ÐS-6: NGHE TIẾNG GÀ XUÂN

Recent Pages: 1 2  3  4  5  6  7  8  9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20

Hoa-Dao-.-2014..-4

NGHE TIẾNG GÀ XUÂN

-TN. Tịnh Quang –

Không biết tết có tự lúc nào, mỗi khi xuân về tết đến, lòng tôi chợt nao nao… dư âm tiếng gà xuân đâu đây vẫn còn văng vẳng bên tai như ru tôi vào giấc mộng an bình.

Nhớ những ngày cuối năm, khi làn gió đông se thắt, hai cây mai cong queo trước sân nhà tôi kết nụ, lúc này mọi người trong làng đều tất bật sửa sang nhà cửa, đầu đường rộn ràng những câu chào hỏi và chuyên trò về việc làm ăn và cưới hỏi vào năm mới. Chợ Côi và chợ Đưới bày bán đủ thứ đồ tết, đặc biệt hoa Cúc và hoa Vạn thọ vàng rực cả chợ từ sáng đến chiều. Quanh làng, đâu đâu cũng thấy tràn ngập niềm thôi thúc vì xuân.

Tôi hỏi:

-Còn bao lâu nữa mới tới tết hở mẹ?

Mẹ bảo:

-Hăm chín ngày nữa.

Thế là tôi ngóng xuân và đếm tết vào từng ngày; lòng thầm vui vì sắp đến ngày nghỉ học, được ăn mứt, hạt dưa, bánh tét, bánh chân, được mẹ may áo quần mới để mặc đi lễ chùa đầu năm, được lì xì, rồi cùng mấy đứa bạn hàng xóm đến đình làng để đánh Cờ Oi, chơi bài Tới, bài Tiến Lên… vào chiều mồng một, mồng hai tết.

Cứ mỗi sáng thức dậy vừa bước xuống giường, chưa kịp súc miệng rửa mặt là tôi vồn vã hỏi mẹ:

– có phải còn 28 (27, 26…10, 9…1) ngày nữa là tết phải không me?

Mẹ kiên nhẫn trả lời:

– Ừ.

Không gì hồi hộp bằng 30, ngày cận tết; mọi người trong làng ùn ra chợ, ra đường; không khí rộn rã, nô nức của dân làng khiến cho mùa xuân càng thêm nhiều ý vị. Nhớ năm nào đó, vừa ăn cơm chiều 30 mươi xong, tôi hớn hở mặc trước bộ đồ vải xẹt Lào (thay vì sáng mồng một mới được mặc) với màu đỏ chói mà mẹ vừa may xong, cổ áo thắt nơ xanh lá cây, tay áo và lai quần viền ven trắng, và mang đôi guốc gỗ cũng vừa mới mua có màu xanh nước biển, trên quai guốc có gắn bông hồng bằng vải lụa vàng rất xinh. Tôi hãnh diện với áo quần mới, với đôi guốc mới, và đi ỏng qua ẻo lại, không quên xách túi tiền lẻ của mẹ giao phó vào làng phát cho người già neo đơn và người tật bệnh theo lời mẹ dặn: rằng làm phúc cuối năm để sang năm hưởng phước.

Mới 7:00 giờ chiều, mẹ bảo chị em chúng tôi đi ngủ sớm để khuya mẹ gọi dậy đón Giao thừa. Tôi lên giường nằm mà mắt không thể nào nhắm được. Nhìn ra sau vườn qua lỗ hỏng của bức tường gỗ, tôi thấy những tàu lá chuối đu đưa theo gió mà hình dung những cánh buồm đang trôi trên những con sóng đen của đại dương và chờ đợi ánh bình minh bên chân trời hắt hiu thăm thẳm; thi thoảng một vài cơn gió lướt nhanh khiến cho những tàu lá bật lên bật xuống ẩn hiện ánh sáng của những ngọn đèn cầy đu đưa của nhà hàng xóm ở sau nương nhà tôi. Lòng cảm thấy nôn nao, tôi bước xuống giường và đi ra sân. Bóng đèn dầu ở bàn thờ trước hiên nhà tôi đã bị gió tạt qua tạt lại đen thui. Nhìn bóng đèn của hai nhà cạnh bên cũng không khác gì mình. Một lúc, mẹ tôi chong thêm một cây đèn sáp lớn, ánh sáng của nó lưng tưng nhảy nhót trước gió thật là vui mắt; càng vui hơn khi thấy nhà nào cũng mở toang cửa, bên trong ánh sáng liu riu, vài ba cái bóng người chao qua đảo lại trong nhà kia. Thoang thoảng mùi nhang trầm đâu đó loang trong không gian thơm phức, trời đất như nồng nàn hơn lúc nào cả.

