Dharma Talks 1a: TS. Thích Nhất Hạnh

Recent Pages: 1 1a  2  3  4  5  6

chánh niệm vào doanh nghiệp

Đem chánh niệm vào doanh nghiệp: Điều này có làm thay đổi bản chất của chánh niệm?

Thông điệp quan trọng mà Thầy gửi đến các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ trong dịp này là: cần sử dụng ảnh hưởng có tầm cỡ thế giới của mình để tập trung vào việc làm thế nào góp phần xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu làm ra càng nhiều tiền càng tốt.

(Được BBT chuyển ngữ từ bài báo “Thich Nhat Hanh: is mindfulness being corrupted by business and finance?” của tác giả Jo Confino đăng trên tờ The Guardian ngày 28/3/2014)

Thực tập chánh niệm ngày càng trở thành một đề tài được ưa chuộng trong giới lãnh đạo doanh nghiệp. Vài tháng gần đây, nhiều giám đốc điều hành (CEO) của các tập đoàn nổi tiếng đã công khai chia sẻ về sự thực tập chánh niệm giúp họ như thế nào trong việc tăng lợi nhuận doanh nghiệp.

Tuần qua, Khajax Keledjian, Giám đốc điều hành (CEO) của Intermix đã tiết lộ bí quyết chế tác bình an trong nội tâm với tờ Nhật báo Phố Wall (Wall Street Journal). Arianna Huffington, tổng biên tập của báo Huffington Post cũng chia sẻ về chánh niệm trong quyển sách mới của bà có nhan đề “Thrive” được phát hành trong tuần này. Có thể kể tên nhiều gương mặt tiêu biểu trong giới doanh thương đã và đang thực tập thiền như Mark Bertolini – CEO của Aetna, Marc Benioff – CEO của Salesforce.com, Tony Hsieh – CEO của Zappos.com, v.v.

Tháng trước, trên blog của mình, Huffington đã viết như sau: “Không có gì phải quá bức xúc về việc tăng lợi nhuận trong kinh doanh. Nền kinh tế bây giờ tương đối khó khăn… Thực tập để giảm căng thẳng và áp dụng chánh niệm không những giúp chúng ta hạnh phúc và khỏe mạnh hơn mà còn giúp cho doanh nghiệp có thêm lợi thế cạnh tranh nếu muốn.”

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: khi tận dụng những lợi ích do thực tập chánh niệm mang lại để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, phải chăng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang làm biến chất những giáo lý cốt tủy của đạo Bụt?

Thích Nhất Hạnh, vị thiền sư 87 tuổi được nhiều người xem là cha đẻ của pháp môn thực tập chánh niệm ở Tây phương, nói rằng miễn là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thực tập “chánh niệm thật sự” (“true” mindfulness), thì cho dù động cơ ban đầu khiến họ thực tập là để làm việc có hiệu quả hơn hay làm ra nhiều lợi nhuận  cũng không sao. Bởi vì sự thực tập chánh niệm sẽ làm cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thay đổi một cách căn bản quan niệm của họ về cuộc sống. Với sự thực tập, trái tim của họ tự nhiên sẽ mở ra và lòng từ bi càng thêm lớn rộng, khi đó trong họ sẽ phát khởi ước muốn giúp người bớt khổ.

Tại trung tâm thực tập chánh niệm Làng Mai, gần thành phố Bordeaux, nước Pháp, trong tư thế ngồi kiết già, Thầy chia sẻ với báo The Guardian: “Nếu quý vị biết cách thực tập chánh niệm, quý vị sẽ chế tác được bình an và niềm vui ngay bây giờ và ở đây. Quý vị sẽ trân quý điều đó và nó sẽ làm quý vị thay đổi. Ban đầu, quý vị có thể nghĩ là nếu không trở thành nhân vật “số một” (Number One) thì mình không thể nào hạnh phúc. Nhưng nếu thực tập chánh niệm, quý vị sẽ sẵn sàng buông bỏ quan niệm đó. Chúng ta không cần lo sợ chánh niệm chỉ có thể là phương tiện mà không phải là cứu cánh. Bởi vì trong chánh niệm, cứu cánh và phương tiện chỉ là một mà thôi.  Không có con đường đưa đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường.”

Tuy nhiên, Thầy cũng chỉ rõ rằng nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thực tập vì những lý do ích kỷ cá nhân thì họ chỉ thấy được cái bóng rất mờ nhạt của chánh niệm mà thôi.

“Nếu anh coi chánh niệm chỉ là phương tiện để kiếm thật nhiều tiền thì anh chưa tiếp xúc được với mục đích thật sự của nó”, Thầy nói. “Về hình thức, có vẻ như đó là sự thực tập chánh niệm nhưng về nội dung thì không có sự bình an, niềm vui và hạnh phúc được chế tác. Đó chỉ là một sự sao chép giả hiệu mà thôi. Nếu anh không cảm được năng lượng của tình huynh đệ, tình đồng nghiệp tỏa chiếu ở nơi làm việc thì đó không phải là chánh niệm.”

Và Thầy nói thêm rằng: “Nếu anh hạnh phúc, anh không thể nào là nạn nhân của hạnh phúc. Nhưng nếu anh thành công, anh có thể trở thành nạn nhân của sự thành công.” (“If you’re happy, you cannot be a victim of your happiness. But if you’re successful, you can be a victim of your success.” )

Nguy cơ bị công kích và chế giễu

Cho dù cho phương pháp thực tập chánh niệm đang đi vào dòng chảy chính thống (mainstream) của xã hội, nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn còn lo ngại bị công kích và chế giễu khi có liên hệ trực tiếp với một phương pháp thực tập đạo Bụt cổ xưa như thế.

Gần đây Thầy đã được ông Jim Yong Kim, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thế giới mời đến trụ sở chính của tổ chức này tại Washington để hướng dẫn một ngày thực tập chánh niệm – một sự kiện được các nhân viên của Ngân hàng Thế giới hoan nghênh nhiệt liệt. Một trong những quyển sách ưa thích nhất của ông Kim là quyển “Phép lạ của sự tỉnh thức” mà Thầy là tác giả. Ông ca ngợi phương pháp thực tập của Thầy có khả năng giúp chúng ta phát khởi “lòng lân mẫn và từ bi sâu sắc đối với những người đang khổ đau”.

Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được sự chỉ trích từ những người đồng sự cao cấp của ông trước khi chuyến thăm của Thầy đến trụ sở Ngân hàng thế giới diễn ra. Những quan chức này lo ngại không biết dư luận sẽ phản ứng thế nào. Thực tế là tờ The Economist đã có một bài báo chỉ trích Ngân hàng thế giới về sự kiện này.

Mặc dù vậy, ông Kim vẫn không hề bị lung lay. Ông chia sẻ với tờ The Guardian là ông đã vô hiệu hóa những lời chỉ trích bằng cách viện dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học để chứng minh cho những lợi ích của chánh niệm.

Sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật

Có lẽ sự giao thoa thú vị nhất trong thế giới kinh doanh là sự giao thoa giữa chánh niệm và khoa học kỹ thuật, bởi vì nhìn bề ngoài thì hai lĩnh vực này có vẻ hoàn toàn trái ngược nhau. Thực tập chánh niệm có công năng làm cho những hoạt động của tâm ý chậm lại và giúp cho đầu óc ta rỗng rang, trong khi đó cuộc cách mạng kỹ thuật số lại làm nhịp sống của ta trở nên nhanh hơn và nạp đầy đầu óc con người bằng một lượng thông tin quá lớn.

