HẠNH PHÚC CỦA CON NGƯỜI
Hạnh phúc con người
Đức Phật dạy rằng tất cả bất hạnh của con người đều phát sanh từ sự ham muốn lầm lạc, muốn những thú vui mà tiền của mua được, muốn nhiều quyền thế hơn kẻ khác, và quan trọng hơn tất cả, muốn tiếp tục mãi mãi sống sau khi chết. Chính vì ham muốn những điều này mà con người trở nên vị kỷ, bởi nó làm cho con người chỉ nghĩ đến riêng mình, chỉ muốn cho riêng mình, và không để ý lo nghĩ đến những gì có thể xảy đến người khác. Và, bởi vì không thể thành đạt tất cả những gì mình mong muốn, con người luôn luôn lo âu và bất toại nguyện. Phương pháp duy nhất để tránh tình trạng bất ổn này là phải thoát ra khỏi nguyên nhân sanh ra nó, tức vượt qua khỏi mọi ham muốn. Điều này rất khó làm. Nhưng, ai đã thành tựu viên mãn sẽ đạt đến trạng thái toàn hảo và an tịnh.
Không phải chúng ta thỏa thích thọ hưởng những thú vui mà chính thú vui chế ngự, khắc phục chúng ta, bắt chúng ta làm nô lệ cho nó. Để mưu tìm thú vui, chúng ta không ngừng lo âu và luôn luôn tiêu hao năng lực. Trong thế gian luôn luôn biến đổi này chúng ta thống khổ nhiều hơn là thỏa thích thọ hưởng khi chạy theo, rượt bắt các thú vui.
Thời gian sẽ hàn gắn các vết thương
Phiền não trôi qua. Điều gì làm cho bạn đau xót rơi lụy hôm nay sẽ sớm lùi vào dĩ vãng và biến tan trong quên lãng. Bạn có thể sẽ còn nhớ rằng bạn đã có khóc, nhưng chắc bạn sẽ không còn nhớ mãi điều gì đã làm bạn khóc. Chúng ta đang trưởng thành, và chúng ta đang trải qua một kiếp sống. Nếu tại sao thao thức suốt đêm trường để than khóc một biến cố bất hạnh xảy đến ngày hôm trước, hay tại sao ôm ấp một mối hận thù đối với người nào và tại sao tiếp tục để cho những tư tưởng tương tợ tự do gây xáo trộn trong tâm. Chúng ta có thể bị cơn giận dữ lôi cuốn đi xa và về sau lấy làm kinh ngạc thấy rằng chính ta là người nổi giận. Đã ngạc nhiên, ắt chúng ta có thể nhận thức rằng chúng ta đã phung phí biết bao thì giờ và năng lực, rằng chúng ta đã tự tạo cho mình bao nhiêu bất hạnh, trong lúc mà ta có thể chận đứng nó và bắt đầu nghĩ đến việc khác.
Dầu phiền não như thế nào, dầu lo âu sầu muộn ra sao, thời gian sẽ gắn liền những vết thương. Nhưng, trong hiện tại, chắc chắn phải có một điều nào mà ta có thể làm được cấp thời để khỏi bị tổn thương. Tại sao chúng ta lại để cho người khác và phiền não làm giảm suy năng lực và làm cho ta bất hạnh? Câu giải đáp là, lẽ dĩ nhiên, không phải người khác và phiền não mà chính ta đã làm cho ta bất hạnh.
.
Bạn có thể gặp một vài bực dọc trong sở hay ở một nơi nào khác mà bạn làm việc, không nên mang theo, hay kéo dài những bực dọc ấy về đến nhà và như vậy tạo không khí nặng nề trong gia đình.
.
Bạn phải nhận thức rằng có một phương thuốc trị liệu hay một phương cách để chấm dứt những vấn đề phiền phức ấy. Đó là phải thoát ra khỏi những ham muốn ích kỷ và vô trật tự của chúng ta và tận diệt mọi hình thức hỗn loạn và vô minh.
Mỗi khi ta không tìm ra giải pháp cho một vấn đề, thường ta có khuynh hướng tìm nơi để đổ lỗi, một người nào mà ta có thể trút hết gánh nặng tội lỗi. Chúng ta không sẵn sàng chấp nhận những thiếu kém của mình. Chúng ta cảm thấy rằng đổ lỗi cho người khác và nuôi dưỡng mối căm thù là dễ dàng hơn. Trong thực tế vài người trong chúng ta đã làm như vậy. Đó là thái độ hoàn toàn sai lạc. Không nên phiền hà hay giận dỗi ai khác. Chúng ta phải hết sức cố gắng, tận dụng khả năng, và trầm tĩnh giải quyết những vấn đề của chúng ta, phải sẵn sàng đối phó với bất luận khó khăn nào mà ta gặp phải trên đường đời.
Hạnh phúc và chủ thuyết vật chất
Nhiều người lầm tưởng rằng họ có thể giải quyết tất cả mọi vấn đề nếu có tiền, nhưng họ không nhận thức rằng chính tiền của và sự nghiệp cũng mang theo những vấn đề của nó. Riêng “tiền của” không thể giải quyết tất cả mọi khó khăn.
