Daily Work 2

Recent Pages:  1,  2,  3,  4,  5,  6,

Linh sơn mây trắng

Với Phật giáo, Linh Thứu là ngọn núi thiêng. Sau khi thành đạo, một thời gian dài Linh Thứu là trú xứ của đức Phật và các đệ tử của Ngài. Tại đây Ngài đã giảng kinh Pháp Hoa và nhiều bộ kinh quan trọng khác. Linh Thứu còn là nơi khởi phát dòng Thiền Ấn Độ để rồi từ đây hạt giống Thiền được gieo trồng khắp nơi trên trái đất.
.
Linh Thuu Son

Tương truyền ngày nọ trên đỉnh Linh Thứu, đức Phật lên toà giảng Pháp – Không luận giải dài dòng như mọi ngày, Ngài chỉ im lặng cầm một cành hoa đưa lên trước hội chúng. Hội chúng ngơ ngác không ai hiểu gì, chỉ tôn giả Ca Diếp lặng lẽ mỉm cười như ngầm thâm ngộ ý nghĩa lời dạy của Thầy. Thế là, bằng lối “Niêm hoa vi tiếu”, đức Thế Tôn đã khai sinh ra dòng Thiền tông, một tông phái lấy tâm truyền tâm, coi trọng tự chứng, không qua ngôn ngữ văn tự mà chỉ dùng tuệ giác vốn có nơi tâm. Từ Ca Diếp, tâm ấn được truyền sang A Nan Đà, rồi tiếp tục truyền thừa cho đến tổ thứ 28 của Thiền tông Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma.

Trước khi đến Linh Thứu, xe chúng tôi ngang qua kinh thành Vương Xá cổ xưa của nước Ma Kiệt Đà. Ngày ấy Vương Xá phồn vinh, tươi đẹp là thế mà nay hoang phế, tịnh không bóng người. Đoạn đường từ chân núi đến đỉnh khoảng 2 km dốc thoai thoải, người ta vừa chỉnh trang bằng các bậc cấp tráng xi măng – không sao tìm lại dấu chân đức Phật từng đi qua. Thuở xưa hẳn Linh Thứu cây cao bóng cả, uy linh diệu vợi, nay chỉ như một ngọn đồi xơ xác cỏ cây. Dọc bên đường vẫn còn vài dấu tích lịch sử: Tảng đá Đề Bà Đạt Đa quyết lăn hảm hại đức Phật, nơi nhà vua Tần Bà Xa La xuống xe đi bộ, nơi nhà vua cho đoàn tuỳ tùng lui, chỉ một mình lên thăm đức Phật.

Qua khỏi “Linh Sơn kiều” – chiếc cầu bắc qua con suối nhỏ, là địa phận đỉnh Linh Thứu; nhiều những đống đá chất chồng lên nhau, một cách cầu nguyện của các tín đồ Tây Tạng. Đỉnh Linh Thứu là một khuôn viên hình chữ nhật khoảng 10 x 20 m, bên ngoài là vòng thành ba mặt cao không quá 0,80 m, bên trong thêm một vòng thành vuông, ở giữa có tượng Phật nhỏ và đủ thứ cờ hoa, một bát hương to. Trên đầu, trời sâu thăm thẳm, vài đám mây trắng vẩn vơ bay.

Theo tâm nguyện của Thầy mình, năm 520, Bồ Đề Đạt Ma sang Đông độ mang theo thông điệp: “Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật”. Vua Lương Võ Đế hay tin vội chiếu thỉnh về kinh. Bài giảng Pháp đầu tiên của Đạt Ma đột phá, lạ lùng đến cả triều thần Lương Võ Đế ngơ ngác. Thấy Lương Võ Đế tuy mộ đạo và thông thái nhưng tâm cơ chưa đạt, không thể hoá độ được, Ngài bèn cáo biệt, lên chùa Thiếu Lâm ẩn cư, “cửu niên diện bích” – 9 năm quay mặt vào vách đá hành trì Thiền định. Cho đến một ngày, Thần Quang xin bái kiến, kiên trì nhẫn nại, quyết chặt đứt cánh tay tỏ bày chí nguyện cầu đạo. Ngài hỏi:
– Chư Phật phát tâm cầu Đạo, vì Pháp bỏ thân, nay ông chặt cánh tay là để làm gì?
– Con có thể nghe được Pháp Ấn của chư Phật chăng?
– Pháp Ấn của chư Phật không thể nhờ vào người khác.
– Nhưng tâm con không an, xin thầy an tâm cho con.
– Hãy đưa tâm của ngươi ra đây ta an cho.
– Bạch, con kiếm mãi mà chẳng thấy tâm ở đâu.
– Thế là ta đã an cái tâm cho ngươi rồi đó.
Nghe xong, Thần Quang đại ngộ, được Bồ Đề Đạt Ma nhận làm đệ tử, được đổi tên thành Huệ Khả. Và thế là Thiền tông Trung Hoa ra đời.

Từ sơ Tổ Đạt Ma đến nhị Tổ Huệ Khả, tam Tổ Tăng Xán, tứ Tổ Đạo Tín, ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, Thiền tông Trung Hoa như dòng suối mát lành nơi rừng sâu núi thẳm, phải đến lục Tổ Huệ Năng, Thiền mới trở thành con sông lớn chảy qua làng mạc, ruộng đồng, mang lại nguồn sống cho con người, vạn vật, cỏ cây hoa lá. Thiếu Lâm Tự trở thành cội nguồn của Thiền tông Trung Hoa và nhiều quốc gia khác ở châu Á, là “cái nôi” của Võ thuật thế giới, là “Quốc tự” của người Tàu.

Lập Tuyết Đình, nơi Huệ Khả chặt cánh tay cầu đạo và được Đạt Ma truyền tâm ấn. Sau cùng là La Hán Điện, trên nền vẫn còn nguyên dấu chân luyện công hàng ngàn năm trước. Dọc hai bên trục chính còn nhiều những công trình khác như Tháp chuông, Tháp trống, Thiền phòng, Đền Jinnaluo, Điện Diêm La Bồ Tát, Điện Quan Âm Bồ Tát… Tôi thật sự xúc động trước tảng đá có in hằn khuôn mặt Bồ Đề Đạt Ma “cửu niên diện bích” được đem về thờ trong Điện này.

