Ðời Sống 2

 Recent Pages: 1 2  3  4  5  6  7  8  9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Suy ngẫm

Da Lan Huong - 2016- (7)

Chiếc lá sống đời

Chiếc lá xanh chỉ là chiếc lá
Vô thường rơi rụng tự bao giờ
Sống đời ai đặt tên hay quá
Bồi hồi ta tiếc nuối ngẩn ngơ.

 Sớm mai kia thức dậy thẩn thờ
Ta đi tìm mi trong cát bụi
Sống đời ư giữa đời khờ dại
Mầm lại xanh tám cánh tám cây.

 Tiếc thế gian quay cuồng trở lại
Xin chút gió chút nước chút mây
Chút nắng vàng thoang thoảng ngất ngây
Rồi mai đây trở về cát bụi.

 Ta tiếc thay danh phận sống đời
Vô thường mưa bão đến không thôi
Hãy sống sao cho đời thanh thoát
Đừng mang theo cái nghiệp đầy vơi.

Hạnh Kim.

Thụy Hương vàng Kỳ Diệu - 2 (14)

Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín

NHÂN

Thời nào cũng vậy, chữ nhân luôn đặt lên hàng đầu, là quan trọng hơn cả, nó đã là bao quát, là đạo làm người. Dù thời xưa hay thời nay chữ nhân đó vẫn thể hiện trong cách sống của mỗi con người. Cách đối nhân xử thế, tấm lòng của con người giữa đời thường, cũng như vai trò trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Chữ nhân trong mỗi người không chỉ là một tấm lòng, tấm lòng yêu thương con người, quê hương đất nước mà còn biết gắn cái riêng của mình vào cái chung của xã hội hiện tại, với sự ràng buộc giữa người với người, bằng những mối liên quan gắn kết.

NGHĨA

Muốn thực hành chữ nghĩa, thì phải noi theo câu: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn”. Những việc gì ta chẳng muốn ai làm cho ta chịu đau khổ thảm sầu thì ta không nên đem các điều ấy mà làm cho người khác, mới là trọn nghĩa. Chữ nghĩa bao hàm rất lớn thay. Như là nghĩa cha con, nghĩa thầy trò, nghĩa chồng vợ, nghĩa anh em cốt nhục đồng-bào, nghĩa bằng hữu chi giao, ấy là ngũ-luân chi đạo. Mọi sự đều phải có nghĩa, thì mới đủ tư-cách làm người cao trọng. Chữ nhân và chữ nghĩa thường đi đôi với nhau, cho nên trong Kinh Sám Hối có 4 câu dạy rằng:

Làm người nhân-nghĩa xử xong,
Rủi cho gặp lúc long-đong chẳng sờn.
Làm người nhân-nghĩa giữ tròn,
Muôn năm bóng khuất tiếng còn bay xa.

Nghĩa ở đây thể hiện vai trò, trách nhiệm của con người với người, giữa người với đời, với xã hội hiện tại. Sống ở đời cần có một trách nhiệm với đời, cũng chính vì vậy mà cần có nghĩa, sống có trách nhiệm với quê hương đất nước, với gia đình, với anh em bằng hữu cũng là nghĩa. Biết trả ơn khi mình đã nhận được những điều may mắn trong cuộc sống – đó cũng là nghĩa. Tại sao có nhiều người luôn biết quan tâm giúp đỡ mọi người trong xã hội, làm từ thiện tri ân với đời… cũng vì họ sống có nghĩa với đời, với cuộc sống hiện tại, họ biết cho khi đã nhận. Nghĩa cũng là sống cho mọi người chứ không chỉ sống cho riêng cá nhân mình.

LỄ

Xem qua cách hành xử, ứng xử cùng với những nghi thức, lễ nghi đúng thủ tục, hợp lòng người trong cuộc sống đương thời mà qua đó xã hội đánh giá đến sự hiểu biết của một cá nhân, phải đạo với trời đất, hợp đạo với đời. Con người có thể sống cao thượng, phẩm giá được tôn quí là do nơi biết giữ lễ, còn bị tội lỗi làm mất tư-cách con người, thiên-hạ chê bai khinh bỉ nhục-nhã, là do nơi thất lễ. Nếu đánh giá một con người, một gia đình mà chỉ xét qua cách hành lễ nghi thôi không xét về nghĩa thì quả là thiếu sót. Bởi có nhiều người trong xã hội hàng ngày hành sự có thừa lễ nghi nhưng nghĩa thì lại thiếu.

