Recent Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9
Kinh Chuyển Pháp Luân
Soạn giả: Hộ Pháp
Mục Lục Khai Kinh Chuyển Pháp Luân
Ý nghĩa bài Kinh Chuyển Pháp Luân
Trí tuệ học
Trí tuệ hành
Trí tuệ thành
Tứ Thánh Đế
Pháp Hành Trung Đạo
|
THERAVĀDA
PHẬT-GIÁO-NGUYÊN-THUỶ
Phật-Lịch 2557
DHAMMACAKKAPPAVATTANASUTTA
KINH CHUYỂN-PHÁP-LUÂN
Tỳ-Khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
Dhammapaṇṇākāra
Món Quà Pháp
Kính biếu:
Nhân dịp ngày lễ Āsāḷhapūjā Rằm Tháng Sáu gọi là Ngày Đức-Pháp-Bảo, con xin kính dâng bản dịch bài Kinh Chuyển-Pháp-Luân có phần giải thích tóm tắt nầy gọi là “Pháp thí”. Con xin thành kính dâng phần pháp thí thanh cao này đến Ông bà, Cha mẹ, Thầy tổ và những bậc ân nhân từ kiếp hiện tại cho đến vô lượng kiếp trong quá khứ, cùng tất cả chúng-sinh nhất là phụ thân, mẫu thân, bà con thân bằng quyến thuộc, bạn hữu,… Kính xin quý vị phát sinh thiện tâm hoan hỷ phần pháp thí thanh cao này, cầu mong cho tất cả quý vị thoát khỏi mọi cảnh khổ, được an lạc lâu dài, nhất là tạo duyên lành để mong giải thoát khổ tư sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài.
Phật-Lịch 2557/2013
Chùa Tổ Bửu-Long
Dhammanandā Upāsikā
Namo Tassa Bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Đức-Thế-Tôn, Đức A-ra-hán, Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác ấy.
Bài kệ lễ bái nơi Động tâm Isipatana Migadāya nơi Đức-Phật GOTAMA thuyết bài kinh Chuyển-Pháp-Luân đầu tiên.
Saṃvejanīyathānaṃ taṃ, idha cakkaṃ pavattitaṃ.
Garuṃ karomi pūjemi, āgantvāna idāni’haṃ.
Hotu me kusalaṃ etaṃ, Saccadassanakāranaṃ.
Nơi đây Đức-Phật Chuyển-Pháp-Luân,
Gọi nơi xăng-vê-gá động tâm.
Nay con có duyên lành đến đây,
Xin thành kính lễ bái cúng dường.
Do nhờ phước thiện thanh cao nầy,
Làm duyên lành chứng ngộ chân-lý.
Lời Ngỏ
Ba Ngày Lịch Sử Trọng Đại Trong Phật-Giáo
Theo truyền thồng Phật-Giáo-Nguyên-Thuỷ có 3 ngày lịch sử trọng đại như sau:
1– Ngày rằm tháng tư (âm-lịch) có 3 sự kiện lịch sử trọng đại trùng hợp theo thời gian khác nhau:
* Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đản-sinh kiếp chót, * Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, * Đức-Phật Gotama tịch diệt Niết-bàn.
2- Ngày rằm tháng sáu (âm-lịch), Đức-Phật Gotama lần đầu tiên thuyết pháp bài kinh Dham-macakkappavatanasutta: Kinh Chuyển-Pháp-Luân,
3- Ngày rằm tháng giêng (âm-lịch), Đại-hội chư Thánh-A-ra-hán 1.250 vị lần đầu.
1– Ngày rằm tháng tư (âm-lịch) có 3 sự kiện lịch sử trọng đại theo thời gian như sau:
* Ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha đản-sinh kiếp chót, tại khu vườn Lumbinī (nay thuộc phần đất nước Nepal),
* Ngày rằm tháng tư, Đức-Bồ-tát Chánh-Đẳng-Giác Siddhattha tròn 35 tuổi, chứng đắc thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu là Đức-Phật Gotama, tại khu rừng Uruveḷā, (nay gọi là Bodhgayā, nước Ấn Độ).
Đức-Phật Gotama có sự tinh tấn không ngừng ngày đêm thuyết pháp tế độ chúng sinh: nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên ròng rã tròn 45 năm.
* Ngày rằm tháng tư, Đức-Phật Gotama tròn 80 tuổi, tịch diệt Niết-bàn gọi là Khandha-parinibbāna: Ngũ-uẩn-Niết-bàn, giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới, tại khu rừng Kusinārā (nước Ấn Độ).
