Nov 15 – 2016
Super Moon 2016
Siêu trăng lớn nhất 70 năm tại Việt Nam
Đầu rồng ở hồ Tây.
Hình ảnh siêu trăng tại TP. HCM. lúc 17h40
Oct 30 – 2016
It’s still a wonderful world…
Một số người trẻ thường hay bảo với tôi rằng, “Sao ông cứ lại nói là ‘Thế giới này đẹp tuyệt vời’? Còn chiến tranh đang xảy ra khắp nơi trên thế giới thì sao? Ông bảo đó là đẹp tuyệt vời sao? Thế còn những nạn đói khát và ô nhiểm môi trường vẫn còn đang có mặt? Chúng có gì là kỳ diệu đâu ông?”
Này các bạn hãy lắng nghe ông già này một vài phút. Ta thấy rằng cuộc sống này thật ra tự nó không có tồi tệ đến thế, nhưng là vì những gì chúng ta đã làm cho nó. Điều ta muốn nói chỉ là, thế giới này sẽ vô cùng nhiệm mầu nếu như chúng ta biết cho nó một cơ hội. Tình thương, chỉ cần tình thương thôi. Đó là điều bí mật.
Nếu như nhiều người chúng ta biết thương yêu nhau hơn, đối xử tử tế với nhau hơn, ta sẽ giải quyết được hết mọi vấn đề. Và cuộc đời này sẽ trở nên đẹp biết bao nhiêu. Đó là điều mà ta muốn chia sẻ.
Louis Armstrong
Nguồn: nguyenduynhien.blogspot.com
.
Oct 8, 2016
Thế nào là tự nhiên
Trong những buổi chia sẻ về thiền tập, tôi thấy người ta thường đặt câu hỏi là khi ta bước chân vào con đường tu học, khi ta bắt đầu tập thiền, chúng có làm cho cuộc sống của mình trở nên mất tự nhiên chăng? Có làm cho ta mất đi sự nhanh nhẹn không?Ta có còn biết xử lý những vấn đề trong cuộc sống cho được hiệu quả không? Hay nói cách khác, cuộc sống của ta có còn được “tự nhiên” như xưa chăng?
Có lẽ chúng ta nghĩ rằng, cuộc sống bình thường và cách hành xử hằng ngày của mình là tự nhiên, còn tu học hay thiền tập là “mất tự nhiên” và ta sẽ không còn thích hợp với cuộc sống này nữa.
Thế nào là sự tự nhiên
Nhưng thế nào mới là tự nhiên? Ngài Ajahn Chah có một chia sẻ khá thú vị về vấn đề này.
“Một cái cây mọc trong rừng là tự nhiên. Nhưng khi ta đốn xuống đem về xây nhà, ta còn gọi cây đó là ‘tự nhiên’ không? Và khi ta dùng gổ ấy để xây nhà cho người ta ở, thì nó lại có nhiều giá trị cho chúng ta hơn. Như một con chó chạy đây đó tìm kiếm thức ăn, khi ta thảy cho nó một món gì, chúng nhào lại dành giựt với nhau. Điều đó ta cho là tự nhiên phải không! Nhưng ta có muốn tự nhiên như thế không?
Sự tự nhiên thật sự chỉ có thể hiểu được với một cái thấy sâu sắc. Sự tự nhiên này nằm ngoài những thói quen, điều kiện, và sự sợ hãi của ta. Nếu ta cứ buông thả, để cho mình sống theo sự ‘tự nhiên’ của ý muốn, sở thích của mình, mà trong đó tiềm tàng những tham đắm, si mê, ta sẽ bị đau khổ theo sự vận hành của luật nhân quả. Thiền tập, giúp cho sự hiểu biết và tình thương của ta phát triển, và nhờ vậy mà ta có thể thấy rõ được hình tướng chân thật của mọi vật, theo lẽ tự nhiên.”
Chỉ làm công việc của mình
Nhưng để cho sự vật được tự nhiên cũng không có nghĩa là ta buông xuôi và không làm gì hết, mà là hành động với một tuệ giác. Ngài Ajahn Chah nói, “Bạn có để ý rằng mỗi sự vật tự nó có một lối phát triển riêng không. Khi ta đã cố hết sức mình rồi thì ta hãy để cho luật tự nhiên, nhân quả vận hành theo luật của nó. Ta bao giờ cũng phải cố gắng, tùy theo sức của mình, nhưng tuệ giác hay niềm vui đến với ta mau hay chậm, điều đó hoàn toàn không tùy thuộc vào mình.
Cũng như khi bạn trồng một cây, ta không thể nào bắt buộc cây mọc mau hay chậm được. Cây có nhịp độ phát triển riêng của nó. Bổn phận riêng của bạn là đào đất, tưới nước, bón phân, chăm sóc nó. Và bạn cũng chỉ có thể làm được bấy nhiêu thôi. Còn sự phát triển là tùy thuộc vào cây. Nhưng nếu bạn cứ làm như thế, bạn đừng lo, cây bạn trồng sẽ xanh tươi, sẽ phát triển.
Nhưng bạn phải biết phân biệt giữa công việc của mình làm và công việc của cây. Công chuyện của cây hãy để yên cho nó, còn bạn hãy quan tâm đến bổn phận của chính mình. Nếu bạn không thấy rõ được điều ấy, bạn sẽ đi bắt cây phải mọc nhanh lên, rồi đâm hoa, nở nhụy, kết trái theo ý muốn của bạn. Đó là một cái nhìn, quan niệm sai lầm, dẫn ta qua biết bao nhiêu phiền não, khổ đau. Làm gì cũng vậy, nhất là trên đường tu tập, hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp, luật nhân quả phân xử.
Hiểu được như vậy, cho dù con đường của bạn đi có dài bao nhiêu, dầu ở bất cứ nơi đâu, bạn lúc nào cũng sẽ được an vui.”
Tôi nghĩ ta có thể mang lời khuyên ấy vào ngay trong cuộc sống của mình. Một bài học kham nhẫn trước những phiền não và khó khăn trong cuộc đời, “hãy thực hành cho đúng với sự thật, phần còn lại để cho sự vận hành của pháp.” Và với sự kham nhẫn bằng tuệ giác ấy thì dầu bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta cũng sẽ có an vui…
Nguồn: nguyenduynhien.blogspot.com
Sept 29, 2016
Ngày Mới
Hãy bắt đầu ngày mới
Hồn nhiên một nụ cười!
Nụ cười thành hoa nắng
Gửi đất trời.. Muôn nơi..
Namo Buddhaya
Như Nhiên-TTT.
Sept 22, 2016
Tu hành là vì để gặp chính mình!
Tác giả: Theo Secretchina
Dịch giả: Tâm Nguyễn
Chân chính tu hành không ở núi sâu, cũng không ở tại nơi đền chùa.
Người tu hành chân chính là vì để gặp chính bản thân mình, họ không phải ở nơi núi sâu, cũng không ở trong chùa chiền. Không thể thoát ly xã hội, không thể tách rời hiện thực. Cần phải tu hành ở trong cuộc sống, ở ngay trong tại cuộc sống mà tu hành.
Môi trường, hoàn cảnh công tác của bạn chính là nơi tu đạo của bạn, là thành đàn của bạn.
Tu hành không phải vì để gặp Phật, mà là vì để gặp chính mình
Tu hành thật ra là gì, vậy có phải là nhất định cần thoát ly cuộc sống chạy vào trong chùa niệm kinh lậy Phật, có phải là nhất định cần chuyên chức ngồi thiền, cần đọc kỹ sách tu sửa tâm linh? Khi những vấn đề xuất hiện trong cuộc sống, chúng ta thường cảm giác là vấn đề của cuộc sống làm rối loạn việc tu hành của chúng ta, kỳ thực tu hành cùng cuộc sống là nhất thể, là một, chúng là nhất tính và đồng hành, mục đích của tu hành cũng là vì giải quyết những vấn đề trong thực tế của cuộc sống, cách ly cuộc sống mà nói chuyện tu hành, tất cả đều chẳng như là chạy trốn né trách vấn đề hay sao…?
Nấu cơm rửa bát, làm việc nhà cũng là một loại tu hành
Suy nghĩ về những ý nghĩa của bao khổ não sinh ra trong vũ trụ, luôn đã khiến con người chỉ một mực chuyển hướng nghĩ về sự yên ổn quy ẩn nơi núi rừng, mạc thiên tịch địa (màn trời chiếu đất), ngồi thiền, hành bộ.
Nấu cơm, rửa bát, trông trẻ nhỏ đều là một loại tu hành. Tuy nhiên, định nghĩa của tu hành tuyệt không phải chỉ có ngần ấy, tu hành ngay ở trong cuộc sống, không biết là phải dũng cảm hơn những người tu ẩn một mình bao nhiêu lần, cân bằng giữa công việc và gia đình, giữa áp lực và sức khỏe, giữa những mong muốn, cảm xúc, vui vẻ, khổ đau cùng vô thường …. tìm cầu sự cân bằng trong cái mối quan hệ phức tạp đan xen, trái lại càng có thể khiến chúng ta nhìn rõ bản diện thực tế của cuộc sống.
Đơn giản mà nói, chỉ cần bạn chuyên chú thì lập tức việc nấu cơm, rửa bát, trông trẻ nhỏ, làm việc nhà, … cũng là một loại tu hành.
Cho nên chỉ cần đúng như thực tế, chuyên chú, mang theo sự phát giác, nhận ra để sống, dò trước, thời thời khắc khắc kiểm tra tự ngã, loại bỏ những kiêu mạn, tham cầu, kỳ vọng và sợ hãi của bản thân, để một tâm hồn thanh tĩnh, thấy được các trật tự sắp đặt khác nhau của sinh mệnh, bạn và tôi đều sẽ thành những người thầy trong cuộc sống.
Mỗi một rắc rối, một vấn đề đều là một đạo tràng
Khi bắt tay vào tu hành từ những vấn đề của thực tế, mỗi một vấn đề là một đạo tràng.
Tu hành cần phải bắt tay vào từ những vấn đề của thực tế, không thể mơ hồ nói suông. Mơ hồ nói suông chẳng có bất kỳ một ý nghĩa gì cả. Đạo lý bạn có thể nói ra cả một mớ lớn lý thuyết, nhưng đến khi đụng sự việc bạn vẫn cứ cảm thấy khổ, cảm thấy buồn rầu, vậy thì tu hành có tác dụng gì? Tu hành nhất định cần phải tiến hành từ trong những phiền phức, phiền não cụ thể của cuộc sống hoặc từ những thống khổ thật sự trong thực tế của cuộc sống mà tôi luyện.
Chớ đừng mượn cớ làm cho tu hành biến thành một loại trốn tránh phiền não hoặc trốn tránh cuộc sống hiện thực. Tu hành không phải là một loại phương thức chạy trốn; Tu đạo không phải là tu mở một đường đạo chạy trốn của trẻ con. Tu hành càng không thể biến thành một trò giải trí tiêu khiển của tâm linh.
Đương nhiên, tất cả điều này bạn có thể phản đối, nhất nhất một mực kiên trì cố thủ giữ vững sự phản đối của bản thân, nhưng kết quả của khổ vẫn là chính bản thân bạn khổ. Tu hành cần phải bắt tay vào từ những vấn đề của thực tế, mỗi một rắc rối, một vấn đề thực tế đều là lối vào.
Mỗi một rắc rối, một vấn đề đều là đạo tràng, mỗi một sự việc phiền não đều là đạo tràng, mỗi một lần sóng gió của tinh thần, của cảm xúc tình cảm chính là đạo tràng, mỗi một sợ hãi đều là đạo tràng, mỗi một niệm đầu đều là đạo tràng.
Đạo tràng chân chính không phải là miếu chùa, không phải thiền đường, không phải nơi núi rừng, không phải là xung quanh địa phương nơi những người tu hành tụ tập, mà then chốt chân thực nhất nhất của đạo tràng là mỗi một điều gì đó đương diễn ra, mỗi mội cái gì đó đang tồn tại ngay trước mắt, mỗi một suy nghĩ ở trong tâm trí.
Nếu hôn nhân của bạn có vấn đề, thế thì hôn nhân có vấn đề chính là đạo tràng của bạn; Nếu như mối quan hệ của bạn và chồng bạn có vấn đề, vậy thì mối quan hệ với chồng chính là đạo tràng; Nếu như bạn và đồng nghiệp phát sinh mâu thuẫn, thì điều mâu thuẫn cùng đồng nghiệp này là đạo tràng; Nếu bạn rơi vào nỗi buồn chán của cuộc sống, nỗi buồn chán này là đạo tràng; Nếu như bạn xuất hiện vấn đề của tiền, tiền chính là đạo tràng. Ở đâu xuất hiện vấn đề thì ở đó chính là cần tu, ở đó chính là đạo tràng.
Nếu bạn sợ hãi sinh tử, vấn đề sinh tử chính là đạo tràng. Đạo tràng tại mỗi một khi bạn gặp khó xử, đạo tràng ngay nơi mỗi khi bạn gặp vướng mắc hay bị vướng kẹt lại. Tu hành cần phải từ trong đó tiến hành.
Chớ đừng gạt bỏ vấn đề của hôn nhân, vấn đề của chồng, vấn đề của đồng nghiệp, vấn đề của buồn chán, vấn đề của tiền, vấn đề của sinh tử, rồi một mực nhất nhất mà chạy tới chùa triền, thiền đường, núi rừng, hoặc những địa phương của người tu hành, đi huyền đàm đạo khứ (đàm luận những huyền diệu huyền cơ về đạo trong quá khứ), đi đến những chốn u minh tưởng nhớ Bồ Tát, tưởng nhớ Phật, đi niệm A Di Đà Phật hoặc Chú đại bi, …. Đều không có tác dụng. Đạo tràng của bạn đã chọn sai rồi, thì là bạn đang tại ngoại tu hành.
Tu hành nên cần phải ở đâu có vấn đề thì ở đó tu sửa
Ở nơi chùa triền, tại thiền đường, đại sơn lâm, ở những nơi xung quanh người tu hành toàn tâm tình tốt, không hề xuất hiện vấn đề vậy thì tu có hữu dụng gì?
Tu hành cũng không phải là hiển thị bản ngã của bản thân bạn hướng tới người khác, kiểu như: “nhìn xem tôi tu hành tốt làm sao” “tôi là một người tu hành”. Tu hành là hiển thị cuộc sống hướng vào chính bản thân bạn, kiểu như: khó cũng không quật ngã được tôi, “xem, vấn đề này dù khó cũng không cản được tôi”, “nó không thành vấn đề”, “cái gì cũng không thể mang đến vấn đề rắc rối hoặc phiền não cho tôi”, “cho dù chúng tồn tại xảy ra ở đó cũng chỉ có thể mang đến cho tôi những tốt đẹp và hoan hỉ”.
Tác giả: Theo Secretchina
Dịch giả: Tâm Nguyễn
August 19, 2016
Nhớ những mùa Trung Thu cũ
Tác giả bài viết: Nguyễn Hải Thảo
.
.
Tôi nhớ cách đây mấy mươi năm, lúc còn học tiểu học, cứ đến mùa Trung Thu là đám con nít chúng tôi rất mừng. Đó là dịp để chúng tôi được vui chơi, rước đèn, ca hát, phá cỗ do ba mẹ, anh chị bày cho, nhất là được tha hồ ăn bánh kẹo mà không sợ bị quở mắng là “ăn nhiều kẹo bị hư răng!”.
.
.
Đêm rằm tháng 8, khi trăng vừa lên cao, đã thấy nhiều gia đình trong xóm bày cỗ cúng trăng. Trên mâm cỗ thường bày bánh Trung Thu, trà, kẹo, mía, các loại trái cây… Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Sau khi cúng gia tiên, cúng trăng, ba mẹ tôi chia bánh trái cho con cháu, rồi cả nhà quây quần bên mâm cỗ thưởng thức bánh Trung Thu bên tách trà thơm. Bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau rước đèn, vừa ăn bánh, vừa hát vang khắp khu phố…
.
Ngày nay, thời buổi kinh tế thị trường, hình như người ta hờ hững với Trung Thu hơn. Có lẽ do việc kiếm tiền quá khó khăn nên nhiều gia đình không “mặn” đón tết Trung Thu, mặc dù các quầy hàng vẫn bày bán bánh, bán lồng đèn trước cả tháng. Bánh nướng Trung Thu nhân đậu xanh một trứng giá cũng đã 40.000 đồng/cái; còn một chiếc đèn lồng giấy xếp giá “bèo” nhất cũng 10.000 đồng, thử hỏi những hộ lao động nghèo sao không khỏi đắn đo?
.
Trẻ em bây giờ đa số mê vào quán net, mê chơi games hơn đi rước đèn. Tôi nhớ đêm Trung Thu năm ngoái, mặc dù trời quang mây tạnh, nhưng khu phố tôi ở chỉ thấy lác đác dăm ba đứa trẻ chơi đèn lồng. Bánh Trung Thu chỉ thấy xuất hiện trên bàn của những gia đình làm ăn nên ra, còn đa số những hộ nghèo hầu như ít quan tâm. Vì thế nên mới có chuyện sau rằm tháng 8, nhiều quầy bán bánh Trung Thu đã rầm rộ treo bảng “đại hạ giá” hoặc khuyến mãi “mua 1 tặng 2”!!
.
.
August 8, 2016
Đức Phật dạy 7 cách bố thí
Một người nghèo chạy đến phía trước Đức Phật vừa khóc vừa hỏi Ngài:
“Tại sao con làm việc gì cũng không thành công, đó là do duyên cớ gì ạ?”
ST
August 2, 2016
.
HÃY NẮM LẤY TAY CON
Một cậu bé nhỏ cùng người cha đi qua một chiếc cầu.
Người cha vì lo lắng cho con trai nên đã nói với con trai nhỏ của mình rằng:
– ” Con yêu, hãy nắm lấy tay cha để con không bị ngã xuống sông! “
Cậu bé trả lời:
– “Không, thưa cha. Cha hãy nắm lấy tay con!”
Người cha một chút bối rối hỏi lại: ” Có gì khác nhau đâu? “
Cậu bé đáp:
” Có sự khác nhau lớn đấy cha ạ – Vì nếu con nắm lấy tay cha và có điều gì xảy ra với con, có thể là con sẽ buông tay cha ra.
Nhưng nếu cha nắm lấy tay con, con biết chắc chắn rằng dù có điều gì xảy ra Cha sẽ không bao giờ buông tay con ra. “
– Trong bất kỳ một mối quan hệ nào, bản chất của lòng tin không phải nằm ở sự ràng buộc lời cam kết mà nằm ở mối quan hệ và sự liên kết.
– Vì vậy hãy nắm lấy tay của người yêu thương mình hơn là chờ đợi người đó nắm lấy tay mình …
July 24, 2016
Mở cửa sổ
Mở Cửa Nhìn Pháp Thân
Đời Mầu Nhiệm Không Cùng
Lòng Dặn Lòng Tỉnh Thức
Giòng Nước Tâm Trong Ngần
Buổi sáng thức dậy mở cửa sổ để nhìn cảnh vật bên ngoài. Hãy liệu chừng, cảnh vật ấy cũng chính là nội tâm của bạn! Không khí ban mai mát lạnh, sương mai có thể đang còn, và mặt trời có thể đang gửi tới cửa sổ bạn mấy tia nắng. Bạn là bạn, nhưng bạn cũng là cảnh vật ấy, bởi vì bạn có pháp thân.
Pháp thân là gì? Ban đầu pháp thân chỉ có nghĩa là giáo pháp của Bụt. Trước khi nhập diệt, Bụt nói với các môn đệ: “Chỉ có nhục thân của ta tan rã chứ pháp thân của ta vẫn ở lại với quý vị mãi mãi”. Trong truyền thống Đại Thừa, chữ pháp thân (dharmakãya) dần dần mang ý nghĩa tâm của Bụt, rồi bản thể của vạn hữu, rồi chân như. Tất cả mọi hiện tượng như: tiếng chim hót, tia nắng ấm, đám mây trắng, cành trúc xanh… đều là biểu hiện của pháp Thân. Hóa thân Bụt (narmanakãya) cũng là một biểu hiện của pháp Thân. Đó là cuộc đời của Thích Ca Mâu Ni.
Bạn cũng là một biểu hiện của pháp thân. Vì vậy bạn cũng cùng một bản chất với mọi nhiệm mầu trong vũ trụ.
Mở cửa sổ mà nhìn được vào pháp thân thì bạn sẽ thấy đời mầu nhiệm vô cùng. Bạn muốn duy trì cái thấy ấy để ngày hôm nay của bạn được đẹp đẽ và an lạc, cho nên bạn tự dặn nên để lòng tỉnh thức. Sống được suốt ngày trong chánh niệm, trong tỉnh thức thì tâm bạn là một dòng nước trong không vương vấn phiền não.
Nguồn: Làng Mai
July 17, 2016
“Chỉ là một bát cơm thôi!”
Một ngày nọ, có hai người ở tại nơi làm việc cảm thấy không hài lòng nên quyết định cùng nhau đi tới một ngôi chùa tìm một vị đại sư xin giúp đỡ.
Khi gặp được vị đại sư, một trong hai người nói: “Thưa đại sư, chúng con ở phòng làm việc hay bị ức hiếp, quá thống khổ, cầu xin ngài chỉ bảo, chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?”
Vị đại sư từ từ khẽ nhắm hai mắt lại, giống như đang trầm ngâm, sau nửa ngày, vị đại sư cuối cùng cũng mở lời, nhưng lại chỉ nói đúng 5 từ: “Bất quá nhất oản phạn” (Tạm dịch: “Chẳng qua chỉ là một bát cơm”). Sau đó, vị đại sư liền phất phất tay, ý bảo hai người rời đi.
Sau khi hai người trở lại công ty, một người trong đó lập tức nộp đơn xin nghỉ việc, quyết định trở về quê hương làm ruộng, người còn lại tiếp tục ở lại công ty.
Thoáng một cái đã mười năm trôi qua, người trở về quê hương làm ruộng, luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm từ những người nông dân đi trước, lấy môi trường thân thiện làm phương thức kinh doanh, kết quả của sự cần cù cố gắng là đã trở thành một chuyên gia nông nghiệp.
Còn vị ở lại công ty thì sao? Cũng không hề thua kém, anh ta đã tự mình điều chỉnh cho phù hợp, cũng cố gắng thể hiện năng lực, nên dần dần được coi trọng, hiện giờ đã trở thành người quản lý.
Đến một ngày, hai người gặp lại nhau.
Vị chuyên gia nông nghiệp nói: “Thật là kỳ lạ, đại sư nói cho chúng ta biết ‘Bất quá nhất oản phạn’, năm chữ này tôi nghe xong liền hiểu ngay, chẳng qua cũng chỉ vì một bát cơm thôi, sao phải miễn cưỡng ở lại công ty mà không rời đi? Cho nên tôi đã xin nghỉ việc ngay.”
Sau đó, anh ta hỏi người quản lý: “Tại sao khi đó anh lại không nghe theo lời nói của đại sư vậy?”
Người quản lý vừa cười vừa nói: “Tôi nghe xong đại sư nói “bất quá một bát cơm”, nên mỗi khi phải chịu nhiều sự khinh bỉ, chịu nhiều rắc rối, tôi chỉ cần nghĩ: ‘Cùng lắm cũng chỉ là để kiếm miếng cơm ăn’, cho nên dù ông chủ nói bất kể điều gì khó chịu, chỉ cần mình bớt hờn giận, bớt so đo là được rồi. Đại sư không phải là có ý này sao?”
Một ngày khác, họ lại đến thăm đại sư, dĩ nhiên, vị đại sư đã dần dần già đi rồi, ông ngồi trước mặt hai người và vẫn từ từ nhắm mắt lại, sau một ngày trôi qua, ông cũng chỉ nói ra năm từ: “Bất quá nhất niệm gian”(Tạm dịch: “Chẳng qua chỉ là sai khác ở một niệm”), sau đó lại một lần nữa phất phất tay.
Hai người bèn nhìn nhau cười, dường như trong lòng đã hiểu rõ.
(Mai Trà biên dịch)
Nguồn: TrungTamHoTong
June 28 – 2016
TẠI SAO TÔI LẠC QUAN VỀ TƯƠNG LAI THẾ GIỚI
Đức Đạt Lai Lạt Ma
Nguyên Giác chuyển ngữ
LGT: Sau đây là bản dịch bài viết “Why I’m hopeful about the world’s future” của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên nhật báo Washington Post ngày 13-6-2016. Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14, Tenzin Gyatso, là vị lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Từ năm 1959, ngài sống lưu vong ở Dharamsala, miền Bắc Ấn Độ.
oOo
Gần 6 thập niên trôi qua kể từ khi tôi rời quê nhà Tây Tạng và trở thành người tỵ nạn. Nhờ vào từ tâm của chính phủ và dân tộc Ấn Độ, người Tây Tạng chúng tôi tìm được quê hương thứ nhì, nơi chúng tôi có thể sống trong phẩm cách và tự do, có thể duy trì truyền thống Phật giáo, văn hóa và ngôn ngữ chúng tôi.
Thế hệ chúng tôi đã chứng kiến quá nhiều bạo lực – một số sử gia ước tính rằng có hơn 200 triệu người bị giết trong các trận xung đột ở thế kỷ 20.
Hôm nay, chưa thấy viễn ảnh kết thúc bạo lực kinh hoàng ở Trung Đông, nơi như trong hồ sơ Syria đã dẫn tới khủng hoảng tỵ nạn lớn nhất trong một thế hệ. Các vụ khủng bố tấn công kinh hoàng – như chúng ta mới được nhắc một cách buồn bã hồi cuối tuần qua – đã gây nỗi sợ sâu thẳm. Trong khi dễ dàng cảm nhận sự tuyệt vọng và vô vọng, vẫn cần thiết hơn rằng trong những năm đầu của thế kỷ 21 giữ tâm thực tế và lạc quan.
Có nhiều lý do để chúng ta hy vọng. Sự công nhận quyền con người có tính phổ quát, kể cả quyền tự quyết, đã lan rộng vượt qua mọi thứ có thể được hình dung hồi một thế kỷ trứơc. Ngày càng có đồng thuận quốc tế về ủng hộ bình đẳng nam nữ và tôn trọng phụ nữ. Một cách đặc biệt là trong thế hệ trẻ, đã có sự bác bỏ rộng rãi đối với chiến tranh như một phương tiện giải quyết vấn đề. Khắp thế giới, nhiều người đang làm những việc làm giá trị để ngăn cản khủng bố, công nhận những chiều sâu của ngộ nhận và ý tưởng chia rẽ cực kỳ nguy hiểm về “chúng ta” và “họ.” Tình hình cắt giảm nhiều trong các kho vũ khí nguyên tử trên thế giới có nghĩa là đang định ra thời biểu để giảm nhiều hơn, và tận cùng sẽ xóa bỏ vũ khí nguyên tử — một cảm nhận mà Tổng Thống Obama mới đây lập lại ở Hiroshima, Nhật Bản — không còn đơn giản là một giấc mơ.
Khái niệm về chiến thắng tuyệt đối cho một phía và thảm bại hoàn toàn cho phía kia đã rất mực lỗi thời; trong một số trường hợp, sau cuộc chiến, đau khổ khởi dậy từ một tình trạng không thể mô tả như là chiến tranh hay hòa bình. Bạo lực tất yếu dẫn thêm bạo lực. Thực sự, lịch sử cho thấy sự đề kháng bất bạo động dẫn tới các nền dân chủ hòa bình và bền vững hơn, và thành công hơn là chiến đấu bạo lực, khi lật đổ các chế độ toàn trị.
Sẽ không đủ, khi đơn giản cầu nguyện. Đã có giải pháp cho nhiều vấn đề chúng ta đối diện; cơ chế mới để đối thoại cần dựng lập ra, cùng với các hệ thống giáo dục để sinh khởi các giá trị đạo đức. Những việc như thế phải được đặt làm nền tảng trong viễn ảnh rằng chúng ta tất cả đều thuộc vào một gia đinh nhân loại và rằng chung sức chúng ta có thể giải quyết các thách thức toàn cầu.
Điểm khích lệ rằng chúng ta đã thấy nhiều người bình thường trên khắp thế giới bày tỏ lòng từ bi rộng lớn đối với thảm cảnh người tỵ nạn, từ những người đã cứu họ ra khỏi biển sóng, tới những người đón nhận họ vào và cung cấp tình thân hữu và sự hỗ trợ. Bản thân tôi là một người tỵ nạn, tôi cảm nhận thương cảm mạnh mẽ cho hoàn cảnh của họ, và khi chúng ta thấy nỗi khổ của họ, chúng ta nên làm mọi thứ có thể để giúp họ. Tôi cũng có thể hiểu nỗi sợ của những người trong các quốc gia tiếp nhận, những người có thể cảm thấy bị tràn ngập. Kết hợp của những hoàn cảnh đã gợi sự chú ý tới tầm quan trọng chủ yếu của hành động tập thể về hướng hồi phục hòa bình chân thực cho các vùng đất nơi những người tỵ nạn này đang bỏ chạy.
