BB-1f: QUYỂN 7 & 8 SÁCH QUÝ HT. Thích Thiện Hoa

Recent Pages: 1 , 2,  3,  4,

HT. Thích Thiện Hoa

To-Su-TTH.

QUYỂN BẢY
CHỮ “HÒA” CỦA ĐẠO PHẬT

Một gia đình luôn luôn hòa thuận vui vầy, một thôn xóm quanh năm an cư lạc nghiệp, một quốc gia đồng tâm nhất trí, một thế giới hòa bình thạnh trị, đó là hoài bảo tha thiết của con người từ khi biết đau khổ và ước mơ. Nhưng khổ thay! Hoài bảo ấy đã mấy lần được thực hiện? Chưa nói đến một phạm vi rộng lớn như quốc gia, thế giới, chỉ nói trong phạm vi nho nhỏ như gia đình chẳng hạn, sự hòa thuận, tin yêu, vui vẻ, sự kính trên nhường dưới, sự đồng tâm đồng chí, cũng là một điều khó khăn, ít khi được thực hiện.Và gia đình càng bất hòa, thôn xóm càng rối loạn, quốc gia càng chia năm xẻ bảy, thế giới càng bất an, giặc giã càng tung hoành, thì lòng người lại càng khao khát được an hòa.Chữ “Hòa” là một trong những chữ có sức hấp dẫn mạnh nhất. Trong mọi thời đại, và nhất là trong thời đại bây giờ, cái hòa thật là quý báu. Người xưa thường nói: “Dĩ hòa vi quý”. Trong mọi điều kiện thuận lợi cho sự thành công, cái “Hòa” được đặt lên trên tất cả. Chẳng thế mà đức Khổng Tử đã dạy: “Thiên thời bất như địa lợi, địa lợi bất như nhân hòa”. (thời thế thuận không bằng địa thế lợi, địa thế lợi không bằng nhân tâm hòa).

Ngày nay, từ cường quốc cho đến nhược tiểu, mọi nước đều lo chuẩn bị chiến tranh, nhưng mọi lòng người, trừ người chế tạo và buôn vũ khí, tất cả đều khao khát hòa bình. Hai chữ “Hòa bình” được nêu lên làm một khẩu hiệu đẹp đẽ nhất, mầu nhiệm nhất, để lôi kéo, kết hợp lòng người.

Nhưng hòa bình đâu đã lại. Sau hai trận thế chiến khủng khiếp, ai cũng nghĩ rằng loài người sẽ sợ hãi chiến tranh, ít ra trong khoảng một trăm năm. Nào ngờ, sau hai quả bom nguyên tử vừa nổ ở Hiroshima và Nagasaki để đánh dấu chấm hết cho những trang sử đẫm máu của trận thế chiến thứ hai, thì các cường quốc lại nỗ lực hơn bao giờ hết, để thi đua chế tạo vũ khí nguyên tử cho một trận thế chiến thứ ba! Và ngày nay, trên hoàn cầu có những nước mặc dù trận chiến thứ hai đã chấm dứt, nhưng con dân vẫn còn tiếp tục gục ngã trên chiến trường, và vẫn mòn mỏi đời chờ suốt hai mươi năm nay mà hòa bình chưa thấy trở lại. Như nước Pháp chẳng hạn, sau trận thế chiến thứ hai chấm dứt, thì đến chiến tranh Đông Dương, rồi lại đến chiến tranh Algérie! Thế giới ngày nay như đang sống trên hỏa diệm sơn, mà lửa vẫn cứ âm ỉ cháy, và hết hăm dọa phun lửa ở miệng núi này lại hăm dọa phun lửa ở miệng núi lửa khác, hết chiến trường Triều Tiên đến chiến trường Indonesia, hết chiến trường Indonesia đến chiến trường kinh đào Suez, hết chiến trường kinh đào Suez đến chiến trường Congo, hết chiến trường Congo đến chiến trường Lào quốc! Và mai đây sẽ đến chiến trường nào nữa?

Hòa bình! Hòa bình! Đến bao giờ ngươi mới thực hiện sự ngự trị trên thế giới? Vì sao ngươi chưa chịu trở về ngay bây giờ, ngay trong lúc mọi người đang tha thiết mong đợi? Ngươi còn đòi hỏi những điều kiện gì mới chịu trở về? Ngươi còn bắt nhân loại phải trả giá bằng bao nhiêu xương máu nữa mới chịu xuất hiện?

Vì sao chữ “Hòa” khó thực hiện như thế, mặc dù chỉ trong một phạm vi nhỏ hẹp như trong một gia đình, trong một tập đoàn nho nhỏ như một học đường, một thôn xóm, chứ chưa nói đến một phạm vi rộng lớn như quốc gia, nhân loại. Phải chăng vì người đời chưa đặt nó trên một căn bản vững chắc toàn diện, chưa tìm cho nó được những nguyên tắc sâu xa hợp lý?

Vậy chúng ta hãy tìm trong giáo lý Phật đà, quan niệm về chữ “Hòa” như thế nào? Nó được đặt trên những căn bản gì, nguyên lý gì, có những hình thức như thế nào, để rút ra một bài học quý báu cho thế giới ngày nay.

I.- CĂN BẢN CỦA CHỮ HÒA TRONG ĐẠO PHẬT

Chữ “Hòa” trong đạo Phật không phải là một danh từ suông, cũng không phải là một lời khuyên có tánh cách luân lý. Trái lại, nó có một nội dung rất dồi dào, dựa trên một căn bản triết lý rất vững chắc và sâu rộng.

1.- Dựa trên căn bản trí huệ:

Chữ “Trí huệ” chúng tôi muốn nói đây là trí huệ hiểu theo nghĩa đạo Phật, nghĩa là một sự sáng suốt hoàn toàn, viên mãn, sự sáng suốt mà các vị đã thực chứng được, chứ không phải trí huệ thông thường của thế nhân.

Với trí huệ viên mãn này, đức Phật đã khám phá ra rằng: vũ trụ, vạn vật là một tổng thể, bất khả phân. Không có giới hạn cố định, bất di bất dịch, giữa người này và người khác, giữa người và vật, giữa vật và cỏ cây, giữa cỏ cây và đất đá. Nếu có khác nhau chẳng, thì chỉ khác ở hình thức, ở trạng thái tĩnh hay động. Cái “Ta” riêng biệt chỉ là giả tạo của si mê, ích lỷ, ngạo mạn, tham lam. Cái Ta đã ngăn cách sự thông cảm giữa ta và người, giữa người và vạn vật. Cái ta đã đóng từng khung, từng hộc, chia cách, cắt bản thể, và gây thành mâu thuẫn, đối lập giữa người và người, người và vạn vật.

Nhìn qua trí huệ của Phật thì thời gian và không gian đều không thể cắt xén được. Quá khứ, hiện tại và tương lai thừa tiếp, giao hòa không dứt. Thế giới, vạn hữu do sự đối đãi mà hình như thật có riêng tư; Bắc là do đối với Nam mà có; Đông là do đối với Tây mà có; có sáng thì có tối, có sống thì có chết… Tất cả là do đối đãi, chứ không có một vật gì có thể tồn tại, riêng rẽ ngoài những cái khác.

Tóm lại, bản thể của vũ trụ là một tổng thể, một sự chung cùng, hòa hợp. Đối lập, xung đột là tự hại, tự sát. Đoàn kết, hòa bình là sống; chia rẽ, chiến tranh là chết.

Câu chuyện cái đuôi rắn làm reo, quấn vào gốc cây không chịu đi, để phản đối cái đầu, là mọt thí dụ cụ thể nói lên cái ý nghĩa rằng, sự bất hòa của mỗi một phần tử đều gây tai họa cho riêng mình và chung cho toàn thể.

Đấy, chữ “Hòa” phải hiểu được một cách rốt ráo sâu xa như thế, phải được đặt trên căn bản rộng lớn vững chắc của trí huệ Phật, chứ không thể hiểu một cách phiến diện, nông cạn mà có thể tồn tại lâu dài được.

2.- Dựa trên căn bản bình đẳng tuyệt đối của Phật tánh:

Muốn có Hòa thì trước tiên, phải có một tinh thần bình đẳng. Sự bất bình đẳng là nguyên nhân chính của sự xung đột, mâu thuẩn. Một xã hội phân chia làm nhiều giai cấp bất công, ưu đãi một thành phần này và bóc lột nhiều thành phần khác, thì không bao giờ có thể an hòa được.

Bởi vậy, muốn có hòa, phải có bình đẳng. Bình đẳng càng triệt để thì hòa lại càng sâu rộng, vững chắc. Xét trong mọi triết lý, đạo đức, tôn giáo, thì giáo lý đạo Phật là một giáo lý đề cao tinh thần bình đẳng hơn cả. Phật đã tuyên bố một câu, mà đến ngày nay vẫn còn là khuôn vàng thước ngọc, để nhân loại noi theo: “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và có thể thành Phật”. Trước sự phân chia bất bình đẳng của giai cấp ở Ấn Độ, ngài dạy: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ như nhau”.

Trước sự sống, mọi sinh vật đều bình đẳng và được tôn trọng như nhau. Không có giống vật nào được biệt đãi hơn giống nào. Trước tòa án nhân quả mọi sinh vật đều nhận lãnh đúng cái phần họa hay phước, mà mình đã tạo ra trong quá khứ. Không có một giống vật nào được ở mãi trong hình thức, trong từng bực riêng của mình, sau khi hưởng hết phước quả, hay trả xong ác quả mà mình đã gây ra. Các bực ở cõi Thiên có thể bị đọa làm người, người có thể bị đọa vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ, một khi phước duyên đã hết. Trái lại, các chúng sinh ở địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ có thể luân hồi thành người, và người có thể vãng sinh lên cõi Thiên, một khi phước duyên đã hội đủ.

Xem thế đủ biết rằng, toàn thể chúng sanh, không có một sinh vật nào được hưởng đặc ân riêng của một quyền lực, một đấng tối cao nào hết. Và trong xã hội loài người, cũng không có một sự biệt đãi, một ân sủng riêng cho một giai cấp hay một từng lớp người nào cả. Ai ở hiền thì gặp lành, ai ở ác thì gặp dữ; ai trồng phước thì gặt phước, ai gieo họa thì gặt họa. Đó là môt định luật bất di bất dich của bình đẳng.

