ÐS-3: Chìa khóa bình yên

 Recent Pages: 1 2  3  4  5  6  7  8  9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Vì sao ta không thể dứt ra được trong Tình yêu?

Địa cầu này có thể tan chảy nhưng tình thương thì đừng vỡ tan. Chính tình thương giữa con người và muôn loài mà tạo duyên cho địa cầu hồi sinh, cho sự sống ở các địa cầu khác trỗi dậy. Dứt bỏ những ham muốn nhỏ nhoi để gìn giữ cái to lớn và vĩ đại hơn. Cuộc đời này vốn trong trẻo, đẹp đẽ và dễ thương lắm. Đừng để nó trôi đi một cách oan uổng trong lo toan, muộn phiền.

Mùa xuân đang đến và bên ngoài người ta bắt đầu nói đến chuyện tết này sẽ mua cây mai hay cây quất về chưng trong nhà. Gió xuân nhẹ thổi làm mát dịu cả da thịt. Tôi thường hay dậy sớm ngồi thiền và nghe tụng kinh. Giữa đêm khuya hay sáng sớm, ra ngoài ban công đứng, lắng nghe âm thanh tĩnh lặng cũng rất thi vị. Sự tĩnh lặng cũng có âm thanh của riêng nó, mà tĩnh lặng không phải là không có âm thanh gì cả. Thỉnh thoảng tôi nghe âm thanh một chiếc xe vụt qua, tiếng kẽo kẹt của người đẩy chiếc xe bán hủ tíu sáng hay tiếng con chuột kêu rút rít nữa.

Tĩnh lặng thì mới nghe được những âm thanh này, kể cả nhịp tim đập trong lồng ngực hay tiếng mạch đập ở cổ. Có những điều tưởng chừng sẽ mãi mãi ở bên người nhưng không ngờ, khi bình minh thức giấc, nó lại ra đi. Người có thể muốn níu kéo, muốn gây dựng lại, muốn hâm nóng hay muốn kéo dài thêm. Tình yêu có thể đẹp như bình minh buổi sáng, có nắng, có gió, có tiếng chim sơn ca, hay có dàn thiên lý, nhưng tình yêu cũng có thể là buổi trưa, nóng bức và ngột ngạt, rồi buổi chiều, mưa rơi ướt cả lối đi và lạnh lẽo. Do nóng bức nên mong mỏi sự mát mẻ như nắng hạn mong mỏi cơn mưa rào.

Do lạnh lẽo nên thèm thuồng sự ấm áp như bầu trời xám xịt mong mỏi vài tia nắng lẻ loi. Đã biết nhiều buồn phiền trong tình yêu, nhưng sao người không thể dứt ra được? Người nói, Mình sinh ra là để yêu mà. Đành là vậy, nhưng yêu thì phải có hạnh phúc chứ, còn nếu không có hạnh phúc thì người dứt nó ra đi. Người nói, Dứt làm sao được mà dứt, dứt tình yêu rồi mình không sống nổi đâu. Gì mà không sống nổi, tình yêu thôi mà, có gì ghê gớm lắm đâu. Có lẽ người cô đơn quá nên người cần tình yêu đến vậy, người chưa biết cách sống một mình, cách mà sống không cần đến tình yêu nhưng vẫn tràn ngập tình yêu.

Cuộc đời này vốn dĩ rất trong trẻo. Này đây là bầu trời trong trẻo, này đây là cái cây trong trẻo, này đây là nụ cười trong trẻo, này đây là đôi bàn tay trong trẻo. Ngày nào tôi cũng ra ngoài nhìn ngắm bầu trời. Không phải là tôi rảnh rang. Mặc dù có nhiều việc làm lắm, nào là đi dạy học, nào là làm việc, nào là viết sách, nào là ngồi thiền, nào là gọi điện thoại cho mẹ, nhưng tôi vẫn dành thời gian làm bạn với bầu trời. Bầu trời bao la, bàn tay tôi nhỏ bé không thể ôm trọn nhưng bầu trời có thể ôm lấy tôi. Ánh mặt trời đang ở trong tôi và cả bầu trời kia bỗng chốc là của tôi. Tôi thích ngắm nhìn bầu trời vì chẳng có ai giành bầu trời với tôi cả. Bầu trời không có ghen tỵ, không có tính toán, và đặc biệt là bầu trời rất chung thủy, không có lăng nhăng.

Buổi chiều bớt nắng, tôi ngồi nhìn bầu trời thật lâu và nhìn sâu vào thăm thẳm, tôi chẳng thấy gì ngoài sự trong trẻo của nó. Trước chỗ tôi ở không có cái cây nào nhưng lại có giàn thiên lý. Nhà người ta trồng giàn thiên lý nhưng tôi là người được hưởng. Vài chú chim thỉnh thoảng đậu gần đó hót tíu tít. Hết ngắm bầu trời rồi lại ngắm giàn thiên lý. Mấy bữa tôi nhập thất tu thiền, ngồi bên cửa sổ hay cửa ban công, bầu trời và giàn thiên lý là bạn của tôi, nhưng tôi không có lo mấy người bạn này chạy mất. Buổi tối tôi đi ngủ thật thoải mái vì tối biết chắc là ngày mai bầu trời sẽ vẫn còn ở đó và giàn thiên lý cũng sẽ ở đó, có khác chăng là bầu trời thêm xanh và vài bông hoa thiên lý lại nở ra.  Mấy đứa nhỏ đi học về ngang chỗ tôi ở. Tụi nó nói huyên thuyên rồi cười khanh khách. Nụ cười trong trẻo vang vào tận phòng tôi. Nghe được trẻ em cười là may lắm. Trẻ em là hòa bình và nụ cười trẻ thơ như bông hoa hòa bình vậy. Tôi cũng có thể trồng một nụ cười như thế.

