Recent Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21
Điều giản dị
Lê Thị Chân Tú
Đã lâu rồi không đọc lại nhưng tôi vẫn thích cách viết ngắn, gọn, chân thực của Sê-khốp. Và thích cả câu nói: “Cái đẹp nằm trong sự giản dị”. Ý của ông là nói về câu, chữ trong văn chương. Nhưng không hiểu sao tôi vẫn khái quát nó lên và điều này ảnh hưởng nhiều đến suy nghĩ và cách sống của mình. Giản dị có vẻ đẹp riêng, thâm trầm, khó nắm bắt nên thường chọn lọc đối tượng tiếp nhận. Tôi vẫn nhớ mãi một truyện ngắn trong tập sách này. Cực ngắn so với những truyện vốn đã rất ngắn của ông. Chỉ là chuyện một chú bé mồ côi được ông nội gửi lên thành phố học việc. Chú bé nhà quê viết thư cho ông về địa chỉ: ‘Gửi ông nội, ở nhà quê’. Bức thư với địa chỉ như thế lưu lạc phương nào trong nỗi nhớ thương khắc khoải của cả ông và cháu. Chuyện chỉ vậy, nhưng man mác một nỗi buồn… Một con người bé bỏng trong kiếp nhân sinh… Tôi sợ những trang viết ngồn ngộn kiến thức nhưng lại không mấy liên quan đến điều đang viết. Với kinh nghiệm và sự nhạy cảm, nhà văn nhắc nhở: “Chồng chất cả núi chi tiết và quả núi đó đã che lấp mặt trời”. Hãy tin tưởng vào người đọc và để cho họ cùng tham gia sáng tạo và vì thế: “Nói lửng thì hay hơn nói đi, nói lại”. Những truyện ngắn của Sê-khốp, thơ Haiku, những bài Đường luật tứ tuyệt nổi tiếng chỉ khẽ chạm mà tâm thức người đọc liền mở ra với nhiều liên tưởng… mênh mông… không giới hạn…
Trong thế giới màu sắc có hai màu chủ đạo là đen và trắng vì chúng là tổng hợp của tất cả các màu khác theo những cách khác nhau với mức tương phản hoàn toàn. Đen và trắng vốn đơn giản nhưng vẫn được các nhà thiết kế của những thương hiệu thời trang nổi tiếng dành nhiều ưu ái. Có một điều lạ mà tôi thường để ý là trang phục của hai màu này thường đơn giản, không có nhiều chi tiết hay phụ kiện rườm rà. Bàn tay tài hoa của các nhà thiết kế khéo léo ẩn mình, uốn lượn theo đường cong của người mặc, tạo một vài điểm nhấn rồi để tự thân cái màu trắng tinh và đen tuyền ấy phô bày vẻ sang trọng, thanh lịch và huyền bí của nó. Đen và trắng, giản dị nhưng gợi cảm và không bao giờ cũ, là lựa chọn số một trong các buổi lễ trang trọng.
Mặc là vậy còn ăn thì thế nào? Trong thời đại toàn cầu hóa, món ăn thả sức phiêu lưu, vượt biên giới vùng, miền, quốc gia, đến bất cứ nơi nào nó muốn. Có món vẫn giữ đặc trưng, có món phải pha trộn để thích nghi, có món truyền thống, có món là sự sáng tạo riêng của từng đầu bếp, nhà hàng. Các nghệ nhân và đầu bếp chuyên nghiệp thỏa sức thi thố tài năng trên các show truyền hình thực tế. Những món ăn hòa quyện nhiều hương vị, cầu kỳ, trình bày tinh tế với nhiều màu sắc, đường nét trông thật hấp dẫn. Ăn bây giờ không chỉ là ăn mà là văn hóa, “văn hóa ẩm thực”. Tuy nhiên, cũng có một xu hướng ẩm thực khác. Người ta muốn thưởng thức những món ăn giản dị như tự thân nó vốn có. Ví như đi ăn bánh xèo của bà Xiềm. Những chảo to tráng bánh để gần cửa ra vào mà không cần che giấu trong một căn bếp sang trọng. Rau còn nguyên cọng đựng trong rổ tre. Bàn ghế cũng bằng tre. Không phải tình cờ mà có dụng ý cả đấy. Vì còn gì dân dã và Việt Nam hơn tre nhỉ? Thức ăn dường như được hạn chế gia vị để rau, củ, quả miền sông nước Nam Bộ dậy lên hương vị riêng của nó. Không cần quảng cáo nhiều lời, cứ nhìn gương mặt phởn phơ của thực khách, ta có, Tây có, nườm nượp ra vào là có thể đo độ khoái khẩu của món ăn này. Và thế là bà chủ quán nông dân đặc sệt được chính thức mời sang Mỹ với lỉnh kỉnh những nồi, niêu, soong, chảo để trình bày với thực khách nước ngoài một món ngon thuần túy Nam Bộ, thuộc dạng quốc hồn, quốc túy trong ẩm thực Việt Nam.