Người tỵ nạn Tây Tạng đã kinh nghiệm trực tiếp khi trải qua các hoàn cảnh như thế, và mặc dù chúng tôi chưa có thể về lại quê hương, chúng tôi mang ơn sự hỗ trợ nhân đạo mà chúng tôi nhận được trải qua các thập niên từ bạn hữu, kể cả từ dân tộc Hoa Kỳ.
Một nguồn hy vọng thêm nữa là sự hợp tác chân thực giữa các nước trên thế giới về mục tiêu chung được nhìn thấy trong hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Khi sự hâm nóng địa cầu đe dọa sức khỏe hành tinh, nơi ngôi nhà duy nhất của chúng ta, chỉ bằng cách cứu xét lợi ích toàn cầu lớn hơn, rồi mới đạt được các lợi ích địa phương và quốc gia.
Bản thân tôi có liên hệ vấn đề này, bởi vì Tây Tạng là bình nguyên cao nhất thế giới, và là tâm điểm của biến đổi khí hậu toàn cầu, hâm nóng nhanh gấp ba lần phần còn lại của thế giới. Đây là nơi cất giữ lớn nhất nguồn nước ngoài hai cực đụa cầu và nguồn của hệ thống sông lan rộng nhất của địa cầu, quan trọng đối với 10 quốc gia có mật độ đông dân nhất thế giới.
Để tìm giải pháp cho khủng hoảng môi trường và các cuộc chiến bạo lực chúng ta gặp trong thế kỷ 21, chúng ta cần tìm câu trả lời mới. Cho dù tôi là một nhà sư Phật giáo, tôi tin rằng các giải pháp này vượt ngoài tôn giáo, trong việc quảng bá khái niệm tôi gọi là đạo đức thế gian. Đây là một phương pháp tự giáo dục chúng ta dựa vào các khám phá khoa học, vào kinh nghiệm chung và vào cảm nhận đời thường – một phương pháp phổ quát hơn để đề cao giá trị nhân loại chung của chúng ta.
Trong hơn ba thập niên, những cuộc thảo luận của tôi với các khoa học gia, nhà giáo và nhân viên xã hội từ khắp thế giới đã hiển lộ quan tâm chung. Do vậy, chúng tôi đã dựng lên một hệ thống dẫn tới nền giáo dục cho tâm hồn, nhưng là một nền giáo dục dựa vào nghiên cứu về sự vận hành của tâm và cảm thọ, xuyên qua các học bổng và các nghiên cứu khoa học, hơn là [dựa vào] thực tập tôn giáo. Bởi vì chúng ta cần các nguyên tắc đạo đức – từ bi, tôn trọng người khác, tử tế, nhận trách nhiệm – trong mọi lĩnh vực của hoạt động nhân loại, chúng ta đang làm việc để giúp các trường học và các đại học tạo ra cơ hội cho giới trẻ tự ý thức hơn, để học cách đối trị các cảm thọ bất thiện và vun trồng kỹ năng xã hội. Chương trình học đó đang đưa vào học trình nhiều trường ở Bắc Mỹ và Châu Âu – tôi có tham dự với việc này ở Emory University về một học trình mới về nền đạo đức thế gian, và đang được đưa vào nhiều trường ở Ấn Độ và Hoa Kỳ.
Trách nhiệm chung của chúng ta là phải bảo đảm rằng thế kỷ 21 không lập lại các nỗi đau và các trận thảm sát của quá khứ. Bởi vì bản chất con người là từ bi trong căn bản, tôi tin có thể sẽ hiển lộ ra trong các thập niên tới là một kỷ nguyên hòa bình – nhưng chúng ta phải làm việc chung nhau, trong cương vị các công dân thế giới của một hành tinh chung nhau.
Nguồn: thuvienhoasen
June 26 – 2016
TÂM AN TRONG NGHỊCH CẢNH
LÀ CHÌA KHÓA CỦA HẠNH PHÚC
Nguyễn Thượng Chánh, DVM
Phỏng dịch từ bài giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Hindustan Times Leadership Summit on the art of happiness, New Delhi, Nov 19, 2010: Calm mind is key to happiness:Dalai Lama
.
Khi đề cập đến hạnh phúc trong nghịch cảnh (Happiness in troubled times) Đức Đạt Lai Lạt Ma nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải nghĩ đến hai loại khổ đau: khổ đau về thể chất và khổ đau về tinh thần.
Ngày nay, nhờ vào các tiến bộ vượt bực về khoa học và kỹ thuật nên khổ đau thể chất đã giảm đi nhiều trong đời sống nhưng trái lại khổ đau về mặt tinh thần vẫn còn tồn tại. Chính loại khổ đau nầy là cội nguồn của các nỗi bất hạnh của con người.
Mức độ khổ đau về tinh thần hay stress phát xuất từ bối cảnh cạnh tranh trong đời sống mà ra và chúng rất nổi bật tại các thành phố lớn như Kolkata và New Delhi. Ngược lại, tại vùng nông thôn thì khổ đau về thể chất rất nhiều nhưng khổ đau về tinh thần thì lại ít thấy hơn.
Cốt lõi thông điệp của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Darbar Hall of the Taj Palace Hotel, New Delhi là chúng ta nên tìm hạnh phúc và lòng từ bi (compassion) từ bên trong. Nhắc lại lời nói của nhà Phật học của thế kỷ thứ VIII là Shantideva, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã phát biểu như sau: “ Anh không thể nào dùng da để bọc hết tất cả các gai nhọn mọc trên thế giới được, nhưng da chỉ đủ để bọc hai bàn chân của anh lại mà thôi. Cùng một ý như thế, bằng cách kiềm chế lòng tức giận của mình, anh có thể khuất phục được tất cả kẻ thù”.
Dẫn chứng câu chuyện một nhà sư Tây Tạng đã phải chịu đựng 19 năm tù đày khổ sai trong ngục tù gulag Trung cộng , Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói “Khi nhà sư đó đến được Ấn Độ và kể lại rằng người rất sợ lúc bị tù đày. Có phải lo sợ cho mạng sống hay không? Sư trả lời là không, điều lo sợ chính yếu là tôi có thể đánh mất lòng từ bi compassion đối với người dân Trung Quốc. Đó là một cách suy nghĩ của người Tây Tạng”.
Niệm kinh giúp người Phật tử đi trong con đường từ bi. Đối với những người không phải là tín đồ, thường chiếm đa số trên thế giới ngày nay “phương cách thế tục để có lòng nhiệt tình” phải được thông qua từ nội quán và từ kinh nghiệm sống.
Prayers help believers to stay on the path of compassion. For non-believers, which he reckoned made up the majority of the worl’s population today, “ the secular way to warm-heartedness” must come through introinspection and lived experiences, he said.
Chủ bút báo Hindustan Times có hỏi Đức Đạt Lai Lạt là làm thế nào để có thể đề cập được sự đánh mất lòng tin nơi tôn giáo của lớp người trẻ tuổi.
Ngài đã trả lời như sau “Thế giới của chúng tôi thuộc về thế kỷ thứ 20. Một thế kỷ đầy bạo lực với hơn 200 triệu người bị giết chết. Thế kỷ hiện tại là một thế kỷ mới. Nó có đượm màu bạo lực hay không còn tùy thuộc vào tầng lớp trẻ hiện nay. Có thể đây sẽ là một thế giới tốt đẹp, nếu giới trẻ chịu xa lánh tính đạo đức giả và những gì nhân tạo của thế hệ trước. Bằng cách đó tài sản nội tại (inner wealth) của họ sẽ được giàu lên thêm.”
Suhel Seth, đồng sáng lập viên Công ty quảng cáo Equus hỏi Đức Đạt Lai Lạt Ma về “kế hoạch kế thừa succession planning”
Về câu hỏi nầy, Đức Đạt Lai Lạt Ma phá lên cười và trả lời như sau “Đây không phải là một câu hỏi thật sự quan trọng đối với tôi. Nhưng người Trung quốc xem vấn đề đó như là một biến cố vô cùng nghiêm trọng vậy…Người dân Tây Tạng phải tự quyết định lấy.
Nếu tôi qua đời trong vài ngày tới, người ta vẫn có thể tiếp tục điều hành tổ chức của Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng nếu tôi chết trong 20, 30 năm nữa thì ai mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra”.
Nguồn: thuvienhoasen
June 2 – 2016
Tình cha
Một câu chuyện thật về tình yêu thương, niềm tin và hy vọng
Trên đời, những câu chuyện cảm động về tình mẹ có rất nhiều và bàng bạc trong văn chương. Tình mẹ cao thượng hy sinh tất cả cho con là điều không thể chối cãi. Nhưng hiếm khi chúng ta thấy những câu chuyện cảm động nói về tình cha… Và sau đây, xin chia sẻ đến các bạn, một câu chuyện có thật về tình cha, thật là cảm động… Một tình phụ tử thật cao quý hiếm có trên đời nầy…
Và đúng vậy, người cha với tên gọi là Dick Hoyt đáng được tôn vinh là một người cha vĩ đại. Nếu ai đã trải qua cảm giác phải chăm sóc một người tật nguyền lâu năm, ắt sẽ thấy rằng không có một tình yêu nào có thể lớn hơn tình yêu của ông bố Hoyt với cậu con trai chưa sinh ra đời đã bị chẩn đoán mắc bệnh bại não (cerebral palsy), một loại bệnh tĩnh với các tổn thương não đã định hình khó có thể thay đổi.
Khởi đi từ bất hạnh
Năm 1962, Dick Holt đau xót nhìn đứa con trai chào đời trong tình trạng bị dây rốn quấn cổ và được chẩn đoán liệt não, sẽ phải sống như thực vật cả đời. Vì tình trạng đó, các bác sĩ khuyên vợ chồng Dick và Judy nên đưa con vào một trung tâm bảo trợ xã hội đặc biệt. Tuy nhiên, với lòng thương con vô bờ, Holt cha từ chối lời khuyên đó. Người cha trẻ mới 22 tuổi để ý thấy đôi mắt của Rick, tên đứa con, biết hướng mắt nhìn theo ông khi ông di chuyển quanh phòng. Vì vậy Dick hy vọng và tin tưởng rằng Rick vẫn có thể suy nghĩ và nhận thức được mọi sự việc xảy ra chung quanh.
Thế rồi vợ chồng Dick tìm đủ mọi cách để giúp đứa con tham dự vào mọi sinh hoạt của gia đình. Khi làm bất cứ điều gì, họ cũng tâm niệm rằng Rick đang dõi theo và cố gắng nhận biết tất cả mọi việc, như bất cứ một đứa trẻ nào khác. Đôi vợ chồng nuôi dưỡng niềm tin một ngày con họ có thể giao tiếp được trong một chừng mực nào đó.
Họ đưa con đến những trung tâm phục hồi chức năng, đến cầu cạnh những nhà nghiên cứu y khoa, cho con tham gia vào tất cả các hoạt động gia đình, vui chơi trong vườn, giúp con tận hưởng niềm vui được bơi dưới nước mà đứa trẻ nào cũng khao khát hoặc đưa Rick đi cùng trong các kỳ nghỉ của gia đình Nói cách khác, cặp vợ chồng trẻ Dick và Judy đối xử với Rick như đối xử với một đứa trẻ bình thường. Để làm được điều đó, họ phải hy sinh hầu như tất cả những thú vui trong đời, dành hết thì giờ bên Rick, tìm hiểu Rick và tiếp tục nuôi hy vọng.
Các bác sĩ, dù đã cố thuyết phục bố mẹ Rick rằng họ chẳng có chút hy vọng nào, dù có cố gắng đến đâu. Tuy nhiên, năm 11 tuổi, trong nỗ lực không thể tả được bằng lời, cha mẹ Rick đã thuyết phục các nhà khoa học Trường Đại học Tuft, bang Massachusetts kể cho Rick nghe một câu chuyện hài. Trước sự ngạc nhiên của họ, Rick đã cười. Các nhà khoa học thừa nhận rằng họ đã lầm, Rick vẫn nhận biết được thế giới sinh động quanh cậu và cậu rất muốn được tham gia và khám phá thế giới ấy.
Cuối cùng, người ta làm riêng cho Rick một chiếc máy tính đặc biệt, có thiết bị gắn vào đầu Rick, bộ phận duy nhất trên người cậu có thể cử động được đôi chút. Thiết bị này giúp Rick mã hóa những điều não cậu muốn nói và chuyển thành âm thanh điện tử. Điều đầu tiên mà cậu bé Rick nói với bố mẹ là một môn thể thao. Bậc phụ huynh đáng kính ấy giờ đây biết thêm một điều, niềm đam mê của con trai họ là thể thao.
Khi chiếc máy mang tên Hi vọng được gắn vào đầu Rick, cậu đồng thời được chấp nhận đến trường học. Cũng trong thời gian này, cậu bé bộc lộ niềm đam mê với môn điền kinh. Năm 1977, khi trường cậu bé có chương trình chạy marathon để quyên góp cho một học sinh bị tai nạn xe hơi, Rick đã nói với bố rằng: “Bố ơi, con muốn chạy để quyên tiền cho bạn ấy!” Một nguồn tin khác cho biết Rick đã nảy ra cảm hứng muốn tham dự vào các cuộc chạy thể thao sau khi xem một bài báo. Dick, một trung tá thuộc Lực Lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ, sửng sốt trước ý muốn bất ngờ hầu như không tưởng của đứa con 16 tuổi. Lòng ngập tràn vui mừng lẫn lo âu, người cha ôm con nói: “Được rồi con. Chúng ta sẽ chạy thi.” Thế rồi người cha 37 tuổi mà trước đó chưa hề chạy marathon bao giờ phải khổ luyện tập dợt để sẽ đẩy con chạy.
Thể hiện tình cha
Dick bắt đầu tập luyện chạy mỗi ngày với một bao xi măng đặt trong chiếc xe lăn thay cho trọng lượng của Rick vì Rick bận học ở trường. Dick đã có thể cải thiện sức khỏe của mình rất nhiều mà ngay cả khi đẩy con, ông đã có thể tạo được một kỹ lục cá nhân là 5km trong 17 phút.
Sau khi hai cha con kết thúc cuộc đua đầu tiên dài năm dặm, Rick mừng rỡ nói: “Thưa cha, khi chúng ta đang chạy, con cảm thấy như con không còn tật nguyền nữa.” Dù đang mệt muốn kiệt sức, Dick sung sướng rưng rưng nước mắt trước niềm vui của con.
Từ đó, vì niềm đam mê điền kinh và thể thao nói chung của đứa con tật nguyền, Dick cho con mượn thân xác để tham gia vào những cuộc thi triền miên được tổ chức tại nhiều nơi suốt năm trong và ngoài nước Mỹ với danh hiệu tham dự viên là “Team Holt”.
.
Năm 1984, Dick trở thành một vận động viên điền kinh nổi tiếng và được mời tham dự các cuộc thi ba môn phối hợp (bơi, đạp xe, chạy bộ). Đó vốn là cuộc thi dành cho những người có sức khỏe tốt và dẻo dai. Ban tổ chức muốn Dick tham gia và chỉ mình ông mà thôi, không có Rick. Ông từ chối. Năm kế tiếp, họ lại đưa ra lời mời tương tự, nhưng một lần nữa ông lại từ chối nếu không có con trai của mình cùng tham gia.
Dick nói với các nhà tổ chức, “Rick chính là lý do tôi tham gia các cuộc thi này; tôi không muốn thi đấu một mình. Rick là động lực thúc đẩy tôi. Hơn nữa, nếu không có Rick, tôi không biết phải làm gì với hai cánh tay của mình”. Sau khi miệt mài thiết kế cho con những phương tiện an toàn như ban tổ chức yêu cầu, đội Hoyt được tham gia và về đích trong số 50% những người về đầu.
Sau khi hoàn tất cuộc đua Boston Marathonlần thứ 15, cuộc đua mà họ đã bị từ chối vào năm 1981 khi lần đầu tiên đăng ký tham gia, họ đã được tôn vinh như những Anh hùng của nước Mỹ nhân kỷ niệm lần thứ 100 môn marathon.
Năm 2003, Dick bị một cơn trụy tim, tuy nhiên, bác sĩ cho biết chính tình trạng sức khỏe tốt nhờ tham gia thể thao thường xuyên đã cứu sống ông. Sau khi hồi phục, hai cha con Dick và Rick lại tiếp tục những cuộc đua mới. Dick vẫn khăng khăng rằng chính con trai mình mới là vận động viên điền kinh, chứ không phải ông. Dick nói: “Tôi không biết phải giải thích thế nào, nhưng mỗi khi đứng đằng sau chiếc xe lăn của con trai, tôi cảm thấy lâng lâng khó tả. Rick là cỗ máy hoạt động của cả hai chúng tôi. Tôi cho Rick mượn thân thể mình, nhưng chính tinh thần của Rick mới là động lực thúc đẩy chúng tôi tiến về phía trước”.
Thành tích 36 năm kiên trì
Mặc dù người ta nhìn thấy Dick và Rick Hoyt trên trường đua nhiều lần, nhưng không lần nào khán giả ngừng ngưỡng phục người cha đáng kính vừa chạy vừa đẩy con mình đang ngồi trong xe lăn, gò lưng đạp xe kéo theo một chiếc xe lăn lên dốc xuống đồi, hay vừa bơi vừa kéo đứa con tật nguyền.
Rick cũng đã chứng tỏ mình hơn cả một vận động viên “đặc biệt” khi lấy xong bằng tốt nghiệp Đại học Boston và trở thành người khuyết tật bại não đầu tiên tốt nghiệp đại học. Rick làm việc tại phòng thí nghiệm máy tính của trường, nơi anh có thể hỗ trợ phát triển một hệ thống giúp những người khuyết tật có thể giao tiếp thông qua các cử động của đôi mắt. Rick nói: “Tôi đã chứng minh cho những người khuyết tật thấy rằng họ không nhất thiết phải suốt đời ngồi yên một chỗ và nhìn cuộc sống trôi qua trước mắt. Họ cũng có thể tới trường, có việc làm và tham gia vào các hoạt động hàng ngày trong xã hội”.
Tính đến hết năm 2009, Team Holt đã tham gia cả thảy 1.009 cuộc thi, trong đó có đủ các môn, từ marathon đến ba môn phối hợp và thậm chí cuộc chạy bộ vòng quanh nước Mỹ. Đội Holt luôn về đến đích trong các cuộc đua, có khi bỏ lại phía sau hơn một nửa số vận động viên khác và đôi lần về nhất.
Đội Hoyt được tôn vinh tên tuổi vào Viện Người Thép Danh Tiếng (Ionman Hall of Fame) vào năm 2008.
Tính đến tháng Tư năm 2013, hai cha con Hoyt đã tham dự tổng cộng 1,077 cuộc chạy gay go đòi hỏi sức chịu đựng bền bỉ, trong số đó gồm có 70 cuộc đua chạy việt dã (marathon) và sáu cuộc đua tam hợp Người Thép (Ionman triathlon). Họ đã tham dự cả thảy 30 lần trong giải Boston Marathon. Ngoài ra, để bổ sung vào danh sách những thành tựu của họ, năm 1992 cha con Dick và Rick đạp xe và chạy vòng quanh nước Mỹ, hoàn thành khoảng đường dài 3,735 dặm (6,011 km) trong 45 ngày.
Khi dự thi ba bộ môn thể thao phối hợp triathlon, Dick bơi với giây cột quanh eo để kéo Rick nằm trên một xuồng phao. Qua phần đua xe đạp, Rick ngồi phiá trước một chiếc xe đạp dọc được thiết kế đặc biệt. Đối với phần chạy bộ, Dick đẩy Rick ngồi trên xe lăn.
Năm nay 2013, Dick đã là một người già 73 tuổi và Rick đã 51 tuổi nhưng mãi mãi vẫn là một đứa con tật nguyền. Mỗi lần chuyển đổi giữa các bộ môn thi từ bơi sang đạp xe đạp, từ đạp xe đạp đổi qua chạy bộ, người cha già phải thao tác thật nhanh tự tay bồng con đặt vào ghế, nai nịch an toàn, xong tiếp tục cuộc thi.
.
Ngày nay, hai cha con Holt – hay nói cho đúng hơn là người cha Dick Holt đã già – mỗi năm dự đua ít hơn và dành thì giờ cho các cuộc nói chuyện trước công chúng nhiều hơn. Thuở bắt đầu sự nghiệp thể thao, họ tham gia 50 cuộc đua mỗi năm nhưng bây giờ chỉ nhắm mục tiêu tham dự còn khoảng phân nửa số lượng đó mỗi năm mà thôi. Holt cha cho biết chưa có ý định hoàn toàn rút lui các cuộc thi.
Ngày 08 tháng Tư năm 2013, một bức tượng đồng vinh danh cha con Hoyt đã được khánh thành gần khởi điểm của cuộc chạy đua Boston Marathon tại Hopkinton, Massachusetts.
Do vụ khủng bố đặt bom nổ ngày 15 tháng Tư, Đội Hoyt chưa kịp hoàn tất cuộc chạy đua Boston Marathon năm 2013. Lúc vụ nổ xảy ra, họ còn cách lằn mức đích khoảng một dặm và đã bị giới hữu trách cuộc đua chặn lại cùng với hàng ngàn vận động viên khác. Họ an toàn và được một người lái xe SUV ngang qua chở họ đến khách sạn Sheraton tạm trú.
Kết luận
Tình yêu vị tha thực sự giúp con người có được sức mạnh để làm những điều không tưởng. Sở dĩ ông Dick Hoyt có đủ kiên nhẫn và nghị lực trải qua tất cả những cuộc đua đầy thử thách là vì ông đã tìm thấy mục đích cao cả trong đời là đem lại niềm vui và hạnh phúc của con trai ông. Ông không muốn để cho con mình bị xem là người thừa trong xã hội. Ông muốn cho con tham gia vào các hoạt động xã hội để giúp con cảm thấy hạnh phúc. Vì lẽ đó, ông đã luôn cố gắng hơn bao giờ hết.
“Nếu trong tim ta có một tình yêu vô điều kiện, ta có thể tìm thấy cho mình một nguồn năng lượng to lớn để thực hiện những điều không tưởng. Ta có thể vượt qua những giới hạn của bản thân và chuyển hóa mọi giới hạn đó thành điều kỳ diệu.”
Khẩu hiệu của Đội Hoyt đó là “bạn có thế” và họ chính là minh chứng sống khẳng định bạn có thể khi bạn quyết định làm. Thông điệp của đội Hoyt đã làm rung động mọi người.
Dù có mang trên người những khiếm khuyết về mặt thể chất hay không đi chăng nữa, chúng ta có thể học được rất nhiều từ câu chuyện của họ, hãy cho ước mơ của chúng ta một hy vọng, một cơ hội thứ hai để sống mặc cho tuổi tác có như thế nào đi chăng nữa, và hãy nhìn thế giới một cách rộng mở hơn. Câu chuyện của Rick và Dick cũng khiến cho chúng ta phải suy nghĩ lại về những gì chúng ta cho rằng “không thể” cho tới giờ và hãy thử cố gắng hết sức một lần nữa xem.
Tóm tắt về thành quả giúp con vượt lên trên số phận, Dick Holt nói: “Tôi yêu gia đình và chỉ muốn trở thành một người cha tốt nhất trong khả năng của tôi. Chỉ cần có được niềm vui khi ở bên cạnh con, được tận hưởng những giây phút đó, chúng tôi sẽ tiếp tục vượt qua được những khó khăn trở ngại phía trước”.
Cám ơn Cha, cám ơn đã cho con cuộc sống…
Qua 36 năm dài sống cho con và hy sinh cho con, ông quả xứng đáng là một trong những người cha tốt nhất thế giới.
(Nguồn: Cuộc sống, Tình yêu và Tiếng cười)
May 15, 2016
Những giọt yêu thương
Chân Pháp Đăng
Hiện giờ có nhiều dòng sông trên thế giới đang bị ô nhiễm trầm trọng do con người thải vào sông quá nhiều chất độc, hóa học, giầu mở, rác rến, nhất là các nước chậm tiến với đa số người dân không có trách nhiệm. Nước bị ô nhiễm thì các loài thủy tộc sống trong đó cũng bị bệnh, vì thế khi con người ăn các loài ấy thì con người cũng bệnh. Lấy nước trong dòng sông ô nhiễm ấy để tưới vườn rau cải thì rau cải mang theo các chất độc hóa học, vì thế con người cũng bệnh.
Bạn trẻ thân mến!
Trong lúc uống trà sáng nay, mình cảm thấy thương bạn trẻ. Sống sâu sắc từng giây từng phút trên đời này có mấy người làm được đâu! Đa số bạn trẻ dễ bị lôi theo thói quen lăng xăng, lật đật, lo lắng, lãng quên.
Hôm qua thứ Bảy, tu viện thật vắng người! Tất cả thiền sinh đã trở về với đời sống của họ, nhưng vẫn có một số bạn trẻ tới thăm tu viện, có ba bạn người Việt, một bạn người Tây Phương. Mình tiếp đón các bạn trẻ, mời họ đi thăm con đường thiền hành chạy quanh cánh rừng. Đi chưa được bao lâu, họ đã muốn trở về tu viện. Cả bốn bạn trẻ này nằm dài trong thiền đường. Họ nói rằng:
– Thầy hướng dẫn buông thư cho bọn con đi! Please help us relax!
Sẵn có tình thương cho bạn trẻ, mình hướng dẫn sơ về thiền buông thư và mở nhạc thiền tiếng Anh cho các bạn này nghỉ ngơi. Có lẽ, các bạn trẻ này thiếu nghỉ ngơi, cuộc sống đã làm cho họ mệt nhoài, căng thẳng, hết năng lượng… Cuộc sống của các bạn này là một cuộc chạy loanh quanh, là một chuyến đi tìm hạnh phúc vô định và họ không biết cách trở về tìm lại chính mình. Tội nghiệp cho họ quá!
Lang thích câu hát của anh Trinh Công Sơn:
“Về đâu cuối ngõ
Về đâu cuối trời
Xa xăm tôi ngồi
Tôi tìm lại tôi.”
Mình tạm dịch tiếng Anh cho các bạn trẻ này.
“Where am I going to the end of the road?
Where am I going to the end of the horizon?
In the vastness, I just sit
So that I can look for myself.”
Trong lúc các bạn trẻ buông thư, Lang xuống bếp nấu nước sôi làm mì gói. Khoảng 20 phút sau, Lang mời các bạn thức dậy ăn mì. Vừa ăn xong tô mì thì có thêm hai người bạn khác đến tu viện và đồng một cái họ kéo nhau đi ngay. Có thể, các bạn này hẹn hò với nhau đi chơi đâu đó ở vùng này, luôn tiện họ ghé thăm tu viện. Họ đến rồi đi như cơn gió!
Còn lại một mình, Lang trở về với bước chân. Lang đi vào rừng theo con đường thiền hành. Con đường này thật yên tĩnh, xanh tươi, có rừng sồi, có rừng thông, có hoa lá, có ong bướm… Từng bước, Lang an trú trên bước chân, cảm nhận lòng đất và thấy tâm hồn vui vui. Vui vì tu viện là nơi cho mọi người trở về khi mệt mỏi. Về đây ai cũng có cảm giác trở về nhà, về cõi bình an và Lang có cơ hội chăm sóc cho mỗi người. Vui là Lang có thể đi từng bước thảnh thơi.
Lang thực tập tìm lại mình trong từng giây phút trên mỗi bước chân, mỗi hơi thở. Lang nghĩ không có cách nào dễ hơn. Nói như thế không phải Lang muốn ca ngợi pháp môn đâu mà có nghĩa là tu tập có nhiều pháp môn, nhưng hơi thở và bước chân dễ thực tập nhất. Đi đâu, chỗ nào, hơi thở và bước chân cũng có mặt như người bạn thân thiết.
Lang tập sống chậm lại để thở, giúp bàn chân chạm thiệt vào lòng đất, “lắng nghe nhịp đập của trái tim, lắng nghe nhịp chảy của cuộc sống”, nhìn rõ mặt thiên nhiên, hoa lá, người thân. Lang tập sống chậm để yêu thương, trân quý sự sống thêm một chút nữa. Bác sĩ bảo: “Có thể Lang không sống được bao lâu.” Lang không sợ hãi, không lo lắng! Ai mà biết được chuyện tương lai. Trái lại, Lang trân quý từng ngày, yêu từng ngọn lá, từng tia nắng, từng cụm mây. Mỗi ngày, Lang đều ngồi thiền thật nhiều lần để thưởng thức sự sống và trị liệu. Lang thích ngồi thiền buổi sáng chiều ở hiên trăng lên nơi cốc Ngồi Yên của Sư Ông. Lang thích câu nói của bạn: “Chậm lại để không hời hợt, chậm lại để nuôi chín cảm xúc, để nhận ra điều gì thực sự là cốt lõi, điều gì chỉ là thoáng qua… Chậm lại để nhìn lại. Chậm lại để… nhanh hơn.”
