KINH KIM CƯƠNG BÁT NHÃ
GIẢNG NGHĨA
Lục Tổ Huệ Năng
(Nguyên Hiển dịch)
Nhà xuất bản Phương Đông 2009
Lời nói đầu
Bản kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật do Lục tổ Huệ Năng giảng nghĩa được tìm thấy trong Tục Tạng Kinh Trung Hoa (Vạn, số 459 A) chưa được dịch ra tiếng Việt.Hôm nay tôi cố gắng dịch để gửi tặng chư Tăng Ni và Phật tử Việt Nam tại quốc nội cũng như ở hải ngoại nhân mùa Phật Đản Vesak 2008, kèm theo bản dịch Anh ngữ của Thomas Cleary.Bản dịch chính văn của Kinh Kim Cương Bát-nhã thì Tổ Huệ Năng đã theo bản Hán dịch của Tam tạng pháp sư Cưu-ma-la-thập, phần phân mục này theo Thái tử Chiêu Minh. Nay trong bản dịch tiếng Việt này, phần chính văn Kinh Kim Cương Bát-nhã thì tôi theo bản Việt dịch của Hòa thượng Thich Trí Quang, phần phân mục tôi vẫn giữ theo Thái tử Chiêu Minh.Sơ dĩ bản dịch Anh ngữ của Thomas Cleary được kèm theo là để giúp quý Tăng Ni Phật tử tiện nghiên cứu các danh từ Phật học Anh ngữ, cũng để giúp các Phật tử Việt Nam ở hải ngoại có thể đọc tụng Kinh Kim Cương bằng Anh ngữ.Kinh Kim Cương và Pháp Hoa là hai kinh được trì tụng nhiều nhất ở Việt Nam và Trung Hoa. Những sự linh nghiệm xảy ra ở Trung Hoa còn được ghi lại thì Kinh Kim Cương có 113 tờ, so với 37 tờ của Kinh Pháp Hoa ( Vạn, 149/38-150)Kinh Kim Cương liên hệ trọn vẹn đối với Lục tổ Huệ Năng, từ khi thoáng nghe cho đến khi được trao truyền y bát làm Tổ thứ 6 của Thiền tông Trung Hoa. Thật là thích thú khi được đọc, nghiên cứu những giải thích, giảng nghĩa của Tổ Huệ Năng. Ngộ nhập Kinh Kim Cương tức ngộ nhập Phật tâm, vào Vô thượng chính đẳng Bồ-đề.
Tôi xin chân thành cám ơn Cư sĩ Nguyên Hồng đã đọc lại, hiệu chính bản văn trước khi in. Dịch Hán văn cổ của thế kỷ thứ 8, chắc không sao tránh khỏi khuyết điểm, mong các vị cao minh chỉ giáo để kỳ tái bản được hoàn chỉnh hơn.
Tôi xin đề tặng bản quyền của dịch phẩm này cho Trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu Quán Huế.
California, mùa Vesak 2008
Nguyên Hiển
Bài tựa
Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật giảng nghĩa
Nguyên tác: Lục tổ Huệ Năng Việt
dịch: Nguyên Hiển
Kinh Kim Cương lấy vô tướng làm tông, vô trụ làm thể, diệu hữu làm dụng. Từ khi Bồ-đề Đạt-ma đến từ Tây Trúc truyền trao ý chỉ kinh này khiến người đời ngộ lý đạo, thấy tính. Chỉ vì người đời không thấy tự tính nên lập pháp môn kiến tính, nếu thấy được bản thể chân như thì chẳng cần lập pháp môn.Kinh Kim Cương Bát-nhã này được vô số người đọc tụng, vô biên người xưng tán, có hơn tám trăm nhà luận giải. Sự tạo luận tùy theo cái thấy của mỗi người. Năng lực thấy đạo dầu không đồng, nhưng chân lý thì không hai.Những người thượng căn một lần nghe liền liễu ngộ. Những người độn căn dầu đọc tụng nhiều nhưng không thông đạt Phật ý. Đó là lý do cần giải thích nghĩa lý của Thánh nhân để đoạn trừ nghi lầm. Nếu hiểu được ý chỉ của kinh, không còn nghi lầm, thì không cần giải thích.Như Lai từ ngàn xưa thuyết giảng thiện pháp là để diệt trừ tâm xấu ác của phàm phu. Kinh là lời dạy của Thánh nhân để người đời nghe lĩnh hội mà vượt qua thân phận phàm phu, thấy thánh đạo, vĩnh viễn diệt trừ mê tâm.Một quyển kinh văn này, tự tính chúng sinh đều có mà không thấy bởi chỉ đọc tụng lời văn. Nếu ngộ được bản tâm thì biết ngay rằng kinh chẳng ở nơi văn tự. Có khả năng thấy rõ tự tính mới có thể tin rằng tất cả chư Phật đều từ kinh này mà ra.Nay sợ người đời tìm Phật ngoài thân, hướng ra ngoài mà kiếm kinh, không khai phát nội tâm, không gìn giữ cái ý nghĩa kinh trong tâm của mình, vì vậy mới phải tạo luận, giải quyết nghi lầm để người tu học biết giữ lấy kinh trong tâm của mình, thấu rõ Phật tâm thanh tịnh vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn.
Nếu kẻ hậu học đọc kinh còn nghi ngờ, đọc lời giải thích này các nghi vấn sẽ tan dứt. Mong người tu học biết có vàng trong quặng và dùng lửa trí tuệ nấu chảy quặng để được vàng.
Đức Bản sư Thích-ca nói Kinh Kim Cương tại nước Xá-vệ (Shravasti) là do Tu-bồ-đề (Subhuti) thưa thỉnh. Phật từ bi tuyên thuyết, Tu-bồ-đề nghe pháp tỏ ngộ xin Phật đặt tên kinh để người sau theo đó mà thụ trì. Vì vậy trong kinh có nói : “Phật bảo Tu-bồ-đề kinh này tên là Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật (Vajra-Prajñapāramitā), ông nên phụng trì như vậy!”
Như Lai nói Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật là ẩn dụ cho chân lý. Nghĩa ấy thế nào? Kim cương là báu vật của thế giới, tính cứng sắc bén có thể làm vỡ nát các vật.