Dù vậy, cả hai lĩnh vực tưởng như rất khác biệt này lại có một lịch sử gắn bó với nhau rất lâu dài. Tại California nơi hội tụ của rất nhiều tập đoàn công nghệ, chánh niệm đã hòa quyện và trở thành một phần nếp sống của thành phố này trong nhiều thập kỷ qua. Steve Jobs, nhà sáng lập của tập đoàn Apple cũng rất yêu thích pháp môn Thiền trong Đạo Bụt.

Vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi Thầy – người có số sách phát hành lên tới con số 2 triệu bản ở Hoa Kỳ – đã được Google mời tới Thung lũng Silicon để hướng dẫn một ngày chánh niệm dành riêng cho các Giám đốc điều hành (CEO) của 15 tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.

Thông điệp quan trọng mà Thầy gửi đến các nhà lãnh đạo của các tập đoàn công nghệ trong dịp này là: cần sử dụng ảnh hưởng có tầm cỡ thế giới của mình để tập trung vào việc làm thế nào góp phần xây dựng thế giới này trở nên tốt đẹp hơn, thay vì chỉ hướng vào mục tiêu làm ra càng nhiều tiền càng tốt.

Thầy và tăng đoàn xuất sĩ Làng Mai đã có một ngày tại trụ sở của Google để gặp gỡ các vị lãnh đạo cao cấp của tập đoàn, đồng thời hướng dẫn cho khoảng 700 nhân viên của Google thực tập thiền tọa, thiền hành và pháp đàm về chánh niệm. Số nhân viên muốn đến tham dự quá đông nên tập đoàn này đã phải sắp xếp thêm hai địa điểm bên ngoài thính đường chính để mọi người có thể đồng thời theo dõi pháp thoại của Thầy trên màn ảnh.

Thầy nói về sự tương phản rõ rệt giữa nhịp độ làm việc nhanh đến chóng mặt ở tập đoàn công nghệ khổng lồ này và sự bình an được chế tác khi mọi người ở đây cùng ngồi thiền im lặng trong ngày chánh niệm tại khuôn viên của Googleplex. “Không khí hoàn toàn khác hẳn”, Thầy nói. “Có một sự tĩnh lặng, một sự bình an được chế tác từ hành động ngồi yên và không làm gì cả. Chính trong không gian ấy, mọi người có thể nhận ra được sự quý giá của thời gian.”

Những lời khuyên dành cho giới khoa học công nghệ

Trong chuyến viếng thăm Google với chủ đề “Mục đích, Sáng kiến và Tuệ giác” (Intention, Innovation, Insight),  Thầy đã gặp gỡ một số kỹ sư hàng đầu của Google để bàn thảo về việc làm thế nào Google có thể sử dụng khoa học công nghệ một cách từ bi và hiệu quả hơn để giúp đem lại những thay đổi tích cực cho thế giới này, thay vì làm cho con người càng ngày càng bị căng thẳng và trở nên xa lạ với nhau cũng như với thiên nhiên.

Khi sáng chế ra một thiết bị điện tử, các kỹ sư của Google có thể quán chiếu xem mặt hàng mới này có nguy cơ làm cho con người xa cách bản thân, gia đình và thiên nhiên hay không. Thầy nói: “Thay vào đó, các kỹ sư có thể chế tạo ra một thiết bị hay phần mềm có thể giúp con người quay trở về với chính mình và chăm sóc cảm thọ trong mình. Làm như thế, họ sẽ cảm thấy vui trong lòng, bởi vì họ đang làm một điều tốt đẹp cho xã hội.”

Trong ngày chánh niệm dành riêng cho các CEO, Thầy đã hướng dẫn họ ngồi thiền trong yên lặng và hiến tặng một buổi thiền trà trước khi nói pháp thoại cho nhóm người mà phần lớn là các nhà tỷ phú này. Thầy chia sẻ với họ về tầm quan trọng của sự dừng lại, không để cho công việc lấy hết thì giờ mà lẽ ra họ có thể dành cho gia đình của mình. “Thời gian không phải là tiền bạc,” Thầy nói. “Thời gian là sự sống, thời gian là tình thương” (“Time is not money. Time is life, time is love”).

Sau khi trở về Làng Mai, Thầy nói về chuyến đi ấy như sau: “Lần nào đến Google tôi cũng chia sẻ với họ là: quý vị cần tổ chức việc kinh doanh như thế nào để hạnh phúc có thể đến với tất cả mọi người trong tập đoàn. Có thêm nhiều tiền để làm gì, nếu vì nó mà quý vị phải chịu thêm nhiều khổ đau? Quý vị cũng cần phải hiểu rằng nếu có một chí nguyện đẹp và lành, quý vị sẽ hạnh phúc hơn bởi vì việc giúp cho xã hội thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp hơn sẽ làm cho cuộc sống của quý vị trở nên có ý nghĩa”.

“Chuyến viếng thăm ấy chỉ là một sự khởi đầu”, Thầy nói thêm. “Tôi nghĩ là chúng tôi đã gieo được nhiều hạt giống tốt và cần có thời gian để cho những hạt giống này nẩy mầm”, Thầy tiếp. “Nếu các nhà lãnh đạo và nhân viên của Google bắt đầu thực tập chánh niệm, họ sẽ nếm được niềm vui, niềm hạnh phúc, và sự chuyển hóa. Khi ấy họ có thể tìm ra cho mình một sự hứng khởi, một chí nguyện mới. Danh vọng, quyền hành và tiền tài không chắc sẽ mang đến cho quý vị hạnh phúc chân thực so với việc chọn cho mình một lối sống mà quý vị có thể chăm sóc hình hài và cảm thọ của mình”.

Nguồn: Làng Mai

Sunrise May 14 - 2014 (1)

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Viết thư pháp là một môn thiền định”

Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ: “Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định…”

Nâng chén trà trên hai tay, Thiền sư Thích Nhất Hạnh chậm rãi nhấp từng ngụm nhỏ nhẹ. Khuôn mặt ngài thư thái. Thời gian như ngưng đọng. Mấy trăm khách mời đang chăm chú xem các đệ tử của ngài bày bút nghiên, mực, giấy dó lên bàn viết, háo hức chờ đợi cái thời khắc ngài biểu diễn thư pháp thiền nhưng trước mắt vị thiền sư lúc này, dường như chỉ có sự hiện diện của chén trà nóng đang tỏa hương.

Nhấp ngụm trà thứ ba, cảm nhận trọn vẹn cái hương thơm, vị đượm của trà, Thiền sư Thích Nhất Hạnh nghiêng chén, chậm rãi châm một ít trà vào nghiên mực rồi nhẹ nhàng cầm ngọn bút, chấm mực, viết. Toàn thân ngài tĩnh lặng, bàn tay ngài với những ngón tay thanh mảnh chậm rãi đưa từng nét bút đều đặn. “This is it”. (Tạm dịch: Nó đây rồi. Cái mà ta tìm kiếm đây rồi”. “Present moment, wonderful moment” (An trú trong hiện tại, giây phút đẹp tuyệt vời). “Breathe and smile” (Thở và cười)…

Viết xong mỗi bức, ngài mỉm cười nâng bức thư pháp cho quan khách xem. Cả khán phòng bừng lên niềm ngạc nhiên, thích thú và hạnh phúc trước nguồn tuệ giác của vị thiền sư già qua từng nét chữ đậm chất thiền.

Sau hàng loạt các cuộc triển lãm thư pháp thiền gây tiếng vang lớn ở Pháp, Đức, Canada, Thái Lan, Đài Loan và Hồng Kông, đêm ngày 5 tháng 9 năm 2013, Cuộc triển lãm với chủ đề “Thiền thư pháp: Nghệ thuật chánh niệm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh” đã chính thức khai mạc tại ABC home, New York (Mỹ), thu hút sự quan tâm đông đảo của những người mộ điệu và giới truyền thông quốc tế.