Chữ hòa được đặt trên nền móng bình đẳng tuyệt đối ấy, cho nên không ai có thể viện ra một lý do đúng đắn nào cả, một ý nghĩa xác thực nào để gây sự bất hòa, sự xung đột, sự tranh chấp.

3.- Dựa trên căn bản Từ bi:

Tình thương có thể giải quyết cả mọi vấn đề, dù khó khăn bao nhiêu. Người ta thường có câu: “Khi thương trái ấu cũng tròn; khi ghét trái bồ hòn cũng méo”. Tình thương là động lực chính, thúc đẩy người ta hy sinh tất cả những gì quý báu nhất: tiền tài, danh vọng, sanh mạng. Trái lại, thiếu tình thương, thì không có một công cuộc gì có thể thực hiện được. Một gia đình thiếu tình thương là một gia đình buồn thảm, tối tăm; một đoàn thể thiếu tình thương, thì đoàn thể ấy sẽ tan rã, một xã hội thiếu tình thương thì xã hội ấy sẽ là một mảnh đất tốt cho những mầm bất hòa, xung đột, chiến tranh nảy nở.

Cho nên muốn có hòa, trước phải có tình thương. Tình thương càng rộng, càng sâu, thì hòa càng lâu dài, vững chắc.

Kể về tình thương, thì không có tình thương nào rộng rãi, mênh mông, mạnh mẽ bằng từ bi, trí huệ của Phật, càng sâu rộng, càng soi sáng đến đâu, thì lòng từ bi của Phật lan tràn đến đó. Khi đã giác ngộ được rằng mình là toàn thể, toàn thể là mình, thì thương mình tất phải thương đoàn thể, và thương đoàn thể là thương mình. Khi đã nhìn thấy một cách sâu xa, qua mọi hình thức sai biệt, rằng tất cả chúng sinh đều cùng chung một bản thể, thì không thể nuôi dưỡng một thứ tình yêu hẹp hòi, phiến diện riêng tư được.

Cho nên, đã có trí huệ, tất phải có từ bi, và đã có từ bi, thì hòa tất phải vững chắc rộng lớn.

Khi đã thương nhau, thì ai còn tranh chấp với ai làm gì. Trái lại, càng hy sinh cho người mình thương yêu chừng nào, càng gây tạo hạnh phúc cho người thân chừng nào, lại càng thấy sung sướng chừng ấy.

Như thế, chúng ta thấy hòa không thể thành lập riêng một mình, mà có thể đứng vững được. Nó phải dựa trên căn bản của một triết lý, một đạo giáo lấy trí huệ, bình đẳng, từ bi làm nồng cốt. Nếu không có nền móng làm vững chắc, thì cái hòa ấy chẳng khác gì một tòa lâu đài xây trên cát, và sẽ đổ vỡ ngay khi một trận bão lụt.

Cái hòa của đạo Phật, không phải là một thứ bắt buộc, dựa trên uy quyền, mãnh lực, hay là một lời khuyên suông. Cái hòa này là một thứ hòa thông minh, sáng suốt do sự giác ngộ quyền lợi của mình và toàn thể mà có. Nó là cái hòa phát sinh từ sự bình đẳng tuyệt đối mà có, là hậu quả của nột sự quân phân đồng đều về mọi phương diện vật chất và tinh thần. Cuối cùng nó cũng là một kết quả của tình thương rộng lớn, cao đẹp, vô biên giới.

Có người sẽ nói: “Cái hòa ấy đẹp lắm, quý lắm, nhưng nó chỉ là lý thuyết, chứ làm thế nào thực hiện được? Đức Phật có chế ra những quy tắc gì để thực hiện cái hòa ấy trong dời sống tập thể của giới tu sĩ đệ tử của ngài chăng?”

Xin thưa rằng:

– Có! Quy tắc để thực hiện cái hòa ấy, chính là pháp Lục Hòa mà các vị tu sĩ đang áp dụng trong đời sống tập thể.

II.- LỤC HÒA

Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm, từ trên xuống dưới, từ ngoài vào trong. Hòa ở đây không phải là thứ hòa thụ động, tiêu cực, lép vế, một chiều của kẻ yếu trước kẻ mạnh! Cũng không phải là cái hòa nhu nhược, lười biếng, ai nói quấy cũng ừ, nói sai cũng gật để cho qua chuyện.

Cái hòa ở đây cũng không phải là cái hòa chiến lược, hòa vì chưa thể chiến, hòa vì kém lực lượng, hòa để có thì giờ chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc tái chiến về sau.

Hòa ở đây là thứ hòa chân thành, vì lợi ích cho tất cả, vì mục đích cao đẹp, trong ấy không có bóng dáng tự và tha, không thấy biên giới giữa ta và người. Cái hòa ấy phải được thực hiện trong sáu điểm sau đây:

1.- Thân thể cùng nhau chung sống hòa hiệp trong một hoàn cảnh giống nhau (Thân hòa đồng trụ):

Các vị tu sĩ dúng theo với danh nghĩa chữ Tăng già (chúng) là phải chung sống với nhau từ bốn người trở lên; trong các tịnh xá xưa ở các nước Tiểu thừa, trong các đại tùng lâm ở Trung Hoa hay Nhật Bản, có khi từng ngàn, từng vạn người tu sĩ cùng ở với nhau. Họ không được phép ở riêng rẽ, tản mát mỗi người mỗi nơi; và cũng không được quyền ở dinh thự nguy nga, trong lúc những người bạn đồng tu của mình, lại ở chui rúc trong những căn nhà tối tăm chật hẹp. Họ không có quyền sống một đời sống riêng biệt, khác với toàn chúng, mà phải sống hòa mình trong đại chúng, hôm sớm có nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học, cùng hành. Khi đã sống bên nhau, thì phải hòa thuận với nhau, không được dùng sức mạnh để lấm hiếp, ấu đả nhau. Không ỷ thế hiếp cô, ỷ mạnh hiếp yếu, không chia bè phái, bè đảng; không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, trí ngu, màu da, chủng tộc.

2.- Lời nói hòa thuận, không tranh cãi nhau (Khẩu hòa vô tránh):

Lời nói thường dễ gây xích mích. Trong mười giới (thập thiện) của người Phật tử thì đã có hết bốn giới là về lời nói rồi. Nhất là khi nhiều người cùng ở với nhau, chung đụng với nhau hằng ngày, thì cần phải giữ lời ăn tiếng nói, không dối trá, không đâm thọc, không hai lưỡi, không lỗ mãng, không thô tục… Tránh được những tật xấu trên của lời nói, là tránh được rất nhiều chuyện xích mích.

Khi có những sự hiểu lầm, những điều thắc mắc, thì phải ôn tồn hỏi ra lẽ, và người giải đáp cũng phải nói một cách hòa nhã, lễ độ, chứ không bao giờ được to tiếng cãi vả nhau.

3.- Ý nghĩ cùng hòa hiệp, vui vẻ với nhau (Ý hòa đồng duyệt):

Lời nói dù cố gắng hòa hảo bao nhiêu, mà ý nghĩ bất chánh, tâm địa xấu xa thì cũng khó mà giữ cho hòa khí được lâu dài.

Lời nói hay ho, đẹp đẽ, mà ý nghĩ xấu xa thì cũng chẳng khác gì một lớp sơn tô ngoài một khúc gỗ mục, không chóng thì chầy, lớp sơn sẽ tróc ra và để lộ cái chất gỗ mục bên trong. Cho nên lời nói hòa chưa đủ, phải có ý hòa nữa mới được. Lời nói hay mà tâm địa dở, thì hóa ra giả dối, mà đã giả dối thì không thể ở gần nhau lâu dài được.

Muốn ý được hòa, thì không bao giờ nên nghĩ xấu cho những người chung quanh. Phải biết tha thứ, hoan hỷ xả bỏ những lỗi lầm của họ. Ta nên nghĩ rằng trong cõi đời này, không ai là hoàn toàn cả, ai cũng có những tật này hay tật khác. Không thể cầu toàn trách bị. Ta phải biết tha thứ những lỗi lầm cho kẻ khác, thì khẻ khác cũng sẽ tha thứ những lỗi lầm của ta. Có như thế, cuộc sống chung mới hòa hảo, vui vẻ, thanh tịnh được.

4.- Giới luật cùng hòa hiệp chung giữ với nhau (Giới hòa đồng duyệt):

Giới luật là những kỷ luật, những điều cần gìn giữ đối với mình và với người. Người tu hành phải giữ giới luật mà đức Phật đã chế ra, để làm mực thước cho sự tu hành của mình. Giới luật ấy, theo thứ tự căn cơ của tu sĩ, mà có nhiều hay ít, ở tại gia thì thọ ngũ giới, khi xuất gia là Sa Di thì giữ mười giới, lên Tỳ kheo thì giữ hai trăm năm mươi giới, nếu Tỳ kheo Ni thì giữ ba trăm bốn mươi tám giới. Tu theo hạnh Bồ tát thì giữ năm mươi tám giới. Khi các vị Tăng già cùng ở chung với nhau, thì người ở bực nào giữ đúng giới luật của bực ấy và phải chấp thuận kỷ luật chung, chứ không phải tự do theo ý riêng của mỗi người, muốn làm gì cũng được. Nếu sống trong tình trạng hỗn độn, vô kỷ luật như thế, thì chỉ ba người cũng không thể ở chung với nhau được, chứ chưa nói từng trăm, từng ngàn người.

Sự gìn giữ kỷ luật chung là một điều kiện tiên quyết để một đoàn thể tồn tại và tiến triển. Một tổ chức vô kỷ luật, thì dù có tài giỏi thông minh bao nhiêu, cũng không thể đứng vững được. Trong một tu viện, một Phật học đường hay một đại Tòng lâm, người ta thường nhận thấy được không khí thanh tịnh, hòa vui hơn một đoàn thể thế gian nào khác, là vì ở những nơi ấy, giới luật, trật tự đã được giữ gìn, tôn trọng một cách hòa hiệp, hoan hỷ.

5.- Kiến thức cùng hòa hiệp chỉ bảocho nhau (Kiến hòa đồng giải):

Sự chênh lệch về kiến thức cũng là mầm gây ra sự bất hòa. Trong một tổ chức, một đoàn thể cùng sinh hoạt với nhau, mà trình độ kiến thức cách biệt nhau quá, thì người ta khó hiểu, khó thông cảm nhau.