Kim loại tuy rất cứng, sừng linh dương có thể phá hoại. Kim cương dụ Phật tính, sừng linh dương dụ phiền não. Kim loại tuy cứng, sừng linh dương vẫn có thể phá hoại. Phật tính tuy kiên cố, phiền não vẫn có thể não loạn. Phiền não tuy cứng chắc, trí Bát-nhã vẫn phá được. Sừng linh dương tuy cứng chắc nhưng sắt thép có thể cắt được.
Người ngộ lý này tức thấy được Phật tính.
Kinh Niết-bàn nói : “Người thấy được Phật tính, không gọi là chúng sinh, không thấy Phật tính, gọi là chúng sinh.” Như Lai ví dụ kim cương vì người đời tính không kiên cố, tuy miệng tụng kinh mà ánh sáng tuệ giác không phát. Nếu ngoài tụng trong hành trì, ánh sáng tuệ giác sẽ phát sinh. Nếu nội tâm không kiên cố thì định tuệ liền mất. Miệng tụng tâm hành định tuệ đồng đẳng, như vậy là rốt ráo. Vàng ở trong núi, núi không biết vàng là báu. Báu vật không biết núi, núi không biết báu vật. Vì sao? Vì vật là vô tính.
Con người là hữu tính, biết sử dụng của báu. Nếu tìm được thợ mỏ, đục núi phá đá, lấy quặng đúc luyện thành vàng ròng, tùy ý sử dụng không còn nghèo khổ.
Cũng thế, Phật tính ở trong thân tứ đại này. Thân dụ thế giới, nhân ngã dụ núi cao, phiền não dụ quặng mỏ. Phật tính dụ vàng, trí tuệ dụ thợ mỏ, tinh tiến dũng mãnh dụ cho sự công phá đúc luyện. Trong thế giới của thân có núi nhân ngã, trong núi nhân ngã có quặng mỏ phiền não, trong quặng mỏ phiền não có báu vật Phật tính, trong báu vật Phật tính có thợ trí tuệ.
Dùng thợ trí tuệ công phá núi nhân ngã, sẽ thấy có quặng mỏ phiền não. Dùng lửa giác ngộ luyện rèn, sẽ thấy được Phật tính kim cương của mình trong sạch chiếu sáng.
Vì vậy kim cương được dùng làm ví dụ và đặt tên kinh là như thế.
Nếu chỉ hiểu suông mà không thực hành, tức chỉ có tên không có thực chất. Nếu có trí có hành, tức có tên và bản chất đầy đủ. Không tu là phàm phu, tu là tương đồng với Thánh trí, nên gọi là kim cương.
Bát-nhã là gì? Bát-nhã (Prajñā) là danh từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa là trí tuệ. Người trí không khởi tâm mê, người tuệ có phương tiện khéo léo. Tuệ là thể của trí, trí là dụng của tuệ.
Nếu trong thể có tuệ thì dụng trí không ngu. Thể mà không có tuệ thì dụng ngu không trí. Vì ngu si chưa ngộ nên tu trí tuệ để diệt trừ, cho nên gọi là Ba-la-mật.
Ba-la-mật (Pāramitā) là gì? Tiếng Trung Hoa nghĩa là đến bờ kia. Đến bờ kia nghĩa là thoát ly sinh diệt. Vì người đời tính không kiên cố, đối với tất cả vạn vật đều khởi ý tưởng sinh diệt, trôi lăn trong các nẻo, chưa đến bờ Chân như, nên gọi là bờ bên này. Điều thiết yếu là có đại trí tuệ đối với tất cả pháp, hoàn toàn xa lìa ý tưởng sinh diệt, tức là đến bờ kia.
Vậy nên nói tâm mê là bờ này, tâm ngộ là bờ kia. Tâm tà là bờ này, tâm chính là bờ kia. Miệng nói tâm hành tức tự Pháp thân có Ba-la-mật. Miệng nói tâm chẳng hành, tức không có Ba-la-mật.
Sao gọi là kinh? Kinh là con đường để thành tựu Phật đạo. Phàm người muốn phát tâm thành tựu Phật đạo, trong tâm phải tu hạnh Bát-nhã cho đến chỗ rốt ráo. Còn như chỉ miệng tụng niệm suông mà tâm không y theo đó hành trì thì tự tâm không có kinh. Thấy đúng, thật hành đúng là tự tâm có kinh. Vì vậy Như Lai đặt tên kinh này là Kinh Kim Cương Bát-nhã Ba-la-mật./.
Source: thuvienhoasen
Bài tựa Kinh Pháp Cú
Trong tạng kinh chữ Hán
Người viết: Cư sĩ Chi Khiêm (thế kỷ thứ III)
Người dịch: Thích Nhất Hạnh
Dhammapada là giáo nghĩa thiết yếu của các kinh. Dhamma là pháp, Pada là câu, là cú, là kệ. Pháp Cú có nhiều bộ khác nhau: có bộ có 900 câu kệ, có bộ 700 câu, có bộ năm trăm câu. Kệ là những lời ngắn gọn, như bài thơ, bài tụng. Những câu ấy do Bụt nói ra, không phải một lần tất cả các câu, mà chỉ khi nào xúc sự thì mới nói lên một câu. Tất cả các câu ấy đều có gốc gác rải rác trong các kinh.
Bụt là bậc có Nhất Thiết Trí, bản chất của Người là đại nhân từ, vì thương xót nhân gian cho nên mới xuất hiện trên cuộc đời này để mở bày đạo nghĩa, giải cứu cho con người. Mười hai thể tài kinh điển nói lên được một cách tổng quát những gì thiết yếu nhất của đạo nghĩa ấy để được phân thành một số kinh bộ. Bốn bộ kinh A Hàm được lưu truyền lại sau khi Bụt qua đời là do công phu của thầy A Nan tụng đọc lại. Các kinh dù lớn hay nhỏ đều bắt đầu bằng câu “Đây là những gì tôi đã được nghe khi Bụt đang cư trú ở miền…v.v.” Về sau các vị sa môn trong năm bộ phái Phật giáo đã nghiên cứu thông suốt về giáo nghĩa trong các bộ kinh ấy, sưu tầm và chép ra thành những bài kệ bốn câu hoặc sáu câu, xét theo ý nghĩa mà xếp riêng thành từng phẩm. Đối với mười hai thể tài giáo lý, không cần phải châm chước, không cần phải gọi bằng một cái tên riêng, cho nên mới gọi là Pháp Cú. Các kinh điển đều là do sự tập hợp của các câu nói về chánh pháp mà có. Pháp Cú cũng là sự tập hợp của các câu nói về chánh pháp.