Nhiều người không bao giờ biết như vậy, và xuyên qua suốt kiếp sống họ tận dụng mọi năng lực để cố gắng tích tụ “điều này” và “vật nọ”. Đến khi đã đạt được rồi họ cảm thấy rằng bao nhiêu đó cũng chưa làm họ thỏa mãn, mà còn phải tích tụ thêm nữa những “điều này” và những “vật nọ” khác. Trong thực tế, càng được nhiều họ càng muốn có thêm và như thế không bao giờ họ an vui hay biết là đủ.
Khi ta đánh mất một vật gì, lời khuyên sau đâu sẽ đem đến ta một niềm an ủi lạ thường:
.
“Đừng nói rằng cái này là của anh, và cái kia của tôi,
Chỉ nói cái này đến với anh, cái kia với tôi.
Như vậy chúng ta có thể không luyến tiếc cái ánh sáng đang phai mờ.
Của tất cả những vật rực rỡ vinh quang mà nay không còn nữa”.
.
Tài sản không phải là cái gì để ta giấu cất một nơi rồi khát khao tìm thêm nữa. Nó phải là cái gì để ta sử dụng hầu đem lại an lành, cho ta và cho kẻ khác. Nếu bạn trải qua suốt thời gian của mình để bám bíu vào tài sản sự nghiệp mà không nghĩ đến bổn phận đối với quốc gia, với đồng bào và tôn giáo của bạn, có thể một ngày kia, khi đến lúc, bạn sẽ phải ra đi với tâm hồn đầy lo âu sợ sệt và bỏ lại tất cả trên thế gian này. Bạn sẽ không thể thọ hưởng tài sản mà bạn đã khó nhọc dành dụm.
Hi vọng có được tiền của và lợi lộc bằng cách cờ bạc cũng giống như đứng ngoài trời và mong có những đám mây che nắng. Trong khi ấy, mưu tìm tiến bộ và thịnh vượng bằng cách chuyên cần làm việc thì giống như xây cất nhà cửa kiên cố để đỡ nắng che mưa.
“Tài sản sự nghiệp sẽ ở lại sau khi bạn ra đi. Thân bằng và quyến thuộc sẽ đưa bạn đến phần mộ. Nhưng, chỉ có những hành động tốt và xấu của bạn trong kiếp sống sẽ theo bạn qua bên kia nấm mồ”.
Nhiều việc mà ta ước vọng bao nhiêu sẽ đem lại hạnh phúc, đã làm cho ta thất vọng khi đạt được nó, như ba điều ước trong truyện cổ Ấn Độ. “Có nhiều tiền của!”, nghe chừng như là một cái gì tuyệt diệu! Còn gì tốt đẹp hơn? Nhưng khi đã đạt được rồi, có thể ta cảm thấy rằng chính nó đem lại cho ta những lo âu mới, như việc phải sử dụng nó bằng cách nào, làm sao để gìn giữ nó, hoặc nữa, có thể nó dẫn dắt ta đến những hành động điên rồ. Người giàu tiền của bắt đầu thắc mắc tìm hiểu, xem bạn bè của mình có đánh giá mình bằng chính giá trị riêng của mình hay chỉ bằng tiền của mình đang có. Đây cũng là một hình thức phiền muộn thuộc về tinh thần. Và luôn luôn có tình trạng nơm nớp sợ mất cái gì đã có. Cái “có” nầy có thể là tiền của hay một người thân. Như vậy, khi ta thành thật nhìn rõ vào bên trong cái mà ta gọi là “hạnh phúc” chúng ta thấy rằng đó chỉ là một ảo ảnh lững lờ phát hiện trong tâm mà không bao giờ chúng ta nắm lấy được, không bao giờ trọn vẹn, không bao giờ đầy đủ, hoặt ít lắm nó cũng mang theo tánh chất sợ sệt, sợ mất đi.
Tiền của chỉ trang trí cho cái nhà của bạn, không thể trang trí cho chính bạn. Chỉ có những phẩm hạnh cao thượng của bạn mới có thể làm cho bạn trở nên đẹp. Y phục chỉ làm đẹp xác thân của bạn chớ không làm đẹp bạn. Chỉ có tác phong trong sạch và thanh cao của bạn trang trí bạn.
“Hạnh phúc thay! Những ai nuôi mạng sống của mình mà không gây tổn hại đến ai”.
“Hạnh phúc là một loại nước hoa mà ta không thể rót lên trên mình người khác, và cùng lúc, khỏi đánh rơi một vài giọt trên mình ta”.
