Quà Giáng Sinh

Xmas 2013 (6)-TWINKLEQuà Giáng Sinh

Gió bắt đầu thổi mạnh, cuốn bụi bay mù mịt và xô dạt những ngọn cây cổ thụ hai bên đường. Trời ùn ùn chuyển mưa. Thành phố đã tối, lại càng thêm tối.

Ngồi co ro trong một chiếc bao bố sần sùi, trùm kín, Nhân thầm lo ngại “Lại một đêm ngủ không yên rồi!” Nó thở dài nhìn ra mặt sông đang gợn sóng liên hồi, mà chờ đợi Rào ! Rào !

Và rồi cơn mưa cũng đã đến và đến thật dữ dội. Nó nhớ lời của Mẹ thường nói: Cái gì cũng vậy, khi gần chấm dứt, thường bừng lên mãnh liệt ! Chẳng hạn như ngọn nến sắp tàn, nó sẽ phực lên rồi mới tắt. Chẳng hạn như mặt trời, trước khi lặn thì đỏ bừng, soi chiếu cả một góc trời… Và có lẽ, đối với cơn mưa cuối mùa này cũng thế..Thông thường thì lễ Giáng sinh, trời lạnh nhiều, chứ đâu có mưa. Nhưng không hiểu sao, đêm nay lại mưa..Mưa cuối muà, mà lại mưa cuối năm nữa, hèn chi mà to lớn như vậy!

Mưa xối xả tạt vào cái giang sơn nghèo nàn, nhỏ bé của Nhân. “Cái cầu thấy ghét này sao cứ nỡ hành hạ mình hoài” vừa lẩm bẩm, Nhân vừa cố gắng căng thêm một manh chiếu rách để che bớt gió “Mưa to vầy, có là thức đến sáng rồi”. Có tiếng cựa quậy của con Hậu, em Nhân. Nhân quay lại nhìn con bé vừa ló cái đầu tóc rối bù xù ra khỏi tấm chăn dơ bẩn. Nó trợn mắt, sừng sộ với Hậu:

– Sao, không ngủ đi Khuya lắm rồi mà còn thức à ?
– Mẹ chưa về sao anh Hai? con Hậu vừa dụi mắt, miệng nó mở ra tròn xoe ngáp dài. Rồi không trả lời câu hỏi của Nhân, nó lại làu bàu: Không biết chừng nào Mẹ mới về. Em chờ mẹ lâu quá à !

Nói xong, Hậu lại kéo mền trùm kín. Nghe em hỏi, Nhân càng thêm lo ngại. Nó nhìn cơn mưa đang tuôn đổ ào ạt mà chợt thương mẹ vô cùng. Ba nó hiện giờ còn đang đi “học tập cải tạo” Không hiểu ba đã “học” đến đâu rồi, mà sao lâu quá không thấy ba về. Lúc nào nó hay con Hậu hỏi mẹ về Ba, mẹ đều không chịu trả lời. Mẹ thường ngoảnh mặt đi chổ khác. Có lần, nó thấy hai mắt mẹ đỏ hoe. Nó biết mẹ khóc, nhưng không biết tại sao. Còn con Hậu thì ngây thơ hỏi:

– Mẹ Ơi ! sao mắt Mẹ đỏ quá chừng đi !
Lúc đó, Mẹ nó chỉ ôm nó và con Hậu vào lòng thật chặt. Và chính nó, hai mắt cũng tự dưng đỏ hoe..

Nhìn những bong bóng nước đang thi nhau vỡ trên mặt sông sôi động, Nhân lại nghĩ ngợi lung tung. Nhân nhớ cái ngày ba nó hôn nó ra đi, nó chỉ mới độ 5 tuổi, và con Hậu, mẹ còn bồng trên taỵ Giờ đây, nó đã mười hai tuổi rồi, thế mà vẫn không thấy ba trở về. Nó còn nhớ, trước khi đi, ba nó ôm nó vào lòng mà nói:

– Nhân ở nhà ngoan nghe ! Con phải vâng lời Mẹ và thương bé Hậu nghe không. Ba đi một tháng rồi ba về. Chỉ vào lốc lịch treo trên tường, ba còn dặn dò: Mỗi ngày con xé một tờ lịch rồi đưa cho Mẹ đếm giùm. Đến khi nào con xé đủ 30 tờ lịch thì ba sẽ về.

Một tháng trôi qua đối với Nhân thật là lâu. Mỗi ngày, Nhân đều bắt ghế trèo lên bàn mà bóc từng tờ lịch, rồi xếp lại thật cẩn thận trong ngăn tủ quần áo của mình. Cho đến một hôm, khi mà lốc lịch đã vơi đi rất nhiều và trong tủ những tờ lịch con con in bằng loại giấy đen xấu đã đầy vung, thì nó quyết định đem ra nhờ mẹ đếm giùm. Nhưng lúc ấy, Mẹ chỉ ôm Nhân vào lòng mà khóc nức nở.

Sau đó không lâu, ngôi nhà nhỏ bé của ba mẹ con Nhân bị các chú bộ đội giành lấy. Họ đã đưa mẹ con Nhân cùng hàng ngàn người khác lên một vùng đồi núi khô cằn để sinh sống. Thế là Nhân không còn được đi học mà phải ngày hai buổi ra đồng với mẹ. Còn các chú bộ đội thì chẳng “hiền” như những gì mà Nhân đã được học tại thành phố. Hằng ngày, trong các buổi lao động, bên cạnh những rừng cờ và biểu ngữ giăng đầy, là từng toán các chú bộ đội, đứng la hét, ra lệnh cho mọi người làm việc. Người lớn còn sợ các chú, thì huống chi là đám con nít như Nhân.