TRÍ

Nếu muốn làm được việc nghĩa thì phải có trí, phải có một sự hiểu biết nhất định ở xã hội. Có nhân, có nghĩa mà không có trí thì chẳng khác nào một người lính ra trận chỉ có áo giáp mà không có gươm, đao, chỉ bảo vệ được mình mà không bảo vê được người khác. Sống ở đời nếu chỉ sống cho riêng ta thì đơn giản quá, mà muốn giúp đỡ được người khác tất mình phải có tài, có hiểu biết.

Trí là một sự hiểu biết, người không trí, không hiểu biết thì quả là một thiệt thòi lớn, có thể nói người không trí không làm được gì cả. Nếu như ngày xưa đánh giá chữ trí của một con người qua sự hiểu biết về đạo quân tử, triết lý Khổng giáo, Lão giáo hay Phật giáo thì ngày nay ngoài sự hiểu biết về lĩnh vực văn hóa xã hội, triết học thì cần có một sự hiểu biết về khoa học tự nhiên, bước sang thế kỷ XXI, với cuộc sống hiện đại, thông tin chóng mặt thì điều đó là cần thiết. Hiểu biết nhiều có thể làm được nhiều việc có ích với đời nếu người đó có nhân, có nghĩa trong tâm.

TÍN

Chữ tín là bằng hữu của uy tín, thủy chung trước sau như một, không thay lòng đổi dạ, dù hứa hẹn một việc nhỏ cũng chẳng sai lời, mới gọi là người biết giữ uy tín. Chữ tín trong cuộc sống hàng ngày rất quan trọng, dù thời xưa hay thời nay thì sống ở đời mọi người cũng cần có một uy tín nhất định trong quan hệ với mọi người xung quanh. Thời xưa cái uy tín với bạn bè luôn được đánh giá cao, uy tín đó sẽ gây dựng được lòng tin, mọi người tin tưởng sẽ dễ dàng được mọi người giúp đỡ trong cuộc sống. Nói thì phải làm, sống trung thực với mọi người, với bản thân.

Ngày nay cũng vậy cho dù anh có tài nhưng không có được uy tín thì cũng chẳng ai theo, muốn được người khác giúp đỡ thì bản thân mình phải giữ được lòng tin trước mọi người, chưa nói đến trong quan hệ làm ăn ở xã hội, chữ tín cái uy tín trong công việc luôn đặt lên hàng đầu, quyết định đến sự thành công. Nói chung, Nhân Nghĩa Lễ Trí Tín luôn có sự gắn kết với nhau, làm con người mà thiếu đi một cũng không được. Như bài thơ sau:

Người không có Nhân thì sẽ thành kẻ độc ác.
Người không có Nghĩa thì sẽ thành kẻ bội bạc.
Người không có Lễ thì sẽ thành kẻ vô phép.
Người không có Trí thì sẽ thành kẻ ngu ngốc.
Người không có Tín thì sẽ thành kẻ giả dối.

Nguồn- phatgiaovietnamhaingoai

Dicentra spectabilis . 2014 (8)

Ngày hôm nay, tôi sẽ…

Ngày hôm nay, tôi sẽ tự lắng lòng mình và cố gắng trầm tĩnh hơn. Tôi sẽ học cách kiểm soát những cảm xúc và suy nghĩ của mình.

Ngày hôn nay, tôi sẽ tin rằng mình là một người không có gì quan trọng, tôi sẽ lo bản thân tôi với chính những gì tôi có và không so sánh mình với những người khác.

Ngày hôm nay, tôi sẽ học cách tha thứ những gì người khác đã gây ra cho tôi, bởi tôi luôn cố gắng nhìn vào hướng tốt và tin vào sự công bằng của cuộc sống.

Ngày hôm nay, tôi sẽ cẩn thận hơn với từng lời nói của mình. Tôi sẽ lựa chọn ngôn từ và diễn đạt chúng một cách có suy nghĩ và chân thành nhất.

Ngày hôm nay, tôi sẽ tìm cách sẻ chia với những người bạn quanh tôi khi cần thiết, bởi tôi biết điều quý nhất đối với con người là sự quan tâm lẫn nhau.