Đây cũng chính là một trong những hoạt động nằm trong chương trình Hoằng pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài suốt hai tháng trên đất Mỹ. Hàng trăm tác phẩm được trưng bày chính là kinh nghiệm thiền định trong cuộc sống cho những người thưởng ngoạn. “Không có bùn, không có sen”, “Đi như một dòng sông”, “Hòa bình trong mình. Hòa bình trong thế giới”… Những dòng chữ ngắn gọn, giản dị mà sâu sắc ấy đã trở thành những thiền ngữ chứa đựng trong đó giáo lý căn bản của đạo Phật, nhắc nhở mọi người những niềm vui luôn song hành cùng nghệ thuật sống chánh niệm.

“Trong thư pháp của tôi, có mực, trà, hít thở, chánh niệm và tập trung. Viết thư pháp là một môn thiền định. Tôi viết các từ hoặc câu mà có thể nhắc nhở mọi người về thực hành chánh niệm. Khi viết thư pháp, tôi luôn tìm cách viết như thế nào để có thể chế tác và duy trì được năng lượng niệm, định, tuệ và từ bi trong suốt thời gian viết.

Empty Circle0011-largeKhi bắt đầu vẽ một vòng tròn, tôi thở vào và vẽ nửa vòng tròn trong khi thở vào, rồi tôi thở ra và vẽ nửa vòng còn lại trong khi thở ra. Trong suốt thời gian vẽ vòng tròn, tôi cũng đồng thời ý thức rằng trong bàn tay này của tôi có bàn tay của cha, của mẹ, của ông bà tổ tiên. Vì vậy mà khi tôi vẽ vòng tròn này thì cha, mẹ, ông bà tổ tiên và cả các vị thầy tâm linh của tôi cũng đang vẽ cùng tôi. Và vì chúng tôi cùng nhau vẽ vòng tròn này nên không hề có một cái ngã riêng biệt. Do vậy, chỉ vẽ một vòng tròn thôi nhưng ta có thể có được tuệ giác về vô ngã (anatta)” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh chia sẻ.

Chính sức mạnh từ phương pháp thiền tập và tuệ giác đó đã làm cho nghệ thuật thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở nên đặc biệt và được nhiều người yêu thích trên khắp thế giới. “Mọi người đều muốn đem năng lượng của Thầy về nhà. Bức thư pháp Thầy viết chứa đựng năng lượng mà Thầy đã chế tác ra, đó là năng lượng hiểu biết, thương yêu và chánh niệm”. Một quan khách người Pháp đã hoan hỉ chia sẻ sau khi mua bức thư pháp: “Breathe, you are alive” (Thở đi con và ý thức rằng con đang sống).

Tại cuộc triển lãm, Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề nghị những người tham dự buổi triển lãm thư pháp thực tập im lặng và giữ chánh niệm trong suốt buổi tham quan. “Ta cần duy trì hơi thở chánh niệm và đem tâm trở về với thân. Khi ta thực sự có mặt thì ta có thể để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong trái tim ta. Trong chiều sâu tâm thức của ta có hạt giống của hiểu biết, thương yêu, hạt giống của niềm vui, hạt giống của tuệ giác, của giác ngộ. Nếu chúng ta để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào và tiếp xúc với hạt giống tuệ giác trong ta thì chúng ta sẽ có được sự giác ngộ mà chúng ta mong muốn. Vì vậy khi chúng ta đi thật chậm qua các bức thư pháp và để cho năng lượng của bức thư pháp đi vào trong ta và tiếp xúc, tưới tẩm những hạt giống đẹp và lành nơi ta thì chúng ta sẽ được chuyển hóa và trị liệu trong thời gian đi xem các tác phẩm thư pháp. Nửa giờ trong phòng triển lãm là nửa giờ thiền tập. Nếu làm được như vậy thì khi bước ra khỏi phòng triển lãm, chúng ta có thể trở thành một con người hoàn toàn mới”.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với thiền sư Thích Nhất Hạnh bên lề Cuộc triển lãm tại New York:

PV: Thiền sư bắt đầu thực hành thư pháp từ bao giờ ạ?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi bắt đầu viết thư pháp vào năm 1994 chỉ với mục đích là làm phương tiện để nuôi dưỡng các học trò của mình trong nghệ thuật sống chánh niệm. Thư pháp của tôi không xuất sắc gì mấy. Vậy mà tập viết hoài ngó cũng được. Càng viết, chữ càng ngó được hơn.

Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc, một phật tử có mang theo nhiều giấy, bút và mực. Anh xin tôi viết mấy chục tấm để bán lấy tiền cúng dường chùa tổ Lâm Tế, thuộc thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc. Anh nói đa số những người trong phái đoàn đi Trung Quốc là người Tây phương nên tôi có thể viết chữ tiếng Anh. Tôi chiều lòng anh. Và số tiền bán chữ đã lên tới hàng ngàn đô-la. Phái đoàn đã cúng dường toàn bộ số tiền cho chùa tổ Lâm Tế để giúp vào quỹ mua thêm đất và xây cất thêm tăng viện. Hòa thượng trụ trì Hữu Minh rất cảm động.

Vào lễ giáng sinh năm đó, nhiều minh tinh màn bạc nổi tiếng Hollywood như Marlon Brando, Jack Nicholson, Sean Penn… cũng nhận được nhiều bức thư pháp tôi viết do bạn hữu của họ tặng. Mỗi khi trao đổi thư pháp với các vị tọa chủ các chùa lớn ở Trung Quốc, Hàn Quốc, tôi cũng viết chữ Tây cho lạ. Số thư pháp tôi đã viết, tính đến nay ước chừng cũng hơn 10.000 tác phẩm. Số tiền thu được dùng để tài trợ cho các chương trình nhân đạo tại các nước đang phát triển.

PV: Ở Việt Nam, thư pháp phát triển khá mạnh. Song hầu hết các nhà thư pháp Việt đều viết bằng chữ Hán. Tại sao thiền sư lại chỉ viết thư pháp bằng tiếng Anh và tiếng Việt?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh:Chữ Hán tôi viết rất ít vì hiện giờ ít người đọc được chữ Hán. Tôi thấy những bức chữ Anh, chữ Việt hoặc chữ Pháp lồng kính treo lên cũng đẹp vô cùng và khi đọc, người ta hiểu liền. Tôi cũng có viết nhiều câu đối chữ Việt và cả chữ Âu Mỹ nữa. Tôi chỉ viết những chữ mà khi treo lên người ta có thể thực tập theo được mà thôi. Có thể kể tên một số tác phẩm thư pháp được mọi người yêu thích nhất như: Breathe, you are alive (Thở đi, bạn đang là sự sống màu nhiệm). “The tears I shed yesterday have becam rain” (Nước mắt ngày xưa nay đã thành mưa”. “Be beautiful, be yourself” (Bạn chỉ đẹp khi là chính bạn). I have arrived, I am home (Con đã về, con đã tới)…

Mỗi tác phẩm thư pháp đều là một đề tài thiền tập. Chẳng hạn như bức thư pháp “Be beautiful, be yourself”. Ta phải là chính ta thì ta mới đẹp. Ta không cần phải trở thành một ai khác. Ví như một đóa sen, tự thân nó đã rất đẹp, nó không cần phải cố gắng để biến thành hoa hồng hay một loại hoa khác mới đẹp. Trong mỗi chúng ta đều có hạt giống của niềm vui, của thương yêu và hạnh phúc. Nếu chúng ta để cho những hạt giống này được biểu hiện thì ta sẽ trở thành một đóa hoa đẹp trong vườn hoa của nhân loại.