Trẻ thơ không lo lắng gì ngoài việc học hành và vui chơi nên nụ cười của chúng rất hồn nhiên, không đắn đo, không kiểu cách. Tôi thích cười thoải mái. Nhiều khi lớn rồi mới học cách cười của trẻ thơ, cười một cách chan hòa. Rồi tôi ngắm nhìn đôi bàn tay. Đôi bàn tay thật kì diệu. nó có thể là bàn tay của mẹ hay bàn tay của Phật. Tôi hay đưa tay cho mẹ tôi xem. Mẹ tôi nói, Tay con trai gì mềm mại như tay con gái. Mà đôi bàn tay trong trẻo thật. Nếu đem bàn tay này chăm sóc cho bản thân và những người xung quanh thì đó là bàn tay của mẹ, còn nếu đem bàn tay chăm sóc chúng sinh thì đó là bàn tay của Phật. Mẹ là thương yêu và Phật cũng là thương yêu. Lắm lúc ngồi suy nghĩ, sao Phật ngày xưa giỏi quá, cái thì cũng có thể dứt ra được, nên Phật thật trong trẻo, còn mình thì cái gì cũng ôm vào, cũng mang cái đòn gánh vào nên ngày càng chuyên chở đủ thứ, không nỡ dứt ra. Cho nên, mình không có được trong trẻo lắm, mình chưa thể là mẹ, chưa thể là Phật. Nói vậy chứ thật ra mình cũng có khả năng làm mẹ và khả năng làm Phật, chỉ cần dọc đường, mình bỏ bớt vài thứ cho đến khi không mang vác gì nữa, lúc này mình mới thật sự trong trẻo.

Nếu vào chùa tu tập, người sẽ có những bạn đồng tu. Sống trong tăng thân, người không thấy cô đơn mà luôn được cưu mang hay soi sáng bởi những người bạn. Có câu, Ăn cơm có canh, tu hành có bạn. Tu tập một mình thì tốt, nhưng tu với bạn thì tốt hơn. Người may mắn được bao bọc bởi tăng thân và nương vào tuệ giác của tăng thân mà phát triển. Bạn đồng tu như một vị giáo thọ trẻ hay một tăng thân như vị sư phụ dẫn dắt người đi qua khỏi những khổ đau của thế gian một cách vững chãi và đường hoàng. Xây dựng tăng thân là nuôi dưỡng cộng đồng tu học, cộng đồng có niệm, có định, có tuệ, có hạnh phúc thực sự trong đời sống tâm linh. Nếu không tìm thấy hạnh phúc nơi thế gian thì sao không tìm hạnh phúc nơi đời sống tâm linh, đời sống mà có thể giúp người không còn dính mắc vào những ảo tưởng mông lung của thế gian nữa.

Trong thế gian, không thấy cái này thì thấy cái kia, như không thấy trăng thì thấy sao, không thấy hạnh phúc thì thấy khổ đau, không thấy niềm vui thì có thể gặp phải những chuyện buồn phiền. Thế gian không trong trẻo thì dứt thế gian mà đi. Thế gian có gì đâu mà phải lụy vào, nhưng dứt thế gian không có nghĩa là từ trần hay bỏ trốn. Dứt thế gian thì ở ngay thế gian mà dứt. Phật mang các yếu tố của chúng sinh, thánh mang các yếu tố của phàm và xuất thế gian mang các yếu tố của thế gian. Niết bàn chỉ có thể tìm ngay giữa lòng sinh tử. Người nằm trong vùng khổ đau của tình yêu, thấm thía nỗi đau đó mới quyết chí tìm cách chuyển hóa và học cách chấm dứt khổ đau. Muốn tìm hiểu sự thật thì đi vào vùng sự thật không được tôn trọng mà tìm. Nơi đó sự thật rành rành trước mắt nhưng không dám đón nhận sự thật. Cuộc đời trong trẻo là sự thật nhưng đem con mắt tán loạn nhìn cuộc đời, trong trẻo cách mấy cũng trở nên vẩn đục. Không được một người yêu thì thế giới này cũng đâu có sụp đổ, nhưng với con mắt đau thương, thế giới gần như sụp đổ vậy. Không yêu xin hãy là bạn, đâu có khó, chỉ tại người chịu không nổi khi nhìn thấy năm uẩn của người kia mà thôi.

Con người hầu như lúc nào cũng có ham muốn, không ham muốn cái này thì ham muốn cái khác. Ham muốn thế gian thì ở mãi nơi thế gian, không thoát ra được. Ham muốn tình yêu thì ở mãi nơi tình yêu. Tình yêu có nhiều khổ đau nên người có vẻ vẫn tha thiết với khổ đau. Ngoại cảnh hay nội cảnh đều là những giả danh, không thực có nhưng chúng hay có tính dẫn dắt. Nhìn thấy hai người yêu nhau, tay trong tay, đi trên đường và người mơ ước cũng được như vậy. Hai người kia dễ thương làm sao, người cũng có thể như vậy lắm chứ. Đâu có gì bền chắc, điều mà người nhìn thấy chưa hẳn là nội tình bên trong. Con người hay đóng kịch lắm. Người chỉ mới nhìn thấy vẻ bề ngoài của tình yêu. Ngoại cảnh đã không thực chất thì mơ ước cũng vậy, cũng ảo, nói đúng hơn là siêu ảo.

Ham muốn không thể diễn tả bằng lời, vì nó diễn ra trong nội tâm và biểu hiện ra ngoài bằng lời nói hay hành động. Ham muốn tình yêu thì người đi tìm kiếm tình yêu, mà tình yêu đâu có nắm bắt được. Đố người đem tình yêu ra mà nắm. Nó chỉ là cảm nhận, hay khái niệm, nhưng nếu muốn người khác hiểu được là người đang yêu, chỉ còn cách là người phải nói ra hay phải bày tỏ bằng hành động cụ thể. Lời nói cũng không thể nắm bắt. Lời nói có thể đem thu âm nhưng âm thanh thì chỉ nghe nhưng không thể nắm bắt. Hành động cũng vậy, như cử chỉ âu yếm hay chăm sóc, làm sao duy trì một khi không thể duy trì.