Ngày hôm nay, trong cách ứng xử, tôi sẽ đặt mình vào vị trí của người đối diện để lắng nghe những cảm xúc của họ, để hiểu rằng những điều làm tôi tổn thương cũng có thể làm tổn thương đến họ.

Ngày hôm nay, tôi sẽ an ủi và động viên những ai đang nản lòng. Một cái siết tay, một nụ cười, một lời nói có thể tiếp thêm sức mạnh để họ vững tin bước tiếp.

Ngày hôm nay, tôi sẽ dành một chút thời gian để quan tâm đến bản thân mình. Tôi sẽ làm tâm hồn và trí óc mình phong phú, mạnh mẽ hơn bằng cách học một cái gì đó có ích, đọc một cuốn sách hay, vận động cơ thể .

Ngày hôm nay, tôi sẽ có liệt kê những việc cần làm. Tôi sẽ nỗ lực nhất để thực hiện chúng và tránh đưa ra những quyết định vội vã hay thiếu kiên quyết

Ngày hôm nay, tôi sẽ bỏ lại phía sau mọi lo âu, cay đắng và thất bại, khởi đầu một ngày mới chân thành và hồn nhiên nhất. Tôi sẽ sống với những khát khao, mơ ước mà mình luôn ấp ủ.

Ngày hôm nay, tôi sẽ đối đầu mọi trở ngại trên con đường mà tôi lựa chọn và đặt niềm tin. Tôi hiểu rằng, khó khăn là một phần của cuộc sống và chúng tồn tại là để tôi chinh phục và vượt qua

Ngày hôm nay, tôi sẽ sống yên vui. Tôi sẽ trải rộng lòng để cảm nhận cái đẹp trong cuộc sống, để yêu thương và tin tưởng những người tôi yêu quý, và những người thương yêu tôi. Tôi sẽ làm những việc khiến tôi cảm thấy hạnh phúc: làm một việc tử tế, giúp đỡ một ai đó, nghe một bản nhạc yêu thích…

… Và hôm nay, ngay bây giờ, tôi cảm nhận được hạnh phúc và sức sống mới để bắt đầu một ngày mới thật có ích – bất kể ngày hôm qua như thế nào.

Doanhdoanh sưu tầm

Sunrise Jan 18 - 2016
Sunrise Jan 18 – 2016

Cắm hoa lan và calla lily duyên dáng

Khác với vẻ sang trọng khi được cắm trong các lẵng hoa lớn hay lọ hoa cao, lan và calla lily cũng sẽ duyên dáng trong kiểu cắm hoa thấp và tạo nên vẻ mộc mạc, tự nhiên của hoa.

Chúng ta cần chuẩn bị những nguyên vật liệu như sau:

– 2 hoa lan lẻ và 2 hoa calla lily thân mảnh
– Vài lá tròn to, 2 chùm quả hay hoa nhỏ
– Vài chiếc kim ghim (loại kim có một đầu gắn hạt tròn thường dùng trong may vá)
– Xốp cắm hoa, khay vuông đựng xốp (có thể tận dụng vỏ hộp bánh rồi bọc giấy bạc bên ngoài cho sáng đẹp).

Chỉ với chút tỉ mỉ, chúng ta có thể tận dụng một vài bông hoa còn tươi trong những bó hoa lớn dùng sau ngày lễ để có được một khay hoa tuyệt đẹp! >>(xem hứớng dẫn cắm hoa)

Sưu tầm: Ðào Viên Thi Các

Da La Huong 2016 (3)

CÁC LOÀI HOA và TÁC DỤNG CHỮA BỆNH

Dược thảo trong y học cổ truyền được sử dụng với 3 mục đích: trị bệnh phòng bệnh, và tăng cường sức khỏe. Người ta có thể sử dụng toàn bộ cây hoặc từng bộ phận của cây, như củ rễ, lá, thân, vỏ rễ, vỏ quả, hoa… Nói đến hoa, chúng ta thường nghĩ đến vẻ đẹp, mùi hương của hoa, nhưng sẽ lý thú hơn khi nhắc đến công dụng của hoa trong việc phòng và trị bệnh.