Cận đại có nhà họ Cát lưu truyền một bộ kinh Pháp Cú có 700 bài kệ. Nghĩa lý của các bài kệ rất sâu, những người dịch chưa thật sự lột được hết nghĩa lý ấy. Được gặp Bụt đó là một việc hiếm có, được nghe lời dạy của Bụt cũng là một chuyện hiếm có. Với lại các vị Bụt lại hay xuất hiện ở miền Tây Trúc. Mà ngôn ngữ Tây Trúc rất khác với văn Hán. Sách là sách Ấn Độ, chữ cũng là chữ Ấn Độ, tên người và tiếng gọi sự vật không giống nhau, cho nên phổ biến được kinh điển là chuyện khó.
Ngày xưa có các thầy An Thế Cao và Phật Điều đã từng dịch kinh tiếng Phạn ra tiếng Tần, lột được ý, bây giờ ít ai nối tiếp được công việc ấy. Những người dịch kinh sau đó tuy không làm được cẩn mật như thế nhưng ít nhất cũng đã truyền đạt được phần đại ý, tuy còn thô thiển nhưng cũng đã là quý hóa lắm rồi. Trước hết là thầy Duy Kỳ Nan, từ Ấn Độ tới Vũ Xương vào năm thứ ba của niên hiệu Hoàng Vũ. Chính tôi đã được thầy ấy trao cho bản Pháp Cú có năm trăm bài kệ. Tôi mới mời vị đồng đạo của thầy ấy là ông Trúc Tương Diễm dịch ra chữ Hán. Ông Diễm tuy giỏi tiếng Phạn nhưng vốn liếng chữ Hán vẫn chưa đủ. Những lời dịch của ông ta còn mang rất nhiều tiếng phiên âm và ngữ pháp phạn ngữ, còn có vẻ chất phác quá. Khi nghe Chi Khiêm tôi nói rằng lời dịch còn chưa được thuần nhã, thì thầy Duy Kỳ Nan nói rằng Bụt chỉ cần nương vào nghĩa chứ không cần để ý tới tô điểm văn hoa. Chỉ cần chủ yếu lấy được cái pháp thôi chứ không cần đẹp. Những người truyền dịch kinh điển chỉ cần làm cho lời kinh dễ hiểu, đừng làm cho thất thoát cái nghĩa chính, đó là tốt rồi. Ngồi trong ban phiên dịch, có người nói: Ngày xưa Lão Tử đã từng nói, “Lời nói hay thì khó tin, lời nói tin thì khó hay.” Đức Khổng Tử cũng từng nói, “Sách không thể nói hết lời, lời không thể nói hết ý.” Những lời nói như thế cho ta thấy rõ rằng ý của các bậc thánh nhân rất sâu sắc vô cùng. Bây giờ dịch từ tiếng Phạn ra thì phải thật sự lột được ý kinh. Cho nên người dịch phải tự xem bài kệ bằng tiếng Phạn và đọc lên tiếng Hán bằng chính miệng của mình. Do đó phải cố gắng nói ra cho được cái ý chỉ trong bản gốc mà không cần phải thêm thắt văn hoa. Những chỗ nào người dịch không hiểu thì thà rằng đừng dịch. Cũng vì lẽ đó mà trong công việc dịch thuật thế nào cũng đã có những thất thoát, và có nhiều cái bị bỏ lại.
Tuy nhiên, dù lời còn chất phác nhưng ý chỉ rất thâm uyên, câu văn còn giản ước nhưng nghĩa lý rộng sâu và các sự việc nhắc tới đều có liên hệ mật thiết với các kinh. Chương nào cũng có gốc rễ của chương ấy và bài kệ nào cũng có nghĩa lý của bài kệ ấy.
Bên Ấn Độ,những người mới tu mà không chịu học kinh Pháp Cú là những người được gọi là ưa học nhảy lớp,không theo trình tự.Kinh Pháp Cú là đối tượng nghiên cứu quan trọng của người mới học mà cũng là kho tàng uyên áo cho những người đã đi sâu vào Phật học.Kinh này có khả năng chỉ bày cho những kẻ mê mờ,làm sáng tỏ cho những người còn nhiều nghi hoặc và giúp cho người ta tự học được một mình.Nhờ kinh này mà kẻ học giả tuy công phu bỏ ra còn ít nhưng kết quả thu hoạch được thì rất lớn.Cho nên ta có thể nói rằng kinh này là cốt tủy của giáo pháp vi diệu.
Lúc trước, khi tiếp nhận kinh này tôi thấy có nhiều chỗ tôi không hiểu được. Khi thầy Tăng Hội đem ông Diễm tới tôi lại có cơ hội chất vấn thêm. Nhân cơ hội ấy tôi lại nhận được thêm (từ các vị ấy) một số các bài kệ nữa, cho nên góp được thêm mười ba phẩm mới vào. Tham cứu các văn bản xưa và làm công việc hiệu đính thì kết quả là sau khi thêm mười ba phẩm mới vào, kinh này có được tất cả 39 phẩm và 752 bài kệ. Điều này đã đem lại nhiều bổ ích và giúp cho sự học vấn của chúng ta rộng rãi thêm nhiều.
Kinh Quán Chiếu Vô Thường
Dịch từ kinh Pháp Cú trong Hán Tạng
Kinh thứ 1
1. Ý thức là mình vừa ngủ dậy thì nên mở tâm vui mừng. Hãy lắng nghe những lời sau đây ghi chép lại giáo lý của Bụt.
2. Tất cả các hành đều vô thường, tất cả đều là những cái đã được hình thành và đều sẽ phải suy yếu. Hễ có sinh là phải có diệt. Vượt thoát được cái sinh cái diệt ấy là hạnh phúc lớn.
3. Như người thợ gốm sử dụng khuôn và đất sét để nặn ra các vật dụng, tất cả những gì được tạo tác ra cuối cùng cũng đều phải bị hư hoại. Mạng sống con người cũng thế.
4. Như con sông chảy xiết, đi mà không trở lại, mạng sống con người cũng như thế, một khi đi qua thì không trở về, già đi thì không trẻ trở lại.