Hay bức thư pháp “Let go and be happy” (Buông bỏ để có hạnh phúc). Buông bỏ ở đây nghĩa là buông bỏ những ham muốn, hờn giận, và buông bỏ luôn cả ý niệm của ta về hạnh phúc. Mỗi người trong chúng ta đều có một ý niệm về hạnh phúc. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta cần phải có cái này hoặc cái kia thì mới có thể hạnh phúc. Nhưng chúng ta đâu biết rằng: chính cái ý niệm về hạnh phúc đó lại là chướng ngại để chúng ta có hạnh phúc thực sự. Nếu chúng ta can đảm buông bỏ ý niệm đó thì hạnh phúc sẽ đến với chúng ta ngay lập tức.

PV: Bức thư pháp tiếng Việt nào của thiền sư được người Việt yêu thích nhất?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Bức mà Phật tử Việt Nam yêu thích nhất là bức có ba chữ: “Thở đi con”. Ai cũng muốn thỉnh một bức về treo trong phòng khách để khi có chuyện bất an thì nhớ mà thực tập. Còn khi bình thường mà thực tập thì nuôi dưỡng thêm hạnh phúc đang có.

Có những bức tôi viết trọn một vài câu thơ hay cả bài thơ. Những câu thơ trong Truyện Kiều có thể hiểu theo nghĩa thiền quán cũng rất được hâm mộ. Ví như câu: “Bây giờ rõ mặt đôi ta. Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”. Hay câu: “Trời còn để có hôm nay. Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”. Có một cặp tân hôn xin chữ, tôi đã cho câu: “Trước sau cho vẹn một lời. Duyên ta mà cũng phúc người phải không?, tôi đổi một hai chữ cho thích hợp.

PV: Những bức thư pháp của thiền sư bao giờ cũng đậm chất thiền và chuyên chở tuệ giác của đạo Phật. Có điều gì khiến thiền sư trăn trở trong việc truyền bá đạo Phật cho giới trẻ trong thời buổi hiện đại này không?

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Tôi muốn nói chuyện đạo Bụt. Đạo Bụt tại châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Đạo Bụt nếu không được làm mới để có thể đáp ứng được nhu cầu đích thực của người thời nay thì đạo Bụt sẽ từ từ vắng mặt, nghĩa là sẽ chết như ông đồ xưa trong bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên.

Phải giảng dạy đạo Bụt như thế nào để tuổi trẻ bây giờ có thể áp dụng được vào trong đời sống hàng ngày của họ, chuyển hóa được khổ đau, khai thông được bế tắc, xây dựng lại được tình thâm. Lễ bái, cầu phước và tín mộ không đủ. Tuổi trẻ không muốn đến chùa chỉ để đốt nhang, đốt vàng mã, vái lạy và tụng những kinh mà họ hoàn toàn không hiểu. Buổi công phu sáng gần hết là bằng tiếng Phạn, có tính chất của Mật Tông, mà lại là tiếng Phạn phiên âm tiếng Hán – Việt xa lắc với nguyên âm. Buổi công phu chiều thì chủ yếu là để cầu sinh Tịnh Độ.

Không mấy ai hiểu được và đọc được kinh chữ Hán. Vậy mà ta không có can đảm đem hai buổi công phu dịch ra quốc văn để hành trì. Ta sợ người ta đàm tiếu, chê bai là bỏ gốc rễ. Ta có bỏ gốc rễ đâu. Ta chỉ chăm sóc và làm mới cho gốc rễ thôi để cho cội cây xưa có được sức sống mới đâm lên những chồi mới, nếu không cây sẽ chết.

Cách đây chừng vài trăm năm, người ta đã từng bĩu môi chê chữ Nôm là quê mùa, là mách qué. “Nôm na là cha mách qué”. Người ta bảo người đứng đắn và người trí thức chỉ dùng chữ Hán thôi. Vậy mà đại thi hào Nguyễn Du đã sáng tác nên kiệt tác “Truyện Kiều” bằng chữ Nôm và đã tạo nên được một niềm tin lớn cho quốc dân. Không dùng súng đạn và gươm giáo mà thi sĩ đã xây dựng được thành lũy vững chãi cho nền độc lập dân tộc. Độc lập chính trị chỉ có thể bền vững khi có độc lập văn hóa. Cụ Nguyễn Du là một ông đồ không bao giờ già, không bao giờ chết. Hồn của cụ sống mãi trong hồn của người trẻ bây giờ. Bài học đó há không đủ cho chúng ta sao? Con cháu chúng ta bỏ chùa, bỏ đạo gốc tổ tiên chạy theo những trào lưu từ ngoài tới. Lỗi đó là của ai?

Làm mới đạo Bụt, áp dụng ngay những pháp môn của đạo Bụt nhập thế, sử dụng ngay tiếng Việt để tụng niệm trong hai buổi công phu là điều rất cần thiết. Chúng ta đừng làm như ông đồ xưa, dần dần vắng mặt trong cuộc đời. Chúng ta phải tái sinh ngay lập tức để trở thành ông đồ nay. Chỉ có ông đồ nay mới làm thỏa mãn được những nhu yếu của người ngày nay. Từ thế kỷ thứ 14, vua Trần Nhân Tông và thiền sư Huyền Quang đã thấy được sự thực này. Các vị đã bắt đầu sáng tác bằng tiếng Việt, sử dụng chữ Nôm.

Ở Triều Tiên, ngày xưa cả nước đi theo đạo Bụt. Vào đầu thế kỷ này, chỉ còn dưới 50% dân chúng là Phật tử. Giới trẻ đi theo ngoại lưu nhiều như thác lũ. Lý do là đạo Bụt bên đó quá bảo thủ và còn rất kỳ thị phụ nữ. Ta cầu xin xác vị tôn đức trong sơn môn ta nghĩ lại cho con cháu được nhờ. Đạo Bụt không thể không hiện đại hóa.

Tại Tây phương, nhiều người đang muốn cho đạo Ky tô được hiện đại hóa nhưng họ chưa thành công vì thái độ thủ cựu và giáo điều của giới chức sắc bề trên. Nhiều nhà thờ vắng bóng tín đồ. Người xuất gia rất hiếm chỉ vì người ta bảo thủ quá, không chịu làm mới, không chịu cách mạng giáo lý và giáo chế. Đạo Bụt có tinh thần cởi mở tự do, dễ làm mới hơn nhiều. Ta có thể thành công trong vài thập niên nếu chúng ta tỉnh thức. Chúng ta không có lý do gì để không thành công.

PV: Xin cảm ơn thiền sư!

Nguồn: Radio Việt Nam

Trang sao la tam thuc - ta la trang sao

Đại học Hồng Kông vinh danh Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Tác giả : Làng Mai

Sáng ngày 13/3/2014, tại thiền đường Nước Tĩnh, xóm Thượng Làng Mai, Giáo sư Lap-Chee Tsui, Viện Trưởng (Vice Chancellor and President) Trường Đại Học Hồng Kông đã trao bằng Tiến sĩ Danh Dự trong lĩnh vực khoa học xã hội cho Thầy Làng Mai – Thiền sư Thích Nhất Hạnh để vinh danh những đóng góp của Thầy cho nền hòa bình thế giới.

Trong bài diễn văn tại buổi lễ, Giáo sư Michael Wilkinson thay mặt Ban Giám học của Trường đã phát biểu rằng: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp nhân đạo và hòa bình trên thế giới. Thầy thực sự là một bậc thầy lỗi lạc và là nguồn cảm hứng lớn lao cho chúng ta (“Zen Master Thich Nhat Hanh has dedicated his life to humanitarian work and world peace. He is a truly remarkable and inspirational man”).