Có lẽ bạn không thể thay đổi thế gian để cho nó thích ứng với ý muốn của bạn, nhưng bạn có thể biến cải tâm trí của chính bạn để mưu tìm hạnh phúc.Chỉ khi nào phải chịu thống khổ khi làm điều thiện, bạn mới có thể thành tựu hạnh phúc cao thượng hơn người.”Nếu ta muốn mưu tìm hạnh phúc, chớ nghĩ đến lòng biết ơn hay bạc bẽo, và chỉ cho ra vì niềm vui được cho ra, thầm kín bên trong. Sự biết ơn như cánh hoa hồng. Hoa hồng thì phải được vun bón, tưới nước, săn sóc, tưng tiu và gìn giữ”. — (Dale Carnegie)
Hãy kiểm soát tâm
Cái tâm của con người ảnh hưởng sâu xa đến cơ thể. Nếu để tâm diễn tiến theo chiều hướng xấu xa và kết nạp những tư tưởng ô nhiễm nó có thể gây nhiều tai hại, có thể giết chết một chúng sanh. Ngược lại, tâm cũng có thể chữa khỏi một chứng bịnh của xác thân. Khi tâm chăm chú vào những tư tưởng chơn chánh, với sự cố gắng chơn chánh và hiểu biết sáng suốt, hậu quả của nó thật vô cùng lớn lao. Một cái tâm linh khiết và những tư tưởng trong sạch thật sự dẫn đến một kiếp sống khoẻ mạnh và an lành. Đức Phật dạy:
“Không có kẻ thù nào có thể gây tai hại cho ai nhiều bằng những tư tưởng tham ái, những tư tưởng sân hận, những tư tưởng ganh tị, v.v… của chính ta”.
Con người mà không biết điều chỉnh cái tâm của mình để thích ứng với hoàn cảnh thì không khác nào một xác chết nằm trong quan tài. Hãy hướng tâm của bạn trở vào bên trong và cố gắng cho tâm mình được thản nhiên, quân bình, trầm tĩnh.
Chỉ khi nào được kiểm soát chặt chẽ và được hướng dẫn chơn chánh theo chiều tiến bộ và trật tự, tâm mới trở thành hữu dụng cho người làm chủ nó và cho xã hội. Một cái tâm vô trật tự đem lại cho người làm chủ nó, và cho nhiều người khác, tất cả những tai hại trong thế gian. Những tai hại ấy gây nên bởi những người không biết kiểm soát tâm và không biết làm cho tâm mình được thản nhiên, quân bình, trầm tĩnh.
Trầm lặng không phải là yếu ớt. Một thái độ trầm lặng luôn luôn tiêu biểu cho con người thuần thục. Giữ được thái độ trầm lặng khi mọi việc đều thuận lợi thì không khó lắm, nhưng vẫn bình tĩnh khi sự vật xáo trộn quanh mình thì quả thật là khó. Chính đức tính khó, có thể có này, là điều đáng cho ta cố gắng thành tựu, bởi vì nhờ thành tựu và kiểm soát như vậy ta tạo nên một cá tính ổn định, vững chắc. Nghĩ rằng chỉ có những người ồn ào, khoác loác và lăng xăng tối ngày là mạnh mẽ và hùng dũng thì quả thật là sai lầm.
Hãy hành động khôn ngoan
Con người phải biết sử dụng tuổi trẻ, tiền của, quyền thế, năng lực, và kiến thức của mình vào đúng lúc, đúng nơi, đúng phương cách và sáng suốt, để gặt hái lợi ích cho chính mình và cho người khác. Nếu sử dụng sai lầm những ưu thế tương tợ, nó chỉ đem ta đi xuống. Con người phải đủ mạnh để hay biết khi mình yếu, phải đủ can đảm để đương đầu với sợ sệt, phải hùng dũng và bất khuất khi thất bại, phải khiêm tốn và dịu dàng lúc đắc thắng.
Vài người được may mắn bỗng chốc trở nên giàu có. Nhưng trong những người này chỉ có một số ít biết bảo tồn tài sản vừa thọ được. Thế thường, khi được quá dễ, được mà không cần phải cố gắng và chuyên cần, người ta không lượng định đúng mức giá trị của vật đã thọ. Do đó người ta bắt đầu tiêu xài phung phí vào những việc không cần thiết, và không bao lâu, tiền của hao mòn. Ta phải biết làm thế nào để giữ gìn tài sản. Không nên phung phí mà phải sử dụng tiền của một cách hữu ích, cho ta và cho người khác. Muốn vậy, phải thận trọng.
Hãy tự sửa mình
Chúng ta đang sống trong một thế gian luôn luôn biến đổi. Tuy nhiên, rất ít người nhận thức điều này. Ta không nên mù quáng cố bám vào những phong tục, những tập quán, những thói quen, và những tin tưởng mà người xưa và ông bà tổ tiên chúng ta lưu truyền xuống đến chúng ta, và không nên nghĩ rằng ta phải mãi mãi làm theo như vậy. Những ý nghĩ hẹp hòi tương tợ không thể đem lại tiến bộ. Có những tập tục rất tốt đẹp mà ta kính cẩn thọ lãnh từ tay của ông bà cha mẹ, nhưng vài cỗ tục khác chỉ có thể áp dụng thích nghi vào một thời nào.
.
Ta phải thận trọng xem xét, coi nó còn hợp với xã hội hiện đại không. Đàng khác, cha mẹ và các bậc trưởng thượng ít khi tỏ ra khoan hồng đối với lối sống mới của thế hệ trẻ. Những vị này sẽ lấy làm vui mà thấy đoàn hậu tấn cùng có một nếp sống như mình. Tuy nhiên, đó không phải là thái độ thích nghi nhất. Hãy để cho đàn con trẻ di động theo nhịp của thời gian, nếu điều này không hại.