Đến chừng 9:00 giờ tối, tôi giúp mẹ chuẩn bị hương quả, bánh mức, xôi chè và thức ăn đặt ở bàn thờ để rước ông bà. Sau đó, mẹ mặt áo dài xanh ngồi lần chuỗi trước bàn thờ Phật, tôi ngồi sau lưng mẹ, lắng nghe tiếng thì thầm của mẹ…tiếng nhỏ lắm, nhưng cũng đủ cho tôi nghe được danh hiệu Quan Thế Âm Bồ tát…Cứ chừng khoảng mười tiếng niệm là mẹ chắp tay cúi đầu xuống đất lạy Phật, tôi cũng bắt chước mẹ lạy Phật. Xong thời niệm Phật mẹ qua bàn thờ ba và ông bà thắp nhang và khấn rằng:“Ba ngày tết, mời các vị về nhà vui tết cùng con cháu và phò hộ cho chúng nó mạnh khỏe, đừng ốm đau…”

Tôi ngước mắt nhìn lên di ảnh của ba, của ông bà nội ngoại như lung linh theo lời ước nguyện của mẹ. Ngọn đèn cầy trên bàn linh nhỏ xiu, dù không đủ sáng và ấm trong đêm 30 của miền Trung, trong lòng tôi chợt ấm lên một cách lạ thường với cảm giác rằng người thân của tôi đang đoàn tụ trong giây phút đó, dù bên ngoài cơn gió giao thời vẫn rít lên trên nhưng cành phi lao già tuổi.

Xong lễ khấn, tôi giúp mẹ sửa soạn mâm trái cây và lư nhang cúng giữa trời, treo lại tràng pháo Tống trước mái hiên vừa rơi xuống đất vì bị gió đánh gãy đứt dây. Tràng pháo của nhà tôi rất dài, gần chấm xuống đất, có màu đỏ thẫm giống như bức màn sáo treo ở cửa nhà của Bảy Chú Lùn trong quyển sách tập đọc lớp bốn của tôi. Nhà của bác Tư Chèo và bà Thơm Mối ở kế bên nhà tôi cũng treo pháo đỏ như nhà tôi, nhưng tràng pháo của họ nhỏ hơn và ngắn hơn, dù đã móc trên bụi tre rậm bên hông nhà mà cũng bị gió thổi tới tấp, bay phấp phơi; tôi cứ trông theo mà lòng lắt lư lo sợ rằng chúng sẽ rơi mất. Loay hoay một lúc, tôi chợt thấy tất cả sân nhà xung quanh sáng lên, nhà con Bòn và thằng Lượm học cùng lớp ở bên kia sông nhà tôi cũng sáng lên, rồi cả làng sáng lên như trăng khuya 21, rồi nhiều bóng người lững thững nhấp nhô trong ánh sáng huyền diệu ấy. Mẹ nói sắp đến Giao thừa, và bảo tội gọi tất cả chị em thức dậy.

Thằng Chó Lớn và Chó Don em tôi khóc rú lên không chịu thức. Chỉ có tôi, thằng Cu Anh, chị Cả cùng mẹ tôi chuẩn bị đón giao thừa. Ba chị em tội ngồi trệt trước ngạch cửa nhà và dòm qua lũ trẻ hàng xóm nhà kế bên, chúng nó cũng ngồi chao vao trước ngạch cửa nhà như chúng tôi; chỉ có những người lớn đi lui đi tới làm gì đó trước sân nhà. Chốc chốc, chị Cả tôi nóng lòng hỏi mẹ:

– Còn bao lâu nữa mới đốt pháo hở mẹ?