Đại học Hồng Kông đã gửi thư mời Thầy sang Hồng Kông để nhận bằng Tiến sĩ Danh dự nhân Đại hội lần thứ 190 của trường (được tổ chức vào ngày 18/3/2014). Tuy nhiên, do thời gian này ở Làng Mai đang có khóa tu mùa xuân nên Thầy không sang được. Vì vậy mà đoàn đại biểu của Trường (gồm 7 người) đã bay từ Hồng Kông sang để trao tặng Thầy tấm bằng danh dự này.

Đại học Hồng Kông là một trong những trường đại học hàng đầu châu Á và xếp thứ 26 trên bảng tổng sắp các trường đại học danh tiếng trên thế giới (theo đánh giá của Quacquarelli Symonds World University Rankings năm 2013). Bằng Tiến sĩ Danh dự là học vị cao quý nhất mà Đại học Hồng Kông trao tặng để vinh danh các cá nhân có những đóng góp to lớn cho nhân loại và cho thế giới. Tổng tống Bill Clinton, Mẹ Teresa, Tổng thống Nelson Mandela, Giáo sư Hồ Thích (Trung Quốc), Cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, và Vua Edward VIII (nước Anh) là những người đã được Đại học Hồng Kông trao tặng học vị cao quý này.

Thông điệp dành cho các bạn trẻ

Trong bầu không khí ấm áp, thân tình, với sự có mặt của tứ chúng Làng Mai, Thầy đã có lời chia sẻ với đoàn đại biểu của Đại học Hồng Kông cũng như với các sinh viên của trường (được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh):

“Chúng tôi rất cảm kích và biết ơn trường Đại học Hồng Kông đã dành cho chúng tôi vinh dự này. Cảm ơn quý vị đã trân quý và tin tưởng chúng tôi. Chúng tôi xin đón nhận tấm bằng danh dự này như một nghĩa cử của tình huynh đệ, lòng từ bi và nhân ái của quý vị. Chắc quý vị cũng biết Làng Mai không chỉ ở nước Pháp mà còn có mặt ở khắp nơi. Chúng tôi đã giúp thành lập hàng ngàn tăng thân thực tập chánh niệm trên thế giới. Ở Hồng Kông cũng đã có trung tâm tu học của Làng Mai. Chúng tôi không hoạt động như một cá nhân mà luôn hoạt động như một Tăng thân. Vì vậy, vinh dự lớn lao này cũng thuộc về mọi thành phần của tăng thân.

Trong đạo Bụt, chúng tôi thực tập tuệ giác vô ngã. Nếu chúng tôi có thể làm được điều gì để giúp thế giới này thì đó là nhờ có tăng thân. Nếu không có tăng thân, chúng tôi không thể làm được gì cả. Đức Bụt sau khi thành đạo đã nhận ra điều này, vì vậy mà việc đầu tiên Ngài làm là đi tìm những thành phần để xây dựng tăng thân. Bụt là một bậc thầy về xây dựng tăng thân. Bụt biết rằng nếu không có một tăng thân thì Bụt khó có thể thực hiện được ước nguyện giúp đời của mình. Vì vậy mà Bụt đã dành rất nhiều thời gian để xây dựng tăng thân. Ngay trong năm đầu tiên sau khi thành đạo, Bụt đã thành lập được tăng đoàn với 1250 xuất sĩ và tăng đoàn đó không ngừng lớn mạnh. Lần cuối cùng gặp Bụt, Vua Ba Tư Nặc đã thưa với Bụt là mỗi khi nhìn thấy tăng đoàn là vua lại có thêm niềm tin lớn nơi Bụt.

1Khi tôi gặp mục sư Martin Luther King lần đầu tiên tại Chicago năm 1966, chúng tôi đã cùng nhau chia sẻ về việc xây dựng tăng thân, bởi vì Mục sư Luther King cũng biết rằng nếu không có một tăng thân thì chúng tôi không thể nào thực hiện được giấc mơ của mình. Thay vì sử dụng từ “tăng thân” (Sangha), Mục sư Luther King dùng từ “cộng đồng yêu quý” (beloved community). Lần thứ hai gặp nhau tại Geneva, chúng tôi cũng tiếp tục thảo luận về chủ đề này. Tôi đã nói với Mục sư Luther King là người Việt Nam xem Mục sư như một vị đại Bồ tát, một người suốt đời tranh đấu cho nhân quyền, cho công bằng xã hội. Tôi rất vui vì đã nói được điều đó với Mục sư Luther King, vì chỉ ba tháng sau đó thì Mục sư bị ám sát và không còn có thể tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân được nữa. Tôi đang ở New York thì nghe tin về vụ ám sát. Chuyện này làm cho tôi bị ốm một thời gian. Và tôi tự hứa với mình rằng tôi phải tiếp tục sự nghiệp xây dựng tăng thân, không chỉ cho tôi, cho chúng ta mà còn cho cả Mục sư Luther King nữa.

2Điều mà tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: nếu các bạn có một giấc mơ lớn và muốn cho giấc mơ đó thành tựu thì các bạn cần có một tăng thân. Tăng thân là một đoàn thể mà ở đó có tình huynh đệ và sự hòa hợp. Muốn xây dựng được tăng thân, các bạn phải đầu tư rất nhiều thời gian và tâm sức mới có thể làm được. Gia đình cũng có thể là một tăng thân, trường học của các bạn cũng có thể là một tăng thân. Nếu có tình huynh đệ, có hiểu và thương thì chúng ta có thể thực hiện được giấc mơ của mình. Đó là lý do vì sao việc xây dựng tăng thân là dành cho tất cả mọi người. Dù anh là giám đốc của một công ty, anh cũng có thể biến công ty của mình thành một tăng thân – một đoàn thể mà ở đó mọi người có cơ hội học cách xây dựng tình huynh đệ, chế tác hiểu biết và thương yêu, chứ không phải chỉ là nơi để tìm kiếm lợi nhuận mà thôi. Chúng ta cần những nhà doanh nghiệp tham gia vào sự nghiệp xây dựng tăng thân để làm cho thế giới của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn.

4Làng Mai chúng tôi cũng là một trường học. Những gì chúng tôi học ở đây là làm thế nào để chế tác năng lượng bình an, chế tác niềm vui và hạnh phúc trong thân tâm. Chúng tôi cũng học cách xử lý những khổ đau trong tự thân. Bởi vì chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi có thể làm được điều đó cho chính mình thì chúng tôi cũng sẽ giúp được cho những người khác. Vì vậy ở Làng Mai, thầy và trò cùng học với nhau, chúng tôi muốn xây dựng một tăng thân, một môi trường lành mạnh nơi mọi người có thể được nuôi dưỡng và chuyển hóa. Chúng tôi cùng nhau tổ chức những ngày quán niệm, những khóa tu để giúp cho mọi người đến tu học, thực tập và chuyển hóa, để có thể vơi bớt khổ đau trong lòng và tìm lại được niềm vui sống. Các khóa tu kéo dài trong một tuần, hoặc 2 – 3 tuần, hoặc 3 tháng. Chúng tôi luôn chứng kiến những chuyển hóa và trị liệu xảy ra trong các khóa tu.

Sự thực tập chế tác bình an, niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày cũng như thực tập xử lý khổ đau, sử dụng chất liệu khổ đau để chế tác hạnh phúc, đó chính là nguồn thức ăn rất lành mạnh nuôi dưỡng chúng tôi. Sử dụng bùn để trồng sen là nội dung học hỏi và thực tập của chúng tôi ở đây. Vì vậy mà việc học ở trong lớp chỉ là một phần nhỏ trong sự thực tập của chúng tôi. Chúng tôi còn học cách làm việc chung với nhau, học chơi đá banh, chơi bóng rổ với nhau, học nấu ăn hay tổ chức khóa tu cùng nhau. Trong khi làm việc hay chơi cùng nhau, chúng tôi chế tác tình huynh đệ, sự hòa hợp và bình an. Chính điều này nuôi dưỡng chúng tôi và nuôi dưỡng cả những người đến và thực tập cùng với chúng tôi.