2– Ngày rằm tháng sáu (âm-lịch), tròn đúng 2 tháng sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác, chấp thuận lời thỉnh cầu của vị Đại-Phạm-thiên Sahampati, Đức-Phật Gotama ngự đi đến khu rừng phóng sinh nai gọi là Isipatana, gần kinh thành Bāraṇasī, nơi có nhóm 5 tỳ-khưu là Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña, Ngài Đại-đức Vappa, Ngài Đại-đức Bhaddiya, Ngài Đại-đức Mahānāma, Ngài Đại-đức Assaji.
Vào buổi chiều ngày rằm tháng 6 ấy, mặt trời sắp lặn hướng Tây, mặt trăng mọc hướng Đông, Đức-Phật Gotama lần đầu tiên thuyết pháp bài kinh Dhammacakkappavatanasutta: Kinh Chuyển- Pháp-Luân, để tế độ nhóm 5 tỳ-khưu ấy.
Sau khi nghe Đức-Phật Gotama thuyết giảng xong bài kinh Chuyển-Pháp-Luân này xong, nhóm 5 tỳ-khưu phát sinh thiện-tâm vô cùng hoan hỷ trong lời dạy của Đức-Phật.
Trong nhóm 5 tỳ-khưu ấy, chỉ có Ngài Đại-Trưởng-lão Koṇḍañña là vị đầu tiên chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế y theo Đức-Phật, chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả và Niết-bàn, trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama, có tên mới là “Aññāsikoṇḍañña”.
Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña kính xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành Sa-di, tỳ-khưu trong giáo pháp của Đức-Phật.
Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ truyền dạy rằng: “Ehi bhikkhū! Svākkhātodhammo, cara brahmacariyaṃ sammādukkhassa antakariyāya.”
Thật kỳ diệu thay! Khi Đức-Phật vừa chấm dứt câu, ngay khi ấy, hình tướng cũ của Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña biến mất, thay vào tăng tướng mới, đạo mạo là một vị tỳ-khưu có đầy đủ 8 thứ vật dụng của tỳ-khưu được thành tựu do quả phước thần thông. Vị Tỳ-khưu có tăng tướng trang nghiêm, lục căn thanh tịnh như một vị tỳ-khưu có 60 hạ.
Ngài Đại-Trưởng-lão Aññāsikoṇḍañña trở thành vị tỳ-khưu đầu tiên trong giáo pháp của Đức-Phật Gotama. Ngay khi ấy, Tam-Bảo: Đức-Phật-bảo, Đức-Pháp-bảo, Đức-Tăng-bảo trọn vẹn 3 ngôi Tam-Bảo đầu tiên xuất hiện trên thế gian vào ngày rằm tháng 6 âm-lịch.
3- Ngày rằm tháng giêng (âm-lịch), tròn đúng 9 tháng sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác có danh hiệu Đức-Phật Gotama.
Trong khoảng thời gian 9 tháng, Đức-Phật ngự đi mọi nơi thuyết pháp tế độ chúng sinh: nhân-loại, chư-thiên, chư phạm-thiên cũng chứng ngộ chân-lý tứ Thánh-đế, có số chứng đắc Nhập-lưu-Thánh-đạo, Nhập-lưu-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-Nhập-lưu; có số chứng đắc đến Nhất-lai-Thánh-đạo, Nhất-lai-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-Nhất-lai; có số chứng đắc đến Bất-lai-Thánh-đạo, Bất-lai-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-Bất-lai; có số chứng đắc đến A-ra-hán-Thánh-đạo, A-ra-hán-Thánh-quả trở thành bậc Thánh-A-ra-hán.
Trở thành Thánh-nhân thấp hoặc cao, bậc nào là hoàn toàn tuỳ theo năng lực của các pháp-hạnh Ba-la-mật và nhất là tuỳ theo năng lực của 5 pháp-chủ: tín-pháp-chủ, tấn-pháp-chủ, niệm-pháp-chủ, định-pháp-chủ, tuệ-pháp-chủ của mỗi vị Thánh-thanh-văn đệ-tử.
Có số Thánh-thanh-văn đệ-tử xin Đức-Phật cho phép xuất gia trở thành tỳ-khưu.
Đức-Phật xem xét về tiền kiếp của mỗi vị Thánh-nhân nếu đã từng phát nguyện xuất gia theo cách gọi “Ehi Bhikkhu” thì Đức-Phật cho phép xuất gia theo cách Ehi Bhikkhūpasampadā.