Tình yêu là một thứ phi ngôn ngữ và phi hành động. Người ta yêu nhau vì cảm xúc là chủ yếu và lắm lúc cảm xúc đó đánh gục lý trí. Cảm xúc không thực có thì tình yêu còn lại gì. Suốt đời, thế gian này chạy theo những cảm xúc không tênh, dù chỉ trong tích tắc, thế gian vẫn cố gắng kiếm tìm những cái tích tắc ấy. Sao người có thể dứt ra những điều to lớn nhưng không thể dứt ra được cảm xúc trong tích tắc? Một vài tích tắc không trong trẻo khiến cho cả đời mất đi sự trong trẻo vốn có. Câu nói, Khôn ba năm, dại một giờ, là vậy. Nhịn được ba năm, nhưng một giờ không nhịn được, ba năm kia trở thành uổng phí.

Sở dĩ cảnh được ham muốn là do tưởng cảnh là thật nên chấp vào cảnh. Thủ hay chấp thủ có khuynh hướng làm cho người mắc kẹt như cái bẫy sập. Chấp thủ vào tôi, vào của tôi và những vấn đề được cho là liên quan đến tôi. Nếu cho thân này là tôi, thì khi ăn thì tôi đang ăn hay tôi đang cho thân này ăn? Thân thể này biểu hiện ra do các yếu tố kết hợp, tự tôi không thể tạo ra thân thể này, không bắt nó khỏe mạnh hay ốm đau được. Yêu thương một người thì tôi đang yêu hay thân này đang yêu. Thân này được tôi ủy quyền vào việc yêu thương nói riêng và làm các hành động khác nói chung. Thân được gá cho sự yêu thương và dính vào đó do yếu tố muốn được cung phụng cảm thọ. Nếu cho người vợ hay người chồng là của tôi, thuộc về tôi thì đây là chấp thủ còn siêu ảo hơn nữa.

Ngay cả thân này cũng không phải của tôi thì người vợ hay người chồng kia làm sao nắm giữ. Hai vợ chồng sống chung với nhau, nhưng hai ý kiến có thể khác nhau, và nếu giống nhau thì mức độ đồng thuận cũng không ngang bằng. Nhiều vợ chồng li dị vì không thể là của nhau nữa và trở nên sợ hãi khi cứ phải là của nhau. Ban đầu thì muốn dính vào, sau đó thì muốn dứt ra. Các vấn đề được cho là liên quan đến tôi, bị ép buộc là của tôi, như sự nghiệp, tên tuổi, tình yêu, danh vọng, địa vị. Sự nghiệp là diễn tiến nhân duyên, một mình người không thể tạo nên sự nghiệp nếu không có đóng góp của nhiều đối tượng. Tên tuổi chỉ là cách gọi, được đặt ra để tiện giao tiếp, nó không nói lên được tính chất của người. Tình yêu là biểu hiện tình cảm giữa người với đối tượng nào đó, nhưng tình yêu nằm chỗ nào nếu không có đối tượng được yêu thương.

Danh vọng hay địa vị cũng chỉ là những tiêu chuẩn được đặt ra và người ta chạy theo để tự vỗ về và an ủi. Ái sẽ sinh chấp thủ, khiến người có khuynh hướng bảo vệ đối tượng được ái, và bao nhiêu ngụy biện, giải thích, trình bày, chứng minh, tranh cãi tuôn ra nhằm thỏa mãn điều người đang mắc kẹt. Cuộc đời vì thế không còn trong trẻo nữa vì ái không dứt ra được. Muốn cuộc đời vô nhiễm thì nhìn cuộc đời bằng con mắt không ái, chấm dứt ái. Quán chiếu sự chết, sự bất tịnh và khổ đau của đối tượng bị nhiễm ái để thôi đừng ái nữa. Ái nằm trong bốn tố gây phiền não: hỷ, nộ, ái, ố. Dứt khỏi ái thì cảnh hay đối tượng của ái có trần trụi cách mấy cũng không làm người xao động hay hề hấn gì.

Chúng ta đều có mặt trong nhau. Người và tôi đều có mặt trong nhau. Tôi gìn giữ cho tôi thì tôi cũng gìn giữ cho người. Sự có mặt trong nhau cũng là điều kiện giúp cho người này gặp người kia. Không có người thì tôi không thể là tôi nên tôi có mặt là do người có mặt. Ngắm nhìn địa cầu, người thấy trong địa cầu có mặt trời. Sức nóng mặt trời không làm ấm địa cầu thì sự sống chắc không thể bung ra. Thật không sai nếu nói không có mặt trời, địa cầu không thể là địa cầu. Trân quý sự có mặt của người là trân quý sự có mặt của mình.

Cuộc đời trong trẻo khi ai nấy đều trân quý lẫn nhau, mà đã trân quý thì gìn giữ cho nhau. Gìn giữ người thương như gìn giữ thân tâm người vậy. Xem người già như ông bà, người lớn như ba mẹ, người bằng tuổi như bạn bè hay anh em, xem người nhỏ như con trẻ mà sinh tâm yêu thương, gìn giữ, và hay hơn nữa là độ thoát họ khỏi khổ đau. Mọi thứ trên địa cầu này đều có mặt cho người, như gia đình, đất nước, người thương, bạn bè, khách hàng, và kể cả chú chim sơn ca, chú gà trống, chú nai tơ, hay cái cây, ngọn cỏ, bông hoa, làn gió thổi. Thử nhìn xem, cái cây đang thở, hít vào CO2 và thả ra ô xy.

Nếu cả địa cầu này, không có cái cây nào, ô xy thiếu thốn, chắc chắn người sẽ lo cho thân người trước. Người sẽ đi trồng cây gây rừng, kiếm nước tưới cây và thích thú nhìn cây lớn lên, thải ra ô xy trở lại. Thế giới này đã vốn mong manh, nói chi cái cây nhỏ bé kia hay sinh mạng của người. Có bài kệ như sau, Một trái đất tròn xanh – Vì nhân duyên mà thành – Nuôi dưỡng bao sự sống – Vĩ đại nhưng mong manh. Địa cầu này có thể tan chảy nhưng tình thương thì đừng vỡ tan. Chính tình thương giữa con người và muôn loài mà tạo duyên cho địa cầu hồi sinh, cho sự sống ở các địa cầu khác trỗi dậy. Dứt bỏ những ham muốn nhỏ nhoi để gìn giữ cái to lớn và vĩ đại hơn. Cuộc đời này vốn trong trẻo, đẹp đẽ và dễ thương lắm. Đừng để nó trôi đi một cách oan uổng trong lo toan, muộn phiền.