Vì vậy mà điều đầu tiên tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ ngày nay là: nếu các bạn có một giấc mơ trong cuộc đời và muốn giấc mơ đó được thành tựu thì hãy xây dựng một tăng thân.

3Điều thứ hai tôi muốn nhắn gửi đến các bạn trẻ là: hãy mở rộng tình thương của mình để ôm trọn cả hành tinh này, không nên giới hạn tình thương của mình chỉ với đất nước và dân tộc mình mà thôi. Chính tôi đã nhận ra rằng quê hương tôi là cả hành tinh này, cả trái đất này. Tôi không giới hạn tình thương của mình trong một dải đất ở châu Á có tên là Việt Nam mà thôi. Tôi đã được chuyển hóa và trị liệu rất nhiều nhờ vào cái thấy này. Có thể tình thương trong bạn còn quá nhỏ bé, bạn cần làm cho tình thương đó lớn rộng ra để bao trùm cả trái đất này. Đó là tình thương của một vị Bụt, tình thương của những bậc đại nhân như Mahatma Gandhi, Martin Luther King, Mẹ Teresa, v.v. ”

Nguồn: Làng Mai

Beautiful!

Hạnh nguyện

Phương Khê nội viện, mùa xuân, ngày 31 tháng 05 năm 2009,

Thân gửi các con của Thầy, gần và xa!

Công phu sáng trong sách “Thiền môn nhật tụng” có một bài văn sám mà ngày xưa khi còn làm sa di Thầy rất thích tụng. Văn của bài sám rất hay, và nội dung của bài sám rất có công năng nuôi dưỡng chí nguyện của người tu. Mỗi lần tụng đọc bài sám, chú Phùng Xuân thường để cho lời kinh ôm ấp thấm sâu vào từng huyết quản, từng tế bào của cơ thể.

Bài sám văn này là một giấc mơ thật đẹp của người tu, và Thầy rất biết ơn Thiền sư Di Sơn đã viết ra bài sám văn ấy. Các con cũng đã biết bài ấy rồi, đó là bài Sám Quy Mạng. Tên của nó là Phát Nguyện Văn. Tác giả bài Sám Quy Mạng (Phát Nguyện Văn) này là Thiền sư Kiểu Nhiên đời Đường, văn chương rất lỗi lạc. Những văn bia về các Thiền sư sơ kỳ Thiền Tông đều do một tay Ngài viết.

Di Sơn là tên núi; vì kính quý Ngài nên dân chúng gọi Thiền sư là Di Sơn thay vì Kiểu Nhiên. Thiền sư họ Tạ, tự là Thanh Trú. Tác phẩm để lại cho đời là “Trữ sơn tập”, mười cuốn. Trong sách “Nhị khóa hợp giải”, Thiền sư Quán Nguyệt có nói: “Nếu bạn không thích bài Sám Quy Mạng này thì có thể thay vào bằng một bài khác như bài Khế Thủ, bài Thập Phương Tam Thế Phật, hay bài Nhất Tâm Quy Mạng”.

Nhưng ai lại không thích bài Sám Quy Mạng này! Thầy nghĩ là đã có biết bao nhiêu thế hệ người trẻ xuất gia đã được bài Sám này nuôi dưỡng, vỗ về và an ủi. Hồi chưa tới tuổi hai mươi, Thầy đã có ước mơ dịch bài này ra quốc văn. Và giấc mơ ấy đã được thành tựu khi Thầy còn là một vị giáo thọ trẻ tuổi giảng dạy tại Phật Học Đường Nam Việt. Thầy đã dịch bài Sám Quy Mạng ra tiếng Việt trong thể thơ lục bát.

Nhiều vị học tăng và học ni thời ấy của Phật Học Đường Nam Việt (Chùa Ấn Quang) đã học thuộc lòng. Và bài Sám ấy hiện đang có mặt trong sách “Nhật tụng thiền môn 2010” của chúng ta. Phần lớn những câu văn trong bài Sám đều là những câu bốn chữ hay sáu chữ, xen lẫn với nhau rất khéo léo, thành ra âm điệu bài tụng có lúc thì êm dịu, có lúc thật trầm hùng.

“Kiếp sau, nhờ hạt giống trí tuệ linh thiêng gieo trồng trong kiếp này, con xin được sinh trở lại trong một môi trường có văn hóa, lớn lên được gặp một vị Thầy sáng và được xuất gia từ hồi còn là thiếu nhi. Sáu căn của con đều sẽ được thông lợi và ba nghiệp của con cũng sẽ được thuần hòa.Con sẽ không bị thói đời làm ô nhiễm và con sẽ sống một cuộc đời phạm hạnh thanh cao.

Con sẽ hành trì các giới luật một cách nghiêm minh. Không vướng vào duyên nghiệp thế gian, con sẽ thực tập các uy nghi một cách nghiêm túc và con sẽ biết bảo hộ cho tất cả mọi loài chúng sanh, bắt đầu từ những sinh vật rất nhỏ bé”. “Con sẽ tu tập theo chánh pháp và liễu ngộ được giáo pháp Đại thừa, nhờ vậy mà con sẽ khai mở được cánh cửa hành động của lục độ và thành tựu được những gì mà các vị hành giả khác phải trải qua ba A tăng kỳ kiếp mới thành tựu được”.

Đọc những đoạn vừa qua các con có thấy đó là một giấc mơ vĩ đại không? Nếu không có hạt giống của bồ đề tâm, nếu không có hạt giống của hạnh nguyện Bồ tát thì làm sao làm phát khởi được một ước muốn vĩ đại như thế? Các con hãy cùng Thầy đọc tiếp:

“Con sẽ thiết lập được đạo tràng tu học khắp nơi khắp chốn, con sẽ phá tan được muôn trùng mạng lưới của sự nghi ngờ. Con sẽ hàng phục được mọi ma chướng và sẽ truyền lại ngọn đèn chánh pháp để cho ba ngôi Tam Bảo sẽ mãi mãi tiếp tục ngời sáng trong tương lai.

Con sẽ phụ tá cho chư Bụt mười phương mà không bao giờ cảm thấy mệt mỏi; con sẽ tu tập thành tựu được tất cả các pháp môn. Con sẽ thực tập trên cả hai bình diện xã hội và trí tuệ để làm lợi ích cho chúng sanh khắp nơi. Con sẽ đạt tới sáu phép thần thông và sẽ thành tựu được quả vị Phật đà ngay trong một kiếp”.

“Sau đó con sẽ không xa lìa pháp giới; trái lại con sẽ đi vào và có mặt trong vạn nẻo trần gian. Năng lượng từ bi của con sẽ không thua gì năng lượng từ bi của Bồ tát Quan Âm, đại dương hạnh nguyện của con cũng sẽ bao la như đại dương hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền”.

“Ngay trong cõi này và ở các cõi khác, con sẽ ứng hiện thành những sắc thân khác nhau để tuyên dương diệu pháp”. “Nơi những nẻo đường địa ngục và quỷ đói, con sẽ hoặc phóng ra những đạo hào quang lớn, hoặc tự mình hiện thần biến tướng: bất cứ ai thấy được dung mạo con hoặc nghe đến danh hiệu con đều có khả năng phát tâm bồ đề và lập tức vượt thắng mọi khổ đau của kiếp luân hồi”.

