hồn.

Nhưng điều độc đáo ở đây là trong khung cảnh của buổi lễ thật trang nghiêm, thanh tịnh đó, trong năng lực thành kính của đại chúng trong pháp hội, hành giả phát khởi Bồ-đề tâm, đại bi tâm hướng về pháp giới chúng sanh với một tâm hồn thanh khiết và thành kính. Đây chính là động lực có một sức mạnh kỳ diệu để giúp hành giả an trú vào chân tâm của mình mà khởi lên đại nguyện theo gương các bậc hiền nhân. Như thế, từ việc tắm tôn tượng Phật, hành giả lại có nhân duyên lớn để gội rửa tâm thức của chính mình, hầu trở về với Phật tánh thanh tịnh đang hiện hữu trong mình. Bàn về ý nghĩa của việc tắm Phật, ngài Nghĩa Tịnh đã viết rằng: cội gốc của sự tôn kính, không gì bằng tôn kính Tam bảo, tu tập quán tưởng, không gì bằng quán tưởng Tứ đế, nhưng chân lý thì uyên áo mà phàm tâm thì vướng phải nhiều ngoại duyên. Do vậy, nghi thức tắm rửa tôn tượng thật thiết thực và thích hợp. Dầu đức Phật đã nhập diệt nhưng hình tượng Ngài vẫn còn, nên phải đối với tượng khởi tâm kính thành nhưthể Ngài đang hiện hữu. Hoặc có người mỗi ngày dùng hương hoa dâng cúngđể khởi tâm thanh tịnh, lại có người siêng năng tắm rửa tượng để tự gội rửa nghiệp chướng hôn mê, dụng tâm thực hành như thế thì tự thân được lợi ích rất nhiều, khó mà thấy biết được. Còn như khuyến hóa người khác thực hành theo thì bản thân cũng được nhiều công đức và lợi ích.

Là một lễ nghi có từ lâu đời và là phần thiết yếu của lễ hội Phật đản, lễtắm Phật xuất hiện rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. Riêng tại Việt Nam lễ nghi này thường được tổ chức vào các ngày khác nhau, nhưng phổ biến nhất là ngày mồng tám tháng tư, trong dịp lễ Phật đản mỗi năm. Đại việt sử ký toàn thư và Đại việt sử lượcđều ghi lại rằng vào ngày mồng tám tháng tư năm Nhâm Tý (1072) vua Lý Nhân Tông đã dự xem lễ tắm Phật. Cũng theo Đại việt sử ký toàn thư, cứmỗi tháng vào các ngày rằm, mồng một, và đặc biệt ngày mồng tám tháng tư, nhà vua thường đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc, thiết nghi tắm Phật. Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh cũng nói đến việc nhà vua tổchức lễ cầu an và thiết nghi tắm Phật vào các ngày mồng một và vào mùa xuân. Như thế, đủ để thấy dưới triều Lý, đặc biệt là dưới thời vua Lý Nhân Tông, ngoài lễ Phật đản, lễ tắm Phật cũng được phổ biến trong các sinh hoạt của Phật giáo. Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian. Điều này được ghi lại trong Lĩnh Nam trích quái như sau: “Ngày mồng tám tháng tư, Man nương tự nhiên mà thác sinh lên trời, linh xác gói chôn trong chùa. Nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ đến ngày này trai gái, già trẻ bốn phương tụ tập về chùa để vui chơi, ca múa các trò đànđịch mãi thành tục lệ, gọi là “hội tắm Phật”, đến nay lệ vẫn còn.” Sựdung hòa giữa văn hóa Phật giáo nói chung và lễ tắm Phật nói riêng trong xã hội Việt Nam thời xưa đã được Lê Tắc ghi lại trong mục “Phong Tục”, phần nói về phong tục dân gian của xã hội An Nam trong tác phẩm An nam chí lược như sau: “Mồng tám tháng tư, mài trầm hương và bạch-đàn-hương, dầm nước tắm rửa tượng Phật và dùng thứ bánh giầy mà cúng Phật. Tiết Đoan-Dương (mồng năm tháng năm), làm cái nhà gác ở giữa sông, vua ngồi coi đua thuyền. Ngày Trung-Nguyên, lập hội Vu-Lan-Bồn,để cúng tế, siêu độ cho người chết, tốn hao bao nhiêu cũng không tiếc.”Tác phẩm này cho thấy một điều hết sức độc đáo là ngay từ thời Lý-Trần, việc dùng các loại hương thơm dầm nước để tắm tượng Phật, đúng như cách thức được mô tả trong kinh Công đức tắm Phật như trên đã được thực hiện phổ biến trong dân gian. Điều đó cũng đủ cho thấy sự phổ biến của nghi thức này trong các sinh hoạt văn hóa bản xứ.

Trải dài theo dòng lịch sử dân tộc, ngày lễ Phật đản cùng nghi thức tắm Phật đã trở thành một nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp trong xã hội Việt Nam. Đối với người Phật tử, sự tôn kính, lòng nhiệt thành đối với đức Phật trên nền tảng của chánh kiến mới thực sự mang lại cho họ một niềm tin trong sáng và sự an lạc đích thực, lâu dài. Mỗi khi dâng một nén hương, một đóa hoa, một phẩm vật lên đức Phật, hay khi rưới những dòng nước tinh khiết lên tôn tượng của Ngài, đó chính là nhân duyên thù thắng để mỗi người quay về với chính mình, hầu tự sách tấn, tự trang nghiêm cho bản thân bằng hương đức hạnh, bằng hoa trí tuệ, và bằng nước nhẫn nhục, từ ái, tùy thuận thích ứng với mọi nhân duyên, ngay cả chướng duyên để hướng đến một nếp sống hướng thượng, tỉnh giác. Phải chăng chính những lúc đó, mỗi người đang tự tắm Phật trong từng sát-na của đời mình?

Source: LinhSonAnhQuoc
.
 May 2016

Bài kệ chú tắm Phật

Tác giả: Quảng Minh

Khi đức Phật đản sinh, trên trời có chín rồng phun hai dòng nước ấm mát tắm rửa cho Ngài, cùng lúc ấy, chư thiên tung hoa trời, trổi nhạc trời chúc mừng thái tử.  Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm đức Phật đản sinh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến sự thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người. Nghi thức tắm Phật đã có từ xa xưa ở Ấn Độ, các tự viện thường thực hiện nghi lễ tắm Phật như một nhu cầu cần thiết để cầu phước diệt tội.  Khi tiến hành lễ tắm Phật, bài kệ tắm Phật được xướng tụng là:

Ngã kim quán mộc chư Như Lai
Tịnh trí trang nghiêm công đức tụ
Ngũ trược chúng sanh linh ly cấu
Đồng chứng Như Lai tịnh pháp thân.
Tỳ Gia thành lý bất tằng sinh
Sa La thọ gian bất tằng diệt
Bất sanh bất diệt lão Cồ Đàm
Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết.
Kim triêu chính thị tứ ngoạt bát
Tịnh Phạn vương cung sinh Tất Đạt
Phún thủy cửu long thiên ngoại lai
Bỗng túc liên hoa tùng địa phát.

Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.

我今灌沐諸如來
淨智功德莊嚴聚
五濁眾生令離垢
同證如來淨法身
毘耶城裏不曾生
娑羅樹間不曾滅
不生不滅老瞿曇
眼中看見重添節
今朝正是四月八
淨飯王宮生悉達
噴水九龍天外來
捧足蓮花隨地發
唵,牟尼,牟尼,三牟尼,薩婆訶.

Dịch là:

Con nay rưới tắm các Như Lai

Trí sạch trang nghiêm công đức lớn

Chúng sanh năm trược rời cấu trần

Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân.

Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh

Giữa cây Sa La chưa từng diệt

Bất sinh bất diệt đức Cồ Đàm

Trong mắt nhìn xem càng thêm bớt.

Sáng nay là mồng tám tháng tư

Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt

Chín rồng phun nước ngoài trời đến

Hoa sen đỡ bước theo đất mọc.

Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.

Bốn câu đầu là bài kệ tắm Phật trong kinh Dục Phật Công Đức, theo đó dịch sát là:  Nay con rưới tắm thân của các đức Như Lai, thân ấy là khối công đức được trang nghiêm bởi trí tuệ thanh tịnh, cầu nguyện chúng sanh ở trong giai đoạn đầy năm thứ vẩn đục cho họ thoát ly mọi thứ dơ bẩn, cùng chứng pháp thân thanh tịnh của Như Lai.

 Nói về Như Lai là phải nói đến phước trí nhị nghiêm.  Để chứng đắc địa vị Phật đà, chư vị bồ tát phải tích tụ tư lương phước trí trải qua ba A tăng kỳ kiếp bằng sự tu tập trí tuệ vô phân biệt thông đạt pháp tánh viên minh, thuận phần chân như thanh tịnh.  Chư vị bồ tát còn cụ bị đại bi, đại nguyện, đại tinh tấn trong việc hóa độ chúng sanh, nhất là chúng sanh bị năm thứ vẩn đục vây quanh.  Năm thứ vẩn đục là: thời kỳ vẩn đục, kiến thức vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục, đời sống vẩn đục (kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược).  Bồ tát hóa độ chúng sanh bằng mọi phương tiện thiện xảo mà cứu cánh là mong chúng sanh diệt được tất cả mê hoặc, cùng chứng đắc pháp thân thanh tịnh của Như Lai.  Pháp thân của Như lai thì thường trú bất diệt, biến khắp pháp giới, thanh tịnh bản tịch, ứng hiện không có thêm bớt, tùy thuận niết bàn sinh tử.

Bốn câu kế tiếp là nói pháp thân thanh tịnh của Như Lai thì bất sinh bất diệt. Cách đây hơn 25 thế kỷ, vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, tại nước Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu) miền trung Ấn Độ, bồ tát Hộ Minh đã giáng trần, qua hiện thân thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm (Siddhartha Gautama), con của vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Maya. Ngài đã vì lòng từ bi, vì sự an lạc, hạnh phúc, giải thoát cho chúng sanh, nên xuất hiện ở cõi Ta bà nầy. Về sau Ngài xuất gia, tu hành và thành đạo dưới cội Bồ Đề hiệu là Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), trở thành giáo chủ trong ba cõi, bậc thầy của chư thiên và loài người.  Qua 49 năm thuyết pháp độ sanh, ngài đã để lại cho nhân loại một kho tàng giáo lý vô tận, những quy luật đạo đức cao siêu, để hướng dẫn con người hướng thiện và giải thoát.  Trong cánh rừng Sala, phía nam thành phố Câu Thi Na (Kusinagara), vào một đêm rất tối và tĩnh mịch, Đức Phật nằm nghiêng bên phải, hướng về phía tây và dần nhập niết bàn, một trạng huống tánh tịnh vô trú.

Trước hết cần phải hiểu đạo lý sinh diệt.  Sinh là biểu hiện, diệt là kết thúc.  Sự kết thúc của giai đoạn này là sự biểu hiện của giai đoạn kế tiếp.  Như vậy sinh diệt tiếp nối tương tục, sinh là diệt, diệt là sinh, do đó sinh không thật sinh, diệt không thật diệt.  Sinh không thật sinh nên gọi là bất sinh, diệt không thật diệt nên gọi là bất diệt.  Nghĩa lý bất sinh bất diệt nằm trong sinh diệt.  Đức Phật có ba thân là tự tánh thân, thọ dụng thân và biến hóa thân.  Tự tánh thân là pháp thân thanh tịnh, tự tại trong các pháp.  Thọ dụng thân là thân Phật trong đại tập hội của chư Phật gồm toàn chư vị bồ tát.  Biến hóa thân là thân Phật từ cung trời Đâu Suất, thị hiện ẩn mất, rồi thọ sinh, thọ dục, vượt thành xuất gia, đến chỗ ngoại đạo, tu hành khổ hạnh, chứng đại bồ đề, chuyển đại pháp luân, nhập niết bàn vô trú.  Ở góc độ đạo lý sinh diệt thì sự giáng sinh và diệt độ của đức Phật Thích Ca Mâu Ni lịch sử cũng là bất sinh bất diệt.  Qua cái nhìn pháp thân thì mang sắc thái thường trú, bất sinh bất diệt, vì thân ấy từ chân như thanh tịnh dẫn ra, từ bản nguyện dộ sinh không có thời kỳ kết thúc.  Dùng con mắt phàm phu mà xem xét pháp thân thì chỉ là vọng kiến điên đảo, thêm bớt sinh diệt: “Nhãn trung khán kiến trùng thiêm tiết.”  Đức Phật vẫn hiện hữu nhưng vì chúng sanh không thấy đó thôi.  Như Đại thừa trang nghiêm kinh luận có ghi:  “Đồ đựng nước bị bể, ánh trăng không hiện ra, như vậy lỗi chúng sanh, tượng Phật cũng chẳng hiện.”