Cuộc đời này ôi trong trẻo làm sao
Gió mát đêm trăng và những vì sao
Đời sống thanh cao đi trong tỉnh thức
Niềm vui thơm phức xin tặng trần gian.

Buồn, yêu, giận, ghét ta vốn không màng
Chỉ mong rằng tình thương luôn chứa chan
Không gian thênh thang ta cùng dạo bước
Trời đổ mưa tha thướt giọt cam lồ.

Đường giải thoát từ nay đang rộng mở
Thuyền Bát Nhã ta một lòng bước lên
Trong sâu thẳm không còn những buồn tênh
Khi hạnh phúc đong đầy trên khóe mắt.

Đàm Linh Thất

Nguồn: vuonhoaPhatgiao

mh 86

Đạo Phật và nghệ thuật hóa giải sân hận

Barbara O’Brien
Thủy Ngọc dịch
.
Tức giận. Thịnh nộ. Uất hận. Dù nó là gì, nó luôn xảy đến cho tất cả chúng ta, kể cả các Phật tử. Và cho dù chúng ta hiểu biết về lòng từ bi, nhưng chúng ta những người con Phật vẫn còn là chúng sanh, nên đôi khi cũng dễ nổi giận. Phật giáo (PG) dạy gì về sự sân hận?

Sân là một trong tam độc – hai độc khác là tham và si. Tam độc là nguyên nhân đầu tiên đưa chúng sinh vào luân hồi sinh tử. Thanh tịnh hóa, không sân hận là điều rất cần thiết khi tu tập theo PG. Ngoài ra, trong PG không có cái gọi là cơn sân “đúng lý”, hay “chính đáng”. Tất cả mọi sân hận đều là phiền trược, khiến khó có thế đi đến giác ngộ.Tuy nhiên, những đại sư đã đắc đạo cũng vẫn nhận mình đôi khi cũng “tức giận”. Chỉ bởi đối với tất cả người phàm chúng ta , nếu “không tức giận”  đồng nghĩa với “điều không tưởng”.Chúng ta sẽ nổi giận. Vậy thì chúng ta phải làm gì?Trước hết, phải thừa nhận mình đang giậnĐiều này nghe có vẻ hơi ngốc. Nhưng đã bao nhiều lần bạn gặp ai đó đang giận dữ, mà anh ta có chịu nhận điều đó đâu? Vì lý do nào đó, người ta không thừa nhận mình đang giận. Không được đâu! Bạn không thể xử lý một việc khi bạn không thừa nhận là có nó.PG dạy chúng ta phải chánh niệm. Và chánh niệm với chính mình là một phần trong đó. Khi một cảm xúc hay một ý nghĩ không vui xuất hiện, bạn đừng nén nó lại, hay chạy trốn nó, hay chối từ nó. Thay vì vậy, bạn hãy quan sát nó và hoàn toàn biết nó. Bạn hãy thật chân thành với mình và về mình, điều này rất cần thiết trong đạo Phật.Điều gì làm bạn giận?Quan trọng nhất là bạn nên hiểu rằng chính bạn tạo ra sự tức giận đó. Chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng cơn giận này là do một điều gì đó bên ngoài chúng ta gây ra, như một người nào đó, hay những chuyện làm ta nổi điên. Nhưng thầy giáo dạy Thiền đầu tiên của tôi thường nói: “Không ai làm bạn giận cả. Chỉ bạn làm bạn giận mà thôi.”PG dạy chúng ta: Sự tức giận khởi lên từ cái tâm. Tuy vậy, khi bạn đang cố gắng đối trị cơn tức giận, bạn phải suy nghĩ một cách cụ thể hơn. Sự tức giận luôn thách thức chúng ta nhìn sâu vào bên trong. Thường thì tức giận mang tính tự vệ. Nó xuất hiện khi ta sợ hãi một cái gì mà ta không thể giải quyết được, hoặc khi cái tôi của ta lớn quá.

Là Phật tử, chúng ta nhận ra cái tôi đó, sự sợ hãi đó, và cơn giận đó là không ‘có thực’ và vô thường. Chúng chỉ là ‘ma’, theo một nghĩa nào đó. Nếu để cho sự sân hận điều khiển hành động của ta, nó đồng nghĩa với chúng ta để ma xui khiến.

Sân hận là tự chiều mình

Sự tức giận gây cảm giác rất khó chịu nhưng lại có sức quyến rũ lớn. Pema Chodron là một nhà nghiên cứu PG nổi tiếng người Mỹ nói rằng: “Người ta luôn thích thú khi đi tìm lỗi người khác”. Đặc biệt là khi cái tôi của ta bị chạm (hầu như trong mọi trường hợp), và ta muốn bảo vệ cơn giận đó. Ta sẽ viện đủ lý do để nuôi dưỡng nó.

Tuy nhiên, PG dạy rằng: Ta không thể bào chữa cho sự tức giận hay sân hận. Chúng ta tu tập nghĩa là trau dồi lòng từ bi đối với mọi chúng sinh, và lòng từ bi này không có luyến ái, chấp chặt. “Mọi chúng sinh” gồm có cả người mới hồi nãy chen lấn ta ở cửa, hay đồng nghiệp lợi dụng ta để lập công với sếp, hay thậm chí là một người nào đó ta rất thân thiết và tin cậy, đã phản bội ta.

Vì lý do này, chúng ta phải hết sức thận trọng, đừng làm bất cứ hành động gì khi đang giận nhằm làm tổn thương người khác. Chúng ta cũng đừng để cho ý nghĩ mình cứ theo đuổi cơn giận. Hãy cho nó một nơi thích hợp để nó sống và lớn lên.

Học cách chăm sóc cơn giận theo Bụt dạy sẽ giúp mình hóa giải được phiền não, khổ đau

Làm thế nào để dứt cơn giận?

