ĐỜI SỐNG TÂM LINH

Recent Pages: 1,  2 , 3,  4,  5,  6,  789,

THỨC THỨ TÁM – A LẠI DA THỨC

Lê Sỹ Minh Tùng

A lại da thức : A lại da là âm của tiếng Phạn Alaya có nghĩa là cái kho mà danh từ Hán-Việt gọi là tàng. Tất cả mọi chủng tử không phân biệt thiện ác, tốt xấu, sanh tử và niết bàn, mê ngộ và khổ vui, ngay cả vô ký đều được chứa đựng trong tàng thức này. A lại da thức có khả năng tiếp nhận, duy trì và làm các hạt giống chủng tử tăng trưởng, chuyển biến cho đến khi đầy đủ nhân duyên thuần thục chín mùi thì mới được đi tái sanh vào những thế giới thích hợp với căn nghiệp của mình.
.
Tùy theo nghiệp lực của mỗi chúng sinh mà được thọ sanh vào trong lục đạo hoặc sinh về những cõi trời trong những cõi Sắc giới và Vô sắc giới. Nếu nhân trong A lại da thức chứa nhiều chủng tử thiện thì khi đầy đủ nhân duyên chín mùi thì sẽ chuyển biến và hiện khởi ra quả báo là người hay là trời. Ngược lại nếu chứa nhiều chủng tử bất thiện thì sẽ hiện khởi ra quả báo trong ba đường ác là súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục.
Vì các sự huân tập và chuyển biến trong A lại da thức thật tiềm ẩn và vi tế nên người chưa đắc đạo không thể biết được mình sẽ thọ thân làm loài gì và ở trong quốc độ nào.
.
Thức thứ tám này cũng còn được gọi là A-đà-na thức. Vậy cái tên này xuất xứ từ đâu?
.
Trong kinh Giải Thâm Mật có bài tụng rằng :
A-đà-na thức thậm thâm tế
Tập khí chủng tử như bộc lưu
Ngã ư phàm ngu bất khai diễn
Khủng bỉ phân biệt chấp vi ngã
.
Dịch là:
Thức A-đà-na rất thậm thâm và tế nhị
Các tập khí chủng tử của nó sinh diệt như dòng nước thác
Ta (Phật) đối với chúng phàm phu và nhị thừa không nói thức này
Vì sợ chúng phân biệt chấp làm ngã.
.
Thức này là căn bản của chơn và vọng vì thế thánh phàm đều nương ở nơi đây. Do đó thức A-đà-na rất thâm sâu và tế nhị. Nó chứa nhóm các tập khí chủng tử từ vô thỉ đến nay. Nó làm chủ giữ gìn báo thân của hữu tình chúng sinh sống trong một thời kỳ.Cũng như dòng nước thác, ở xa thấy như điềm tịnh mà kỳ thật nó chảy rất mau. Chẳng những chúng phàm phu không biết mà ngay cả hàng Tiểu thừa Thanh văn cũng mê lầm thức này. Đức Phật đối với hai hạng này chẳng hề giảng nói đến thức A-đà-na vì sợ họ mê lầm chấp làm Ngã.A-đà-na thức còn được tìm thấy trong Nhiếp Đại thừa luận, Hiển dương thánh giáo luận, Thành Duy Thức luận và Du Dà Sư Địa luận…Trong Thành Duy Thức Luận quyển ba giải thích thức A-đà-na có ba công năng như sau :
.
1) Giữ gìn (chấp trì) chủng tử của các pháp : Các pháp nói ở đây là chỉ cho tất cả các pháp hữu vi. Đó là “hữu lậu hữu vi” tức là các pháp tạp nhiễm thuộc về chúng sinh và “vô lậu hữu vi” tức là các pháp thanh tịnh thuộc về Thánh hiền. Tuy nhiên “chủng tử” chỉ có công năng tiềm tàng (ẩn núp) mà không khởi hiện. Nếu không có một cái gì để chứa giữ thì chủng tử của các pháp phải bị tản mất. Nếu chủng tử các pháp bị tản mất thì các pháp hiện hành ở thế gian và xuất thế gian cũng chẳng còn. Do đó phải có thức A-đà-na, tánh vô phú vô ký, nhất loại sinh diệt tương tục mới có thể duy trì chứa giữ chủng tử của các pháp.
.
2) Giữ chịu (chấp thọ) sắc căn và thếgiới : Đây là muốn chỉ cho cái công năng giữ gìn báo thân của chúng sinh hữu tình được tương tục tồn tại trong một thời kỳ không tan hoại.
.
3) Giữ lấy (chấp thủ) việc kết nối đời sau tức là “kiết sanh tương tục” là do ba pháp : phiền não, nghiệp và sanh. Con người vì sống trong vô minh phiền não nên tạo ra nghiệp mà phải kết nối đời sau để thọ khổ. Chữ “kiết sanh” có nghĩa là thọ sanh tức là bắtđầu từ khi kết thai cho đến lúc sanh ra vậy. Tiến trình kết mối đời sau bắt đầu từ thân đang sống đến thân đang chết. Rồi từ thân đang chết đến thân trung ấm (thân mới chết chưa đầu thai). Và sau cùng từ thân trung ấm đến thân đời sau.
.
Nếu các thân được tương tục không gián đoạn như thế ắt phải có một cái gì thường lưu hành và giữ gìn (chấp thủ). Cái đó chính là thức A-đà-na. Thật vậy, nếu không có thức thứ tám này để nắm giữ việc “kết nối đời sau” thì khi một người chết rồi phải mất luôn, không còn tái sanh được nữa. Như thế thành ra bị rơi vào thuyết Đoạn diệt của ngoại đạo rồi. Đây là câu trả lời cho vua Ba tư nặc về thuyết Đoạn diệt của bọn ngoại đạo Ca chiên Diên.
.
Thêm nữa tất cả những chủng tử tốt xấu đều được gieo vào mảnh đất A lại da trong trạng thái tiềm ẩn. Các chủng tử này được huân tập, chuyển biến, tương sanh, tương duyên, tương diệt liên tục. Tất cả những sự chuyển biến này xảy ra liên tục và tức thời, chớp nhoáng và liên tiếp. Cái này diệt thì cái kia sinh, tương tức tương tục liên miên bất tận nên được gọi là Sát Na Sinh Diệt. Sát Na Sinh Diệt có thể được ví như những khối nước liên tục chuyển động chảy trong dòng thác lũ. Khối nước trước đổ qua thì có khối nước khác đổ tới, tiếp nối liên tục không ngừng nghĩ và dĩ nhiên dòng nước cũ không thể chẩy trở lại nơi mà nó đã chảy qua.
.
Sự sinh diệt triền miên đó cũng có thể ví như những đợt sóng dạt dào trên biển cả. Đợt sống này đẩy đợt sóng kia, đợt sóng mới đẩy đợt sóng cũ. Bởi có gió vọng tưởng thổi sóng dạt dào trên biển cả làm các ngọn sóng liên tiếp nhồi lên lặn xuống không ngừng nghĩ cho nên ngọn sóng này diệt thì ngọn sóng mới khởi sanh.
.
Khi chúng sinh biết tu tập làm cho tâm được thanh tịnh thì các chủng tử vô lậu được huân tập, tăng trưởng và phát sinh ra hiện hành. Các hiện hành này được huân tập trở vào thức A lại da thành các chủng tử vô lậu mới. Tùy theo tánh chất của các chủng tử vô lậu mới này mà chủng tử hữu lậu tiềm ẩn sẳn có trong tàng thức bị suy thoái và tiêu diệt hoặc các chủng tử vô lậu sẵn có ở trong đó được tăng trưởng và phát sinh thêm.
Nếu chúng sinh trì công tu tập có nghĩa là tiếp tục huân tập các chủng tử vô lậu thanh tịnh đến khi tất cả các chủng tử và hiện hành hữu lậu hoàn toàn bị tiêu diệt thì lúc đó họ sẽ chứng đắc được quả vị A la hán trong hàng Thanh văn hay là bát địa Bồ-tát của Đại thừa.
Đến đây thì tàng thức chỉ chứa toàn các chủng tử vô lậu. Các hạt giống hữu lậu của phiền não, nghiệp báo luân hồi sinh tử không còn nữa và A lại da thức bây giờ chuyển thành “Vô cấu thức”. Vô cấu thức cũng còn cái tên khác là Yêm-ma-la thức, Bạch tịnh thức, Thanh tịnh thức, Chân nhưthức, Như Lai tạng thức hay thức thứ chín. Tuy có rất nhiều tên như thế nhưng chúng quy cũng chỉ có một ý nghĩa “thanh tịnh”.
.
Khi chúng sinh đạt đến quả vị A la hán hay bát địa Bồ-tát thì các chủng tử hữu lậu làm chướng ngại chân tâm sẽ bị hủy diệt, nhưng thật ra vẫn còn những chủng tử hữu lậu vi tế nằm tiềm ẩn trong thức thứ tám này. Chỉ khi nào các vị A la hán hay bát địa Bồ-tát tiếp tục tiến tu pháp tối thắng vô phân biệt trí, được gọi là Thắng Pháp Không Quán, để vượt qua khỏi bậc Bồ-tát Thập địa mà đến bậc Đẳng Giác và khởi Kim Cang Dụ Định mà đạt tới Phật quả thì thức thứ tám này mới xóa tan hoàn toàn tất cả các vô lậu thậm thâm vi tế và chuyển thành Đại Viên Cảnh Trí. Khi đó các chủng tử vô lậu, cấu nhiễm đã hết, thức này chuyển thành trí thanh tịnh chiếu khắp mười phương các cõi nhiều như vi trần nên gọi là Đại Viên Cảnh Trí.
Đây chính là cái thể thanh tịnh của Chơn Tâm cũng như mặt gương sáng chiếu soi tất cả vạn pháp một cách chân thật mà nhà Phật gọi là “như thị bất khả tư nghì”.
.
Thêm nữa, Như Lai Tạng (Tathagata garbha) còn gọi là Như Lai chủng tánh tức là pháp tánh, là chơn như, là Phật tánh…Tạng là cái kho để chứa tất cả những chủng tử (hạt giống) của vạn pháp và từ những chủng tử này mới sinh khởi ra bốn khoa (ngũ uẩn, lục nhập, mười hai xứ và mười tám giới) và cũng là cái bọc chứa để giấu kín, che phủ phiền não mê lầm và cũng giấu kín, che phủ Phật tánh là cái mầm giác ngộ vốn có sẵn trong tất cả mọi chúng sinh. Tạng cũng là chất chứa cho nên Như Lai Tạng là chất chứa mọi công đức quyền năng của Như Lai, là tất cả pháp do Phật giảng giải kết hợp lại thành Như Lai Tạng. Vì thế mà Như Lai Tạng cũng là thức thứ tám tức là A lại da thức.
.
Đứng về mặt ô nhiễm, Như Lai Tạng là tượng trưng cho thế giới luân hồi sinh diệt. Còn dựa theo phía thanh tịnh, NhưLai Tạng là biểu hiện cho Niết bàn giải thoát. Trong Khởi Tín Luận, Như Lai Tạng được gọi là “pháp giới đại tổng tướng” nghĩa là nghiếp thâu các pháp của toàn bộ pháp giới gồm có nhiễm và tịnh.
Tịnh là chơn như, nhiễm là vô minh, nhưng chân như và vô minh kết thành một khối bất khả phân ly trong tâm của chúng sinh.
.
Do đó, nếu chúng sinh biết tháo gỡ tất cả những sở tri chướng và phiền não chướng thì sẽ có Niết bàn an lạc, ngược lại nếu chúng sinh chạy theo tham đắm dục tình thì dĩ nhiên phải chịu sinh tử trầm luân. Thêm nữa, đứng về mặt tuyệt đối, NhưLai Tạng là chơn như, là cái tâm bất sinh bất diệt, tâm ấy là tâm nhất thể và nhiếp thâu tất cả pháp thế gian cũng như xuất thế gian.
Còn về mặt tương đối, Như Lai Tạng gồm có : Tự thể là tương đồng với bản thể : Tự tướng là cái tướng của tự thể và Tự dụng là công năng sinh ra nhân quả lành thế gian và xuất thếgian.
.
Khi nói tâm động thì đây chúng ta muốn nói đến tướng động tức là Như Lai Tạng động, nhưng tự thể của tâm thì không động. Thí dụ, vì có gió (phiền não, vô minh) làm cho nước biển (tánh giác) nổi sóng (tâm thức). Thế thì sóng và gió đều động và không rời nhau, nhưng tánh nước không động khi gió hết sóng lặn. Do đó nếu tướng của nước động nên mới có sóng lớn sóng nhỏ nhấp nhô, còn tướng của tâm tức là Như Lai Tạng thì cũng thế. Nếu tướng của tâm động thì sóng thức dấy khởi, đợt này tan đợt khác đến liên tiếp mãi không ngừng nên có tâm sinh diệt (tàng thức). Chính cái tàng thức (A lại da) thức này sinh ra sinh diệt tâm và cũng từ A lại da thức này hiển lộ Chân như tâm (Như Lai Tạng).
.
Xem thêm bài liên quan đến Chân Như, Như Lai Tạng….
.
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN – Ngài Mã Minh Bồ Tát tạo Luận – Sa môn Thích Thiện Hoa lược dịch và lược giải
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN – Tác giả: MÃ MINH – Dịch & giải: Chân Hiền Tâm
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN – Thích Nhật Từ
ĐẠI THỪA KHỞI TÍN LUẬN Bồ Tát Mã Minh – Cao Hữu Đính Việt dịch
ĐẠI THỪA LUẬN KHỞI TÍN – Thích Trí Quang dịch giải
.