Ngày nay Thiếu Lâm Tự như là một Trung tâm du lịch lúc nào cũng tấp nập du khách hơn là cảnh giới tu tập thiền định của các tăng sĩ. Ngày nay, còn chăng chỉ là mấy cây bách ngàn năm tuổi cành lá sum suê giữa lồng lộng trời xanh mây trắng.

Phật giáo truyền vào Việt Nam rất sớm, nhưng phải đợi đến khi hợp duyên với ba dòng Thiền từ phương Bắc xuống mới tựu thành; rực rỡ nhất là dưới hai triều đại Lý-Trần, mà đỉnh cao là vị Vua-Phật Trần Nhân Tông. Ngài vừa là đấng minh quân vừa là bậc thiền sư đạt đạo. Sau khi hoàn thành sứ mạng an dân và lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, Ngài từ bỏ ngai vàng, truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi lên núi Yên Tử tu tập Thiền định, lập nên dòng Thiền tông Việt Nam – Thiền phái Trúc Lâm, mà Ngài là vị Tổ thứ nhất. Yên Tử trở thành Trung tâm của Phật giáo Đại Việt. Và vua Trần Nhân Tông trở thành vị Phật Tổ của Việt . Chùa Hoa Yên là nơi Ngài thường giảng Pháp cho các đại đệ tử cùng tăng chúng khắp nơi. Dân gian có câu: “Trăm năm tích đức tu hành. Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

Thuở xưa, Yên Tử ẩn khuất giữa đại ngàn tùng trúc là hệ thống chùa, tháp từ chân núi đến đỉnh, quả xứng là xứ Phật cõi thiêng. Ngày nay, hầu hết công trình bị đổ nát qua thời gian.

Sử chép rằng, không chịu nổi sự áp bức vô lý của Trần Thủ Độ, đêm mồng 3 tháng 4 năm 1236, Trần Thái Tông trốn triều đình, lên Yên Tử mong cầu giải thoát. Khi hiểu rõ ngọn nguồn, sư Trụ trì nói: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm ta. Nếu tâm thanh tịnh, trí tuệ xuất hiện, thì đó chính là Phật, khỏi phải cực khổ tìm kiếm ở bên ngoài”. Ngày ấy, Yên Tử là cảnh giới u tịch, thanh thoát, chứa chan thiền vị, giúp con người tìm lại “bản lai diện mục” của mình, giúp trở về với suối nguồn an lạc có tự nơi mỗi chúng sinh.

Đêm ấy tôi ngủ lại trong cái lán nhỏ dưới chân chùa Đồng. Suốt đêm cứ thao thức hoài về vị Vua-Phật Trần Nhân Tông. Ông là nhân vật lạ lùng: Là đấng minh quân, là nhà quân sự lỗi lạc, vị anh hùng dân tộc, một nhân cách cao vời, bậc thiền sư đạt đạo. Cái gì đã dung hợp từng ấy con người trong một con người? Sức mạnh nào giúp ông tổng hoà Thiền tông Trung Hoa, Nho, Lão, và đạo lý Nhân Nghĩa của dân tộc để hợp thành Thiền Tông Việt Nam mang bản sắc văn hoá Việt Nam; dòng Thiền đã chiếu rọi thứ ánh sáng thông tuệ suốt chiều dài lịch sử dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh dân tộc, tồn tại vững vàng qua bao lần nghiêng ngả trước âm mưu đồng hoá của ngoại bang?

Đêm trên đỉnh Yên Tử bao la, sâu thẳm và chi chít những vì sao…. Là khoảng trời đêm 700 năm trước Vua-Phật Trần Nhân Tông ngắm nhìn và mỉm cười trước khi viên tịch.

ST.

linhthuuson

Ðến Kushinagar thăm Vườn ươm Phật Giáo

Đến Kushinagar, vào nghỉ tại chùa Linh Sơn, tôi không khỏi ngạc nhiên khi trông thấy vài chục chú điệu người Ấn đang tụng kinh tại chánh điện với lời kinh Pàli cùng với một số bài sám quen thuộc bằng tiếng Việt. Hỏi ra mới hay các chú chính là đệ tử của Ni sư TN. Tự Thuận, trụ trì ngôi chùa Việt Nam duy nhất tại vùng đất linh thiêng này .

Hiện chùa có đến 35 chú điệu, đều là người Ấn, ngoại trừ một chú nhỏ bốn tuổi cùng ba mẹ sang công quả, nằng nặc đòi Ni sư xuống tóc để cùng các chú tu học. Ni sư cho biết, các chú phần lớn là con của một số Phật tử nghèo tại Kushinargar, bang Uttar Pradesh và một số tiểu bang khác tại Ấn Độ.

Ni sư Trí Thuận là người Việt Nam đầu tiên trên đất Phật giáo hóa được một số đệ tử người Ấn đông như thế. Tại khuôn viên chùa, Ni sư còn kết hợp với chính quyền sở tại mở một trường học gồm 420 học sinh lớp một đến lớp tám với 16 giáo viên chính và 12 giáo viên phụ. Lương bổng và mọi chi phí trường lớp do Ni sư tự tay chi trả. Học sinh của trường ngoài việc học giáo trình chính thức do nhà nước quy định bằng tiếng Hindu và tiếng Anh, còn có cả những giờ học Việt và giáo lý do chính Ni sư giảng dạy. Ngoài ra, Ni còn mở một phòng khám miễn phí tại chùa và kết hợp với một số tổ chức khác mở thêm nhiều lớp học từ thiện cho trẻ em nghèo ấn Độ.

Phụ giúp Ni sư trông coi các chú còn có một vị sư trẻ người Ấn và một Sư cô người Malaysia. Cả hai đi tu theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng song vẫn hướng dẫn và cùng các chú tụng kinh theo nghi thức của chùa do Ni sư soạn (tụng kinh, niệm Phật bằng Kushinagar; chùa nghèo, lại tiếp nhận một số trẻ Ấn mồ côi và trẻ em thuộc những gia đình Phật tử khó khăn nên thường được Ni sư “tiếp tay” giúp đỡ. Sau một thòi gian, thầy quyết định đưa các em sang chùa Linh Sơn, nơi Ni sư trụ trì, để các em có điều kiện học tập. Ni sư đã tiếp nhận các chú, làm lễ thế phát quy y và mời vị sư Ấn đến ở và trông coi các chú. Còn vị sư cô người Malaysia vốn có duyên với ni sư, muốn đến để cùng Ni sư chăm lo cho những mầm non Phật giáo trên đất Ấn và tu tập tại vùng đất linh thiêng này. Được cả hai đồng tâm giúp đỡ, Ni sư yên tâm phần nào vì phải thường xuyên công tác Phật sự ở xa.