Theo cách này, Đức-Phật đưa bàn tay phải, chỉ bằng ngón trỏ mà dạy rằng:
“Ehi Bhikkhu! Svākkhāto dhammo cara brahma-cariyaṃ sammā dukkhassa antakiriyāya.”
– Này con hãy lại đây! Con trở thành tỳ-khưu theo ý nguyện. Chánh-pháp mà Như-Lai đã thuyết giảng, hoàn hảo ở phần đầu, phần giữa, phần cuối. Con hãy nên thực hành phạm-hạnh cao thượng đúng đắn dẫn đến chứng đắc thành bậc Thánh-A-ra-hán cuối cùng giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong tam-giới.
Nếu vị Thánh-nhân nào không từng phát nguyện xuất gia theo cách gọi “Ehi Bhikkhu” thì Đức-Phật không gọi “Ehi Bhikkhu” được.
Vào ngày rằm tháng giêng (9 tháng sau khi trở thành Đức-Phật-Chánh-Đẳng-Giác), Đức-Phật Gotama đang ngự tại ngôi chùa Veḷuvana, gần kinh thành Rājagaha. Khi ấy, có 1.250 vị Thánh-A-ra-hán, mỗi vị đều phát sinh ý nghĩ giống nhau rằng: “Ta nên đến hầu Đức-Thế-Tôn tại ngôi chùa Veḷuvana, vào ngày rằm tháng giêng này.”
Đại-hội chư Thánh-A-ra-hán lần đầu này gọi là “Sāvakasannipāta” có đủ 4 chi:
1- Ngày rằm tháng giêng,
2- Chư Thánh-A-ra-hán gồm có 1.250 vị, mỗi vị đều tự đến hầu Đức-Thế-Tôn mà không có báo tin cho nhau biết. (1.250 vị Thánh-A-ra-hán gồm có nhóm 1.000 vị của 3 huynh đệ Kassapa và nhóm 250 vị của 2 vị Tối-thượng-Thanh-văn: Ngài Trưởng-lão Sāriputta và Ngài Trưởng-lão Mahāmoggallāna).
3- Chư Thánh-A-ra-hán gồm có 1.250 vị chỉ xuất gia theo cách Ehi Bhikkhūpasampadā với Đức-Phật mà thôi.
4- Chư Thánh-A-ra-hán gồm có 1.250 vị đều chứng đắc lục-thông.
Khi ấy Đức-Phật thuyết dạy ovādapatimokkha.
Ba ngày lịch-sử trọng-đại của Phật-giáo này trở nên 3 ngày Đại-lễ quan trọng trong Phật-giáo.
Cho nên hằng năm, theo truyền thống Phật-giáo, các nước có Phật-giáo, mỗi chùa, mỗi nhà, mỗi hàng thanh-văn đệ-tử là bậc xuất gia hoặc hàng tại gia cận-sự-nam, cận-sự-nữ đều làm lễ kỷ niệm rất long trọng với mọi hình thức, để tỏ lòng tôn kính nơi ngôi Tam-Bảo, bởi vì 3 ngày Đại-lễ quan trọng này có ý nghĩa đặc biệt:
* Ngày rằm tháng tư là ngày Đức-Phật-Bảo,
* Ngày rằm tháng sáu là ngày Đức-Pháp-Bảo,
*Ngày rằm tháng giêng là ngày Đức-Tăng-Bảo.
Rằm tháng sáu,
Phật-Lịch 2557/2013
Chùa Tổ Bửu-Long,
Q.9, Tp. Hồ-Chí-Minh.
.
Soạn-giả: Tỳ-khưu Hộ-Pháp
(Dhammarakkhita Bhikkhu)
(Aggamahāpaṇḍita)
Nguồn: Trung Tâm Hộ Tông
Hình tượng bánh xe trong Phật giáo
Biểu tượng Pháp Luân tại Lộc Uyển
Có thể nói hình tượng pháp luân quan trọng bậc nhất hiện còn lưu lại là pháp luân được gắn trên phần đỉnh của trụ đá được tôn trí tại Lộc Uyển để đánh dấu nơi Đức Phật chuyển pháp luân theo sắc chỉ của vua A Dục. Vào năm 1905 F.O. Oertel đã phát hiện ra những phần bị gãy của trụ đá này và trên thân trụ đá này có khắc chỉ dụ của vua A Dục. Trên đỉnh của trụ đá này là tượng của bốn con sư tử xoay về bốn hướng trông vô cùng oai hùng và mạnh mẽ. Bên trên bốn con sư tử này là hình tượng pháp luân. Bốn con sư tử này ngồi trên một cái trống được khắc hoạ với bốn con thú khác nhau: sư tử, voi, bò, và ngựa. Giữa bốn con thú này là hình bốn bánh xe.