5. Như kẻ mục đồng cầm gậy lùa bò đi ăn cỏ, cái già và cái chết cũng lùa mạng sống của chúng ta đi về nẻo chết.
6. Bất cứ ai, bất cứ là nam hay là nữ, bất cứ thuộc dòng họ nào, trăm ngàn như một, dù có chất chứa tài sản nhiều cách mấy cũng không ai thoát khỏi sự suy tàn.
7. Mỗi ngày mỗi đêm, sinh mạng tự giảm xuống, tuổi thọ cứ tiêu hao dần dần cho đến hết, như nước cạn trong hồ.
8. Cái còn dù có dài lâu cách mấy cuối cùng cũng phải trở thành cái hết, cái cao trở thành cái thấp, cái phối hợp đi tới cái ly tan, cái sinh đưa tới cái tử.
9. Các loài chúng sanh thường xung đột với nhau, do đó mà mạng sống bị tan vỡ, tùy theo hành động của mình mà bị sa đọa hoặc nhận chịu tai ương hoặc thừa hưởng phúc báo.
10. Tuổi già phải gánh chịu đau nhức, khi chết, trước khi tâm thức lìa bỏ thân xác thì lại bị sự tham tiếc gia đình ràng buộc như nơi chốn tù ngục, như vậy thì không thể chấm dứt được luân hồi trong thế gian. 11. Thương biết bao nhiêu! Khi tuổi già đến, nhan sắc biến đổi, suy tàn, ít có điều như ý, tuổi già chỉ thấy dẫm chân tại chỗ.
12. Dù có sống tới một trăm tuổi rồi cũng phải chết, tuổi già hay trở nên ngán ngẩm, bệnh tật liên miên cho đến hết đời.
13. Ngày hôm nay đã qua, mạng sống theo đó mà rút ngắn lại, tình trạng giống tình trạng con cá thiếu nước, còn có cái vui gì?
14. Tuổi già thì nhan sắc tàn phai, bệnh tật hủy hoại cơ thể, hình hài suy yếu hư nát, tất nhiên phải chết.
15. Thân này cần được sử dụng như thế nào? Từ đó chảy ra những chất bất tịnh, bị bệnh tật đưa vào tình trạng khốn đốn. Cái nạn già và chết luôn luôn có đó.
16. Cứ mặc ý phóng túng trong vòng tham dục thì những điều trái với đạo lý càng ngày càng dồn chứa thêm. Chưa từng thấy cái nghe về sự vô thường biến thiên của vạn pháp cho nên người ta không biết là thọ mạng cũng vô thường.
17. Dù có con cháu, dù có cha anh ở đấy đi nữa thì khi thần chết đến mời, không người thân nào có thể nương tựa giúp giữ mình ở lại.
18. Đêm ngày kiêu mạn, lười biếng, cho đến già rồi vẫn còn giữ thói dâm dật, có của mà không chịu chia sẻ cho kẻ thiếu thốn, chẳng biết vâng làm theo lời Bụt dạy, chính những cái thói xấu ác này sẽ làm hại chính mình.
19. Dù có đi trốn tới một địa phương nào đi nữa, trên không trung, dưới đáy biển hay trong hốc núi cũng không thể nào thoát được cái chết.
20. Sự việc xảy ra như đã xảy ra trong hiện tại, là do tự ta gây ra, sự việc sẽ xảy ra trong tương lai cũng thế, là do tự ta cả. Con người lâm vào tình trạng nhiễu loạn thảm thương như thế cho nên cứ phải mãi mãi đi tới với nỗi lo âu về cái già và cái chết.
21. Biết được như thế ta phải cương quyết tự thanh tịnh hóa thân tâm và làm khô cạn chất liệu luân hồi. Vị khất sĩ làm được như vậy mới mong thoát được vòng vây của binh đội ma vương và vượt thoát được lưới sinh tử.
Phẩm vô thường (Kinh Quán Chiếu Vô Thường): Vô thường là một phép quán, giúp cho ta thấy được tính cách biến đổi thành hoại mau chóng của hình hài cũng như của mọi vật, trong đó có cả tâm ý. Quán vô thường giúp ta trân quý những gì đang có mặt và sống được sâu sắc mỗi giây phút của sự sống hằng ngày. Quán vô thường ta sẽ buông bỏ được những gì phù hoa, không thật, không đem lại bình an thật sự cho ta sau này. Vô thường cũng là một phép thiền định. Cái thấy vô thường đưa tới cái thấy vô ngã và tháo gỡ được cho ta tất cả các phiền não như tham, giận, kiêu căng…
Tôi rất thích bài kệ đầu: Ý thức là mình vừa mới ngủ dậy thì nên mở tâm vui mừng. Ngày xưa tôi đã viết bài hát “Thức dậy hôm nay tôi thấy trời xanh, chắp tay tôi cám ơn đời mầu nhiệm…”. Tôi cũng đã viết bài kệ:
“Thức dậy mỉm miệng cười Hăm bốn giờ tinh khôi Xin nguyện sống trọn vẹn Mắt thương nhìn cuộc đời”.
Bài kệ thứ hai tóm thu được toàn bộ giáo lý đạo Bụt: đó là bài kệ nổi tiếng:
“Chư hạnh vô thường Thị sinh diệt pháp Sinh diệt diệt dĩ Tịch diệt vi lạc”
Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường, có sinh rồi thì phải có diệt. Nếu vượt được ý niệm sinh diệt thì tiếp xúc được với cái vui của Niết Bàn. Hai câu đầu nói về thế giới hiện tượng hữu vi, hai câu sau nói về thế giới bản thể vô vi. Niết Bàn và Sinh Diệt không phải là hai thực tại tách rời nhau.
