Đức Đạt Lai Lạt Ma 7: SỰ NỐI KẾT THÂM SÂU

Recent Pages:  1,  2,  3,  4 5 6,  7,

SỰ NỐI KẾT THÂM SÂU

Đức Đạt Lai Lạt Ma
Tuệ Uyển chuyển ngữ

Thực Tế Không Phải Là Phật Giáo Cũng Không Phải Ki Tô Giáo

Trên hành tinh này có nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau; mỗi truyền thống khởi đầu trong một khu vực khác nhau và mỗi truyền thống thích hợp với những con người trong khu vực ấy. Trong hơn một nghìn năm, và trong vài trường hợp trong hơn hai nghìn năm, những truyền thống này thật sự phục vụ con người. Ngày nay, hàng triệu người ngưỡng mộ những truyền thống này. Đấy là một thực tế. Và trong tương lai, những truyền thống quan trọng này sẽ duy trì, phụng sự nhân loại.

Đôi khi trong quá khứ, sự hiện hữu của nhiều truyền thống tôn giáo khác nhau đã tạo ra rắc rối. Từ giờ trở đi, tôi hy vọng chúng ta sẽ có ít hơn những rắc rối như vậy do nhờ ý thức gần gũi rộng rãi hơn. Chúng ta thấu hiểu hơn giá trị của những truyền thống khác. Giống như có nhiều loại người khác nhau, cho nên có nhiều truyền thống khác nhau thích hợp với họ. Nói một cách tổng quát, ở phương Tây, người Ki Tô hữu chiếm ưu thế; nền văn hóa có di sản Do Thái và Ki Tô. Thường là an toàn hơn và tốt hơn là hãy giữ gìn truyền thống của chính quý vị.

Để làm sáng tỏ điều này, hãy để tôi liên hệ đến một số việc mà chính cá nhân tôi đã quán chiếu. Có một phụ nữ người Ba Lan, người theo Thuyết Thần Bí – tôi đã gặp bà ấy lâu rồi trong cộng đồng Thần Bí Madras[1]. Sau năm 1959, khi nhiều người Tây Tạng đến Ấn Độ, bà ta trở nên rất gần gũi với người Tây Tạng, bà đã giúp nhiều sinh viên Tây Tạng trẻ trong việc học vấn. Như kết quả của sự liên hệ này, bà đã đi đến chấp nhận Đạo Phật như tôn giáo của chính bà, Nhưng sau này, khi đã hơn tám mươi tuổi và tiếp cận với cái chết, khái niệm Thượng Đế như đấng Tạo Hóa đã trở nên sinh động hơn trong tâm thức bà ấy. Điều này chắc chắn đã tạo nên một sự rối rắm nào đó cho bà ấy.

Đây này có một chuyện khác nữa. Có một người phụ nữ Tây Tạng, có chồng là một viên chức chính quyền Tây Tạng. Ông ấy chết đi để lại mấy đứa con nhỏ dại. Các nhà truyền giáo Ki Tô đã giúp đở bà ấy rất nhiều, bảo cho các đứa trẻ được học hành đầy đủ. Vào giữa những năm 1960, bà ấy đến gặp tôi và bà thật sự rất buồn. Bởi các nhà truyền giáo Ki Tô đã giúp đở bà rất nhiều, nên bà quyết định sẽ là một Ki Tô hữu trong kiếp sống này, nhưng bà nghĩ là trong kiếp sống tới bà sẽ lại là một Phật tử. Xét cho cùng, đây là dấu hiệu rõ ràng của một sự rối rắm.