Nhờ chậm, Lang bắt gặp được chính mình. Bắt gặp chính mình là gặp sự sống. Bắt gặp sự sống thì còn có gì đẹp hơn nữa đâu, hởi các bạn! Bạn trở thành người tình của sự sống. Bạn trở thành người tình của thiên nhiên. Bạn có một tình yêu sâu thẳm (intimate love) với thiên nhiên và con người. Bạn yêu từng ngọn lá, từng nụ hoa, mỗi giọt nắng, từng cơn mưa, từng ánh mắt, mỗi nụ cười… Làm sao cảm giác cô đơn, trống trải có mặt trong tâm hồn của một người sống hết cả tâm hồn! Hôm trước, hoa quỳnh biểu lộ hết cả cái đẹp tinh khiết của nó, và Lang đã ngồi chơi với hoa quỳnh hết lòng từ chín giờ đêm đến hai giờ sáng. Đó là một cuộc hội ngộ nhiều cảm nhận yêu thương, trân quý. Càng mong manh, càng tươi đẹp, càng trân quý.
Hôm nay, Lang nghe Sư Ông giảng lại về kinh ‘chiếc lưới ái ân’. Ái ân là một cái lưới lớn, có thể vớt mình lên như vớt một con cá. Con cá bị mắc lưới xem như là xong một đời. Nó sẽ bị người ta nấu nướng để ăn. Người tu bị mắc lưới ái dục sẽ bị nướng trong lửa dục vọng và đam mê. Người đời tuy đã có gia đình cũng có thể bị mắc lưới ái ân như con cá bị mắc lưới. Dính vào lưới ấy là khổ đời mình mà còn làm tan nát gia đình. Chiếc lưới ái ân này không chừa ai đâu.
Bạn trẻ hãy cẩn thận nhé. Lòng ân ái, tâm dục vọng của con người không bao giờ thỏa mãn được! Tuy nhiên bạn không nên phủ nhận, đè nén, lên án năng lượng ái ân mà chỉ nhận diện, mỉm cười với nó. Hãy nhớ nguyên tắc càng xa lánh ái dục, càng khát khao nó, càng đè nén ái dục, ái dục càng mạnh mẽ hơn. Xem nó là người bạn để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc. Ái ân có thể trở thành năng lượng chăm sóc, kính trọng, yêu thương giống như bùn làm ra sen, rác thành hoa… Phương pháp là mỉm cười, gọi tên, nhận diện.
Bạn có biết không?
Thỉnh thoảng, Lang cũng nhớ mẹ, em, gia đình, bạn bè và quê hương. Có lúc nỗi nhớ thật mạnh, nhớ da diết! Làm người không thể nào không có sự nhớ thương mà Lang là con người bằng xương, bằng thịt, có con tim và có tâm hồn, vì vậy nhớ thương là chuyện dĩ nhiên. Quan trọng là gửi nỗi nhớ vào trong nắng ấm, thở với nó, cười với nó, đi chơi với nó thì nỗi nhớ sẽ sâu sắc và đời sống có ý nghĩa. Lang không muốn mình trở tảng băng lạnh lẻo, khúc gỗ khô khan… Sống không có tình cảm chán lắm. Người xuất gia hãy nhớ điều này nhé. Lang học cách chấp nhận tình cảm của mình, tập sống thật với tất cả con người của mình và không xua đuổi bất cứ một tình cảm nào, tâm tư nào, ý nghĩ nào. Vì thế, Lang cảm thấy thực sự an lành trong thân tâm.
Lang thích ngồi chơi với thiên nhiên để nghe chim ca, nhìn con sóc nhảy, ngắm hoa lá, chiêm ngưỡng rừng cây… Lang thấy rõ mình không sống lẽ loi cô độc trong khu rừng này mà đang sống chung với thiên nhiên và muôn loài.
Bạn hãy thử mở tâm hồn ra để thiên nhiên đi vào. Hãy cảm nhận sự sống với tất cả nguồn năng lượng của nó thì thế nào tâm hồn bạn sẽ ấm lên. Những giọt yêu thương sẽ tuôn chảy từ mạch tâm hồn của bạn và bạn sẽ hết cô đơn ngay. Bạn làm được mà!
Chúc bạn một ngày vui.
Lang
April 28, 2016
THIỀN- “stroke” Tự cứu mình
Cách đây vài năm, khi tôi thành lập và điều hành TRUNG TÂM Y TẾ AN BÌNH, một phòng khám bệnh miễn phí cho những ai không có bảo hiểm sức khỏe, và phải trang trải và chi tiêu rất nhiều cho chương trình này, trong khi không có sự trợ giúp nào từ phía chính phủ cả, tôi đã suýt bị “stroke” và chấm dứt cuộc đời ở đây, nếu không có Thiền.
Buổi tối hôm đó, tôi đang ngồi ở nhà, lo lắng khủng khiếp về số tiền mà mình phải chi gấp cho tiền nhà, tiền điện thoại, cũng như một số tiền linh tinh khác hầu giữ cho chương trình được tiếp tục, bất ngờ tay chân tôi tự nhiên rung giật khác thường. Mới đầu là rung nhẹ, sau giật liên hồi, không kiểm soát được nữa. Bắp thịt miệng tôi bắt đầu méo lại. Tôi hốt hoảng, cố gọi người con trai bằng một loại âm thanh đứt quãng của mình. May mắn cho tôi là anh con trai tôi vừa đi ngang qua, nhìn thấy tôi đang rung giật, vội gọi cậu em và hai anh em hốt hoảng chở tôi vào ngay bệnh viện UCI cấp cứu.
Vì từng là võ sư, tôi cố gắng “gồng” để kiềm chế không cho tay chân rung giật, nhưng cơ thể tôi đã bắt đầu bất tuân lệnh, tôi đành chấp nhận các cơn run rẩy liên tục. May mắn cho tôi là trí óc còn tỉnh táo. Trong tình hình nguy kịch ấy, tôi chợt nhớ đến Thiền!Tôi nghĩ chỉ còn phương cách này mà thôi, vì từ nhà đến bệnh viện, khiêng ra khiêng vào cũng bao nhiêu phút, có thể từ liệt đến chết. Nhớ đến điều đó, tôi bình tĩnh ngay và bắt đầu hít thở thật dài, thật sâu. Tôi nhắm mắt lại, mặc cho hai ông con trai lo bế ra xe, nổ máy và chạy đi, tôi chỉ tập trung tư tưởng, và hít thở theo Thiền. Từ từ hít vào bằng mũi, đếm thầm 1,2,3,4,5, theo dõi hơi thở mình tới bụng, ngưng lại ba giây, đếm thầm 1,2,3, rồi từ từ thở ra, cũng thật chậm theo 5 nhịp đếm. Tôi cứ làm thế, không màng đến ngoại cảnh, chỉ trừ khi bác sĩ hỏi vài câu hỏi thì trả lời, sau đó, thì mặc y tá dựng ngồi lên, đặt nằm xuống, chụp phim X-Ray tại chỗ, rồi đẩy qua MRI, rồi Siêu âm, chích nước biển… Cứ xong một việc, tôi lại nhắm mắt, hít thở. Suốt đêm như vậy, tôi không suy nghĩ gì, để cho óc não thoải mái, không tạp niệm, không run sợ, không lo âu, không phỏng đoán bất cứ điều gì. Trong óc tôi, chỉ có một tư tưởng chạy qua chạy lại: “Bình tĩnh, không nghĩ gì hết, tập trung tư tưởng hít thở. Hít vào…. Nén hơi, 1,2,3… Thở ra…Hít vào….” Và niệm: “Không sợ, không lo, không buồn, không giận. Đời người như chiếc lá trên sông. Sống ở, thác về.”
Cứ thế, tôi dần dần đi vào giấc ngủ nhẹ nhàng. Đến nửa đêm tỉnh giấc, tôi lại tiếp tục hít thở.. Hít vào… thở ra… trong khi tay chân vẫn để xuôi thẳng theo thân người. Rồi lại ngủ. Đến sáng hôm sau, khoảng 11 giờ, thì bác sĩ trực đến, cho tôi biết là chẳng có gì quan trọng cả, chỉ là một cơn “stroke” nhẹ, đã qua khỏi rồi. Tôi hỏi ý kiến ông về việc tôi hít thở, tập trung tư tưởng, hít vào, nén hơi, rồi xả ra.. Ông bác sĩ người Mỹ giật mình, nhìn tôi: “Ồ! Tôi hiểu rồi! Ông làm đúng đó! Nếu ông không làm như thế, thì bây giờ tình trạng của ông tệ hơn nhiều rồi!” (Oh! Now I understand why! You did the right thing! If you did not do it, your situation would be much worse than this.) Bác sĩ còn cho biết cơn “light stroke” (Xuất huyết não nhẹ) đến trước, báo động cho cơ thể biết là nó sắp tấn công cơn thứ hai, mạnh hơn và đưa đến tử vong hoặc bại liệt! Nếu tôi tiếp tục lo lắng, sợ hãi, không biết Thiền thì nhất định một cơn nữa sẽ dứt điểm!
Sau này, tôi đọc trên Internet, thấy có lời khuyên của các Y Sĩ là khi có cảm giác sắp bị “nhồi máu cơ tim” (heart attack), thì việc đầu tiên cũng là ho vài cái rồi hít thở thật sâu và thật dài, tối thiểu 10 lần sẽ cứu được mạng. Vì thế, viết bài này để nhắc nhở bà con những điểm như sau: Có hai nguy cơ giết người trong nháy mắt: Heart Attack và Stroke!
-Có cơn đau chạy từ tim đến dưới cánh tay trái (“dưới” nghĩa là cơn đau buốt chạy phía dưới bắp thịt cánh tay trái), đau ở hàm dưới, hoặc đau ở chỗ khác.
Đó là những triệu chứng đầu tiên báo hiệu có thể có một cục máu bầm đang làm tắc nghẽn máu về tim, làm trái tim phải đập mạnh tối đa để làm tròn phận sự của nó là đẩy cục máu ra khỏi chỗ kẹt, nhưng vì không thể làm được chuyện đó, nên tim đành đứng lại.
Theo nguyên tắc bảo vệ sức khỏe, nếu thấy những triệu chứng này, lập tức gọi 911, bất kể đang ở đâu hoặc đang làm gì. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, việc tự gọi 911 không thực hiện được, vì ở xa máy điện thoại, hoặc tay chân run giật, ngã lăn xuống đất, hoặc đang lái xe… Vậy, phương pháp duy nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất trong khi chờ chữa trị là Thiền.
Thực hiện Thiền rất đơn giản, gồm hai việc : xả bỏ và tập trung hít thở.
-Tập trung hít thở : Trước hết là nhắm mắt lại, tay chân ở đâu, thì cứ để đó, hít vào thật chậm, theo dõi hơi thở qua mũi, đếm thầm 1,2, 3, 4, 5, rồi dồn hơi xuống phía dưới bụng, nén hơi, đếm 1,2,3 rồi từ từ thở ra, theo dõi hơi thở đang đi qua mũi, cũng đếm 1,2,3,4,5. Cứ thế mà lặp đi lặp lại nhiều lần.
Trong cuộc sống hiện tại, là một con người, ai không phải suy nghĩ. Người có cuộc sống đơn giản cũng suy nghĩ về ăn uống, sinh hoạt, nghĩ về gia đình, vợ chồng con cái. Người hay suy tư thì luôn nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Kẻ làm thương mại thì luôn luôn tính toán… Khi suy nghĩ, suy tư, tính toán mà có tìm ra giải pháp, thì cơ thể vẫn chấp nhận được. Các nhà toán học, khoa học, triết học, chính trị gia luôn suy nghĩ. Nhưng nếu cường độ suy nghĩ tăng lên đến một độ cao, hầu như không nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mắt mở, (có khi ngủ cũng vẫn suy nghĩ), mà nếu cảm thấy không tìm ra giải pháp, thấy “bí”, cùng đường tắc lối, thì có thể hệ thống thần kinh não bộ chịu không nổi, phải phản kháng lại, và lúc đó, sẽ gây rối loạn, hoặc biến thành trầm cảm, hoặc xuất huyết não.Trước khi biến thành trầm cảm, có thể có một giai đoạn bị “anxiety attack” (cực kỳ căng thẳng). Điều này có khi nguy hiểm hơn bị nhồi máu cơ tim, vì nếu bị nhồi máu cơ tim mà chữa được, chỉ việc nghỉ ngơi, ăn uống cẩn thận trở lại, thì hết bệnh. Còn nếu bị “anxiety attack”, hậu quả sẽ rất lâu dài và khó chữa. Người bệnh luôn nhức đầu, thấy có “cái gì” chạy qua chạy lại trong đầu, tim luôn đập nhanh, ngủ hay giật mình, hoảng hốt, sợ hãi hoài, sợ chết, sợ bệnh, sợ đau, sợ cô đơn, sợ bị vợ chồng, con cái bỏ rơi, sợ mất việc.. và sức khỏe xuống thê thảm. Không còn cử động mạnh và nhanh được, lúc nào cũng nghi tim mình có vấn đề, ăn uống không ngon, mất hứng thú xem phim, nghe nhạc, đọc báo. Nói chung là biến thành trầm cảm, suốt ngày lừ đừ, đặt đâu ngồi đấy, rồi chờ chết! Đi khám bệnh, thì sẽ không thấy toa nào ngoài các toa thuốc an thần, có tính chất gây nghiện. Nếu uống vào thì khỏe, không uống thì nhớ, rồi uống hoài, uống hoài thành… Ghiền!
Tuy nhiên, theo luật Đời và luật Trời, cuộc sống, tự nó, mang rất nhiều giới hạn.Không có gì vĩnh viễn, không có chi gọi là trường tồn. Vậy, muốn sống khỏe với thiên nhiên, cần giới hạn nhiều thứ, nhất là giới hạn suy nghĩ, bởi tế bào não là hệ thống tế bào duy nhất, chết đi rồi thì không sản sinh thêm như các loại tế bào khác. Lớp tế bào da này chết rồi (biến thành “ghét”) thì lớp khác sinh ra. Còn tế bào não, Trời sinh ra có nhiêu thì xài nhiêu, mình làm mất đi cho công việc rồi thì không có nữa. Nhiều nhà bác học về già thành lẩm cẩm, mất trí nhớ. Khoa học gia Einstein, một hôm ngồi xe lửa, để rơi cái mũ trên đầu gối xuống đất. Một cô gái ngồi bên cạnh nhặt lên và để lại trên đầu gối ông như cũ. Ông quay qua, nhìn cô bé, nói: “Cám ơn con nhé! Con tên gì thế?” Cô bé trả lời: “Dạ, thưa ba, tên họ con là Einstein.
Vì thế, tất cả mọi sự trên đời: vinh quang, tiền bạc, chức vụ.. đều không thể bằng được Sức Khỏe, vì SỨC KHỎE LÀ VÀNG thật!
Nguồn: qua email bạn gửi
April 20 – 2016
Dùng Thời Giờ Hữu Ích/ Take Time
Hãy Dùng Thì Giờ để suy tư; đó là suối nguồn của năng lực.
TAKE TIME to think in depth; it is the source of power.
Hãy Dùng Thì Giờ để đọc các đề tài khác nhau; đó là căn bản của minh triết.
TAKE TIME to read variety of subjects; it is the foundation of wisdom.
.
Hãy Dùng Thì Giờ để im lặng và thiền định qua sự hít thở; đó là giây phút để tìm hiểu chân tâm của mình.
TAKE TIME to be quiet and meditate in breathing; it is the moment to seek your true nature.
Hãy Dùng Thì Giờ để ý thức sự việc xung quanh; đó là cơ hội để giúp đỡ người khác.
TAKE TIME to be aware of your surrounding; it is the opportunity to help others.
Hãy Dùng Thì Giờ để thương yêu và được yêu mến; đó là quà tặng vĩ đại nhất của Tình Nhân Loại.
TAKE TIME to love and be loved; it is the greatest gift of Human Kind.
Hãy Dùng Thì Giờ để vui cười bên nhau; đó là nhạc khúc của tâm hồn.
TAKE TIME to laugh together; it is the music of the soul.
Hãy Dùng Thì Giờ để cư xử thân thiện với nhau; đó là con đường đi tới hạnh phúc.
TAKE TIME to be friendly with each other; it is the road to happiness.
Hãy Dùng Thì Giờ để thành tâm cầu nguyện; đó là sức mạnh vững bền nhất trên địa cầu.
TAKE TIME to earnestly pray; it is the greatest power on earth.
Author Unknown
GS Trần Thủy Tiên, M. A., (dịch)
Nguồn: phatgiaovietnamhaingoai
March 22 – 2016
Con chữ đời người
Một nhà vua, ngay từ lúc lên ngôi báu đã giao cho một viên đại thần trọng trách sưu tầm dưới các bầu trời xa lạ những tinh hoa rải rác trong vũ trụ và những triết lý của cuộc đời. Ý nhà vua muốn thu nhập những cái hay ở đời để dụng một nguyên tắc trị dân.
Ba mươi năm trôi qua, nhà vua giờ tóc đã điểm bạc. Lễ Khánh thọ ngũ tuần đã cử hành long trọng trong hoàng cung. Lúc ấy quan đại thần cũng về với đoàn lạc đà, và trên lưng chất khoảng một ngàn sách quý mà vị đại thần đã thu thập được.
Nhưng nhà vua nói: “Trẫm đã nhiều tuổi rồi, tinh hoa của trời đất nhiều đến thế, trẫm làm sao xem cho hết. Khanh mang về rút ngắn lại cho trẫm đủ thời gian xem.”
Đoàn lạc đà lại chở những pho sách đi và mười năm sau nữa, bộ sách rút ngắn lại còn năm trăm quyển được dâng lên ngự lãm. Nhà vua vuốt chòm râu bạc ngần ngại phán:
“Hãy còn nhiều quá. Tuổi trẫm đã lớn, đọc sao cho kịp, khanh chịu khó về gạn lọc một lần nữa những tư tưởng huyền diệu trong ấy.”
Viên đại thần tận trung không hề nghĩ đến số năm tháng đã tàn tạ trên đầu, lui về một nơi u tịch kết tinh kho tư tưởng. Sau năm năm triền miên, với bao nhiêu tinh hoa và tư tưởng cổ kim đông tây, viên quan già nua mừng rỡ khi thấy kết quả: năm trăm cuốn dồn lại chỉ còn một pho sách dày. Một pho sách dày chứa tất cả triết lý của một cuộc đời! Cuốn sách dày ấy, một buổi sớm được mang vào ngự lãm. Nhưng nhà vua đã nằm trên giường bệnh, chung quanh ngự y chầu chực. Vua mở mắt nhìn vị đại thần tận tâm và cuốn sách quý giá. Một nụ cười nhàn nhạt nở trên môi vua như ánh hoàng hôn. Vua thở ra một giọng yếu nhỏ, viên đại thần quỳ xuống lắng tai đón lấy:
“Trẫm yếu lắm, một trang sách còn chưa thể xem được huống chi là cả cuốn… Song trước khi nhắm mắt, trẫm vẫn muốn biết qua những tư tưởng gì, những triết lý gì, đã chi phối cả đời người, đã điều khiển cả một vận mệnh… Khanh hãy rút ngay quyển sách này thành một câu hay vài chữ cho trẫm kịp xem và đủ sức hiểu…”
Nét mặt viên đại thần trở nên trầm ngâm và hai mắt già nheo lại. Tử thần đã chờn vờn đâu đó. Các ngự y cúi đầu trước số mệnh. Nhà vua nằm yên khắc khoải chờ. Thời gian như ngưng hẳn lại. Không khí trở nên nặng nề và nghiêm trọng. Mọi người chăm chú và kính cẩn nhìn viên đại thần đang lặng lẽ đem cuộc đời thu vào một câu. Sau một hồi suy nghĩ, viên đại thần từ từ bước đến bên án. Cả bộ văn phòng tứ bảo hình như run lên khi bàn tay già đưa ra. Bàn tay kính cẩn nâng cây bút, và nhẹ nhàng vạch trên mảnh hoa tiên những nét buồn lung linh. Mọi người đều ngó theo. Thần chết lúc ấy đã chập chờn đầu long sàng. Sau mấy lần nhắm mở, Vua mới cất được mấy tiếng cuối cùng: “SINH LÃO BỆNH TỬ”.
(Sưu tầm)
Nguồn: TrungTamHoTong
April, 5 – 2016
Cây hoa Hạnh Ðào Nhân tháng 4
March 18 – 2016
Triển Lãm Phật Ngọc
26 tháng 03 – 05 tháng 04 – 2016
Chùa Hoằng Phúc
Thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy,
Huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)
Theo lịch trình, bắt đầu từ ngày 26/3 tượng Phật ngọc Hòa bình Thế giới sẽ tới chùa Hoằng Phúc, ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Lễ khai mạc cung nghinh tượng Phật ngọc diễn ra 9h sáng 27/3. Tượng được tôn trí tại chùa Hoàng Phúc tới 5/4, sau đó tượng được di chuyển tới một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên…
Theo tìm hiểu, chùa Hoằng Phúc, xưa kia có tên là Am Tri Kiến nằm ở thôn Thuận Trạch, xã Mỹ Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ XIII, vì vậy được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung Việt Nam.
Ngôi chùa gắn với cuộc đời hoằng pháp của Đức Vua – Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Sử sách ghi chép, năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành, lúc đó Hoằng Phúc có tên là Am Tri Kiến.
Năm 1716, chúa Nguyễn Phúc Chu cho đặt tên chùa là Kính Thiên Tự. Năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa và cho đổi tên là Hoằng Phúc Tự, tục danh chùa Trạm hay chùa Quan.
March 12 – 2016
Triển Lãm Phật Ngọc
21 tháng 03 – 25 tháng 03 – 2016
Chùa Đạo Nguyên
140 Phan Bội Châu,
TP. Tam Kỳ, Quảng Nam
Rời TP.HCM, tượng “Phật ngọc hòa bình thế giới” đang có mặt tại Quảng Nam – tiếp tục thực hiện cuộc hành trình triển lãm – tạo cơ duyên cho nhiều người đến chiêm bái và đảnh lễ, để cầu nguyện bình an cho gia đình, học đường, công sở và sự thanh thản trong tâm hồn của tất cả mọi người và mọi loài.
Tại chùa Đạo Nguyên
140 Phan Bội Châu, Tam Kỳ
Triển Lãm Phật Ngọc
25 tháng 02 – 09 tháng 03 – 2016
Chùa Pháp Vân
Số 16 Đường Lê Thúc Hoạch
Phường Phú Thọ Hoà – Quận Tân Phú
T/P Hồ Chí Minh
Với niềm tin Phật ngọc sẽ đem đến sự an bình cho thế giới…Giờ đây, 7 năm sau, Phật Ngọc trở lại Việt Nam.
Chùa Pháp Vân, quận Tân Phú đã cung nghinh Phật Ngọc về, khai mạc từ 16 giờ ngày 28/02/2016 nhằm ngày 21 tháng giêng năm Bính Thân với sự chứng minh của HT.T.Trí Quảng, Phó chủ tịch HĐTS T.Ư kiêm Trưởng BTS Thành hội PG TP HCM, HT.T.Quang Đạo, Trưởng BTS PG Tỉnh Đồng Nai, Ni Trưởng Thích Tịnh Nguyện, Phân Ban Ni giới, cùng một số chư Tôn đức trong nội ngoại Thành.
Gần 10 ngàn người tham dự cho đến 22 giờ cùng ngày. Chương trình trong 10 ngày an vị tôn tượng, sẽ được các giảng sư như HT. T.Minh Tâm, TT.T.Thiện Thuận, TT.T.Viên Trí, Ns Hương Nhũ, TT.T.Phước Tiến, TT.T.Trí Chơn đảm trách vào lúc 18.30 mỗi ngày.
Đặc biệt, ngày 26, 27, 28 khai mạc khóa tu với chủ đề “Phật Ngọc cho Hòa bình thế giới” do giáo thọ Đạo tràng Mai thôn hướng dẫn.
Chương trình sẽ kết thúc vào ngày 02/02/Bính Thân tức 09/3/2016 để cung tiển Phật Ngọc.
Feb 20 – 2016
BÌNH MINH ĐÃ RẠNG
Nguyễn Tường Bách
Khoảng giữa những năm 70 của thế kỷ trước, lời ca trên được truyền đi trong tiếng hát của một chàng trai 25 tuổi, Cat Stevens.“Bình minh vừa rạng, như buổi sáng ban đầu, Chim sáo đã lên tiếng, như con chim ban đầu”.“Buổi sáng ban đầu” là ngày khởi đầu, ngày nguyên đán của vũ trụ, khi người nghe hiểu hết bài ca. Ánh dương vừa rạng, chim vừa cất tiếng, nhưng tâm người lại cảm nhận như buổi sáng tinh khôi của trời đất, như tiếng chim nguyên thủy của thiên nhiên. Kỳ lạ thay!Tác giả ca từ là Eleanor Farjeon, một văn sĩ người Anh. Bà sinh năm 1881, vốn là một đứa trẻ ốm yếu, mắt kém. Vì sức khỏe quá kém, cha mẹ bà không cho đến trường, dạy bà học ở nhà. Lúc bà lên khoảng năm tuổi, người cha dạy viết văn và làm thơ.“Praise for the singing, praise for the morning, Praise for them springing fresh from the Word”.“Tán thán tiếng hót, tán thán buổi bình minh,Tán thán tất cả những gì vừa mới phát sinh từ Ngôi Lời”.Eleanor Farjeon là người có tâm hồn tôn giáo sâu sắc, bà viết bài này trong độ tuổi già giặn khi đã quá 50. Bà viết vì lòng ngưỡng mộ nơi một nhất thể mà truyền thống của bà gọi là “Ngôi Lời”. Mọi hiện tượng trong thiên nhiên mà phương Đông gọi là “sắc”, thì trong bài ca của bà đều xuất phát từ một tự tính mà tôn giáo của bà gọi là “Thượng đế”.“Sweet the rain’s new fall, sunlit from heaven, Like the first dewfall, on the first grass,Praise for the sweetness of the wet garden, Sprung in completeness where His feet pass”.“Ngọt ngào thay những giọt mưa vừa rơi, được ánh sáng chiếu từ trời cao,Như giọt sương ban đầu trên ngọn cỏ ban đầu, Tán thán vị ngọt của khu vườn ướt sũng, Trở thành viên mãn khi chân Ngài bước qua”.
Mọi sắc thể trong trời đất không những xuất phát từ một tự tính duy nhất mà chúng vốn là “viên mãn”, trọn vẹn, sáng rỡ. Chúng mang trọn vẹn tính chất sáng đẹp của nguồn gốc vì mọi hiện tượng đều là “Thân” của Thượng đế cả.
Eleanor Farjeon còn tự thấy mình là một phần của Thượng đế, chính mình là một tiêu điểm, nơi mọi sắc thể hội tụ. Bà kết thúc bài thơ bằng:
“Mine is the sunlight, mine is the morning, Born of the one light, Eden saw play,
Praise with elation, praise every morning, God’s recreation of the new day”.
“Ánh sáng mặt trời là của con, Buổi bình minh là của con,
Sinh ra từ một thứ ánh sáng, thứ ánh sáng đã chiếu Vườn địa đàng,
Tán thán với lòng hân hoan, tán thán mỗi khi trời rạng, Mỗi ngày mới là mỗi lần Thượng đế lại sáng tạo”.
Câu thơ cuối là một chứng nghiệm hiếm có. “Thượng đế” của Eleanor Farjeon không phải sáng tạo một lần rồi thôi, bỏ mặc tất cả tự đấu tranh vật lộn với nhau trong một khung cảnh mà ta gọi là “trần gian” như nhiều người nghĩ. Ngược lại, mỗi ngày đều tinh khôi mới mẻ, dường mọi sự đều mới sinh ra lần đầu, như “buổi sáng ban đầu”, “con chim ban đầu”. Câu thơ cuối của bà chính là ý tưởng nhất quán của toàn thể ca từ.
Đọc Eleanor Farjeon ta không thể không liên tưởng đến nhà thơ Ấn Độ Rabindranath Tagore. Trong tập thơ Gitanjali (Bài ca dâng hiến), ông cũng tán thán Thượng đế như cách của Eleanor Farjeon, tức là xem Ngài như một thể tính có nhân trạng. Tagore cũng nói về một thứ ánh sáng:
“Light, my light, the world-filling light, the eye- kissing light, heart-sweetening light!”
“Ánh sáng, ánh sáng của con, ánh sáng tràn đầy trong thế gian, ánh sáng hôn lên đôi mắt, ánh sáng ngọt ngào trong tim”.
Những vần thơ tha thiết của Tagore đã mang lại cho ông giải Nobel văn chương năm 1913.