Đánh giá về nét điêu khắc phần đỉnh của trụ đá này, nhà nghiên cứu V.A. Smith đã đưa ra lời bình phẩm như sau: “Thật khó tìm thấy ở một đất nước nào một mẫu điêu khắc thú cổ xưa độc đáo hơn hoặc tương đương với công trình nghệ thuật tuyệt đẹp này, một tác phẩm đã kết hợp thành công giữa phẩm cách lý tưởng và khuôn mẩu thực tế, và được hoàn thành với từng chi tiết hết sức chuẩn xác.” Hình tượng pháp luân này tại Lộc Uyển về sau đã được mô phỏng và khắc hoạ cùng với hình tượng của hai con nai nằm hai bên trong tư thế tự tại, chú tâm, và hỷ lạc. Nai bên phải có dáng vẻ oai phong, mạnh mẽ tượng trưng cho con đực và con bên trái có nét nhu mì, mềm mại của con cái.
Ngoài ý nghĩa biểu trưng cho sự kiện chuyển pháp luân đầu tiên tại Lộc Uyển, hình tượng pháp luân và đôi nai như thế còn nói lên được cái đẹp của đời sống viễn ly, xuất trần theo chánh pháp, cũng như tư tưởng từ bi, bất bạo động, cộng sinh, sự hài hoà giữa con người và muôn vật, giữa hữu tình và vô tình theo giáo lý duyên sanh và vô ngã của Đạo Phật.
Như một hồi chuông thanh thoát ngân xa mãi trong vũ trụ vô biên, như ánh sáng của vầng thái dương lan toả khắp mọi nơi, len sâu vào những nơi tối tăm nhất của quả địa cầu, âm vang tình thương và ánh sáng tuệ giác mà Đức Phật đã khơi nguồn từ xứ Ba-la-nại ngày xưa đã lan toả khắp nơi trên hoàn vũ, thấm sâu vào huyết mạch của hàng triệu con tim, từ những bậc đế vương cho đến những kẻ khốn cùng bất hạnh.
Bánh xe pháp của Ngài đã chuyên chở những đạo sĩ khổ hạnh như Kiều Trần Như đến cảnh giới thánh thiện, đã biến niềm đam mê dục lạc của kỷ nữ Ambapālī thành niềm đam mê chánh pháp, đã chuyển hoá sự khát máu của Vô Não thành niềm khát khao thánh quả, đã chuyển xoay tham vọng viễn chinh của vua A Dục thành một cuộc chinh phục tự thân. Tuy là một Phật tử tại gia, vua A Dục đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng tiếp nối và chuyển vận bánh xe pháp của Đức Phật trong khắp vương quốc mình, rồi sau đó đến những quốc gia lân cận và những miền đất xa xôi. Cũng chính nhà vua đã cử các sứ đoàn Phật giáo đến nhiều quốc gia khác nhau để thực hiện sứ mạng đó.
Nhờ sự chuyển vận bánh xe pháp đó của vua A Dục, khi Ấn Độ bị các thế lực ngoại bang xâm lược, Phật giáo dù bị suy vi trên mảnh đất quê hương, nhưng lại cắm rễ, sinh sôi và lớn mạnh trên những miền đất khác. Bánh xe pháp vô hình, vô tướng mà Đức Phật đã chuyển vận tại Lộc Uyển đã được vua A Dục, vài trăm năm sau đó, cho khắc hoạ trên những trụ đá sư tử oai phong với ước vọng là giáo pháp của Đức Phật như tiếng rống của loài thú uy dũng này sẽ vang vọng mãi, sẽ được chuyển vận mãi cho đến tận ngàn sau.
Điều kỳ diệu là bánh xe pháp mà vua A Dục đã cho dựng trên trụ đá sư tử tại Lộc Uyển xưa kia đã trở thành biểu tượng thiêng liêng trên quốc kỳ Ấn và tung bay phất phới trên toàn cõi Ấn Độ.