“Những vùng đất cháy khô cằn như vạc lửa, hay những con sông băng tuyết lạnh giá, con sẽ làm cho chúng biến thành những khu rừng thơm”. “Vào những thời mà tật dịch bệnh khổ lan tràn, con sẽ hóa hiện ra vô số dược thảo thuốc men, chữa lành được cả những chứng bệnh trầm kha, gặp khi nạn đói hoành hành, con sẽ hóa hiện ra gạo lúa dồi dào để giảm nghèo cứu đói”. “Không có công tác nào làm lợi ích cho nhân gian mà con sẽ từ nan”.

“Sau đó, con sẽ giúp cho tất cả mọi người, trong đó có kẻ thân và người thù trong nhiều kiếp, cùng với bà con quyến thuộc đời này, để ai cũng có thể buông bỏ được những sợi dây ái nhiễm ràng buộc, để cùng với tất cả chúng sinh thực hiện được đạo giác ngộ”. “Hư không kia còn có thể có giới hạn, nhưng nguyện ước con thì không có chỗ cùng.

Con nguyện cho tất cả các loài, hữu tình và vô tình, đều đạt tới quả vị nhất thiết chủng trí”. Những lời kinh trong Sám văn ngày xưa đã tưới tẩm hạt giống Bồ đề của chú sa di nhỏ vào mỗi buổi sáng công phu. Không biết vì lý do gì mà chú cứ tin là giấc mơ kia sẽ có thể thành tựu, dù chung quanh chú chưa có dấu hiệu nào chứng tỏ được điều đó, và chưa thấy ai đang làm được điều đó.

Lời kinh quá đẹp khiến sau này Thầy đã lấy chữ trong ấy để đặt pháp hiệu cho các vị thọ giới tại Làng Mai. Ví dụ pháp tự Chân Hương Lâm của Sư thầy Đàm Nguyện ở Hà Nội. Hương lâm là những khu rừng thơm. “Những vùng đất cháy khô cằn như vạc lửa hay những con sông băng tuyết lạnh giá, con sẽ làm cho chúng biến thành những khu rừng thơm – hỏa hoạch băng hà chi địa biến tác hương lâm.” Thật là vừa nên thơ vừa hợp với ý hướng bảo hộ sinh môi. Lời kinh quá hùng tráng thành thử mình có cảm tưởng mình không còn là một tín đồ đang cầu xin ơn phước, mà là một vị đại sĩ có thần lực độ đời rất vĩ đại:

“Năng lượng từ bi của con sẽ không thua gì năng lượng từ bi của Bồ tát Quan Âm, đại dương hạnh nguyện của con cũng sẽ bao la như đại dương hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền – đẳng Quan Âm chi từ tâm, hành Phổ Hiền chi nguyện hải”. Người trì tụng Sám văn không còn mặc cảm thua kém nữa, và thấy mình cũng có thể làm được những gì mà các vị Bồ tát lớn đang làm. Những lời kinh như thế làm chấn động cả tâm can của người hành giả. “Bất cứ ai thấy được dung mạo con hoặc nghe đến danh hiệu con đều sẽ có khả năng phát tâm Bồ đề và vĩnh viễn vượt thắng mọi khổ đau của kiếp luân hồi – phàm hữu kiến ngã tướng, nãi chí văn ngã danh, giai phát Bồ đề tâm, vĩnh xuất luân giao hồi khổ.”

Và như thế thì con cũng sẽ không thua bất cứ một vị Phật nào hay một vị Bồ tát lớn nào trong quá trình hành đạo. Giấc mơ của bài Sám Quy Mạng chỉ là giấc mơ suông hay một giấc mơ có thể biến thành hiện thực? Nhiều thế hệ hành giả, trong đó có các con, đã từng tụng đọc Sám văn này, và đã có thể từng đặt câu hỏi ấy. Ngày xưa, Thầy không đặt câu hỏi ấy. Tuy là chung quanh mình chưa thấy dấu hiệu nào chứng tỏ giấc mơ kia có thể trở thành sự thực, nhưng Thầy vẫn ôm ấp giấc mơ đó và tin rằng nó sẽ trở thành hiện thực. Những thập niên bốn mươi và năm mươi là những thập niên của đói kém của chiến tranh.

Giới xuất gia tìm đủ mọi cách để duy trì sự thực tập trong phạm vi chùa viện của mình nhưng cũng đã gặp phải không biết bao nhiêu khó khăn. Ngay những người trẻ trong giới xuất gia cũng bị tù đày, thủ tiêu và áp bức. Là một thầy tu trẻ Thầy đã từng đọc lịch sử Lý Trần và đã thấy rằng nếu đạo Bụt đã có khả năng giúp cho đất nước hùng mạnh và thái bình trong những triều đại ấy thì đạo Bụt cũng có thể làm được như thế trong thời đại hiện tại. Tại sao không?

Đó là câu hỏi của Thầy, dù đạo Bụt vào những thập niên ấy vẫn chưa thoát ra được trạng thái suy đồi cần phải vượt thoát. Có lẽ cái thấy ấy về đạo Bụt Lý Trần đã cho Thầy một niềm tin rằng giấc mơ của Sám Quy Mạng không phải chỉ là một giấc mơ suông mà là một giấc mơ có thể trở thành hiện thực.

Hồi còn là vị giáo thọ trẻ ở Ấn Quang, Thầy đã dịch Sám Quy Mạng với một ngôn ngữ khiêm cung. Nguyên văn: “Năng lượng từ bi của con sẽ không thua gì năng lượng từ bi của Bồ tát Quán Âm, đại dương hạnh nguyện của con cũng sẽ bao la như đại dương hạnh nguyện của Bồ tát Phổ Hiền” đã được Thầy dịch là “Mưa từ rưới khắp nhân thiên, mênh mông biển hạnh lời nguyền độ tha.”

Nguyên văn: “Bất cứ ai thấy được dung mạo của con hoặc nghe đến danh hiệu con đều sẽ có khả năng phát tâm bồ đề và vĩnh viễn vượt thắng mọi khổ đau của kiếp luân hồi” đã được Thầy dịch là: Chỉ cần thấy dạng nghe danh, muôn loài thoát khỏi ngục hình đớn đau.” Mấy mươi năm ở hải ngoại không có cơ hội ôn lại bản dịch ấy, Thầy chỉ còn nhớ được một vài đoạn.

May quá, Hòa thượng Như Huệ, Viện chủ chùa Pháp Hoa (ở Úc Đại Lợi) trong dịp về chứng minh đại giới đàn Nến Ngọc tổ chức ở Làng Mai mùa hè 1996 đã đọc lại cho Thầy chép xuống toàn bài. Hòa thượng Như Huệ đã từng là học tăng trong Phật học đường Nam Việt, và đã học thuộc lòng bản dịch của Sám văn Quy Mạng. Nhờ đó mà bản dịch ngày nay còn được giữ lại trong sách Nhật Tụng Thiền Môn.

Thầy nghĩ là Thầy trò chúng ta cần đọc tụng Sám văn Quy Mạng ít nhất mỗi tuần một lần, để tâm bồ đề được tiếp tục nuôi dưỡng. Tâm bồ đề là nguyện ước, là giấc mơ của người hành giả chân chính. Tâm bồ đề bị soi mòn thì chúng ta không còn năng lượng để đi tới mà thực hiện giấc mơ.

Khuya nay, trong giờ thiền tọa, chúng ta hãy cùng nhau quán chiếu để thấy rằng giấc mơ kia đang từ từ biến thành hiện thực. “Kiếp sau xin được làm người, sinh ra gặp pháp sống đời chân tu, dắt dìu nhờ bậc minh sư”, điều này ta đã thực hiện được. “Sáu căn ba nghiệp thuần hòa, không vương tục lụy theo đà thế nhân, một lòng tấn đạo nghiêm thân, giữ gìn phạm hạnh nghiệp trần lánh xa”, đó là sự thực tập hành trì giới luật và uy nghi hàng ngày của chúng ta.