Jasminum – Cây hoa Nhài, hoa Lài

Y học

Hoa, lá và rễ – Flos, Folium et Radix Jasmini.
Lá thu hái quanh năm. Hoa thu hái vào hè thu, khi mới nở, dùng tươi hay phơi khô.
Hoa thường dùng để ướp trà hoặc để làm thơm thức ăn. Vào mùa thu đông, đào lấy rễ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi hay sấy khô.
Hoa và lá nhài có vị cay và ngọt, tính mát; có tác dụng trấn thống, thanh nhiệt giải biểu, lợi thấp. Rễ có vị cay ngọt, tính mát, hơi có độc; có tác dụng trấn thống, gây tê, an thần.

Ngoài công dụng để ướp trà, trong y học cổ truyền, hoa nhài còn có tác dụng thanh nhiệt chữa ngoại cảm phát sốt, đau bụng, ỉa chảy. Hơn thế, dùng nước sắc từ hoa nhài có thể giúp chị em trị mụn, giúp da mặt sáng mịn.

Full moon 2016 (1)

THA THỨ

Minh niệm
Nguồn: Báo Giác Ngộ số 449 & 450

Xin cho một con đường

Ta cũng đừng cho mình cái quyền lên án buộc tội kẻ khác. Nếu chúng ta vẫn còn có những vụng về, mắc phải những lầm lỡ, dù người đời chưa hay biết hoặc chưa phanh phui, thì chúng ta không thể nào tự cho mình là trong sạch mà tùy tiện dán nhãn hiệu xấu xa lên đầu kẻ vừa phạm lỗi. Hãy cho người kia một cơ hội để chuyển hóa, vì như vậy cũng chính là ta đã tự cho mình một con đường thoát trong tương lai.

Vậy nên tha thứ là chất liệu quan trọng của bản chất thương yêu. Khi thiết lập bất cứ một liên hệ tình cảm nào nếu ta ngây ngô nghĩ rằng người kia chắc chưa từng lầm lỗi hay sẽ không bao giờ gây ra lâm lỗi thì ta sẽ khổ và sẽ làm người thương của ta khổ. Đời sống còn chìm trong vô minh thì không thề tránh khỏi hành vi không tự chủ. Vấn đề là ta có khả năng chấp nhận và tha thứ rồi tìm cách giúp họ vượt thoát tình trạng hay không, chứ không phải mong muốn người kia toàn hảo thì ta mới có thể yêu thương.

Tất nhiên là tùy vào mức độ phạm sai lầm của người kia mà ta nên thể hiện cách tha thứ nào hiệu quả nhất, tại vì điều đó cũng có tính chất quyết định cho sự chuyển hóa hay sự khinh lờn của đối phương. Cho dù cách thức nào đi chăng nữa, thậm chí cả sự lựa chọn không tha thứ ngay thì ta cũng đừng quên tự hỏi mình một câu hỏi quan trọng: Ta làm như vậy là vì người kia hay vì chính ta? Coi chừng ta đang bị thúc đẩy bởi sự tự ái hay tổn thương của bản ngã ích kỷ mà cứ ngỡ là vì người kia.

Nếu thật sự vì tương lai của người kia thì ta phải đủ sáng suốt và can đảm để thu gọn cảm xúc buồn giận trách móc của mình, tìm cách ứng xử với người kia như thế nào để họ sớm hồi phục. Chỉ cần kiểm tra lại tâm ý, lời nói và hành động của mình có xuất phát từ tình thương hay không, là ta đủ yên tâm để làm quyết định.

Cho dù người kia có đứng ra bày tỏ sự ăn năn hối cải một cách thành khẩn hay không thì ta cũng nên nhớ rằng đó chỉ là hình thức để ta thấy rõ thái độ muốn sửa chữa những sai lầm, và cũng có thể xem đó là một biên bản ngầm ký kết cho sự hơp tác giúp đỡ nhau. Ta đừng để kẹt vào những hình thức hay ở đó mà không thấy được trái tim của người kia. Ta đã từng chứng kiến có rất nhiều người sẵn sàng buông xuôi tẩt cả nếu kẻ phạm lỗi chịu quỳ xuống cầu khẩn thiết tha, nhưng họ lại sẵn sàng đóng chặt trái tử khi người kia không biết đem sự hối cải trong tâm ra trình diễn cho đẹp lòng họ .