.
Người làm cha mẹ vẫn nhớ lúc thiếu thời, chính cha mẹ của mình cũng đã khắt khe thế nào đối với lối sống mới lúc bấy giờ. Cuộc xung đột giữa những người bảo thủ và lớp bạn trẻ luôn luôn có xảy ra. Lẽ dĩ nhiên, khi trẻ con bị đời sống tân tiến lôi cuốn lầm lạc cha mẹ nhất định phải khuyến dụ và hướng dẫn chúng trở về con đường chơn chánh.
Đối với quan kiến và tập tục của người khác, bạn phải tỏ ra khoan hồng, mặc dầu không thích. Ở đây, khoan hồng không có nghĩa là phải làm theo những ý nghĩ và lý tưởng ấy.
Mỗi người là một phần tử của thế gian loài người, và như vậy, phải nhận lãnh phần trách nhiệm của mình về những sự việc diễn tiến trong thế gian ấy. Mỗi người phải quan tâm đến những biến đổi trong xã hội, phải làm cho xã hội càng trở nên tốt đẹp hơn và càng mang nhiều sắc thái nhơn đạo hơn. Mỗi người phải tự hỏi, mình đã làm gì để đem lại nền trật tự cho sự vật. Đây là một quan kiến có tánh cách đạo đức, bao trùm lên đời sống sắc thái trang nghiêm và đáng được sống. Sống như vậy là có một kiếp sống thật sự hạnh phúc. Chừng ấy chúng ta sẽ hân hoan bắt đầu làm một việc gì đáng được ca ngợi và có tánh cách xây dựng.
.
Dầu người ta có phê bình và chế diễu hành động của bạn chua cay thế nào, hãy có thái độ của người khôn ngoan sáng suốt và đáp trả lại bằng một nụ cười hay một câu nói đùa. Không bao giờ nên gây gỗ. Khi chơi một trò chơi, bạn không nên tỏ ra nóng giận, vì như thế, chẳng những bạn làm cho người khác mất vui mà chính bạn cũng không thích thú, và sau cùng, bạn có thể thất bại hoàn toàn.
Bạn không thể sửa đổi từng người và tất cả mọi người trên thế gian này để tạo cảnh thanh bình lý tưởng, cũng như bạn không thể dọn dẹp tất cả đá sỏi gập ghềnh và gai góc trên đường đi. Người muốn an toàn trên con đường phải mang vào một đôi giày, và thận trọng từng bước. Cùng thế ấy, người muốn sống an tịnh, muốn tâm hồn được thanh thản, phải biết thu thúc lục căn, tiết chế tham vọng.
.
Có nhiều lối khác nhau để sửa đổi một người lầm đường lạc nẻo. Bằng cách chỉ trích, khiển trách và la rầy trước công chúng bạn không thể thành công sửa đổi ai hết. Không nên làm mất lòng. Nhiều người tạo thêm kẻ thù vì chỉ trích người khác. Người nọ hành động lầm lạc. Nếu bạn có thể ôn tồn nhắc nhở họ với lòng thành thật muốn cải thiện, chắc chắn họ sẽ nghe theo, và một ngày nào họ sẽ cám ơn lòng tốt và sự hướng dẫn sáng suốt của bạn.
Bất luận lúc nào mà bạn phát biểu ý kiến về riêng một vấn đề, hãy cố gắng tìm những danh từ không chạm đến tự ái của người khác. Có nhiều phương cách khác nhau để diễn đạt tư tưởng của mình một cách dịu dàng, hay lễ độ, hoặc nữa, có tánh cách “ngoại giao”.
Không nên nổi giận khi người ta nêu lỗi mình ra. Có thể bạn nghĩ rằng để lộ cho người ta thấy mình nổi nóng, hay la lối rầy rà người khác là che lấp hay lướt qua những thiếu sót của mình. Không nên phát lộ những bí ẩn thầm kín của bạn bè, mặc dầu là của người mà ta không ưa.
Hãy vô tư
Không nên hấp tấp có ý kiến nhất định về một vấn đề trong khi đang bực bội, hay khi bị khiêu khích, hoặc nữa, khi hỉ hả vui mừng, bởi vì trong những lúc ấy tâm trạng của bạn bị nhiều cảm xúc, và một quyết định đạt đến trong hoàn cảnh tương tự có thể sẽ làm cho bạn hối tiếc một ngày nào. Hãy để cho tâm bình tĩnh trở lại, và hãy suy gẫm. Như vậy, quyết định của bạn sẽ được vô tư.
Hãy trau dồi đức khoan hồng. Đức khoan hồng tránh cho bạn những xét đoán vội vã, giúp bạn thông cảm những phiền não của người khác, giúp bạn tránh khỏi những lời chỉ trích có tánh cách “vạch lá tìm sâu“, và giúp bạn nhận thức rằng con người dầu cao siêu đến đâu, hễ còn là phàm nhơn là còn phải lầm lạc. Sự yếu kém mà bạn thấy bên trong người láng giềng rất có thể cũng được tìm thấy bên trong chính bạn.