– Anh Nhân ơi ! em đói bụng quá à! giọng rên rỉ của con Hậu làm cắt ngang dòng hồi tưởng trong Nhân.
– Ăn với uống cái gì mà giờ này còn đòi ăn? Nhân cằn nhằn: mày cứ luôn lộn xộn đủ chuyện. Tuy nói vậy Nhân vẫn lòm còm bò vào trong góc của tấm bạt cao su thấp lè tè mà lục tìm thức ăn. Hậu phụng phịu nhìn theo Nhân. Tấm thân nhỏ bé của nó cuộn tròn trong chăn thích thú, lắc lư chờ đợi Nhân trở ra với một mẩu cơm cháy trên tay. Vừa trông thấy vậy, con Hậu đã vùng vằng hất văng miếng cơm cháy rơi tỏm xuống sông
– Ự.! Hậu hổng thèm đâu ! Cứng thí mồ hà! Hậu giảy nảy lên.

Nhân giật mình trước phản ứng bất ngờ của Hậu.
Nó luyến tiếc nhìn theo miếng cơm cháy đang chìm dần trong sóng nước đen ngòm. Bất thần, Nhân xoay sang tát mạnh vào má con Hậu:
– Đồ hư ! mày không ăn thì thôi, tại sao lại quăng đi? Mày biết mày đã làm gì không hả?
Bị đánh đau, con Hậu khóc ré lên, rồi kêu Mẹ luôn miệng. Phần Nhân thì vẫn chưa nguôi cơn nóng giận. Phần cơm cháy còn có chút xíu để dành cho Mẹ tối về ăn, thương Hậu, cho nó một tí, thế mà nó lại đem quẳng đi. Nghĩ đến đó, Nhân lại không kèm lòng được, đánh cho con Hậu thêm một cái, làm con bé té sấp lên đống mền rách. Đau quá, Hậu khóc oà lên:
– Mẹ Ơi ! anh Nhân đánh con đau quá nè mẹ Ơi ! hu hu

Nhân còn định đánh tới, nhưng nó chợt khựng tay, bối rối khi nhìn lại con Hậu.

Hậu đã tám tuổi rồi nhưng lại ốm tong, ốm teo không thua gì một đứa trẻ vừa lên năm, lên sáu. Trước giờ,Nhân thương em lắm. Hễ lấy được tiền sau khi đổi những mảnh bao ny lon mà suốt cả ngày nó đã tìm được, Nhân đều giành ra một ít để mua kẹo dừa cho em ăn. Mẹ nó thường nói, khi nó còn ở tuổi như con Hậu, nó sung sướng hơn Hậu nhiều. Câu nói này và lời dặn dò trước khi đi của ba, Nhân luôn ghi nhớ trong lòng. Hằng ngày, nó phụ mẹ chăm sóc cho Hậu thật chu đáo. Mẹ bảo, Nhân đã thành người lớn rồi. Nghe mẹ khen vậy, Nhân vui thích lắm và luôn lấy làm tự hào về cái vai trò “quyền huynh thế phụ” của nó.

Một dạo, khi ba mẹ con còn ở trên vùng kinh tế mới, có một đêm, một bộ đội chủ nhiệm xông vào nhà, kiếm chuyện vật lộn với mẹ. Mặc dù bị đạp đau ê ẩm cả người, Nhân vẫn cố ghì chặt lấy chú bộ đội chủ nhiệm mà la lên cầu cứu xóm giềng. Đến lúc, nó trông thấy mẹ bị chú ấy xé toạt áo, nó đã không còn màng chi đến cơn đau, cuống cuồng lao vào cắn một phát thật sâu trên tay gã.

Gã chủ nhiệm đau quá, vội buông mẹ nó ra rồi quật cho nó một cú như trời giáng. Đầu Nhân bị va mạnh vào cạnh bàn. Nó chỉ kịp la lên một tiếng kinh hãi rồi ngất lịm đi. Trên trán nó, dòng máu đỏ tuôn ra xối xả. Thời may, đó cũng là lúc vài người lân cận chạy sang. Cho nên, tên cán bộ chủ nhiệm liền chuồn mất ngay. Vài ngày sau, Mẹ con Nhân cùng vài người bỏ trốn cái vùng kinh tế mới ghê rợn đó mà phiêu bạt lên thành phố, để rồi phải tiếp tục sống trong cảnh màn trời chiếu đất.

Đến nay, vết thương trên đầu Nhân đã trở thành một vết sẹo dài. Nó luôn cảm thấy tự hào về vết sẹo ấy và luôn cho rằng: chính vết sẹo trên đầu của nó là một bằng chứng cho việc “làm đàn ông”

Nghĩ đến đây, lòng Nhân chợt mềm nhũn lại. Nó cất giọng nhỏ nhẹ, cầu hoà với Hậu:
– Anh xin lỗi mày nghen Hậu !

Hậu vùng vằng. Nhân mỉm cười. Nó đã rành cái tánh của con Hậu lắm rồi. Tuy là nhỏng nhẻo vậy nhưng rất dễ nguôi nguây. Cho nên, Nhân lại vỗ về:
– Anh xin lỗi mày mà! Ai bảo Hậu vứt cơm làm chi! thôi đừng giận anh nữa há, ngày mai anh mua kẹo đậu phộng cho Hậu ăn há!

Nghe vậy, con Hậu ngưng khóc, phụng phịu gật đầu.
Nhân bèn ngồi xuống bên cạnh em:
– Hậu phải ngoan thì mai mốt ba về ba mới thương Hậu nhiều, biết chưa?
– Sao ba đi đâu mà lâu về quá vậy anh Hai? Con Hậu nghe vậy liền lên tiếng hỏi. Cái giọng vẫn còn sụt sịt và nước mắt, nước mủi vẫn còn tèm nhem. Thấy vậy, Nhân vội lấy chiếc khăn rằng, vò vò trong mưa rồi lau mặt cho em.