Mẹ bình thản:

-Sắp rồi…

…Một âm thanh bất chợt nổ tách…tách…ở làng trên phát ra, tất cả chúng tôi đứng dậy, mẹ bảo đứng ra xa tràng pháo. Nhanh tay, me rút que diêm quẹt lửa châm vào ngòi pháo….những tia lửa xẹt ra, rồi một tiếng nổ ‘đùng’ to lớn; chúng tôi nhảy tửng lên vui mừng và dùng hai tay bịt tai và la lớn, lũ trẻ nhà kế bên cũng bịt lỗ tai và la lớn nhưng vẫn không át được tiếng pháo Giao thừa. Những tiếng nổ vang trời tiếp theo cứ đùng…đùng…đùng…liên hồi như xé toạc màn đêm. Rồi tiếng pháo nổ đùng …đùng… của nhà kế bên, tiếng pháo nổ đùng .. đùng… của nhà kia nhà nọ, làng trên làng dưới cùng nhau nổ vang sáng rực cả bầu trời tạo thành hàng vạn ngôi sao lấp la lấp lánh. Chừng mười phút sau, lúc tiếng pháo Giao thừa đón mừng năm mới đã im phắc là tiếng ba hồi chuông trống Bát Nhã của chùa Đông Hồ vang lừng; trong làn khói hương nghi ngút, mọi người đều chắp tay và thầm nguyện ân Tam bảo phò trì cho năm mới… Khi hồi chuông trống vừa dứt, nhà nhà tắt đèn tắt nến đi ngủ, ngổn ngang xác pháo rãi đỏ ngập sân nhà.

Sau giờ đón Giao thừa, chị em tôi đều leo lên giường ngủ tiếp. Riêng tôi được nằm chung với mẹ, tôi thấy mẹ cứ tráo mắc nhìn vào khoảng không. Ngạc nhiên, tôi hỏi:

-Mẹ không nhắm mắt ngủ? mẹ không mệt hả?

-Mẹ chờ nghe tiếng gà gáy.

-Nghe tiếng gà để làm chi hả mẹ?

-Để biết rằng năm ni làng mình được mùa hay mất mùa. Nếu sau giờ Giao thừa mà chó sủa trước thì năm ni làng mình mất mùa và sẽ có ăn trộm. Còn nếu làng mình năm ni được mùa, vui vẻ ấm no thì có điềm gà gáy trước.

-Ai nói với mẹ rứa?

– Đó là tục tin lâu đời của ông bà và của làng mình.

-Thiệt hả mẹ?

-Ừ.

Tôi nhìn ra ngoài sân, không thấy gì cả, ngoài bức màn đen khổng lồ đang ôm choàng cả không gian tĩnh mịch. Tôi bắt chước mẹ nhìn lên trần nhà, lắng lòng chời đợi…để nghe tiếng gà gáy chứ không phải tiếng chó sủa hay tru. Không gì để nghe cả… ngay cả tiếng con ễnh ương bì bõm sau bờ ao hằng đêm cũng im ru, chỉ còn tiếng gió rất nhẹ vi vu trên rặng cây cao niên sau hiên nhà. Vạn vật im lìm như đang chìm vào giấc ngủ mê say.

Meo….meo…, con mèo Mun nhà tôi đi theo con mèo cái nhà ông Giò ba ngày nay, bất chợt trở về ré lên trong đêm. Tôi thúc vào tay mẹ và nói:

– Mẹ ơi năm ni mèo kêu trước, coi chừng nghèo đó!

-Đừng nói tầm bậy, con mèo kêu chỉ có nhà mình nghe, không phải là điềm báo của cả làng.

Mẹ tôi nói với vẻ mặt nghiêm khắc hơn.

