CHẤP TÂM

Recent Pages:  1 2  3  4   6 7

CHẤP TÂM

( Trúc Lâm – Thích Thanh Từ)

Chúng ta cứ cho cái biết nghĩ suy, phân biệt là tâm mình. Còn cái hằng biết không nghĩ suy mới thật là tâm, ta lại không biết. Tại sao? Vì cái biết nghĩ suy là cái động, cái sanh diệt. Cái gì động, cái gì sanh diệt thì không phải thật. Cái biết nghĩ suy đó thật ra là bóng dáng của sáu trần rơi rớt lại trong tâm ta. Ví dụ, chúng ta ra chợ thấy một người ăn mày cụt chân lê lết đi xin, mình thấy thương nên chú ý. Về nhà được hỏi hôm nay anh (chị) đi chợ thấy gì? Mình sẽ nói thấy người ăn mày cụt chân. Như vậy bóng dáng người ăn mày đã có trong tâm ta rồi. Cho nên mình nhớ lại thì nó hiện ra liền.

Trong nhà Phật dùng từ “pháp trần” để chỉ cho những bóng dáng ấy được chôn vào tàng thức của chúng ta. Như vậy pháp trần chỉ là bóng thôi, chớ đâu phải thật. Từ nhỏ tới lớn, chúng ta chôn rất nhiều bóng dáng như thế. Gặp chuyện vui hoặc chuyện buồn, ta kể cho người thân nghe không biết bao nhiêu lần. Gặp người này kể, gặp người kia kể, kể thôi là kể. Giống hồi còn bé, chúng ta muốn học thuộc lòng thì phải đọc nhiều lần. Đọc tới đọc lui hoài là huân sâu trong tàng thức của mình nên mới thuộc. Đã huân sâu thì lâu lâu nhớ lại, hoặc chỉ cần một chút duyên gợi nhắc thì nó hiện ra liền. Cũng thế, cái vui cái buồn mình kể đi kể lại hoài thì nó chôn sâu trong tàng thức, chạm đến là nhớ liền.

Vì vậy khi ngồi lại niệm Phật hay tọa thiền, những bóng dáng ấy tràn lên, mình bực tức tại sao muốn ngồi yên mà nó lại dấy khởi đủ thứ? Thì tại mình huân sâu nên nó phải hiện thôi. Nếu không muốn nó hiện nữa, mỗi lần nhớ chúng ta phải bỏ đi, không thèm để ý đến nó nữa, tự nhiên nó sẽ lui. Như vậy bóng dáng không thật mà mình cho là tâm mình thật, nên bị nó sai sử. Giả sử ta đang lái xe mà nhớ chuyện này chuyện nọ thành ra không tập trung vào việc lái xe, do đó dễ xảy ra tai nạn. Đó là vì tâm bị vọng tưởng che khuất, đầu óc đầy cứng những suy nghĩ tính toán, chúng sai khiến ta nên mình không thể làm chủ được mình, không thể làm chủ công việc hiện tại.

Thế mà cả đời chúng ta cứ đuổi theo những bóng dáng không thật ấy. Sống ngày này tháng kia cho đến trăm tuổi chỉ một việc ấy. Nếu đuổi theo bóng dáng tốt thì trăm tuổi nó dẫn đi chỗ tốt, đuổi theo bóng dáng xấu thì trăm tuổi nó dẫn đi chỗ xấu. Đuổi theo nó tức là nghiệp. Nghiệp mà ta nhận là mình? Ví dụ ai làm chúng ta vui thì cười nói “Tôi vui quá”. Ai làm chúng ta bực thì nói “Tôi bực quá”. Ai làm chúng ta thương mến thì nói “Tôi thương”. Ai làm chúng ta không ưa thì nói “Tôi ghét”. Như vậy buồn, thương, giận, ghét đều là tôi hết. Cả trăm thứ buồn thương giận ghét lộn xộn thì cái tôi nào là tôi thật? Nếu giận là tôi thì phải giận suốt đời. Nếu thương là tôi thì phải thương suốt đời. Nhưng tâm biến đổi như chong chóng không dừng thì làm sao nói tôi được. Vậy mà ai cũng cho đó là tôi, nên bị nó sai sử liên tục.

Chúng ta tu phải biết tâm phân biệt ấy không thật, hư giả để loại trừ nó. Còn tâm không phân biệt suy nghĩ chính là tâm thật của mình, ta phải nhận và sống được với tâm này mới an vui giải thoát. Vậy tâm ấy ở đâu?

Có những lúc chúng ta ngồi yên không suy nghĩ, đầu óc thư thả, nhưng tiếng chim kêu tai vẫn nghe, người đi qua mắt vẫn thấy, gió thổi mát vẫn biết. Nhưng thử hỏi cái biết đó ra sao, ta không tả được vì nó không có bóng dáng gì hết. Chỉ những gì tới thì biết, qua rồi thì thôi, không lưu lại bóng dáng nào cả. Cái biết này thầm thầm hiện tiền ở bên trong. Nhưng lâu nay chúng ta cứ nhận cái biết suy nghĩ theo bóng dáng sáu trần là tâm mình nên cái biết chân thật bị che khuất.