Tương tự như trong các tác phẩm của Tagore, cảm khái chính của Eleanor Farjeon trong bài thơ Morning has broken là một thứ “ánh sáng” sống động, tinh khôi, soi chiếu từ tầng trời cao nhất đến từng giọt sương ngọn cỏ. Những ai có tu tập Thiền định đều biết rằng, trong một trạng thái nhất định của tâm, sẽ chỉ có một cái “Biết” đang nhận thức. Cái Biết đó làm cho mắt thấy được, tai nghe được, tâm cảm được. Mọi dạng sắc thể hiện lên trong cái Biết đó như ánh sáng soi chiếu mọi vật và tự soi chiếu chính mình. Thế gian mà ta tưởng là có người có ta chỉ là cái Thấy đang thấy, cái Nghe đang nghe chứ không có ai cả. “Ánh sáng” của cái Biết trong Thiền chính là “ánh sáng” của Eleanor Farjeon, của Rabindranath Tagore. Còn cái thể tính mà Farjeon hay Tagore gọi một cách truyền thống là “Thượng đế” thì Thiền gọi là “Không”.
Thế nên nếu Farjeon nói “Mỗi ngày mới là mỗi lần Thượng đế sáng tạo” thì Thiền giả nói Không tạo nên Sắc trong từng sát-na và Sắc chính là dạng xuất hiện của Không, như sóng là dạng xuất hiện của nước. Nhà văn nữ Eleanor Farjeon cũng như Rabindranath Tagore hẳn đã biết điều này, nếu không thì các bài thơ của họ đã không có một sức lôi cuốn như thế.
Morning Has Broken
Bài thơ Morning has broken trở thành một bài thánh ca trong khoảng năm 1931. Bài ca được hát lên trong những dịp lễ tôn giáo hay sinh nhật trong các xứ đạo tại Anh. Thế nhưng bài ca này trở nên nổi tiếng thế giới từ khoảng 1973, khi Cat Stevens, sinh năm 1948, một giọng ca bất hủ người Anh trình bày rộng rãi trong công chúng. Như một duyên nghiệp định sẵn, Cat Stevens cũng lại là một con người có tâm hồn tôn giáo sâu sắc. Anh hát bài này lúc rất trẻ, với một giọng ca trong trẻo, một khuôn mặt thánh thiện. Chỉ chừng năm năm sau ngày thành danh, Cat Stevens cải đạo theo Hồi giáo, lấy tên mới là Yusuf Islam, bỏ sự nghiệp ca sĩ, bán đàn guitarre lấy tiền đi làm từ thiện.
Cô bé Eleanor Farjeon ốm yếu nọ cuối cùng sống đến 84 tuổi. Cat Stevens xa lánh sân khấu. Mãi đến khoảng 2006 anh đã trở lại thế giới âm nhạc với bộ râu đã bạc, song giọng ca vẫn còn hay như xưa.
Trong mọi Sắc thể của Không thì âm thanh là vi diệu bậc nhất. Ca từ được âm thanh chắp cánh và chuyên chở nên những cảm khái sâu xa nhất của Đạo xưa nay chưa bao giờ vắng mặt trong âm nhạc. Với phương tiện hiện đại người nghe có thể nghe lại bài ca của Morning has broken một cách dễ dàng bằng cách gõ từ “cat stevens morning has broken” trên mạng. Trong các youtube hiện ra, người nghe nên chọn bài ca có mang tấm hình của Cat Stevens lúc thanh niên.
“Morning has broken, like the first morning, Blackbird has spoken, like the first bird”.
Tiếng ca vang lên, cái Nghe đang tự vận hành! (TC. Văn Hóa Phật Giáo 170 & 171)
Nguồn: thuvienhoasen
.
Feb 18 – 2016
Giới thiệu vẻ đẹp loài hoa Anh Ðào Rủ
Nói đến loài hoa anh đào thường ai cũng nghĩ đến hoa anh đào có màu hồng nhạt hay màu trắng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ mà ít ai đã được ngắm loài hoa anh đào khi khoe sắc có màu hồng đỏ đầy quyến rũ, cánh hoa khoe sắc hồng thật nồng ấm, xin được giới thiệu đến các bạn đó là loài hoa Đào RỦ, khi nở rộ hoa sẽ như một thác hoa buông rủ xuống thật đẹp.
Vẻ đẹp của hoa anh đào rủ, căng tràn sức sống mãnh liệt đặc biệt hoa có mầu đỏ tươi .
Cánh hoa anh đào mầu đỏ tươi đặc biệt rất bền, lâu tàn
Xin mời xem thêm tại this link: HV – 53: Hoa Anh đào rủ
Feb 1 – 2016
Buổi hướng dẫn ươm hoa đào
tại Gregory Heights Library
Buổi hướng dẫn ươm hoa đào sẽ được tổ chứcvào ngày chủ nhật, 31 tháng 01, 2016
tại Gregory Heights Library7921 NE Sandy Boulevard
Portland, OR 97213
(503) 988-5386Rất mong được quý vị đến tham gia và ủng hộ tích cực cho buổi tổ chức này được thành công tốt đẹp.
Chân thành,
Cộng Đồng Việt Nam Oregon
Jan 31 – 2016,
(Lời cảm tạ của Mary Nguyễn)
Cộng Đồng Việt Nam Oregon
Jan 22 – 2016
Những lời cuối cùng của Steve Jobs *
người sáng tạo ra Apple
– Tôi đã đạt đến tột đỉnh của thành công. Trong con mắt người khác,… cuộc đời tôi là một biểu tưởng của thành công. Tuy vậy phía sau của công việc tôi có rất ít niềm vui. Tài sản của tôi cuối cùng cũng bình hoá với tôi.
Trong lúc này trên giường bệnh viện, hồi tưởng về cuộc đời, những lời khen ngợi, tự cao, tự hào về tài sản nhưng tôi cảm thấy thật vô nghĩa trước tử thần, cái chết.
Trong bóng tối, khi nhìn ánh đèn màu xanh và tiếng ồn ào của máy dưỡng khí, tôi cảm nghiệm được những hơi thở của tử thần rất gần kề.
Bây giờ tôi mới hiểu thấu, nếu một lần bạn đã có tiền $ đủ cho cuộc đời của bạn, bạn hãy đeo đuổi một mục đích khác không liên quan đến tiền bạc.
Nên là cái gì đó quan trọng hơn:
Có lẽ mối quan hệ, có lẽ nghệ thuật, có lẽ là một ước mơ từ ngày còn trẻ …
Đừng làm nô lệ cho vật chất, giàu sang, vì nó sẽ biến bạn thành một người yếu ớt như tôi.
Thượng Đế tạo dựng chúng ta để cảm nghiệm được tình yêu trong tim, chứ không phải những ảo tưởng về tiền tài, danh vọng như tôi đã làm trong suốt cuộc đời, nhưng tôi không thể mang theo khi xuống mồ.
Tôi chỉ có thể mang theo được những kỷ niệm của yêu thương.
Đây mới chính là giàu có thật sự sẽ đồng hành với bạn, là sức mạnh, ánh sáng soi sáng cho bạn tiến tới. Tình yêu có thể đi hằng ngàn cây số và chính vì thế cuộc đời không có giới hạn.
Đi, tiến đến nơi mà bạn muốn, cố gắng lên để đạt được những mục đích; tất cả là ở trong tim và trong lòng bàn tay của bạn.
Giường đắt nhất trên thế giới là gì? – Đó là “GIƯỜNG BỆNH” …
Vì nếu có tiền, bạn có thể mướn tài xế lái xe cho bạn, kiếm tiền cho bạn, nhưng bạn không thể có một người nào đó phải chịu bệnh tật cho bạn.
Mất tài sản mình có thể tìm lại được, có một cái khi đã mất thì không thể tìm lại được: sự sống.
Dù đang ở giai đoạn nào trong cuộc đời, cuối cùng, tất cả phải đối diện là khi bức màn của sự sống kéo xuống.
Hãy trân trọng và nhận thức được giá trị tình yêu gia đình, tình yêu bạn đời và tình yêu bạn hữu.
Hãy đối xử với mình tốt. Trân trọng những người khác.
Thanks for all you have done and RIP Steve Jobs.
(ManhLe, svd) Amazon 3.12.15
-Vì khiêm nhường mà Steve mới chia sẻ những lời thâm ý này…Ông ta đã chia sẻ ở trường đại học…xin đón nghe
https://www.youtube.com/watch?v=D1R-jKKp3NA
Đi học “nghệ thuật chuyển hóa khổ đau”
giữa lòng nước Mỹ
Radiovietnam- Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã có những chia sẻ ý nghĩa trong buổi nói chuyện có chủ đề “nghệ thuật chuyển hóa khổ đau” tại Khách sạn Boston Park Plaza (Mỹ) ngày 12/9….
Làm thế nào để chế ngự được những âu lo, sợ hãi? Bằng cách nào để chuyển hóa được những nỗi khổ, niềm đau? Con đường nào đưa ta đến cuộc sống thảnh thơi, an lạc, ngập tràn hạnh phúc và tình yêu thương? Chỉ có một con đường duy nhất, đó là nghệ thuật chánh niệm, là ý thức hơi thở, là nghệ thuật lắng nghe sâu và sử dụng ngôn từ ái ngữ…
Với thiền sư Thích Nhất Hạnh, đó chính là những phương pháp chánh niệm có công năng trị liệu đặc biệt, mang lại cho chúng ta tuệ giác và tình yêu thương đối với chính bản thân mình và đối với mọi người, mọi loài mà thiền sư đã chia sẻ trong buổi nói chuyện về chủ đề “nghệ thuật chuyển hóa khổ đau” tại Khách sạn Boston Park Plaza (Mỹ) ngày 12 tháng 9 …
Ý thức hơi thở – Hạnh phúc hiện ra ngay bây giờ và ở đây.
Buổi nói chuyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh do trường Đại học danh tiếng hàng đầu nước Mỹ Harvard tổ chức tại tiền sảnh của Khách sạn Boston Park Plaza đã thu hút đông đảo giới mộ điệu nước Mỹ, trong đó, phần lớn là giới trí thức, thượng lưu, doanh nhân, chính trị gia, trong đó, có cả gia đình cố Tổng thống Mỹ John F.Kennedy.
1.200 vé đã bán hết veo trong vòng 3 ngày với giá cao ngất ngưởng: 450 đô-la/vé đã chứng tỏ sức hút đặc biệt của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Song điều đó cũng cho thấy phần nào tảng băng chìm trong đời sống tâm linh nước Mỹ.
Dường như người Mỹ cũng đang phải đối diện với những khổ đau, những căng thẳng, âu lo và sợ hãi. Dường như chính họ cũng đang bế tắc trong việc truy tìm bến bờ của hạnh phúc, của an lạc.
Một bác sĩ tâm lý trị liệu tham dự buổi nói chuyện tâm sự với tôi: “Tôi đã tư vấn, trị liệu thành công cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm, u uất, đau khổ. Nhưng chính tôi nhiều lúc cũng bị căng thẳng, lo sợ, hoang mang. Tôi đến đây là để nghe một trong những vị thiền sư danh tiếng nói về phương pháp chánh niệm để vận dụng trong công việc tâm lý trị liệu. Song trước tiên, tôi muốn trị liệu tâm lý cho chính tôi”.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh ngồi an nhiên trong tư thế kiết già trên bục giảng sân khấu. Khuôn mặt thầy bình thản, đôi mắt sáng, tinh anh, giọng thầy nhỏ nhẹ, đều đều như hơi thở. Thầy bắt đầu câu chuyện bằng việc theo dõi hơi thở.
Mọi người ở dưới ồ lên. “Tưởng thiền là điều gì khó khăn ghê gớm chứ theo dõi hơi thở của mình thì đơn giản quá”. Thầy mỉm cười. Cái cười độ lượng, nhân từ. “Ta thở vào và theo sát hơi thở xuống dưới bụng. Trong khi thở, ta nhủ thầm “Con đã về”. Rồi ta theo dõi hơi thở ra từ đầu cho đến cuối trọn vẹn, thỏa mái, đồng thời nhủ thầm “Con đã tới”. Chỉ bằng một động thái đơn giản như thế, tâm ta lập tức sẽ trở về với thân, tiếp xúc với một sự thật mầu nhiệm tuyệt vời là ta đang còn sống trong giây phút hiện tại và đây là giây phút hạnh phúc”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh gọi đó là hơi thở có ý thức, hơi thở chánh niệm.
Mọi người ở dưới chậm rãi thực hành theo. Thân thể thả lỏng, mắt từ từ nhắm lại. Chậm rãi theo dõi hơi thở. Thở vào: “con đã về”. Thở ra: “con đã tới”. Và ngay lập tức, dường như mọi người đã nhanh chóng thoát ra khỏi những lo toan, ồn áo huyên náo trong đầu, và bước vào một trạng thái thức tỉnh khác lạ. Khuôn mặt ai cũng trở nên thư thái. Có lẽ, họ đã hiểu, thế nào là giây phút hiện tại.
Thiền sư giảng giải: “Chúng ta thường bị mắc kẹt trong những ưu sầu vì nuối tiếc quá khứ và lo lắng, sợ hãi cho tương lai. Chúng ta cho rằng hạnh phúc chưa thể có trong hiện tại và chúng ta cần phải có nhiều điều kiện hơn nữa mới thực sự có hạnh phúc. Đó chính là lý do khiến chúng ta khổ. Theo lời dạy của Đức Thế Tôn, tất cả những gì chúng ta đang cần tìm đều có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta biết thực tập hơi thở ý thức và định tâm thì chúng ta có thể đi ra khỏi những khổ đau này và chạm tay vào những màu nhiệm của sự sống ngay trong giây phút này. Quá khứ đã đi qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có duy nhất giây phút mà ta có thể thực sự sống. Đó là giây phút hiện tại.
Trong Kinh quán niệm hơi thở, Bụt đã chỉ dạy cho chúng ta những bài tập cụ thể để tạo dựng niềm vui, hạnh phúc, an lạc. Đó là một giáo pháp rất rõ ràng và sâu sắc. Nếu chúng ta biết cách tạo ra năng lượng niệm và định thì chúng ta có thể tiếp xúc với vô vàn hạnh phúc đang có mặt với ta ở đây, ngay bây giờ.
Chẳng hạn như chúng ta tiếp xúc với hai mắt. “Tôi đang thở vào và ý thức về hai mắt của tôi. Tôi đang thở ra và mỉm cười với hai mắt của tôi”. Khi ta thực tập như vậy thì tuệ giác sẽ nảy sinh. Chỉ trong hai, ba giây là ta có thể nhận thấy rằng: đôi mắt của mình vẫn còn sáng. Một thiên đường của màu sắc, hình ảnh đang hiện ra trước mặt. Đối với những người bị khiếm thị, thiên đường ấy, chưa một lần họ nhìn thấy. Vì vậy mà đôi mắt là một trong những điều kiện căn bản để có hạnh phúc. Ta chỉ cần thở vào thể thắp sáng ý thức rằng, mình đang có một đôi mắt sáng.
Ta cũng có thể thực tập tiếp xúc với trái tim mình: “Tôi đang thở vào và ý thức về trái tim của tôi. Tôi đang thở ra và tiếp xúc với trái tim của tôi”. Khi chúng ta sử dụng năng lượng chánh niệm, chúng ta sẽ khám phá ra rằng: trái tim mình đang đập bình thường trong khi biết bao người bị hở van tim, rối loạn động mạch vành. Họ có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào. Nếu ta cứ tiếp tục thực tập như vậy thì ta sẽ tiếp xúc được với vô vàn hạnh phúc đang có mặt trong ta, quanh ta. Đó là tập chánh niệm, nghĩa là đem tâm trở về với thân và an trú trong giây phút hiện tại.
Nếu mình hoàn toàn có mặt trong giây phút này, mình có thể nhìn sâu hơn để bước một bước chân ý thức trên hành tinh đẹp đẽ này hay thở vào một hơi để ý thức là ta đang sống trong cõi niết bàn, tịnh độ. Và khi ta ở trong cõi thiên đàng thanh tịnh đó rồi thì ta đâu cần phải mệt nhọc chạy theo những danh tiếng, tiền tài, địa vị hay những dục lạc khác. Bình an, niềm vui, hạnh phúc có thể đạt tới ngay. Và sự thực tập này đủ đơn giản cho tất cả mọi người”.
Không có bùn, không có sen và nghệ thuật chuyển hóa khổ đau
Sảnh khách sạn đông nghẹt người mà im phăng phắc. Có thể nghe thấy tiếng thở chánh niệm đều đều của những người ngồi kề bên. Trên bục giảng, thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn thuyết pháp với giọng điệu nhẹ nhàng, thong dong.
Những lời giảng của ngài như những giọt sương trong vắt cứ nhẹ nhàng rơi, nhẹ nhàng thấm từng giọt, từng giọt vào những tâm hồn cằn khô vì lo toan, phiền muộn, sầu khổ. “Ai trong chúng ta cũng chẳng có ít nhiều khổ đau. Nhiều người thường sợ phải đối diện và chìm đắm trong biển khổ đau của mình nên tìm mọi cách trốn chạy. Đọc sách báo, xem ti vi, uống rượu, hút thuốc phiện… hoặc vùi đầu trong công việc chồng chất.
Chúng ta không biết làm cách nào để đối diện và chuyển hóa những khổ đau ấy. Chính vì điều này mà trong Kinh quán niệm hơi thở, Bụt khuyên chúng ta trở về và nhận diện những khổ đau trong ta.
Nếu chúng ta biết cách thực tập hơi thở có ý thức, thực tập đi chánh niệm, lái xe chánh niệm và ăn chánh niệm mỗi ngày thì năng lượng chánh niệm trong ta sẽ đủ mạnh để giúp ta trở về, ôm ấp, vuốt ve những lo lắng, sợ hãi, buồn khổ trong lòng và chỉ vài phút sau, những niềm đau, nỗi khổ sẽ vơi đi nhiều. Giống như một bà mẹ bỗng nghe tiếng con khóc. Bà sẽ chạy đến, ôm đứa con vào lòng với tất cả sự trìu mến. Bà mẹ chưa biết chuyện gì xảy ra với đứa bé nhưng cử chỉ yêu thương ấy sẽ làm cho nó hết khóc, hết khổ ngay lập tức. Năng lượng chánh niệm cũng vậy. Chúng ta chưa biết gốc rễ của những niềm đau, nỗi khổ trong ta nhưng nếu ta ôm lấy niềm đau ấy một cách dịu dàng với năng lượng chánh niệm, ta có thể làm dịu đi nhanh chóng cơn đau nhức ấy.
Trong Kinh về Bốn sự thật mầu nhiệm (Tứ Diệu Đế), Bụt đã chỉ cho ra cho ta sự thật thứ nhất là khổ. Sự thật thứ hai là bản chất của khổ. Nếu chúng ta biết cách lắng nghe sâu những khổ đau trong chính mình và nhìn sâu vào bên trong với năng lượng của chánh niệm và chánh định thì chúng ta sẽ hiểu được những gốc rễ đưa tới khổ đau đó và thoát khỏi nó. Cái hiểu sẽ làm phát khởi tình thương ngay trong trái tim ta.
Nếu ai đó hỏi tôi rằng: “Làm thế nào để chế tác tình thương yêu?”. Tôi sẽ nói rằng: Chỉ có một cách duy nhất là hãy nhìn sâu vào niềm đau, nỗi khổ của chính mình và tìm cách hiểu chúng. Nếu không, ta không thể hiểu được những khổ đau của người khác và không thể thương yêu ai được”.
Trong các phương pháp tu tập mà Bụt chỉ dạy, có một phương pháp gọi là lắng nghe với tâm từ bi và sử dụng ngôn từ hòa ái. Lắng nghe với tâm từ bi có thể giúp nối lại sự truyền thông.
Nhiều người trong chúng ta luôn tìm cách trốn chạy khỏi chính mình, bởi vì chúng ta không biết cách lắng nghe nỗi khổ của chính mình. Khi chúng ta bắt đầu hiểu được niềm đau của chính mình thì chúng ta có thể truyền thông được với chính mình dễ dàng hơn, nhờ đó, chúng ta sẽ dễ dàng truyền thông với người khác.
Ta có thể nói với người vợ đang khổ đau của ta rằng: “Em ơi! Anh biết em đã chịu nhiều đau khổ. Vậy mà, nhiều năm qua, anh đã làm những điều không phải khiến em khổ thêm bởi anh đã không hiểu được những khổ đau của chính anh và cả của em nữa. Hãy giúp anh em nhé! Hãy nói cho anh biết tất cả những khó khăn của em. Ạnh không muốn tiếp tục phạm phải những sai lầm trước đây và làm cho em khổ thêm nữa”. Nếu mình có thể nói với người thương của mình bằng ngôn ngữ như vậy thì người đó có cơ hội mở lòng mình ra. Khi đó ta có thể áp dụng phương pháp lắng nghe với tâm từ bi. Người thương của ta sẽ bớt khổ liền.
Khi ta đau khổ, ta có xu hướng nghĩ rằng khổ đau của ta là do một người khác gây ra. Chúng ta muốn trừng phạt người đó bởi vì họ đã làm cho ta khổ. Nhưng khi chúng ta thực tập hơi thở có ý thức và nhìn sâu vào nỗi khổ, niềm đau của người đó thì ta sẽ thấy rằng người đó cũng chỉ là nạn nhân của chính khổ đau trong lòng họ nên họ cần được giúp đỡ chứ không đáng bị trừng phạt.
Hoa sen không thể mọc và tỏa hương nếu không có bùn. Hạnh phúc và khổ đau cũng vậy, chúng nương vào nhau. Chúng ta không thể thấy được hạnh phúc ngọt ngào nếu như chưa nếm trải vị cay đắng của khổ đau. Nếu ta chưa bao giờ bị đói, ta sẽ không biết trân quý món ăn. Nếu ta chưa bao giờ thấy chiến tranh, ta sẽ không thấy được giá trị của hòa bình. Nếu chúng ta biết áp dụng sự thực tập chánh niệm vào đời sống hàng ngày thì chúng ta có thể tạo ra hạnh phúc ngay bây giờ và ở đây. Năng lượng chánh niệm là suối nguồn của hạnh phúc nhưng năng lượng đó không thể mua được trong siêu thị mà chỉ có thể do chính bản thân ta tự chế tác ra”.
Hơn ngàn quan khách đồng loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng. Khuôn mặt ai cũng ngời lên niềm xúc động, hạnh phúc, hoan hỉ. Trên bục giảng, thiền sư Thích Nhất Hạnh nở nụ cười rạng rỡ.
Ngài giơ đôi bàn tay lên vẫy vẫy – cách tán thưởng của ngài, trông đôi tay như hoa nở. Cả ngàn người bên dưới cũng giơ tay lên vẫy theo trông như một rừng hoa. Rồi ngài chậm rãi bước xuống, hướng dẫn mọi người đi bộ trong chánh niệm. Ngài đi trước, bước từng bước chậm rãi, thảnh thơi. Hàng ngàn người thong thả bước theo. Họ đi trong im lặng. Mỗi bước chân là một niệm cho an lạc, hòa bình, hạnh phúc, thương yêu.
Những bước đi thong dong, an nhiên như sen nở đưa dòng người chảy ra đường, hướng đến công viên Boston. Xe ô tô đang rầm rập chạy trên đường bỗng dừng lại. Những hành khách đang hối hả sải bước trên hè cũng dừng lại, nhường đường cho dòng người thiền hành trong im lặng chuyên chở biết bao năng lượng yên bình, hạnh phúc…
H.A.S.
Nguồn: http://radiovietnam.vn
Jan 8 – 2016
và sự thực tập cầu nguyện cho Sư Ông Làng Mai
Làng Mai, ngày 08 tháng 01 năm 2016
– Các trung tâm tu học thuộc Đạo Tràng Mai Thôn
– Các tăng thân cư sĩ tu học theo pháp môn Làng Mai và quý thân hữu trên thế giới
Kính thưa quý vị,
Trong những ngày đầu năm mới 2016, Sư Ông chúng con thể hiện rất rõ mong muốn được về lại Làng Mai, nước Pháp. Người tương đối hài lòng với những tiến triển trong quá trình trị liệu tại Mỹ cho đến thời điểm hiện tại, nhờ vào sự chăm sóc và chữa trị tận tình của các bác sĩ tại Trung tâm UCSF cũng như các nhà vật lý trị liệu trong suốt sáu tháng qua.
Giờ đây, Sư Ông chúng con mong muốn về lại Làng để được sum vầy dưới mái nhà tâm linh Làng Mai và để tận hưởng nguồn năng lượng tập thể hùng hậu có tính trị liệu của tăng thân. Các thị giả sẽ tiếp tục chăm sóc và luôn có mặt bên Sư Ông, cũng như tiếp tục tìm kiếm những phương pháp trị liệu thích hợp nhất với Người. Các bác sĩ cũng đồng ý với quyết định trở về Làng của Sư Ông và hoàn toàn tin tưởng Người có thể về Pháp một cách an toàn.
Chúng con vui mừng thông báo với quý vị thân hữu rằng chuyên cơ đưa Sư Ông chúng con về Pháp đã hạ cánh an toàn tại sân bay Bergerac chiều hôm nay (mùng 8.1) và Sư Ông đã về lại Sơn Cốc trong niềm hạnh phúc của đại chúng Làng Mai.
Chúng con vô cùng tri ân sự yểm trợ vật chất cũng như tinh thần mà quý vị thân hữu gần xa đã gửi đến Sư Ông chúng con trong thời gian Người dưỡng bệnh tại San Francisco. Chính năng lượng thương yêu và yểm trợ của tăng thân khắp chốn đã giúp Sư Ông chúng con rất nhiều trong quá trình trị liệu và về lại Làng Mai với nhiều niềm vui.
Vừa qua, trong đêm giao thừa Tết Tây, Sư Ông hào hứng tham gia vào không khí đón Năm Mới cùng các thị giả. Sư Ông mỉm cười và ngân nga theo mỗi khi các thị giả hát những bài yêu thích của Người. Những ngày gần đây, khi nghe lại đĩa thu âm giọng Người đọc những bài thơ do chính mình sáng tác, Sư Ông đã lắng nghe một cách hứng thú và còn dùng động tác để diễn đạt những hình ảnh đẹp trong bài thơ.
Chúng con có niềm tin vào quyết định trở về Làng của Sư Ông. Chúng con cũng rất hạnh phúc khi biết rằng Sư Ông sẽ cùng đại chúng ở Làng đón Tết Nguyên Đán, tham dự lễ hội hoa thủy tiên và đặc biệt là có mặt cho Đại Giới Đàn dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3 tới. Chúng con đang tiếp tục thực tập cùng nhau chăm sóc cho Sư Ông, chăm sóc cho chính mình và cũng đồng thời chăm sóc cho phút giây hiện tại. Chỉ với sự thực tập đó, chúng con mới có thể có được một tương lai tươi sáng – một tương lai được làm bằng chất liệu của tình tăng thân, tình huynh đệ.
Một lần nữa, chúng con xin bày tỏ lòng tri ân đối với quý vị thân hữu và kính mong quý vị tiếp tục yểm trợ Sư Ông chúng con khi Người bước sang một trang mới của quá trình trị liệu.
Chúng con sẽ tiếp tục cập nhật về tình trạng sức khỏe của Sư Ông đến quý vị trên trang nhà Làng Mai tiếng Việt (langmai.org), trang nhà Làng Mai tiếng Anh (plumvillage.org) và trang nhà Làng Mai tiếng Pháp (villagedespruniers.net).
Đạo Tràng Mai Thôn
Jan 5 – 2016
Hạnh phúc được khơi gợi từ bên trong
Ở cõi đời này, có rất nhiều lời nói không thể đến với người mà ta muốn nói cho họ nghe. Hãy cẩn thận. Có câu:
“Chim khôn hót tiếng rảnh rang
Người khôn nói tiếng thật thà dễ nghe”
Hạnh phúc được khơi gợi từ bên trong của mỗi người chứ không phải từ bên ngoài. Nhìn bề ngoài thì có khi thấy con người ta lúc nào cũng bình tĩnh nhưng bên trong là rất nhiều những suy nghĩ náo động, thế nên phải làm chủ những suy nghĩ của mình.
Hãy thấu hiểu cuộc đời một cách sâu sắc. Khi thu hút người khác bằng tính cách của mình thì bạn mới trở nên thật sự hấp dẫn. Khi ai đó có những thứ mà bạn không có, đừng so sánh với họ. Thay vì điều đó hãy sử dụng triệt để những thứ mình đang có để phát huy hết tác dụng của nó.
Hãy biết khám phá sức mạnh của hiện tại. Hiện tại ngăn cách giữa quá khứ và tương lai, chỉ có hiện tại ta mới kiểm soát được. Đừng tham lam quá, vì được cái này thì sẽ mất cái khác chứ không thể được tất cả mọi thứ trên đời.