Nó tỏ ra thật ân cần, trìu mến, làm cho con Hậu thích thú, ngồi im. Lau cho em xong, Nhân ngắm nhìn gương mặt ngây thơ của Hậu mà cười nói:
– Ừm.., bây giờ trông Hậu giống y như búp bê đó nghen !
Hậu nhìn Nhân cười toe toét, lộ ra hàm răng sún ngộ nghỉnh. Nhân cố lấy giọng nghiêm nghi.
– Hậu phải ngoan thì ba về mới thương Hậu nhiều. Bây giờ Hậu nghe lời anh ngủ đi nghen.

Nhân kéo chăn đắp cho em rồi nhìn cơn mưa bên ngoài mà lòng lại chợt lo âu cho mẹ Hôm nay, mẹ về trễ quá. Trời lại mưa to. Trong lòng Nhân cứ phập phồng, cho nên nó cố bó gối ngồi chờ đợi
– Anh Hai ơi ! tại sao mình không về nhà hở anh? Con Hậu lại lên tiếng hỏi.
– Ừm.., thì tại tụi bộ đội nói mình là “ngụy”. Tụi nó lấy nhà của mình, không cho mình ở nữa. Nhân trả lời y như lời mẹ nó thường nói.

Hậu lặng im suy nghĩ một lát rồi lại hỏi:
– Ngụy là gì vậy anh Hai? Ngụy với bộ đội ai ác hơn ai hả anh hai?
Nhân bực tức gắt gỏng:
– Tụi bộ đội nó ác quá chừng Hậu cũng đã thấy lúc trước tụi nó hay đánh mình đó, và còn ăn hiếp mẹ nữa đó. Hậu hông nhớ sao mà còn hỏi. Còn Ngụy là… Nhân vò đầu, nghĩ mãi hông ra nên buộc miệng cho qua chuyện: thì Ngụy là .. ngụy đó ! nhưng ngụy hiền hơn nhiều
– À hén! Hậu ngây thơ gật gù. Nhân tỏ ra vẻ hiểu biết nói tiếp: Ngụy với bộ đội đánh nhau dữ lắm đó, nhưng bộ đội chơi ăn gian nên ngụy mới thua thôi.
– Tụi nó ăn gian ra sao vậy anh Hai?

Nhân cắn môi suy nghĩ. Nó không biết trả lời ra sao, vì hằng ngày đi lăn lốc ở các hang cùn, ngỏ hẹp, Nhân nghe người ta hay nói bọn giải phóng “điếm” lắm, nhưng không ai dám giải thích cho nó biết điếm ra sao. Bí lối, Nhân đành trả lời bừa:
– Thì chơi ăn gian có nghĩa là chơi lụi, chơi không đàng hoàng, điếm thúi, cà chớn, mánh mung như thằng Sỏi hôm nọ xí gạt mày lấy viên bi trái khế đó.

Hậu à ra một tiếng tỏ vẻ đã tham hiểu, rồi lại thắc mắc:
– Nhưng đánh nhau thì có thể làm huề với nhau mà. Cũng như hôm nọ đó, Hậu đánh nhau với con Mười đó, Hậu ghét nó, hông thèm nhìn mặt nó. Nhưng rồi bây giờ hai đứa lại chơi với nhau rồi đó
– Ây cha, mày ngu quá đi Hậu à! ngụy với bộ đội khác mày với con Mười xí xọn đó chứ.

Nhỏ Hậu nghe Nhân kêu con Mười là con Mười xí xọn khoái quá nhăn miệng cười híp cả mắt. Nhưng chợt nhớ ra, nó lại hỏi Nhân:
– Còn ngụy thì sao anh Hai?
– Ngụy hả ờ, ai cũng thích ngụy hết trơn. Điều này thì Nhân biết chắc, vì rằng, lang thang ở mọi nơi, nó đều nghe bà con thầm thì luyến nhớ về cái xã hội bị cho là “ngụy”
– Vậy sao hông ai thích mình hết vậy? Mình cũng là ngụy mà !

Nhân chợt buồn buồn:
– Tại mình nghèo! mà thôi, Hậu hỏi chi nhiều quá, ngủ đi.
– Sao anh Nhân không ngủ đi? Anh chờ mẹ à ?
– Ừ… ! Hậu ngủ trước đi mà

Trả lời xong, nó lại cảm thấy buồn lâng lâng. Bắt chước mẹ, nó thở dài ra thật chậm rãi. Mỗi khi mẹ nó lo buồn, nó đều thấy bà luôn thở dài. Nó nghĩ điều này sẽ giúp cho nỗi buồn qua đi mau chóng. Nhưng sự thực, nó lại chẳng thấy vui hơn một tí nào cả.
– Anh Hai nè!
– gì ha?
– Ngày mai anh đi làm về sớm nghen
– Chi vậy?
– Để chơi với Hậu đó mà
-…
– Nghen anh! con Hậu tha thiết năn ni?
– Ừ, ngủ đi
– Anh hứa đó nghen
– Ừ hứa mà! ngủ đi! Nhân khẻ gắt lên.
– Sao anh không ngủ! Mẹ hông cho anh thức khuya đâu!
-…
– Hay là anh nằm xuống đây nè, rồi đắp mền vào cho đỡ lạnh.

Nhân miễn cưỡng đặt mình xuống cạnh con Hậu. Nó cẩn thận đặt khuôn bánh inh vừa mua lúc chiều lên trên ngực. Đấy sẽ là món quà giáng sinh mà nó tặng cho mẹ.