Bài kệ thứ 13 đã được đưa vào Thiền Môn Nhật Tụng để xướng trong buổi công phu chiều: “Thị nhật dĩ quá, mạng diệc tùy giảm, như thiểu thủy ngư, tư hữu hà lạc…”. Tại Làng Mai bài kệ vô thường đã được dựng lại như sau:
”Ngày nay đã qua Đời sống ngắn lại Hãy nhìn cho kỹ Ta đã làm gì? Đại chúng hãy cùng tinh tấn thực tập hết lòng Sống cho sâu sắc và thảnh thơi Hãy nhớ vô thường Đừng để tháng ngày trôi đi oan uổng.” Phẩm này có tất cả 21 bài kệ. Xin các hành giả tiếp tục khám phá…
Source: Làng Mai
Kinh Trung Đạo Nhân Duyên
Đây là những điều mà chính tôi đã được nghe hồi Bụt cư trú tại ngôi nhà khách ở trong một khu rừng thuộc tụ lạc Na Lợi. Lúc ấy có tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên đến thăm người. Sau khi đảnh lễ dưới chân Bụt, đại đức lui về một bên, ngồi xuống và bạch:
– Thế Tôn, Thế Tôn thường nói tới danh từ chánh kiến. Vậy chánh kiến là gì? Thế Tôn diễn giải về chánh kiến như thế nào?
Bụt bảo tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên:
– Người đời thường nghiêng về hai khuynh hướng nhận thức: một là có, hai là không. Đó là do vướng mắc vào tri giác sai lầm của mình. Vì vướng vào tri giác sai lầm cho nên mới kẹt vào hoặc ý niệm có hoặc ý niệm không. Tán Đà Ca Chiên Diên! Phần lớn người đời đều bị kẹt vào chấp và thủ. Người không bị kẹt vào chấp và thủ thì không còn nắm giữ, kế đạt và vọng tưởng về cái ngã nữa. Người ấy biết cái khổ khi có điều kiện phát sinh thì nó phát sinh, khi hết điều kiện tồn tại thì nó tiêu diệt. Người ấy không còn nghi hoặc gì nữa cả. Cái thấy của người ấy không do bị ảnh hưởng của kẻ khác mà có, trái lại do chính người ấy tự đạt được. Cái thấy ấy gọi là chánh kiến. Đó là cách trình bày chánh kiến của Như Lai. Vì sao thế? Người có tri kiến chân chính khi quán sát về sự sinh khởi của thế gian thì không thấy thế gian là không. Người có tri kiến chân chính thì khi quán sát về sự hoại diệt của thế gian thì không thấy thế gian là có. Tán Đà Ca Chiên Diên! Chấp có là một biên kiến, chấp không là một biên kiến khác; Như Lai lìa hai biên kiến đó mà thuyết pháp ở trung đạo. Nghĩa là: Cái này có vì cái kia có, cái này sinh vì cái kia sinh; từ vô minh mà có hành, từ hành mà có thức, từ thức mà có danh sắc, từ danh sắc mà có lục nhập, từ lục nhập mà có xúc, từ xúc mà có thọ, từ thọ mà có ái, từ ái mà có thủ, từ thủ mà có hữu, từ hữu mà có sinh, từ sinh mà có lão tử và khổ đau chồng chất thành khối. Nếu vô minh không còn thì hành không còn, hành không còn thì thức không còn, thức không còn thì danh sắc không còn, danh sắc không còn thì lục nhập không còn, lục nhập không còn thì xúc không còn, xúc không còn thì thọ không còn, thọ không còn thì ái không còn, ái không còn thì thủ không còn, thủ không còn thì hữu không còn, hữu không còn thì sinh không còn, sinh không còn thì lão tử không còn và nguyên khối khổ đau chồng chất kia bị tiêu diệt.
Bụt nói kinh này xong, tôn giả Tán Đà Ca Chiên Diên thấy tâm bừng sáng giải thoát, cắt đứt được các hệ lụy, và chứng quả A La Hán. (CCC)
Kinh Trung Ðạo Nhân Duyên: Kinh này dịch từ kinh số 301 trong bộ Tạp A Hàm của tạng Hán. Tạp A Hàm là kinh số 99 của tạng kinh Ðại Chính. Kinh này nói về tri kiến chân chính vượt thoát các ý niệm có và không và xác nhận tính duyên sinh của vạn pháp. Ta có thể tham khảo thêm kinh Kaccayanagotta của tạng Pali, trong Tương Ưng Bộ (Samyutta Nikàya II, 16-17).
Source: Làng Mai .
Kinh Kiến Chánh
Việt dịch: Thích Trí Đức
Tôi nghe như thế nầy: Một hôm Phật ở tại Tinh-Xá Kỳ-Hoàn nơi thành La-Duyệt-Kỳ. Trong lúc gần ngọ, Ngài cùng năm trăm Vị Tỷ-Khưu, một ngàn Vị Bồ-Tát và Ưu-Bà-Tắc, bưng đồ cúng dường đi ra ngoài thành La-Duyệt-Kỳ, bỗng gặp một cây đại thọ tên là Cam-Hương, cành lá sum-sê, cây to gốc lớn, hoa trái tươi tốt đỏ hồng, chứa chất một mùi vị thơm ngọt. Dưới gốc cây bằng phẳng. Phật muốn dừng lại đây lót đá mà ngồi. Hàng đệ-tử tùy tùng vâng theo ý Phật, sửa chỗ cho Phật ngồi, rồi ai nấy cũng đều ngồi quanh Ngài.
Trong đám đệ-tử, có một Tỷ-Khưu tên là Kiến-Chánh, người mới nhập đạo tu hành, nên trong tâm có chỗ nghi hoặc: “Phật thường nói có đời sau, nhưng từ loài vật cho đến loài người, khi chết rồi chưa từng ai trở lại báo cho biết việc ấy như thế nào cả?” Ông liền đem điều ấy hỏi Phật, Phật nhân đấy bảo cho các đệ-tử rõ, bằng những điều chứng minh, thí dụ như sau:
– Gốc đại thọ nầy, vốn từ một hột giống và nhờ các trợ duyên: đất, nước, gió, lửa mà nó được to lớn, tàn cây có thể che một số người như thế nầy. Truy nguyên thời kỳ hột giống, thì không thấy có nhánh, lá, hoa, trái gì cả. Nhưng gặp đủ nhân duyên tứ-đại, nó nứt mầm, nẩy nhánh, sanh hoa, kết trái dần dần thành một cây to, tàn che một khoảnh đất rộng. Ban đầu nó chỉ gọi là hột, hột sinh mầm, mầm sinh nhánh, nhánh sinh lá, lá sinh hoa, hoa sinh trái, trải qua nhiều giai đoạn, thay đổi triển chuyển mới thành cây đại thọ, đối với hột giống không phải một mà chẳng phải khác, có danh nhưng chẳng phải thường danh. Nó đã trở thành cây đại thọ. Có thể nhóm tất cả hoa, trái, nhánh, lá, cọng, gốc kia lại, làm hột giống khi xưa được không?