Vì thế, đã cùng chung sống với nhau, thì người biết nhiều, hiểu nhiều phải dắt dìu, chỉ bảo cho những người kém hiểu biết. Khi mình có một ý kiến gì mới lạ, cũng phải giải bày cho những người chung quanh biết; nếu ý kiến ấy hay, đúng thì người ta sẽ vui vẻ theo mình; nếu ý kiến ấy sai quấy thì người chung quanh sẽ vạch rõ cho mình thấy. Do sự trao đổi tư tưởng, ý kiến ấy, mọi người sẽ dễ dàng thông cảm nhau, ít khi xảy ra những sự hiểu lầm, thắc mắc đáng tiếc.

Nhất là trong kho tàng giáo lý đồ sộ, thâm sâu của Phật giáo, sự hiểu biết của một người, dù thông minh thâm thúy vao nhiêu, cũng không thể thấu hiểu một cách đầy đủ, quán xuyến rốt ráo được.. Vì thế, cần phải trao đổi ý kiến và những sự hiểu biết cho nhau. Nếu không thì mỗi người sẽ hiểu một cách, rồi sanh ra xung đột tư tưởng, rất tai hại cho sự sống chung. Nhưng khi trao đổi kiến thức, tư tưởng người Phật tử bao giờ cũng cố giữ cho không khí chung được vui vẻ, hòa thuận, không được chủ quan ích kỷ, tứai. Có như thế thì đời sống chung sẽ rất mau phát triển về phương diện kiến thức.

6.- Quyền lợi cùng hòa hiệp, chia đồng đều cho nhau (Lợi hòa đồng quân):

Quyền lợi chênh lệch cũng là một mầm chính sinh ra sự xung đột bất hòa. Cho nên đã sống cùng nhau trong một hoàn cảnh chung, thì điều cần nhất là quyền lợi vật chất phải được chia đồng đều, cùng nhau đồng thọ dụng, không được người có, kẻ không, người nhiều, kẻ ít, hay chiếm là của riêng.

Hễ khi nào có người đem cho vật thực, y phục, mền chiếu, thuốc thang, tài vật… thì phải đem quân phân cho tất cả, không vì tình riêng, kẻ ít, người nhiều, kẻ tốt người xấu. Nếu vật gì không thể chia được, thì để làm của chung ch mọi người cùng hưởng dụng. Đối với kẻ tu hành, vấn đề vật chất, tiền tài, vật thực, không phải là điều quan trọng. Tuy thế, nếu sử dụng tài lợi một cách bất công, thì sẽ gây ra nhiều sự thắc mắc không tốt đẹp và nhất là sẽ làm cho những người có tánh tham lam khó tu hành cho có kết quả. Vả lại, sự quân phân tài lợi đồng đều là một bằng chứng rằng: mọi người trong đoàn thể đều được bình đẳng, trọng nể, đối xử như nhau, chứ không có cách biệt người trọng, kẻ khinh, người quý, kẻ tiện.

III.- NẾU ÁP DỤNG ĐƯỢC PHÁP LỤC HÒA TRONG ĐỜI SỐNG TẬP THỂ CỦA CÁC GIỚI TRONG XÃ HỘI THÌ LỢI ÍCH SẼ VÔ CÙNG LỚN LAO

Pháp Lục Hòa nói trên, từ trước đến nay chỉ áp dụng trong giới Tăng già mà thôi. Cái lợi ích, kết quả quý báu của nó, chúng ta đã thấy rõ trong các tu viện Phật giáo, trong các Phật học đường, trong các chùa có đông tu sĩ.

Nhưng nếu Lục Hòa đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp cho giới tu sĩ Phật giáo, thì nó cũng sẽ đem lại nhiều lợi ích quý báu cho các đoàn thể khác trong xã hội, nếu chúng ta biết đem nó ra áp dụng. Theo thiển kiến, thì ở đâu có nột đoàn thể, một hội, một đời sống chung, quy tụ nhiều người thì ở đấy đều có thể đem Lục Hòa ra áp dụng được cả. Vấn đề chính là người ta có thành thật áp dụng, và triệt để tuân theo sáu điều hòa ấy không mà thôi.

Dưới đây, chúng tôi sẽ lần lượt đưa ra một số đoàn thể mà Lục Hòa có thể được áp dụng và đem lại nhiều kết quả quý báu.

1.- Gia đình:

Gia đình là một tập thể nhỏ nhất và gồm những người thân thuộc, cùng chung máu thịt, nên Lục Hòa dễ có kết quả nhất. Như chúng tôi đã nói ở đoạn đầu, ở đâu có tình thương thì ở đấy mọi vấn đề dù khó khăn bao nhiêu cũng sẽ được giải quyết một cách êm đẹp. Tuy thế, trong gia đình lắm khi cũng thường xảy ra những sự bất hòa, giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con cái, anh em và chị em v.v… Sở dĩ có những sự bất hòa như thế là vì:

– Hoặc nơi ăn chốn ở không được sắp đặt một cách tương đối đồng đều, người thì chiếm một chỗ quá tốt đẹp, kẻ thì phải chui rúc trong xó tối, người thì giường cao chiếu sạch, kẻ thì chiếu chăn rách nát; người thì chiếm hết miếng ngon, miếng lành, người thì ăn uống kham khổ, thiếu thốn. Con cái trong nhà, đứa được yêu thương thì quần áo lụa là, đứa bị ghét bỏ thì thiếu ăn thiếu mặcv.v…

– Hoặc lời ăn tiếng nói không được giữ gìn, suông sẻ với nhau. Kẻ trên lấn áp người dưới, người dưới thiếu lễ độ cộc cằn với người trên. Lời qua, tiếng lại, không ai chịu thua ai.

Hoặc tình ý xung đột, vì tham lam, giận dữ, kiêu mạn, nghi ngờ, ý kiến không cởi mở, chấp chặt thành kiến của mình, bao giờ cũng cho mình là phải và kẻ chung quanh là trái. Thiếu tinh thần tự phê, thiếu tinh thần phục thiện. Do đó, mặc dù ở với người thân, mà thiếu hẳn sự thông cảm.

– Hoặc không tuân theo kỷ luật, nề nếp trong gia đình, sống một đời sống bừa bãi, ăn chơi, lười biếng, ai muốn làm gì thì làm, hay người làm xẻ mũi không hết việc, kẻ thì thong thả hoang chơi v.v…

– Hoặc kiến thức quá chênh lệch. Chồng học hành thông thái, vợ đần độn u mê, hay trái lại; anh em có người thì học rộng biết nhiều, có người thì ù ù cạc cạc. Sở dĩ có tình trạng chênh lệch về kiến thức như thế là vì người biết nhiều nhưng ich kỷ, không chỉ bảo, vẽ vời cho người ở sau, tiến chậm. Và đó là mầm móng của sự xung đột khinh ghét nhau.

Nếu gia đình nào cũng áp dụng cho được pháp Lục Hòa của nhà phật thì hạnh phúc gia đình sẽ thực hiện được ngay.

2.- Học đường, Ký túc xá:

Học đường hay ký túc xá là nơi tập hợp nhiều nam nữ thanh thiếu niên nhất. Ở những nơi đó, người ta thường ca tụng là tinh thần bình đẳng được phổ biến một cách rộng rãi nhất. Con ông quan lớn và con người dân cày đều được đối đãi ngang nhau; con nhà đại phú và con người làm công đều có thể kề vai sát cánh trong mọi sinh họat hàng ngày. Tuy thế, ở những nơi ấy, sự xung đột, sự xích mích, cãi lẫy cũng thường xảy ra ngày một, vì những lý do sau đây:

– Hoặc vì sinh lực dồi dào, nên thích đấm đá, hoặc ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ thế hiếp cô, đôi khi lại kết đoàn, kết lũ, chia phe chia cánh để thanh toán nhau.

Nếu ở những nơi ấy, người ta triệt để tôn trọng điều thứ nhất của Lục Hòa là “thân hòa đồng trụ”, nhất thiết không bao giờ dùng vũ lực đối với nhau, thì sẽ tránh được không biết bao nhiêu cái u đầu, vỡ trán, gãy tay, gãy chân, rách áo, rách quần…

– Hoặc vì lời nói cộc cằn, dối trá, đâm thọc, hai lưỡi mà thường xảy ra lắm điều xích mích, bất hòa. Nếu điều thứ hai của Lục Hòa là “khẩu hòa vô tránh” được áp dụng triệt để ở các nơi này, thì không khí hòa vui được thực hiện một phần lớn.

– Hoặc vì ý, tình thiếu đẹp đẽ, người ta để cho tham giạn, kiêu căng, nghi ngờ được tự do phát triển, người ta không kềm hãm những ý nghĩ đen tối, xấu xa của mình, nên đã làm cho không khí chung bị ung độc, hòa khí bị tan vỡ. Nếu người ta triệt để tuân theo điều thứ ba của Lục Hòa là “ý hòa đồng duyệt”, thì quá nửa những sự xung đột sẽ bị dập tắt, vì nhiều khi những lời lẽ bất hòa, những cuộc đấm đá đã xảy ra, nguyên nhân chính cũng tại ý không hòa trước.

– Hoặc vì kỷ luật chung không được tôn trọng, người tuân theo người không, ai muốn làm gì cứ làm, trong giờ học người học, người chơi, kẻ vào kẻ ra, mạnh ai nấy nói v.v… Kỷ luật là một điều vô cùng quan trọng, nhất là ở học đường. Nếu ở nơi này mà vô kỷ luật, thì sự học hành sẽ không đi đến đâu cả. Cho nên điều thứ tư của Lục Hòa là “giới hòa đồng tu” nhất thiết phải được thi hành trước nhất ở học đường và ký túc xá.