Hình sư tử trên đầu trụ đá ấy cũng đã trở thành quốc huy của đất nước này. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập từ sự tranh đấu theo đường hướng bất bạo động do Mahatma Gandhi khởi xướng, trong lúc hội đồng lập hiến của Ấn đang bận rộn với việc soạn thảo hiến pháp cho đất nước, thì vấn đề lựa chọn biểu tượng cho quốc kỳ và quốc huy của Ấn đã được các nhà lãnh đạo quốc gia bàn bạc kỷ lưỡng.
Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, cuối cùng hình tượng sư tử trên đầu trụ đá vua A Dục và pháp luân của Đức Phật đã được các nhà lãnh đạo Ấn chọn làm biểu tượng của quốc gia. Vào lúc 10 giờ sáng ngày 22-07-1947 trước sự hiện diện của tổng thống Rajendra Prasad và hội đồng lập hiến, Jawaharlal Nehru, vị Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ độc lập đã dõng dạt tuyên bố: “Quyết nghị rằng quốc kỳ của Ấn Độ sẽ gồm ba dải màu vàng nghệ, trắng và xanh lá cây đậm nằm ngang cân đối nhau. Giữa dải màu trắng sẽ là một bánh xe màu xanh nước biển tượng trưng cho Chakra.
Mẫu bánh xe này lấy theo mẫu bánh xe nằm trên đỉnh của trụ đá đầu hình sư tử của vua A Dục tại Sarnath…Khi đề cập đến tên tuổi của A Dục, tôi muốn các vị biết rằng giai đoạn A Dục vốn là một giai đoạn quốc tế của lịch sử Ấn Độ. Đó không phải là một giai đoạn quốc gia nhỏ hẹp. Đó là một giai đoạn khi mà các nhà đại sứ của Ấn Độ được gởi đi khắp nơi, đến tận những đất nước xa xôi, không phải theo lối của một đế quốc và chủ nghĩa đế quốc, mà họ là những vị sứ giả của hoà bình, của thiện chí và văn hoá.”
Sau khi được hội đồng lập hiến thông qua, ngày 15-08-1947 pháp luân của Đức Phật đã chính thức trở thành biểu tượng cho sự tự do, thịnh vượng, và hạnh phúc của nhân dân Ấn Độ. Giải thích về việc chọn pháp luân làm biểu tượng quốc gia như trên, tiến sĩ Ambedkar, cha đẻ của bản hiến pháp Ấn Độ đã nói: “Khi vấn đề quốc kỳ và quốc huy được hồi đồng lập hiến xem xét, chúng tôi không thể tìm được một biểu tượng thích hợp nào từ văn hoá Bà-la-môn. Cuối cùng, văn hoá Phật giáo đã cứu nguy cho chúng tôi và chúng tôi đã nhất trí dùng pháp luân (Dharma-Chakra) làm biểu tượng của quốc gia.”
Triết lý sống qua hình tượng Bánh xe trong Phật giáo
a. Tiếp xúc với sự sống
Trong sự vận hành của dòng đời, cuộc sống của mỗi người như một bánh xe đang lăn đều trên đường đời. Điều thú vị là tuy chu vi của bánh xe này rất lớn, nhưng sự tiếp xúc của bánh xe với mặt đất chỉ là một điểm nhỏ mà thôi. Như vậy, những giá trị sống động nhất, thiết thực nhất của sự vận hành bánh xe này không phải ở những điểm đã đi qua hay những điểm chưa tiếp xúc với mặt đất trên bánh xe mà chính là điểm đang tiếp xúc trong hiện tại. Cũng thế đạo Phật xem cuộc sống trong giây phút hiện tại của mỗi người là mấu chốt để chế tác niềm hạnh phúc trong cuộc sống này. Những gì trong quá khứ, dù thất bại đắng cay hay thành công mãn nguyện đều chỉ còn trong ký ức và những ước vọng về tương lai chỉ là ảo ảnh trong tâm trí mỗi người mà thôi. Hiện tại là thời khắc thể hiện sự sống đích thực, linh động của mỗi người.
Để tạo dựng một cuốc sống có hạnh phúc và an lạc thực sự, con người cần phải nhận diện và tiếp xúc với những gì mình đang có trong hiện tại. Sống với hiện tại là cuộc sống thực và qua đó con người mới cảm nhận được những giá trị đích thực của cuộc sống. Đó là cuộc sống thực và mầu nhiệm vô cùng.