Đôi mắt Nhân mở thao láo, nhìn lên khoảng đen mù mịt của gầm cầu. Trên đó, mưa đã tạnh dần. Thỉnh thoảng, tiếng động cơ và tiếng xé nước của một chiếc xe vút qua nghe thật buồn bã.
– Anh Nhân nè! Hậu vừa vân vê một lọn tóc vừa hỏi
– Gì nữa!
– Ở đời này có tiên hông anh?
– Hỏi vớ vẩn ngủ đi! Nhân quát khẻ. Con Hậu vẫn thì thào
– Phải chi bây giờ có ông Tiên hiện ra như trong truyện Tấm Cám. Anh biết em sẽ ước chi hông nè?
– Ước cái chi? Nhân hỏi bâng quơ.
– Ước cho ba về liền nè. Ước cho mình có nhà nè. Ước cho mọi người ai cũng thương mình nè. Ước cho anh Hai với Hậu lại đi học tiếp rồi cho con Mười cái con búp bê mà nó thích.
Cho em…
– Mà nè..! nếu ông tiên chỉ cho Hậu một điều ước thì thôi sao? Nhân cắt ngang.
– Ừm..thì ..thì..em ..Con Hậu phân vân một chút rồi đáp đại:
mà chắc ông tiên thương mình cho mình nhiều điều ước mà!
– Thật không?
– Thật chứ ! Mẹ nói ông tiên hiền lắm. Hiền ơi là hiền luôn vậy đó
– Vậy nếu ổng chỉ cho ước ba điều như chuyện mẹ kể thì sao? Hậu sẽ ước cái gì?
Chần chừ một lát rồi Hậu lắc đầu:
– Em cũng không biết nữa. Để lát nữa em hỏi mẹ nha!
Rồi nó lái câu chuyện sang hướng khác.
– Anh Hai nè! giáng sinh thì người ta thường làm gì hả anh Hai!

Nhân phì cười, rồi chợt nhớ đến cái giáng sinh cuối cùng của nó khi còn ba bên cạnh. Năm đó, Hậu còn bé tí nên đâu có biết chi. Sau này, bị đưa đi kinh tế mới, đời sống cơ cực nên ba mẹ con đâu còn những buổi giáng sinh đầm ấm nữa.

Nghe Nhân kể về những buổi lễ giáng sinh, Hậu thích thú lặng im lắng nghe, rồi vổ tay reo lên:
– Hèn chi! hôm nay anh Hai mua bánh inh để làm quà cho me.
Nhưng rồi, Hậu lại giãy nãy lên:
– Còn quà của em cho Mẹ đâu! anh Hai xấu quá đi!
Nhân thở dài:
– Hôm nay, anh lấy được có hai chục đồng thôi! cho nên mua cái bánh inh này cho Mẹ Hậu đừng lo, Nhân giơ chiếc bánh lên cho em xem rồi tiếp: cái bánh này là quà giáng sinh của hai anh em mình giành cho mẹ mà!
Hậu tủm tỉm cười nghe anh nói thế. Chợt nó ngước mặt nhìn Nhân hỏi như reo lên:
– Anh Hai nè, nếu không có tiên thì có ông già Nô En không? Em nhớ mẹ kể là mỗi lần Nô En, có ông già chui qua ống khói đem quà tặng cho trẻ em. Phải chi mà mình có nhà, có cái ống khói, chắc chắn ông già Nô En sẽ đến há anh Hai há.

Nghe Hậu nói thế, đôi mắt Nhân chợt sáng rực lên. Nó vội vã choàng dậy, lò mò bò tới cái túi vải bố đen đủi dùng để chứa các bao nylon nó nhặt hằng ngày. Loay hoay một chút, Nhân đã trở ra với một con búp bê nhỏ bằng hai gang tay của nó. Đó là con búp bê bằng nhựa màu hồng, mang hình một cô bé duyên dáng trong chiếc áo đầm đã sờn rách vài chổ.
Tóc của cô bé búp bê cũng lòa xòa, rụng vài nơi. Nhưng khuôn mặt có đôi mắt tròn xoe, vẫn còn cái nét dễ thương, nhất là ở đôi môi nở ra nụ cười be bé.

Đón lấy con búp bê từ tay Nhân, Hậu sung sướng bật ngồi dậy ôm chầm xuýt xoa:
– Đẹp quá! Đẹp quá à! Anh Nhân lượm ở đâu vậy?
Nhân cười hớn hở khoe:
– Của ông già Nô En cho mày đó.

Xmas Dec 17 - 2013 (2)Hậu ngơ ngác nhìn quanh như tìm kiếm ông già Nô En. Chắc là ông già Nô En đã đến khi mà nó đang ngủ say lúc nãy.
Bằng không thì làm sao nó có được con búp bê để bồng trong tay sung sướng như bây giờ. Nhân nhìn em giảng giải cùng giọng vui thích:
– Khi nãy anh mang bao ny lon lại chổ chú thím Bảy để đổi tiền. Trước khi ra về, chú Bảy có cho anh ăn cái bánh ít và đưa anh con búp bê này nói rằng quà của ông Nô En tặng cho mày đó.
Hậu cười toe toét ôm búp bê vào lòng đu đưa ra chìu như người mẹ ru con. Nó lẩm bẩm:
– Cám ơn ông già Nô En nhạ Con thích lắm.

Nhân lặng lẽ trở về chổ nằm của nó. Nó đã dối Hậu.