– Không thể được – lời các đệ-tử đáp – chúng đã biến chuyển thì không thể trở lại được nữa. Một ngày một mục nát, hột giống trở thành mầm, nhánh vân vân. Cứ vậy càng sanh càng đổi, tuy không bị tiêu mất, nhưng cũng không thể trở lại hột giống như xưa.
– Sanh tử cũng như thế. Thần thức là pháp nguyên khởi, pháp ấy là si (vô-minh). Do vô-minh sanh tham ái. Vô-minh in như hột giống. Hột giống tuy nhỏ mà trưởng thành cây đại thọ, vô-minh tuy ẩn vi mà gây thành nhiều hiện tượng nhân duyên sai khác. Các hiện tượng nhân duyên đều do thức tâm xuất hiện. Từ vô-minh sanh ra hành, hành sanh thức, thức sanh danh sắc, danh sắc sanh lục nhập, lục nhập sanh xúc, xúc sanh thọ, thọ sanh ái, ái sanh thủ, thủ sanh hữu, hữu sanh sanh, sanh sanh lão tử, hợp lại là mười hai nhân duyên, làm bản thể cho thân nầy. Đã có thân thì có ngày già, chết. Khi ấy thần-thức tùy theo hạnh nghiệp dắc dẫn, mà sanh thành một xác thân khác, cũng có Cha mẹ, cũng thọ hình thể, cũng sanh lục tình, cũng khởi tập nhiễm, cũng chịu khổ vui, cũng theo phong tục, nhưng không thứ nào trở lui như cũ. Đã không thể trở lại kiến thức như cũ, thì chẳng làm sao biết được quá khứ. Người ta chỉ một mặt theo kiến thức mới, bảo là thực có, là thường còn, rồi cố chấp theo những điều tri kiến đó, nên không biết rằng: đời trước và đời sau do thần thức chuyển di theo hạnh nghiệp mà phát hiện ra vậy.
Thần thức đã chuyển di, lại nhờ có cha mẹ làm trợ duyên sanh ra hình thể mới, bị khuôn khổ theo lục tình, tập nhiễm, khổ vui, phong tục, không thể trở lại đời cũ, cũng không thể trở lại thân hình cũ, tập quán cũ, kiến thức cũ, như cây đại thọ, không thể trở lui hột giống của ngày trước.
Sau khi nghe Phật dạy, Tỷ-Khưu Kiến-Chánh đứng dậy, quỳ thẳng bạch Phật: “nghi ý của đệ-tử vẫn chưa trừ giải. Giờ đây chính là lúc đệ-tử tỏ bày chỗ ngu si ngưỡng mong Thế-Tôn thương xót chỉ dạy cho. Đệ-tử từ khi nhỏ đến giờ, gặp người chết không phải là ít: hoặc cha mẹ, anh em, vợ chồng, nội ngoại, hoặc bằng hữu đang thương yêu nhau, hoặc kẻ oán thù đang giận ghét nhau, mà sau khi chết, thần thức họ vẫn không trở lại gặp mặt, trả lời cho biết ai sướng ai khổ thế nào cả. Tại sao vậy? Thần thức bị điều gì làm cách ngại, mà họ không trở lại diện báo cho người sống biết? Mong đức Thế-Tôn giải bày phân biệt để chúng đệ-tử, đoạn trừ nghi kiết, sớm thấy lẽ thật.”
– Nầy Tỷ-Khưu! Thần thức kia không hình trạng, khi chuyển di thì tùy theo hạnh nghiệp mà phát hiện. Nếu người ở đời làm phước, thần thức phước đức chuyển sang đời khác, cũng còn không thể trở lại diện báo cho biết được, huống chi là kẻ hung ác. Vì sao? Vì như nhà kỹ-sư nấu đá cho chảy để tìm thiếc, đã thành thiếc rồi lại đúc làm các khí cụ, những khí cụ ấy, có thể khiến nó trở lại đá được không?
Thần thức chuyển đi, ở tại thân trung-ấm, ví như đá đã lọc thành thiếc; từ trung-ấm thay đổi, thọ sanh thân khác, như thiếc đã đúc thành khí cụ. Hình thể đã thay đổi tiêu ma, không trở lại thân cũ được.
Những ai tu hành năm điều thiện (năm giới) họ sẽ được bẩm thọ thân người, họ sẽ có cha mẹ, và bị sáu thứ ràng buộc: 1) Ở tại trung-ấm, không thể trở lại kiếp xưa. 2) Bị bó buộc trong bào thai. 3) Khi sơ sanh bị ép bức đau đớn quên hết dĩ vãng. 4) Rớt xuống đất, các kiến thức trước đều mất, sanh ra kiến thức mới. 5) Sanh ra rồi liền tham trước vật dục, vì tham trước nên kiến thức cũ bị gián đoạn. 6) Lần lần khôn lớn, tập theo kiến thức mới, chứ không nhớ lại kiến thức xưa.
– Các đệ-tử: Ví như người khách buôn, đi khắp bốn phương, gặp đủ điều vui khổ. Khi nhớ nghĩ những điều ở một quận ấp về phương đông, thì họ không còn nhớ gì về ba phương kia nữa. Trong đường sanh tử cũng vậy. Trong đời nầy tạo tác hạnh nghiệp rồi sanh qua đời khác. Khi đã thọ thân khác, liền sanh kiến thức mới, cho nên kiến thức cũ không phát hiện ra.
Bởi sáu việc ấy chằng trói ngăn ngại, nên không biết lại đời cũ và báo tin cho ai.
– Hoặc như người thợ gốm, nung đất làm đồ, do sức lửa đốt, miếng đất trở thành tấm ngói; ta có thể khiến tấm ngói ấy trở lại cục đất được không?
– Thưa, không thể được.
– Hoặc như một cây đại thọ bị người ta đốn xuống, cưa xẻ, làm thành hàng trăm thứ đồ dùng. Nếu có người muốn nhóm góp những đồ vụn vặt và các tấm gỗ đã bị cưa, làm lại cây đại thọ như trước được chăng?
Thưa không được.