Khiêm tốn
Đức khiêm tốn là khuôn vàng thước ngọc của bậc thiện trí để đo lường sự khác biệt giữa cái gì thật sự là vậy và cái gì còn phải thế nào nữa mới được như vậy. Chính Đức Phật đã bắt đầu con đường hoằng Pháp của Ngài bằng cách dẹp bỏ tất cả bao nhiêu kiêu hãnh của một hoàng tử giàu sang trẻ đẹp. Ngài đã thành đạt đạo quả Phật trong kiếp sống, nhưng không bao giờ mất vẻ tự nhiên. Cách lập luận và các câu chuyện ngụ ngôn của Ngài không bao giờ cầu kỳ. Có những lúc Ngài đã tỏ ra khiêm tốn hơn tất cả những người khiêm tốn. Không bao giờ Ngài mất bản chất con người.
Không nên phung phí thì giờ
Phung phí thì giờ bằng cách âu sầu hối tiếc những việc đã qua, không tạo cho mình bản chất thích hợp với địa vị làm người cao quí là để cho nghiệp xấu đẩy đưa vào một nơi thích hợp với bản chất ô nhiễm. Hãy thành tâm ghi tạc điều này và hãy hành thiện trong khi đang còn sống. Phung phí thì giờ, chẳng những bạn làm hại cho chính bạn mà còn phương hại đến kẻ khác, bởi vì thì giờ không phải của riêng bạn mà còn là của người khác.
Kiên nhẫn và khoan hồng
Hãy kiên nhẫn với tất cả. Sân hận dẫn dắt chúng ta vào một khu rừng rậm không có lối đi. Trong khi chọc giận và gây phiền phức cho người khác nó cũng làm tổn thương chính ta, làm yếu kém cơ thể và xáo trộn tinh thần. Một lời nói đã thốt ra như nước đổ xuống đất, như mũi tên được buông ra từ cánh cung, không thể còn thâu hồi lại được nữa. Dầu ta có sám hối hay xin lỗi ngàn lần, lời nói bất cẩn đã gieo ảnh hưởng của nó.
.
Có nhiều con vật không thấy ban ngày. Có những con khác không thấy trong đêm tối. Nhưng người đã bị lòng sân hận lôi cuốn đến cao độ thì đêm cũng như ngày, không còn thấy gì. Khi nỗi sân, chúng ta chiến đấu chống ai, và chống cái gì? Ta chiến đấu chống ta vì chính ta là kẻ thù tệ hại nhất của ta. Tâm là người bạn tốt nhất mà cũng là kẻ thù nguy hiểm nhất. Ta phải cố gắng diệt trừ những ô nhiễm tham ái, sân hận, và si mê trong tâm bằng giới, định, tuệ.
Vài hình thức đau tim, vài chứng bịnh tê thấp, và vài xáo trộn ngoài da còn mang dấu vết của tính bất mãn, sân hận, và ganh tỵ. Những cảm xúc có đặc tánh phá hoại như vậy là cho tim nhiễm độc. Nó làm phát triển những chứng bịnh còn ngủ ngầm và tạo môi trường thuận lợi cho những con vi trùng sanh bịnh.
Lấy tốt trả xấu.
Nếu bạn muốn thoát ra khỏi mọi phiền lụy mà kẻ thù có thể gây nên, trước tiên hãy giết chết mối sân hận trong lòng vì chính nó là kẻ thù chánh yếu, nguy hại hơn tất cả. Đàng khác, nếu nghe một người thù mà bạn mất bình tĩnh thì điều này có nghĩa là bạn đang thỏa mãn những ước vọng của họ bằng cách vô tình, chung vào cái bẫy của họ.
Không nên nghĩ rằng chỉ có những người ca ngợi, giúp đỡ bạn và hợp tác chặt chẽ với bạn mới dạy bạn học một điều gì. Có rất nhiều bài học mà bạn có thể học với người thù. Chớ nên nói rằng họ hoàn toàn sai lầm, chỉ vì tình cờ họ là kẻ thù của bạn. Họ cũng có những đức tánh.
Bạn không thể dẹp bỏ kẻ thù bằng cách lấy xấu đổi xấu, vì làm vậy chỉ tạo thêm thù. Phương pháp tốt đẹp và hữu hiệu nhất để khắc phục một người thù là rải tâm Từ của ta đến họ. Có lẽ bạn nghĩ rằng điều này không thể làm được, hay vô nghĩa. Nhưng phương pháp này đã được tất cả các bậc thiện trí tán dương. Khi bạn hay biết có người phiền giận, trước hết hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân tại sao. Nếu nguyên nhân ấy là một lỗi lầm của bạn, bạn phải nhìn nhận và không nên chần chờ, hãy chịu lỗi ngay.Nếu là một sự hiểu lầm giữa hai đàng, bạn hãy tìm đến giải thích một cách cởi mở và cố gắng làm sáng tỏ vấn đề. Nếu vì ganh tỵ vì một cảm xúc ô nhiễm nào khác, bạn hãy rải tâm từ đến họ và gieo ảnh hưởng bằng những rung động của tâm lực. Bạn có thể không hiểu tại sao, nhưng xuyên qua kinh nghiệm của nhiều người, phương pháp này đã tỏ ra hữu hiệu, có nhiều năng lực, sáng suốt, dễ thực hành nhất, và đã được Phật Giáo nhiệt liệt khuyến khích.