Bạn đã biết bạn đang giận, và bạn cũng biết thực ra điều gì khiến bạn giận. Nhưng nếu bạn vẫn còn giận, thì phải làm gì nữa đây?

Pema nói: Phải nhẫn nại! Nhẫn nại nghĩa là chờ đợi để làm hay để nói điều gì đó, cho đến khi bạn có thể làm mà không gây hại cho người khác. “Tính nhẫn nại luôn đi kèm với sự trung thực. Và nó cũng để cho người khác nói, trình bày quan điểm, trong khi bạn không phản ứng gì – nhưng thực ra bạn đang phản ứng rất nhiều”.

Nếu bạn biết thiền định, đây chính là lúc để nó hoạt động. Ngồi yên với cơn nóng giận đang tràn ngập. Lặng im, vắng bặt, không để cho những lời buộc tội người khác hay tự buộc tội mình rầm rì bên tai bạn. Hãy nhận biết mình đang giận và quan sát, tìm hiểu nó. Dùng lòng nhẫn nại và từ bi cho tất cả chúng sinh và cả cho bạn, để vây lấy cơn giận của bạn.

Đừng nuôi dưỡng cơn giận

Không hành động gì, và phải giữ im lặng trong khi giận tất nhiên là rất khó. Cơn giận thường trào dâng trong ta, tạo nên một năng lượng khiến ta rất tức tối và muốn làm một cái gì đó. Môn tâm lý học khuyên chúng ta lúc đó hãy đấm vào gối, hoặc la to lên, hét lớn lên giữa những bức tường để xả cơn giận. Thiền sư Thích Nhất Hạnh không đồng ý.

 “Khi bạn biểu lộ cơn giận của mình, bạn sẽ nghĩ rằng bạn xả được giận. Nhưng điều đó không đúng.” Ngài nói: “Khi bạn biểu lộ cơn giận, bằng lời hoặc bằng bạo lực, bạn đang nuôi dưỡng thêm mầm sân hận, và nó sẽ càng lớn lên trong bạn”.

Cần có can đảm để thể hiện lòng từ bi 

Đôi khi ta nhầm lẫn giữa tính hung hăng với sức manh, giữa không-làm-gì với sự yếu đuối. Chịu thua cơn giận, để cơn giận lôi chúng ta đi và muốn làm gì ta cũng được. Đó là sự yếu đuối. Còn phải có sức mạnh để nhận thức rằng chính nỗi sợ hãi và sự vị kỷ mới gây ra tức giận. Và cần phải có kỷ luật để thiền định về ngọn lửa đang hừng hực cháy của lòng sân hận.

Đức Phật dạy: “Chiến thắng sân hận bằng lòng từ bi. Chiến thắng cái ác bằng cái thiện. Chiến thắng lòng tham bằng tâm bố thí. Chiến thắng sự dối trá bằng lòng chân thật.” (Kinh Pháp Cú, 233).

Thực hiện điều này với chính mình, với người khác, và với cuộc sống của chúng ta, đó là PG. PG không phải là một hệ thống tín ngưỡng, hay là một nhãn hiệu in trên chiếc áo của bạn. PG chính là điều này.

Barbara O’Brien
Thủy Ngọc dịch
.
Nguồn: Pháp Âm thường chuyển
.
mh 65

Sống Chung Với Sợ Hãi

.

Theo quan điểm Phật giáo, có nỗi sợ hãi lành mạnh và nỗi sợ hãi không lành mạnh. Ví dụ, khi ta sợ một điều gì không làm hại ta, như sợ con nhện; hoặc sợ một cái gì ta không thế tránh được, như sợ tuổi già hay bệnh tật hay tai nạn. Tất cả những nỗi sợ hãi này đều không lành mạnh, vì nó chỉ làm cho chúng ta không vui và khiến ta bị tê liệt ý chí mà thôi.

Mặt khác, khi ai đó cai thuốc lá vì họ sợ bị ung thư phổi, thì đây là cái sợ lành mạnh, bởi vì sự nguy hiểm đó có thật, sẽ xảy ra, và chúng ta có thể đi từng bước để ngăn ngừa nó.

Nguyên nhân sợ hãi

Chúng ta phải chọn: một là sống yếu hèn, bị khuất phục bởi mọi sức mạnh, hai là chúng ta nhìn ra cái khả năng dễ bị tổn hại này, nhận ra rằng ta luôn ở trong nguy hiểm, và vì thế phải tìm cho ra một con đường để ngăn chặn sự nguy hiểm đó bằng cách dỡ bỏ cái nguyên nhân gây ra tất cả sự sợ hãi: hoang tưởng và tiêu cực. Như vậy chúng ta có thể tự kiểm soát mình, và nếu ta đã kiểm soát được chính mình, chúng ta không phải sợ hãi nữa.

Chúng ta có rất nhiều cái sợ: sợ khủng bố, sợ chết, sợ xa người yêu, sợ đánh mất kiểm soát, sợ bắt giam, sợ thất bại, sợ bị chối bỏ, sợ mất việc… Danh sách này không bao giờ chấm dứt! Nhiều cái sợ bắt nguồn từ cái mà Đức Phật gọi là “hoang tưởng”, nghĩa là ta có một cái nhìn bị bóp méo, bị méo mó, không đúng với sự thật, khi nhìn vào chính mình hay nhìn ra thế giới chung quanh.

Nếu chúng ta biết cách kiểm soát tâm, dần dần giảm thiểu và cuối cùng loại trừ những hoang tưởng này, thì nguyên nhân của sợ hãi, lành mạnh hay không lành mạnh, cũng bị trừ diệt hết.

Nỗi sợ hãi lành mạnh

Tuy nhiên, ngay lúc này chúng ta cần nỗi sợ hãi lành mạnh. Ví dụ: Không ích gì nếu một người nghiện thuốc sợ bị ung thư phổi, trừ phi mà anh ta có thể ngăn chặn được bệnh này, nghĩa là ngưng hút thuốc. Nếu một người nghiện thuốc lá đã biết sợ hãi bệnh ung thư phổi, anh ta sẽ tìm cách bỏ thói quen hút thuốc đi. Ngược lại, nếu anh ta làm ngơ trước sự nguy hiểm bị ung thư phổi, anh ta sẽ tiếp tục tạo ra nguyên nhân dẫn đến đau khổ trong tương lai và hoàn toàn chịu thua sức mạnh của thuốc lá.