Bốn câu sau cùng là nhắc lại việc đản sinh của đức Phật.  Hằng năm, vào ngày mồng 8 tháng tư âm lịch, các chùa tổ chức lễ hội Tắm Phật.  Lễ hội ấy dựa theo kinh Quá khứ hiện tại nhân quả rằng khi đức Phật đản sinh có hai con rồng phun nước hương thơm, một dòng ấm một dòng mát, rưới lên kim thân thái tử Tất Đạt Đa.  Kinh Phổ Diệu thì nói đến chín con rồng ở trên không trung rưới nước hương thơm xuống tắm rửa thái từ vừa đản sinh.  Theo kinh Ưu bà di pháp môn tịnh hạnh, thái tử vừa đản sinh thì đã biết đi, “nhẹ nhàng đi bảy bước trên bảy hoa sen”.  Mỗi bước chân thái tử nhìn về một phương, cả thảy sáu phương: đông, tây, nam, bắc, hạ, thượng.  Đến bước thứ bảy thì thái tử một tay chỉ lên trời và một tay chỉ xuống đất, tuyên bố: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Nói xong, chư thiên dâng hai dòng nước ấm mát tắm cho thái tử, sau đó thái tử trở lại như mọi đứa trẻ bình thường.

Ý nghĩa bảy bước hoa sen, theo kinh Ưu bà di pháp môn tịnh hạnh, như sau: Bước thứ nhất, nhìn về phương đông, ngài nguyện làm người dẫn đường tối thượng.  Bước thứ hai, nhìn về phương nam, ngài nguyện làm ruộng phước tốt cho chúng sanh.  Bước thứ ba, nhìn về phương tây, ngài nói đây là thân rốt sau.  Bước thứ tư, nhìn về phương bắc, ngài nói sẽ chứng đắc Vô thượng bồ đề.  Bước thứ năm, nhìn xuống phương hạ, ngài nói sẽ hàng phục ma quân phiền não.  Bước thứ sáu, nhìn lên phương thượng, ngài nguyện làm nơi y chỉ cho chư thiên và loài người.  Bước cuối cùng, ngài tuyên bố: “Trên trời, dưới trời chỉ có Ta là trên hết”, bởi lẽ sự kiện một đức Phật xuất hiện ở đời như một bậc tôn quý nhất, tối thắng nhất là vô tiền khoáng hậu.  Kinh Tăng Chi Bộ ghi: “Một người, này các tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, là xuất hiện một người không hai, không có đồng bạn, không có so sánh, không có tương tợ, không có đối phần, không có người ngang bằng, không có đặt ngang bằng, bậc tối thượng giữa các loài hai chân.  Người ấy là ai ? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán Chánh đẳng chánh giác.”

Một tượng Phật Thích Ca sơ sinh, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất, được đặt trong một cái chậu nước sạch có rắc hoa thơm. Phật tử sắp thành hàng dọc, vừa tụng kệ chú tắm Phật, vừa tiến đến trước tượng Phật, múc một muỗng nước hương thơm rưới tắm lên tượng Phật.  Nghi thức tắm Phật ấy hàm ẩn một ý nghĩa cao siêu, đó là pháp thân Phật vốn thanh tịnh, dụ cho Phật tánh vốn tiềm ẩn trong mỗi người, nhưng vì bị bụi bặm phiền não tham, sân, si … che lấp nên Phật tánh không hiển lộ ra được.  Muốn hiển lộ Phật tánh cần mượn nước để tẩy rửa bụi bặm che lấp Phật tánh.  Quán chiếu việc tắm Phật như là việc gội rửa nội tâm để tìm lại tự tánh sáng ngời vốn sẵn có của mình.  Múc một muỗng nước hương thơm rưới từ trên vai tượng Phật sơ sinh, nếu tâm ta có niệm tham, niệm sân, niệm si … thì xin nguyện cho những tâm niệm xấu ác này theo dòng nước thanh tịnh mà trôi đi, chuyển hóa nội tâm trở nên trong sáng.

Tắm Phật cũng là sự biểu lộ lòng thành kính của mình với đức Phật, nguyện báo ơn Phật vì nghĩ nhớ ơn nặng của Ngài: “Đức Thích Ca Như Lai của chúng ta, lúc mới phát tâm, đã vì chúng ta mà thực hành bồ tát đạo, trải qua vô lượng kiếp chịu đủ khổ cực. Khi ta tạo tội, Phật đã xót thương, phương tiện giáo hóa, mà ta ngu si, không biết tin tưởng, tiếp nhận. Ta đọa địa ngục, Phật càng đau xót, muốn chịu thay khổ sở cho ta, nhưng nghiệp ta quá nặng, hết cách cứu vớt. Ta sinh loài người, Phật liền dùng phương tiện làm cho ta gieo trồng thiện căn. Đời đời kiếp kiếp, Phật theo dõi ta, lòng không lúc nào rời bỏ chốc lát.” (Khuyến phát bồ đề tâm văn, đại sư Thật Hiền, H.T Trí Quang dịch)

Chúng con nguyện:

Dứt bỏ dục tình ngoan cố,

Học đòi đức tánh quang minh,

Cúi xin Phật tổ giám thành,

Từ bi gia hộ,

Chúng con cùng pháp giới chúng sanh,

Chóng thành đạo quả.

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật.

Nguồn: Hoa Vô Uu

HUYỀN THOẠI ĐẢN SINH

Thích nữ Tịnh Quang

Mỗi con người là một huyền thoại. Chúng ta ai ai cũng có huyền thoại khi còn trong trứng nước cho đến khi mở mắt chào đời; những chuyện li kỳ về mỗi người khi sinh ra đều được đấng sinh thành ghi nhớ và kể lại như là một điềm lạ về sự chào đời của đứa con thân yêu dù rất nhỏ nhoi, và đôi khi chúng ta bẵng quên mất khi đời sống quá ư bận rộn mệt nhoài…

Cũng thế, các vĩ nhân và thánh nhơn xuất hiện trên thế gian này đều có những huyền thoại vĩ đại hơn chúng ta, đặc trưng của những huyền thoại hoăc sinh hay tử được lưu truyền từ đời này sang đời khác, bằng khẩu truyền, bằng thiên hùng ca hay bút ký… Những câu chuyện huyền thoại xoay xung quanh cuộc đời của các vĩ nhân như là một sự minh chứng đối với sự hiện hữu tuyệt vời của họ trong một mốc son lịch sử và được truyền tụng cho đến bây giờ.