Lẽ dĩ nhiên, khi làm điều nầy, bạn phải tự tin và kiên nhẫn, bạn sẽ cho kẻ thù thấy rằng họ đã lầm lỗi. Ngoài ra bạn cũng còn hưởng được nhiều lợi ích khác nhau, bằng nhiều cách khác nhau, bởi vì chính bạn không nuôi dưỡng lòng bất thân thiện trong tâm.
.
PHẠM KIM KHÁNH (dịch)
Nguồn: PHẬT HỌC TỊNH QUANG
.
Thực hành Bi-Trí-Nhẫn: một nguồn lực không thể ngờ được đã giúp con người vượt thoát số phận và tìm Hạnh Phúc ngay trong hiện tại.
CHƯƠNG TRÌNH ĐI TÌM HẠNH PHÚC
Trong tháng 7 năm 2012, Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto, Canada, có tổ chức sinh hoạt thuyết giảng và hội thảo với chương trình Đi Tìm Hạnh Phúc, dành cho tất cả quí đồng hương đủ mọi thành phần, không phân biệt tín ngưỡng, tôn giáo hay tuổi tác. Sinh hoạt mới mẻ này thu hút được nhiều người tham dự thuộc đủ mọi lứa tuổi, cao niên nhứt là cụ 82 tuổi, trẻ tuổi nhứt cũng ngoài 20 tuổi, theo nhiều tôn giáo khác nhau. Các đề tài thuyết giảng và thảo luận rất thực tế cho việc đi tìm hạnh phúc trong đời sống bận rộn hàng ngày, với bao nhiêu điều bất trắc, bất như ý xảy ra, không dự đoán trước được.
Bài viết này nhằm ghi lại nội dung một cách tổng quát một số thắc mắc và các lời giải đáp trong các buổi sinh hoạt của chương trình Đi Tìm Hạnh Phúc nói trên.
1. Thế nào là hạnh phúc?
Tùy theo quan điểm, tùy theo tuổi tác, một cách tổng quát, con người thường nghĩ rằng các yếu tố đem lại hạnh phúc cho đời sống cá nhân, gồm có: tiền bạc, của cải, nghề nghiệp, việc làm, nhà cửa, tài sản, danh vọng, quyền thế, thời tiết và sức khoẻ.
2. Có mấy loại hạnh phúc?
Theo quan điểm thế gian, thông thường có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc vật chất và Hạnh phúc tinh thần. Những điều thường đem lại hạnh phúc vật chất như: tiền bạc, nhà cửa, tài sản, thời tiết và sức khoẻ. Những điều thường đem lại hạnh phúc tinh thần như: gia đình tốt đẹp, thân nhân hòa hợp, nghề nghiệp vững chắc, thêm nữa là danh vọng và quyền thế.
Theo quan điểm tâm linh, tín ngưỡng hay tôn giáo, có hai loại hạnh phúc: Hạnh phúc thế gian và Hạnh phúc xuất thế gian. Hạnh phúc thế gian bao gồm hai yếu tố vật chất và tinh thần nêu trên. Hạnh phúc xuất thế gian bao gồm hai yếu tố giác ngộ chân lý và giải thoát phiền não khổ đau.
3. Làm sao có hạnh phúc?
Muốn có hạnh phúc vật chất, con người phải cố gắng học hỏi, làm việc để có một đời sống đầy đủ tiện nghi căn bản, không thiếu thốn, phải biết giữ gìn sức khoẻ và chọn địa phương có thời tiết thích hợp.
Muốn có hạnh phúc tinh thần, con người phải biết tổ chức đời sống gia đình tốt đẹp, trên nhịn dưới nhường, nhẫn những điều khó nhẫn, trải tình thương, sự cảm thông, biết tha thứ, tấm lòng bao dung đến với mọi người chung quanh, kể cả thân nhân, bạn bè cùng sở làm hay hàng xóm láng giềng. Ngoài ra, con người còn phải tránh những tâm ganh tị, đố kỵ, hơn thua, bè phái là những điều gây mất hạnh phúc.
4. Làm sao biết mình có hạnh phúc?
Có những hạnh phúc con người phải trả một giá nào đó, phải trải nghiệm những đắng cay, khổ nạn trong đời sống mới có được. Tuy nhiên, cũng có những hạnh phúc con người không phải trả một giá nào hết. Chẳng hạn như: con người được sanh ra trong một gia đình tương đối đầy đủ hạnh phúc vật chất và tinh thần, được có thân thể khoẻ mạnh, đầy đủ các giác quan, không bị khuyết tật; trong đời sống, không gặp khổ nạn chiến tranh, thiên tai hay trộm cướp, bạn xấu, tai nạn, mất mát, thất bại, bệnh tật. Muốn biết được, cảm nhận được mình có hạnh phúc, con người tránh thái độ đứng núi này trông núi nọ, tránh tâm mong cầu những điều quá tầm tay, quá sức mình, nhứt là nên đi thăm và giúp đỡ những hoàn cảnh kém hạnh phúc hơn mình, nghèo đói, bệnh tật, hoạn nạn, thiếu mắt, tai hay chân tay, thần kinh và nhiều thứ khác nữa.