Một người nghiện thuốc lá rất dễ bị ung thư phổi. Thật ra ngay cả bây giờ, ai ai trong chúng ta cũng dễ bị nguy hiểm và bị tổn hại: ta dễ già, dễ bệnh, và cuối cùng là dễ chết. Sở dĩ như vậy là bởi vì tất cả chúng ta bị mắc vào cái bẫy “luân hồi” – một trạng thái tồn tại không thể kiểm soát được, và nó cũng phản ánh cái tâm không kiểm soát được của chúng ta. Chúng ta rất dễ bị đau đớn về tinh thần lẫn thể xác, xuất phát từ cái tâm không kiểm soát được, như đau khổ từ những vọng tưởng, chấp ngã, giận hờn, và si mê. 

Tất cả giáo lý của Đức Phật là những phương pháp giúp con người vượt qua ảo tưởng – nguồn gốc của mọi nỗi sợ hãi.

Quân bình sợ hãi

Khi một nỗi sợ hãi được quân bình giữa ảo tưởng và đau khổ, những đau khổ sẽ khiến ta phải sợ hãi, và do đó nó trở nên lành mạnh: Nó giúp thúc đẩy hành động mang tích xây dựng để tránh một sự nguy hiểm gần kề. Chúng ta chỉ cần nghĩ đến sự sợ hãi như một bàn đạp giúp ta tiêu trừ hết những nguyên nhân khiến ta có khả năng dễ dàng bị mất mát, bằng cách tìm một nơi nương tựa bên trong, thuộc tâm linh (niệm Phật, đọc kinh sách, nghĩ đến Phật …), và dần dần cải huấn tâm mình.

Một khi ta đã làm được điều đó, ta không còn sợ hãi nữa, vì không còn gì có thể hãm hại ta được, như người đã đạt được giải thoát, chiến thắng ảo tưởng, như một vị hoàn toàn giác ngộ: một vị Phật.

Thủy Ngọc (Theo dealingwithfear.org)

Nguồn-Pháp Âm thường chuyển

Nếu bạn thật sự muốn bình yên?
Đây là chìa khóa

Thân chào các bạn, dù các bạn có muốn hay không thì cuộc sống này vẫn không bằng phẳng như các bạn mong muốn.Vì vậy từ ngay bây giờ chúng ta hãy tích luỹ cho mình những kinh nghiệm để khi mình gặp khó khăn nó sẽ là những động lực, những tia sáng soi đường giúp mình vượt qua được bóng tối. Vài dòng góp nhặt sau đây hy vọng sẽ giúp các bạn vào những lúc các bạn khó khăn nhất cái lúc mà bạn không thể nào tránh được trong cuộc sống.
Nếu bạn thật sự muốn có một cuộc sống thật bình yên, vậy thì hãy lắng nghe những điều sau đây, và nếu bạn thấy nó có lý và có ích cho mình vậy thì hãy xem nó như là một phần kinh nghiệm của mình.

Chu chim binh an

+ Đôi khi chúng ta quá nghiêm khắc với bản thân mình khi cứ luôn nghiền ngẫm những lỗi lầm mà ta đã mắc phải, cho rằng cả thế đều nhớ đến nó và quy trách nhiệm cho ta. Chúng ta đã hoàn toàn quên rằng đó chỉ là 2 viên gạch xấu xí giữa 998 viên gạch hoàn hảo.Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi bắt gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết. Và hễ ai nhắc đến tên người đó ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên bẵng những điều tốt đẹp mà họ đã làm. Cần phải học cách rộng lượng với người khác và với chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là một thế giới nơi lỗi lầm được tha thứ.

+ Sống trong vòng vũ trụ đã là vật hữu hình tất nhiên phải có sinh diệt, có thành hoại. Đó là công lệ của mọi sự vật, cũng là quy luật bất di bất dịch của cuộc đời. Vì vậy chúng ta hãy làm những công việc trước mắt phải là quan trọng nhất và đừng bận tâm đến những công việc còn mờ mờ xa. Để được như vậy thì chúng ta nên chia đời sống ra thành từng ngăn, cách biệt hẳn nhau, mỗi ngăn là một ngày…. Nếu biết đóng thiệt kín quá khứ và tương lai lại thì đó là cách chắc chắn nhất để được bình yên và thảnh thơi…. Và hãy nhấn một cái nút đi rồi nghe trong mỗi đoạn đời, chiếc cửa sắt sập lại, ngăn hiện tại với quá khứ. Quá khứ đã chết đừng để nó sống lại nữa. Nhấn một cái nút khác và đóng kín cửa sắt tương lai lại, cái tương lai nó chưa sinh…. Đóng chặt tương lai như đóng chặt dĩ vãng lại…. Nhưng như vậy không có nghĩa khuyên ta đừng gắng sức một chút nào cho ngày mai và cũng không có nghĩa là hoàn toàn quên hết quá khứ, mà cách tốt nhất để sửa soạn cho ngày mai và hoàn thiện quá khứ là dồn tất cả công việc vào ngày hôm nay.

+ Vụ chiếc tàu Titanic bị chìm ngoài biển khơi Bắc Đại Tây Dương đêm 15-4-1912 làm hơn 1.500 người thiệt mạng đã không ngừng làm đề tài cho bao tác phẩm văn chương nghệ thuật. Titanic có nghĩa là vĩ đại. Đặt tên như thế cho con tàu, con người muốn nói lên niềm kiêu hãnh cho một công trình có một không hai vào bấy giờ. Nhưng cái vĩ đại mà con mình tưởng mình có thể đạt được trong tiến bộ khoa học kỹ thuật ấy không là gì trước sức mạnh thiên nhiên. Sau khi chiếc tàu vĩ đại ấy bị đắm. Một tờ báo xuất bản ở Anh đã đăng kề nhau hai bức ảnh có nội dung như sau: Trong bức ảnh thứ nhất, chiếc tàu chạm vào tảng băng, bên dưới có dòng chữ: “Sự yếu đuối của con người và sức mạnh của thiên nhiên”. Còn bức ảnh thứ 2 người ta lại thấy một người đàn ông nhường phao cứu hộ của mình cho người đàn bà đang bế con trên tay. Lần này bức ảnh được chú thích bằng dòng chữ: “Sự yếu đuối của thiên nhiên và sức mạnh của con người“.