Khi được hỏi Ni sư dạy dỗ, hướng dẫn các chú bằng cách nào, Ni sư vui vẻ cho biết: “Tôi trò chuyện với chú bằng tiếng anh. Những vấn đề phức tạp dĩ nhiên phải nhờ đến vị sư người Ấn. Sư ở cùng với các chú, thể hiểu và giúp đỡ các chú nhiều hơn”. Thức dậy vào lúc 5 giờ sáng, 5g30 thể dục, 6g các chú đồng lên chánh điện tụng thời kinh sáng kéo dài đến 7g, sau đó điểm tâm và đến lớp. Sau giờ cơm trưa các chú nghỉ ngơi, học hành, dùng cơm chiều và tiếp tục tụng thời kinh tối. Giờ cơm, các chú xếp hàng ngay thẳng lần lượt được vị Sư cô người Malaysia múc cơm và thức ăn vào chiếc đĩa lớn; mỗi chú còn có một bình nước và một cái ly riêng, ăn xong ai nấy phải tự rửa đĩa. Trước mỗi bữa ăn, các chú đồng niệm danh hiệu Phật và sau đó hồi hướng đều bằng tiếng Việt với chất giọng lơ lớ nghe rất vui tai.

Mặc dù một tay coi ngó toàn bộ việc chùa, và rất nhiều Phật sự khác, Ni sư vẫn tự đi chợ mua thức ăn và bánh trái cho các chú. Bữa ăn của các chú khá đầy đủ, hơn hẳn nhiều ngôi chùa quê ở Việt Nam, Ni sư Trí Thuận gốc người Quảng Trị, định cư tại Mỹ và xuất gia tại Pháp với bổn sư là HT.Thích Huyền Vi – năm 1989, Ni sư được Hòa thượng bổn sư dạy sang đất Ấn để làm Phật sự, trông coi và phát triển ngôi chùa tại vùng đất xa xôi này.

Chùa Linh Sơn nguyên có tên là Song Lâm tự, do người Hoa sáng lập. Vì không có người trông coi, ngôi chùa đã được hiến cúng lại cho Hòa thượng Huyền Vi và Ni sư là người có duyên nhất trong số những đệ tử của Hòa thượng nên được bổ xứ tại đây. Ngay khi đến đất Phật, Ni sư đã cho người tu bổ lại chùa, dựng tượng Bồ tát Quán Thế Âm, xây dựng Tăng xá và vườn Thánh tích, mô phỏng những ngôi chùa, tháp của Tứ động tâm ngay trong khuôn viên chùa. . .

Những ai từng đến xứ Ấn, ắt có thể hình dung được rất nhiều khó khăn mà Ni sư đã, đang và sẽ đối diện, từ thủ tục xây dựng chùa và trường học, những giấy tờ cần thiết cho các chú điệu cho đến những sự chống đối ra mặt hay ngấm ngầm của những người Ấn vốn theo đạo Hin du bởi họ sợ Ni sư “dụ dỗ” dân làng theo Phật. Dù vậy, ngoài các chú điệu, Ni sư cũng đã giáo hóa được một số nam, nữ cư sĩ. Họ theo Ni sư từ buổi đầu, nay một vài người đã ra làm việc cho các cơ quan hành chính nhà nước song vẫn thường xuyên đến chùa công quả.

Trở lại vấn đề chăm lo cho mầm non Phật giáo tại đất Ẩn, Ni sư tâm sự: “Tôi không nghĩ rằng mình có thể giáo hóa được tất cả các chú trở thành Tăng tài. Uớc nguyện của tôi là trong số các chú sau này vẫn còn được vài ba người tiếp tục con đường tu hành. Thực tế khi ở chùa, các chú được học hành và được chăm lo tốt hơn rất nhiều so với ở nhà, song một số cha mẹ của các chú, khi kinh tế khá giả hơn một chút, họ đã đến chùa để xin con về. Các chú học xong tiểu học, nếu có chí nguyện, tôi sẽ gửi các chú qua các nước khác như Mỹ, Thái Lan, Malaysia hay Việt Nam để tiếp tục tu học. Bởi chính các chú mới thực sự có nhiều thuận duyên trong việc đem ánh sáng Chánh pháp trở về lại xứ Ẩn”.

Như vậy, để ươm những mầm non Phật giáo trên đất Phật, thiết nghĩ, cũng không thực dễ dàng, do Phật giáo hầu như vắng bóng trên chính quê hương của mình quá lâu.

Ngày nay, quý Phật tử có thể viếng thăm Linh Sơn Tự theo các đoàn hành hương chiêm bái Phật tích hoặc có thể tự đến Kushinagar bằng nhiều phương tiện. Kushinagar thuộc tiểu bang Uttar Pradesh, còn có tên cổ là Kushinara. Đây là một tiểu vương quốc trong 16 vương quốc thời cổ đại Ấn độ.

Lúc còn tại thế, Đức Phật vẫn thường băng qua những vùng đồng bằng bụi bặm của lưu vực sông Hằng, thọ nhận những bữa ăn đơn sơ do Phật tử dâng cúng và an cư trong suốt những tháng mùa mưa. Vào năm 543 trước Tây lịch, tại ngôi làng Beluva gần thành Vaishali, Đức Phật đã thuyết về sự vô thường của vạn pháp và tuyên bố rằng ngày Niết bàn của Ngài sắp đến. Từ giã Vaishali, Đức Phật bắt đầu cuộc hành trình dài 280km, hướng về ngôi làng Pava, Kushinagar. Nơi đây, Ngài đã thọ nhận bữa ăn cuối cùng của bác thợ rèn Cunda và nghỉ tại rừng cây Sala bên bờ sông Hiranyavati. Vùng quê nghèo nàn, hẻo lánh thường bị ngập nước vào mùa mưa và ngày nay đã được cả thế giới biết đến, đơn giản chỉ vì Đức Phật đã chọn nơi này để vào Đại bát Niết bàn.

