Hạnh phúc giản dị

Hạnh phúc giản dị

* Hạnh phúc là có khi có thể sống thật với con người của mình, sống theo trái tim của mình. Có thể khóc khi buồn – buồn thật sự và có  thể cười khi vui, dù chỉ là một niềm vui nhỏ.

* Hạnh phúc là những lúc vui, buồn với bạn bè, nói thật lòng bất cứ điều gì cũng không ngại!

* Hạnh phúc là khi bất chợt gặp lại một người bạn cũ, thấy họ thật khác, thật trưởng thành.

* Hạnh phúc là cảm thấy vui khi những người xung quanh mình hạnh phúc và an lành.

* Hạnh phúc là khi ta biết cách để đứng dậy, cách để quên đi nỗi đau, biết tiến lên phía trước một cách lạc quan!

* Hạnh phúc là những khi đắm mình trong cơn mưa, vẫn cảm nhận được cảm giác man mát và dễ chịu.

* Hạnh phúc là khi có thể hòa mình với cây lá cỏ hoa và thản nhiên mỉm một nụ cười hiền.

* Hạnh phúc là khi có một người để nghĩ tới, để có động lực hoàn thiện bản thân, hoàn thiện con người mình.

  (Sưu tầm)

sunrise-july-13-2014-41

XUÂN, HẠ, THU, ĐÔNG VÀ
Ý NGHĨA CUỘC SỐNG

Chắc hẳn đã từng có những lúc bạn tự hỏi mục đích và ý nghĩa cuộc sống của mình là gì? Đó chính là lúc bạn đang trăn trở tìm hướng đi và ý nghĩa cho cuộc sống riêng cho mình.

Một người cha có bốn đứa con, Ông muốn chúng đừng xét đoán vội vàng nên bảo chúng đi quan sát một CÂY LÊ vào những khoảng thời gian khá xa nhau.

Người anh cả đi vào Mùa Đông. Cậu thứ hai vào Mùa Xuân. Cậu thứ ba vào Mùa Hạ và cậu út vào Mùa Thu

Người con trai cả sẽ quan sát cây lê vào mùa đông. Người thứ hai thì vào mùa xuân, người thứ ba vào mùa hè, còn người con trai út thì quan sát vào mùa thu.

Khi họ trở về, ông họp bốn người con lại và nói chúng kể mình đã thấy gì

Cậu cả nói : Cây Lê rất xấu xí, sần sùi và cong queo.

Cậu thứ hai : “Không đúng, cây Lê khá đẹp, có rất nhiều chồi xanh và đầy hứa hẹn..

Cậu thứ ba liền nói : “Không phải, cây Lê đó có rất nhiều hoa nở rộ, mùi thơm ngát và trông đẹp mắt ! Đó là cây đẹp nhất mà con từng thấy !”.

Đến lượt cậu út lên tiếng : “Cây Lê có rất nhiều quả, tất cả đều chín mọng, trông đầy sức sống và ngon miệng”.

Lúc này, người cha mới giải thích: Tất cả các con đều đúng, nhưng không ai nói đủ, vì mỗi người mới chỉ nhìn thấy một mùa trong đời sống của cây lê. Rồi ông dạy họ rằng : “Các con đừng phán xét một cây, hoặc một người nào chỉ vào một mùa hay qua một hành động.Các con nên xem xét tất cả trước khi đưa ra lời nhận xét”.

Nếu chỉ thấy cây vào mùa đông mà nhận xét sẽ bỏ mất niềm hy vọng của cây vào mùa xuân, vẻ xinh đẹp của cây vào mùa hè, sự tràn đầy sinh lực của cây vào mùa thu. Đừng để sự tàn úa của một mùa phá hủy đi niềm vui của bao mùa khác.Trong hô hấp cũng có nhịp hít vào và nhịp thở ra. Để nhận xét một người, cần phải biết về họ cả trong lúc khó khăn lẫn những khi gặp thuận lợi …

Sống đơn giản, yêu quảng đại, hành động cẩn thận, nói năng duyên dáng, mọi hoàn cảnh đều có ích cho ta. Hạnh phúc cho bạn vị ngọt, thử thách giúp bạn vững mạnh thêm, nỗi buồn nuôi dưỡng lòng nhân ái, thất bại giúp bạn đỡ kiêu căng, thành công cho bạn thêm hăng hái.