– Hoặc như người thợ nấu cát thành ra sa sắc hồng, rồi lại thành sắc trắng mà hóa ra như nước. Ta có thể khiến sắc hồng ấy trở lại cát được không?
– Thưa không được.
– Sanh tử cũng như thế, người chưa có đạo ý, chưa có đạo nhãn, khi thân chết, thần thức biến hóa theo hạnh nghiệp, thọ sanh thân khác, trong những đời khác, họ bị bưng bít trong thai bào, trong kiến thức, trong tập tánh mới rồi, thì họ không thể nào biết lại đời trước được.
Hoặc như nước đựng trong bình tròn thời nước thành tròn, đổ sang đồ vuông thời nước lại thành vuông. Tùy theo đồ đựng, mà nước phải thay hình đổi dạng theo tướng trạng lớn nhỏ, tròn vuông. Sanh tử cũng như thế. Thức tâm vốn không có hình thể nhứt định, chỉ tùy theo hành vi thiện ác mà lãnh thọ báo thân. Có trắng, đen, dài, ngắn, khổ, vui, lành, dữ, đều là sự biến đổi hiện hình, theo hạnh nghiệp cả. Như tâm thức của ta khi ở đời đã gây điều phi pháp, nên bị đọa làm bàng sanh, mất tự do trong khổ sở, làm sao biết lại đời trước mà báo tin cho ai hay.
– Hoặc như con sùng, sinh ở trong đất, không kêu, không có cánh, nhưng đúng thời tiết nó hóa thành con ve, ở trên cây kêu suốt ngày, không ngớt. Ta có thể bảo con ve ấy trở lại với thân hình con sùng đặng báo tin cho các con khác ở trong đất biết được không?
– Thưa không được. Con sùng đã biến đổi, rời âm để sống trong dương khí, thân hình thay đổi dần cho đến ngày chết đi, hoặc bị chim chóc bắt ăn thịt, chứ không thể trở lại thân sùng được.
– Sanh tử cũng vậy. Thân nầy chết rồi, thần thức di chuyển, thọ sanh thân mới, bị ngũ ấm ngăn che, nào kiến thức, nào tập tánh đều đổi mới trong một hoàn cảnh khác, cho đến ngày tiêu mòn già chết, chứ không thể trở lại thân hình cũ với kiến thức cũ, báo tin cho ta biết.
– Hoặc như miếng thịt sống, để lâu ngày hôi hám, hóa sanh trùng giòi. Muốn cho nó trở lại thành miếng thịt tươi được không?
– Thưa không được.
– Sanh tử cũng vậy. Người thế-gian, tâm nghĩ ác, miệng nói ác, thân làm ác, khi họ chết, thần thức chuyển di, đọa làm thân địa ngục, bàng sanh, ở trong cảnh giới mới lạ, sự thấy biết khác với ngày trước, lại bị lưới tội buộc ràng, không biết được ngày xưa, nên cũng không trở lại báo tin cho ta hay được.
– Hoặc như đêm tối không trăng, mọi vật ở trong hắc ám. Giá có người trong trăm ngàn vạn người xem mọi vật đêm tối ấy, họ có thể biện biệt được màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng không?
– Dù ức triệu người xem trong đêm tối, cũng chẳng thấy được gì, huống chi là biện biệt năm màu sắc.
– Nếu có người cầm đuốc soi sáng, bảo cho họ xem, họ có thể thấy được không?
– Có thể thấy được.
– Nếu có người ngu không cầm đuốc, đi vào chỗ tối. Càng đi càng xa, càng tối, khi ấy họ muốn thấy năm sắc được không?
– Người ngu đã xây lưng với ánh sáng mà đi vào chỗ tối, họ đi xa không bao giờ thấy màu sắc được cả.
– Các đệ-tử! Chúng sanh ở trong đường sanh tử tối tăm cũng như thế. Từ người cho đến loài vật, hễ đã mang thân hình, ngu si mờ ám, không có đạo hạnh, không hiểu được nguồn gốc thân tâm, chưa có tuệ nhãn mà vội mong biết đến thần thức qua lại thọ sanh trong đường sanh tử, lui về báo tin, chẳng khác nào ở trong đêm tối muốn thấy năm sắc. Trái lại, nếu biết học kinh trì giới, tu hành ba mươi bảy món trợ đạo Bồ-đề, giữ gìn tâm ý thanh-tịnh, là họ như người cầm đuốc sáng thấy rõ năm sắc. Người nương theo giáo pháp đức Phật, có thể biết đường sanh tử và cảnh giới thiện ác mà thần thức đã qua lại. Ngoài ra những người không thấu rõ thân tâm, ngược bỏ kinh giới, theo giòng trần-tục, tự ý buông lung, đoạn diệt thật pháp, lòng không tin tưởng, thật hành Phật-pháp, kẻ ấy như người vất đuốc mà đi vào chỗ tối, càng đi càng mù mờ không trông thấy gì cả.
– Các đệ-tử! Các người chớ thuận theo tâm ý ngu si, kiết phược mà nghi ngờ đạo lý chơn chánh thanh-tịnh. Nếu thuận theo tâm ý ngu si, các người khó tránh khỏi cảnh giới tối tăm, đọa đầy thống khổ. Ta đã có ý dẫn dụ giải bày rành rẽ, vậy các ngươi hãy siêng năng phụng hành, đừng bao giờ quên.
– Các đệ-tử! Người đời chỉ dùng mắt thịt mà thấy những việc trong hiện tại, nhưng không thể thấy trước đây mình từ đâu đến, mà sau khi già chết, bước sang đời sau, thọ một thân hình khác, cũng không biết lại những việc ngày nay. Vì sao? Vì mỗi lần sống chết, thần thức chuyển dịch theo mười hai nhân-duyên, mà trong mười hai nhân-duyên, ngu si là chủ yếu mà tối tăm, nên một lần thay đổi, khó biết lại việc cũ. Như đem tấm vải trắng nhuộm thành các màu xanh, vàng, đỏ, tím, tấm vải đã bị nhuộm không thể trở lại như cũ được. Sanh tử chuyển dịch cũng như thế. Thức tâm không có tánh-thể thường nhứt, nó bị nhuộm theo hạnh nghiệp mà thay đổi mãi. Vả lại, tâm ý của chúng sanh thường tưởng niệm mọi pháp, trong một đời người, lòng nghĩ muốn về những điều lành dữ báo ứng rất nhiều, hễ các niệm mới sanh thì niệm cũ diệt, mà trong đường sanh tử chỉ ngu si là thường hơn cả. Ai muốn hiểu nguồn gốc sanh tử qua lại, hãy gắng tu luyện thân tâm, thâm nhập thanh-tịnh, suy nghĩ nguồn gốc mọi pháp, thì có thể khai ngộ như thức giấc ngủ.