Bây giờ chúng ta tu là làm sao trở lại được cái biết hằng hữu của mình. Như lỗ tai lúc nào cũng nghe, con mắt lúc nào cũng thấy. Chính chỗ này, đức Phật đã hỏi ngài A-nan: “Cái thấy có vắng mặt lúc nào không?” Ngài A-nan thưa: “Khi ngủ không thấy.” Nếu ngủ không thấy thì tại sao có người mở đèn sáng ta giật mình thức giấc, như vậy là có thấy. Nghe cũng thế, ta đang ngủ nhưng ai gõ cửa mình liền nghe. Như vậy lúc nào cũng có cái hay thấy, hay nghe. Chỉ khác khi thức thì cái thấy cái nghe rõ hơn lúc ngủ, chớ không phải là không.

Cho nên ngài A-nan nói “Khi ngủ không thấy”, thì đức Phật dạy “Chẳng những ngủ mà cả người mù cũng thấy nữa”. Ngài A-nan ngạc nhiên, người mù làm sao thấy. Đức Phật liền đưa thí dụ, như ban đêm trong nhà tối không có đèn, ta đi vào không thấy gì. Người mù ban ngày trời sáng họ cũng không thấy gì. Họ sẽ nói tôi thấy tối đen.

Như vậy thì người có mắt không có đèn thấy tối, người mù cũng thấy tối. Thấy tối tức là có thấy, chớ không phải không thấy. Như khi mở đèn người có mắt thấy sáng, đó là con mắt thấy hay cái đèn thấy? Nếu con mắt thấy thì thấy tối, rồi thấy sáng. Thấy tối cũng thấy, thấy sáng cũng thấy; không đèn nên thấy tối, có đèn nên thấy sáng. Cũng vậy người mù nếu được chữa trị hết bệnh, họ mở con mắt cũng thấy sáng như mình vậy. Nên biết cái thấy đã sẵn trong ta nhưng vì mắt hư nên mình thấy không rõ.

Như vậy chấp thân thật, chấp tâm suy nghĩ thật gốc từ vô minh. Tất cả chúng ta hiện sống đây, có ai thoát khỏi vô minh không? Bởi không thoát khỏi vô minh nên chúng ta phải luân hồi sanh tử. Bây giờ muốn ra khỏi sanh tử phải phá tan vô minh. Chúng ta biết thân này hư giả, tâm suy nghĩ phải quấy, hơn thua hư giả. Hai thứ hư giả biết hư giả là chúng ta đã sáng rồi. Biết như vậy có khó lắm không? Đâu có gì khó.

Con người do cố chấp mà nảy sanh nhiều chuyện đau khổ. Như trong gia đình, người chồng chấp cái nghĩ của mình đúng, vợ con nghĩ khác thì bực bội không vui, đôi khi dẫn tới ấu đả nữa. Xa hơn trong xã hội, ai cũng chấp cái nghĩ của ta đúng, những cái đúng đó đụng nhau thì sẽ tàn sát nhau. Bây giờ chúng ta biết cái nghĩ của mình không phải chân lý, ta có quyền nghĩ thế này, người khác có quyền nghĩ thế khác, nhờ vậy chúng ta sống thoải mái tự tại, không oán không hờn.

Qua đó để thấy lỗi của chúng ta vì mê lầm chấp chặt đó gây đau khổ cho mình cho người. Nhỏ thì trong gia đình, lớn thì ngoài xã hội, lớn nữa thì quốc gia, thế giới. Vì chấp mà con người sát phạt với nhau không thương xót. Nên người buông được cố chấp là người sáng suốt, dù không ai phong Thánh người ấy cũng đã là Thánh rồi. Bởi không chấp thân, không chấp tâm thì có gì phiền lụy, không phiền lụy là tự tại trong cõi đời, không vướng mắc, không khổ, chẳng phải Thánh là gì?

Nên người tu chúng ta chỉ nhận cho đúng hai điều về thân và tâm, đừng lầm lẫn là đã giải bao nhiêu khổ đau cho mình và mọi người. Như vậy tu rất là hay, chỉ sợ chúng ta không chịu tu thôi. Biết rõ thân không thật, cái biết ấy là gì? Là trí tuệ, là giác. Nên Phật lấy trí Viên giác chiếu phá vô minh. Trí ấy mọi người đều có sẵn, cũng như đèn có sẵn, chỉ cần thắp lên là sáng.

Đạo Phật thực tế vô cùng, nhưng vì chúng ta chưa can đảm nhìn đúng sự thật, cứ nuông chiều theo cái hư giả nên khổ đau. Nếu thức tỉnh, không chấp thân tâm nữa thì chúng ta tự tại giữa cõi đời. Đó là giải thoát khỏi mọi ràng buộc rồi, đâu cần nhờ ai, đâu cần tìm ở đâu xa.

( Trúc Lâm – Thích Thanh Từ)