Tôi im lặng chờ đợi tiếp…Thời khắc trôi qua lúc này đối với tôi sao mà chậm quá! Tôi lăn qua lăn lại một hồi rồi mệt lử, và trong khi sắp đi vào cõi mộng bỗng tiếng gà khuya từ xa vọng lại: Ò…ó…o…o…

Giật mình, tôi thấy mẹ vùng dậy và thở phào nhẹ nhõm. Vẻ mặt tươi vui, mẹ bước xuống giường và đến bàn Phật, bàn linh thắp hương vái lạy và khẽ nói: “Năm ni vui rồi…”

Không biết làng trên thì sao, làng tôi hình như năm nào sau lễ đón Giao thừa một lúc là tiếng gà khuya vang lên, chỉ một tiếng gà khởi đầu, báo hiệu niềm tin và hy vọng về một năm mới yên lành nơi miền thôn dã. Tương lai đơn giản được hẹn ước bằng tiếng gà xuân khoác trên những cánh đồng với hai mùa mưa nắng hài hòa.

Bây giờ làng tôi có còn đón xuân với tiếng pháo tưng bừng như xưa không? Có còn lắng nghe tiếng gà khuya sau phút Giao thừa im vắng ấy? Tiếng gà xuân hôm nao đã êm đềm đi vào ký ức tuổi thơ của tôi, vẳng nghe đâu đây chốn quê xưa thanh bình êm ả.

Nguồn: thuvienhoasen

 

Giây Phút Phù Du

– Lê Mộng Hoàng –

Hoa Anh dao 2014Hôm nay là Good Friday, ngày thứ Sáu trước lễ Phục Sinh. Hoa Anh đào trong xóm Sleepy Hollow Run nở rộ, rực rỡ, thơ mộng. Mỗi lần có cơn gió đến các cánh hoa đào bay phất phơ từng đàn trong gió giống như cảnh trữ tình qua câu thơ:

“Lá đào rơi rắc lối thiên thai…” (Tản Đà)

Từ cửa sổ nhà mình nhìn ra, tôi cảm thấy thích thú và vui ghê vì các loài hoa đang thi nhau khoe sắc thắm, hoa Dogwood màu hồng đậm, hoa Azelea (Đỗ Quyên) màu đỏ, màu trắng, hoa Anh Đào màu hồng, hoa Daffodil màu vàng, hoa Tulip (Uất kim cương) màu cam, hoa Camelia (Trà Mi) màu rượu chát đỏ, hoa Pansy màu tím, màu vàng. Thật đúng là:

“Xuân của đất trời nay mới đến
Trong tôi xuân đến đã lâu rồi
Từ lúc yêu nhau hoa đã nở
Trong vườn Tình Ái của hồn tôi” (Xuân Diệu)

Mà cuộc tình này đã kéo dài 31 năm rồi, vẫn còn vui. Nhìn đồng hồ thấy đã 4 giờ rưỡi, tôi vội vàng đi thay áo quần. Huyền dặn: “Anh sẽ về sớm để chụp hình em và hoa đào”. Sân trước nhà tôi có hai cây Anh Đào và hai cây Dogwood nở hoa màu hồng đậm nên trông rực rỡ cả một góc trời.

Mặc bộ suit màu tím hoa sim thêm cái mũ cùng màu tím có vành rộng tím đậm tôi theo H. ra sân. Anh chụp liên miên, bảo tôi thay đổi vị trí từ cây hoa Anh Đào qua cây hoa Dogwood đến khóm hoa Azelea, rồi đến con đường trong xóm. Cả xóm là một lối thiên thai, toàn hoa đào tươi thắm.

Mặt trời sắp lặn, hết nắng rồi nên chúng tôi vào nhà. H. lo đi tập chạy bộ (treadmill) còn tôi lo đi nấu cơm chiều. Nhà tôi đang ở, bếp, phòng ăn, phòng chơi gia đình và 3 phòng ngủ đều nằm ở tầng trên. Tầng dưới gồm phòng khách, phòng của Mẹ tôi, phòng ăn cho khách nay làm phòng computer và tập thể dục và phòng giặt giũ.