Hãy biết quý yêu , chân trọng những gì hôm nay mình có, và hiện tại chúng ta đang sống, một cuộc sống không bao giờ hoàn hảo. Vì thế bạn nên biết rằng như thế nào là đủ và nên chấp nhận.
Hạnh phúc hay đau khổ do chính mình làm chủ, thì tại sao phải tìm đau khổ, thay gì hãy vui vẻ, hồn nhiên mà sống, hãy cho mình cơ hội làm người hạnh phúc, đừng đưa mình vào chỗ không lối ra.
Hạnh phúc sẽ đến khi chính bạn là người biết chân trọng nó, nếu bỏ lỡ sẽ phí một thời của bạn, thời gian có thể đem đến cho bạn tất cả, nhưng cũng lấy đi của bạn mọi thứ, hãy trân trọng những gì hôm nay bạn có.
T.T.
Jan 1 – 2016
Happy New Year!
CHÚC MỪNG NĂM MỚI AN KHANG THỊNH VƯỢNG & HẠNH PHÚC!
theo Thi Văn Như Nhiên,
Hạnh Phúc là khi…
.
.
.
Dec 24 – 2015
December full moon
(NLĐO) – Theo The Weather Channel, năm nay sẽ là lần đầu tiên hiện tượng trăng tròn tháng 12 rơi đúng ngày lễ Giáng sinh trong thế kỷ 21.
Mặt Trăng – vệ tinh của Trái Đất – sẽ xuất hiện tròn hoàn hảo trên bầu trời đêm ngày 24-12 và 25-12 năm nay.
Đêm Giáng sinh năm nay sẽ được ánh trăng rằm thắp sáng,Hiện tượng trăng tròn trong tháng 12 còn được gọi là “trăng lạnh” (cold moon) vì tháng 12 là thời gian mùa đông lạnh nhất trong năm và ban đêm dài hơn ban ngày.Ngày Đông chí (tại Bắc bán cầu, ngày đông chí là ngày mà khoảng thời gian ban ngày ngắn nhất và thời gian ban đêm dài nhất) năm nay rơi vào ngày 21-12. Như vậy, hiện tượng “trăng lạnh” năm nay xảy ra chỉ 3 ngày sau ngày Đông chí. ở Mỹ, mặt trăng sẽ tròn nhất vào ngày 24-12 trong khi những người ở châu Âu sẽ thấy trăng tròn nhất vào ngày 25-12.Trăng tròn (trăng rằm) là hiện tượng xảy ra hằng tháng, nhưng hiếm khi nó lại rơi đúng vào một ngày cố định (dương lịch) nào đó hằng tháng.Cứ mỗi 29,5 ngày thì Mặt Trăng sẽ tròn một lần (âm lịch thường tính chẵn là 29 hoặc 30 ngày), nhưng vì chu kỳ của Mặt Trăng không được phân bổ đều theo số ngày của dương lịch (mỗi tháng dương lịch có đến 30-31 ngày) nên cứ mỗi một năm hiện tượng trăng tròn sẽ lại lệch từ 11 đến 12 ngày.Như vậy, hiện tượng trăng tròn tháng 12 năm sau sẽ rơi vào ngày 24-12 và phải 19 năm nữa Giáng sinh mới lại có trăng tròn.N. Thương (theo USA Today)
.Đêm Giáng sinh năm nay, ánh trăng rằm cùng thắp sáng trên bầu trời với các vì sao!
Dec 4 – 2015
Đi tìm một trái ớt ngọt
Nguyễn Duy Nhiên
Một trong những câu truyện mà tôi thích nhất là câu truyện của ông Nasrudin, một tu sĩ Sufi. Một hôm, người ta thấy ông Nasrudin ra ngồi ở giữa chợ, nước mắt và nước mũi chảy ròng ròng, và trước mặt ông là một giỏ ớt thật to. Ông cứ đều đặn đưa tay vào giỏ lựa một trái ớt bỏ vào miệng nhai, rồi ông lại khóc than kêu lên thật to mà không kềm chế được.
Những người đi ngang qua thấy vậy ghé lại hỏi, “Nasrudin, ông làm gì thế, ông có điên không vậy?” Nước mắt mũi vẫn tuông chảy, ông nói giọng thều thào, “Tôi cứ muốn ăn những trái ớt này, vì hy vọng rồi sẽ tìm được một trái ớt ngọt.”
Một khoảng cách không thể nối liền
Nasrudin là một người nhiều tuệ giác nhưng ông lại thường làm những hành động dại khờ để nhắc nhở người đời. Việc ông làm có mang hai ý nghĩa: một ý nghĩa rất rõ ràng ai cũng thấy, và một ẩn ý khác sâu sắc và tế nhị hơn.
Ý nghĩa thứ nhất thì chúng ta ai cũng hiểu. Nó cũng chính là cái thông điệp căn bản của đạo Phật: lòng ham muốn của ta sẽ không bao giờ chịu học hỏi và thay đổi, nó sẽ không bao giờ khôn ra! Ngay cả những khi mà nó không mang lại được một ích lợi nào hết, ngoại trừ sự khổ đau, lòng ham muốn vẫn cứ lì lợm đeo đuổi cái mục đích riêng của nó. Thái độ đeo đuổi không biết mệt mỏi theo những mục đích ấy, khiến chúng ta có thể làm những việc rất là lạ lùng và điên rồ.
Câu truyện của ông Nasrudin là một ví dụ rất cụ thể cho cuộc đời của chúng ta: như câm như điếc trước mọi tuyệt vọng, ta nhất định phải đi tìm cho được một trái ớt ngọt. Trong khi những người đi ngang qua nhìn ông với một con mắt kinh dị, tại sao ông không dừng lại có phải tốt hơn không? Chính lòng ham muốn là sợi dây trói buộc ta vào bánh xe của khổ đau. Mặc dù thấy rõ rằng chúng mang lại cho mình khổ đau, nhưng ta vẫn không tài nào thuyết phục mình buông bỏ để thoát ra được. Cũng giống như nhà phân tâm học Freud thường hay nói, giữa sự ham muốn và sự thoả mãn có một khoảng cách không bao giờ có thể nối liền được – an unbridgeable gap.
Tại sao không dừng lại đi?
Nhưng thái độ lì lợm của ông Nasrudin là một ví dụ cho ta thấy rằng buông bỏ sự ham muốn trong cuộc đời là một việc dường như bất khả thi. Theo tôi thấy thì Nasrudin là một thiền sư nhiều tuệ giác, chứ không phải một người ngu khờ như ta nghĩ. Ông ta muốn dạy chúng ta rằng, lòng ham muốn sẽ không bao giờ để cho chúng ta yên. Nó cứ mang lại cho ta hy vọng và sẽ không bao giờ bằng lòng với câu trả lời “không” của mình!
Nếu nghiệm cho kỹ thì câu truyện ông Nasrudin còn có ẩn ý cho ta thấy được cả hai khía cạnh của vấn đề: sự tuyệt vọng của lòng ham muốn và lối thoát ra khỏi nó. Lòng ham muốn của ông không hề bị lay chuyển, mặc dầu nó đã mang lại cho ông nhiều khổ đau. Trong lời than van của ông, trong sự chấp nhận khổ đau với một hy vọng về một trái ớt ngọt, có ẩn chứa một tuệ giác về sự ham muốn. Nasrudin không hề hối tiếc về sự ham muốn của mình, ông vẫn tiếp tục mà không chút do dự, mặc dù trước những khổ đau rõ rệt. Và ông cũng không hề chống cự hoặc trốn tránh nó. Khổ đau và hy vọng, cả hai đều có mặt nơi đó. Mặc dù thấy rất rõ sự điên rồ của mình, Nasrudin vẫn cứ tiếp tục. Dường như ông muốn chỉ cho chúng ta thấy rằng, mặc dù than khóc và chảy tuông nước mắt, nhưng trong sự tìm kiếm ấy có mang lại cho mình một thú vui nào đó.
Tôi thích câu truyện của ông Nasrudin vì nó nói lên một sự thật rất phủ phàng và cũng rất là quyến rủ của lòng ham muốn. Là một nhà tâm lý trị liệu và cũng là một bác sĩ phân tâm học, hằng ngày tôi phải đối diện với những bệnh nhân mà câu chuyện của họ cũng tương tự như ông Nasrudin vậy. Họ cứ tiếp tục có những hành động và thái độ mà bất cứ ai có chút suy nghĩ đều biết là mình nên dừng lại ngay. Những thất vọng và bức xúc của họ tuông trào ra trong phòng bệnh của tôi như nước mắt của ông Nasrudin. Lắm lúc tôi cũng muốn nói to lên như những người bạn của Nasrudin. “Vậy tại sao không dừng lại đi?” Tôi muốn nói với họ, “Tại sao không buông bỏ đi mà cứ đeo đuổi nó làm gì cho khổ?”
Buông xả là con đường hạnh phúc
Là một bác sĩ không phải chỉ chịu ảnh hưởng của môn phân tâm học Tây phương, mà còn hiểu được tuệ giác của đạo Phật, tôi có thể dễ dàng nhìn thấy được việc ấy. Đức Phật dạy, con đường duy nhất để chấm dứt khổ đau là buông bỏ sự ham muốn của mình. Buông xả là con đường của hạnh phúc. “Tại sao ta lại đi tìm kiếm hạnh phúc nếu chính sự tìm kiếm ấy lại là cái nguyên nhân của khổ đau.” Nhưng sau nhiều năm tiếp xúc với bệnh nhân của mình, tôi nhận thấy rằng, mặc dù sự ham muốn mang lại cho ta nhiều khổ đau, nhưng ta không nên và cũng không thể nào dễ dàng buông bỏ nó.
Khi ta cố chối bỏ một phần nào của mình, nó sẽ vẫn còn dai dẳng có mặt như một cái bóng của ta. Cũng vậy, ta sẽ không thể nào tiêu diệt được lòng ham muốn bằng cách giả vờ rằng nó không hề có mặt. Vấn đề là ta phải đối diện, chấp nhận và chuyển hóa nó. Vì cũng như người Pháp có câu “Chassez le naturel, il revient au galop.” Xua đuổi sự tự nhiên đi, nó sẽ phi nước đại trở lại với ta.
Trích từ “Đức Phật bên trong”
Nguyễn Duy Nhiên
Nov 26 – 2015
Ngày Lễ Tạ Ơn
Ngày Lễ Tạ Ơn Tại Hoa Kỳ
Vì nước Mỹ là một quốc gia mới được thành lập bởi những di dân từ khắp nơi trên thế giới tới, nên ngày lễ Tạ Ơn (Thanksgiving), lễ của di dân mang một tính chất trang trọng, nó gợi lại cho tất cả mọi di dân một tâm trạng hết sức đặc biệt, một phần nhớ lại nguồn gốc tổ tiên của mình, một phần nhớ lại sự khó khăn của những ngày đầu tiên trên mãnh đất mới này và nhớ lại những ân sũng đã được Thượng Đế đã ban cho từ trước tới nay. Lễ Tạ Ơn không phải là ngày lễ riêng biệt của một tôn giáo nào, nó cũng không có tính chất chính trị để tưởng niệm một cá nhân, một biến cố lịch sử của dân tộc nào, vì những lý do đó chúng ta nên tìm hiểu sự tích của ngày lễ này chung cho tất cả mọi di dân.
Ngày lễ Tạ Ơn đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ đã được cử hành vào tháng chạp năm 1621 khi nhóm di dân Pilgrims từ con tàu Mayflower. Sau khi đặt chân lên vùng đất thuộc tiểu bang Massachusett đã xây dựng thành công cộng đồng Plymouth của họ. Sau một năm tranh đấu gian khổ với thiên nhiên, sau khi hơn nửa dân số đã chết vì bệnh tật và đói khát, họ đã tồn tại một phần là nhờ sự giúp đở của thổ dân da đỏ cung cấp lương thực và dạy họ trồng bắp và săn thú rừng. Các di dân đó đã làm lễ Tạ Ơn Thượng Đế đã ban cho họ một mùa gặt hái thành công khiến họ và con cái họ có thể tồn tại được trên vùng đất mới này, và từ đó sinh sôi nẩy nở phát triển cho đến ngày nay.
Lễ Tạ Ơn đã được cử hành trên khắp nước Mỹ, nhưng mỗi nơi cử hành theo phong tục tập quán riêng biệt của các dân tộc đem theo từ cựu lục địa Âu, Á không vào một ngày nào nhất định, và hình thức cũng khác nhau tuỳ theo dân tộc tính của mỗi nơi. Nhưng khi các di dân Mỹ bắt đầu phát động cuộc chiến cách mạng để giải phóng dân tộc khỏi sự đô hộ của đế quốc Anh thì tính chất đặc thù dân tộc của ngày lễ Tạ Ơn bắt đầu được xác định. Tướng Washington sau khi thoát khỏi cuộc bao vây ở Valley Forts đã ban hành luật dựng nên ngày lễ Tạ Ơn Thượng Đế đã cứu thoát quân giải phóng vào ngày 26 tháng 11 năm 1789. Mục đích là để tạo nên tinh thần đoàn kết giữa tất cả những di dân chống lại ngoại xâm. Đến năm 1830 khi tình hình chia rẽ dân tộc bắt đầu khơi mào thì các tiểu bang miền Bắc tuyên cáo thành lập ngày lễ Tạ Ơn để giử vững nền móng Quốc Gia và sau đó bà Sarah Hale là người có công đi cổ động trên khắp nước Mỹ để có được một ngày lễ Tạ Ơn đồng nhất cho tất cả các tiểu bang. Đến khi cuộc chiến Nam Bắc nước Mỹ đang ở vào thời kỳ ác liệt nhất, các tiểu bang miền Nam đòi ly khai thì tổng thống Lincoln nhận thấy rằng cần phải tìm ra một phương thức nào đó để xây dựng sự đoàn kết dân tộc, và ông đã nhận ra được tầm mức quan trọng của ngày lễ Tạ Ơn, ngày tưởng niệm các di dân. Ông muốn nhắc đến công ơn của các di dân đầu tiên đã xây dựng nên nước Mỹ. Để cố hoà giải sự chia rẽ Bắc Nam thời đó, ông tuyên bố chọn ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 năm 1863 làm ngày lễ Tạ Ơn. Đến năm 1941 thì Quốc Hội Mỹ đang trong thời kỳ đệ nhị thế chiến, đã biểu quyết ngày lễ Tạ Ơn là ngày quốc lễ của toàn thể liên bang. Mỗi khi vận mệnh đất nước bị lâm nguy là người dân Mỹ cảm thấy cần đến ngày lễ Tạ Ơn hơn lúc nào hết, để tưởng nhớ đến sự hy sinh, những khó khăn mà tiền nhân đã trải qua và cùng nhau sát cánh để đối đầu với những khó khăn hiện tại.
Sau bao nhiêu thay đổi, ngày lễ Tạ Ơn ngày nay đã trở thành một ngày lễ được người Mỹ tôn trọng nhiều nhất, bất kể tôn giáo, nguồn gốc dân tộc. Người Mỹ thường hội họp gia đình vào ngày lễ Tạ Ơn sau khi đi lễ ở nhà thờ thì họ họp nhau lại ăn một bửa cơm trưa rất lớn gồm có gà tây, mứt, cranberries, bánh bí đao, bắp và nhiều loại rau trái. Những món này là những món ăn thuần tuý của vùng New England, cái nôi văn hoá của nước Mỹ.
Mặc dù đã trải qua hơn 200 năm với một nước Mỹ luôn luôn thay đổi, nhưng những món ăn này vẫn không hề thay đổi. Vì ngày lễ này nhằm ngày thứ Năm nên một số học sinh, sinh viên, công tư chức được nghỉ luôn cho đến ngày Chủ nhật, do đó các buổi tiệc được kéo dài thêm vài ngày nữa. Đến cuối tuần thì họ rủ nhau đi coi môn thể thao được ưa chuộng nhất của người Mỹ là môn foot ball (banh bầu dục).
Tuy rằng nguồn gốc của ngày lễ Tạ Ơn xuất phát từ một hoàn cảnh đặc biệt hiểm nghèo của nhóm di dân đầu tiên đã sống sót trên lục địa mới này. Ngày lễ này thực ra đã có nguồn gốc rất xa xưa bắt nguồn từ những nền văn minh nông nghiệp cổ kính trên khắp thế giới. Tất cả các dân tộc sống bằng nghề nông đều có một ngày lễ đặc biệt để tạ ơn Trời Đất đã ban cho họ một mùa gặt hái thành công, giúp họ không bị đói kém. Các di dân Pilgrims đã làm lễ tạ ơn Thượng Đế dựa theo lễ La Mass gọi là lễ dâng bánh ở bên nước Anh, khi người nông dân đem miếng bánh đầu tiên làm bằng lúa của mùa gặt mới dâng lên Thượng Đế vào ngày mồng một tháng 8 hàng năm. Các dân tộc khác thì cũng có những lễ tạ ơn Thượng Đế tuỳ theo tôn giáo của họ. Nói chung là tất cả các di dân hầu hết trên thế giới đều có một hình thức riêng biệt để tạ ơn Thượng Đế sau mỗi mùa gặt.
Người Việt là nhóm di dân sau cùng đến nước Mỹ, người Việt không giống những giống di dân khác tìm đường sang Mỹ châu phần lớn là vì lý do kinh tế. Nhưng các di dân người Việt lại rất giống các di dân Pilgrims ở chỗ ra đi để đi tìm tự do về văn hoá và tư tưởng. Các di dân người Việt chưa quen thuộc với các tục lệ của người Mỹ, trong đó có ngày lễ Tạ Ơn do đó thường nghĩ rằng ngày lễ này có tính chất tôn giáo hoặc là một ngày lễ riêng của dân Mỹ không quan hệ gì tới mình. Nhưng nếu hiểu được ý nghĩa cao quý của ngày lễ đặc biệt này. Lễ của tất cả các di dân thì có lẽ các di dân người Việt cũng có thể hồi tưởng lại những khó khăn lúc ban đầu khi mới tới nước Mỹ. Tưởng nhớ lại những ân tình của những người bạn tốt không hề quen biết, những cơ quan thiện nguyện đã giúp đỡ mình xây dựng lại cuộc đời.
Nov 21 – 2015
Công thức tìm kiếm hạnh phúc
Bước 1: Giữ cho đầu óc bình thản
Meng đã hướng dẫn cho các khán giả ở SXSW một bài tập thở để làm dịu thần kinh.
Ông cũng nói chúng ta cần có những thời điểm thư giãn vào mỗi ngày và chú ý vào việc hít thở.
Cuốn sách của ông nêu một cách chi tiết hơn về định nghĩa của thiền định và cách thức thực hiện.
Dẫn một nghiên cứu từ Jon Kabat-Zinn ở Đại học Y Massachusetts, sách của Meng nói những bài tập như vậy sẽ làm giảm cảm giác lo âu.
Thế nhưng liệu điều này có mang lại kết quả? Một số bằng chứng cho thấy việc luyện tập như thế này có thể giúp ích cho thần kinh và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực.
Một báo cáo gần đây dựa trên 209 kết quả nghiên cứu cho thấy bài tập này giúp giảm trầm cảm, lo âu và căng thẳng.
Bước 2: “Ghi nhận những khoảnh khắc vui vẻ”
Điều này có nghĩa là hãy tự nhủ với mình rằng “mình đang cảm thấy vui”, mỗi khi bạn đang uống một cốc espresso ngon, bật cười trước trò đùa của bạn bè hoặc mua một chiếc áo sơ mi mà mình thích.
Khi những điều tiêu cực xảy ra, chúng ta thường tập trung quá nhiều vào chúng, trong khi những thứ tốt đẹp khác nhanh chóng biến mất.
Vì vậy, bằng việc ghi nhận những điều tích cực, chúng ta có nhiều cơ hội để kết luận rằng mình đã có một ngày tốt.
Tuy nhiên nhiều người trong chúng ta đều từng rơi vào hoàn cảnh khi một điều tiêu cực, dù khá ngắn ngủi, cũng đủ để làm một ngày trở nên không vui. Trong khi điều ngược lại hiếm khi xảy ra.
Một nghiên cứu gần đây của nhà tâm lý học Barbara Fredrickson cho thấy tỷ lệ những điều tích cực cần cao gấp 3 lần những điều tiêu cực để chúng ta có thể không suy nghĩ tiêu cực.
Mặc dù vậy, một nghiên cứu hồi năm 2006 cũng cho thấy những người viết xuống những điều tích cực vào nhật ký mỗi ngày thường có cảm giác bằng lòng hơn với cuộc sống và điều này có thể duy trì tác động tích cực trong hai tuần sau đó.
Bước 3: Mong muốn người khác được hạnh phúc
Theo Meng, chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi cho đi, nhiều hơn lúc được nhận.
“Sự tốt bụng là nguồn mang lại hạnh phúc lâu dài,” ông nói.
Trong cuốn sách “Hạnh phúc: Một đoạn giới thiệu rất ngắn”, triết gia Daniel Haybron đã ủng hộ lập luận này của Meng.
Haybron đã dẫn lại nhiều kết quả nghiên cứu, trong đó có của nhà tâm lý học Michael Argyle, người cho rằng việc làm tình nguyện và từ thiện khiến chúng ta hạnh phúc chỉ thua việc nhảy nhót.
Fredrickson cũng nghiên cứu lợi ích của việc nghĩ tốt cho người khác.
Bà đã yêu cầu nhiều người thử phương pháp này vài phút mỗi ngày, trong vòng nhiều tuần.
Kết quả là nhiều người nói họ đã cảm thấy vui vẻ và nhiều hy vọng hơn trước đây.
Nguồn: BBC Future
Nov 1 – 2015
I always feel happy, you know why?
William Shakespeare said:
I always feel happy, you know why?
Because I don’t expect anything from anyone
Expectations always hurt …
Life is short …
So love your life …
Be happy and keep smiling
Before you speak, Listen
Before you write, Think
Before you spend, Earn
Before you pray, Forgive
Before you hurt, Feel
Before you hate, Love
That’s Life .
Feel it, Live it & Enjoy it
William Shakespeare đã nói rằng:
Tôi luôn thấy hạnh phúc, bạn có biết vì sao không?
Bởi vì tôi không bao giờ mong muốn bất cứ điều gì từ bất kỳ ai
Những mong muốn như vậy bao giờ cũng mang lại tổn thương…
Cuộc sống vốn ngắn ngủi, vì vậy hãy trân quý cuộc sống…
♥
Hãy luôn hạnh phúc và mỉm cưởi
Hãy lắng nghe trước khi mở lời
Hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đặt bút viết
Hãy kiếm đủ trước khi nghĩ đến việc chi tiêu
Hãy tha thứ trước khi cầu nguyện
Hãy cảm thông trước khi cảm thấy bị tổn thương
Hãy yêu thương trước khi ghét bỏ.
Cuộc sống vốn là vậy
Hãy sống, cảm nhận và thưởng thức.
♥
Tôi luôn thấy hạnh phúc
Bạn có biết vì sao?
Vì tôi không đòi hỏi
Dù sang-hèn-thấp-cao
Đòi hỏi gây thương tổn
Làm “dậy sóng ba đào”
♥
Cuộc đời ta ngắn ngủi
Hãy trân quý, tri ân
Lắng nghe trước khi nói
Đặt bút viết – suy tư
Đừng ham mê, tham đắm
“Tri túc” – lạc tâm thân
Tha thứ khi cầu nguyện
Đừng ghét, hãy yêu thương
Cảm thông khi thương tổn
♥
Cuộc sống vốn là vậy
Hãy rộng mở, bao dung
Sống, sẻ chia, đón nhận
Thưởng thức mọi hồng ân.
Sept 28 – 2015
Suppermoon and Lunar Eclipse,
Sept 27 – 2015
Sunday night’s Supermoon eclipse, it hasn’t happened since 1982 and won’t happen again until 2033, according to space.com
A supermoon occurs when the full or new moon is unusually close to Earth in its orbit. The moon looks unusually bright in those situations when it is full. Tonight, however, as seen from Portland, the moon will be in eclipse as it appears over the eastern horizon.
Nguyệt thực
Mặt Trăng đêm rằm đang khuyết dần.
Có ba kiểu nguyệt thực chính: Nguyệt thực một phần, nguyệt thực nửa tối và nguyệt thực toàn phần.
Vào tối Chủ Nhật ngày 27 tháng 9 năm 2015, chúng ta đã được nhìn thấy sự diễn tiến của nguyệt thực toàn phần.
Khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm trên một đường thẳng, sẽ có nguyệt thực toàn phần.
Dưới đây là thời gian của một nguyệt thực toàn phần:
♦ Mặt Trăng đi vào vùng nửa tối của Trái Đất. Ánh trăng sẽ mờ và tối đi.
♦ Nguyệt thực một phần. Lúc này Mặt Trăng sẽ bị khuyết đi một phần.
♦ Mặt Trăng đang dần dần đi vào phần bóng tối của Trái Đất.Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ đồng.
Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối của Trái Đất. Lúc này ánh trăng sẽ bị mờ đi và Mặt Trăng sẽ có màu đỏ đồng hoặc màu cam sẫm.
Cực đại: Ánh trăng bị mờ và tối đi. Toàn bộ Mặt Trăng chuyển sang màu đỏ đồng.
.
Mặt Trăng dần ra khỏi phần bóng của Trái Đất.
.
Mặt Trăng ra khỏi phần bóng nửa tối của Trái Đất.
.
A crowd of several hundred is gathered atop Rocky Butte Park in Northeast Portland, a good hour before the rise and eclipse of the supermoon.
Và ghi chép trong Kinh Phật thời xưa…
Sept 19 – 2015
Nếu trẻ em nô nức được hòa vào đoàn lân rộn rã tiếng trống, cầm trên tay chiếc đèn ông sao mẹ vừa mua và cùng đám bạn phá cỗ tưng bừng. Thì người lớn lại nhẹ nhàng trong ấm trà với chiếc bánh trung thu thơm ngon thưởng trăng, trò chuyện. Đó là nét đặc trưng trong ngày Tết trung thu ý nghĩa ở Việt Nam.
Đôi điều về tết trung thu
Người Việt ăn mừng Trung thu và xem đó như là lễ hội dành cho trẻ em, nét đặc trưng là sự náo nhiệt của âm thanh trống, kèn cùng với những chiếc đèn lồng hình ngôi sao lấp lánh (đèn ông sao), đèn cá chép dưới bầu trời dịu mát của những cơn gió nhẹ và ánh trăng sáng tỏ. Vào ngày tết này, người ta tổ chức bày cỗ, trông trăng. Thời điểm trăng lên cao, trẻ em sẽ vừa múa hát vừa ngắm trăng phá cỗ. Ở một số nơi người ta còn tổ chức múa lân, múa rồng, múa sư tử để các em vui chơi thoả thích.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, Tết Trung Thu còn được gọi là Tết Đoàn viên. Dù là ở bất cứ nơi nào, người Trung Quốc đều trờ về quê nhà để đoàn tụ với gia đình của họ và xem đó là khoảng thời gian đại gia đình ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức tách trà xanh ấm áp với miếng bánh trung thu ngọt ngào và cũng là dịp để bày tỏ và thắt chặt mối quan hệ thâm giao.
Có nhiều truyền thuyết liên quan đến ngày lễ hội. Lễ hội trông trăng bước đầu được tổ chức vào ngày rằm tháng tám âm lịch, trong thời gian đó, mặt trăng trông có vẻ lớn hơn bất kỳ thời gian nào khác trong năm. Mặt trăng tượng trưng cho sự viên mãn, đủ đầy và sự thịnh vượng của cuộc sống.
Ngoài ý nghĩa vui chơi cho trẻ em và người lớn, Tết Trung Thu còn là dịp để người ta ngắm trăng tiên đoán mùa màng và vận mệnh quốc gia. Nếu trăng thu màu vàng thì năm đó sẽ trúng mùa tằm tơ, nếu trăng thu màu xanh hay lục thì năm đó sẽ có thiên tai, và nếu trăng thu màu cam trong sáng thì đất nước sẽ thịnh trị.
Vào ngày Trung thu, người ta có phong tục biếu, tặng nhau những hộp bánh trung thu cho gia đình và bạn bè. Các loại bánh trung thu truyền thống thường rất giàu hương vị. Những chiếc bánh được tạo hình tròn trông giống như ánh trăng. Có đầy đủ các thành phần với hạt sen, vỏ cam, mứt và các loại đậu.
Theo truyền thống, trong đêm Tết, trẻ em diễu hành trên đường phố, hát ca với lồng đèn đầy màu sắc trong tay. Những chiếc đèn lồng có hình dạng khác nhau bao gồm bướm, cá, và các ngôi sao. Ngoài ra, còn có những chiếc đèn lồng xoay vòng theo cùng một chiều liên tục không dừng lại, khi có một ngọn nến được đặt bên trong (đèn kéo quân), giống như là sự xoay chuyển của trái đất quanh mặt trời.