Xuân, Hạ, Thu, Đông… mới làm nên cuộc sống

Sưu Tầm

New Garden, Aug 17 - 2015 (8) nh

Hiến tặng bình an

Chúc Thiệu

1. Thí Vô Úy Giả có nghĩa là tặng sự không sợ hãi, làm cho người khác vững chãi trước mọi nỗi khổ niềm đau. Bồ tát Quán Thế Âm thân thương của chúng ta có Thánh hiệu như thế, cũng có nghĩa là Ngài có năng lực giúp an tâm cho những ai đang sợ hãi, khổ đau mà “gặp” được Ngài trong ý niệm…

Bạn có bao giờ đau khổ không? Chắc chắn là có, phải không? Bạn “gặp” được Ngài có nghĩa là bạn sẽ tìm thấy được năng lực vững chãi. Bồ tát Quán Thế Âm được mọi người nhìn thấy dưới hình tướng người nữ tay cầm tịnh bình, tay cầm dương liễu và được xưng tôn là “mẹ hiền”. Tiếng mẹ thân thương ấy đủ để cho chúng ta nhận ra sự dịu dàng lắng nghe của Ngài, giống như mẹ, mỗi khi con khóc thì mẹ đều nghe và chạy đến bên dỗ dành, yêu thương vậy!

2. Tôi từng đau khổ và sợ hãi, để rồi khi đối mặt với sự đau khổ tột cùng ấy tôi đã may mắn quay về bên Mẹ, niệm danh hiệu Ngài và khóc. Nhận ra rằng “con đã sai”, sai từ đầu cho đến cuối câu chuyện để rồi đến một ngày những gai gốc của cuộc sống, con người mọc ra từ sự tham ái, sân, si thì mới biết. Tuy muộn, nhưng khi ấy lòng tôi trải rộng lắm, nói với Mẹ nhiều điều lắm. Ngài nhắc tôi quay về quán tĩnh lặng, quay về tổng đài “hiểu và thương” để nói chuyện với Bụt, truyền thông với những người thân-thương về những nỗi khổ đau của mình để cùng được ôm ấp. Bạn biết không, điều kỳ diệu đã xảy ra khi mẹ Quán Thế Âm đã hiện thân trong mẹ tôi, sư phụ tôi, sư anh, sư em và chúng hội đồng tu của tôi…

3. Mẹ tôi bằng câu nói thật nhẹ nhàng, bằng sự yêu thương của người mẹ đã cho tôi nhận ra sự bình an từ sự vững chãi của tình thương không vụ lợi (của mẹ). Thế mà tôi quên mất trên đời này mẹ tôi là người đầu tiên dành cho tôi tình thương không mong cầu báo đáp, không yêu cầu tôi phải thế này, thế nọ, không vấn đáp theo kiểu đầy nghi ngờ… Tôi liền quay về niệm mẹ và thấy bình an, không còn sợ nữa bởi tôi hiểu, dù cuộc đời có nghiêng ngã, có thế nào thì khi quay về mẹ cũng đón tôi bằng tình thương lớn!

4. Sư phụ tôi thì chịu ngồi hàng giờ, nhắm mắt và nghe tôi nói những câu chuyện thật như chưa bao giờ tôi dám nói, những tưởng Người sẽ nhìn tôi mắng và thất vọng… nhưng không ngờ sư phụ lại bảo: “Sư phụ hiểu mà, đó là chuyện bình thường.” Hóa ra lâu nay tôi tưởng tượng, âu lo vì tôi không dám đối mặt với sự thật chứ sư phụ tôi nào có ghét bỏ tôi chỉ vì những chuyện ngoài ý muốn. “Quan trọng con giữ vững được tâm hướng thượng thì điều đó không là gì cả”, thầy đã nói ở “Quán Tĩnh lặng” của hai thầy trò, tôi đã nhẹ cả cõi lòng…