– Hoặc vì trong một lớp học, kiến thức, sức học không đồng đều, kẻ giỏi quá, người kém quá, nên sinh ra xung đột, người giỏi khinh kẻ dốt, người kém ganh ghét kẻ giỏi; trong lớp sinh ra có sự chia rẽ, phe cánh: gọc giỏi chơi với nhau, kẻ kém về hùa với nhau. Để thanh toán vấn đề kiến thức chênh lệch nói trên, học đường cần phải áp dụng điều thứ năm của Lục Hòa là “kiến hòa đồng giải”. Không những nhà trường có nhiệm vụ chọn lựa sức học của học sinh đừng quá chênh lệch, mà những học sinh giỏi trong lớp cũng cần nâng đỡ những bạn kém, bằng cách giảng lại những bài học khó, hướng dẫn những bài gay go. Người ta thường bảo: “Học thầy không tày học bạn” là thế. Học sinh với nhau, hiểu biết trình độ, tâm lý, tánh tình, thắc mắc của nhau hơn, nên dễ thông cảm và dễ đả phá những chướng ngại trên đường học vấn hơn. Vì những lý do trên, nên ngày nay có nhiều nơi, người ta áp dụng lối học tập thể: người ta chia ra từng nhóm bốn năm người, trong ấy có kẻ giỏi kẻ kém học chung với nhau, và kết quả thu được rất là khả quan.

Hoặc vì tài lợi, vật thực không được phân chia đồng đều, ai có gì thì giữ lấy một mình mà hưởng thụ, chứ không chia sớt cho những người thiếu thốn hơn mình. Vẫn biết trong một học đường hay ký túc xá, nếu một người nào được hưởng thụ một vật thực hay tài lợi gì của gia quyến, thân thuộc đem đến cho, cũng khó mà phân chia đủ cho mọi người; nhưng trong một phạm vi tương đối, ai cấm chúng ta phân chia cho những người bạn ở gần chung quanh ta? Sự phân chia ấy là một cử chỉ tốt đẹp, chứng tỏ lòng rộng rãi, tính hoan hỷ, lòng quý trọng bạn bè của mình. Những tánh tình tốt đẹp ấy rất dễ gây thiện cảm với mọi người cùng chung sống với nhau.

Một học đường hay ký túc xá nào có thể áp dụng được điều thứ sáu của Lục Hòa là “lợi hòa đồng quân”, nghĩa là học sinh không được có của riêng; mỗi khi có ai đem một vật dụng hay vật thực gì, thì trướng sẽ giữ lấy làm của chung, hay nếu có thể phân phát được, thì phân phát đồng đều, nếu không phân chia đủ được thì dùng hình thức xổ số, hay hình thức khuyến khích tặng cho những người học giỏi hay tính tình kiểu mẫu, hay cứ tuần tự lần này phát cho một số học sinh này, lần sau phát cho một số khác.

Nếu tổ chức được tất cả những điều trên thì học đường và ký túc xá sẽ là những xã hội cỏn con đẹp đẽ nhất, hòa vui nhất trong xã hội loài người.

3.- Quân đội:

Quân đội là một tập đoàn có tổ chức quy củ nhất, nghiêm minh nhất. Xét về phương diện bình đẳng thì tương đối ở đây cũng đã thực hiện được nhiều. Về phương diện kỷ luật, thì chúng ta phải công nhận là không có một tổ chức, một đoàn thể nào có thể theo kịp. Về phương diện ăn ở, thì những người đồng đội đều chia xẻ một hoàn cảnh giống nhau: cùng ăn, cùng ở, cùng làm như nhau. Tuy thế, chúng ta có thể ước mong nhiều điều tốt đẹp hơn nữa ở trong tập đoàn ấy, nếu Lục Hòa được đem ra áp dụng.

Chẳng hạn, như chúng ta có thể nêu lên điều thứ hai của Lục hòa là “khẩu hòa vô tránh”, nghĩa là anh em đồng đội luôn luôn phải dùng lời nói êm ái, hòa nhã đối với nhau trong mọi trường hợp, không bao giờ được phép to tiếng, lỗ mãng, cộc cằn làm mất hòa khí giữa anh em đồng đội. Người dưới đối với người trên, người nhỏ đối với người lớn, cần phải nói năng lễ phhép đã đành, mà người trên đối với người dưới, người lớn đối với người nhỏ cũng phải ôn hòa nhã nhặn, thân mật như anh đối với em. Được như thế, thì công việc dù khó khăn bao nhiêu, người ta cũng vui lòng cố gắng làm cho tròn phận sự.

Về phương diện tình ý, chúng ta có thể nêu lên khẩu hiệu: “ý hòa đồng duyệt”. Mỗi khi anh em đồng đội có điều gì thắc mắc, thì phải cảm thông ngay, đừng để lâu trong lòng lâu ngày mà thành ung độc, rồi đi đến chỗ ganh ghét, thù hiềm nhau, cuối cùng sanh ra xung đột trầm trọng. Cấp chỉ huy cũng vậy, nên sáng suốt, cổ mở để cho các cấp dưới trình bày ý kiến, cảm nghĩ của họ, rồi giải thích một cách chu đáo đầy đủ để không ai còn thắc mắc, phàn nàn gì nữa. Nếu cấp trên chỉ áp dụng triệt để kỷ luật một cách máy móc, ra lệnh mà không cần giải thích, thì người dưới sẽ tuân hành một cách miễm cưỡng, chứ không thật tâm.

Về phương diện tài lợi, cũng cần triệt để áp dụng cho được khẩu hiệu “lợi hòa đồng quân”. Các cấp chỉ huy và cấp dưới, không nên có một đời sống quá chênh lệch: người trên thì ăn ở quá sang trọng, còn người lính thì ăn ở quá kham khổ, lương bổng quá ít ỏi. Tất nhiên không thể san bằng quyền lợi được, nhưng chỉ nên làm thế nào chợ chênh lệch đừng quá cách biệt, lộ liễu quá, để người dưới có thể thấy được rõ ràng sự bất công, sanh ra buồn phiền mà thiếu hăng hái trong nhiệm vụ.

Tóm lại, nếu một quân đội nào áp dụng được Lục Hòa, thì quân đội ấy sẽ là một sức mạnh vô song, vì mọi phần tử đều đồng tâm nhất trí, đoàn kết chặt chẻ, muôn người như một.

4.- Xí nghiệp:

Ngày nay ở các nước tân tiến trên thế giới như Anh, Mỹ, Đức, quyền lợi của công nhân mỗi ngày mỗi được tôn trọng, bảo đảm; dịa vị của người thợ được nâng cao. Chẳng hạn, họ được giới chủ nhân xây cất nhà cho ở, lương bổng cao, đời sống vợ con được sung túc, và được hưởng nhiều bảo đảm xã hội. Có nhiều xí nghiệp đi xa hơn, để cho công nhân được chia lời cuối năm, có phần hùn ở trong công ty và cử đạidiện sung vào Ban Giám Đốc để điều khiển xí nghiệp. Đời sống vật chất và tinh thần của công nhân như thế, là đã được nâng cao nhiều lắm so với các nước hậu tiến. Nhưng chúng ta có thể ước âo hơn nữa, nếu Lục Hòa được áp dụng ở những nơi ấy.

Chẳng hạn, nhà cửa của công nhân có thể cao ráo, rộng rãi hơn nữa, gia đình công chung sống với nhau trong hòa khí, chủ nhân không khinh rẻ công nhân, công nhân không thù ghét chủ nhân; hai bên đều tuân theo kỷ luật đã ấn định, giới chủ nhân không bóc lột công nhân, công nhân không yêu sách quá đáng; không có những sự sa thải vô lý, hay đình công ngang ngược. Công nhân được có thì giờ học tập và trau dồi kiến thức, để sự chênh lệch và hiểu biết giữa chủ và người làm công đừng quá xa vời.

5.- Hãng buôn:

Một truyền thống rất tốt đẹp ở các nhà buôn Trung Hoa, mà nhà buôn Việt Nam ta cần bắt chước là tinh thần bình đẳng và nếp sống hòa đồng giữa chủ và người làm công. Chúng ta thường thấy trong các nhà hàng Trung Hoa, chủ và người làm công đều sống một đời sống chung cùng gần giống nhau: cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng hưởng những lợi tức kiếm được. Khi ăn, thì chủ nhân và người làm công từ lớn đến nhỏ đều ngồi quanh một bàn; có khi vì bận việc, chủ ăn sau người làm công, và các món ăn đều giống nhau, ai ăn được bao nhiêu thì cứ lấy. Khi làm, thì mọi người cùng làm không quản khó nhọc, có khi chủ lại còn đánh trần ra làm việc nặng nhọc hơn người làm công nữa.

Chủ và người làm công rất tin cậy nhau, nói năng thì rất cởi mở, không kiểu cách, không dối trá, không lỗ mãng.

Về quyền lợi thì người làm công ngoài số lương tháng, cuối năm còn chia một phần lợi tức của nhà hàng.

Nhờ cách đối xử bình đẳng, nếp sống đoàn kết như thế, nên công việc làm ăn của hãng mỗi ngày mỗi phát đạt, và có thể cạnh tranh một cách thắng lợi với bất cứ nhà buôn Việt Nam nào.

Nhưng nếu họ áp dụng được pháp Lục Hòa sâu rộng hơn thì kết quả càng khả quan hơn nữa. Chẳng hạn như lợi tức, cuối năm được chia đừng quá chênh lệch. Lời lẽ nhã nhặn, vui vẻ hơn nữa, kiến thức của người làm công được nâng cao lên nữa, chủ nhân cần khuyến khích và dành thì giờ cho công nhân học tập để đời sống tinh thần của họ được sáng sủa hơn.

Tóm lại, trên đây là một thí dụ, nêu lên để thấy rõ giá trị của pháp Lục Hòa, khi được áp dụng trong một đời sống tập thể. Chúng ta còn có thể áp dụng Lục Hòa trong những đoàn thể khác nữa, như ở các nông trại, ở trong giới văn nghệ sĩ, ở trong các cô nhi, dưỡng lão viện, trong các trại giáo huấn, hướng nghiệp v.v…

Lục Hòa càng được áp dụng trong nhiều đoàn thể, nhiều ngành hoạt động của xã hội bao nhiêu, thì sự xung đột, sự hiềm khích lại càng bớt đi chừng ấy, đời sống lại càng được yên vui đẹp đẽ thêm chừng ấy.

Một xã hội lấy Lục Hòa làm mực thước cho đời sống, thì xã hội ấy sẽ là xã hội hoàng kim, một xã hội đại đồng, một xã hội lý tưởng mà nhân loại đang hoài bão, ước mong.
Đấy, ý nghĩa và công năng của chữ Lục Hòa trong đại Phật.