Trước khi thay áo quần để đi xuống bếp tôi đứng trước gương ngắm nghía bộ đồ màu tím hoa Sim mà tôi rất yêu thích và chiếc mũ xinh xắn. Kể ra một bà già đã 66 tuổi mà vẫn còn những lúc vui sướng vì chọn được màu áo mình yêu thích thì cũng mừng thật! Tôi không thích nữ trang đắt giá (hột xoàn, cẩm thạch), cực chẳng đã khi đi dự tiệc cưới thì cũng phải đeo chút đỉnh với thiên hạ nhưng ngày thường tôi không muốn vướng bận vì các của nợ ấy. Hành trang thường ngày của tôi là 1 backpack (túi đeo sau lưng), 1 xách tay có ngăn để đựng vé Metro, đôi giầy ba ta, áo quần xuềnh xoàng nhưng phải hợp màu – từ áo cánh, áo khoác, quần, áo choàng mùa đông (coat) và mũ. Theo tôi, người đàn bà không biết hòa hợp màu sắc là đã mất đi 20% duyên dáng mà trời dành riêng cho phái nữ rồi! Trong bao nhiêu năm đi làm ở Washington D.C. hoặc Maryland tôi đều dùng tàu điện Metro và cảm thấy thoải mái vì khỏi lo sợ kẹt xe như các người lái xe hơi. Tôi chỉ lái xe các ngày cuối tuần thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật. 

Hoa Dogwood 2014 (32)Trở lại với ngày Good Friday, tôi đang lui cui nấu ăn trong bếp thì nghe tiếng H. gọi từ dưới lầu: “Hoa ơi Hoa” và gì nữa tôi không nghe rõ nên Dạ một tiếng lớn và chạy vội đến chỗ thang lầu để hỏi anh ấy nói gì. Chân tôi vừa bước ra khỏi cánh cửa bếp thì nghe tiếng lẻng kẻng tôi thụt lùi lại. Cả bức tường bằng kính rơi xuống cắt ngang lưng tựa của chiếc ghế gỗ Cherry rất chắc chắn. Mảnh kính bay đến chân tôi, may mà tôi có mang tất. Tôi la lên một tiếng “A!” rồi niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Chỉ cần tôi chạy nhanh hơn 1 hoặc 2 giây là thân hình tôi đã bị cắt từng đoạn rồi! Đây là sự nhiệm mầu của Phật Quán Thế Âm; Ngài đã độ trì cho tôi. Mặc dù tôi chấp nhận sự chết vì biết rằng ai rồi cũng có ngày phải chết nhưng chết chém như chiếc ghế gỗ trước mắt tôi thì thê thảm quá!

Ông xã tôi từ dưới lầu chạy lên vừa hỏi: “Chi rứa, chi rứa?” Nhìn cảnh tượng kính bể ngổn ngang ổng cũng sợ luôn! Kính này rất dày, bề ngang 4 feet bề cao 8 feet nên nặng trịch. Tôi nói với ảnh: “Huyền, từ nay em phải làm nhiều việc thiện hơn nữa mà anh đừng có cản. Đúng là có Phật độ cho em.” Huyền im lặng. Tôi đoán trong giây phút đó anh đã cảm nhận được nỗi Vô Thường của đời sống này. Chỉ một giây phút phù du thì tất cả đều biến mất! Nhan sắc, tiền tài, danh vọng, kiến thức, gia đình, bằng hữu. Có còn chăng chỉ là chút từ tâm và hạnh Hỷ Xả tôi mang theo về bên kia thế giới. Câu nguyện cầu của tôi mỗi buổi sáng vẫn còn hiệu lực: “Xin Phật phù hộ cho con Làm Điều Lành, Tránh Điều Dữ. Sớm đem cho người thêm niềm vui. Chiều giúp người bớt khổ.”

Từ hôm nay, Good Friday 14 tháng 4 con xin cố gắng làm nhiều việc thiện nguyện hơn nữa. Chiếc ghế bị cắt ngang lưng chắc tôi sẽ giữ làm kỷ niệm để nhắc nhở tôi và các người tôi thương về biên giới giữa Cái Chết và Sự Sống chỉ là một Giây Phút Phù Du, không biết trước, không phải chờ đợi 80-90 năm đâu!

Khi đã hoàn hồn tôi mới gọi điện thoại cho em tôi DL ở CA, vì biết giờ ấy DL còn đang ở sở. Cô y tá bảo “Bác sĩ đang mổ răng cho bệnh nhân xin cô để lại message bác sĩ sẽ gọi lại.”