Thử một lần trượng phu

Một giai thoại kể rằng, chú tiểu nọ có tật xấu hay ăn cắp vặt và lúc nào cũng cãi chối. Nhiều lần các huynh đệ trình báo cho sư phụ biết, nhưng không thấy sư phụ nói năng gì cả. Một hôm bắt gặp quả tang, các huynh đệ liền áp giải chú tới trước sư phụ và cùng quỳ xuống kiến nghị: “Nếu sư phụ không đuổi sư em này đi thì tất cả chúng con sẽ bỏ đi hết”.

Nhìn qua một lượt thấy nét mặt người nào cũng rất căng thẳng vì ấm ức, còn riêng sư em thì rơm rớm nước mắt vì lo sợ, vị sư phụ liền ôn tồn nói: “Ta thấy các con đã đủ khôn lớn để chọn lựa việc phải trái nên các con muốn đi đâu thì đi, ta không ngăn cản vì không phải bận tâm nữa. Riêng sư em này còn nhỏ dại quá, chưa biết tội phước là gì nên phải cần ở lại với ta”.

Khi ấy chú tiểu bật khóc nức nở và các huynh đệ kia ai nấy cũng đồng cảm kích trước tấm lòng vị tha cao cả của sư phụ. Các huynh đệ đó đã hiểu ra rằng nếu có người phạm lỗi là đón nhận bản án bị đuổi đi ngay lập tức thì chắc chắn trong tương lai sẽ khó có ai được ở lại tu tập bền lâu với sư phụ cả, vì ai mà không có những giây phút lỗi lầm.

Về sau, chú tiểu kia trở thành một trong những thiền sư lỗi lạc và danh tiếng nhất thời bấy giờ.

Sống mà chỉ biết dựa vào những nguyên tắc cứng nhắc thì làm sao điều phục được con người, vì nguyên tắc vốn cố định còn bản tính con người thì muôn hình vạn trạng và liên tục đổi thay.

Phải có một nhận thức thấu đáo và nội lực vững vàng thì ta mới làm được cái quyết định sấm sét như vị sư phụ đó. Ông đã không ngại người ngoài hiểu lầm chê trách, cũng không lo sợ các môn đồ bất mãn bỏ đi ông thà chịu mất lòng người khác chứ không thể làm trái ngược với đạo lý từ bi mà ông đang sống và giảng dạy cho môn đồ.

Mà cũng không phải vì đạo lý hay nguyên tắc nữa, đó chính là tình thương vô điều kiện của một người đã vượt thoát ra ngoài sự khống chế và trói buộc của phiền não.

Ta có làm được như vị sư phụ đó không? Chỉ cần một nhận thức đúng đắn về nguyên nhân sâu xa của kẻ gây ra lầm lỗi, có một trái tim đủ lớn để sẵn sàng chứa đựng thì tha thứ sẽ không còn là sự thực tập khó khăn nữa, vì bản chất của nó vốn tùy thuộc rất ít vào đối tượng. Biết đâu nhờ vào lòng vị tha của ta mà kẻ kia tỉnh ngộ và thay đổi cuộc đời, đó chẳng phải là việc làm cao cả của một bậc trượng phu sao?

Khó vượt qua chính mình

Ta có nên đặt cho mình câu hỏi tại sao ta khó có thể tha thứ cho người kia? Ta thường chỉ nghĩ một chiều là do mức vi phạm của họ quá lớn, nhưng tại sao cũng trường hợp như vậy mà có người lại hành xử khác ta?

Có khi ta chịu nhiều áp lực từ những khó khăn trong cuộc sống, hoặc đang bế tắc khổ đau vì những phiền não trong lòng, nên ta không còn đủ năng lượng để ngồi xuống lắng nghe hay không còn đủ thiện chí để tìm hiểu về lỗi lầm của người kia, nên ta đã có những phán xét rất vội vàng. Trường hợp này do ta sa sút về nội lực.

Có khi người kia đã cố gắng hết sức nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm và chưa đủ cứng rắn nên để cho điều đáng tiếc phải xảy ra, trong khi đó ta lại tưởng là người kia đã không nhiệt tình: hoặc do họ vụng về nhất thời mà buông ra những hành vi thất lễ, nhưng ta lại cho rằng người kia đang rất khinh thường và có ý muốn loại trừ ta. Trường hợp này ta bị vướng vào trí tưởng tượng sai lầm.