– Các đệ-tử! Thần thức bị điều si ám trong việc thiện ác, nên hễ chết rồi lại sanh với những thân hình sai khác. Không hạnh nghiệp thiện ác là không thọ thân, như lửa gặp củi thì còn, củi cháy hết thì không, ý thức không hành vi thiện ác thời cũng không còn có hình thức gì vậy.
Hoặc như gương mờ không thể soi thấy gì được. Bức gương thức tâm bị hỗn trược ngăn che, chuyển di sanh tử, đầy dẫy thảm khốc sợ hãi, và bị dắc dẫn theo sự họa phúc tai ương, cũng vậy, chẳng soi thấy việc trong đời cũ. Như ao nước đục, dẫu có cá trạnh trong đó, vẫn không làm sao trông thấy. Ở trong sanh tử hỗn loạn, bị mọi điều ưu tư bưng bít, nên hễ một lần chuyển sang kiếp khác, là quên mất việc đời cũ. Như người nhắm mắt đi trong đêm tối, hoàn toàn chẳng trông thấy gì. Người đi trong đêm tối sanh tử, trôi theo giòng họa phúc, phải cam chịu điều mừng vui, khổ não, không thể biết lại việc cũ trong kiếp trước.
– Các đệ-tử! Ta lấy tuệ-nhãn thanh tịnh soi thấy một cách rõ-ràng, hết thảy chúng sanh qua lại sanh tử trong vòng ba cõi, khác nào nhìn sợi chỉ trong hột ngọc thủy-tinh, lưu ly. Xanh, vàng, đều trông thấy rõ. Và như nước trong, có thể nhìn thấu đáy, tất nhiên thấy rõ các loài thủy tộc trong ấy. Phật thấy chúng sanh sống chết trong năm đường, như người đứng bên chiếc cầu lớn, thấy rõ tất cả hành khách qua lại trên cầu. Hoặc như đứng trên núi cao, nhìn thấy cả bốn bề xa gần, Phật ý cao viễn, Ngài thấy mọi loài sanh tử cũng vậy.
Các ngươi nếu theo lời chỉ dạy của ta, thì biết rõ tử sanh trong muôn ngàn kiếp. Thật hành ba mươi bảy pháp trọng yếu là 4 món niệm xứ, 4 món chánh cần, 4 món thần túc, 5 căn, 5 lực, 7 món giác ý, 8 món chánh đạo để trừ bỏ sự nhơ xấu nơi tự tâm, diệt trừ ba độc tham, sân, si, cắt dứt mối nghi ngờ, khai hóa trí-thức thanh tịnh, như chư Phật, là có thể biết được việc quá khứ vị lai.
– Các đệ-tử! Người đời làm những điều thiện ác, chết rồi đều có sự báo đáp lại cả. Nhưng không ai biết được là vì chưa có ba thứ tịnh nhãn. Bị ngăn ngại theo lục căn, nhìn với con mắt thịt, cứ làm theo những việc xấu xa ô trược, đắm đuối trong chỗ ngu si, chuyển hóa theo giòng sanh tử, bị xác thân chướng ngại, nên rời việc cũ say việc mới, không thể biết có sự báo đáp tùy theo hạnh nghiệp ấy. Chứ ở đời có sự thọ phước, thọ ương, hoặc tương lân, tương ố lẫn nhau, đó chính là sự thật, chứng nghiệm việc báo tin của hạnh nghiệp quá khứ vậy.
Người đời bị trói buộc trong sự nghi ngờ, sanh ra từ chỗ ngu si, không chút hành vi thanh-tịnh, mà muốn biết việc đời trước cùng những hiệu quả báo ứng, họ khác nào kẻ không tay muốn viết, không mắt muốn trông. Vì cớ đó Phật ra đời, giảng bày kinh đạo, mở mang tâm ý mọi người. Ai là kẻ muốn biết rõ và cải hoán nhân quả hưởng thọ của mình trong đường sanh tử, hãy tùy theo Phật-giáo, thật hành đạo pháp, trau dồi trí tuệ, điều chính tâm ý, luyện tập thiền quán, thì đều có hiệu quả được cả.
– Các đệ-tử! Thần thức có danh không hình, tùy hành vi thiện ác và bốn món đại làm thể chất. Lúc mới sanh thân nhỏ, sáu căn chưa đủ, kiến thức hẹp hòi, hiểu biết cạn cợt, đến khi khôn lớn, đủ cả sáu căn, thức tâm huân tập thêm những điều ái dục, càng ngày càng nhiều, cho đến ngày suy yếu, bốn đại tiêu mòn, thức tâm không còn minh mẫn, sáu tình giảm ít. Chỉ trong một đời hiện tại mà vô thường thay đổi, sau không giống trước, kiến thức khi trẻ như bị quên hết với tuổi già, huống chi nhiều đời cách biệt, thai ấm ngăn che, chưa được đạo ý, tà hạnh mê lầm, mà mong biết sau khi chết trở lui báo tin. Mong biết việc trước như vậy, khác nào kẻ xâu kim trong đêm tối, tìm lửa trong nước mà thôi.
Vậy các đệ-tử! Hãy siêng năng thực hành kinh giới, thâm tư nguồn gốc sanh tử: Từ đâu lại và sẽ về đâu? Nhân gì mà có sự qua lại? Duyên gì mà phải sanh tử? Suy xét cho kỹ tự tánh vô ngã của các pháp, thì mọi điều nghi ngờ nhất thời tự giải.
Phật nói kinh nầy rồi, năm trăm Tỷ-Khưu và Ưu-Bà-Tắc, đều được kiến đạo và các hàng Bồ-Tát đều được bất thoái tam muội. Tất cả đứng dậy, nhiễu quanh Phật ba vòng, lễ Phật sát đất, lễ xong, theo Phật trở về Tinh-Xá.
Nguồn: Chùa Linh Sơn