CHÙM HOA VÔ ƯU

CHÙM HOA VÔ ƯU

Em không phải là Phật tử, nhưng em cùng bạn bè vừa trở về từ chuyến “du lịch Thiền” tổ chức trong bốn ngày tại Thiền viện Bát Nhã ở Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhân dịp lễ Phật Đản LHQ. Ở đó, người ta hướng dẫn về Phật pháp, và những tu tập khác nhằm giúp em thích ứng với đời sống hiện đại, nuôi dưỡng thân tâm, giúp em hóa giải cơn giận, sự buồn đau, sự cô đơn và trống trải, kết nối lại những sợi dây tình thân trong gia đình và với bạn bè….

Khi về lại Sài Gòn, em thấy lòng thật vui vẻ và thanh bình. Tôi biết điều đó khi nhìn gương mặt em. Rạng rỡ như một chùm hoa vô ưu vậy. Tôi thích cái tên ấy. Hoa Vô Ưu. Có người vẫn tin rằng hoa vô ưu chỉ là một loài hoa trong tâm tưởng và không có thật. Cũng như sự “vô ưu” (không buồn phiền) tuyệt đối là không thể có.

Còn em, em có tin rằng trên thế gian này có một loài hoa tên là “vô ưu” không? Thái tử Tất Đạt Đa được sinh ra dưới vòm cây Vô ưu đang trổ hoa chính là Đức Phật sau này.

Vì thế mà loài hoa này gắn với ngày Phật Đản. Tên tiếng Phạn của nó là Asoca, tiếng Hán dịch ra là Vô Ưu Thọ (cây vô ưu), lá xanh ngắt, hoa nở từng chùm, màu cam đỏ rực rỡ, tỏa hương thơm ngát. Thái tử Tất Đạt Đa, ngay sau khi chào đời, đã vùng đứng dậy và bước đi bảy bước, mỗi bước của cậu bé lại có một bông sen nở ra đỡ lấy bàn chân.

Đứng trên toà sen thứ bảy, thái tử chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất ý nói “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (Trên trời và dưới trời thì ta là cao quý nhất). Câu nói ấy đã khiến nhiều người băn khoăn. Phải chăng đó là sự kiêu căng, chấp ngã ? Nhưng không, em ạ. Cũng như loài hoa kia, đừng chỉ vì cái tên mà tin rằng nó không có thật. Bởi hoa là do chính con người đặt tên.

Đừng vì cái nghĩa đã biết của chữ “ngã” mà hiểu rằng “TA là trên hết”. Vì nghĩa của chữ cũng do con người đặt ra. Trong những buổi tịnh tâm ngắn ngủi ở thiền viện, em chỉ làm một điều duy nhất, đó là nhìn thật sâu vào tâm hồn mình, tìm đến cái nguyên sơ của tính thiện, của sự vô ưu, của tình yêu thương thuần khiết. Và rồi cũng với đôi mắt đó, em nhìn bạn bè, người thân, em nhìn thế giới xung quanh. “Lắng nghe để hiểu, nhìn lại để thương”.

Có một câu thiền rất quen này: “Khi tôi chưa học đạo, tôi thấy núi là núi, sông là sông. Khi tôi học đạo, tôi thấy núi không phải là núi, sông không phải là sông. Sau khi học đạo xong, tôi lại thấy núi là núi, sông là sông.”

Ta có thể đi khắp nhân gian, nghe muôn tiếng, thấy muôn điều. Nhưng ta chỉ có thể thấu hiểu khi nhìn và nghe với trái tim khiêm nhường và trong sáng, không hề mang theo bất cứ thành kiến hay sự cố chấp nào. Khi ta nhìn những người xung quanh dưới cái nhìn thuần khiết nhất, ta mới có thể nhận ra họ như chính bản thân họ, không phân biệt bởi giàu nghèo, đẹp xấu, giỏi dở, sang hèn, không phân biệt màu da, tôn giáo, giai cấp, chính kiến…

Khi đó, ta mới có thể “lại thấy núi là núi, sông là sông”. Tôi tin rằng chữ ngã trong câu “duy ngã độc tôn” của Thái Tử Tất Đạt Đa là nói về cái vốn dĩ đã ở trong mỗi con người từ khi mới sinh ra. Cái gọi là “nhân chi sơ, tánh bổn thiện”. Cái hồn nhiên, vô ưu, lương thiện, nhân ái, yêu thương. Cái cao quý nhất, đáng nâng niu và gìn giữ nhất. Đó chính là cái “ngã” thật sự, chung nhất của loài người. Đó là Tâm Phật mà ai cũng có. Đó là xuất phát điểm của cõi nhân sinh. Đó chính là chùm hoa vô ưu kỳ diệu của tâm hồn con người.

Nhưng trong đời sống xô bồ này, có khi ta tự chôn vùi nó, có khi ta lãng quên. Và có khi giống như hoa vô ưu, người ta không nghĩ là nó còn tồn tại. Nhưng em đã biết rằng, nếu ta chịu lắng nghe, chịu nhìn lại, chịu tìm kiếm, chắc chắn là ta sẽ tìm thấy nó, phải không em? Chắc chắn ta sẽ tìm thấy một chùm hoa vô ưu trong tâm hồn mỗi người ta quen biết. Và trong chính bản thân ta.

Phạm Lữ Ân

Nguồn: PhốVietNam.com

 

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Post a Comment

Your email is never published nor shared. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*
*