Nguồn: Tuần Báo Giác Ngộ – Số 410

photoz3

 

 

Chúng Con Nguyện là Ðàn Con Tốt của Ngài
Khuyến Khích nhau đi tới trên con đường chuyển hoá.

 

Hoằng pháp, trước sự thách đố của thời đại mới

Tác giả : Thích Nữ Tịnh Quang

Hiện nay xã hội đang trên đà thay đổi như vũ bão theo tiến trình cách mạng của khoa học và công nghệ thông tin; nhận thức của con người đã không ngừng thay đổi song song với những bước sáng tạo và những phát minh tân tiến của kỹ nghệ hiện đại; những giá trị truyền thống tâm linh ít nhiều đã bị xao lãng bởi sức hấp dẫn của nó… Vượt thoát sự cố hữu hay theo thời, với căn bản triết học “tùy duyên,” Đạo Phật tượng trưng cho quá trình chuyển đổi và thay đổi để thích ứng với thời đại và căn cơ của con người nhằm đạt đến mục tiêu duy nhất là chuyển tải thông điệp yêu thương, hòa bình và trí tuệ của Đức Phật đến với nhân loại một cách hữu hiệu nhất.

Non hai mươi sáu thế kỷ truyền bá và phát triển, Đạo Phật thường xuyên chạm trán với những hoàn cảnh không ít cam go khi một thời đại kết thúc và một thời đại mới đang bắt đầu trong sự phát triển của một nền văn hóa, và thông điệp của Đức Phật đã không ít lần được hiểu sai hoặc cố tình hiểu sai khi vận mệnh của những quốc gia rơi vào tay những kẻ tham vọng và bạo cuồng. Chúng ta hiện đang sống khoảng giữa giai đoạn cuối của cuộc Cách mạng công nghiệp và sự khởi đầu của thời đại Kỹ thuật và cuộc cách mạng công nghệ thông tin, và chúng ta cũng thực sự chưa bước ra khỏi hẳn bóng tối của thời đại thống trị của các cường quốc với sự áp đặc và điều động kinh tế, chính trị xã hội, theo sau là sự lấn át về những giá trị văn hóa và tâm linh đã và đang không ngừng thách đố Đạo Phật-một Tôn giáo có bề dài lịch sử dài lâu đồng hành cùng vận mệnh văn hóa Á châu và các quốc gia Đông nam á.

Qua bao thế kỷ thăng trầm, Đạo Phật đang ở trong một thời đại mới, thời đại của sự đa nguyên và phân hóa xã hội, các giá trị và kiến thức trào lưu đã gây cản trở nghiêm trọng đến sự xuất hiện của bất kỳ triết lý thống nhất của văn hóa, lịch sử hay cuộc sống cá nhân; đây cũng chính là thời đại khủng hoảng khi những giá trị tâm linh bị tước mất ý nghĩa, sự vùng vẫy giữa cũ và mới, giữa sự phát triển kiêu hãnh của kỹ thuật và công nghệ thông tin và niềm tin đối với những giá trị tâm linh định hướng cho đời sống… Francis Fukuyama đã định nghĩa thời đại này trong nghiên cứu đáng chú ý của mình, “The End of History and the Last Man.” Với những thách đố lớn của thời đại, ngoài sự cạnh tranh của các tôn giáo có thế lực trong những quốc gia phát triển, những nhà hoằng pháp còn phải đối đầu với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin quần chúng. Vậy đâu là phương hướng chính để những nhà Hoằng pháp phát huy được vị trí của mình trên thế trường mới?

Ngày nay sự sợ hãi về sự tấn công văn hoá tâm linh là một trong những sự cố về tâm lý và xã hội hơn là cuộc xâm lược từ bên ngoài, tuy nhiên những khó khăn này lại là cơ hội tốt cho những người hoằng pháp hiện đại trong một xã hội mới để hướng dẫn những thành phần trẻ, dẫu rằng chúng ta không thể tránh khỏi các kết quả từ sự thay đổi đa dạng này bởi vì mọi thứ dường như là sự đảo ngược vai trò; thí dụ, trong thời đại nông nghiệp, người trẻ luôn luôn học hỏi kinh nghiệm từ các vị thâm niên để có kết quả thu hoạch tốt, trẻ em học hỏi từ cha mẹ và người lớn tuổi… Tuy nhiên, với những tiến bộ công nghệ, đôi khi những người làm cha mẹ phải học hỏi từ con em của họ về hệ thống điện toán và thông tin trên mạng lưới toàn cầu.

Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, Đạo Phật đang ở một giao lộ ngã tư phương Tây; chúng ta không thể nhắm mắt để cầu nguyện; chúng ta phải có những biểu đồ cụ thể trên những con đường mới trong thời đại mới. Lập trình căn bản của chúng ta là tiếp cận và khuyến khích giới trẻ-những tâm hồn mới, là những chiếc cầu nối liền giữa quá khứ và hiện tại, giữa tâm linh và vật chất, giữa sự tĩnh lặng an bình và sự quay cuồng hối hả. Thời đại mới không phải là ngoại giáo; nó là một hiện tượng hiện đại (hoặc thậm chí là một hậu hiện đại), nó cũng là một triệu chứng của sự lai căng -không có gốc rễ (rootlessness) hơn là sự mất gốc (uprooted); do đó thành phần trẻ có thể dễ dàng hấp thụ truyền thống Phật giáo như là nguồn sinh lực cho kinh nghiệm cá nhân nếu những người hoằng pháp hiện đại biết cách thổi mới tư tưởng Giáo pháp vào trong đời sống thực tiễn. Hiện nay đạo Phật ở phương Tây được xem như là một truyền thống mới nhờ công lao hoằng pháp của Đức Dalai Lama, thiền sư Nhất Hạnh…và các Cư sĩ hoằng pháp mới biết cách vận dụng Phật pháp thích ứng vào đời sống thiết thực.