Là một con người trên tất cả con nguời, là một vĩ nhân trên tất cả vĩ nhân, cuộc đời của Đức Thích Ca Mâu Ni gắn liền với một huyền thoại tuyệt đẹp, phi phàm và đầy thi vị nhất;  khi vừa mới mở mắt chào đời Người đã nhẹ nhàng bước trên bảy đóa hoa sen, tay phải chỉ lên trời,  tay trái trỏ xuống đất và dõng dạc tuyên ngôn: “ta là Đấng cao quí duy nhất trong thiên hạ” ( I alone am the World-Honored One). Biết bao thế kỷ tang thương, cuộc dâu bể đổi dời, huyền thoại về sự ra đời của Ngài như vẳng nghe mới hôm nao đây bên những trang kinh tưởng chừng như chưa ráo mực.

Tương truyền, vào một đêm Hoàng hậu Mahamaya mộng thấy con voi trắng sáu ngà từ cõi trời bay xuống trong tiếng nhạc vang lừng, quỳ xuống bên chân Hoàng hậu, con voi dâng cho bà một cành sen hồng được mang từ cái vòi của nó. Thức giấc, Hoàng hậu thấy cảm giác dễ chịu và khoan khoái với những mùi hương lạ thơm ngát căn phòng, và bà biết rằng mình đã thụ thai Thái tử Siddhartha.

Vào một buổi sáng trời trong xanh, nắng đẹp, chim chóc vui hót, Hoàng hậu Mahamaya đi dạo chơi trong vườn Lumbini, một khu vườn xinh đẹp thuộc thành Kapilavatthu, một lúc bà thấy mệt và vịn tay phải vào cành cây vô ưu (ashok tree) đang nở đầy hoa thì hạ sinh thái tử. Thái tử Siddhartha được sinh ra từ hông bên phải, ngay lúc ấy ngài đứng dậy đi bảy bước, dưới chân Ngài nở bảy đóa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất mà nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn.”

Hơn hai mươi lăm thế kỷ trôi qua, biết bao giấy mực luận bàn về huyền thoại này; sự đản sinh của Đức Phật đã trở thành đề tài muôn thuở cho các nhà nghiên cứu bình luận, là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất từ xưa tới nay; bên cạnh đó nó cũng là tiền đề gây hứng thú nhất cho các nhà Phật học và thi nhân kim cổ.

Không ít các nhà phân tích Phật học cho rằng bảy đóa sen kia là tượng trưng cho bảy phần Bồ đề (hay Thất giác chi) một trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo-là phương pháp tối yếu  để giúp cho người học đạo và tu đạo thể nhập được giác ngộ, hoặc là yếu nghĩa của Tam Thừa Tứ quả, và cũng không ít người cho rằng bước sen thứ bảy là sự giải thoát hoàn toàn từ sáu bước sen trước,  như là sự vượt thoát sáu cõi luân hồi.Một số nhà bình luận khác thì cho rằng con số 7 là con số triết học thuần túy của Ấn Độ, với ý nghĩa không gian có bốn (đông, tây, nam, bắc), thời gian có ba (quá khứ, hiện tại và tương lai); Thái tử đi trên bảy đóa sen tượng trưng cho sự vượt thoát về ý niệm của không gian và thời gian. Ngài sinh từ hông phải là biểu thị cho bản thể tuyệt đối vô nhiễm và câu tuyên ngôn: “Ta là Đấng cao quí nhất trong thiên hạ” là sự xác tín về Phật tính-vốn ẩn tàng trong mỗi chúng sinh…tất cả khía cạnh lý giải đều có ý nghĩa nhất quán mặc dù trên hình thức có đôi chút dị biệt, đó là sự giác ngộ về Chân tâm Phật tính xuyên qua truyền thuyết Đản sinh này.

Tuy nhiên các Học giả Đông Tây đứng trên lập trường khách quan thì cho rằng bảy bước hoa sen là sự đại diện cho bảy phương hướng: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trên, Dưới và Tại đây (east, west, north, south, up, down and here). Và một tay chỉ trời một tay chỉ đất là một điềm lành báo hiệu sự hiện hữu của một vị Cứu tinh cho cõi Thiên Nhơn-nối kết giữa trời và đất, giữa thiên đường và trần gian bụi bặm, và câu tuyên ngôn: “Ta là Đấng tôn quý nhất trong thiên hạ” theo quan điểm Phật giáo Phát triển là một cách nói khác để xác quyết về tính giác hằng hữu trong không gian vô cùng và thời gian vô tận bên trong mỗi chúng sinh.

Bên cạnh đó không ít các bình luận gia ngoại đạo cho rằng huyền thoại đản sinh của Đức Thích Tôn được vay mượn từ huyền thoại chào đời của Thần Indra-vị thần cổ của Ấn Độ giáo vốn được truyền tụng ở trong văn học Rig Veda. Thần Indra cũng sinh ra từ bên hông của mẹ, và khi vị thần này chào đời thì có những hiện tượng lạ xảy ra như là  nhật thực (1), trái đất vang động, núi non trời đất lung lay (2), và tất cả các vị thần khác đều sợ hãi sự phẫn nộ của thần Indra …(3), một trong những thi kệ của Rig Vedic cũng ca ngợi vị thần này: “Ồ  Indra, sự khéo léo của người giống như bậc thầy của các Thiên chủ  và loài người…”(4). đặc biệt khi vừa ra đời thần Indra nói rằng ông ta sẽ là đấng thừa hành những sứ mệnh vĩ đại. Cũng có một số Học giả khác cho rằng truyền thuyết Đản sinh của Đức Phật không ít thì nhiều có ảnh hưởng truyền thuyết Hy Lạp, khoảng thời gian sau khi Đại đế Alexander cai trị vùng Đông Á vào năm 334 BCE, và có một sự hòa nhập đáng kể về tư tưởng và nghệ thuật giữa Phật giáo và Hy Lạp. Một số khác thì đinh ninh rằng câu chuyện Đản sinh là được “nâng lên” từ câu chuyện ra đời của chúa Jesu khi những nhà Thương buôn Phật giáo trở về từ Trung Đông…Tất cả sự tranh cãi này không ngoài mục đích là đánh tan thần tượng thần thánh hóa Đức Phật.

Dù vậy không ai có thể chối bỏ được hình tượng hoa sen-một biểu tượng cho trí tuệ trong nghệ thuật Phật giáo, hoa sen còn đại diện cho sự tinh khiết và thanh cao của tâm linh. Bên cạnh đó bảy bước hoa sen của Đức Phật chỉ cho bảy hướng: Đông , Tây, Bắc, Nam, Trên , Dưới và Tại đây thì không tương đồng với bất kỳ huyền thoại nào khác. Đức Phật ra đời trong một bối cảnh xã hội Ấn Độ đầy phức tạp; mặc dù trong giai đoạn này thế lực chính thống của Bà La Môn giáo đã đến thời kỳ suy yếu; thay vào đó sáu phái Triết học và bảy mươi hai tà kiến với nhiều lập trường triềt thuyết tranh nhau hùng cứ bốn hướng đông, tây, nam, bắc và khu vực thượng lưu và hạ Lưu sông Hằng. Sự ra đời của Ngài như để dàn xếp và thống nhất các học thuyết tư tưởng bằng sự giác ngộ thực tại duyên khởi, và chỉ có Đức Thích Tôn mới làm được cuộc cách mạng lịch sử của các trào lưu tư tưởng đương thời. Và cho đến hôm nay, giáo lý giải thoát này vẫn mãi hiện hữu mầu nhiệm giữa lòng trời đất bao la, xuyên qua bốn phương đông, tây, nam và bắc của quả địa cầu này.