Sư anh tặng cho tôi sự dứt khoát, bảo tôi đừng sợ, có sư anh đây. Em cứ nhún nhường thì người ta sẽ làm tới, đừng sợ hãi, em phải đi đến cùng, em không đơn độc, ngoài em còn có sư anh và biết bao anh em khác, luôn xem em là anh em tốt… Tôi đã không còn sợ nữa, tôi thấy tin vào chính đôi chân của mình, đôi chân mà trước đây tôi sẽ không nỡ bước đi khi thấy ai đó khóc, dù tôi biết có thể họ đang diễn kịch, đang đóng hài. Sư anh bảo tôi từ bi phải có trí tuệ… Sư anh nhắc tôi về hình tướng của Ngài Tiêu Diện vốn là hóa thân của Bồ tát Quán Thế Âm, hiện tướng để nghiêm khắc đối trị với cái xấu, cái ác. Đó là cách thực tập hạnh nguyện từ bi!

Sư em thì tặng cho tôi năng lượng bình an của từng cái lạy, từng bước chân thảnh thơi và nụ cười đầy bi tâm khi nhìn tha nhân. Sư em dạy cho tôi biết ngồi im, uống từng giọt trà, nghe tiếng thở của đất và của nhiều thứ vô thanh khác, những âm thanh của sự im lặng lại là thanh âm hùng tráng làm người ta phải nể sợ. Tôi đã thực tập im lặng hùng tráng (của bầy cừu) và những cái lạy sám pháp để giãi bày với đất, để đi mỗi bước chân thong dong trong hơi thở vào ra mầu nhiệm…

5. Vậy là, Thí Vô Úy Giả đã hiện thân trong những người thân-thương của tôi, đã hiến tặng sự vững chãi và cho tôi thấy sự có mặt của họ trong tôi cũng như trong tôi có sự hiện diện của mẹ Quán Thế Âm. Chỉ đến khi tôi thấy những hiện thân của Mẹ trong tôi (lúc khổ đau) thì mới nhận diện hóa thân Bồ tát Quán Thế Âm với hiện tướng Ngàn mắt ngàn tay đâu phải chỉ là hình tướng, sự vô tướng của năng lực cứu khổ ấy được biểu hiện ở chính sự quay về với chân như của cuộc sống, lắng nghe sâu chính mình và người khác như: Long à, tại sao con phải khổ như thế, phải chăng vì con đã tham ái hay vì con còn không chịu buông bỏ…? Nghe xong, tôi giật mình quay về với hơi thở!

Hoa & Canh dep (62)

Cảnh Ðón Tết tại Làng Mai của Sư Ông năm 2012 đẹp quá, xin phép được ghi lại chia sẻ với mọi người:

Mở rộng vòng tay

Westmoreland - Portland, OR 2015

Tết tết tết tết đến rồi
Tết tết tết tết đến rồi
Tết tết tết tết đến rồi
Tết đến trong tim mọi người.

Mừng ngày tết trên khắp quê tôi
Ngàn hoa thơm khoe sắc xinh tươi
Đàn em thơ khoe áo mới
Chạy tung tăng vui pháo hoa.

Mừng ngày tết trên khắp quê tôi
Người ra Trung ra Bắc vô Nam
Dù đi đâu ai cũng nhớ
Về chung vui bên gia đình.

Gia đình Làng Mai năm nay làm lễ dựng cây nêu ngày tết tại xóm Hạ, gần tháp chuông.  Sư Ông đã niêm hương và đại chúng cùng niệm Bồ Tát Quán Thế Âm đón một năm mới bình an đang về.

Bài pháp thoại của Sư Ông sáng ngày 22 tháng chạp năm nay giúp đại chúng có cơ hội quán chiếu  đi ra những khó khăn khi Sư Ông khai mở “Hạnh phúc là cái gì đó mình phải học thì khổ đau cũng vậy. Mình không những học nghệ thuật hạnh phúc mà mình học cả nghệ thuật khổ đau nữa.” Bài kệ:

Bụt là thở
Bụt là ngồi
Mình là thở
Mình là ngồi.

Làm chiếc cầu nối tâm linh cho Bụt và mình gặp nhau trong những ngày cuối năm. Để khi đó thì mình kịp nhận ra  khi mình “Thở cho an, ngồi cho vững” thì:

Chỉ có khổ
Chỉ có vui
Không người khổ
Không người vui.