1377438_1518579961754957_5014567599176380350_n

ĐỜI SỐNG TÂM LINH TRONG THỜI HIỆN ĐẠI

Tác giả : Gyalwang Drukpa XII

Đối với tôi, thuật ngữ “thời cổ đại” hay “thời hiện đại” không có ý nghĩa nhiều bởi vì thời gian chỉ đơn giản là thời gian. Tuy vậy, hầu như mọi người đều bàn rất nhiều về “thời gian” (thường chỉ do cảm xúc) mặc dù họ thực sự không thấu hiểu điều mà họ đang luận bàn. Do đó, chắc chắn phải có nguồn năng lượng di chuyển trong thế giới này liên quan tới thời điểm bắt đầu của thời hiện đại.

Dẫu sao đi nữa, thì nhiều người đều nghĩ tới thời hiện đại với thái độ lạc quan và hạnh phúc trong số đó cả chính bản thân tôi cũng vậy. Chính bản thân tôi luôn luôn cho rằng năm tới và những năm tiếp theo đều sẽ tốt đẹp hơn những năm cũ. Đây là điều tôi cảm thấy và tôi mong muốn tất cả các học trò và những bằng hữu của tôi cũng đều có cảm giác này. Tôi mong muốn họ hãy có một thái độ lạc quan về tương lai, tốt hơn hết là hãy nên lạc quan mặc dù điều này không thực sự cũng có ý nghĩa nhiều (bởi vì nếu chúng ta quá hy vọng về tương lai thì chúng ta sẽ đánh mất thực tại). Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu bạn không có cảm giác tích cực về nó. Chúng ta nên có cảm giác tích cực vềtương lai bởi tôi luôn thấy rằng bất kỳ điều gì chúng ta trải qua trong cuộcđời này đều có lý do. Tôi sử dụng từ “chúng ta” với ý chúng ta phải là một tập thể chứ không nhất thiết phải là những cá thể tách biệt.

Thế giới này đã phải trải qua vô vàn thiên tai, thảm họa và hiện tất cả mọi nơi trên thế giới vẫn còn phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn, trở ngại. Có lẽ thậm chí chúng ta khó hình dung ra được một hoàn cảnh nào tồi tệ hơn như vậy, thực sự hiện nay chúng ta đang trải qua rất nhiều khó khăn. Bất kể khi nào lật một trang báo hay khi bật tivi, hầu như bạn sẽ bắt gặp những tin tức xấu như thiên tai, chiến tranh, tệ nạn xã hội và khi bạn đang trên đường phố, bạn hầu như sẽ chứng kiến những điều tồi tệ, thậm chí nếu về mặt cá nhân chúng ta có thể rất may mắn không phải trải qua những điều như vậy.

Chúng ta tin vào “nghiệp lực”, việc nói “vận tốt, vận xấu” chỉ là một cách biểu đạt sự tình mà thôi

Lấy ví dụ: trong trường hợp của tôi, cá nhân tôi chưa từng bao giờphải trải qua những khó khăn, trở ngại như chiến tranh hay thiên tai, hỏa hoạn. Bởi vì bản thân tôi chưa từng phải chứng kiến những khó khăn, trở ngại này nên mọi người cho rằng tôi là người may mắn. Tuy nhiên, là hành giả Phật giáo, chúng ta không tin vào vận may bởi vì thực sự chẳng có thứ gì là may mắn hay bất hạnh cả. Thay vào đó, chúng ta tin vào “nghiệp lực”, nhưng việc nói“vận tốt hay vận xấu” chỉ là cách biểu đạt sự tình mà thôi. Dẫu sao đi nữa, tôi cũng nói rằng “tôi là một người may mắn” hay “tôi thật có phúc báo” bởi đã không phải trải qua tất cả những thảm họa, hỏa hoạn này. Tuy nhiên, tất cảchúng ta có thể thấy rằng nếu như chúng ta là một trong những người đang phải trải qua một thiên tai, hỏa hoạn nào đó thì chúng ta sẽ có thể chịu đựng điều này được chăng? Chúng ta có thể vui vẻ với điều này hay không? Không, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ không vui gì với những sự trải nghiệm này; khó có thể vui vẻ trong những hoàn cảnh đó.