Nửa giờ sau khi DL gọi, tôi vẫn còn kinh hoàng vì tai nạn xảy ra. Thử tưởng tượng trước đó 10 phút khi tôi đứng trước gương ngắm nghía bộ đồ màu tím tôi yêu thích nếu kiếng rơi xuống thì thân xác tôi còn lại gì? Hoặc tai nạn này xảy ra vào dịp hội họp gia đình có đông đủ bà con, thường tôi sắp một dãy ghế trước bức tường có kiếng ấy để các cụ ngồi. Em tôi bảo: “Nghe chị kể mà em đã run cả người rồi!” Mà đúng như vậy, thật là khủng khiếp khi bức tường kiếng này đổ xuống vào ngày có đông người!

Tôi nhớ đã có lần trong bài giảng của một Linh mục chương trình Áng Sáng Tin Mừng, ngài bảo: “Thượng Đế đã nhiều lần gửi thư Cảnh Cáo đến cho bạn mà bạn cứ làm ngơ như không thấy, không nghe, không biết đến Sự Chết, mỗi khi bạn bị tai nạn hoặc đau ốm hoặc bị mổ xẻ là một lần bạn phải tỉnh thức.”

Hôm nay là ngày cảnh giác khó quên cho tôi và cho gia đình bà con thân thương của tôi. Hai tấm kính nhỏ hai bên đã được tháo xuống, bức tường sẽ trở lại nguyên hình dáng cũ. Tôi nghĩ trước khi bán căn nhà này cho chúng tôi chủ nhà đã gắn kính to và dày khắp bức tường với dụng ý khiến phòng ăn nhìn rộng hơn. Thế là đã 20 năm tấm kính nằm yên, an bình với kỹ thuật quá thô sơ; dùng một thứ keo (nail gel) màu đen phết lên tường từng vệt nhỏ; có độ 12 hoặc 14 vệt như thế rồi dán tấm kính lớn vào tường.

Nếu không có sự che chở huyền diệu của Ơn Trên, Trời Phật, Tổ Tiên, Ông Bà thì gia đình chúng tôi đã gặp tai nạn thảm khốc. Ngày hôm sau, thứ bảy khi Sam con trai út của tôi đang đi vacation ở North Carolina cùng vợ nó gọi tôi, tôi đã nói với con: “Ngày hôm qua, thứ sáu con suýt mất Mẹ trong một tích tắc. Mẹ muốn nói với con điều này: Tiền bạc, của cải, kiến thức, danh vọng trên đời này đều là Tạm Bợ chỉ có Từ Tâm và Hạnh Bố Thí, giúp đỡ người khác mới bền lâu mà thôi, đừng có nghĩ mỗi tháng tôi dành dụm $10.000 đô thì trong hai năm chắc chắn tôi sẽ đủ tiền đặt cọc mua một căn nhà vừa ý, không chắc đâu.” Nghe con cười qua điện thoại tôi nói thêm: “Có lẽ con nghĩ rằng Mẹ tiêu cực quá, have negative thought nhưng đây là lời nói rất thành thật của Mẹ. Nhớ đến Mẹ là nhớ CHIA XẺ, GIÚP ĐỠ mọi người, nhớ làm VIỆC THIỆN”.

Không hiểu con tôi có biết đây cũng là lời trối trăn, là mong ước duy nhất của mẹ nó không?

Ngày 30 tháng 4 gần kề, tôi nhớ lại cảm giác lo sợ ngổn ngang khi tôi ẵm con gái LINA lúc ấy mới 4 tuổi lên Tân Cảng tìm cách đi trốn nhưng không được, đành trở về. Cuối cùng thì Phật đã đưa đẩy cho mẹ con tôi đi cùng chuyến với gia đình người cô của LINA, bác sĩ H. vào ngày 28 tháng 4 năm 1975 bằng phi cơ tới đảo Guam để sau này tôi mới có cơ may bảo lãnh Mẹ và các em, các cháu đến miền đất tự do này.