Ngày nay, có nhiều người Tây phương quan tâm đến Đạo Phật và đã trở thành những hành giả Phật tử chân thành. Nhưng tôi phải nói rằng đối với công chúng, thì tốt hơn và an toàn hơn là hãy ở lại với truyền thống của chính quý vị. Bằng việc so sánh thế này, hãy nghĩ là hàng triệu người Tây Tạng và hầu hết tất cả mọi người là Phật tử – tuy thế, ở vùng Lhasa, hơn bốn thế kỷ qua, một số người Tây Tạng đã trở thành người Hồi Giáo. Nói chung, người Hồi Giáo đến từ Ladakh, định cư ở Tây Tạng, và kết hôn với người Tây Tạng. Điều này không tạo ra rắc rối gì cả. Cũng thế, từ đầu thế kỷ 20, một số người đã trở thành những Ki Tô hữu Tây Tạng ngoan đạo, số lượng của họ là rất ít. Vì vậy, trong số sáu triệu người Tây Tạng, vài nghìn người thật sự đã thấy họ hấp dẫn hơn với những truyền thống khác. Giống như thế, có hàng triệu người Tây phương di sản căn bản là Ki Tô giáo, nhưng họ đã thích thú đặc biệt với Đạo Phật. Trong vài trường hợp, con người muốn một loại tinh thần mà họ không tìm thấy trong truyền thống vốn có của họ. Nếu sự tiếp cận của Đạo Phật thật sự giúp ích cho quý vị, thế thì tốt thôi, nhưng trong bất cứ trường hợp nào thì thật cực kỳ quan trọng để luôn luôn giữ sự tôn kính chân thành đối với tôn giáo truyền thống của quý vị.

Thực tế không phải là Phật Giáo cũng không phải Ki Tô Giáo. Khi tôi giảng dạy Đạo Phật ở phương Tây, tôi luôn luôn làm rõ điều này bởi vì tôi thật sự cảm thấy hơi do dự[2]. Mặt khác, khi giảng dạy Đạo Phật đến người Hoa, Tây Tạng, Mongolia, Nhật, hay Việt, tôi thấy rõ rằng đại đa số những người này vốn có truyền thống là Phật Giáo. Không có rắc rối gì. Trong thực tế, tôi có một ý thức rằng tôi đang khôi phục lại giáo huấn truyền thống của họ, Giáo Pháp của họ, tôn giáo của họ.

Tôi đặc biệt xúc động, vô cùng mủi lòng, khi tôi có cơ hội trao truyền giáo huấn nhà Phật đến những Phật tử Ấn Độ. Bất cứ nơi nào trên thế giới mà tôi đến để giảng dạy, toàn bộ thông điệp của tôi không gì khác hơn là những tư tưởng cổ truyền của Ấn Độ. Tất cả là thế. Thí dụ, thông điệp bất bạo động, ahimsa – đây là truyền thống Ấn Độ. Và mọi thứ tôi đang giảng dạy ở đây về con đường đến Giác Ngộ – đây là kho báu của truyền thống Na Lan Đà. Khi tôi dạy những người bạn Ấn Độ, tôi nghĩ về vấn đề chúng tôi đã gìn giữ kho báu sống động ở Tây Tạng mà chúng đã bị mất đi hầu hết qua hàng thế kỷ ở ngay xứ Phật. Điều này cho tôi một cảm giác hạnh phúc diệu kỳ để trao lại những giáo huấn này cho họ.

Có một giá trị to lớn của việc duy trì truyền thống vốn có của quý vị. Dĩ nhiên, quý vị có thể bao gồm một số thực tập nào đó từ những truyền thống khác như Phật Giáo chẳng hạn. Một số người bạn Ki Tô của tôi đang phát triển bi mẫn, bao dung, và một ý thức toại nguyện bằng việc kết hợp một số kỷ năng Phật Giáo – mà không cần phải thay đổi tôn giáo. Điều này dường như lành mạnh và tốt đẹp.

Trái lại, khi một số người bạn Ki Tô của tôi tò mò về tánh không, tôi thường cười và nói với họ, “Đây không phải là việc của quý vị”. Tôi đang đùa, nhưng trong cách nào đó tôi muốn nhắc họ rằng sự quan tâm của họ về tánh không có thể làm tổn hại đến niềm tin về một Đấng Tạo Hóa của họ, trong một điều gì đấy tuyệt đối, trong một Thượng Đế đầy quyền năng. Thật khó khăn để nói về những thứ như vậy theo quan điểm của Đạo Phật.

Nhiều năm về trước ở Anh quốc, một nhóm Ki Tô hữu yêu cầu tôi dạy về Kinh Thánh cho một cộng đồng Ki Tô hữu. Đây là một thử thách lớn bởi vì người Phật tử, nói một cách thật sự, không tin về một Đấng Tạo Hóa thần thánh. Cho nên họ đang yêu cầu tôi giúp để khôi phục niềm tin trong một Đấng Tạo Hóa, trong một đối tượng mà chính tôi không tin. Nhưng tôi đã cố gắng một cách tốt đẹp nhất. Tôi đã sử dụng một số lý trí nào đó cho đức tin có trong những truyền thống cổ truyền của Ấn Độ, mà chúng chấp nhận một Đấng Tạo Hóa. Thính chúng đã vô cùng hả dạ qua sự giải thích của tôi về một số đoạn trong Kinh Thánh. Trong thực tế, tôi nghĩ họ thật sự có một sự thấu hiểu sâu sắc hơn về Thượng Đế.