Câu chuyện không phải như nó kể. Lúc chiều này, nó quả có gặp ông già Nô En. Nhưng đó chỉ là một già Nô En bằng hình vẽ của các ông thợ chụp ảnh dạo mà thôi. Tuy vậy, nó đã đứng nhìn ngắm hình ông già Nô En thật lâu. Nó ao ước phải chi nó và con Hậu có trong cái hàng người đang đứng đợi để được chụp ảnh cùng ông già Nô En. Rồi nó nhìn đến những thùng quà đủ cỡ, đủ màu sắc rất hấp dẫn bày ra cạnh đó. Nó thèm có được một món quà lắm. Cái ý nghĩ đó cứ lởn vởn trong đầu Nhân cho đến lúc nó đến giao bao nylon cho chú thím Bảy, nó đã không kèm lòng được. Nó đã trông thấy trong một thùng đựng các đồ nhựa phế thải, một con búp bê nằm trơ trỏng. Con búp bê nhìn nó với đôi mắt hiền lành. Con búp bê giơ hai cánh tay ra như muốn nó đón lấy. Con búp bê nằm cạnh các vỏ chai nhựa tội nghiệp. Con búp bê làm nó nghĩ đến Hậu, em của nó. Đếm lại số tiền mà nó thu được của ngày hôm nay, nó buồn rầu nhận ra sự ít ỏi đó.

Số tiền giành cho những bữa ăn cần thiết hơn là cho con búp bê. Nhưng, cái ý nghĩ về món quà càng lang rộng và thêu dệt thêm trong đầu nó thành những hình ảnh tưởng tượng nhưng đoan chắc sự thích thú của Hậu nếu có trong tay con búp bê ấy. Do vậy, nhận tiền xong, khác với mọi hôm, Nhân không ra về ngay mà cứ chần chừ đứng nán lại. Tiệm thu mua ve chai của chú thím Bảy càng lúc bàng bận rộn hơn. Không còn ai chú ý đến Nhân. Nó bước lại sát cạnh cái thùng ấy. Con búp bê vẫn nhìn nó như lời kêu gọi “hãy mang tôi về nhà ngay đi”.

Nhân đáo mắt nhìn quanh. Mọi người vẫn bận rộn. Tim nó đập nhanh. Đầu óc nó căng thẳng, bối rối giữa lời mẹ dạy và ý nghĩ về món quà cho đứa em gái. Nó mím môi. Tay nó chợt lạnh, chợt run khi những ngón tay dơ bẩn của nó chạm vào con búp bê. Nó cầm lên. Dường như là nín thở. Con búp bê nhoẻn miệng cười cùng nó. Người chung quanh chẳng ai nhìn thấy nó. Nhưng chợt gương mặt đôn hậu của mẹ nó hiện ra trong tâm trí. Gương mặt đó hiện ra to lớn hơn. Nét mắt dịu dàng, đầy tình thương nhìn nó bao phủ lấy nó. Mẹ đang nhìn nó đó. Nhân sợ hãi đặt nhanh con búp bê trở về chổ cũ, lúng túng đỏ mặt hệt như đã bị bắt gặp.

Hậu lại kêu lên:
– Thôi em buồn ngủ nữa rồi! anh nhớ kêu em dậy khi Mẹ về.
– Ừ, được rồi, ngủ đi!
Hậu ngoan ngoãn chui trở vào tấm chăn rách với con búp bê ôm chặt trong lòng. Chẳng mấy chốc, tiếng ngáy nho nhỏ của Hậu đã reo lên đều đặn.

Nhân cũng nằm xuống cạnh bên em. Nó kéo chăn trùm lên người cho đỡ lạnh rồi trở mình xoay mặt nhìn ra những giọt mưa lất phất bên ngoài, qua một lỗ rách trên chiếc chiếu.

Ở tuổi như Nhân, như Hậu, cuộc đời đã sớm phủ lên chúng bằng những đau thương ê chề. Sự thật thì Nhân và Hậu sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại ba của chúng nữa. Cái chết trong tù của ba, mẹ Nhân còn giữ kín. Đó là cơn đau thầm lặng qua từng giòng nước mắt lã chã mỗi khi nghe Nhân hay Hậu hỏi đến người ba tội tình kia. Đời lại đặt Nhân vào bối cảnh của những bất công, những oan uổng mà lý ra ở tuổi của Nhân là một điều quá sớm. Nhưng Nhân không học sự thù hằn.

Mẹ nó vẫn dạy cho nó cách sống của một con người phải nên sống. “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”, hoặc câu ca dao mà nó rất thích “Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng. Nhụy vàng, bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Lời căn dặn sau cùng của ba khiến cho Nhân sớm sống như một người “đàn ông”, lời ru ngọt ngào của Mẹ dạy cho Nhân cái gốc con người không phải ở giàu hay nghèo, mà là ở con tim khối óc biết cư xử hợp tình, hợp lý. Chính thế, Nhân đã đặt con búp bê trở lại trong cái thùng đồ nhựa phế thảy. Tuy buồn vì không có quà cho em, nhưng lòng Nhân an ổn. Trái tim nó khỏ nhịp an lành. Khi Nhân toan ra về, chợt thím Bảy nắm lấy tay Nhân kéo lại:

– Con thích con búp bê đó à?
Nhân lúng túng, cúi gầm đầu xấu hổ không thể trả lời. Thím Bảy cất giọng dịu dàng hơn.
– Con đem con búp bê đó về đi! Thím cho con đó.

Nhân càng thêm bối rối. Nó chợt rươm rướm nước mắt, rồi thuật lại tâm trạng của nó lúc nhìn ông già Nô En. Nghe xong, thím Bảy mỉm cười cầm con búp bê đặt vào tay nó dặn dò:
– Con đem về cho bé Hậu và nói với nó đây là quà Nô En của ông già Nô En cho nó. Rồi thím Bảy còn đưa cho Nhân một cái bánh ít. Lòng Nhân sung sướng như bay bổng tận mây xanh. Điều đó khiến cho nó quyết định chọn một món quà cho mẹ, và nó đã chọn một cái bánh inh. Khi ấy, Nhân chợt tin tưởng mãnh liệt vào lời mẹ nó thường răn dạy “Ở hiền gặp lành”.