Biết bao sinh mạng đã mất đi trong cơn Quốc biến, trong sóng gió bão bùng của biển sâu, trong đói khát sức nóng của sa mạc và trong cơn cuồng si giận dữ của các kẻ cướp biển, cướp bộ. Hàng triệu người đã nằm xuống cho mẹ con tôi có được ngày an bình hôm nay. Năm 1975, một cặp vợ chồng bạn tôi ở Los Angeles Thái Tú Hạp-Ái Cầm cũng đã trải qua giây phút giữa Sống và Chết như tôi vào ngày 14 tháng 4 vừa qua khi tàu của họ bị đắm sau cơn bão. Gia đình Hạp đã thoát nạn, nay Hạp-Ái Cầm cùng một số bạn “có lòng”, biết rõ giá trị vĩnh cữu của tâm linh cùng góp công, góp sức xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân (XDTĐTN) tại Westminster Little Sàigon, CA trong khuôn viên chùa Bảo Quang để khắc tên các nạn nhân đã bỏ mình trong biển cả trên đường đi tìm TỰ DO. Hai bạn nhờ tôi làm liên lạc viên ở miền Đông Bắc để kêu gọi sự đóng góp của quý vị hảo tâm giúp cho công tác XDTĐTN được hoàn tất mỹ mãn.

LMH 

MÂM NGŨ QUẢ NGÀY TẾT

Băng Sơn

– Tết Nguyên Đán, hầu như nhà ai cũng có một mâm ngũ quả đặt trên mâm bồng. Đó là mâm trái cây, ít nhất là phải đủ 5 thứ quả theo thuyết Ngũ hành. Nếu nhiều hơn, không hạn chế, xếp theo hình tháp.

Mọi gia đình Việt Nam đều có bàn thờ. Đó là nơi trang trọng và thiêng liêng nhất để tưởng nhớ tổ tiên, ông bà nên thường được đặt tại gian giữa hoặc nơi cao nhất của căn nhà. Tâm điểm của bàn thờ là chiếc bát hương hoặc còn được gọi là bình hương. Ngày Tết, bàn thờ được lau chùi, sửa soạn cẩn thận. Tất cả đồ thờ từ bình hương, chân nến đài nước, lọ hoa đều được đánh bóng, đặt ngay ngắn, đúng chỗ. Nếu gia đình khá giả có hoành phi câu đối, lộ bộ thì càng phải sạch sẽ, tinh tươm, sửa sang cho ngay ngắn, không một chút bụi mờ.
.
Chúng ta đều biết cây chuối là cây quen thuộc với mọi gia đình nông thôn (có lẽ chỉ đứng sau cây tre). Chuối là cây dễ tính, mọc trên bất cứ thứ đất nào, chỗ đầu thừa đuôi thẹo ở góc vườn. Từ làng ra cắm đất mở trại, việc đầu tiên là đặt một vài gốc chuối, lúc đầu lá nó héo vàng nhưng sau ít ngày, sẽ vươn lên tươi tốt làm ấm lòng người. Và ít tháng sau, có buồng chuối, nhà túng có thể đem đi chợ thêm tiền mua sắm, nhà sung túc thì để trẻ ăn chơi khỏi mua quà. Vì thế mà thứ quả đầu tiên và cơ bản là nải chuối còn nguyên màu xanh, được đặt làm giá đỡ cho mọi quả khác.
.
Quả thứ hai cần có là quả bưởi cũng quen thuộc không kém gì mấy so với cây chuối. Nếu quả chuối còn nguyên màu xanh óng, màu của làng quê quen thuộc cho nhiều hi vọng, thì quả bưởi lại có màu vàng ươm như màu cánh đồng lúa chín. Cây bưởi ra hoa thơm nức mùa xuân, tháng tám quả bưởi chín, treo la liệt như những mặt trăng khắp cành bổng cành la, làm vui mắt người trồng cây. Ngày Tết nó nằm trong mâm ngủ quả chính là ước mong hoa trái đầy vườn.