Dĩ nhiên, những tôn giáo khác nhau có vô vàn triết lý khác biệt nhau, nhưng chúng giống nhau ở trình độ thực tập. Chúng chỉ chúng ta vấn đề thực tập từ ái, tử tế – cùng với tha thứ, bao dung, tự giác, và toại nguyện như thế nào. Cùng với đức tin, tất cả mọi tôn giáo đều dạy những thứ này. Một trong những người bạn Ki Tô của tôi ở Úc Đại Lợi, một mục sư liên hệ rất sâu đậm trong việc giúp đở người nghèo, đã giới thiệu tôi đến thính chúng như một “Ki Tô hữu ngoan đạo”. Tôi thật sự thích thú với điều ấy. Tôi đùa và nói với ông ta rằng tôi xem ông như một “Phật tử thuần thành”. Vấn đề là có nhiều sự thực tập thông thường trong những truyền thống, và tất cả được thực tập một cách chân thành với một ý thức hồi hướng đến sự cát tường của người khác. Đấy là mục tiêu.

Khi quý vị thực tập với một ý thức hồi hướng đến sự cát tường của người khác, thế thì tự chính quý vị đã cảm thấy hoàn toàn. Đây là mục tiêu của đời sống chúng ta. Có nghĩa gì khi chỉ đơn thuần có một đời sống giảu sang, tiêu xài nhiều tiền bạc, khi trên cùng hành tinh, những người khác đang đối diện với những khó khăn kinh khủng, ngay cả đói khát? Giúp đở người khác, phục vụ người khác – đây là ý nghĩa thật sự của đời sống. Và nếu quý vị thật sự tin rằng Thượng Đế tạo ra chúng ta như những con người hợp quần, thế thì phải có một ý nghĩa sâu xa nào trong điều này. Trong những động vật xã hội, chính căn bản của đời sống là săn sóc mỗi người chúng ta, biểu lộ sự quan tâm, giúp đở người khác.

Sự Thực Hành Thật Sự

Gung-tang Rinpoche sáng tác những bài hát có những dòng này:[3]

Đã được đời sống con người quý giá này với cơ hội và sự thư thái, có một hiểm họa là tôi có thể đánh mất nó mà không cho nó một ý nghĩa. Vì vậy bây giờ là lúc để tôi tiến đến giải thoát.

Ngài tiếp tục tự động viên mình:

Vì thế, bây giờ, tôi phải nắm vững – giống như bởi một móc sắt – bằng sự tỉnh thức về vô thường.

Tất cả chúng ta phải nhận ra cơ hội thênh thang mà chúng ta có. Như những con người, chúng ta có sự thông minh hiếm hoi này, nhưng có một hiểm họa thật sự là chúng ta sẽ phí phạm nó. Sự chết là chắc chắn, nhưng khi nào chúng ta chết là hoàn toàn không thể đoán trước được. Chúng ta có thể đánh mất đời sống con người quý giá này vào bất cứ lúc nào. Với một sự quán chiếu như vậy, chúng ta phải động viên chúng ta làm việc gì đó đầy đủ ý nghĩa ngay lúc này. Cách tốt nhất để làm cho đời sống con người quý giá này đầy đủ ý nghĩa là dấn thân thật sự vào trong việc thực hành giáo pháp. Trong những thời khóa thiền tập và trong lúc bình thường, trong những cung cách khác nhau, hãy chánh niệm và nội quán một cách cẩn mật. Hãy liên tục quán chiếu tâm thức quý vị.

Hãy nhớ rằng những sự thực tập như vậy là thông thường trong mọi truyền thống. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào con người – cho dù họ chấp nhận tôn giáo hay không – để quyết định họ có tiến hành những sự thực tập này hay không. Quý vị không cần phải là những người có niềm tin tôn giáo nhằm để là một con người lương thiện, nhạy cảm; trong những người không tôn giáo, có nhiều người rất tuyệt vời. Nhưng nếu quý vị thật sự chấp nhận tôn giáo, thế thì quý vị nên nghiêm khắc và chân thành. Hãy làm cho giáo lý truyền thống của quý vị thật sự trở thành một phần đời sống của quý vị. Mỗi ngày, từ lúc thức dậy, hãy sử dụng một góc tâm thức của quý vị để quán chiếu tâm thức và thái độ của quý vị.