QUYỂN TÁM
NĂM YẾU TỐ HÒA BÌNH CỦA PHẬT GIÁO

LỜI MỞ ĐẦU

Mỗi buổi sáng sớm thức dậy, ban mở vội tờ báo hàng ngày mà thằng bé bán báo đã chùi qua khe cửa trong lúc bạn còn đang ngủ. Bạn hy vọng sẽ tìm thấy những tin vui, mới lạ, phấn khởi… Nhưng bạn đã đọc thấy gì? ….

Thật là buồn! Đâu đâu cũng thấy những tin đe dọa bất an, chiến tranh, chết chóc! Từ trong nước đến ngoài nước; đâu đâu cũng chỉ nghe những tin dữ, cũng chỉ thấy những cảnh âm u đen tối, thảm sầu; cũng chỉ ngửi thấy một mùi sát khí. Trời đất sáng tối nối tiếp xoay vần, không thay đổi. Lòng người từ mấy vạn đời, vẫn chất chứa những nỗi lo sợ, buồn giận, ghét ghen!

Sao cuộc đời chưa sáng rực lên nhĩ? Sao lòng người chưa trút hết những ưu tư, và hân hoan ca hát nhỉ? Ai cũng mong mỏi thiết tha được sống yên ổn mà không ai được yên ổn cả! Nước nào cũng mong được hòa bình, mà nước nào cũng đang chuẩn bị chiến tranh và bị tố cáo là có ý gây hấn!

Hơn bao giờ hết, ngày nay cái họa diệt vong vì bom nguyên tử đang đe dọa loài người một cách thường trực. Thế giới như đang sống trên một hầm thuốc súng mà một tàn lửa nho nhỏ cũng có thể làm tung nổ bất cứ lúc nào. Chúng ta hoặc đang ở trong những tòa nhà nguy nga đồ sộ, hay đang ở trong những mái nhà tranh vách lá, đang lăn lộn giữa đô thị huy hoàng, hay đang tắm mình mình trong bầu không khí trong trẻo ở đồng quê; chúng ta hoặc ở trong hoàn cảnh này hoặc ở trong hoàn cảnh khác, tất cả mọi người trên thế giới, đều bị ràng buộc trong một số phận đen tối như nhau, là: nếu có một trận thế chiến thứ ba xảy ra, thì bất luận giàu nghèo, sang hèn, trí ngu, Đông Tây, Nam Bắc, Nga hay Mỹ đều tan thành tro bụi trong chốc lát vì những trái bom nguyên tử! Không nghĩ đến viễn tượng hãi hùng của thế giới thì thôi, chứ nghĩ tới thì không thể nào lạc quan được! Ánh điện mỗi ngày mỗi đẩy lui bóng đêm trên thế giới, nhưng bóng tối trong lòng người mỗi ngày một dày thêm lên! Những ánh đèn màu tắt đỏ, đỏ tắt trên các bảng hiệu, những điệu nhạc quay cuồng phát ra từ những ống phóng thanh, từ những máy thâu thanh; những điệu nhảy múa điên dại, quay cuồng trong các vũ trường, hộp đêm, phải chăng là những liều thuốc hiệu nghiệm để thanh niên ngày nay tìm quên thực tại, mỗi khi đêm đến trên trần gian và trong lòng họ?

Chúng ta phải công nhận, về vật chất, chúng ta được nhiều tiện nghi hơn người xưa nhiều. Nhưng về tinh thần, chúng ta vẫn bị dày vò, đày đọa vì bao nỗi đau khổ mà ông cha chúng ta trước kia đã là nạn nhân.

I.- NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU KHỔ VÀ RỐI LOẠN

Những nguyên nhân của đau khổ và rốiloạn không ở đâu khác hơn là ở giữa lòng người:

1.- Lòng độc ác của chúng ta chất chứa từ muôn vạn đời, hình như không giảm bớt mà trái lại, càng tinh vi, tế nhị hơn:

Những sự đâm chém , giết chóc mỗi ngày mỗi nhiều. Chúng ta có đủ mọi khí cụ để giết nhau, từ những khí cụ thô sơ như dao, búa, tên, nỏ, đến những thứ giết người mau chóng tài tình nhất như súng đạn, hơi ngạt, điện tử, vi trùng, bom A, bom H, ánh sáng…

Đối với thú vật, sự giết hại của loài người mỗi ngày mỗi tăng lên! Cứ mỗi phút, trên thế giới có từng triệu sinh vật bị cắt cổ, nhổ lông, phân thây, xẻ thịt… Nếu có thể dồn xương, chất thịt lại được một chỗ, thì mỗi ngày chúng ta sẽ có mọt trái núi bằng xương, bằng thịt cao hơn núi Điện Bà ở Tây Ninh; và nếu có thể dồn tất cả máu huyết của những sinh vật bị giết mỗi ngày trên thế giới, thì chúng ta sẽ có một dòng sông máu rộng bằng sông Hương, sông Đồng Nai. Nêu có thể nhìn được với Phật nhãn, chắc chắn chúng ta sẽ thấy thế giới chúng ta đang sống đây là một lò sát sanh lớn, trong ấy người ta đang làm đủ các thứ thịt, kể cả thịt người nữa. Nhất là trong những giai đoạn có chiến tranh, thì thịt người lại nhiều hơn thịt gì cả, và rất ế ẩm, vì không ai thèm mua đến.

Loài người chưa có thể gọi là văn minh được, vì loài người chưa biết quý trọng sự sống là tác phẩm mỹ thuật đẹp đẽ, mầu nhiệm, tuyệt tác nhất trong các tác phẩm mỹ thuật trên trần gian này. Lòng người còn độc ác, nên không thương mến sự sống, còn thích giết chóc, và nhiều khi còn lấy làm thích thú được sát hại, được dịp làm đau đớn sự sống.

Chúng ta thường nghe kể chuyện trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp vừa qua, có những “hung thần”, mỗi ngày không bắn giết được mọt vài người thì ăn không ngon. Chúng ta không khỏi rùng mình ghê tởm khi nghe những chuyện ấy. Nhưng nếu thú vật biết nói, chúng cũng thì thầm với nhau: “Loài người, trong mỗi bữa ăn, nếu không chém giết ít ra là năm bảy mạng anh em chúng mình thì họ ăn cũng không thấy ngon”. Hầu hết chúng ta đối với thú vật là những “hung thần” cả vậy!

Loài người đang còn đau khổ, xã hội đang còn bộ mặt xấu xa, cảnh đời đang còn đen tối, vì chúng ta đang còn là những “hung thần” của sinh vật, và đôi khi còn là “hung thần” của chính đồng loại chúng ta nữa.

2.- Nguyên nhân thứ hai của đau khổ là sự tham lam:

Chúng ta tham lam nhiều thứ: tham ăn, tham ngủ, tham danh, tham lợi, tham sắc… Tham ăn, tham ngủ tất nhiên sanh ra nhiều tệ hại; nhưng những tệ hại ấy chỉ hạn cuộc trong phạm vi của cá nhân ấy thôi. Tham danh hại nhiều hơn, nhưng cũng chưa nguy hại bằng tham lợi và tham sắc.

Hai món tham sau này có một sức mạnh phá hoại gia đình và xã hội không nhỏ.

Chúng ta hãy nói trước đến sự tham lợi. Có phải không, từ xưa đến nay loài người đều sống trong sự tranh chấp quyền lợi? Từ trong phạm vi nhỏ hẹp như gia đình, xó, giềng, làng mạc, cho đến phạm vi rộng rãi như quốc gia, xã hội, quốc tế, mọi người, mọi dân tộc đều chạy theo cái lợi. Vì tranh nhau mọt trái cà, trái ổi mà hai người láng giềng phải dùng đến quả thoi, cái đá. Vì tranh nhau mọt miếng vườn, sào ruộng mà hai gia đình thù nhau, tìm cách hại nhau từ đời cha, đời con cho đến đời cháu! Vì tranh nhau một con sông, mọt trái núi, một cửa biển, một mỏ dầu mà dân lành hai nước đem nhau ra chiến trường, quyết một mất một còn? Và cũng vì tranh nhau chiếm thuộc địa mà hai trận thế chiến rùng rợn đã xảy ra và đã làm mồi cho tử thần gần trăm triệu sanh linh!

Nhất là trong giai đoạn hiện tại, quyền lợi ám ảnh con người một cách khủng khiếp, khiến cho bất luận nghĩ một điều gì, nói một chuyện gì, hay làm một việc gì, người ta cũng tự hỏi trước tiên: “Có lợi hay không?”. Người ta đo cái giá trị, cái khả năng của ọt con người với cái số lợi tức mà người ấy kiếm được, với các ô tô, cái nhà lầu, cái gia tài mà người ấy đã tạo ra.

Nhưng người ta đã tạo ra tài lợi bằng những phương tiện nào? Đó cũng là một vấn đề cần xét đến.

Có người đã tạo ra gia tài sự nghiệp với mồ hôi, nước mắt, với tài trí của mình. Với những hạng người làm ăn lương thiện này, chúng ta thấy không có gì đáng trách, trái lại, còn quý mến nữa là khác. Nhưng bên cạnh những hạng người này, chung quanh những người này, còn có bao nhiêu là người khác, vì quyền lợi làm mờ mắt, đã không từ khước một mưu mô gì, phương tiện gì, một thủ đoạn gì để thu hút tài lợi về mình.

Trong phạm vi cá nhân đối với nhau, họ dùng mưu mô để lường gạt nhau, dùng sức mạnh để khuynh loát nhau; họ bóp chẹt nhau trong cơn túng thiếu, cho vay nặng lãi, cầm bán với giá rẻ mạt; họ tích trữ đầu cơ, làm chợ đen, cân non đong thiếu, đổi xấu lấy tốt; họ bày cờ gian bạc lận, gài bẫy những kẻ dại khờ. Và nếu không còn mưu chước gì khác, họ dám trèo tường, khoét vách, mở rương cạy tủ, hay trắng trợn hơn nữa đón đường chận ngõ bày trò cướp giật…

Trong phạm vi quốc tế, nước mạnh tìm cách khuynh loát nước yếu; hôm nay họ xua quân xâm phạm biên giới, ngày mai đem máy bay xâm phạm không phận; ngày kia chận bắt một ít tàu bè đánh cá hay thuyền buôn, hết đổ thừa cho nước láng giềng nhỏ bé này những lỗi tày trời, đến vu cáo nước nhược tiểu kia có những mưu mô vô cùng đen tối, với mục đích cuối cùng là làm sao cho các nước khác phải nhượng cho mình một số quyền lợi, nếu không phải là tất cả mọi quyền lợi!