Các điệu nhảy và múa rồng được phổ biến trong thời gian Tết. Người Trung Hoa thường tổ chức múa rồng vào dịp Trung Thu, còn người Việt múa sư tử hay múa lân. Con Lân tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và là điềm lành cho mọi nhà…
Dù tổ chức ở thành phố hay nông thôn, những nét truyền thống của lễ hội Trung thu vẫn được bảo tồn, được phản ánh thông qua cách mà trẻ em chơi các trò chơi như trốn tìm, sư tử nhảy múa, diễu hành đèn lồng,..
Vào buổi tối của đêm Trung thu, không chỉ là cơ hội cho các em nhỏ vui chơi, thưởng thức các món ăn, bánh kẹo mà còn là cơ hội được nghe ông bà và cha mẹ của họ chia sẻ những câu chuyện vui trong cuộc sống đời thường, cũng như cách chuẩn bị một mâm cổ cho ngày Tết Trung thu. Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung Thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa. Dưới ánh trăng sáng, bầu trời quang đãng và môi trường trong lành, mọi người đều thoải mái với một niềm vui khó tả
PORTLAND, OREGON.
“Mặt Trăng của Tuổi Trẻ 2015”
Mary Nguyen
Tết Trung Thu, là một trong những ngày Tết quan trọng trong năm và có ý nghĩa đặc biệt với thiếu nhi Việt Nam.
.
Cứ mỗi dịp rằm tháng Tám, các em thiếu nhi đều háo hức chờ đợi đến thời khắc được rước đèn, ngắm trăng, được nghe lại giai thoại dân gian về sự tích chú Cuội, chị Hằng lên cung trăng.
Đây là dịp để mỗi gia đình, cộng đồng thể hiện sự quan tâm, tình yêu thương, và sự chăm sóc cho các trẻ em Việt Nam, có một ngày Tết Thiếu Nhi đầy ý nghĩa, nhớ về cội nguồn và truyền thống dân tộc quê hương Việt Nam.
.
Cộng Đồng Việt Nam Oregon tổ chức Tết Trung Thu năm nay với ý nghĩ “Mặt Trăng và Tuổi Trẻ””. Để duy trì những nét đẹp văn hoá truyền thống trong lễ hội trăng rằm, ban tổ chức đã trình bày và trang trí trong hội trường: lồng đèn màu sắc rực rỡ, hình ảnh bản đồ Nước Việt Nam lồng trong ánh trăng rằm, sáng rực trên nền trời đầy tinh tú, nói lên niềm vui mừng hân hoan của mọi người Việt Nam khắp nơi cùng chào đón “Tết Trung Thu” và vui chơi với các em thiếu nhi.
.
Đồng thời Cộng Đồng Việt Nam Oregon đã nhận được sự ủng hộ tham gia của quý Tôn Giáo, quý Đoàn Thể, quý mạnh thường quân, quý cơ sở thương mại đã ủng hộ về mọi mặt tinh thần lẫn vật chất. Đặc Biệt năm nay với tinh thần trẻ trung, hăng say của các em thanh thiếu niên, đại diện cho các trường: Oregon State University, Portland State Unversity, Madison High School, Franklin High School cùng rất nhiều các em thiện nguyện viện đã hợp tác để tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức, từ việc sắp xếp trò chơi cho các em cho đến các tiết mục văn nghệ đặc sắc do chính các em trình diễn, mang nhiều ý nghĩa truyền thống văn hóa Việt Nam rất đáng khen ngợi.
.
Nguồn: Mary Nguyen-Google+
Sept 12 – 2015
The Jade Buddha for Universal Peace
is coming to Portland, Oregon
The Jade Buddha for Universal Peace, as part of its annual world tour, will be at Ngoc Son Tinh Xa Portland in Oregon, for 3 weeks, from Aug 22 – 2015. This is considered an extraordinarily rare community event for the temple in Portland, OR.
The Vietnamese Buddhist community in Portland is welcoming the public to come and experience this extraordinary event and to pray for universal peace.
Aug 22 – 2015 to Sept 13 – 2015
Ngoc Son Tinh Xa Buddhist Association
8318 SE. Harney St., Portland , OR 97266 – USA
Thật là một niềm vui cho phật tử tại hải ngoại nói chung và phật tử tại Portland, Oregon nói riêng. Ðược cung đón Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới về Portland, Oregon, do Ngọc Sơn Tịnh Xá tổ chức từ ngày 22 tháng 8 cho đến ngày 13 tháng 9 năm 2015.
Ðại lễ khai mạc cung nghinh Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới, đã được cử hành 10 giờ sáng Thứ Bảy, ngày 22 tháng 8 năm 2015 và Lễ bế mạc Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới sẽ được cử hành vào lúc 2 giờ chiều, ngày 13 tháng 9 năm 2015 tại Tịnh Xá Ngọc Sơn, 8318 SE. Harney Street, Portland, Oregon 97266.
Chương Trình Chiêm Bái Ngọc Phật từ 9:00 AM đến 9:00 PM từ ngày 22 tháng 8 cho đến ngày 13 tháng 9 năm 2015.
Vài hình ảnh ngày August 19, 22 – 2015 tại Tịnh Xá Ngọc Sơn chuẩn bị Ðại Lễ Cung Nghinh Phật Ngọc in Oregon.
.
August 19 – 2015 tại Tịnh Xá Ngọc Sơn, HT. Thích Minh Thiện leads Sangha in prayers for an auspicious showing of the Jade Buddha in Portland.
Thiện Ngộ’s Photo (Sat, Aug 22 – 2015)
”.. Vu Lan đưa chiều vàng ấm,
Êm êm chuông chùa nhẹ ngân
Phiêu linh Vu Lan về ngàn phương…..”
(TTT)
Vài hình ảnh ngày Chủ Nhật 30 tháng 8 năm 2015: ÐẠI LỄ VU LAN bắt đầu từ 10:00 AM tại Tịnh Xá Ngọc Sơn.
Vài hình ảnh ngày Sept 13 – 2015: LỄ BẾ MẠC PHẬT NGỌC tại Tịnh Xá Ngọc Sơn.
Xin mời xem thêm tại this link:
http://www.linhsonvien.com/ton-tuong-phat-ngoc-in-oregon-nam-2015/
Bạn đã đổi ý gì về sự tu tập?
Một tờ báo Phật học Hoa kỳ có gửi câu hỏi sau đây đến cho một số các giáo thọ Tây phương, cũng như những hành giả có kinh nghiệm tu học nhiều năm trong đạo Phật: Bạn có thay đổi suy nghĩ về vấn đề nào trong đạo Phật, và tại sao? Dưới đây là một số những câu trả lời của các vị ấy gởi về.
— oOo —
Ông Jack Kornfield là một vị giáo thọ và cũng là người sáng lập trung tâm thiền tập Spirit Rock Meditation Center. Quyển sách gần đây nhất của ông là Bringing home the Dharma: Awakening right where you are.
Tôi thì cũng đã từng đổi ý về hằng trăm việc. Mà một ví dụ cụ thể là vấn đề cố gắng trong thiền tập. Tôi thường nghĩ là muốn đạt đến giải thoát, chúng ta cần phải luyện tập như một dũng sĩ. Nhưng bây giờ thì tôi hiểu rằng, chúng ta cần phải thực tập như một người mẹ hiền đối với một đứa con sơ sinh của mình. Cũng cùng một năng lượng, nhưng hai phẩm chất hoàn toàn khác nhau. Ta cần một tình thương và sự có mặt của mình, hơn là phải cố gắng chiến thắng nó như là một kẻ thù trên chiến trận.
Và một vấn đề nữa là tôi vẫn thường nghĩ rằng chúng ta chỉ cần ngồi thiền là đủ. Chỉ cần ngồi thiền thôi ta sẽ có thể thay đổi được hết tất cả mọi việc trong cuộc đời mình một cách trọn vẹn và tốt đẹp. Có thể đối với một số nhỏ là vậy, nhưng nói chung thì việc ấy không hề xảy ra. Đối với đa số chúng ta, thiền tập chỉ là một phần của vòng tròn mạn đà la giác ngộ, mà trong đó còn bao gồm cả một sự tỉnh giác về thân mình, về những mối tương quan của ta với người chung quanh, về chánh ngữ, cũng như một lối sống chân thật.
Tôi cũng thường nghĩ rằng sự tu tập thiền quán sâu sắc và hiệu quả chỉ có thể xảy ra ở một thiền viện xa xôi nào đó. Muốn thực tập một cách chân chánh và tận gốc rễ, ta phải đi sang Thái lan, Miến điện hoặc là Ấn độ hay Tây tạng. Đa số những người như chúng tôi, đã có dịp tu tập ở các nơi ấy, đã thường nghĩ như vậy, và có lẽ một số người vẫn còn nghĩ như thế. Bây giờ, khi trở lại những nơi ấy, Thái lan, Miến điện hoặc là Ấn độ hay Tây tạng, tôi nhận thấy họ có một sự thực tập rất sâu sắc. Và tôi cũng nhận thấy rằng sự thực tập sâu sắc ấy cũng đang có mặt ngay ở nơi đây. Bây giờ tôi hiểu rằng sự tìm kiếm xa xôi ấy cũng chỉ là một ảo tưởng mà thôi!
Ông John Tarrant là người hướng dẫn cho nhóm Pacific Zen Institute, chú trọng về thiền công án và nghệ thuật. Ông cũng là tác giả của những quyển sách về thiền công án.
Tôi nghĩ đó là một câu hỏi rất hay. Câu trả lời chính xác nhất mà tôi có thể có là tôi không có một cái tâm, a mind, hay một ý nghĩ nào để thay đổi hết. Tôi đã thay đổi ý nghĩ của mình về vấn đề là chúng ta có một ý nghĩ.
Ông Surya Das là một vị lạt ma Hoa kỳ tu theo truyền thống Phật giáo Tây tạng. Ông cũng là tác giả của nhiều quyển sách về đạo Phật bán rất chạy trên khắp thế giới.
Một điều mà tôi đã đổi ý là về quan niệm cho rằng ngồi thiền là tốt cho tất cả mọi người, hay nó là một điều chính yếu trong Phật Pháp, Buddha Dharma. Kinh nghiệm của tôi thì thiền tập rất là hữu ích, an lạc và sâu sắc – nhưng tại sao chúng ta lại không tu tập một chân Pháp (true Dharma)? Tôi tin rằng pháp môn “chỉ có ngồi thiền” không thể nào hoàn toàn đầy đủ cho một cuộc sống tâm linh, với những liên kết mật thiết trong thế giới ngày nay. Theo tôi nghĩ muốn có một cuộc sống tâm linh trọn vẹn, chúng ta nên chú ý đến vấn đề làm sao để khơi dậy được bồ đề tâm của mình. Thiền tập có thể dễ bị sử dụng như là một sự trốn tránh, giúp ta lánh xa được những lo âu, hoàn cảnh khó khăn và trách nhiệm của mình – ít nhất là cũng tạm thời.
Trong những năm qua tôi có một nhận xét này, là nếu như một người nào đó quay vào bên trong nhiều quá, chỉ hướng theo một chiều duy nhất, họ có thể sẽ trở nên cố chấp và cứng nhắc, bớt đi sự dễ thương, lành mạnh và trong sáng của mình. Thiền tập nếu không có sự quân bình của tuệ giác và tâm từ, kèm theo với một cái nhìn rộng mở, nó sẽ trở nên khô khan, cách biệt và xa lạ. Bây giờ tôi nghĩ, con đường tu tập giác ngộ của đạo Phật phải được thể hiện qua thiền tập trong mỗi hành động và sự sống, làm sao để mang năng lượng tỉnh thức vào mọi sinh hoạt, trong mỗi giây, mỗi phút.
Ông Patrick McMahon vừa có một sinh nhật sáu mươi tuổi và kỷ niệm 40 năm trên con đường thiền tập theo truyền thống Zen.
Mới đây, tôi có dịp gặp lại và ngồi gần một người bạn đạo sau một buổi lễ tưởng niệm những người đã mất, cho các vị thầy cũng như trò, kể từ khi thiền viện Tassajara Zen Mountain Center được thành lập từ năm 1967 đến nay. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi gặp Jerome là 40 năm về trước tại thiền viện San Francisco City Center. Lúc đó tôi chừng hai mươi tuổi, và anh lớn hơn tôi một chút. Thời gian ấy, anh Jerome cũng chẳng giữ một chức vụ gì quan trọng trong thiền viện. Tôi vẫn thường tìm gặp anh để tán gẩu. Đối với tôi, anh là một vị bồ tát rất vững chãi trên con đường giác ngộ. Từ ngày rời thiền viện, trong nhiều năm qua thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về anh, không biết anh ra sao, hay là còn sống hay không.
Và bây giờ anh ngồi đây với tôi, vẫn còn đó – hay dường như là vậy. Tôi nhận ra anh ngồi nơi một góc ở cuối thiền đường, gương mặt cằn cỗi nhưng vẫn là anh, thân người cao lớn, dựa vào tường, dường như đang ngủ gục. Sau buổi lễ tôi bước đến và tự giới thiệu với anh. Tôi nghĩ anh không nhận ra tôi, nhưng sau một hồi anh dường như nhớ lại và tỉnh hẳn lên. Tôi phải gắng nghe anh, giọng anh ngộng nghịu, miệng không còn một chiếc răng nào hết. Thiền đường lúc ấy cũng đã vắng người. Tôi đở anh đứng dậy, và nhìn anh lom khom đi chậm đến bàn thờ thắp một nén hương. Còn bao lâu nữa tôi sẽ đốt một nén hương cho anh? Và rồi bao lâu nữa sẽ có người thắp cho tôi một nén hương?
Bốn mươi năm trước tôi không bao giờ tự hỏi hay là có những ý nghĩ đó, mặc dù đức Phật lúc nào cũng nhắc nhở về “thời gian qua mau,” mặc dù biết câu truyện về thái tử Sĩ Đạt Ta xuất gia đi tầm đạo sau khi tiếp xúc với người già, người bệnh và một xác chết. Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi quan tâm đến thời ngồi thiền sắp tới của mình hơn, hoặc là khi nào đi tham dự khóa tu kế tiếp, hay là làm sao để được người khác chú ý đến. Trong những năm tháng tu tập khi còn trẻ ấy, sự giác ngộ đối với tôi có nghĩa là “không bệnh, không lão, cũng không tử” của bài Bát Nhã Tâm kinh mà chúng tôi tụng mỗi sáng trong chánh điện.
Nhưng bây giờ, nhìn khói hương bay tỏa trong thiền đường, tôi đột nhiên ý thức được có một điều đang dần dà trở thành sự thật: là tất cả chúng ta, những huynh đệ tỷ muội của tôi, cũng chính là cái bệnh, cái già và rồi sẽ là cái chết. Rằng tất cả những gì đang trôi nhanh qua, ta vẫn có thể tiếp xúc được với chúng ngay trong giây phút này. Nhưng lẽ dĩ nhiên nó cần một sự thay đổi trong cái nhìn của mình, ta mới có thể thấy được.
Anne Cushman là người điều hành chương trình huấn luyện Mindfulness Yoga tại trung tâm Spirit Rock Meditation Center. Cô cũng là tác giả của quyển “Giác Ngộ Cho Những người khờ”, Enlightenment for Idiots.
Một sự thay đổi lớn lao nhất trong sự tu tập của tôi là bây giờ tôi không còn tin rằng “Tôi” đang tu tập nữa. Tôi đã thường nghĩ rằng “Tôi” phải ngồi thiền. Và nó cũng chính là cùng một cái “Tôi” bận rộn, siêng năng, và tự cao, mà hằng ngày đi chợ, viết lách, và thích khoe khoang với người chung quanh. Và bây giờ thì cái “Tôi” ấy muốn miên mật thực tập chánh niệm, với một sự cương quyết được giác ngộ, và rồi cứ tự trách móc mình vì liên tiếp bị thất bại mãi.
Khi xưa, thiền tập cũng chỉ là một việc cần phải làm trong tờ danh sách của “Tôi”, như là hoàn hảo một tư thế yoga, hay xếp quần áo ngay ngắn vào ngăn tủ vậy. Nhưng rồi cuối cùng tôi hiểu rằng, cái “Tôi” giới hạn và nhỏ bé đó hoàn toàn không thích đáng trong tiến trình thiền tập. Bây giờ thì sự thực tập của tôi là tháo gở ra, hơn là buộc thêm vào. Nó là làm sao để có thể nới lỏng và buông thả sự kìm kẹp của cái “Tôi” ấy trong tâm, để ta có thể tiếp xúc được với một thực tại rộng mở lúc nào cũng có mặt, cho dù “Tôi” đang làm bất cứ một công việc gì.
Ông Michael Wenger là một thầy giáo thọ ở trung tâm San Francisco Zen Center.
Câu hỏi này nhắc nhở tôi một điều, là tôi không cần quan tâm nhiều đến những quan niệm cũ hay những gì mình đã suy nghĩ trong quá khứ. Vấn đề là bây giờ tôi có thể biểu hiện được con tim biết thương yêu của mình ra không, và có khuyến khích được người khác cùng làm như thế chăng?
Ông Wes Nisker là một giáo thọ, một tác giả. Ông cũng là sáng lập viên và chủ biên của tờ báo Phật giáo Inquiring Mind.
Khi xưa tôi nghĩ đạo Phật có thể giúp tôi thoát được khổ đau. Đó là trước khi tôi bắt đầu già và khôn ngoan hơn. Và không phải tuệ giác này đã làm tôi đổi ý về vấn đề chấm dứt khổ đau, mà thật ra là do chính cái già của mình. Vâng, tôi biết là không có ai già đi hết, cũng không có một cái tôi nào riêng rẽ cả, tất cả chỉ là những hiện tượng trống rỗng trôi lăn mà thôi. Nhưng khốn thật! Bây giờ thì tai tôi không nghe rõ như xưa, mắt tôi thì mờ, những khớp xương giờ cũng cứng đơ, và trí nhớ của mình thì cứ lặp đi lặp lại hai chữ “Quên rồi!”
Nhưng xin bạn cũng đừng hiểu lầm tôi! Tôi cảm thấy vô cùng may mắn có được giáo Pháp ngay cạnh bên khi sống qua giai đoạn này. Và tôi thường tập trở về nương tựa với giây phút hiện tại nhiệm mầu và trong sự ấm áp của tâm từ. Nhưng tôi vẫn đang sống trong một túi da thịt xương đang tiêu hoại, và có nhiều lúc, ít nhất là một lần mỗi ngày, tôi nguyền rủa cái hiện thân này, với những đau đớn và nhức nhối của nó, cũng như cái số phận trước mắt mà không ai tránh khỏi.
Không, giáo pháp này đã không giúp tôi chấm dứt được khổ đau. Nhưng tôi hứa là lần tới tôi sẽ cố gắng và tinh tấn nhiều hơn.
Bà Sylvia Boorstein là một trong những vị thầy sáng lập trung tâm Spirit Rock Meditation Center tại thành phố Marin County, California. Bà cũng là tác giả của nhiều quyền sách thiền tập về Vipassana.
Tôi không dám nhấn mạnh về việc mình đã có những sự đổi ý nào về đạo Phật, hơn sự thật là chính đạo Phật đã làm thay đổi ý nghĩ của tôi. Ngày đầu tiên cách đây hơn 30 năm, sau khi lần đầu tiên nghe một bài pháp thoại, tôi cảm thấy phấn khởi và có rất nhiều hy vọng. Tôi tin rằng mình sẽ phát triển được khả năng đối diện được với tất cả những khó khăn trong cuộc đời. Tôi cảm nhận được từ những vị thầy mình, là dường như họ ít có sợ hãi về cuộc sống này hơn tôi. Tôi rất tin vào giáo Pháp của đức Phật. Và chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho tôi có rất nhiều hạnh phúc.
Và ngày nay, sau nhiều năm tháng thực tập, tôi biết rằng tâm mình có được thêm nhiều khả năng tiếp nhận hơn. Nó chuyển hóa những khó khăn, bức xúc trong tâm dễ dàng hơn khi xưa. Tôi vẫn còn sợ hãi hay nổi giận hay ganh tỵ hay bất cứ một phản ứng tự nhiên nhất thời nào đó khi có việc xảy ra. Tánh của tôi thì rất dễ phản ứng, mà lại còn có khuynh hướng làm lớn chuyện nữa. Nhưng bây giờ thì tôi có ý thức và biết được việc gì đang xảy ra, và thường thường thì tôi dừng lại và phục hồi. Khả năng đối phó với những vấn đề khó khăn, trong tôi và chung quanh tôi, với một tình thương và tâm từ, bây giờ cũng được lớn mạnh hơn.
Tôi cũng biết có những giáo lý liên quan đến đạo Phật mà tôi nghĩ “Tôi không thật sự tin như vậy,” nhưng việc ấy không hề làm cho tôi phải lo nghĩ. Nó không là vấn đề. Tôi chỉ muốn làm sao để sự tu tập của mình có hiệu quả. Tôi muốn chuyển hóa tâm sợ hãi của mình thành một tâm tuệ giác và an lạc, và tôi tin việc ấy sẽ xảy ra. Đó mới là điều đã và đang rất quan trọng đối với tôi.
Ông Will Stewart là một hành giả đã hành thiền theo truyền thống Zen hơn 25 năm.
Tôi không hề thay đổi ý nghĩ của mình về đạo Phật, nhưng tôi có thay đổi ý nghĩ về mình là ai.
Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Nguyễn Duy Nhiên’s blogspost
Feb 7 – 2015
“Cherry Blossom Exhibit”
at the Senior Center in Hollywood
Xin cùng chúng tôi đi thăm phòng : Triển Lãm Hoa Xuân 2015
Jan 4 – 2015
Buổi Pháp Thoại đầu năm:
Thầy Thích Phước Tiến
tại Portland, OR.
Đẩy lùi ảm đạm mùa Đông
Nào phải mũ len, áo lông
Mới nghe đời thêm ấm áp!
Là khi gặp được bạn lòng
Bên tách trà nồng, hương ngát.
– Được sống trong nhà Phật Pháp
Tâm hồn ngày mỗi thăng hoa
Dù đời vẫn cứ mưa xa
Vẫn thế, lòng ta ấm áp.
Đâu phải thật nhiều quà cáp
Mới thấy dào dạt niềm vui,
Ấm áp những khi.. ngậm ngùi
Có một bờ vai tin cậy.
Không phải xoa bàn tay lại
Cơn lạnh mùa Đông qua đi.
Là đường đời lúc gian nguy..
Chợt ai đến chìa tay nắm.
Thà khi ” lạnh ngoài, trong ấm ”
Đời vui, dù sống cảnh nghèo,
Hơn là ” ấm ngoài, trong lạnh ”
Sang giàu vẫn cứ cô liêu…
Thích Tánh Tuệ
(Bodhgaya- India- Noel 2014)
ĐỨC PHẬt QUA CÁI NHÌN
CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC
Tôn giáo – Tâm linh
“Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó”. [Albert Einstein].
1. Nhân cách vĩ đại của Ðức Phật:
Ðức Phật là hiện thân của tất cả các đức hạnh mà Ngài thuyết giảng. Trong thành quả của suốt 45 năm dài hoằng pháp, Ngài đã chuyển tất cả những lời nói của Ngài thành hành động; không nơi nào Ngài buông thả cái yếu đuối của con người hay dục vọng thấp hèn. Luân lý, đạo đức căn bản của đức Phật là toàn hảo nhất mà thế giới chưa bao giờ biết đến. [Giáo sư Max Miller, Học giả người Ðức].
Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo được thấy trên môi đức Phật kể cả trong lúc tình cờ. [- Tiến Sĩ S. Radhakrishnan].
Ðiều đáng chú ý nhất nơi đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ tâm. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại. [Moni Bagghee, “Ðức Phật Của Chúng Ta”].
Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy: là do lòng ích kỷ. Lòng ích kỷ có ba dạng: – Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác; – Hai là tham vọng muốn bất tử; – Ba là tham vọng thành công và trần tục. Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình.
Rồi con người đó mới trở thành một bậc đại nhân. Ðức Phật, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, năm trăm năm trước Chúa Christ, đã dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng Ngài rất gần gũi với chúng ta hơn, và đáp ứng được nhu cầu của chúng ta. Ðức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh. [- H.G. Wells].
Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gủi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài, Ngài là Ðường lối, là Chân lý và là Lẽ sống. [- Giám mục Milman].
2. Trí tuệ siêu việt của Đức Phật
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được. [- Giáo Sư Eliot, “Phật giáo và Ấn Ðộ giáo”].
Ðức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các “Thần linh và Người”. Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức. [- George Grimm, “Giáo Lý của đức Phật”].
Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đức Phật khuyến dụ, khẩn cầu và kêu gọi con người không nên làm hại một sanh mạng, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh (sanh mạng) cho các Thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong sự thuyết giảng của Ngài, đấng Vô Thượng Sư có lần hùng hồn tuyên bố là Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự giải thoát cho chính họ. [Giáo Sư Rhys Dadis].
Ðức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình. [- Tiến Sĩ Oldenburg, Một học giả Ðức].
Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ như trả lời: “Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi”. [Anatole France].
Sự khác biệt giữa đức Phật và một người bình thường giống như sự khác biệt giữa một người bình thường và một người mất trí. [- Một Văn Hào].
Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, có phải vị trí một hạt nhân điện tử lúc nào cũng giữ nguyên không thay đổi, chúng ta phải trả lời “không”; nếu chúng ta hỏi có phải vị trí của một hạt nhân điện tử thay đổi theo thời gian, chúng ta phải trả lời “không”; nếu chúng ta hỏi có phải hạt nhân đó đang di động, chúng ta phải trả lời “không”. Ðức Phật cũng đã giải đáp như vậy khi có người hỏi tình trạng bản ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời như trên không phải là những câu trả lời quen thuộc theo truyền thống khoa học ở thế kỷ 17 và 18. [J.Robert Oppenheimer].
Nếu một vấn đề nào đó cần được đề ra, vấn đề đó phải được giải quyết trong hài hòa và dân chủ theo đường lối dạy bảo của đức Phật. [- Tổng thống Nehru].
3. Cống hiến của Đức Phật với nhân loại:
Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông diệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông diệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp). [Tổng thống Nehru].
Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cữu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Ðức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ. [Albert Schweizer, một nhà lãnh đạo triết học Tây Phương].
Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng có thể chữa khỏi bởi giác ngộ và lòng thiện cảm. [- Tiến Sĩ Radhakrisnan, “Ðức Phật Cồ Ðàm”].
Ðức Phật không phải là của riêng người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay của Ngài. [- Một học giả Hồi Giáo].
Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại. [Tiến Sĩ S.Radhakrisnan,”Ðức Phật Cồ Ðàm”].
Ðức Phật là người cha nhìn thấy đàn con đang vui chơi trong ngọn lửa thế tục nguy hiểm, Ngài dùng mọi phương tiện để cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa và hướng dẫn chúng đến nơi an lạc của Niết bàn. [- Giáo sư Lakshimi Narasu, “Tinh Hoa Của Phật giáo”].
4. Giáo pháp của Đức Phật:
Ðọc một chút về Phật giáo là đã biết rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật giáo đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời. [- Tiến Sĩ Graham Howe].
Phật giáo chưa bao giờ ép ai theo dù dưới hình thức nào – hoặc ép buộc ý tưởng và niềm tin đối với người không thích, hoặc bằng bất cứ một sự tâng bốc nào, bằng lừa gạt hay ve vãn, hầu đoạt được thắng lợi để gia nhập vào quan điểm riêng tư của mình. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ thi đua để dành người quy nạp vào Ðạo như nơi chợ búa. [- Tiến sĩ G. P. Malasekara].
Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Nhờ đến sức mạnh và tiền bạc hay cả đến sự chinh phục để tác động mọi người vào đạo thì sao? Ðức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này. [- Giáo Sư Lakshmi Nasaru, “Tinh Hoa của Phật giáo”].
Không thể cho rằng Phật giáo bị suy yếu, ngay hiện tại, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi. [- Gertrude Garatt].
Mặc dù người ta có thể được thu hút từ nguyên thủy bởi sự khoáng đạt của tôn giáo này nhưng người ta chỉ có thể tán dương giá trị thực sự của Phật giáo khi người ta phán xét kết quả tạo ra của tôn giáo này thông qua đời sống của chính mình từ ngày này qua ngày khác. [- Tiến Sĩ Edward Conze, Một học Giả Phật giáo Tây Phương].
Phật giáo là một tôn giáo tự giác, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có vẻ nhiều nghi lễ nhưng thực ra không phải như vậy. [- Tiến sĩ W.F.Jayasuriya, “Tâm lý và Triết lý Phật giáo”].
Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt, Bát chánh đạo và Tứ diệu đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó. [Giáo sư Rhys Davids].
Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của Ðức Cồ Ðàm được phục hưng và thuần khiết, có thể chiếm một vị trí phần lớn trong hướng đi của vận mệnh nhân loại. [- H.G.Well].