Ngoài bảy bước hoa sen, huyền thoại Đản sinh với câu tuyên ngôn: “Ta là Đấng cao quí nhất trong thiên hạ” đã làm chấn động và gây xôn xao cho tất cả người nghe với tất cả thành phần trong xã hội. Câu tuyên ngôn này có mâu thuẫn chăng khi lập trường của Phật giáo là Vô ngã (anatma hoặc nontheism)? Chúng ta không thể lý giải theo quan niệm “tự tôn” với một trẻ vừa sơ sinh chưa có ý thức phân biệt. Tất cả các nhà Phân tích đều đồng quan điểm rằng cái “Ta” trong câu nói trên như là một sự xác tín về Chân ngã-Phật tính vốn chi phối và điều động sự hiện hữu của thế giới. Cái “Ta” này biểu hiện dưới hình thái con Người-chính là Thượng đế tôn quí nhất trong thiên hạ, nhưng con người đã bỏ quên để rồi lang thang tìm cầu một Thượng đế xa xôi, vô vọng và rồi tự chuốt thêm vọng tưởng khổ đau ! Một cách khác, câu nói này cũng là lời tuyên cáo rằng chỉ có  Đức Phật mới là Đấng Thượng đế duy nhất bao hàm Trí tuệ và Từ bi viên mãn, Kokkali nói: “Trí tuệ của Đức Phật rộng lớn như biển khơi, và Thánh linh của Ngài là đầy đủ đức  đại từ bi. Đức Phật không có hình thái cụ thể nhưng thể hiện chính mình trong sự hoàn thiện và dẫn đắt chúng ta bằng cả tấm lòng từ bi của ngài” (Buddha’s Wisdom is broad as the ocean and His Spirit is full of great compassion. Buddha has no form but manifests Himself in Exquisiteness and leads us with His whole heart of Compassion) (5). Do đó sự thị hiện của Đức Phật không ngoài mục đích tạo dựng một thế giới của tình yêu thương và hòa bình trên căn bản của tuệ giác vô ngã vị tha.

Mỗi Tôn giáo đều gắn liền với huyền thoại của Đấng giáo chủ của chính nó để được trãi dài theo thời gian như một sư linh thiêng và huyền bí; cũng như những nhân vật nổi tiếng trên thế giới đều có huyền thoại của riêng mình, như huyền thoại nhà sáng lập Đế chế Mông Cổ Thành Cát Tư hãn, huyền thoại nhà lãnh đạo chính trị cuộc cách mạng Pháp Napoleon, huyền thoại nữ hoàng Ai Cập Nefertiti, huyền thoại thiên tài âm nhạc Mozart, huyền thoại họa sĩ nổi tiếng Van Gogh, Huyền thoại thi sĩ Nguyễn Du, gần đây chúng ta có huyền thoại minh tinh điện ảnh Marilyn Monroe, huyền thoại bóng đá với chân sút “phù thủy” Maradona, huyền thoại vua nhạc Pop Michael Jackson… tất cả họ đã đi vào dòng thời gian bất tuyệt xuyên qua huyền thoại của chính mình.  Các bậc chí sĩ thánh nhân thì có  những huyền thoại phi phàm lãng tử không thể suy lường, như huyền thoại Trang Tử nhập vào bướm, Lý Bạch ôm trăng mà chết, Đức Jesu chịu đóng đinh trên cây Thập tự, Đức Bồ Đề Đạt Ma quảy một chiếc hài đi về Thiên Trúc…Trên tất cả huyền thoại, huyền thoại của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giàu chất thi ca và nghệ thuật nhất: sinh giữa rừng hoa, thành đạo dưới gốc cây, thuyết pháp giữa rừng cây và nhập diệt cũng giữa núi rừng tĩnh mặc; điều này đã nói lên rằng chỉ có Đấng Điều ngự Thế Tôn mới thoát khỏi được ngôi nhà Tam giới, ngục tù của vô minh và ảo tưởng.

Không hình ảnh nào tuyệt đẹp và thi vị hơn hình ảnh đản sinh của Đức Thích Tôn nhẹ nhàng bước  trên bảy đóa hoa sen; không có lời nói nào tạo nên sự sửng sốt và bàng hoàng muôn thuở như tuyên ngôn: “Ta là Đấng Tôn quí duy nhất trong thiên hạ.” Như là một công án, câu nói nầy là một lời thôi thúc cho  mọi người  tìm hiểu  học thuyết Phật Đà, và “đến để mà thấy”. Huyền thoại đản sinh như là mệnh đề dẫn nhập hay nhất cho toàn bộ nội dung chi tiết của Giáo pháp Phật Đà băng qua trên mọi ngôn từ và lý luân giả tạo của trần gian.

TN. Tịnh Quang

Ghi chú

(1). Ibid, I. 130.9.
(2). Ibid, I.61.14
(3). Ibid, V.30.5
(4). Ibid, III. 34.2.
(5). The Teaching of Buddha”, Bukkyo Dendo Kokkali (Buddhist Promotion Foundation)
 
Nguon: thuvienhoasen
.

Hương Sen Đất Việt

Dòng thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc sống dường như chưa xoá nhòa hết dáng vẻ yêu kiều của một thời vàng son xưa cũ.

Người phụ nữ cúi nghiêng mình múc nước bên dòng suối. Làn nước trong xanh phản chiếu khuôn mặt phúc hậu thoáng chút ưu tư hiện trên vầng trán cao thanh tú. Đã luống tuổi, phục sức áo vải thô sơ, nhưng trông bà thật cao sang đài các. Dòng thời gian và sự khắc nghiệt của cuộc sống dường như chưa xoá nhòa hết dáng vẻ yêu kiều của một thời vàng son xưa cũ.