3.- Lòng tham lợi đã gây ra bao sự xáo trộn, đảo điên cho cá nhân và đoàn thể như thế đó. Nhưng lòng “tham sắc” cũng không kém thua nguy hiểm:

Sắc đẹp có một tác dụng lớn lao trong sự sinh hoạt của loài người. Bạn hãy đi một vòng trên đường phố Tự Do ở thủ đô chẳng hạn, thì bạn sẽ rõ. Có phải không, quá nửa hàng hóa trưng bày trong các tủ kính hay bên đường là để cung phụng cho ngừi đàn bà, cho phái đẹp. Này dép, này “xắc”, này gấm, này nhung, này khăn quàng, lược dắt, này nước hoa, này phấn, này son, này vòng, này xuyến, này dây chuyền, này hoa tai, này ngọc ngà, này kim cương hột xoàn… Hơn một nửa năng lực và hoạt động của loài người, đã được đem ra để phụng sự cho cái đẹp! Và một điều vô cùng mâu thuẫn là những vật không cần thiết, những xa xí phẩm nhất lại là những thứ đắt tiền nhất. Loài người, cả phái mạnh lẫn phái yếu, đều đã phụng sự sắc đẹp một cách tận tâm, tận lực, hơn một thứ gì khác ở trên đời.

Nhưng ngược lại, sắc đẹp đã tàn phá cuộc đời nhiều hơn một độc dược nào hết, nhiều hơn một sức mạnh tàn phá nào hết.

Người xưa thường có câu thành ngữ: “Sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành”. Mới nghe thì tưởng như nói ngoa. Nhưng đó là một sự thật mà lịch sử đã chứng minh. Bao nhiêu triều đại ngai vàng đã sụp đổ vì một mỹ nhân; bao nhiêu thành trì, đất nước đã tiêu vong vì một tiếng khóc, một giọng cười, hay cái liếc mắt của người ngọc! May thay trong cái thời đại dân chủ này, một người đẹp dù là quốc sắc thiên hương đến bậc nào, cũng không còn có thể tác oai tác quái như xưa được nữa. Tuy thế, ảnh hưởng tai hại của họ trong quốc sách, trong chính trường vẫn không nhỏ.

Có người sẽ cãi rằng: “Sắc đẹp đâu phải là một tội lỗi? Tội lỗi là tại lòng say hoa đắm sắc kia chứ!”. Vâng, chúng tôi cũng định kết luận như thế. Sắc đẹp chỉ là nguyên nhân phụ thuộc. Nguyên nhân chính là của sự đổ vỡ, từ nhỏ đến lớn, từ cá nhân đến gia đình, xã hội đều tại lòng tham sắc dục mà ra. Vì sắc dục mà hai người yêu trở lại đâm chém nhau; vì sắc dục mà người mẹ đành đoạn thả trôi con theo dòng nước hay vất vào bụi rậm cho kiến tha gà mổ; vì sắc dục mà chồng vợ xa nhau, cha con ly tán, hạnh phúc gia đình tan vỡ; vì sắc dục mà sanh ra lường gạt, thụt két, mang công mắc nợ; vì sắc dục mà sức khỏe hao mòn chết non, chết yểu; vì sắc dục mà mang bệnh suốt đời và di hại cho con cháu về sau (năm chục phần trăm những bệnh điên trên thế giới là gốc ở bệnh tình mà ra).

4.- Một biến chứng khác của lòng tham lam là sự dối trá:

Sự tham lam đẻ ra không biết bao nhiêu là tánh xấu và để che dấu sự xấu xa ấy, người ta phải lừa phỉnh dối gạt với nhau.

Vì tham ăn mà đứa bé đã ăn chùng, ăn vụng, và để che dấu lỗi lầm của mình đã nói dối cha mẹ, tìm lý do này lý do khác, để biện minh cho sự mất mát vật thực. Vì tham ngủ, người học sinh không thuộc bài, đã tìm cớ này cớ khác để dối thầy giáo. Vì tham danh, người ta đã giả tạo những bằng cấp này, bằng cấp kia, đã tự phong cho mình những chức tước này nọ, không có trong thực tế. Vì tham lợi, nhà buôn đã lừa dối bạn hàng, phỉnh gạt người mua. Vì tham sắc, người chồng đã lừa dối vợ, gạt gẫm người yêu.

Chúng ta thấy đó, vì tham mà nảy sanh sự dối trá. Nhưng ngược lại, vì dối trá mà lòng tham được che đậy, nên lại phát triển mạnh thêm. Dối trá là cái màn phủ lên, che đậy tội lỗi, là cái bình phong hào nhoáng ngăn dấu những hành động đen tối nguy hiểm cho đời sống chung..

Dối trá làm mất lòng tin, mà đã mất lòng tin thì không có một công cuộc gì có thể thành tựu được trong xã hội. Đức Khổng Tử dạy rất đúng: “Nhân vô bất tín lập”.

Một sự nhận xét làm cho chúng ta không khỏi buồn rầu, lo ngại là trong sự giao thiệp hàng ngày giữa cá nhân với cá nhân, hay nước này với nước khác, lòng chân thành, ngay thật mỗi ngày một hiếm dần. Người ta nói một đàng mà làm một ngả; nói có mà làm không, nói không mà làm có. Không ai tin được ai. Người ta sống nơm nớp trong sự lo sợ bị lừa dối, phỉnh gạt. Do đó, người ta luôn luôn giữ thế thủ, giữ miếng ngay cả đối với những người thân, và nhiều khi, để khỏi bị lừa dối, người ta dở trò lừa dối trước. Với một tâm trạng như thế, không có một tình cảm đẹp đẽ nào, không có một mối thâm giao nào là không bị sự ngờ vực ung độc và giết chết. Tóm một lời, quốc gia, xã hội cũng như gia đình, không thể yên ổn hòa vui được, khi dối trá, lường gạt đang hoành hành.

5.- Một nguyên nhân khác của đau khổ và xấu xa, không kém phần quan trọng, có lẽ còn quan trọng hơn cả những nguyên nhân đã kể trên, là sự “si mê, ngu dốt”:

Chính đức Phật, hiện than của trí huệ sáng suốt đã dạy: “Bất úy tham sân khởi, duy khủng tự giác trì”. (không sợ tham và sân khởi, chỉ sợ giác ngộ chậm).

Thật thế, tánh xấu xa, ác độc nào cũng có thể sửa chữa, tiêu trừ được cả, với một điều kiện tiên quyết là có sự sáng suốt hiểu biết hay dở, phải trái, chánh tà. Người không có trí huệ thì khó lòng thoát khỏi cảnh đen tối khổ đau. Người không có trí huệ như kẻ mù đi trong rừng rậm, không thể nào thoát khỏi tai nạn sa hố, sụp hầm và làm mồi cho thú dữ. Trong kinh, Phật thường ví dụ người ngu si như kẻ liếm mật trên lưỡi dao, không thể nào tránh khỏi cái nạn bị đứt lưỡi. Thật là một ví dụ rất cụ thể và linh động, nói lên được sự nguy hiểm của ngu si.

Người ta tàn ác, tham lam, giết người, cướp của, đắm mê sắc dục, lừa đảo, dối gạt cũng vì ngu si, không nhận rõ được hậu quả tai hại của những hành động tội lỗi của mình. Cho nên đức Phật thường dạy: “Ngu si là gốc của muôn tội lỗi”.

Một gia đình gồm những người ngu si, thì gia đình ấy là một khám đường, một xã hội gồm những phần tử ngu si, thì xã hội ấy là một địa ngục…

Chúng ta có thể tìm thêm nhiều nguyên nhân gây đau khổ cho cá nhân, và loạn lạc cho xã hội nữa, nhưng xét ra, những nguyên nhân chính không ngoài những điều vừa nói ở các đoạn trên là: tánh độc ác, lòng tham lam tài sắc, sự dối trá và ngu si.

Diệt trừ được những nguyên nhân trên, chắc chắn cuộc đời sẽ bớt khổ đau và bớt loạn lạc nhiều lắm. Nhưng chúng ta phải công nhận rằng: diệt trừ tận gốc các nguyên nhân trên không phải là dễ, vì chúng đã ăn sâu gốc rễ trong lòng người từ muôn vạn đời rồi. Vả lại, xã hội loài người rất phức tạp, trình độ không đồng đều, hoàn cảnh của mỗi người cũng không giống nhau, khó có thể làm cho con người trở thành thân thiện, trong một thời gian ngắn được.

Nhưng nói như thế, không có nghĩa là chúng ta đành khoanh tay chịu bất lực trước sự hoành hành của những tánh xấu xa, đen tối đâu. Nếu chưa có thể diệt trừ tận gốc chúng nó, thì ít ra chúng ta cũng phải có phương pháp gì chận đứng chúng nó lại, không cho bành trướng ra nữa, để chúng khỏi làm hại cho cá nhân và đoàn thể chứ!

Đứng trước vấn đề trọng đại trên, đạo Phật đã giải quyết như thế nào?

II.- NHỮNG PHƯƠNG THUỐC ĐỐI TRỊ CỦA ĐẠO PHẬT

Đức Phật có nhiều phương thức để đối trị những chứng bệnh nói trên. Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, trình độ của chúng sinh rất phức tạp, chứng bệnh nặng nhẹ cũng khác nhau, nên Phật đã chế ra đến tám vạn bốn ngàn pháp môn để đối trị. Tuy pháp môn thì nhiều như thế, nhưng chung quy có thể chia làm hai loại lớn: loại chữa bệnh tận gốc và loại ngăn ngừa không cho phát ra.

Có những chứng bệnh kinh niên trầm trọng không thể trong một lúc mà chữa tuyệt nọc được. Nếu nóng nảy muốn cho mau lành mà dùng thuốc quá mạnh, thì sẽ nguy đến tánh mạng con bệnh. Cho nên, trước khi chữa tuyệt nọc, người lương y giỏi phải dùng thứ thuốc tương đối nhẹ để ngăn chận bệnh, không cho nó tiến thêm nữa.