Ví dụ, với những người đang phải trải qua một cuộc chiến tranh, một trận động đất, hỏa hoạn, lũ lụt hay những “thiên tai” khác. Họ đang phải chịu đựng sự mất mát, khổ sở cùng cực và tai ương tật bệnh. Sự trải nghiệm này không chỉ ảnh hưởng tới loài người mà còn ảnh hưởng tới các loài động vật nữa. Chúng ta chỉ luôn nghĩ về chính mình và “quyền con người” nhưng hầu như chúng ta lại không bao giờ nghĩ đến “quyền loài vật.” Điều này thực sự làm tôi cảm thấy buồn. Tôi cảm thấy xót xa bởi vì tất cả mọi người đều chỉ lo lắng về“chính bản thân mình”, “gia đình mình”, “phúc lợi của mình”, “những người hàng xóm” và “quốc gia của mình.” Thậm chí những người theo tôn giáo cũng chỉ nói vềloài người mà thôi. Trong khi con người đương nhiên có quyền được sống một cuộc sống an bình, vậy còn loài chó, mèo, chuột hay những loài động vật khác thì sao? Chúng có thể bị sát hại mà chúng ta không chút động tâm, không chút mảy may thương cảm nào. Chó, mèo, chuột và các loài động vật khác có thể bị đem ra làm thí nghiệm và bị giết hại trong những phòng thí nghiệm nhưng chúng ta lại không bao giờ bàn về điều này. Những động vật này bị tra tấn hành hạ bởi con người. Thật vô cùng bi ai bởi vì chúng cũng có cảm giác và ngôn ngữ, mặc dù chúng có thể biểu đạt không giống loài người chúng ta. Chúng không dùng ngôn ngữ của con người nhưng chúng cũng có cảm nhận giống như con người. Chúng cũng trải qua sinh mệnh giống như con người, ấy vậy mà chúng ta không thực sự tôn trọng điều này, chúng ta thiếu tôn trọng quyền sống của chúng. Bởi vậy, hàng ngày hàng đêm, chúng phải trải qua tất cả những loại thiên tai, trải qua tất cảnhững khó khăn trở ngại. Còn chúng ta, đôi khi chỉ có một chút rắc rối nhỏ, ta cũng có thể nổi giận như thể nó rất nghiêm trọng. Chúng ta rất ích kỷ, chúng ta chỉ quan tâm tới chính mình nhưng chẳng ai quan tâm đoái thương tới loài vật cả. Có bao nhiêu loài vật bị giết mổ mỗi ngày? Có bao nhiêu loài vật bị đánh đập hành hạ mỗi ngày? Chúng ta không quan tâm tới điều đó! Cũng như vậy, có bao nhiêu cỏ cây đã bị đốn chặt? Chúng ta thậm chí cũng không quan tâm tớiđiều đó. Dù cho có bao nhiêu cái gọi là “thiên tai thảm họa” do chính chúng ta tạo ra, chúng ta vẫn làm ngơ, chúng ta cũng không mảy may quan tâm. Chúng ta chỉ quan tâm tới chính bản thân mình và sở hữu của mình mà thôi.

Ích kỷ tự lợi là dẫn khởi mọi rắc rối trong thế giới này

Tất cả những thứ này được gọi là một “thái độích kỷ tự lợi”. Ích kỷ là dẫn khởi mọi vấn đề rắc rối trong thế giới này. Ích kỷ đã tồn tại qua bao nhiêu thế hệ? Qua bao nhiêu triệu năm? Tôi cho rằng nó đã tồn tại cố hữu liên tục trên thế giới này. Chính do sự ích kỷ của chúng ta, nên trước mắt chúng ta chỉ thấy đây là thời gian tồi tệ nhất. Tuy nhiên chúng ta nên bắt đầu nghĩ về tất cả mọi điều với một thái độ lạc quan hơn. Không chỉsuy nghĩ lạc quan hơn mà thực sự thì đã tới lúc chúng ta phải có những trải nghiệm tốt đẹp hơn trong cuộc sống. Một thời gian tốt đẹp hơn cần phải đến bởi vì tôi cho rằng chúng ta không thể còn điều gì tồi tệ hơn như bây giờ! Nhữngđiều mà chúng ta đang trải qua trong thế giới thực sự là những điều tồi tệ nhất rồi! Bạn có thể chứng kiến những điều đó hàng ngày, bạn có thể nhìn thấy bao nhiêu loài vật bị đánh đập, bị hành hạ và giết mổ để ăn thịt, không chỉ ởLondon, Tokyo, Paris hay Singapore mà ở khắp mọi nơi trên thế giới. Loài vật chưa bao giờ được bất cứ một quyền gì và chúng không có bất kỳ tự do nào cả.

Do đó, khi chứng kiến cảnh loài vật như vậy, bạn có thể thấu hiểu được thế giới đang phải kinh qua một thời đại tồi tệ và khủng khiếp đến nhường nào. Thực sự thì chúng ta thuộc về thế giới động vật và chúng cũng nằm trong thế giới của chúng ta, bởi vậy chúng ta đều trong một đại gia đình. Chúng ta phải thấu hiểu điều này, không nên thấy rằng bởi vì chúng ta là con người, chúng ta có quyền hưởng thụ, có quyền sát sinh còn chúng là loài vật nên đương nhiên chúng phải chịu khổ. Chúng ta không nên nghĩ nhưthế bởi vì loài vật cũng có quyền sinh tồn, chúng cũng có cảm giác ham sống sợchết giống như loài người; không có chúng sinh nào sinh ra để chịu khổ đau cả!

Vì vậy, tôi rất không hoan hỷ khi mọi người chỉ bàn về nhân quyền mà thôi. Tôi lấy làm tiếc khi phải nói điều này nhưng thực tế thì nhân quyền là gì? Nếu như nhân quyền có thể được sử dụng như là cơ sở để đạt được những quyền cho hết thảy chúng sinh thì cũng rất tốt. Tuy nhiên sẽ là không đủ nếu như bạn phủ nhận quyền của loài vật. Nếu như bạn chỉ bàn về quyền của con người thìđiều này chứng tỏ rằng, bạn chẳng hiểu gì về nỗi khổ của loài vật cả và tôi thấy thật không công bằng chút nào. Những loài vật đáng thương cũng có những loại cảm xúc yêu, ghét, mừng, giận, những nỗi đau khổ như chúng ta, chúng cũng có những sự khao khát, những ham muốn được sống và được hạnh phúc như chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta lại không cho phép chúng có những quyền tự do đó. Chúng tađánh đập, hành hạ và sát hại chúng. Chúng ta chỉ lạm dụng những năng lượng, khảnăng và bất kỳ những gì chúng ta có để hành hạ, đánh đập và sát hại chúng. Nếu như bạn suy nghĩ kỹ những điều này, bạn sẽ thấy một cách đầy đủ hơn, toàn diện hơn những gì đang diễn ra trên thế giới, không chỉ với loài người mà với cảloài vật, với núi rừng và với toàn bộ môi trường tự nhiên. Bạn sẽ thấy rằng có lẽ chúng ta đang trải qua giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất.

Trong thời hiện đại chúng ta phải có tư duy và cảm nhận một cách lạc quan

Trong thời hiện đại, chúng ta phải có thái độ và cảm nhận một cách lạc quan, không chỉ trong phương diện tôn giáo mà cả trong phương diện đời sống thường nhật. Có thể là một người tại gia bình thường, chúng ta nên nghĩ rằng chúng ta đang thực sự tiến tới một thành quả vĩ đại nhất đó là một thế giới tốtđẹp hơn và những trải nghiệm tốt đẹp hơn. Tôi có một cảm giác lạc quan rất mạnh mẽ rằng, đây là điều chúng ta nên cảm nhận. Lý do tại sao tôi nói điều này là bởi vì con người (đặc biệt người phương Tây) hiện đang chú trọng nhiều để theo con đường tâm linh hơn là theo con đường tôn giáo hay văn hóa. Gần đây, tôi đã phát hiện ra rằng con người đang ngày càng trở nên quan tâm, thiên về tới tâm linh nhiều hơn. Trong mười năm qua, tôi đã chu du khắp thế giới, truyền pháp và khai thị ở nhiều nơi. Thời gian này, tôi đã viếng thăm nhiều nước ở phương Tây và thấy được khích lệ rất nhiều. Khi hồi tưởng lại những điều tôi đã tích lũyđược trong suốt khoảng thời gian này, tôi có thể nhận thấy rằng đã có thay đổi trong các học trò, bằng hữu. Họ quan tâm, chú trọng đến tâm linh nhiều hơn là tín ngưỡng tôn giáo. Tôi cho rằng, đây là một sự chuyển biến rất tích cực và cũng là một bước tiến đầy triển vọng.

Tôi tin tưởng rằng, đây là sự chuyển biến tích cực bởi vì thông qua việc tìm đọc về lịch sử nhân loại, bạn có thể thấy hầu hết các thảm họa trên cuộc đời này đều bắt nguồn từ sự tranh giành và chém giết giữa con người với nhau. Điều này cũng đúng trong tôn giáo. Nếu nghiên cứu lịch sử, bạn sẽthấy nhiều câu chuyện tồi tệ về xung đột tôn giáo, rất nhiều thứ tồi tệ đã diễn ra nhân danh tôn giáo. Những người của một tôn giáo này thường tranh đấu và tàn sát những người thuộc tôn giáo khác. Tôi lấy làm tiếc khi phải nói lên nhữngđiều này nhưng đó lại là sự thật. Rất nhiều người trong số chúng ta có một quan niệm tốt đẹp về tôn giáo, họ hình dung về những cảnh giới phi thường tốt đẹp trong tôn giáo nhưng lại sớm đau buồn khi thấy hệ quả mà sự chấp thủ cuồng tín vào tôn giáo có thể gây ra trong cuộc sống và xã hội của chúng ta.