“Đạo tràng dựng khắp nơi nơi, lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không”, đó là những gì mà Thầy trò chúng ta đang nỗ lực thực hiện. Tăng thân hiện giờ đang có mặt khắp nơi, mỗi quốc gia trên thế giới đều có hàng chục hoặc hàng trăm đoàn thể tu học theo pháp môn chánh niệm, gọi là Tăng thân chánh niệm (Communities of mindful living).

Những thành phố lớn như: Nữu Ước, Luân Đôn, Los Angeles, Paris, Amsterdam, Berlin, đều đã có nhiều Tăng thân. Những khóa tu tổ chức khắp nơi, những tác phẩm viết về đạo Bụt đi vào cuộc đời đã trở thành một mạng lưới chánh pháp có mặt khắp nơi, đang nỗ lực phá tan được những ngộ nhận và nghi ngờ đối với đạo Bụt, cho thế giới thấy rằng đạo Bụt là một nền nhân bản có tính khoa học, không phải là tôn giáo thần quyền, mê tín dị đoan, tiêu cực yếu đuối. “Lưới nghi phá hết trong ngoài sạch không” là như thế.

“Truyền đăng Phật pháp nối dòng vô chung”. Chúng ta đã đào tạo được khá nhiều các vị giáo thọ và giáo thọ tập sự, xuất gia và tại gia, số người tiếp nhận truyền đăng cho đến nay đã lên tới trên 300 vị. “Thuốc thang cứu giúp cho đời, áo cơm cứu giúp cho người bần dân, bao nhiêu lợi ích hưng sùng, an vui thực hiện trong vòng trầm luân”. Đây là công tác xã hội, đây là một phần của đạo Phật ứng dụng, của đạo Phật đi vào cuộc đời.

Chúng ta đã lập được Trường Thanh niên Phụng sự xã hội đào tạo trên 600 tác viên và hàng ngàn trợ tác viên và cảm tình viên (làm việc công quả mà không nhận phụ phí), thành lập các làng Hoa Tiêu và làng Tự Nguyện để nâng cao phẩm chất sự sống ở nông thôn về cả bốn mặt giáo dục, y tế, kinh tế và tổ chức.

Các tác viên xã hội đã làm việc cứu trợ nạn nhân chiến tranh, chăm sóc các trại tị nạn, có trại lên đến 11.000 người, thành lập các trung tâm định cư trên những vùng đất mới, tái thiết lại những làng bị bom đạn tàn phá. Chúng ta có Ủy ban Tái thiết và Phát triển xã hội, làm việc với Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất (1972 – 1975). Chúng ta đã có chương trình bảo trợ trên 10.000 trẻ em mồ côi vì chiến tranh.

Chúng ta đã có chương trình Máu Chảy Ruột Mềm cứu trợ thuyền nhân trên biển. Chúng ta đã thành lập tổ chức Pour les Enfants du Vietnam, rồi Partage avec les Enfants du Monde, cứu giúp cho trẻ em 17 nước trong đó có Việt Nam. Chúng ta đã có chương trình Hiểu và Thương, để cứu trợ lũ lụt, giúp trẻ em nghèo thiếu ăn và thất học, mở lớp dạy nghề, xây cầu, đào giếng nước ngọt, mở những lớp học bán trú ở các vùng sâu vùng xa, trả lương một ngàn cô giáo và bảo mẫu. (*) Cái hay là ở chỗ trong khi làm công tác xã hội, các thành phần trong Tăng thân vẫn giữ được sự thực tập giới luật, thiền ngồi, thiền đi, xây dựng tình huynh đệ và học đi như một dòng sông… “Không có công việc nào lợi ích cho nhân gian mà con sẽ từ nan – đản hữu lợi ích vô bất hưng sùng”, đó là hạnh nguyện của chúng ta.

Các vị giáo thọ của chúng ta, trong đó có rất nhiều vị còn ở tuổi thanh xuân, đang thực sự mang đạo Bụt đi vào cuộc đời, một đạo Bụt nhập thế. Chúng ta đã mở những khóa tu đặc biệt để giúp cho mọi giới, những khóa tu dành cho giới làm công tác xã hội, giới văn nghệ sĩ, tài tử điện ảnh… có khóa tu đông đến 2.000 người như khóa tại Washington DC cho các nhà tâm lý học và tâm lý trị liệu, những khóa tu dành cho giới giáo chức, dành cho giới thương gia, dành cho giới y sĩ và y tá, dành cho các nhà chính trị và dân biểu quốc hội, dành cho giới cảnh sát và nhân viên công lực, giới tranh đấu cho hòa bình và nhân quyền, giới bảo hộ sinh môi… Chúng ta đã đi vào các bệnh viện và các nhà tù để giúp tổ chức tu tập và chuyển hóa…

Từ đạo Bụt nhập thế chúng ta đi vào đạo Bụt ứng dụng. Chúng ta mở phong trào Wake Up cho các bạn trẻ khắp nơi trên thế giới, những đoàn thể tu tập theo chánh pháp để phục vụ cho một xã hội lành mạnh và có từ bi. Chúng ta lập Viện Phật học Ứng dụng, cung cấp các khóa tu cho giới phụ huynh có khó khăn với con cái, cho giới thanh niên thiếu nữ đang có khó khăn với bố mẹ, cho những ai vừa khám phá ra là mình bị bệnh nan y, cho những ai có người thân mới mất.

Ai cũng có thể đến để ghi tên học hỏi và thực tập mà không cần phải quy y. Chúng ta cống hiến đạo Bụt cho thế giới không phải một tôn giáo mà một nghệ thuật sống với những phương pháp chuyển hóa và trị liệu… Chúng ta đang nỗ lực thực tập để bảo hộ sinh môi, tự mình thực tập và kêu gọi mọi người thực tập sống như thế nào để có thể có được một tương lai cho trái đất, để chuyển ngược được quá trình hâm nóng địa cầu.

Tu viện Lộc Uyển của chúng ta hiện giờ đã hoàn toàn chỉ sử dụng năng lượng ánh sáng mặt trời. Tất cả các đạo tràng và các Tăng thân của chúng ta trên thế giới đang thực tập tiêu thụ trong chánh niệm, mỗi tuần có một ngày không sử dụng xe hơi, xe gắn máy… Tất cả những điều này chứng tỏ là chúng ta đang quyết tâm thực hiện giấc mơ mà không phải chỉ ngồi đó để quán tưởng và để cho bài Sám ru chúng ta trong một giấc mơ thật đẹp.

Trong những năm gần đây, đạo Bụt với sự thực tập chánh niệm đã dần dần đi vào các lĩnh vực y học, khoa học, luật học và xã hội học. Tinh thần bất nhị và bao dung, không kẹt vào giáo điều của đạo Bụt bắt đầu được thế giới nhận biết, và trên bước đường toàn cầu hóa đạo Bụt có thể góp phần quan trọng trong việc chế tác một nền tâm linh đạo đức toàn cầu. Chúng ta biết giấc mơ có thể và đang trở thành hiện thực.

Nếu chúng ta không bị vướng vào địa vị, tiền bạc, tiếng khen, chức vụ, v.v.., nếu chúng ta biết đi với Tăng thân như một dòng sông mà không phải như một giọt nước riêng lẻ thì chúng ta sẽ có cơ hội nhiều hơn để thực hiện được giấc mơ. Có phải thế không các con? Thầy mong các con đọc xong thư này thì góp ý với Thầy.

Thầy của các con,
Nhất Hạnh

Sen Hong!

Chuyển đến trang: 1 1a  2  3  4  5  6