Lý thuyết của Phật pháp vẫn đứng vững ngày nay không bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng kiến thức, vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu bầy tỏ. Dù cho kiến thức khoa học tăng tiến đến thế nào trên chân trời trí óc của con người, trong phạm vi Giáo pháp (Dhamma) cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá xa hơn nữa. Về phương diện thu hút của lý thuyết nầy không dựa vào các khái niệm giới hạn của các tư tưởng sơ khai, về phương diện khả năng cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng. [- Francis Story, “Phật giáo, Một Tôn Giáo Thế Giới”].
Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Ðức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe. [- Một Văn Hào Tây Phương”].
“Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”. [Albert Einstein].
Theo SÁCH HIẾM
One Buddha is not enough
LTG: Cho tới hôm nay (30/11/2014), những khóa An Cư Kiết Đông theo truyền thống Làng Mai đã đồng loạt bước vào lịch trình tu tập nghiêm trì đúng 2 tuần lễ. Tăng thần Làng Mai trên khắp thế giới đều khai đàn An Cư Kiết Đồng 3 tháng, bắt đầu từ giữa tháng 11 năm này, qua tới giữa tháng 2, năm kế tiếp. Cũng theo truyền thống, tuy Sư Ông thường ở tại Làng Mai (Pháp Quốc) trong 3 tháng An Cư Kiết Đông, nhưng những Lễ Truyền Đăng, Lễ Thọ Giới, sinh hoạt đặc thù tại Pháp mà Sư Ông hướng dẫn thường được nối mạng trực tiếp tới Tăng Thân khắp nơi để cùng cảm nhận sự hiện diện của Sư Ông. Năm nay, tuy Sư Ông còn đang nằm bệnh viện, nhưng những hình ảnh của Lễ Đếm Thẻ, Lễ Đối Thú An Cư khắp nơi đang phổ biến, cho thấy năng lượng tu tập của Tăng Thân khắp chốn như không hề thiếu sự hiện diện của Sư Ông. Đây là năng lượng hùng tráng mà những ai tham dự khóa tu đều có thể dễ dàng cảm nhận được. Bất giác, nhớ tới một bài viết cũ, tinh thần có liên quan tới sự việc hiện tại, tác giả xin chia sẻ, thay lời cầu nguyện năng lượng Từ Bi của Bồ Tát Quan Thế Âm tới Sư Ông Làng Mai.
Huệ Trân.
ONE BUDDHA IS NOT ENOUGH
“ Một vị Phật, không đủ. One Buddha is not enough”
Đó là chủ đề khóa tu đầu tháng 9 năm 2009 tại YMCA, công viên Estes, tiểu bang Colorado mà thầy Nhất Hạnh sẽ hướng dẫn.
Nhưng khi sắp đến giờ lên xe Bus từ tiểu bang Massachusetts để ra phi trường đi Colorado, các thầy cô trong tăng thân tháp tùng mới biết là Thầy không cùng đi!
Đây là lần đầu tiên trong quá trình hoằng pháp từ nhiều thập niên, Thầy đã bất ngờ không có mặt. Sự việc bất ngờ và bất thường này có thể làm rung động một số sư cô sư chú trẻ, nhưng Thầy trấn an là không có Thầy, sẽ vẫn có khóa tu.
Cái lá phổi trên 80 tuổi của Thầy nó lên tiếng cằn nhằn từ đầu khóa tu ở đại học Stonehill, tiểu bang Massachusetts. Khóa tu này bắt đầu ngày 11 tháng 8 năm 2009. Lá phổi cằn nhằn mà Thầy làm ngơ, cứ thiền tọa, thiền hành, thuyết giảng, pháp đàm, tham vấn …. nó bèn dọa dẫm “Thầy không nghỉ thì tôi nghỉ đó. Thầy trên 80 thì tôi cũng … trên 80 chứ trẻ trung gì” và nó quyết liệt cảnh cáo bằng dấu hiệu. Đó là, sau 2 ngày đầy năng lượng của khóa tu mang chủ đề “ Be Peace, Be Joy, Be Hope – Bình An, Hạnh Phúc, Hy Vọng”, thì Thầy ho ra máu!
Sự cảnh cáo này chỉ Thầy biết thôi. Chắc là sau đó Thầy điều đình với lá phổi “Được rồi, để xem!” nên giữa ngày thứ ba của khóa tu, Thầy lợi dụng có chút thì giờ, tìm đến phòng mạch một bác sỹ.
Chẩn bệnh xong, bác sỹ nghiêm trọng hỏi chương trình của Thầy, còn làm gì nữa? Chắc là Thầy mỉm cười, thong thả trả lời rằng “Không gì nhiều, khóa tu này đang dang dở, và xong khóa này thì khóa kế tiếp là ngay đầu tháng 9, ở tiểu bang Colorado, cuối tháng 9 là khóa ở Cali …”
Người thầy thuốc, chắc không thể giữ nổi chánh niệm mà không ngắt lời Thầy: “ Không được! Thầy phải ngưng ngay khóa đang dở và hủy bỏ khóa sắp tới. Thầy phải ở lại bệnh viện này và phải được điều trị lập tức!”
Lá phổi của Thầy nghe thế chắc mừng lắm, và lá phổi của ông bác sỹ chắc khởi ý ganh tỵ “Không biết khi mình mệt, ổng ấy có sốt sắng điều trị mình ngay lập tức không?’
Cả hai lá phổi đều ngạc nhiên khi Thầy Nhất Hạnh vẫn cứ thong thả mà nói, chẳng nhận cũng chẳng chối “Vâng, để xem!”
Lần chẩn bệnh đó, Thầy về lại đại học Stonehill thì đã quá nửa đêm.
Khi Thầy nói “Để xem!” chắc bác sỹ không biết chờ xem gì. Nhưng Thầy đã biết. Một khóa tu đang dở dang mà vị thầy hướng dẫn phải bỏ ngang, nhập viện thì sự hoang mang cho đại chúng ở khóa tu này và khóa tu sắp tới, chắc không nhỏ!
Thầy biết như thế. Và Thầy không để điều đó xảy ra.
Có lẽ Thầy đã dỗ dành lá phổi: “Ngoan đi con, ta sẽ không bắt làm việc nhiều quá nữa đâu. Ta sẽ không thức quá khuya, không đi quá nhiều, không ăn quá ít! Ta hứa thế. Nhưng hãy ngoan ngoãn chờ ta hoàn tất khóa tu này rồi ta sẽ chăm sóc con. Chẳng gì chúng ta cũng từng đi chung hơn 80 năm rồi, khi nào nghỉ thì cùng nghỉ, chớ dọa dẫm nhau, ta còn bao việc dang dở đáng làm mà!”
Lá phổi, chắc được an ủi vì thấy Thầy đã quan tâm nên nó lại “thở vào, thở ra”, sau khi không quên nhắc Thầy “Sau khóa này thôi nhé, ông chủ!”
Và Thầy tiếp tục khóa tu ở đại học Stonehill, hoàn mãn đúng như chủ đề “Bình An, Hạnh Phúc, Hy Vọng”.
Không ai biết Thầy bệnh và đáng lẽ phải nhập viện rồi.
Vị bác sỹ thì không thể nhượng bộ hơn, thấp thỏm chờ vừa dứt khóa là đón Thầy vào bệnh viện ngay. Lương tâm của y sỹ phải như thế.
Việc có vẻ đơn giản này tôi làm được không? bạn làm được không? ông bà cô bác làm được không? nếu chúng ta đang ho ra máu và bác sỹ chuyên khoa thẩm định là phải ngưng mọi sinh hoạt, nhập viện tức khắc!
Nhiều phần, chúng ta thấy dấu hiệu bệnh, đã hốt hoảng, lại nghe bác sỹ chẩn là nghiêm trọng thì đang làm gì mà chẳng buông, chẳng bỏ, lo chữa cái thân để đừng bệnh, đừng chết. Đó là chưa kể ta đang làm điều gì đó cho chính ta, chứ đang làm cho người khác thì chắc còn buông nhanh hơn!
Khi ấy, Thầy Nhất Hạnh đang không làm gì cho chính Thầy. Thầy đang làm cho rất nhiều người, đến từ rất nhiều nơi để chờ nghe Thầy chỉ dẫn những gì dễ hiểu nhất, thiết thực nhất mà họ có thể áp dụng để chuyển hóa những bất an, đau khổ của chính họ và của những người thân. Làm sao để truyền đạt lời vị Từ Phụ đã giác ngộ 2600 năm trước, giúp vơi bớt biển khổ của người 2600 năm sau?
Chúng ta có thể tin rằng, không riêng Thầy Nhất Hạnh mà những vị trưởng tử Như Lai tự nguyện mang sứ mạng này, chắc đều có sự thỏa thuận minh bạch với tấm thân tứ đại, nên các ngài thường an nhiên khi đất, nước, gió, lửa, chẳng thuận hòa. Trong sự an nhiên đó, chúng ta ngẫm xem, có phải là cả một tấm lòng từ bi mênh mông không?
Khi biết đã đến lúc không thể chần chờ sự điều trị lâu hơn, Thầy đã họp những thầy cô lớn trong ban giáo thọ để phân trách nhiệm, thay Thầy trong khóa tu kế tiếp. Thầy nói “May thay, đây cũng là cơ duyên để Thầy biết, Thầy đã có tiếp nối chưa”
Khóa tu đó với số ghi danh là 980 người, có những người phải bay đến, từ rất xa, có những người, chỉ nghe băng, đọc sách của Thầy và cố thu xếp khó khăn bao việc đời, để lần này mong gặp Thầy.
Đây là điểm có thể làm ban giáo thọ hồi hộp nhất, phải làm sao để không phụ lòng Thầy và không phụ lòng những người mong đợi Thầy. Làm sao để thông báo Thầy không có mặt nơi đây mà không làm đại chúng thất vọng?
Nghĩ mà sợ!
Nhưng lạ lùng thay, Thầy đã có mặt ngay trong khi tăng thân loan báo là Thầy không có mặt.
Thầy có mặt ở những búp tay sen chắp lại, cầu nguyện cho Thầy.
Thầy có mặt ở những bài pháp xuất thần mà các vị giáo thọ đăng tòa thay Thầy.
Thầy có mặt ở sự tinh tấn vượt bực của toàn thể đại chúng trong khóa tu khi họ đồng nghĩ rằng, sự tinh tấn này sẽ hồi hướng cho sức khỏe của Thầy.
Thầy có mặt ở rừng cánh tay đồng loạt giơ lên, biểu tỏ sự đồng ý khi sư cô Chân Đẳng Nghiêm đọc lá điện thư Thầy gửi từ bệnh viện Massachusetts General Hospital, đưa ý kiến là mỗi năm sẽ mở một khóa tu ngay tại đây, dù Thầy có mặt hay không.
Lá phổi hơn 80 tuổi của Thầy đã góp phần đưa ra sự thử nghiệm, tình cờ hy hữu lại trùng hợp với chủ đề khóa tu “One Buddha is not enough”. Một thiền sinh đã cảm động phát biểu trong khóa tu là “Một vị Thầy, không đủ!”
Thầy đã nhìn thấy sự tiếp nối. Thầy rất an lòng đã nhìn thấy sự tiếp nối. Các thầy cô lớn trong ban giáo thọ đã vừa chứng tỏ là tiếp nối của Thầy khi làm tròn trách nhiệm được giao phó bất ngờ một cách xuất sắc, đến mức nhiều thiền sinh chia xẻ rằng, đây là khóa tu cảm động nhất, mang lại nhiều sự học hỏi tuyệt diệu nhất.
Thầy giữ lời hứa với lá phổi, ở lại bệnh viện MGH nhận sự điều trị tận tâm của bác sỹ, nên ngay sau khi Thầy xuất viện, nó đã ngoan ngoãn theo Thầy về khóa tu kế tiếp, chủ đề Mindfulness Is A Source Of Happiness, trên Đại Ẩn Sơn Lộc Uyển Tự, tiểu bang California.
Khi bước vào thiền đường Thái Bình Dương, tu viện Lộc Uyển, Thầy biết, đại chúng đều chăm chú xem có dấu hiệu gì về sức khỏe của Thầy không; nên trước khi bắt đầu bài pháp thoại, Thầy đã nhìn khắp, rồi chậm rãi nói rằng “ Bạn ơi, mỉm cười đi, đừng lo lắng nữa! Bác sỹ cứ làm việc bác sỹ, việc của mình là tu thì cứ tu!”
Thế đó.
Làm sao mà chủ đề khóa tu “Mindfulness Is A Source Of Happiness” không được hàng ngàn thiền sinh thực chứng một cách hài hòa, tự nhiên, trước khi năng lượng của ngôn từ thế gian góp phần dẫn nhập.
Huệ Trân
Nov 17 – 2014
CÓ THẦY TRONG CON RỒI, CON KHÔNG CÒN LO SỢ
BBT xin chia sẻ tâm tình của một bạn trẻ trong dịp Tăng thân tại Thiền đường Hơi Thở Nhẹ (Paris) tổ chức Lễ cầu an cho Sư Ông Làng Mai:
Con kính thưa Tăng thân,
Hôm nay Tăng thân đã tập hợp để làm lễ cầu an cho Thầy thật ấm cúng. Con vô cùng biết ơn các cô chú đã chuẩn bị thiền đường, in kinh, làm chủ lễ, cả chuẩn bị thức ăn cho đại chúng nữa. Cả Tăng thân đã nhất tâm tụng kinh niệm Bụt như một cơ thể, rất hùng hậu. Con tin Thầy sẽ cảm nhận được năng lượng thương yêu an lành này, con cầu mong Bụt, Tổ gia hộ, để năng lượng cầu nguyện của tất cả Tăng thân trên thế giới có thể giúp tạo ra điều kỳ diệu, để Thầy phục hồi hoàn toàn.
Hôm nay đi thiền hành, con cảm nhận được tình thương kính của Tăng thân dành cho Thầy thật lớn lao. Nhất là những cô chú, những anh chị đã gắn bó với Thầy, đi trên con đường của Thầy suốt bao nhiêu năm. Con chỉ mới biết đến Thầy hơn hai năm, nhưng con đã rất thương Thầy qua những bài giảng, những cuốn sách. Nhiều lúc xem video pháp thoại của Thầy, con thấy Thầy sao giống ông ngoại của con quá, thấy Thầy gần gũi và thương quý. Thế nên con nghĩ các cô chú và anh chị đã biết đến Thầy lâu, đã được tiếp xúc với Thầy nhiều hẳn có lẽ tình thương dành cho Thầy còn lớn lao hơn nhiều lắm.
Con tự nhủ, con đang đi cho Thầy, đang thở cho Thầy, đang ngắm lá vàng mùa thu cho Thầy. Mùa thu đẹp quá, trong lành, an bình quá, con đang nhìn bằng mắt của Thầy đây. Con nhớ sư cô Vịnh Nghiêm có nói Thầy rất thương đất, và con cũng thương đất nữa, nên con đã tiếp xúc thật sâu sắc với đất mẹ cho Thầy. Nhờ những cuốn sách Thầy viết, con tưởng như con hiểu được những điều Thầy muốn dạy dỗ. Và nhờ cái hiểu đó mà con thấy Thầy ở trong con. Con hiểu ra tình thương chân thật là thế nào. Con thương thầy lắm, vì con cảm thấy mình hiểu và thương những điều Thầy quan tâm, trân quý… Có phải con cũng là một người tri kỷ của Thầy không? (Cười)
Có Thầy trong con rồi con không còn cảm thấy bất an, lo sợ nhiều như những ngày trước đó nữa. Ngày hôm qua con đọc lại bản dịch Tâm kinh mới của Thầy. Thầy nói tất cả mọi pháp đều có thực tính trống rỗng, không sinh không diệt, không hữu không vô, không khứ không lai.
Con đã dừng lại bên bờ sông, quán tưởng về những ý thâm diệu đó, về tiếng chim hót, về lòng sông, về giọt nước trên đầu chóp lá, về bản thân con, về Thầy. Tất cả đều trống rỗng, vắng lặng. Chỉ một sát na thôi con nắm được cái vắng lặng đó, rồi nó lại lướt qua đi mất. Nhưng tự nhiên con thấy bình an hơn. Nỗi lo sợ về sức khỏe của Thầy cũng dịu lại.
Những ngày trước đó con cũng đi thiền hành trong công viên, nhưng chỉ hôm nay con mới thấy được sự bình an lắng dịu trước tình hình sức khỏe của Thầy. Đó là nhờ có Tăng thân. Con biết xung quanh con có năng lượng thương yêu rất lớn dành cho Thầy. Ai cũng đang thực tập hết lòng. Con biết nỗi lo sợ, sự nắm giữ hình tướng của Thầy là rất lớn trong lòng con, nghĩ đến Thầy đang nằm trong bệnh viện mà con thương Thầy nhiều lắm. Nhưng con mong rằng con sẽ thực tập tốt hơn, để có thế thấy được Thầy trong vạn hữu, để không còn nắm bắt vào hình tướng của Thầy. Để bình an hơn và gửi được sự bình an đó đến cho Thầy.
Con cảm ơn Tăng thân nhiều lắm!
Con kính chúc Tăng thân tu tập tinh tấn, luôn vững chãi và bình an!
Con, Tâm Hòa Ái.
Nguồn: Phù Sa
Nguyện khói hương thơm này
Cung thỉnh được Thế Tôn
Có mặt với chúng con
Nơi đạo tràng ở đây
Trong giây phút hiện tại.
.
Nguyện khói hương thơm này
Tỏa ngát cả mười phương
Thanh tịnh chốn đạo tràng
Giúp chúng con duy trì
Chánh kiến chánh tư duy.
.
Nguyện khói hương thơm này
Bảo hộ cho chúng con
Vững chãi và thảnh thơi
Hiểu nhau và thương nhau
Bây giờ và mãi mãi.
.
Hương Giới, Định và Tuệ
Là tâm hương nhiệm mầu
Chúng con kính dâng lên
Chư Bụt và Bồ Tát
Trong thế giới mười phương
Nguyện mọi loài chúng sanh
Thấy được ánh đạo vàng
Ly khai nẻo sanh tử
Hướng về nẻo bồ đề
Giải thoát mọi khổ đau
Thường trú trong an lạc.
.
Nam mô Đức Bồ Tát Cúng Dường Hương.
AN LẠC TỪNG BƯỚC CHÂN
Phương Pháp thực Tập Hạnh Phúc
Thích Nhất Hạnh
Chân Nguyện dịch từ bản Anh ngữ
Nhà Xuất Bản Lá Bối, Hoa Kỳ, 1995
Phần 1
HƠI THỞ Ý THỨC HƠI THỞ MẦU NHIỆM
Đời Sống Là Một Tác Phẩm Nghệ Thuật
Sau một khóa tu ở miền Nam California, có một nghệ sĩ đã hỏi tôi: “Thưa Thầy, con phải nhìn cái hoa như thế nào để lột hết vẻ đẹp của nó trong bức tranh của con?” Tôi đã trả lời: “Nếu anh nhìn cái hoa với ý đồ như vậy thì khó mà thấy được vẻ đẹp của hoa. Hãy buông bỏ mọi toan tính thì anh mới mong tiếp xúc được với hoa.” Cũng anh chàng đó nói với tôi: “Thưa Thầy, khi con ngồi với một người bạn, lúc nào cũng vì có một cái lợi gì đó”. Dĩ nhiên một người bạn có thể giúp ta rất nhiều, nhưng một người bạn không phải chỉ là một cái nguồn lợi lạc. Đến với một người bạn không phải để nhờ cậy giúp đỡ, nâng đỡ hay khuyên nhủ, mà đó là cả một nghệ thuật.
Chúng ta có thói quen khi làm gì là để mong cầu một cái gì đó. Cái đó ta gọi là “óc thực tế” và ta cho là chân lý, là cái mà ta phải trả giá. Ngồi thiền để đạt tới chân lý, hẳn chúng ta sẽ được đền bù xứng đáng. Chúng ta có khuynh hướng nghĩ như vậy. Nhưng sự thực có thể là khác. Khi hành thiền, chúng ta dừng lại và chúng ta nhìn sâu hơn. Chúng ta dừng lại là đã có mặt với chính mình, với cuộc đời. Khi chúng ta biết dừng lại là chúng ta đã bắt dầu thấy và khi thấy là đã có thể hiểu “An lạc, thảnh thơi là hoa trái của sự tu tập này”.
Chúng ta phải nắm vững nghệ thuật dừng lại để thật sự có mặt với bạn mình và với bông hoa. Làm sao để cho an lạc có mặt trong một xã hội mà mọi người đã quen toan tính lợi lộc? Làm sao để nụ cười chúng ta tỏ lộ niềm vui thực sự chứ không phải chỉ là một hình thức xã giao? Khi ta biết mỉm cười với ta là ta chứng tỏ rằng ta có chủ quyền thực sự, ta không đánh mất chính mình. Ta có thể làm thơ ca ngợi sự dừng lại, sự hiện hữu mầu nhiệm không mong cầu, không toan tính; ta cũng có thể vẻ một bức tranh, như khi ta đi thiền hành trong siêu thị hay khi ta trồng cải xà lách.
Mỗi giây phút sống trong chánh niệm, làm trong chánh niệm và an trú vững chãi trong chánh niệm, cho dù chúng ta không vẽ hay làm thơ thì cũng bằng như ta đang vẽ và ta làm thơ. Con người ta tỏa rạng niềm vui và sự an lạc, ta làm cho cuộc đời thêm đẹp và mọi người bên ta thêm tươi. Sự có mặt tươi mát của ta, thảnh thơi và vững chải, là một tác phẩm nghệ thuật sống động mà ta chẳng cần phải nhiều lời, thế giới quanh ta nhờ thế mà cũng tỏa rạng sự vững chãi và thảnh thơi.
Hy Vọng Trông Chờ Đôi Khi Là Một Trở Ngại
Có niềm tin, có hy vọng là một điều quan trọng. Bởi vì nhờ có niềm tin, nhờ có hy vọng mà ta có thể chấp nhận hiện tại một cách dễ dàng hơn. Nếu chúng ta tin rằng ngày mai có thể khá hơn thì những gian nan của ngày hôm nay ta không còn thấy nhọc nhằn lắm. Nhưng khi nhìn sâu vào bản chất của hy vọng, tôi vẫn thấy có gì bi đát. Bởi vì chúng ta bám vào cái hy vọng là ngày mai sẽ sáng sủa hơn nên ta không chịu tập trung mọi nổ lực cho hiện tại. Chúng ta cứ chờ đợi ở ngày mai chúng ta sẽ đạt tới một nơi tốt đẹp hơn, an bình hơn, ngày mai chúng ta sẽ được về nước Phật hay nước Chúa. Do đó mà hy vọng trở thành một loại trở ngại. Vì cứ hy vọng ở ngày mai mà ta không sống hết mình cho hiện tại và không thấy được rằng niềm vui đã có sẵn bây giờ và ở đây.
Tự do, giải thoát và an lạc không do ai mang tới cho ta hết. Tự do, an lạc và giải thóat như cái giếng nước nằm sâu trong ta, ta phải đào sâu nó ngay bây giờ thì nước ngọt sẽ phun ra. Ta phải trờ về với giây phút hiện tại để sống cho sâu sắc; ta thực tập hơi thở chánh niệm để có thể tiếp xúc được với giây phút hiện tại, Nơi sự sống mầu nhiệm đang hiển bày dưới muôn hình muôn vẻ.
Văn minh Tây Phương chú trọng quá nhiều vào viễn tượng một ngày mai huy hoàng khiến ta phải hy sinh cái hiện tại. Người ta chỉ đặt hy vọng ở ngày mai, do đó mà ta không tiếp xúc được với những niềm vui, những tự do và giải thoát đang có mặt trong hiện tại.
Có nhiều tôn giáo đặt nền móng trong niềm tin xa xôi này, do đó nếu nói ngược lại chắc ta sẽ gây nhiều phản ứng mạnh. Nhưng đôi khi những chấn động cũng cần để tạo ra những thay đổi quan trọng. Tôi không có ý nói rằng bạn không nên có hy vọng. Tôi chỉ muốn nói là chỉ có hy vọng thôi thì chưa đủ. Hy vọng như vậy chỉ là trở ngại, bởi vì nếu bạn chỉ muốn trao gửi mình cho hy vọng thì bạn không sống hết lòng cho hiện tại. Nếu bạn dùng tất cả năng lực để ý thức trọn vẹn những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, bạn sẽ phá vỡ được bức tường của một tương lai xa xôi để khám phá ngay, trong lúc này và ở đây, những nguồn suối an lạc đang tuôn trào trong con người bạn và xung quanh bạn.
Ông A.J.Mustle – người hướng dẫn phong trào hòa bình ở Mỹ Châu, người đã làm bao triệu trái tim thổn thức- đã nói rằng: “Không có con đường dẫn tới hòa bình. Hòa bình chính là con đường”. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể thực hiện hòa bình ngay trong giờ phút hiện tại, bằng cái nhìn hiểu biết, bằng nụ cười, bằng những lời từ ái và những hành động thương yêu.
Hòa bình không phải là một phương tiện. Hòa bình phải được thể hiện ngay trong từng bước chân an lạc, thảnh thơi. Chỉ cần chúng ta quyết tâm là chúng ta làm được điều đó. Chúng ta không cần phải đợi tới ngày mai. Chúng ta chỉ cần buông thư và mỉm cười là chúng ta có thể bắt đầu có tất cả những gì chúng ta mong muốn trong giờ phút hiện tại.
Mười cách tạo phước báu
Ajahn Suchart
Người dịch: Pañña Dīpa Tuệ Đăng
.
Hôm nay chúng ta sẽ tự mình nương tựa vào những lời dạy chính yếu của Đức Phật. Đức Phật dạy chúng ta hãy nương tựa vào chính mình bởi vì chúng ta là người tự tạo ra nghiệp tốt và nghiệp xấu, và là người tự gặt hái những kết quả hạnh phúc hoặc đau khổ tương ứng với những việc chúng ta đã làm.
Cơ chế tạo ra nghiệp tốt, xấu, hạnh phúc và đau khổ, thiên đàng và địa ngục nằm trong tâm của chúng ta. Tâm là nhà sáng tạo chính. Vì vậy Đức Phật kết luận rằng tâm làm chủ, dẫn đầu các pháp. Tâm là kẻ thực hiện cũng vừa là kẻ nhận lãnh những hành động do chính mình làm. Tâm là vị chủ nhân ra lệnh cho kẻ đầy tớ của mình là thân nói năng và hành động.
Có ba loại hành động hay nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Khi chúng ta tạo thiện nghiệp, hạnh phúc, sự tiến hóa và thiên đàng sẽ là kết quả theo sau. Ngược lại khi chúng ta tạo nghiệp bất thiện, đau khổ, lo lắng, khổ não và sự thoái hóa sẽ là kết quả theo sau. Sau khi chết, tâm thức của chúng ta sẽ tái sanh vào một trong bốn đọa xứ (apayabhumi) chẳng hạn như địa ngục. Vì vậy, Đức Phật luôn khuyên chúng ta phải nương tựa vào chính chúng ta. Chúng ta không nên đợi một người nào đó tạo hạnh phúc và sự thịnh vượng hoặc thiên đàng hoặc Níp-bàn cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình tạo thiện nghiệp.
Cầu nguyện trước hình ảnh của Đức Phật hay thỉnh các vị Sư ban phúc lành để cầu xin được thành công và thịnh vượng không phải là Giáo pháp của Đức Phật bởi vì Ngài chỉ có thể chỉ ra con đường đưa đến an vui, hạnh phúc và thịnh vượng và con đường đưa đến đau khổ và sự thoái hóa. Lời dạy của Ngài có thể tóm tắt như sau: Tránh làm điều ác, hãy làm điều lành và giữ tâm luôn trong sạch.
Tạo thiện nghiệp hay công đức chẳng hạn như làm từ thiện giống như gửi tiền vào một ngân hàng. Chúng ta càng gửi tiền nhiều chừng nào thì tiền của chúng ta sẽ được tích lũy nhiều chừng nấy. Tiền lãi cũng tăng theo và chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ trở nên giàu có. Ngược lại, nếu chúng ta tạo ác nghiệp, việc này giống như chúng ta mượn tiền ngân hàng, chúng ta phải trả lại cả tiền nợ gốc lẫn lãi. Khoản vay có thể trở thành một gánh nặng cho chúng ta. Những người mắc nợ luôn luôn ở trong tâm trạng lo lắng, bồn chồn, không giống như những người có tiền gửi trong ngân hàng, những người này luôn tươi cười vì tiền của họ luôn luôn tăng trưởng.
Tạo thiện nghiệp cũng tương tự như vậy, nó cho ta sự an vui, làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Nhưng khi chúng ta tạo bất thiện nghiệp, tâm của chúng ta giống như ngồi trên đống lửa. Chúng ta trở nên lo lắng và bất an. Chúng ta ai cũng có thể thấy được điều này bởi vì có thể nó đang xảy ra trong tâm chúng ta ngay tức thời, trong giây phút này đây, chẳng cần đợi đến kiếp sau. Vì vậy, nếu chúng ta muốn được hạnh phúc và thịnh vượng, muốn được ngủ ngon và không chịu đau khổ, chúng ta chỉ nên tạo thiện nghiệp và tránh tạo bất thiện nghiệp.