Thiết nghĩ, để nắm lấy cơ hôị, những ai có tâm nguyện hoằng pháp phải bước vào thời đại thông tin với tư tưởng vô hạn của Đạo Phật, vượt thoát khỏi sự khác biệt giới hạn về dân tộc và ngôn ngữ; đạo Phật phải trở thành một hệ thống giáo dục khai mở tâm linh với các thành viên trẻ tiếp nối có trình độ và ý chí khi thâm nhập trong thế giới mới, và biết cách tiếp ứng với thời đại bằng phương tiện kỹ thuật truyền thông hiện đại để chuyển tải đạo lý (chúng ta đừng quên rằng những tôn giáo sống trong quốc gia phát triển kỹ thuật và công nghệ thông tin sớm đã biết cách tận dụng lợi thế để chinh phục và hấp dẫn các quốc gia đang phát triển). Tăng Ni và những Cư sĩ Hộ pháp của chúng ta phải sử dụng với đầy đủ những tính năng của thời đại mới có thể làm sâu sắc thêm sự hiểu biết để cung ứng cho sự truyền đạt: mở rộng tiếp cận với hệ thống thông tin Phật giáo toàn cầu, chuyển tải giáo lý phù hợp với thế hệ,không những chỉ quảng bá Phật giáo mà là sự thể hiện nó xuyên qua những sinh hoạt có tổ chức mang tính cộng đồng để củng cố sức mạnh và những lợi ích thiết thực nhằm đáp ứng những thách thức gây áp lực và tấn công vào đời sống hàng ngày đối với Phật tử chúng ta.

Gần đây, tại Hội đồng Quốc gia BCA, một nhà lý thuyết vật lý-Tiến sĩ Michio Kaku, kêu gọi đạo Phật nên mở rộng chân trời tâm linh của mình. Ông khẳng định vượt ra ngoài thế giới ba chiều của chúng ta, có thể là chiều thứ tư trong mười phương pháp giới, phóng chiếu tầm nhìn của Đạo Phật về vũ trụ và khoa học tâm linh trước thời đại mới. Mặc dù khoa học có thể đi một chặng đường dài hướng tới sự hiểu biết nguồn gốc và bản chất của vũ trụ, nó vẫn luôn luôn ở điểm tương đối, không thể giải quyết những vấn đề cơ bản của con người như những giá trị tâm linh muôn thuở. Chúng ta đừng quên rằng các nhà khoa học phát minh ra vũ khí tối tân, bom nguyên tử, và rồi phát triển các nhà máy hạt nhân… ngoài sự đổ nát của chiến tranh và hận thù dai dẳng , nhân loại vẫn chưa xích lại gần nhau, sự nghèo đói và thất học vẫn còn lây lất đâu đó trên quả địa cầu này. Lợi điểm của Phật giáo là lòng từ bi và trí tuệ. Chúng ta cần đem tình thương đến cho thời đại với hành động thực tiễn xuyên qua hai đạo lộ là Tài thí và Pháp thí, được quảng bá sâu rộng qua truyền thông hiện đại.

Bước vào kỷ nguyên mới, truyền thông toàn cầu đều nằm trong một máy laptop xách tay, hoặc chỉ nằm gọn trong lòng bàn tay như máy Iphone, Ipad… đây là cơ hội vô hạn cho chúng ta để chuyển tải thông điệp yêu thương của đức Từ Phụ. Trong kinh Di Đà diễn tả hình ảnh tướng lưỡi rộng dài của Đức Phật phóng đến ba nghìn Đại thiên thế giới và ánh sáng của Ngài chiếu soi tất cả ngằn mé của cõi giới vô biên. Những hình ảnh trong kinh bây giờ đã trở thành thực tế ảo, chỉ cần nhấn một vài phím trên máy tính hoặc Iphone, chúng ta ngay lập tức có thể tiếp cận với hàng triệu các thông tin trên toàn thế giới. Gần đây, một cuộc khảo sát Internet về thông tin về Phật giáo cho thấy rằng, Đạo Phật có nguồn tài nguyên phong phú với sự đa dạng thông tin và nhân sự hùng hậu xuyên qua các trang web và các mạng lưới xã hội.

Đạo Phật chúng ta đang có một cơ hội rất lớn để tiếp cận với thế giới trong một cách mà chúng ta không bao giờ có thể thấy được trong thời gian trước đó. Nếu chúng ta không tận dụng lợi thế của phương tiện này để kết nối với đền thờ tâm linh của chúng ta trong mạng lưới giao tiếp với thế giới, chúng ta sẽ đánh mất tinh thần Đại nguyện cứu độ chúng sinh vô biên trong vũ trụ vô cùng. Vận dụng kiến thức thời đại, nắm vững giáo lý, đầy đủ niềm tin, nguyện lực và sự can đảm để bước vào một thế giới mới, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn nạn của nhân loại liên quan đến thế giới như kinh tế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chiến tranh, sự phá hủy văn hóa, nhân quyền, sinh thái , ly dị và tình trạng phá thai v.v… đây cũng là chủ đề chính mà những nhà hoằng pháp hiện đại phải đối mặt và trình bày những phương pháp cụ thể để giải quyết vấn đề một cách thích ứng khi thâm nhập vào một thế giới mới.

Mỗi người Phật tử là một hạt chuỗi vàng trong xâu chuỗi từ bi và trí tuệ của Đức Phật, bất kỳ ai cũng có cơ hội để mang lại ánh sáng của Đức Phật đi vào thế giới mới. Chỉ cần chúng ta phát khởi bồ đề tâm và lập đại nguyện kiên cố thì chúng ta có thể vượt qua mọi thách đố của thời đại để phát huy vai trò tối thắng của Đạo phật trước sự khủng hoảng trầm trọng của con người hơn bao giờ hết.