Sức mạnh, sự vĩ đại đích thật của con mgười không hẳn nằm trong khả năng chinh phục hay chế ngự thiên nhiên, mà chính là trong khả năng chế ngự được bản thân vượt thắng sự ích kỷ. Mahatma Gandhi, người giành độc lập cho Ấn Độ bằng cuộc đấu tranh bất bạo động đã nói: “Sức mạnh thật sự mà nhân loại có được chính là tình yêu“. Theo bạn thì có đúng như vậy không ??
+ “Một người đàn ông lần lượt đặt những hòn cuội to bằng nắm tay vào một cái lọ rộng cho đến khi không thể bỏ vào được nữa. Sau đó, ông lấy một túi sỏi nhỏ đổ từ từ vào lọ và lắc cho hòn sỏi chen vào tất cả các khoảng trống giữa các hòn cuội. Rồi ông lấy ra một túi cát đổ vào lọ và cát chen đầy các khoảng trống giữa những hòn đá cuội và hòn sỏi. Cuối cùng, ông vớ lấy bình nước đổ vào lọ cho đến khi nước ngập đến miệng lọ“. Minh hoạ trên nói lên điều gì?

Điều minh hoạ vừa rồi nói lên là nếu bạn không đặt những hòn đá cuội vào lọ trước, bạn sẽ không bao giờ có thể nhét chúng vào được. Cái gì là những “hòn đá cuội” trong cuộc sống của bạn? Chúng ta luôn cố gắng làm thật nhiều việc trong khoảng thời gian giới hạn của mình. Nhưng điều quan trọng là những việc mà bạn đang làm thật sự có ý nghĩa…

+ Đôi khi đấu tranh rất cần thiết cho cuộc sống. Nếu ta quen một cuộc đời phẳng lặng, ta sẽ mất đi sức mạnh tiềm tàng mà bẫm sinh mỗi con người điều có. Và chẳng bao giờ chúng ta có thể bay được. Vì thế, nếu bạn thấy mình đang phải vượt qua nhiều áp lực và căng thẳng thì hãy tin rằng sau đó bạn sẽ trưởng thành hơn…

+ Sự bình yên không có nghĩa là một nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Đó chính là ý nghĩa thật sự của sự bình yên. Và trong cuộc sống, đôi khi ta đánh mất một thứ gì đó ở nơi tối tăm, nhưng lại đi tìm ở một nơi khác sáng hơn, tương đối dễ tìm hơn. Thực chất của hành động đó là đi tìm “cái ảo tưởng”của cái mà ta đang tìm. Vì vậy chúng ta phải xác định rõ cái mà chúng ta cần tìm, cái ý nghĩa thật sự của nó nhờ vậy chúng ta mới có thể thấy được những chân lý bất biến của cuộc sống này…
Chúng ta có khả năng làm bạn với tất cả người già và người bệnh nhưng chúng ta vẫn phải cầu mong cho họ thôi cô đơn
Chúng ta sinh ra để yêu thương, vậy mà chúng ta vẫn cầu mong cho sự căm thù giữa người với người chấm dứt

Mong sao có một ngày, chúng ta cầu mong cho những gì chưa có, chứ không phải những gì chúng ta đã có, đúng như vậy phải không??

+ Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy sống như bạn đang hạnh phúc. Hạnh phúc không tự dưng đến với ta mà ta cần phải tạo ra nó. Hạnh phúc gắn liền với những điều vụn vặt trong đời sống của ta, cả xấu lẫn tốt. Đừng tìm hạnh phúc trong quá khứ hay tương lai, mà hãy tìm ngay trong hiện tại. Và không có gì sánh được với sự tìm kiếm hạnh phúc, bởi vì sự tìm kiếm đó chính là hạnh phúc…Cũng như Thầy đã nói không có con đường đưa chúng ta đến hạnh phúc mà hạnh phúc chính là những con đường.

Hoa Quynh

+ Bạn có biết có một loài hoa chỉ nở một lần rồi chết. Nó nở hết mình, làm đẹp cho đời một lần rồi không bao giờ tồn tại nữa. Thà rằng thay hoa héo trong lọ còn hơn là nhìn cái đẹp trong sự sống cứ lụi dần từng ngày. Cuộc sống biết trước điểm dừng là một điều đáng buồn. Kết thúc báo trước không có hậu là một sự đau đớn. Hoa vô tri không cảm nhận được điều ấy nhưng con người thì biết suy nghĩ. Tiếc rằng nhiều khi con người ta vô tình còn hơn loài hoa vô tri. Ít nhất hãy được như loài hoa kia. Cứ sống hết mình đi, dù biết cái đợi ta ngày mai không được viên mãn, nhưng hãy yên lòng và mãn nguyện, bởi vì đó là sự tồn tại có ý nghĩa nhất và đẹp đẽ nhất trên đời..

+Ngọn đèn cũ không được thắp sáng sẽ trở nên vô dụng và quên lãng nơi xó xỉnh nào đấy, nhưng khi được châm vào một chút dầu tình yêu và bao dung thì nó sẽ đem đến ánh sáng và sưởi ấm lòng người…

+Cái đẹp đâu chỉ thưởng thức bằng cái nhìn thoáng qua, nó cần một tâm hồn đồng cảm. Nhìn thiên nhiên, ngẫm cuộc đời. Có nhiều thứ ta lầm vì bề ngoài giống hệt. Hãy tỉnh táo để nhận ra chất riêng, cái tốt đẹp ở mỗi người và hãy “mở rộng tâm hồn để cảm nhận hết sự kì diệu của cuộc sống từ những điều nhỏ nhặt nhất”.