Bài kệ đã dẫn đại chúng về trong từng bước chân thiền hành quanh hồ sen rồi hướng về thiền đường Cam Lộ nghe kể về văn hóa gói bánh ngày tết cho các bạn thiền sinh cùng các em nhỏ. Những ngày cuối năm bận rộn với nếp, đậu, lá và bao nhiêu chuyện…  nhưng quý sư chị sư em xóm Hạ vẫn dành chút thời gian đem hương xuân về Làng với những chậu hoa tươi thắm như lan, hồng, cúc, cẩm chướng…

Sư chị ghé nhỏ vào tai sư em thị giả:

–         Thỉnh Thầy khai trương chợ hoa đi sư em.

Sư em thị giả thưa Thầy:

–         Dạ, kính mời Thầy đi chợ hoa.

Thầy bảo:

–         Thầy không có tiền làm sao mua?

Sư em thị giả:

–          Dạ, để con đi mượn…

Thế là Thầy trò cùng đi bộ đến chợ hoa ngày tết…  Mùa Đông năm nay trời lạnh muộn nên tết đến nơi rồi mà hiếm còn một đóa hoa nào biểu hiện. Chợ hoa có mặt ở Làng mang hương xuân về hiến tặng cùng nhau. Đây sư chị, sư em lặn lội mang hoa từ xa về để sư cha, sư mẹ, sư anh, sư chị, sư em cùng các bạn thiền sinh có cơ hội dạo quanh tháp chuông chọn những chậu hoa nho nhỏ tặng nhau, hay mua về trang trí phòng trong những ngày tết. Chợ hoa ra đời như một cuộc chơi “đồ hàng” ( trò chơi của các em nhỏ thường giả làm mẹ, làm chị để được nấu cơm, bún,… chơi trò bán mua bằng lá cây thay tiền) thuở nhỏ.

Ngày monastic cuối năm, ba xóm bốn chùa về ngồi bên bếp lửa Sơn Cốc  kể lại chuyện vui tổ chức chợ hoa: “Thưa Thầy chợ hoa chỉ có từ lổ đến huề vốn mà thôi, vì chúng con để nguyên giá… nhưng sư em thủ quỹ sẽ là người mua sau cùng thưa Thầy. ” Những giờ phút  ngắn ngủi dạo quanh chợ hoa ngày tết đã mở đầu cho một mùa xuân tươi trẻ có mặt tại Làng.

Đôi bàn tay mẹ

Và giờ này trong những ngày giáp tết tại Làng, giây phút ngồi quay quần bên nhau gói bánh tét,  bánh chưng  và cùng hát  những bài hát xuân, những bài hát về  tình gia đình, tình quê hương… trong sự đầm ấm. Khí trời mùa Đông  tại miền Nam nước Pháp bây giờ đang trở lạnh, những tàu lá chuối co quắp dưới cái lạnh xa quê. Sư mẹ dạy sư chị sư em con rọc những bẹ chuối còn xanh để dành cho ngày tết.  Và để có bánh cho cả Làng hơn 400 người dùng trong ba ngày tết, sư chị sư em tri khố đã phải chịu khó gom lá từ các chợ, và có cả những tàu lá chuối quê hương trên những con đường làng nước Pháp cũng  đã được người dân quanh vùng cúng dường cho quý sư cô gói bánh ngày tết. Những chiếc bánh xa quê cất chứa bao tình thương của mẹ, của chị, của em là thế đó…

Đôi bàn tay khéo léo của mẹ, của cha cùng biểu hiện trong nhiều đôi bàn tay, đây đôi tay của sư em Trăng  Đầu Hạ (sư em là mẹ của hai sư cô, nên đại chúng thường gọi với cái tên thân thương “sư em má mi”). Sư em má mi thong thả gọt những củ cà rốt, củ cải trắng, những quả đu đủ xanh… để làm dưa món. Một tuần, hai tuần trôi qua đều đặn trong sự tu học, trên góc tủ xóm Mới cũng dần xuất hiện thêm những hủ dưa món đậm tình thương của sư em. Mùa Đông hiếm có những ngày nắng giòn như ở quê mình, sư chị sư em xóm Hạ đã bắt đầu làm dưa món trong những ngày làm biếng sau Khóa Tu Mùa Hè… Đặc biệt, ở xóm quý thầy, bàn tay mẹ cũng đã có mặt cùng đôi bàn tay của sư anh, sư em với những hủ kim chi, dưa món, bánh ngọt, mứt…  Mẹ ơi tình mẹ đã theo chúng con đi trên mọi nẻo đường, và bàn tay mẹ đã có mặt tại Làng trong những ngày tết xa quê.