Source: thuvienhoasen-hoa vo uu

Quán chiếu

LSV Published: March 4, 2013

Recent Pages:   1  2   4  5

Cây hoa bồ công anh
Làng Mai

Con đang quán chiếu con là một cây hoa bồ công anh. Mỗi ngày, những cánh hoa của con hiện hữu trong không gian và tiếp thu tất cả những mầu nhiệm của sự sống . Cũng như các loài sinh vật khác, con dự tính cho sự tiếp nối đẹp đẽ của mình. Mỗi mùa xuân con làm ra nhiều bông hoa màu vàng, mỗi ngày những bông hoa đó lớn lên nở ra rực rỡ. Khi bông hoa chín sẽ trở thành màu trắng, và làm ra nhiều hạt, mỗi cái hạt được chấp thêm ba cánh, bốn cánh, năm cánh như những thiên thần sẵn sàng để bay lên trên không gian, bởi thiên chức của chúng con là muốn mình được tiếp nối trong cuộc đời này. Khi có một làn gió thổi qua, thì những hạt của con bay lên cao và ngọn gió đưa chúng con về những phương trời xa lạ. Mỗi hạt bồ công anh chứa đựng con, sẽ mang con đi tới tương lai, đi tới những phương trời khác, và con đã được tiếp nối bởi những hạt đó.

Cũng như cây hoa bồ công anh con muốn được tiếp nối một cách đẹp đẽ. Trong mỗi giây phút của cuộc sống hàng ngày, con chế tác những tư tưởng, những lời nói, những hành động, và gió của nghiệp sẽ mang những tư tưởng đó đi xa, mang những lời nói đó đi xa, mang những hành động đó đi xa. Mỗi tư tưởng chứa đựng con, mỗi lời nói chứa đựng con, mỗi hành động chứa đựng con, con được tiếp nối bởi 3 nghiệp của con. Và con muốn rằng những tư tưởng đó, những ý nghiệp đó là những tư tưởng đẹp, những ý nghiệp đẹp. Con được tiếp nối một cách đẹp đẽ bằng những tư tưởng của con, con muốn được đi theo và biểu hiện được tinh thần bao dung, tha thứ niềm tin, hy vọng. Lời nói của con cũng vậy, và hành động của con cũng phải biểu lộ được chất liệu của từ của bi của hỷ và xả. Con sẽ được tiếp nối ở các phương trời xa lạ ngay tại đây và trong tương lai, nên con chăm sóc cho ba nghiệp của con tại vì con chỉ muốn được tiếp nối một cách đẹp đẽ mà thôi.

Nguồn: Làng Mai

Mount Adam Zen Center (19)

Quán Niệm Hơi Thở
(Anapana Sati)

Bình Anson


 Ghi chú: Các đoạn chính của bài nầy được trích dịch từ một quyển cẩm nang tu thiền của ngài thiền sư U Acinna, người Miến Điện (“Light of Wisdom”, W.A.V.E., Malaysia, 1996).

-ooOoo-

Các bạn có thể bắt đầu pháp quán niệm hơi thở (anapana sati, a-na-pa-ná sa-tị) bằng cách định tâm vào hơi thở vào, hơi thở ra tại lỗ mũi hay ở môi trên. Có người hỏi là ta nên định tâm vào hơi thở hay sự chạm xúc của hơi thở ? Câu trả lời là chỉ nên định tâm vào hơi thở. Hơi thở chạm xúc vào lỗ mũi hay môi trên là nơi dễ theo dõi nhất. Sự chạm xúc là một đề tài thiền quán khác biệt, thuộc về pháp môn quán danh (quán danh-sắc). Đó là pháp quán Xúc giới và các tâm sở có liên quan. Ở đây, chúng ta chỉ quán niệm vào hơi thở, hơi thở có chạm xúc, mà không quán vào sự chạm xúc. Quán niệm hơi thở nầy cần có một chánh niệm vững mạnh và tuệ giác tri.

Bây giờ ta đem tâm vào hơi thở, hơi thở vào và hơi thở ra. Nếu thiền sinh không thể chú tâm vào hơi thở sau một vài buổi thiền, thì có thể tập đếm hơi thở. Việc nầy để giúp họ phát triển định lực. Thiền sinh đếm số sau mỗi hơi thở, như sau: “thở vào … thở ra … một”, “thở vào … thở ra … hai”, “thở vào … thở ra … ba”, … cho đến “thở vào … thở ra … tám”. Có thể đếm từ năm đến mười, rồi trở lại số một. Tuy nhiên, thiền sinh nên đếm đến số tám rồi trở lại từ đầu. Số tám là để nhắc nhở chúng ta về Con Đường Tám Chánh (Bát Chánh Đạo) mà chúng ta đang cố gắng hành trì để giác ngộ. Các bạn cần phải cương quyết không để phóng tâm, tâm lang thang chỗ nầy chỗ kia, trong khi đếm hơi thở. Chỉ chú tâm theo dõi hơi thở và đếm số, từ 1 đến 8 rồi trở lại 1 … Qua việc chỉ chú tâm vào đếm hơi thở như thế, tâm sẽ trở nên an định hơn. Thông thường thì cần phải thực hành như thế trong một giờ để tâm được an định và vững chắc.

Sau đó, khi tâm an định, bạn có thể bỏ lối đếm hơi thở và chuyển sang giai đoạn kế. Nếu bạn thở vào một hơi dài, bạn biết đó là một hơi dài. Nếu bạn thở ra một hơi dài, bạn biết đó là một hơi dài. Tương tự, nếu bạn thở vào một hơi ngắn, bạn biết đó là một hơi ngắn. Nếu bạn thở ra một hơi ngắn, bạn biết đó là một hơi ngắn. Ở đây, dài hay ngắn là gì ? Đó là khoảng thời gian. Nếu cần một thời gian dài để thở thì đó là hơi thở dài. Nếu cần một thời gian ngắn để thở thì đó là hơi thở ngắn. Tuy nhiên, phải thở bình thường mà không cố gắng ép hơi thở. Không nên đặt tên nó là “dài” hay “ngắn”. Nếu cần phải đặt tên thầm trong tâm, thì đặt tên nó là “thở vào, thở ra” mà thôi. Chỉ cần biết nó là hơi dài hay ngắn, nhưng lúc nào cũng phải chú tâm vào luồng hơi đang chạm xúc vào lỗ mũi hay môi trên. Không nên đem tâm đi theo luồng hơi vào trong thân thể hay chạy ra ngoài thân thể. Nếu thiền sinh để tâm theo dõi luồng vào trong thân hay ra ngoài thân thì sẽ không thể làm hoàn hão sự định tâm. Cần phải chú tâm ghi nhận hơi thở đang chạm xúc lỗ mũi hay môi trên trong một, hai, hoặc ba giờ.