Múc nước xong, bà đứng thẳng người hướng tầm mắt nhìn ra xa. Nơi cửa ngỏ của con sông lớn, xóm làng dân cư trù phú trải dài đến ngút mắt. Ruộng đồng cây trái mênh mông. Những mái nhà tranh ẩn mình trong khu vườn rộng, lan tỏa làn khói bếp giữa cảnh chiều êm ả. Ở mỗi thôn xóm… là một ngôi chùa sư sải uy nghi tráng lệ có đỉnh vút cao như ngọn tháp. Vài nóc chùa mái cong trầm mặc của lưu dân người Việt cũng góp mặt, tạo nên một phong thái riêng của chốn quê nhà xa khuất.

Bà chợt ngước lên khi nghe có tiếng vó ngựa dập dồn. Tiếng ngựa xe của chốn kinh kỳ sao lại lạc lối đến chốn này. Một đoàn xe ngựa hiện ra rồi dừng lại bên kia đường. Viên võ quan bước xuống, đi đến bờ sông liền quỳ mọp xuống tung hô:

– Xin cung nghinh lệnh nương nương hồi cung …

Đôi mày lá liễu của người phụ nữ hơi nhíu lại, bà chỉ ra hiệu cho người đối diện đứng dậy. Im lặng giây lát bà mới nhỏ nhẹ lên tiếng:

– Trở về hoàng cung ư ? Ta chưa chuẩn bị tinh thần để đón nhận điều này. Thật chẳng còn thích hợp và lòng ta cũng không mong muốn gì hơn là được sống bình yên cùng xóm làng, xa lánh hết mọi điều phiền toái giữa chốn kinh thành.

– Thưa lệnh Bà- Giọng viên võ quan vẫn điềm đạm rõ ràng- Xin hãy nghĩ đến non sông Đất Nước, cùng lòng khát ngưỡng của con dân vùng Thủy Chân Lạp, hơn nữa theo di chiếu Tiên vương để lại…. Xin lệnh bà mau đưa Thái tử về lên ngôi cửu ngũ. Việc Quốc gia đại sự không thể trì hoãn…

Hoàng tử áo vải- là cách gọi thân tình của cư dân dành cho hai người con trai của bà, lúc này cũng bước ra đứng bên cạnh mẹ. Đại thái tử lắng tai nghe cuộc đối thoại với vẻ mặt bình thản, tuyệt không biểu lộ chút cảm xúc nào. Mọi việc diễn ra đúng như mẹ chàng đã dự đoán. Cũng như bà từng dự đoán sự tranh đoạt ngai vàng của người chú cách đây nhiều năm.

– Xin thỉnh nương nương và Thái tử hồi cung. Triều thần và dân chúng đang chờ đợi. Đất Nước không thể một ngày không có vua…

Người mẹ vẫn im lặng. Nhà vua tiếm vị vừa băng hà. Hoàng gia không người kế vị. Đất Nước khó tránh khỏi cảnh nội loạn ngoại xâm. Năm năm, những xáo trộn đau buồn cũng phôi pha. Những tưởng mọi việc đã an bày. Vậy mà… Bà quay sang Thái tử, nhẹ nhàng ra mệnh lệnh:

– Đất nước này, thần dân này là của Phụ vương và Hoàng tộc Thủy Chân Lạp, các con phải có trách nhiệm giữ gìn thừa kế. Vậy… hai con hãy mau chuẩn bị theo Đại quan trở về hoàng cung lo đại sự.

– Thế còn mẹ ?

Đại Thái Tử hỏi, chàng có cảm nhận là bà không có ý định trở về.

– Mẹ sẽ ở lại. Cuộc sống của mẹ chính là thôn xóm bình yên này. Mẹ muốn dành quảng đời còn lại làm việc và sống theo những mơ ước mà mẹ hằng ôm ấp.

Nhị Hoàng tử cũng lên tiếng:- Đại huynh nên trở về kế vị. Em cũng muốn ở lại đây với mẹ.

– Không!- Người mẹ lắc đầu dứt khoát:- Con cũng phải trở về. Hoàng gia và Đất Nước đang cần các con. Con phải phụ giúp hoàng huynh công việc trị Nước an dân.

Đại Hoàng tử buồn bã nói:- Vậy là mẹ từ bỏ chúng con sao. Chuyện Quốc gia đại sự, con thấy mình chưa đủ năng lực. Dù có kế vị ngai vàng, làm vua một nước, con cũng cần có mẹ một bên để khuyên răn chỉ bảo. Và làm sao chúng con yên tâm khi để mẹ ở đây một mình.

– Mẹ không bỏ các con. Mẹ ở đây vì thích hợp với cuộc sống thôn dã, cũng là gián tiếp giúp con ổn định dân tình. Đừng lo cho mẹ. Ở đây mẹ có dân làng, có những người đồng hương luôn gần gũi thương yêu và cần đến sự giúp đỡ của mẹ.

… Người con gái Đất Việt theo chồng về làm dâu xứ Chân Lạp ngót nghét đã hơn hai mươi năm rồi. Nàng vốn thuộc dòng quỳnh chi ngọc diệp. Công chúa Ngọc Vạn, con gái thứ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, nổi tiếng là người xinh đẹp, khí chất thông minh, bẩm tánh lại nhân hậu hiền lành. Mười tám tuổi, nàng là đoá hồng nhung hiếm có trong khu vườn thượng uyển, mặc cho ong bướm ngẩn ngơ rào đón, công chúa vẫn vô tư bình thản vui chơi trong cảnh ấm êm của cuộc sống vương giả. Mà hình như nàng cũng sớm nhận ra đâu đó có ánh mắt thẩn thờ của một người. Ánh mắt chỉ để dành riêng cho nàng. Chàng là quan Đô Uý, thường ngày vẫn ra vào cung chúa. Mỗi lần gặp nàng, chàng chỉ cúi đầu chào nhưng ánh mắt thì hàm chứa bao điều thiết tha nồng ấm. Đôi lần công chúa cũng cảm thấy lòng bâng khuâng xao xuyến…

Một hôm có sứ thần từ đất nước Chân Lạp xa xôi tìm đến với lễ vật của nhà vua Chey chetta xin được cưới công nương Ngọc Vạn. Chúa Sãi tiếp đãi sứ thần trọng hậu nhưng chưa trả lời dứt khoát. Chúa không nở xa con, không muốn gã công chúa đến vùng biên địa xa xôi. Triều thần cùng các Vương công Hoàng tử họp bàn khuyên chúa nên ưng thuận để tỏ tình ban giao, mở mang thêm bờ cõi. Chuyện những nàng công chúa được gả cho vua chúa các nước lân bang, lịch sử thời nào chẳng có. Làm Hoàng hậu một vị vua Nước nhỏ mà danh tiếng oai hùng, chẳng là danh giá lắm sao!