Sự ngăn chận những tâm bệnh nói trên, đức Phật gọi là giới, hay những điều ngăn cấm.

1.- Để đối trị lòng ác độc, đức Phật ngăn cấm đệ tử không được giết hại:

Sự ngăn cấm này có tính cách tuyệt đối hay tương đối, tùy theo căn cơ và sự phát nguyện của người đệ tử. Đối với những căn cơ ít độc ác, muốn giữ hoàn toàn giới sát, thì họ phát nguyện không giết một sanh vật nào, dù nhỏ bao nhiêu. Họ không giết thú vật để ăn thịt, họ cũng không giết thú vật vì thù ghét, hay vì thú vui. Nghĩa là họ biết tôn trọng sự sống của sinh vật khác cũng như tôn trọng sự sống của mình. Họ áp dụng tinh thần bình đẳng tuyệt đối của chư Phật, xem mọi sự sống như nhau, không lấy sự sống này phụng sự cho sự sống khác. Họ thi hành đúng theo lòng từ bi tuyệt đối của chư Phật, xem mọi đau khổ của chúng sanh như sự đau khổ của mình, thương xót chúng sanh như thương xót mình, không làm cho chúng sanh đau khổ để mình khỏi khổ đau

Nhưng đối với những căn cơ chưa có thể hàng phục được lòng độc ác, thì giới cấm sát chỉ áp dụng trong phạm vi tương đối, nghĩa là chỉ phát nguyện không giết hại người.

Tuy thế, người Phật tử không thể viện lý do vì mình chỉ phát nguyện không giết người, mà có thể mặc tình chém giết thú vật. Giới cấm này mục đích là ngăn chận sự phát sinh của lòng độc ác. Nếu mình đã phát nguyện giữ giới này mà cón lấy làm thú vị trong sự giết hại thú vật, như đi săn bắn, đi câu v.v… thì lòng độc ác khó bị ngăn chận được. Vả lại lòng độc ác đưa đến sự giết người không phải nảy sinh trong chốc lát, mà do sự huân tập lâu ngày, mỗi khi một ít. Khi nghe tường thuật trên báo chí một cậu học sinh đã chém chết chị dâu vì một câu nói nặng, hay một anh cạo heo đã dùng dao bàn thọc vào bụng khách hàng sau một hồi cãi lẫy. Có nhiều người lấy làm ngạc nhiên tự hỏi sao người ta có thể giết người một cách dễ dàng, vì một vài câu nói như vật? Thật ra, những câu cãi vả ấy chỉ là một nguyên nhân phụ, một cơ hội vô nghĩa, mà nguyên nhân chính là lòng độc ác đã được huân tập, đã được nuôi dưỡng từ lâu trong nhiều trường hợp trước. Đó chỉ là một giọt nước thêm vào ly nước đã đầy làm cho nó tràn ra. Giọt nước sau cùng chỉ là một nguyên nhân phụ, nguyên nhân chính là ly nước đã đầy quá rồi. Cậu học sinh nói trên sở dĩ đã giết chị dâu một cách gần như vô nghĩa như thế, là do sự hung bạo đã được dồn góp lâu ngày rồi. Chắc chắn, cậu thuộc vào hạng “lưu manh”, đã nhiều lần dùng khóa xe đạp, dùng bàn tay sắt, hay con dao chó đánh lộn với những du đảng khác rồi. Cậu là hạng “dao búa” đã quen tay đấm đá, quen nhìn thấy máu rơi thịt đổ, đã dễ phẩn nộ trong những trường hợp bất như ý, nên đã trở thành một kẻ sát nhân giết chị dâu một cách tự nhiên như thế.

Và anh thợ cạo heo kia cũng vậy. Sở dĩ anh đâm người khách hàng kia không do dự là vì hằng ngày anh đã quen dùng dao đam vào họng heo, đã quen róc da xẻ thịt quá nhiều rồi, nên bây giờ anh không “gớm” tay đâm vào vào bụng người trong một cơn tức giận. Và nếu chúng ta đi tìm nguyên nhân xa hơn nữa, chắc chắn chúng ta sẽ biết thêm được rằng thuở nhỏ, anh cạo heo này, cũng như cậu học sinh kia, cũng đã thường hay bắt châu chấu, giết thằn lằn, tìm thích thú trong sự bắn chim, câu cá… nghĩa là đã quen với sự giết chóc sanh vật nhiều rồi, mà không được ai khuyên răn, cản trở.

Cho nên chúng ta đừng nên bắt chước một số người hời hợt, thường chê cười đạo Phật quá “lý tưởng”, quá “yếm thế”. quá “không tưởng” vì đã khuyên loài người đừng giết hại sinh vật. Có không giết hại sanh vật mới khỏi giết hại người. Đạo Phật sở dĩ được gọi là đạo hòa bình và đã thức hiện được một phần nào lòng từ bi của đức Phật, chính là ở giới bất sát này.

Chúng ta hãy nên thương xót lấy loài vật, đừng tàn nhẫn với chúng, để tập đừng tàn nhẫn với người. Khi chúng ta còn cần đến thịt cá, chúng ta đừng tự bào chữa rằng: “Vật dưỡng nhơn”, mà tự bảo rằng: “Ta còn thèm thịt cá, nên ta còn phải giết thú vật, ta giết chúng nhưng ta vẫn thương xót chúng, như là những kẻ đã hy sinh cho loài người.

Đức Khổng Tử, mặc dù còn ăn thịt, nhưng đã nói một câu bộc lộ được lòng nhân đức của ngài, và làm cho chúng ta vô cùng cảm phục: “Văn kỳ thinh, bất nhẫn thực kỳ nhục; kiến kỳ sinh, bất nhẫn kiến kỳ tử” (Nghe tiếng kêu là của con vật, không nỡ ăn thịt nó; thấy nó sống, không đành thấy nó chết).

Bây giờ đứng về phương diện xã hội mà xét, chúng ta sẽ thấy nếu nhân loại áp dụng được lời răn dạy này của đức Phật, thì cõi đời này sẽ vơi đi biết bao nhiêu là máu đào lệ nóng, sẽ bớt đi biết bao là lời than tiếng khóc, sẽ dập tắt được bao nhiêu là ngọn lửa căm thù đang nung nấu trong lòng người, bao nhiêu là ngọn lửa chiến tranh đang thiếu đốt công trình vĩ đại của nhân loại. Thật đúng như Tổ xưa đã dạy:

Nhất thiết chúng sanh vô sát nghiệp,
Thập phương hà xứ động đao binh.
Gia gia, hộ hộ đồng tu thiện,
Thiên hạ hà sầu bất thái bình.

Nghĩa là:

Hết thảy chúng sanh không nghiệp giết,
Mười phương nào có nỗi đao binh.
Mỗi nhà, mỗi chốn đều tu thiện,
Lo gì thiên hạ chẳng thái bình.

2.- Bây giờ chúng ta hãy nói đến phương thuốc đức Phật dạy trừ tham lợi:

Tất nhiên ở đây, trong giai đoạn đầu, đức Phật chỉ dạy ngăn ngừa sự tham lợi một cách bất chính, phi nhân, phi nghĩa mà thôi. Như chúng ta đã thấy ở đoạn trước, lòng tham lợi bất chính biến thể ra nhiều hình thức. Có hình thức trắng trợn, lộ liễu trực tiếp dùng võ lực giựt ngang của người, hay đào ngạch cạy cửa nhà người để trộm cắp. Có hình thức che đậy, gián tiếp dùng mưu kế thâm độc để lấy của người, như cho vay nặng lãi, tích trữ đầu cơ, cân non đong thiếu, ăn hối lộ v.v…

Nhưng dù hình thức nào, hễ lấy của người một cách phi nghĩa, đức Phật đều gọi là trộm cướp cả, và ngăn cấm đệ tử của ngài không được phạm đến.

Lời răn dạy này dựa trên tinh thần từ bi và công bằng.

Khi bị mất tiền bạc hay một vật gì quý báu, ta đau khổ thế nào, thì khi ta lấy của ai một vật gì, họ cũng đau khổ như thế. Ta không muốn đau khổ, thì lòng từ bi và công bằng cũng bắt buộc ta đừng làm cho kẻ khác phải đau khổ vì ta.

Một xã hội không có trộm cướp, bóc lột nhau mới có thể gọi là một xã hội văn minh. Trái lại, một xã hội, dù cơ khí tiến bộ đến đâu, dù đầy đủ tiện nghi đến đâu, dù khoa học phát triển đến đâu, mà người ta còn dựa trên mưu mô quỷ quyệt, trên sự khuynh loát, bóc lột nhau, trên sự lường gạt, cướp bóc nhau để làm giàu có, thì xã hội ấy vẫn còn là dã man, mọi rợ.

3.- Phương thuốc thứ ba của đức Phật nhằm vào sự ngăn ngừa bệnh tham sắc:

Căn bệnh này, như chúng ta đã thấy ở đoạn trước, cũng không kém phần nguy hại, nhất là khi nó biến chứng bệnh tà dâm.

Tà dâm tức là sự tham dục phi lễ, phi pháp. Phật dạy người xuất gia ly dục phải dứt hẳn dâm dục, còn người tại gia thì không được tà dục. Khi vợ chồng có cưới hỏi đủ lễ gọi là chánh; ngoài ra, lén lút lang chạ, làm việc phi pháp thì gọi là tà. Nhưng nếu vợ chồng chính thức đi nữa, mà ăn nằm không phải chỗ, gần gũi nhau không chừng mực, thì cũng thuộc về tà dâm cả. Đó là nói về mặt thô thiển. Nói về mặt vi tế, thì phàm sự phóng tâm đắm sắc, nghĩ ngợi bất chính, chơi bời lả lơi, cũng đều thuộc về loại tà dâm cả (Phật Học Phổ Thông khóa thứ nhất).

