DUY NGÃ ĐỘC TÔN LÀ GÌ?

DUY NGÃ ĐỘC TÔN LÀ GÌ?

Ngày Lễ Phật Đản, chúng ta thường được nghe nhắc đến hình ảnh Đức Phật mới ra đời đi bảy bước, tay chỉ trời, tay chỉ đất, nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Hai câu đó trích lượt từ bài kệ gồm có 4 câu trong Kinh A Hàm, nguyên văn chữ Hán như sau:

“Thiên thượng thiên hạ,
Duy ngã độc tôn.
Nhất thiết thế gian,
Sinh lão bệnh tử.”

Chính bốn câu này mới nói lên hết ý nghĩa thâm trầm, về câu nói của Đức Phật khi mới ra đời.

Có Phật tử hỏi: “Đạo Phật là đạo vô ngã, tại sao Đức Phật mới ra đời một tay chỉ trời, một tay chỉ đất nói “Duy ngã độc tôn”, như vậy Ngài đề cao cái ngã quá mức rồi, thế thì việc này có mâu thuẫn với giáo lý vô ngã không?”.

Đó là vấn đề mà tất cả huynh đệ cần phải nắm cho vững. Tra cứu lại tôi thấy rõ ràng, nếu xét về bốn câu kệ đó với tinh thần Nguyên Thủy thì dẫn đủ bốn câu: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn, nhất thiết thế gian, sinh lão bệnh tử” nghĩa là trên trời dưới trời chỉ có ta là hơn hết. Tại sao ta hơn hết? Vì trong tất cả thế gian, ta đã vượt khỏi sanh già bệnh chết.

Phật hơn tất cả thế gian vì Ngài đã qua khỏi sanh già bệnh chết. Đó là cái hơn theo tinh thần Nguyên thủy. Như vậy, câu nói đó không phải đề cao cái ngã.

Tại sao chư Tổ Việt Nam không dùng hết bốn câu, lại dùng hai câu thôi vậy có ý nghĩa gì? Bởi vì tinh thần Phật Giáo Phát Triển đi thẳng vào ngã của Pháp Thân, chớ không phải cái ngã của thân này. Nên nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn” là chỉ cho ngã Pháp Thân.

Như chúng ta đã biết, ngã của thân tứ đại ngũ uẩn này vô thường sanh diệt, không có nghĩa gì nên giáo lý nói vô ngã.

Vô Ngã là VÔ cái NGÃ tứ đại ngũ uẩn, nhưng Pháp Thân là thể bất sanh bất diệt, nó trên hết. Vì vậy Phật nói “Duy Ngã Độc Tôn”.

Trong kinh Kim Cang có bài kệ:
“Nhược dĩ sắc kiến ngã.
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhân hành tà đạo.
Bất năng kiến Như Lai”.

Tức là:
“Nếu dùng sắc thấy Ta. Dùng âm thanh cầu Ta. Người đó hành đạo tà. Không thể thấy Như Lai”

Như vậy chữ Ngã này chỉ cho ngã gì? Ngã của Pháp Thân nên không thể dùng sắc tướng, âm thanh mà cầu. Nếu ai dùng sắc tướng âm thanh mà cầu Pháp Thân, đó là tà.

Giáo lý Phát Triển đề cao ngã là cái ngã Pháp Thân. Theo tinh thần Phật Giáo Phát Triển, chúng ta tu phải giác ngộ được Pháp Thân, mới giải thoát sanh tử.

Từ đó ta thấy tinh thần Phật Giáo Nguyên Thủy và tinh thần Phật Giáo Phát Triển có chỗ khác nhau.

Phật Giáo Nguyên Thủy nhắm vào điểm Phật đã vượt qua sanh tử của chúng sanh nên nói Ngài hơn hết. Phật giáo Phát Triển nhắm vào Pháp Thân của chúng ta, là cái không sanh không diệt nên nói hơn hết. Hiểu như vậy mới có thể trả lời câu hỏi trên của Phật tử mà không bị lúng túng.

Hòa Thượng Thích Thanh Từ.

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Post a Comment

Your email is never published nor shared. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*
*