Đức Phật dạy cho chúng ta mười cách tạo công đức hay thiện nghiệp:
- Dana: cho ra một cách rộng rãi, bố thí, cúng dường. Cụ thể cúng dường một trong bốn thứ tứ vật dụng đến Tăng đoàn. Cho mà không mong đợi một sự hoàn trả nào từ người nhận.
- Sīla: Trì giới, giữ gìn sự trong sạch về mặt đạo đức và luân lý ngăn ngừa một cá nhân không đi trệch ra ngoài con đường Bát Chánh Đạo. Giữ giới cũng giúp cá nhân tự kiềm chế những hành động bất thiện.
- Bhavana: Trau giồi hay phát triển tâm linh, thiền tập
- Hồi hướng phước báu cho người thân đã qua đời
- Tùy hỷ phước báu: Hoan hỷ với công đức hay thiện nghiệp do người khác làm
- Phục vụ người khác
- Khiêm tốn
- Chánh kiến
- Nghe pháp
- Giảng dạy Giáo pháp
Những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay được gọi là dana hay bố thí. Sau khi chúng ta đã cho ra một vật gì đó tốt và quý giá thí dụ như tiền, chúng ta cảm thấy hài lòng vì chúng ta đã chiến thắng được sự ích kỷ, tham lam và keo kiệt của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến chúng ta có nghĩa là chúng ta tham lam và ích kỷ, chúng ta luôn cảm thấy ham muốn và thèm khát. Bằng cách bố thí, chúng ta có thể khắc phục tâm tham và tự làm cho chúng ta hạnh phúc và thỏa mãn.
Trì Giới là tránh không làm hại người khác qua lời nói hoặc hành động như giết hại, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và uống các chất say, những việc này có thể làm hại chúng ta và người khác. Giữ Giới giúp chúng ta loại bỏ sự căng thẳng, bồn chồn, lo lắng phát sinh từ các hành vi sai trái. Khi chúng ta nói dối, lừa đảo hoặc trộm cắp, chúng ta lo sẽ bị bắt và bị trừng phạt.
Thiền tập giúp thanh lọc các phiền não hay kisela như ham muốn, tham ái, sân hận và si mê ra khỏi tâm của chúng ta. Những phiền não này làm cho chúng ta phiền muộn và đau khổ. Thiền tập giống như giặt áo quần. Để thiền tập đạt được kết quả tốt, chúng ta hãy noi gương Đức Phật và các đệ tử cao thượng của Ngài, chúng ta cần có tâm định (Samadhi) và trí tuệ (panna) giống như chúng ta cần nước và bột giặt cho việc giặt quần áo.
Nhờ phát triển định và tuệ, Đức Phật cuối cùng đạt được sự Giác ngộ và sau đó trở thành một vị Phật, người đã tự mình khám phá ra con đường giải thoát – Pháp – cho chính mình sau một thời gian dài đã bị thế gian lãng quên. Ngài cũng trở thành một A la hán, bậc trong sạch, thanh tịnh và đáng cúng dường, bậc mà tâm đã giải thoát khỏi các phiền não (kisela), bậc đã loại bỏ tất cả 10 kiết sử (10 sợi dây) trói buộc tâm của chúng ta với vòng sinh tử luân hồi, bậc mà trái tim mình không còn bị ràng buộc bởi các lậu hoặc (asava), và bậc sẽ mãi mãi không còn sự tái sinh. Cùng với sự Giải thoát, Đức Phật cũng nhận ra sự hạnh phúc tột cùng, hạnh phúc vượt trội mọi thứ hạnh phúc trên thế gian này như sự giàu có, địa vị, sự khen ngợi hoặc các dục lạc. Cách duy nhất chúng ta có thể có được hạnh phúc tột cùng này là thông qua việc thực tập để phát triển tâm (bhavana), phát triển định và tuệ cho đến khi tâm nhận ra vimutti hay là sự giải thoát khỏi các hình thức đau khổ (dukkha).
Hồi hướng phước báu đến cho những người đã quá vãng có nghĩa là chia sẻ sự hoan hỷ phát sinh từ việc làm tốt hoặc đúng đắn của chúng ta. Những chúng sanh nhận được sự hồi hướng của chúng ta là những người đã qua đời và tái sinh và cõi giới peta – ngạ quỷ- những chúng sanh thuộc một cảnh giới thấp hơn, đôi lúc có khả năng hiện về với con người. Ngạ quỷ thường được mô tả trong nghệ thuật Phật giáo như là những chúng sinh đói khát với những cái miệng nhỏ như lỗ kim vì vậy chúng không thể nuốt đủ thức ăn để làm dịu cơn đói.
Chúng ta không thể hồi hướng phước báu cho những người đang sống vì họ có thể tự tạo phước báu có thể còn lớn lao hơn những gì chúng ta đang làm cho chính họ. Chúng sanh thuộc cảnh giới ngạ quỷ ngược lại không thể làm được việc này và phải dựa vào những người còn sống làm việc thiện để hồi hướng phước báu cho họ. Những chúng sanh tái sanh vào cõi người và cõi Trời đã tích lũy đủ thiện nghiệp nhằm giữ cho họ được thỏa mãn hoặc hạnh phúc hoặc họ có thể tự mình tạo thêm phước báu nếu họ muốn như vậy. Những chúng sanh tái sanh vào cảnh giới địa ngục cũng không thể nhận được sự hồi hướng phước báu của chúng ta vì họ đã hoàn toàn bị hủy hoại bởi ngọn lửa của sự đau khổ.
Những chúng sanh sống trong cảnh giới ngạ quỷ khao khát chúng ta hồi hướng phước báu cho họ giống như những kẻ ăn xin. Chỉ một chút xíu phước báu mà chúng ta tích lũy được cũng có thể chia cho họ, giống như chúng ta tặng ai một vé xe buýt hay một bữa cơm rẻ tiền. Vậy cũng đủ. Vì vậy, mỗi khi chúng ta làm điều gì đúng đắn hoặc tốt lành như làm từ thiện và muốn làm một điều gì đó cho những người đã quá vãng như các thành viên trong gia đình của chúng ta, bạn bè, chúng ta có thể hồi hướng phước báu này cho họ. Có thể họ đang đợi.
Đừng mong rằng sau khi chúng ta chết, người khác sẽ chia phước báu cho chúng ta. Cho dẫu họ có làm như vậy thì chúng ta cũng được rất ít. Chúng ta có thể tự tích lũy nhiều phước báu hơn cho chúng ta khi chúng ta đang còn sống như những gì chúng ta làm trong ngày hôm nay, đến chùa để cúng dường, giữ Giới và nghe Pháp thoại, làm những việc này, chúng ta sẽ nhận được nhiều phước báu hơn những gì mà chúng sanh ở thế giới ngạ quỷ nhận được. Mỗi khi chúng ta cúng dường, chúng ta nên chia phước đến những người đã quá vãng. Nếu họ đang đợi chúng ta chia phước cho họ, họ sẽ nhận được và chúng ta cũng nhận được nhiều phước báu hơn qua việc chia phước này.
Tùy hỷ công đức là hoan hỷ với những ai đã làm những việc đúng đắn hoặc tốt lành. Khi chúng ta bày tỏ sự cảm kích, chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỷ. Hành động đúng đắn hoặc tốt lành không làm hại một ai, nó chỉ đem lại sự lợi lạc. Ngay cả nếu như ta không trực tiếp nhận được lợi lạc từ việc làm này, chúng ta cũng không nên cảm thấy ghen tỵ vì đó là một dạng của phiền não chỉ làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ. Ngược lại nếu chúng ta hoan hỷ và bày tỏ sự ngưỡng mộ của chúng ta đối với việc làm tốt đẹp này, chúng ta sẽ hạnh phúc. Hành động đúng đắn hoặc tốt lành giống như sóng trên đại dương cuối cùng rồi sẽ đập vào bờ, không chóng thì chầy lợi lạc cũng sẽ đến với chúng ta. Khi một người trong cộng đồng hành động đúng đắn hoặc tốt lành, toàn thể cộng đồng đó sẽ được lợi lạc vì nó đem lại sự an toàn, yên ổn. Cộng đồng đó sẽ trở thành một cộng đồng tốt và sống an vui. Khi cộng đồng sống trong sự yên ổn, an vui thì chúng ta, những người sống trong cộng đồng đó sẽ được lợi lạc. Vì vậy khi chúng ta nhìn thấy những người có những hành động đúng đắn và tốt lành, chúng ta phải bày tỏ sự ủng hộ và ngưỡng mộ của chúng ta đối với họ.
Phục vụ người khác thì khá rõ rồi, vì vậy không cần phải đi sâu vào chi tiết.
Khiêm tốn là một loại đức hạnh làm chỉ cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính kiêu ngạo chỉ đưa đến sự sân hận. Nếu chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ và thiện chí từ người khác và không muốn bị mọi người xa lánh, chúng ta nên tỏ ra khiêm tốn.
Có chánh kiến là hiểu quy luật thiên nhiên (nhân quả) hay chân lý chi phối sự hiện hữu của chúng ta, như attahi attano nadho, chúng ta là nơi nương tựa của chính chúng ta, vì chúng ta chính là người tự làm cho mình hạnh phúc, buồn, tốt, hoặc xấu. Khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta sẽ biết cách sống sao cho được hạnh phúc và thịnh vượng, vì chúng ta hiểu rằng qua các hành động đúng đắn hoặc tốt lành, chúng ta sẽ được hạnh phúc và nếu chúng ta hành động sai trái hoặc bất thiện, chúng ta sẽ chịu đau khổ.
Nếu chúng ta tin vào quy luật thiên nhiên này và hành động một cách có đạo đức, chúng ta sẽ có được hạnh phúc và kết quả thuận lợi. Nếu chúng ta không tin, nhưng vẫn hành động đạo đức, chúng ta cũng sẽ gặt hái những lợi ích tương tự. Nhưng nếu chúng ta không tin và hành động vô đạo đức, chúng ta chắc chắn sẽ có một kết quả không thuận lợi. Nếu chúng ta tin, chúng ta chắc chắn sẽ không dám hành động sai trái. Những người tin sẽ được hưởng sự lợi từ lạc quy luật thiên nhiên này trong khi những người không tin sẽ không được hưởng sự lợi lạc vì họ có khả năng sẽ hành động không đúng đắn.
Bị dẫn dắt bởi các phiền não như giận dữ, tham lam và si mê , họ thường hành động sai trái hoặc xấu ác vì họ không tin vào thiên đàng hay địa ngục, không tin vào sự sự tái sinh cũng như không tin vào sự gặt hái những quả của nghiệp của họ trong kiếp sau. Điều này là do những người này có quan điểm sai trái về quy luật thiên nhiên và nó sẽ đẩy họ vào cái vòng trầm luân của sự tái sinh và chịu đau khổ bất tận, kết quả từ các hành động bất thiện của họ, do họ không có khả năng loại trừ được sân hận, tham ái và si mê.
Ngược lại, những người có quan điểm đúng về chân lý sẽ biết rằng chính những nghiệp bất thiện của mình tạo ra những hậu quả bất lợi mà tự họ sẽ phải gánh chịu. Họ sẽ hành động đúng đắn và tốt lành bởi vì họ không muốn gặt hái những kết quả không mong muốn. Bằng cách tiếp tục hành động có đạo đức, tâm của họ sẽ dần dần tiến hóa cho đến khi đạt đến cùng một mức mà Đức Phật và các đệ tử cao quý của Ngài đã đạt được.
Nghe Pháp là một kinh nghiệm rất lợi lạc vì Giáo Pháp là giống như ngọn đèn trong bóng tối sẽ xua tan ảo tưởng trong tâm trí của chúng ta đã làm chúng ta mê mờ không thấy được chân lý. Chẳng có lợi ích nào thu được từ việc kết giao với những người lừa dối. Chúng ta thay vào đó nên gắn bó với những người không lừa dối, như Đức Phật và các đệ tử cao quý của Ngài, những người đã thấy được ánh sáng của Giáo pháp và nhờ đó họ biết phân biệt phải trái, tốt xấu. Nếu chúng ta thường xuyên nghe họ giảng dạy Giáo Pháp, chúng ta sẽ có kiến thức, trí tuệ và cái thấy sâu sắc, chúng giúp cho chúng ta chỉ làm những gì là tốt và đúng và do đó sẽ tạo ra kết quả tốt và thuận lợi. Với những lý do này, nghe nói Pháp là một cách khác để tạo phước báu.
Giảng dạy Giáo Pháp cho người khác là một cách khác nữa để tạo công đức. Nếu chúng ta biết về Giáo pháp, cho dẫu chỉ một chút thôi, chúng ta cũng nên dạy cho người khác. Khi một người nào đó chúng ta biết rơi vào thời kỳ khó khăn và không biết làm thế nào thoát ra khỏi tình trạng khó khăn đó, một vài lời khuyên từ Giáo pháp có thể vô cùng hữu ích, và có thể tạo cho người đó sức mạnh để thực hiện chúng.
Ngày nay, chúng ta thiếu Giáo pháp. Khi gặp khó khăn, chúng ta không biết quay vào đâu để tìm sự hỗ trợ và khích lệ bởi vì chúng ta đã không đi đến các chùa để nghe giảng dạy Giáo Pháp, để rèn luyện và phát triển tâm ý của chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta rơi vào khó khăn, chúng ta không biết làm thế nào để đối phó với chúng trong khi thực tế tất cả chúng đều có thể dễ dàng giải quyết việc ấy nếu chúng thể chấp nhận được sự thật rằng bất cứ điều gì nếu sẽ như vậy thì sẽ là như vậy.
Chúng ta phải đối mặt với thực tại. Bất cứ điều gì chúng ta làm, chúng ta sẽ phải trả giá cho nó sớm hay muộn. Nếu chúng ta đã làm một điều gì sai trái, hãy chấp nhận nó và sẵn sàng để đối mặt với những hậu quả. Nếu chúng ta mất mọi thứ, hãy chấp nhận như vậy. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy, sẽ không có ai tự tử.
Nhưng ngày nay, khi chúng ta phải đối mặt với kết quả không thuận lợi, chúng ta không biết phải làm gì ngoại trừ suy nghĩ tự hủy hoại mình để thoát khỏi cái kết quả đau khổ mà không nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể giết chết cơ thể mà thôi. Tâm sẽ tiếp tục đau khổ trong địa ngục. Khi chúng ta được tái sinh trở lại làm một con người , chúng ta sẽ lại tự tử khi chúng ta rơi vào những khó khăn mà chúng ta không thể đối phó với chúng. Đức Phật dạy rằng cứ mỗi lần tự tử theo sau đó sẽ là 500 vụ tự tử khác trong những kiếp sống tương lai của con người bởi vì nó là thói quen được hình thành.
Cách duy nhất để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này là nương tựa vào Pháp và sử dụng nó để đối phó với nghịch cảnh của chúng ta . Sử dụng sự kiên nhẫn, nhẫn nại và khoan dung để đối mặt với vấn đề của chúng ta, cho dẫu vấn đề có nghiêm trọng thế nào đi nữa. Chúng ta không được trốn chạy, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là vào tù, hoặc bị kết án, chỉ cần nghĩ về nó như là hậu quả của nghiệp bất thiện của chúng ta trong quá khứ. Một khi đã thanh toán xong, nó sẽ ra đi mãi mãi.
Hầu hết chúng ta có lẽ nghĩ rằng tạo phước báu là chỉ làm việc từ thiện, trong thực tế có những cách khác để có tạo phước báu. Giống như khi ăn, chúng ta không chỉ ăn cơm thôi, chúng ta còn ăn rau và trái cây. Cơ thể của chúng ta cần năm nhóm thực phẩm để được mạnh mẽ và khỏe mạnh. Tương tự như vậy, tâm của chúng ta chỉ sẽ phát triển nếu chúng ta tu tập mười cách để tạo thiện nghiệp. Vì vậy phận sự của chúng ta là đưa những gì chúng ta nghe ngày hôm nay vào sự thực hành. Sau đó và chỉ sau đó chúng ta mới gặt hái những kết quả thuận lợi đem lại cho chúng ta hạnh phúc và sự thịnh vượng.
Theo: Ten ways to make merits
Người dịch: Pañña Dīpa Tuệ Đăng
Nguồn: THAYVABIET
Người thân thường khiến ta đau khổ nhất
Hầu hết mọi đau khổ xuất phát từ các mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt trong các mối quan hệ với người thân lại khiến ta đau khổ nhất. Để tránh nỗi đau khổ này, theo Thiền sư Saydaw U Jotika, chúng ta nên tránh lối suy nghĩ mình đúng để lắng nghe được người khác, để thấy rằng trong sâu thẳm tình thương họ dành cho mình…
Theo thiền sư Saydaw U Jotika, đau khổ trong các mối quan hệ đưa lại, sâu xa nhất là do mình nghĩ mình đúng, mình nghĩ họ sai và mình muốn thay đổi họ. Ngài nói:“Chúng ta nên xác định là con người không bao giờ hoàn hảo, bản thân mình cũng vậy. Ngay cả tôi trước đây cũng mắc phải sai lầm này. Nhiều người nghĩ tôi là người có trí tuệ, không bao giờ phạm phải sai lầm. Nhưng sự thực không phải như thế. Ngay cả bây giờ tôi vẫn gặp sai lầm.Mỗi một người lại có những xu hướng tính cách khác nhau. Người có xu hướng tâm tham thì nhìn cái gì cũng tham. Người sân nhìn cái gì cũng sân, nhìn cái gì cũng không vừa mắt và muốn sửa. Người ngã mạn lại, rất tự hào về bản thân mình. Ngay chính bản thân tôi, tôi có cả hai xu hướng tính cách, vừa tham vừa sân…Tôi đọc rất nhiều sách nên từ hồi còn trẻ, tôi không muốn nghe lời ai hết. Khi họ nói với tôi thì tôi nói biết rồi. Ngay cả khi bác sĩ nói với tôi, tôi cũng nói với họ là tôi biết cái đó rồi. Xu hướng tính cách này mãi về sau thì tôi mới nhận ra.Khi nào có người nào đó sân với tôi, tôi sẽ đồng thời nghĩ đến tính cách tốt của họ, thứ hai là cố gắng tìm hiểu tại sao họ sân. Có những người họ sân với tôi, vì họ thương tôi nên mới sân nên tôi cố gắng lắng nghe, cố gắng hiểu quan điểm của họ.Cách để không còn bị đau khổ trong các mối quan hệ, đặc biệt là trong mối quan hệ tình thân là: nên hiểu đã là con người thì không ai hoàn hảo, mình cũng vậy. Tránh nghĩ mình đúng để lắng nghe họ, để thấy rằng trong sâu thẳm tình thương họ dành cho mình.Lắng nghe, kiên nhẫn, yêu thương để cho họ nói hết ra những gì trong suy nghĩ của họ. Sau khi họ nói ra hết những gì trong lòng họ ra thì tôi mới bắt đầu nói: “Hãy nghe tôi, tôi không chỉ trích bạn, tôi muốn nói với bạn rằng, mặc dù không phải chúng ta lúc nào cũng đồng ý với nhau về mọi thứ nhưng mà chúng ta cũng nên chấp nhận nhau”.Mở rộng lòng ra, lắng nghe nhau là điều quan trọng để tìm thấy hạnh phúc trong các mối quan hệ giữa người với người. Tất cả chúng ta ai cũng muốn mình đúng. Vậy bạn muốn mình hạnh phúc hay mình là người lúc nào cũng đúng?”
.
buộc mái chèo vào hoàng hôn
Nguyễn Duy Nhiên
Trời mùa thu dường như có thật nhiều những ngày mưa lang thang. Lá rơi phủ đầy trên con suối nhỏ, cạnh khu rừng mỗi ngày tôi vẫn thường đi qua. Những chiếc lá thu ướt nằm dưới ánh nắng sớm, màu sắc như sáng hơn lên. Thời gian vào lúc chuyển mùa, với những đổi thay đang có mặt chung quanh, thường khiến ta bước chậm lại.
Mà trong cuộc đời cũng vậy, những thăng trầm, biến đổi cũng thường khiến ta bớt đi những hối hả. Đôi khi, những khó khăn bất ngờ trong cuộc sống cũng giúp ta dừng lại và ý thức được những tạm bợ và đổi thay của cuộc đời, và có một cái nhìn sâu sắc hơn.
Cái khăn sạch
Chúng ta bước chân vào con đường tu học thường với một mong muốn chuyển hóa được những phiền não, khó khăn của mình, và nếu như có thể thay đổi được chút gì cuộc sống chung quanh. Làm sao cho mỗi bước chân ta đi khởi lên những làn gió nhẹ làm mát cuộc đời, cho nơi này trở thành một cõi tịnh độ…
Nhưng nếu như ta không nhìn thấy được gốc rễ của khổ đau, thì những gì ta làm, cho dù có hay đẹp đến đâu, cũng khó thật sự chuyển hóa được điều gì phải không bạn? Mà nhiều khi còn khiến cho cuộc đời này rắc rối thêm…
Tôi có đọc một câu truyện ngắn về chiếc khăn sạch của nhà văn Trần Quốc Tiến. Có một ông bác bảo đứa cháu trai sáu tuổi lấy khăn lau cho sạch cái bàn để ông chuẩn bị tiếp khách. Thằng bé vâng lời, mang khăn lên lau bàn. Nhưng sau mỗi lần nó lau xong ông đều kiểm tra lại, và thấy cái bàn bẩn vẫn hoàn bẩn. Người bác xem lại và hiểu ra nguyên do khiến thằng bé lau mãi mà cái bàn vẫn không thể sạch.
Ông hỏi: “Cháu có biết tại sao không?”, thằng bé thật thà bảo: “Dạ không ạ.” Người bác đưa cho nó xem cái khăn rất bẩn, ôn tồn bảo: “Cái khăn này quá bẩn, cháu thấy không, cho nên cháu lau mãi mà bàn vẫn chưa sạch được là phải. Muốn lau bàn thật sạch, trước hết cháu phải giặt cái khăn cho sạch đi đã”. Thằng bé vâng lời rồi đi giặt khăn.
Chuyện đơn sơ thôi nhưng sâu sắc. Dùng cái khăn dơ để lau chùi thì vật được lau chùi ấy không thể nào sạch được, mà nhiều khi còn lại dơ hơn lúc chưa lau chùi.
Cũng vậy, tôi nghĩ chúng ta cần một cái nhìn rộng lớn và sâu sắc hơn để thấy rõ được nguyên nhân của khổ đau. Trên con đường tu học ngày nay, chúng ta có rất nhiều những phương tiện hay mới để giúp mình an tâm, để nuôi dưỡng an lạc, để có sự vững vàng… Nhưng bạn biết không, nếu như ta không cẩn trọng thì sẽ không có gì thay đổi hết, nếu như mình không ý thức được những gì đang thật sự xảy ra, và thấy rõ nguyên nhân của chúng.
Ngày là ngày và đêm là đêm
Khi đứng trước một cây khô héo với những chiếc lá vàng úa, nếu ta biết chăm sóc cho gốc rễ của nó, thay vì chỉ tưới nước vào những chiếc lá, thì cây ấy sẽ dễ được xanh tươi hơn. Và thấy rõ được thực tại của mình như-nó-là, là một phương cách nhiệm mầu để chuyển hóa những khổ đau của mình.
Trong Kinh Tương Ưng, Phật có dạy rằng chúng ta chỉ có thể chuyển hóa những lo âu, buồn giận, sợ hãi, khổ đau của mình bằng cách trở về và nhìn thấy rõ nó một cách chân thật.
Ngày xưa Phật thường đi vào những nơi rừng vắng để tham thiền. Vào những đêm khuya tối trời, mỗi tiếng động, mỗi cành cây khô gẫy, mỗi tàng lá lung lay, mỗi bóng một con thú đều có thể làm phát sinh lên trong ta một sự tưởng tượng, một nỗi khiếp sợ.
Phật kể, nếu như nỗi sợ ấy phát sinh Ngài sẽ tĩnh lặng quan sát nó cho đến khi nào nỗi sợ ấy qua đi.
“Này Janussoni, lúc ta đang đi, nỗi sợ hãi kinh hoàng lại phát sanh. Biết vậy, ta không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
“Khi ta đang đứng, nỗi lo sợ cũng phát sanh. Biết vậy, ta không đi, không ngồi, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.
“Này Janussoni, có nhiều đạo sĩ cho rằng ngày và đêm cũng như nhau, Như Lai lại nói: ‘Ngày là ngày và đêm vẫn là đêm’ “.
Với một thái độ ôn hòa, tĩnh lặng và trong sáng
Trong khi những đạo sĩ khác nói với Phật rằng phương cách của họ là quán tưởng rằng ban đêm cũng giống như ban ngày, tuy trong đêm tối họ vẫn cảm thấy như ban ngày, nên không có một nỗi sợ hãi nào hết.
Nhưng Phật không đồng ý với điều ấy. Đối với Ngài thì ta chỉ cần quay về và đối diện với thực tại để thấy được gốc rễ của vấn đề, “ngày là ngày và đêm vẫn là đêm.” Phật không tránh né, cũng không tưởng tượng thêm gì khác, Ngài chỉ đơn giản thấy được những gì đang xảy ra như đang-là, và có mặt với nó một cách trọn vẹn.
Và đức Phật đối diện với những nỗi sợ không phải bằng một sự tìm hiểu, phân tích, hay chịu đựng, mà bằng một thái độ từ tốn và ôn hòa. Ngài chuyển hóa chúng với một thái độ tĩnh lặng, trong sáng, không vội phản ứng. Mà sự tĩnh lặng, trong sáng ấy cũng đang có sẵn trong ta, nếu như mình biết buông bỏ để quay về nương tựa vào nó. Khi ta biết quay về để có mặt trọn vẹn, tuy không làm gì hết, mà những khổ đau lại tự nhiên được chuyển hóa.
Bạn biết không, trên con đường tu học nhiều khi chúng ta vẫn mong tìm một phương pháp mới lạ nào đó để chuyển hóa khổ đau. Nhưng nếu như ta không trở về để thấy rõ được sự vận hành và sinh diệt tự nhiên của chúng, thì có lẽ sẽ khó có một phương pháp nào khác lại có thể giúp ta chuyền hóa chúng được. Đôi khi ta cũng giống như các vị đạo sĩ kia, lại vô tình chỉ muốn biến “ngày và đêm cũng như nhau”…
Buộc mái chèo vào hoàng hôn
Bầu trời hoàng hôn của một ngày thu có một vẽ đẹp rất riêng. Có những buổi chiều trên con đường về nhà, tôi nhìn những áng mây pha lẫn màu vàng tím nhuộm thẩm chân trời, thật đẹp. Dường như những sắc màu của mùa thu cũng đang vướng quyện trong áng mây cuối trời trong một không gian hoàng hôn.
Tôi nhớ đến một bài thơ của cụ Nguyễn Trãi viết trong một buổi chiều tà, khi ông lên thăm một ngôi chùa nằm trên núi cao,
Du Sơn Tự
Đoản trạo hệ tà dương
Thông thông yết thượng phương
Vân quy thiền tháp lãnh
Hoa lạc giản lưu hương
Nhật mộ viên thanh cấp
Sơn không trúc ảnh trường
Cá trung chân hữu ý
Dục ngữ hốt hoàn vương
Lên chùa trên núi
Buộc chèo vào hoàng hôn
Lên lễ Phật bước dồn
Mây về giường thiền lạnh
Hoa rụng suối đưa hương
Trời lặn, tiếng vượn gấp
Núi không, bóng trúc trườn
Trong cảnh thật có ý
Định nói, bỗng quên luôn.
Phạm Thảo Nguyên (dịch)
Tôi thích câu thơ dịch ấy “Buộc chèo vào hoàng hôn.” Chiếc thuyền nhỏ trên sông dưới bóng chiều tà. Không gian trôi chạm nhẹ vào với thời gian. Ta có mặt ngay nơi đây rất tự nhiên mà không thấy một sự cố gắng nào hết. Chiếc mái chèo ngắn gác vào với bầu trời hoàng hôn, yên nghỉ. Không còn gì xao động. Nước sông tĩnh lặng.
Trên con đường lên núi, mây trôi ngang qua một am thiền trống không, hoa rụng bên bờ suối hương tỏa ngát núi rừng, vạt ánh nắng vàng vắt ngang cuối chân mây, đâu đây tiếng vượn kêu giữa núi vắng không, bóng trúc đổ vươn dài theo ánh hoàng hôn. Và giữa một hiện hữu trong sáng ta chợt ý thức rằng đâu có gì để thêm bớt, có một lời nào cần để nói nữa đâu…
Nguyễn Duy Nhiên
Nguồn: Nguyễn Duy Nhiên’s blog