Cuộc đời cho dù có bạc bẽo, có đắng cay, nhưng có lúc, trong cơn đau chừng như là chất ngất, lại hiện ra một ít tình người, biểu đạt cho thứ hạnh phúc thành hình từ quặn xiết thịt da, vắt ra nước mắt tưới cho một nụ cười mãn nguyện. Dù chỉ là phút giây ngắn ngủi, dù chỉ là một hạnh phúc bé nhỏ, nhưng chân thật đó, chỉ có những kẻ như Nhân mới hoàn toàn sung sướng cảm nhận được mà thôi.

Nhân lại buông một tiếng thở dài. Hơi thở không còn cưu mang nỗi nặng nhọc của một tâm hồn trẻ con sớm biết buồn, mà còn như trút ra chút hài lòng đơn sơ cho một cuộc sống bần cùng vì nghiệt oan của thời đại, chợt tìm ra tí an ủi của tình thương từ những người bần cùng như nó. Bên cạnh Nhân, Hậu đã ngáy đều. Riêng Nhân, nó cũng dần dần chìm vào trong giấc ngủ. Trên tay nó, chiếc bánh inh nhân đậu xanh tỏa ra mùi thơm nhè nhẹ lang khắp.

Mưa đã tạnh. Ánh sáng của ngọn đèn đường mập mờ trên mặt sông vàng vọt, chập chờn, nhấp nhô lên xuống đều đặn. Xa xa, văng vẳng tiếng chuông giáo đường chậm rãi ngân lên.

– Hết –

Hoàng Vi Kha
Nguồn: Dũng Lạc

Xmas 2013 (4)Nước mắt mùa Đông

Thinh thoảng vẫn còn vài chiếc lá sót lại rơi lạc lõng mặc dù trời đã vào Đông. Bầu trời nắng đục. Se lạnh. Man mác buồn. Có chút lãng mạn thi sĩ sẽ thấy chất thơ quanh đây cơ man mà kể. Hơi lạnh như ướp vạn vật cứng lại. Sương đọng thành giọt rơi xuống nghe rõ mồn một đủ làm rạn nứt sự yên tĩnh ban mai. Căn nhà lúc này trở nên hoang vu hơn. Thục Nhi dậy sớm để học bài. Trời chưa sáng rõ. Cố tập trung ôn bài mà chữ nghĩa cứ chạy nhảy lung tung.

Cả tháng nay mẹ đi suốt ngày, có khi mãi khuya mới về. Mẹ ăn diện khác thường, đã vậy lại chẳng mấy khi ăn cơm nhà. Mẹ thường đi với người đàn ông trạc tuổi mẹ. Cặp kính cận khiến ông tăng thêm vẻ nghiêm nghị, chững chạc. Có hỏi, mẹ chỉ trả lời vòng vo, rào trước, đón sau, có khi lại gắt gỏng. Vẻ dịu dàng ngày xưa đột nhiên biến mất. Chưa bao giờ mẹ la rầy nặng lời, thế mà… Trời ơi! Không lẽ lời đồn đại về mẹ lại là sự thật? Thục Nhi không dám tin.

Trời sáng dần. Có tiếng bước chân người. Thục Nhi biết là ai nhưng vẫn ngồi bất động. Vẻ trầm tư chưa rời khỏi Thục Nhi.

– Nè, đi học chứ cô nương. Học gì mà say sưa quá vậy? – Châu Ly liến thoắng.

Thục Nhi thản nhiên:

– Coi lại đề thi năm trước. Nhà ngươi đợi ta một chút.

Châu Ly nôn nóng:

– Lẹ đi. Hôm nay thi môn cuối quan trọng đó. Lo quá! Văn ta dốt đặc cán mai, đâu như ngươi văn chương đầy mình.

– Ai mà không lo. Có điều là lo cũng đến vậy. Ai nghi ngờ sẽ thất bại đó nha.

Châu Ly hơi nhún vai:

– Biết vậy mà lo vẫn cứ lo.

Thục Nhi trầm tính hơn Châu Ly. Như hai thái cực, thế mà hai người như hình với bóng, không lúc nào có người này lại thiếu người kia.

Sau khi ba mất vì một căn bệnh trầm kha, Thục Nhi theo mẹ đi xa. Con bé 10 tuổi đầu chưa hiểu nhiều. Hoàn cảnh đã tạo nên một Thục Nhi trầm lặng, thích dạo bước dưới hàng cây vào buổi chiều. Châu Ly vẫn gọi Thục Nhi là cô bé trầm tư. Kẻ hoạt động, người trầm mặc. Nhưng giữa đôi bạn lại có mối đồng cảm, một sức hút như nam châm. Thời gian là yếu tố quan trọng đối với tình bạn. Hiểu được nhau thì mới thương nhau hơn. Đúng như A. Manzonic nói: “Một trong những hạnh phúc lớn nhất trên đời là tình nghĩa kim bằng, và một trong những hạnh phúc của tình bạn là có người để gởi gắm một điều bí mật nào đó”.

oOo

Thục Nhi vừa ăn cơm tối xong thì đồng hồ cũng vừa điểm 7 tiếng. Dọn dẹp xong, lên nhà trên, Thục Nhi đã thấy Châu Ly ngồi đó từ lúc nào rồi. Thục Nhi lẳng lặng chuẩn bị. Không cần nói với nhau khi tình bạn đến độ “chín muồi”. Dĩ nhiên khó có thể tìm được một tình bạn tri âm như vậy.

Trên đường, các quán mở vang những ca khúc Noel êm dịu, sâu lắng. Phố xá nhộn nhịp khác thường. Hai cô bé vào khuôn viên giáo đường rực sáng những ánh điện tỏa ra từ những lồng đèn ngôi sao. Người như nêm trong những trang phục lộng lẫy, sang trọng. Đêm giáng sinh được mệnh danh là đêm an bình và hạnh phúc. Người người phấn khởi mặc vẻ thánh thiện. Giáo xứ nhỏ, nhưng năm nào cũng vậy, hoạt cảnh giáng sinh được diễn ra trong tiếng nhạc du dương, réo rắt, thánh thót. Hang đá lấp lánh ánh điện rực rỡ sắc màu. Một hài nhi mũm mĩm nằm nhìn lên cha mẹ. Một gia đình hạnh phúc quá!

Tuy là mùa Đông nhưng thời tiết miền Nam không lạnh giá, chỉ se lạnh một chút cho đủ cảm nhận đêm Noel. Đông người vẫn làm người ta cảm thấy ngột ngạt hơi nóng. Hai cô bé ra ngoài cho thoáng, đợi đến giờ hành lễ mới vào lại. Một thức uống là nhu cầu lúc này.

Hai cô bé vừa bước vào quán nước, bước ra từ trong ánh điện chớp nháy mờ ảo là một người đàn ông đeo kính khoác tay một người đàn bà trong chiếc đầm hồng với chiếc túi xách quen thuộc. Thục Nhi nhìn theo. Choáng váng. Thục Nhi quỵ xuống bậc thềm. Châu Ly hoảng hốt:

– Sao vậy, Thục Nhi?

Đứng dậy nương theo Châu Ly, Thục Nhi nói:

– Chóng mặt quá!

– Nhà ngươi trúng gió rồi.

– Không sao đâu. – Thục Nhi lắc đầu, nói nhanh.

– Xin dầu cạo gió cho nhà ngươi nha.

– Ta nói không sao mà.

Châu Ly nhanh nhảu:

– Ăn chè?

– Cũng được. – Thục Nhi hờ hững nói theo.

Uể oải đưa muỗng chè lên miệng, Thục Nhi ngồi thừ người ra như phỗng đá. Châu Ly tưởng Thục Nhi trúng gió thật nên để bạn ngồi nghỉ. Thục Nhi ngả người vào ghế, lim dim,…

o0o

“Đêm Đông lạnh lẽo …”

Lời ca trầm bổng, khoan nhặt. Thục Nhi dù đang trĩu nặng mà cõi lòng vẫn chắp cánh bay bổng theo khúc hát ngân vang. Từ nay, từ đêm giáng sinh này, bao hình ảnh đẹp về mẹ bỗng thay hình đổi sắc, mơ ước như mất đi đôi cánh. Thục Nhi nâng lòng lên cho nhạc lòng cũng cao cung vượt trên những cơn bàng hoàng. Cô bé chợt thấy mình trưởng thành, trưởng thành hơn ngay trong đống xà bần mơ ước của mình.

Mùa Đông không đủ làm Thục Nhi giá lạnh mà lại cảm thấy ấm nóng bằng những giọt nước mắt trôi đi nỗi hờn giận mẹ. Mẹ ơi! Một khoảng cách không xác định giữa mẹ và con đã hình thành. Con không giận mẹ đâu. Nhưng mẹ ơi, con thấy như con đã mất điều gì quý giá và thiêng liêng nhất.

oOo

Thục Nhi nằm mê man. Thinh thoảng gọi mẹ trong cơn mê sảng. Vừa thấy Thục Nhi mở mắt, Châu Ly liền khẽ gọi:

– Thục Nhi, khỏe nhiều chưa?

Thục Nhi thắc mắc việc mình nằm ở đây. Châu Ly kể lại đêm qua. Xong lễ nửa đêm, khi ra đường về nhà thì Thục Nhi bị tai nạn, mất máu nhiều. Nếu mẹ không tiếp máu thì Thục Nhi khó được cứu sống. Thục Nhi khăng khăng không tin. Châu Ly ôn tồn:

– Đó là sự thật. Không tin là quyền của mày. Không người mẹ nào lại không thương con mình. Sự hối hận luôn là sự muộn màng. Tùy mày. Tao không biết nói sao hơn khi mày không tin sự thật.

Thục Nhi nôn nóng và bật khóc:

– Nhưng…

– Mày cứ khóc cho vơi nỗi lòng. Đôi khi người ta cũng cần khóc để rửa sạch vết buồn.

Ngừng một lát, Châu Ly nói tiếp trong khi Thục Nhi vẫn thút thít:

– Biết mày đang giận nên bác gái lánh mặt lúc này và nói tao đừng cho mày biết ai đã cho máu. Có người mẹ nào không buồn khi thấy con cái hiểu lầm và đối xử với mình như thế?

Có tiếng mở cửa. Mẹ Thục Nhi bước vào. Gương mặt bà tái nhợt với vẻ đuối sức.

– Thục Nhi, con khỏe rồi chứ? Mẹ lo cho con quá!

– Mẹ. – Cô bé nghẹn ngào.

Bà ngồi xuống bên cạnh vừa vuốt tóc con gái vừa âu yếm:

– Nín đi con. Ngày nào đó con sẽ hiểu lý lẽ của trái tim và tình mẹ.

– Con xin lỗi mẹ.

Bà nựng con gái:

– Khờ quá, chó con ơi!

Những giọt nước mắt nồng ấm. Ngoài kia nắng nhẹ nhưng chan hòa làm tan băng giá mùa Đông. Cõi lòng ai cũng ấm áp tình thương yêu kỳ diệu. Căn phòng nhỏ tràn ngập an bình và hạnh phúc. Bà vừa cười vừa nói:

– Châu Ly, con cắt bánh để ăn Réveillons thay đêm qua đi!

Thục Nhi vui vẻ:

– Dạ.