Có khi người kia vì u mê dại dột hay vì yếu đuối nên không thoát khỏi vũng lầy đam mê, để cho lỗi lầm cứ lặp lại nhiều lần như một điệp khúc; hoặc ta chưa bao giờ chứng kiến một người có thể gây ra lầm lỗi tày trời như vậy; hoặc ta chưa có thói quen tha thứ cho kẻ có quá nhiều ân tình với ta mà lại đang tâm phản bội. Trường hợp này khả năng chứa đựng trái tim của ta còn khá nhỏ, chưa có cơ hội mở rộng ra.

Có khi người kia vi phạm những lỗi lầm không đáng kể, nhưng vì tính ta vốn quá chỉn chu, đòi hỏi hoàn hảo, nên lúc nào cũng canh chừng lỗi lầm người khác để kết tội; hoặc do ta không hề quan tâm đến hoàn cảnh hay trình độ nhận thức của người khác, chỉ biết nhồi sọ và áp đặt theo cách thức cứng nhắc của riêng mình. Trường hợp này ta bị kẹt vào sự cố chấp và định kiến, đó là một loại bản năng tự vệ rất cổ hủ.

Có khi sự cố xảy ra ta liền bực tức và vội vàng tuyên bố đoạn tuyệt, sau khi điềm tỉnh nghĩ lại thấy mình cũng hơi quá đáng, nhưng kẻ phạm lỗi kia phải biểu lộ sự thành khẩn ăn năn thì ta mới chịu bỏ qua. Lỡ như người kia thiếu ý tứ hoặc cứng đầu thì lỗi lầm ấy sẽ biến thành bản án treo không rõ ngày kết thúc. Trường hợp này ta là kẻ yếu đuối, hành xử theo cảm tính.

Có khi người kia phạm những điều với ta là rất quan trọng, hay có ảnh hưởng đến danh tiếng và uy tín của ta; hoặc ta đã muốn tha thứ rồi nhưng lại sợ người khác cười chê ta thiếu kỷ cương nề nếp hay dung túng cho kẻ làm điều xấu; hoặc ta e ngại nếu tha thứ quá dễ dàng thì người kia sẽ ỷ lại, chẳng coi ta ra gì. Trường hợp này ta kẹt vào danh dự, thực chất cũng là một loại nghiện cảm xúc, một loại tôn thờ chủ nghĩa cá nhân kín đáo.

Tất cả những trường hợp không thể tha thứ vừa nêu đều có chung một nguyên do chính là sự vướng kẹt vào bản ngã. Vì quá nâng niu bản ngã, nên ta chỉ nghĩ đến những điều có thể đem lại lợi ích thiết thực cho chính ta thôi. Đó chính là căn bệnh vị kỷ truyền kiếp, hành tung của nó hết sức tinh vi và phức tạp, nếu thiếu quan sát tinh tế thì ta rất dễ bị nó đánh lừa là ta đang vì kẻ khác.

Càng vị kỷ thì càng không thể vị tha. Trong khi tình thương phải bắt nguồn từ trái tim biết buông bỏ bớt những cái riêng mình để chia sẻ đến tha nhân, vì tha nhân cũng chính là một phần đời sống của ta. Không có tha nhân thì không có tình thương, ta làm sao sống khi đời sống không có tình thương?

Thà ta cứ tha lầm thì mức độ hối tiếc sẽ thấp hơn nhiều so với chấp lỡ. Bởi khi nhận ra chính thái độ cố chấp của ta ngày ấy đã đẩy người kia rớt xuống vực thẳm khổ đau thì ta sẽ gánh chịu mặc cảm ăn năn suốt đời. Còn khi phát hiện ra quyết định tha thứ của ta đã không mang lại hiệu quả thì ta vẫn còn nhiều cơ hội để cứu được, vì trái tim ta đang trong chiều hướng nở ra và mạnh mẽ chứ không phải co rút lại.

Điều đáng sợ nhất là trong quá trình thương yêu, ta đã để cho trái tim mình trở nên bé nhỏ và không còn là vật rung cảm linh thiêng nữa.