Đến đây, định tướng (nimitta, ni-mít-tá) sẽ phát sinh. Nếu định tướng không phát sinh thì bạn có thể chuyển sang hành trì như sau: thiền sinh để tâm ghi nhận toàn luồng hơi liên tục từ đầu đến cuối. Bạn không nên đặt tên là: “chặng đầu, chặng giữa, chặng cuối”. Nếu cần phải đặt tên thầm trong tâm, thì đặt tên nó là “thở vào, thở ra” mà thôi. Trong lúc đó, nhận biết toàn luồng hơi từ đầu đến cuối, đang chạm xúc tại một nơi cố định (lỗ mũi hay môi trên), và tuyệt đối không theo dõi nó vào bên trong thân thể hay ra bên ngoài. Nếu thiền sinh hành trì như thế trong một hay hai giờ thì định tướng có thể sẽ phát sinh.

Bây giờ, cho dù định tướng có hiện ra hay không, thiền sinh tiếp tục sang giai đoạn kế. Trong giai đoạn nầy, bạn tạo một ước nguyện trong tâm: “Nguyện cho hơi thở của tôi được nhu nhuyễn“. Từ từ, hơi thở sẽ tự nó trở nên dịu dàng, nhẹ nhàng, nhu nhuyễn. Bạn không nên cố tình ép hơi thở để nó nhẹ nhàng. Bởi vì nếu làm như thế thì chẳng bao lâu, bạn sẽ bị hụt hơi và tạo mệt nhọc. Khi hơi thở tự nó trở nên nhẹ nhàng và tâm an định theo nó, qua thiền lực, hầu hết các thiền sinh sẽ cảm thấy lâng lâng, như thể là họ không có đầu, không có mũi, không có thân nữa, mà cảm thấy chỉ có hơi thở vào ra nhẹ nhàng và một cái tâm đang theo dõi nó. Lúc nầy, bạn cảm thấy là không có “tôi”, mà cũng không có “nó”. Bây giờ, chỉ còn có một tâm đang gắn chặt vào hơi thở. Nếu tâm được an định và chăm chú vào đó trong một giờ, thì trong thời gian nầy, tâm không còn liên hệ đến các chuyện thế tục nữa. Tâm đang ở trong trạng thái thiện (kusala), và trạng thái thiện nầy rất gần đến trạng thái cận định (upacara samadhi).

Đến đây, tùy theo giới hạnh của từng cá nhân, định tướng sẽ hiện ra. Mỗi cá nhân khác nhau sẽ có những định tướng khác nhau. Dù đang nhắm mắt, theo dõi hơi thở, dần dần thiền sinh sẽ thấy định tướng hiện ra, có khi như là một làn chỉ trắng, một luồng ánh sáng trắng, một ngôi sao, một cụm mây hoặc một nhúm bông gòn. Nó có thể rất to, trùm cả khuôn mặt, hoặc như mặt trăng, mặt trời, hoặc một viên ngọc thạch, một viên ngọc trai. Nó hiện ra trong các hình sắc khác nhau là vì nó do tưởng uẩn (saññā) tạo ra.

Lúc ban đầu, định tướng có thể giống như có màu khói xám. Dần dần, nếu giữ tâm được an định vào hơi thở, hơi thở và màu khói xám trở thành đồng nhất với nhau, không khác biệt. Sau đó, nếu tâm được an nhẹ và chỉ chú mục vào hơi thở, màu sắc đó trở thành trắng đục. Mặc dù là màu trắng, nhưng nếu bạn chỉ chú mục vào hơi thở, hơi thở sẽ trở thành định tướng và định tướng chính là hơi thở. Nếu hơi thở và định tướng là một, không khác biệt, khi bạn chú mục vào hơi thở thì bạn cũng chú mục vào định tướng, và khi bạn chú mục vào định tướng thì bạn cũng chú mục vào hơi thở. Và như thế, bạn hành thiền tốt và nghiêm túc.

Nếu định tướng trở nên vững bền và nếu bạn chỉ chú tâm vào định tướng của hơi thở (anapana nimitta), mà không chú tâm vào hơi thở nữa, tâm bạn trở nên tập trung vào định tướng lúc đó. Trong giai đoạn nầy, điều quan trọng là thiền sinh không nên tìm cách chuyển hóa định tướng. Bạn không nên tìm cách đẩy nó đi xa, hoặc làm cho nó thay đổi hình dạng. Nếu làm như thế, định lực của bạn sẽ không phát triển, và định tướng có thể sẽ biến mất.

Tuy nhiên, nếu định tướng hiện ra quá xa đối với lỗ mũi thì thiền sinh chưa có đủ lực để chuyển sang mức thiền định hơi thở (anapana jhana samadhi). Tại sao? Bởi vì đây là một nguyên tắc quan trọng trong việc quán niệm hơi thở. Bản luận giải có đề cập rằng việc luyện tâm thiền định niệm hơi thở (anapanasati samadhi bhavana) chỉ hoàn tất khi nào tâm quán niệm được giữ tại nơi mà hơi thở chạm xúc với cơ thể. Khi thiền sinh chú định vào bên ngoài, xa lìa nơi chạm xúc, thì rất khó mà đạt vào tầng thiền định. Do đó, khi định tướng còn ở xa, thì thiền sinh không nên chú tâm vào nó, mà phải chú tâm vào hơi thở tại một nơi cố định. Từ từ, định tướng sẽ đến gần và hòa nhập vào hơi thở.

Khi định tướng có màu khói xám thì đó là sơ tướng (parikamma nimitta) trong trạng thái sơ định (parikamma samadhi). Nếu nó trở thành màu trắng như một nhúm bông gòn, đó là học tướng (uggaha nimitta). Đây là một trạng thái định khá cao. Nếu màu trắng nầy được vững bền, thiền sinh phải an định tâm và chú mục vào đó. Trong giai đoạn nầy, bạn không nên chú ý đến màu sắc của nó, mà chỉ chú tâm vào đó như là một loại định tướng mà thôi.