Những hạnh phúc này không do ông bà cha mẹ, hay thánh thần thiên địa nào ban cho riêng mình. Những hạnh phúc đó do chính bản thân mình tu nhân hạnh, tích phúc đức nhiều đời, nhiều kiếp trước. Mình làm phúc, tạo phúc, thì được hưởng phúc. Mình không làm phúc, không tạo phúc, thì làm sao hưởng hạnh phúc được? Đó mới thực là chí công vô tư. Đó là chân lý.
Như vậy, muốn tiếp tục hưởng hạnh phúc, nhất thiết con người sống trên đời phải làm phúc, tạo phúc, luôn giữ tâm niệm vô ngã vị tha (quên mình vì người). Con người giữ tâm niệm ích kỷ, khó cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc đời.
5. Làm sao giữ được hạnh phúc?
Chuyện đời thường muốn tạo dựng một sự nghiệp, một công trình, quả thực là khó khăn vô vàn, phải trải qua một thời gian nào đó, hay phải trả một giá nào đó, mới hoàn thành được. Nhưng muốn duy trì sự nghiệp hay công trình đó tồn tại lâu dài quả thực là khó khăn vô cùng.
Hạnh phúc trên đời này cũng vậy, tạo dựng thực khổ công, nhưng khi hạnh phúc đã ở trong tầm tay, việc duy trì hạnh phúc hay gây mất hạnh phúc cũng ở trong tầm tay con người, do chính con người; chứ không do tiểu hạn đại hạn, hay không do thánh thần thiên địa nào trừng phạt.
Cho nên, khi gặp cảnh mất hạnh phúc, con người không cần phải dâng sớ cầu an, bởi tiền mất tật mang, hay cúng sao giải hạn, bởi tai nạn vẫn tới, cũng không nên cúng kiến nơi này nơi khác, không cần dâng lễ vật hối lộ, tạ lỗi với thánh thần thiên địa gì cả. Nếu muốn tạ lỗi hay sám hối, thì quan trọng nhứt con người nên dừng nghiệp và chuyển nghiệp, hãy đến gặp nạn nhân, do chính mình gây ra khổ nạn, để nói lời xin lỗi, hoặc bồi thường thiệt hại vật chất hay tinh thần. Như vậy mới là thực tế hơn, để tìm lại hạnh phúc cho chính bản thân và cho người khác.
Thí dụ như: Con người đã trải qua một thời gian dài làm việc cật lực, tiết kiệm, dành dụm, tạo dựng được một căn bản vật chất tương đối, tổ chức đời sống tinh thần để có hạnh phúc. Bổng dưng vì tâm tham, con người tìm kiếm thêm nguồn lợi tức bằng cách cờ bạc, đầu tư, hùn hạp, chơi cổ phiếu, để rồi bị lường gạt, bị phá sản, mất hạnh phúc.
Thí dụ như: Con người đã trải qua một thời gian dài xây dựng hạnh phúc gia đình. Bổng dưng vì tâm sân, một hành động, cử chỉ hay lời nói không kềm chế, thiếu suy nghĩ, gây đổ vỡ, mất hạnh phúc. Hoặc bổng dưng vì tâm si, nghe lời thiên hạ đồn, đi theo một phong trào, hay tin theo một giáo phái nào đó, bèn thay đổi nếp sống, thay đổi sinh hoạt, gây bất hòa trong gia đạo, mất hạnh phúc. Như vậy, để duy trì hạnh phúc có được trong tầm tay, con người phải chú ý nhận rõ, phải sáng suốt, không nhẹ dạ dễ tin, và nhất thiết phải hạn chế ba điều độc hại: tham, sân và si.
6. Thế nào là hạnh phúc xuất thế gian?
Trong thế gian, con người có thể có đầy đủ hạnh phúc vật chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn như con người có thể có sức khoẻ, có học thức, có gia đình tốt đẹp, có địa vị, có quyền thế, sở hữu tài sản. Nhưng trong cuộc sống, con người không có sự an tĩnh trong tâm trí, phải thường xuyên đối phó với những biến chuyển, những bất trắc, những tai họa, những chuyện bất như ý có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Thêm nữa, tâm con người thường xuyên bất an, lo sợ đủ thứ, thậm chí sợ chết, mất mạng. Từ đó, chúng ta nhận thấy hạnh phúc xuất thế gian chính là tâm trí được bình an, sống trong tình thương yêu, không phải ưu tư tương lai chưa tới, không lo lắng sợ hãi trong hiện tại, hay nuối tiếc quá khứ đã qua.
Muốn đạt được hạnh phúc xuất thế gian, con người phải giác ngộ chân lý.