Vô số những thảm họa trên thế giới này đều do cố chấp tôn giáo

Thực vậy, nếu như bạn ngồi lại và để ý đến lịch sử, khi đã có hiểu biết nhất định về lịch sử, bạn sẽ nhận ra rằng, vô số những thảm họa trên thếgiới này đều do cố chấp tôn giáo. Tại sao tất cả những cuộc tranh đấu này lại bắt nguồn từ tôn giáo? Đó chính là vì những người có tín ngưỡng thường không có sự hiểu biết về tâm linh hoặc không khao khát được thực hành tâm linh. Tôi không biết tại sao nhưng họ thực sự không tỉnh thức về con đường tâm linh. Thời gian gần đây, tôi đã đi đến nhận thức rằng có rất nhiều người tại nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới đang ngày càng bị kích động, cuồng tín tôn giáo. Ý tôi là họ ngày càng hoàn toàn bị kích động bởi những giáo điều, quy tắc tôn giáo và bởi vậy họ trở nên cuồng tín. Họ tự chụp mình vào chiếc lồng tôn giáo và tự nhiên trở nên bị kích động cuồng tín. Khi tâm của họ hạn hẹp nhưvậy, họ không thấy được con đường nào khác, họ trở nên sân giận và rất ích kỷ.

Lấy ví dụ, nếu chúng ta ngồi đây suốt ngày đêm không được phép nhìn bất cứ điều gì khác ngoài khung cảnh hạn chế trước mặt, khi ấy thần kinh chúng ta sẽ bị ức chế, bức xúc. Chúng ta sẽ trở thành những con người có tính xấu, bởi vì tầm nhìn của chúng ta quá hạn hẹp. Khi tầm nhìn của chúng ta quá hời hợt, chúng ta rất tuyệt vọng và sân giận. Mặc dù, bản chất chúng ta là những người rất tốt nhưng những hạn chế này đã làm cho chúng ta trở nên tồi tệ.Tôn giáo cũng tương tự như vậy, nó thường đẩy bạn vào đường hầm độc đạo làm cho bạn chỉ cố chấp phiến diện một chiều. Nhìn từ góc độ tôn giáo, chỉ có một conđường duy nhất để tiếp cận nhìn nhận sự vật mà không được có bất kỳ cách nào khác, chính vì thế bạn trở nên bị cuồng tín kích động. Tôi không biết tại sao người ta lại bị trói buộc và bị lôi kéo theo cách này, nhưng khi họ cuồng tín tôn giáo thì họ không thể cảm thông chia sẻ với bất kỳ một ai khác.

Nhưng dù thế nào đi nữa, thật may mắn vì sắp có một cuộc cải cách hiện đang đến! Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy rất lạc quan về thời hiện đại.Điều mà tôi đang nói ở đây là có những mối quan tâm tích cực đang dần hiện trong tâm trí chúng ta và điều đó làm tôi cảm thấy rất vui.

Sự tu tập tâm linh và hiểu biết tâm linh cần phải hiện hữu song hành

Nhiều năm nay, tôi đã rất cố gắng nỗ lực để truyền tải tầm quan trọng của tâm linh và những điểm yếu của việc cuồng tín tôn giáo. Tất nhiên, tôi không nói rằng một người có niềm tin tôn giáo nhất thiết phải là một người xấu hay tiêu cực, bởi vì cũng có rất nhiều những điều tốt đẹp về lòng tin tôn giáo. Mặc dù vậy, bạn cần phải luôn cân nhắc điều tốt hay xấu, điều nào mạnh hơn. Nhưng ít nhất thì bạn cần phải ý thức được sự cân bằng giữa hai phẩm chất này. Để tìm ra sự quân bình này thì sự tu tâp tâm linh và hiểu biết tâm linh phải hiện hữu song hành. Ngay khi bạn mất đi sự quân bình này, bạn sẽchẳng đạt được gì cả! Khi đó bạn sẽ không có bất kỳ sự hiểu biết chân thật nào về thế giới ngoại trừ những giới luật và quy tắc cứng nhắc.

Việc ăn chay là một ví dụ cho quan điểm này. Bản thân tôi đã trường chay khoảng 20 năm, nhưng tôi chưa từng cấm bất kỳ đệ tửnào không được ăn thịt. Tôi không ép buộc họ phải làm điều này hay điều kia, nếu tôi ép buộc họ như vậy thì sẽ trở thành một hình thức tôn giáo. Tôi cũng chắc chắn rằng, nếu tôi yêu cầu họ trở thành một người trường chay thì họ cũng sẽ theo lời chỉ dạy của tôi. Tuy nhiên, nếu vậy thì có nghĩa là họ đang theo tôn giáo của tôi. Nếu tôi nói với họ rằng, họ không được ăn thịt thì hànhđộng đó là hình thức của tôn giáo, bởi vậy tốt hơn là hãy để họ tự lựa chọn điều gì họ mong muốn. Nếu họ thực sự biết những bất thiện tiêu cực của việc ăn thịt bằng nhận thức của họ thì họ sẽ tự nhiên và vui vẻ trở thành người trường chay. Theo quan điểm của tôi thì điều này rất đáng khích lệ cổ vũ! Tuy nhiên, nếu họkhông có tri thức riêng của mình thì họ sẽ không vui vẻ khi trở thành người trường chay. Nếu vậy, tốt hơn là tôi sẽ đợi cho đến khi họ có thêm sự hiểu biết về tầm quan trọng của việc không ăn thịt. Với bổn phận của bậc Thầy, tôi nên nhẫn nhục, khoan dung và trí tuệ. Tôi không thể nói rằng: “Này con, con phải ngay lập tức trở thành một người trường chay!” Tôi không có quyền ép buộc họ,nếu tôi ép buộc thì sẽ trở thành một hình thức tôn giáo, điều mà tôi không bao giờ muốn.

Trở thành người trường chay có nghĩa là phải hiểu được những ác nghiệp bất thiện khi cướp đi mạng sống của chúng sinh khác. Thật đáng tiếc, mọi lúc chúng ta sát sinh những con vật tội nghiệp đang vui vẻ với cuộc sống của chúng trên những bãi cỏ và cánh đồng xanh. Chúng ta vô cớ bắt và sát hại chúng! không ăn thịt thì chúng ta cũng không chết. Chúng ta có dư thừa những thực phẩm khác để tồn tại, nhưng chúng ta vẫn giết chúng chỉ vì sự hưởng thụ và khoái khẩu của bản thân. Tôi thấy rằng, đó chẳng phải là một điều tốt đẹp và công bằng. Cho nên, tôi quyết định không ăn thịt.

Sự hiểu biết này là một phần trong sự thực hành tâm linh của tôi, từ góc nhìn tâm linh của mình, tôi thấu hiểu điều này. Tận đáy lòng mình, tôi hiểu một cách sâu sắc rằng thật là bất thiện khi sát sinh. Tôi không bị ai bắt buộc ăn chay, nhưng sự hiểu biết đã giúp tôi trường chay. Vì thế, tôi tin đệ tửcủa mình cũng sẽ không bị bắt buộc. Tự họ sẽ phải thấy những điều gì cần làm. Tôi chỉ sử dụng ví dụ về việc ăn chay để minh họa cho luận điểm này.

Mỗi người phải tự khám phá con đường tâm linh cho chính mình

Mỗi người phải tự phám phá con đường tâm linh cho chính mình. Chúng tôi với bổn phận là những đạo sư, những bậc Thầy hiển diện nơi đây đơn giản chỉ là người nâng đỡ, khai thị giáo pháp cho bạn. Ví dụ như, tôi có thểchia sẻ với bạn những kinh nghiệm của tôi về cách sống, và làm thế nào để hoàn thiện chính mình, nhưng sau đó bạn phải tự suy nghĩ và quyết định về những điều này. Đây chỉ là sự bàn luận, còn bạn phải tự quyết định xem nó có thực sựlợi ích hay không. Tôi hay bất kỳ một đạo sư nào khác đều không muốn trở thành những người chỉ ra lệnh. Tôi cũng không muốn mình là người độc tài cố ép họphải thay đổi theo phương thức của tôi. Chúng ta không nên xử sự như vậy.

Là bậc Thầy, chúng tôi cảm thấy rằng cần phải thảo luận về những vấn đề trong cuộc sống, phải cùng chia sẻ bất kỳ điều gì mà chúng ta đã trải nghiệm và trao đổi tri thức để giúp đỡ, hoàn thiện từng người theo các cách khác nhau. Chủ đề và động cơ chính nên thảo luận là bằng cách nào chúng ta có thể hoàn thiện được chính mình. Nếu không, điều đó sẽgiống như giờ đây tôi đang bình tọa trên chiếc ngai trang hoàng lộng lẫy này, tôi được coi là người có vị trí cao nhất ở đây, có tầm hiểu biết sâu rộng và tôi có thể thấy mình có quyền ra lệnh cho bạn được phép làm hay không được phép làm điều gì đó. Tôi có thể yêu cầu bạn phải quy y Phật, Pháp, Tăng hay hàng ngày, trì tụng thần chú này, thần chú kia. Tôi có thể cho phép bạn được làmđiều này hay không được làm điều kia. Bạn không được phép ăn thịt hay khôngđược phép uống đồ uống kia. Tuy nhiên, đây là cách thức điển hình của tôn giáo. Tôi có thể yêu cầu bạn phải tụng thần chú: “Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng”, nhưng theo hiểu biết của tôi thì việc ép buộc như vậy không hẳn là tốt, mặc dù là một Phật tử thì việc trì tụng thần chú là điều rất tốt. Theo tôi, thật sự sẽ chẳng có nghĩa gì nhiều nếu việc trì tụng không xuất phát từ sựhiểu biết chân thật của bạn. Bạn nên biết rằng, rất lợi ích khi trì tụng“Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng” cho chính bạn và cho hết thảy chúng sinh. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn khi niềm tin xuất phát từ sự hiểu biết chân chính của bạn, khi đó bạn sẽ có động cơ thanh tịnh để thực hành trì tụng thần chú này. Tôi sẽ không phản đối nếu bạn thực hành tất cả các pháp của tôn giáo. Nhưng sẽ là không đúng nếu tôi ép buộc bạn. Điều này là không tốt, đó là nhược điểm của tất cả tôn giáo, không chỉ riêng truyền thống Phật giáo. Cuồng tín tôn giáo sẽ trở thành vấn đề rắc rối và sẽ đẩy bạn vào những phiền toái.

Như tôi đã nói, bây giờ là thời cơ để chúng ta thực sự suy ngẫm về việc phát triển tâm linh. Điều làm tôi cảm thấy rất hạnh phúc là mình hiện được chứng kiến một sự chuyển biến tích cực đang dần xuất hiện. Đó là điều tốt cho tất cả chúng ta, tôi cho rằng đó là phần lớn nhờvào người phương Tây, những người đã trở nên quá mỏi mệt với tôn giáo. Đây là lý do tại sao bạn đang tìm kiếm một thứ gì khác như Đạo Phật, Đạo Hindu, Yoga hay “thứ này thứ kia.” Tôi không biết nhiều về những điều đang diễn ra xung quanh, có lẽ các bạn biết nhiều hơn tôi, nhưng tôi nghĩ có hàng loạt phương pháp thực hành. Ở phương Đông, chúng tôi không biết nhiều các loại thực hành của các truyền thống tôn giáo khác nhau, nhưng các bạn đọc rất nhiều sách nênđã biết nhiều điều mà chúng tôi không biết. Người phương Đông không biết cái gìđang được bán trên thị trường, nhưng các bạn lại biết bởi vì rất nhiều pháp thực hành đã âm thầm được truyền sang phương Tây. Dẫu sao đi nữa các bạn đang tìm cầu một điều gì đó khác cũng là điều rất tốt.

Thật không may, sau khi tôn giáo từ phươngĐông du nhập phương Tây, có rất nhiều người phương Tây đã trở nên cuồng tín vì thiên chấp tôn giáo. Tôi đã chứng kiến có rất nhiều người phương Tây tự coi mình là những vị Tăng hay Ni, Phật tử rất quan trọng. Dường như họ quá quan tâmđến những điều như là trường phái Phật giáo Gelugpa, Sakyapa, Nyingmapa, Kagyudpa. Khi gặp một vài người trong số họ, tôi chỉ đơn giản nói: “Xin chào, xin mời bạn ngồi. Bạn có muốn dùng trà không?” Họ đã không trả lời: “Vâng, xin cảm ơn Ngài, tôi muốn dùng trà”, mà lại trả lời: “Tôi muốn biết Ngài thuộc dòng phái nào. Ngài thuộc truyền thừa Kagyudpa có phải không?” Những việc này phản ánh điều gì? Nó thật đáng buồn. Tôi không mong đợi họ đưa ra những câu hỏi nhưvậy, tôi chỉ muốn mời họ uống trà! Tôi muốn họ thưởng thức một tách trà, nói chuyện về thời tiết, chia sẻ những quan điểm của mình, chỉ như vậy thôi…, hãy để mọi thứ thật bình thường, tự nhiên.

Tất cả tôn giáo đều có rất nhiều điều tốt mà chúng ta có thể thực hành nhưng điều kiện tiên quyết là phải có trí tuệ và sự hiểu biết tâm linh

Nếu mọi người đều thấy được Đạo Phật rất hữu ích trong đời sống, thì khi đó họ được nồng nhiệt đón chào, bởi vì Đạo Phật là một trong những phương tiện mà chúng ta có thể áp dụng để chuyển hóa cuộc sống của mình. Tất nhiên, Thiên Chúa giáo cũng mang lại những hữu ích tương tự nếu bạn thực sự sử dụng Thiên Chúa giáo một cách đúng đắn. Có vô số những điều vô cùng hữu ích trong Thiên Chúa giáo, trong Đạo Hồi và trong những truyền thống tôn giáo khác. Tuy nhiên, trong khi tất cả những tôn giáo có rất nhiều nhữngđiều hữu ích mà chúng ta có thể thực hành, điều kiện tiên quyết là ta phải có trí tuệ và sự hiểu biết tâm linh. Bằng không, nó sẽ chỉ là một thứ gì đó giống như việc dùng thức ăn mà không có gia vị. Nếu bạn chỉ cho rau vào nước và đun sôi lên mà không cho muối, ớt và các gia vị khác thì bạn sẽ thấy đó không phải là một món ăn ngon. Bạn phải cho thêm nhiều những gia vị khác để món ăn thêm ngon hơn. Tương tự như vậy, tôn giáo cũng cần “gia vị tâm linh.” Nếu đã có “gia vị” này bạn có thể theo bất kỳ tôn giáo nào mà không gặp phải những chướng ngại rắc rối.

Tuy nhiên, bạn không nhất thiết bắt buộc phải là một Phật tử, bắt buộc phải là một tín đồ Thiên Chúa giáo hay phải là tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào khác. Bạn không nhất thiết phải tin vào bất kỳ tôn giáo nào để tu tập trên con đường tâm linh. Thực hành tâm linh có nghĩa là tham dự vào quá trình cải thiện cuộc sống của bạn. Đây là điều quan trọng nhất. Nếu bạn hiểu làm thế nàođể cải thiện cuộc sống của mình thì tự nhiên bạn biết làm thế nào có thể giúpđỡ quan tâm chia sẻ với người khác. Một khi bạn hiểu được tầm quan trọng của việc quan tâm, chăm sóc đời sống của mình, bạn sẽ nhậm vận biết rằng những người khác cũng đều giống như bạn, họ rất cần sự tương trợ, nâng đỡ. Bạn sẽ cảm thấy rằng mình có thể chăm sóc họ, bởi vì họ không thể tự chăm sóc được chính mình. Bạn sẽ không chỉ cảm thông chia sẻ trải rộng tình yêu thương hướng vềloài người mà còn trải rộng tình yêu thương tới những loài vật! Đây làđiều rất tích cực mà bạn nên thực hiện vì khi lòng bi mẫn đến, tình yêu thươngđến thì sự chuyển hóa lớn cũng hiển diện.

Bạn có thể gọi đây là tín tâm, nhưng tôi không thực sự muốn diễn tả đó là tín tâm mà tôi muốn gọi đó là tâm chí thành. Bạn có thể trở thành người rất tốt và có chí tâm sùng kính! Tuy nhiên, điều duy nhất chúng ta lại đang bỏ lỡ là tiến trình tâm linh của việc trau dồi, cải thiện đời sống. Chúng ta không biết làm thế nào để cải thiện đời sống và chúng ta không biết làm thế nào để yêu thương chính mình. Nếu chúng ta không biết cách nào đểyêu thương chính bản thân mình thì chúng ta sẽ không biết cách nào để thương yêu tới người khác. Mặc dù chúng ta có thể vờ là rất thương yêu người khác khi nói những điều như: “Tôi rất thương yêu bạn”, “Tôi rất thương yêu tất cả mọi người”, “Tôi yêu người này, người kia”, “Tôi yêu thứ này thứ kia”, nhưng những lời nói đó thực sự không chân thực. Nếu tìm hiểu sâu vào những điều mà mìnhđang cảm nhận, bạn sẽ thấy rằng bạn không thực sự thương yêu bất kỳ một ai cảbởi vì chính bạn cũng không biết cách yêu thương chính mình. Nếu như vậy, thì làm sao, bạn có thể biết yêu thương người khác? Điều này là không thể. Vì vậy trước hết, bạn phải hiểu việc yêu thương chính bản thân mình là quan trọng tới nhường nào và khi đó tự nhiên bạn cũng có thể thương yêu gia đình mình, làng xóm quê hương mình cho đến yêu thương vạn loài hữu tình chúng sinh.

Mặc dù còn chưa đạt đến sự chia sẻ giác ngộ tuyệt đối để chia sẻsự giác ngộ của mình nhưng ngay lúc này bạn hãy chia sẻ tình yêu thương và sựnhiệt thành đến người khác

Nếu muốn, bạn có thể đem lại sự hòa hợp, hạnh phúc, sự hiểu biết và giác ngộ đến toàn bộ thế giới này. Mặc dù còn đang trên tiến trình đạt đến toàn giác để chia sẻ sự giác ngộ của mình nhưng ngay lúc này bạn hãy chia sẻ tình yêu thương và sự nhiệt thành đến người khác. Rất nhiều người có vô số phẩm hạnh cao quý nên khi gần gũi họ, chúng ta có thể được truyền cảm, ân hưởng những năng lượng an bình, hạnh phúc tuôn tràn từ nơi họ. Tuy nhiên, có những người lại lạnh lùng hay thậm chí rất lãnh đạm, bởi vậy khi tiếp xúc với họ bạn sẽ cảm thấy như tiếp xúc với đá, hay một thứ gì tương tự như vậy. Có thể, bạn thấy phải miễn cưỡng khi có mặt ở đó bởi vì bạnđã hứa hoặc bởi một vài lý do tương tự như vậy. Lân mẫn tiếp xúc với họ không làm bạn cảm thấy ấm áp nhiệt thành chút nào bởi họ thiếu dũng khí, thậm chí không biết làm thế nào để yêu thương chính mình, bởi vì tâm họ đầy những tư tưởng tiêu cực nên chẳng có gì truyền cảm để chia sẻ cả. Đó là lý do tại sao, bạn cảm thấy nặng nề, tiêu cực khi gần gũi họ.

Bạn thực sự cần biết làm thế nào để yêu thương chính bản thân mình, nhưng để làm được điều này, bạn phải biết làm cách nào có thể trải qua tiến trình cải thiện đời sống của mình. Muốn vậy, trước hết bạn phải biết giá trị và tầm quan trọng của đời sống này là như thế nào. Nếu bạn không biết được đời sống này thực sự là gì, thì khi đó chắc chắn bạn sẽkhông biết việc trải nghiệm tiến trình cải thiện đời sống của mình là quan trọng đến nhường nào. Tuy nhiên, với nhiều người trong chúng ta, điều này lại không quan trọng chút nào, chúng ta không quan tâm tới việc tìm hiểu đời sống này thực sự là gì. Một vài người khá thông minh đã hỏi tôi: “Đời sống thực sự là gì?” Bởi vì họ thực sự không tìm được câu trả lời nên họ không biết mình là ai, họ không biết họ đang đi đâu và đang làm điều gì. Mặc dù chúng ta vẫn đi dạo, chúng ta vẫn nói chuyện, chúng ta vẫn làm rất nhiều điều nhưng chúng ta chỉ giống như một con robot mà không có hiểu biết và đời sống tâm linh bên trong.

Chúng ta sao chép bắt chước tất cả mọi thứ!

Chúng ta chỉ sao chép lẫn nhau, chúng ta chỉbắt chước những gì mà bạn bè của chúng ta đang làm và chỉ răm rắp làm theo tất cả những gì đạo sư của chúng ta giáo huấn mà không tự suy ngẫm chiêm nghiệm.Đây là điều tôi luôn đề cập! Thực sự chúng ta chỉ bắt chước lối sống của người khác, sao chép cách ăn uống của người khác và cách ăn mặc của người khác. Chúng ta bắt chước tất cả mọi thứ! Nếu có một người đang mặc một kiểu quần áo mới lạnào đó, bạn sẽ liền nghĩ rằng mình phải mặc bộ đồ như vậy. Ngày mai bạn liền ra ngoài phố và tìm mua bộ quần áo đó. Bạn có thể cảm thấy rằng, bởi vì có một vài người phụ nữ đang mặc bộ áo váy này, cho nên nó chắc chắn rất đẹp và bởi vậy bạn cũng sẽ mua nó. Bạn chỉ sao chép, bắt chước những kiểu quần áo, kiểu tóc, cách trang điểm khuôn mặt… Bạn thực sự giống như một loài vẹt luôn bắt chước người khác! Nếu nhìn lại chính bản thân mình, bạn sẽ thấy rằng bạn chỉluôn bắt chước sao chép!

Lấy ví dụ, bạn bắt chước những ngôi sao điệnảnh bởi vì họ rất nổi tiếng. Bởi vậy trong thế giới bé nhỏ này, bạn sẽ cảm thấy rằng mình có vẻ cũng “nổi tiếng”. Khi bạn bắt gặp một ngôi sao điện ảnh, bạn sẽnói: “Ồ, bây giờ tôi cũng muốn khoác lên mình trang phục như vậy.” Tất nhiên, những thương gia khôn ngoan họ rất nhanh chóng nắm được tâm lý nên họ thiết kếra những bộ trang phục tương tự như vậy và đã kiếm được rất nhiều tiền của bạn. Mọi người đã phải trả một số tiền lớn để khoác lên mình những thứ này chỉ đểsao chép, bắt trước Hollywood mà thôi!

Chúng ta lầm tưởng là mình rất tinh khôn, nhưng thực ra là chỉ bắt chước, sao chép người khác mà thôi. Đó là kiểu chúng ta sống trên thế giới này. Chúng ta không hiểu điều mình đang làm, chúng ta chỉluôn sao chép bắt chước. Chúng ta cảm thấy không thể kéo dài sự sống nếu chúng ta không sao chép bắt chước! Chúng ta hoàn toàn bị chi phối, chúng ta chẳng có bất kỳ sự tự do nào cho chính mình. Chúng ta không làm bất kỳ điều gì một cách chân thành từ tận đáy lòng mình, tôi cho rằng hầu như không có bất cứ điều gì! Có lẽ tôi không nói 100% nhưng hầu như không có bất kỳ điều gì cả! Khi so sánh mình với người khác, đôi lúc chúng ta thấy mình tốt đẹp hơn nhưng đôi lúc lại có thể thấy kém cỏi hơn, tồi tệ hơn, điều này phụ thuộc vào đối tượng mà chúng ta đang cố gắng bắt chước, sao chép.

Bởi vậy, mặc dù cuộc đời mà chúng ta đang sống có thể cũng rất thú vị nhưng tôi muốn nói rằng chúng ta chẳng có chút tự do nào theo nghĩa tất cả mọi người đều bắt chước lẫn nhau. Tất cả mọi người đều đang lôi kéo những người khác sao chép bắt chước một lối sống của mình. PhươngĐông bắt chước phương Tây, người Anh bắt chước người Pháp, người Pháp bắt chước người Anh. Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ về điều này bạn sẽ thấy phương thức đó chẳng mang lại ý nghĩa gì cả. Bạn có thể cho rằng, chẳng có gì sai trái bất thường khi cuộc sống thường nhật cứ diễn ra như vậy, bởi lối sống đó vẫn tồn tại, kéo dài từ vô thủy cho đến tận ngày nay. Bởi vậy, bạn chẳng phải bận tâm suy xét lối sống đó là như thế nào, bạn chỉ tiếp tục bắt chước mà thôi.

Nếu thực sự suy ngẫm tường tận về điều này, chúng ta sẽ thấy rằng, mình không chỉ ngu ngốc mà còn vô cùng si mê, mặc dù chúng ta cứ tuyên bố rằng mình là con người khôn ngoan. Dĩ nhiên, nhiều người trong chúng ta dường như có thể khôn ngoan hơn so với người khác và cũng có thểkém cỏi hơn họ, nhưng tất cả chúng ta thực sự đều ở cùng một mức độ bởi vì chúng ta ít hay nhiều đều đang sống một lối sống bắt chước như nhau. Bởi vậy, chúng ta đừng nên nghĩ: “Tôi là một người rất kém cỏi và anh ta là người rất khôn ngoan.” Thật không may, mặc dù tất cả chúng ta đều đang ở cùng mức độnhưng chúng ta lại không coi mọi người là bình đẳng như nhau. Mặc dù tồn tại những sự đa dạng, ví dụ như: một số người trong chúng ta có thể rất giàu còn sốkhác thì lại vô cùng khó khăn, chúng ta có thể rất cao trong khi những người khác lại rất thấp. Chúng ta đang hạnh phúc trong khi rất nhiều người khác đang chịu khổ đau, nhưng nói chung tất cả chúng ta đều bình đẳng như nhau. Chúng ta bình đẳng như nhau theo nghĩa tất cả đều rất khờ khạo. Tất nhiên điều này không nhất thiết có nghĩa chúng ta là những người xấu.

Chúng ta hãy thực sự trải nghiệm cuộc sống mà không nên suy đoán phân biệt mọi điều là tốt hay xấu.

Tất thảy chúng ta không nên xét đoán đánh giáđâu là điều tốt, đâu là điều xấu. Tuy nhiên, chúng ta lại thường đưa ra những nhận xét đánh giá đây là người tốt, kia là người xấu: “Đây là một người tốt, nhưng kia lại là một người xấu. Đây là cặp vợ chồng rất đẹp đôi nhưng kia thì lại không phải…” Chúng ta sống trong thế giới này mà cứ “sáng tạo” ra mọi thứnhư vậy. Điều này cũng có thể tốt, nó có thể tạo ra một buổi nói chuyện rất thú vị và cũng có thể là một phần của đời sống, bởi vậy chúng ta cứ tiếp tục theo cách sống đó, nhưng thực sự nó chẳng mang lại một ý nghĩa gì cả. Như tôi đã luôn nhắc tới, chính thái độ phân biệt của chúng ta đã tạo ra một thứ gì là“tốt” hay “xấu.” Tôi có thể nói: “Điều này là tốt”, nhưng người khác lại có thểkhông đồng ý. Khi đó, có thể biến thành một cuộc tranh cãi mà chẳng đi đến đâu cả. Đây chính là phương thức mà chúng ta đang sống trên thế giới này.

Tuy nhiên, chúng ta không thể sống trong thế giới với một phương thức như vậy được nữa, chúng ta cần làm một cuộc cách mạng. Tôi cảm thấy rằng lối sống bắt chước đã quá đủ nhàm chán rồi! Đó là lý do tại sao chúng ta hãy thực sự trải nghiệm cuộc sống mà không nên suy đoán phân biệt mọi điều là tốt hay xấu. Đời sống của chúng ta có thể là tốt cũng có thể là xấu, nhưng sẽ không thành vấn đề nếu chúng ta không suy đoán đâu là điều tốt đâu là điều xấu. Đó là lý do tại sao, tôi không muốn dán nhãn mác cho mọi điều là “tốt” hay “xấu.” Nếu trong suốt buổi nói chuyện này, một vài bằng hữu của tôi có nói rằng một người nào đó là “rất tồi” khi ấy tôi sẽ luôn cảm thấy rằng chính những người bạn của mình mới là những người bất hạnh. Có thể một người nào đó đang làm những việc dường như rất xấu, thế nhưng ai có thể biết được việc anh ta đang thực sự làm gì, ai có thể thực sự biết được rằng những hành động của anh ta là tốt hay xấu? Ai thực sự có thể biết được điều này? Suy đoán là một việc làm rất tồi. Nhưng dù sao đi nữa, việc suy đoán phân biệt một điều gì là tốt hay xấu còn tốt hơn việc thực hành giáo điều tôn giáo.

Tôn giáo luôn cho rằng điều này là tốt hay điều kia là xấu. Nếu bạn coi Phật giáo là tôn giáo và bạn thấy rằng Đức Phật đã dạy một điều gì đó là tốt thì bạn sẽ phải tin tưởng rằng điều đó là hoàn toàn tốtđẹp. Nếu Đức Phật dạy điều đó là xấu thì điều đó sẽ trở nên là xấu 100%. Cách thức của bạn là như vậy! Bạn sẽ không suy xét tường tận về mọi điều, bạn khôngđược phép làm điều đó! Tương tự như vậy, nếu là người Thiên Chúa giáo, bạn phải tin tưởng rằng Thiên Chúa giáo chỉ đơn thuần là tôn giáo, khi đó bất cứ điều gì Chúa Jesus dạy đều trở thành chân lý tối thượng…, mà bạn chẳng suy xét, quán chiếu tường tận về những điều đó. Đây chính là phương thức điển hình của tôn giáo khi đề cập tới vấn đề niềm tin tâm linh của mỗi người.

Đức Phật chân thật chính là thực tại đời sống của chính bạn

Tuy nhiên chính Đức Phật đã dạy trong giáo lý kinh điển: “Nếu con coi ta là Phật, con sẽ không bao giờ thấy được Phật. Nếu con lắng nghe giáo Pháp của ta mà coi là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt được chân Pháp.” Đây thực sự là một thông điệp vĩ đại, nhưng thật bất hạnh nhiều người lại ngộ nhận sai lầm chân lý này. Họ đang bỏ lỡ mất lời dạy của Đức Phật. Thậm chí, họ có thể là những học giả lớn, hiểu biết rất nhiều giáo lý Phật pháp nhưng họ vẫn không thấu hiểu được lời khai thị này. Họ cứ coi Phật chính là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Không! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã dạy chúng ta không được coi Ngài là “Phật”. “Phật” ở trong chính bạn. Bạn phải thấu hiểu rằng Đức Phật chân chính là thực tướng đời sống của chính bạn. Đây là điều mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khai thị và cũng chính là “Pháp” mà tôi đang đàm luận tới.

Pháp chân thực chính là thực tại trong chính bạn. Pháp tự nhiên, chân thật và nền tảng đang diễn ra trong chính bạn và thế giới một cách tựnhiên. Thứ được gọi là “giáo Pháp” ví như điều mà tôi đang đàm luận chỉ là sựhướng đạo mà thôi. Đây cũng chính là điều Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng dạy:“Nếu con cho rằng giáo pháp của ta là Pháp, con sẽ không bao giờ thấu đạt chân Pháp.” Lý do là giáo pháp của Ngài chỉ là sự hướng đạo, tuy nhiên nếu bạn cho rằng giáo pháp đó là tối thượng thì sự chấp pháp này sẽ trở thành một chướng ngại, một rào cản lớn. Sự ngộ nhận sai lầm này sẽ ngăn cản bạn nhận rađược bản chất, chân lý của Pháp.

Theo tiếng Phạn, “Dharma” có nghĩa là “Vạn Pháp.” Bởi vậy bạn sẽkhông bao giờ có được nhận thức chân thực về vạn pháp nếu bạn chỉ cố chấp vào những điều Đức Phật dạy. Nếu bạn cố gắng tạo ra một thứ gì đó ngoài giáo pháp của Ngài và sau đó trở nên bám chấp vào nó, bạn chỉ lãng phí thời gian, bạn sẽ không bao giờ giác ngộ được chân lý. Đây cũng là một trở ngại mà chínhĐức Phật đã từng chỉ dạy.

Giáo pháp Đức Phật là triết học chứ không phải là một tôn giáo

Đó là lý do tại sao tôi luôn nói giáo lý Đức Phật là triết học chứkhông phải là tôn giáo. Tất nhiên, Đạo Phật cũng có thể được thực hành với tưcách là một tôn giáo, và hàng triệu người đã thực hành như vậy trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, rất nhiều những chướng ngại, rắc rối đã phát sinh đơn giản chỉvì sự ngộ nhận sai lầm Đạo Phật là một tôn giáo. Quan niệm “tốt đẹp” và“xấu xa” là hệ quả của việc coi đạo Phật là một tôn giáo, quan niệm đó không phải là tinh túy tâm linh Đạo Phật (hay tinh túy tâm linh của Đạo Thiên Chúa, của bất kỳ một đạo nào khác). Chính cuộc sống mới là thứ chúng ta cần phải thấu hiểu.

Tôi luôn cảm thấy còn đôi chút băn khoăn khi đàm luận về chân lý cuộc sống. Rất khó để tôi diễn đạt bởi vì dường như cuộc đời này vượt trên ngôn ngữ miêu tả thông thường. Tôi có thể luôn cố gắng đưa đời sống vào trong ngôn từ, diễn đạt theo từng câu và sau đó cố gắng truyền tải tới những học trò của mình, nhưng đời sống dường như không thực sự vận hành theo phương thức này. Lý do là, đời sống thực sự là một thứ hoàn toàn khác với những điều chúng ta thường nghĩ. Đời sống chỉ là một chuỗi thời gian hết ngày này qua ngày khác và hàng ngày những ý niệm cảm xúc cứ đến đi sinh diệt trong tâm chúng ta. Lấy ví dụ, chúng ta cứ coi đời sống mang lại cho chúng ta nhiều tham ái hơn, nhiều ganh tỵ hơn, nhiều tranh luận hơn, si mê hơn, thất vọng và sầu khổ hơn, và tất cả những cảm xúc tiêu cực như vậy diễn ra sinh diệt trong tâm chúng ta.

Để minh chứng cho điều này, hãy để tôi nêu cho bạn một ví dụ: Những người tiêu nhiều tiền mua sắm mỹ phẩm. Một cô gái, hay thậm chí ngày nay một người đàn ông cũng có thể mua một loại mỹ phẩm rất đắt tiền (thật khó tin với tôi nhưng hiện giờ có rất nhiều loại mỹ phẩm dành cho nam giới trên thị trường!). Sau đó, bạn trang điểm và tạo ra bộ mặt mới cho mình, và khi nhìn vào gương bạn nghĩ rằng mình là người hấp dẫn và xinh đẹp nhất! Bạn đi ra phố để gặp bạn bè, bạn cảm thấy rất vui sướng phấn khích bởi vìđã có được khuôn mặt mới. Nó làm cho bạn cảm thấy rất hãnh diện. Mặc dù, chẳng có gì sai trái khi bạn có những cảm xúc như vậy nhưng chúng rất ngắn ngủi vô thường. Khi bạn xuống phố, bạn cũng có thể gặp một thiếu nữ khác xinh đẹp hơn, và khi đó bất chợt bạn cảm thấy mọi thứ đã kết thúc! Bạn đã phải rất mất công trang điểm cho khuôn mặt của mình, nhưng thời gian ấy giờ đây hoàn toàn uổng công. Bây giờ bạn lại phải trang điểm, bằng không bạn sẽ cảm thấy thất vọng thậm chí là tuyệt vọng, bạn có thể nghĩ: “Mình không xinh đẹp bằng cô gái kia.”Bạn cảm thấy ghen tỵ với cô gái đang mặc bộ áo váy trông xinh đẹp hơn mình. Sựghen tỵ đó càng làm bạn thêm bứt rứt không an.

Đây là một loại ấn tượng chi phối bạn và như thế nó trở thành lối sống của bạn. Tôi không biết điều này có tốt hay không, nhưng nó là thực tại mà bạn đang trải qua và kết thúc chỉ làm cho bạn tăng thêm ham muốn và những mong cầu. Bạn cảm thấy: “Ồ, cô gái mà mình gặp trông xinh đẹp hơn mình, mình phải mua những đồ trang điểm và ăn mặc thời trang đẹp như cô ta.” Tự nhiên, bạn bắt đầu cảm thấy khát khao và đầy ham muốn. Bởi vậy, bạn lại phải mua sắm nhữngđồ mỹ phẩm, quần áo đắt tiền và tiêu phí thêm hàng trăm USD vì những đồ cũtrước đây của bạn không thực sự thời trang bằng (mặc dù chúng cũng rất đắt tiền). Bạn đang bị khát khao, ham muốn của mình chi phối phung phí rất nhiều tiền để mua những sản phẩm hạng nhất. Thực sự thì cũng không có vấn đề gì, dù cho bạn có tiêu nhiều tiền hay không, có điều chắc chắn là bạn đang bị khát khao, ham muốn dày vò thúc đẩy để sánh kịp cô gái đó. Mặc dù, cô ta đã đi mất từlâu nhưng hình ảnh của cô ta vẫn còn in đậm trong tâm trí bạn. Hình ảnh cô gáiđó chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn những hình ảnh khác trong tâm bạn mà bạn bám chấp. Đây là điều rất xót xa và thật đau lòng!