Thí dụ như một ly nước và có một hạt ngọc trai trong đó. Ta chỉ nhìn hạt trai, như thể đem tâm vào định tướng. Không nên điều tra, trạch vấn về Khổ, Vô thường, Vô ngã. Không cần biết nó nóng hay lạnh, cứng hay mềm, mà cũng không cần phân tích màu sắc của nó. Chỉ cần giữ tâm an định và chú mục vào định tướng. Làm như thế, dần dần định tướng sẽ chuyển từ màu trắng đục sang một màu chói sáng. Đây là tợ tướng (patibhaga nimitta). Nếu tâm vẫn giữ an định và chỉ chú mục vào định tướng khoảng 1 đến 2 giờ, hầu hết các thiền sinh đều có thể nhận rõ 5 thiền chi (jhananga) rất dễ dàng nếu họ phân tích chúng lúc đó. Năm thiền chi đó là:

  1. Tầm (vitakka): đem tâm hướng về định tướng,
  2. Tứ (vicara): bám sát vào định tướng,
  3. Hỷ (pity): ưa thích định tướng,
  4. Lạc (sukha): cảm giác an lạc, sung sướng khi tiếp xúc với định tướng,
  5. Nhất tâm (ekaggata): tập trung tâm về một điểm (đó là định tướng)

Cũng cần biết thêm ở đây là có khi thiền sinh không thể nhận rõ được năm thiền chi trên, là vì lúc đó, thiền sinh vẫn còn bị các triền cái (nivarana) ngăn che. Đó là:

  1. Tham dục (kamachanda)
  2. Sân hận (vyapada)
  3. Hôn trầm (thiramiddha)
  4. Trạo cữ (udhaccakukucca)
  5. Nghi ngờ (vicikiccha)

Thiền sinh phải duyệt xét từng triền cái một, để xem chúng còn vương vấn trong tâm trong lúc hành thiền hay không. Chúng cần phải được loại bỏ thì việc đắc thiền mới thành tựu.

Khi năm thiền chi đều cùng hiện diện đầy đủ, thiền sinh sẽ thấy ngay là mình đang vào tầng thiền thứ nhất (đệ nhất thiền), với tợ tướng là đề mục trong tâm, có tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm. Tiếp tục hành trì trong Nhất Thiền như thế khoảng 1 đến 2 giờ, rồi xuất thiền và duyệt lại năm thiền chi cho tường tận.

Trong các buổi thiền kế tiếp, thiền sinh tiếp tục ôn tập, và hành trì thuần thục trong tầng thiền thứ nhất. Có năm loại thuần thục:

  1. Thuần thục phân biệt: phải thuần thục trong việc phân biệt các thiền chi sau khi xuất thiền
  2. Thuần thục nhập định: phải thuần thục nhập thiền bất cứ lúc nào mà mình muốn
  3. Thuần thục quyết tâm: phải thuần thục giữ mức thiền trong suốt thời gian mà mình đã định trước
  4. Thuần thục xuất định: phải thuần thục xuất ra khỏi tầng thiền mỗi khi mình muốn
  5. Thuần thục xét duyệt: phải thuần thục xét duyệt các thiền chi. Tương tự như mục số 1.

Thiền sinh nên nhận thức rằng tầng thiền thứ nhất rất gần với năm triền cái – tham dục, sân hận, hôn trầm, trạo cữ, và nghi ngờ. Thiền sinh cũng nên nhận thức rằng các thiền chi Tầm và Tứ trong tầng thiền thứ nhất làm cho tầng thiền nầy không an định bằng tầng thiền thứ nhì. Vì thế, từ ước muốn rời bỏ hai thiền chi nầy và chỉ còn giữ thiền chi Hỷ, Lạc, Nhất Tâm, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế, thiền sinh sẽ có thể đạt vào tầng thiền thứ nhì, vốn chỉ còn ba thiền chi: Hỷ, Lạc, và Nhất Tâm. Sau khi vào được Nhị Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục tương tự như trên.

Sau đó, thiền sinh nhận thức rằng Hỷ cũng không đem lại an định, nên có ước muốn bỏ Hỷ, chỉ còn giữ lại Lạc và Nhất Tâm, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế, thiền sinh sẽ có thể đạt vào tầng thiền thứ ba, vốn chỉ còn hai thiền chi: Lạc, và Nhất Tâm. Sau khi vào được Tam Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục tương tự như trên.

Sau đó, thiện sinh nhận thức rằng nếu cứ duy trì Lạc thì lại là một hình thức tham thủ vào cảm giác vui sướng. Cho nên, với ý định bỏ Lạc, thiền sinh tiếp tục đem tâm vào tợ tướng. Làm như thế, thiền sinh sẽ có thể đạt vào tầng thiền thứ tư. Lúc đó, hai thiền chi mới sẽ sinh ra: Xả và Niệm, thay thế Nhất Tâm. Lúc bấy giờ, thiền sinh ở trong trạng thái “xả niệm thanh tịnh“, không còn câu chấp vào các cảm giác, và hơi thở trở nên nhẹ nhàng, hầu như tan biến. Tợ tướng trở nên rõ ràng, tròn sáng, quen thuộc, gần gũi, không xa lạ, và thiền sinh chú mục vào đó một cách nhẹ nhàng, bình thản. Sau khi vào được Tứ Thiền, thiền sinh hành trì năm loại thuần thục tương tự như trên.

 Thiền sinh nên tìm đọc bộ Thanh Tịnh Ðạo (Visuddhi Magga) của Ngài Buddhaghosa, nhất là phần Niệm Hơi Thở trong chương VIII. Sau cùng, thiền sinh cũng cần nên biết rằng công phu hành thiền để đắc bốn tầng thiền như trên chỉ là một giai đoạn sơ khởi, tạo định lực bền vững, dùng đó để làm cơ sở phát triễn tuệ minh sát và tiến đến giải thoát. Trong tiến trình tu học, thiền sinh không nên dừng ở đó, mà cần phải tiếp tục nỗ lực hành trì các giai đoạn kế tiếp, như quán từ bi, quán niệm ân đức Phật, quán tứ đại, quán các sắc pháp, quán thân thể (32 bộ phận), quán các danh pháp, quán lý duyên sinh và các giai đoạn thanh lọc tâm.

Bình Anson trích dịch,
Perth, Tây Úc, tháng 12-199
7

Chuyển đến trang:  1  2 3