Một lần ở Jerusalem, tôi đang ở trong một cuộc gặp gở với một số người Do Thái cùng nhau với người Palestine. Một giáo viên Do Thái đã nói với chúng tôi về vấn đề ông đã dạy học trò của ông đối phó với những hoàn cảnh mà họ không thể tránh những người họ không thích. Thí dụ, ông đã nói rằng những học trò người Palestine của ông cảm thấy bị khích động tại những trạm kiểm soát Do Thái. Ông ta khuyên những học trò của ông rằng, khi gặp gở ai đấy mà sự hiện diện của họ khích động tâm tư của họ, thì nên thực tập việc xem rằng người ấy như được tạo ra trong hình tượng của Thượng Đế. Học trò của ông đã nói với ông rằng điều này cực kỳ hữu ích. Khi chúng nhớ lời khuyên của ông, tâm tư chúng trầm tĩnh hơn và thoãi mái hơn khi gặp những lính gác tại các trạm kiểm soát mà không bị tràn ngập với sự tức giận. Đây là những gì sự thực tập muốn nói. Chúng ta thật sự phải làm những việc này. Toàn bộ giáo lý là sự thi hành thực tiển đầy đủ, là điều có thể rất kỳ diệu.

Nhằm để tiến thiết lập một sự quyết tâm, hãy phát nguyện, ngay lúc vừa thức dậy “Từ lúc này cho đến hết ngày hôm nay, tôi sẽ đưa vào sự thực tập những gì tôi tin tưởng một cách tối đa như tôi có thể”. Thật rất quan trọng là vào lúc khởi đầu một ngày, chúng ta nên lập trình những gì sẽ xảy ra sau đấy. Rồi thì lúc kết thúc một ngày, hãy kiếm điểm lại những gì đã xảy ra. Ôn lại ngày ấy. Và nếu quý vị đã tiến hành suốt cả ngày những quyết định từ lúc mới thức dậy buổi sáng, thế thì hãy vui mừng với điều ấy. Tăng cường động cơ của quý vị xa hơn nữa để tiếp tục trong cùng tinh thần ấy. Tuy nhiên, khi ôn lại, quý vị có thể khám phá ra rằng quý vị thực hiện mọi việc suốt trong ngày ấy mâu thuẩn với những giá trị tôn giáo và đức tin của quý vị. Thế thì quý vị nên nhận biết điều này và trau dồi một ý thức ăn năn sâu xa. Hãy củng cố ý chí của quý vị quyết tâm không theo đuổi những hành vi ấy nữa trong tương lai.

Nếu quý vị duy trì sự thực tập trong cách này, thế thì chắc chắn sau một thời gian nào đấy, sẽ có một sự thay đổi thật sự, một sự chuyển hóa chân thành, trong tâm thức quý vị. Đây là cách để cải thiện. Không thể thay đổi thật sự qua một thời khóa cầu nguyện. Nhưng sự cải thiện chắc chắn có thể đến bằng việc quán xét tâm tư của quý vị và tiến hành những sự thực tập mà chúng ta tin tưởng ngày qua ngày, năm này qua năm khác, thập niên này đến thập niên khác. Sự hiểu biết này là thông thường đối với những người có đức tin của tất cả mọi truyền thống tôn giáo.

Trích từ quyển “From Here To Englightenment
Ẩn Tâm Lộ ngày 1/5/2014

[1] Thần Bí Giáo là một đạo triết lý khởi đầu được giảng dạy bởi Helena Blavatsky (1831-1891), thành lập ở New York 1875, nhưng từ 1882 đã di chuyển bản doanh đến Adyar gần Chennai (=Madra), Ấn Độ.

[2] Sự do dự là một phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma về việc miễn cưỡng khuyến khích Đạo Phật như một tôn giáo trong những người vốn có truyền thống tôn giáo khác.

[3] Gung-tang Rinpoche (1763-1823)

Nguồn: thuvienhoasen

Sunrise July 2 - 2014 (6)

Chuyển đến trang:  1,  2,  3,  4 5,  6,  7,