+Trên sân khấu cuộc đời, con người như những diễn viên bắt buộc, diễn theo kịch bản mà người khác viết (định hình qua các mối quan hệ xã hội). Nhưng diễn theo một cách hoàn toàn hay chỉ một phần là do chính người đó quyết định. Muốn diễn tốt thì phải nhập vai, hoá thân hay đôi khi phải sử dụng cả nghệ thuật hoá trang…

+Và cuối cùng, mỗi người chúng ta hãy học cách biết “cám ơn
Ngày hôm qua của ngày hôm nay, ngày hôm qua của ngày hôm qua…. Tất cả đều là quá khứ.
Cám ơn ngày hôm qua, cám ơn những hoài niệm mà ngày hôm qua đã cất công lưu giữ. Để một ngày nào đó của ngày hôm nay, cầm trên tay chiếc chìa khoá, ta bắt đầu lục lọi, tìm kiếm những hồi ức tưởng đã lãng quên. Những hồi ức đó có lẽ ta không hề muốn nhớ nhưng ngày hôm qua đã không cho phép ta được quên. Chúng ta phải cám ơn, vì nhờ nó ta đã dũng cảm đối diện với những mất mát, những đau thương và không trốn chạy. Vâng, chính vì có ngày hôm qua mà ta mới thấy cuộc sống trọn vẹn hơn.

Chúng ta phải cám ơn cuộc sống…vì cuộc sống đã mang đến cho ta nhiều điều tuyệt diệu:
_ Để giúp ta vượt qua những khó khăn, cuộc sống đã cho ta sức mạnh
_ Bạn cần sự thông minh, cuộc sống đã tạo nên những vấn đề để bạn giải quyết
_ Và bạn có biết cuộc sống đã cho bạn trí não, đôi tay để bạn làm việc, giúp bạn thành công.
_ Bạn cần sự can đảm, vì thế cuộc sống đã đặt ra những thử thách để bạn đương đầu
_ Khi bạn thấy cần được chia sẻ yêu thương, chính cuộc sống đã đưa những người khó khăn đến cho bạn giúp đỡ.
_ Rồi bạn cần sự ưu ái, cuộc đời một lần nữa mang đến cho bạn những cơ hội…
_ Đừng bao giờ phàn nàn cuộc sống của chính bạn, hãy nhớ là cuộc sống đã đem lại cho bạn tất cả những gì bạn cần. Vâng, cũng chính cuộc sống từ chối những gì bạn muốn.

+ Và bạn hãy luôn nhớ rằng:
.
Cuộc đời là một cơ may, hãy nhận lấy
Cuộc đời là hương sắc, hãy ngắm nhìn.
Cuộc đời là chân phước, hãy tận hưởng.
Cuộc đời là một giấc mơ, hãy biến thành hiện thực.
Cuộc đời là một thách thức, hãy đối đầu.
Cuộc đời là một bổn phận, hãy hoàn thành
Cuộc đời là quí giá, hãy nâng niu.
Cuộc đời là tình yêu, hãy tận hưởng.
Cuộc đời là một bí ẩn, hãy khám phá
Cuộc đời là ước hẹn, hãy thực hiện lời hứa.
Cuộc đời là u sầu, hãy vượt qua.
Cuộc đời là một ca khúc, hãy hát lên…
.
Nguồn: Vườn Hoa Phật Giáo
.
mh 68

Tất cả là cuộc sống

– Có những ước mơ sẽ vẫn chỉ là ước mơ dù cho ta có nỗ lực đến đâu nhưng nhờ có nó ta mạnh mẽ hơn, yêu cuộc sống hơn và biết cố gắng từng ngày.

– Có những lời hứa cũng vẫn chỉ là lời hứa dù ta có mãi chờ đợi bởi nguời hứa đã không còn nhớ, nhưng nhờ có nó ta biết hy vọng và mong chờ.

– Có những ước hẹn cũng sẽ chỉ là ước hẹn nếu một mai một người đã bỏ đi, nhưng nhờ có nó đã có những giây phút thật sự hạnh phúc.

– Có những nỗi đau vẫn mãi là nỗi đau một khi ta không thể thoát khỏi chúng, nhưng nhờ có nó ta đã trưởng thành hơn.

– Có những sai lầm sẽ mãi là sai lầm và ta đau khổ khi nhận ra mình sai lầm nhưng nhờ có nó bỗng giật mình: điều sai lầm duy nhất của ta là phủ nhận những gì trái tim ta thật sự cảm nhận.

– Có những lần tình cờ gặp nhau đơn giản chỉ biết mặt nhau hay thậm chí chẳng để ý tới, nhưng nhờ có nó ta chợt nhận ra : những người bạn gặp trong đời không là sự ngẫu nhiên mà có nhân duyên.

– Có những người bạn đơn giản chỉ là người bạn đã lâu không gặp, nhưng những khi bạn gặp khó khăn, trở ngại, những người bạn ấy luôn bên cạnh để chia sẻ cùng bạn.

– Có một nguời sẽ luôn chỉ là một của thế giới nhưng mãi mãi là cả thế giới của một người và nhờ có người ấy ta đã có một tình yêu.

– Có những cuộc tìm kiếm đơn giản chỉ là tìm kiếm nhưng nhờ có nó ta hiểu rằng tình yêu là giữa một biển người vẫn tìm thấy nhau.

– Và sẽ có những người làm nên tất cả vì họ có ước mơ; họ tin vào lời hứa; họ có những lời ước hẹn; họ đã trưởng thành từ nỗi đau; họ nhận ra sai lầm; họ có một người bạn thật sự và vì bên họ còn có một tình yêu.

Tất cả là cuộc sống.

Nguồn: Sưu tầm

 

Bốn ý tưởng hay cho cuộc sống:

Nhìn lại đàng sau để có Kinh nghiệm !
Nhìn về phía trước để thấy Hy vọng !
Nhìn xung quanh để tìm ra Thực tại !
Nhìn vào bên trong để tìm thấy Chính mình

Chuyển đến trang:   1  2  3  4  5  6  7 19