Này bạn! Tôi không có ý khuyên bạn hãy trở thành bậc Thánh để sẵn sàng tha thứ hết mọi lầm lỡ của con người, nhưng nếu trái tim bạn còn sức chứa đựng thì đừng suy tính gì nữa, hãy tha thứ cho nhau đi. Tha thứ luôn là linh dược mầu nhiệm có thể trị liệu mọi nỗi khổ niềm đau cho người được tha thứ và cho cả người tha thứ.

Nắm muối không hề mặn
Với lượng cả dòng sông
Lỗi lầm kia bé nhỏ
Với cõi lòng mênh mông.

Trung Thu 2012

CẢM NGHĨ VỀ Ý NGHĨA CỦA VÔ THƯỜNG

Hoang Phong

Như những vì sao, những con ruồi đang bay hay ánh lửa của một ngọn đèn dầu,
Như một ảo giác ma thuật, một giọt sương mai hay một bọt bong bóng,
Một giấc mơ, một tia chớp hay một áng mây bay,
Đấy là cách phải nhìn vào mọi hiện tượng tạo tác từ những điều kiện trói buộc.
 
Lời Phật dạy
Kinh Kim Cương
(Vajracchedika prajnaparamita-sutra)

Thiền sư Đạo Nguyên (1200-1252) là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của nước Nhật. Mồ côi cha từ năm hai tuổi, đến năm bảy tuổi thì mẹ lại mất. Khi nhìn thấy xác mẹ được đưa lên giàn hỏa ông đã khóc, thế nhưng có thể là ông đã không khóc như một đứa bé. Nhìn thân xác mẹ cháy trong lửa đỏ và những đám khói bốc lên, có lẽ ông đã hình dung ra cho mình một con đường. Được một người chú đem về nuôi, thế nhưng năm mười hai tuổi thì ông bỏ nhà trốn vào vùng núi Hiei đi tìm một người chú khác là một nhà sư sống trong vùng này, để xin được vào chùa.

Trong Đại Bát Niết Bàn Kinh (Mahaparinirvana-sutra) có một câu như sau: “Trong số tất cả các dấu chân, chỉ có dấu chân voi là to lớn nhất. Trong số tất cả những thứ suy tư, chỉ có sự suy tư về vô thường là quan trọng nhất”. Tất cả mọi sự vật đều phù du. Tất cả các thứ cấu hợp đều tan rã. Tất cả những gì sinh ra đều sẽ đi đến cái chết, và cái chết thì cũng chỉ là một sự chuyển hóa trong khung cảnh của vô thường.

Kinh sách thường nêu lên bốn dấu ấn (caturlaksana) căn bản của toàn bộ giáo huấn Phật Giáo, đấy là: tất cả mọi hiện tượng cấu hợp đều vô thường, tất cả những gì hư cấu đều khổ đau, tất cả mọi hiện tượng đều không có cái ngã, niết-bàn là an bình. Dấu ấn thứ nhất là vô thường và đấy cũng chính là cái nhìn của Phật Giáo vào thế giới. Cái nhìn ấy giúp chúng ta nhận ra sự chuyển động thường xuyên và cùng khắp của mọi hiện tượng trong thế giới, và thật ra thì thế giới cũng chỉ gồm toàn là hiện tượng. Mọi hiện tượng đều xô đẩy nhau, níu kéo nhau để cùng chuyển động và xoay vần trong vòng sinh diệt.

Quá trình chuyển động, hủy hoại và sinh thành đó của mọi hiện tượng thường xuyên tiếp diễn bên ngoài thế giới và cả bên trong tâm thức của mỗi con người. Sáng sớm mở cửa nhìn ra ngoài trời, mây vẫn bay, chim vẫn hót, bước ra đường, phố chợ vẫn ồn ào. Thế giới dường như vẫn còn nguyên, vẫn giống như ngày hôm qua. Thế nhưng thật ra thì mỗi chúng ta đã lật quyển nhật ký của đời mình sang một trang mới, và pho sách lịch sử khổng lồ của vũ trụ cũng đã sang trang. Một đêm dài hay cả một kiếp người cũng chỉ như một dấu phẩy hay một dấu chấm trên dòng chữ bất tận của vô thường…..(xem thêm)

Hoang Phong

Source: thuvienhoasen

hoa-man-2013-11

Bài đọc thêm:  HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI