Phật Là Ai?

Đức Phật và Phật Pháp
(The Buddha and His Teachings)
Hòa thượng Narada, 1980
Phạm Kim Khánh dịch Việt, 1998

Đạo Quả Phật

“Các Đấng Như Lai chỉ là những vị thầy”– Kinh Pháp Cú

Đặc Điểm Của Đức Phật

Sau cuộc chiến đấu kỳ diệu phi thường kéo dài sáu năm đăng đẳng, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài và không được sự hướng dẫn của một năng lực siêu phàm nào, đơn độc một mình và chỉ nương nhờ nơi nỗ lực của chính mình, Đạo Sĩ Gotama (Cồ Đàm), lúc ấy ba mươi lăm tuổi, tận diệt mọi ô nhiễm, chấm dứt mọi tiến trình tham ái và chứng ngộ thực tướng của vạn pháp, đã trở thành một vị Phật (Buddha), Đấng Chánh Biến Tri, bậc Toàn Giác. Kể từ ngày ấy, Ngài là Đức Phật Cồ Đàm (Buddha Gotama) [1], một trong chuỗi dài những vị Phật đã xuất hiện trong quá khứ và sẽ xuất hiện trong tương lai.

Không phải khi sanh ra Ngài đã là Phật, mà Ngài trở thành Phật do sự nỗ lực của mình.

Phạn ngữ Buddha (Phật) xuất nguyên từ căn “Budh”, là hiểu biết hay thức tỉnh. Gọi là Buddha (Phật) vì Ngài hiểu biết đầy đủ Bốn Chân Lý Thâm Diệu Cao Quý (Tứ Diệu Đế), và từ giấc mơ vô minh Ngài đã thức tỉnh. Chẳng những hoàn toàn thấu triệt, mà Ngài còn có đủ khả năng truyền bá giáo lý nên cũng gọi là Samma Sambuddha (Chánh Biến Tri, âm là Tam-Miệu Tam-Bồ-Đề) để phân biệt với chư Phật Pacceka (Độc Giác, cá nhân, đơn độc) chỉ thấu triệt giáo lý mà không thể rọi sáng cho kẻ khác, tự giác nhưng không thể giác tha.

Trước khi thành đạt Đạo Quả Phật, Ngài được gọi là Bồ Tát (Bodhisatta) [2], có nghĩa là người có nguyện vọng trở thành Phật.

Người muốn đắc Quả Phật phải trải qua thời kỳ Bồ Tát, một thời kỳ tích cực trau giồi và phát triển những phẩm hạnh: bố thí, trì giới, từ khước (xuất gia), trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, tâm từ và tâm xả.

Trong một thời kỳ chỉ có một đấng Chánh Biến Tri. Cũng như có những loại cây, trọn đời chỉ trổ ra một bông, một hệ thống thế gian (lokadhatu) chỉ có một đấng Chánh Biến Tri.

Đức Phật là chúng sanh duy nhất, là nhân vật hy hữu, chỉ thật lâu mới có thể xuất hiện trên thế gian, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại. Tôn vinh Ngài là “Acchariya manussa” vì Ngài là một con người kỳ diệu lạ thường. Tôn vinh Ngài là “Amatassa data” vì Ngài đã ban bố tình trạng Bất Diệt. Tôn vinh Ngài là “Varado” vì Ngài là người đã ban bố tình thương tinh khiết nhất, trí tuệ thâm sâu nhất và chân lý cao siêu nhất. Cũng tôn vinh Ngài là “Dhammassami” vì Ngài là Pháp Vương, Chúa của Giáo Pháp (Dhamma).

Như Đức Phật dạy, Ngài là:

“Đấng Như Lai (Tathagata), bậc Ứng Cúng (Araham), đấng Chánh Biến Tri (Samma Sambuddha), người đã sanh ra con đường vô sanh, đã sáng tạo con đường chưa được sáng tạo, đã công bố con đường chưa được công bố, người đã hiểu biết con đường, người đã mục kích con đường, người đã nhận thức con đường” [3].

Không có vị thầy nào dạy Đức Phật phương pháp tu học để chứng Đạo Quả Chánh Đẳng Chánh Giác, “Na me acariyo atthi” [4], “một đạo sư, ta không có”, là chính lời của Đức Phật. Ngài có học với những vị thầy để hiểu biết thế gian pháp [5] nhưng để đến tầng siêu thế thì không. Chính Ngài tự lực thành đạt trí tuệ trực giác.

Nếu Đức Phật đã nhờ một vị thầy hay một hệ thống tín ngưỡng nào như Ấn Độ Giáo chẳng hạn — tôn giáo mà Ngài đã trưởng thành trong ấy — để phát triển trí tuệ siêu phàm, thì ắt Ngài không thể tự gọi là “đạo sư vô song” (aham sattha anuttaro) [6]. Trong bài Pháp đầu tiên, Ngài tuyên bố rằng ánh sáng đã rọi rõ cho Ngài trong những việc chưa từng được nghe.

Trong những ngày đầu tiên sau khi xuất gia tầm đạo, Ngài cố tìm đến sự hướng dẫn của những vị thầy lỗi lạc nhất thời bấy giờ, nhưng trong giáo huấn của các vị thầy này không tìm thấy được điều mong mỏi. Tình thế bắt buộc Ngài phải tự mình suy niệm và quay trở vào bên trong để tìm Chân Lý. Và Ngài đã tìm ra Chân Lý bên trong Ngài. Ngài theo dõi đến tận mức thâm sâu nhất của dòng tư tưởng, và chứng ngộ Chân Lý cùng tột, chưa bao giờ từng được nghe và chưa từng được biết. Tuệ giác phát sanh từ bên trong và rọi sáng những sự vật mà trước kia Ngài chưa từng nghe thấy.

Vì Ngài đã thấu triệt tất cả những gì cần được biết và đã nắm được cái chìa khóa mở cửa vào mọi kiến thức, nên tôn Ngài là Sabbannu, bậc Toàn Giác. Đó là trí tuệ siêu phàm mà Ngài đã dày công trau giồi, trải qua vô lượng tiền kiếp.

Phật Là Ai?

Ngày nọ có người theo đạo Bà La Môn tên Dona, nhân khi thấy dấu chân của Đức Phật in dưới cát có những đặc điểm lạ thường, đến gần Ngài và hỏi:

– Phải chăng Ngài là một vị Trời (Deva)?

– Không, quả thật tôi không phải là một vị Trời.

– Vậy phải chăng Ngài là một nhạc công trong cảnh Trời (Gandhabba)?

– Không, tôi không phải là một nhạc công trong cảnh Trời.

– Vậy Ngài là quỷ Yakka chăng?

– Không, quả thật tôi cũng không phải là quỷ Yakka.

– Như thế chắc Ngài là người?

– Không, quả thật tôi cũng không phải là người.

– Vậy, xin cho biết Ngài là ai?

Đức Phật trả lời rằng Ngài đã tận diệt những pháp trầm luân (hoặc lậu), vốn tạo điều kiện để tái sanh vào những cảnh Trời, Gandhabba, Yakka hay cảnh người, và thêm:

“Như hoa sen, đẹp đẽ và dễ mến,
Không ô nhiễm bùn dơ nước đục,
Giữa đám bụi trần, ta không vướng chút bợn nhơ.
Như vậy, Ta là Phật.” 
[7]

Đức Phật không hề tự xưng là hiện thân (avatara) của thần Vishnu, một Thần Linh Ấn Độ Giáo mà kinh Bhagavadgita đã ca ngợi một cách huyền diệu, sanh ra để bảo vệ sự chân chánh, tiêu diệt tội lỗi và để thiết lập và củng cố đạo lý (Dharma).

Theo lời dạy của Đức Phật thì có hằng hà sa số chư Thiên (Deva, cũng gọi là những vị Trời) — cũng là hạng chúng sanh, còn phải chịu sanh tử luân hồi — nhưng không có một Thần Linh Tối Thượng, với quyền lực siêu thế, kiểm soát vận mạng con người, xuất hiện trên thế gian từng lúc, dùng hình thức người làm phương tiện. [8]

Đức Phật cũng không bao giờ tự gọi là “Đấng Cứu Thế” có quyền năng cứu vớt kẻ khác bằng chính sự cứu rỗi của mình. Ngài thiết tha kêu gọi những ai hoan hỷ bước theo dấu chân Ngài không nên ỷ lại nơi người khác mà phải tự mình giải thoát lấy mình, bởi vì cả hai trong sạch và bợn nhơ, cũng đều tùy thuộc nơi chính mình. Ta không thể trực tiếp làm cho ai trong sạch hay ô nhiễm. [9]

Để minh định rõ ràng mối tương quan của Ngài đối với hàng môn đệ và để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện tự mình nhận lãnh trọn vẹn trách nhiệm và tự mình nỗ lực kiên trì, Đức Phật minh bạch dạy rằng:

“Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư.” [10]

Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng sanh tử và thành tựu mục tiêu cứu cánh. Đi trên con đường và theo đúng phương pháp cùng không, là phần của người đệ tử chân thành muốn thoát khỏi những bất hạnh của đời sống.

“Ỷ lại nơi kẻ khác để giải thoát cho mình là tiêu cực. Nhưng đảm đang lãnh lấy trách nhiệm, chỉ tùy thuộc nơi mình để tự giải thoát, quả thật là tích cực.”

Tùy thuộc nơi người khác là đem tất cả cố gắng của chúng ta ra quy hàng.

“Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác!” [11]

Các lời lẽ có rất nhiều ý nghĩa kia mà Đức Phật đã dạy trong những ngày sau cùng của Ngài quả thật mạnh mẽ, nổi bật và cảm kích. Điều này chứng tỏ rằng cố gắng cá nhân là yếu tố tối cần để thành tựu mục tiêu. Tìm sự cứu rỗi nơi những nhân vật hảo tâm có quyền năng cứu thế và khát khao ham muốn hạnh phúc ảo huyền xuyên qua những lời van vái nguyện cầu vô hiệu quả và nghi thức cúng tế vô nghĩa lý, quả thật là thiển bạc và vô ích.

Đức Phật là một người như chúng ta. Ngài sanh ra là một người, sống như một người, và từ giã cõi đời như một người. Mặc dầu là người, Ngài trở thành một người phi thường, một bậc siêu nhân, do những cá tính đặc biệt duy nhất của Ngài. Đức Phật đã ân cần nhắc nhở nhiều lần như vậy và không có điểm nào trong đời sống hoặc trong lời dạy của Ngài để chúng ta lầm hiểu rằng Ngài là một nhân vật vô sanh bất diệt. Có lời phê bình rằng lịch sử nhân loại, không hề có vị giáo chủ nào “phi thần linh hơn Đức Phật, tuy nhiên, cũng không có vị nào có đặc tánh thần linh hơn Đức Phật” [12]

Trong thời Ngài còn tại thế, Đức Phật chắc chắn được hàng tín đồ hết lòng tôn kính, nhưng không bao giờ Ngài tự xưng là Thần Linh.

Tánh Cách Vĩ Đại Của Đức Phật

Sanh ra là một người, sống như một người, Đức Phật thành đạt trạng thái tối thượng của sự toàn thiện, Đạo Quả Phật, do sức kiên trì nỗ lực cá nhân. Nhưng Ngài không dành giữ sự liễu ngộ siêu phàm cho riêng mình mà công bố trước thế gian rằng tâm có khả năng và oai lực bất khuất. Không khi nào tự hào rằng chỉ có Ngài là người duy nhất đắc Quả Phật, vì Đạo Quả Phật không phải là ân huệ đặc biệt dành riêng cho một cá nhân tốt phước nào đã được chọn trước.

Thay vì đặt trên con người một thần linh vạn năng vô hình và cho con người một địa vị khép nép rụt rè, Đức Phật chứng minh rằng con người có thể thành đạt trí tuệ cao siêu và Đạo Quả tối thượng do sự cố gắng của chính mình. Và như vậy, Đức Phật nâng cao phẩm giá con người. Ngài dạy rằng muốn thoát ra khỏi vòng trầm luân phiền não, chính ta phải tự mình gia công cố gắng chớ không phải phục tùng, tùy thuộc nơi một thần linh, hay một nhân vật nào làm trung gian giữa ta và vị thần linh ấy.

Trong thế gian ngã chấp, lấy mình làm trung tâm của vũ trụ và chạy theo quyền thế, Đức Phật dạy chúng ta lý tưởng cao quý của sự phục vụ bất cầu lợi. Ngài chống đối tệ đoan phân chia giai cấp trong xã hội — chỉ làm trở ngại mức độ tiến hoá của loài người — và luôn luôn bênh vực công lý, khuyên dạy bình đẳng giữa người và người. Ngài tuyên bố rằng cánh cửa đưa vào sự thành công và thạnh vượng phải rộng mở cho tất cả mọi người, ai cũng như ai, dầu cao thấp, sang hèn, đạo đức hay tội lỗi, nếu người ấy cố công cải thiện nếp sống, hướng về con đường trong sạch. Ngài nâng đỡ hoàn cảnh của người phụ nữ, lúc bấy giờ bị xã hội khinh thường, không những bằng cách nâng phẩm giá của người đàn bà lên đúng tầm quan trọng, mà còn sáng lập giáo hội đầu tiên trong lịch sử cho hàng phụ nữ. Cũng lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, Ngài đứng lên cố gắng đánh đổ chế độ mua bán người làm nô lệ. Ngài bãi bỏ phong tục đem những con vật xấu số ra giết để cúng tế thần linh và nới rộng tâm Từ, bao trùm luôn cả loài thú.

Không bao giờ Đức Phật cưỡng bách tín đồ phải làm nô lệ cho giáo lý của mình hay cho chính mình. Những ai bước theo dấu chân Ngài đều được tự do tư tưởng. Ngài khuyên dạy hàng môn đệ không nên nhắm mắt chấp nhận những lời của Ngài chỉ vì kính nể, tôn trọng, nhưng phải xem xét, nghiên cứu, suy niệm cẩn thận cũng như người trí tuệ muốn thử vàng, phải “đốt, cắt và chà vào đá”.

Đức Phật nâng đỡ những bà mẹ bạc phước như Patacara và Kisagotami bằng những lời khuyên lơn an ủi. Ngài tự tay chăm sóc những người bệnh hoạn cô đơn như Putigatta Tissa Thera. Ngài giúp đỡ người nghèo đói và bị bỏ rơi, không noi nương tựa như Rajjumala và Sopaka và giải cứu những vị này khỏi phải chết oan thê thảm. Đức Phật nâng cao đời sống đạo đức của hạng người tội lỗi sát nhân như Angulimala và hạng gái giang hồ hư hỏng như Ambapali. Ngài khuyến khích kẻ yếu, đoàn kết người chia rẽ, đem ánh sáng đến cho người vô minh tăm tối, dắt dẫn kẻ mê muội lầm đường, nâng đỡ người thấp kém và tăng cao phẩm giá người cao quý. Người nghèo, người giàu, người lương thiện và người tội lỗi, tất cả đều quý mến Ngài như nhau. Những bậc vua chúa tàn bạo độc tài và những vì minh quân chánh trực, những hoàng tử vinh quang hiển hách và những người sống cuộc đời tối tăm, không ai biết đến, những nhà triệu phú giàu lòng quảng đại, những vị keo kiết bỏn xẻn, những học giả khiêm tốn và những người kiêu căng tự đắc, hạng gái giang hồ, hạng người làm nghề bẩn thỉu, hạng sát nhân, hạng người thường bị khinh bỉ, tất cả đều có hưởng những lời khuyên dạy đầy trí tuệ và từ bi của Đức Phật. Gương lành cao quý của Ngài là nguồn gợi cảm, là niềm khích lệ cho tất cả. Ngài là vị đạo sư giàu lòng bi mẩn và rộng lượng khoan hồng hơn tất cả.

Ý chí sắt đá, trí tuệ cao siêu, lòng bi mẫn vô biên, đức vị tha phục vụ, sự thoát ly chưa từng có, đời sống gương mẫu, những phương pháp toàn thiện mà Ngài đã áp dụng để truyền bá giáo lý, và sự thành công tối hậu của Ngài — tất cả những yếu tố ấy đã khiến một phần năm nhân loại tôn thờ Ngài là vị giáo chủ siêu việt nhất tự cổ chí kim.

Để tỏ lòng kính thâm sâu của mình đối với Đức Phật, Sri Radhakrishnan viết:

“Nơi Đức Phật Gotama (Cồ Đàm) ta nhận thấy một tinh hoa toàn thiện của người phương Đông. Ảnh hưởng của Ngài trong tư tưởng và đời sống nhân loại là một kỳ công hy hữu, cho đến nay không thua kém ảnh hưởng của bất cứ vị giáo chủ nào trong lịch sử. Mọi người đều sùng kính, tôn Ngài là người đã dựng nên một hệ thống tôn giáo vô cùng cao thâm huyền diệu. Ngài thuộc về lịch sử tư tưởng thế giới. Ngài là kết tinh của người thiện trí bởi vì, đứng về phương diện trí thức, chắc chắn Ngài là một trong những bậc vĩ nhân cao thượng nhất của lịch sử”. [13]

Trong quyển “Three Greatest Men in History”, nhà học giả H. G. Wells ghi nhận như sau:

“Nơi Đức Phật ta thấy rõ ràng là một con người giản dị có tâm đạo nhiệt thành, một mình tự lực phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống, một con người như mọi người chớ không phải một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyền thuyết hoang đường. Ngài cũng ban bố cho nhân loại lời kêu gọi có tính cách phổ thông. Bao nhiêu quan niệm của thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy. Đức Phật dạy rằng tất cả những gian lao sầu khổ và bất hạnh trong đời đều do lòng ích kỷ sanh ra. Trước khi có thể trở nên vắng lặng, con người cần phải ngừng sống cho giác quan mình. Rồi từ đó, vượt lên trên tất cả mọi người, Ngài sống cuộc đời siêu nhiên. Năm trăm năm trước Chúa Christ (Ki Tô), xuyên qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, Phật Giáo đã kêu gọi con người nên tự quên mình. Đứng về một vài phương diện, giữa ta (là người Âu) và những nhu cầu của chúng ta và Phật Giáo, có nhiều quan điểm gần nhau. Đối với tầm quan trọng của con người trong sự phục vụ, Ngài tỏ ra sáng suốt hơn, và đối với vấn đề trường tồn bất hoại của kiếp nhân sinh, Ngài ít lúng túng trong biện thuyết mập mờ hơn Chúa Ki Tô.”

Thi sĩ Tagore tôn Ngài là bậc Vĩ Nhân Cao Quý nhất trên thế gian.

Một triết gia người Đan Mạch, ông Fausboll, tán dương Đức Phật với những lời lẽ như sau:

“Càng hiểu biết Ngài, tôi càng quý mến Ngài”.

Một tín đồ từ tốn của Đức Phật sẽ nói:

“Càng hiểu biết Ngài, tôi càng quý mến Ngài. Càng quý mến Ngài, tôi càng hiểu biết Ngài”.

Chú thích:

[1] Hàng tín đồ gọi Ngài là Đức Phật (Buddha), Đức Thế Tôn (Bhagava), Đức Thiện Thệ (Sugata) v.v… Những người ở đạo khác gọi Ngài là Tôn Giả Cồ Đàm (Bho Gotama), Sa Môn Cồ Đàm (Samana Gotama) v.v… Khi đề cập đến mình, Đức Phật dùng danh từ “Như Lai” (Tathagata) có nghĩa là “người đã đến như vậy”, “người đã ra đi như vậy”.

[2] Sanskrit: Bodhisatva. Xem Chương 40 và 41.

[3] Samyutta Nikaya, Tạp A-Hàm phần 3, trang 66; Kindred Sayings, phần 3, tr.58

[4] Majjhima Nikaya, Trung A-Hàm, Ariyapariyesana Sutta, số 26

[5] Như Kondanna, Alara Kalama, Uddaka Ramaputta v.v…

[6] Majjhima Nikaya, Trung A-Hàm, Kinh Ariyapariyesana Sutta, số 26

[7] Gradual Sayings, phần 2, tr. 44-45. Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A-Hàm, phần 2, tr. 37.

[8] Tuy nhiên, có những vị đạo sư Ấn Độ Giáo, để khuyến dụ người Phật tử theo tôn giáo mình, đã sai lầm gọi Đức Phật là hiện thân của một Thần Linh Ấn Độ Giáo, điều mà Đức Phật đã bác bỏ từ lúc còn tại tiền.

[9] Pháp Cú, 165: Trong sạch hay ô nhiễm đều tùy nơi ta. Khong ai làm cho người khác trong sạch được.

[10] Pháp Cú, 276

[11] Digha Nikaya – Trường A-Hàm, Mahaparinibbana Sutta – Kinh Đại Bát Niết Bàn.

[12] Dwight Goddard – Buddhist Bible, trang 20.

[13] Gautama The Buddha, trang 1.

Source: Binh AnSon

Kính lạy Phật từ bi Diệu Giác
Đấng Đại Hùng giải thoát tử sanh
Đại Bi, Đại Trí trọn lành
Trời người quy ngưỡng, tứ sanh nương nhờ..

ÂN ĐỨC CỦA ĐỨC PHẬT

Đức Phật xuất hiện để phá tan cái tăm tối của vô minh và để chỉ cho nhân gian biết phương pháp giải thoát khỏi khổ đau.

Đức Phật là hiện thân của tất cả những phẩm hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển lời nói thành hành động. Không lúc nào mà Ngài không trình bầy bất cứ cái yếu đuối của con người hay bất cứ dục vọng căn bản nào. Giới luật của Đức Phật là giới luật toàn hảo nhất mà thế giới từng được biết đến.

Trên 25 thế kỷ qua, hàng triệu người đã tìm được nguồn cảm hứng và an ủi trong Giáo Lý của Ngài. Ngày nay sự vĩ đại của Ngài vẫn rực rỡ như vầng thái dương chiếu sáng nơi tối tăm. Giáo Lý của Ngài vẫn đem yên ổn và bình an của Niết Bàn cho người hành hương lo âu. Không có ai đã hy sinh quá nhiều lạc thú trần gian để cứu khổ cho nhân loại như Ngài.

Đức Phật là vị lãnh đạo tôn giáo đầu tiên trong lịch sử thế giới khiển trách việc dùng sanh mạng con vật để hy sinh bất cứ vì lý do gì, và kêu gọi con người không nên hại bất cứ sinh vật nào.

Với Đức Phật, tôn giáo không phải là chuyện mặc cả nhưng là đường lối để tiến tới giác ngộ. Ngài không muốn tín đồ của Ngài mù quáng; Ngài muốn họ suy gẫm một cách tự do và trí tuệ. Toàn thể nhân loại được Ngài ban phước qua sự hiện diện của Ngài.

Chưa có lúc nào Ngài dùng đến những lời bất nhã với bất cứ một ai. Ngay cả đến những người chống đối Ngài, những kẻ thù xấu nhất, Ngài cũng không bao giờ tỏ ra thiếu thân thiện với họ. Một số người có thành kiến, chống đối Ngài và muốn giết Ngài, nhưng với họ, Đức Phật vẫn không coi họ là kẻ thù. Đức Phật có lần nói:

‘Như voi chiến ra trận,
hứng lãnh làn tên mữi đạn,
cũng thế ấy,
Như Lai phải chịu đựng lời nguyền rủa’.
(Kinh Pháp Cú, Câu 320).

Trong biên niên sử, không có một nhân vật nào đã hy sinh đem hạnh phúc cho nhân loại như Đức Phật đã làm. Từ giờ Giác Ngộ cho đến lúc Nhập Diệt, Ngài không ngừng tranh đấu để nâng cao nhân loại. Ngài chỉ ngủ có hai giờ một ngày. Hai Mươi Năm Lăm thế kỷ trôi qua từ khi Vị Đại Đạo Sư này đã qua đời, thông điệp tình thương và trí tuệ của Ngài vẫn hiện hữu thuần khiết như lúc ban đầu. Thông điệp của Ngài vẫn ảnh hưởng sâu xa đến vận mệnh của nhân loại. Ngài là một Đấng Từ Bi cao cả nhất đã soi sáng thế giới với tình thương thân ái.

Sau khi nhập Niết Bàn, Ngài đã để lại bức thông điệp bất tử cho chúng ta. Ngày nay hòa bình thế giới của chúng ta bị đe dọa khủng khiếp. Không bao giờ trong lịch sử của thế giới thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như cho thời đại này.

Đức Phật đản sanh để xóa tan cái tăm tối của vô minh, chỉ cho thế gian làm sao thoát khỏi khổ đau, bệnh não, suy tàn, cái chết và tất cả lo âu, đau đớn khổ sở của chúng sanh.

Theo một số tín ngưỡng, một đấng thiêng liêng nào đó sẽ thỉnh thoảng xuất hiện để diệt kẻ ác, và che chở người lương thiện. Đức Phật không xuất hiện trên thế gian này để diệt kẻ ác nhưng để dạy họ con đường chân chính.

Trong lịch sử thế giới cho đến thời kỳ Đức Phật, chúng ta chưa hề nghe thấy một vị thầy trong bất cứ tôn giáo nào lại chan chứa tình cảm thương yêu đối với nhân loại khổ đau như Đức Phật? Đồng thời với Đức Phật, chúng ta có nghe thấy một số nhà hiền triết Hy Lạp như Socrates, Plato, và Aristotle. Nhưng các vị này chỉ là những triết gia, những nhà tự do tư tuởng và những người đi tìm chân lý; họ đều thiếu sự phát triển tình thương trước sự đau khổ bao la của chúng sanh.

Con đường cứu độ nhân loại của Đức Phật là dạy cho con người làm sao tìm được giải thoát. Ngài không chú trọng đến làm nhẹ bớt một vài trường hợp về thân và tâm bệnh. Ngài quan tâm nhiều đến việc vạch ra con Đường để mọi người đi theo.
Chúng ta hãy lấy tất cả những triết gia, tâm lý, những nhà tự do tư tưởng, khoa học gia, duy lý luận, xã hội, các nhà cách mạng vĩ đại nhất của tất cả các đạo sư của các tôn giáo khác, và với một tinh thần không thiên vị, chúng ta đem so sánh những vĩ đại của họ, đức hạnh của họ, ân đức phục vụ của họ, và trí tuệ của họ với đức hạnh, lòng từ tâm và sự giác ngộ của Đức Phật. Ta có thể thấy ngay Đức Phật đứng trong một vị thế nào giữa những người này.

(Vì Sao Tin Phật – Hòa Thượng Sri Dhammananda)

Nguồn: TrangThơThíchTánhTuệ

Phim Cuộc Đời Đức Phật 55 tập
(Buddha – B.K.Modi) chuyển âm tiếng Việt

Bộ phim có nhiều đầu tư và chất lượng nhất từ trước đến nay về cuộc đời của Đức Phật từ Đản sinh đến Niết bàn.

Bộ phim truyền hình nhiều tập do India sản xuất.
Biên dịch, biên tập và lồng tiếng: Trung tâm Huệ Quang và Trung tâm Diệu Pháp Âm hợp tác thực hiện
Tác giả: B.K. Modi
Đạo diễn: David Grubin
Nhà xuất bản: Ấn Độ
Người dịch: Trung tâm Huệ Quang và Trung tâm Diệu Pháp Âm
Người đọc: Thy Mai, Trần Vũ, Chơn Nhơn, Thùy Tiên, Thanh Sang, Hạnh Phúc, Thúy Hằng, Thiện Trung, Đặng Khuyết, Khánh Vân, Tuyết Nhung, Tuấn Anh, Chánh Tín, Quang Tuyên, Thu Hiền, Ngô Lợi, Huyền Trang, Hoài Thương, Vũ Thu, Linh Phương, Kim Anh.Xem phim bên dưới

“BUDDHA – ĐỨC PHẬT,”
CÓ LẼ LÀ BỘ PHIM VỀ ĐỨC PHẬT HAY NHẤT

Nhận xét bởi độc giả mang tên Liên

Bộ phim bán cho dân chúng Ấn Độ
99 USD trên mạng Amazon.
Người Việt được xem free.
Xin cảm ơn Ban dịch thuật Huệ Quang
Hiện nay, có vẻ như Phật tử Việt Nam đang bị thu hút bởi bộ phim “Buddha – Đức Phật” 54 tập.  Vào facebook, youtube, thuvienhoasen.org đều có thể coi được bộ phim.  Liên đi chuà, cũng nghe Phật tử kể là đang coi phim và phim quá hay, quá cảm động đến nỗi phải rơi nước mắt. 

Liên cũng vào youtube coi thử, không ngờ bộ phim quá hay!  Liên nghĩ, bộ phim có hai phần, phần đầu về “Đức Phật: thời thơ ấu, trưởng thành, tham chính, lập gia đình” và phần sau về “Đức Phật: buông bỏ tất cả, đi tìm tu đạo, đạt quả giác ngộ vô thượng, hoằng pháp lợi sanh, và nhập niết bàn.”

Phim cực kỳ hay và có những khi Liên với mấy đứa em Liên (em gái và em rể) phải rơi nước mắt.  Thoạt tiên, Liên coi toàn bộ phim có thuyết minh.  Sau đó, do cảm thấy chưa hiểu rõ thuyết minh, và cũng vì bộ phim quá hay, Liên đã coi lại toàn bộ phim 54 tập có phụ đề.  Mới nhận ra là phụ đề thì hay hơn, dịch rõ hơn thuyết minh.  Phim hay đến nỗi, mặc dù Liên coi lại lần thứ nhì, còn cảm động hơn và rơi nước mắt còn nhiều hơn lần coi thứ nhất.  Phim hay đến nỗi, em rể Liên không dám coi nhiều, sợ là coi nhiều thì mau hết phim, em rể để dành mỗi lần coi một chút để cho nó lâu hết.

Nhân vận đóng vai thái tử Tất-đạt-đa và sau này thành Phật, rất đẹp, trang nhã thanh lịch tuấn tú thuần khiết; lại diễn rất hay.  Mẹ kế cũng là dì ruột của thái tử, rất đẹp và diễn rất hay.  Bối cảnh hoành tráng.  Trang phục đẹp.  Là một bộ phim rất tốn kém. 

Vì bộ phim quá hay, Liên phải search trên mạng để tìm hiểu.  Thì mới biết là, nhà sản xuất người Ấn, B.K. Modi, một doanh nhân triệu phú đô la Mỹ (sở hữu hơn 600 triệu Mỹ kim), một nhà từ thiện, có bằng MBA và PhD double major ở Mỹ, đã bỏ ra hơn 120 triệu Mỹ kim để hoàn thành bộ phim 54 tập.  Mặc dù Đức Phật sinh ra ở vườn Lâm-tì-ni và lớn lên ở Ca-tì-la-vệ (nay thuộc nước Nepal) và hoằng pháp suốt 45 năm xuyên qua những quốc gia đương thời (nay thuộc Nepal và Ấn Độ), đa số người dân Ấn Độ và Nepal theo đạo Hindu; kế đến là Hồi giáo; còn Phật giáo, Thiên Chúa giáo và một số đạo lẻ tẻ chỉ chiếm tổng cộng một phần rất nhỏ trong dân số.  Liên không biết nhà sản xuất bộ phim “Buddha” này theo đạo gì, chỉ biết là ông ấy rất say mê Phật pháp; và Phật pháp có ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời của ông ấy.  Ông ấy đã ôm mộng khoảng 30 năm mới làm ra bộ phim “Buddha” này.
.
Tuy bộ phim gồm 54 tập rất dài, vẫn chỉ là trình bày rất vắn tắt cuộc đời của Đức Phật.  Phim đã bỏ qua hằng hà sa số yếu tố, sự kiện quan trọng liên quan đến cuộc đời Đức Phật.  Ví dụ như, sự kiện Đức Phật nhập niết bàn được kể lại trong bộ kinh “Đại Bát Niết Bàn” gồm nhiều quyển kinh rất dầy, tổng cộng mấy ngàn trang chữ nhỏ xíu; lại chỉ được trình bày sơ lược trong khoảng một, hai tập phim.  Hoặc là, một sự kiện nào đó, một sự gặp gỡ giữa Đức Phật và một ai đó, có khi phải tốn cả một quyển sách, một quyển kinh hoặc một bộ kinh dầy để thuật lại; thì trong phim sự kiện này chỉ được trình bày sơ lược trong vài phút.  Hoặc là, giáo pháp của Đức Phật, thâm sâu và uyên áo, được Đức Phật thuyết giảng bằng một văn chương (văn xuôi, câu pháp cú) trác tuyệt và diễm lệ; thì trong phim chỉ trình bày đơn sơ, giản dị.  Hoặc là, có những khi Đức Phật phải dùng thần thông (Phật đã chứng lục thông) làm phương tiện để giáo hoá, tâm phục khẩu phục những người đạo Bà-la-môn; thì bộ phim lại bỏ đi yếu tố thần thông của Đức Phật và những đại đệ tử đã chứng ngộ quả vị a-la-hán.

Vẫn biết là, phim ảnh không thể nào trình bày, lột tả hay bằng sách; vả lại, làm phim về Đức Phật sao cho thật đầy đủ, trung thực y như trong kinh, là điều không thể.  Rất tiếc là phim chỉ trình bày sơ lược, đơn giản, khái quát về cuộc đời Đức Phật; tuy vậy, phim đã trình bày sự từ bi và trí tuệ cuả Đức Phật một cách rất tài tình, khéo lấy được nước mắt và để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người xem phim.

Diễn viên Himanshu Soni trong vai Thái tử Tất Đạt Đa sau là Đức Phật,
Liên không biết nam tài tử đóng vai thái tử Tất-đạt-đa và Đức Phật theo đạo gì; chỉ biết là những đạo diễn và nhà sản xuất đã trải qua quá trình dài để sàng lọc và chọn ra diễn viên Tất-đạt-đa và Đức Phật.  Trước khi đóng phim, nam diễn viên này đã tự nhốt mình (locked him up) tịnh tâm 4-5 tháng trong một phòng kín, không giao tiếp với ai, để tự trải nghiệm và chiêm nghiệm cuộc đời của Đức Phật.  Công chuá Da-du-đà-la và một số cung nữ rất đẹp trong phim được chọn ra từ top ten cuộc thi hoa hậu Ấn Độ năm 2010.  Lưạ chọn những vai diễn quan trọng khác (vua Tịnh Phạn, mẹ ruột và mẹ kế cuả Đức Phật, những anh em họ của Đức Phật v.v…) cũng phải trải qua quá trình sàng lọc công phu.Bạn không cần là Phật tử mới coi bộ phim này, bởi vì thái tử Tất-đạt-đa và Đức Phật được trình bày trong phim có lẽ nổi bật nhất là hai yếu tố từ bi và trí tuệ.  Giáo pháp thâm sâu của Đức Phật, “làm thể nào để giải thoát khỏi luân hồi sanh tử” thì dường như chỉ được trình bày thoáng qua một cách giản dị, đơn thuần.  Không có cái gì gọi là “giáo điều” trong giáo pháp của Đức Thế Tôn.  Cho nên, bạn không cần phải là Phật tử để coi phim.

Bộ phim này quả thật đã để lại trong lòng Liên một ấn tượng rất sâu sắc về sự từ bi và trí tuệ của một nhân vật siêu phàm.  Thánh Gandhi, vĩ nhân của Ấn Độ, một nhân cách lớn, người theo đạo Hindu thuần thành, còn phải thốt lên một nhận xét rất công bằng, vô tư, là, “Đức Phật là người từ bi và trí tuệ nhất trên thế giới.  Đạo Phật đạo của từ bi và trí tuệ.”  Liên tuy ít xem phim và cũng không có thì giờ nhiều để xem phim, nhưng quả thật, đây là bộ phim rất đáng để xem.  Là bộ phim nêu cao những giá trị quý giá thuộc về tinh thần.  Bạn nào cảm thấy mình có chút từ bi và trí tuệ thì nên xem phim để tăng trưởng từ bi trí tuệ.  Bạn nào tự cho rằng mình không có cả từ bi lẫn trí tuệ thì cũng nên xem phim để phát sanh từ bi trí tuệ.  Rất mong, bất cứ ai xem xong bộ phim này sẽ phát sanh và tăng trưởng thêm từ bi trí tuệ.

XEM PHIM:

SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT (Tập 01 – 09) 
Tập 01 – Thái Tử Đản Sanh Nơi Vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni)
Tập 02 – Tiên Nhơn Asita (A Tư Đà) Đoán Tương Cho Thái Tử
Tập 03 – Kế Hoạch Vua Cha – Xây Thành Mới Để Ngăn Cách Giàu Nghèo Bịnh Tật
Tập 04 – Siddhartha (Tất Đạt Đa) Thời Thơ Ấu
Tập 05 – Thái Tử Tất Đạt Đa Cứu Thiên Nga Bị Tên Của Đề Bà Đạt Đa
Tập 06 – Bẩm Tính Từ Bi và Tài Năng Tuổi Trẻ
Tập 07 – Thái Tử Siddhartha Trưởng Thành, Chiến Binh Giỏi Nhất Ca Tỳ la Vệ
Tập 08 – Chiến Thắng – Nếu Cha Muốn Con Có Thể Cho Cha Mạng Sống Của Con
Tập 09 – Thầy Kiều Trần Như Sắp Rời Thành Ca Tỳ La Vệ, Chữ Tâm-Chữ Tài
 
SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT (Tập 10 – 18) 
Tập 10 – Sự Quyến Rũ Của Đời Sống Vương Giả, Vui Chơi Trong Hoàng Cung
Tập 11 – Siddhartha Và Quyền Bình Đẳng Của Nữ Giới
Tập 12 – Vua Cha Dự Tính Hôn Nhân Cho Siddhartha
Tập 13 – Tình Yêu Lứa Đôi Siddhartha Và Yashodara (Gia Du Đà La)
Tập 14 – Phản Đối Truyền Thống Brahmana – Thắng Cuộc Thi Kén Rễ
Tập 15 – Vua Pesenadi Lễ Tế Ngựa, Chuẩn Bị Chiến Tranh
Tập 16 – Thất Bại Của Đại Quân Kosala, Thái Tử Siddhartha Hòa Giải
Tập 17 – Chuẩn Bị Hôn Lễ Thái Tử Siddhartha
Tập 18 – Hôn Lễ Của Thái Tử Siddhartha Và Công Chúa Yashodara
SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT (Tập 19 – 27) 
Tập 19 – Thử Thách Của Ambapali Và Sự Cảm Phục Của Vua Bimbhisala
Tập 20 – Xung Đột Nội Bộ Của Tộc Sakya (Thích Ca)
Tập 21 – Thái Tử Du Ngoại Bốn Cửa Thành Chứng Kiến Cảnh Người Bịnh Tật
Tập 22 – Niềm Vui Được Làm Cha, Nỗi Buồn Khi Biết Về Mẹ Maya Đã Mất
Tập 23 – Phân Phát Lương Thực Cho Người Nghèo, Gặp Sa Môn Tu Giải Thoát
Tập 24 – Ruhula (La Hầu La) Chào Đời, Sự Hy Vọng Của Người Mẹ Yashodara
Tập 25 – Siddhartha Đi Xứ Magadha, Phản Đối Tế Lễ, Kosala Tấn Công Kapilavastu
Tập 26 – Đối Diện Chiến Tranh Chết Chóc, Phát Hiện Thành Mới
Tập 27 – Thái Tử Siddhartha Vượt Thành Xuất Gia Học Đạo
SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT (Tập 28 – 36)
Tập 28 – Tìm Thầy Học Đạo, Rừng Tịnh Cư Của Tu Sĩ Alara Kalama
Tập 29 – Người Thầy Đầu Tiên Alara Kalama Của Thái Tử Siddhartha
Tập 30 – Thành Tựu Trong Thiền Định Của Thái Tử Siddhartha
Tập 31 – Lĩnh Hội Cảnh Giới Thiền Định Cao Nhất Của Đại Sư Urdaka Ramaputta
Tập 32 – Chuyên Tu Khổ Hạnh, Trong Rừng Già Với Năm Anh Em Kiều Trần Như
Tập 33 – Sáu Năm Khổ Hạnh, Tìm Ra Lối Giải Thoát, Bát Sữa Tu Xà Đa (Sujata)
Tập 34 – Chiến Thắng Thiên Ma Ba Tuần Chứng Thành Chánh Giác, Buddha
Tập 35 – Chuyển Pháp Luân, Độ 5 Người Bạn Trở Thành Đệ Tử Đầu Tiên
Tập 36 – Buddha Hóa Độ 3 Anh Em Ca Diếp Cùng 1000 Đệ Tử Phái Thờ Thần Lửa
SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT (Tập 37 – 45) 
Tập 37 – Đức Phật Trở Về Maghada Độ Người Bạn Tâm Giao, Vua Bimbhisala
Tập 38 – Buddha Thu Nhận Hai Đệ Tử Moghalana Và Sariputta
Tập 39 – Moghalana Hiển Bày Thần Thông, Vua Suddhodana Cho Sứ Thỉnh Buddha Hồi Cung
Tập 40 – Buddha Trở Về Kapilavastu Gặp Vua Cha
Tập 41 – A Nan Đà Và La Hầu La Xuất Gia
Tập 42 – A Xà Thế Soán Ngôi Vua Cha Tần Bà Sa La, Ưu Ba Li Xuất Gia
Tập 43 – Đức Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) Băng Hà
Tập 44 – Kiều Đàm Di (Ma Ha Ba Xà Ba Đề) Mẫu Xuất Gia (Bát Kỉnh Pháp)
Tập 45 – Tăng Đoàn Bất Hòa Trong Sinh Hoạt
SỰ TÍCH ĐỨC PHẬT (Tập 46 – 55)
Tập 46 – Công Chúa Gia Du Đà La (Yashodara) Xin Xuất Gia
Tập 47 – Đề Bà Đạt Đa Xin Xuất Gia
Tập 48 – Đề Bà Cấu Kết Với A Xà Thế Hại Phật Và Vua Cha Tần Bà Xa La
Tập 49 – Đề Bà Đạt Đa Phá Hòa Hợp Tăng
Tập 50 – Đề Ba Đạt Đa Lăn Đá Hại Đức Phật 
Tập 51 – Nhân Duyên Thù Thắng Làm “Ác Vua” A Xà Thế Quy Y Phật
Tập 52 – Buddha Tuyên Bố Sẽ Nhập Niết Bàn Sau Ba Tháng
Tập 53 – Thuần Đà Cúng Dường Cháo Nấm Chiên Đàn
Tập 54 – Đức Phật Nhập Niết Bàn.
Tập 55 – Đạo Diễn B.K. Modi Tổng Kết Ý Tưởng Bộ Phim Sự Tích Đức Phật

Source: ThuVienHoaSen