Đời sống bây giờ tương đối thoải mái, nhiều nhà hàng sang trọng mọc lên với những món ngon, lạ nổi tiếng của thế giới. Nhưng cũng có những quán ăn hấp dẫn thực khách bằng cách trở về với sự dân dã, thô mộc. Những chòi tranh nằm bên bờ sông hay trên những cù lao lộng gió. Cá nướng ngọt lừ còn vương mùi rơm, rạ. Rau hoang đủ loại tươi rói cứ như vừa được hái từ vườn nhà. Thay rượu tây bằng rượu đế mới hợp. Thực khách thoải mái thưởng thức các món ăn trong cái hây hẩy của gió sông nồng đượm mùi phù sa, văng vẳng âm điệu man mác buồn của đờn ca tài tử. Ẩm thực cứ y như thời ông cha ta đi khai hoang, mở đất. Cái dân dã mà bất cứ người nông dân Nam Bộ nào cũng có thể được hưởng thì người thành phố phải trả tiền khá đắt. Hóa ra là giản dị đôi lúc cũng có cái giá của nó.
Sống trong xã hội, con người phải tuân thủ những quy tắc ứng xử từ ăn, mặc, đi đứng, nói năng, giao tiếp để trở thành người văn minh, lịch sự. Điều ấy thật cần thiết. Không chống lại nhưng cũng có lúc con người muốn thoát khỏi khuôn phép ràng buộc. Sáng Chủ nhật đẹp trời, lang thang cùng với người bạn, nhâm nhi tách cà-phê ở góc phố để nhìn người qua lại. Một lần khác, có chuyện không vui, rủ một ai đó đủ thân lai rai vài ly ở một quán cóc ven đường để trút bầu tâm sự. Không ai mời đối tác làm ăn đi cà-phê bụi hay vào quán cóc. Chỉ là với ai và khi ấy ta được là mình, có thể phơi bày gan ruột với người hiểu ta (tri kỷ). Giản dị là thế nhưng cũng thực hạnh phúc. Tôi chợt nhớ một bài thơ của Nguyễn Khuyến mà ai cũng biết. Bài “Bạn đến chơi nhà”. Thơ Nguyễn Khuyến vốn điềm đạm như tính cách của ông. Nhưng riêng bài này, sau vẻ điềm đạm là nụ cười hóm hỉnh, thân tình chỉ dành cho một đối tượng đặc biệt. Bạn đến chơi mà cái gì cũng không có. Ao sâu không bắt được cá, rào thưa khó đuổi gà, cải chưa hoa, cà chưa nụ, bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Đến nỗi trầu, chè cũng không có nốt. Đã đành cụ Tam Nguyên Yên Đổ sau khi cáo quan về làng sống thanh bạch như một người nhà quê thực thụ. Dù thanh bạch đến mấy thì chủ nhà là một nhà nho, một nhà thơ làm sao thiếu rượu, thiếu trà. Chẳng qua ông muốn nói quá lên thế thôi. Nói nhiều cái không chỉ để nhấn mạnh một cái có: cái tình. Tình tri kỷ vượt lên vật chất và những nghi thức xã giao thông thường. “Bạn đến chơi đây ta với ta”.
Trong cuộc mưu sinh, con người thường phải bôn ba, mải miết kiếm tìm, không mấy khi được ngừng nghỉ. Có khoảnh khắc nào đó bất chợt dừng lại, thơ thẩn trong khu vườn nhà thân quen bỗng phát hiện một nụ hoa vừa hé, tiếng chim sâu chim chíp trong vòm lá… Gốc nhãn lâu năm cằn cỗi, xù xì như một ông già cau có, gắt gỏng trổ những chồi non… Lòng thấy bình an… Người trải đời biết cách buông bỏ những thứ không cần thiết. Càng buông được, càng nhẹ nhàng. Thiên nhiên lúc nào cũng vô tư và hào phóng. Một trong những điều giản dị nhưng hạnh phúc của con người là được gắn bó với đất đai, cây cỏ, hoa lá quanh mình. Người ta sinh ra từ đất rồi có lúc sẽ trở về. Suy cho cùng, cái chết có thể cũng không đến nỗi đáng sợ như ta thường nghĩ. Một cái chết dịu dàng, giản dị như hạt muối tan trong nước có vẻ đẹp riêng. Vẻ đẹp của sự sinh-diệt nằm trong quy luật tuần hoàn chung của toàn thể vạn vật.
Nguồn: Tạp chí Văn Hoá Phật Giáo số 197/ tapchivanhoaphatgiao.com
.