b. Giáo pháp: tâm điểm của Phật giáo
Đức Phật từng dạy rằng ai thấy (hiểu và thể nghiệm) giáo pháp, người ấy thấy Phật. Trước khi nhập Niết Bàn, đức Phật dạy ngài A Nan sau khi Ngài nhập diệt nên xem giáo pháp làm thầy, làm ngọn đèn, nên nương tựa vào giáo pháp. Pháp mà đức Phật chứng ngộ trong đêm thành đạo cũng chính là pháp mà chư Phật quá khứ và tương lai đã và sẽ chứng ngộ. Do vậy, những gì đức Phật đã giảng dạy là những chân lý về khổ và con đường thoát khổ, song an lạc trong cuộc đời mà chư Phật ba đời đã giảng dạy. Đức Phật không cho phép hàng đệ tử tôn thờ mình như một vị thượng đế, một chúa tể đầy quyền năng, mà chỉ nên xem Ngài là một vị thầy dẫn đường mà thôi. Những ai sống đúng với chánh pháp và vận chuyển bánh xe pháp là người học trò xứng đáng trong giáo pháp của đức Phật. Đạo Phật không lấy đức Phật làm trọng tâm, mà là lấy giáo pháp làm trọng tâm. Khi nào giáo pháp này còn được giữ gìn và hành trì thì Phật pháp còn tồn tại trên thế gian này.
c. Sự tiến bộ của tri thức và đạo đức
Sự vận hành của bánh xe pháp trong xã hội hôm nay luôn bao hàm hai ý nghĩa sâu xa: 1. Giáo pháp của đức Phật luôn mang tính tùy duyên nhưng bất biến. Phật giáo trong mỗi địa phương, quốc gia, mỗi thời đại mang một sắc thái riêng, nhưng tựu trung cùng hướng đến đời sống tỉnh thức và giải thoát; 2. Cuộc sống luôn là một sự vận động, biến đổi không ngừng. Nền văn minh khoa học đang tiến nhanh như vũ bão, nhưng nếu con người chỉ chú trọng đến sự phát triển về vật chất mà thiếu sự tiến bộ về mặt tinh thần hay tâm linh thì con người sẽ rơi vào những khủng hoảng tâm lý trầm trọng, và đó sẽ là nguyên nhân đưa đến những đổ vỡ hạnh phúc cá nhân, gia đình, và xã hội.
Do vậy, nếu hành trình của một đời người là một cổ xe, thì cổ xe đó phải gồm hai bộ bánh song hành vật chất và tinh thần. Đời sống tâm linh là một yếu tố cần thiết để giải tỏa những trở ngại trong đời sống tinh thần, tạo sự quân bình cần thiết trong đời sống thường nhật của mỗi người. Vì thế, từ quan điểm của Phật giáo, song hành với bánh xe văn minh, cần phải có bánh xe chánh pháp để tạo nên sự hài hòa và hạnh phúc của loài người.
d. Chuyển biến của thế giới tâm linh
Thế giới tâm linh là một là một thế giới mà ở đó mỗi hành giả đi trên một lộ trình từ thấp đến cao, từ phàm đến thánh, như một bánh xe đang vượt lên đồi núi chập chùng. Càng lên cao, thế giới càng kỳ ảo, tuyệt mỹ, nhưng gian nan và khó khăn cũng nhiều hơn. Do đó, hành giả tâm linh cần phải có nhiều nghị lực, sự kiên nhẫn và quyết tâm mạnh mẽ mới thành tựu sở đắc tâm linh của mình.
Kết Luận:
Trong số những biểu tượng phỗ biến trong Phật giáo, có lẽ pháp luân là biểu tượng quan trọng nhất bởi lẽ nó biểu thị cho cốt tủy của Phật giáo: giáo pháp của đức Phật. Từ một biểu vốn dĩ đã xuất hiện lâu đời trong văn hóa Ấn cổ xưa, đức Phật đã xử dụng hình ảnh này để làm biểu tượng chính cho Phật giáo ngay khi Ngài dạy bài pháp đầu tiên trong cuộc đời hoằng hóa của mình tại vườn Nai, đó là kinh Chuyển Pháp Luân. Giáo pháp của Phật giáo được truyền thừa liên tục cũng như một bánh xe được vận chuyển từ quá khứ cho đến hiện tại, từ hiện tại cho đến tương lai. Với biểu tượng này, Phật giáo luôn hướng đến một ước vọng hướng thượng và thăng hoa trong đời sống mỗi người. Cuộc sống là một cái gì đó luôn thay đổi liên tục, nhưng những thay đổi đó được hướng theo tinh thần đạo đức và tâm linh trong sáng thì nó sẽ mang đến nhiều hạnh phúc cho đời người.
Thích Đồng Thành
Nguồn: Ðạo Phật Ngày Nay