Sự ngăn cấm sắc dục nhằm mục đích giữ gìn hạnh phúc cho cá nhân và gia đình. Phật dạy: “Người ôm lòng ái dục cũng như kẻ cầm đuốc đi ngược gió, quyết bị nạn cháy tay” (Kinh Tứ Thập Nhị Chương). Thật vậy, người đắm say sắc dục, nếu không lâm bệnh nguy kịch, thì cũng sẽ chết yểu vì sự hoang chơi quá độ của mình, nếu không đau đớn khổ sở đến nỗi liều thân hủy mạng vì sự phụ rẫy của người yêu, thì cũng khó thoát khỏi được mũi dao, làn đạn của kẻ tình địch phủ phàng.

Nếu người đàn ông hay đàn bà đã có gia đình rồi mà còn đi lang chạ, thì hạnh phúc gia đình thế nào cũng phải tan rã. Hoặc người vợ phải ôm tủi nuốt hờn, hoặc người chồng phải đau khổ vì nhục nhã; hoặc nếu không thể chịu đựng được nhau, thì vợ chồng phải chia rẽ, con cái bơ vơ, theo cha thì bỏ mẹ, theo mẹ thì mất cha!

Cho nên tà dâm, mê đắm sắc dục là một mối nguy hại lớn nhất của hạnh phúc gia đình. Nếu giữ được giới tà dâm, sẽ có những lợi ích thiết thực sau đây:

– Sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) đều được toàn vẹn.

– Trọn đời được người kính trọng.

– Đoạn trừ hết cả phiền lụy quấy nhiễu,

– Cuộc tình duyên trọn đời không ai dám xâm phạm.

Về phương diện đoàn thể, một xã hội gồm những phần tử đoan chính, không đắm mê sắc dục, không hoang dâm, thì những điều thương luân bại lý, những cảnh thù hiềm chém giết sẽ không xảy ra, vợ chồng con cái sẽ sống hòa thuận an vui trong gia đình, bạn bè trọn niềm chung thủy.

4.- Phương thuốc thứ tư của đức Phật là ngăn ngừa sự dối trá, một tệ đoan gây tai hại không nhỏ cho cá nhân và xã hội:

Dối trá có bốn hình thức:

  1. Nói dối hay nói láo: Là nói không thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có; việc phải nói trái, việc trái nói phải; điều nghe nói không nghe, điều không nghe nói nghe; hoặc giả trước mặt khen dồi, sau lưng chê mạt; hay khi ưa thì dịu ngọt thơm tho, khi gét lại đắng cay chua chát. Tóm lại, ý nghĩ, lời nói và việc làm trước sau mâu thuẫn, bất nhất, đều gọi là nói dối cả.
  2. Nói thêu dệt: Là việc ít xít cho nhiều, làm cho người nghe nổi sân hận, là trau tria lời nói, chuốt ngót giọng hay, lên hơi xuống giọng cho êm tai mát dạ để cám dỗ người nghe, làm cho người ta say mê đắm nhiễn, cũng có khi là nói biếm, nói băm, nói châm chích, làm cho người nghe phải khổ sở. Tóm lại, bao nhiêu lời nói không đúng nghĩa chân thật, thêm bớt cho đến văn chương phù phiếm, bóng bẩy làm cho người nghe phải loạn tâm rối trí, sanh phiền não, đều gọi là nói thêu dệt cả.
  3. Nói lưỡi hai chiều: Hay nôm na hơn là nói “đòn xóc nhọn hai đầu” nghĩa là đến chỗ này thì về hùa với bên này, để nói xấu bên kia; đến bên kia thì về hùa với bên ấy, để nói xấu bên này, làm cho bạn bè đang thân nhau trở lại chống nhau, kẻ ân người nghĩa chống đối nhau, oán thù nhau.
  4. Nói lời hung ác: Là nói những tiếng thô tục, cộc cằn, chửi rủa làm cho người nghe phải đau khổ, buồn rầu, sợ hãi.

Đoạn định nghĩa về sự dối trá trên, chúng tôi đã trích trong tập “Phật Học Phổ Thông khóa I”, cũng đã cho chúng ta thấy được hình thức phức tạp, muôn mặt của sự dối trá, và sự tai hại, nguy hiểm của nó.

Đức Phật đã nhận thấy rõ cái tầm phá hoại lớn lao của dối trá đời sống tập đoàn, nên ngài đã ngăn cấm không cho đệ tử của ngài sử dụng cái khí giới tai hại ấy.

Có người bảo rằng: “Sống trong xã hội ngày nay mà thành thật, ngay thẳng quá thì không thể làm ăn được và dễ bị người ta lừa phỉnh”. Do cái quan niệm sai lầm ấy, mà không ai thành thật với ai cả; ai cũng tìm cách để lừa dối người khác. Và cuối cùng xã hội là một trường nói dối, lừa đảo nhau, không ai còn tin ai được nữa.

Mỗi người sống với một lớp sơn bên ngoài, với một cái mặt nạ, với những lời nói không phát ra tự thâm tâm của mình, những cử chỉ điệu bộ mượn chát, chẳng khác gì những kịch sĩ trên sân khấu!

Cuộc đời đã bị vô minh che lấp bản tánh chân thật, làm cho loài người đã điên đảo khổ đau, lại còn bị sự lừa đảo dối gạt, bưng bít sự thật nữa, thì không biết đến bao giờ loài người mới tìm thấy được sự an vui, thanh tịnh.

Cho nên ngăn cấm sự dối trá là một điều cần thiết, để nhân loại lần hồi tìm hiểu biết nhau hơn, để cõi đời không còn là một chợ đời gồm những kẻ buôn dối bán trá nữa.

5.- Phương thuốc thứ năm mà đức Phật dùng để ngăn ngừa bệnh si mê, cuồng loạn:

Là sự cấm tuyệt đệ tử của ngài ăn uống những thức ăn có chất làm rối loạn trí óc. Tất nhiên ở đây chỉ mới ngăn ngừa không cho si mê thêm, chứ chưa phải là trừ tuyệt được si mê. Muốn trừ tuyệt si mê, cần phải tu học nhiều hơn nữa. Nhưng đối với những kẻ sơ cơ, ngăn chận không cho sự si mê cuồng loạn khuấy phá cuộc đời thêm nữa, cũng đã quý lắm rồi.

Trong các thức ăn uống làm rối loạn trí óc, rượu là thứ nguy hiểm nhất. Những tai hại do rượu gây ra cho nhân loại không thể nói hết. Những cuộc cãi vã đánh lộn phần nhiều đều có hơi rượu pha vào; các cuộc chém giết, các tai nạn xe cộ đa số có bóng dáng của ma men. Những đứa con khẳn khiu, khờ khạo, mất trí, điên cuồng phần nhiều là nạn nhân của tửu thần.

Trừ rượu là trừ được một phần lớn những nguyên nhân gây rối loạn cho chính mình, cho gia đình và xã hội.

Về phương diện cá nhân, người không uống rượu tránh được nhiều điều hại như: không mất tiền của, ít mang bệnh tật, không sinh lòng ác độc, ít nóng giận, trí tuệ tăng trưởng, tuổi thọ cao…

Về phương diện đoàn thể, mọt gia đình không có người rượu chè, thì gia đình được an vui, con cái ít bệnh tật ngu đần, một xã hôi không có người nghiệm rượu, thì xã hội ấy được hòa bình, nói giống được hùng cường.

PHẦN TỔNG KẾT

Năm phương thuốc trên này, không nói, chắc bạn cũng biết đó là “Ngũ giới”, năm điều răn cấm của đức Phật đối với hàng Phật tử tại gia. Nó không có gì cao siêu huyền bí. So sánh với đạo Nho, thì nó chẳng khác “Ngũ thường”:

– Không sát sinh chính là Nhân.

– Không trộm cướp chính là Nghĩa.

– Không tàm dâm chính là Lễ.

– Không uống rượu chính là Trí.

– Không nói dối chính là Tín.

Nhưng Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín không được minh định một cách rõ ràng dứt khoát, khẳng định như ngũ giới. Ngũ giới có thể áp dụng chung cho tất cả mọi người; chứ ngũ thường chỉ riêng có kẻ sĩ, người quân tử mới hiểu rõ và làm được.

Ngũ giới, mặc dù là những giáo điều của đức Phật đối với đệ tử của ngài, nhưng vẫn có thể đem ra áp dụng chug cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới.

Chúng ta có thể ước ao rằng: nếu toàn thể nhân loại đều áp dụng ngũ giới, thì bộ mặt của thế giới này hoàn toàn thay đổi một cách vô cùng tốt đẹp.

1.- Mọi cuộc chém giết sẽ không diễn ra hàng ngày, máu sẽ không đổ, thịt không rơi; nhân loại sẽ không xô đẩy nhau vào lò sát sanh của chiến tranh.

2.- Không ai lo sự bị mất mát, cướp giật của cải; vật để rơi không ai lấy, ban đêm cửa không cần đóng, tiền bạc không cần thu dấu… Lao tù không cần phải xây dựng, vì không có tù nhân trộm cướp và thế giới các nước không còn xâm lăng lẫn nhua.

3.- Những cảnh tượng dâm dật, cưỡng hiếp, những cuộc ghen tương, chép giết nhau giữa tình địch không xảy ra. Chồng vợ sống với nhau trong lễ nghĩa, chung thủy; con cái được sum vầy trong gia đình với cha mẹ, anh em.

4.- Những cảnh dối trá, lường gạt không diễn ra hàng ngày. Từ trong gia đình ra đến xã hội, từ những cuộc hùn hạp nho nhỏ cho đến những công ty lớn lao, ở đâu người ta cũng tin cậy nhau, trung thành với nhau. Những tình cảm chân thật được phát lộ, mọi lòng dạ được cởi mở, hòa vui.

5.- Những cảnh tượng tàn phá rùng rợn, bỉ ổi do ma men khuấy động sẽ được chấm dứt. Loài người sẽ hoạt động trong sự yên vui bình tĩnh của tâm hồn, trong sự sáng suốt của trí tuệ.

Một thế giới đẹp đẽ như thế, cũng có thể gọi được là “thế giới hoàng kim” lắm phải không các bạn?

Vậy chúng ta, mọi người, còn đợi gì nữa mà không thi hành ngũ giới, “năm yếu tố hòa bình của Phật giáo”.

Viết xong ngày rằm tháng bảy,
năm Tân Sửu (1961)

Hoằng Pháp.

– HẾT –

Source: thuvienhoasen

Chuyen den trang: 1 , 2,  3,  4,