Thục Nhi thấy lòng mình thực sự bình an trong hạnh phúc vì có mẹ. Thục Nhi thầm nghĩ: “Ba mất lâu rồi, mình cũng lớn rồi, và mẹ cũng có quyền tìm hạnh phúc cho mình. Đó là chuyện đời thường. Mình không có quyền ích kỷ với mẹ”. Thục Nhi vừa cắt bánh vừa mỉm cười…

Viễn Dzu Tử

Nguồn: Lam Hồng

Bao Thư Trắng Mùa Giáng Sinh

Có một điểm lạ lùng khác thường trên cây Giáng Sinh của gia đình Lan. Đó là một bao thư nhỏ màu trắng nhét giữa cành lá, không tên tuổi, không dấu hiệu chi hết. Nó đã nằm trên cây đó cả chục năm nay.

Câu chuyện bắt đầu với Tâm, chồng của Lan. Chàng rất ghét Giáng Sinh không phải vì ý nghĩa chân thật của nó, nhưng ghét cái bộ mặt thương mại của mùa Giáng Sinh….. tiêu xài hoang phí, vội vã cuống quít vào phút chót chạy đi tìm cái cà-vạt cho ông chú, và hộp phấn cho bà ngoại, những món quà trao tặng cách… dồn dập vào đường cùng vì không nghĩ ra được cái gì khác. Lan biết ý chồng nên có một năm nàng quyết định bỏ qua thói lệ thường: áo sơ mi, áo len, cà-vạt…. Lan dự định một món quà ngoại lệ đặc biệt cho Tâm. Ơn soi sáng đến với Lan trong một trường hợp khác thường.

Năm đó Tuấn, con trai của Tâm và Lan, lên 12 tuổi, đang ở trong đội đô vật của trường trung học sơ cấp. Gần ngày Giáng Sinh đội của Tuấn có một cuộc đấu giao hảo với đội đô vật do thành phố bảo trợ, ở đó hầu hết là người da đen nghèo. Khi đến xem cuộc đấu, Tuấn thấy đội bên kia gồm những thiếu niên da đen mặc quần áo rách rưới nghèo nàn. Họ đi giầy thể thao tả tơi đến nỗi coi như chỉ có dây giầy là chỗ không bi rách. Ngược lại, đội của Tuấn mặc đồng phục xanh và vàng, đi giầy đô vật mới toanh, sáng chói. Khi cuộc đấu bắt đầu, Lan chợt giật mình vì đội bên kia chơi đô vật mà không đội mũ che đầu và tai. Có lẽ đó là thứ xa xỉ phẩm mà đội đô vật kia không dám mơ tới. Dĩ nhiên là đội đô vật của Tuấn nuốt trửng đội kia.

Tâm ngồi xem trận đấu bên cạnh Lan. Sau đó Tâm buồn bã lắc đầu nói:

– Anh chỉ mong ít nhất là người trong đội kia thắng được một trận. Các em trong đội có nhiều triển vọng khá, nhưng bị thua trắng như vậy có thể làm các em đau lòng mất hết tự tin.

Tâm rất yêu thương và hiểu biết tuổi trẻ, vì đã từng giúp huấn luyện nhiều đội banh cho foofball, baseball cho trẻ em. Khi nghe Tâm bày tỏ nỗi lòng như trên, ý tưởng tặng cho Tâm một món qùa Giáng Sinh khác thường đến với Lan

Chiều hôm đó Lan đi đến tiêm bán đồ thể thao trong phố và mua đủ loại mũ an toàn cho môn đô vật cùng nhiều đôi giầy. Lan gởi những món qùa này đến giáo xứ ở dưới phố mà không cho biết tên. Vào đêm Giáng Sinh, Lan đặt một phong thư trắng trên cây Giáng Sinh, bên trong có tờ giấy Lan viết cho Tâm biết việc nàng đã làm như món quà tặng cho Tâm. Giáng Sinh năm đó và những năm kế tiếp nụ cười của Tâm tươi rói, chiếu sáng hơn mọi ánh đèn và đồ trang hoàng Giáng Sinh. Những mùa Giáng Sinh sau đó, có năm Lan mua vé cho một nhóm trẻ em tàn tật đi xem đấu hockey; năm khác Lan gởi tiền giúp đỡ mấy người già bị cháy nhà….

Bao thư trở thành cao điểm của ngày Giáng Sinh đối với gia đình Lan. Nó luôn là món qùa được mở ra sau cùng vào sáng ngày Giáng Sinh, và con cái của Tâm và Lan bỏ quên cả đồ chơi mói mở để trố mắt chờ bố mở bao thư ra đọc.

Theo năm tháng trôi qua, con cái lớn lên, đồ chơi nhường chỗ cho những món qùa thực tế hơn, nhưng chiếc bao thư vẫn lôi cuốn được sự chú ý. Và câu chuyện vẫn chưa chấm dứt. Tâm đã về với Chúa từ năm trước vì bệnh ung thư. Khi Giáng Sinh về, Lan còn mang nặng nỗi ưu tư, phiền muộn đến nỗi cố gắng lắm nàng mới dựng được cây Giáng Sinh lên. Dầu vậy đêm Giáng Sinh Lan vẫn tiếp tục đặt một phong thư trắng trên cây, và sáng ra lại thấy thêm 3 bao thư nữa. Cả ba người con, không cần hẹn hò, đã tự động nhét một bao thư trên cây Giáng Sinh tặng cho bố. Việc này đã trở thành truyền thống và một ngày nào đó sẽ lan rộng đến đời con cháu. Chúng sẽ tụ tập quanh cây Giáng Sinh, mở đôi mắt tròn xoe chờ đợi những ông bố lấy bao thư từ trên cây và mở ra đọc. Tinh thần của Tâm, cũng như của mùa Giáng Sinh, luôn ở với gia đình Lan.

Lang Thang Chiều Tím sưu tầm