.
Bên cạnh hai thứ quả cơ bản đó còn có trái cam, tượng trưng cho sự ngon ngọt của đất mẹ nuôi sống đàn con từ bao đời. Trái quýt nhỏ xinh, điểm xuyết vào từng khe quả chuối, tô điểm thêm màu sắc. Thêm vài trái ớt sừng trâu màu đỏ tươi, nó là nét duyên dáng chấm phá cho bức tranh nhỏ xíu này, cũng như ngọn lửa le lói trên nền trời xanh chen màu vàng thẫm vàng nhạt, cho vui mắt. Ngoài ra quả táo ta, quả khế năm múi, nếu cắt ngang ta được những ngôi sao cánh to cánh nhỏ như nó sắp cất cánh bay vào nền trời mùa xuân rực rỡ.
Ở thành phố có một loài quả quý là loài chỉ mọc trên miền biên giới, núi cao nhiều sương gió lạnh giá. Vài năm nay mới thấy bán nhiều ở Hà Nội. Đó là quả PHẬT THỦ. Gọi như thế để ví nó với bàn tay đức Phật, vì nó không tròn trịa như trái cam trái bưởi mà nó chìa ra nhiều ngón như nâng đỡ lấy bầu trời mùa xuân đang đến để dâng tặng con người niềm hạnh phúc được sống, được hưởng mùa xuân.
.
Quả PHẬT THỦ không phải là thứ quả để ăn mà là một vật dâng cúng, được đặt trên mâm bồng ngũ quả thờ ông bà tiên tổ, còn nơi chùa chiền đình miếu, nó cũng là để cúng thần, với hương thơm thoảng như gần như xa, gọi hồn người đến quê hương ẩn tàng trong sâu thẳm đời người. Mâm ngũ quả có quả PHẬT THỦ thì giá trị được tăng lên nhiều lần, quý giá hơn nhiều lần. Múi nó nhỏ xíu và chua, nhưng cái vỏ nó chứa đầy tinh dầu thơm nức, sau Tết gọt lấy ngâm rượu sẽ được một thứ rượu thơm ngon, quý giá.
.
Sở dĩ gọi là mâm ngũ quả vì con số 5 là con số thiêng liêng ứng với ngũ hành, quy luật đất trời tạo dựng mà chúng ta thừa hưởng di sản của tổ tiên, dân tộc để lại không biết từ bao đời.
Mâm ngũ quả là màu sắc, hình khối, hương thơm, là sản vật quanh năm người nông dân làm ra, dâng lên tổ tiên lời biết ơn về công sinh thành tạo dựng.
.
Theo khí xuân dương hoà ấm áp, ta dần di chuyển vào miền Nam đất nước, có nhiều thay đổi dù chỉ là chi tiết, chứ cơ bản tính dân tộc vẫn giống nhau vì cùng một mẹ. Trong đó, mâm ngũ quả cũng có đại đồng tiểu dị.
Sản vật vườn quê miền Bắc có khác với miền Nam. Đồng bào miền Nam thường bày mấy loại quả như niềm mong ước, hy vọng hạnh phúc cho con người.
Thường ta thấy có quả xoài (phát âm là sài), quả dừa mà miền Nam là đất của cây dừa (phát âm là vừa), quả đu đủ… có nghĩa là mong ước sang năm mới luôn luôn được sài vừa đủ. Còn thêm quả sung có ý mong luôn luôn được sung túc. Nhưng mâm ngũ quả có khác nhau quả này quả khác thì cũng đều mang ý nghĩa nhớ ơn tổ tiên, dân tộc, và đất mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng, bồi đắp cho muôn đời trường tồn bất diệt.
.
Ngày Tết Nguyên Đán có rất nhiều phong tục, thú vui, trò chơi nhưng với người Việt Nam thì đầu tiên là sum họp gia đình, họ tộc mà phù hợp nhất là trước bàn thờ tổ tiên. Nên bàn thờ bao giờ cũng là nơi linh thiêng nhất. Bát hương và mâm ngũ quả qua biến thiên bao thời gian vẫn được duy trì và ngày càng phát triển hơn bao giờ hết, càng chứng tỏ dân tộc ta luôn biết giữ gìn những điều quý báu của ngàn đời xưa để lại.
.
Băng Sơn
Source: thuvienhoasen

Ông Đồ


Uploaded by nova2002

Xếp mâm ngũ quả hình con công


Uploaded by VanBinh Hoang


Uploaded by khoainv

Cách tỉa dưa hấu nghệ thuật


Uploaded by phaletim8888

Chuyển đến trang:    2  3  4   5  6  7