Chân lý đó chính là những điều đúng với tất cả mọi người, mọi thời gian và không gian. Những điều nào dân tộc này, địa phương này tuân theo, tôn giáo này chủ trương, thời đại này công nhận, nhưng dân tộc khác, địa phương khác không tuân theo, tôn giáo khác không chủ trương, thời đại khác không công nhận, thì những điều đó chưa phải là chân lý.
Chẳng hạn như: Mình gieo nhân thiện thì mình hưởng quả lành, mình gieo nhân xấu thì mình chịu quả xấu. Mình làm mình hưởng, mình làm mình chịu. Đó là chân lý.
Chẳng hạn như: Mọi sự vật trên đời đều biến đổi, không có gì tồn tại vĩnh viễn, tâm con người cũng thay đổi. Cho nên, khi gặp sự mất mát, sự đổi thay, con người không quá ngạc nhiên, hay quá khổ đau. Đó là chân lý.
Chẳng hạn như: Cái cây mọc lên là do hạt giống nảy mầm. Có lửa mới có khói. Sinh sự thì sự mới sinh. Gieo gió thì gặt bão. Không có gì trên đời tự nhiên mà có. Đó là chân lý.
Chẳng hạn như: Bàn tay, tờ giấy, hay đồng tiền luôn luôn có hai mặt, không thể tách rời được. Mặt biển thanh bình khi không gió và sóng biển khi gió nổi lên là hai mặt không thể tách rời được. Chuyện gì trên đời cũng phải xét hai mặt, có điều đúng có điều sai, có điều phải có điều quấy, con người nào cũng có tâm tốt và tâm không tốt, lợi cho người này thường không lợi cho người khác, người này thắng thì thường có người thua, người này đậu thì thường có người rớt, người này được thì thường có người mất, người này thích thì thường có người không thích, viên thuốc thần dược trị bệnh cũng chính là viên thuốc độc khi quá hạn, hay khi dùng quá liều, đồng tiền giúp người cũng là đồng tiền hại người, con dao khi dùng chuyện tốt khi dùng chuyện xấu. Đó là chân lý.
Tâm con người cũng có hai mặt: tốt và xấu, thiện và bất thiện, vọng và chơn.
Vọng tâm là tâm lăng xăng lộn xộn của con người trong cuộc sống duyên theo những biến động của cảnh trần bên ngoài. Khi thấy hình dáng đẹp mắt, hay nghe âm thanh êm tai, tâm con người thích lắm, dễ chịu. Khi thấy hình dáng gai mắt, nghe âm thanh chướng tai, điều chướng tai gai mắt thường khiến tâm con người không thích, khó chịu. Chính vì con người luôn luôn duyên theo trần cảnh (hình sắc, âm thanh) bên ngoài, nên trong tâm thức thường nổi sóng, sanh ra thương và ghét, thân và thù, thích và không thích. Trong cuộc đời, dù con người có hạnh phúc thế gian, cũng chưa gọi là có hạnh phúc xuất thế gian, chính là nghĩa đó.
Như vậy, muốn có hạnh phúc xuất thế gian, nghĩa là muốn có trạng thái tâm luôn thanh tịnh, bình an, không nổi sóng, con người nhất thiết phải luôn luôn kiểm soát thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Không nên làm điều gì, nói điều gì, hay suy nghĩ điều gì lợi mình hại người. Con người phải luôn sống với bản tâm sáng suốt (không u mê, nhẹ dạ, dễ tin), bản tâm chân chánh (không bất chánh, gạt gẫm) và bản tâm thanh tịnh (không khen mình, khinh người). Đó chính là chân tâm, bao gồm ba yếu tố là: sáng suốt, chân chánh và thanh tịnh (được gọi là tam bảo), mà con người thường không nhận ra, bởi thường ngày con người sống với vọng tâm lăng xăng lộn xộn thương ghét, phê phán đúng sai, thị phi phải quấy. Cũng như mặt trời thường sáng tỏ, nhưng bị đám mây đen che khuất, hay mặt biển thường thanh bình, nhưng bị sóng gió ngập tràn.
Nói cách khác, con người phải sống đời cao thượng, tâm vô ngã, vượt qua cái bản ngả tầm thường, không tự ái, không ích kỷ nhỏ nhen, thì mới thực sự có hạnh phúc xuất thế gian – tâm an tịnh. Con người tuy vẫn sống trên thế gian đầy sóng gió, nhưng tâm vẫn an nhiên tự tại. Cảnh giới niết bàn hiện tiền – tâm an tịnh, không phiền não khổ đau, chính là nơi đây.
Tóm lại, trong thời gian qua, cảm ơn Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto đã tạo thiện duyên để những đồng hương có dịp ngồi lại với nhau, trà đàm, nghe thuyết giảng, trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống, thảo luận những điều hay lẽ phải.Đây là sinh hoạt đem lợi ích thiết thực cho mọi người qua pháp môn bất nhị (không phải một, cũng chẳng là hai – một sự việc nhưng có hai mặt) và bất tùy phân biệt (không phân biệt kỳ thị nhưng biết rõ đúng sai). Trân trọng cám ơn tất cả, cầu chúc tất cả tìm được hạnh phúc thiết thực qua chương trình Đi Tìm Hạnh Phúc của Hội Phụ Nữ Việt Nam Toronto.
.
Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