Nếu bạn thực sự mong muốn trưởng dưỡng, cải thiện đời sống thì trước hết bạn phải cải thiện tâm mình

Một cô gái trên đường có thể rất hấp dẫn, nhưng đối tượng xinh đẹp chưa chắc sẽ đem lại cho bạn sự hài lòng, sự thỏa mãn, niềm hạnh phúc hay bất kỳ niềm hỷ lạc vững bền nào. Thậm chí, chúng còn có thể mang lại cho bạn rất nhiều những phiền nhiễu. Đó là lý do tại sao nếu bạn thực sự mong muốn trưởng dưỡng, cải thiện đời sống thì trước hết bạn phải cải thiện tâm mình. Việc cải thiện, chuyển hóa tâm mình tức là thực sự bước vào dòng chảy của đời sống và bản chất của đời sống. Nếu bạn nhận thức được bản chất của đời sống (đó chính là tâm), bạn sẽ có thể cải thiện, trưởng dưỡng được chính mình. Khi đó, tâm bạn tự nhiên có thể chuyển hóa mà không cần phải dùng ngôn ngữ hay bất kỳ phương pháp gì. Đối với môi trường bên ngoài, bạn có thể “tùy duyên bất biến.”Bạn có thể trang điểm, có thể mặc lịch sự, trang trọng một chút, bởi bạn phải tới tham dự buổi họp thương mại hay phải tới dự bữa tiệc. Bạn có thể phải mặc những trang phục lịch sự, đeo nhiều đồ trang sức, trang điểm và có một kiểu tócđẹp. Điều này cũng được miễn là tâm bạn an bình và không cảm thấy phải so sánh, ghen tỵ với bất kỳ ai.

Để hòa nhập với xã hội, bạn có thể quan tâmđôi chút tới hình thức bề ngoài của mình và khi đó bạn hãy vui vẻ, sẽ không thành vấn đề gì dù cho bất kỳ một ai khác có cao hơn, trông xinh đẹp hơn hay xấu hơn bạn. Điều đó thật không thành vấn đề với bạn. Bạn tới cuộc họp, hòađồng với mọi người và hãy vui vẻ, hạnh phúc bởi vì đời sống đang ở trong chính bạn. Theo cách này, bạn sẽ biết làm sao để giải quyết những khúc mắc bế tắc trong đời sống, làm sao để cải thiện được đời sống, thế nên hạnh phúc có thể được tìm thấy trong chính bạn. Không có sự tham muốn, ghen tỵ bởi vì tất cả mọi người đều là bạn bè bằng hữu hay đối tác, bạn luôn có tình cảm tốt với họ. Khiđó mọi người cũng dễ dàng đồng cảm chia sẻ với bạn. Bạn có thể chia sẻ tình yêu thương chân thật và những suy nghĩ tích cực với mọi người bởi vì bạn có đượcđời sống tâm linh trong chính bạn. Đây là những gì chúng ta nên suy ngẫm và thực hành trong thời hiện đại này.

(Nguồn: Spiritual Practice in The Modern Age,
Tạp chí “The Dragon”, Số mùa đông – 2002)

Source: thuvienhoasen.

10421470_331186227074648_1137497745780631909_n

NHỮNG NGƯỜI NỔI TIẾNG CA NGỢI ĐẠO PHẬT

Famous people praise Buddhism
Tuệ Uyển chuyển ngữ ngày 22/4/2012

.Philip Kotler (1931- )

“Sự tiếp cận của tôi được ảnh hưởng bởi Thiền. Thiền nhấn mạnh việc học hỏi bằng những phương tiện của tĩnh lự và tuệ quán trực tiếp, trực giác. Những tư tưởng trong quyển sách này là kết quả của những sự hành thiền của tôi trên những nhận thức và nguyên tắc nền tảng của thị trường.

(Tuệ Quán Thị Trường từ A đến Z)

“My approach is influenced by Zen. Zen emphasizes learning by means of meditation and direct, intuitive insights. The thoughts in this book are a result of my meditations on these fundamental marketing concepts and principles.”
(Marketing Insights from A to Z).

Ronald Wilson Reagan (1911-2004)

“Một điều mà Đạo Phật dạy chúng ta là mỗi thời khắc là một cơ hội để thay đổi.”

“One thing that Buddhism teaches you is that every moment is an opportunity to change. ”

Albert Einstein (1879-1955)

“Nếu có một tôn giáo có thể đối diện với những nhu cầu của khoa học hiện đại đấy sẽ là Đạo Phật.”

“If there is any religion that could cope with modern scientific needs it would be Buddhism.”

Henry_David_Thoreau(July 12, 1817 – May 6, 1862)

“Một dấu chân đơn lẻ sẽ không làm nên lối mòn trên mặt đất, thế nên một tư tưởng đơn lẻ sẽ không làm nên một dấu vết trong tâm. Để làm nên một lối mòn vật lý sâu sắc, chúng ta phải đi tới đi lui hết lần này đến lần khác. Để làm nên một dấu vết tinh thần sâu sắc, chúng ta phải suy đi nghĩ lại nhiều lần về loại tư tưởng mà chúng ta mong ước chiếm ưu thế trong đời sống chúng ta”.

“As a single footstep will not make a path on the earth, so a single thought will not make a pathway in the mind. To make a deep physical path, we walk again and again. To make a deep mental path, we must think over and over the kind of thoughts we wish to dominate our lives.”

.Albert Einstein (14 March 1879 – 18 April 1955)

“Con người là một bộ phận của một tổng thể, được chúng ta gọi là Vũ trụ, một phần tử giới hạn trong thời gian và không gian. Con người tự kinh nghiệm, cảm giác và tư tưởng của con người, như điều gì đấy riêng biệt với tất cả,một loại vọng tưởng của tâm thức. Vọng tưởng này là một loại ngục tù cho chúng ta, giới hạn chúng ta với những tham dục cá nhân và ảnh hưởng những người gần gũi nhất. Nhiệm vụ của chúng ta là phải giải thoát chúng ta khỏi ngục tù này bằng việc mở rộng chu vi từ bi để bao gồm tất cả mọi tạo vật và tổng thể tự nhiên trong sự xinh đẹp của nó”.

“A human being is part of w whole, called by us the Universe, a part limited in time and space. He experiences hiimself, his thoughts and feelings, as something separated from the rest, a kind of optical delusion of his consciousness. This delusion is a kind of prison for us, restricting us to our personal desires and to affecion for a few persons nearest us. Our task must b e to free ourselves from this prison by wedening our cricles of compassion to embrace all living creatures and the whole of nature in its beauty.”
Albert Einstein, 1921

.Daniel Pink

“Đạo Phật và khoa học rất tương đồng,”….”bởi vì cả hai đang khám phá bản chất của thực tại, và cả hai có mục tiêu làm giảm thiểu khổ đau của nhân loại.”

(Một Tâm Thức Hoàn Toàn Mới)

“Science and Buddhism are very similar,”… “because they are exploring the nature of reality, and both have the goal to lessen the suffering of mankind.”
(A WHOLE NEW MIND)

Richard J. Davidson, Ph.D., Lab Director
(born December 12, 1951)

Vào năm 2050…

* Việc luyện tập tinh thần sẽ được chấp nhận và thực hành trong cùng cách như việc luyện tập thân thể hiện nay.

* Chúng ta sẽ có một môn khoa học về những phẩm chất đạo đức.

* Chúng ta sẽ kết hợp chặc chẽ tâm thức trở lại với thuốc men và thấu hiểu tốt đẹp hơn về vấn đề não bộ có thể điều chỉnh sinh học ngoại biên trong những cung cách tác động đến sức khỏe. Điều này sẽ hướng chúng ta đến việc chịu trách nhiệm hơn cho sức khỏe của chúng ta.

* Chúng ta sẽ phát triển một sự tiếp cận thế tục để cung ứng những phương pháp và những sự thực hành từ các truyền thống quán chiếu để:

— Dạy giáo viên và trẻ em những cách để điều chỉnh cảm xúc tốt đẹp hơn và sự chú ý và trau dồi những phẩm chất như tử tế và từ bi.

— Thay đổi những sự trừng phạt vì thế sự tha thứ có thể được trau dồi trong những nạn nhân và sự điều chỉnh cảm xúc và sự giảm thiểu căng thẳng trong những người phạm lỗi.

— Gia tăng tỉnh thức về mối liên hệ hổ tương với những người khác và với hành tinh và thêm những người chịu trách nhiệm săn sóc môi trường quý giá của chúng ta.

— Thúc đẩy sự chấp nhận mở rộng hơn vào trong những tổ chức văn hóa quan trọng của chúng ta. Điều này sẽ giúp để khôi phục tính lịch sự, khiêm tốn, biết ơn và những đạo đức khác trong văn hóa của chúng ta.

Chuyển hóa tâm thức, thay đổi não bộ chúng ta
In 2050…

* Mental exercise will be accepted and practiced in the same way physical excercise is today.

* We will have a science of virtuous qualities

* We will incorporate the mind back into medicine and better understand how the brain can modulate peripheral biology biology in ways that affect health. This will lead us to take more responsibility for our own health

* We will develop a secular approach to provide methods and pracitces from contemplative traditions to:

— Teach teachers and chidren ways to better regulate emotions and attention and cutivate qua lities like kindness and compassion

— Transform corrections so that forgiveness can be cultivated in victims and emotion regulation and stess reduction in offenders.

— Increase awreness of our interdependence upon others and upon the planet and be more responsible caretakers of our precious environment

— Promote thrir more widespread adoption into the major institutions of our culture. This will help to restore civility, humility, gratitude and other virtues in our culture.

Transform Your Mind, Change Your Brain

Ẩn Tâm Lộ ngày 17/6/2012

http://rmvvision.wordpress.com/category/buddhism-in-the-eyes-of-intellectuals/

Source: thuvienhoasen.

Chuyển đến trang:  1  2