Ngọc Vạn nghe được thông tin, lòng không khỏi hoang mang. Lấy chồng xa xứ nghĩa là nàng phải từ bỏ quê hương, xa cha cách mẹ, xa tất cả mọi thứ đã trở nên quen thuộc từ thưở lọt lòng. Vua nước Chân Lạp đó, nàng chẳng dám chắc có tình yêu không, hơn nữa lại bất đồng về ngôn ngữ, khác hẳn mọi tập quán phong tục, rồi đây nàng sẽ ra sao? Làm Hoàng Hậu nào phải là điều mà nàng mơ ước. Nhưng Ngọc Vạn vốn là đứa con chí hiếu, không muốn cha phải nghĩ ngợi nhiều đến chuyện lập thân của mình, nên khi chúa ướm lời nàng liền gật đầu ưng thuận. Thế là tin công chúa xuất giá được loan truyền. Ngày rước dâu cũng cận kề. Phủ chúa rộn rịp trang hoàng mọi thứ cho nàng công chúa nhỏ vu quy xuất giá.

Dù chấp nhận mọi việc đã an bài, Ngọc Vạn cũng thấy lòng bồn chồn lo nghĩ. Đây là lần đầu tiên nàng xa nhà. Một sự ly biệt không biết bao giờ nàng mới được trở lại quê hương. Rồi khi cha mẹ bóng xế tuổi già, liệu nàng có kịp trở về hầu cận chăm sóc. Về làm dâu xứ người, liệu nàng có đủ niềm tin và nghị lực để vượt qua mọi khoảng cách. Và kìa… nàng lại bắt gặp ánh mắt dõi nhìn từ xa. Ánh mắt như muốn nói lên bao điều ngay khi mọi việc đã quá muộn màng. Trước ngày hôn lễ, Ngọc Vạn nhận được bài thơ do người cung nữ mang đến.

” Con chim nhỏ chốn lồng son

Phút chốc rời xa bến mộng

Con tim buồn trông lối ngõ

Bóng người khuất nẻo bên sông…”

Đoàn thuyền rước dâu nối dài cả khúc sông. Dân chúng đứng xem đông chật hai bên bờ. Ngọc Vạn quay nhìn về phía hoàng cung lần cuối. Phụ vương, mẫu hậu vẫn còn đứng đó, trên chiếc thuyền rồng. Giây phút ly biệt, có tiếng sục sùi, có lời chúc phúc. Cũng có vài ánh mắt dõi theo nàng với lòng yêu thương cảm kích cùng sự tiếc nuối vô vọng. Ngày dần tàn. Trước mắt nàng chỉ còn là màn sương đêm nhập nhòa bao phủ. Ngọc Vạn vò nát bài thơ quăng xuống dòng sông. Quá khứ dù đầy ấp mộng đẹp rồi sẽ như dòng nước kia trôi xa mãi mãi. Chỉ có con đường phía trước là mênh mông trải dài đến vô tận…

***

Ngọc Vạn theo chồng về xứ lạ, làm trọng trách một chiếc cầu nối, giữ tình bang giao hữu nghị giữa hai dân tộc, nhưng rồi trái tim nàng cũng rung động trước vẻ lịch lãm quyền uy của một đấng quân vương. Nhà vua rất mực yêu thương Hoàng hậu và nàng cũng đáp trả bằng sự trinh trắng mặn nồng. Hai hoàng nam tuấn tú ra đời chỉ trong vòng ba năm càng gắn bó mối tình vương giả. Cuộc sống mới tràn ngập hạnh phúc đã giúp Ngọc Vạn nguôi ngoa nỗi nhớ quê nhà.

Rồi nàng xin nhà vua cho mình xuất chinh để tìm hiểu và giúp dân tình làm ăn sinh sống. Dù sinh trưởng nơi cao sang quyền quý, nhưng từ bé Ngọc Vạn lại ưa thích tìm đến những vùng quê để được thỏa thích ngắm nhìn muôn vẻ đẹp diệu kỳ của ruộng đồng thiên nhiên cây cỏ. Ngọc Vạn ao ước có ngày mình được tự do đi lại những nơi ấy. Và nay khi niềm ao ước kia thành hiện thực, Ngọc Vạn lại khát khao làm được nhiều điều thiết thực hơn nữa cho đất nước nhà chồng và cho con dân của Dân tộc mình.

Hoàng hậu Khassttey- tước hiệu của Ngọc Vạn, xin đức vua Chetta cho phép dân Việt đến lập cư sinh sống nơi những vùng đất còn hoang hóa dọc theo bờ sông. Nhà vua chấp thuận vì tình yêu với sủng hậu. Hơn nữa vua cũng nhận thấy khả năng người Chân Lạp không thể đơn phương khai khẩn, giữ gìn những đầm lầy rộng lớn quanh lưu vực con sông. Theo thoả thuận của vua Chân Lạp, chúa Nguyễn khuyến hoá cư dân đi khai hoang miền đất mới. Và thế là, nhiều làng mạc đã mọc lên theo bước chân người từ phương bắc tiến vào khai cư lập nghiệp. Chỉ vài mươi năm, vùng Prey Nokor ( Sài Gòn- Gia Định) trở nên trù phú, phát triển. Nhiều khách thương và cư dân các vùng lân cận cũng tìm đến làm ăn sinh sống.

Hoàng hậu trẻ ngoài việc cai quản tam cung, giúp đỡ nhà vua việc trị nước, dạy dỗ các con, lúc rảnh bà lại thích nghiên cứu kinh sách. Bà thông thạo kinh điển Đại thừa lẫn Tiểu thừa, đọc cả những sách nói về địa lý môi trường, nhân sinh xã hội. Người dân xem bà là hiện thân của Bồ Tát Quan Âm đến đất nước họ để ban bố tình thương và hạnh phúc. Bà là bậc mẫu nghi thiên hạ nhưng lúc nào cũng sẵn sàng có mặt ở những vùng xa xôi nhất để chỉ vẻ cho dân cách thức trồng trọt đạt năng xuất, chỉ cho họ từ cách ăn ở vệ sinh đến thuốc men khi đau yếu. Sự gần gũi chân tình đó đã dần xóa những mặc cảm kỳ thị của người dân bản xứ đối với dân tộc hùng mạnh ở phương bắc.