Giờ này ngoài kia, anh, sư chị sư em con tại mỗi xóm đang canh nồi bánh tết, mùi khói thân quen bên bếp lửa hồng cùng tiếng nổ tí tách của những cành củi đang cháy và mùi thơm của nếp, của đậu đang lan tỏa trong những ngày giáp tết. Nồi bánh văn hóa ngày tết như đẹp hơn khi các sư anh, sư chị, sư em và các bạn thiền sinh cùng ngồi quanh bếp lửa hát những bài hát quê hương. Nhà càng đông con, nồi bánh càng đậm đà tình quê đoàn tụ, thật đẹp sao khi có nhiều bạn thiền sinh cảm nhận hơn 300 người trẻ Việt cùng ngồi bên nhau gói bánh, nấu bánh và hát cho nhau nghe trong niềm vui giản dị. Có một bạn thiền sinh nam đã tâm sự: “Đây là lần đầu tiên anh được tham dự một cuộc vui thâu đêm mà không cần rượu, thịt và ‘bạn gái’” . Đây một cô bạn thiền sinh bập bẹ học cho được vài tiếng Việt để nói hai tiếng “cảm ơn”. Đây một cô bạn thiền sinh khác cầm bánh cùng lá ngồi năn nỉ xin tập gói bánh. Đây một nhóm các bạn thiền sinh tận tình xin tình nguyện chà nồi khi bánh vừa mới vớt…

Và khi gia đình xuất sĩ ngồi lại bên nhau, một sư em miền Nam tâm sự: “Thưa thầy, vô chùa con mới thấy được cách gói bánh, nấu bánh… con không biết gói nên tình nguyện chà nồi. Nhưng khi ngồi chơi với sư anh, sư chị, sư em Tây phương, sư chị sư em muốn biết thêm về truyền thống và cách thức gói bánh ở nhà con. Điều này làm con quê quê khi bao nhiêu năm trước đây con chỉ biết mua bánh mà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện gói bánh… Sư chị sư em Tây phương nói rằng, đây là một văn hóa đẹp mà con nên gìn giữ…”

Chiều nay pháp đàm, chúng con chia sẻ những ngày tết ở nhà và những ngày tết trong chùa. Một sư em kể rằng: “Con đã gọi điện cho cha con và khuyến khích cha con làm bánh tét như ở Làng. Bởi làng con ở đảo nên không biết nấu bánh. Bao nhiêu năm con ăn bánh sống (nấu chưa tới). Thế mà cả làng con đều khen ngon. Lần đầu tiên con được ăn miếng bánh chín tại Bát Nhã làm con hạnh phúc quá. Năm nay con quyết định thuyết phục cha con giúp làng con làm cho được chiếc bánh ngon như ở Làng. Con nói: “Cha ơi! Cha có thể để lại cho làng chiếc bánh chưng ngày tết như vua Lang Liêu đã để lại cho mình tục lệ gói bánh ngày tết vậy…”

Vẫn còn nhiều chuyện chúng con kể cho nhau nghe trong những ngày tết và ngoài hiên như vẫn còn văng vẳng tiếng hát:

Đây tay anh tay em nối liền

Đây tay chị, tay anh, tay em

Tay chúng mình nối lớn

Mình mở rộng vòng tay

Cho yêu thương thắp trên địa cầu

Ở trong một vòng tay

Ở trong một vòng tay.

Nang dep Mua Xuan 2015 (747)

This entry was posted in Uncategorized. Bookmark the permalink. Post a comment or leave a trackback: Trackback URL.

Post a Comment

Your email is never published nor shared. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>

*
*