… Vua Chey Chetta băng hà. Triều đình Chân Lạp trải qua một cơn biến loạn. Hội đồng hoàng tộc, mà chủ mưu là người em chồng- được tiên vương ký thác làm nhiếp chính, đã nổi lên dùng binh quyền cướp ngôi của cháu- Thái tử con nàng còn trong độ tuổi thiếu niên. Hai Hoàng tử bị bắt giam, riêng Ngọc Vạn được đặc cách cho trở về quê hương. Trở về quê nhà khi nước mắt khóc chồng còn chưa ráo lệ, hai con nhỏ dại lại bị giam cầm là điều mà Ngọc Vạn không đành lòng. Bà khẩn cầu xin Tân Vương cho mẹ con bà được lui về nơi ấp làng sinh sống cuộc đời dân dã, quyết không tranh giành vương quyền ngôi vị. Có lẽ do thiện ý của bà, do tiếng tăm và công sức bà đóng góp nhiều cho vương triều và hơn hết vì lòng kính ngưỡng mến mộ của dân chúng cùng triều thần quá lớn, vị tân vương không dám gây thêm họa loạn nên chuẩn y theo nguyện vọng cho mẹ con bà đến sinh sống ở miền quê xa.

* * *

…Mấy ngày qua chùa chiền và dân chúng các phum sóc trở nên náo nhiệt. Người ta bận rộn lo trang hoàng nhà cửa và tổ chức các cuộc vui chơi lễ hội mừng năm mới. Nhiều năm rồi Ngọc Vạn đã quen với không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc Chân Lạp. Ngày Tết được tổ chức vào giữa tháng tư, khi mùa màng đã thu hoạch xong, đồng ruộng khô cạn. Tháng tư mùa hạ, lại gắn liền với mùa lễ hội Phật giáo. Mọi người được nghỉ ngơi vui chơi trong ba ngày. Nhà nhà lo sắm sửa vật liệu làm thức ăn bánh trái đem đến chùa cúng dường cho các vị sư sải để cầu phước. Nhà chùa cũng sắp bày các nghi lễ tụng kinh cầu an và tắm Phật cho Phật tử.

Người bản xứ vốn sùng tín đạo Phật nên họ đặt cho Ngọc Vạn mỹ danh “Phật bà” Khi nghe Ngọc Vạn bày tỏ điều băn khoăn ấy thì vị sư truyền lễ quy y cho bà nói:- Là dân làng muốn tỏ rõ sự tôn kính tột bực mà họ dành cho bà. Trái tim bà thật dịu dàng rộng mở. Những việc bà làm càng rộng lớn bao la. Sự hiện hữu của bà đem lại niềm tin và an lạc cho mọi người… Đó chẳng phải là hạnh nguyện của Bồ tát sao. Bồ tát vào đời mang nhiều tâm nguyện và hình thù khác biệt, chứ đâu nhất thiết phải là người xuất gia.

… Vị vua trẻ đi dạo cùng mẹ trên con đường làng, hai bên trải dài những đầm sen tỏa hương thơm ngát. Vạn vật yên bình. Khung cảnh dịu mát khiến tâm tư nhà vua trở nên sảng khoái nhẹ nhàng. Suốt cả tháng bận rộn công việc triều chính, chỉ khi trở về đây nhà vua mới cảm nhận được sự nhẹ nhàng của tâm trí. Trở về với mẹ cũng là trở về với nơi mà chàng từng sống qua cái thời hành vi bình lặng mà thanh thản. Nhiều lần nhà vua cố thỉnh cầu mẹ trở về hoàng cung, song bà vẫn nhất quyết:

– Con kế nghiệp Tiên đế, gánh trọng trách làm yên dân. Dân có yên thì đất nước mới mở mang phát triển. Đất nước hùng mạnh mới tránh được cái họa nội loạn ngoại xâm. Một vị vua tài trí anh minh phải biết nghĩ đến điều đó. Còn mẹ… từ ngày còn sống trong cung chúa, mẹ đã yêu thích thiên nhiên, yêu thích những con người mộc mạc hiền lành và mong muốn một ngày mình được sống chan hòa nơi ấy. Suốt đòi này, mẹ chỉ tâm nguyện bấy nhiêu…

– Con nhìn kìa! Người mẹ chợt đưa tay chỉ về phía trước- Nơi đây ngày trước mẹ chỉ đem vài cây sen từ quê nhà sang ươm trồng. Bây giờ đã trở thành một đầm sen rộng lớn. Mùa hè cũng là mùa lễ hội mừng năm mới, mùa Phật đản. Hoa sen mộc mạc dung dị là vậy nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Trước kia mẹ vẫn thường dẫn hai anh em con đi chùa lễ Phật. Mẹ từng đọc cho các con nghe một đoạn kinh Phật nói về ý nghĩa hoa sen… Con còn nhớ chứ?

Nhà vua cúi đầu lễ phép:- Thưa mẹ! Con vẫn nhớ.

Người mẹ tiếp lời:- Hoa sen đối với mẹ còn mang biểu tượng hình ảnh của quê nhà. Mỗi mùa sen nở, nỗi nhớ quê hương canh cánh bên lòng, nhưng mẹ rất vui khi nhìn những cánh đồng vườn tược xanh tươi cứ mọc lên. Mẹ càng ấm lòng khi thấy dân chúng của hai đất nước chung sống yên vui hòa hợp. Ở đây mẹ luôn có những người đồng hương để yêu thương và san sẻ…

Nhà vua nhỏ nhẹ thưa:

– Vâng! Thưa mẹ! Con đã hiểu. Và con thấy thật dễ chịu khi đi giữa một cánh đồng tràn ngập hương sen. Dân chúng tôn xưng mẹ là Bồ tát Quan Âm, là có ý vị lắm. Với con, mẹ chính là hương sen Đất Việt. Lòng vị tha, từ bi và đức hạnh của mẹ mãi mãi là đóa sen bất diệt trong lòng người.

Người mẹ khẽ kêu lên: – Xem kìa! Nhà vua đang khen mẹ mình hay là muốn huấn dụ con dân đấy.

Tiếng trống lễ hội mừng năm mới nơi đầu thôn vang lên rộn rã. Hai mẹ con nói chuyện vui vẻ, chẳng mấy chốc đã tới cổng chùa. Nhà chùa đang làm lễ tắm Phật. Mấy cô gái trẻ trong trang phục sắc sở ngày xuân tiến tới dâng cho Thái Hậu và Đức Vua hai bó sen hồng tươi thắm. Mọi người tránh sang hai bên cung nghinh nhà vua và Thái hậu bước vào chánh điện làm lễ.

Hương sen Đất Việt. Ngọc Vạn mỉm cười ôm bó sen tiến vào dâng cúng Phật. Mùi hương sen lan tỏa trong ngày lễ hội đón mừng năm mới

Nguồn:  vuonhoaphatgiao

Chuyển đến trang:   1  2  3  4  5  6  7